Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 22

03/02/201522:10(Xem: 8240)
Phần 22

KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ (PHẦN 22)

 

Pháp Sư Tịnh Không

Tam phước

Những gì là phương hướng? Thế Tôn trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật đã giảng cho chúng ta nghe ba loại tịnh nghiệp, đó chính là phương hướng, là mục tiêu. Cho nên chúng ta học Phật phải bắt đầu từ chú giải của Đại Sư Thiện Đạo, đã đặc biệt vì chúng ta nhấn mạnh việc tu từ tam phước.

Điều thứ nhất của tam phước là phước báu nhân thiên

Có bốn câu:

Ÿ Câu thứ nhất, “Hiếu thuận cha mẹ”

Người học Phật chúng ta nếu ngay cả làm người tốt mà không được thì làm Phật Bồ tát nhất định không có phần. Muốn học làm Bồ tát, học làm Phật, thì trước tiên phải làm người tốt. Đại sư Ấn Quang đã đề xướng “Giữ tâm tốt, làm việc tốt, nói lời hay, làm người tốt”, chúng ta đem giáo huấn của tổ sư phổ biến rộng lớn.

Thứ nhất, phải hiếu thuận cha mẹ. Bốn câu trong kinh nói “hiếu dưỡng cha mẹ”, từ “dưỡng” này không chỉ phải dưỡng cái thân cha mẹ, chăm sóc đi đứng đời sống tuổi già của cha mẹ. Dù đời sống đi đứng được chăm sóc chu đáo nhưng nếu cha mẹ thường hay lo buồn, vậy chúng ta vẫn là bất hiếu, chưa thể tận được hiếu. Cha mẹ thường lo buồn điều gì? Đại khái họ rất khó xả con cháu. Con cái càng nhiều, càng bất hoà thì họ càng lo lắng. Do đó phải dưỡng cái tâm của cha mẹ để cha mẹ không lo buồn, ngược lại hoan hỉ vui vẻ trải qua ngày tháng gần cuối cuộc đời. Việc này không dễ, không những gia đình hài hoà, thân tộc hòa thuận, mà ra xã hội, bè bạn hoà kính; đi học ở trường, tôn trọng lão sư, hoà thuận với các đồng học, hữu ái đồng học; làm việc trong xã hội, tôn trọng lãnh đạo, hòa thuận đồng liêu, có như vậy cha mẹ của bạn mới có thể an lòng.

Trung Quốc thời xưa, những người làm đế vương, vì quốc gia, vì địa phương chọn ra nhân tài lãnh đạo, họ thường đề bạt người thế nào? Đó là những hiếu tử, nên gọi là “Trung thần xuất thân từ hiếu tử”. Họ ở nhà có thể tận hiếu, khi được tuyển chọn thì họ tự nhiên liền có thể tận trung với tổ quốc. Trung hiếu là một thể, trong đó không có giới hạn. Người thế gian nói hiếu, nhà Nho nói hiếu, Đạo gia nói hiếu, đại khái có thể nói rất viên mãn. Thế nhưng trong nhà Phật nói hiếu thì vẫn chưa được. Nếu dùng tiêu chuẩn của nhà Phật thì bạn chỉ mới làm được một phần mười, vẫn còn chín phần mười chưa làm được, mặc dù một phần mười đối với người thế gian đã là rất viên mãn.

Một gương đại hiếu trong lịch sử Trung Quốc là vua Thuấn. Việc dưỡng cái thân và cái tâm của cha mẹ, ông thật đều làm được một cách viên mãn, không chỉ người thời đó tán thán mà người đời sau chúng ta xem thấy ghi chép này, tâm cung kính tự nhiên liền sanh khởi. Vì sao Phật pháp nói bạn chưa tận được hiếu? Vì Phật pháp hiểu rõ tường tận, sinh mạng là vĩnh hằng, không phải một đời. Nó có đời quá khứ, đời vị lai. Nếu bạn để cha mẹ bạn cứ ở trong sáu cõi luân hồi thì bạn đại bất hiếu. Phải làm thế nào giúp cha mẹ thoát khỏi sáu cõi luân hồi? Trước tiên chính mình phải thoát khỏi sáu cõi luân hồi, bạn mới có thể giúp đỡ cha mẹ, mới có thể giúp đỡ thân bằng quyến thuộc. Nếu chính bạn còn không thể thoát khỏi sáu cõi luân hồi, thì chữ hiếu trong nhà Phật, bạn còn kém quá xa.

Điểm này chính là nói đến việc phải “dưỡng cái chí của cha mẹ”, ý nghĩa rất sâu rộng. Con cái có thể làm Phật Bồ tát thì việc hiếu đối với cha mẹ mới được xem là viên mãn. Nếu lấy tiêu chuẩn của nhà Phật mà nói, nhất định phải chứng được quả Phật viên mãn thì chữ hiếu mới làm đến được viên mãn. Bồ Tát Đẳng giác vẫn còn một phẩm sanh tướng vô minh chưa phá, hiếu đạo còn kém khuyết một phần, chưa viên mãn. Cho nên nhà Phật cùng nhà Nho nói hiếu, trên cảnh giới có chỗ không giống nhau. Thế nhưng Nho cùng Phật, từ học thuyết, tu trì, cho đến giáo học đều lấy hiếu làm căn bản, đều kiến lập trên nền tảng của hiếu đạo, đó là điểm giống nhau, còn cảnh giới thì không giống nhau.

Ÿ Câu thứ hai, “Phụng sự sư trưởng”

Sư đạo cũng được xây dựng trên nền tảng của hiếu đạo. Người học Phật chúng ta cung kính lạy Phật mỗi ngày, nhưng không cung kính đối với cha mẹ, cho nên bạn có học Phật cũng không thành. Các vị thử tỉ mỉ mà nghĩ tưởng xem, bạn học Phật được mấy mươi năm mà vẫn cứ là một phàm phu, chưa vào được cảnh giới của Phật do nguyên nhân gì? Bạn vừa mở đầu đã sai. Cha mẹ ở nhà là hai vị Phật sống nhưng bạn không lạy, lại đi lạy Phật tượng gỗ xi măng mỗi ngày, bạn làm sao có thể thành tựu? Điều này không phải tôi dạy bạn, mà là Thế Tôn dạy chúng ta.

Cha mẹ ở tại nhà là hai vị Phật sống, tuy không cần mỗi ngày sáng sớm thức dậy hướng đến cha mẹ dập đầu ba lạy, cha mẹ cũng không hy vọng bạn làm như vậy, nhưng cái tâm cung kính hiếu thuận đối với Phật như thế nào, nhất định phải đối với cha mẹ y như vậy. Người học Phật chúng ta mỗi ngày đều tụng khoá sớm, trước phải lễ Phật, sau đó tụng kinh, niệm Phật, tam quy, hồi hướng. Sau khi làm rồi, chúng ta cũng phải đem một bộ dùng ngay trong đời sống hôm nay. Ngoài cha mẹ ra, coi tất cả chúng sanh đều là Phật, thì vào được cảnh giới “Hoa Nghiêm”. Phật dạy chúng ta phải đặt cha mẹ ở ngôi thứ nhất, Phật là thầy giáo nên đặt ở ngôi thứ hai. Hiện tại chúng ta xem thấy rất nhiều gia đình, cha mẹ phản đối con cái học Phật, có đạo lý hay không? Có. Vì cha mẹ thấy con cái xem trọng pháp sư là sư phụ, biết cúi đầu kính lễ, cung kính cúng dường sư phụ, trong khi cha mẹ muốn mua một ít đồ thì con cái lại khó khăn, sắc mặt cũng không vui vẻ. Người làm cha mẹ liền nghĩ, nó coi trọng, thân thích với người ngoài chẳng đoái hoài ân dưỡng dục của cha mẹ cho nên từ đó cha mẹ không ủng hộ con cái học Phật. Cha mẹ có thể nghĩ, hòa thượng ở bên ngoài đó căn bản không có liên quan gì với bạn, nói ra vài câu lừa dối bạn thì bạn liền tin tưởng, như vậy làm sao cha mẹ không cảm thấy đau lòng, làm sao cha mẹ bằng lòng để con cái đi học Phật?

Cho nên cha mẹ không hề sai, sai ở pháp sư không dạy, nên con cái không hiểu chuyện, không hiểu Phật pháp. Mỗi ngày bạn cung kính đối với cha mẹ, mỗi ngày cúng dường bao đỏ, cha mẹ nhất định sẽ khen ngợi: “Con cái tôi học Phật thật đúng”, họ sẽ liền khuyên mọi người học Phật. Mỗi ngày cúng dường cha mẹ bao đỏ là đúng, không cần phải nhiều, chỉ cần hai ba đồng trong bao đỏ là được. Không quên cúng dường như vậy thì bạn chính là “Tuân tu Phổ Hiền Đại sĩ chi đức”, bạn chính là “Cụ túc vô lượng hạnh nguyện”. Bạn học rồi mà không chịu làm thì không còn cách nào. Nếu chưa làm thì bắt đầu từ sáng mai phải làm. Các vị không nên chỉ nghe suông kinh này mà phải nỗ lực làm, làm cho người trong gia đình đều sanh tâm hoan hỉ. Bạn học Phật khiến người cả nhà đều hoan hỉ, đều học Phật theo, sau đó bạn mới có thể khuyên cha mẹ niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Đó là đại hiếu. Đến khi “Phụng sự sư trưởng”, cha mẹ bạn sẽ không phản đối bạn bái lão sư hay đi học Phật.

Là lão sư cũng phải cố gắng dạy bảo bạn làm thế nào hiếu dưỡng cha mẹ, làm thế nào thương yêu anh em, cùng xã hội đại chúng hoà thuận hợp tác lẫn nhau, giúp xã hội phồn vinh, hưng vượng và an định, đó là giáo học. Vị lão sư như thế rất đáng được chúng ta tôn kính, học tập.

Ÿ Câu thứ ba, “Từ tâm bất sát”

Sau đó chúng ta lại mở rộng tâm lượng ra, đó chính là pháp môn của Bồ Tát Quán Âm. Các vị nên biết, “Hiếu thân tôn sư” phía trước là pháp môn Địa Tạng, đổi tốt tâm địa của chúng ta trong tư tưởng hành vi. Khi vừa nâng lên là pháp môn Quán Âm. Bồ Tát Quán Thế Âm đại từ đại bi, “Từ tâm bất sát”, pháp môn của ngài mở rộng và bồi dưỡng tâm từ bi của bạn. Từ bi chính là thương yêu. Mọi người đều biết Kito giáo nói “bác ái”, kỳ thực hai chữ “bác ái” này là trong kinh Phật, cụ thể ngay bộ kinh Vô Lượng Thọ này của chúng ta. Lịch sử của chúng ta sớm hơn Kito giáo ít nhất hơn 5000 năm theo cách nói của phương Tây. Nếu lấy ghi chép của lịch sử Trung Quốc mà nói thì sớm hơn 1000 năm. Vì sao Phật pháp không dùng từ “yêu”? Yêu là cảm tình nên mới đổi sang cách gọi khác là “từ bi”. Từ bi là lý trí, là yêu có lý tính, không phải yêu của cảm tình. Việc này chúng ta cần phải hiểu, phải bồi dưỡng tâm yêu thương, mở rộng tâm yêu thương một cách thanh tịnh và hoàn toàn bình đẳng.

Ÿ Câu thứ tư, “Tu thập thiện nghiệp”

Thứ nhất, thân “không sát sanh”, không những không sát hại chúng sanh mà nếu khiến cho chúng sanh phiền não đều tự cảm thấy lỗi lầm. Bất cứ nơi nào Bồ Tát ở đều có thể khiến tất cả chúng sanh sanh tâm hoan hỉ. Chúng ta phải nỗ lực mà học tập, phải làm cho được. “Không trộm cắp”, phạm vi này rất rộng lớn. Kinh Phật đích thực phiên dịch là “bất dư thủ”, đồ vật đã có chủ, nếu người chủ không đồng ý thì chúng ta không thể lấy đi. Không những không được lấy mang đi mà còn không được di động đó, vì di động nó thì khi người chủ muốn tìm cũng khó tìm ra, họ liền bị phiền não. Cho nên điều cấm giới này không dễ gì làm được. “Không tà dâm” là điều cấm đối với đồng tu tại gia đã có vợ chồng. Kết hợp của vợ chồng là đạo nghĩa, nhất định phải giữ lễ, giữ phép, có nghĩa có tình, có ân có đức. Đây là ba điều cấm thân thể tạo tác cho nên Phật nêu ra cho chúng ta ba nguyên tắc quan trọng.

Thứ hai, khẩu nghiệp, lời nói thì rất dễ dàng phạm phải, cho nên Phật đưa ra bốn điều: “không vọng ngữ”, tức là không lừa gạt người khác, “không hai lời” tức là khiêu khích phải quấy, “không ác khẩu” là lời nói thô lỗ khó nghe thậm chí còn sanh ra lỗi lầm, “không thêu dệt”, tức là lời nói bóng bẩy ngon ngọt mê hoặc lòng người. Hiện tại chúng ta xem trên một số truyền hình, phim ảnh, ca múa, có lúc thì màu vàng, có lúc thì màu xám, loại này đều thuộc về thêu dệt mà Phật pháp đã dạy, khiến mọi người rất thích nghe nhưng nội dung bên trong đều không phải là chánh pháp, đều phá hoại đạo đức xã hội chứ không xây dựng. Cho nên những thứ này chúng ta phải tránh tiếp xúc, chính mình càng không nên làm theo.

Thứ ba, ý nghiệp, chính là khởi tâm động niệm. Trong ý nghiệp nhất định phải học “không tham, không sân, không si”. Thuận cảnh không sanh tâm tham ái, nghịch cảnh cũng không khởi tâm sân hận, đối với tất cả sự lý rõ ràng tường tận thông suốt thấu đáo, đó là trí tuệ, cũng chính là không mê. Tham sân si gọi là phiền não ba độc vì tất cả ác pháp đều từ tham sân si mà ra. Chúng ta ngay trong lúc giảng giải cũng thường vận dụng danh từ hiện đại, “bệnh độc”. Bệnh độc nghiêm trọng nhất là tham sân si. Nếu trong có tham sân si, ngoài có mê hoặc của năm dục sáu trần thì con người này làm sao chịu nổi, làm sao họ không bị bệnh chứ? Không những thân phải bị bệnh mà y báo cũng tuỳ theo đó chuyển đổi. Y báo là hoàn cảnh sinh hoạt cũng biến đi càng ngày càng xấu.

Các vị đều biết, đại hoàn cảnh sinh hoạt hiện tại của chúng ta thật ra mỗi năm mỗi tệ. Có rất nhiều người nhận định địa cầu này đã bệnh rồi, khí hậu khác thường, tai nạn triền miên, hơn nữa tai nạn mỗi năm một nghiêm trọng hơn. Địa cầu này chân thật đã bệnh, vì sao bệnh? Do tâm của chúng ta không tốt, trong tâm có quá nhiều tham sân si cho nên thân có bệnh, hoàn cảnh đời sống cũng bệnh, đúng như Phật pháp đã nói “đời ác năm trược”. Trước đây chúng ta đọc đến “đời ác năm trược” không dễ cảm xúc, vì thấy thế gian này rất đẹp mà sao Phật lại nói thế giới này là đời ác năm trược. Ngày nay chúng ta đọc đoạn kinh văn này mới sâu sắc cảm nhận. Thích Ca Mâu Ni Phật rất trác tuyệt, chân thật trí tuệ. Ba ngàn năm trước ngài đã biết địa cầu của chúng ta bệnh rồi, chân thật tướng năm trược hiện tiền.

Chúng ta phải làm ngay bốn câu này “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”, phải nỗ lực chăm chỉ mà làm. Bạn niệm danh hiệu Phật thì sẽ tương ưng với Phật. Cũng giống như điện báo, đường truyền được thông, chúng ta vừa niệm Phật A Di Đà thì Phật A Di Đà liền có cảm ứng. Nếu bạn không làm được bốn câu này thì dù một ngày niệm mười vạn danh Phật hiệu, Phật A Di Đà cũng không nghe thấy một lời, vì ngay trong có chướng ngại, dẫn đến đường điện tín không thông. Đó gọi là “Một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật”, bạn làm không được thì “đau mồm rát họng chỉ uổng công”. Cho nên người niệm Phật rất nhiều nhưng người vãng sanh không nhiều, nguyên nhân do đâu? chính do chỗ này. Hiểu được rồi thì bạn phải đem những lỗi lầm thiếu sót mà thay đổi, có như vậy chúng ta cùng Phật A Di Đà liền có thể giao thông qua lại, ngay trong mỗi niệm liền có cảm ứng. Từ nền tảng này mà phước đức trời người được nâng cao, vậy mới vào được cửa Phật.

Điều thứ hai của tam phước bao gồm “Thọ trì Tam Quy, cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi”

Ÿ Câu thứ nhất, “Thọ trì Tam Quy”

Việc trước tiên khi vào cửa Phật là phải quy y Tam Bảo. Hiện tại ngay trong đồng tu chúng ta, người quy y Tam Bảo rất nhiều, thế nhưng có thọ trì hay không? Chưa chắc. Ở trước mặt Phật Bồ Tát phát thệ, làm nghi thức quy y nhưng trên thực tế không hề quy, cũng không hề y. Chỉ làm hình thức mà thôi, vậy thì không thể dùng. Nhất định chúng ta phải thọ trì.

Thọ là hoàn toàn tiếp nhận. Hai chữ này “tiếp nhận” lại càng không dễ dàng. Nếu bạn không thông hiểu tường tận đạo lý của tam quy y, bạn không biết tác pháp thực tiễn ngay trong cuộc sống thường ngày thì bạn làm sao học tập. Công đức, lợi ích, cảnh giới của tam quy y, bạn không biết được thì làm sao có thể sanh tâm hoan hỉ. Cho nên khi truyền thọ tam quy, nhất định phải giảng rõ ràng thấu đáo. Thông thường cử hành nghi thức tam quy, nhiều người không có thời gian nên không giảng giải một cách tường tận. Tuy nhiên chúng ta vẫn có phương pháp bổ cứu bằng việc nghe băng thu âm, đọc sách. Nói chung đồng tu nhà Phật không luận đã quy y Phật hay chưa, thì đây vẫn là bài khoá cần thiết của chúng ta.

Hiện tại chúng ta học Phật có hai quyển sách nhỏ, một là “Nhận Thức Phật Giáo”, hai là “Tam Quy Truyền Thụ”. Hai quyển này là bài khoá cần thiết, nhất định phải làm cho rõ ràng tường tận. Phật giáo rốt cuộc là cái gì? Phật giáo phải tu học như thế nào?

Danh từ “Quy y Phật, Quy y pháp, Quy y tăng”, vào thời xưa giảng giải, mọi người đều có thể lý giải, không đến nỗi sanh ra hiểu lầm. Còn hiện tại hiểu lầm cho rằng Phật pháp là tôn giáo, mê tín, cho nên chúng ta đối với “Phật Pháp Tăng” của Tam Bảo càng phải giảng cho rõ ràng tường tận.

Một ngàn ba trăm năm trước, Đại sư Huệ Năng, tổ thứ sáu thiền tông Trung Quốc khi giảng quy y đã không dùng danh từ “Phật, Pháp, Tăng” mà dùng danh từ “Giác, Chánh, Tịnh”, có thể thấy cách nói khế cơ nhất định phải hiểu khế cơ. Đại sư Huệ Năng không nói “Phật Pháp Tăng” vì sợ thính chúng sanh ra hiểu lầm sẽ không dễ dàng lý giải và không nhận được hiệu quả thực tế, cho nên đại sư đổi lại thành “Giác, Chánh, Tịnh”. Phật là giác, pháp là chánh, tăng là thanh tịnh. Cách nói này làm cho chúng ta cảm thấy rất dễ hiểu, hơn nữa ba chữ này đều lưu xuất từ tự tánh. Quy y giác là tự tánh giác. Do đây có thể biết quy y không phải là quy y một người nào đó. Mỗi ngày chúng ta tu thời khoá sớm tối gọi là tam tự quy. Phật là tự tánh giác, pháp là tự tánh chánh, tăng là tự tánh tịnh. Chúng ta đối với giáo huấn của Phật đà, không thể không bội phục đến năm vóc sát đất. Phật không hề dạy chúng ta quy y ngài, mà Phật dạy chúng ta quy y tự tánh Tam Bảo.

Ta muốn học Phật thì phải học với Phật Thích Ca Mâu Ni”, quan niệm này là mê tín. Phật Thích Ca Mâu Ni nói “bạn phải nương vào tự tánh của chính mình”. Phật Thích Ca Mâu Ni nương vào tự tánh, chúng ta cũng nương vào tự tánh, cho nên tự tánh Tam Bảo quan trọng hơn bất cứ thứ gì. Tự tánh giác, tự tánh chánh, tự tánh tịnh là ba đại cương lĩnh tu học Phật pháp.

Chúng ta đích thực vốn mê không giác, khởi tâm động niệm vốn tà không chánh, nhiễm không tịnh, do đó Phật dạy chúng ta từ mê quay lại nương vào tự tánh giác, từ tà tri tà kiến quay đầu lại nương vào chánh tri chánh kiến, và từ tất cả ô nhiễm quay đầu lại nương vào tâm thanh tịnh. Thế là Phật giáo liền có ba pháp môn, giống như cái giảng đường này có ba cái cửa để bước vào, giác chánh tịnh. Chúng ta xem thử trình độ của chính mình, căn tánh của chính mình dễ vào cửa nào thì ta đi vào cửa đó, không nên miễn cưỡng.

Các vị nên biết thiền tông tánh tông vào từ “cửa giác”, cho nên gọi là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, đó là người căn tánh lanh lợi nhất, thông minh nhất thế gian mới có năng lực tu pháp môn này. Đại sư Huệ Năng giảng, những đối tượng mà ngài tiếp dẫn là người thượng thượng thừa. Nếu không phải người thượng thượng thừa thì cửa này không thể vào được. Ngày trước khi tôi mới học, lão sư nói với tôi, thiền giống như một bước lên trời. Bạn có bản lĩnh này thì đương nhiên rất tốt, một bước lên trời. Người Trung Quốc gọi là công phu, từ dưới đất nhảy một cái liền lên đến lầu mười, vậy thì còn lời gì để nói. Việc này không phải người thông thường có thể làm được, vì nếu bạn không nhảy lên được mà rớt xuống sẽ tan xương nát thịt.

Người trung hạ, người không có loại căn tánh này thì phải làm sao? Đừng lo, chúng ta còn có cầu thang leo từng cấp từng cấp đi lên, tuy chậm nhưng chắc. Giáo hạ là vào từ “cửa chánh”, chánh tri chánh kiến. Nói chung đường đi của Phật rất nhiều. Leo cầu thang thời gian dài phải đến ba A Tăng Kỳ kiếp, đó là nói học giáo. Như vậy hiện tại chúng ta rớt hai cửa đầu. Chúng ta không phải là thượng căn, không thể một bước lên trời; leo cầu thang quá chậm và mệt lại không muốn leo, còn phương pháp nào không? Vẫn còn, niệm A Di Đà Phật là vào từ “cửa tịnh”, tức tu tâm thanh tịnh.

Thực tế mà nói, dù bạn có công phu hay không, chỉ cần bạn dùng một câu A Di Đà Phật tịnh hoá ô nhiễm, ngày nay chúng ta gọi là ô nhiễm tinh thần, ô nhiễm tâm lý, ô nhiễm tư tưởng, ô nhiễm kiến giải, thậm chí ô nhiễm cả sinh lý. Chúng ta dùng một câu A Di Đà Phật tịnh hoá nó, sau đó chúng ta nương công đức bổn nguyện của A Di Đà Phật cầu sanh Tây Phương tịnh độ. Sanh đến thế giới Cực Lạc thì thọ dụng của chúng ta so với người căn tánh thượng thượng căn của thiền tông không biết cao hơn gấp bao nhiêu lần. Cho nên pháp môn này thù thắng không gì bằng. Hôm nay chúng ta giảng chính là giảng pháp môn niệm Phật, một pháp môn được chư Phật tán thán, ngay Bồ Tát Phổ Hiền cũng bội phục.

Tóm lại Tam quy, trong ba cái cửa để đi thì chúng ta nên vào cửa tịnh, vì giác và chánh rất khó đi. Tâm thanh tịnh là điểm quan trọng hơn bất cứ thứ gì.

Ÿ Câu thứ hai, “Cụ túc chúng giới”

Câu này dạy chúng ta phải trì giới. “Chúng giới” có nghĩa là rất nhiều giới, không chỉ năm giới, mười giới, giới tỳ kheo, giới tỳ kheo ni, giới Bồ tát, hoặc rộng hơn so với phạm vi này, đó là giới điều, tất cả vẫn còn nhỏ hẹp. “Chúng giới” chỉ lời giáo huấn của Phật trong trong kinh. Nhưng chúng ta lại không thể thọ trì vì kinh điển quá nhiều. Thực ra, ngay trong một đời, chúng ta chỉ thọ trì một bộ kinh là đủ, y theo lời răn dạy của một bộ kinh mà làm là đã rất viên mãn, đặc biệt bộ kinh Vô Lượng Thọ này.

Kinh Vô Lượng Thọ chính là cương yếu của kinh Đại Hoa Nghiêm, là kinh triển khai kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm. Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm lại triển khai toàn bộ Đại Tạng kinh. Chúng ta đã chọn đúng tinh hoa, chọn đúng tinh yếu thì phải y theo giáo huấn của bổn kinh mà tu hành, sẽ liền đầy đủ được chúng giới.

Ÿ Câu thứ ba, “Bất phạm oai nghi”

Dùng lời hiện đại mà nói thì oai nghi là lễ tiết. Trong thế pháp, nó là quan niệm đạo đức, phong tục tập quán, nhân tình lễ tiết, mà chúng ta cần phải biết nhất là vào thời buổi hiện nay. Với công nghệ tin tức, giao thông thuận tiện, không gian hoạt động của chúng ta rộng lớn, thường hay có kỳ nghỉ ở nước ngoài. Đi du lịch hay tham quan đến một khu vực nào đó, trước tiên chúng ta phải dò xét phong tục tập quán, phong thổ nhân tình của khu vực đó để nhập cảnh tùy tục. Tuy cùng ở với nhau thời gian ngắn thậm chí chỉ một hai ngày cũng có thể kết với người bản địa một mối duyên, hoan hoan hỉ hỉ. Ngay trong cái duyên hoan hỉ, chúng ta đem Phật pháp tặng cho họ ngoài một ít lễ vật tùy thân. Đi đến đâu, chúng ta cũng kết duyên với mọi người, thậm chí chỉ bằng một tấm hình Phật nho nhỏ in rất đẹp, phía sau đề mấy câu kinh văn. Tùy lúc tặng mọi người, mỗi niệm không quên quan tâm chúng sanh, thương yêu, giúp đỡ chúng sanh.

Tặng tấm hình Phật nhỏ cho họ, chính là thương yêu, quan tâm, giúp đỡ họ; khiến cho họ “nghe qua tai mãi trồng được thiện căn”. Nếu họ có hứng thú, có tâm hoan hỉ, chúng ta liền liên hệ với họ, thường không ngừng gửi tặng vật băng đĩa. Tóm lại, mỗi giờ mỗi phút đều phải lưu ý, phải đem Phật pháp giới thiệu cho mọi người, nhất định phải từ “Bất phạm oai nghi” mà làm, để người khác thấy chúng ta liền sanh tâm hoan hỉ. Không nên để người khác nhìn thấy chúng ta liền sanh tâm chán ghét. Cái hoan hỉ đó phải nỗ lực mà làm, ngoài ra còn phải cầu Tam Bảo gia trì. Học Phật phải thành tựu tấm thành tích. Tấm thành tích đó thể hiện trên tướng hảo đổi tốt, và thân thể đổi tốt.

Trong hội trường của chúng ta, có một vị lão pháp sư Hàn Quốc. Năm nay ông tám mươi tuổi, một mình lữ hành cùng cả đống hành lý. Thân thể ông rất khoẻ mạnh, người trung niên không thể sánh bằng. Đây là biểu hiện thành tích của nhà Phật do thường niệm A Di Đà Phật. Lần này ông đến thăm, tôi đề ra “Tín tâm niệm Phật”, ngay trong tín tâm đã đầy đủ tất cả Phật pháp. Người Trung Quốc nói “Nhất tâm niệm Phật”, nhất tâm chính là tín tâm. Còn hoài nghi, xen tạp, thì không gọi là tín tâm. Đại sư Ngẫu Ích nói lục tín trong “Yếu giải” của ngài: tín tự, tín tha, tín sự, tín lý, tín nhân, tín quả. Không có hoài nghi, không hề gián đoạn, gọi là tín tâm niệm Phật, nhất định sẽ nắm phần vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Hiện tại tuy chưa đi nhưng đã được ghi danh ở thế giới Cực Lạc, họ có thể đi bất cứ lúc nào. Năm nay ông ấy tám mươi, tuổi tác tuy lớn đối với thế giới này nhưng đối với tất cả chúng sanh, ông chân thật rất thương yêu quan tâm, lo lắng. Ông chỉ sợ Phật pháp về sau không có người kế thừa, nên khi nghe nói chúng ta ở đây mở lớp bồi dưỡng một tốp pháp sư trẻ tuổi tu học pháp môn tịnh độ, ông ấy hoan hỉ không gì bằng, liền đến đây thăm viếng chúng ta. Thấy chúng ta có người kế thừa nên ông ấy vãng sanh sẽ không còn gì lo lắng nữa, có thể an tâm ra đi. Chúng ta đối với hành trì của lão pháp sư cũng rất tôn kính và tán thán.

Điều thứ ba của tam phước

Ÿ Câu thứ nhất, “Phát bồ đề tâm”

Kinh Vô Lượng Thọ dạy chúng ta vãng sanh “Tam bối vãng sanh”, “vãng sanh chánh nhân”, trong hai phẩm kinh này đều nói mạnh việc phát tâm Bồ Đề một lòng chuyên niệm A Di Đà Phật. Nhưng vì sao người niệm Phật thì nhiều mà người vãng sanh lại ít? Từ trước, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam thường nói, một vạn người niệm Phật chân thật có thể vãng sanh chỉ khoảng ba đến năm người. Nguyên nhân cuối cùng do đâu, rất ít người biết. Họ niệm Phật rất chuyên cần, một ngày niệm mấy vạn danh hiệu Phật, xâu chuỗi không rời tay, nhưng vì sao không thể vãng sanh? Vì họ làm được “Một lòng chuyên niệm”, mà chưa làm được “Phát tâm Bồ Đề”. Từ sớm đến tối vẫn niệm Phật, nhưng vẫn còn cãi lộn với người, vậy làm sao được? Một ngày có niệm mười vạn danh Phật hiệu cũng không thể vãng sanh, vì chưa có tâm Bồ Đề. Cho nên Bốn mươi tám lời nguyện, mọi người biết được nguyện thứ mười tám là quan trọng, nguyện thứ mười chín cũng không thể xem thường.

Nguyện thứ mười chín là phát tâm Bồ Đề. Bạn không phát tâm Bồ Đề không được. Tâm Bồ Đề là gì? Là tâm chân thật giác ngộ. Giác ngộ thế gian này khổ không vô thường, đây mới là chân thật giác ngộ. Đối với thế gian này nhất định không tham luyến. Chúng ta sống trên thế gian này như sống trong căn nhà trọ, thời gian rất ngắn, tốt hay không tốt đều được, hà tất phải tính toán, vì chỉ còn mấy ngày phải đi thì có gì đáng để so đo. Cho nên phải nhìn thấy mọi thứ đều tốt, thuận cảnh tốt, nghịch cảnh cũng tốt, người thiện tốt, người ác cũng không tệ. Giữ gìn tâm địa của chính mình thanh tịnh bình đẳng, đó là tâm Bồ Đề. Chúng ta chân thành đối với người, y theo giáo huấn của Phật mà sinh hoạt, làm việc, và đối nhân xử thế tiếp vật, vĩnh viễn giữ gìn tâm thanh tịnh bình đẳng của chính mình. Như vậy mới tương ưng tâm Bồ Đề. Chiếu theo kinh điển, căn bản của tâm Bồ Đề là tâm chân thành. Tâm chân thành khởi tác dụng đối với chính mình, chính là lòng tự trọng tự ái, chúng ta gọi là thâm tâm. Đối với người khác quan tâm thương yêu giúp đỡ, đối với tất cả chúng sanh nhất định phải có tâm Bồ Đề. Tâm Bồ Đề là chân tâm, cũng là tâm Phật.

(Còn tiếp ...)

KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC

Pháp sư: HT. TỊNH KHÔNG

Biên dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: PT. Giác Minh Duyên

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]