Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển 07: Nga Hồ Đại Nghĩa (鵝湖大義) và Ma Cốc Bảo Triệt (麻谷寶徹)

01/11/202120:52(Xem: 6336)
Quyển 07: Nga Hồ Đại Nghĩa (鵝湖大義) và Ma Cốc Bảo Triệt (麻谷寶徹)

canh duc truyen dang luc

CẢNH ĐỨC TRUYỀN ĐĂNG LỤC

QUYỂN 07

Sa-môn Đạo Nguyên đời Tống soạn

Việt dịch: Lý Việt Dũng



 

 

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ HAI của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG: 45 người, trong đó pháp tự của Mã Tổ 18 người được ghi chép.

01. Thiền sư Tổng Ấn núi Tam Giác Đàm Châu

02. Thiền sư Bảo Vân núi Lỗ Tổ Trì Châu

03. Thiền sư Thường Hưng Lặc Đàm Hồng Châu

04. Thiền sư Trí Tạng Tây Đường Kiền Châu

05. Thiền sư Hoài Huy chùa Chương Kính Kinh Triệu

06. Thiền sư Minh Triết Nham Bách Định Châu

07. Thiền sư Đại Nghĩa Nga Hồ Tín Châu

08. Thiền sư Tự Tại núi Phục Ngưu

09. Thiền sư Bảo Tích Bàn Sơn Ư Châu

10. Thiền sư Đại Dục núi Phù Dung Tỳ Lăng

11. Thiền sư Bảo Triệt núi Ma Cốc Bồ Châu

12. Thiền sư Tề An Diêm Quan Hàng Châu

13. Thiền sư Linh Mặc núi Ngũ Tiết Vụ Châu

14. Thiền sư Pháp Thường núi Đại Mai Minh Châu

15. Thiền sư Duy Khoan Hưng Thiện Kinh Triệu

16. Thiền sư Như Hội Hồ Nam

17. Thiền sư Vô Đẳng Ngạc Châu

18. Thiền sư Trí Thường chùa Qui Tông Lư Sơn

19. Hòa thượng Thủy Đường Đinh Châu

20. Hòa thượng Cổ Tự

21. Hòa thượng Bại Thọ Giang Tây

22. Hòa thượng Thảo Đường Kinh Triệu

23. Thiền sư Chân Thúc núi Dương Kỳ Viên Châu

24. Hòa thượng Mông Khê

25. Hòa thượng Hắc Giản Lạc Kinh

26. Hòa thượng Hưng Bình Kinh Triệu

27. Hòa thượng Tiêu Diêu

28. Hòa thượng Phước Khê

29. Hòa thượng Thủy Lão (Lạo) Hồng  Châu

30. Hòa thượng Phù Bôi

31. Hòa thượng Long Sơn Đàm Châu

32. Cư sĩ Bàng Uẩn Tương Châu

 

 

 

 

 

 

THIỀN SƯ TỔNG ẤN

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ HAI của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của MÃ TỔ ĐẠO NHẤT

 

Thiền sư Tổng Ấn ở núi Tam Giác Đàm Châu.

Tăng hỏi:

- Thế nào là Tam Bảo ?

Sư đáp:

- Lúa, lúa mạch và đậu.

Tăng nói:

- Kẻ học này không lãnh hội.

Sư nói:

- Đại chúng vui mừng phụng trì.

***

Sư thượng đường nói:

- Nếu luận chuyện ấy thì dù cho lãnh hội ngay cũng là đã sai trật rồi.

Ma Cốc liền hỏi:

- Vấn đề lãnh hội ngay không hỏi tới, thế nào là chuyện đó ?

Sư đáp:

- Sai trật rồi.

Ma Cốc nhấc giường Thiền. Sư liền đánh. Ma Cốc không lời đối đáp.

 

 

THIỀN SƯ BẢO VÂN

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ HAI của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của MÃ TỔ ĐẠO NHẤT

 

Thiền sư Bảo Vân ở núi Lỗ Tổ Trì Châu.

Tăng hỏi:

- Thế nào là thầy của chư Phật ?

Sư đáp:

- Trên đầu có mão quí là không phải.

Tăng hỏi:

- Thế nào là phải ?

Sư đáp:

- Trên đầu không có mão quí.

***

Động Sơn đến tham yết, lễ bái rồi đứng hầu, lát sau đó lại đi ra, rồi lại quay trở vào. Sư nói:

- Chỉ như thế ! Chỉ như thế! Cho nên như thế.

Động Sơn nói:

- Có rất nhiều người không nhận phải.

Sư nói:

- Làm sao thể thủ khẩu biện của ông ?

Động Sơn bèn thị phụng sư mấy tháng.

***

Tăng hỏi:

- Thế nào là nói mà không nói ?

Sư nói:

- Miệng ông ở đâu ?

Tăng nói:

 - Không có miệng.

Sư hỏi:

- Lấy gì ăn cơm ?

Tăng không lời đối đáp.

***

Thường hễ thấy tăng đến là sư xoay mặt nhìn vách. Nam Tuyền nghe thế nói:

- Ta thường nói với chư tăng: “Hướng về lúc Phật chưa xuất thế mà hội thủ còn chưa được một người, nửa kẻ. Ông ta mà như thế thì đến năm con lừa còn chưa được”.

 

 

THIỀN SƯ LẶC ĐÀM THƯỜNG HƯNG

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ HAI của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của MÃ TỔ ĐẠO NHẤT

 

Thiền sư Thường Hưng ở Lặc Đàm Hồng Châu.

Tăng hỏi:

- Thế nào là ông khách dưới cửa Tào Khê ?

Sư đáp:

- Chim én đến từ phương nam.

Tăng nói:

- Kẻ học này không lãnh hội.

Sư đáp:

- Dưỡng lông chờ gió thu.

Tăng hỏi:

- Thế nào là chuyện cực tắc của tông thừa ?

Sư đáp:

- Mưa thu cỏ mươn mướt.

***

Lại Nam Tuyền đến thấy sư nhìn vách, liền vỗ lưng sư, sư hỏi:

- Ông là ai vậy ?

Đáp:

- Phổ Nguyện.

Sư hỏi:

- Thế nào ?

Đáp:

- Cũng bình thường.

Sư nói:

- Ông sao đa sự vậy ?

 

 

THIỀN SƯ TÂY ĐƯỜNG TRÍ TẠNG

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ HAI của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của MÃ TỔ ĐẠO NHẤT

 

Thiền sư Tây Đường Trí Tạng, người Kiền Hóa, họ Liêu, tám tuổi đã theo thầy học đạo, hai mươi lăm tuổi thọ giới cụ túc. Có vị thầy coi tướng thấy vẻ khác thường của sư đã nói:

Sư cốt khí khác phàm, sẽ làm người phò tá cho Pháp vương. Sư bèn đến hang núi Phật Tích tham yết Mã Tổ, cùng với Hoài Hải làm đệ tử ruột của Đại Tịch, đều được ấn ký.

Ngày nọ Đại Tịch (Mã Tổ) sai sư đến Trường An trao thư cho quốc sư Trung. Quốc sư Tuệ Trung hỏi:

- Thầy ông nói pháp gì ?

Sư từ bên đông bước qua bên phía tây mà đứng. Quốc sư hỏi:

- Chỉ có cái đó thôi, hay còn cái gì khác ?

Sư bèn đi qua bên phía đông mà đứng. Quốc sư nói:

- Cái đó là của Mã Tổ, còn nhân giả thì thế nào ?

Sư nói:

- Đã sớm trình tự Hòa thượng rồi mà.

Sau lại đem thư cho thiền sư Quốc Nhất ở Kính Sơn, gặp lúc Liên Súy cung thỉnh Mã Tổ cư phủ, ứng kỳ mà thạnh hóa. Sư trở về quận được Đại Tịch trao cho áo nạp cà-sa, bảo học giả thân gần.

***

Tăng hỏi Mã Tổ:

- Thỉnh Hòa thượng rời tứ cú, tuyệt bách phi, chỉ thẳng mỗ đây thế nào là chỉ ý Tổ sư từ Tây lại ?

Mã Tổ nói:

- Ta hôm nay không có bụng hứng thú, ông hãy đi hỏi Trí Tạng đi.  Tăng ấy bèn đến hỏi sư. Sư nói:

- Sao ông không hỏi Hòa thượng ?

Tăng nói:

- Hòa thượng sai mỗ đây đến hỏi thượng tọa đấy.

Sư lấy tay vò đầu nói:

- Ta hôm nay nhức đầu, ông hãy đi hỏi sư huynh Hoài Hải.

Ông tăng nọ lại đến hỏi Hoài Hải. Hoài Hải nói:

- Chỗ này ta cũng không lãnh hội.

Tăng ấy bèn quay lại thuật tự sự cho Mã Tổ. Mã Tổ nói:

- Đầu của Trí Tạng trắng, đầu của Hoài Hải đen.

***

Có hôm nọ Mã Tổ hỏi Sư:

- Ông sao không xem kinh ?

Sư đáp:

- Kinh há có gì lạ sao ?

Mã Tổ nói:

- Tuy là như thế, ông ngày sau dạy người cũng nên biết kinh mới được.

Sư đáp:

- Trí Tạng bịnh lo tự mình điều dưỡng, há dám nói chuyện dạy người.

Mã Tổ nói:

- Ông cuối đời sẽ hưng thịnh giáo pháp trong đời.

***

Sau khi Mã Tổ thị diệt vào năm thứ bảy đời Đường Trinh Nguyên, đại chúng thỉnh sư khai đường.

Thượng thư Lý Cao hỏi tăng:

- Mã đại sư có ngôn giáo gì ?

Tăng đáp:

- Đại sư hoặc nói “Tâm ấy là Phật” hoặc nói “Không phải tâm, không phải Phật”.

Lý nói:

- Tất cả các cái đó đều ở bên này.

Lý hỏi sư:

- Mã đại sư có ngôn giáo gì ?

Sư gọi:

- Lý Cao.

Lý lên tiếng “Dạ”. Sư nói:

- Tù và cùng trống động rồi đấy.

***

Thiền sư Chế Không nói với Sư:

- Mặt trời lên sớm quá !

Sư nói:

- Đúng lúc đấy.

***

Sư trụ trì Tây Sơn đường. Có vị tục gia nhân sĩ hỏi:

- Có thiện đường và địa ngục không ?

Đáp:

- Có.

Hỏi:

- Có tam bảo Phật, Pháp, Tăng không ?

Đáp:

- Có.

Bao nhiêu vấn đề nêu ra hỏi nữa, sư đều đáp:

- Có.

Nhân sĩ nói:

- Bao nhiêu câu hồi đáp của Hòa thượng e rằng sai chăng ?

Sư nói:

- Ông từng gặp qua cao tăng đắc đạo chưa ?

Đáp:

- Mỗ đây từng gặp qua Hòa thượng Kính Sơn.

Sư hỏi:

- Kính Sơn nói thế nào với ông ?

Đáp:

- Hòa thượng nói nhất thiết đều không.

Sư hỏi:

- Ông có vợ con không ?

Đáp:

- Có.

Lại hỏi:

- Hòa thượng Kính Sơn có vợ con không ?

Đáp:

- Không.

Sư nói:

- Hòa thượng Kính Sơn nói “Không” là đúng đấy. Nhân sĩ lễ bái lui ra.

Ngày mùng 8 tháng 4 năm Nguyên Hòa thứ chín, sư qui tịch, thọ 80 tuổi, tăng lạp 55. Hiến Tông thụy Đại Tuyên Giáo Thiền Sư, tháp tên Nguyên Hòa Chứng Chân. Đến đời Mục Tông tái thụy hiệu Đại Giác Thiền Sư.

 

 

THIỀN SƯ HOÀI HUY (754 - 815)

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ HAI của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của MÃ TỔ ĐẠO NHẤT

 

Thiền sư Hoài Huy, chùa Chương Kính, phủ Kinh Triệu, là người Đồng An Tuyền Châu, họ Tạ, thọ được tâm ấn của Đại Tịch. Ban dầu, sư trụ Bách Nham Định Châu, kế đó dừng chân ở núi Trung Điều. Năm đầu đời Đường Nguyên Hòa, Hiến Tông hạ chiếu vời sư.

Sư thượng đường thị đồ chúng rằng:

- Chí lý quên lời, thời nhân không biết, gượng ép tập chuyện khác, cho đó là công năng mà không biết tự tánh vốn không trần cảnh, là pháp môn đại giải thoát vi diệu, sở hữu giám giác, không nhiễm không ngại, sáng rỡ như thế, chưa từng phế bỏ, từ bao đời kiếp đến nay, chẳng hề thay đổi, giống như mặt trời, gần xa gì đều chiếu sáng, tuy cùng lẫn lộn với các màu khác, nhưng chưa từng hòa hợp với màu nào, như cây đuốc linh diệu, chẳng cần phải đoàn luyện. Chỉ vì kẻ không hiểu, nắm bắt nơi vật tượng, giống như nặn mắt, vọng khởi hoa đốm trên không, tự làm mình lao nhọc, luống uổng kiếp số. Nếu hay soi lại chẳng người thứ hai, thi thố chẳng khuy tổn thật tướng.

***

Tăng hỏi:

- Tâm pháp đều quên, chỉ ý qui về đâu ?

Sư nói:

- Dĩnh nhân không ô nhiễm. Vác búa chi cho thêm mệt ?

 Tăng nói:

- Thỉnh sư lời không phản lại.

Sư nói :

- Tức không có câu phản lại.

***

- Hòa thượng Bách Trượng sai một ông tăng đến thăm chừng sư, đợi lúc vừa thượng đường bèn trải tọa cụ ra, lễ bái xong, ngước dậy giơ một chiếc giày của sư lên, dùng tay áo phủi sạch bụi, rồi lật úp lại để xuống đất. Sư nói:

- Lão tăng tội lỗi.

***

Có người hỏi:

- Tổ sư truyền pháp môn tâm địa, ấy là tâm chân như, tâm vọng tưởng, tâm không chân, không vọng, hay là tâm biệt lập ngoài tam thừa giáo ?

Sư đáp:

- Ông có thấy hư không trước mắt chăng ?

Đáp:

- Tin biết là tại trước mắt, do người tự không thấy đó thôi,

Sư nói:

- Ông chớ nhận ảnh tượng.

Hỏi:

- Còn Hòa thượng thì thế nào ?

Sư lấy tay quấu hư không ba cái.

Hỏi:

- Thế nào thì mới đúng ?

Sư nói;

- Ông sau này sẽ hiểu thôi.

***

 

Có ông tăng đến đi quanh sư ba vòng rồi chống gậy đứng sững. Sư nói:

- Đúng. Đúng !

Ông tăng ấy đến Nam Tuyền cũng đi ba vòng quanh Hòa thượng rồi chống gậy đứng, Nam Tuyền nói:

- Không phải, không phải, đó là do sức gió lay chuyển, trước sau gì cũng thành hư hoại.

Tăng ấy hỏi:

- Chương Kính (sư) nói phải, sao Hòa thượng lại nói không phải ?

Nam Tuyền nói:

- Chương Kính là phải, chỉ ông là không phải.

***

Sư có ông tăng nhỏ đi hành cước trở về. Sư hỏi:

- Ông rời xa đây trong bao lâu rồi ?

Tăng đáp:

- Rời xa Hòa thượng cỡ tám năm rồi.

Sư hỏi:

- Biện được cái gì?

Tiểu tăng vẽ một vòng tròn dưới đất. Sư hỏi:

- Chỉ có thế hay có gì khác nữa ?

Tiểu tăng vẽ nét phá vòng tròn rồi sau đó lễ bái.

***

Tăng hỏi:

- Tứ đại và ngũ uẫn tổ thành thân người, cái nào là bản lai Phật tánh ?

Sư liền gọi tên tăng nhân đó. Tăng nhân ứng tiếng dạ. Sư lặng thinh giây lâu nói:

- Ngươi không có Phật tánh đấy phỏng ?

Ngày 22 tháng Chạp năm thứ mười ba, đời Đường Nguyên Hòa, sư thị tịch, xây tháp ở Bá Thủy, sắc thụy Đại Giác Thiền Sư, tháp tên Đại Bảo Tướng.

 

 

THIỀN SƯ BÁCH NHAM MINH TRIẾT

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ HAI của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của MÃ TỔ ĐẠO NHẤT

 

Thiền sư Minh Triết ở Bách Nham Định Châu, có lần thấy hòa thượng Dược Sơn xem kinh, bèn nói với Hòa thượng rằng:

- Hòa thượng đừng bỡn cợt người mới phải.

Dược Sơn để quyển kinh xuống hỏi:

- Mặt trời sớm trưa rồi ?

Sư đáp:

- Thưa đã đúng ngọ rồi.

Dược Sơn nói:

- Cũng còn cái mửng màu mè đó.

Sư nói:

- Mỗ đây cũng không.

Dược Sơn nói:

- Lão huynh thông minh lắm.

Sư nói:

- Mỗ đây chỉ thế thôi, còn Hòa thượng thì sao ?

Dược Sơn nói:

- Què què khoèo khoèo, trăm xấu, ngàn tệ, chỉ qua ngày như thế.

 

 

THIỀN SƯ NGA HỒ ĐẠI NGHĨA

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ HAI của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của MÃ TỔ ĐẠO NHẤT

 

Thiền sư Nga Hồ Đại Nghĩa ở Tín Châu, người Tu Giang Cù Châu, họ Từ. Lý Cao có lần hỏi Sư:

- Bồ-tát Đại Từ Đại Bi (Quán Thế Âm) dùng ngàn tay, ngàn mắt để làm gì ?

Sư hỏi lại:

- Vậy chớ đức Kim thượng (Vua đương triều) dùng ngài để làm gì ?

***

Có ông tăng thỉnh cầu xây tháp. Thượng thơ Lý Cao nói:

- Trong mười hai phần giáo cấm đem thây chôn dưới tháp thì biết làm sao đây ?

Tăng không lời đối đáp, bèn đến hỏi sư. Sư nói:

- Ông ta được đại xiển-đề đấy !

***

Đường Hiến Tông có lần xuống chiếu mời sư vào trong nội cung tại điện Lân Đức luận thiền nghĩa. Có một pháp sư hỏi:

- Thế nào là bốn đế ?

Sư đáp:

- Thánh thượng là một đế, ba đế kia ở tại đâu ?

Lại hỏi:

- Dục giới không có Thiền. Thiền ở sắc giới. Đất này nương vào đâu mà lập Thiền ?

Sư nói:

- Pháp sư chỉ biết Dục giới không có Thiền mà không biết Thiền giới không có dục.

Pháp sư nói:

- Thế nào là Thiền ?

Sư lấy tay điểm khoảng không. Pháp sư không lời đối đáp.

Đế nói:

- Pháp sư giảng vô cùng kinh luận, vậy mà chỉ có một điểm lại không biết phải làm sao ?

Sư bỗng hỏi chư thạc đức rằng:

- Đi, đứng, ngồi, nằm rốt lại lấy gì làm đạo ?

Có vị thạc đức đáp:

- Biết ấy là đạo.

Sư nói:      

- Không thể dùng trí để mà biết, không thể dùng thức để mà hiểu thì làm thế nào mà biết là đạo được ?

Có vị thạc đức khác đáp:

- Không phân biệt là đạo.

Sư nói:

- Khéo hay phân biệt chư pháp tướng, nơi đệ nhất nghĩa mà không động thì làm sao không phân biệt là đạo được ?

Có vị thạc đức nữa đáp:

- Bốn Thiền, tám định là đạo.

Sư nói:

- Thân Phật vô vi, không rơi vào con số, há ở tại bốn Thiền, tám định sao ?

Mọi người đều đớ lưỡi. Sư lại cử lời vua Thuận Tông hỏi Thiền sư Thi Lợi: “Chúng sanh cả đại địa làm sao kiến tánh thành Phật ?”

Thi Lợi đáp: “Phật tánh như mặt trăng trong nước. Chỉ có thể thấy mà không thể nắm bắt được”.

Sư nhân nói với đế:

- Phật tánh phi kiến tất kiến. Mặt trăng trong nước làm sao mà chộp được.

Đế bèn hỏi:

- Thế nào là Phật tánh ?

Sư đáp:

- Không rời xa điều bệ hạ hỏi.

Đế ngầm khế ngộ chân tông, nên lại càng thêm khâm trọng, sư vào ngày mùng 7 tháng giêng năm Nguyên Hòa thứ mười hai qui tịch, thọ 74 tuổi, sắc thụy Tuệ Giác Thiền Sư tháp hiệu Kiến Tánh.

 

 

THIỀN SƯ TỰ TẠI

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ HAI của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của MÃ TỔ ĐẠO NHẤT

 

Thiền sư Tự Tại núi Ngưu Đầu ở Y Khuyết, họ Lý, người Ngô Hưng. Ban đầu, sư nương theo Thiền sư Kính Sơn Quốc Nhất mà thọ giới cụ túc. Sau đó ở Nam Khang tham kiến Đại Tịch Mã tổ, phát minh tâm địa. Nhân đưa thư của Đại Tịch cho quốc sư Trung. Quốc sư hỏi:

- Đại sư Mã lấy lời gì dạy học trò ?

Sư đáp:

- Tâm ấy là Phật.

Quốc sư nói:

- Đó là lời lẽ gì thế ?

Quốc sư lặng thinh hồi lâu đoạn hỏi:

- Ngoài ra thì còn ngôn giáo gì nữa không ?

Đáp:

- “Không phải tâm không phải Phật”, hoặc có lúc nói “Không phải tâm, không phải Phật, không phải vật”.

Quốc sư nói:

- Thế thì cũng tàm tạm.

Quốc sư nói:

- Ba chấm như nước chảy, vòng cong như lưỡi liềm cắt lúa. (心).

Sau sư ở ẩn tại núi Phục Ngưu. Ngày nọ sư nói cùng đại chúng:

- Tâm ấy là Phật là câu nói không bịnh tự tìm bịnh. Không tâm, không Phật là câu thuốc đối trị bịnh.

Tăng hỏi:

- Thế nào là câu thoát sái không vướng bận ?

Sư đáp:

- Dưới chân núi Phục Ngưu xưa nay truyền.

Sau sư thị diệt ở chùa Khai Nguyên Tùy Châu, thọ 81 tuổi.

 

 

THIỀN SƯ BÀN SƠN BẢO TÍCH

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ HAI của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của MÃ TỔ ĐẠO NHẤT

 

Thiền sư Bàn Sơn Bảo Tích ở U Châu.

Tăng hỏi:

- Thế nào là đạo ?

Sư đáp:

- Ra.

Tăng nói:

- Kẻ học này chưa lãnh hội được.

Sư nói:

- Đi.

***

Sư thượng đường thị chúng rằng:

- Tâm mà không có chuyện gì thì vạn tượng không sanh ra. Ý dứt tuyệt huyền cơ, sáu trần làm sao mà lập dược. Đạo vốn không thể, nhân đạo mà lập nên. Đạo vốn không tên, nhân tên mà có hiệu. Nếu nói “Tâm ấy là Phật”, thời nay chưa ai nhập huyền vi. Nếu nói “không tâm, không Phật”, đó là cực tắc chỉ dấu tích. Con đường hướng thượng, ngàn Thánh không truyền. Kẻ học nhọc hình, như vượn chộp ảnh. Này, đại đạo không trong, lại há trước sau. Khoảng trống không chẳng ngằn mé, làm sao đo lường. Không đã như thế, đạo làm sao nói bàn. Này, tâm như mặt trăng cô lẽ, vậy mà ánh sáng nuốt cả vạn tượng. Ánh sáng không chiếu cảnh mà cảnh cũng không tồn tại. Ánh sáng và cảnh đều tan mất, thì còn là vật gì. Bậc Thiền đức ví như huơ kiếm chém hư không, chẳng cần bàn tới hay không tới, chỉ là vòng hư không chẳng có dấu tích. Dao kiếm không sứt mẻ, nếu như đạt được tâm tâm vô tri, thì toàn tâm tức Phật. Toàn Phật tức người. Phật và người không khác thì mới gọi là đạo. Bậc Thiền đức học đạo, như đất chở núi, không hề biết núi cao vót, như đá ngậm ngọc, không hề biết ngọc chẳng có tì vết. Có được như vậy thì mới gọi là xuất gia. Cho nên bậc tôn đức mới nói: “Pháp vốn chẳng tương ngại, tam tế cũng như thế”. Người vô vi vô sự, như chiếc khóa vàng. Cho nên linh nguyên độc diệu, đạo tuyệt vô sanh. Đại trí chẳng sáng, chân không chẳng có dấu tích. Chân như phàm Thánh, đều là lời lẽ mộng ảo. Phật cùng Niết-bàn đều là lời nói thêm thừa. Cho nên bậc Thiền đức phải nên tự xem xét, không ai thế mình được. Ba giới không có pháp thì làm sao mà cầu tâm. Bốn đại vốn không, Phật nương đâu mà trụ. Long lanh như ngọc Tuyền Ki bất động. Rỗng lặng không lời. Cận diện tương trình, chẳng có chuyện gì khác. Tạm biệt!

***

Sư sắp qua đời nói với đồ chúng rằng:

- Có ai vẽ được chân dung ta chăng ?

Mọi người đều cố vẻ chân dung trình sư, sư đều đánh cả. Có đệ tử là Phổ Hóa bước ra nói:

- Mỗ đây vẽ được.

Sư nói:

- Sao không trình cho lão tăng coi.

Phổ Hóa bèn trồng chuối mà đi ra.

Sư nói:

- Cái gã này về sau sẽ điên điên, khùng khùng tiếp dẫn người vậy.

Khi sư qua đời, sắc thụy Ngưng Tịch Đại Sư, tháp tên Chân Tế.

 

THIỀN SƯ PHÙ DUNG ĐẠI DỤC

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ HAI của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của MÃ TỔ ĐẠO NHẤT

 

Thiền sư Đại Dục núi Phù Dung ở Tỳ Lăng, họ Phạm, người Tỳ Lăng. Năm 12 tuổi, sư lễ thiền sư Trung, pháp tự đời thứ sáu Ngưu Đầu Pháp Dung, xuống tóc. Năm 23 tuổi, tại chùa An Quốc ở Kinh Triệu thọ giới cụ túc. Sau gặp Mã đại sư mật truyền tâm ý tổ. Năm thứ mười ba, đời Đường Nguyên Hòa, sư dừng chân núi Phù Dung ở Nghĩa Hưng Tỳ Lăng. Ngày nọ, hành thực cùng cư sĩ Bàng Uẩn. Cư sĩ đang tiếp thực, sư nói:

- Sanh tâm nhận thí cúng, Tịnh Danh sớm đã quát nạt. Khứ thử nhất cơ, cư sĩ có đồng ý không ?

Cư sĩ nói:

- Đương thời thiện hiện há chẳng là bậc Thiền sư lỗi lạc ?

Sư nói:

- Không liên quan đến việc khác.

Cư sĩ nói:

- Thức ăn đến bên miệng, bị người đoạt mất.

Sư bèn để đồ ăn xuống. Cư sĩ nói:

- Không tốn một câu.

Cư sĩ lại hỏi sư:

- Mã đại sư trước thật dạy người, không biết có trao dặn lại sư không vậy ?

Sư đáp:

- Mỗ đây còn chưa thấy ngài thì làm sao mà thấy chỗ trước thật của ngài ?

Cư sĩ nói:

- Chỉ kiến tri như thế thì không có chỗ thảo luận.

Sư nói:

- Cư sĩ cũng chẳng nên hướng về lời lẽ.

Cư sĩ nói:

- Nếu hướng về ngôn thuyết, sư lại mất tông phong. Nếu tạo hai hướng, ba hướng, sư có chịu mở miệng không ?

Sư nói:

- Cho dù mở miệng không được đi nữa thì cũng là thật rồi vậy.

Cư sĩ vỗ tay mà đi ra.

Trong niên hiệu Bảo Lịch, sư quay về Tề Vân và nhập diệt ở đó, thọ 80 tuổi, tuổi lạp 58. Năm Đại Hòa thứ hai, truy thụy Đại Bảo Thiền Sư, tháp tên Lăng Già.

 

 

THIỀN SƯ MA CỐC BẢO TRIỆT

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ HAI của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của MÃ TỔ ĐẠO NHẤT

 

Thiền sư Bảo Triệt ở núi Ma Cốc Bồ Châu. Ngày nọ, sư đang đi theo hầu Mã Tổ, hỏi:

- Thế nào là Đại Niết-bàn ?

Tổ nói:

- Gấp.

Sư nói:

- Gấp cái gì ?

Tổ nói:

- Xem nước.

***

Sư cùng Đan Hà đang dạo núi, thấy cá lội trong nước bèn lấy tay chỉ. Đan Hà nói:

- Thiên Nhiên ! Thiên Nhiên !

Qua ngày hôm sau sư hỏi Đan Hà:

- Ngày hôm qua ý ấy thế nào ?

Đan Hà bèn rướn người làm dạng như nằm. Sư nói:

- Ối trời ôi!

***

Lại lần khác sư cùng Đan Hà đi đến núi Ma Cốc. Sư nói:

- Mỗ đây sẽ trụ trong này đấy.

Đan Hà nói:

- Trụ thì đồng ý thôi, nhưng có còn cái kia không ?

Sư nói:

- Tạm biệt.

***

Có tăng hỏi:

- Mười hai phần giáo mỗ đây không nghi, nhưng thế nào là chỉ ý Tổ sư từ Tây lại ?

Sư bèn đứng lên, dùng gậy quơ một vòng quanh mình, kiểng một chân lên hỏi:

- Lãnh hội không ?

Tăng không lời đối đáp. Sư bèn đánh.

***

Có tăng hỏi:

- Thế nào là đại ý Phật pháp ?

Sư lặng thinh. Ông tăng ấy lại hỏi Thạch Sương:

- Ý ấy thế nào ?

Thạch Sương đáp:

- Chủ nhân cần quyền mang lụy, xà-lê quến nước, ủng sình.

***

Đam Nguyên hỏi:

- Quan Âm mười hai mặt là phàm hay là Thánh ?

Sư đáp:

- Là Thánh.

Đam Nguyên liền tát sư một bạt tai. Sư nói:

- Biết ông không tới cảnh giới đó.

 

 

THIỀN SƯ DIÊM QUAN TỀ AN

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ HAI của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của MÃ TỔ ĐẠO NHẤT

 

Thiền sư Tề An viện Hải Xương, Trấn Quốc Diêm Quan Hàng Châu, họ Lý, người quận Hải Môn. Lúc sanh sư ra, hào quang chiếu sáng nhà. Lại có ông tăng dị vực nói rằng:

- Không cần thắng phan mà làm cho Phật nhật hồi chiếu, há không phải cậu sao ?

Sư bèn nương thiền sư Vân Tông của bổn quận mà xuống tóc thọ giới cụ túc. Sau nghe Đại Tịch hành hóa ở núi Cung Công, bèn chống gậy đến tham vấn. Vì sư có tướng lạ nên Mã Tổ vừa trông thấy là ưng ý coi trọng ngay, bèn cho vào hàng đệ tử ruột, mật truyền Chánh pháp.

Tăng hỏi:

- Thế nào là bổn thân của Phật Tỳ Lô Xá Na ?

Sư nói:

- Lấy cái tịnh bình bằng đồng đưa cho ta.

Tăng nhân bèn đem tịnh bình đến.

Sư nói:

- Hãy đem để lại vào chỗ cũ.

Tăng đem bình để lại chỗ cũ, rồi quay lại hỏi vấn đề hồi nảy. Sư nói:

- Cổ Phật đã qua rồi mà.

***

Có tăng phụ trách giảng kinh đến tham vấn, sư hỏi:

- Tòa chủ giỏi sự nghiệp gì ?

Tăng đáp:

- Giảng kinh Hoa Nghiêm.

Sư hỏi:

- Trong kinh có bao nhiêu pháp giới ?

Tăng đáp:

- Nói rộng thì loại loại không cùng, còn nói sơ lược thì có bốn loại pháp giới.

Sư dựng đứng cây xơ quất lên nói:

- Cái này thuộc loại thứ mấy ?

Tòa chủ trầm ngâm suy nghĩ lời đối đáp, sư nói:

- Suy mà biết, nghĩ mà hiểu là kế sống của đám quỷ. Dưới ánh mặt trời quả nhiên cây đèn le lói không thể chiếu sáng được.

***

Tăng hỏi Đại Mai:

- Thế nào là chỉ ý Tổ sư từ Tây lại ?

Đại Mai đáp:

- Tây lại không có chỉ ý gì cả.

Diêm Quan Tề An nghe được nói:

- Hai tử thi đều vào quan tài một thứ như nhau.

(Huyền Diệu nói:

- Diêm Quan là Thiền sư thứ cừ).

***

Sư gọi thị giả:

- Đem cây quạt da con tê giác lại.

Thị giả đáp:

- Rách rồi.

Sư nói:

- Cây quạt đã rách, vậy thường con tê giác cho ta.

Tăng không đối đáp được.

***

Ngày nọ, sư nói với chúng rằng:

- Lấy hư không làm trống, núi Tu-di làm dùi, ai là người đánh được ?

Mọi người không lời đối đáp.

***

Có tăng Pháp Không đến thỉnh vấn ý nghĩa trong kinh. Sư nhất nhất đáp lời, đoạn nói:

- Từ lúc Thiền sư đến đây, bần đạo đều không được làm chủ nhân.

Pháp Không nói:

- Thỉnh Hòa thượng làm chủ nhân thôi.

Sư nói:

- Hôm nay tối rồi, hãy về chỗ nghỉ mai lại.

Sáng hôm sau, sư bảo Sa-di mời Pháp Không đến. Pháp Không đến, sư nhìn sa-di nói:

- Ối, gã sa-di vô tích sự. Bảo đi mời thiền sư Pháp Không, lại mời kẻ gia nhân coi nhà thờ tự.

Pháp Không chẳng có lời đối đáp.

***

Có viện chủ Pháp Hân đến tham yết, sư hỏi:

- Ông là ai ?

Pháp sư đáp:

- Pháp Hân.

Sư nói:

- Ta không biết ông.

Hân không lời đối đáp.

Sau sư không bịnh, ngồi yên lặng mà qua đời, sắc thụy Ngộ Không Thiền Sư.

 

 

THIỀN SƯ TIẾT SƠN LINH MẶC

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ HAI của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của MÃ TỔ ĐẠO NHẤT

 

Thiền sư Linh Mặc núi Ngũ Tiết Vụ Châu, họ Tuyên, người Tỳ Lăng. Ban sơ, sư tham yết Mã đại sư ở Dự Chương. Được Mã tiếp dẫn, Sư liền xuống tóc thọ giới cụ túc. Sau lúc tham yết Thạch Đầu, sư thắt lưng lên ngay phương trượng, thấy Thạch Đầu đang ngồi liền nói:

- Nếu hỏi một lời mà tương khế thì ở lại, còn nếu trái lại thì đi liền.

Thạch Đầu vẫn ngồi yên, sư liền ra đi. Thạch Đầu theo sau đuổi tới ngoài cổng triệu gọi:

- Xà-lê ! Xà-lê !

Sư quay đầu, Thạch Đầu nói:

- Từ sanh ra tới chết đi chỉ là cái ấy, lại quay đầu, chuyển não làm cái gì ?

Sư ngay lời nói hốt nhiên tỉnh ngộ, liền đạp gãy cây gậy, trụ một lèo 20 năm làm thị giả.

Năm đầu đời Đường Trinh Nguyên, sư vào núi Thiên Thai, trụ ở đạo tràng Bạch Sa, lại ở núi Ngũ Tiết.

Có tăng hỏi:

- Vật gì lớn như trời đất ?

Sư đáp:

- Chẳng có ai biết được y.

Tăng hỏi:

- Còn có thể dồi mài không ?

Sư nói:

- Ông thử hạ thủ xem.

Tăng hỏi:

- Chuyện xưa nay trong Giáo môn thế nào ?

Sư nói:

- Ông nói coi trước mắt thành được bao lâu rồi ?

Tăng nói:

- Kẻ học này không lãnh hội.

Sư nói:

- Ta nơi đây không có chỗ cho ông hỏi.

Tăng nói:

- Hòa thượng há không có chỗ tiếp dẫn người ?

Sư nói:

- Đợi ông cầu tiếp, ta sẽ tiếp.

Tăng nói:

- Vậy thì thỉnh Hòa thượng tiếp ngay.

Sư hỏi:

- Ông thiếu cái gì nào ?

Tăng hỏi:

- Thế nào là vô tâm ?

Sư đáp:               

- Nghiêng núi, úp biển cũng vẫn an nhiên tịch tịnh. Đất động vẫn ngủ yên, há phiền được y.

Sư ngày 23 tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ mười ba, tắm rửa sạch sẽ đốt hương nói với đại chúng rằng:

- Pháp thân tròn lặng, có đến cùng đi. Ngàn Thánh đồng nguồn, muôn loài qui về một. Ta nay như bọt tan, cần chi bi ai. Chớ tự lao thần, khá tồn chánh niệm. Nếu tuân mệnh lệnh này là trọn báo ơn ta. Nếu cố ý trái lời là không phải đệ tử ta.

Lúc đó có tăng hỏi:

- Hòa thượng đi về đâu ?

Sư đáp:

- Đi về nơi không xứ sở.

Hỏi:

- Sao mỗ đây không thấy ?

Sư nói:

- Không phải mắt thấy được.

Nói xong, im lặng mà thuận hóa, thọ 72 tuổi, thọ lạp 41.

 

 

THIỀN SƯ ĐẠI MAI PHÁP THƯỜNG

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ HAI của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của MÃ TỔ ĐẠO NHẤT

 

Thiền sư Pháp Thường núi Đại Mai Minh Châu, họ Trịnh, người Tương Dương. Lúc còn thơ ấu, theo thầy ở chùa Ngọc Tuyền Kinh Châu. Ban đầu, sư tham yết Đại Tịch, hỏi:

- Thế nào là Phật ?

Mã tổ đáp:

- Tâm ấy là Phật.

Sư liền đại ngộ. Trong khoảng niên hiệu Đường Trinh Quán, trụ núi Đại Mai, phía nam huyện Ngân 70 dặm là nơi sanh trưởng từ xưa của giống mai.

Lúc ấy trong hội của Diêm Quan có một ông tăng vào rừng chặt gậy, lạc đường đến trước am của Sư, hỏi:

- Hòa thượng ở núi này được bao lâu rồi ?

Sư đáp:

- Chỉ thấy bốn bên núi xanh rồi lại vàng.

Tăng lại hỏi:

- Đường ra khỏi núi đi hướng nào ?

Sư nói:

- Theo giòng nước mà đi ra.

Tăng về kể lại với Diêm Quan, Diêm Quan nói:

- Ta hồi ở Giang Tây từng thấy một ông tăng, sau đó không còn biết tin tức nữa. Hay là ông tăng đó chăng ?

Bèn sai ông tăng vào núi thỉnh sư ra. Sư có kệ rằng:

Tồi tàn khô mộc ỷ hàn lâm

Kỷ độ phùng xuân bất biến tâm

Tiều khách ngộ chi do bất cố       

Dĩnh nhân na đắc khổ truy tầm.

Tạm dịch:

Cây khô tàn héo dựa hàn lâm

Mấy độ vào xuân chẳng biến tâm

Tiều phu gặp mặt không thèm ngó

Khách Dĩnh cần chi khổ truy tầm.

***

Đại Tịch nghe sư trụ trì sơn tự, bèn sai một ông tăng đến chùa hỏi:

- Hòa thượng nơi đại sư Mã Tổ học được gì mà nay tại đây trụ trì sơn tự ?

Sư đáp:

- Mã đại sư dạy ta “Tâm ấy là Phật” nên ta đến đây trụ trì.

Tăng nói:

 - Phật pháp của Mã đại sư gần đây không phải thế.

Sư hỏi:

- Không phải chỗ nào ?

Tăng nói:

- Gần đây đại sư lại nói “Không phải tâm, không phải Phật”.

Sư nói:

- Lão già đó mê hoặc người chưa có ngày dừng. Mặc lão nói “Không phải tâm, không phải Phật”, phần ta chỉ nói “Tâm ấy là Phật”.

Tăng trở về thuật tự sự cùng Mã Tổ, đại sư nói:

- Này đại chúng, trái mai đã chín rồi.

(Có tăng nhân hỏi Hòa Sơn:

- Đại Mai nói như thế là ý tứ gì ?

Hòa Sơn nói:

- Chính cống là con cháu của sư tử).

Từ đó về sau, học đồ tụ tập đông dần tại pháp hội của sư. Đạo pháp của Đại Mai càng lúc càng hưng thịnh.

***

Sư thượng đường nói với đại chúng:

- Chư vị, mọi người nên phản hồi tự tâm, đạt đến gốc rễ, chớ đừng chạy đuổi ngọn nhành. Chỉ cần đạt đến gốc rễ là ngọn nhành tự nhiên có. Nếu muốn nhận thức gốc rễ, chỉ cần liễu ngộ tự tâm, bởi vì tâm ấy là gốc rễ của tất cả sự vật ở thế gian và nhất thiết sự vật xuất thế gian. Do đó mà, nếu tâm ấy sanh ra thì mọi thứ sự vật sanh, tâm ấy ngừng diệt thì mọi thứ vật ngừng diệt. Tâm ấy chẳng liên quan gì đến nhất thiết thiện ác mà có thể sanh ra mọi sự, mọi vật, bổn tự hiệp với lý chân như.

*** 

Bàng cư sĩ hỏi sư:       

- Từ lâu ngưỡng mộ Đại Mai. Xin hỏi trái mai chín chưa vậy ?

Sự nói:

- Ông hướng về chỗ nào mà hạ khẩu ?

Cư sĩ nói:

- Nếu thế thì là trăm thứ tạp nhạp vụng nát.

Sư nói:

- Hãy trả lại cho ta hột mai đi.

***

Tăng hỏi:

- Thế nào là đại ý của Phật pháp ?

Sư đáp:

- Hoa cỏ bồ, xơ liễu, gai trúc, chỉ bố.

***

Giáp Sơn và Định Sơn cùng đi đang nói chuyện với nhau. Định Sơn nói:

- Trong sanh tử nếu không có Phật thì không có sanh tử.

Giáp Sơn nói:

- Trong sanh tử luân hồi, nếu có Phật thì không bị sanh tử luân hồi mê hoặc.

Hai người lên núi tham bái sư. Giáp Sơn thuật lại tự sự rồi hỏi:

- Không biết cái nhìn của hai người thì ai là tiếp cận với Thiền chỉ ?

Sư đáp:

- Một gần, một xa.

Giáp Sơn hỏi:

- Cái nào gần ?

Sư nói:

- Hãy tạm lui ra, mai tới.

Sáng hôm sau, Giáp Sơn lại tới hỏi, sư nói:

- Kẻ tiếp cận không hỏi, kẻ hỏi thì không tiếp cận.

Về sau, khi làm trụ trì Giáp Sơn nói:

- Lúc bấy giờ ta rơi mất cái nhìn chính xác (Nhất chánh nhãn).

(Chú: Từ đoạn ‘Về sau... cho đến ‘Nhất chánh nhãn’ là lấy dụng của “Ngũ Đăng Hội Nguyên” quyển 3).

***

Một hôm nọ, sư bỗng nói với các môn đồ:

- Việc sắp đến không thể ngăn chận, việc đã qua không thể níu lại.

Trong lúc ngừng nói, nghe tiếng con ngô thử (Một giống chuột to như con thỏ) kêu, sư nói:

- Chính nó đó chớ không phải cái gì khác. Mọi người các ông phải khéo hộ trì nó, hôm nay ta đi đây.

Sư nói xong là thị diệt, thọ 88 tuổi, tuổi lạp sáu 69.

Thiền sư Trí Giác khen rằng:

Sư mới đắc đạo

Tâm ấy là Phật

Tối hậu dạy chúng

Vật chẳng khác vật

Cùng muôn nguồn pháp

Triệt ngàn Thánh chất

Chân hóa chẳng dời

Hại gì hiện mất.

 

 

THIỀN SƯ DUY KHOAN

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ HAI của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của MÃ TỔ ĐẠO NHẤT

 

Thiền sư Duy Khoan ở chùa Hưng Thiện Kinh Triệu, họ Chúc, là người Tín An, Cù Châu. Năm 13 tuổi, thấy sát sanh là không nỡ ăn thịt, bèn cầu xuất gia. Ban đầu sư tập Tỳ-ni, tu chỉ quán, sau đó tham yết Đại Tịch được tâm yếu. Năm thứ sáu đời Đường Trinh Nguyên mới hành hóa ở miền Ngô Việt. Tám năm sau, đến vùng hồ Bà Dương, sơn thần cầu truyền thụ bát giới. Mười ba năm, dừng chân chùa Thiếu Lâm ở Tung Sơn.

Tăng hỏi:

- Thế nào là đạo ?

Sư nói:

- Núi đẹp quá.

Tăng nói:

- Kẻ học này hỏi đạo, sao sư lại nói núi đẹp ?

Sư nói:

- Ông chỉ biết núi đẹp thôi chứ có từng đạt đạo bao giờ.

***

Tăng hỏi:

- Con chó có Phật tánh không ?

Sư đáp:

- Có đấy.

Tăng hỏi:

- Còn Hòa thượng có không ?

Sư đáp:

- Ta thì không.

Tăng nói:

- Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, sao riêng Hòa thượng lại không ?

Sư đáp:

- Ta không phải là tất cả chúng sanh.

Tăng hỏi:

- Nếu đã không phải chúng sanh thì là Phật chăng ?

Sư đáp:

- Không phải Phật.

Tăng hỏi:

- Vậy rốt lại là vật gì ?

Sư nói:

- Lại cũng không phải là vật.

Tăng hỏi:

- Có thể thấy, có thể nghĩ suy không ?

Sư đáp:

- Suy nghĩ không tới, bàn luận không được, cho nên mới nói không thể nghĩ bàn.

***

Năm Nguyên Hòa thứ tư, vua Hiển Tông xuống chiếu, triệu vào triều đình. Bạch Cư Dị từng đến gặp sư hỏi:

- Đã gọi là Thiền sư thì lấy gì thuyết pháp ?

Sư nói:

- Vô thượng Bồ-đề bị thân mà thành luật. Nói nơi miệng là pháp, hành ở tâm là Thiền, ứng dụng có ba mà nhất trí chỉ một, ví như sông hồ, sông Hoài, sông Hán, tại chỗ mà lập danh. Danh tuy không một nhưng tánh nước chẳng hai. Luật tức là pháp, pháp không rời Thiền, tại sao trong đó khởi vọng mà phân biệt.

Bạch lại hỏi:

- Nếu đã không phân biệt thì làm thế nào tu tâm ?

Sư đáp:

- Tâm vốn chẳng tổn thương thì tại sao lại cần phải tu sửa ? Bất kể dơ hay sạch, nhất thiết không khởi niệm vậy.

Bạch lại hỏi:

- Dơ thì không nên nghĩ tới, sạch không nghĩ tới nên chăng ?

Sư nói:

- Như trong con ngươi của mắt, một vật cũng không thể trụ được. Mạt vàng tuy quí, nhưng lọt vô mắt là bệnh.

Bạch lại hỏi:

- Nếu chẳng tu, chẳng niệm thì có khác gì phàm phu đâu ?

Sư nói:

- Phàm phu vô minh, chấp trước nhị thừa. Rời hai bệnh ấy, gọi là chân tu. Chân tu chẳng cần mẫn mà cũng chẳng quên lười, cần mẫn thì gần chấp trước, còn quên lười thì rơi vào vô minh. Đó là tâm yếu vậy.

***

Có tăng hỏi:

- Đạo ở tại đâu ?

Sư đáp:

- Chỉ có tại trước mắt.

Hỏi:

- Sao mỗ không thấy ?

Sư đáp:

- Nhân vì ông có cái “Ngã ”, cho nên không thấy.

Hỏi:

- Mỗ vì có cái “Ngã ” mà không thấy, còn Hòa thượng thì thấy không ?

Sư đáp:

- Có người, có ta, xoay chuyển không thấy.

Hỏi:

- Không ta, không người có thấy không ?

Sư đáp:

- Đã không ta, không người thì ai còn cần thấy làm chi ?

Ngày cuối tháng 2 năm Nguyên Hòa thứ mười hai, sư thăng đường thuyết pháp xong là tịch luôn, thọ 63 tuổi, thọ lạp 39, đem về chôn ở Bá Lăng Tây Nguyên, sắc thụy Đại Triệt Thiền Sư, tháp hiệu Nguyên Hòa Chánh Chân.

 

 

THIỀN SƯ NHƯ HỘI

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ HAI của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của MÃ TỔ ĐẠO NHẤT

 

Thiền sư Như Hội, Đông Tự Hồ Nam là người Khúc Giang Thỉ Hưng. Ban đầu, Sư tham yết Kính Sơn, sau tham yết Đại Tịch, tăng đồ tụ tập đông đảo, giường nằm trong tăng đường sút gãy nên người đương thời gọi là đạo tràng Giường Gãy.

Sau khi Đại Tịch qua đời, sư sợ đồ chúng lấy “Tâm ấy là Phật” đọc tụng, thuộc nhớ không thôi, vả lại Phật ở nơi nào mà nói “Tâm ấy”. Tâm như thợ vẽ mà lại bảo là Phật, bèn thị chúng rằng:

- Tâm không phải là Phật, trí không phải là đạo. Kiếm rơi đã lâu mới khắc dấu mạn thuyền.

Người đương thời gọi Đông Tự là “Ổ Thiền”.

Tướng quốc Thôi Công quần xuất làm Quán Sát sứ Hồ Nam, gặp sư hỏi rằng:

- Sư lấy gì để đắc ?

Sư đáp:

- Kiến tánh đắc.

Lúc ấy, Sư đang đau mắt, Công đùa ngạo: 

- Nếu nói kiến tánh, thì mắt bệnh làm thế nào đây ?

Sư đáp:

- Kiến tánh không phải do mắt, mắt đau có hại gì ?

Công cúi đầu tạ lễ.

***

Sư hỏi Nam Tuyền:

- Gần đây rời nơi nào đến đây ?

Tuyền đáp:

- Giang Tây.

Sư hỏi:

- Có đem được chân dung Mã đại sư không ?

Tuyền đáp:

- Chỉ cái đó.

Sư nói:

- Cái gã vác sau lưng.

Tuyền không lời đối đáp.

***

Thôi tướng công vào chùa thấy đầu tượng Phật bị chim sẻ ỉa, bèn hỏi sư:

- Chim sẻ có Phật tính không ?

Sư đáp:

- Có.

Công hỏi:

- Vậy thì tại sao lại ỉa trên đầu Phật ?

Sư đáp:

- Đó chính là tại sao nó không ỉa trên đầu con chim diêu hung tợn.

***

Ngưỡng Sơn đến tham yết, sư nói:

- Đã gặp nhau rồi, không cần phải đến.

Ngưỡng Sơn nói:

- Gặp nhau thế này không được sao ?

Sư quay về phương trượng, đóng ập cửa lại. Ngưỡng Sơn quay về thuật tự sự với Qui Sơn, Qui Sơn nói:

- Tuệ Tịch (Ngưỡng Sơn) này, là tâm hạnh gì ?

Ngưỡng Sơn nói:

- Nếu không như thế thì làm sao biết được ông ta.

Lại có người hỏi sư rằng:

- Mỗ định thỉnh Hòa thượng khai đường, có được không ?

Sư đáp:

- Đợi chừng nào ông đem vật lên tảng đá mà ấp thì là được.

Người ấy không lời đối đáp.

Năm Quý Mão niên hiệu Đường Trường Khánh, ngày 19 tháng 8, sư qui tịch, thọ 80 tuổi, sắc thụy Trường Minh Đại Sư, tháp hiệu Vĩnh Tế.

 

 

THIỀN SƯ VÔ ĐẲNG

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ HAI của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của MÃ TỔ ĐẠO NHẤT

 

Thiền sư Vô Đẳng ở Ngạc Châu, người Ủy Thị, họ Lý. Ban đầu, sư xuất gia tại núi Cung công, tham yết Mã đại sư, mật thọ tông yếu. Sau đến Độ Môn Tùy Châu, có lần yết kiến Châu mục Vương thường thị. Sư lui ra vừa tới ngạch cửa, Vương từ sau gọi:

- Hòa thượng !

Sư quay đầu lại nhìn, vương gõ cây cột ba cái. Sư lấy tay vẽ vòng tròn, lại xóa ba cái, rồi ra đi.

Về sau, sư trụ chùa Đại Tịch ở Vũ Xương. Ngày nọ đại chúng tham vấn buổi tối. Sư thấy mọi người đều đến trước mặt mình nói:

- Xin hỏi.

Bèn nói với họ rằng:

- Tiếng hỏi của mọi người vừa rồi đi về đâu vậy ?

Có ông tăng đưa ngón tay lên. Sư nói:

- Tạm biệt.

Ông tăng ấy sáng hôm sau lại đến tham vấn nữa. Sư bèn quay mình vô vách mà nằm, giả bộ rên rỉ nói:

- Lão tăng đôi ba ngày nay thân thể không an vui. Đại đức bên mình có thuốc gì cho lão tăng ít đỉnh.

Tăng lấy tay vỗ tịnh bình nói:

- Cái tịnh bình này từ đâu có vậy ?

Sư đáp:

- Cái tịnh bình ấy là của lão tăng. Cái tịnh bình của đại đức ở đâu ?

Tăng nói:

- Cũng là của Hòa thượng thôi, mà cũng là của mỗ thôi.

Tháng 10 năm thứ tư Đường Đại Hòa, sư thị tịch, thọ 82 tuổi.

 

 

THIỀN SƯ QUI TÔNG TRÍ THƯỜNG

PHÁP TỰ ĐỜI THỨ HAI của NAM NHẠC HOÀI NHƯỢNG

PHÁP TỰ của MÃ TỔ ĐẠO NHẤT

 

Thiền sư Trí Thường chùa Qui Tông ở Lư Sơn.

Sư thượng đường nói:

- Cao tăng đời trước không phải là không có tri thức kiến giải chẳng qua họ là bậc cao thượng không giống với người thường. Người đời nay không thể tự mình thành lập, luống phí thời gian. Chư vị đừng có thác dụng tâm, chẳng ai có thể thế mình, mà cũng không có chỗ để quí vị dụng tâm. Không nên tìm cầu ở người khác. Trước đây các vị đều nương cậy vào kiến giải của người khác cho nên lời lẽ nói ra đều bị vướng kẹt chẳng thông. Linh quan không thấu triệt là bởi trước mắt có vật che lấp.

***

Tăng nhân hỏi:

- Thế nào là chỉ ý huyền diệu ?

Sư đáp:

- Không người lãnh hội.

Hỏi:

- Người hướng về chỉ ý thì thế nào ?

Sư nói:

- Hướng về trái ngược, cách xa.

Hỏi:

- Không hướng về thì thế nào ?

Sư nói:

- Ai là người tìm cầu huyền chỉ ?

Lại nói:

- Không có chỗ cho ông dụng tâm đâu.

Tăng nói:

- Há không có cửa phương tiện khiến kẻ học này được vào sao ?

Sư nói:

- Quán Âm trí lực diệu, hay cứu khổ thế gian.

Tăng hỏi:

- Thế nào là Quán Âm trí lực diệu ?

Sư gõ nắp đĩnh ba cái, hỏi:

- Ông có nghe không ?

Tăng đáp:

- Nghe.

Sư nói:

- Sao ta lại không nghe.

Tăng không lời đối đáp.

***

Có lần cùng Nam Tuyền hành cước. Ngày nọ cùng nhau chia tay, trong lúc nấu trà, Nam Tuyền hỏi:

- Từ trước giờ cùng sư huynh thương lượng, lời lẽ, câu cú bỉ thử đều đã hiểu biết. Từ nay về sau, lỡ gặp người hỏi về việc lớn ngộ đạo, thì hồi đáp thế nào ?

Sư đáp:

- Cuộc đất này cất am rất tốt.

Nam Tuyền nói:

- Việc cất am xin bỏ qua một bên không nói tới, ngộ đạo đại sự thì thế nào ?

Sư đập bể ấm trà, Nam Tuyền nói:

- Sư huynh đã uống trà rồi, còn đệ thì chưa.

Sư nói:

- Nói kiểu đó thì một giọt nước cũng không hưởng dụng được.

***

Tăng hỏi:

- Chuyện ấy xa xưa rồi làm sao dụng tâm ?

Sư đáp:

Da bò bịt lộ trụ

Lộ trụ khóc hu hu

Tai phàm nghe không được

Chư Thánh cười khù khù.

***

Sư nhân Tục quan đến bèn đưa cái mão lên nói:

- Có lãnh hội không ?

 Tục quan đáp:

- Không lãnh hội.

Sư nói:

- Đừng ngạc nhiên lão tăng đầu trúng gió mà không đội mão.

***

Sư đang tại vườn nhổ cải, vẽ một vòng tròn quanh bụi cải nói với đại chúng:

- Nhất thiết không được động đến cái này.

Đại chúng không dám động đến. Lúc sau sư quay lại, thấy bụi cải còn y nguyên, bèn dừng gậy quơ đuổi chúng tăng nói:

- Cái đám khờ khạo này, chẳng ai có trí tuệ cả !

***

Sư hỏi tăng mới đến:

- Từ đâu tới ?

Đáp:

- Từ Phong Tường (Nay nằm trong tỉnh Thiễm Tây) đến.

Hỏi:

- Có đem cái đó không ?

Đáp:

- Mang tới rồi.

Sư hỏi:

- Để ở đâu ?

Tăng đưa hai tay lên khỏi trán ra bộ đưa trình. Sư đưa tay ra dáng tiếp nhận, rồi ra dáng quăng ra sau lưng. Tăng không lời đối đáp. Sư nói:

- Thứ chồn rừng này.

***

Sư đang cắt cỏ thì có vị tòa chủ đến tham vấn. Đến khi sư bừa cỏ bỗng thấy một con rắn. Sư dùng bừa bừa qua luôn. Tòa chủ nói:

- Từ lâu ngưỡng mộ Qui Tông, tới nơi té ra chỉ là một sa-môn thô hạnh.

Sư nói:

- Là ông thô hay là ta thô ?

Tòa chủ hỏi:

- Thế nào là thô ?

Sư dựng đứng cán bừa. Tòa chủ hỏi:

- Thế nào là tế ?

Sư làm ra dáng chém rắn. Tòa chủ nói:

- Nếu thế thì y cứ mà phụng hành vậy.

Sư nói:

- Y cứ mà phụng hành hãy tạm gác qua một bên, ông nơi đâu thấy ta chém rắn ?

Tòa chủ không lời đối đáp.

***

Vân Nham đến tham kiến, sư làm tư thế giương cung. Vân Nham lặng thinh hồi lâu mới làm tư thế rút kiếm. Sư nói:

- Chậm quá thôi.

***

Có ông tăng từ giã ra đi, sư gọi hãy đến gần đây ta sẽ nói Phật pháp cho nghe. Tăng bước lại gần, sư nói:

- Các vị đều có sự việc. Ông ngày sau đến đây không ai biết cả. Trời lạnh, trên đường phải cẩn trọng, đi đi.

***

Sư thượng đường nói:

- Ta nay muốn nói Thiền, mọi người hãy bước tới gần đây.

Đại chúng bước tới gần, Sư nói:

- Các vị nghe Quán Âm hành, ứng hóa khắp các nơi.

Tăng hỏi:

- Thế nào là Quán Âm hành ?

Sư liền bún ngón tay nói:

- Mọi người có nghe không ?

Tăng đáp:

- Nghe.

Sư nói:

- Cả đám người đến đây tìm cái gì ?

Nói đoạn dùng gậy đuổi hết ra khỏi pháp đường, rồi cả cười quay về phương trượng. Tăng hỏi:

- Kẻ mới học Thiền, làm sao tìm lối ngộ nhập ?

Sư gõ nắp đỉnh ba cái hỏi:

- Có nghe không ?

Tăng đáp:

- Đã nghe.

Sư nói:

- Sao ta lại không nghe ?

Lại gõ ba cái nữa hỏi:

- Có nghe không ? 

Tăng đáp:

- Không nghe.

Sư nói:

- Sao ta lại nghe.

Tăng không lời đối đáp, sư nói:

- Sức trí tuệ huyền diệu của Bồ-tát Quán Âm có thể giải cứu nổi thống khổ của thế gian.

***

Thứ sử Giang Châu là Lý Bột hỏi Sư:

- Phật giáo nói “Núi Tu-di dung nạp hột cải” thì bản chức không hoài nghi, còn đến như nói “Hột cải dung nạp núi Tu-di” thì phải chăng đó là lời hư dối ?

Sư hỏi vặn lại:

- Người ta đồn rằng Thứ sử đọc đến hằng muôn quyển sách phải không ?

Lý Bột đáp:

- Đúng vậy.

Sư nói:

- Từ đầu đến chân Thứ sử bất quá lớn bằng thân cây dừa, vậy muôn quyển sách để vào đâu được vậy ?

Lý Bột chỉ còn cúi đầu thán phục mà thôi.

Qua ít ngày sau, Lý Bột lại hỏi:

- Thuyết giáo của kinh điển Đại Tạng khiến người ta rành rõ được điều gì ?

Sư đưa nắm đấm lên hỏi Lý Bột: 

- Lãnh hội không ?

Lý Bột đáp:

- Không lãnh hội.

Sư nói:

- Cái anh chàng mọt sách hủ Nho này, ngay cả cái nắm đấm mà cũng không biết.

Lý Bột nói:

- Thỉnh lão sư chỉ thị cho.

Đáp:

- Nếu gặp người thích hợp thì ngay trên đường đi cũng truyền thụ cho va, còn gặp kẻ không thích hợp thì dùng đạo lý thế tục mà truyền bố.

Sư nhân hai mắt có vảy cá bèn lấy tay cầm thuốc mà chà cho đến nỗi tròng mắt đều đỏ, nên đời mới gọi là Qui Tông Mắt Đỏ. Sau khi diệt, sắc thụy là Chí Chân Thiền Sư./.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]