Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương Tám Pháp (1- 5)

15/04/201317:17(Xem: 7397)
Chương Tám Pháp (1- 5)

Kinh Tăng Chi Bộ

Chương Tám Pháp (1- 5)

Hòa Thượng Thích Minh Châu

Nguồn: Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch

I. PHẨM TỪ

(I)(1) TỪ

1. Như vầy tôi nghe :

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvavatthì, tại Jetavanna, khu vườn Ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo : "Này các Tỷ-kheo". "Thưa vâng, bạch Thế Tôn".

Các tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế tôn nói như sau :

2. - Với từ tâm giải thoát, này các Tỷ-kheo, được sử dụng, được tu tập, được làm cho sung mãn, được làm như cỗ xe, được làm như căn cứ địa, được tùy trú, được tích tập, được khéo tác thành, thời chờ đợi là có tám lợi ích. Thế nào là tám ?

3. Ngủ được an lạc, dậy được an lạc, không thấy ác mộng, được người ái mộ, được phi nhân ái mộ, được chư Thiên hộ trì, lửa hay thuốc độc hay kiếm không gia hại, nếu không thông đạt thượng vị, đạt được Phạm Thiên giới. Với từ tâm giải thoát, này các Tỷ-kheo, được sử dụng, được tu tập, được làm cho sung mãn, được làm như cỗ xe, được làm như căn cứ địa, được tùy trú, được tích tập, được khéo tác thành, thời chờ đợi là có tám lợi ích này.

Ai tu tập từ tâm
Vô lượng thường ức niệm
Các kiết sử yếu dần
Thấy được sanh y diệt
Với tâm không ác độc
Từ mẫn mọi chúng sanh
Do vậy, vị ấy thành
Bậc thuần nhất chí thiện
Với tâm ý từ mẫn
Đối với mọi chúng sanh
Bậc Thánh khéo thực hiện
Nhiều công đức tốt lành
Sau khi đã chinh phục
Rất đông đảo loài người
Các ẩn sĩ vua chúa
Theo nghi lễ tế tự
Lễ tế ngựa tế người
Lễ uống nước thắng trận
Lề ném cầu may rủi
Lễ rút lui khóa cửa
Không được phần mười sáu
Bậc khéo tu từ tâm
Như ánh sáng mặt trăng
Đối với các quần sao
Không giết, không bảo giết
Không thắng, không bảo thắng
Từ tâm mọi chúng sanh
Không hận thù với ai

(II)(2) TUỆ

1. - Này các Tỷ-kheo, có tám nhân này, có tám duyên này, khiến căn bản Phạm hạnh chưa chứng được có thể chứng được với trí tuệ, nếu chứng được thời đưa đến tăng trưởng, tăng rộng, được tu tập, được viên mãn. Thế nào là tám ?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống dựa trên bậc Đạo sư hay bậc đồng Phạm hạnh đóng vai trò y chỉ sư, ở đây được an trú tàm quý một cách sắc sảo, được ái mộ, được kính trọng. Này các Tỷ-kheo, đây là nhân thứ nhất, duyên thứ nhất khiến căn bản Phạm hạnh chưa chứng được có thể chứng được với trí tuệ, nếu chứng được thời đưa đến tăng trưởng, tăng rộng, được tu tập, được viên mãn.

3. Vị ấy do sống dựa trên bậc Đạo sư hay bậc đồng Phạm hạnh đóng vai trò y chỉ sư, ở đây được an trú tàm quý một cách sắc sảo, được ái mộ, được kính trọng, thường đi đến họ hỏi đi hỏi lại : "Thưa Tôn giả, cái này là thế nào ? Ý nghĩa cái này là gì ? " Các Tôn giả ấy mở rộng cái gì không được mở rộng, phơi bày những gì không được phơi bày, và đối với những pháp còn đang nghi vấn, họ giải tỏa những nghi vấn. Này các Tỷ-kheo, đây là nhân thứ hai, duyên thứ hai khiến căn bản Phạm hạnh chưa chứng được có thể chứng được với trí tuệ, nếu chứng đư��c thời đưa đến tăng trưởng, tăng rộng, được tu tập, được viên mãn.

4. Vị ấy sau khi nghe pháp, cố gắng thành tựu hai sự an tịnh : Thân an tịnh và tâm an tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây là nhân thứ ba … được viên mãn.

5. Vị ấy có giới đức, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập các học pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là nhân thứ tư … được viên mãn.

6. Vị ấy nghe nhiều, thọ trì điều đã nghe, chất chứa điều đã nghe ; những pháp ấy, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa lý văn cú tự túc đề cao đời sống Phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh ; những pháp ấy, vị ất đã nghe nhiều, đã nắm giữ, đã ghi nhớ tụng đọc nhiều lần, chuyên ý quán sát, khéo thể nhập chánh kiến. Này các Tỷ-kheo, đây là nhân thứ năm … được viên mãn.

7. Vị ấy tinh cần tinh tấn, để đoạn tận các pháp bất thiện, đề làm sanh khởi các pháp thiện, nỗ lực kiên trì, không bỏ rơi gánh nặng đối với các pháp thiện. Này các Tỷ-kheo, đây là nhân thứ sáu… được viên mãn.

8. Vị ấy đi đến chư Tăng, không là người nói nhiều, không nói chuyện phù phiếm, tự mình nói pháp hay mời người khác nói, không khinh thường sự im lặng của bậc Thánh. Này các Tỷ-kheo, đây là nhân thứ bảy … được viên mãn.

9. Vị ấy sống tùy quán sanh diệt trong năm thù uẩn : "Đây là sắc, đây là sắc tập khởi ; đây là sắc chấm dứt ; Đây là thọ, đây là thọ tập khởi ; đây là thọ chấm dứt ; đây là tưởng … đây là hành … Đây là thức, đây là thức tập khởi ; đây là thức chấm dứt". Này các Tỷ-kheo, đây là nhân thứ tám, duyên thứ tám, khiến căn bản Phạm hạnh chưa chứng được có thể chứng được với trí tuệ, nếu chứng được thời đưa đến tăng trưởng, tăng rộng, được tu tập, được viên mãn.

10. Các vị đồng Phạm hạnh quý mến vị ấy như sau : " Tôn giả này sống nương tựa vào bậc Đạo sư hay một vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò y chỉ sư, ở đây được an trú tàm quý một cách sắc sảo, được ái mộ, được kính trọng. Thật vậy, Tôn giả này biết điều đáng biết thấy điều đáng thấy". Đây là pháp đưa đến được ái mộ, được cung kính, được tu tập, đưa đếm Sa-môn hạnh, nhứt tâm thuần nhất.

11. Tôn giả này sống nương tựa vào bậc Đạo sư, hay bậc đồng Phạm hạnh đóng vai trò y chỉ sư, ở đây được an trú tàm quý một cách sắc sảo, được ái mộ, được kính trọng … (như số 3 ở trên) … họ giải tỏa những nghi vấn ấy. Đây là pháp đưa đến được ái mộ, được cung kính, được tu tập, đưa đếm Sa-môn hạnh, nhứt tâm thuần nhất.

12. Tôn giả này sau khi nghe pháp (như số 4 ở trên) … tâm an tịnh. Đây là pháp đưa đến được ái mộ, được cung kính, được tu tập, đưa đếm Sa-môn hạnh, nhứt tâm thuần nhất.

13. Tôn giả này có giới đức … (như số 5 ở trên) … học tập trong các học pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là pháp … thuần nhất.

14. Tôn giả này nghe nhiều … (như số 6) … khéo thành tựu chánh kiến. Đây là pháp … thuần nhất.

15. Tôn giả này sống tinh cần tinh tấn … (như số 7 ở trên) … đối với các pháp thiện. Đây là pháp … thuần nhất.

16. Tôn giả này đi đến Tăng chúng … (như số 8 ở trên) … sự im lặng của bậc Thánh. Đây là pháp … thuần nhất.

17. Tôn giả này sống tùy quán sanh diệt trong năm thù uẩn… (như số 9 ở trên) … đây là thức chấm dứt, đây là pháp đưa đến được ái mộ, được cung kính, được tu tập, đưa đến Sa-môn hạnh, nhứt tâm thuần nhất.

Này các Tỷ-kheo, tám nhân này, tám duyên này khiến cho căn bản Phạm hạnh chưa chứng được có thể chứng được với trí tuệ, nếu chứng được thời đưa đến tăng trưởng, tăng rộng, được tu tập, được viên mãn.

(III)(3) CÁC PHÁP KHÔNG ĐƯỢC ÁI MỘ (1)

1. - Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không được các đồng Phạm hạnh ái mộ, thích ý, kính trọng và bắt chước. Thế nào là tám ?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tán thán những người không được ái mộ, chỉ trích những người được ái mộ, ưa lợi dưỡng, ưa được cung kính, không có lòng xấu hổ, không có sợ hãi, ác dục và có tà kiến.

Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không được các đồng Phạm hạnh ái mộ, thích ý, kính trọng và bắt chước.

3. Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo được các đồng Phạm hạnh ái mộ, thích ý, kính trọng và bắt chước. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tám ?

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không tán thán những người không được ái mộ, không chỉ trích những người được ái mộ, không ưa lợi dưỡng, không ưa được cung kính, có lòng xấu hổ, có sợ hãi, ít dục và có chánh kiến.

Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo được các đồng Phạm hạnh ái mộ, thích ý, kính trọng và bắt chước.

(IV) (4) CÁC PHÁP KHÔNG ĐƯỢC ÁI MỘ (2)

1. - Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không được các đồng Phạm hạnh ái mộ, thích ý, kính trọng và bắt chước. Thế nào là tám ?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ưa lợi dưỡng, ưa cung kính, ưa được tán thán, không biết thời, không biết vừa đủ, không trong sạch, nói nhiều, mắng nhiếc quở trách đối với các đồng Phạm hạnh.

Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không được các đồng Phạm hạnh ái mộ, thích ý, kính trọng và bắt chước.

3. Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo được các đồng Phạm hạnh ái mộ, thích ý, kính trọng và bắt chước. Thế nào là tám ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không ưa lợi dưỡng, không ưa cung kính, không ưa được tán thán, biết thời, biết vừa đủ, trong sạch, không nói nhiều, không mắng nhiếc quở trách đối với các đồng Phạm hạnh.

Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo được các đồng Phạm hạnh ái mộ, thích ý, kính trọng và bắt chước.

(V詠(5) TÙY CHUYỂN THẾ GIỚI (1)

1. - Tám pháp thế gian này, này các Tỷ-kheo, tùy chuyển thế giới. Thế giới tùy chuyển theo tám pháp thế gian này. Thế nào là tám ?

2. Lợi dưỡng và không lợi dưỡng, danh vọng và không danh vọng, chỉ trích và tán thán, lạc và khổ.

Tám pháp thế gian này, này các Tỷ-kheo, tùy chuyển thế giới. Thế giới tùy chuyển theo tám pháp thế gian này.

Lợi dưỡng, không lợi dưỡng,
Danh vọng, không danh vọng
Chỉ trích và tán thán
An lạc và đau khổ
Những pháp này vô thường
Không thường hằng biến diệt
Biết chúng giữ chánh niệm
Bậc trí quán biến diệt
Pháp khả ái, không động
Không khả ái, không sân
Các pháp thuận hay nghịch
Được tiêu tan không còn
Sau khi biết con đường
Không trấn cấu không sầu
Chơn chánh biết sanh hữu
Đi đến bờ bên kia

(VI)(6) TÙY CHUYỂN THẾ GIỚI (2)

1.- Tám thế gian pháp này, này các Tỷ-kheo, tùy chuyển thế giới. Thế giới tùy chuyển theo tám pháp thế gian này. Thế nào là tám ?

2. Lợi dưỡng và không lợi dưỡng, danh vọng và không danh vọng, chỉ trích và tán thán, an lạc và đau khổ.

Tám pháp thế gian này, này các Tỷ-kheo, tùy chuyển thế giới. Thế giới tùy chuyển theo tám pháp thế gian này.

3. Với kẻ phàm phu không nghe pháp, này các Tỷ-kheo, sanh ra lợi dưỡng, không lợi dưỡng, danh vọng, chỉ trích, tán thán, an lạc, đau khổ. Với vị Thánh đệ tử nghe pháp, cũng sanh ra lợi dưỡng, không lợi dưỡng, danh vọng, chỉ trích, tán thán, an lạc, đau khổ.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có đặc thù gì, thù thắng gì, có sai khác gì giữa vị Thánh có nghe pháp và kẻ phàm phu có không nghe pháp ?

- Bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm chỉ đạo, lấy Thế Tôn làm chỗ nương tựa. Lành thay, bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn giảng cho ý nghĩa của lời nói này. Sau khi nghe Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.

- Vậy này các Tỷ-kheo, hãy lắng nghe và suy niệm kỹ, ta sẽ nói.

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế tôn nói như sau :

4. - Với kẻ phàm phu không nghe pháp, này các Tỷ-kheo, khởi lên lợi dưỡng. Vị ấy không có suy tư : "Lợi dưỡng này khởi lên nơi ta, lợi dưỡng ấy vô thường, biến hoại". Vị ấy không như thật rõ biết … khởi lên không lợi dưỡng … khởi lên danh vọng … khởi lên không danh vọng … khởi lên chỉ trích … khởi lên tán thán … khởi lên an lạc … khởi lên khổ đau. Vị ấy không có suy tư : "Khổ này khởi lên nơi ta, khổ ấy là vô thường khổ, biến hoại". Vị ấy không như thật rõ biết, rằng lợi dưỡng xâm nhập tâm của người ấy và an trú, không lợi dưỡng xâm nhập tâm của người ấy và an trú, danh vọng xâm nhập tâm của người ấy và an trú, không danh vọng xâm nhập tâm của người ấy và an trú, chỉ trích xâm nhập tâm của người ấy và an trú, tán thán xâm nhập tâm của người ấy và an trú, an lạc xâm nhập tâm của người ấy và an trú, đau khổ xâm nhập tâm của người ấy và an trú". Người ấy thuận ứng với lợi dưỡng được khởi lên và nghịch ứng với không lợi dưỡng ; thuận ứng với danh vọng được khởi lên và nghịch ứng với không danh vọng ; thuận ứng với tán thán được khởi lên và nghịch ứng với chỉ trích ; thuận ứng với an lạc được khởi lên và nghịch ứng với đau khổ ; Người ấy đầy đủ thuận ứng, nghịch ứng như vậy, không có giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng, người ấy không thoát khỏi khổ.

5. Với vị Thánh đệ tử có nghe pháp, này các Tỷ-kheo, khởi lên lợi dưỡng. Vị ấy có suy tư : "Lợi dưỡng này khởi lên nơi ta, lợi dưỡng ấy vô thường, biến hoại". Vị ấy như thật rõ biết … khởi lên không lợi dưỡng … khởi lên danh vọng … khởi lên không danh vọng … khởi lên chỉ trích … khởi lên tán thán … khởi lên an lạc … khởi lên khổ đau. Vị ấy có suy tư : "Khổ này khởi lên nơi ta, khổ ấy là vô thường khổ, biến hoại". Vị ấy như thật rõ biết, rằng lợi dưỡng này không xâm nhập tâm của vị ấy và an trú, lợi dưỡng xâm nhập tâm của người ấy và an trú, danh vọng xâm nhập tâm của người ấy và an trú, không danh vọng xâm nhập tâm của người ấy và an trú, chỉ trích xâm nhập tâm của người ấy và an trú, tán thán xâm nhập tâm của người ấy và an trú, an lạc xâm nhập tâm của người ấy và an trú, đau khổ xâm nhập tâm của người ấy và an trú". Người ấy không thuận ứng với lợi dưỡng được khởi lên và không nghịch ứng với không lợi dưỡng ; không thuận ứng với danh vọng được khởi lên và không nghịch ứng với không danh vọng ; không thuận ứng với tán thán được khởi lên và không nghịch ứng với chỉ trích ; không thuận ứng với an lạc được khởi lên và không nghịch ứng với đau khổ ; Vị ấy do đoạn tận thuận ứng, nghịch ứng như vậy, nên giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng, vị ấy thoát khỏi khổ.

Đây là đặc thù, này các Tỷ-kheo, đây là thù thắng, đây là sai biệt giữa vị Thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp.

Lợi dưỡng, không lợi dưỡng,
Danh vọng, không danh vọng
Chỉ trích và tán thán
An lạc và đau khổ
Những pháp này vô thường
Không thường hằng biến diệt
Biết chúng giữ chánh niệm
Bậc trí quán biến diệt
Pháp khả ái, không động
Không khả ái, không sân
Các pháp thuận hay nghịch
Được tiêu tan không còn
Sau khi biết con đường
Không trấn cấu không sầu
Chơn chánh biết sanh hữu
Đi đến bờ bên kia

(VII)(7) DEVADATTA

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá) trên núi Gijjhakùta (Linh Thứu) sau khi Devadatta bỏ đi không bao lâu. Tại đấy, nhân việc Devadatta, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo :

2. - Lành thay, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thường thường quan sát sự vi phạm của mình. Lành thay, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thường thường quan sát sự vi phạm của người khác. Lành thay, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thường thường quan sát sự chứng đạt của mình. Lành thay, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thường thường quan sát sự chứng đạt của người khác. Do bị tám phi diệu pháp chinh phục, tâm bị xâm chiếm, này các Tỷ-kheo, Devadatta bị rơi vào đọa xứ, địa ngục, sống tại đấy cả một kiếp, không được cứu khỏi. Thế nào là tám ?

3. Này các Tỷ-kheo, bị lợi dưỡng chinh phục, tâm bị xâm chiếm, Devadatta bị sanh vào đọa xứ, địa ngục sống tại đấy cả một kiếp, không được cứu khỏi. Này các Tỷ-kheo, không bị lợi dưỡng chinh phục, … bị danh vọng chinh phục … bị không danh vọng chinh phục … bị cung kính chinh phục … bị không cung kính chinh phục… bị ác dục chinh phục … bị ác bằng hữu chinh phục, tâm bị xâm chiếm, Devadatta bị rơi vào đọa xứ, địa ngục, sống tại đấy cả một kiếp, không được cứu khỏi.

4. Lành thay, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống chinh phục lợi dưỡng được sanh khởi … không lợi dưỡng được sanh khởi … danh vọng được sanh khởi … không danh vọng được sanh khởi … cung kính được sanh khởi … không cung kính được ác dục được sanh khởi … ác bằng hữu được sanh khởi … Và này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do duyên mục đích gì cần phải sống chinh phục lợi dưỡng được sanh khởi … ?

Này các Tỷ-kheo, do sống không chinh phục, lợi dưỡng được khởi lên, các lậu hoặc tổn hại nhiệt não sanh khởi. Do sống chinh phục, lợi dưỡng được khởi lên, các lậu hoặc tổn hại nhiệt não ấy không có mặt. Này các Tỷ-kheo, do sống không chinh phục không lợi dưỡng được khởi lên, … danh vọng được khởi lên … cung kính được khởi lên … không cung kính được khởi lên … ác dục được khởi lên … ác bằng hữu được khởi lên, các lậu hoặc hại nhiệt não sanh khởi. Do sống chinh phục ác bằng hữu khởi lên, như vậy các lậu hoặc tổn hại nhiệt não ấy không có mặt. Này các Tỷ-kheo, do duyên mục đích này, Tỷ-kheo sống chinh phục, lợi dưỡng được khởi lên, … danh vọng được khởi lên … cung kính được khởi lên … không cung kính được khởi lên … ác dục được khởi lên … ác bằng hữu được khởi lên. Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập như sau :

5. "Ta sẽ sống chinh phục lợi dưỡng được khởi lên … không lợi dưỡng được khởi lên … danh vọng được khởi lên … không danh vọng được khởi lên … cung kính được khởi lên … không cung kính được khởi lên … ác dục được khởi lên … ác bằng hữu được khởi lên". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.

(VIII) (8) TÔN GIẢ UTTARA

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Mahisavatthu, trên núi Sankheyyaka, tại Dhavajàlikà. Lúc bấy giờ, Tôn giả Uttara bảo các Tỷ-kheo …

2. Lành thay, này chư hiền, Tỷ-kheo thường thường quan sát sự vi phạm của mình. Lành thay, này chư Hiền, Tỷ-kheo thường thường quan sát sự vi phạm của người khác. Lành thay, này chư Hiền, Tỷ-kheo thường thường quan sát sự thành đạt của mình. Lành thay, này chư Hiền, Tỷ-kheo thường thường quan sát sự thành đạt của người khác.

3. Lúc bấy giờ, đại vương Vessavana đang đi từ phương Bắc đến phương nam, vì một vài công việc, đại vương Vessavana nghe Tôn giả Uttara trú ở Mahisavatth, trên núi Sankheyyaka, tại Dhavajàlikà thuyết pháp như vậy cho các Tỷ-kheo, : "Lành thay, này chư Hiền, Tỷ-kheo thường thường quan sát … sự thành đạt của người khác".

4. Rồi đại vương Vessavana như người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra, cũng vậy biến mất ở Mahisavatthu, trên núi Sankheyyaka, ở Dhavajàlikà và hiện ra trước mặt chư Thiên ở cõi Ba mươi ba. Rồi đại vương Vessavana đi đến Thiên chủ Sakka ; sau khi đến nói với Thiên chủ Sakka :

- Ngài có biết chăng tham gia Uttara tại Mahisavatthu, trên núi trên núi Sankheyyaka, tại Dhavajàlikà thuyết pháp cho các Tỷ-kheo như sau : "Lành thay, này chư Hiền, Tỷ-kheo thường thường quan sát … sự thành đạt của người khác".

5. Rồi Thiên chủ Sakka như người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra, cũng vậy biến mất trước chư Thiên cõi trời Ba mươi ba, hiện ra ở Mahisavatthu, trên núi trên núi Sankheyyaka, tại Dhavajàlikà, trước mặt Tôn giả Uttara. Rồi Thiên chủ Sakka đi đến Tôn giả Uttara ; sau khi đến đảnh lễ tôn giả Uttara rồi đứng một bên. Đứng một bên, Thiên chủ Sakka nói với Tôn giả Uttara :

- Thưa Tôn giả, đây là Tôn giả Uttara tự nói hay là lời của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ?

6. - Vậy này Thiên chủ, ta sẽ làm một ví dụ cho người. nhờ ví dụ ở đây, một số những người có trí hiểu rõ ý nghĩa của lời nói. Ví như, này Thiên chủ, có một đống lúa lớn không xa làng, hay thị trấn, và quần chúng từ nơi đống lúa ấy mang lúa đi, hoặc trên đòn gánh, hoặc trong thùng, hoặc bên hông, hoặc với bàn tay. Này Thiên chủ, nếu có ai đến đám quần chúng ấy và hỏi như sau : "Các người mang lúa này từ đâu ? " Này Thiên chủ, đám quần chúng ấy phải đáp như thế nào để có thể đáp một cách chơn chánh ?

- Thưa Tôn giả, đám quần chúng ấy muốn đáp một cách chơn chánh, cần phải đáp như sau : "Thưa Tôn giả, chúng tôi mang lúa từ nơi đống lúa lớn này".

Cũng vậy, này Thiên chủng, điều gì khéo nói, tất cả là lời nói của Thế Tôn ấy, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác. Dựa trên lời ấy, dựa lên trên ấy, chúng tôi và các người khác nói lên.

7. Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả ! Thật hy hữu thay, thưa Tôn giả ! Thật là khéo nói là lời nói này của Tôn giả Uttara : "Tất cả là lời nói của Thế Tôn ấy, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác. Dựa trên lời ấy, dựa lên trên ấy, chúng tôi và các người khác n��i lên ". Một thời, thưa Tôn giả Uttara, Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá) tại núi Gijjhakùta, sau khi Devadatta bỏ đi không bao lâu. Tại đấy, Thế Tôn nhân việc Devadatta, bảo các Tỷ-kheo :

Lành thay, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thường thường quan sát … sự vi phạm của mình … (xem 7, 2) … sống tại đấy cả một kiếp, không thể cứu khỏi.

"Lành thay, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống có thể chinh phục lợi dưỡng được sanh khởi, … không lợi dưỡng được sanh khởi … danh vọng được sanh khởi … không danh vọng được sanh khởi … cung kính được sanh khởi … không cung kính được sanh khởi … ác dục được sanh khởi … ác bằng hữu được sanh khởi … "

8. "và này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do duyên mục đích gì phải sống chinh phục lợi dưỡng được khởi lên ? Này các Tỷ-kheo, do sống không chinh phục lợi dưỡng được khởi lên, các lậu hoặc, các tổn hại, nhiệt não sanh khởi. Do sống chinh phục lợi dưỡng được khởi lên, như vậy, các lậu hoặc, các tổn hại, nhiệt não không có mặt. Này các Tỷ-kheo, do sống chinh phục không lợi dưỡng được khởi lên … danh vọng được khởi lên … không danh vọng được khởi lên …cung kính được khởi lên … không cung kính được khởi lên … ác dục được khởi lên … ác bằng hữu được khởi lên, các lậu hoặc, các tổn hại, nhiệt não khởi lên, như vậy các lậu hoặc, các tổn hại, nhiệt não ấy không có mặt. Này các Tỷ-kheo, do duyên mục đích này, Tỷ-kheo phải sống chinh phục lợi dưỡng được khởi lên … không lợi dưỡng được khởi lên … danh vọng được khởi lên … không danh vọng được khởi lên …cung kính được khởi lên … không cung kính được khởi lên … ác dục được khởi lên … ác bằng hữu được khởi lên. Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập như sau :

9. Ta sẽ sống chinh phục lợi dưỡng được khởi lên … không lợi dưỡng được khởi lên … danh vọng được khởi lên … không danh vọng được khởi lên … cung kính được khởi lên … không cung kính được khởi lên … ác dục được khởi lên … ác bằng hữu được khởi lên". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.

10. Cho đến, thưa Tôn giả Uttara, trong bốn hội chúng giữa loài người : Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-Niganthà, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, pháp môn này không được một ai thiết lập. Thưa Tôn giả, Tôn giả Uttara hãy học thuộc lòng pháp môn này. Thưa Tôn giả, Tôn giả Uttara hãy thọ trì pháp môn này. Thưa Tôn giả, pháp môn này liên hệ đến mục đích, là căn bản Phạm hạnh.

(XI) (9) TÔN GIẢ NANDA

1. - Này các Tỷ-kheo, nói mộ cách chơn chánh về Nanda, có thể nói như sau : "Là Thiện nam tử". Này các Tỷ-kheo, nói mộ cách chơn chánh về Nanda, có thể nói như sau : "Là vị có sức mạnh". Này các Tỷ-kheo, nói mộ cách chơn chánh về Nanda, có thể nói như sau : "Là vị có tịnh tín". Này các Tỷ-kheo, nói mộ cách chơn chánh về Nanda, có thể nói như sau : "Là vị có ái dục sắc bén".

Ai khác ngoài Nanda, này các Tỷ-kheo, thành tựu chế ngự các căn, biết tiết độ trong ăn uống, chú tâm cảnh giác, chánh niệm tỉnh giác ? Nhờ vậy, Nanda có thể hành Phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh.

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, đây là sự chế ngự các căn của Nanda. Này các Tỷ-kheo, nếu Nanda phải nhìn về phương Đông, tập trung tất cả tâm, Nanda nhìn về hướng Đông và suy nghĩ : "Như vậy, khi Ta đang nhìn về hường Đông, thời tham, ưu, các ác bất thiện pháp sẽ không có xâm nhập". Như vậy, vị ấy tỉnh giác. Này các Tỷ-kheo, nếu Nanda phải nhìn về phương Tây … nhìn về phương Bắc … về phương Nam … ngước nhìn lên Trên … cúi nhìn về phương Dưới … hay nhìn về hướng giữa các phương chính, tập trung tất cả tâm, Nanda nhìn về hướng giữa các phương chính và suy nghĩ : "Như vậy, khi ta đang nhìn về hướng giữa các phương chính, thời tham, ưu, các ác bất thiện pháp sẽ không có xâm nhập ". Như vậy, ở đây, vị ấy tỉnh giác.

Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Nanda chế ngự các căn.

3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Nanda tiết độ trong ăn uống. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Nanda với chánh tư duy thọ dụng các món ăn, không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được an trú và được bảo dưỡng, để thân này khỏi bị thương hại, để hỗ trợ Phạm hạnh, nghĩ rằng : "Như vậy chúng ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới, và chúng ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn".

Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Nanda tiết độ trong ăn uống.

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Nanda chú tâm cảnh giác.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Nanda ban ngày đi kinh hành hay trong khi ngồi, Nanda tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại. Ban đêm canh một đi kinh hành, hay trong khi ngồi, Nanda tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại. Ban đêm, canh giữa, Nanda nằm dáng con sư tử, bên hông tay phải, một chân đặt trên chân kia, chánh niệm tỉnh giác, tâm nghĩ đến thức dậy lại. Ban đêm, canh cuối thức dậy, đi kinh hành hay trong khi ngồi, Nanda tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại.

Này các Tỷ-kheo, như vậy Nanda chú tâm cảnh giác.

5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Nanda chánh niệm tỉnh giác.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Nanda rõ biết khi các thọ khởi lên, rõ biết khi các thọ an trú, rõ biết khi các thọ chấm dứt … rõ biết khi các tưởng … rõ biết khi các tầm nổi lên, rõ biết khi các tầm an trú, rõ biết khi các tầm chấm dứt.

Này các Tỷ-kheo, đây là Nanda chánh niệm tỉnh giác.

Này các Tỷ-kheo, ai khác ngoài Nanda, này các Tỷ-kheo, thành tựu chế ngự các căn, biết tiết độ trong ăn uống, chú tâm cảnh giác, chánh niệm tỉnh giác ? Nhờ vậy, Nanda có thể hành Phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh.

(X) (10) CÁC ĐỒ RÁC

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Campà, trên bờ hồ Gaggarà. Lúc bấy giờ, các Tỷ-kheo buộc tội một Tỷ-kheo phạm tội. Vị ấy bị các Tỷ-kheo buộc tội, tránh né vấn đề với một vấn đề khác, hướng câu chuyện ra ngoài, và hiện tướng phẫn nộ, sân hận và bất mãn. Rồi Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo :

2. - Này các Tỷ-kheo, hãy đuổi người này ra ! Này các Tỷ-kheo, hãy tân xuất người này ra ! Này các Tỷ-kheo, người này đáng bị khai trừ.

Sao để con cháu người khác làm phiền nhiễu các Ông ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, khi nào một người đi ra, đi vào, nhìn lên, nhìn xung quanh, co tay, duỗi tay, mang y sanghàti, bát và y, như vậy, như các Tỷ-kheo hiền thiện khác, cho đến không các Tỷ-kheo không thấy phạm tội. Nhưng khi các Tỷ-kheo thấy phạm tội, họ biết người này là như sau : "Người này là Sa-môn ô uế, họ là Sa-môn rơm rạ, là Sa-môn rác rưởi. Khi biết như vậy, họ đuổi người ấy ra ngoài. Vì sao ? Chớ để cho người ấy làm ô uế các Sa-môn hiền thiện khác.

3. Ví như, này các Tỷ-kheo, khi một ruộng lúa mì đã đầy đủ cây lúa mì ô nhiễm, cây lúa mì rơm rạ, cây lúa mì rác rưởi được mọc lên với rễ như vậy, giống như các cây lúa mì hiền thiện khác. Với cành lá như vậy, giống như những cây lúa mì hiền thiện khác ; Với lá là như vậy, giống như những cây lúa mì hiền thiện khác, cho đến khi nào đầu ngọn lúa chưa mọc ra. Khi đầu ngọn lúa mọc ra, họ biết : "Đây là cây lúa mì hoang, đây là cây lúa mì rơm rạ, cây lúa mì rác rưởi". Sau khi biết như vậy, họ nhổ cây lúa mì ấy lên, luôn cả rễ, và quăng cây lúa mì ấy ra khỏi ruộng lúa. Vì cớ sao ? Họ nói : "Đừng để cho cây lúa mì làm uế nhiễm các cây lúa mì hiền thiện khác".

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, khi nào một người đi ra, đi vào, nhìn lên, nhìn xung quanh, co tay, duỗi tay, mang y sanghàti, bát và y, như vậy, như các Tỷ-kheo hiền thiện khác, cho đến không các Tỷ-kheo không thấy người ấy phạm tội. Nhưng khi các Tỷ-kheo thấy người ấy phạm tội, họ biết được : "Người này là Sa-môn giả hiệu, Sa-môn rơm, Sa-môn rác". Sau khi biết người ấy là như vậy, họ đuổi người ấy ra ngoài. Vì cớ sao ? "Chớ để cho người ấy làm uế nhiễm các Sa-môn hiền thiện khác ".

4. Ví như, này các Tỷ-kheo, khi một đống lúa lớn đang được sàng quạt, tại đấy, các hột lúa nào chắc cứng, có hạt, chúng được chất thành đống một bên ; còn những hạt lúa nào yếu kém, chỉ là rơm, thời được gió thổi tạt qua một bên, và người chủ, với cây chổi, quét chúng còn xa hơn nữa. Vì cớ sao ? "Chớ để cho lúa ấy làm uế nhiễm các hạt lúa hiền thiện khác ".

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, khi nào một người đi ra, đi vào, nhìn lên, nhìn xung quanh, co tay, duỗi tay, mang y sanghàti, bát và y, như vậy, như các Tỷ-kheo hiền thiện khác, cho đến không các Tỷ-kheo không thấy người ấy phạm tội. Nhưng khi các Tỷ-kheo thấy người ấy phạm tội, họ biết được : "Người này là Sa-môn ô uế, Sa-môn rơm rạ, Sa-môn rác rưởi". Sau khi biết người ấy là như vậy, họ đuổi người ấy ra ngoài. Vì cớ sao ? "Chớ để cho người ấy làm uế nhiễm các Sa-môn hiền thiện khác ".

5. Ví như, này các Tỷ-kheo, một người cần một số ống nước, lấy một cây búa sắc bén và đi vào rừng, và với cán cây búa ấy, gõ vào thân cây này hay thân cây khác. Ở đây, những cây nào chắc cứng, có lõi, khi được cán búa gõ vào, tiếng vang dội được tròn cứng. Còn những cây nào ở giữa bị mục nát, không có lõi (đầy ứ bất tịnh) nhơ bẩn, khi được cán búa gõ vào, tiếng vang dội lép xẹp. Người ấy chặt cây ấy, gốc ấy ; sau khi chặt gốc, người ấy chặt ngọn ; sau khi chặt ngọn, người ấy rửa phía trong của cây cho thật sạch ; khi rửa phía trong cho thật sạch rồi, người ấy nối liền các ống ấy lại.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, khi nào một người đi ra, đi vào, nhìn lên, nhìn xung quanh, co tay, duỗi tay, mang y sanghàti, bát và y, như vậy, như các Tỷ-kheo hiền thiện khác, cho đến không các Tỷ-kheo không thấy người ấy phạm tội. Nhưng khi các Tỷ-kheo thấy người ấy phạm tội, họ biết được : "Người này là Sa-môn giả hiệu, Sa-môn rơm rạ, Sa-môn rác rưởi". Sau khi biết người ấy là như vậy, họ đuổi người ấy ra ngoài. Vì cớ sao ? "Chớ để cho người ấy làm uế nhiễm các Sa-môn hiền thiện khác ".

Thầy có thể biết được
Người này Thầy chung sống
Ái dục và phẫn nộ
Dèm pha và ngoan cố
Não hại và tật đố
Xan tham và man trá
Nói nhu hòa giữa người
Nói như lời Sa-môn
Che giấu, làm việc ác
Ác kiến, thiếu kính trọng
Quanh co và nói láo
Biết vậy, người làm gì ?
Tất cả phải đồng tình
Cùng tránh né người ấy
Hãy tẩn xuất rơm rác
Hãy tống cổ uế trược
Từ nay hãy đuổi xa
Kẻ nói nhiều vô ích
Không phải là Sa-môn
Nhưng hiện tướng Sa-môn
Tẩn xuất kẻ ác dục
Ác hạnh, ác uy nghi
Sống với người thanh tịnh
Sống trong sạch chánh niệm
Hòa hợp biết khôn khéo
Hãy chấm dứt khổ đau


II. PHẨM LỚN

(I) (11) VERANJÀ

1. Như vầy tôi nghe :

Một thời, Thế Tôn trú ở Veranjà, dưới gốc cây Nalerupucimanda. Rồi Bà-la-môn Veranjà đi đến Thế Tôn ; sau khi đến, nói với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm ; sau khi nói nên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Veranjà bạch Thế Tôn :

- Thưa Tôn giả Gotama, tôi có nghe như sau : "Sa-môn Gotama không đảnh lễ, không đứng dậy, hay không mời ghế ngồi các Bà-la-môn già yếu, tuổi lớn trưởng lão, đời đã được trải qua, đã đến đoạn cuối cuộc đời". Thưa Tôn giả Gotama, sự thể là như vậy : "Tôn giả Gotama không đảnh lễ, không đứng dậy, hay không mời ghế ngồi các Bà-la-môn già yếu, tuổi lớn trưởng lão, đời đã được trải qua, đã đến đoạn cuối cuộc đời". Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, như vậy là không đầy đủ.

- Này Bà-la-môn, Ta không thấy một ai trong thế giới chư Thiên, trong thế giới Ác ma, trong thế giới Phạm thiên, trong quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người mà ta có thể đảnh lễ người ấy, đứng dậy hay mời ghế ngồi. Này Bà-la-môn, nếu Như Lai đảnh lễ, hay đứng dậy, hay mời ngồi ai, thời đầu người ấy bị bể tan.

2. - Tôn giả Gotama, thật thiếu ý vị !

- Này Bà-la-môn, có pháp môn này, do pháp môn ấy, ai nói về ta một cách chơn chánh có thể nói như sau : "Sa-môn Gotama thật thiếu ý vị ". Này Bà-la-môn, các sắc vị, thanh vị, hương vị, vị vị, xúc vị, các vị ấy, Như Lai đã đoạn tận chúng, chặt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây tala, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Này Bà-la-môn, đây là pháp môn, với pháp môn này, ai nói về ta một cách chơn chánh có thể nói như sau : "Sa-môn Gotama thật thiếu ý vị ". Nhưng Ông nói không phải với ý nghĩa này.

3. "Tôn giả Gotama thiếu tài sản ".Này Bà-la-môn, có pháp môn này, do pháp môn ấy, ai nói về ta một cách chơn chánh có thể nói như sau : "Sa-môn Gotama thiếu tài sản ".Này Bà-la-môn, các sắc tài sản, thanh tài sản, hương tài sản, vị tài sản, xúc tài sản, các tài sản ấy, Như Lai đã đoạn tận chúng, chặt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây tala, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Này Bà-la-môn, đây là pháp môn, với pháp môn này, ai nói về ta một cách chơn chánh có thể nói như sau : "Sa-môn Gotama thiếu tài sản". Nhưng Ông nói không phải với ý nghĩa này.

4. "Tôn giả Gotama chủ trương thuyết không hành động". Này Bà-la-môn, có pháp môn này, do pháp môn ấy, ai nói về ta một cách chơn chánh có thể nói như sau : "Sa-môn Gotama chủ trương thuyết không hành động". Này Bà-la-môn, ta nói không hành động về thân làm ác, về lời nói ác, về ý nghĩ ác. Ta nói không hành động về các pháp ác, bất thiện. Này Bà-la-môn, đây là pháp môn, với pháp môn này, ai nói về ta một cách chơn chánh có thể nói như sau : "Sa-môn Gotama chủ trương thuyết không hành động". Nhưng Ông nói không phải với ý nghĩa này.

5. "Tôn giả Gotama chủ trương thuyết đoạn diệt ". Này Bà-la-môn, có pháp môn này, do pháp môn ấy, ai nói về ta một cách chơn chánh có thể nói như sau : "Sa-môn Gotama chủ trương thuyết đoạn diệt ". Này Bà-la-môn, Ta tuyên bố đoạn diệt tham, sân, si. Ta tuyên bố đoạn diệt các ác, bất thiện pháp. Này Bà-la-môn, đây là pháp môn, với pháp môn này, ai nói về ta một cách chơn chánh có thể nói như sau : "Sa-môn Gotama chủ trương thuyết đoạn diệt ". Nhưng Ông nói không phải với ý nghĩa này.

6. "Tôn giả Gotama là người nhàm chán". Này Bà-la-môn, có pháp môn này, do pháp môn ấy, ai nói về ta một cách chơn chánh có thể nói như sau : "Sa-môn Gotama là người nhàm chán". Này Bà-la-môn, Ta nhàm chán thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Ta nhàm chán sự thành tựu các pháp ác, bất thiện. Này Bà-la-môn, đây là pháp môn, với pháp môn này, ai nói về ta một cách chơn chánh có thể nói như sau : "Sa-môn Gotama là người nhàm chán ". Nhưng Ông nói không phải với ý nghĩa này.

7. "Tôn giả Gotama là người chủ trương hư vô chủ nghĩa". Này Bà-la-môn, có pháp môn này, do pháp môn ấy, ai nói về ta một cách chơn chánh có thể nói như sau : "Sa-môn Gotama là người chủ trương hư vô". Này Bà-la-môn, Ta thuyết pháp để hư vô tham, sân, si. Ta thuyết pháp để hư vô các pháp ác, bất thiện. Này Bà-la-môn, đây là pháp môn, với pháp môn này, ai nói về ta một cách chơn chánh có thể nói như sau : "Sa-môn Gotama là người chủ trương hư vô ". Nhưng Ông nói không phải với ý nghĩa này.

8. "Tôn giả Gotama là người khổ hạnh". Này Bà-la-môn, có pháp môn này, do pháp môn ấy, ai nói về ta một cách chơn chánh có thể nói như sau : "Sa-môn Gotama là người khổ hạnh ". Này Bà-la-môn, Ta tuyên bố rằng cần phải khổ hạnh các pháp ác, bất thiện, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Này Bà-la-môn, với ai, các pháp ác, bất thiện, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác được tu khổ hạnh, được đoạn tận, được cắt đứt từ gốc rễ, được làm cho như thân cây tala, được làm cho không thể tái sanh, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai, Ta tuyên bố rằng người ấy là người khổ hạnh. Này Bà-la-môn, với Như Lai, các pháp ác, bất thiện, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác đã được tu khổ hạnh, được đoạn tận, được cắt đứt từ gốc rễ, được làm cho như thân cây tala, được làm cho không thể tái sanh, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Này Bà-la-môn, đây là pháp môn, với pháp môn này, ai nói về ta một cách chơn chánh có thể nói như sau : "Sa-môn Gotama là người khổ hạnh". Nhưng Ông nói không phải với ý nghĩa này.

9. "Tôn giả Gotama chủ trương không nhập thai". Này Bà-la-môn, có pháp môn này, do pháp môn ấy, ai nói về ta một cách chơn chánh có thể nói như sau : "Sa-môn Gotama chủ trương không nhập thai". Này Bà-la-môn, với ai mà khả năng nhập thai tái sanh trong tương lai đã đoạn tận, chặt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây tala, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai, Ta tuyên bố rằng người ấy chủ trương không nhập thai. Này Bà-la-môn, Như Lai đã đoạn tận khả năng nhập thai tái sanh trong tương lai đã đoạn tận, đã chặt đứt từ gốc rễ, đã làm cho như thân cây tala, đã làm cho không thể tái sanh, đã làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Này Bà-la-môn, đây là pháp môn, với pháp môn này, ai nói về ta một cách chơn chánh có thể nói như sau : "Sa-môn Gotama chủ trương không nhập thai". Nhưng Ông nói không phải với ý nghĩa này.

Ví như, này Bà-la-môn, có tám, mười hay mười hai cái trứng của con gà mái, được con gà mái khéo ấp nằm, ấp nóng và ấp dưỡng, và con gà nào trong những con gà con ấy, đầu tiên hết, lấy chân, móng, đầu, miệng hay mỏ phá vỡ vỏ trứng gà, ra ngoài một cách an toàn, con ấy được gọi là con trưởng hay con trẻ nhất ?

- Thưa Tôn giả Gotama, con ấy phải được gọi là con trưởng. Thật vậy, thưa Tôn giả Gotama, con ấy là con trưởng trong tất cả các con gà ấy.

10. - Cũng vậy, này Bà-la-môn, khi ta vì chúng sanh bị vô minh chi phối, như sanh ra từ trứng, bị bao trùm, đã phá vỡ vỏ trứng vô minh, một mình chứng được vô thượng Chánh Đẳng Giác ở đời, này Bà-la-môn, thật sự Ta là vị đệ nhất, tối thắng ở đời. Lại nữa, này Bà-la-môn, Ta tinh cần tinh tấn, không biếng nhác. Ta trú niệm, không có thất niệm, thân được khinh an, không có tháo động, định tĩnh, nhất tâm.

11. Này Bà-la-môn, ly dục, ly pháp bất thiện, Ta đã chứng đạt và an trú sơ Thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, Ta chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tỉnh nhất tâm. Ly hỷ Ta trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ, mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú. Ta chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, Ta chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm, thanh tịnh.

12. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, không dao động, như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến túc mạng minh. Ta nhớ đến đời sống quá khứ, một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Ta nhớ rằng : "Tại chỗ kia, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giao cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giao cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, Ta được sanh ra ở đây". Như vậy, Ta nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các nét chi tiết.

Này Bà-la-môn, đây là trong canh một, Ta chứng được minh thứ nhất, vô minh diệt, minh sanh, bóng tối diệt, ánh sáng sanh. Do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Này Bà-la-môn, đây là sự xuất sanh thứ nhất của Ta, như con gà con sanh ra khỏi vỏ trứng.

13. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, không dao động, như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, Ta thấy sự sống và sự chết của chúng sanh. Ta biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ ; những hạng chúng sanh này thành tựu thân làm ác, thành tựu miệng nói ác, thành tựu ý nghĩ ác ; phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những hạng chúng sanh nào, thành tựu thân làm lành, thành tựu miệng nói lành, thành tựu ý nghĩ lành, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Như vậy, với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, Ta thấy sự sống và sự chết của chúng sanh. Ta biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ.

Này Bà-la-môn, đây là trong canh giữa, Ta chứng được minh thứ hai, vô minh diệt, minh sanh, bóng tối diệt, ánh sáng sanh. Do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Này Bà-la-môn, đây là sự xuất sanh thứ hai của Ta, như con gà con sanh ra khỏi vỏ trứng.

14. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, không dao động, như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến lậu tận trí. Ta biết như thật : "Đây là khổ", biết như thật : "Đây là khổ tập", biết như thật : "Đây là Khổ diệt", biết như thật : "Đây là con đường đưa đến Khổ diệt", biết như thật : "Đây là những lậu hoặc", biết như thật : "Đây là nguyên nhân của lậu hoặc ", biết như thật : "Đây là nguyên nhân của các lậu hoặc diệt", biết như thật : "Đây là con đường đưa đến diệt". Do biết như vậy, thấy như vậy, tâm của ta thoát khỏi lậu dục, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết : "Sanh đã diệt, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa". Này Bà-la-môn, đây là trong canh cuối, Ta chứng được minh thứ ba, vô minh diệt, minh sanh, bóng tối diệt, ánh sáng sanh. Do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Này Bà-la-môn, đây là sự xuất sanh thứ ba của Ta, như con gà con sanh ra khỏi vỏ trứng.

15. Được nghe nói như vậy, Bà-la-môn Veranja bạch Thế Tôn :

- Đệ nhất là Tôn giả Gotama ! Tối thắng là Tôn giả Gotama ! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama ! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama ! Thưa Tôn giả Gotama, như người dựng đứng dậy những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho những người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối, để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y pháp, quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

(II) (12) TƯỚNG QUÂN SÌHA

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli (Tỳ-xá-ly), tại Mahàvana (Đại Lâm), ở Kùtàgàrasàla (ngôi nhà có nóc nhọn). Lúc bấy giờ rất nhiều vị Licchavi là các bậc có danh tiếng, có danh tiếng, ngồi tụ họp ở hội trường, dùng nhiều phương tiện tán thán Phật, tán thán pháp, tán thán chúng Tăng.

2. Lúc bấy giờ tướng quân Sìha là đệ tử của Niganthà ngồi trong hội chúng ấy. Rồi tướng quân Sìha suy nghĩ như sau : "Không nghi ngờ gì nữa, Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, vì rằng nhiều vị Licchavi này có danh tiếng, có danh tiếng ngồi tụ họp ở hội trường, dùng nhiều phương tiện tán thán Phật, tán thán pháp, tán thán chúng Tăng. Vậy ta hãy đi đến yết kiến vị Thế Tôn ấy, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác.

3. Rồi tướng quân Sìha đi đến Niganthà, Nàtaputta, sau khi đến, thưa với Niganthà Nàtaputta :

- Thưa Tôn giả, tôi muốn đi đến yết kiến Sa-môn Gotama.

- Này Sìha, sao Ông chủ trương hành động lại đi đến yết kiến Sa-môn Gotama, người chủ trương không hành động ? Này Sìha, Sa-môn Gotama chủ trương không hành động, thuyết pháp không hành động và huấn luyện các đệ tử như vậy. Rồi tướng quân Sìha, ý muốn đi đến yết kiến Thế Tôn bị dập tắt.

4. Lần thứ hai, rất nhiều vị Licchavi là các bậc có danh tiếng, có danh tiếng, ngồi tụ họp ở hội trường, dùng nhiều phương tiện tán thán Phật, tán thán pháp, tán thán chúng Tăng. Lần thứ hai, tướng quân Sìha suy nghĩ như sau : "Không nghi ngờ gì nữa, Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, vì rằng nhiều vị Licchavi này có danh tiếng, có danh tiếng ngồi tụ họp ở hội trường, dùng nhiều phương tiện tán thán Phật, tán thán pháp, tán thán chúng Tăng. Vậy ta hãy đi đến yết kiến vị Thế Tôn ấy, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác.

Rồi tướng quân Sìha đi đến Niganthà, Nàtaputta, sau khi đến, thưa với Niganthà Nàtaputta :

- Thưa Tôn giả, tôi muốn đi đến yết kiến Sa-môn Gotama.

- Này Sìha, sao Ông chủ trương hành động lại đi đến yết kiến Sa-môn Gotama, người chủ trương không hành động ? Này Sìha, Sa-môn Gotama chủ trương không hành động, thuyết pháp không hành động và huấn luyện các đệ tử như vậy.

Rồi tướng quân Sìha, lần thứ hai, ý muốn đi đến yết kiến Thế Tôn bị dập tắt.

5. Lần thứ ba, rất nhiều vị Licchavi là các bậc có danh tiếng, có danh tiếng, ngồi tụ họp ở hội trường, dùng nhiều phương tiện tán thán Phật, tán thán pháp, tán thán chúng Tăng. Lần thứ ba, tướng quân Sìha suy nghĩ như sau : "Không nghi ngờ gì nữa, Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, vì rằng nhiều vị Licchavi này có danh tiếng, có danh tiếng ngồi tụ họp ở hội trường, dùng nhiều phương tiện tán thán Phật, tán thán pháp, tán thán chúng Tăng. Các Niganthà sẽ làm gì được cho ta, nếu họ được hỏi ý kiến hay không hỏi ý kiến. Vậy ta không hỏi ý kiến Niganthà, đi đến yết kiến vị Thế Tôn ấy, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác.

Rồi tướng quân Sìha, vào giữa trưa với khoảng năm trăm cỗ xe, đi khỏi Vesàli để yết kiến Thế Tôn. Đi xe cho đến đoạn đất còn đi xe được, rồi xuống xe đi bộ vào trong khu vườn. Rồi tướng quân Sìha đi đến Thế Tôn ; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, tướng quân Sìha bạch Thế Tôn :

- Bạch Thế Tôn, con có được nghe : "Sa-môn Gotama chủ trương không hành động, thuyết pháp về không hành động và huấn luyện các đệ tử như vậy". Bạch Thế Tôn, họ nói như sau : " Sa-môn Gotama chủ trương không hành động, thuyết pháp về không hành động và huấn luyện các đệ tử như vậy". Bạch Thế Tôn, họ nói về Thế Tôn như vậy, họ có xuyên tạc Thế Tôn với điều không thật chăng ? Và họ trả lời có thuận pháp với pháp không, và những ai như pháp thuyết đúng pháp không có lý do để chỉ trích ? Bạch Thế Tôn, chúng con không muốn xuyên tạc Thế Tôn.

6. - Này Sìha, có pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói : "Sa-môn Gotama chủ trương không hành động, thuyết pháp về không hành động và huấn luyện các đệ tử như vậy"

Này Sìha, có pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói : " Sa-môn Gotama chủ trương hành động, thuyết pháp về hành động và huấn luyện các đệ tử như vậy"

Này Sìha, có pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói : " Sa-môn Gotama chủ trương đoạn diệt, thuyết pháp về đoạn diệt và huấn luyện các đệ tử như vậy"

Này Sìha, có pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói : " Sa-môn Gotama là người chủ trương hư vô, thuyết pháp về hư vô và huấn luyện các đệ tử như vậy"

Này Sìha, có pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói : " Sa-môn Gotama là người khổ hạnh, thuyết pháp khổ hạnh và huấn luyện các đệ tử như vậy"

Này Sìha, có pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói : " Sa-môn Gotama là người chủ trương không nhập thai, thuyết pháp về không nhập thai và huấn luyện các đệ tử như vậy"

Này Sìha, có pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói : "Sa-môn Gotama là người an ủi, thuyết pháp an ủi và huấn luyện các đệ tử như vậy"

7. Và này Sìha, thế nào là pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói : "Sa-môn Gotama chủ trương không hành động, thuyết pháp về không hành động và huấn luyện các đệ tử như vậy" ?

Này Sìha, ta tuyên bố về không hành động đối với thân làm ác, miệng nói ác, và ý nghĩ ác. Ta tuyên bố về không hành động đối với các pháp ác, bất thiện.

Và này Sìha, thế nào là pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói : " Sa-môn Gotama chủ trương hành động, thuyết pháp về hành động và huấn luyện các đệ tử như vậy" ?

Này Sìha, ta tuyên bố về hành động đối với thân làm lành, miệng nói lành, và ý nghĩ lành. Ta tuyên bố về hành động đối với các thiện pháp.

Và này Sìha, thế nào là pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói : " Sa-môn Gotama chủ trương đoạn diệt, thuyết pháp về đoạn diệt và huấn luyện các đệ tử như vậy"

Và này Sìha, đây là pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói : " Sa-môn Gotama chủ trương đoạn diệt, thuyết pháp về đoạn diệt và huấn luyện các đệ tử như vậy" ?

Này Sìha, ta tuyên bố về đoạn diệt tham, sân, si. Ta tuyên bố về đoạn diệt đối với các pháp ác, bất thiện. Và này Sìha, đây là pháp môn, với pháp môn ấy nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói : " Sa-môn Gotama chủ trương đoạn diệt, thuyết pháp về đoạn diệt và huấn luyện các đệ tử như vậy"

Và này Sìhà, thế nào là pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói : " Sa-môn Gotama là người nhàn chán, thuyết pháp về nhàm chán và huấn luyện các đệ tử như vậy" ?

Này Sìha, ta nhàm chán đối với thân làm ác, miệng nói ác, và ý nghĩ ác. Ta nhàm chán đối với sự thành tựu các pháp ác, bất thiện.

Và này Sìhà, đây là pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói : " Sa-môn Gotama là người nhàn chán, thuyết pháp về nhàm chán và huấn luyện các đệ tử như vậy".

Và này Sìhà, thế nào là pháp môn do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói : " Sa-môn Gotama là người chủ trương hư vô, thuyết pháp về hư vô và huấn luyện các đệ tử như vậy" ?

Này Sìha, ta thuyết pháp để hư vô tham, sân, si. Ta thuyết pháp để hư vô các pháp ác bất thiện.

Này Sìha, đây là pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói : " Sa-môn Gotama là người chủ trương hư vô, thuyết pháp về hư vô và huấn luyện các đệ tử như vậy".

Và này Sìhà, thế nào là pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói : " Sa-môn Gotama là người khổ hạnh, thuyết pháp khổ hạnh và huấn luyện các đệ tử như vậy" ?

Này Sìha, Ta tuyên bố cần phải khổ hạnh các pháp ác bất thiện, kể cả thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Này Sìha, với ai, pháp ác bất thiện, thân làm ác, miệng nói ác, ý ngh�� ác, được tu khổ hạnh, được đoạn tận, được chắt đứt từ gốc rễ, được làm cho như thân cây tala, được làm cho không thể tái sanh, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai, Ta tuyên bố người ấy là người khổ hạnh.

Này Sìha, đối với Như Lai, các pháp ác, bất thiện cần phải khổ hạnh này đã được đoạn tận chúng, chặt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây tala, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Này Sìha, đây là pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói : " Sa-môn Gotama là người khổ hạnh, thuyết pháp khổ hạnh và huấn luyện các đệ tử như vậy".

Và này Sìha, thế nào là pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói : " Sa-môn Gotama là người chủ trương không nhập thai, thuyết pháp về không nhập thai và huấn luyện các đệ tử như vậy" ?

Này Sìha, với ai đã đoạn tận sự nhập thai trong tương lai, sự tái sanh, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây tala, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Ta tuyên bố người ấy là người chủ trương không nhập thai. Này Sìha, Như Lai đã đoạn tận sự nhập thai trong tương lai, sự tái sanh, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây tala, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai.

Này Sìha, đây là pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói : " Sa-môn Gotama là người chủ trương không nhập thai, thuyết pháp về không nhập thai và huấn luyện các đệ tử như vậy".

Và này Sìha, thế nào là pháp môn, do pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về Ta, có thể nói : "Sa-môn Gotama là người an ủi, thuyết pháp an ủi và huấn luyện các đệ tử như vậy" ?

Này Sìha, Ta là người an ủi với tối thượng an ủi, Ta thuyết pháp về an ủi, Ta huấn luyện các đệ tử như vậy. Này Sìha, đây là pháp môn, với pháp môn ấy, nếu nói một cách chơn chánh về ta, có thể nói : "Sa-môn Gotama là người an ủi, thuyết pháp an ủi và huấn luyện các đệ tử như vậy"

8. Khi được nói như vậy, tướng quân Sìha bạch Thế Tôn :

- Thật vi diệu thay ! Bạch Thế Tôn ! Thật vi diệu thay ! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Vậy nay con xin quy y Thế Tôn, quy y pháp, quy y chúng Tỷ-kheo Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

- Này Sìha, hãy chín chắn suy tư, hãy chín chắn suy tư là tốt đẹp với những người trứ danh như Ông.

- Bạch Thế Tôn, con càng bội phần hoan hỷ, bội phần thỏa mãn với những lời Thế Tôn nói với con : " Này Sìha, hãy chín chắn suy tư, hãy chín chắn suy tư là tốt đẹp với những người trứ danh như Ông". Bạch Thế Tôn, nếu các ngoại đạo được con làm đệ tử, họ sẽ trương cờ lên và tuyên bố : "Tướng quân Sìha đã trở thành đệ tử của chúng tôi". Nhưng Thế Tôn lại nói với con : " Này Sìha, hãy chín chắn suy tư, hãy chín chắn suy tư là tốt đẹp với những người trứ danh như Ông. Bạch Thế Tôn, lần thứ hai con xin quy y Thế Tôn, quy y pháp, quy y chúng Tỷ-kheo Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

- Này Sìha, đã từ lâu gia đình Ông như là giếng nước mưa nguồn cho các người Niganthà. hãy cúng dường những món ăn cho những ai đến với Ông.

- Bạch Thế Tôn, con lại bội phần hoan hỷ, bội phần thỏa mãn với những lời Thế Tôn nói với con : " Này Sìha, đã từ lâu gia đình Ông như là giếng nước mưa nguồn cho các người Niganthà. hãy cúng dường những món ăn cho những ai đến với Ông". Bạch Thế Tôn, con nghe như sau, Sa-môn Gotama nói : "Chỉ bố thí cho Ta, chớ bố thí cho các người khác. Chỉ bố thí cho đệ tử Ta, chớ bố thí cho đệ tử các người khác. Chỉ bố thí cho Ta mới có phước lớn, bố thí cho những người khác không có phước lớn. Chỉ bố thí cho đệ tử Ta mới có phước lớn, bố thí cho đệ tử những người khác không có phước lớn". Nhưng Thế Tôn lại khuyến khích con bố thí cho Niganthà.

Bạch Thế Tôn, và chúng con ở đây sẽ biết thời nên làm. Bạch Thế Tôn, lần thứ ba con xin quy y Thế Tôn, quy y pháp, quy y chúng Tỷ-kheo Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.



9. Rồi Thế Tôn thuận thứ thuyết pháp cho tướng quân Sìha, tức là thuyết về bố thí, thuyết về giới, thuyết về các cõi Trời, trình bày sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự nhiễm ô của các dục, những lợi ích của xuất ly. Khi Thế Tôn biết tướng quân Sìha, tâm đã sẵn sàng, tâm đã như thuận, tâm không triền cái, tâm được phần khởi, tâm được hoan hỷ, Ngài mới thuyết những pháp được chư Phật tán dương đề cao : "Khổ, Tập, Diệt, Đạo". Cũng như một tấm vải thuần bạch, các chấm đen được gột rửa, rất dễ thấm màu nhuộm. Cũng vậy, chính tại chỗ ngồi ấy, pháp nhãn xa tràn ly cấu khởi lên, tất cả pháp ấy đều bị tiêu diệt.

10. Rồi tướng quân Sìha thấy pháp, chứng pháp, biết pháp, thể nhập vào pháp, nghi ngờ vượt qua, do sự trừ diệt, đạt được vô sở úy, không y cứ người khác đối với các pháp của bậc Đạo sư. (Tướng quân Sìha) bạch Thế Tôn :

- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy nhận lời mời của con, ngày mai tới dùng cơm với chúng Tỷ-kheo.

Thế Tôn im lặng nhận lời. Rồi tướng quân Sìha biết được Thế Tôn đã nhận lời, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi đi ra. Rồi tướng quân cho gọi một người : Này người kia, hãy tìm cho thịt tươi.

Rồi tướng quân Sìha, sau đêm ấy tại trú xứ của mình, cho soạn các món ăn thượng vị, loại cứng và mềm, rồi cho người tới báo tin với Thế Tôn : "Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời. Tại trú xứ của tướng quân Sìha, món ăn đã sẵng sàng".

11. Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đến trú xứ của tướng quân Sìha ; sau khi đến, ngồi xuống một chỗ đã soạn sẵn, với chúng Tỷ-kheo. Lúc bấy giờ nhiều người Niganthà ở Vesàli, từ đường lớn này đến đường lớn khác, từ đường hẻm này đến đường hẻm khác, múa tay la lớn : "Hôm nay, tướng quân Sìha đã giết một con thú lớn, và một bữa cơm được soạn cho Sa-môn Gotama, và Sa-môn tuy biết vậy, vẫn ăn món thịt được sửa soạn, do duyên vì mình được sửa soạn ra". Rồi một người đi đến tướng quân Sìha, sau khi đến, nói nhỏ vào tai tướng quân Sìha, : "Thưa Tôn giả, Tôn giả có biết chăng ? Nhiều Niganthà ở Vesàli, từ đường lớn này đến đường lớn khác, từ đường hẻm này đến đường hẻm khác, múa tay la lớn : "Hôm nay, tướng quân Sìha đã giết một con thú lớn, và một bữa cơm được soạn cho Sa-môn Gotama, và Sa-môn tuy biết vậy, vẫn ăn món thịt được sửa soạn, do duyên vì mình được sửa soạn ra". - Thôi vừa rồi, này bạn. Đã lâu rồi, các Tôn giả ấy muốn chỉ trích Phật, muốn chỉ trích Pháp, muốn chỉ trích các chúng Tăng. Nhưng các Tôn giả ấy không làm hại gì được Thế Tôn với những lời xuyên tạc không có thật, trống rỗng, láo khoét. Và chúng ta không vì sinh mạng lại cố ý sát hại sinh mạng của loài hữu tình.

12. Rồi tướng quân Sìha tự tay mình hầu hạ và làm cho thỏa mãn chúng Tỷ-kheo với đức Phật và người cầm đầu các món ăn thượng vị, loại cứng và mềm. Rồi tướng quân Sìha, sau khi biết Thế Tôn ăn đã xong, bàn tay đã rời khỏi bát, liền ngồi xuống một bên, và Thế Tôn với bài pháp thoại thuyết giảng cho tướng quân Sìha, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi.

(III)(13) CON NGỰA THUẦN THỤC

1. - Đầy đủ với tám đức tánh, này các Tỷ-kheo, một con ngựa của vua hiền thiện, thuần thục, xứng đáng để vua dùng, thuộc quyền sở sữu của vua, và được xem như là biểu tượng của vua. Thế nào là tám ?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, một con ngựa của vua hiền thiện, thuần thục, khéo sanh cả hai từ mẫu hệ và phụ hệ, tại phương hướng nào, các con ngựa hiền thiện, thần thục không sanh trưởng, tại phương hướng ấy, con ngựa ấy được sanh ; họ cho ăn các món ấn gì, ướt hay khô, con ngựa ấy ăn một cách cẩn thận, không có làm rơi rớt. Con ngựa ấy nhàm chán khi phải đứng hay nằm gần phân hay nước tiểu ; con ngựa ấy sống hoan hỷ và dễ dàng sống chung với các con ngựa khác, và không làm các con ngựa khác hoảng sợ. Phàm có những gian dối, giả dối, xảo trá, quanh co gì, nó nêu rõ như thật cho người đánh xe biết, và người đánh xe cố gắng nhiếp phục nó. Khi đang kéo xe, nó nghĩ : "Hãy để cho các con ngựa khác muốn hay không muốn kéo, còn ta, ta sẽ kéo". Khi đi, nó đi con đường thẳng. Kiên trì, nó kiên trì cho đến khi mạng sống chấm dứt.

Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, một con ngựa của vua hiền thiện, thuần thục, xứng đáng để vua dùng, thuộc quyền sở sữu của vua, và được xem như là biểu tượng của vua.

3. Như vậy, này các Tỷ-kheo, thành tựu tám pháp này, Tỷ-kheo xứng đáng được cung kính … là ruộng phương vô thượng ở đời. Thế nào là tám ?

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo giữ giới, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Phàm nhận các món đồ ăn gì, thô hay tế, vị ấy ăn một cách cẩn thận, không có oán thán gì, vị ấy có nhàm chán, nhàm chán thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, nhàm chán sự thành tựu các pháp ác bất thiện. Vị ấy sống hoan hỷ và dễ dàng sống chung với các Tỷ-kheo khác, và không làm các Tỷ-kheo khác hoảng sợ. Phàm có những gian dối, giả dối, xảo trá, quanh co gì, nêu rõ như thật cho vị Đạo sư hay các đồng Phạm hạnh có trí cố gắng để nhiếp phục. Trong khi học tập, vị ấy khởi lên ý nghĩ : "Hãy để cho các Tỷ-kheo khác học tập, hay không học tập, còn ta, ta sẽ học tập ở đây ". Khi đi, vị ấy đi con đường thẳng, tại đây, con đường thẳng này tức là Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Vị ấy sống tinh cần, nghĩ rằng : "Dầu chỉ có da, gân hay xương còn lại, dầu thịt và máu có khô cạn trong thân, điều mà sự kiên của con người, sự tinh tấn của con người, sự nỗ lực có thể đạt được, nếu chưa đạt được thời tinh tấn không có chấm dứt.

Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời.

(IV)(14) NGỰA CHƯA ĐIỀU PHỤC

1. - Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng về tám loại ngựa chưa điều phục, tám tánh xấu của con ngựa, tám hạng người chưa điều phục, tám tánh xấu của con người. Hãy lắng nghe và uy niệm, ta sẽ nói.

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế tôn nói như sau :

2. - Này các Tỷ-kheo, thế nào là tám loại ngựa chư được điều phục ? Thế nào là tám tánh xấu của ngựa ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có loại ngựa chưa được điều phục, khi bảo đi, bị gậy thúc, bị người đánh xe la và thúc đẩy, nó đi lùi, và với lưng, làm chiếc xe chạy vòng lại. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đây là loại ngựa chưa được điều phục. Này các Tỷ-kheo, đây là tánh xấu thứ nhất của con ngựa.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có loại ngựa chưa được điều phục, khi đã đi, bị gậy thúc hay bị người đánh xe la, nó nhảy lùi, đạp vào thành xe, làm gãy gọng xe. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đây là loại ngựa chưa được điều phục. Này các Tỷ-kheo, đây là tánh xấu thứ hai của con ngựa.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có loại ngựa chưa được điều phục, khi bảo đi, bị gậy thúc hay bị người đánh xe la, rút bắp vế ra khỏi gọng xe và dẫm nát gọng xe. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đây là loại ngựa chưa được điều phục. Này các Tỷ-kheo, đây là tánh xấu thứ ba của con ngựa.

5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có loại ngựa chưa được điều phục, khi đã đi, bị gậy thúc hay bị người đánh xe la, liền đi con đường xấu và làm cho xe bị lạc hướng. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đây là loại ngựa chưa được điều phục. Này các Tỷ-kheo, đây là tánh xấu thứ bốn của con ngựa.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có loại ngựa chưa được điều phục, khi đã đi, bị gậy thúc hay bị người đánh xe la, nó trường đứng phía chân trước và đạp lên không trung với chân trước. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đây là loại ngựa chưa được điều phục. Này các Tỷ-kheo, đây là tánh xấu thứ năm của con ngựa.

7. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có loại ngựa chưa được điều phục, khi đã đi, bị gậy thúc hay bị người đánh xe la, không để ý đến người đánh xe la, không để ý đến cây gậy thúc ngựa, lấy răng nghiền hàm thiết (khớp ngựa) ngựa và đi chỗ nào nó muốn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đây là loại ng���a chưa được điều phục. Này các Tỷ-kheo, đây là tánh xấu thứ sáu của con ngựa.

8. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có loại ngựa chưa được điều phục, khi đã đi, bị gậy thúc hay bị người đánh xe la, không đi tới, không đi lui, đứng lại tại chỗ như một cột trụ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đây là loại ngựa chưa được điều phục. Này các Tỷ-kheo, đây là tánh xấu thứ bảy của con ngựa.

9. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có loại ngựa chưa được điều phục, khi đã đi, bị gậy thúc hay bị người đánh xe la, liền tréo hai chân trước, tréo lại hai chân sau, và quỵ xuống bốn chân tại đấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đây là loại ngựa chưa được điều phục. Này các Tỷ-kheo, đây là tánh xấu thứ tám của con ngựa.

Này các Tỷ-kheo, đây là tám loại ngựa chưa được điều phục và tám tánh xấu của con ngựa.

10. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tám hạng người chưa được điều phục và tám tánh xấu của con người ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo buộc tội một Tỷ-kheo phạm tội. Tỷ-kheo ấy bị các Tỷ-kheo buộc tội, tránh né (vấn đề) như là không nhớ, nói rằng : "Tôi không nhớ, tôi không nhớ ". Ví như, này các Tỷ-kheo, con ngựa chưa được điều phục ấy, khi bảo đi, bị gậy thúc, hay bị người đánh xe la, nó đi lùi với cái lưng làm cho cái xe chạy vòng lại. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng, người này giống như ví dụ ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đây là hạng người chưa được điều phục. Này các Tỷ-kheo, đây là tánh xấu thứ nhất của con người.

11. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo buộc tội một Tỷ-kheo phạm tội. Tỷ-kheo ấy bị các Tỷ-kheo buộc tội, phát ra lời chất vấn Tỷ-kheo buộc tội : "Thầy lấy quyền gì mà nói, này kẻ ngu Sìha không thông minh ? Tại sao Thầy nghĩ rằng Thầy phải nói ? " Ví như, này các Tỷ-kheo, con ngựa chưa được điều phục ấy, khi bảo đi, bị gậy thúc, hay bị người đánh xe la, nó nhảy lùi lại, đạp vào thành xe, làm gãy gọng xe. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng, người này giống như ví dụ ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đây là hạng người chưa được điều phục. Này các Tỷ-kheo, đây là tánh xấu hai của con người.

12. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo buộc tội một Tỷ-kheo phạm tội. Tỷ-kheo ấy bị các Tỷ-kheo buộc tội, liền cật nạn Tỷ-kheo buộc tội : "Thầy cũng phạm tội tên là như vậy. Vậy Thầy hãy phát lộ trước". Ví như, này các Tỷ-kheo, con ngựa chưa được điều phục ấy, khi bảo đi, bị gậy thúc, hay bị người đánh xe la, rút bắp vế ra khỏi xe và dẫm nát gọng xe. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng, người này giống như ví dụ ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đây là hạng người chưa được điều phục. Này các Tỷ-kheo, đây là tánh xấu ba của con người.

13. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo buộc tội một Tỷ-kheo phạm tội. Tỷ-kheo ấy bị các Tỷ-kheo buộc tội, liền tránh né vấn đề với một vấn đề khác, hướng dẫn câu chuyện ra ngoài và biểu lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Ví như, này các Tỷ-kheo, con ngựa chưa được điều phục ấy, khi bảo đi, bị gậy thúc, hay bị người đánh xe la, liền đi vào con đường xấu và làm cho xe bị lạc hướng. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng, người này giống như ví dụ ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đây là hạng người chưa được điều phục. Này các Tỷ-kheo, đây là tánh xấu thứ tư của con người.

14. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo buộc tội một Tỷ-kheo phạm tội. Tỷ-kheo ấy bị các Tỷ-kheo buộc tội, liền nói ba hoa, khua tay múa chân. Này các Tỷ-kheo, ví như con ngựa chưa được điều phục ấy, khi bảo đi, bị gậy thúc, hay bị người đánh xe la, liền trườn đứng phía thân trước và đạp lên không với chân trước. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng, người này giống như ví dụ ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đây là hạng người chưa được điều phục. Này các Tỷ-kheo, đây là tánh xấu thứ năm của con người.

15. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo buộc tội một Tỷ-kheo phạm tội. Tỷ-kheo ấy bị các Tỷ-kheo buộc tội, không để ý đến chúng Tăng, không để ý đến các Tỷ-kheo buộc tội, vị ấy đi chỗ nào vị ất muốn. Này các Tỷ-kheo, ví như con ngựa chưa được điều phục ấy, khi bảo đi, bị gậy thúc, hay bị người đánh xe la, không để ý đến người đánh xe, không để ý đến cây roi, lấy răng nghiến hàm thiết ngựa, và đi chỗ nào nó muốn. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng, người này giống như ví dụ ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đây là hạng người chưa được điều phục. Này các Tỷ-kheo, đây là tánh xấu thứ sáu của con người.

16. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo buộc tội một Tỷ-kheo phạm tội. Tỷ-kheo ấy bị các Tỷ-kheo buộc tội, liền nói : "Tôi không phạm tội, tôi không có phạm tội" và vị ấy làm chúng Tăng bực mình với sự im lặng. Này các Tỷ-kheo, ví như con ngựa chưa được điều phục ấy, khi bảo đi, bị gậy thúc, hay bị người đánh xe la, không đi tới, không đi lui, đứng lại như một cột trụ. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng, người này giống như ví dụ ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đây là hạng người chưa được điều phục. Này các Tỷ-kheo, đây là tánh xấu thứ bảy của con người.

17. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo buộc tội một Tỷ-kheo phạm tội. Tỷ-kheo ấy bị các Tỷ-kheo buộc tội, nói như sau : "Tại sao các Tôn giả lại quá lo cho tôi. Bắt đầu từ nay, tôi sẽ từ bỏ bọc và hoàn tục". Rồi vị ấy sau khi từ bỏ học pháp và hoàn tục nói như sau : "Nay các Tôn giả ấy được hoan hỷ". Này các Tỷ-kheo, ví như con ngựa chưa được điều phục ấy, khi bảo đi, bị gậy thúc, hay bị người đánh xe la, liền tréo lại hai chân trước, tréo lại hai chân sau và nằm xuống bốn chân tại đấy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng, người này giống như ví dụ ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đây là hạng người chưa được điều phục. Này các Tỷ-kheo, đây là tánh xấu thứ tám của con người.

Này các Tỷ-kheo, đây là tám hạng người chưa được điều phục và tám tánh xấu của con người.

(V) (15) CÁC CẤU UẾ

1. - Này các Tỷ-kheo, có tám tâm cấu uế này, thế nào là tám ?

2. Này các Tỷ-kheo, không đọc tụng là cấu uế của Thánh điển ; này các Tỷ-kheo, không thức dậy là cấu uế của nhà ; này các Tỷ-kheo, biếng nhác là cấu uế của dung sắc ; này các Tỷ-kheo, phóng dật là cấu uế của phòng hộ ; này các Tỷ-kheo, ác hạnh là cấu uế của đàn bà ; này các Tỷ-kheo, xan tham là cấu uế của bố thí ; các pháp ác, bất thiện, là cấu uế của đời này và đời sau. Nhưng này các Tỷ-kheo, còn có cấu uế lớn hơn các cấu uế. Vô minh là cấu uế lớn nhất.

Này các Tỷ-kheo, đây là tám loại cấu uế.

Không tụng làm nhớp kinh
Không dậy làm nhớp nhà
Biếng nhác làm nhớp dung sắc
Phóng dật làm nhớp phòng hộ
Ác hạnh nhớp mỹ nhân
Xan tham nhớp bố thí
Các pháp ác làm nhớp
Đời này và đời sau
Nhưng có loại cấu uế
Hơn tất cả cấu uế
Đấy chính là vô minh
Là cấu uế lớn nhất.

(VI)(16) SỨ GIẢ

1. - Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo xứng đáng đi làm sứ giả. Thế nào là tám ?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là người nghe, khiến người khác nghe, học và khiến người khác thọ trì, biết và khiến người khác biết, thiện xảo trong vấn đề thích hợp và không thích hợp (hay vấn đề kinh điển hay không kinh điển) không phải là người ưa cãi nhau.

Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo xứng đáng đi làm sứ giả.

3. Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, Sàriputta (Xá-lợi-phất) xứng đáng đi làm sứ giả. Thế nào là tám ?

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Sàriputta là người nghe, khiến người khác nghe, học và khiến người khác thọ trì, biết và khiến người khác biết, thiện xảo trong vấn đề thích hợp và không thích hợp, không phải là người ưa cãi nhau.

Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, Sàriputta xứng đáng đi làm sứ giả :

Với ai không run sợ,
Đến hội chúng bạo ngôn
Không quên lời đã học
Không che giấu giáo pháp
Không nói lời nghi hoặc
Được hỏi không phẫn nộ
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Xứng đáng đi sứ giả

(VII) (17) SỰ TRÓI BUỘC CỦA NỮ NHÂN

1. - Với tám hình tướng, này các Tỷ-kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân. Thế nào là tám ?

2. Này các Tỷ-kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân với sắc ; này các Tỷ-kheo nữ nhân trói buộc nam nhân với tiếng cười ; này các Tỷ-kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân với lời nói ; này các Tỷ-kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân với lời ca ; này các Tỷ-kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân với nước mắt ; này các Tỷ-kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân với áo quần ; này các Tỷ-kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân với vật tặng ; này các Tỷ-kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân với xúc chạm.

Với tám hình tướng, này các Tỷ-kheo, nữ nhân trói buộc nam nhân. Các loài hữu tình bị khéo trói buộc bởi các hình tướng ấy, giống như trói buộc bởi bẫy sập.

(VIII) (18) NAM NHÂN TRÓI BUỘC

1. - Với tám hình tướng, này các Tỷ-kheo, nam nhân trói buộc nữ nhân. Thế nào là tám?

2. Này các Tỷ-kheo, nam nhân trói buộc nữ nhân với sắc ; này các Tỷ-kheo nam nhân trói buộc nữ nhân với tiếng cười ; này các Tỷ-kheo, nam nhân trói buộc nữ nhân với lời nói ; này các Tỷ-kheo, nam nhân trói buộc nữ nhân với lời ca ; này các Tỷ-kheo, nam nhân trói buộc nữ nhân với nước mắt ; này các Tỷ-kheo, nam nhân trói buộc nữ nhân với áo quần ; này các Tỷ-kheo, nam nhân trói buộc nữ nhân với vật tặng ; này các Tỷ-kheo, nam nhân trói buộc nữ nhân với xúc chạm.

Với tám hình tướng, này các Tỷ-kheo, nam nhân trói buộc nữ nhân. Các loài hữu tình bị khéo trói buộc bởi các hình tướng ấy, giống như trói buộc bởi bẫy sập.

(IX) (19) A-TU-LA PAHÀRÀDA

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Veranjà, dưới gốc cây Nalerupucimanda. Rồi vua A-tu-la Pahàràda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi đứng một bên. Thế Tôn nói với vua A-tu-la Pahàràda đang đứng một bên :

- Này Paràhàda, có phải các A-tu-la thích thú biển lớn ?

- Bạch Thế Tôn, các A-tu-la thích thú biển lớn.

- Này Paràhàda, có bao nhiêu sự vi diệu trong biển lớn mà do chúng thấy, các A-tu-la thích thú biển lớn ?

- Bạch Thế Tôn, có tám vi diệu chưa từng có trong biển lớn mà do chúng thấy, các A-tu-la thích thú biển lớn. Thế nào là tám ?

2. Bạch Thế Tôn, biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm. Vì rằng bạch Thế Tôn, vì rằng biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm, nên bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ nhất, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.

3. Lại nữa, bạch Thế Tôn, biển lớn đứng một chỗ, không có vượt qua bờ. Vì rằng bạch Thế Tôn, biển lớn đứng một chỗ, không có vượt qua bờ, bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ hai, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.

4. Lại nữa, bạch Thế Tôn, biển lớn không có chấp chứa xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng lên bờ hay vất lên đất liền, nên bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ ba, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.

5. Lại nữa, bạch Thế Tôn, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông hằng, sông Yamunà, sông Aciravatì, sông Sarabhù, Sông Mahì, các con sông ấy khi chảy đến biển, liền bỏ tên họ cũ trở thành biển lớn. Vì rằng, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng … trở thành biển lớn, nên bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ tư, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.

6. Lại nữa, bạch Thế Tôn, phàm có những dòng nư���c gì ở đời chảy vào biển lớn, phàm có những nước mưa từ trời rơi xuống, nhưng không vì vậy biển lớn được thấy có vơi có đầy. Bạch Thế Tôn, vì rằng, phàm có những dòng nước gì ở đời chảy vào biển lớn, phàm có những nước mưa từ trời rơi xuống, nhưng không vì vậy biển lớn được thấy có vơi có đầy, bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ năm, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.

7. Lại nữa, bạch Thế Tôn, biển lớn chỉ có một vị là vị mặn. Vì rằng, bạch Thế Tôn, biển lớn chỉ có một vị là vị mặn, nên bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ năm, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.

8. Lại nữa, bạch Thế Tôn, biển lớn có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đây có những châu báu này, như chân trâu, ma-ni châu, lưu-ly, xa-cừ, ngọc bích, san hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã não, bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ bảy, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.

9. Lại nữa, bạch Thế Tôn, biển lớn là trú xứ các loại chúng sanh lớn, tại đấy, có những chúng sanh như các con Timi, Timingalà, Timiramingalà, những loại Asurà (A-tu-la), các loại Nàgà, các loại Gandhabbà. Trong biển có những loài hữu tình do tự ngã dài một trăm do tuần, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm do tuần. Vì rằng, bạch Thế Tôn, biển lớn là trú xứ các loài chúng sanh lớn … năm trăm do tuần, nên bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ tám, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn. Nhưng bạch Thế Tôn, các Tỷ-kheo có thích thú trong Pháp và Luật này ?

- Này Pahàràda, Tỷ-kheo có thích thú trong Pháp và Luật này.

- Bạch Thế Tôn, trong Pháp và Luật này có bao nhiêu pháp vi diệu chưa từng có mà do thấy chúng, các Tỷ-kheo thích thú trong pháp và luật này ?

10. - Này Pahàràda, có tám pháp vi diệu này chưa từng có trong Pháp và Luật mà do thấy chúng, các Tỷ-kheo thích thú trong pháp và luật này. Thế nào là tám ?

11. Ví như, này Pahàràda, biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm. Cũng vậy, này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể chấp chánh trí thình lình. Này Pahàràda, vì rằng trong pháp và luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể chấp chánh trí thình lình, nên này Pahàràda, đây là vi diệu chưa từng có thứ nhất do mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.

12. Ví như, này Pahàràda, biển lớn đứng một chỗ, không có vượt qua bờ. Cũng vậy, này Pahàràda, khi các học pháp được ta sửa soạn cho các đệ tử, các đệ tử của ta, dầu cho vì nhân sinh mạng, cũng không vượt qua, nên này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, đây là vi diệu chưa từng có thứ hai do mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.

13. Ví như, này Pahàràda, biển lớn không có chấp chứa xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng lên bờ hay vất lên đất liền. Cũng vậy, này Pahàràda, người nào là ác giới, theo ác pháp, sở hành bất tịnh đáng nghi ngờ, có những hành vi che đậy, không phải là Sa-môn, nhưng tự nhận là Sa-môn, không phải sống Phạm hạnh nhưng tự nhận có Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, tánh tình bất tịnh. Chúng Tăng không sống chung với người ấy, lập tức hội họp lại và đuổi người ấy ra khỏi. Dầu cho người ấy có ngồi giữa chúng Tỷ-kheo Tăng, nhưng người ấy sống xa chúng Tăng và chúng Tăng sống xa người ấy. Vì rằng, này Pahàràda, người ấy là ác giới, theo ác pháp, … tánh tình bất tịnh … và chúng Tăng sống xa vị ấy, nên này Pahàràda, trong pháp và luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ ba mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.

14. Ví như, này Pahàràda, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông hằng, sông Yamunà, sông Aciravatì, sông Sarabhù, Sông Mahì, các con sông ấy khi chảy đến biển, liền bỏ tên họ cũ trở thành biển lớn. Cũng vậy, này Pahàràda, có bốn giai cấp : Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn, Phệ-xá, Thủ-đà, sau khi từ bỏ gia đình, xuất gia trong Pháp và Luật được Như Lai tuyên bố, họ từ bỏ tên và họ của họ từ trước, và họ trở thành những Sa-môn Thích tử. Này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ tư mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.

15. Ví như, này Pahàràda, phàm có những dòng nước gì ở đời chảy vào biển lớn, phàm có những nước mưa từ trời rơi xuống, nhưng không vì vậy biển lớn được thấy có vơi có đầy. Cũng vậy, này Pahàràda, nếu có nhiều Tỷ-kheo nhập vào Niết-bàn giới không có dư y, Niết-bàn giới cũng không vì vậy được thấy có vơi có đầy. Này Pahàràda, nếu có nhiều vị Tỷ-kheo nhập vào Niết-bàn giới không có dư y, Niết-bàn giới cũng không vì vậy được thấy có vơi có đầy. Này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ năm mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.

16. Ví như, này Pahàràda, biển lớn chỉ có một vị mặn. Cũng vậy, này Pahàràda, Pháp và Luật cũng chỉ có một vị là vị giải thoát. Này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ sáu mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.

17. Ví như, này Pahàràda, biển lớn có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đây có những châu báu này, như chân trâu, ma-ni châu, lưu-ly, xa-cừ, ngọc bích, san hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã não. Cũng vậy, này Pahàràda, Pháp và Luật này có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đấy có những châu báu này, như Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy giác chi, Thánh đạo tám ngành. Này Pahàràda, vì rằng Pháp và Luật này có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đấy có những châu báu này, như Bốn niệm xứ …, Thánh đạo tám ngành, nên này Pahàràdan, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ bảy mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.

18. Ví như, này Pahàràda, biển lớn là trú xứ các loại chúng sanh lớn, tại đấy, có những chúng sanh như các con Timi, Timingalà, Timiramingalà, những loại Asurà (A-tu-la), các loại Nàgà, các loại Gandhabbà. Trong biển có những loài hữu tình do tự ngã dài một trăm do tuần, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm do tuần. Cũng vậy, này Pahàràda, Pháp và Luật là trú xứ của các loài chúng sanh lớn. Ở đấy có x loại chúng sanh này : bậc Dự lưu, bậc đã hướng đến chứng ngộ Dự lưu quả, bậc Nhất Lai, bậc đã hướng đến chứng ngộ Nhất lai quả, bậc Bất lai, bậc đã hướng đến chứng ngộ Bất lai quả, bậc A-la-hán, bậc đã hướng đến chứng ngộ quả A-la-hán. Này Pahàràda, vì rằng Pháp và Luật này là trú xứ của các loại chúng sanh lớn. Ở đấy có những chúng sanh này … quả A-la-hán. Này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ tám mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.

Này Pahàràda, đây là tám pháp vi diệu, chưa từng có trong pháp và luật và do thấy vậy, do thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.

(X)(20) NGÀY TRAI GIỚI

1. Như vầy tôi nghe :

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvavatthì, tại Đông viên, chỗ lâu đài mẹ Migàra. Lúc bấy giờ Thế Tôn, nhân ngày trai giới, đang ngồi, có chúng Tăng đoanh vây. Rồi Tôn giả Ananda, khi đêm đã gần mãn, và canh một đã qua, từ chỗ ngồi, đứng dậy, đắp y thượng vào một bên vai, chắp tay vái chào Thế Tôn và bạch Thế Tôn :

- Bạch Thế Tôn, đêm đã gần mãn, canh một đã qua, chúng Tỷ-kheo đã ngồi lâu, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy đọc giới bổn cho các Tỷ-kheo.

Khi được nói vậy, Thế Tôn giữ im lặng.

2. Lần thứ hai, Tôn giả Ananda, khi đêm đã gần mãn, và canh giữa đã qua, từ chỗ ngồi, đứng dậy, đắp y thượng vào một bên vai, chắp tay vái chào Thế Tôn và bạch Thế Tôn :

- Bạch Thế Tôn, đêm đã gần mãn, canh hai đã qua, chúng Tỷ-kheo đã ngồi lâu, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy đọc giới bổn cho các Tỷ-kheo.

3. Lần thứ hai, Tôn giả Ananda, khi đêm đã gần mãn, và canh cuối đã qua, rạng đông đã khởi, mặt đêm đã sáng rõ, từ chỗ ngồi, đứng dậy, đắp y thượng vào một bên vai, chắp tay vái chào Thế Tôn và bạch Thế Tôn :

- Bạch Thế Tôn, đêm đã gần mãn, canh hai đã qua, chúng Tỷ-kheo đã ngồi lâu, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy đọc giới bổn cho các Tỷ-kheo.

- Này Ànanda, hội chúng không được thanh tịnh.

4. Rồi Tôn giả Mahàmoggallàna suy nghĩ như sau : "Đề cập đến người nào, Thế Tôn đã nói : "Này Ànanda, hội chúng không được thanh tịnh " ? . Rồi Tôn giả Mahàmoggallàna, với tâm của mình, chú tâm tác ý đến toàn thể chúng Tỷ-kheo Tăng, Tôn giả thấy một người ấy là ác giới, theo ác pháp, sở hành bất tịnh, đáng nghi ngờ, có những hành vi che đậy, không phải là Sa-môn nhưng tự nhận là Sa-môn, không phải sống Phạm hạnh nhưng tự nhận là sống Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, tánh tình bất tịnh, đang ngồi giữa chúng Tỷ-kheo ; thấy vậy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến người ấy, sau khi đến, nói với người ấy :

- Này Hiền giả, hãy đứng dậy. Thế Tôn đã thấy Ông. Đối với Hiền giả, không thể chung sống với các Tỷ-kheo.

- Được nói như vậy, người ấy im lặng. Lần thứ hai, Tôn giả Mahàmoggallàna nói với người ấy :

- Này Hiền giả, hãy đứng dậy. Thế Tôn đã thấy Ông. Đối với Hiền giả, không thể chung sống với các Tỷ-kheo.

Lần thứ hai, người ấy im lặng. Lần thứ ba, Tôn giả Mahàmoggallàna nói với người ấy :

- Này Hiền giả, hãy đứng dậy. Thế Tôn đã thấy Ông. Đối với Hiền giả, không thể chung sống với các Tỷ-kheo.

Lần thứ ba, người ấy im lặng.

5. Rồi Tôn giả Mahàmoggallàna nắm lấy cánh tay người ấy, đẩy ra khỏi cửa, đóng chốt cửa lại, rồi đi đến Thế Tôn, sau khi đến, bạch Thế Tôn :

- Bạch Thế Tôn, người ấy đã bị con đuổi ra khỏi. Hội chúng đã thanh tịnh. Bạch Thế Tôn, hãy thuyết giới bổn cho chúng Tỷ-kheo.

- Thật vi diệu thay, này Mahàmoggallàna ! Thật hy hữu thay, này Mahàmoggallàna ! Cho đến khi bị nắm tay, kẻ ngu sĩ kia mới đi.

Rồi Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo :

- Này các Tỷ-kheo, các Thầy hãy hành trì Uposatha (Bố-tát), hãy đọc giới bổn. Bắt đầu từ nay, này các Tỷ-kheo, Ta sẽ không đọc giới bổn. Này các Tỷ-kheo, không có sự kiện, không có cơ hội rằng Như Lai có thể đọc giới bổn trong một hội chúng không thanh tịnh.

7. Này các Tỷ-kheo, trong biển lớn có tám pháp vi diệu chưa từng có này mà do thấy vậy, thấy vậy, các Asurà (A-tu-la) thích thú biển lớn. Thế nào là tám ?

Này các Tỷ-kheo, biển lớn tuần tự xuôi, tuần tự thuận hướng … (như trên 19, từ số 2 đến số 9) … Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ tám mà do thấy vậy, thấy vậy, các Asurà (A-tu-la) thích thú biển lớn.

Này các Tỷ-kheo, trong biển lớn có tám pháp vi diệu chưa từng có này mà do thấy vậy, thấy vậy, các Asurà thích thú biển lớn.

8. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này có tám pháp vi diệu chưa từng có này mà do thấy vậy, thấy vậy, các Asurà thích thú Pháp và Luật này. Thế nào là tám ?

Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng … (như trên 19 số 11 với những thay đổi cần thiết ) … Này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, đây là vi diệu chưa từng có thứ tám mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo hoan hỷ trong Pháp và Luật này.

Này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, có tám vi diệu, chưa từng có này mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo hoan hỷ trong Pháp và Luật này.



IV. PHẨM BỐ THÍ

(I)(31) BỐ THÍ (1)

1. - Này các Tỷ-kheo, có tám bố thí. Thế nào là tám ?

2. Vì có người đến, nên bố thí ; Vì sợ hãi, nên bố thí ; Vì nghĩ rằng : "Người ấy sẽ cho ta nên bố thí ; Vì nghĩ rằng : "Bố thí là tốt" nên bố thí ; Vì nghĩ rằng : "Ta nấu, những người này không nấu. Thật Ta không xứng đáng là người nấu lại không cho người không nấu" nên bố thí ; Vì nghĩ rằng : "Do ta cho bố thí này, nên tiếng tốt được truyền đi" nên bố thí ; Vì trang nghiêm tâm, trang bị tâm nên bố thí.

Này các Tỷ-kheo, có tám bố thí này.

(II)(32) BỐ THÍ (2)

Tín, tàm và thiện thí
Những pháp thiện sĩ cầu
Đường này gọi Thiện đạo
Đường này đi Thiên giới

(III)(33) CĂN BẢN ĐỂ BỐ THÍ

1. - Này các Tỷ-kheo, có tám căn bản để bố thí. Thế nào là tám ?

2. Vì lòng dục nên bố thí ; vì sân hận nên bố thí ; vì ngu si nên bố thí ; vì sợ hãi nên bố thí ; vì nghĩ rằng : "Trước tổ tiên đã bố thí, trước đã làm. Ta không xứng đáng là người để truyền thống này bị bỏ phế" nên bố thí ; vì nghĩ rằng : "Sau khi cho bố thí này, khi thân hoại mạng chung, se được sanh lên thiện phú, Thiên giới, cõi đời này "nên bố thí. Vì nghĩ rằng : "Khi ta bố thí này, tâm được tịnh tín, do hân hoan, hỷ được sanh" nên bố thí. Để trang nghiêm tâm, trang bị tâm nên bố thí.

Này các Tỷ-kheo, có tám căn bản để bố thí này.

(IV)(34) THỬA RUỘNG

1.- Này các Tỷ-kheo, hột giống được gieo vào thửa ruộng thành tựu tám chi phần được xem là không quả lớn, không vị ngọt lớn, không phải địa điểm tăng thịnh. Thế nào là thành tựu tám chi phần ?

2. Này các Tỷ-kheo, ở đây thửa ruộng lồi lên lõm xuống, đầy đá và sạn, đất mặn, không có bề sâu, không có chỗ nước chảy ra, không có chỗ nước chảy vào, không có nước chảy, không có bờ đê. Như vậy, này các Tỷ-kheo, hột giống được gieo vào thửa ruộng thành tựu được tám chi phần được xem là không quả lớn, không vị ngọt lớn, không phải địa điểm tăng thịnh. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, bố thí giữa những Sa-môn, Bà-la-môn thành tựu tám chi phần, không có quả lớn, không lợi ích lớn, không có rung cảm lớn. Thế nào là thành tựu tám chi phần ?

3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Sa-môn, các Bà-la-môn có tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định. Như vậy, này các Tỷ-kheo, bố thí giữa những Sa-môn, Bà-la-môn thành tựu tám chi phần, không có quả lớn, không lợi ích lớn, không có rung cảm lớn.

4. Này các Tỷ-kheo, hột giống được gieo vào thửa ruộng thành tựu tám chi phần được xem là không quả lớn, không vị ngọt lớn, không phải địa điểm tăng thịnh. Thế nào là thành tựu tám chi phần ?

5. Này các Tỷ-kheo, ở đây thửa ruộng không lồi lên lõm xuống, không có đầy đá và sạn, không có đất mặn, có bề sâu, có chỗ nước chảy ra, có chỗ nước chảy vào, có nước chảy, có bờ đê. Như vậy, này các Tỷ-kheo, hột giống được gieo vào thửa ruộng thành tựu được tám chi phần được xem là có quả lớn, có vị ngọt lớn, là địa điểm tăng thịnh. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, bố thí giữa những Sa-môn, Bà-la-môn thành tựu tám chi phần, có quả lớn, lợi ích lớn, có rung cảm lớn. Thế nào là thành tựu tám chi phần ?

6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Sa-môn, các Bà-la-môn có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Như vậy, này các Tỷ-kheo, bố thí giữa những Sa-môn, Bà-la-môn thành tựu tám chi phần, có quả lớn, lợi ích lớn, có rực rỡ lớn, có rung cảm lớn.

Khi ruộng được đầy đủ
Hột giống gieo đầy đủ
Khi mưa xuống đầy đủ
Lúa gặt được đầy đủ
Tai họa không có mặt
Tăng trưởng được đầy đủ
Rộng lớn được đầy đủ
Kết quả được đầy đủ
Cũng vậy, sự bố thí
Giữa những người đủ giới
Và vật liệu bố thí
Cũng được sắm đầy đủ
Đưa đến sự đầy đủ
Vì sở hành đầy đủ
Vậy ai muốn đầy đủ
Phải tự mình đầy đủ
Phục vụ người đủ tuệ
Như vậy thành công đủ
Đầy đủ trí và đức
Với tâm được đầy đủ
Làm nghiệp được đầy đủ
Lợi ích được đầy đủ
Như thật biết cuộc đời
Đạt được kiến đầy đủ
Đường đầy đủ đi đến
Tiến đến ý đầy đủ
Vất bỏ mọi cấu uế
Đạt Niết-bàn cụ túc
Giải thoát mọi khổ đau
Tức đầy đủ vẹn toàn.

(V) (35) THỌ SANH DO BỐ THÍ

1. - Này các Tỷ-kheo, có tám thọ sanh do bố thí. Thế nào là tám ?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người bố thí cho Sa-môn hay Bà-la-môn với đồ ăn, đồ uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, dầu thoa, đồ nằm, trú xứ, đèn đuốc. Người ấy bố thí và mong hưởng quả. Thấy các Sát-đế-lỵ đại phú hay các Bà-la-môn đại phú, hay các gia chủ đại phú, sung túc, đầy đủ, thọ hưởng năm dục trưởng dưỡng, người ấy suy nghĩ như sau : "Mong rằng, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với Sát-đế-lỵ đại phú, hay với Bà-la-môn đại phú, hay với gia chủ đại phú ". Người ấy móng tâm như vậy, trú tâm như vậy, tu tâm như vậy, tâm người ấy hướng đến hạ liệt, không tu tập hướng thượng, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với Sát-đế-lỵ đại phú, hay với Bà-la-môn đại phú, hay với gia chủ đại phú. Ta nói rằng : "Người ấy là người giữ giới, không phải là người ác giới". Này các Tỷ-kheo, người giữ giới thành công, vì tâm hướng đến thanh tịnh.

3-4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người bố thí cho Sa-môn hay Bà-la-môn với đồ ăn, đồ uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, dầu thoa, đồ nằm, trú xứ, đèn đuốc. Người ấy bố thí và mong hưởng qua. Nghe rằng : "Bốn Thiên vương thiên sống lâu, có dung sắc, được nhiều an lạc", người ấy suy nghĩ như sau : "Mong rằng khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên ở Bốn Thiên vương … với chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba … với chư Thiên ở cõi Trời Dạ-ma … với chư Thiên ở cõi Trời Đâu-xuất … với chư Thiên ở cõi Trời Hóa lạc … với chư Thiên ở cõi Trời Tha hóa Tự tại thiên … "Người ấy móng tâm như vậy, trú tâm như vậy, tu tâm như vậy, tâm người ấy hướng đến hạ liệt, không tu tập hướng thượng, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên ở cõi Bốn thiên vương … ở cõi Tha hóa Tự tại thiên, hay với Bà-la-môn đại phú, hay với gia chủ đại phú. Ta nói rằng : "Người ấy là người giữ giới, không phải là người ác giới". Này các Tỷ-kheo, người giữ giới thành công, vì tâm hướng đến thanh tịnh.

5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn với đồ ăn, đồ uống… Nghe rằng : " : "Chư Thiên ở Phạm chúng thiên sống lâu, có dung sắc, được nhiều an lạc", người ấy suy nghĩ như sau : "………". Ta nói rằng : "Người ấy là người không giữ giới, không phải là người ác giới, là người ly tham, không phải là người có tham". Này các Tỷ-kheo, người giữ giới thành công, vì tâm hướng đến thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, người giữ giới thành công, vì tâm hướng đến ly tham. Này các Tỷ-kheo, tám pháp này là tám pháp thọ sanh do bố thí.

(VI) (36) PHƯỚC SỰ NGHIỆP

1. Này các Tỷ-kheo, có ba căn bản làm phước. Thế nào là ba ?

2. Căn bản làm phước do bố thí, căn bản làm phước do giới đức, căn bản làm phước do tu tập.

3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người căn bản làm phước do bố thí trên một quy mô nhỏ, căn bản làm phước do giới đức trên một quy mô nhỏ, căn bản làm phước do tu tập một quy mô nhỏ. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh làm người không may mắn.

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người căn bản làm phước do bố thí trên một quy mô vừa, căn bản làm phước do giới đức trên một quy vừa, không đạt được căn bản làm phước do tu tập. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung được sanh làm người có may mắn.

5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người căn bản làm phước do bố thí trên một quy mô to lớn, căn bản làm phước do giới đức trên một quy mô to lớn, nhưng không đạt được căn bản làm phước do tu tập. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên ở Tam thập Tam thiên. Tại đây, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka sau khi làm thật nhiều căn bản phước nghiệp do bố thí, sau khi làm thật nhiều căn bản phước nghiệp do giới đức, vượt qua Bốn thiên vương trên mười điểm : tuổi thọ chư Thiên, dung sắc chư Thiên, an lạc chư Thiên, danh tiếng chư Thiên, Tăng thượng lúc chư Thiên, thiên sắc, thiên hương, thiên vị, thiên xúc.

6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người căn bản làm phước do bố thí trên một quy mô to lớn, căn bản làm phước do giới đức trên một quy mô to lớn, nhưng không đạt được căn bản làm phước do tu tập. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên ở Tam thập Tam thiên. Tại đây, này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka sau khi làm thật nhiều căn bản phước nghiệp do bố thí, sau khi làm thật nhiều căn bản phước nghiệp do giới đức, vượt qua chư Thiên ở Tàvatimsa trên mười điểm : tuổi thọ chư Thiên, dung sắc chư Thiên, an lạc chư Thiên, danh tiếng chư Thiên, Tăng thượng lúc chư Thiên, thiên sắc, thiên hương, thiên vị, thiên xúc.

7. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người căn bản làm phước do bố thí trên một quy mô to lớn, căn bản làm phước do giới đức trên một quy mô to lớn, nhưng không đạt được căn bản làm phước do tu tập. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên ở Yàma thiên. Tại đây, này các Tỷ-kheo, Thiên tử Suyàma sau khi làm thật nhiều căn bản phước nghiệp do bố thí, sau khi làm thật nhiều căn bản phước nghiệp do giới đức, vượt qua chư Thiên ở Yàma trên mười điểm : tuổi thọ chư Thiên, … thiên vị, thiên xúc.

8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người căn bản làm phước do bố thí trên một quy mô to lớn, căn bản làm phước do giới đức trên một quy mô to lớn, nhưng không đạt được căn bản làm phước do tu tập. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên ở Tusità thiên. Tại đây, này các Tỷ-kheo, Thiên tử Santusità, sau khi làm thật nhiều căn bản phước nghiệp do bố thí, sau khi làm thật nhiều căn bản phước nghiệp do giới đức, vượt qua chư Thiên ở Tusità trên mười điểm : tuổi thọ chư Thiên, … thiên vị, thiên xúc.

9. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người căn bản làm phước do bố thí trên một quy mô to lớn, căn bản làm phước do giới đức trên một quy mô to lớn, nhưng không đạt được căn bản làm phước do tu tập. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên ở Hóa lạc thiên. Tại đây, này các Tỷ-kheo, Thiên tử Sunimmita, sau khi làm thật nhiều căn bản phước nghiệp do bố thí, sau khi làm thật nhiều căn bản phước nghiệp do giới đức, vượt qua chư Thiên ở Hóa lạc thiên trên mười điểm : tuổi thọ chư Thiên, … thiên vị, thiên xúc.

10. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người căn bản làm phước do bố thí trên một quy mô to lớn, căn bản làm phước do giới đức trên một quy mô to lớn, nhưng không đạt được căn bản làm phước do tu tập. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên ở Tha hóa tự tại thiên. Tại đây, này các Tỷ-kheo, Thiên tử Vasavattì, sau khi làm thật nhiều căn bản phước nghiệp do bố thí, sau khi làm thật nhiều căn bản phước nghiệp do giới đức, vượt qua chư Thiên ở Tha hóa Tự tại thiên trên mười điểm : tuổi thọ chư Thiên, … thiên vị, thiên xúc.

Này các Tỷ-kheo, có ba căn bản phước nghiệp này.

(VII)(37) NGƯỜI CHÂN NHÂN (1)

1. - Này các Tỷ-kheo, có tám bố thí này của bậc chân nhân. Thế nào là tám ?

2. Cho vật trong sạch ; cho vật thù diệu ; cho đúng thời ; cho vật thích ứng ; cho với sự cẩn thận ; cho luôn luôn ; tâm cho được tịnh tín ; sau khi cho được hoan hỷ.

Này các Tỷ-kheo, có tám bố thí này của bậc chân nhân :

Trong sạch và thù diệu
Đúng thời và thích ứng
Đồ uống và đồ ăn
Luôn luôn làm bố thí
Trong các ruộng tốt lành
Sống theo đời Phạm hạnh
Không có gì hối tiếc
Bố thí nhiều tài vật
Những bố thí như vậy
Được bậc trí tán thán
Bậc Trí thí như vậy
Với tâm tín, giải thoát
Không hại, tâm an lạc
Bậc trí sanh ở đời.

(VIII) (38) NGƯỜI CHÂN NHÂN (2)

1. - Này các Tỷ-kheo, bậc chân nhân sinh ra trong gia đình nào, đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho nhiều người ; đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho cha mẹ ; đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho vợ con ; đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho người phục vụ, người làm công ; đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho bạn bè thân hữu ; đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho các hương linh đã mất ; đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho vua chúa ; đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên ; đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho Sa-môn, Bà-la-môn.

2. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cơn mưa lớn làm cho các loại mùa màng thành tựu đầy đủ, đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho nhiều người. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Chân nhân sinh ra trong gia đình nào, đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho nhiều người ; đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho cha mẹ ; đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho vợ con ; đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho người phục vụ, người làm công ; đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho bạn bè thân hữu ; đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho các hương linh đã mất ; đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho vua chúa ; đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên ; đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho Sa-môn, Bà-la-môn.

Vì lợi ích nhiều người
Bậc trí sống gia đình
Không mệt mỏi ngày đêm
Cúng dường thật đúng pháp
Mẹ cha và tổ tiên
Nhớ ngày trước đã làm
Đối xuất gia, không nhà
Kính lễ bậc Phạm hạnh
Tin vững trú, cúng dường
Biến pháp, khéo xử sự
Là người đem lợi ích
Cho vua, cho chư Thiên
Là người đem lợi ích
Cho bà con, bè bạn
Là người đem lợi ích
Cho tất cả mọi người
Khéo an trú diệu pháp
Nhiếp xan tham cấu uế
Hưởng cuộc đời hạnh phúc

(IX)(39) NGUỒN NƯỚC CÔNG ĐỨC

1.- Này các Tỷ-kheo, có tám nguồn nước công đức này, là nguồn nước thiện, món ăn cho an lạc làm nhơn sanh Thiên, quả dị thục an lạc, đưa đến cõi trời, dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc. Thế nào là tám ?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử quy y Phật. Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ nhất, là nguồn nước thiện … hạnh phúc, an lạc.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử quy y Pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ hai, là nguồn nước thiện … hạnh phúc, an lạc.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử quy y Tăng. Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ ba, là nguồn nước thiện … hạnh phúc, an lạc.

5. Này các Tỷ-kheo, có năm bố thí này, là đại bố thí, được biết là tối sơ, được biết là lâu ngày, được biết là truyền thống cổ xưa, trước không tạp loạn, hiện tại không tạp loạn, tương lai không tạp loạn, không bị những Sa-môn, những Bà-la-môn có trí khinh thường. Thế nào là năm ?

6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận sát sanh. Này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử từ bỏ sát sanh, đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sanh ; sau khi cho vô lượng chúng sanh, không sợ hãi, không hận thù, không hại, vị ấy sẽ được san sẽ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại. Này các Tỷ-kheo, đây là bố thí thứ nhất, là đại bố thí, được biết là tối sơ, được biết là lâu ngày … không bị những Sa-môn, những Bà-la-môn có trí khinh thường. Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ tư, là nguồn nước thiện … dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.

7. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho … đoạn tận tà hạnh trong các dục, từ bỏ tà hạnh trong các dục … đoạn tận nói láo, từ bỏ nói láo … đoạn tận đắm say rượu men, rượu nấu, đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sanh ; sau khi cho vô lượng chúng sanh, không sợ hãi, không hận thù, không hại, vị ấy sẽ được san sẽ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại. Này các Tỷ-kheo, đây là bố thí thứ năm, là đại bố thí, được biết là tối sơ, được biết là lâu ngày … không bị những Sa-môn, những Bà-la-môn có trí khinh thường. Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ tư, là nguồn nước thiện … dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.

Này các Tỷ-kheo, có tám nguồn nước công đức này, là nguồn nước thiện, món ăn cho an lạc làm nhơn sanh Thiên, quả dị thục an lạc, đưa đến cõi trời, dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.

(X)(40) RẤT LÀ NHẸ

1.- Này các Tỷ-kheo, sát sanh được thực hiện, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến địa ngục, đưa đến loại bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhẹ của sát sanh là được làm người với tuổi thọ ngắn.

2. Này các Tỷ-kheo, lấy của không cho được thực hiện, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến địa ngục, đưa đến loại bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhẹ của lấy của không cho là được làm người với sự tổn hại tài sản.

3. Này các Tỷ-kheo, tà hạnh trong các dục được thực hiện, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến địa ngục, đưa đến loại bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhẹ của tà hạnh trong các dục là được làm người với sự oán thù của kẻ địch.

4. Này các Tỷ-kheo, nói láo được thực hiện, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến địa ngục, đưa đến loại bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhẹ của nói láo là được làm người bị vu cáo không đúng sự thật.

5. Này các Tỷ-kheo, nói hai lưỡi được thực hiện, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến địa ngục, đưa đến loại bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhẹ của nói hai lưỡi là được làm người với bạn bè bị đổ vỡ.

6. Này các Tỷ-kheo, nói ác khẩu được thực hiện, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến địa ngục, đưa đến loại bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhẹ của nói ác khẩu là được làm người và được nghe những tiếng không khả ý.

7. Này các Tỷ-kheo, nói lời phù phiếm được thực hiện, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến địa ngục, đưa đến loại bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhẹ của nói lời phù phiếm là được làm người và được nghe những lời khó chấp nhận.

8. Này các Tỷ-kheo, uống men rượu, rượu nấu, được thực hiện, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến địa ngục, đưa đến loại bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhẹ của uống rượu là được làm người với tâm điên loạn.


V. PHẨM NGÀY TRAI GIỚI

(I) (41) CÁC TRAI GIỚI

1. Như vầy tôi nghe :

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvavatthì tại Jetanava, khu vườn ông Anàthapindika, ở đấy Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo : "Này các Tỷ-kheo", - "Bạch Thế Tôn"

Các tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế tôn nói như sau :

2. - Này các Tỷ-kheo, ngày trai giới thành tựu tám chi phần, được thực hành thời có được quả lớn, có lợi ích lớn, có rực rỡ lớn ; có biến mãn lớn. Như thế nào, này các Tỷ-kheo, là ngày trai giới thành tựu tám chi phần, được thực hành thời có được quả lớn, có lợi ích lớn, có rực rỡ lớn ; có biến mãn lớn ?

3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử suy nghĩ như sau : "Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán đoạn tận sát sanh, từ bỏ sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Hôm nay, đêm này và ngày nay, ta cũng đoạn tận sát sanh, từ bỏ sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Với chi phần này, Ta theo gương vị A-la-hán, ta sẽ thực hành trai giới ". Đây là chi phần thứ nhất được thành tựu.

4. "Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán đoạn tận lấy của không cho, chỉ lấy những vật đã cho, chỉ mong những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không có trộm cướp. Hôm nay, đêm này và ngày nay, ta cũng đoạn tận lấy của không cho, chỉ lấy những vật đã cho, chỉ mong những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không có trộm cướp. Với chi phần này, Ta theo gương vị A-la-hán, ta sẽ thực hành trai giới ". Đây là chi phần thứ hai được thành tựu.

5. "Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán đoạn tận phi Phạm hạnh, hành Phạm hạnh, sống xa lánh, từ bỏ dâm dục hèn hạ. Hôm nay, đêm này và ngày nay, ta cũng đoạn tận phi Phạm hạnh, hành Phạm hạnh, sống xa lánh, từ bỏ dâm dục hèn hạ. Với chi phần này, Ta theo gương vị A-la-hán, ta sẽ thực hành trai giới ". Đây là chi phần thứ ba được thành tựu.

6. "Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán đoạn tận nói láo, từ bỏ nói láo, nói những lời chân thật, y chỉ sự thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không lường gạt đời. Hôm nay, đêm này và ngày nay, ta cũng đoạn tận nói láo, từ bỏ nói láo, nói những lời chân thật, y chỉ sự thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không lường gạt đời. Với chi phần này, Ta theo gương vị A-la-hán, ta sẽ thực hành trai giới ". Đây là chi phần thứ tư được thành tựu.

7. "Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán đoạn tận đắm say men rượu men, rượu nấu, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Hôm nay, đêm này và ngày nay, ta cũng đoạn tận đắm say men rượu men, rượu nấu, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Với chi phần này, Ta theo gương vị A-la-hán, ta sẽ thực hành trai giới ". Đây là chi phần thứ năm được thành tựu.

8. "Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán dùng mỗi ngày một bữa, không ăn ban đêm, từ bỏ không ăn ban đêm, từ bỏ ăn phí thời. Hôm nay, đêm này và ngày nay, ta cũng dùng mỗi ngày một bữa, không ăn ban đêm, từ bỏ không ăn ban đêm, từ bỏ ăn phí thời. Với chi phần này, Ta theo gương vị A-la-hán, ta sẽ thực hành trai giới ". Đây là chi phần thứ sáu được thành tựu.

9. "Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán từ bỏ không đi xem múa, hát, nhạc diễn kịch, không trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa và các thời trang. Hôm nay, đêm này và ngày nay, ta cũng từ bỏ không đi xem múa, hát, nhạc diễn kịch, không trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa và các thời trang. Với chi phần này, Ta theo gương vị A-la-hán, ta sẽ thực hành trai giới ". Đây là chi phần thứ bảy được thành tựu.

10. "Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán đoạn tận, không dùng các giường cao, giường lớn, từ bỏ không dùng các giường cao, giường lớn. Hôm nay, đêm này và ngày nay, ta cũng đoạn tận, không dùng các giường cao, giường lớn, từ bỏ không dùng các giường cao, giường lớn. Với chi phần này, Ta theo gương vị A-la-hán, ta sẽ thực hành trai giới ". Đây là chi phần thứ tám được thành tựu.

Này các Tỷ-kheo, ngày trai giới thành tựu tám chi phần được thực hành như vậy, thời có được quả lớn, có lợi ích lớn, có rực rỡ lớn, có biến mãn lớn.

(II)(42) NGÀY TRAI GIỚI

1. - Này các Tỷ-kheo, ngày trai giới thành tựu tám chi phần, được thực hành thời có được quả lớn, có lợi ích lớn, có rực rỡ lớn ; có biến mãn lớn. Như thế nào, này các Tỷ-kheo, là ngày trai giới thành tựu tám chi phần, được thực hành thời có được quả lớn, có lợi ích lớn, có rực rỡ lớn ; có biến mãn lớn ?

2-3. … (giống như kinh trên, 41 từ số 22 đến 10) … (Đây là chi phần thứ tám được thành tựu )

- Này các Tỷ-kheo, ngày trai giới thành tựu tám chi phần, được thực hành thời có được quả lớn, có lợi ích lớn, có rực rỡ lớn ; có biến mãn lớn. Đến như thế nào là quả lớn ? Đến như thế nào là lợi ích lớn ? Đến như thế nào là rực rỡ lớn ? Đến như thế nào là biến mãn lớn ?

4. Ví như, này các Tỷ-kheo, có người áp đặt chủ quyền cai trị trên mười sáu quốc độ lớn này tràn đầy bay báu, như Anga, Magadha, Kàsìkosala, Vajjì, Cetì, Vamsà, Kurù, Pancàlà, Macchà, Sùrasenà, Asska, Avantì, Gandhàrà, Kambojà. Nhưng chủ quyền ấy không bằng một phần mười sáu của một ngày trai giới thành tựu tám chi phần. Vì cớ sao ? Nhỏ nhoi, này các Tỷ-kheo, là quyền của loài người, so sánh với hạnh phúc chư Thiên.

5. Năm mươi năm của một đời người, này các Tỷ-kheo, bằng một đêm một ngày của chư Thiên Bốn thiên vương. Ba mươi đêm của đêm ấy làm thành một tháng, mười hai tháng của tháng ấy làm thành một năm. Năm mươi năm chư Thiên của năm ấy làm thành thọ mạng của chư Thiên Bốn thiên vương. Sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo : "Ở đây, có người đàn bà hay đàn ông, sau khi thực hành trai giới thành tựu tám chi phần, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên Bốn thiên vương". Do vậy, Ta nói : " Nhỏ nhoi, này các Tỷ-kheo, là quyền của loài người, so sánh với hạnh phúc chư Thiên ".

6. Một trăm năm của một đời người, này các Tỷ-kheo, bằng một đêm một ngày của chư Thiên cõi trời Ba mươi ba. Ba mươi đêm của đêm ấy làm thành một tháng, mười hai tháng của tháng ấy làm thành một năm. Một ngàn năm chư Thiên của năm ấy làm thành thọ mạng của chư Thiên cõi trời Ba mươi ba. Sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo : "Ở đây, có người đàn bà hay đàn ông, sau khi thực hành trai giới thành tựu tám chi phần, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên cõi trời Ba mươi ba". Do vậy, Ta nói : " Nhỏ nhoi, này các Tỷ-kheo, là quyền của loài người, so sánh với hạnh phúc chư Thiên ".

7. Hai trăm năm của một đời người, này các Tỷ-kheo, bằng một đêm một ngày của chư Thiên cõi trời Yàma. Ba mươi đêm của đêm ấy làm thành một tháng, mười hai tháng của tháng ấy làm thành một năm. Hai ngàn năm chư Thiên của năm ấy làm thành thọ mạng của chư Thiên cõi trời Yàma. Sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo : "Ở đây, có người đàn bà hay đàn ông, sau khi thực hành trai giới thành tựu tám chi phần, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên cõi trời Yàma". Do vậy, Ta nói : " Nhỏ nhoi, này các Tỷ-kheo, là quyền của loài người, so sánh với hạnh phúc chư Thiên".

Bốn trăm năm của một đời người, này các Tỷ-kheo, bằng một đêm một ngày của chư Thiên cõi trời Tusità (Đâu-Xuất). Ba mươi đêm của đêm ấy làm thành một tháng, mười hai tháng của tháng ấy làm thành một năm. Bốn ngàn năm chư Thiên của năm ấy làm thành thọ mạng của chư Thiên cõi trời Tusità. Sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo : "Ở đây, có người đàn bà hay đàn ông, sau khi thực hành trai giới thành tựu tám chi phần, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên cõi trời Tusità". Do vậy, Ta nói : " Nhỏ nhoi, này các Tỷ-kheo, là quyền của loài người, so sánh với hạnh phúc chư Thiên ".

Tám trăm năm của một đời người, này các Tỷ-kheo, bằng một đêm một ngày của chư Thiên cõi trời Hóa lạc. Tám ngàn năm chư Thiên của năm ấy làm thành thọ mạng của chư Thiên cõi trời Hóa lạc. Sự kiện này có xảy ra, … với hạnh phúc chư Thiên ".

Mười sáu trăm năm của một đời người, này các Tỷ-kheo, bằng một đêm một ngày của chư Thiên cõi trời Tha hóa Tự tại. Ba mươi đêm của đêm ấy làm thành một tháng, mười hai tháng của tháng ấy làm thành một năm. Mười sáu ngàn năm chư Thiên của năm ấy làm thành thọ mạng của chư Thiên cõi trời Tha hóa Tự tại. Sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo : "Ở đây, có người đàn bà hay đàn ông, sau khi thực hành trai giới thành tựu tám chi phần, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cọng trú với chư Thiên cõi trời Tha hóa Tự tại. Do vậy, Ta nói : " Nhỏ nhoi, này các Tỷ-kheo, là quyền của loài người, so sánh với hạnh phúc chư Thiên ".

Chớ giết hại loại sanh
Chớ lấy của không cho
Chớ nói lời nói láo
Chớ uống thứ rượu say
Từ bỏ phi Phạm hạnh
Từ bỏ không dâm dục
Không ăn vào ban đêm
Tránh không ăn phi thời
Không mang các vòng hoa
Không dùng các hương liệu
Hãy nằm trên tấm thảm
Trải dài đất làm giường
Chính hạnh trai giới này
Được gọi có tám phần
Do đức Phật nói lên
Đưa đến đoạn tận khổ
Mặt trăng và mặt trời
Cả hai thấy lành tốt
Chỗ nào chúng đi tới,
Chúng chói sáng hào quang
Chúng làm mây sáng chói
Giữa hư không chúng đi
Trên trời chúng chói sáng
Sáng rực mọi phương hướng
Trong khoảng không gian ấy
Tài sản được tìm thấy
Trân châu và ngọc báu
Lưu ly đá cầu may
Vàng cục trong lòng đất
Hay loại Kancana
Cùng loại vàng sáng chói
Được gọi Hataka
Tuy vạy chúng giá trị
Chỉ một phần mười sáu
Với hạnh giữa trai giới
Đầy đủ cả tám mặt
Kể cả ánh sáng trăng
Với cả vòm trời sao
Vậy người nữ, người nam
Giữ gìn theo tịnh giới
Hành Bồ-tát trai giới
Đầy đủ cả tám mặt
Làm các thiện công đức
Đem lại nhiều an lạc
Được sanh lên cõi trời
Không bị người cười chê

(III)(43) VISÀKHÀ

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvavatthì, tại Đông Viên, lâu đài mẹ của Migàrà. Rồi Visàkhà, mẹ của Migàrà đi đến Thế Tôn ; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Visàkhà, mẹ của Migàrà đang ngồi một bên :

2. - Này Visàkhà, ngày trai giới đầy đủ tám chi phần được thực hành, thời có được quả lớn, có lợi ích lớn, có rực rỡ lớn, có biến mãn lớn … (giống như kinh 42 với cả bài kệ, với những thay đổi cần thiết ) …

(IV) (44) VÀSETTHA

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, tại Mahàvana, ngôi nhà có nóc nhọn, rồi nam cư sĩ Vàsettha đi đến Thế Tôn ; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với nam cư sĩ đang ngồi một bên : … (Đức Phật nói lại 42 kể cả bài kệ, với những thay đổi cần thiết) …

2. Khi được nói như vậy, nam cư sĩ Vàsettha bạch Thế Tôn :

- Bạch Thế Tôn, nếu người bà con huyết thống của con thực hành ngày trai giới, với đầy đủ tám chi phần này, như vậy, các bà con huyết thống của con được hạnh phúc an lạc lâu dài. Bạch Thế Tôn, nếu tất cả các Sát-đế-lỵ thực hành ngày trai giới, với đầy đủ tám chi phần, tất cả các được hạnh phúc an lạc lâu dài. Bạch Thế Tôn, nếu tất cả Bà-la-môn … các Phệ-Xá … các Thủ-đà thực hành ngày trai giới với đầy đủ tám chi phần, tất cả các Thủ-đà được hạnh phúc an lạc lâu dài.

3. - Như vậy là phải, này Vàsettha ! Này Vàsettha, nếu tất cả các Sát-đế-lỵ thực hành ngày trai giới, với đầy đủ tám chi phần, tất cả các được hạnh phúc an lạc lâu dài. Này Vàsettha, nếu tất cả Bà-la-môn … các Phệ-Xá … các Thủ-đà thực hành ngày trai giới với đầy đủ tám chi phần, tất cả các Thủ-đà được hạnh phúc an lạc lâu dài. Này Vàsettha, nếu thế giới chư Thiên, với các ác ma, các phạm thiên, hay quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn thực hành ngày trai giới, với đầy đủ tám chi phần, như vậy, thế giới chư Thiên, các ác ma, các Phạm thiên, hay quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, sẽ được hạnh phúc an lạc lâu dài. Này Vàsettha, nếu các cây sàlà lớn này có thể thực hành ngày trai giới với đầy đủ tám chi phần, sẽ được hạnh phúc an lạc lâu dài, nếu chúng có tư duy, nói gì đến loài người.

(V) (45) BOJAHÀ

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvavatthì, tại Jetanava, khu vườn ông Anàthapindika. Rồi nữ cư sĩ Bojjhà đi đến Thế Tôn ; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với cư sĩ Bojjhà đang ngồi xuống một bên :

2. … (Thế Tôn nói lại kinh 42, kể cả bài kệ, với những thay đổi cần thiết) …

(VI)(46) TÔN GIẢ ANURUDDHA

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Kosambi, tại khu vườn Ghosita. Lúc bấy giờ Tôn giả Anuruddha, đang đi nghỉ ban ngày, ngồi Thiền tịnh. Rồi rất nhiều Thiên nữ với thân khả ái đi đến Tôn giả Anuruddha, sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Anuruddha rồi đứng một bên. Đứng một bên, các Thiên nữ ấy thưa với Tôn giả :

- Chúng tôi là những thiên nữ với thân khả ái. Trên ba địa hạt, chúng tôi có quyền lực và có tự tại ! Thưa Tôn giả, chúng tôi muốn có hình sắc như thế nào, chúng tôi liền được hình sắc ấy ngay lập tức. Chúng tôi muốn được lạc thọ như thế nào, chúng tôi liền được lạc thọ ấy ngay lập tức. Thưa Tôn giả, chúng tôi là những thiên nữ với thân khả ái. Trên ba địa hạt, chúng tôi có quyền lực và có tự tại.

2. Rồi Tôn giả Anuruddha suy nghĩ : " Mong rằng các Thiên nữ này tất cả trở thành xanh, dung sắc xanh, y áo xanh, trang điểm xanh". Rồi các Thiên nữ ấy, biết được tâm của Tôn giả Anuruddha, tất cả đều trở thành xanh, dung sắc xanh, y áo xanh, trang điểm xanh. Anuruddha suy nghĩ như sau : " Mong rằng các Thiên nữ này tất cả trở thành vàng … tất cả trở thành đỏ … tất cả trở thành trắng, dung sắc trắng, y áo trắng, trang sức trắng. Rồi các Thiên nữ ấy, biết được tâm của Tôn giả Anuruddha, tất cả đều trở thành trắng, dung sắc trắng, y áo trắng, trang sức trắng. Rồi các Thiên nữ ấy, một người hát, một người múa, một người vỗ tay. Ví như năm loại nhạc khí, khéo hòa điệu, khéo chơi, khéo đánh bởi người thiện xảo, thời tiếng phát ra được đáng ưa, khả lạc, khả dục, khả ái, mê ly. Cũng vậy, là nhạc của các Thiên nữ khéo trang điểm ấy, tiếng phát ra được đáng ưa, khả lạc, khả dục, khả ái, mê ly. Nhưng Tôn giả Anuruddha giữ các căn nhiếp phục. Các Thiên nữ ấy nghĩ rằng : "Tôn giả Anuruddha không có thưởng thức", liền biến mất tại chỗ.

3. Rồi Tôn giả Anuruddha, vào buổi chiều, từ Thiền định đứng dậy đi đến Thế Tôn ; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Anuruddha bạch Thế Tôn :

- Bạch Thế Tôn, ở đây, con đang đi nghỉ ban ngày, ngồi Thiền tịnh. Rồi rất nhiều Thiên nữ với thân khả ái đi đến con, sau khi đến, đảnh lễ con rồi đứng một bên. Đứng một bên, các Thiên nữ ấy thưa với Tôn giả :

- Chúng tôi là những thiên nữ với thân khả ái. Trên ba địa hạt, chúng tôi có quyền lực và có tự tại ! Thưa Tôn giả, chúng tôi muốn có hình sắc như thế nào, chúng tôi liền được hình sắc ấy ngay lập tức. Chúng tôi muốn được lạc thọ như thế nào, chúng tôi liền được lạc thọ ấy ngay lập tức. Thưa Tôn giả, chúng tôi là những thiên nữ với thân khả ái. Trên ba địa hạt, chúng tôi có quyền lực và có tự tại.

2. Rồi con suy nghĩ : " Mong rằng các Thiên nữ này tất cả trở thành xanh, dung sắc xanh, y áo xanh, trang điểm xanh". Rồi các Thiên nữ ấy, biết được tâm của con, tất cả đều trở thành xanh, dung sắc xanh, y áo xanh, trang điểm xanh. Rồi bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau : " Mong rằng các Thiên nữ này tất cả trở thành vàng … tất cả trở thành đỏ … tất cả trở thành trắng, dung sắc trắng, y áo trắng, trang sức trắng. Rồi bạch Thế Tôn, các Thiên nữ ấy, biết được tâm của con, tất cả đều trở thành trắng, dung sắc trắng, y áo trắng, trang sức trắng. Rồi bạch Thế Tôn, các Thiên nữ ấy, một người hát, một người múa, một người vỗ tay. Ví như năm loại nhạc khí, khéo hòa điệu, khéo chơi, khéo đánh bởi người thiện xảo, thời tiếng phát ra được đáng ưa, khả lạc, khả dục, khả ái, mê ly. Cũng vậy, là nhạc của các Thiên nữ khéo trang điểm ấy, tiếng phát ra được đáng ưa, khả lạc, khả dục, khả ái, mê ly. Nhưng bạch Thế Tôn, con giữ các căn nhiếp phục. Các Thiên nữ ấy nghĩ rằng : "Con không có thưởng thức", liền biến mất tại chỗ.

Bạch Thế Tôn, thành tựu bao nhiêu pháp, nữ nhân sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với các Thiên nữ ấy với thân khả ái ?

4. - Này, Anuruddha, đầy đủ tám pháp, nữ nhân sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với các Thiên nữ ấy với thân khả ái. Thế nào là tám ?

5. Ở đây, này Anuruddha, nữ nhân đối với người chồng nào mẹ cha gả cho, vì muốn lợi ích, vì tìm hạnh phúc, vì lòng thương tưởng, vì lòng từ mẫn khởi lên đối với người ấy, nữ nhân dậy trước, đi ngủ sau cùng, vui lòng nhận mọi công việc, xử sự đẹp lòng, lời nói dễ thương. Những ai có người chồng kính trọng Sa-môn, Bà-la-môn như cha mẹ, nữ nhân ấy cung kính tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, và khi họ đến, sẽ dâng hiến chỗ ngồi và nước. Phàm có những việc trong nhà, thuộc về len hay vải bông, ở đây, nữ nhân ấy thông thạo, không biếng nhác, tự tìm phương pháp làm, vừa đủ để tự mình làm, vừa đủ để sắp đặt người làm. Trong nhà người chồng, phàm có nô tỳ nào, hay người đưa tin, hay người công thợ, nữ nhân biết công việc của họ với công việc đã làm, biết sự thiếu xót của họ với công việc không làm ; biết sức mạnh hay sức không mạnh của những người đau bệnh ; biết chia các đồ ăn, loại cứng và loại mềm, mỗi người tùy theo từng phần của mình. Phàm có tiền bạc, lúa gạo, bạc và vàng người chồng đem về, nữ nhân áy bảo vệ, phòng hộ chúng, giữ gìn để khỏi ăn trộm, ăn cắp, kẻ uống rượu, kẻ phá hoại. Nữ cư sĩ quy y Phật, quy y Pháp, Quy y Tăng. Nữ cư sĩ giữ giới, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Nữ cư sĩ bố thí, sống ở gia đình với tâm tư từ bỏ uế của xan tham, bố thí rộng rãi, với bàn tay cởi mở, vui thích từ bỏ, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu, vui thích chia xẻ các vật dụng bố thí. Thành tựu tám pháp này, nữ nhân sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với các Thiên nữ ấy với thân khả ái.

Hãy thường yêu thương chồng
Luôn nỗ lực cố gắng
Người đem lại lạc thú
Chớ khinh thường người chồng
Chớ làm chồng không vui
Chớ làm chồng tức tối
Với những người ganh tị
Chồng cung kính những ai
Hãy đảnh lễ tất cả
Vì nàng người có trí
Hoạt động thật nhanh nhẹn
Giữa các người làm việc
Xử sự thật khả ái
Biết giữ tài sản chồng
Sẽ được sanh tại chỗ
Các chư Thiên khả ái

(VII)(47) VISÀKHA

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvavatthì, tại Đông viên, lâu đài mẹ của Migàrà. Rồi Visàkhà, mẹ của Migàrà đi đến Thế Tôn ; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Visàkhà, mẹ của Migàrà đang ngồi một bên:

2. … (Thế Tôn thuyết như kinh số 46 và bài kệ, với những thay đổi cần thiết) …

(VIII)(48) NAKULAMÀTÀ

1. Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Bhagga, tại núi Summuràma, rừng Bhesakala, tại vườn Lộc Uyển. Rồi nữ dân chúng Nakulamàtà đi đến Thế Tôn ; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Rồi Thế Tôn nói với nữ gia chủ Nakulamàtà đang ngồi một bên :

2. … (Thế Tôn thuyết như kinh số 46 và bài kệ, với những thay đổi cần thiết) …

(IX) (49) Ở ĐỜI NÀY

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvavatthì, tại Đông viên, lâu đài mẹ của Migàrà. Rồi Visàkhà, mẹ của Migàrà đi đến Thế Tôn ; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Visàkhà, mẹ của Migàrà đang ngồi một bên:

2. - Này Visàkhà, đầy đủ bốn pháp, nữ nhân thành tựu sự chiến thắng ở đời này. Thế nào là bốn ?

3. Ở đây, này Visàkhà, nữ nhân có khả năng khéo làm các công việc, biết thâm nhiếp các người phục vụ, sở hành vừa ý chồng, biết giữ gìn tài sản cất chứa. Này Visàkhà, thế nào là nữ nhân có khả năng khéo làm các công việc ?

4. Ở đây, này Visàkhà, nữ nhân phàm có những việc trong nhà, thuộc về len hay vải bông, ở đây, nữ nhân ấy thông thạo, không biếng nhác, tự tìm phương pháp làm, vừa đủ để tự mình làm, vừa đủ để sắp đặt người làm. Như vậy, này Visàkhà, là nữ nhân khéo làm những công việc. Và này Visàkhà, thế nào là nữ nhân biết thâu nhiếp các người phục vụ ?

5. Ở đây, này Visàkhà, trong nhà người chồng, phàm có nô tỳ nào, hay người đưa tin, hay người công thợ, nữ nhân biết công việc của họ với công việc đã làm, biết sự thiếu xót của họ với công việc không làm ; biết sức mạnh hay sức không mạnh của những người đau bệnh ; biết chia các đồ ăn, loại cứng và loại mềm, mỗi người tùy theo từng phần của mình. Như vậy, này Visàkhà, là nữ nhân biết thâu nhiếp những người phục vụ. Và này Visàkhà, thế nào là nữ nhân sở hành vừa ý chồng ?

6. Ở đây, này Visàkhà, nữ nhân, những gì người chồng không vừa ý, dầu cho có vì sanh mạng, nàng cũng không làm. Như vậy, này Visàkhà, là nữ nhân sở hành vừa ý chồng. Và này Visàkhà, thế nào là nữ nhân biết giữ gìn tài sản thâu hoạch được ?

7. Ở đây, này Visàkhà, Phàm có tiền bạc, lúa gạo, bạc và vàng người chồng đem về, nữ nhân áy bảo vệ, phòng hộ chúng, giữ gìn để khỏi bọn ăn trộm, ăn cắp, kẻ uống rượu, kẻ phá hoại. Như vậy, là nữ nhân biết giữ gìn tài sản thâu hoạch được.

Thành tựu bốn pháp này, này Visàkhà, nữ nhân thành tựu với sự chiến thắng ở đời. Đời nay rơi vào trong tầm tay của nàng. Thế nào là bốn ?

8. Này Visàkhà, đầy đủ bốn pháp, nữ nhân thành tựu sự chiến thắng ở đời sau. Đời sau rơi vào tầm tay của nàng. Thế nào là bốn ?

9. Ở đây, này Visàkhà, nữ nhân đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ. Và này Visàkhà, thế nào là nữ nhân đầy đủ lòng tin ?

10. Ở đây, này Visàkhà, nữ nhân có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai : "Đây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều ngự Trượng phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn ". Như vậy, này Visàkhà, là nữ nhân đầy đủ lòng tin. Và này Visàkhà, thế nào là nữ nhân đầy đủ giới đức ?

11. Ở đây, này Visàkhà, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Như vậy, này Visàkhà, là nữ nhân đầy đủ giới đức. Và này Visàkhà, thế nào là nữ nhân đầy đủ bố thí ?

12. Ở đây, này Visàkhà, nữ nhân sống ở gia đình với tâm tư từ bỏ uế của xan tham, bố thí rộng rãi, với bàn tay cởi mở, vui thích từ bỏ, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu, vui thích chia xẻ các vật dụng bố thí. Như vậy, này Visàkhà, là nữ nhân đầy đủ bố thí. Và này Visàkhà, thế nào là nữ nhân đầy đủ trí tuệ ?

13. Ở đây, này Visàkhà, nữ nhân có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt, với Thánh thể nhập đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau. Như vậy, này Visàkhà, là nữ nhân đầy đủ trí tuệ.

Thành tựu bốn pháp này, này Visàkhà, nữ nhân thành tựu sự chiến thắng ở đời sau. Đời sau rơi vào trong tầm tay của nàng.

Khéo làm các công việc
Thâu nhiếp người phục vụ
Sở hành vừa ý chồng
Giữ gìn của cất chứa
Đầy đủ tín và giới
Bố thí, không xan tham
Rửa sạch đường thượng đạo
Đến đời sau an lành
Như vậy là tám pháp
Nữ nhân có đầy đủ
Được gọi bậc có giới
Trú pháp, nói chân thật
Đủ mười sáu hành tướng
Thành tựu tám chi phần
Nữ cư sĩ như vậy
Với giới hạnh đầy đủ
Sanh làm vị Thiên nữ
Với thân thật khả ái

(X)(50) ĐỜI NÀY

(Thế Tôn nói lại kinh 49 và cả bài kệ cho các Tỷ-kheo )



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]