Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Một đóa Tường Vân (Viết để tán dương 30 năm PGVN tại Úc)

06/09/202012:13(Xem: 8505)
Một đóa Tường Vân (Viết để tán dương 30 năm PGVN tại Úc)


Ban do Uc Chau
MỘT ĐÓA TƯỜNG VÂN


(Viết để tán dương 30 năm PGVN tại Úc)


 Bài viết của HT Thích Như Điển

Diễn đọc: Phật tử Diệu Danh



 

Năm nay 2010-2011 Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan tổ chức khoá  Tu Học Phật Pháp Úc Châu kỳ thứ 10 tại Adelaide Nam Úc. Khoảng 40 Tăng Ni từ gần 20 Tự Viện trên toàn Liên Bang Úc đã về đây tham gia chứng minh cũng như giảng dạy suốt trong những ngày từ 30 tháng 12 năm 2010 đến ngày 3 tháng 1 năm 2011. Về phần quý Đạo Hữu Phật Tử có 365 học viên tham dự. Người lớn tuổi nhất đã đến tuổi 90 và những em bé theo mẹ đi học độ 4 tuổi. Học viên năm nay chia ra làm 2 lớp. Lớp lớn học Kinh Di Giáo và đặc biệt các em Thanh Thiếu Niên không rành tiếng Việt, gần 120 em do quý Thầy, quý Cô và các anh chị em Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử hướng dẫn song ngữ Anh Việt.

        Đoái nhìn lại khoảng thời gian từ năm 1975 đến nay (2011) đã hơn 36 năm người Việt tỵ nạn đã có mặt tại quê hương đất nước rộng lớn này và đã trải qua thế hệ thứ 3 nơi đây,  nên có nhiều việc để nói và tán dương những thành quả nhất định của cộng đồng chúng ta tại đây.

        Nước Úc là một châu lục mà cũng là một đảo quốc nằm tách rời xa Châu Á, có diện tích gấp 21 lần nước Việt Nam, nghĩa là trên bảy triệu rưỡi cây số vuông, nhưng dân số chỉ gần 20 triệu người, tức là bằng một phần tư dân số nước Việt Nam trong hiện tại. Nhiều người ngoại quốc vẫn nghĩ rằng Sydney là thủ đô của Úc, nhưng không phải, Canberra mới chính là thủ đô của nước nầy. Người Úc thường tự nhận mình là người Aussie và đôi khi họ còn nói họ là người thuộc quốc gia Downunder nữa. Down có nghĩa là dưới mà under cũng đồng nghĩa như vậy, Nếu dịch là “dưới dưới”  thì nó không phải là tiếng Việt thuần túy, mà phải dịch là “miệt dưới” mới đúng. Nước nầy có cây bạch đàn và Kangaroo là nổi tiếng nhất.Vì khắp nơi trên thế giới, ít nơi nào có được như vậy cả. Đất nước Úc là một đất nước tự do, nên nơi nầy có rất nhiều chủng tộc sinh sống. Cách đây 200 năm về trước chỉ có người Anh và những người Âu Châu, di dân đến đây trước hay sau 2 đại chiến thế giới từ những năm 1914-1918 và 1939-1945. Trước khi người Âu Châu đến, tại lục địa này đã có người Thổ Dân sinh sống và người Trung Quốc, Nhật Bản cũng đã đến đây vào đầu thế kỷ thứ 20, nhất là sau cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911 tại Trung Hoa. Họ đến đây để tìm vàng và nhiều người đã sống cũng như chết tại miền Bắc Úc không phải là ít.

        Trước năm 1975 cũng đã có nhiều sinh viên thuộc Miền Nam Việt Nam đi du học tại đây. Một số lớn đã về nước làm việc. Số còn lại sau năm 1975 họ đã hoà nhập vào cộng đồng người Úc gốc Á Châu và những vị này cũng là những người đã trực tiếp giúp đỡ cho người tỵ  nạn Cộng Sản Việt Nam khi còn chân ướt chân ráo mới đến đất nước định cư này, sau khi đã tạm cư tại các đảo ở Đông Nam Á Châu trong nhiều năm tháng.

        Hiện nay người Việt sinh sống tại nước Úc độ trên dưới 200.000 người, đa phần họ sống tại các thành phố lớn nằm ven bờ biển như: Dawin, Brisbane, Sydney, Canberra, Melbourne, Adelaide và  Perth. Thỉnh thoảng mới có một số ít người Việt vì lý do nghề nghiệp, nên họ mới cư trú ở những nơi hẻo lánh. Điểm đặc biệt của cộng đồng người Việt tại Úc là có tổ chức. Vì vậy chính phủ liên bang mới tài trợ cho những khâu sinh hoạt văn hoá, Tôn Gíao và từ thiện xã hội. Không đâu trên thế giới nầy, ngay cả Hoa Kỳ cũng chưa có được những cơ sở cộng đồng to lớn và hoạt động hữu hiệu như tại Úc. Có lẽ ngay từ bước đầu là do Chính Phủ Úc có chính  sách lưu  tâm giúp đỡ, tài trợ người tỵ nạn và sau đó, chính cộng đồng của mình ý thức trách nhiệm chung nên mới được như vậy.

        Sau khi đời sống vật chất tạm ổn định, những người Phật Tử tự động đứng lên thành lập những Hội Phật Giáo. Tại đây có 3 Hội Phật Giáo được thành lập tương đối sớm nhất từ những năm 1978,1979 và 1981. Đó là các Hội Phật Giáo tại Brisbane, New South Wales và Adalaide. Đây là những Hội Phật Giáo hoàn toàn do các vị cư sĩ đứng ra thành lập. Thuở ấy, hơn 30 năm về trước chưa có một vị Tu Sĩ nào làm Hội Trưởng của 3 Hội Phật Giáo nầy.

        Năm 1979 lần đầu tiên tôi đặt chân đến nước Úc từ Đức, sau 2 năm đã tỵ nạn tại đó. Ngày ấy phi trường Sydney không phải phi trường quốc tế, mà tất cả máy bay từ ngoại quốc đến phải dừng tại Melbourne, tiếp đó mới bay đi Sydney. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt  tôi là ánh sáng chan hoà của mặt trời thuộc một xứ nam phương ở bên dưới đường xích đạo. Những tia nắng ở đây dọi thẳng vào người thật mạnh, không như những tia nắng tại Âu Châu. Có lẽ mặt trời ở đây nằm gần qủa đất hơn chăng ? Cây cối, hoa quả, con người, động vật v.v.. cái gì trông cũng thật là lạ mắt. Tôi đến đây do sự tình cờ đi thăm người quen tỵ nạn tại Brisbane, chứ không phải có chủ đích định cư tại Úc, cho nên từ dạo ấy đến nay đã trải qua hơn 30 năm rồi, với xứ Úc, tôi vẫn là khách Tăng, mỗi năm đến thăm một vài lần, rồi trở về xứ tuyết của mình, nơi tôi đã cư ngụ từ năm 1977 đến nay.

        Đến Brisbane năm 1979; nơi đây tôi đã đi thăm những nông trại và vườn tược của bà con Việt Nam mình sinh sống trước đó 4,5 năm, thấy những cây ổi, cây mít, cây xoài, cây chuối đã bắt đầu ra trái, nhất là những líp rau muống thẳng hàng và những rau mồng tơi, rau dền v.v.. tôi xem thật mát mắt, mà những thứ nầy ở tại Nhật từ năm 1972 và ở Đức từ năm 1977 tôi chưa hề được thấy. Quả thật quê hương đã gợi lại nơi tâm tưởng của tôi không phải chỉ có bài thơ “nhớ chùa” của thi sĩ Huyền Không, tức là cố Hoà Thượng Thích Mãn Giác, mà trong tôi còn đọng lại những cây trái quê hương, mà đây mới chính là động lực để tôi sống cũng như tồn tại gần 40 năm nay tại xứ người.

        Nếu tục ngữ Âu Châu muốn ám chỉ người Trung Quốc thì họ chỉ cần nói rằng: “nơi nào có khói, nơi đó có người Trung Hoa” thì người ta sẽ hiểu ngay ý nghĩa về câu châm ngôn đó. Riêng người Việt Nam ở bất cứ nơi đâu họ cũng đều có một mảnh vườn nho nhỏ trồng trong chậu kiểng trên balkon hay trong vườn nhà… nào những cây rau răm, rau húng, rau diếp cá, rau dền, rau muống, ớt, sả, ngò v..v… Đây có lẽ là đặc điểm chính của người Việt Nam chăng? Nên nhiều khi tôi nói đùa rằng : “Người Việt Nam mình đi đến đâu và ở đâu cũng mang theo một quê hương đến đó”. Dĩ nhiên những nhận định của tôi bên trên chưa hẳn là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, với tôi là như vậy. Đây có lẽ là động cơ chính để giúp tôi có thể thuyết phục Hoà Thượng Thích Bảo Lạc, bào huynh của tôi vào năm 1980, thay vì đi Hoa Kỳ, Thầy ấy đã sang Úc định cư để hướng đẫn Phật Tử thuộc Hội Phật Giáo Việt Nam tại New South Wales từ năm 1981 đến nay (2011) cũng đã đúng 30 năm rồi (xin đọc thêm quyển Thoáng Quyện Ân Từ của Hoà Thượng Thích Bảo Lạc xuất bản năm 2010).


        Khi nghe tin tôi đến Brisbane, quý Đạo Hữu trong Hội Phật Giáo tại đó có mời tôi đến nhà Đạo Hữu Hội Trưởng Nguyễn Viết Trưng để thăm viếng và nói chuyện đạo. Đây là cái nhân đầu tiên của hơn 30 năm về trước vậy. Hồi đó tại đây chưa có Niệm Phật Đường và dĩ nhiên là chưa có chùa như ngày nay. Tại đây Hội cũng cần tôi giới thiệu một vị Thầy đến lo phật sự, nhưng thuở ấy nhìn đông, tây chẳng có ai, sau này Hội mới đón được Thượng Tọa Thích Nhật Tân về. Nhưng khi xây dựng chùa, thì Phật Đà vẫn là một chùa  do các vị cư sĩ quản lý, còn Phật Quang , Linh Sơn v.v.. đều do chư Tăng, Ni đề xướng. Sau hơn 30 năm tại Brisbane không chỉ có một chùa mà tại đây chắc cũng gần 10 cơ sở lớn, nhỏ như vậy. Tôi nhìn những cây mía thẳng đốt được trồng trong vườn chùa hay tại tư gia của những Phật Tử ở đây, trong tâm luôn nở một nụ cười, vì biết rằng Phật Giáo tại đây đã vươn lên và tiến thẳng như những cây mía màu tím bụ bẫm ấy. Những cây phượng màu tím, màu đỏ hay những cây điệp là hình ảnh thân thương nhất của tuổi học trò gợi nhớ trong tôi, mà chỉ Brisbane mới có được.

        Lúc ấy Đạo Hữu Lê Thẳng Tiến đương làm Hội Trưởng của Hội Phật Giáo Việt Nam tại New South Wales nghe tin tôi đến Brisbane, nên đã gọi điện thoại và mời tôi đến nhà hàng của anh ta để gặp gỡ quý Bác và nói chuyện đạo. Đây là cái duyên đầu tiên để sau này thành lập Niệm Phật Đường không tên tại Lakemba và cung đón Hoà Thượng Thích Bảo Lạc đến Úc vào năm 1981. Ngày ấy Đạo Hữu Hoàng Khôi, Giáo Sư Đại Học New South Wales đã thuê cư xá sinh viên cho tôi ở để nhớ lại một thuở còn làm sinh viên của tôi tại Nhật và tại Đức.

        Năm 1980 Đạo Hữu Nguyễn Văn Tươi từ Adelaide đã điện thoại mời tôi đến đó để giảng pháp. Thuở ấy người Việt mình còn ở trong trại tỵ nạn và chính quyền đã cho thành lập một tổ chức lấy tên là “Indochina Refugees Community” Thỉnh thoảng họ có mời qúy Sư Lào và Miên đến làm lễ. Nhưng hầu hết các vị Sư này đều tụng tiếng Pali, cho nên quý cụ , quý Bác Phật Tử Việt Nam mình chẳng hiểu gì cả.Vả lại đúng ngày chay, quý Phật Tử đi chùa, các vị Sư theo truyền thống Nam Tông vẫn dùng mặn, nên đây cũng là những lý do chính mà họ khó xử và cần tôi giúp đỡ ý kiến. Tôi đề nghị rằng:  “nên tách rời Hội Phật Giáo Việt Nam riêng ra khỏi hội Indochina này. Vì 2 lý do trên là chính; Ngoài ra người Việt Nam mình cũng đông, sự đóng góp vào việc chùa cũng nhiều hơn hai tổ chức kia”.  Cuối cùng mọi người đã đồng ý.


ht nhu dien-ht nhu hue
Tác giả HT Như Điển và Cố Trưởng lão Hòa Thượng Thích Như Huệ (1934-2016)




        Năm 1982 Hoà Thượng Thích Như Huệ, hiện là Hội Chủ GHPGVNTN Hải Ngoại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan, Phương Trượng Chùa Pháp Hoa; ngày ấy đã được tàu Na Uy vớt và gởi tạm tại Nhật Bản để chờ ngày đi định cư. Từ Nhật Bản Hoà Thượng Thích Như Huệ đã điện thoại sang Đức cho tôi và ý Ngài là muốn qua Đức, nhưng tôi thưa rằng:   “Ở Đức lạnh lắm, mùa đông đôi khi trừ 20 độ C. Con sẽ nhờ Hội Phật Giáo tại Adelaide bảo lãnh cho Thầy qua Úc làm Phật sự” Bên kia đầu dây Thầy có ý chần chừ, nhưng sự chần chừ ấy là quyết định đúng của Ngài, khi Ngài nhận lời qua hướng dẫn tinh thần cho Phật Tử Việt Nam tại Nam Úc.

        Đạo Hữu Nguyễn Văn Tươi vận động 300 chữ ký thuở ấy (1982) gởi qua toà Đại Sứ Úc ở Nhật Bạn để nhờ can thiệp cho việc này và sau 3 tháng, giấy tờ xong, Visa tỵ nạn vào Úc đã có, Hoà Thượng Thích Như Huệ đã lên đường sang Nam Úc. Sau đó Ngài thành lập chùa Pháp Hoa và hoạt động phật sự tại Úc từ đó cho đến nay.

        Năm 1966-1968 là thời gian Hoà Thượng Thích Như Huệ làm Giám đốc Trường Trung Học Bồ Đề ở Hội An, cũng là thời gian tôi làm chú tiểu và là học sinh Trung Học đệ Nhất Cấp tại đó từ năm 1964-1968. Ơn nghĩa Thầy trò, tôi vẫn mang nặng từ đó đến nay. Sang năm 2012 là năm đáng ghi nhớ cho chùa Pháp Hoa cũng như 30 năm Hoà Thượng Hội Chủ đã cư ngụ và hành đạo tại xứ Úc này,  nên tôi đã đề nghị với Thầy Trụ Trì Thích Viên Trí nên tổ chức một đại lễ tưởng niệm thật lớn để nhắc lại cội nguồn cũng như ghi ơn tất cả những Phật Tử hữu công đã vì đạo pháp quên mình, xây dựng nên cơ nghiệp của Phật Giáo nói chung và sự nghiệp của Pháp Hoa nói riêng trong suốt chặng đường trải dài của 30 năm lịch sử ấy.

        Nếu kể 20 năm là một thế hệ, thì chúng ta đã trải qua một thế hệ rưỡi rồi. Nếu kể 30 năm là một thế hệ, tùy theo cách nhìn, thì năm 2012 cũng sẽ là năm trọng đại đối với Phật Tử tại vùng Adelaide vậy. Nếu quá khứ không có thì hiện tại đã không tồn tại. Nếu hiện tại không tồn tại thì tương lai đâu có thể tiếp nối được. Do vậy “ẩm thủy tư nguyên” vẫn là việc của đàn hậu học cần phải làm.

        Rồi năm 1980 Hoà Thượng Thích Tắc Phước, Hoà Thượng Thích Huyền Tôn đã đến Melbourne, bước chân hoằng hoá của quý Ngài hơn 30 năm qua đã ghi sâu dấu ấn một thời cho người Phật Tử Việt Nam trên giải đất tự do này. Sau Hoà Thượng Bảo Lạc, Hoà Thượng Như Huệ là  T.T Thích Quảng Ba,Thượng Toạ Thích Phước Nhơn v.v… Từ đó đến nay hơn 30 năm đã không có biết bao nhiêu người đến và đã có không biết bao nhiêu người đi. Đôi khi từ lòng đất nở hoa mà lòng người lại băng giá, cho nên chùa chiền mọc lên khá nhiều mà bóng dáng của những chiếc y vàng chưa trải dài đủ để phủ lên tâm cảm của người con Phật sống rải rác đó đây trên xứ Úc nầy.

        Hiện tại ở khắp các Tiểu Bang trên nước Úc, chắc không dưới 50 ngôi chùa, lớn có, nhỏ có, có chùa có Thầy, Cô trụ trì, nhưng cũng có những chùa chỉ có Phật Tử lo quản lý, điều động. Có Thầy, Cô thành tựu những phật sự to lớn; nhưng cũng có nhiều Thầy, Cô đã về cõi Tịnh. Cũng không lắm Thầy, Cô cởi áo nhà tu gởi lại cho Thiền môn để sống một cuộc đời như bao nhiêu người trong cõi thế nhân nầy; nhưng dẫu gì đi nữa thì Phật Giáo vẫn là Phật Giáo. Phong ba bão táp có đến, có đi, nhưng con người vẫn phải sống và vẫn phải sinh hoạt. Phật Giáo ở đây cũng vậy. Tuy có những bước thăng trầm của nó, nhưng không vì thế mà Phật giáo lại bị giòng đời lôi cuốn; ngược lại Phật Giáo phải thẳng tiến về phía trước và đoái nhìn lại phía sau, nhằm hướng dẫn đàn con Phật thực hành kiên nhẫn giáo lý từ bi, lợi tha của Đạo Phật.

        Bằng chứng là tại Úc ngày nay có nhiều Giáo Hội. Mỗi Giáo Hội là một bông hoa khoe sắc thắm với đời. Những bông hoa ấy trồng chung vào vườn hoa tâm linh của xứ đa văn hoá nầy, thì tại đây sẽ có một tấm thảm của hoa được dệt nên bởi nhiều màu sắc khác nhau, không cạnh tranh nhau, ngay cả với những tôn giáo khác, và đây là một nét đẹp của Tôn Giáo khi cùng sống chung trong một đất nước đa văn hoá và đa chủng tộc như tại xứ Úc nầy.


        Mỗi chùa, mỗi tự viện, mỗi trụ xứ tại đây mỗi tháng đều có Bố Tát chung, có an cư chung thuộc từng Giáo Hội, có lui tới thăm viếng và giảng pháp cho các Phật Tử. Đồng thời tổ chức cứu trợ thiên tai bão lụt, không những chỉ cho Việt Nam mà còn cho cả nước Úc nầy và khắp nơi trên thế giới khi có nạn động đất, hay lụt lội bất cứ nơi đâu xảy ra như tại Haiti hay Ý Đại Lợi v.v… Đây là hình ảnh đẹp nhất của những người Việt Nam và những người Phật Tử cư ngụ tại xứ Úc nầy.

        Ánh sáng chân lý của Đức Phật đã toả chiếu khắp muôn phương và nơi xứ Úc nầy cũng đã trên đà phát triển mạnh. Kể từ khoá tu học Phật Pháp Úc Châu kỳ một tổ chức tại Sydney trên dưới 200 người, đa phần là người lớn tuổi. Nay đến khoá thứ 10, có hơn 120 giới trẻ tham gia như thế quả là ánh từ quang đã toả chiếu muôn nơi dưới bóng mây lành của Phật Giáo, không những chỉ cho người lớn tuổi, mà những thế hệ thứ 2, thứ 3 cũng không muốn quên nguồn cội của mình, nên đã về đây tham dự, học phật pháp.

        Nhìn những chiếc bánh sinh nhật kết thành 10 tầng trong đêm văn nghệ thiền trà tại Adelaide vào tối ngày 2 tháng 1 năm 2011 vừa qua, dầu cho ai đó có bàng quang cách mấy đi chăng nữa thì cũng không thể làm ngơ để chấp hai tay và cúi đầu xuống nhằm thầm tạ thâm ân của Tam Bảo. Vì nếu không có Phật lực và Tam Bảo gia hộ thì chiếc thuyền nan mong manh vượt sóng giữa sóng dữ đại dương sẽ khó tồn tại được. Tuy nhiên ở đây đã có ánh quang minh (Amitabha) của Đức Phật A Di Đà rọi chiếu và lòng từ vô lượng của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni  Phật gia hộ thì tại đây sẽ có những lễ kỷ niệm của khoá 20, 30, 40 hay 50 kế tục vào những thập niên sau đó nữa.

        Tiếng Đức có câu tục ngữ rằng : “Die Hoffnung ist kostenlos” nghĩa là “sự hy vọng chẳng tốn kém gì”.Do đó chúng ta có quyền hy vọng. Vì hy vọng là một sức sống của tương lai, mà thế hệ nào cũng cần phải bước đến và vượt qua cả .

Trời đất có xuân, hạ, thu, đông thì lòng người cũng có nóng, lạnh, đau, mạnh…là chuyện thường tình . Hãy đừng vì ngoại duyên mà chúng ta đánh mất đi thực tướng căn bản của cuộc sống là hãy “như như bất động” trước những thử thách của lòng người và thiên nhiên.

        Tục ngữ Đức có câu “ Der Apfel Fallt nicht weiter von dem Bau”, nghĩa là “quả táo không rơi xa gốc táo” và tục ngữ Việt Nam chúng ta tương tự cũng có câu “lá rụng về cội”, cho nên chúng ta không lo gì là những thế hệ tương lai không tiếp nối con đường của chúng ta đã đi và đã được đặt ra.

        Khi đi thăm những hãng rượu và những vườn nho của người Đức tại Nam Úc tôi mới thấy rằng lời người xưa vẫn không sai. Vì lẽ ngưới Đức đã đến xứ Úc này cách xa thời gian hàng 100 năm và cách xa quê hương họ gần 20.000 cây số. Tuy tiếng Đức họ không còn xử dụng lưu loát nữa, nhưng vị ngọt của rượu nho chắc rằng không thay đổi mấy so với công thức của ông bà tổ tiên họ đã mang qua từ xứ Đức và cấy vào lòng đất di dân nầy những tinh hoa của tạo hoá cho con cháu họ và làm giàu cho quê hương thứ hai nầy thêm một ngành nghề mới nữa, mà trước đây 200 năm xứ Úc nầy chưa có.

Tôi không biết rằng những người Úc gốc Đức này họ gọi quê hương họ là gì, nhưng chắc rằng trong thâm cảm của họ giòng nước chảy của chất nho màu xanh,  màu tím ấy đã nối dài suốt không gian và thời gian để nhắc họ nhớ rằng Tổ Tiên của họ đã có một thời như thế và họ không được phép quên cội nguồn của họ.

        Con em Việt Nam của chúng ta được sinh ra tại xứ Úc này cũng thế. Họ đã bị Úc hoá rất nhiều, nhưng chắc chắn cơm, gạo, rau sống, phở, mì Quảng…các em khi còn nhỏ ít thích hơn là Hunry Jack hay Mc Donald; nhưng khi trở về già, các em sẽ nhớ lại những tinh hoa của ẩm thực Việt, sẽ không thể thiếu những đồ gia vị như vậy và chính đây là niềm tự hào của Dân Tộc Việt. Điều này cũng giống như người Đức đã tiếp truyền tinh thần nấu rượu của Dân Tộc họ tại Nam Úc từ bao nhiêu đời nay vậy.

        Còn Phật Giáo thì sao ? Hơn 50 ngôi chùa tại đây nay mai chắc sẽ thiếu người kế thừa.Tuy nhiên việc nầy cũng chẳng phải là mối lo miên viễn, vì giáo dục là một sự bắt cầu. Chiếc cầu quá khứ sẽ không thể bắt thẳng qua chiếc cầu của tương lai được. Nếu bắt như vậy sẽ hỏng một nhịp cầu. Do vậy nhịp cầu trong hiện tại rất cần thiết để nối quá khứ với tương lai. Chúng ta những thế hệ gối đầu không thể làm hết được tất cả những gì mà tiền nhân đã gầy dựng và ủy thác. Nhưng chúng ta phải có bổn phận chuyển giao lại cho thế hệ tương lai. Do vậy hiện tại mới là những điều cần yếu, ngay bây giờ và tại đây chúng ta phải thể hiện đúng vai trò và trách nhiệm của mình, trước khi trao truyền qua thế hệ kế tiếp.

        Nếu mai này trong những ngôi chùa Việt tại xứ Úc, xứ Mỹ, Canada, Na Uy, Đức, Pháp v.v…không có bóng hình những tăng sĩ Việt Nam thì có những người địa phương tiếp tục chuyến hành trình này. Vì lịch sử đã chứng minh điều ấy, ví dụ như những bậc Đạo Sư từ Ấn Độ khi đến Trung Hoa truyền giáo, các ngài không mang văn hoá của Ấn Độ truyền cho Trung Hoa, mà chỉ mang tinh thần của Phật Giáo vào đất Hán và sau đó nếu có người Ấn Độ đến Trung Hoa thì chỉ là khách vãng lai thôi, vì cây Bồ Đề của Phật Pháp đã đâm chồi nẩy lộc tại đây rồi.

        Việt Nam Phật Giáo của chúng ta cũng thế, đa phần bước ban đầu là do các vị Sư Trung Hoa và Ấn Độ đến đây để lập Tông, truyền pháp; nhưng khi quý Ngài qúa vãng rồi thì Phật pháp vẫn còn hiện diện trên quê hương Việt Nam suốt 2.000 năm lịch sử và mãi đến tận ngàn sau, tinh thần ấy vẫn còn tồn tại trên quê hương đất Việt vậy. Các triều đại đã ra đi, các chính thể chỉ tồn tại một thời gian nhất định. Nhưng Phật Giáo sẽ luôn là món ăn tinh thần quan trọng nhất cho những người Phật Tử dầu cho có biến thể qua nhiều thời gian hay hoàn cảnh khác nhau đi nữa.

        Nhà Lý đã mất ngôi vào tay nhà Trần vào năm 1225 . Hoàng Tử Lý Long Tường đã dẫn gia đình sang tỵ nạn tại Đại Hàn. Sau 800 năm xa quê hương Đại Việt, con cháu nhà Lý vẫn vọng về quê hương muôn thuở. Điều ấy chứng tỏ rằng chúng ta đã chẳng mất gì cả, mà chúng ta còn thêm lớn mạnh và giàu có hơn xưa. Vì dân tộc Việt Nam đã có thêm Lý Thừa Vãn, Lý Đăng Huy đã làm vẻ vang cho quê hương Đại Việt tại xứ người.

        Rồi đây sẽ có người tìm lại những đấu vết của đàn chim di Đại Việt ấy. Chắc chắn tại Triều Tiên không thiếu những ngôi chùa Việt. Vì Triều Lý của Việt Nam là một triều đại của Phật Giáo. Hy vọng rằng qua sự tìm kiếm của các Sử gia và của những nhà khảo cổ học, chúng ta sẽ có được những bằng chứng hùng hồn là Tào Khê Tông của Hàn Quốc hiện nay, không thiếu sự đóng góp của giòng Thiền Vô Ngôn Thông, Thảo Đường của Việt Nam chúng ta thuở ấy.

        Rồi thời Vua Gia Long dựng nước cũng thế. Trước khi lên ngôi năm 1802, nhà vua đã tỵ nạn Tây Sơn ít nhất là 5 đến 7 năm tại Thái Lan; những ngôi chùa như Phổ Phước, Cảnh Phước, Khánh Vân đã được xây dựng tại Bangkok từ đó đến nay, trải dài qua hơn 200 năm lịch sử, đâu còn hình bóng vị Sư Việt Nam nào cư ngụ tại đó; nhưng hình ảnh chứng ngộ qua chơn thân xá lợi của Ngài Phổ Tế tại chùa Khánh Vân hoặc Thiền Sư Hổ Phách tại vùng Chonbouri Bắc Thái đã làm cho người Hoa và người Thái ngưỡng vọng  về Phật Pháp của xứ An Nam, nên Vua Thái Lan Rama Đệ nhất đã truy tặng là Anamikaya (Việt Tông) và tông ấy vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay trên quê hương Tiểu Thừa Phật Giáo như Thái Lan trong hiện tại.

        Nếu ai đó có dịp sang Bangkok vùng China Town vào một buổi sáng tinh sương hay buổi chiều gió lộng, quý vị sẽ nghe được tiếng kinh cầu bằng giọng phát âm tiếng Việt Nam của các vị Sư Thái Lan tại chùa Phổ Phước là : Như thị ngã văn nhứt thời Phật tại Xá Vệ Quốc…hoặc giả “ Diệu trạm tổng trì bất động tôn….”nhưng nhìn mặt chữ kinh thì hoàn toàn là chữ Thái. Như vậy ánh từ quang  ấy đâu phải nhất thiết  chỉ để dành cho một chủng tộc nào, mà tâm truyền ấy đã lắng sâu vào tâm thức của từng dân tộc, khi Đạo Phật đã được truyền đến đó.

        Khi báo Viên Giác số 181 nầy đến tay của quý độc giả cũng là thời gian đánh dấu năm thứ 40 tôi đã xa quê hương và đất nước, nhưng lúc nào cũng nghĩ và nhớ về đất mẹ, để niệm ân những bậc Thầy Tổ, cha mẹ và chúng sanh; nơi đó đã nuôi lớn mình nên người, nhưng đồng thời cũng không quên ơn những xứ Tự Do trên thế giới đã dưỡng dục và trợ giúp mình có cơ hội mang pháp màu và ánh từ quang ấy như là một bóng mây lành mà chư Phật chư vị Bồ Tát đã gia hộ, độ trì để tôi mới có cơ hội gần gũi, tiếp xúc cũng như trao đổi Phật Pháp đến người Việt cũng như người Đức và những người ngoại quốc suốt trong một thời gian dài không giới hạn như thế. Đồng thời bài này cũng sẽ được đăng trên trang nhà của Quảng Đức và trang nhà của GHPGVN Hải Ngoại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan để vinh danh những bậc Thầy tinh thần cao cả đã vì đời quên mình, mang ánh đạo đến cho tha nhân, để một mai đây nếu có ai đó có cơ duyên tìm lại dấu vết ban đầu của đàn chim Việt tha phương một thuở, thì đây là một chút tư liệu cần thiết cho những người muốn “ôn cố tri tân”.

        Tại Âu Châu năm nay 2011 GHPGVNTN tại đây sẽ tổ chức khoá Tu Học Phật Pháp kỳ thứ 23. Mỗi lần như vậy quy tụ từ 500 đến 1000 học viên đến từ khắp các nước tại Âu Châu và mỗi lần như thế đều gặt hái những thành quả nhất định của nó và mong rằng Hoa Kỳ cũng như Canada cũng sẽ thực hiện được những khoá Tu Học như thế cho Phật Tử tại gia; vườn hoa tâm linh ấy sẽ được nở rộ khắp các Châu thì việc toả rộng ánh từ quang của Phật Pháp ấy lo gì không có người nối truyền và trân quý.

        Xin niệm ân tất cả các bậc Đạo Sư, những vị Thầy cao cả đã đoái nhìn lại đàn hậu học và đã gia hộ cho mạng mạch của Phật Giáo được mãi mãi trường kỳ,và cũng xin cảm ơn những thế hệ tương lai cả Tăng lẫn tục đều sẵn sàng gánh vác trách nhiệm “hoằng  pháp lợi sanh” lên vai của mình để tiếp tục trách nhiệm của “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự” thì đây là một hình ảnh tiêu biểu, đẹp đẽ vô ngần, mà điều nầy chỉ có được khi ý thức của mỗi người con Phật càng ngày càng cao và càng nhiều hơn nữa.

 Viết tại Tu Viện Quảng Đức Melbourne, Úc Đại Lợi ngày 5 tháng 1 năm 2011   

Thích Như Điển



 

 

---o0o---
Vi tính: Nguyên Trí
Trình bày: Thanh Phi

Cập nhật:  01-02-2011

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]