Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hành Trình Giác Ngộ (sách PDF)

17/08/201421:47(Xem: 19503)
Hành Trình Giác Ngộ (sách PDF)
Hanh Trinh Giac Ngo

HÀNH TRÌNH GIÁC NGỘ

Tu tập Phật pháp trong cuộc sống hằng ngày
TULKU THONDUP
Harold Talbort biên soạn - Bản Dịch Việt Ngữ: Tuệ Pháp



 

LỜI NÓI ĐẦU


Sự rèn luyện cốt lõi nhất trong Phật giáo, và cho chủ đề này trong bất kỳ con đường tâm linh nào đều là “phương tiện thiện xảo”, nhờ đó hành giả có khả năng chuyển hóa mọi khía cạnh cuộc sống hàng ngày của họ thành rèn luyện tâm linh. Rèn luyện tâm linh là những luyện tập làm giải thoát tâm thức khỏi sự bám chấp mãnh liệt và lực khao khát thúc đẩy của chúng ta. Sự rèn luyện tâm linh xoa dịu đau khổ tạo ra bởi quan điểm chật hẹp, cứng rắn và những cảm xúc hỗn loạn, thiêu đốt của chúng ta.

Rèn luyện tâm linh quyết định sự nhận biết và kinh nghiệm của rộng mở, an bình, hoan hỷ, tình thương, và trí tuệ. Nếu tâm tràn đầy tình thương, an bình và trí tuệ, thì tâm thức và năng lượng tâm linh chúng ta sẽ mạnh mẽ. Nếu tâm thức và năng lượng tâm linh chúng ta mạnh mẽ, các nguyên tố vật chất của thân thể trở nên mạnh khỏe và các sự kiện trong cuộc sống chúng ta trở nên tích cực. Vì lẽ đó, nếu năng lượng tâm thức mạnh mẽ, tâm chúng ta sẽ tự nhiên an bình và hoan hỷ hơn. Những ngày của toàn bộ cuộc đời sẽ trôi chảy trong một chu trình thực sự hạnh phúc. Như Ngài Dodrupchen Rinpoche đệ tam viết:

Khi tâm không rối loạn, năng lượng của bạn sẽ không nhiễu loạn và nhờ đó các nguyên tố khác của thân cũng sẽ không hỗn loạn. Do vậy tâm bạn sẽ không bị rối loạn và bánh xe hoan hỷ sẽ liên tục quay.

Có hai cách quan trọng để chuyển hóa cuộc sống hàng ngày thành sự rèn luyện. Thứ nhất, nếu bạn đã nhận biết trí tuệ siêu vượt tâm thức ý niệm, hoặc thậm chí nếu chưa siêu vượt được tâm thức ý niệm nhưng có kinh nghiệm tâm linh hùng mạnh như lòng bi, sùng kính, hay thiền định, thì bạn có thể hợp nhất hay chuyển hóa mọi hình tướng và kinh nghiệm thành một hỗ trợ cho năng lượng của trí tuệ nhận biết và kinh nghiệm tâm linh.

Với những bậc đại tinh thông, mọi hình tướng của hiện tượng đều trở thành sự diễn tả của tự thân trí tuệ nội tại của họ. Tất cả hình tướng trở thành năng lực của giác ngộ, giống như ánh sáng mặt trời vỗ về những bông hoa hạnh phúc nở rộ trong lòng của tất cả những gì xung quanh.

Thứ hai, với người bình thường như chúng ta, tâm thức là khái niệm, cảm xúc và chưa nhận biết thì điều cốt lõi là dựa vào bất cứ phương tiện thiện xảo nào – các hình ảnh tâm linh, dấu hiệu, âm thanh, hay nguồn năng lượng tích cực – như phương tiện phát triển năng lượng tâm linh. Nếu có thể thấy các đối tượng chung quanh như một nguồn cảm hứng và an bình, chúng sẽ phát sinh an bình và hạnh phúc trong chúng ta vì năng lực của nhận thức chính mình.

Tương tự như vậy, chúng ta không thể chuyển hóa hoàn cảnh tiêu cực thành tích cực nếu thấy chúng là tiêu cực và phản ứng chúng với cảm xúc tiêu cực. Chừng nào còn giữ nhận thức tiêu cực, nhìn hoàn cảnh chúng ta qua bóng tối, thì toàn bộ thế gian sẽ xuất hiện tiêu cực, và mọi nỗ lực của chúng ta sẽ là một đấu tranh không bao giờ hết. Do vậy, chúng ta nên đặt nền tảng của an bình và hoan hỷ thật sự trong tâm bằng việc phát triển phương tiện thiện xảo của rèn luyện tâm linh, không cố gắng né tránh nghịch cảnh. Như Ngài Shantideva (Tịch Thiên) giảng giải:2

Kẻ thù thì vô hạn như không gian (trải rộng) 
Không thể chiến thắng tất cả chúng. 
Tuy nhiên, nếu bạn chỉ chiến thắng tư tưởng thù hận, 
Sẽ ngang bằng với việc chiến thắng mọi kẻ thù 
Ở đâu có tấm da 
Có thể che phủ cả trái đất? 
Nhưng mang một dép da 
Thì tương đương với việc bao phủ cả trái đất bằng da.

Quyển sách này bao gồm mười lăm bài báo và bản ghi chép các cuộc nói chuyện đã được xuất bản. Được chia thành hai phần: một dẫn nhập vào con đường của đạo Phật và một thảo luận về thực hành thiền định. Cốt tủy của sách này là điều khoản về thực hành thiền định Ngondro, sự rèn luyện cốt yếu của truyền thống Longchen Nyingthig của Phật giáo Tây Tạng. Ngondro tiêu biểu cho một tiến trình rèn luyện đầy đủ, khởi đầu với việc gợi cảm hứng tâm hành giả đến Giáo Pháp và kết thúc với việc hợp nhất tâm hành giả với tâm giác ngộ của đức Phật, sự giác ngộ phổ quát. Những đề mục khác đề cập đến các hướng dẫn hoặc tài liệu trợ giúp cùng nhau tạo thành một cẩm nang về việc làm sao chuyển những kinh nghiệm khác nhau mà chúng ta gặp, dù là hiện tượng bên ngoài hay bên trong, thành cái thấy tâm linh, tự chủ, và kinh nghiệm.

Phần Một bao gồm sáu chủ đề. Chúng tạo nên sự giới thiệu đến cái thấy tâm linh, văn hóa, và cuộc sống, là phương tiện quan trọng của việc chuyển hóa cuộc sống của thân, tâm chúng ta thành tu hành Giáo Pháp.

1. “Sử dụng cuộc Sống hàng Ngày như sự Thực hành Giáo Pháp.” Chủ đề này tổng kết một số nguyên lý nền tảng của Phật giáo – chúng ta là ai và tại sao có thể chuyển cuộc sống hàng ngày của chúng ta thành tu hành tâm linh và nhận ra Phật tánh, trạng thái của an bình và trí tuệ vô thượng.

Nếu đi theo con đường đúng của tu hành tâm linh, chúng ta có thể chiến thắng mọi đau khổ của cuộc sống, đó chỉ là những ảo tưởng của tâm thức lừa gạt, và giống như người nằm mơ thức dậy từ một ác mộng. Bản tánh toàn giác là tự phát trong chúng ta, vì trong thật tánh mình chúng ta là tất cả chư Phật. Đau khổ là phó phẩm của tâm thức khái niệm chấp bám vào “bản ngã” của chúng ta, được khích động bởi sự gây hấn, tham lam, và hỗn loạn. Rèn luyện trong nhiều thiền định khác nhau như nhẫn nhục và thái độ làm lợi ích người khác sẽ an định những khái niệm và cảm xúc tiêu cực, và cùng lúc phát sinh an bình, hoan hỷ, và trí tuệ trong chúng ta.

2. “Mở rộng Tâm với lòng Bi mẫn.” Lòng bi là thái độ quan tâm, một sự rộng mở của tâm thức. Nó cũng là năng lực toàn giác của Phật Tánh. Chủ đề này giải nghĩa trong những lời đơn giản về lòng bi là gì và làm sao chúng ta có thể phát triển nó. Lòng bi mẫn như một thiền định không chỉ phát triển an bình và hòa hợp, mà còn đánh thức Phật Tánh trong chúng ta. Sự giới thiệu về lòng bi này minh họa thêm loại kết quả gì chúng ta có thể trông chờ từ nhiều rèn luyện tâm linh khác nhau, như sự sùng kính, nhận thức thanh tịnh, và thiền quán.

3. “Một Hành trình Tâm linh trong một Cuộc Sống Hỗn loạn.” Dùng cuộc sống hỗn loạn của tôi như một minh họa, giáo lý sâu sắc của Phật giáo được trình bày. Bằng cách ban cho tôi sức mạnh để chịu đựng những tai ương và cảm xúc phá hoại xảy đến với tôi và nhiều người khác, giáo lý đạo Phật trở thành phương tiện duy nhất của sự sống còn của tôi trong một thế giới hỗn loạn. Nếu bạn biết cách thì đau khổ có thể trở thành một công cụ hùng mạnh hơn hạnh phúc trong việc chuyển hóa cuộc sống thành con đường giác ngộ.

4. “Công cụ của đạo Phật là sự Hỗ trợ của Nhận biết Tâm linh.” Hãy sử dụng một hình ảnh của Đức Avalokiteshvara như một ví dụ, chủ đề này giải thích ý nghĩa biểu tượng của công cụ tâm linh như một nguồn của cảm hứng, giảng dạy, và năng lực. Nếu chúng ta khéo léo hiểu được nhiều công cụ khác nhau như các biểu tượng tâm linh và suối nguồn của năng lực, thì sẽ đến lúc khi mọi hiện tượng, không chỉ các công cụ tâm linh, sẽ xuất hiện trước chúng ta như hình ảnh của giáo lý và sự nhận biết của an bình, hoan hỷ, và trí tuệ.

Nó dễ dàng cho người bình thường chúng ta sử dụng các đối tượng có ý nghĩa tâm linh trực tiếp và năng lực như một phương tiện của cảm hứng hơn là dùng các đối tượng khác. Các đối tượng có ý nghĩa tâm linh trực tiếp và năng lực bao gồm các bức họa tôn giáo, tượng, đền chùa, kinh sách, vị thầy, thiền giả, và những nơi thiêng liêng.

5. “Các Thangka Phật giáo Tây Tạng và Ý nghĩa Tôn giáo của Nó.” Chủ đề này phác thảo những nét chính các bức họa Phật giáo Tây Tạng của nhiều truyền thống khác nhau, với một nhấn mạnh về ý nghĩa tôn giáo của chúng.

Với người có khuynh hướng tâm linh, nghệ thuật tôn giáo trong nhiều tướng hiền minh và phẫn nộ là một công cụ hùng mạnh để phát triển và làm mạnh mẽ kinh nghiệm tâm linh với nhiều sự diễn tả khác nhau của hiện tượng. Với người đã giác ngộ, nghệ thuật tâm linh là năng lực, ánh sáng, và năng lượng, sự trải rộng của an bình, sức mạnh và trí tuệ bên trong của họ. Nghệ thuật cũng có thể là tự thân trí tuệ xuất hiện trong dạng hình ảnh của năng lực và biểu tượng của giáo lý. Thế nên, nghệ thuật tâm linh là một phương tiện quan trọng để chuyển nhận thức của hiện tượng thành sự nhận biết của an bình, sức mạnh, và trí tuệ.

6. “Chuẩn bị cho Bardo: Các Giai đoạn của Cận Tử và Sau Khi Chết.” Chủ đề này giải thích chi tiết toàn bộ tiến trình cận tử từ lúc cái chết bắt đầu đến những gì xảy ra sau khi chết. Dựa căn bản trên kinh điển mật tông (tantra) của Phật giáo Tây Tạng, đặc điểm chính của chương này liên quan đến rất nhiều giai đoạn trong lúc sống và cận tử, với giáo lý về việc chúng ta nên thấy và kinh nghiệm mỗi bước như thế nào.

Cái chết là một thời điểm trọng yếu nhất cho mỗi người chúng ta, một cơ hội then chốt ảnh hưởng đến tương lai. Khi chết, tất cả chúng ta, giàu hay nghèo, đều chờ đợi kết quả giống nhau. Vào lúc chết, chẳng còn bạn bè, quyền lực, tiền bạc, ngay cả chính thân thể yêu mến chúng ta lại có thể đến trợ giúp được. Chỉ có thói quen, và năng lượng – karma – đã tồn trữ trong tâm thức sẽ tạo ra kết quả của cuộc sống kế tiếp, những kinh nghiệm tương lai của chúng ta. Do vậy, để chuẩn bị cho cái chết, chiến lược quan trọng nhất của chúng ta là đạt được sự hiểu biết và kinh nghiệm tâm linh trong lúc vẫn còn sống. Khi cái chết đến, việc khóc lóc cầu cứu là quá trễ.

Phần Hai bao gồm chín đề mục, tập trung chủ yếu là sự thiền định của Ngondro, sự rèn luyện thiết yếu trong Dzogpa Chenpo (“Đại Viên Mãn”), theo dòng truyền của truyền thống Longchen Nyingthig.

Ba đề mục đầu tiên là sự giới thiệu đến thực hành Ngondro. Trình bày một lịch sử tóm tắt của trường phái Nyingma và một phác thảo chính của truyền thống Ter qua đó Ngondro được phát hiện và đến với chúng ta.

7. “Trường phái Nyingma của Phật Giáo Tây Tạng.” Nyingma hay Nyingmapa (“Cổ Mật”) là trường phái cổ nhất của bốn trường phái chính của Phật giáo Tây Tạng. Đặc điểm chính của đề mục này tượng trưng độc nhất của trường phái Nyingma trong văn học, tinh thần, và lịch sử xã hội của Tây Tạng. Longchen Nyingthig mà Ngondro đặc biệt này thuộc về là một trong các dòng truyền lỗi lạc của trường phái Nyingma.

8. “Truyền thống Terma của Trường phái Nyingma.” Ter hay Terma có nghĩa “các kho tàng ẩn dấu.” Đó là các đối tượng tinh thần, giáo lý, và trao truyền được chôn dấu và phát hiện qua năng lực giác ngộ huyền bí của các bậc đại tinh thông. Trường phái Nyingma là truyền thống đạo Phật phong phú nhất về mặt giáo lý chôn dấu như Ter. Chủ đề này tổng kết những bộ Ter khác nhau được phát hiện: giáo lý Ter Đất (Sa gTer), Ter Tâm (dGong gTer), và Kiến Thanh Tịnh (Dag sNang). Nó trình bày đầy đủ chi tiết tiến trình giáo lý được chôn dấu và phát hiện sau đó. Giáo lý Longchen Nyingthig được Ngài Jigmed Lingpa (1729-1798) phát hiện là một Ter Tâm.

9. “Các Quán đảnh và Giới Luật của Tu Hành Mật Tông.” Có hai phương diện: quán đảnh (Tạng, dBang, Phạn, abhisheka) và các giới luật (Tạng, Dam Tshig, Phạn, samaya). Quán đảnh là lối vào của rèn luyện tantric hay mật truyền. Người khao khát nhận được điều này từ một vị thầy mật tông để đưa chính họ vào nhập môn. Sự quán đảnh cũng có thể được tái tiếp nhận như sự rèn luyện trong con đường. Chúng cũng có thể được tiếp nhận như thành tựu rốt ráo.

Giới luật là nguyện, cam kết, nối kết, hoặc kết quả trong mật tông hay tu hành tantric. Chủ đề này cung cấp một tổng quan toàn diện về samaya, những nghĩa vụ của nhiều trình độ khác nhau của giáo lý mật tông.

Để đi vào con đường của thành tựu và năng lực mật tông, chúng ta phải nhận được quán đảnh. Nhằm duy trì và phát triển trong thực hành mật truyền, chúng ta phải hoàn toàn an trụ nhờ các hỗ trợ tích cực của việc tuân thủ giới luật và kiên định kiềm chế những hành động tiêu cực.

Trong thật tánh mình, tất cả chúng ta là một trong an bình và trí tuệ tối thượng. Tuy nhiên, chừng nào chúng ta còn bị kẹt trong khuôn mẫu của một tâm thức nhị nguyên, trong cảm xúc tranh giành, và phiền muộn bất tận, chúng ta phải chọn con đường đúng và gắn bó với nó không thay đổi. Nếu chúng ta trên con đường đúng và đi với kỷ luật của giới nguyện, chúng ta có thể chắc chắn đạt được Phật quả.

Bộ bốn chủ đề kế tiếp là giáo lý về chánh hành Pháp, tập trung chủ yếu vào thiền định Ngondro.

10. “Sự Thiền định của Ngondro: Sự Tu Hành Chủ Yếu của Truyền thống Longchen Nyingthig.” Chủ đề này phác thảo sự thực hành Ngondro. Ngondro nguyên nghĩa là “chuẩn bị”. Tuy nhiên, rèn luyện Ngondro trong thực tế còn xa hơn thực hành chuẩn bị. Nó là một con đường thiết yếu và đầy đủ của rèn luyện thiền định Dzopa Chenpo. Nó khởi đầu bằng phát sinh cảm hứng đến việc rèn luyện tinh thần và kết thúc với sự hợp nhất với hoặc nhận ra bản tánh nội tại của tâm, là Phật tánh mà tất cả chúng ta đều thừa hưởng.

Sự thiền định Ngondro bao gồm các rèn luyện sau:

1. Cầu nguyện đến các vị thầy của dòng truyền để thành tựu thực hành Ngondro.

2. Thực hành chuẩn bị bốn bậc để gợi cảm hứng tâm chúng ta hướng đến Thiền định Giáo Pháp: suy nghĩ về sự quý báu của cuộc sống làm người, sự vô thường của cuộc đời, bản chất đau khổ của thế gian, và nghiệp, chu trình của nhân quả.

3. Rèn luyện thiết yếu bốn bậc: Thọ quy y để cam kết tâm chúng ta đến Giáo Pháp; phát triển tâm giác ngộ để đặt nền tảng của Giáo Pháp trong chúng ta; tịnh hóa qua Vajrasattva để tẩy tịnh khái niệm, cảm xúc, và nghiệp bất tịnh; và cúng dường mandala để tích lũy lực công đức.

4. Thực hành chính trong Ngondro: để nhận ra thế gian như cõi tịnh độ của Đức Guru Rinpoche, hãy cầu nguyện với lòng sùng kính, thực hành rèn luyện sùng kính bảy phần, tụng niệm mantra, tiếp nhận bốn bậc quán đảnh, và thiền định hợp nhất tâm hành giả với tâm giác ngộ của Guru Rinpoche.

5. Kết thúc: hồi hướng công đức đã tích lũy như nguyên nhân hạnh phúc và giác ngộ của tất cả chúng sanh với mọi mong ước tốt đẹp nhất.

Mục đích chính của thiền định Ngondro là nhận ra bản tánh nội tại của tâm bằng việc hợp nhất tâm chúng ta với tâm giác ngộ của Guru Rinpoche qua năng lực sùng kính. Tâm của Guru Rinpoche là sự hợp nhất của tất cả tâm giác ngộ của tất cả chư Phật và các vị thầy tâm linh, chân lý phổ quát. Bản tánh nội tại của tâm là hoàn toàn rộng mở không giới hạn, hoàn toàn nhất như không phân biệt, tánh giác tỉnh thức hoàn toàn không vô minh, và trí tuệ toàn giác không hỗn loạn.

11. “Ý nghĩa của Bài Nguyện Vajra Bảy Dòng đến Guru Rinpoche.” Trong truyền thống Nyingma bài nguyện này được xem là cầu nguyện linh thiêng, tối cao đến Guru Rinpoche. Bảy dòng của nó là trái tim của bài nguyện của thực hành Ngondro. Chủ đề này là tóm tắt của Guru’i Tshig bDun gSol ‘Debs Kyi rNam bShad Padma dKar Po, một luận giảng nổi tiếng về Bài nguyện Vajra bảy dòng do Ngài Mipham Rinpoche (1846-1912) viết, một học giả tinh thông và được tôn vinh của trường phái Nyingma. Nó diễn dịch bài nguyện trong bảy trình độ khác nhau về ý nghĩa bên ngoài và bên trong. Bài nguyện này có thể thực hành như một cầu thỉnh, một chỉ thị dẫn dắt về thiền định, hoặc một kinh nghiệm của việc thành tựu các giai đoạn khác nhau của tu hành và nhận biết mật tông.

12. “Tiếp nhận Bốn Quán đảnh của Thiền định Ngondro.” Tiếp nhận bốn quán đảnh là giai đoạn chót của thực hành thiền định Ngondro. Chủ đề này tổng kết tập hội của tu hành mật tông và thành tựu kết hợp với việc tiếp nhận bốn quán đảnh, sự ban phước năng lực giác ngộ của thân, khẩu, ý, và trí tuệ của Guru Rinpoche. Qua năng lực ban phước này thiền giả nhận biết và hoàn thiện nhiều thành tựu mật truyền khác nhau. Thành tựu chót là nhận biết của sự hợp nhất tâm chúng ta và tâm trí tuệ của Guru Rinpoche, đó là bản tánh bên trong của tâm, chân lý phổ quát.

13. “Một Thiền định Ngắn về Guru Rinpoche, Đức Padmasambhava.” Đây là một hướng dẫn đơn giản và ngắn gọn cho người không có thời gian hay năng lượng đi suốt thực hành Ngondro. Nó là một thiền định sùng kính về Guru Rinpoche, quán tưởng Ngài với những biểu tượng giác ngộ, thấy Ngài như suối nguồn ban phước, và tiếp nhận ban phước trong dạng ánh sáng. Năng lượng tâm linh phát triển qua năng lực của tâm sùng kính, nhận thức tích cực, tấm lòng rộng mở, và tánh giác tỉnh thức chuyển hóa mọi diễn giải thành cầu nguyện và năng lực trí tuệ giác ngộ của Ngài.

Hai chủ đề cuối liên hệ đến sự kết thúc của thực hành thiền định. Chúng là các hướng dẫn về rèn luyện hậu thiền định liên quan đến việc làm thế nào duy trì một cuộc sống tinh thần, trau dồi kinh nghiệm thiền quán đạt được trong thiền định, và tiếp tục phát triển.

14. “Đánh giá sự Phát triển của Thực hành Pháp.” Chủ đề này bàn về việc làm thế nào ước định sức mạnh tâm linh chúng ta, hồi hướng, những thành tựu và đánh giá tiến bộ thực sự trong cuộc sống hàng ngày và trong thiền định của chúng ta. Truớc khi có thể tìm thấy đường ra khỏi thành phố, chúng ta cần biết mình ở đâu.

15. “Một Bài Hát Cầu Nguyện đến vị Lama Tuyệt đối.” Đây là một chuyển dịch bài nguyện ca đến vị Lama tuyệt đối (vị thầy tối thượng), bản tánh nội tại của chính tâm chúng ta, chân lý phổ quát. Bản tánh bên trong của tâm ở đây được nhân cách hóa bằng vị thầy tâm linh của chính hành giả. Đây là một bài nguyện diễn tả sùng kính để mở rộng tâm chúng ta đến trí tuệ Phật, hiện thân Phật, và hành động Phật. Nó là một bài nguyện thiền quán thúc đẩy sự giải thoát căng thẳng của tình cảm và khái niệm, mở rộng đôi mắt và tấm lòng đến bản tánh phổ quát, và hợp nhất toàn bộ hình ảnh chủ thể – đối tượng trong trí tuệ của Phật tánh và tánh quang minh tự nhiên của nó.

 

LỜI CẢM TẠ

Tôi muốn gửi lòng biết ơn của tôi đến các học viện và bạn bè sau đây, những người đã tử tế góp phần để quyển sách này được hiện diện: Harold Talbott vì sự khéo léo và tận tụy trong việc biên soạn toàn bộ quyển sách; Michael Baldwin và những người bảo trợ của Buddhayana, U.S.A, về sự tài trợ hào phóng của họ cho dự án của tôi trong mười ba năm gần đây; Lydia Segal vì sự giúp đỡ biên soạn của bà với nhiều bài báo; Jonathan Miller, Tenzin và Christina Parsons, Paul Levil, Philip Richman, và Martha Hamilton cho sự chuyển âm và biên soạn lại một số cuộc nói chuyện; David Dvore vì sự kiên định giúp đỡ về vi tính; Victor và Ruby Lam dành căn phòng dễ chịu để sinh hoạt và viết; Bản Tin của Trung tâm Nghiên cứu Tôn Giáo Thế giới của Đại Học Harvard và Nhật báo Tây Tạng của Thư viện các Tác phẩm và Văn khố Tây Tạng cho phép sao lại các đề mục ở đây như chương 1 và 8; và Viện Bảo tàng Nghệ thuật Nguyên bản Boston, Học Viện Tabor ở Marion, Mass., và Trung tâm Mahasiddha Nyingmapa ở Hawley, Mass., vì cho phép xuất bản những cuộc nói chuyện được trình bày dưới sự đỡ đầu của họ. Cuối cùng tôi cám ơn Samuel Bercholz và nhân viên của nhà Xuất bản Shambala cho xuất bản quyển sách này với sự quan tâm to lớn, đến Larry Mermelstein vì rất chắt lọc quyển sách với trí tuệ biên soạn vô giá của ông, và đến Kendra Crossen vì sự biên soạn khéo léo một cách chuyên nghiệp cho tác phẩm.


404_Hanh_Trinh_Giac_Ngo
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]