Kinh Đại Bảo Tích (Tập 8)
Tập 8
Phần 52: Pháp Hội Bửu Nử thứ năm mươi hai
Nguồn: Hòa Thượng Thích Trí Tịnh
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn vẫn ở giữa hai cõi Dục giới và Sắc giới trong Ðại Bửu Phường Ðình ngồi trên tòa thất bửu sư tử cùng đại chúng vây quanh thuyết pháp.
Trong pháp hội có một đồng nữ tên là Bửu Nữ từ chỗ ngồi đứng dậy, tay mặt cầm xâu bạch chơn châu mà xướng lời rằng: "Nếu tôi chơn thiệt có thể ở trong vô lượng thế giới thọ trì kinh điển Ðại tập nầy và đọc tụng biên chép rộng diễn nói lưu bố nghĩa ấy, thì nguyện cho xâu chơn châu nầy dính trên đảnh Phật và chư Bồ tát".
Xướng lời xong, Bửu Nữ liền ném xâu chơn châu. Do Phật thần lực và lời thành thiệt của đồng nữ ấy, xâu chơn châu liền ở tại đảnh đức Phật và cũng ở khắp trên đầu chư Bồ tát.
Chư Bồ tát đều riêng tự ở trong xâu chơn châu trên đầu mình thấy lúc vị lai Bửu Nữ thành Phật thế giới ấy và Bồ đề thọ cùng các chúng sanh được điều phục, cả đến nguyện lực thuở trước của mình đều thấy rõ ràng.
Chư Bồ tát thấy rồi đều có lòng cho là rất lạ kỳ đặc biệt mà Bạch đức Phật: "Bạch đức Thế Tôn! Bửu Nữ nầy sao lại có vô lượng đại công đức như vậy, bao nhiêu thệ nguyện của tôi trong vô lượng a tăng kỳ kiếp thuở trước, nay trong một niệm đều thấy rõ ràng cả".
Ðức Phật phán dạy: "Lành thay lành thay, nầy thiện nam tử! Thiệt như lời các ông đã nói. Bửu Nữ nầy đã ở nơi chín vạn sáu ức na do tha chư Phật quá khứ gieo trồng căn lành phát nguyện lành lớn, sanh ra ở chỗ nào đều thường được chơn thiệt. Vì vậy mà đồng nữ nầy phàm khi tu niệm phát lời không hề hư luống. Nếu đồng nữ ấy muốn đầy bửu hoa trong cõi Ðại Thiên thế giới nầy mà phát lời ra thì liền có y như vậy. Nếu đồng nữ ấy nói muốn có diệu hương đầy khắp cõi Ðại Thiên thế giới nầy thì liền có diệu hương đầy khắp. Nếu đồng nữ Bửu Nữ ấy muốn thị hiện các loại hình sắc, những là hình sắc Chuyển Luân Vương, hình sắc Tứ Thiên Vương, hình sắc Thiên Ðế Thích, hình sắc Phạm Thiên Vương, hoặc hình sắc Sa Môn, hình sắc Bà La Môn, hình sắc Tỳ kheo, hình sắc Tỳ Kheo Ni, hình sắc Ưu Bà Tắc, hình sắc Ưu Bà Di thì liền được y như lời phát ra. Hoặc lúc phong tai khởi lên chuyển làm hỏa tai, lúc hỏa tai khởi chuyển lên làm thủy tai, lúc thủy tai khởi lên chuyển làm phong tai, lời đồng nữ Bửu Nữ ấy phát ra thì liền chuyển y như vậy. Nếu có Ma Vương đem các binh chúng cầm dao gậy cung tên mâu sóc qua thuẫn, đồng nữ ấy muốn tất cả binh khí đều chuyển thành bửu hoa thì liền chuyển y như lời. Nếu có xứ nào không có nước uống dùng, đồng nữ Bửu Nữ ấy vì các chúng sanh mà phát nguyện lớn, thì tất cả thành ấp tụ lạc xứ ấy liền có đủ nước uống dùng cho tất cả nhơn dân y như lời được phát ra. Nếu đồng nữ Bửu Nữ ấy muốn tất cả hình sắc trong cõi Ðại Thiên thế giới nầy đều chuyển thành hình sắc Như Lai, thì y như lời phát ra đều thành diệu sắc Phật. Nếu Bửu Nữ ấy nói muốn toàn thể đại chúng đây đều an trụ giữa hư không thì đại chúng liền ở hư không. Nếu Bửu Nữ ấy muốn nơi đây từ hư không nghe lời nói của mười phương chư Phật thì liền được nghe y như lời phát ra.h
Nầy chư thiện nam tử! Ðồng nữ Bửu Nữ ấy thành tựu vô lượng vô biên đại công đức như vậy".
Ðồng nữ Bửu Nữ liền ở trước Phật nói kệ khen:
Nay tôi thành tựu khối đại bửu
Nên hay ca ngợi đấng Vô Thượng
Xa lìa tất cả các phiền não
Ðầy đủ đại bửu trợ Bồ đề
Như Lai đầy đủ vô thượng bửu
Sáng lớn hay chiếu vô biên cõi
Vô thượng bửu tràng Phật Thế Tôn
Nay tôi dâng bửu để cúng dường
Xa cừ mã não thanh lưu ly
Kim cương chơn châu nhựt nguyệt bửu
Dâng các bửu ấy cúng dường Phật
Vì khiến chúng sanh thành Bồ đề
Ánh sáng thân Phật hơn các bửu
Chúng sanh thích thấy không mỏi nhàm
Ở tại một phương thấy mười phương
Khiến chúng thấy Phật ở trước mình
Hoặc thấy Như Lai đi hay đứng
Hoặc thấy nằm ngồi hoặc thuyết pháp
Hoặc thấy nín lặng không nói năng
Hoặc thấy nhập định tu trí huệ
Phật mỗi lỗ lông phóng ánh sáng
Hay chiếu mười phương các thế giới
Phật quang thanh tịnh tối vô thượng
Như sen thanh tịnh và thu nguyệt.
Nói kệ tán thán xong, Bửu Nữ bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi ở nơi kinh nầy muốn hỏi ít nghĩa xin đức Thế Tôn hứa cho".
Ðức Phật phán bảo: "Lành thay, lành thay, nầy Bửu Nữ! Tùy ý ngươi hỏi, nếu có lưới nghi Phật sẽ trừ diệt cho".
Bửu Nữ bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là thiệt ngữ, thế nào là thiệt, thế nào là pháp ngữ, thế nào là pháp, thế nào là nghĩa ngữ, thế nào là nghĩa, thế nào là tỳ ni ngữ, thế nào là tỳ ni nghĩa?".
Ðức Phật phán dạy: "Lành thay lành thay! Chí tâm lắng nghe, Phật sẽ vì ngươi mà phân biệt giải nói.
Nầy Bửu Nữ! Ðại Bồ Tát có ba thứ thiệt, đó là chẳng phỉnh dối Phật, chẳng phỉnh dối chính mình và chẳng phỉnh dối chúng sanh.
Thế nào là chẳng phỉnh dối chư Phật, chính mình và chúng sanh?
Nầy Bửu Nữ! Nếu có Bồ tát phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề rồi mà ham Thanh văn và Bích Chi Phật thừa thì gọi là phỉnh dối chư Phật, chính mình và chúng sanh.
Nầy Bửu Nữ! Nếu Bồ tát phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề rồi, hoặc tại địa ngục chịu khổ não lớn, hoặc gặp kẻ ma nghiệp tà kiến ở chung, hoặc sanh xứ ác nhiều ác phiền não, thân bị đao gươm đâm chém chặt đốt, trong những thời gian thọ khổ đau như vậy vẫn chẳng rời lìa tâm Bồ đề chẳng thôi chẳng dứt chẳng sợ chẳng ăn năn khiến tâm Bồ đề còn thêm lớn rộng hơn, vì các chúng sanh mà chịu khổ não lớn, thấy người bị khổ, tâm Bồ đề càng thêm rộng lớn siêng năng tu tập tinh tiến, muốn được Bồ đề chẳng bị tà ngữ làm mê lầm, tất cả tà phong không làm lay động được tâm Bồ đề. Ðây gọi là Bồ tát chẳng phỉnh dối chư Phật, chính mình và chúng sanh vậy.
Nầy Bửu Nữ! Nếu Bồ tát chẳng phỉnh dối chư Phật, chính mình và chúng sanh thì gọi là thiệt trong chơn thiệt.
Nầy Bửu Nữ! Chẳng phỉnh dối chư Phật còn có bốn sự, đó là tâm ấy vững chắc, an trụ chỗ chí xứ, đầy đủ thế lực và siêng tu tinh tiến.
Chẳng phỉnh dối chính mình cũng có bốn sự, đó là tâm thanh tịnh, chí tâm, chẳng phỉnh dối và chẳng vạy vò.
Chẳng phỉnh dối chúng sanh cũng có bốn sự đó là trang nghiêm, tu tâm từ, tu tâm bi và nhiếp thủ.
Nầy Bửu Nữ! Ðây gọi là thiệt thứ nhứt của Bồ tát.
Thiệt của Bồ tát là lúc ban sơ phát nguyện chẳng bỏ rời chúng sanh.
Thiệt của Bồ tát lại còn là chẳng nhiều lời, lời nói giữ gìn, lời nói chẳng thô ác, lời nói thường chơn thiệt. Hoặc lúc ở một mình hay ở trong đại chúng hay ở bên vua chúa, lời phát ra đều thành thiệt, chẳng vì tài vật mà cố ý nói dối, chẳng vì tự tại mà cố ý vọng ngữ. Dầu có thất bửu đầy cả cõi Ðại Thiên thế giới còn không vì cớ ấy mà cố ý vọng ngữ huống là vì các việc nhỏ mà cố ý vọng ngữ.
Nầy Bửu Nữ! Thiệt ấy có ba mươi hai điều thanh tịnh, đó là lời hổ, lời thẹn, lời công đức, lời dịu dàng, lời chẳng hư luống, lời không có chê trách, lời chẳng tham trước, lời chẳng e sợ, lời đóng kín các ác đạo, lời mở rộng các thiện đạo, lời thánh hành, lời huệ hành, lời nội thanh tịnh, lời ngoại thanh tịnh, lời thích lãnh thọ, lời thích lắng nghe, lời chẳng nhám rít, lời vi diệu, lời phân biệt, lời giọng hay, lời thuần thiện, lời chẳng phỉnh gạt, lời chẳng chấp, lời hoan hỉ, lời tự khuyến dụ, lời khuyến dụ người khác, lời chẳng lỗi, lời an ổn, lời phước điền, lời như Phật, lời thiệt vây quanh và lời miệng thanh tịnh.
Nầy Bửu Nữ! Thiệt của Bồ tát là phàm có nói năng thì khẩu với ý tương xứng. Sao gọi là khẩu với ý tương xứng?
Tu tập bố thí nên được Bồ đề chẳng phải do xan tham mà có thể được, đây gọi là khẩu ý tương xứng, mà lời có thể ban cho tất cả, đây gọi là thiệt.
Tu tập tịnh giới nên được Bồ đề chẳng phải do hủy giới mà có thể được, đây gọi là khẩu với ý tương xứng, mà lời nói đúng như tịnh giới nên gọi là thiệt.
Tu tập nhẫn nhục nên được Bồ đề, chẳng phải do sân hận mà có thể được, đây gọi là ý với khẩu tương xứng, mà lời nói đầy đủ hạnh tu nhẫn nên gọi là thiệt.
Siêng tu tinh tiến thì được Bồ đề, chẳng phải do lười biếng mà có thể được, đây gọi là khẩu ý tương xứng, mà lời nói tu tinh tiến nên gọi là thiệt.
Tu tập thiền định thì được Bồ đề, chẳng phải tâm tán loạn mà có thể được, đây gọi là khẩu ý tương xứng, mà nói tu tập định tâm nên gọi là thiệt.
Tu tập trí huệ chứng được Bồ đề, chẳng phải do ngu si mà được, đây gọi là ý khẩu tương xứng, mà lời nói tu trí huệ nên gọi là thiệt.
Như sáu độ, về ba mươi bảy pháp trợ Bồ đề và bốn tâm vô lượng cũng như vậy.
Nầy Bửu Nữ! Luận về chơn thiệt ấy, đó là thánh hành. Thánh hành ấy đó là khổ hành, vô thường hành, là biết khổ, lìa tập, chứng diệt và tu tập đạo đế.
Biết thân ngũ ấm không có xuất sanh, đây gọi là biết khổ đế. Nhơn của ngũ ấm đó là tham ái thì rốt ráo xa lìa, chẳng tham chẳng trước, chẳng khen chẳng cầu, chẳng khứ chẳng lai, đây gọi là lìa tập đế.
Dứt diệt tất cả tướng, nhưng lúc diệt không có một pháp bị diệt, pháp bất bình đẳng thì làm pháp bình đẳng, đây gọi là chứng diệt đế.
Quán xa ma tha tỳ bà xá na tướng ấy bình đẳng, không có giác không có quán không có bình đẳng không hệ phược không lấy được, không có làm không có biến đổi, đây gọi là tu đạo đế.
Chơn thiệt biết rõ bốn đế như vậy lại còn có thể phân biệt nói rộng nghĩa tứ đế ấy, đây gọi là thiệt của đại Bồ tát".
Lức đức Phật nói pháp chơn thiệt ấy trong pháp hội có mười ngàn Bồ tát được chơn thiệt nhẫn.
Ðức Thế Tôn phán tiếp: "Lại nữa, nầy Bửu Nữ! Về pháp ngữ ấy, đó là lúc diễn thuyết thì y theo chánh pháp để nói, quán nơi pháp, niệm nơi pháp, phụng hành nơi pháp, hành pháp chí xứ, cầu pháp, muốn pháp, thích pháp, tu pháp, tràng pháp, gậy pháp, trang nghiêm pháp khí, pháp đăng, pháp minh, pháp niệm, pháp ý, pháp hữu, pháp sở, pháp trang nghiêm anh lạc, pháp sàng, pháp nghi, pháp hộ, pháp tài, pháp vô cùng tận, pháp quảng đại vô biên, pháp sự, pháp thân, pháp khẩu, pháp ý. Ðại Bồ Tát thành tựu đầy đủ những pháp như vậy, đây gọi là pháp ngữ.
Pháp ngữ ấy đó là chơn thiệt ngữ, giữ gìn pháp ngữ, dạy người cúng dường các bực cha mẹ sư trưởng kỳ cựu có đức, tán thán Bồ đề và trợ đạo Bồ đề khiến người chẳng bỏ tâm Bồ đề. Chí tâm nhiếp niệm chẳng quên Bồ đề, chẳng rời trang nghiêm tu tập pháp Bồ đề, thường gần Hiền Thánh các bực thiện tri thức. Tu tập tín tâm chuyên niệm nghe chánh pháp, mộ cầu chánh pháp siêng tu tinh tiến, chẳng tham trước pháp, biết ơn báo ơn, thích tịch tĩnh, chẳng để dứt Thánh chủng. Giáo hóa hạnh đầu đà, siêng thật hành thập thiện, tán thán công đức bố thí và tất cả pháp lành. Nguyện hướng đến Bồ đề, chí tâm thọ trì giới luật thanh tịnh, tu tập nhẫn nhục, trừ bỏ giải đãi, tu tập thiền định và trí huệ, tu tập phương tiện cùng từ bi hỷ xả, tu tập tứ chơn đế xu hướng chơn đế, tu tứ vô ngại trí được đại thần thông, tùy thuận pháp thí, tu tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất Bồ đề phần và bát chánh đạo phần. Tu hai pháp định và huệ được trí giải thoát, giải nói đúng như pháp về Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ tát thừa. Tán thán tất cả những phước đức. Thường quán thập nhị nhơn duyên thậm thâm, rành rẽ không giải thoát môn, vô tướng giải thoát môn, vô nguyện giải thoát môn, vô sở úy, nói ngũ ấm như ảo như hóa, nói thập bát giới như tướng hư không, nói tánh các nhập đồng với tánh không. Thường nói thất thánh tài, lục niệm, lục kính giải nói đầy đủ lục Ba la mật, nói lục thường hành, tu lục thần thông, đầy đủ ngũ nhãn, nói đệ nhứt nghĩa đế lưu bố thế gian thành tựu nghiệp ngữ ngôn, tất cả chúng sanh tâm họ bình đẳng, tán thán Phật ngữ.
Nầy Bửu Nữ! Nếu có Bồ tát thành tựu đầy đủ pháp ngữ như vậy thì miệng trọn chẳng nói ngã ngữ, chúng sanh ngữ, thọ mạng ngữ, sĩ phu ngữ, đoạn ngữ, thường ngữ, hữu kiến ngữ, vô kiến ngữ, lưỡng biên ngữ, trung ngữ, tụ ngữ, diệt ngữ, tịnh ngữ, thiên ngữ, bất giác tri ngữ. Thường nói lời chẳng điên đảo, lời chẳng tăng lòng nghi, lời chẳng nghịch chánh pháp, lời quán pháp giới, lời phá kiêu mạn. Bồ tát thuyết pháp an trụ đúng pháp nói đúng chánh pháp, là thiệt ngữ, pháp ngữ, bất đoạn ngữ, bất chiết ngữ. Bồ tát thuyết pháp tất cả thế gian không ai có thể cùng tranh luận, người thấy đều e sợ. Bực pháp ngữ Bồ tát có thể diễn thuyết không vô tướng vô nguyện, chẳng trụ trước tam giới và với các hữu chẳng còn thọ sanh theo nghiệp, bổn tánh thanh tịnh an trụ tịch tĩnh chẳng cầu xin nơi người. Ðây gọi là pháp ngữ.
Nầy Bửu Nữ! Luận về pháp ấy, pháp thì chẳng thể được, không có văn tự ngôn thuyết cũng không có từ ngữ, không sắc không thấy cũng không có chỗ hướng đến, không lời dạy cũng không người được dạy, không có tâm ý thức, không có trần cấu, không sáng không tối, chẳng hệ thuộc mình cũng chẳng hệ thuộc người, không có cao hạ, chẳng xen tạp tất cả cảnh giới nhơn duyên, thanh tịnh tịch tĩnh, không có dẫn đầu, khó biết khó hay, chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể tư duy, người có trí huệ thanh tịnh mới có thể biết được pháp. Pháp ấy không có thọ không có người thọ dứt hẳn các thọ, siêu quá tam thế, bất diệt không có tướng diệt, bất sanh không có tướng sanh, không có dư đầy thiếu kém, không có tăng giảm, vô sanh vô diệt, không có sẽ có đã có, chẳng phải tu, chẳng phải thấy, chẳng phải ma thấy, chẳng phải chơn thiệt thấy, chẳng phải tướng, chẳng phải chẳng tướng, chẳng phải nhứt tướng mà cũng nhứt tướng, chẳng phải ốc trạch xa lìa ốc trạch, chẳng phải gần xa rời lìa, chẳng phải phược giải, chẳng phải hữu lậu vô lậu cũng chẳng phải tương tợ, chẳng phải khổ lạc, chẳng phải đầy đủ chẳng đầy đủ, chẳng phải danh sắc, chẳng phải dính mắc chẳng phải thoát rời, chẳng phải phá chẳng phải hoàn, dầu chẳng phải kim cương tướng chẳng hư hoại, mà chơn thiệt như kim cương, chẳng phải cận viễn, không có sắc không có nhơn cũng chẳng phải ngoan hư, chẳng phải thử bỉ nội ngoại tự tha, chẳng phải kiến văn, chẳng phải nhớ quên, chẳng phải thức chẳng phải tri, chẳng phải cảnh giới của thức, chẳng phải cảnh giới của tri. Ðây gọi là pháp. Nếu hay nói rộng các pháp như vậy thì gọi là thuyết pháp.
Lại nữa, nầy Bửu Nữ! Pháp ngữ Bồ tát chẳng cùng với thế gian tranh cạnh, chẳng khinh chẳng mạn. Ðối với người chưa học, không có lòng khinh cười chẳng sanh tâm cao ngạo, chẳng tự khen chê người, chẳng vì tài lợi ăn uống mà vì người thuyết pháp, chẳng trở ngại việc lành của người làm cho họ sanh lòng nghi hoặc, thấy người phạm tội trọn không rao nói, với pháp của kẻ khác chẳng sanh lòng khinh tiện, không trở ngại pháp được tu hành của người, phàm pháp được diễn thuyết trọn không rời lìa không vô tướng vô nguyện, chẳng phân biệt tất cả pháp giới, bất động pháp giới, bất động thiệt tánh. Chẳng y chỉ nơi ngữ nơi thức nơi nhơn nơi bất liễu nghĩa. Dầu chẳng y chỉ mà cũng chẳng chê bai. Với chúng mình chúng người chẳng sanh phân biệt cũng chẳng chê bai thập nhị nhơn duyên. Chẳng phải ở thế gian trụ mà thanh tịnh nơi thế gian, chẳng phải pháp mà thanh tịnh nơi pháp, không tham, không xan, không hủy giới, chẳng bỏ kẻ phá giới, không sân hận, không giải đãi, chẳng mất đạo tâm, không quên Bồ đề, vì muốn trang nghiêm trí huệ vô thượng mà chẳng nghĩ, chẳng thôi, chẳng thối chuyển. Nơi pháp của người không sanh lòng đố kỵ. Chẳng vì chấp trước nơi chẳng phải mười hai bộ kinh mà phỉ báng khế kinh v.v… mười hai bộ. Ở nơi chánh pháp trọn chẳng thấy phi pháp. Chẳng nhơn nơi khinh mạn mà tăng trưởng khinh mạn. Chẳng bác nhơn quả và nghiệp quả báo. Ở trong chánh pháp tâm không có thối chuyển. Biết ơn nhớ ơn chẳng quên báo đáp. Trọn chẳng ôm ấp lòng sân hận, chẳng chấp ngã kiến, chẳng ganh người được lợi. Ở trong oán thân không có hai ý tưởng. Bị người chê hại trọn chẳng báo trả. Chẳng làm lưỡng thiệt cho kia đây đấu loạn. Chẳng có lòng siểm khúc hiển dị để mê hoặc người. Chẳng vì người khác mừng mà thọ giới Bồ tát, giới Tỳ Kheo, giới Tỳ Kheo Ni, giới Thức Xoa Ma Na, giới Sa Di, giới Sa Di Ni, giới Ưu Bà Tắc, giới Ưu Bà Di. Thường ở chỗ rảnh rang tịch tĩnh mà tư duy chánh niệm. Tâm siêng học đọc mười hai bộ kinh. Chẳng vì hơn người mà thủ hộ các loại giới luật như vậy. Chẳng vì được cúng dường mà hiện tướng tri túc. Chẳng vì để hiển bày người khác chẳng tri túc mà tự tu tri túc. Chẳng nói Bồ đề Vô thượng của chư Phật là việc làm của người khác. Chẳng tạo ác nghiệp tà ác sanh sống. Chẳng bỏ thất thánh tài. Chẳng tham ăn uống. Chẳng để dứt mất thánh chủng. Chẳng chê bai người, chẳng tự khen người. Ở trong Phật pháp chẳng có ý nghĩa là có số có lượng. Thường tán thán Ðại thừa không có lòng nhàm đủ. Ðây gọi là pháp ngữ".
Ðức Thế Tôn lại bảo đồng nữ Bửu Nữ: "Luận về Bồ tát nghĩa ấy, thế nào gọi là nghĩa? Ðó là tín tâm lúc tu tập trang nghiêm không có hư cuống, vì muốn trang nghiêm tất cả thiện căn mà chí tâm chuyên niệm tu hành các pháp lành, phá lưới nghi của tất cả chúng sanh, chẳng cầu quả báo, ban cho chúng sanh sự an ổn khoái lạc, hộ trì cấm giới, chẳng mất tâm nhẫn nhục, siêng tu tinh tiến tăng trưởng pháp lành, tu định tịch tĩnh nhiếp các tán loạn, đủ trí vô thượng phá tối vô minh. Tu tập từ tâm bình đẳng các chúng sanh, tu tập bi tâm tùy theo chỗ làm của chúng sanh đích thân đến xây dựng, tu tập hỉ tâm ban cho chúng sanh pháp hỉ, tu tập xả tâm chẳng thấy khổ vui. Xả bỏ tài pháp rồi không hề hối tiếc, lời nói dịu dàng phá tâm ác người, làm lợi ích cho người đủ pháp thậm thâm, tu hành đồng sự để khuyên người phát tâm Ðại thừa, đây là dùng bốn nhiếp pháp để điều phục chúng sanh. Thấy tất cả hành pháp đều vô thường khổ không vô ngã dứt sạch các phiền não. Y chỉ nơi nghĩa chẳng y chỉ nơi ngữ, y chỉ nơi trí chẳng y chỉ nơi thức, y chỉ kinh liễu nghĩa xa bỏ bất liễu nghĩa, y chỉ nơi pháp chẳng y chỉ nơi người. Nói nghĩa vô ngại không có cùng tận mà ở pháp giới không có phân biệt, nói từ vô ngại chứng được giải thoát, nói lạc thuyết vô ngại đúng như pháp mà nói. Trang nghiêm bố thí chẳng biết nhàm đủ, trang nghiêm tịnh giới thành tựu nguyện lành, trang nghiêm đa văn đúng như pháp mà làm, trang nghiêm công đức đầy đủ tướng hảo, trang nghiêm trí huệ biết rõ căn tánh thượng trung hạ và các tướng sai biệt của các chúng sanh, trang nghiêm chánh định vì tâm thanh tịnh, trang nghiêm nơi trí được ba thứ huệ. Tu Tứ niệm xứ vì tâm chẳng tán loạn, tu Tứ chánh cần vì được thiên căn, tu Tứ như ý vì qua lại mười phương, tu tập Ngũ căn biện nói phân biệt các tự cú, tu tập Ngũ lực đã phá các phiền não, tu Thất giác chi vì biết các pháp, tu tập Bát chánh đạo chẳng bị ác tà lay động, tu tập thần thông vì chẳng thối thất.
Ðại Bồ Tát hiểu nghĩa như vậy thì gọi là nghĩa. Nếu đại Bồ Tát hay diễn nói các nghĩa ấy, thì gọi là thuyết nghĩa.
Còn nữa, nầy Bửu Nữ! Luận về nghĩa ấy, đó là tu tập không tam muội phá các pháp có, tu tập vô tướng tam muội phá các pháp tướng, tu tập vô nguyện tam muội chẳng cầu tam giới. Nếu có thể diễn nói ba pháp môn rỗng không không có như vậy thì gọi là thuyết nghĩa.
Tất cả hành chẳng thể tu hành được, Bồ tát diễn nói pháp chẳng thể tu hành được nầy thì gọi là thuyết nghĩa.
Dứt tất cả sanh khởi, đây gọi là nghĩa, Bồ tát diễn nói các pháp vô sanh nầy thì gọi là thuyết nghĩa.
Các hữu không có xuất, đây gọi là nghĩa, diễn thuyết như vậy thì gọi là thuyết nghĩa.
Tứ chơn đế, đây gọi là nghĩa, diễn nói như vậy thì gọi là thuyết nghĩa.
Không có ngã không có ngã sở, đây gọi là nghĩa, diễn thuyết như vậy thì gọi là thuyết nghĩa.
Tự cú chẳng nói được, đây gọi là nghĩa, diễn thuyết như vậy thì gọi là thuyết nghĩa.
Nghĩa chơn thiệt, đây gọi là nghĩa, diễn thuyết như vậy thì gọi là thuyết nghĩa.
Tất cả pháp Bồ đề chẳng thể đếm kể, đây gọi là nghĩa, diễn thuyết như vậy thì gọi là thuyết nghĩa.
Người đa văn an trụ đúng như pháp, đây gọi là nghĩa, diễn thuyết như vậy thì gọi là thuyết nghĩa.
Tất cả các thừa, Ðại thừa là hơn hết, đây gọi là nghĩa, diễn nói như vậy thì gọi là thuyết nghĩa.
Còn nữa, nầy Bửu Nữ! Vô phân biệt, đây gọi là nghĩa, không có chúng sanh không có thọ mạng, nhứt vị bất động, bất tận nhứt sự, bất sanh bất xuất, bất lai bất khứ, bất diệt bất nhị, chẳng thể xem thấy, không có tạo tác, vô vi vô tác, tâm chẳng siểm khúc, tam thế bình đẳng, ba phần không sai biệt, chẳng được chẳng mất, chẳng nóng chẳng lạnh, chẳng tịnh chẳng uế, chẳng đi chẳng đứng, chẳng lấy chẳng bỏ, chẳng phải đạo dạy đạo, chẳng phải thường chẳng phải đoạn, cũng chẳng phải trung đạo, chẳng tham chẳng sân, chẳng nhìn nơi pháp và phi pháp, chẳng phải tất cả văn tự âm thanh từ ngữ, không có tâm ý thức, nơi tham sân si chẳng sanh phân biệt, tất cả các pháp tác tướng có tướng đều là không, vô tướng và vô nguyện ba môn nầy tức rỗng không, chơn thiệt nhập pháp giới, đẳng cùng bất đẳng đều bình đẳng, nhơn nơi trí huệ mà được giải thoát.
Nếu Bồ tát có đủ các nghĩa như vậy thì gọi là nghĩa, diễn nói như vậy thì gọi là thuyết nghĩa.
Lại nầy Bửu Nữ! Thế nào là Bồ tát diễn nói tỳ ni?
Nầy Bửu Nữ! Ðức Phật nói tỳ ni phàm có hai thứ, đó là phạm tỳ ni và phiền não tỳ ni.
Thế nào là phạm và thế nào là tỳ ni?
Phạm rồi liền biết mà chẳng tư duy tốt, nhơn vì vô minh điên đảo hư vọng khi cuống phiền não chấp ngã chấp chúng sanh, tâm có lưới nghi chẳng được giải thoát, điệu cử nghi hối kiêu mạn phóng dật quả văn, nhơn các phiền não kiết sử như vậy đây gọi là phạm.
Nếu phá được tâm nghi được giải thoát do được giải thoát rồi thấy chỗ có phạm tức là chẳng phải chỗ cũng chẳng phải chẳng chỗ, chẳng phải thân khẩu ý, chẳng lấy chẳng bỏ, chẳng thể xem thấy, chẳng phải thân làm cũng phải khẩu ý làm, nếu là ba nghiệp làm tức là pháp diệt, nếu đã là pháp diệt thì ai làm ai phạm, như phạm tất cả các pháp cũng như vậy, các pháp vô căn vô trụ vô xứ. Nếu có thể phá hoại lưới nghi như vậy thì gọi là thanh tịnh là chẳng nhiệt não, theo lời dạy của Thầy mà làm thì gọi là có lòng tin gọi là định gọi là tỳ ni.
Thế nào là phiền não và thế nào là tỳ ni?
Mười hai hữu chi là vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh và lão tử gọi là phiền não, tánh của nó có thể điều phục được các phiền não thì gọi là tỳ ni. Tại sao, vì không vô tướng vô nguyện có thể điều phục các pháp, nếu pháp đã là rỗng không không có tánh tướng chẳng thể nguyện cầu thì làm thế nào mà có được tham sân si v.v… Vì vô tác hay điều phục tất cả pháp, nếu tất cả pháp đã là vô tác thì làm sao có được các phiền não. Vì tất cả pháp thì nhơn duyên sanh, nếu đã từ nhơn duyên sanh thì làm sao thấy được, thấy mười hai hữu chi như vậy thì cũng biết phiền não và tướng phiền não. Nếu là không trí hay quán Bồ đề thì dùng không nầy mà không nơi phiền não. Nếu hay quán sát bình đẳng như vậy thì gọi là tỳ ni.
Nếu hay diễn thuyết các nghĩa như vậy thì gọi là Bồ tát hay thuyết tỳ ni.
Nếu tỳ ni nầy hay biết được ngã thì tức là biết rõ phiền não tỳ ni.
Thế nào là biết ngã tỳ ni? Ðó là quán vô ngã, quán ngã tánh, biết rõ ngã, sạch hết ngã, thiệt biết ngã, phân biệt ngã không, ngã tu, biết ngã bất động bất thuyết bất trước bất sanh bất diệt.
Nếu có thể biết được ngã như vậy thì tức là biết rõ phiền não tỳ ni.
Nếu thiệt không có ngã mà có ý tưởng là ngã, thì nơi không có phiền não cũng có ý tưởng phiền não. Nếu ngã bổn lai không có thì phiền não cũng vậy.
Nếu có quán trí thì có thể quán sát biết rõ như vậy, đây gọi là biết rõ ngã phiền não tỳ ni.
Về phiền não ấy, chẳng phải quá khứ vị lai hiện tại, nếu có thể chẳng làm chẳng nhớ chẳng cầu thì gọi là biết rõ phiền não tỳ ni.
Tỳ ni ấy cũng chẳng phải quá khứ vị lai hiện tại, như tâm chẳng phải sắc chẳng phải nội ngoại trung gian, phiền não cũng vậy chẳng phải sắc chẳng phải nội ngoại trung gian, tại sao, vì không có giác tri vậy, vì không có tranh cạnh vậy, vì không có thanh tịnh vậy, vì không có tạo tác vậy.
Nếu có thể biết rõ các phiền não chẳng sanh chẳng diệt như vậy thì gọi là biết rõ phiền não tỳ ni.
Nếu Bồ tát được những biết rõ phiền não tỳ ni như vậy và cũng vì các chúng sanh mà diễn nói thì gọi là diễn thuyết tỳ ni".
Lúc đức Phật nói pháp trên, trong pháp hội có mười ngàn Bồ tát được vô sanh nhẫn.
Bấy giờ Bửu Nữ lòng rất vui mừng bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Ðức Như Lai nói pháp nghĩa chơn thiệt và tỳ ni chẳng thể nghĩ bàn. Nếu Bồ tát có thể diễn thuyết như vậy thì tức là có thể thiệt biết thiệt thấy".
Tôn giả Xá Lợi Phất hỏi đồng nữ Bửu Nữ: "Nay đồng nữ đã có đủ các pháp như vậy mà có thể diễn thuyết chăng ?".
Bửu Nữ nói: "Thưa Ngài Xá Lợi Phất! Thiệt ấy gọi là vô tham, vô tham tức là nghĩa, nghĩa như vậy tức là bất khả thuyết, bất khả thuyết ấy tức là tỳ ni.
Thưa Ðại Ðức! Nếu đã như vậy thì thế nào có thể nói được!
Lại nữa, thưa Ðại Ðức Xá Lợi Phất! Thiệt ấy tức là diệt, diệt ấy tức là pháp, pháp ấy tức là tịnh, tịnh ấy tức là nghĩa, nghĩa ấy tức là tỳ ni. Các pháp như vậy không có văn tự, nếu đã không có văn tự thì thế nào nói được.
Thưa Ðại Ðức! Thiệt ấy tức là như, như ấy tức là pháp, pháp tức là vô nhị, vô nhị tức là nghĩa, luận về vô nhị cũng chẳng thể điều, nếu chẳng thể điều sao gọi là điều, các pháp như vậy đều vô sở hữu, nếu là vô sở hữu thì thế nào nói được".
Tôn giả Xá Lợi Phất hỏi: "Nay đồng nữ thành tựu Bửu nào mà do đó đặt tên là Bửu Nữ ?".
Ðồng nữ Bửu Nữ đáp: "Thưa Ðại Ðức! Có ba mươi hai Bồ tát bửu tâm, trong tâm như vậy đều không có tâm Thanh văn không có tâm Duyên Giác.
Những gì là ba mươi hai Bồ tát bửu tâm?
Một là phát tâm vì độ tất cả chúng sanh
Hai là phát tâm vì khiến Phật chủng chẳng dứt
Ba là phát tâm vì thọ trì Phật pháp chẳng diệt tận
Bốn là phát tâm vì thủ hộ Tăng.
Năm là phát tâm vì ban cho các chúng sanh vui thánh pháp.
Sáu là phát tâm vì các chúng sanh mà tu tập đại từ làm cho chúng sanh rời lìa các khổ phiền não.
Bảy là phát tâm tu tập đại bi xả bỏ vật trong vật ngoài.
Tám là phát tâm hộ trì cấm giới vì điều kẻ phá giới.
Chín là phát tâm tu tập nhẫn nhục vì phá hoại chẳng nhẫn kiêu mạn ác tâm điên tâm túy tâm cuồng tâm phóng dật tự tứ tâm.
Mười là phát tâm tinh tiến vì phá những giải đãi tâm e sợ ngần ngại và để điều phục các chúng sanh giải đãi.
Mười một là phát tâm tu tập chánh định vì phá loạn tâm cuồng tâm vọng niệm khiến cho chúng sanh được tứ thiền bát giải thoát điều phục các chúng sanh cõi Dục.
Mười hai là phát tâm tu trí vì phá tất cả si tối thành tựu chơn thiệt tri kiến nhập vào pháp giới.
Mười ba là phát tâm vì biết tất cả chúng sanh bình đẳng vô nhị đều đồng nhứt vị.
Mười bốn là phát tâm vì được vô tham vô sân các cảnh lợi suy hủy dự tâm không dao động an trụ pháp lành khổ vui chẳng động, vì được những sự như vậy để hộ trì chúng sanh.
Mười lăm là phát tâm vì được không bố úy muốn liễu thậm thâm thập nhị nhơn duyên xa lìa tất cả kiến chấp.
Mười sáu là phát tâm vì muốn trang nghiêm trí huệ và các công đức không có nhàm đủ.
Mười bảy là phát tâm vì muốn chẳng rời thấy Phật để thường được nghe pháp.
Mười tám là phát tâm vì muốn đúng như chỗ được nghe mà thuyết pháp.
Mười chín là phát tâm vì được khối pháp rộng lớn tâm không tham lẫn.
Hai mươi là phát tâm vì muốn tán thán tịnh giới như chỗ nghe mà an trụ để giáo hóa khuyên nhắc người phá hủy tịnh giới.
Hai mươi mốt là phát tâm vì phá bảy thứ kiêu mạn của chúng sanh.
Hai mươi hai là phát tâm vì biết căn thượng trung hạ của các chúng sanh.
Hai mươi ba là phát tâm vì phá các ma ác nghiệp.
Hai mươi bốn là phát tâm vì ban cho chúng sanh sự an lạc.
Hai mươi lăm là phát tâm vì phá bao nhiêu sự khổ của các chúng sanh lòng chẳng sanh hối tiếc.
Hai mươi sáu là phát tâm vì muốn thành tựu tất cả Phật pháp.
Hai mươi bảy là phát tâm vì biết các pháp hữu vi tất cả vô thường khổ vô ngã biết rồi không rời lòng chẳng nhàm hối.
Hai mươi tám là phát tâm vì thích tu tập tất cả pháp trợ Bồ đề.
Hai mươi chín là phát tâm vì thấy không vô tướng vô nguyện vì chúng sanh mà không thủ chứng.
Ba mươi là phát tâm dầu sợ các hữu mà cũng thủ hộ các hữu.
Ba mươi mốt là phát tâm vì dầu thấy tội lỗi sanh tử mà chẳng nhàm hối.
Ba mươi hai là phát tâm vì mặc dầu gần Bồ đề, thọ vô thượng lạc mà vì chúng sanh bỏ diệu lạc ấy để thọ khổ bần cùng.
Thưa Ðại Ðức! Ba mươi hai bửu phát tâm ấy đều không có tâm Thanh văn, Bích Chi Phật, vì vậy mà Bồ tát có tên là Bửu Tụ".
Ðức Thế Tôn tán thán Bửu Nữ: "Thiện tai, thiện tai! Nay ngươi chơn thiệt nói đại Bồ tát phát Bồ đề tâm, mà Bồ đề tâm có vô lượng vô biên công đức chẳng thể nói bằng ba mươi hai sự. Tại sao, vì chẳng phải Thanh văn bửu có thể được Phật bửu, chẳng phải Duyên Giác bửu có thể được Pháp bửu, do Bồ tát bửu có thể được Phật bửu, được Phật bửu rồi thì được Thanh văn bửu, được Bích Chi Phật bửu. Vì vậy mà Bồ tát có tên là Bửu Tụ".
Tôn giả Xá Lợi Phất bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Chỗ nói của Bửu Nữ chẳng thể nghĩ bàn. Tôi xem xét lời nói ấy thì đồng nữ nầy tợ như được tứ vô ngại trí".
Ðức Phật phán dạy: "Nầy Xá Lợi Phất! Nay ông mới cho là đồng nữ ấy chưa được tứ vô ngại trí sao. Từ lâu đồng nữ ấy đã được đầy đủ bốn trí vô ngại.
Nầy Xá Lợi Phất! Chỗ thuyết pháp của Bửu Nữ, tự chẳng thể tận, văn cú nghĩa vị đều chẳng thể tận".
Tôn giả Xá Lợi Phất nói với Bửu Nữ: "Nầy nhơn giả! Nay xin nói rộng về tứ vô ngại trí".
Bửu Nữ nói: "Thưa Ðại Ðức! Tứ vô ngại trí ở nơi tất cả pháp đều thành trí cả.
Thưa Ðại Ðức! Bồ đề tâm gọi là vô ngại cú, tại sao, vì Bồ đề tâm nhiếp tất cả nghĩa, đây gọi là nghĩa vô ngại trí. Tất cả các pháp giới nhập vào Bồ đề tâm đây gọi là pháp vô ngại trí. Thiệt không có văn tự mà diễn thuyết văn tự đây gọi là từ vô ngại trí. Pháp chẳng thể nói mà diễn nói không đoạn tuyệt đây gọi là lạc thuyết vô ngại trí. Nghĩa chẳng thể nói đây gọi là nghĩa vô ngại. Tất cả các pháp đều là tướng như huyễn ảo gọi là pháp vô ngại. Nghiệp hành vô ngôn thuyết gọi là từ vô ngại. Với lục nhập không có chướng ngại là lạc thuyết vô ngại. Liễu đạt nơi nghĩa gọi là nghĩa vô ngại. Thích nơi tịch tĩnh gọi là pháp vô ngại. Tự chẳng hiệp với pháp và pháp chẳng hiệp với nghĩa là từ vô ngại. Thuyết tức là thanh gọi là lạc thuyết vô ngại. Như Lai chánh giác tức là nghĩa Bồ đề gọi là nghĩa vô ngại. Nghĩa Bồ đề ấy hay sanh các pháp là pháp vô ngại. Pháp có thể làm câu là từ vô ngại. Thuyết rồi được nghĩa gọi là lạc thuyết vô ngại. Pháp nghĩa ấy gọi là nghĩa vô ngại. Giải thoát ấy gọi là pháp vô ngại. Diễn thuyết pháp tướng chẳng phải có pháp tánh gọi là từ vô ngại. Phân biệt pháp giới và chẳng phải pháp giới gọi là lạc thuyết vô ngại. Tăng tức là vô vi gọi là nghĩa vô ngại. Chư Tăng nhứt vị gọi là pháp vô ngại. Vì hòa hiệp Tăng gọi là từ vô ngại. Thuyết công đức của chư Tăng gọi là thuyết vô ngại.
Thưa Ðại Ðức! Bốn vô ngại ấy khắp cả tất cả pháp".
Tôn giả Xá Lợi Phất bạch đức Phật: "Bạch đức Thế Tôn! Ðồng nữ nầy từ khi phát tâm đến nay được bao lâu rồi? Ở bên đức Phật nào mà gieo trồng thiện căn?".
Ðức Phật phán dạy: "Nầy Xá Lợi Phất! Về thuở quá khứ vô lượng a tăng kỳ kiếp có Phật xuất thế hiệu là Phân Biệt Kiến Như Lai Ứng Cúng Chánh Ðẳng Chánh Giác, thế giới ấy tên là Ðại Tịnh như cung Trời Ðâu Suất Ðà, cùng với chúng Bồ tát Tăng bảy vạn sáu ngàn tất cả đều thanh tịnh phạm hạnh được môn đà la ni bất thối chuyển. Lúc ấy có Chuyển Luân Thánh Vương tên là Tịnh Ðức Báo cai trị tự tại một ngàn thế giới, hậu cung có tám vạn bốn ngàn thể nữ, có đủ một ngàn vương tử, sức lực đồng với lực sĩ Liên Hoa. Lúc ấy trong ba vạn sáu ngàn năm, Thánh vương cúng dường Phật và Bồ tát Tăng các thứ phòng xá, ngọa cụ, y phục, uống ăn, thuốc men".
Tôn giả Xá Lợi Phất bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Chẳng rõ đức Phật Phân Biệt Kiến ấy thọ mạng bao nhiêu tuổi ?".
Ðức Phật phán dạy: "Nầy Xá Lợi Phất! Ðức Phật Phân Biệt Kiến ấy thọ đủ mười trung kiếp.
Lúc ấy Chuyển Luân Thánh Vương cùng với hậu cung quyến thuộc thể nữ và nhơn dân chín vạn hai ngàn ức na do tha người mang theo vô lượng vô biên các thứ cúng dường đến chỗ đức Phật Phân Biệt Kiến đem tám ngàn ức trân bửu thượng diệu rải lên đức Phật, đầu mặt lạy chưn đức Phật rồi quỳ dài chắp tay cung kính bạch rằng:
Bạch đức Thế Tôn! Nay chỗ chúng tôi sắp đặt các thứ cúng dường như vậy, chẳng biết còn có sự cúng dường nào hơn đây chăng?
Ðức Phật Phân Biệt Kiến nói: Nầy Ðại Vương Tịnh Ðức Báo! Còn có sự cúng dường khác công đức hơn sự cúng dường nầy trăm ngàn vạn lần.
Thánh Vương bạch đức Phật Phân Biệt Kiến: Bạch đức Thế Tôn! Ðó là sự cúng dường gì, xin đức Thế Tôn nói cho, chúng tôi rất muốn được nghe.
Ðức Phân Biệt Kiến Như Lai nói kệ rằng:
Như hằng hà sa số thế giới
Trong ấy đầy báu đem cúng thí
Dầu được vô lượng phước như vậy
Chẳng bằng vì thương mà phát tâm
Chư Phật số như hằng hà sa
Dâng diệu hoa hương để cúng dường
Phước đức nầy so còn chẳng bằng
Phát tâm Bồ đề bảy bất thối
Phát Bồ đề tâm tức cúng dường
Giới nhẫn tinh tiến thiền trí huệ
Nếu vì lòng thương mà phát tâm
Phước ấy vô lượng chẳng cùng tận
Sắc đẹp lực tài dòng họ lớn
Người nầy mới phát được Bồ đề
Chúa ngàn thế giới đến Phạm Thiên
Ðược đại tự tại mới phát được
Nếu thích mừng phát Bồ đề tâm
Như vậy mới dứt được ác đạo
Hay vì nhơn thiên mở chánh đạo
Hay bít ác đạo và bát nạn
Các căn đầy đủ chẳng mù điếc
Ðều do chí tâm phát Bồ đề
Hay thấy mười phương các Thế Tôn
Hay phát trên trời vị cam lộ
Nếu chí tâm phát đại Bồ đề
Người nầy phá được nghi kiêu mạn
Vô lượng trí huệ được tự tại
Hay vì chúng sanh thuyết pháp giới
Chúng sanh thấy đó như cha mẹ
Tưởng như thầy bạn và lương y
Hay trị lành bịnh các phiền não
Dạy bảo khiến đến Bồ đề đạo.
Thánh Vương Tịnh Ðức Báo nghe đức Phật Phân Biệt Kiến nói phát Bồ đề tâm được công đức như vậy, lòng Vương rất vui mừng hớn hở vô lượng, cùng các quyến thuộc thể nữ và nhơn dân đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, liền ở trước đức Phật mà nói kệ rằng:
Nay tôi thương xót các chúng sanh
Nên phát Bồ đề tâm như vậy
Nếu muốn có được đại tự tại
Chẳng nên thối chuyển Bồ đề tâm
Sanh tử vô lượng sanh khổ não
Mà không lợi ích cho tự tha
Thà phát tâm nầy mà chịu khổ
Chẳng vì an vui mà chẳng phát
Nếu có ai phát tâm Bồ đề
Liền được phước trời người Thánh vương
Cũng được vui tịch tĩnh vô lậu
Và được vui Vô thượng Bồ Ðề
Huệ nhẫn tam muội tối vô thượng
Ðủ tứ vô lượng và lục độ
Ba thứ tịnh huệ sáu thần thông
Bốn vô ngại trí đại tự tại
Vô thượng thập lực bốn vô úy
Và tam niệm xứ đại từ bi
Thành tựu thập bát bất cộng pháp
Tất cả đều do phát Bồ đề
Hay chấn động mười phương thế giới
Cũng biết tâm chúng sanh mười phương
Hay độ vô lượng các chúng sanh
Ðều do phát tâm Bồ đề nầy.
Lúc nói kệ trên đây, có bốn vạn trời người và vô lượng chúng sanh phát tâm Vô thượng Bồ Ðề. Thánh Vương Tịnh Ðức Báo còn trong vạn ức năm cúng dường đức Phật Phân Biệt Kiến. Sau thời gian cúng dường đức Phật ấy rồi, Thánh Vương nhàm thế tục mà xuất gia. Ðã xuất gia rồi tư duy bốn câu đó là thiệt cú, pháp cú, nghĩa cú và điều cú. Trong một ức năm thường tư duy nghĩa của bốn câu ấy.
Nầy Xá Lợi Phất! Ông có biết Thánh Vương Tịnh Ðức Báo thuở ấy là ai chăng, chính là thân đồng nữ Bửu Nữ nầy vậy".
Tôn giả Xá Lợi Phất bạch đức Phật: "Bạch đức Thế Tôn! Do nghiệp duyên gì mà thọ thân đồng nữ nầy ?".
Ðức Phật phán dạy: "Nầy Xá Lợi Phất! Tất cả chư Bồ tát chẳng do nơi nữ nghiệp mà thọ thân nữ, chỉ là dùng sức thần thông mà thị hiện thân người nữ thôi, đó là vì điều phục các chúng sanh vậy.
Nầy Xá Lợi Phất! Nay ông cho rằng Bồ tát Bửu Nữ thiệt là thân nữ ư? Chớ có quan niệm như vậy. Tại sao, vì thọ thân nữ ấy là do sức trí huệ và sức thần thông.
Nầy Xá Lợi Phất! Bửu Nữ ấy từ lâu trong vô lượng kiếp đã lìa thân nam thân nữ. Thân ấy chẳng phải quá khứ cũng chẳng phải vị lai hiện tại. Thân ấy tức là phương tiện thân. Thân phương tiện ấy giáo hóa chín vạn hai ngàn người nữ ở thế giới nầy phát tâm Vô thượng Bồ Ðề, vì vậy mà thị hiện thân phương tiện ấy".
Bửu Nữ nói với Tôn giả Xá Lợi Phất: "Nay Ðại Ðức có thể dùng thân nữ nhơn để thuyết chánh pháp chăng?".
Tôn giả Xá Lợi Phất nói: "Tôi ở nơi nam thân còn sanh lòng nhàm lìa hối hận huống là thân nữ".
Bửu Nữ nói: "Ðại Ðức Xá Lợi Phất! Nay Ðại Ðức ở nơi nam thân sanh lòng nhàm hối ư?".
Tôn giả Xá Lợi Phất nói: "Ðúng như vậy đúng như vậy!".
Bửu Nữ nói: "Thưa Ðại Ðức Xá Lợi Phất! Vì cớ ấy nên chư Bồ tát hơn hàng Thanh văn và Bích Chi Phật. Tại sao, vì chỗ mà hàng Thanh văn các Ngài nhàm hối ấy chính là chỗ ưa thích của chư Bồ tát chẳng có nhàm hối. Hàng Thanh văn chẳng cầu các cõi mà nơi ấy chư Bồ tát thọ lạc. Hàng Thanh văn ở nơi các công đức sanh lòng tri túc còn người Bồ tát thì không có nhàm đủ. Hàng Thanh văn nhàm lìa phiền não còn người Bồ tát thì ở trong phiền não mà không e sợ".
Tôn giả Xá Lợi Phất hỏi Bửu Nữ: "Do sức lực gì mà hàng Bồ tát lòng không nhàm lìa e sợ?".
Bửu Nữ đáp: "Thưa Ðại Ðức! Ðại Bồ Tát có tám sức lực, do đây nên ở trong đó không có nhàm lìa e sợ.
Một là từ lực, vì tâm vô ngại vậy.
Hai là bi lực, vì điều phục vậy.
Ba là thiệt lực, vì chẳng dối chư Phật chính mình và các chúng sanh vậy.
Bốn là huệ lực, vì lìa phiền não vậy.
Năm là phương tiện lực, vì tâm chẳng hối vậy.
Sáu là công đức lực, vì vô sở úy vậy.
Bảy là trí lực, vì phá vô minh vậy.
Tám là tinh tiến lực, vì phá phóng dật vậy.
Thưa Ðại Ðức! Ðại Bồ Tát có đủ tám lực nầy nên tâm Bồ tát chẳng nhàm sợ".
Tôn giả Xá Lợi Phất hỏi: "Nầy đồng nữ! Nay nhơn giả có đủ tám lực nầy chăng? ".
Bửu Nữ đáp: "Thưa Ðại Ðức! Nói là có đủ ấy tức là điên đảo. Ðiên đảo ấy tức là hai tướng. Hai tướng ấy tức là hữu vi. Hữu vi ấy tức là vô sở hữu. Vô sở hữu ấy tức là bình đẳng.
Thưa Ðại Ðức! Nếu là bình đẳng thì thế nào là hữu lực vô lực, thế nào có thể nói số nhứt nhị.
Thưa Ðại Ðức! Tất cả pháp đều như hư không. Hư không ấy chẳng thể nói là nội là ngoại là trung gian, chẳng thể nói là sáng là tối. Như hư không tất cả pháp cũng đều như vậy. Nếu tất cả pháp đồng như hư không thì thế nào có thể nói là có lực vô lực là số nhứt nhị.
Thưa Ðại Ðức! Ðại Bồ Tát cũng có lực cũng không lực. Thế nào là có lực và thế nào là không có lực?
Thưa Ðại Ðức! Ðại Bồ Tát không phiền não lực mà có trí huệ lực, không xan lẫn lực mà có huệ thí lực, không phá giới lực mà có trì giới lực, không sân hận lực mà có nhẫn nhục lực, không giải đãi lực mà có tinh tiến lực, không loạn ý lực mà có thiền định lực, không vô minh lực mà có trí huệ lực. Vì vậy mà Bồ tát lìa ác pháp tu tập thiện pháp, do đây Bồ tát không ác pháp lực mà có thiện pháp lực".
Ðức Thế Tôn khen rằng: "Lành thay, lành thay! Nếu có thiện nam thiện nử nói được như vậy tức là thiệt thuyết".
Lúc đồng nữ Bửu Nữ nói pháp ấy, trong pháp hội có năm trăm Bồ tát thành tựu vô sanh nhẫn.
Bửu Nữ lại bạch đức Phật: "Bạch đức Thế Tôn! Như trong khế kinh nói, đức Như Lai có thập thần lực, là tức thập lực là Thế Tôn hay ly thập lực mà có Thế Tôn?
Nếu tức thập lực là Thế Tôn, thì có số lượng là nhị pháp, nếu là nhị pháp tức là vô thường. Còn nếu ly thập lực mà có Thế Tôn thì sao đức Phật nói tất cả các pháp bình đẳng.
Bạch đức Thế Tôn! Nếu trong một lực mà có đủ thập lực thì sao đức Phật chẳng nói bá lực. Nếu chẳng nói bá thì nên biết rằng một lực chẳng phải thập chẳng phải bá".
Ðức Thế Tôn khen rằng: "Lành thay, lành thay! Như Lai Thế Tôn chẳng phải nhứt chẳng phải nhị. Nếu chẳng phải nhứt nhị thì sao lại nói thập nói bá.
Ðại Bồ Tát xa lìa nhứt nhị chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Như Lai Thế Tôn chẳng phải tức thập lực chẳng phải ly thập lực, có thể nói được mười sự ấy nên gọi đức Như Lai có đủ thập lực. Như Lai nói thập lực ấy, mà trong một lực có đủ vô lượng lực. Vì lưu bố thế gian mà nói thập lực".
Bửu Nữ bạch rằng: "Lành thay đức Thế Tôn! Xin nói rộng thập lực ấy".
Ðức Phật phán dạy: "Nầy Bửu Nữ! Nên chí tâm lắng nghe kỹ, Phật sẽ phân biệt giải thuyết.
Nầy Bửu Nữ! Lúc Bồ tát tu hành đạo Bồ đề mà còn cầu Thanh văn thừa còn tạo ác nghiệp thì không bao giờ có. Do tâm vững chắc ấy lúc được Bồ đề thành tựu lực ban đầu. Thành tựu lực ấy rồi đức Như Lai ở trong đại chúng làm sư tử hống chuyển chánh pháp luân mà tất cả Trời, Người, Ma, Phạm, Sa Môn, Bà La Môn đều chẳng thể chuyển được.
Còn nữa, nầy Bửu Nữ! Lúc ấy Bồ tát tu hành đạo Bồ đề biết rõ các nghiệp tức là một nghiệp, do sức nầy nên biết rõ tất cả các nghiệp quá khứ vị lai và hiện tại nghiệp nhơn duyên xứ cùng nghiệp nhơn duyên phi xứ. Ðây là lúc Bồ tát được Bồ đề thành tựu nghiệp thứ hai.
Còn nữa, nầy Bửu Nữ! Lúc tu hành đạo Bồ đề, Bồ tát biết rõ căn của các chúng sanh rồi vì họ mà thuyết pháp, do đó là được Bồ đề thành tựu lực thứ ba.
Còn nữa, nầy Bửu Nữ! Lúc tu hành đạo Bồ đề, Bồ tát quán rõ chúng sanh giới rồi vì chúng sanh mà thuyết pháp, do đó lúc được Bồ đề thành tựu lực thứ tư.
Còn nữa, nầy Bửu Nữ! Lúc tu hành đạo Bồ đề, Bồ tát quán chúng sanh căn thượng trung hạ, quán rồi liền hiểu mà vì họ thuyết pháp. Do hiểu biết ấy mà lúc được Bồ đề thành tựu lực thứ năm.
Còn nữa, nầy Bửu Nữ! Lúc tu hành đạo Bồ đề, Bồ tát quán chí xứ đạo, những là hữu vi đạo, vô vi đạo, Thanh Văn đạo, Duyên Giác đạo, Bồ Tát đạo.Do quán đạo chí xứ nên lúc Bồ Tát được Bồ đề thành tựu lực thứ sáu.
Còn nữa, nầy Bửu Nữ! Lúc tu hành đạo Bồ đề, Bồ tát cung kính tôn trọng tu tập các thiền định vì điều phục chúng sanh mà thuyết pháp yếu. Do tu tập thiền định như vậy nên lúc Bồ tát được Bồ đề thành tựu lực thứ bảy.
Còn nữa, nầy Bửu Nữ! Lúc tu hành đạo Bồ đề, Bồ tát đối với các thiện căn quá khứ vị lai và hiện tại chẳng hề phỉ báng nên thành tựu niệm tâm chẳng phóng dật, vì chẳng phóng dật, nên lúc Bồ tát được Bồ đề thành tựu lực thứ tám.
Còn nữa, nầy Bửu Nữ! Lúc Bồ tát tu hành đạo Bồ đề thấy người chưa học chẳng sanh lòng khinh khi, còn với chỗ mình đã học chẳng có lòng kiêu mạn, có thể ban cho chúng sanh trí huệ quang minh. Do ban cho quang minh, nên lúc Bồ tát được Bồ đề thành tựu lực thứ chín.
Còn nữa, nầy Bửu Nữ! Lúc tu hành đạo Bồ đề, Bồ tát dạy chúng sanh xa lìa các pháp hữu lậu chẳng cho nó tăng trưởng, dạy chúng sanh tán thán giải thoát tu tập đạo vô lậu, và Bồ tát cũng vì chúng sanh mà nói đạo vô lậu. Do tu tập đạo vô lậu như vậy nên lúc Bồ tát được Bồ đề thành tựu lực thứ mười.
Nầy Bửu Nữ! Bồ tát tu tập mười lực như vậy do đó có thể, lúc thành Bồ đề đủ có Như Lai thập lực vậy".
Bửu Nữ lại bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Ðại Bồ Tát tu hành những pháp gì mà được tứ vô sở úy và mười tám pháp bất cộng?".
Ðức Phật phán dạy: "Nầy Bửu Nữ! Lúc tu tập đạo Bồ đề, Bồ tát ở nơi diệu pháp đã được chẳng hề tham lẫn, chẳng nghĩ rằng nếu ta dạy người có thể người sẽ hơn ta. Bồ tát đối với tất cả chúng sanh tâm thường bình đẳng, Bồ tát có thể xả bỏ của trong của ngoài mà thí cho tất cả. Bồ tát quán sát pháp giới không có các loại tướng dạng. Do nhơn duyên ấy nên lúc Bồ tát được Bồ đề thành tựu vô sở úy thứ nhất.
Còn nữa, nầy Bửu Nữ! Lúc tu hành đạo Bồ đề, với tất cả pháp chướng ngại đạo Bồ tát đều biết rõ, vì đã biết rõ nên chẳng làm chẳng theo những pháp chướng đạo ấy, và cũng chẳng ca ngợi cùng đem dạy người. Bồ tát biết rõ là pháp chướng đạo rồi liền xa lìa nó. Do nhơn duyên như vậy nên lúc Bồ tát được Bồ đề thành tựu vô sở úy thứ hai.
Còn nữa, nầy Bửu Nữ! Lúc tu hành đạo Bồ đề, Bồ tát thường tu đạo thanh tịnh thường nói pháp thanh tịnh, tu trị trang nghiêm vì được pháp thanh tịnh vậy. Trang nghiêm như vậy cũng tự tu trị mà cũng đem dạy bảo chúng sanh. Do nhơn duyên ấy nên lúc Bồ tát được Bồ đề thành tựu vô sở úy thứ ba.
Còn nữa, nầy Bửu Nữ! Lúc tu hành đạo Bồ đề, Bồ tát trọn chẳng có lòng kiêu mạn, trọn chẳng nói là ta biết ta thấy, che giấu các công đức mà hiển bày các tội lỗi. Do nhơn duyên nầy nên lúc Bồ tát được Bồ đề thành tựu vô sở úy thứ tư.
Còn nữa, nầy Bửu Nữ! Lúc tu hành đạo Bồ đề, đối với chúng sanh thất đạo Bồ tát chỉ dạy họ chánh đạo. Bồ tát trừ bỏ những gai độc những ngói đá trên các đường sá. Ðường nước hiểm tuyệt, Bồ tát làm cầu đò ban thí. Chỗ tối tăm, Bồ tát sắp đặt đèn sáng. Thấy người phạm tội Bồ tát có thể khiến họ điều phục, có thể trừ các nghi hối của chúng sanh. Với người chẳng phải tội phạm, chẳng cưỡng ép phải nói phạm tội. Bồ tát trừ lòng nghi chánh pháp của chúng sanh, ban cho họ ánh sáng chánh pháp, khuyên thỉnh thuyết pháp. Thấy người thuyết pháp, Bồ tát liền khen thiện tai và cung kính tôn trọng không có lòng khinh khi mà muốn được hiểu biết. Với tất cả chúng sanh mà lời nói thanh âm chẳng tốt, Bồ tát không có lòng khi dễ. Do nhơn duyên như vậy, nên lúc Bồ tát được Bồ đề thành tựu pháp bất cộng thứ nhứt.
Còn nữa, nầy Bửu Nữ! Lúc tu hành đạo Bồ đề, Bồ tát thường thiệt ngữ, pháp ngữ, nghĩa ngữ, thời ngữ, điều phục ngữ, thường nói lời chẳng sai, lời xa lìa các ác, lời thánh nhơn. Nếu được nghe chánh pháp rồi Bồ tát chuyển nói lại người khác vì để lợi mình mà cũng lợi cho người. Lúc nói chẳng hề khinh khi chẳng sanh sự cãi cọ. Tự mình tin Phật Pháp Tăng cũng khiến chúng sanh tin Phật Pháp Tăng. Bồ tát quán các pháp giới chẳng thể tuyên nói. Do nhơn duyên như vậy nên lúc Bồ tát được Bồ đề, biết rõ tất cả ngữ ngôn, được vô lượng môn tổng trì phương tiện. Vì vậy mà nơi thân có đủ tất cả tướng hảo, tất cả lỗ lông trên thân đều phát xuất âm thanh vi diệu Như Lai. Ðây gọi là pháp bất cộng thứ hai.
Còn nữa, nầy Bửu Nữ! Lúc tu hành đạo Bồ đề, Bồ tát thường tu lục niệm và cũng dạy cho chúng sanh tu lục niệm. Do nhơn duyên nầy mà lúc Bồ Tát được Bồ đề chẳng thất niệm tâm mà cũng được pháp chứng tổng trì phương tiện. Giả sử có vô lượng chúng sanh trong vô lượng kiếp tư duy thâm nghĩa đồng thời đến hỏi Phật, đức Như Lai chẳng cần sức tư duy mà có thể trong một thời gian đều theo chỗ hỏi mà đáp tất cả. Ðây gọi là pháp bất cộng thứ ba.
Còn nữa, nầy Bửu Nữ! Lúc tu hành đạo Bồ đề, Bồ tát thường thủ hộ tâm chúng sanh, chẳng làm nhơn loạn tâm, nhơn các khổ não cho chúng sanh, lúc thấy các chúng sanh làm những thiện pháp thì chẳng trở ngại chẳng làm rối loạn, biết rõ các pháp đều như tướng huyễn ảo, nơi các chúng sanh tâm Bồ tát luôn bình đẳng, biết các pháp giới đồng nhứt vị. Do nhơn duyên như vậy nên lúc Bồ tát được Bồ đề tâm thường định được vô biên văn tổng trì phương tiện, được tổng trì nầy rồi thì tâm thường tại định mà làm Phật sự. Ðây gọi là pháp bất cộng thứ tư.
Còn nữa, nầy Bửu Nữ! Lúc tu hành đạo Bồ đề, Bồ tát tưởng chẳng điên đảo, tâm chẳng điên đảo, vì chẳng điên đảo nên ở trong vô ngã chẳng có tưởng là ngã, cũng chẳng có tưởng là nhơn, là chúng sanh, là thọ mạng, là sĩ phu, là nam, là nữ, là kiêu mạn, là phiền não, là thường, là đoạn, là hữu, là vô, là thiện, là ác, là cấu, là tịnh, là hũu lậu, là vô lậu, là thế gian, là xuất thế gian, là sanh tử, là Niết bàn. Vì có điên đảo tưởng nên tất cả chúng sanh có những tưởng như vậy. Nếu không có điên đảo thì không có những tưởng ấy mà hành nơi trung đạo. Do nhơn duyên như vậy nên lúc Bồ tát được Bồ đề thành tựu nhứt tưởng không có nhị tưởng. Vì tu chánh định như vậy nên được vô tận khí tổng trì phương tiện, do sức tổng trì ấy mà tâm thường tu tập vô tưởng tam muội, thương mến chúng sanh tu tập đại bi thuyết pháp chẳng thôi nghỉ. Ðây gọi là pháp bất cộng thứ năm.
Còn nữa, nầy Bửu Nữ! Lúc tu hành đạo Bồ đề, Bồ tát tu tập xả tâm, bỏ những khổ lạc chẳng khổ chẳng lạc, chẳng mừng chẳng sầu, chẳng ái chẳng sân, vì vậy mà với các cảnh lợi suy hủy dự tâm không có hai, thường quán vô thường khổ vô ngã v.v… cũng giáo hóa chúng sanh tu tập pháp xả ấy. Do nhơn duyên nầy nên lúc Bồ tát được Bồ đề gọi là đại xả. Ðược đại xả nầy rồi liền được đại hải ấn tổng trì phương tiện. Do sức tổng trì nầy nên dầu được các hàng Thiên, Nhơn, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Càn Thát Bà, Ma Hầu La Già, Thích Thiên, Phạm Thiên cung kính cúng dường chẳng lấy đó làm mừng, dầu có hàng tà kiến ác nhơn khinh mạn mắng nhục chẳng lấy đó làm buồn, tâm thường bình đẳng như địa thủy hỏa phong chẳng thượng chẳng hạ chẳng động chẳng trược tu đại từ bi. Ðây gọi là pháp bất cộng thứ sáu.
Còn nữa, nầy Bửu Nữ! Lúc tu hành đạo Bồ đề, Bồ tát chí tâm cầu pháp Bồ đề thậm thâm các thứ thiện căn vô thượng mà chẳng cầu Thanh Văn thừa, tu tập đại bi, các tâm như vậy không hề thối chuyển. Do nhơn duyên như vậy nên lúc Bồ tát được Bồ đề thành Như Lai dục bất tăng bất giảm chứng được kim cương tràng tổng trì phương tiện được tự tại tri. Thế nào nói là tri? Ðó là biết nói sự gì, biết lúc nào nói, biết chỗ nào nói, biết vì hàng chúng sanh nào mà nói. Ðây gọi là pháp bất cộng thứ bảy.
Còn nữa, nầy Bửu Nữ! Lúc tu hành đạo Bồ đề, Bồ Tát thường siêng tu tinh tiến, với các pháp lành tâm chẳng biết chán đủ, cung kính cúng dường các bực Hòa Thượng thiện hữu tri thức và cũng thường gần kề thích được nghe chánh pháp rồi theo chỗ được nghe mà thọ trì. Bồ Tát tinh tiến như vậy vì điều phục chúng sanh, vì muốn cúng dường vô lượng chư Phật, vì muốn vô lượng vô biên chúng sanh được vô thượng đạo, cũng làm cho họ được tinh tiến như vậy nhập vào pháp môn. Do nhơn duyên như vậy mà được văn Phật pháp tổng trì phương tiện. Vì vậy mà lúc Bồ Tát được Bồ đề thành tựu Như Lai tinh tiến không giảm, do vì tinh tiến mà đầy đủ thần thông. Ðây là pháp bất cộng thứ tám.
Còn nữa, nầy Bửu Nữ! Lúc tu hành đạo Bồ đề, Bồ Tát có đủ niệm tâm tu tập tứ niệm xứ quán nội thân ngoại thân là vô thường khổ vô ngã, với thọ với tâm và với pháp cũng tu tập quán niệm như vậy. Bồ Tát tu tập không tam muội, vô tướng tam muội, vô nguyện tam muội, vì Như Lai thân mà quán thân niệm xứ chẳng chứng giải thoát. Do nhơn duyên như vậy nên lúc Bồ Tát được Bồ đề thành tựu Như Lai niệm tâm không giảm, được tri tâm thông biết rõ nơi các chúng sanh những căn, những giới, những giải, những nghiệp, những phiền não, những hành, những tập khí, những tâm xứ, những thiện căn, những ác căn, những quả báo sanh diệt các hữu các cõi, cũng biết rõ chư Phật thế giới, đại chúng các thừa, các hạnh Bồ Tát được thọ ký, cũng biết rõ cha mẹ, thân tộc, Sư trưởng, Hòa thượng, tất cả như vậy đều biết rõ cả mà chẳng mất niệm tâm. Ðây là pháp bất cộng thứ chín.
Còn nữa, nầy Bửu Nữ! Lúc tu hành đạo Bồ đề, Bồ Tát thường tu trí huệ, những là lợi huệ, tật huệ, vô biên huệ, thậm thâm huệ, giải huệ, tịnh huệ, bất động huệ, vô ngại huệ, vô thắng huệ, huệ biết rõ Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa, huệ vô thượng, huệ bất tri túc. Bồ Tát tu tập đầy đủ những huệ như vậy cầu huệ cầu pháp thọ trì pháp diễn thuyết pháp ưa thích chánh pháp. Vì thích chánh pháp nên với các vật trong thân ngoài thân Bồ Tát không hề tham trước, đối với Sư trưởng, Hòa thượng Bồ Tát hay chịu được các sự khổ nhọc, đem các vật cần dùng dâng hiến, vì nghĩa một chữ một câu mà có thể đem trân bửu mười phương thế giới để dâng cúng Pháp sư. Vì nhơn duyên cầu một bài kệ, Bồ Tát có thể xả thân mạng. Dầu trong vô lượng hằng hà sa kiếp tu hành bố thí chẳng bằng một lần nghe pháp Bồ đề lòng rất vui mừng. Bồ Tát ở nơi chánh pháp thích nghe thích nói. Bồ Tát nầy thường được chư Phật chư Thiên hộ niệm. Do sức hộ niệm nên trong thế gian có bao nhiêu kinh điển sách luận đều có thể thông đạt cả. Do nhơn duyên như vậy nên lúc Bồ Tát được Bồ đề thành tựu Như Lai trí huệ vô tăng vô giảm. Các trí ấy gọi là vô ngại trí. Trí nầy biết rõ tất cả chúng sanh tâm, biết rõ những thiện bất thiện và vô ký, biết rõ hữu lậu vô lậu thế gian xuất thế gian, biết rõ pháp cấu uế pháp thanh tịnh sanh tử Niết bàn, biết rõ tất cả pháp môn, tất cả Bồ đề sự, tất cả Bồ đề đạo, biết rõ tất cả thế giới, tất cả kiếp, tất cả vi trần, tất cả những sự quá khứ vị lai hiện tại như vậy, đều biết rõ thông đạt vô ngại thuyết pháp vô tận. Do nhơn duyên như vậy nên đức Như Lai có thể trong một pháp diễn nói vô lượng pháp. Ðây là pháp bất cộng thứ mười.
Còn nữa, nầy Bửu Nữ! Lúc tu hành đạo Bồ đề, Bồ Tát chẳng thích ở nhà cầu thọ ngũ dục mà thường thích ở nơi rảnh rang vắng lặng tu pháp xuất gia, thích tu nghĩa thậm thâm và ba môn giải thoát. Do sức tu ấy mà được pháp môn vô ngại, vô ngại trí quá cảnh giải ma trang nghiêm đầy đủ xa lìa phiền não và các ác kiến, diễn nói nghĩa thậm thâm phá lòng nghi của chúng sanh, trừ bỏ tất cả ác giác quán phá Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới. Vì các chúng sanh tham trước mà diễn thuyết chánh pháp cho họ lìa tham, vì chúng sanh nhiều sân hận mà diễn thuyết từ tâm cho họ lìa sân hận, vì kẻ ngu si diễn nói thập nhị nhân duyên cho họ lìa vô minh. Vì kẻ xan tham mà nói Bố thí Ba la mật, vì kẻ phá giới mà nói Giới Ba la mật, vì kẻ giận thù mà nói Nhẫn Ba la mật, vì kẻ giải đãi mà nói Tinh tiến Ba la mật, vì kẻ loạn tâm mà nói Thiền Ba la mật. vì kẻ vô trí mà nói Bát Nhã Ba la mật, vì phàm phu mà nói Tứ chơn đế, vì người điên đảo kiến mà nói vô thường, vô tịnh, vô lạc, vô ngã, vì người bị kiết phược mà nói ba mươi bảy pháp trợ Bồ đề. Bồ Tát có đủ những pháp như vậy, do nhơn duyên ấy mà lúc được Bồ đề thành tựu Như Lai giải thoát vô tăng vô giảm. Giải thoát như vậy không gì lay động được, rốt ráo thanh tịnh rốt ráo giải thoát, có thể biết rõ thấy rõ Thanh Văn thừa, Bích Chi Phật thừa, và Vô thượng Phật thừa, cũng được thanh tịnh tổng trì phương tiện. Do sức tổng trì nầy mà có thể diễn nói giải thoát được đại tự tại. Ðây là pháp bất cộng thứ mười một.
Còn nữa, nầy Bửu Nữ! Lúc tu hành đạo Bồ đề, Bồ Tát cung kính trí huệ được thế lực trí huệ được quang minh trí, được trí biết rõ quyến thuộc, biết rõ tâm vô tham, tâm vô sân, tâm vô si, tâm vô ái, tâm vô cấu, tâm vô tranh, tâm vô thực, tâm vô thượng, tâm vô ngại, tâm vô ký, tâm thiện, tâm bất thiện, tâm ác, tâm tịnh, tâm bất tịnh, cũng được trí biết rõ tâm đại tâm tiểu, tâm hẹp tâm rộng, tâm biết khắp tâm chẳng biết khắp, tâm tham tâm xả, tâm trì giới tâm phá giới, tâm nhẫn, tâm chẳng nhẫn, tâm giải đãi tâm tinh tiến, tâm định tâm loạn, tâm si tâm huệ, tâm phàm tâm thánh, tâm chánh định tụ, tâm tà định tụ, tâm bất định tụ, tâm Thanh Văn, tâm Duyên Giác, tâm Bồ Tát, tâm khổ đế, tâm tập đế, tâm diệt đế, tâm đạo đế. Dầu biết rõ như vậy mà không thủ chứng, vì điều phục chúng sanh mà thường thuyết pháp, đó là tứ đế, thập nhị nhơn duyên xa lìa đoạn kiến ngã kiến, nói nhơn duyên quả từ duyên mà sanh chẳng phải do nơi ngã chúng sanh thọ mạng sĩ phu. Biết rõ vô minh làm nhơn duyên cho hành, hành làm nhơn duyên cho thức, thức làm nhơn duyên cho danh sắc, danh sắc làm nhơn duyên cho lục nhập, lục nhập làm nhơn duyên cho xúc, xúc làm nhơn duyên cho thọ, thọ làm nhơn duyên cho ái, ái làm nhơn duyên cho thủ, thủ làm nhơn duyên cho hữu, hữu làm nhơn duyên cho sanh, sanh làm nhơn duyên cho lão tử ưu bi khổ não. Vì vô minh diệt nên hành diệt, vì hành diệt nên thức diệt, vì thức diệt nên danh sắc diệt, vì danh sắc diệt nên lục nhập diệt, vì lục nhập diệt nên xúc diệt, vì xúc diệt nên thọ diệt, vì thọ diệt nên ái diệt, vì ái diệt nên thủ diệt, vì thủ diệt nên hữu diệt, vì hữu diệt nên sanh diệt, vì sanh diệt nên khối lão tử ưu bi khổ não diệt. Quán biết rõ như vậy rồi lại suy nghĩ rằng các pháp như vậy thiệt chẳng phải ngã làm ra cũng chẳng phải chúng sanh thọ mạng hay sĩ phu làm ra, nó chẳng phải thường chẳng phải đoạn. Nếu đã không có ai làm ra thì pháp ấy gọi là rỗng không. Nếu nó đã rỗng không thì tức là không có ngã chúng sanh thọ mạng sĩ phu, không có thường không có đoạn, nếu là không có thường và đoạn thì tức là không có sanh không có diệt, nếu là không có sanh diệt thì không bị nhiếp thuộc tam thế, nếu chẳng nhiếp thuộc tam thế thì gọi là không có, nếu là không có thì chẳng tính đếm, nếu không có tính đếm thì tức là đệ nhứt nghĩa, đệ nhứt nghĩa ấy tức là Như Lai ngữ, Như Lai ngữ ấy thì không có đấu tranh, không đấu tranh ấy gọi là pháp Sa môn, pháp Sa môn ấy tức là hư không. Nếu có thể biết rõ các pháp như vậy thì gọi là biết rõ như thiệt. Nếu quán sát tư duy những ác nhơn duyên thì sanh khởi vô minh nhẫn đến sanh khởi khối khổ não lớn. Nếu ác tư duy diệt thì vô minh diệt nhẫn đến khối đại khổ não diệt. Quán như vậy rồi chẳng sanh thường kiến chẳng sanh đoạn kiến, biết tất cả pháp theo duyên mà sanh theo duyên mà diệt, biết tất cả pháp không có ngã chúng sanh thọ mạng sĩ phu, chẳng thấy có kia đây và trung gian, tại sao, vì nếu không bên nầy bên kia thì đâu có chính giữa, Bồ Tát thuyết pháp như vậy. Do nhơn duyên nầy nên lúc Bồ Tát được Bồ đề thành tựu Như Lai giải thoát trí không tăng không giảm, cũng được vô biên tổng trì phương tiện. Do sức tổng trì nầy y nơi pháp giới quán hư không giới mà diễn nói thị xứ phi xứ nhẫn đến lậu tận, lực, vô sở úy, đại từ đại bi, tuyên nói tạng pháp thậm thâm bí mật, cũng đem pháp nầy giáo hóa các chúng sanh, không cùng chung với hàng nhị thừa, thân khẩu ý nghiệp có đủ thần thông. Ðây là pháp bất cộng thứ mười hai.
Còn nữa, nầy Bửu Nữ! Lúc tu hành đạo Bồ đề, tất cả thân nghiệp của Bồ Tát đều tùy trí huệ hành, chẳng khi chúng sanh mà làm phòng ngại, không xan không tham không có lòng làm tổn hại, phạm hạnh thanh tịnh siêng tu tinh tiến, tập họp pháp trợ đạo chẳng tiếc thân mạng, vì các chúng sanh mà phát khởi đại từ bi. Do nhơn duyên như vậy nên lúc được Bồ đề gọi là Như Lai tất cả thân nghiệp tùy trí huệ hành, được nhứt thiết quang tổng trì phương tiện, do sức tổng trì nầy mà có thể làm các loại thân phương tiện, đó là thân Trời, thân Rồng, thân Dạ Xoa, thân Càn Thát Bà, thân A Tu La, thân Ca Lâu La, thân Khẩn Na La, thân Ma Hầu La Già, thân Phạm Vương, thân Thiên Ðế Thích, thân Tứ Thiên Vương, thân Sát Ðế Lợi, thân Bà La Môn, thân Tỳ Xá, thân Thủ Ðà, thân Tỳ Kheo, thân Tỳ Kheo Ni, thân Ưu Bà Tắc, thân Ưu Bà Di, thị hiện các loại thân như vậy rồi vì các loài chúng sanh mà tùy ý thuyết pháp, thuyết pháp giáo hóa rồi liền ẩn mất làm cho các chúng sanh chẳng biết được ở đâu, hoặc thân ẩn mất rồi mà pháp được diễn nói vẫn còn, tất cả chúng sanh sáu căn chiêm ngưỡng không biết chán đủ, vì không còn thấy được thân nên thường nhớ tưởng. Ðây là pháp bất cộng thứ mười ba.
Còn nữa, nầy Bửu Nữ! Lúc tu hành đạo Bồ đề, Bồ Tát khẩu nghiệp tất cả đều tùy trí huệ hành, chẳng khi chúng sanh, chẳng vọng ngôn lưỡng thiệt ác khẩu vô nghĩa ngữ, thường nói lời an ổn, lời chánh pháp, lời giới luật, lời dịu mát, lời Phật, lời có ý nghĩa, lời thích nghe, lời vui nghe. Do nhơn duyên như vậy nên lúc được Bồ đề gọi là Như Lai tất cả khẩu nghiệp tùy trí huệ hành, được tam phần tổng trì phương tiện, do sức tổng trì nầy mà hiểu rõ ngữ ngôn của tất cả chúng sanh, diễn nói những nghiệp của tất cả chúng sanh, lời đức Phật phán ra đều là chơn thiệt ngữ, là thập nhị nhơn duyên, lời giải thoát, lời chẳng tham, lời tịch tĩnh, lời nhơn duyên. Ðây là pháp bất cộng thứ mười bốn.
Còn nữa, nầy Bửu Nữ! Lúc tu hành đạo Bồ đề, Bồ Tát ý nghiệp tất cả đều tùy trí huệ hành, chẳng khi chúng sanh, chẳng ganh chẳng hại, chẳng khởi tà kiến mà tu tập chánh kiến, khởi đại từ bi với các chúng sanh tâm Bồ Tát thường bình đẳng, trọn chẳng quên mất tâm Bồ đề, đầy đủ trí huệ, trừ bỏ kiêu mạn. Do nhơn duyên như vậy nên lúc được Bồ đề gọi là Như Lai tất cả ý nghiệp tùy trí huệ hành, được vô cấu tổng trì phương tiện. Do sức tổng trì ấy mà Như Lai an trụ trong nhứt tâm có thể biết rõ tất cả tâm của các chúng sanh, quán tâm chúng sanh đều bình đẳng như tướng huyễn hóa bổn tánh thanh tịnh, quán thân chúng sanh đều bình đẳng như trăng trong nước, thấy thân của các chúng sanh ở trong thân mình và thân mình cũng ở trong thân các chúng sanh dường như bóng tượng hiện trong gương, có thể làm cho thân các chúng sanh đều làm thân Phật, cũng làm cho thân mình làm thân chúng sanh, tất cả không gì làm chuyển động được. Ðây là pháp bất cộng thứ mười lăm.
Còn nữa, nầy Bửu Nữ! Lúc tu hành đạo Bồ đề, Bồ Tát tin quá khứ chư Phật trí huệ thân khẩu ý nghiệp thuần thiện không hề nghi hoặc. Lúc được nghe Phật sự chẳng thể nghĩ bàn thì chẳng kinh chẳng sợ. Bồ Tát cũng tin quá khứ chư Phật thế giới các chúng sanh đã được điều phục, tin thân Phật đi qua lại mười phương tất cả thế giới vô ngại, chư Phật hay hiểu rõ ngôn ngữ của tất cả chúng sanh tùy theo mỗi loài mà thuyết pháp cho họ, với tất cả tam thế trí huệ Phật vô ngại, biết rõ quá khứ tất cả thế giới tất cả các thừa, thần thông biết rõ tất cả nghiệp quả chúng sanh, trí biết rõ tâm tất cả chúng sanh, đối với tất cả sự như vậy tâm Bồ Tát vững tin không nghi, Bồ Tát cũng giáo hóa chúng sanh khiến được lòng tin đồng như lòng tin của mình. Do nhơn duyên như vậy nên lúc được Bồ đề gọi là Như Lai trí huệ vô ngại biết rõ quá khứ thế, nhơn vì từ trước tu tập dũng kiện tam muội nên nay được kiện hành tổng trì phương tiện. Do sức tổng trì nầy mà có thể biết rõ quá khứ chư Phật Thế Tôn thọ mạng chủng tánh, cũng biết rõ quá khứ chư Phật Thế Tôn thọ mạng chủng tánh, cũng biết rõ quá khứ Bồ Tát, Thanh Văn, Bích Chi Phật tất cả chúng sanh nghiệp quả thần thông, cũng biết rõ bao nhiêu kiếp quá khứ hoặc có Phật xuất thế hoặc không Phật xuất thế và danh hiệu của chư Phật, quá khứ các thế giới hoặc tịnh hoặc uế, hoặc rộng, hoặc hẹp, hoặc thô, hoặc tế, hoặc thuận, hoặc ngược cho đến biết rõ vi trần v.v…, tất cả đều biết rõ ràng như xem trái cây trong bàn tay. Ðây là pháp bất cộng thứ mười sáu.
Còn nữa, nầy Bữu Nử! Lúc tu hành đạo Bồ đề, Bồ tát tin vị lai thế chư Phật trí huệ thân khẩu ý nghiệp thuần thiện không có nghi hoặc. Lúc nghe Phật sự bất khả tư nghị không kinh không sợ. Bồ Tát tin vị lai Phật thế giới chúng sanh đều sẽ điều phục, tin vị lai chư Phật qua lại vô ngại mười phương thế giới, hay hiểu rõ ngữ ngôn của tất cả chúng sanh tùy theo mỗi loài mà thuyết pháp, với tất cả tam thế trí huệ vô ngại, biết rõ vị lai tất cả pháp giới tất cả các thừa, biết rõ tất cả chúng sanh nghiệp quả thần thông, trí biết rõ tâm chúng sanh. Với tất cả sự như vậy, Bồ Tát vững tin không hề nghi, cũng giáo hóa tất cả chúng sanh khiến họ có đồng tín tâm như mình. Do nhơn duyên như vậy nên lúc được Bồ đề gọi là Như Lai trí huệ biết rõ vị lai thế vô ngại. Nhơn vì thuở trước tu tập biết tâm tam muội nên nay được sư tử hống tổng trì phương tiện. Do sức phương tiện nầy có thể biết rõ vị lai thế chư Phật Thế Tôn thọ mạng chủng tánh, cũng biết rõ vị lai Bồ Tát, Thanh Văn, Bích Chi Phật, tất cả chúng sanh nghiệp quả thần thông, cũng biết rõ vị lai bao nhiêu kiếp có Phật xuất thế không Phật xuất thế và danh hiệu của chư Phật vị lai ấy. Biết rõ vị lai các thế giới hoặc tịnh hoặc uế, hoặc rộng hoặc hẹp, hoặc thô hoặc tế, hoặc thuận hoặc ngược, cho đến vi trần v.v… tất cả đều biết rõ như xem trái cây trong bàn tay. Ðây là pháp bất cộng thứ mười bảy.
Còn nữa, nầy Bữu Nử! Lúc tu hành đạo Bồ đề, Bồ tát tin hiện tại thế chư Phật trí huệ thân ngữ ý nghiệp thuần thiện không hề nghi hoặc, lúc nghe Phật sự bất khả tư nghị không kinh không sợ, tin hiện tại mười phương chư Phật thế giới chúng sanh đều được điều phục, tin chư Như Lai đi qua lại mười phương thế giới vô ngại, hiểu rõ ngữ ngôn của tất cả chúng sanh tùy theo mỗi loài mà thuyết pháp giáo hóa, với tất cả tam thế trí huệ thông đạt vô ngại, biết rõ hiện tại tất cả pháp giới tất cả các thừa biết rõ các chúng sanh nghiệp quả thần thông, trí biết rõ tâm chúng sanh. Với tất cả sự như vậy tin chắc không nghi, cũng giáo hóa chúng sanh đồng tin như mình. Do nhơn duyên như vậy nên lúc được Bồ đề gọi là Như Lai biết rõ hiện tại thế trí huệ vô ngại. Do thuở trước tu tập tịnh tam muội nên được kim cương tổng trì phương tiện. Do sức tổng trì nầy biết rõ hiện tại mười phương chư Phật Thế Tôn thọ mạng chủng tánh, cũng biết hiện tại tất cả Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác và tất cả chúng sanh nghiệp quả thần thông, cũng biết hiện tại tất cả kiếp có Phật xuất thế hay không Phật xuất thế và danh hiệu, thế giới tịnh hay uế, rộng hay hẹp, thô hay tế, thuận hoặc ngược, cho đến vi trần v.v… đều biết rõ tất cả như xem trái cây trong bàn tay. Ðây là pháp bất cộng thứ mười tám của đức Phật Thế Tôn.
Nầy Bửu Nữ! Như Lai còn có pháp bất cộng nữa, đó là vô kiến đảnh, tại sao, vì là vô biên thân vậy. Không có ai hơn được nên gọi là pháp bất cộng, tại sao, vì tất cả sự đầy đủ vậy. Ai thấy đều trừ khổ não nên gọi là pháp bất cộng, tại sao, vì thân Phật như được thọ vậy. Ở trong đại chúng vô úy khiếp nên gọi là pháp bất cộng, tại sao, vì Phật cứu cánh đủ bốn vô sở úy vậy. Biết rõ tâm chúng sanh nên gọi là pháp bất cộng, tại sao, vì tùy ý thuyết pháp vậy. Ðồ chúng tịch tĩnh gọi là pháp bất cộng, tại sao, vì thuận theo lời Phật dạy vậy. Phật phát ngôn thanh tịnh gọi là pháp bất cộng, tại sao, vì chẳng bao giờ nói lời vô nghĩa vậy. Phật tuyên nói người nghe đều hoan hỉ gọi là pháp bất cộng, tại sao, vì rời lìa ý tưởng oan thân vậy. Tiếng Phật thuyết pháp vừa đủ chúng nghe gọi là pháp bất cộng, tại sao, vì nếu thừa dư thì vô ích vậy. Mỗi mỗi chúng sanh đều riêng thấy đức Phật ở ngay trước mình lúc nhìn ngắm mắt chưa bao giờ nháy gọi là pháp bất cộng, tại sao, vì thân Phật bất khả tư nghị vậy. Người nghe Phật thuyết pháp chắc chắn sanh mầm lành gọi là pháp bất cộng, tại sao, vì Phật đã thành tựu vô lượng công đức vậy. Ai thấy Phật đều không nhàm gọi là pháp bất cộng, tại sao, vì giác ngộ tất cả pháp vậy. Cất mình đoái lại nhìn như tượng vương ngó gọi là pháp bất cộng, tại sao, vì oai nghi thanh tịnh vậy. Ðại sư tử hống gọi là pháp bất cộng, tại sao, vì đầy đủ các lực vậy. Oai nghi thuần thiện gọi là pháp bất cộng, tại sao, vì tất cả thân nghiệp tùy trí hành vậy. Khẩu nghiệp thuần thiện gọi là pháp bất cộng, tại sao, vì tất cả khẩu nghiệp tùy trí hành vậy. Tất cả nhãn nhục gọi là pháp bất cộng, tại sao, vì tất cả ý nghiệp tùy trí hành vậy. Thanh âm của Phật tất cả chúng sanh đều thích nghe gọi là pháp bất cộng, tại sao, vì ngữ ngôn vi diệu vậy. Thọ hưởng thượng cúng dường gọi là pháp bất cộng, tại sao, vì là vô thượng phước điền vậy. Vô tận công đức gọi là pháp bất cộng, tại sao, vì chẳng cầu quả báo vậy. Không có gì có thể phá hoại được gọi là pháp bất cộng, tại sao, vì mỗi lóng đốt trong toàn thân đều có sức lực na la diên vậy. Nói sự chẳng luống hư gọi lại pháp bất cộng, tại sao, vì biết rõ tất cả căn tánh vậy. Làm bực Thầy của tất cả gọi là pháp bất cộng, tại sao, vì thông đạt tất cả pháp vậy. Thọ mạng vô tận gọi là pháp bất cộng, tại sao, vì được pháp thân vậy. Có ai gần kề đều được đại lợi ích gọi là pháp bất cộng, tại sao, vì đã thành tựu tất cả pháp lành vậy. Tất cả trí huệ của Phật có không gì làm loạn trược được gọi là pháp bất cộng, tại sao, vì biết rõ tam thế trí tánh thanh tịnh vậy. Ai làm thân Phật chảy máu thì mắc tội ngũ nghịch gọi là pháp bất cộng, tại sao, vì đã thành tựu tất cả thiện căn vậy. Tất cả tập khí phiền não hết sạch gọi là pháp bất cộng, tại sao, vì biết rõ nhơn của tất cả phiền não vậy. Biết rõ tất cả hành gọi là pháp bất cộng, tại sao, vì giác ngộ tất cả pháp vậy.
Nầy Bửu Nữ! Ðây gọi là những pháp bất cộng của Như Lai".
Bửu Nữ lại bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Ðức Phật có ba mươi hai tướng, đây là do nghiệp nhơn gì mà thành tựu?".
Ðức Phật phán dạy: "Như Lai thành tựu vô lượng công đức nên có ba mươi hai tướng. Ðức Phật sẽ ở trong vô lượng sự ấy mà nói lược.
Ðức Như Lai, lúc tu hành đạo Bồ đề, do chí tâm hộ trì tịnh giới nên được tướng lòng bàn chưn bằng phẳng, do làm các thứ nghiệp huệ trí nên được tướng thiên bức luân, do chẳng khi dối tất cả chúng sanh nên được tướng bắp chưn gót mắt cá tròn đầy, do thủ hộ chánh pháp nên được tướng ngón thon dài, do chẳng phá chúng của người nên được tướng màn lưới mỏng, do dâng thí y phục đẹp quí nên được tướng chưn tay dịu mềm, do dâng thí món ăn uống sạch ngon nên được tướng bảy chỗ trên thân đầy, do mừng nghe Phật pháp nên được tướng vế lộc vương, do che giấu lỗi của người khác nên được tướng mã vương âm tàng, do tu pháp lành nên được tướng phần thân trên như sư tử vương, do thường đem pháp lành giáo hóa chúng sanh nên được tướng chỗ xương lõm đều đầy bằng, do cứu hộ kẻ tai nạn kinh sợ nên được tướng cánh bắp tay cùi chỏ đều suông tròn, do thấy sự việc của người thì giúp đỡ nên được tướng tay chạm đầu gối, do thường tu mười nghiệp lành nên được tướng thân thanh tịnh, do bố thí thuốc tốt cho người bịnh nên được tướng món ăn món uống vào đến cổ họng đều biến thành thượng vị, do thường phát nguyện tu hành thiện pháp nên được tướng má như sư tử vương, do với tất cả chúng sanh tâm luôn bình đẳng nên được tướng đủ bốn mươi cái răng, do hòa hiệp tranh tụng nên được tướng răng khít kín, do dâng thí các thứ trân bửu nên được tướng răng đều bằng, do thân khẩu ý thanh tịnh nên được tướng răng nanh trắng bóng, do giữ gìn bốn lỗi nơi lời nói nên được tướng lưỡi rộng dài, do thành tựu vô lượng công đức nên được tướng vị ngon nhứt trong thượng vị, do thường nói lời dịu dàng nên được tướng phạm âm, do tu tập từ tâm nên được tướng tròng mắt biếc, do chí tâm cầu Vô thượng Bồ đề nên được tướng lông nheo như ngưu vương, do tán thán những công đức của người khác nên được tướng bạch hào, do cung kính các bực cha mẹ Sư trưởng Hòa thượng nên được tướng nhục kế, do thích nói pháp thậm thâm nên được tướng thân nhu nhuyến, do dâng thí những thứ trải giường ghế nên được tướng kim quang, do xa lìa hội họp nói chuyện thế gian nên được tướng mỗi mỗi lỗ lông đều có một lông mọc, do thích nhận lời dạy của các bực Sư trưởng thiện hữu nên lông trên thân đều hướng lên trên, do chẳng đem việc xấu ác vu cho người nên được tướng tóc màu vàng ròng, do thường khuyên chúng sanh tu tam muội nên được tướng thân viên mãn như thân cây ni câu đà, do đời đời làm tượng hình Phật nên được tướng sức lực na la diên.
Nầy Bửu Nữ! Ðại Bồ Tát vì thành tựu vô lượng công đức như vậy nên được ba mươi hai tướng ấy".
Bửu Nữ lại bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Ðại Bồ Tát thiệt là bất khả tư nghị. Lành thay đức Thế Tôn nói rất tốt về Phật pháp".
Ðức Phật phán dạy: "Nấy Bửu Nữ! Ðúng như lời ngươi nói. Tất cả chúng sanh nghe những nghĩa nầy thì được vô lượng công đức, nghe rồi mà tin thì cũng được vô lượng công đức".
Lúc đức Phật nói pháp nầy, mười phương vô lượng vô biên thế giới chấn động sáu cách, vô lượng chúng sanh phát tâm Bồ đề, năm ngàn Bồ Tát được vô sanh nhẫn, trên hư không chư Thiên mưa các thứ hoa trời cùng trỗi các loại kỹ nhạc trời để cúng dường đức Phật. Những chúng sanh nào đã ở chỗ vô lượng vô biên chư Phật vun trồng căn lành mới được nghe thập lực tứ vô sở úy thập bát bất cộng pháp và tam thập nhị tướng của Như Lai. Người ấy nghe rồi có thể sanh lòng tin sâu, tin rồi có thể ở giữa đại chúng làm sư tử hống mà diễn nói pháp nầy. Tại sao vậy, vì những hạng người hạ liệt thì chẳng được nghe, dầu được nghe họ cũng vì tất sanh lòng tin, bực thượng nhơn trì giới trí huệ đầy đủ mới có thể được nghe, nghe rồi kính tin, tin rồi không lâu sẽ được Vô thượng Bồ đề.
Bửu Nữ bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Phật Như Lai bất khả tư nghị, Pháp và Tăng cũng bất khả tư nghị, nghe và tín kinh nầy cũng bất khả tư nghị, nếu có người kính tin kinh nầy, thì người ấy quyết định được Vô thượng Bồ đề.
Bạch đức Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát tu hành pháp hạnh?".
Ðức Phật phán dạy: "Nầy Bửu Nữ! Ðại Bồ Tát chẳng bỏ hàng thân thuộc bạn bè, biết ơn báo ơn, thương xót tất cả, nếu có ai quy y thì trọn không vứt bỏ, chí tâm nhớ nghĩ đạo Bồ đề, tu hạnh nhẫn nhục, hay xả thí vật khó xả thí, nhiếp lấy chúng sanh, từ tâm hộ trì tịnh giới, tư duy nghĩa ý pháp hành, hộ trì chánh pháp, thích chánh pháp, nhớ chánh pháp, thọ trì chánh pháp, thích tịch tĩnh ở riêng chỗ rảnh rang vắng vẻ, với đạo Bồ đề lòng không thối không hối, khéo thủ hộ chúng sanh thanh tịnh thân khẩu ý, vì tứ vô lượng tâm mà phát đại nguyện, thường khuyên bảo chúng sanh hướng về đạo Bồ đề, lúc giảng thuyết luận bàn thì trước tán thán Ðại thừa, chẳng có trước hứa hẹn người mà sau sanh lòng hối, thanh tịnh phẩm hạnh tri túc thiểu dục chẳng xan chẳng đố chẳng dứt thánh chủng, tâm không hề tranh cãi, biết rõ nhơn quả, có đủ tin văn giới thí tàm quí và trí huệ, gần kề thiện hữu, thuận theo lời dạy của bực Sư trưởng, tâm không kiêu mạn, cung kính lễ lạy các bực trưởng lão có đức, rời lìa tham sân si ngã và ngã sở, thường niệm Phật Pháp Tăng thí giới và chư Thiên, lúc được cung kính cúng dường tâm không cao ngạo, thường siêng tu hành sáu Ba la mật, ba môn giải thoát và các thiện phương tiện, chẳng thấy các tướng ngã thường chúng sanh thọ mạng sĩ phu, thường tu Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi và bát chánh đạo, đây gọi là Bồ Tát tu hành pháp hạnh.
Lại Bồ Tát pháp hành là không có nhãn không có sắc không có sắc tưởng hành, không có nhĩ không có thanh không có thanh tưởng hành, không có tỷ không có hương không có hương tưởng hành, không có thiệt không có vị không có vị tưởng hành, không có thân không có xúc không có xúc tưởng hành, không có ý không có pháp không có pháp tưởng hành. Lại nữa, chẳng phải sắc hành chẳng phải sắc chẳng phải chẳng sắc hành, chẳng phải sắc khổ hành chẳng phải sắc chẳng phải chẳng sắc khổ hành, chẳng phải sắc ngã hành chẳng phải chẳng sắc ngã hành, chẳng phải sắc không hành chẳng phải chẳng sắc không hành, chẳng phải sắc vô tướng hành, chẳng phải sắc vô nguyện hành, chẳng phải sắc vô tác hành, chẳng phải sắc tánh hành, chẳng phải sắc thiệt hành, chẳng phải sắc tịch tĩnh hành, chẳng phải sắc sanh hành, chẳng phải sắc xuất hành, chẳng phải sắc nhơn duyên hành, chẳng phải sắc tụ hành, đây gọi là pháp hành. Như với sắc, với thọ với tưởng với hành và với thức cũng như vậy.
Nầy Bửu Nữ! Nếu không có Ngũ ấm, Lục nhập, Thập bát giới hành như vậy thì gọi là pháp hành.
Không có Dục giới hành, không có Sắc giới hành, không có Vô Sắc giới hành, không có an trụ không có giải thoát thì gọi là pháp hành.
Không có khứ không có lai, không có trụ xứ, không có tâm ý thức, không có kiến văn không có tri thức, không có thân khẩu ý nghiệp, chẳng phải pháp chẳng phải phi pháp, chẳng phải nhứt chẳng phải nhị, chẳng phải quá khứ vị lai hiện tại, chẳng phải cấu tịnh, chẳng phải tụ tán, chẳng phải ngã chúng sanh thọ mạng sĩ phu, chẳng phải đoạn thường, chẳng phải ngã ngã sở, chẳng phải thỉ chung, đây gọi là pháp hành, gọi là ngã pháp, gọi là trụ xứ, gọi là pháp tánh, gọi là pháp xứ, gọi là không xứ phi xứ, gọi là cứu cánh xứ, chẳng động chẳng trụ không có tướng dạng hình mạo, không xuất không diệt không có tu hành, không thủ không xả, không lãnh thọ không xả thí. Nếu có thể thấy biết các pháp như vậy thì gọi là chơn trí, là thiệt tri, là pháp tri.
Nấy Bửu Nữ! Nếu thấy Bồ Tát học được như vậy, vì các chúng sanh mà đi trong sanh tử, với Niết bàn không có động chuyển, đây gọi là Bồ Tát chơn thiệt pháp hành".
Lúc đức Thế Tôn nói pháp nầy, trong pháp hội có tám ngàn Bồ Tát được pháp nhẫn.
Bấy giờ Bửu Nữ đồng nữ lại dâng các thứ trân bửu vật quí đẹp cúng dường đức Phật mà bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Nếu có Bồ Tát hành các pháp hạnh như vậy tức là tu hành tất cả Phật hạnh, liền được thọ ký ngồi Bồ đề thọ thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác".
Tôn giả Xá Lợi Phất hỏi Bửu Nữ: "Có phải nhơn giả đã biết Bồ Tát bất thối ấn chăng?".
Ðồng nữ Bửu Nữ nói kệ đáp rằng:
Các chúng sanh giới và pháp giới
Nếu bình đẳng xem không có khác
Chẳng sanh phân biệt số nhứt nhị
Ðây gọi Bồ Tát bất thối ấn
Quá khứ vị lai và hiện tại
Mười phương thế giới các Thế Tôn
Thảy đều bình đẳng quán pháp giới
Ðây gọi Bồ Tát bất thối ấn
Thấy hữu vi giới đều vô thường
Hữu lậu vô lậu cũng như vậy
Biết tất cả pháp bổn tánh tịnh
Ðây gọi Bồ Tát bất thối ấn
Thấy các sanh tử không số lượng
Chẳng thể đếm kể biết số ấy
Nếu trong một niệm mà biết được
Ðây gọi Bồ Tát bất thối ấn
Tất cả thế gian các pháp giới
Và cùng xuất thế các thánh pháp
Nếu hay bình đẳng rõ chơn thiệt
Ðây gọi Bồ Tát bất thối ấn
Nếu biết rõ được các pháp giới
Và cùng Ba Tuần các ma giới
Thông đạt hai giới vô sai biệt
Ðây gọi Bồ Tát bất thối ấn
Tham dục sân khuể cùng ngu si
Tất cả phiền não của chúng sanh
Biết từ điên đảo nhơn duyên sanh
Ðây gọi Bồ Tát bất thối ấn
Pháp sanh tử cùng với Niết bàn
Vô thượng chánh đạo và Bồ đề
Quan sát pháp ấy vô sai biệt
Ðây gọi Bồ Tát bất thối ấn
Thấy biết ngũ ấm thập bát giới
Và lục nhập đồng tánh Bồ đề
Các pháp như vậy không hai tánh
Ðây gọi Bồ Tát bất thối ấn
Ðịa thủy hỏa phong và sở tạo
Thấy nó dường như hư không giới
Như vậy thì được chơn thiệt ấn
Cũng như mười phương chư Phật ấn
Như nhãn giới Bồ đề cũng vậy
Hai pháp bình đẳng vô sai biệt
Tự mình thọ trì cũng dạy người
Ðây gọi Bồ Tát bất thối ấn
Biết tất cả tâm của chúng sanh
Hay làm nhơn duyên tất cả tâm
Nhơn duyên như vậy không chướng ngại
Ðây gọi Bồ Tát bất thối ấn
Hay khắp quán sát các chúng sanh
Căn của họ thượng trung hoặc hạ
Hay quán sanh tử tận bỉ ngạn
Ðây gọi Bồ Tát bất thối ấn
Bao nhiêu chữ nghĩa câu vô tận
Trong vô lượng kiếp thường diễn thuyết
Không thể phá hoại chướng ngại được
Ðây gọi Bồ Tát bất thối ấn
Biên tế hư không có thể cùng
Gió mạnh thế gian có thể buộc
Những tâm bất thối của Bồ Tát
Tất cả thế gian chẳng chuyển được
Thành tựu vô lượng đà la ni
Ở trong các pháp chẳng thất niệm
Thứ đệ diễn thuyết các pháp nghĩa
Như từ miệng Phật không có khác
Mười phương thế giới Phật Thế Tôn
Vì độ chúng sanh thuyết vô lượng
Ðều hay thọ trì hiểu thâm nghĩa
Ðây gọi Bồ Tát bất thối ấn
Những pháp được nghe vô lượng kiếp
Như hiện tại nghe mà diễn thuyết
Vô lượng đời học đà la ni
Chúng được vô tận ấn như vậy
Thành tựu đầy đủ tổng trì ấy
Cũng đủ vô thượng chơn trí huệ
Nếu được Bồ Tát bất thối ấn
Thì hay tuyên nói pháp như vậy
Nếu quán tất cả pháp rỗng không
Cũng chẳng thân cận chẳng viễn ly
Nếu thành tựu được bất thối tâm
Thì biết người nầy có không ấn
Tất cả các pháp như hư không
Tánh nó bổn lai không sanh diệt
Nếu biết rõ được pháp giới ấy
Ðây gọi Bồ Tát bất thối ấn
Các pháp đều từ nhơn duyên có
Rời các nhơn duyên không pháp giới
Nếu biết rõ được nhơn duyên sanh
Phải biết là có bất thối ấn
Bao nhiêu oai nghi những sắc thanh
Trong một niệm đều hay thị hiện
Vì muốn giáo hóa các chúng sanh
Ðây là Bồ Tát bất thối ấn
Tâm bố thí rộng như hư không
Trong vô lượng kiếp chẳng cùng tận
Thành tựu vô lượng các công đức
Ðây là Bồ Tát bất thối ấn
Tu tập tịnh giới vì Phật giới
Chứng được Phật giới như hư không
Thành tựu như vậy vô thượng giới
Ðây là Bồ Tát bất thối ấn
Tất cả chúng sanh có cấm giới
Và hữu học giới vô học giới
Dầu có như vậy vô lượng giới
Chẳng bằng bất thối một phần nhỏ
Nếu được tối thượng vô sanh nhẫn
Thành tựu vô lượng cũng vô biên
Nếu được như vậy vô sanh nhẫn
Như quá khứ Phật đã chứng được
Vì chúng sanh phát thiện trang nghiêm
Trong vô lượng đời chẳng thôi nghỉ
Siêng thường tu tập hạnh tinh tiến
Ðây là Bồ Tát bất thối ấn
Thường thích tu tập các thiền định
Cũng vì chúng sanh tuyên nói pháp
Dầu lại thị hiện các oai nghi
Mà nội tâm ấy không rời định
Ðầy đủ vô thượng chánh tri kiến
Xa lìa phiền não các tập khí
Nếu có thành tựu bất thối tâm
Thì hay gần kề cảnh giới Phật
Ðầy đủ ba thứ đại thần thông
Cũng đủ Như Lai thiện phương tiện
Nếu có thành tựu bất thối tâm
Người ấy sắp được chánh giác ấn
Tất cả chúng sanh chẳng biết được
Tâm hành cảnh giới của người ấy
Tu vô lượng hạnh vì chúng sanh
Ðây là Bồ Tát bất thối ấn
Kỳ thiệt chưa được vô thượng đạo
Mà hay thị hiện thân Như Lai
Giáng sanh thành Phật chuyển pháp luân
Cũng lại thị hiện đại Niết bàn
Chưa bỏ Bồ Tát bất thối ấn
Cũng hay chứng được ấn như vậy
Cũng như hư không không có biên
Phật ấn đã được cũng như vậy".
Lúc Bửu Nữ đồng nữ nói kệ ấy, Ðại Thiên thế giới chấn động sáu cách, trong pháp hội có năm ngàn Bồ Tát được bất thối ấn.
Ðức Thế Tôn khen rằng: "Lành thay, lành thay! Bửu Nữ nói Bồ Tát bất thối ấn rất hay".
Tôn giả Tu Bồ Ðề bạch đức Phật: "Bạch đức Thế Tôn! Bửu Nữ quyết định đã được bất thối chuyển ấn, nếu chưa chứng được thì làm sao có thể tuyên nói như vậy được".
Ðức Phật phán dạy: "Ðúng như vậy, nầy Tu Bồ Ðề như lời ngươi nói, Bửu Nữ ấy từ lâu đã được bất thối ấn, trí nhẫn thành tựu đã cùng tận bờ đáy Ðại thừa thậm thâm".
Bửu Nữ lại bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Cớ sao gọi là Ðại thừa?".
Ðức Phật phán dạy: "Nầy Bửu Nữ! Gọi là Ðại thừa ấy, vì thừa ấy rộng lớn, vì với tất cả các chúng sanh không có quái ngại, vì là căn bổn của thiện căn Nhứt thiết trí, vì không có các phiền não kiết sử vô minh, vì quang minh ấy không chỗ nơi nào mà không chiếu khắp, vì vòng khắp các bên của nó đều có nhãn mục, vì bổn tánh nó thường thanh tịnh không hề có ô nhiễm, vì dứt sạch các phiền não tất cả tập khí, vì có đủ các điều như vậy nên gọi là Ðại thừa. Lại vì hộ trì cấm giới nên gọi là thanh tịnh, vì tu tập chánh định nên gọi là an trụ, vì tu tập trí huệ nên gọi là vô lậu, vì tu giải thoát nên gọi là không trói buộc, vì chỉ bày tất cả các pháp bình đẳng vô nhị nên gọi là giải thoát, vì trí nhiếp thập lực nên gọi là vô năng động, vì đủ bốn vô sở úy nên gọi là không kinh sợ, vì nhiếp lấy mười tám pháp bất cộng nên gọi là vô ngại, vì tu tập đại từ nên gọi là bình đẳng, vì phá hoại tất cả ma chúng nên gọi là tối thắng, vì dẹp phiền não ma nên gọi là tịch tĩnh, vì phá hoại ngũ ấm ma nên gọi là bất khả sổ, vì phá hoại tử ma nên gọi là thường trụ, vì đầy đủ Ðàn Ba la mật nên gọi là phú túc, vì đầy đủ Thi la Ba la mật nên gọi là vô nhiệt, vì đầy đủ Sằn đề Ba la mật nên gọi là vô oán, vì đầy đủ Tinh tiến Ba la mật nên gọi là vô động, vì đầy đủ Thiền Ba la mật nên gọi là vô lậu vô chuyển, vì đầy đủ Bát Nhã Ba la mật nên gọi là thắng tất cả thế gian và xuất thế gian, vì đầy đủ Phương tiện Ba la mật nên gọi là nhiếp lấy tất cả các thừa, vì đoạn dứt tất cả các hữu nên gọi là vô hữu, vì có nhơn nơi bát chánh đạo nên gọi là đặt đủ cánh định huệ, vì đi qua lại vô ngại điều phục các căn nên gọi là đại thần thông, vì tu tứ niệm xứ và tứ chánh cần nên thấy được tất cả chư Phật thế giới và xa lìa ác pháp gần kề thiện pháp, vì tu thất giác phần nên xa lìa tất cả phiền não kiết sử, vô vi, vô lậu, vô thắng, vô thượng, vô kiến đảnh, vô năng tri, vô chướng ngại, nên cũng không có kiến văn không có chỗ nhập xuất, là đại chúng đại đường, là nhứt vị, là bất tác, không có số lượng bình đẳng không có hai, được danh hiệu lớn, mười phương vô ngại, được tất cả nhơn thiên cung kính, thành tựu vô lượng vô biên công đức, dứt hẳn tất cả xan lẫn phá giới tổn hại giải đãi loạn tâm vô minh, hay làm cho tất cả chúng sanh được đa văn được an lạc, dứt tất cả khổ khiến làm thiện nghiệp, được Phật trí, vô ngại trí, vô thượng trí, bình đẳng trí, Nhứt thiết trí. Ðây gọi là Ðại thừa vậy".
Lúc đức Phật nói pháp ấy rồi có một vạn hai ngàn chúng sanh phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ðã phát tâm rồi lại đồng nói rằng: "Nếu có chúng sanh có thể phát tâm Ðại thừa như vậy thì được vô lượng thiện pháp lợi ích".
Bửu Nữ đồng nữ lại bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Do có chướng ngại gì mà làm cho chúng sanh chẳng mau được Ðại thừa?".
Ðức Phật phán dạy: "Có ba mươi hai sự có thể làm nhơn duyên chướng ngại : một là thích Thanh Văn thừa, hai là thích Duyên Giác thừa, ba là thích thân Thiên Ðế Thích, bốn là thích thân Phạm Thiên, năm là thích được vui thế gian mà thọ cấm giới, sáu là thích tu một điều thiện, bảy là thường có lòng ganh ghét, tám là có nhiều của cải mà tham lẫn, chín là chẳng thích khuyên bảo người tu pháp lành, mười là có tâm kiêu mạn, mười một là chẳng cầu tâm Bồ đề, mười hai là sợ tâm Bồ đề, mười ba là ở trong một pháp sanh lòng tham trước, mười bốn là tư duy chẳng lành, mười lăm là chẳng có thể gần kề Sư trưởng Hòa thuợng thiện tri thức, mười sáu là phỉ báng các bộ phái khác, mười bảy là chẳng thể thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý, mười tám là chẳng thể hộ trì pháp vô thượng, mười chín là được chút ít pháp vị lẫn tiếc chẳng nói dạy người, hai mươi là hiểu được chút ít pháp nghĩa sanh đại mạn, hai mươi mốt là xa lìa tứ nhiếp pháp, hai mươi hai là chẳng thể cung kính bạn đồng thầy đồng học, hai mươi ba là chẳng thích nhớ niệm sáu pháp Ba la mật, hai mươi bốn là xa lìa tam tụ, hai mươi lăm là chẳng phát đại nguyện, hai mươi sáu là ít thiện căn, hai mươi bảy là điên đảo hiểu nghĩa, hai mươi tám là chẳng tán thán Tam bửu, hai mươi chín là phỉ báng các sự Bồ đề Ðại thừa, ba mươi là tự chẳng hiểu nghĩa mà chê người nói pháp, ba mươi mốt là chẳng hiểu biết rõ những sự ma, ba mươi hai là thích sanh tử. Ðây là ba mươi hai sự chướng ngại Ðại thừa chẳng cho chúng sanh mau được Ðại thừa.
Nầy Bửu Nữ! Những sự chướng ngại như vậy có đến vô lượng, nay Phật vì ngươi mà nói lược thôi.
Nầy Bửu Nữ! Ðại thừa có vô lượng công đức nên sự chướng ngại cũng có vô lượng. Cũng như Niết bàn công đức vô lượng, sự chướng ngại Niết bàn cũng là vô lượng. Lỗi sanh tử có vô lượng vô biên chính đó là sự chướng ngại Ðại thừa vậy.
Nầy Bửu Nữ! Nếu người có thể xa lìa vô lượng ác pháp ấy nên biết người ấy liền được Ðại thừa.
Nầy Bửu Nữ! Nếu Bồ Tát có thể được tâm thanh tịnh nên biết người ấy liền được Ðại thừa".
Bửu Nữ đồng nữ bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Chúng sanh thế nào mau được thành tựu vô thượng Ðại thừa?".
Ðức Phật phán dạy: "Nầy Bửu Nữ! Có ba mươi hai sự chúng sanh tu tập thì có thể mau được Ðại thừa vô thượng.
Một là chúng sanh chẳng thỉnh mà tự qua hiến giúp, hai là thấy người được phước đức không sanh lòng ganh ghét, ba là chí tâm tu tập vô lượng thiện căn, bốn là kinh doanh sự nghiệp cho người chẳng sanh sầu não, năm là tâm không trược loạn thân khẩu ý thanh tịnh, sáu là chẳng vì lợi dưỡng mà cải đổi oai nghi, bảy là an trụ đúng như thuyết, tám là với các chúng sanh tâm luôn thanh tịnh, chín là trọn chẳng buông bỏ tâm Bồ đề, mười là thanh tịnh trang nghiêm Ðàn Ba la mật, mười một là thanh tịnh Thi Ba la mật vì thương xót kẻ hủy cấm giải vậy, mười hai là thanh tịnh Nhẫn Ba la mật vì chẳng tiếc thân mạng vậy, mười ba là thanh tịnh Tinh tiến Ba la mật vì được thập lực tứ vô sở úy vậy, mười bốn là thanh tịnh Thiền Ba la mật vì xa lìa phiền não vậy, mười lăm là thanh tịnh Bát Nhã Ba la mật vì trừ tập khí phiền não vậy, mười sáu là tu dũng kiện định vì phá các ma nghiệp vậy, mười bảy là chí tâm độ thoát các chúng sanh, mười tám là tu tứ nhiếp pháp, mười chín là tâm thường bình đẳng, hai mươi là chẳng bỏ tất cả chúng sanh, hai mươi mốt là biết ơn báo ơn, hai mươi hai là hộ trì chánh pháp, hai mươi ba là tu tập pháp trợ đạo chẳng thôi nghỉ, hai mươi bốn là với các pháp lành tâm không nhàm đủ, hai mươi lăm là phá kiêu mạn, hai mươi sáu là cúng dường Tam bảo, hai mươi bảy là nơi tất cả pháp không sanh lòng phỉ báng, hai mươi tám là giỏi hiểu mười hai thâm nhơn duyên, hai mươi chín là có đủ thất thánh tài, ba mươi là nơi tất cả pháp được tự tại, ba mươi mốt là tu sáu thần thông, ba mươi hai là tu tập định tuệ. Ðây gọi là ba mươi hai sự mà chúng sanh tu tập thì mau được Bồ đề vậy".
Lúc đức Phật nói pháp nầy có bảy vạn hai ngàn chúng sanh phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, một vạn hai ngàn Bồ Tát được Vô sanh Pháp nhẫn. Chư Thiên dùng hương hoa kỹ nhạc cúng dường đức Phật tôn trọng tán thán mà nói lời rằng: "Nếu có ai được nghe các kinh như vậy thì nên biết người ấy quyết định được Vô thượng Bồ đề".
Lúc ấy, Phạm Thiên, Ðạo Lợi Thiên, Tứ Thiên Vương Thiên đồng bạch đức Phật rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Hôm nay đức Như Lai diễn nói vô hạn lượng nghĩa như vậy, nghĩa liễu nghĩa như vậy, nghĩa phá phiền não như vậy có thể dẹp các nghiệp ma phá các tà kiến có thể hộ trì tất cả chánh pháp vô thượng. Chúng tôi cũng có thể thọ trì đọc tụng thơ tả giải thuyết. Nếu đệ tử Phật mà có ai hay thọ trì đọc tụng thơ tả vì người diễn nói rộng thì chúng tôi sẽ vệ hộ người ấy. Nếu có ác quỷ muốn làm hại người ấy chúng tôi sẽ ngăn trở không cho làm hại được".
Ðức Phật khen chư Thiên rằng: "Lành thay lành thay, nầy chư thiện nam tử! Lúc ấy nếu các người có thể hộ trì đệ tử của Phật thì tức là hộ trì Phật chánh pháp, hộ trì như vậy thì chánh pháp được còn lâu".
Ðức Thế Tôn bảo Tôn giả A Nan rằng: "Nầy A Nan! Ông nên thọ trì ủng hộ diễn thuyết kinh điển như vậy. Nếu có Bồ Tát trong vô lượng kiếp thích tu tập huệ thí, lại có Bồ Tát thọ trì kinh nầy đọc tụng thơ tả rộng nói cho người tu đại từ bi gồm đem nghĩa kinh nầy khuyên người tu học thì người nầy được phước nhiều hơn người kia và có thể mau được Ðại thừa".
Tôn giả A Nan bạch rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Kinh nầy tên là gì và phụng trì thế nào?".
Ðức Phật phán dạy: "Nầy A Nan! Kinh nầy tên là Chơn thiệt pháp nghĩa tỳ ni phương tiện thành tựu phát tâm vô lượng bửu tụ vô lượng đà la ni thập lực tứ vô sở úy bất cộng pháp tụ Bồ Tát Ma ha tát bất thối chuyển ấn quảng thuyết Ðại thừa, cũng gọi là Bửu Nữ sở vấn. Ông nên phụng trì như vậy".
Tôn giả A Nan tất cả đại chúng Nhơn Thiên nghe đức Phật nói kinh nầy rồi đều rất vui mừng tín thọ phụng hành.
Pháp Hội Bửu Nử - Thứ Năm Mươi Hai
Hết