Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 26

03/02/201522:17(Xem: 7301)
Phần 26

KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ (PHẦN 26)

 

Pháp Sư Tịnh Không

Nguyện thứ hai, “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”

Thành tựu chính mình thứ nhất phải đoạn phiền não, trừ tập khí. Phiền não ngoại duyên là khó khăn nhất, không dễ gì dẹp bỏ. Đời sống thực tế của chúng ta, ăn mặc đi đứng, do phước báu của chúng ta không lớn nên mỗi ngày vì những việc thế tục mà bôn ba lo buồn, tâm không thể định. Đó là sự thật khách quan không ai tránh khỏi. Người có tiền, có thế lực, địa vị, thành thật mà nói đều rất nguy hiểm, rất mau tan nhạt, dễ mất đi, sau khi mất đi thì phải làm sao? Cho nên bất cứ người nào, dù giàu nghèo sang hèn, đời sống đều tràn đầy âu lo phiền não, đôi khi rất muốn tâm mình định lại để cố gắng dụng công tu hành mà không được duyên phận, không được phước phần này. Hay nói cách khác, tập khí nghiệp chướng quá nặng.

Do đó Phật dạy chúng ta đoạn phiền não phát đại tâm là quan trọng. Chỉ cần chịu phát đại tâm, chịu đoạn phiền não, thì dù phiền não chưa đoạn cũng không hề gì. Miễn có tâm phải đoạn, liền được chư Phật Bồ Tát hộ trì, giúp đỡ. Đó là cảm ứng tương thông không thể nghĩ bàn. Đoạn phiền não để tâm mình được thanh tịnh, thành tựu đức hạnh của chính mình.

Giáo học Phật pháp cùng quan niệm của nhà Nho có thể nói không hẹn mà gặp. Giáo học của Khổng Lão Phu tử Trung Quốc dạy học trò bốn khoá trình. Khoá thứ nhất là “đức hạnh”, giáo học của Phật pháp khoá thứ nhất “đoạn phiền não”, ý nghĩa hoàn toàn giống nhau. Khoá thứ hai trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện có “học pháp môn”, đó là đạo lý nhất định. Nếu như không đoạn phiền não, học pháp môn nhất định không thể thành tựu, chỉ tăng thêm tà kiến, không tăng thêm trí tuệ. Đem cái bạn đã tu học toàn bộ biến thành tà tri tà kiến, do ai? Do phiền não, tham sân si mạn. Cho nên thành tựu trí tuệ chân thật, nhất định phải đoạn phiền não trước. Phật pháp nói, sau khi đoạn hết phiền não, bạn mới là một pháp khí. Như một món đồ, bạn hoàn chỉnh, không có chút hư tổn, bạn mới có năng lực tiếp nhận đại pháp của Như lai. Phật pháp gọi là pháp vô lậu. “Lậu” là đại danh từ của phiền não.

Ví dụ một tách trà thủng lỗ, khi đựng trà sẽ bị rò rỉ. Cái lậu này là thí dụ cho phiền não. Phiền não bị rò rỉ hết. Cần phải đoạn hết phiền não thì tách trà của bạn mới hoàn hảo, có thể đựng trà, có thể tiếp nhận vô lượng pháp môn.

Nguyện thứ ba, “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”

Tu học pháp môn thành tựu là thành tựu vô thượng đạo của chính mình, thành tựu trí tuệ đức năng viên mãn của chính mình. Bạn không có đức, không có năng, không có trí thì làm sao có thể phổ tất cả chúng sanh? Tất cả chúng sanh căn tánh không đồng nhau, nhu cầu khác nhau, bạn có thể mãn nguyện tất cả, khiến tất cả chúng sanh sanh tâm hoan hỉ, đó là phải toàn năng toàn trí. Phật pháp sau khi phát nguyện phải thật làm, thật tu. Mấy ngày nay chúng ta lợi dụng chút thời gian rảnh để thu âm. Trong kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, thế tôn vì chúng ta nói rõ, nhân duyên Bồ Tát Địa Tạng mới sơ phát tâm, đó là bất khả thuyết vô lượng kiếp trước, cách hiện tại chúng ta quá xa quá lâu, không cách gì tính đếm được.

Thân phận của ngài là một vị trưởng giả, cư sĩ tại gia, không phải người xuất gia. Vị đại trưởng tử này không phải là con trai của đại trưởng giả. Chữ “tử” là tôn xưng của Trung Quốc thời xưa xưng hô tôn kính, giống như chúng ta tôn xưng Khổng Phu Tử, Mạnh Tử, Lão Tử, Trang Tử. “Tử” là lời xưng hô tôn kính, hiện tại người ta đem lời tôn kính đặt ở phía trước, còn thời trước thì đặt chữ “tử” này phía sau. Vì sao ngài phát tâm? Ngài xem thấy tướng hảo của Phật mà phát tâm. Cho nên các vị đồng tu phải biết, bảng hiệu trước cửa này rất quan trọng. Các công ty thường chú trọng bao bì, hàng hoá bên trong tốt xấu không quan trọng, nhưng bao bì nhất định phải bắt mắt, hấp dẫn.

Chư Phật Như Lai hiểu được việc này, biết tâm lý của phàm phu nên bề ngoài tạo vẻ đặc biệt trang nghiêm, tốt đẹp, nhưng không có nghĩa là hoá trang, vì hoá trang là đồ giả không phải thật. Trang nghiêm của Phật Bồ Tát là ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, do tu mà có, do thành tựu đức hạnh mà được. Người xem tướng đoán mạng thế gian thường nói “tướng tùy tâm chuyển”. Tướng mạo chúng ta tùy tâm chuyển, thể chất cũng tuỳ tâm chuyển. Sau khi Bồ Tát thành Phật còn phải dùng thời gian một trăm kiếp để chuyên môn tu phước. Cho nên thành Phật gọi là “nhị túc tôn”, phước huệ đều viên mãn. Loại Phật này trong nhà Phật chúng ta gọi là Phật của tạng giáo, Phật của thông giáo. Các ngài phải dùng thời gian một trăm kiếp để tu tướng hảo.

Phật của viên giáo thì từ trong tự tánh lưu xuất ra. Cái quang minh tướng hảo đó chẳng phải là ba mươi hai tướng. Phật có vô lượng tướng, tướng có vô lượng vẻ mà phàm phu chúng ta không nhìn thấy. Cho nên Phật của tạng giáo, Phật của thông giáo chưa kiến tánh, họ hoàn toàn thành tựu công đức do tu mà được. Kinh Bách Kiếp nói, một tướng hảo phải tu một trăm loại công đức. Mỗi loại không biết phải tu thời gian dài bao lâu mới có thể viên mãn. Ba mươi hai tướng, các vị tưởng tượng họ phải tu ba ngàn hai trăm loại công đức. Tu thế gian bao lâu? Một trăm kiếp. Ba ngàn hai trăm loại tu trong một trăm kiếp mới thành tựu ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp này. Chúng sanh có duyên thấy được tướng hảo của Phật thì liền cảm động, liền phát tâm.

Chúng ta xem thấy phát tâm của đại trưởng giả tử trên kinh Địa Tạng, cùng tôn giả A Nan ở hội Lăng Nghiêm hoàn toàn giống nhau. Tôn giả A Nan vì sao phát tâm xuất gia? Vì xem thấy ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài cảm thấy loại tướng hảo này không do cha mẹ sanh ra, mà do tu hành thành tựu. Ngài muốn xuất gia vì muốn có được ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Vì việc này mà xuất gia, tu học cùng với Phật Thích Ca Mâu Ni.

Chúng ta không cần lo nhân duyên xuất gia. Dù nhân duyên như thế nào, chỉ cần bạn chịu tu, thành tựu sau cùng đều chân thật. Từ chỗ này mà xem, bảng hiệu bên ngoài vỏ hộp đều quan trọng, chúng ta phải xem trọng sự việc này mà chăm chỉ tu học. Phật giảng kinh, trước hết đem quả trình hiện ra. Chính mình tu tốt, đó là quả báo để bạn xem. Sau khi bạn thấy thì bạn tự nhiên động tâm, cũng muốn tu học. Cá nhân chúng ta là một tấm gương tốt cho mọi người. Mọi thứ đều tốt, dung mạo tốt, thân thể tốt, đối nhân xử thế tiếp vật, không thứ nào không tốt, đó chính là bảng hiệu, vậy mới có thể nhiếp thọ tất cả chúng sanh. Nếu bạn muốn giáo hoá chúng sanh, hoằng pháp lợi sanh mà chính mình không chịu làm tốt vẻ bên ngoài của mình thì làm sao được. Bên ngoài làm được tốt, sau đó phải đoạn phiền não, nhất định phải học pháp môn.

Chúng ta nêu ra mười câu “Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”, thường giữ tâm này; “Nhìn thấu, buông bỏ, tự tại, tuỳ duyên, niệm Phật”, phải thường tu hạnh này. Tâm hạnh của chúng ta phải tương ưng với mười câu, hai mươi chữ trên, xin nói với các vị, chỉ ba năm diện mạo của chúng ta liền thay đổi, thể chất cũng sẽ thay đổi, “tướng tùy tâm chuyển”.

Đạo tràng vừa mới xây. Một năm ba trăm sáu mươi ngày, mỗi ngày đều giảng kinh, mỗi ngày đều niệm Phật không hề gián đoạn. Ở đây chỉ cần ba năm, sau khi đi ra nhất định sẽ khác với người thông thường. Họ ở đây huân tu thời gian dài, thân tâm thảy đều khởi lên thay đổi, làm gì không vãng sanh, làm gì không thành Phật. Tương lai chỗ này thật biến thành đạo tràng tuyển Phật. Singapore là quốc gia có phước không thể nghĩ bàn. Khu vực Đông Nam Á có phước mới có được một đạo tràng đúng pháp, thù thắng như vậy. Chư Phật hoan hỉ, hộ pháp thiện thần đặc biệt chiếu cố.

Nguyện thứ tư, “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”

Chúng ta phải đầy đủ nguyện này, quyết niệm Phật vãng sanh. Nếu không niệm Phật vãng sanh, không tu pháp môn này, thì cái nguyện thành Phật đạo rất khó khăn. Bồ Tát thượng thủ trong thế giới Hoa Tạng; Văn Thù, Phổ Hiền là thượng thủ trên hội Hoa Nghiêm, các ngài đều phát tâm cầu sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, đều phát nguyện phải thân cận Phật A Di Đà.

Lần đầu tôi đọc kinh Hoa Nghiêm, có chỗ mê mờ không hiểu, nghĩ không thông. Nếu nói các Bồ Tát khác phát nguyện cầu sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, chúng ta có thể nghĩ thông. Văn Thù, Phổ Hiền là Bồ Tát đẳng giác của thế giới Hoa Tạng, lý do gì phải vãng sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc? Tôi đã mất thời gian rất dài nghĩ đến việc này, mới nghĩ ra một lý do có thể đúng. Thế giới Tây Phương Cực Lạc thành Phật nhanh. Thế giới Hoa Tạng tuy dần dần tu thành Phật, thời gian thành Phật phải dài, không thể nhanh bằng thế giới Cực Lạc. Họ đến thế giới Cực Lạc vừa đến liền thành Phật, còn ở thế giới Hoa Tạng vẫn phải đợi không biết đến ngày tháng năm nào. Tất cả Bồ Tát, không ai không hy vọng vãng sanh Thế Giới Cực Lạc, hy vọng sớm ngày thành Phật. Do đó không nên để lỡ thời gian dài, không cần phải tu hành khổ hạnh, nếu muốn giải quyết hai vấn đề này chỉ có niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ.

Văn Thù, Phổ Hiền không chỉ chính mình phát nguyện vãng sanh, các ngài không bỏn xẻn, không bòn pháp; biết được pháp môn hay, liền phổ biến khuyên bảo thế giới Hoa Tạng. Bốn mươi mốt vị pháp thân đại sĩ đồng sanh Tịnh Độ. Văn Thù, Phổ Hiền là học trò đắc ý của Tỳ Lô Giá Na Phật. Hai ngài đem đồ chúng thảy đều đưa đến Thế Giới Cực Lạc, chỗ của Phật A Di Đà. Ngài làm cho thế giới Hoa Tạng không còn ai, bạn nói xem Tỳ Lô Giá Na Phật có sân giận không? Phật không giống chúng sanh. Nếu là chúng sanh thì sẽ không chịu nổi, “pháp duyên của ta nơi đây tốt như vầy, bạn vừa đến đây làm cho pháp duyên của ta không còn gì nữa, đều mang đi nơi khác hết, vậy thì còn gì đáng trách hơn”. Tỳ Lô Giá Na Phật không những không tức giận mà còn tán thán.

Cũng giống như trên kinh nói, Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai là thầy của Bồ Tát Địa Tạng. Pháp Tạng Bồ Tát ở Tây Phương xây dựng Thế Giới Cực Lạc, chính mình thành Phật cũng đem tất cả đồ chúng dưới hội của Thế Gian Tự Tại Vương đưa đến Thế Giới Tây Phương Cực Lạc. Thế Gian Tự Tại Vương không những không tức giận còn cổ vũ, khen ngài làm đúng, vì sao? Tất cả chư Phật Như Lai chỉ có một tâm niệm hy vọng chúng sanh mau mau thành Phật, “Ngươi đến nơi đó mau thành Phật, ở nơi đây của ta thành Phật chậm, ngươi đến nơi đó của ngài là đúng”. Bổn nguyện của Phật đạt được, cho nên cách làm này chân thật làm rõ bổn hoài của Phật.

Tâm Phật cùng tâm phàm phu đích thực khác nhau, cho nên chúng ta phải ghi nhớ, ngay trong một đời muốn đầy đủ tứ hoằng thệ nguyện, chỉ có cầu sanh tịnh độ. Ở thế gian, chúng ta phải tu học công đức chân thật. Trong công đức bao hàm phước đức. Tu công đức đệ nhất đẳng, công đức này không gì hơn khuyên người niệm Phật, đó là đại phước đức, phước đức hy hữu không gì bằng. Chúng ta có cơ hội tu, có duyên phận tu phải nên chăm chỉ nỗ lực.

Câu “Cụ túc vô lượng hạnh nguyện”, chúng ta giới thiệu đến đây. Thực ra, ý trong sáu chữ này vô lượng vô biên, nói một năm cũng không hết, kinh văn phía sau còn dài, chúng ta chỉ nói đến đây.

“AN TRỤ NHẤT THIẾT CÔNG ĐỨC PHÁP TRUNG”

Công đức” cùng phước đức có khác biệt, chúng ta cần phải nhận biết cho rõ ràng. Công là công phu, phải có công phu tu học chân thật. Công phu thu hoạch được gọi là công đức. Ví dụ trì giới có công, thiền định là đức do giới. Bạn trì giới, do trì giới mà được định, cái giới đó gọi là công đức. Nếu bạn trì giới tốt nhưng không được định thì trì giới cũng có lợi ích, đó là phước đức, không phải công đức. Bạn trì giới tinh nghiêm thì bạn được phước báu của nhân thiên, đời sau hưởng phước, nhưng đó không phải công đức. Công đức có thể đoạn phiền não, có thể chứng được bồ đề, còn phước đức thì không. Phước đức không thể đoạn phiền não cũng không thể chứng bồ đề, chỉ có thể mang đến cho bạn phước báu. Do đó chúng ta nhất định phải phân biệt rõ ràng công đức và phước đức.

Tu định có công, trí tuệ liền khai. Khai huệ là đức. Tu định mà không thể khai huệ, cái định đó là phước đức, không phải công đức. Phước đức ở trong trời Tứ Thiền, không thể đoạn kiến tư phiền não, không thể siêu việt ba cõi sáu đường. Cho nên công đức cùng phước đức khác biệt nhau rất lớn.

Làm sao tu công đức? Công đức không hề rời khỏi phước đức. Tu phước không dính mắc chính là công đức. Tu phước mà dính mắc là phước đức. Ta tu tài bố thí, hy vọng tương lai được đại phú, vậy thì liền biến thành phước đức. Nhưng nếu ta tu tài bố thí “tam luân thể không”, không có bất cứ mong cầu nào thì liền biến thành công đức. Khi không có bất cứ mong cầu nào, thì ở ngay trong cuộc sống thường ngày của bạn cũng không thiếu bất cứ thứ gì, vì trong công đức có phước đức, nhưng trong phước đức không có công đức.

Chúng ta không luận tu phước như thế nào, thông thường nói ba loại bố thí: tài bố thí, pháp bố thí, vô uý bố thí, phải bố thí sạch trơn. Then chốt là tâm địa phải thanh tịnh, không dính vào tướng bố thí, không nên thường hay nghĩ đến ta có ân đức đối với người, có rất nhiều việc tốt đối với họ, không nên có ý niệm này, vì khởi ý niệm này thì liền biến thành phước báu, không thể được định.

Định là gì? Định là tâm thanh tịnh. Bố thí tuyệt đối không nhận báo thì tâm mới được thanh tịnh. Trong tâm thanh tịnh phước báu bao lớn? Tận hư không biến pháp giới là chỗ chúng ta hưởng phước. Bạn bố thí chỗ này, thì không chỉ ở ngay đây hưởng phước, mà bạn đến bất cứ nơi nào, mười phương vô lượng vô biên cõi nước, bạn đều được hưởng phước, vì tâm lượng của bạn rộng lớn không có chướng ngại, cho nên phước của bạn to lớn. Cái phước đó cũng hư không khắp pháp giới. Đạo lý quan trọng này ở trên kinh đại thừa.

Nếu chúng ta tu phước mà thường dính vào thì, chẳng hạn, tôi ở khu vực này, đã kết duyên với người khu vực này. Tôi tu được bao nhiêu phước, tương lai phải đầu thai đến đây thì mới hưởng được phước. Còn đầu thai đi nơi khác, người ở nơi khác không có quan hệ gì với tôi, chưa kết được cái duyên này thì tôi sẽ không có phước. Cũng tu như nhau nhưng được phước không như nhau. Vậy vì sao chúng ta dại khờ không chịu mở rộng tâm lượng? Trồng được chút phước nào đều biến hư không pháp giới, mọi nơi mọi chỗ đều hưởng phước. Chúng ta ở trong kinh điển đại thừa, chỗ này nhất định không thể xem thường.

Phật dạy, “An trụ nhất thiết công đức pháp trung”, cái gì gọi là an trụ? “An” là an ổn, “trụ” là ở nơi đó bất động. Phàm phu chúng ta thật rất đáng thương vì không có chỗ trụ. Người ta hỏi bạn trụ ở đâu. Nếu thông minh trí tuệ, bạn có thể nói: “Tôi ở nơi đó”. Hiện tại ta ở Cư Sĩ Lâm, làm gì có chỗ trụ. Không có chỗ, thân tìm một chỗ trụ. Phòng ốc, nhà cửa là chỗ trụ của cái thân. Có nhà, có phòng, thân liền được an ổn, nhưng tâm không an. Then chốt nhất là tâm phải trụ ở nơi nào đó. Đó là vấn đề lớn.

Kinh Kim Cang, tôn giả Tu Bồ Đề thỉnh pháp với Phật Thích Ca Mâu Ni, câu hỏi thứ nhất: “Ưng vân hà trụ?”, ý nói tâm này nên trụ vào đâu? Người thế gian hiểu thân trụ nhưng không hiểu tâm trụ, cho nên cả đời bồng bềnh trải qua ngày tháng khổ sở, không luận họ có phước hay không. Có phước cũng khổ, không phước càng khổ hơn, cả đời ưu bi khổ não, sống như vậy khổ dường nào. Nếu hiểu được tâm phải có một chỗ an trụ, thì cả đời bạn liền có phước, cả đời liền có thành tựu. Không luận thế pháp hay Phật pháp đều thành tựu.

Do đây có thể biết an trụ của tâm rất quan trọng. An ổn an trụ vào một nơi, nơi đó bất động. Căn tánh của chúng sanh không như nhau cho nên trong tất cả kinh luận, Phật dạy người an trụ cũng không như nhau. Ví dụ chúng sanh tâm lượng nhỏ, tầm nhìn nông cạn, nghe nói trên trời không tệ, đời sau có thể sanh thiên thì đã rất vừa lòng. Nếu bạn khuyên họ phải ra khỏi ba cõi, gặp người không tự tin, nghĩ rằng nghiệp chướng của mình sâu nặng, không thể ra khỏi, lập tức liền muốn thoái lui. Phật đối với loại chúng sanh này có phương pháp giúp họ mãn nguyện. Họ muốn sanh thiên thì dạy cho họ phương pháp sanh thiên. Người căn tánh hơi lanh lợi một chút, biết được thiên phước cũng có lúc hưởng hết, hưởng hết thì phải làm sao? Thời gian tuy dài, nhưng dài rồi cũng có lúc đến đoạn kết, vậy loại người này cao hơn một bậc so với người muốn sanh thiên. Họ biết được ngoài siêu việt luân hồi, ngày tháng trải qua tốt hơn nhiều so với trong luân hồi, họ có cái tâm xuất tam giới, Phật liền dạy họ phương pháp xuất tam giới, tâm an trụ ở nơi đó.

Cho nên giáo học của Phật chân thật khế lý khế cơ, thỏa mãn nguyện vọng của tất cả chúng sanh. Nếu bạn muốn sanh thiên, Phật liền dạy tâm của bạn nhất định phải an trụ trong mười thiện, gọi là thập thiện nghiệp đạo, thường hay sanh thiện niệm, sanh thiện tâm, lợi ích tất cả chúng sanh, sau cùng chính mình được lợi ích sanh thiên. Dạy người trì giới tu hành mười thiện, tâm của bạn an trụ ở ngay chỗ này, nhất định sẽ được phước báu nhân thiên.

Nếu bạn muốn chứng quả A La Hán, siêu việt sáu cõi sanh tử luân hồi, Phật liền dạy cho bạn an trụ ở trong pháp tứ đế. Nếu bạn muốn làm Bồ Tát, học Phật quảng độ chúng sanh, Phật liền dạy bạn đặt tâm an trụ trong lục độ, đó là Phật dạy mọi người pháp an tâm. Nếu tâm lượng của bạn quả nhiên rộng lớn, chí nguyện thù thắng, bên trên có Bồ Tát, trên nữa còn có Phật, trên Phật thì không còn nữa, quyết tâm phải thành Phật, thì chí nguyện này cao, Phật liền dạy bạn an trụ trong công đức thành Phật. “An trụ nhất thiết công đức pháp trung”, pháp công đức này chỉ “Di Đà nguyện hải, sáu chữ hồng danh”. Hay nói cách khác, bạn đem tâm an trụ trong bốn mươi tám nguyện, an trụ ở “phát bồ đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”, đây là pháp cả đời này bất thoái viên mãn thành Phật, loại an trụ thù thắng hơn bất cứ loại nào.

Tóm lại, hai câu kinh văn: “Cụ túc vô lượng hạnh nguyện, an trụ nhất thiết công đức pháp trung” là nói về hạnh nguyện công đức.

“DU BỘ THẬP PHƯƠNG, HÀNH QUYỀN PHƯƠNG TIỆN”

Các vị Bồ Tát trên kinh đều là Bồ Tát tu hạnh Phổ Hiền, từ sơ phát tâm mãi đến vị đẳng giác. Người sơ phát tâm tuy chưa chứng quả, nhưng chân thật phát tâm, một lòng một dạ muốn học hạnh Phổ Hiền. Con người này trên kinh Hoa Nghiêm đã xưng tán đại tâm phàm phu, ngay một đời liền có cơ duyên làm Phật. Cơ duyên gì? niệm Phật vãng sanh, thân cận Di Đà, rất nhanh thành Phật. Không cần phải thời gian dài, cho dù nghiệp chướng sâu nặng vẫn đới nghiệp vãng sanh hạ hạ phẩm.

Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói, hạ hạ phẩm sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc cũng chỉ cần mười hai kiếp. Mười hai kiếp so với vô lượng kiếp, so với ba a tăng kỳ kiếp, thời gian này rút ngắn lại rất nhiều. Cũng giống như bình thường Phật đã nói trong các kinh, “hoa khai kiến Phật” là địa vị phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân, đó là phương tiện nói. Còn chân thật nói, “ngộ vô sanh” là chứng được vô sanh pháp nhẫn. Bồ Tát vô sanh pháp nhẫn thuộc địa vị thất địa, bát địa, cửu địa. Các vị thứ khác chúng ta không tính, tam hiền vị cũng không. Chúng ta chỉ nói tam hiền vị của viên giáo. Từ viên giáo sơ trụ tu đến thập hồi hướng mãn phải một a tăng kỳ kiếp.

Bạn mới đến đăng địa, sơ địa. Sơ địa là mở đầu a tăng kỳ kiếp thứ hai. Sơ địa Bồ Tát tu đến thất địa, bảy vị thứ này lại là một a tăng kỳ kiếp. Hai a tăng kỳ kiếp mãn rồi, bạn mới đăng bát địa. Số tự a tăng kỳ kiếp là số tự thiên văn, chúng ta không cách gì tính điếm. Lấy pháp môn thông đồ để nói, chứng được viên giáo sơ trụ, tu đến vô sanh nhẫn vị, cần phải hai a tăng kỳ kiếp.

Chúng ta là phàm phu, không phải sơ trụ Bồ tát. Là phàm phu, một phẩm phiền não cũng chưa đoạn, sanh đến Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, chứng được địa vị vô sanh pháp nhẫn, cũng chính là chứng được địa vị của Bồ Tát thất địa, chỉ cần thời gian mười hai kiếp, thời gian này rút gọn rất nhiều. Vậy thì mười hai kiếp, xin nói với các vị, không luận Phật nguyện gia trì, chưa đạt được oai thần bổn nguyện của Phật A Di Đà gia trì, bạn ở thế giới Tây Phương Cực Lạc tu hành mười hai kiếp, liền chứng được vô sanh pháp nhẫn. Thế Giới Tây Phương Cực Lạc là đạo tràng tu hành ở tận hư không khắp pháp giới. Đạo tràng đó của Phật A Di Đà, là đạo tràng đệ nhất. Bạn ở đó tu hành nhanh, chỉ có tiến bộ chứ không thoái lui. Nơi chốn đó của ngài là viên chứng tam bất thoái, hạ hạ phẩm vãng sanh, cho nên nó không thoái chuyển. Các thế giới phương khác, Bồ tát tu hành có tiến không lùi. Còn thông thường tiến ít mà thoái nhiều, cho nên cần thời gian dài đến như vậy.

Sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, không có người nào không được sức gia trì của Phật. Phật A Di Đà từ bi tột đỉnh. Bốn mươi tám nguyện, mỗi nguyện gia trì người hành trì, người niệm Phật vãng sanh, cho nên người hạ hạ phẩm vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc không cần trải qua mười hai kiếp mới hoa nở thấy Phật. Sắp gần đến đó thì hoa nở thấy Phật, do oai thần bổn nguyện của Phật A Di Đà gia trì, cụ thể bằng bốn mươi tám nguyện.

Sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là bậc A Duy Việt Trí Bồ Tát. Phật A Di Đà phát ra nguyện đều phải tính, ngài tuyệt nhiên không nói người như thế nào vãng sanh mới là A Duy Việt Trí Bồ Tát. Đã không nói thì chính là lời nói chung chung, chỉ cần sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, thảy đều là A Duy Việt Trí Bồ Tát. Hay nói cách khác, sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, bạn liền bình đẳng với thất địa, bát địa, cửu địa. Đại sư Ngẫu Ích trong kinh Di Đà Yếu Giải nói, “Đó là cảnh giới không thể nghĩ bàn”. Bạn gọi họ là Bồ Tát Thất địa, họ không phải, vì sao? phiền não nhất phẩm chưa đoạn, nên họ còn là phàm phu; nếu bạn gọi họ là phàm phu cũng không phải. Trí tuệ của họ, công đức của họ, thọ dụng của họ hoàn toàn giống Bồ Tát thất địa, bát địa. Đó là chỗ không thể nghĩ bàn của thế giới Tây Phương Cực Lạc. “Yếu Giải” của Đại sư Ngẫu Ích cũng không thể nghĩ bàn.

Chúng ta biết Đại sư Ấn Quang là Bồ Tát Đại Thế Chí ở thế giới Tây Phương tái sanh. Đại sư rất tán thán “Yếu Giải”. Cho dù là cổ Phật tái lai, làm chú giải cho kinh Di Đà cũng không thể vượt qua được cái bổn này. Vậy “Yếu Giải” này được đưa lên đến tột đỉnh. Nâng “Yếu Giải” chính là nâng Đại sư Ngẫu Ích. Nếu Đại sư Ngẫu Ích không phải là Phật A Di Đà tái sanh thì cũng là Bồ Tát Quán Thế Âm tái sanh, bằng không sẽ không được Bồ Tát Đại Thế Chí tán thán đến như vậy. Cho nên chúng ta phải biết pháp môn này thù thắng không gì bằng.

Du bộ thập phương, hành quyền phương tiện”. Du bộ là tham học. Người thế giới Tây Phương Cực Lạc đích thực là như vậy. Mỗi ngày đều đến mười phương thế giới để bái Phật. Bái Phật chính là thăm hỏi, thân cận chư Phật Như Lai. Chư Phật Như Lai là người phước đức đệ nhất đẳng của thế xuất thế gian. Thường hay thân cận các ngài, thường nghe giáo huấn của các ngài, chính mình trí tuệ liền khai mở, đức hạnh cũng dần dần được viên mãn, đó là thân cận thiện tri thức, là chọn lựa của người thông minh, có thể xếp hàng với chư Phật Như Lai, ngồi cùng hàng với các ngài, vào câu lạc bộ của các ngài, bạn thử nghĩ xem làm sao mà không thành Phật?

Không phải hòa chung với Bồ Tát mà mỗi ngày cùng ở chung với Phật. Du bộ mười phương, tiếp nhận giáo huấn của Phật, khai trí tuệ, mỗi ngày thân cận chư Phật, cúng dường thừa sự chư Phật, tu phước báu, cho nên cơ hội tu phước tu huệ trở thành viên mãn. Ngày nay chúng ta muốn tu phước, tu huệ cũng không tìm được chỗ để tu, không biết nơi đó có phước hay không, luôn luôn dùng sai cái tâm, rồi tu sai. Ở thế gian này, chúng ta thấy rất nhiều, đặc biệt là người có tiền của, muốn làm một chút việc tốt, kết quả đem tiền của bỏ vào biển lớn, đá chìm đáy nước không ích gì. Không những không lợi ích, còn rước lấy lỗi lầm.

Người thế giới Tây Phương Cực Lạc thì không như vậy. Họ gặp được bậc chân thiện thức, biết được nơi nào là phước điền chân thật. Trên cầu hạ hoá mười phương cõi nước chư Phật, nhất định sẽ gặp được quá khứ, bạn bè quyến thuộc, đồng tham đồng học nhiều đời nhiều kiếp. Gặp được rồi, họ không nhận biết bạn nhưng bạn sẽ nhận biết họ, vì bạn sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc. Kinh nói trí tuệ thần thông đức năng của bạn gần như hoàn toàn hồi phục, gần giống như Phật A Di Đà. Thân bằng quyến thuộc, bạn bè thân thiết từ vô lượng kiếp trước, họ ở bất cứ đường nào, bất cứ cõi nào, bạn xem thấy đều quen biết. Phàm hễ có duyên thấy được sẽ sanh tâm hoan hỉ, bạn liền có cơ hội đến giáo hoá họ. “Hành quyền phương tiện” chính là tuỳ loại hoá thân, tuỳ cơ diễn giáo.

Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, người hạ hạ phẩm vãng sanh chỉ cần thấy qua Phật A Di Đà, ở bên cạnh Phật A Di Đà, đi nhiễu quanh một vòng là được. Bạn liền có năng lực đến thế giới khác tuỳ loại hoá thân, như trong “Phổ Môn Phẩm” đã nói, đáng dùng thân gì để độ liền có năng lực thị hiện ra thân đó. Loại năng lực này nếu ở kinh đại thừa nói, cần phải đạt được Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát, Biệt Giáo Sơ Địa Bồ Tát, cũng chính là phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân. Người như vậy mới có năng lực này. Trong mười pháp giới, Phật Bồ Tát không có năng lực này. Họ không làm được tuỳ loại hoá thân. Bồ Tát trong pháp giới nhất chân thì có thể làm được.

Cho nên nhất định phải biết, cơ hội vãng sanh quyết không để lỡ. Để lỡ rồi thì thật sai lầm và đáng tiếc. Bất cứ thứ gì ở thế gian cũng đều là giả, chỉ duy nhất việc này là thật. Chúng ta là phàm phu nghiệp chướng sâu nặng đến như vậy, kiến tư phiền não làm gì có thể đoạn được. Thông thường tu hành, sơ quả tiểu thừa chúng ta còn không có năng lực chứng, tám mươi tám phẩm kiến hoặc ba cõi này, chúng ta có bản lĩnh đoạn được hay sao? Nói cách khác, sơ quả cũng không thể đạt. Thế nhưng chúng ta chân thật phát tâm bồ đề, một lòng chuyên niệm, cầu sanh tịnh độ, nhờ oai thần Phật gia trì, việc này nhất định có thể đạt. Sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc liền siêu việt mười pháp giới. Trí tuệ năng lực này nhờ oai thần Phật gia trì không hề khác với Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát, chỉ có vượt qua chứ không thể kém hơn. Ở mười phương thế giới, đáng dùng thân gì để độ thì có thể thị hiện tám tướng thành đạo. Loại công đức lợi ích thù thắng này, có tra hết Đại Tạng kinh cũng tìm không ra, thị hiện rất nhiều thân, có thể tuỳ cơ nói pháp. Chúng sanh ưa thích nghe pháp gì, bạn liền giống như chư Phật Như Lai nói pháp môn đó cho họ nghe, khiến họ được độ.

(Còn tiếp ...)

KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC

Pháp sư: HT. TỊNH KHÔNG

Biên dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: PT. Giác Minh Duyên

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]