Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm XXVI: Quán về Mười hai nhân duyên (gồm 9 bài kệ)

15/04/201318:09(Xem: 8578)
Phẩm XXVI: Quán về Mười hai nhân duyên (gồm 9 bài kệ)

TRUNG LUẬN

(Madhyamaka Sastra)
Tác giả: Nagaruna
Dịch và chú giải:
HT Thích Thiện Siêu

---o0o---

PHẨM XXVI:QUÁN VỀ
MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN.

(Gồm 9 bài kệ)

Hỏi:Ông (chỉ luận chủ) nói về đạo Đệ nhất nghĩa trong Đại thừa giáo, nay tôi muốn nghe nói pháp Thanh văn đưa vào đạo Đệ nhất nghĩa (chân lý tuyệt đối) ?

Đáp:

1. Chúng sinh bị ngu si che lấp, làm khởi lên ba hành nghiệp, vì khởi lên hành nghiệp ấy, nên phải theo hành nghiệp mà đi vào sáu nẽo.

2. Vì nhân duyên của các hành nghiệp, nên nghiệp thức phải chịu mang thân trong sáu nẽo, vì có thức đắm trước nên làm tăng trưởng danh và sắc.

3. Do danh, sắc tăng trưởng, nên sinh ra sáu nhập, sáu căn, sáu trần và sáu thức hòa hợp mà sinh ra sáu xúc.

4. Nhân sáu xúc liền sinh ra ba thọ, nhân ba thọ mà sinh ra khát ái .

5. Nhân khát ái mà có bốn thủ, nhân thủ mà có hữu, nếu người chấp thủ mà không chấp thủ, thời được giải thoát không có hữu.

6. Do hữu mà có sinh, do sinh mà có già chết, do già chết nên có các khổ não buồn lo.

7. Các việc như vậy đều do sinh mà có, chỉ vì nhân duyên ấy mà tập thành thân ngũ uẩn đại khổ.

8. Như thế gọi là sinh tử, do các hành nghiệp làm cội gốc, người vô minh gây tạo, còn người trí thì không làm.

9. Do sự này diệt, nên sự kia không sinh; chỉ khi nào thân năm uẩn đau khổ được tịch diệt không sinh, như vậy mới là thật diệt.

Hàng phàm phu vì bị vô minh che mờ nên do nghiệp thân, miệng, ý khởi lên "các hành" đưa đến thọ thân sau ở trong sáu nẽo; tùy các hành khởi lên có thượng, trung, hạ mà "thức" tùy các hành nhập vào sáu nẽo thọ thân; vì nhân duyên của thức chấp đắm nên có "danh sắc" tập lại; vì danh sắc tập lại nên có "sáu nhập"; vì nhân duyên sáu nhập nên có "sáu xúc"; vì nhân duyên sáu xúc nên có "ba thọ"; vì nhân duyên ba thọ nên sinh "khát ái"; vì nhân duyên khát ái nên có "bốn thủ" (bốn thủ là: 1. Dục thủ tức chấp thủ năm dục; 2. Kiến thủ tức chấp thủ ngã kiến, biên kiến đối với thân năm uẩn; 3. Giới cấm thủ tức chấp thủ giới luật tà vạy của ngoại đạo; 4. Ngã ngữ thủ tức chấp thủ ngã kiến, ngã mạn thông qua ngôn ngữ); khi bốn thủ chấp thủ thì nghiệp thân, miệng, ý khởi lên tội phước, làm cho "ba hữu" đời sau tiếp nối; từ hữu mà có "sinh"; từ sinh mà có "già chết"; từ già chết mà ưu bi khổ não, các thứ hoạn nạn; chỉ có tập hợp thân năm uẩn đại khổ. Thế nên biết chính sự vô trí của kẻ phàm phu là cội gốc, khởi lên các hành nghiệp đưa đến sinh tử, còn người trí không khởi nghiệp, vì như thật thấy, nên "vô minh" phải diệt, vì vô minh diệt nên "các hành" cũng diệt; vì nhân diệt nên quả diệt, do có trí tu tập quán mười hai nhân duyên sinh diệt như vậy, nên sinh diệt diệt, vì sinh diệt diệt nên cho đến năm uẩn già chết ưu bi đại khổ đều như thật chính thức diệt. Chính thức diệt là rốt ráo diệt. Nghĩa mười hai nhân duyên sinh diệt này, như trong kinh A-tỳ-đàm đã nói rộng.

*

Tóm tắt phẩm XXVI:Quán về
Mười hai nhân duyên.

Phẩm quán mười hai nhân duyên này và phẩm quán tà kiến tiếp sau là tương ứng với câu kệ “nói lên được lý nhân duyên ấy, khéo dứt trừ các thứ hý luận; năng thuyết thị nhân duyên, thiện diệt chư hý luận” ở phẩm quán nhân duyên trước kia. Người tu hành không luận là Thanh văn, Bồ-tát trước phải có được trí pháp trụ tức là trí biết pháp duyên sinh biết rõ danh tướng duyên khởi nhân quả một cách chính xác, sau mới có được trí Niết-bàn. Theo ngài Long Thọ thì “trước phân biệt nói các pháp, sau nói rốt ráo không” hay “không phá hoại giả danh, mà nói thật tướng”. Song ở luận này 25 phẩm về trước đặc biệt chú trọng phát huy Niết-bàn, cốt dẫn dắt người ta ngộ nhập Niết-bàn không tịch, nên phần nhiều nói về pháp tính không, như vậy không tránh khỏi bị hiểu lầm cho là bỏ qua trí pháp trụ, tức bỏ quả danh tướng nhân quả sai biệt. Cho nên có phẩm này để đặc biệt thuyết minh điểm ấy.

Phẩm nấy gồm có: 1. Xét về qui luật duyên khởi lưu chuyển (kệ 1 đến kệ 7). 2. Xét về qui luật duyên khởi hoàn diệt(kệ 8,9)


---o0o---

Trình bày : Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567