Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tường thuật nhanh buổi Talkshow "Tết Cổ Truyền Nhâm Dần- Mừng Xuân Di Lặc 2565”

29/01/202205:56(Xem: 8525)
Tường thuật nhanh buổi Talkshow "Tết Cổ Truyền Nhâm Dần- Mừng Xuân Di Lặc 2565”


Zoom online-thich nguyen tang-4jpg

Tường thuật nhanh buổi Talkshow

"Tết Cổ Truyền Nhâm Dần- Mừng Xuân Di Lặc 2565”
    Do Ban Truyền Bá Giáo Lý Phân Ban Âu Châu thực hiện trực tuyến Meeting Zoom online
vào 20:00 tối thứ năm 27/1/2022 và tại Melbourne/ Australia 6.am sáng thứ sáu 28/1/2022 .

    Hướng dẫn chương trình : MC Quảng Huệ

    Khách Mời : TT. Thích Nguyên Tạng -TT. Thích Viên Giác



 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam Mô Di Lặc Tôn Phật.

 

Giữa lúc Đại Dịch Covid-19 vẫn còn đang đe dọa khắp nơi trên thế giới, thế nhưng khi nhận được tin Ban Truyền Bá Giáo Lý của Tổng Vụ Hoằng Pháp thuộc GHPGVN tại Âu Châu (do TT.Thích Hạnh Tấn đảm nhiệm ) vẫn kiên trì tổ chức những khóa tu học Phật Pháp đến quý Phật Tử Liên Hữu khắp nơi tham gia  qua trực tuyến Meeting Zoom omline, tôi tự nhủ thầm “ Hạnh nguyện cao quý quá “. Chính vì vậy mà khi  tin nhắn từ TT.Thích Nguyên Tạng (Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức / Melbourne/ Úc Châu) đến với tôi trước giờ giao lưu chỉ có 8 giờ đồng hồ ( trừ đi 5 giờ nghỉ đêm) tôi chỉ còn 3 tiếng để chuẩn bị xem qua đề tài sẽ được pháp đàm .

 

Vừa nhìn vào Chủ đề TẾT VÀ XUÂN DI LẶC với hai vị khách mời TT. Thích Nguyên Tạng và TT. Thích Viên Giác tôi cảm thấy vui và phấn khởi nên cố tìm vài tài liệu xem trước để không bở ngỡ và theo kịp những gì các Ngài sẽ trinh bày và quả nhiên điều này đã giúp tôi thật vững tin khi nghe được những lời nhắn gửi của quý TT thật uyên bác và khiêm cung .

 

Trộm nghĩ trong Kinh Hạnh Phúc, Đức Phật đã dạy:

 

“Đức cung kính khiêm nhường

Tri túc và Tri ân

Đúng thời nghe chánh pháp

Là Phúc lành cao thượng”

 

Và nghe Pháp là cơ hội để tiếp cận và thấu hiểu lời Phật dạy nhằm áp dụng hành trì tu tập, gạn lọc thân tâm, tiến triển đạo nghiệp, cho nên buổi mạn đàm giao lưu này thật ý nghĩa cho những ngày cận Tết để giới trẻ Phật Tử có thể tiếp nối những mùa Xuân quê hương nơi hải ngoại phương xa, hơn thế nữa dù điều đã nghe có vẻ quá quen thuộc nhưng dưới con mắt Pháp của người đa văn quảng kiến ta sẽ học hỏi thêm điều lạ và là cơ hội để kết duyên gieo trồng thân cận bậc hiền trí và có hướng đi đúng cho bản thân.

 

Chỉ còn vài ngày  chuẩn bị đón Xuân Nhâm Dần, do vậy Phật sự các chùa tại hải ngoại thật bận rộn thêm vào đó các đám tang đột xuất gia tăng vậy mà số người tham dự trên Zoom suốt buổi đạt mốc 50 người  và không kể số người được xem livestream qua Facebook các trang nhà hơn vài trăm nữa  thì có thể nói những gì Phật Pháp đã truyền trao hôm nay gọi là hữu hiệu  ích lợi đáng kể . Kính xin tán thán TT. Thích Hạnh Tấn chủ nhiệm và MC Quảng Huệ đã nêu ra những câu hỏi thật lý thú .

 

Khách mời đầu tiên được MC Quảng Huệ giới thiệu qua tiểu sử và hành trạng thật trân trọng vì TT Thích Nguyên Tạng đã nhiều lần hoằng pháp tại Âu Châu và gần đây nhất vào tháng 6/2019 Ngài đã có mặt trong Giảng Sư Đoàn và đã đến chùa Đôn Hậu/ Na Uy do TT Thích Viên Giác trú trì và Chùa Phổ Hiền của Sư Bà Như Tuấn, Ni Sư Như Quang tại Strasbourg/Pháp tại đây đã được chính MC Quảng Huệ làm thị giả kiêm nhiếp ảnh gia cho Ngài.

 

Nhưng điều đáng để tường thuật lại hôm nay là 5 câu hỏi thật ý vị.... cần một lời giải đáp thỏa đáng  thì  lời đáp giảng thật đầy đạo vị . Kính xin tường thuật theo những gì đã nghe nhưng nếu có thiếu sót kính xin được tạ tội vì năng lực người viết cần được chỉ dạy thêm.

 

Nào chúng ta bắt đầu nhé ...

 

Câu hỏi thứ nhất : Tại sao ngày Mùng Một Tết lại gọi là ngày Vía Phật Di Lặc ? Có phải đấy là ngày Đản Sanh chăng?

 

 Đáp : Theo tài liệu kinh sách của Chư Tôn Đức và của HT .Thích Thanh Từ không hề nói rõ, chỉ biết được rằng Ngài là Bồ Tát  Nhất Sanh Bổ Xứ đang hiện ngụ  trên cung trời Đâu Xuất (theo kinh Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật ).

 

Sở dĩ có điều này vì người Trung Hoa đã dựa vào hóa thân của Bồ Tát dưới tướng dạng Bố Đại Hòa Thượng vào ngày mùng một Tết để phát quà cho người nghèo khổ và trẻ em. TT Nguyên Tạng cũng cho biết vào năm 2007 đã hướng dẫn phái đoàn hành hương Tu Viện Quảng Đức viếng thăm Chùa Tuyết Đậu ở Phụng Hóa, Ninh Ba, tỉnh Triết Giang,  là "Di Lặc Ứng Tích Thánh Địa", chính là nơi Bố Đại Hòa Thượng, hóa thân của Bồ Tát Di Lặc, ra đời tại đây để giáo hóa độ sanh.  (Mời xem kỷ yếu Hành Hương Trung Quốc 2007 của Tu Viện Quảng Đức)

 

Đáp lời cho câu hỏi thứ hai:” Trong kinh thường mô tả một Đức Phật thường có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, tại sao Bồ Tát Di Lặc lại bụng béo phì dễ nhầm lẫn với Ông Địa lai có 6 đứa trẻ ôm lấy Ngài ?”

 

Hẳn nhiều tham dự viên đều thích thú với câu trả lời thật thông tuệ khi TT Nguyên Tạng chỉ  ra hình ảnh tượng Phật Di Lặc mới của Tây Tạng trong dự án của Lạt Ma Zopa (1995) giống tư thế một vị Phật của Lạc Sơn Đại Phật tại nơi hợp lưu của 3 nhánh sông tại miền  bắc Trung Quốc khi thăm thắng cảnh Tứ Đại Danh Sơn (ngồi trên ghế và hai tay đặt trên đầu gối ), có thể đó mới là chánh thân của Phật Di Lặc trong tương lai mai sau, chứ không phải tôn tượng hóa thân của ngài hiện nay chúng ta thấy “bụng to má phúng đồng tiền”, đây chỉ là hóa thân mà thôi.

 

Cũng từ câu hỏi này, thính dự viên đã thích thú với câu trả lời về  6 căn thức (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, Ý ) thì Ý là người tu học cần phải canh chừng nhất như trong một ngôi nhà có 6 cửa và thông minh sáng suốt để nhận ra chính cánh cửa ý này phải cẩn trọng nhất vì nó là thủ phạm gây  tội nghiệp   trong từng mỗi sát na tâm.

 

"Kiến danh, kiến lợi như bụi rơi trong mắt

Ngộ danh, ngộ sắc như  trên đá gieo mầm"

 

Để rồi ta biết Niệm Phật, trì chú chính là phương tiện giúp ta trở về với hiện tại và một khi tâm không vọng động thì sẽ không tạo nghiệp, đó là cánh cửa Ý đã được canh phòng cẩn thận.

 

Một lần nữa, nguời tham dự buổi giao  lưu đã được học hỏi thêm khi MC Quảng Huệ muốn biết vào ngày đầu năm để nhớ về Phật Di Lặc thì nên đọc kinh nào? Và TT Nguyên Tạng chỉ dạy nếu không có Kinh Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật (bản dịch của Hòa Thượng Trung Quán) thì nên tụng Kimh Pháp Hoa phẩm Tùy Hỷ Công Đức trong đó nói về công hạnh của Bồ Tát Di Lặc.

 

Phải công nhận người khách được mời phải uyên bác trong nội điển kinh văn mới có thể giải đáp những câu hỏi tưởng chừng như chỉ hỏi cho người sơ cơ bắt đầu tu tập nhưng thật ra muốn hiểu được phải đòi hỏi một trình độ tu tập như câu hỏi thứ tư được đặt ra như sau :  “Nếu ta muốn gieo duyên với Phật Di Lặc trong ngày vị lai, thời bây giờ ta nên đọc tụng kinh gì ?”

 

Tôi thật ngạc nhiên khi thấy TT nhắc đến Tứ Vô Lượng Tâm một công hạnh chỉ có cho những ai với chí nguyện ba la mật mới mong hướng tới : TỪ, BI, HỶ, XẢ để rồi vào ngày Hội Long Hoa ( có thể sau một đại kiếp) mới có cơ hội dự phần trong 3 hội thuyết pháp và là một trong số 96 ức người được chứng A La Hán (Vô Sanh).

 

Với câu hỏi thứ năm không hiểu MC Quảng Huệ có muốn đùa tí cho vui hay muốn TT đem hết sở học truyền trao cho đại chúng khi thắc mắc “ Có phải  các người bị bịnh hay quên thì dễ thực tập XẢ”.

 

Thế cho nên TT Nguyên Tạng phải thốt lên “ Không đâu mà trái lại cần phải có trí nhớ tốt muốn vậy phải đọc tụng kinh điển nhiều hơn trong ngày cho tới khi đạt được mọi thứ qua trình tự của tu học và giải thoát: “Văn Tự Bát Nhã để Quán Chiếu Bát Nhã Và Thực Chứng Bát Nhã”.

 

Qua những dẫn chứng về Kinh Bát Nhã gồm 24 tập của HT  Trí Nghiêm, TT Nguyên Tạng  đã tán thán công hạnh  TT Thích Hạnh Tấn (đệ tử lớn của Hòa Thượng Thích Như Điển) khi phát nguyện tụng đọc trọn bộ  cùng quý  Tăng Ni nhân lễ Khánh Tuế lần thứ 70 của HT Ân Sư Thích Như Điển, Phương Trượng Chùa Viên Giác/ Đức Quốc tôi lại chợt nhớ đến vinh dự mà HT vừa nhận được mới đây từ Thủ Tướng Đức phải chăng do công đức cúng dường của các đệ tử chân thành đã làm duyên  góp phần tăng  thêm công đức của HT Phương Trượng. Hơn nữa dù rằng Thái Hư Đại Sư đã từng chỉ rõ chính tự tay mình phải cầm chèo và lên thuyền để sang bờ kia ....nhưng thật ra vẫn có những điều huyền diệu khó thể nghĩ bàn với hiệu lực của lời cầu nguyện khi một hội chúng thành tâm.

 

Và cũng qua những điều dẫn chứng khác về bài hát Thuyền Bát Nhã, một sáng tác của TT Thích Viên Giác tức Nhạc Sĩ Phi Long đã được ca sĩ Cẩm Ly trình bày năm nào làm mọi người yêu thích bài Tâm Kinh Bát Nhã hơn ...tôi lại càng khâm phục trí vô sư của Thầy ..những chuyện tưởng như đã trôi qua theo năm tháng nhưng khi cần nhớ lại nó đã hiện lại tức khắc như lời chúc Xuân sau đây:

 

“Chúc bạn xinh đẹp như Hoa Hồng,

Thành công như Hoa Cúc

Hạnh Phúc như Hoa Mai

Phát tài như Hoa Pháo

Độc Đáo như hoa Lan
An khang như hoa Huệ
và Trí Tuệ như Hoa Sen ....

 

Hoặc Thầy có thể ngâm nhừng câu thơ do HT Thích Đức Nhuận đã việt dịch bài thơ của Thiền Sư Mãn Giác:

 “ Đừng tưởng Xuân tàn hoa rụng hết

   Đêm qua sân trước một nhành Mai”

 

Thời gian cho phần giao lưu của TT Nguyên Tạng  đã vượt qua giới hạn, nhưng có lẽ MC Quảng Huệ đã muốn nhân dịp này học hỏi càng nhiều càng tốt... nên phần giao lưu của Khách mời thứ hai (TT.Thích Viên Giác) bị giảm cắt nhưng không sao Ngài rất đễ thương, khiêm nhượng với  chút nghệ sĩ tính vốn có nơi ngài, TT Trụ trì  Chùa  Đôn Hậu/Na Uy, cũng là nhạc sĩ Phi Long,  đã giải thích về chuyện Ông Táo và cho rằng lễ cúng đưa Ông Táo về trời cũng không phải là một tập tục dị đoan khi trả lời câu hỏi của MC Quảng Huệ về mê tín di đoan, và Thượng Tọa đã  nhắc lại lời của Đức Thế Tôn khi nhắc nhở đệ tử mình mỗi khi đi đến một làng, thôn xóm nào cũng phải tùy theo văn hóa nơi đó hầu đem Phật Pháp gieo vào lòng người....   

 

Kính tán dương buổi giao lưu hữu ích này đã làm lợi lạc thật sự cho những ai thích tu học giữa đời thường ...nhất là đề tài và câu hỏi được nêu ra đúng thời, đúng lúc vào dịp Tết.

 

Kính xin mượn lời thơ của nhà thơ Trụ Vũ  nhắc nhở chúng ta nên nhớ và khắc ghi sâu những lời Phật dạy và kính mừng  thế hệ mai sau vẫn được truyền trao Phật Pháp qua những bậc Tăng tài giỏi, uyên bác ... Thật là đại duyên để tu tập chờ hội Long Hoa có Phật Di Lặc vào đời như Kinh’ Phật thuyết Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật’.

 

Sao, Trăng, có thể rơi

Núi đá có thể lỡ

 Biển đại dương có thể cạn

Lời nói Đức Phật

... trăm kiếp ngàn đời vẫn như thật”

 

 

Kính chúc Tổng Vụ Hoằng Pháp GHPGVNTNAC  luôn thăng tiến trên đường truyền bá giáo lý Phật Pháp trong các khóa tu học trong năm 2022 và nhiều năm sau nữa trong tinh thần “Phục Vụ để hoàn hảo, Hoàn hảo để Phục Vụ”

 

Nhân dịp xuân Nhâm Dần sắp đến , con cũng kinh xin dâng lời chúc đến Chư Tôn Đức, quý Giảng Sư cùng hội chúng Phật Tử Liên Hữu  “VẠN SỰ AN KHANG, VẠN SỰ LÀNH”

 

Melbourne 28/1/2022

Phật Tử Huệ Hương



Zoom online-thich nguyen tang

 Zoom online-thich nguyen tang-2

 

Nam Mô A Di Đà Phật

Kính bạch Sư Phụ Nguyên Tạng,

Hôm nay chúng con được nghe Sư Phụ giảng trên hệ thống Zoom Meeting Online quốc tế, MC Phật tử Quảng Huệ giới thiệu chương trình. Sư Phụ đã có biết anh Quảng Huệ nhân dịp Sư Phụ có đến chùa Phổ Hiền (Sư Bà Như Tuấn) ở Strasbourg/Pháp, anh giúp vai trò nhiếp ảnh cho phái đoàn hoằng pháp của Sư phụ.

 

Bắt đầu chương trình, anh Quảng Huệ đặt câu hỏi : " Ngày vía Đức Di Lặc nhằm vào mồng một Tết, nhà nhà đón Tết Di Lặc theo truyền thống của Tết Nguyên Đán, do truyền thống này có từ lâu đời, nên hình thức và nội dung đã ăn sâu, đương nhiên mọi người hướng đến tập tục truyền thống nhiều hơn là hướng đến ý nghĩa ngày Vía Di Lặc. Xin Thầy chỉ cho chúng con, chuẩn bị thân và tâm đón Tết Di Lặc như thế nào cho lợi lạc và đúng ý nghĩa".

 

Sư Phụ cho biết, theo Hoà Thượng Thanh Từ và nhiều tư liệu sách sử khác, không có tài liệu nào nói rõ về sự giáng sanh của Đức Phật Di Lặc vào ngày Tết, chỉ là quan niệm của người Trung Hoa căn cứ vào ngày ra đời của Bố Đại Hòa Thượng, vốn là Bồ Tát Di Lặc hóa hiện xuống cõi Ta Bà từ cung trời Đâu Xuất để hóa độ chúng sanh.

Cung trời Đâu Xuất là một trong sáu tầng trời cõi dục:
1/Trời Tứ Thiên Vương
2/Trời Đao Lợi
3/Trời Dạ Ma
4/Trời Đâu Suất Đà
5/Trờ Hóa Lạc
6/Trời Tha Hóa Tự Tại

 

Hiện tại Bồ Tát Di Lặc đang thường trụ tại Nội viện cung của Trời Đâu Suất, trong 1 tiểu kiếp nữa (khoảng 16 triệu 8 trăm ngàn năm) ngài sẽ chính thức giáng sanh xuống cõi Ta Ba sau khi Chánh Pháp của Đức Phật Thích Ca không còn trên cõi này nữa, cho nên mới gọi ngài là “Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật”. Tuy nhiên trong thời gian ở Cung Trời Đâu Suất, Bồ Tát Di Lặc vẫn thường xuyên hóa thân đi giáo hóa nhiều nơi khác để trợ giúp Phật Thích Ca.

Vào thế kỷ thứ mười, Bồ Tát Di Lặc giáng sanh ở chùa Tuyết Đậu, thành phố Phụng Hoa, Ninh Ba, Triết Giang, Trung Hoa vào ngày mùng một Tết, nên có ngày vía Đức Di Lặc  là ngày mùng một Tết là phát xuất từ đó. Sư Phụ có nhắc là Sư phụ có dẫn đoàn hành hương đến chiêm bái tại nơi đây 3 lần vào năm 2007 (xem kỷ yếu), 2009 và năm 2012, hiện tại Chùa Tuyết Đậu có xây dựng Phật Đài Di Lặc lộ thiên rất đẹp mắt.

Sư phụ cũng lưu ý thêm một sự kiện quan trọng khác là ngày vía Đức Phật A Di Đà chúng ta tổ chức vào ngày 17 tháng 11 âm lịch hằng năm, kỳ thực ngày 17/11 là ngày sinh nhật của Thiền Sư Vĩnh Minh Diên Thọ, được xem hoá thân của Đức A Di Đà.

 

Kế tiếp, anh Quảng Huệ xin Sư Phụ giải thích: “ Đức Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, ví dụ như dưới lòng bàn chân có hình bánh xe, tay dài quá gối, đặc biệt là có tướng bụng thon đẹp, tạo sao Ngài Di Lặc lại có tướng bụng to, rất dễ nhầm với ông Địa ? “

 

Sư Phụ giải thích, tôn tượng bụng to như ông Địa hiện tại chúng ta thấy không phải là chánh thân của Phật Di Lặc mà chỉ là hóa thân của ngài, họ tạc tượng ngài phỏng theo hình dáng của Bố Đại Hòa Thượng bên Chùa Tuyết Đậu, Trung Hoa.

Người đệ tử Phật nên nhớ mỗi vị Phật đều có ba thân:

1/Thanh tịnh Pháp Thân: có nghĩa là lấy pháp giới làm thân, là “Biến nhất thiết xứ”, tức là thân của Phật có mặt khắp mọi nơi. Nơi nào thanh tịnh, hoà hợp, trí tuệ là nơi đó có Phật xuất hiện. Nơi nào vắng mặt tam độc tham sân si thì nơi đó có pháp thân của Phật xuất hiện.

2/Viên mãn báo thân, thân có được phước báo, do nhờ tu tập trong quá khứ nên được báo thân trang nghiêm thanh tịnh.

3/ Thiên bá ức Hoá Thân: Phật tùy thuận mà hóa hiện ra trăm ngàn vạn ức thân khác nhau  để giáo hóa chúng sanh như ta thường thấy Bồ Tát Quan Âm có 32 hóa thân. Tuỳ theo hoàn cảnh địa phương mà Chư Phật lưu xuất từ chánh thân (Pháp Thân và Báo Thân) ra hoá thân vào trong các lục đạo luân hồi để giáo hóa.

Theo văn hoá của Ấn Độ, Nepal, Tây Tạng, Bhutan, có nhiều tôn tượng Bồ Tát Di Lặc rất đẹp, rất khác với Trung Hoa. Sư Phụ kể chuyện vào năm 1996, Lạt Ma Zopa, kế thừa vai trò lãnh đạo FPMT của Lạt Ma Yeshe đã khởi công xây dựng Phật Đài Di Lặc cao 152 mét tại một công viên Phật Giáo rộng 48 mẫu ở gần Phật tích Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ, xem bài này) với tôn tượng Phật Di Lặc ngồi trên ghế và hai tay đặt đầu gối, với tư thế chuẩn bị đứng lên để đi giáo hóa chúng sanh. Đây là có thể là tôn tượng Di Lặc đẹp nhất chúng ta thấy từ trước cho đến nay.

Sư phụ cũng nhắc tôn tượng Di Lặc cao 71 mét ở Lạc Sơn Đại Phật, miền nam tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc, lưng Phật dựa vào núi, cũng trong tư thế ngồi rất đẹp mắt.

 

MC Quảng Huệ trình câu hỏi tiếp theo “Biểu tượng ngài Di Lặc ngồi có 6 đứa bé đang vây quanh, chọc phá mắt - tai - mũi - lưỡi - thân – ý, là 6 tên giặc phiền não mà Ngài đã chinh phục được. Học hạnh Ngài Di Lặc là học cách chinh phục 6 đứa nhỏ này, nhưng căn tánh chúng con còn kém, đối chọi với một đứa thôi cũng mệt rồi. Xin Thầy hãy chỉ cho chúng con, nên cẩn trọng đứa nào nhất trong 6 đứa và nên điều phục chúng cách nào? “

 

Sư phụ giải đáp rất rõ ràng câu hỏi này: Tôn tượng Di Lặc có sáu đứa trẻ vây quanh, tượng trưng cho sáu căn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý. Sáu căn này thanh tịnh sẽ trở thành lục thông, sáu căn này bất tịnh thì trở thành lục tặc. Sư phụ đưa ra ví dụ: một nhà có 6 cánh cửa, mà chỉ có một giữ cửa làm sao mà canh được, nên người ấy phải thông minh biết cửa nào cần canh để khỏi mất công chạy qua chạy về, cửa quan trọng cần canh đó là cửa ý, bởi vì “Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo tác…” ý có khởi nghĩ thì miệng mới nói là tay mới hành động, nên hành giả tu tập chỉ cần canh giữ Ý căn thì 5 cửa khác sẽ được an toàn. Một khi Ý được canh phòng nghiêm ngặt và cẩn trọng thì không lo nghĩ gì thêm nữa, mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mùi ngửi mùi…đều ở trong chánh niệm tỉnh giác mà không bị vọng tưởng điên đảo, như cách nói của một Thiền Sư:

 

“Kiến danh, kiến lợi như nhãn trung trước tiết

Ngộ thanh, ngộ sắc như  thạch thượng tài hoa”

 

Nghĩa là:

 

“Thấy lợi, thấy danh như bụi rơi vào tròng của con mắt

Nghe âm thanh, thấy sắc đẹp cũng không ảnh hưởng gì như hạt hoa mà gieo trên tảng đá vậy”.


Sư phụ nhắc đến pháp môn chánh niệm của Sư Ông Làng Mai, muốn chánh niệm, muốn đưa Ý căn vào khung trời tỉnh thức phải trở về với hơi thở, làm chủ hơi thở là làm chủ tâm mình, làm chủ tâm mình là không khởi nghĩ, vọng tưởng điên đảo, không vọng tưởng là không tạo nghiệp, không tạo nghiệp là không có đường dẫn đi đầu thai, tái sanh, luân hồi, sanh tử; do vậy ngay trong hơi thở hành giả đã đạt đến vô sanh (A La Hán” rồi.


Con xúc động và vô vàn cảm ơn Sư Phụ đã giải thích ngắn gọn và rõ ràng câu hỏi quan trọng về pháp tu này, con xin khắc cốt ghi tâm về cánh cửa giải thoát của con đã hé mở ngay trong hởi thở của con.

 

Câu hỏi tiếp theo: “Ngày vía đức Quán Âm thì chúng con có thể tụng kinh Phổ Môn, ngày vía Đức Di Đà, hoặc Dược Sư, Địa Tạng v.v.. chúng con có những kinh tương tự để tụng. Vào ngày Vía Đức Di Lặc, thì chúng con nên đọc tụng những kinh gì để tưởng nhớ đến hạnh nguyện của Ngài. Xin Thầy có thể giới thiệu cho chúng con một vài kinh điển thích hợp để đọc tụng.

 

Sư phụ giải đáp: quý Phật tử có thể tụng Kinh Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật, bản dịch của HT Trung Quán (tìm trên trang nhà Quảng Đức) nếu không có Kinh này có thể tụng Phẩm “Tùy Hỷ Công Đức” thứ 18 của Kinh Pháp Hoa, vì phẩm này có nói về Bồ Tát Di Lặc và công đức thọ trì kinh pháp.

 

Sư Phụ có giải thích một chút về Kinh Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật rằng Đức Phật Di Lặc sẽ giáng sanh xuống cõi Ta Bà lúc loài người có tuổi 84,000 tuổi, con người lúc đó dến 500 tuổi mới lập gia đình. Khác với Phật Thích Ca, giáng sanh cách nay 26 thế kỷ, lúc đó tuổi thọ con người trung bình 100 tuổi.

 

MC Quảng Huệ đặt câu hỏi khác “Kinh Di Đà và kinh Dược Sư chỉ rất rõ, mỗi người cần phát nguyện thế nào để vãng sanh vào cõi Tây phương Cực Lạc hoặc Đông phương. Vậy nếu chúng con muốn gieo duyên với Ngài Di Lặc, muốn được sanh vào thời kỳ Ngài hạ sanh, rồi được tham dự các Pháp hội Long Hoa do Ngài thuyết pháp, vậy thì từ bây giờ chúng con cần phải gieo duyên, phát nguyện thế nào?


Sư phụ giải đáp: Đức Phật Di Lặc sẽ thuyết pháp trong 3 hội Long Hoa:

- Hội thứ nhất có 96 ức người chứng quả A La Hán

- Hội thứ hai có 94 ức người chứng quả A La Hán

- Hội thứ ba có 92 ức người chứng quả A La Hán..

 

Nếu hành giả nào muốn tham dự tam hội Long Hoa trên, ngay bây giờ cần tu tập ngay tức khắc “tứ vô lượng tâm”: Từ, Bi, Hỉ, Xả trong từng hơi thở thì mới mong có chiếc vé để vào dự hội Long hoa.

Từ là tâm chẳng sân si
Bi là thường hết không vì một ai
Hỷ là vui vẻ hòa hài
Xả là xóa hết đắng cay vui buồn.

 

Tu pháp “Tứ Vô Lượng Tâm” vừa có ích cho hiện tại và tương lai. Sư Phụ có cho biết người thiếu từ bi thì hay bị mất ngủ. Mất ngủ do lòng mình vắng mặt từ bi. Từ bi là gì ? chính là tình thương người, thương vật không có điều kiện nào được kèm theo; tình thương có điều kiện thì không phải là từ bi. Muốn ngủ ngon phải tu từ bi. Mặt khác, Sư phụ còn chỉ cách lấy ngón tay chính gõ vào “huyệt an thần/ấn đường” giữa 2 chân mày, 7 lần thì sẽ ngủ ngay liền. Con cảm ơn Sư phụ chỉ dẫn cho chúng con bí quyết này, vì con hay bị mất ngủ.

 

Một câu hỏi khác: “Ngài Di Lặc được tượng trưng cho hạnh hỷ xả. Xả ở đây theo con hiểu là buông bỏ không bám chấp một điều gì. Việc buông bỏ không bám chấp khó làm với một người bình thường, nhưng với một người kém trí nhớ thì rất dễ, như vậy chúng con có nên luyện cho trí nhớ mình kém đi?

Sư phụ Nguyên Tạng cười và giải đáp rằng đây câu hỏi hài quá nhưng thực tế cho người đệ tử thời nay, hay quên nên muốn tu pháp xả hết cho khỏe. Tuy nhiên, người có trí nhớ kém là do nghiệp, do độn căn, học đâu quên đó, là nghiệp chướng nặng nề, các vị này cần phải niệm Phật để phục hồi trí nhớ trở lại, phải học kinh, phải tụng kinh, phải học giáo lý, phải hiểu, phải hành, phải trải các trình tự rõ ràng, có học, học nhớ rồi mới xả được, có mới xả, không có thì lấy gì mà xả ? trình tự tu học để đạt đến giác ngộ, hành giả  bắt buộc phải qua ba bước:

1/ Văn tự Bát Nhã.

2/Quán Chiếu Bát Nhã

3/Thật tướng Bát Nhã

 

Câu hỏi cuối cùng, MC Quảng Huệ thưa “ngày đầu năm ai cũng muốn trang hoàng bàn thờ cho trang nghiêm, rồi dâng cúng hương quả, có người cúng ngũ quả, có người cúng theo dân gian „dừa đủ xoài“, có người cúng thức ăn. Xin Thầy chỉ cho hàng Phật tử chúng con, cách thức trưng bày cơ bản và cách cúng phẩm vật cho đúng ý nghĩa ngày Vía Di Lặc”

 

Sư Phụ có chỉ cành mai được cô Thanh Phi vừa trang trí tối qua để chuẩn bị cho Pháp hội hôm nay và Sư phụ đọc lại câu thơ của Thiền Sư Mãn Giác:


“Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”.

Bản Việt của Hòa Thượng Thích Đức Nhuận, rất hay:

 

“Xuân đi, trăm hoa rụng
Xuân đến nở trăm hoa.
Trước mắt, đời chuyển biến!
Đầu xanh tuyết điểm pha.
Đừng nghĩ:Xuân tàn hoa rụng hết
Bên thềm, mai nở trắng... đêm qua”.


Bài thơ của Thiền Sư Mãn Giác, đời thứ 8 của Phái Vô Ngôn Lạc nói lên niềm lạc quan mà Ngài  muốn nhắn gởi cho mọi hành giả, chớ bảo chết là hết như xuân qua rồi không còn hoa mai nữa mà sau khi chết thần thức của chúng ta vẫn còn để đi vào cảnh giới khác tùy theo nghiệp quả của mình. Ngài đưa ra bằng chứng hùng hồn là “Đêm qua, sân trước, một cành mai”. Cành mai này nở vào đêm 30/11/âm lịch giữa mùa đông giá rét, mùa đông sao lại có hoa mai nở ? hoa mai nở mùa xuân mới đúng thời chứ.  Sư phụ đã giải thích: Hoa mai là ẩn dụ cho Pháp gốc, là Vô Sư trí, là chân tâm Phật tánh, là tánh biết thường hằng bình đẳng trong tất cả chúng sanh, vì vô minh che mờ  Pháp gốc, Phật tánh nên không nhận ra" (xem thêm lời giải thích của Sư Phụ).

Sư Phụ chỉ cách chưng trái cây và hoa cho ngày tết theo truyền thống là “đông bình, tây quả”, nghĩa là: phía đông chưng bình hoa, và phía Tây chưng mâm ngũ quả.

 

Về lý nội hàm ẩn ngũ quả và những nén hương trầm cúng ngày đầu xuân (Sư phụ khuyên nên thỉnh hương trầm Khánh Hòa mới thơm đúng mùi trầm hương của Việt Nam) là biểu trưng cho ngũ phần hương, chúng ta dùng kết quả tu tập hằng ngày để cúng dường lên Chư Phật và Tổ Tiên Ông Bà của mình nhân ngày tết: Giới hương, Định hương, Huệ hương, Giải thoát hương và Giải thoát tri kiến hương.

 

Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con có đủ phước duyên  được nghe Sư phụ giảng giải về ý nghĩa ngày Xuân Di Lặc trong những ngày giáp Tết Nhâm Dần, quá là tuyệt vời, giúp cho chúng con có đủ hành trang để vui hưởng mừng Xuân một cách đầy đủ ý nghĩa nhất của người con Phật.

Con cảm ơn Sư phụ và cảm ơn quý Thầy bên Châu Âu thuộc Hội Đồng Hoằng Pháp của Ôn Tuệ Sỹ, cảm ơn MC Quảng Huệ và các vị Admin Zoom Online thiết lập đàn tràng Pháp thoại online giá trị này.

Lời cuối con xin mượn lời chúc của Sư Phụ cuối buổi pháp thoại để kính chúc chư Tôn Đức và quý đạo hữu gần xa một năm mới Nhâm Dần 2022:

 

“Đẹp xin như Hoa Hồng,

Thành công như Hoa Cúc

Hạnh Phúc như Hoa Mai

Phát tài như Hoa Pháo

Độc Đáo như hoa Lan

An khang như hoa Huệ

và Trí Tuệ như Hoa Sen”.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni
Nam Mô Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật
Cung kính và tri ơn Sư Phụ,

Đệ tử Quảng Tịnh Tâm
(Montréal, Canada).     




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]