Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 18: Trở lại Việt Nam

24/03/201420:28(Xem: 9037)
Phần 18: Trở lại Việt Nam
blank

Phần 18: Trở lại Việt Nam

HT Thich Nhu Điển

K

okkukai kaikan tức là Quốc Tế Hội Quán; nơi đây các sinh viên ngoại quốc, trong đó có cả sinh viên Việt Nam cư ngụ và cũng là nơi các sinh viên ở ngoài đến đây thăm viếng, cũng như hội họp và ăn cơm rẻ tiền. Hội Quán nằm gần nhà gare Okubo. Muốn đến đây phải đi ngang qua một tiệm ăn Việt Nam, người chủ là Bà Định. Bà ta có chồng người Nhật và là một Phật Tử rất thuần thành. Vào thời điểm 1973 khi Hòa Thượng Thích Minh Tâm chuẩn bị sang Pháp, bà có ý muốn giúp quý Thầy một cơ sở để làm ăn, chỉ chuyên bán nước đá và nước ngọt ở Ikebukuro. Nguồn lợi có được, giúp cho quý Thầy đang gặp khó khăn về học phí. Thế là Hòa Thượng Thích Nguyên Đạt và tôi xung phong vào ở đó (lúc nầy tôi chưa vào ở chùa Honryuji). Sau một thời gian kinh doanh phải nói là thất bại, vì ngôn ngữ không rành và không biết phương pháp tiếp đãi khách hàng. Thế là đóng cửa sau 3 tháng; nhưng dẫu sao đi nữa chúng tôi cũng cảm ơn bà. Vì nhờ bà với tấm lòng hảo tâm như vậy, chúng tôi mới rõ được lòng người, khi ở một đất nước xa lạ vẫn có những tâm hồn độ lượng, cứu người giúp đời như thế.

Tôi cũng hay đến cư xá quốc tế nầy để thăm Nguyễn Chánh Khê và một vài người bạn hữu khác như Ngô Chí Dũng, Huỳnh Lương Thiện v.v… Họ là những sinh viên xuất sắc, tuy mỗi người có một hướng hoạt động khác nhau. Lê Tùng Phương bây giờ đang ở Pháp, ngày ấy cũng ở đây. Chúng tôi có


những buổi mạn đàm chung mà cũng có những buổi nói chuyện riêng, vì đa phần các anh chị em sinh viên nầy đều là Phật Tử, không khí thật cởi mở và thân tình. Trong những câu chuyện bình thường ấy có người bảo rằng: „Hè năm nay (1974) chính phủ cho phép các sinh viên du học về thăm quê và còn ưu đãi nữa. Nghĩa là những nơi nào có Air Vietnam bay đến, sinh viên về nước nghỉ hè họ chỉ lấy có nửa tiền thôi và di chuyển, ăn ở trong quốc nội cũng vậy“. Đó là một tin vui cho mọi người, trong đó có tôi. Thật sự ra tôi cũng chưa muốn về lại thăm quê trong thời gian nầy; nhưng cơ hội tốt như thế đâu có đến lần thứ hai. Vả lại đây là chủ trương của ông Hoàng Đức Nhã, cố vấn cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thuở ấy có ý tốt để chiêu dụ các sinh viên về nước, để sau nầy học xong, họ trở lại quê nhà phục vụ cho quê hương. Đồng thời khi xem truyền hình, tôi thấy tình hình chiến sự ở Việt Nam mỗi ngày một gia tăng thêm. Cuối cùng rồi tôi cũng xin phép Thầy trụ trì Oikawa về thăm Việt Nam trong vòng một tháng của mùa hè năm 1974 ấy.

Nghe tôi đi Việt Nam như vậy, Nakatomi và Matsunaya, hai Tăng sĩ Nhật ở chung cùng chùa cũng muốn đi Việt Nam cho biết. Cuối cùng có thêm hai vợ chồng ông Tanaka ở gần chùa cũng xin đi. Do vậy đoàn của chúng tôi gồm 5 người tất cả. Từ Haneda Nhật Bản bay về lại Việt Nam cũng phải bay qua Đài Bắc, Hồng Kông rồi mới đến Tân Sơn Nhất, tổng cộng mất hết 8 tiếng đồng hồ.

Đến Sàigòn được chùa Hưng Long cho người đi đón và tối hôm đó có cuộc hội ngộ nhỏ tại chùa Hưng Long với Thầy trụ trì, Thầy Phó trụ trì cùng Tăng chúng bổn tự và một vài vị Thầy ở xa đến thăm. Chương trình về lại quê hương lần nầy của tôi dự định đi thăm Huế, Đà Nẵng, Hội An, Đà Lạt và Cần Thơ cũng như học lái xe hơi. Hai tuần lễ đầu tiên tôi dành thì giờ cho việc đi thăm những nơi tại Sàigòn trước và sau đó mới đi những nơi xa, cùng đi với 4 người Nhật kia và sau khi họ về nước, tôi mới đi học lái xe.

Những ngày đầu tiên ở lại chùa Hưng Long gặp hai chuyện khó khăn. Đó là ngủ trên bộ ván ngựa đau lưng vô cùng và tại chùa khi tắm không có nước nóng. Quý Thầy trong chùa trêu tôi là mới đi xa có mấy năm mà đã quên Việt Nam rồi. Thật ra hơn 2 năm ở Nhật tôi đã hội nhập vào đó không biết bao nhiêu điều, bây giờ trở lại Việt Nam thấy có nhiều cái xa lạ. Huống gì là bây giờ nữa, sau chừng ấy năm, gần 40 năm rồi còn gì, nếu kể từ thời điểm năm 1974, tôi chưa có lần nào về nước, thì độ cách biệt giữa trong và ngoài nước chắc xa nhau rất nhiều, nhất là về tư tưởng. Vì ở ngoại quốc, sống dưới thể chế tự do; người ta có thể nói bất cứ điều gì mà người ta muốn nói; chứ không phải khi phát biểu phải ngó tới dòm lui như Việt Nam mình. Do vậy tôi chưa về Việt Nam trong hiện tại, đây là lý do chính vậy.

Tôi vừa nói tiếng Việt lẫn tiếng Nhật khi cần thông dịch cho 4 người Nhật đi cùng; nên ai cũng trầm trồ rằng: „Thầy Như Điển mới đi Nhật có mấy năm mà giỏi tiếng Nhật quá xá“. Tôi nghe cũng cảm thấy vui vui; nhưng cũng chẳng có gì lạ về việc nầy cả. Vì „ở bầu thì tròn, ở ống thì dài“ kia mà. Khi con người bị ném vào một môi trường nào đó, bắt buộc phải thích nghi; nếu không, mình sẽ bị sống bên ngoài lề xã hội. Đây là nguyên tắc của các cuộc sống. Cũng có một số người thích nghi với cuộc sống mới quá nhanh; nhưng cũng có một số người lớn tuổi không quen ngôn ngữ, thức ăn và văn hóa tại xứ người; nên sau năm 1975 đã có nhiều người luôn nhớ về quê hương và luôn khắc khoải mong cho có ngày trở về; trong khi đó, giới trẻ họ luôn nhìn tới tương lai ở một chân trời cao rộng khác và họ xem Việt Nam cũng như một nước ngoại quốc nào đó nằm trên bản đồ thế giới vậy.

Hòa Thượng Thích Như Tín, Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, Thầy Ngộ Hạnh, Thầy Quảng Hạo và một số quý Thầy đang sinh sống tại Lưu Học Xá Huyền Trang thuở ấy có làm một bữa tiệc mừng để đón tiếp chúng tôi. Sau bữa tiệc linh đình kia Hòa Thượng Bảo Lạc kêu tôi nói riêng là: „Hòa Thượng cũng muốn đi du học Nhật Bản. Vì tình hình Việt Nam không có gì khả quan mấy. Vả lại mới đi Nhật có mấy năm mà sao tiếng Nhật giỏi quá vậy?“. Tôi nói rằng: Nếu Thầy muốn như vậy thì hãy chuẩn bị tất cả những hồ sơ cần thiết, sau khi đi các nơi về Như Điển sẽ gom hồ sơ lại mang qua Nhật và sẽ làm giấy tờ giúp cho Thầy.

Song song đó tôi cũng đã giúp cho Thầy Minh Tuấn ở chùa Hưng Long và hồ sơ đi Nhật của Thầy ấy tôi đã làm trước khi về lại Việt Nam lần nầy và hy vọng khi qua lại Nhật, Thầy ấy sẽ có giấy nhập cảnh Nhật. Qua kinh nghiệm của chính tôi, Thầy Như Mẫn An Thiên, Thầy Minh Tuấn; nên việc lo giấy tờ cho Hòa Thượng Bảo Lạc chỉ trong vòng 3 tháng là xong, sau khi tôi trở lại Nhật vào năm 1974.

Đi thăm Đà Lạt thơ mộng, tôi dẫn 4 người Nhật theo cùng. Họ đã đến Hồ Than Thở, Thác Prenn, Thác Cam Ly và xem một vài thắng cảnh khác, sau đó lên phi trường Liên Khương để bay ra Huế rồi vào Đà Nẵng. Chủ yếu của tôi là về lại chùa Tổ cũng như chùa Viên Giác ở Hội An để đảnh lễ Sư Phụ và làm sao có thì giờ để về quê thăm Thân Phụ của mình. Nằm đêm tại chùa Viên Giác Hội An, để nhìn ánh sáng hỏa châu chiếu sáng lập lòe suốt đêm và nghe tiếng đại bác nổ đì đùng rát cả hai vành tai; nên hôm sau tôi quyết định không về quê và nhờ người lên quê đón thân phụ tôi xuống chùa Viên Giác để thăm. Như vậy an toàn cho cả tôi và 4 người Nhật đi cùng nữa. Đó là lần gặp Thân Phụ sau cùng cho đến năm 1986 người đã ra đi ở tuổi 89 tuổi.

Sau khi đi thăm phố cổ Hội An và Chùa Cầu Nhật Bản cũng như cho 4 người Nhật ăn Cao Lâu chay và Mì Quảng đặc biệt; họ chẳng còn lời nào để tán dương ẩm thực ở Việt Nam nữa. Vì ở Nhật làm gì có tô Cao Lâu và Mì Quảng bốc khói như vậy. Mỗi dân tộc đều có một cách ăn uống khác nhau. Ví dụ như người Ấn Độ vẫn ăn cơm như Việt Nam chúng ta; nhưng cái gì cũng cho cà-ri vào đó, đồng thời họ ăn ớt rất nhiều. Người Nhật cũng ăn cơm; nhưng cơm của họ dẻo như xôi và thức ăn thì ngọt chứ không mặn như Việt Nam. Còn người Trung Quốc thì dùng quá nhiều dầu; người Đại Hàn lại quá nhiều ớt và tỏi. Khi qua Tây Phương, lối ẩm thực lạ khác hẳn Á Châu chúng ta; nhưng đó là phong vị của từng dân tộc để họ có thể bảo tồn đặc sản văn hóa ẩm thực của họ.

Sau khi đưa 4 người Nhật nầy về lại Sàigòn và họ trở lại Tokyo thì tôi đi ghi danh học lái xe Jeep cũng như xe gắn máy ở gần trường đua ngựa Phú Thọ. Lúc nào không có giờ học thì tôi đi thăm bạn bè hoặc phố thị. Một hôm đang đi trên đường Lê Lợi thấy ai giống Nguyễn Thông, người bạn cũ năm nào; nên đã tặng cho anh ta một cây quạt Nhật Bản. Đến mấy ngày sau đó, tôi ghé thăm Đại Học Vạn Hạnh lại gặp Nguyễn Thông nữa và bảo rằng: Hôm trước mình đã tặng quà cho bạn rồi. Thông trố mắt nhìn và bảo rằng: Bạn về lúc nào mình đâu có biết và chưa gặp lần nào mà! Thế là tôi đã lầm. Người mà tôi gặp tại đường Lê Lợi tức là Bác sĩ Văn Công Trâm đang du học tại Đức và về lại thăm quê hương trong dịp nầy cũng giống như trường hợp của tôi và bao nhiêu sinh viên khác trở lại quê hương. Trâm cũng là bạn cũ hồi Tiểu Học; nhưng nhìn Trâm lại nghĩ là Thông. Nhân cơ hội nầy tôi mời Thông đi Cần Thơ với tôi một chuyến cho vui. Thông nhận lời.

Miền Tây Việt Nam tôi mới biết Mỹ Tho và Cần Thơ; ngoài ra chưa biết nơi nào cả. Đến Mỹ Tho để thăm Lê Văn Thảnh cũng đi du học Nhật và về lại thăm quê; nên chúng tôi đã ở nhà của Thảnh lúc đó mấy ngày và Thảnh giới thiệu công thức làm nước mắm, nghề truyền thống của gia đình ra sao và cuối cùng chúng tôi đã lấy xe đò đi Cần Thơ. Đến Cần Thơ chẳng quen ai, chúng tôi đến bến Ninh Kiều để nói chuyện một hồi về tương lai của đất nước và cảm nghĩ của mỗi người. Bắt đầu từ đó tôi và Thông có cách nhìn về quê hương khác nhau theo chiều hướng của mỗi người. Tối đó chúng tôi xin tá túc tại một ngôi chùa và ngày hôm sau chúng tôi cùng dậy để đi công phu khuya. Đặc biệt chùa nầy sau khi tụng Lăng Nghiêm xong, Thầy trụ trì cho đi kinh hành quanh điện Phật cả 7 vòng luôn, mồ hôi nhễ nhại sau khi kết thúc một thời kinh.

Trên đường về Thông chỉ lơ đễnh nhìn bèo trôi trên dòng nước khi ngồi trên phà và tôi nói Thông cứ chọn trái cây để mua đem về biếu cho Nguyệt. Ngày ấy họ chưa cưới nhau; nhưng sau nầy họ đã trở thành vợ chồng, sống chung với nhau và có hai con. Cách đây 3 năm, Thông đã quy y Tam Bảo với pháp danh là Nguyên Minh; người bạn cũ của tôi ấy đã về với những lời cầu nguyện khi hơi thở cuối cùng với câu Phật hiệu Nam Mô A Di Đà.

Cho hay con người hay muôn vật cũng vậy, khi đến đường cùng họ phải bám víu vào một cái gì đó để tự tồn, khi mà niềm tin vào lý tưởng của họ đã không đạt được trong cuộc sống như họ đã suy nghĩ. Khi ở Đức tôi có phone về Việt Nam cho Thông và bảo Thông cũng như Nguyệt, vợ Thông, nên tụng kinh Thủy Sám hay Lương Hoàng Sám cho Thông nghe và chính Thông khi rảnh cũng như những lúc bệnh tình không bị hành hạ thì Thông cũng đã chiêm nghiệm lời kinh qua những trang sách để trước mặt. Đời người ai rồi cũng phải một lần ra đi; nhưng có kẻ ra đi yên tĩnh và cũng có lắm người chưa muốn ra đi mà phải bị ra đi, vì có bao nhiêu mối lo chưa giải quyết xong. Con gái đầu của Thông tốt nghiệp Đại Học ở Canada và đã về nước làm việc. Đứa con trai thứ hai đang học dở dang Đại Học tại Seattle Hoa Kỳ phải trở về nước đưa tang cha. Có lẽ cậu nầy cũng khó mà tiếp tục con đường học vấn của mình khi người cha không còn nữa. Không biết rằng tờ báo Saigon Times nơi Thông đã làm việc lâu năm có giúp gì cho hoàn cảnh của gia đình nầy chăng?

Người nào sống lâu trên đời nầy cũng sẽ có dịp để chứng kiến cho bao nhiêu cuộc ra đi như vậy. Nghĩ cho cùng thì ai trong chúng ta rồi cũng phải chết; nhưng tại sao trong lúc sống hờn giỗi nhau, chửi bới nhau, sát phạt nhau, thậm chí còn chém giết với nhau để tranh tiền, tranh tình, tranh danh, tranh lợi. Nhưng để làm gì? Chắc tất cả mọi người đều đã biết câu trả lời hết rồi. Thế mà thế giới nầy cứ đấu tranh. Tại sao người ta không hiểu cái hậu quả trước để rồi chẳng gây nhân bất thiện, để cho cuộc đời nầy còn đẹp đẽ hơn nhiều không?

Kể lại chuyện đi học lái xe cũng vui vui. Tôi đã học lái gần 20 tiếng đồng hồ như vậy. Thầy dạy lái xe bảo rằng: „Thầy hãy ghi tên để thi lấy bằng“. Tôi đồng ý. Thế là giờ thi đã đến, tôi lái theo sự điều khiển của ông Thầy lúc quẹo trái, lúc quẹo phải, lúc chạy thẳng; nhưng xe thì không có đèn xi-nhanh; cho nên nếu muốn quẹo trái thì phải bỏ một tay lái ra giơ tay bên tay trái, đoạn quẹo và hình như xe cũng chẳng có kính chiếu hậu nữa. Nếu muốn quẹo mặt thì giơ tay lên trên mui xe làm dấu để quẹo mặt. Thế là xong. Sau nầy khi qua Đức, tôi thấy quý Thầy quý Chú phải học lý thuyết rồi thi thực hành, đi xe bánh tuyết vào mùa đông và thi đủ loại, đủ thứ… thế mà nhiều khi còn rớt lên rớt xuống; còn học lái như kiểu Việt Nam qua đây chắc phải học lại từ đầu.

Sau khi thi đậu lái xe hơi xong, tôi trở về lại chùa Hưng Long. Ngày hôm sau có người đến gõ cửa chùa và báo cho tôi biết là Thầy chưa thi xe gắn máy, mặc dầu Thầy đã có học. Tôi hỏi lại: Bây giờ phải làm sao, vì tuần tới tôi đã trở lại Đông Kinh rồi? Người ấy bảo rằng: „Chẳng có gì hết. Nếu Thầy thông cảm lo cho chúng tôi là được“. Thế là tuần sau tôi đã có cả 2 bằng lái xe hơi và xe gắn máy. Đặc biệt có cả bằng lái xe quốc tế nữa.

Trở lại Nhật tôi chỉ lái có 2 lần và bỏ lái từ đó cho đến nay. Đó là lần dọn nhà giùm cho Thầy Như Tạng cũng thất bại và lần thứ hai lái chạy tại Hachioji. Kể từ đó Thầy trụ trì Oikawa không cho lái nữa. Thầy ấy viện cớ rằng: Bên Nhật đi bên tay trái, còn ở Việt Nam lái bên tay mặt. Vả lại ở Nhật đông xe, không nên lái. Thế là bằng lái xe của tôi từ đó cho đến nay chỉ đổi thêm một lần nữa ra tiếng Đức vào năm 1978 và cho đến nay vẫn chưa xảy ra một tai nạn nào. Vì suốt gần 40 năm qua, tôi chưa bao giờ lái thêm một lần nào nữa cả.

Nếu tôi định cư ở Mỹ, Canada hay ở Úc chắc tôi cũng phải tự lái xe hơi. Vì lẽ những nước nầy đất đai rộng rãi; mỗi lần di chuyển từ chỗ nây sang chỗ kia tốn rất nhiều thời gian và giao thông công cộng không tốt như Âu Châu; cho nên hầu như bắt buộc quý Thầy Cô ở các nơi trên phải tự lái xe. Tuy nhiên có một số Hòa Thượng lớn tuổi không lái, vì còn nhờ vào đệ tử xuất gia hay tại gia được, mỗi lần đi đâu thì đã có người đưa đón.

Riêng tôi, ở Đức hay nói chung ở Âu Châu quý Thầy, quý Cô lớn tuổi ít tự lái xe. Vì lẽ giao thông công cộng của Âu Châu rất tiện lợi. Ngoài máy bay ra còn có tàu lửa, tàu điện, xe Bus v.v… cứ mỗi giờ; mỗi nửa giờ, mỗi 15 phút chạy theo hướng mình muốn đi. Cho nên việc tự lái xe cũng không còn cần thiết nhiều như ở những châu lục khác nữa.

Năm 1974 ấy tôi cũng có dẫn 4 người Nhật đi thăm gia đình ông Phạm Nam Vân, ba mẹ của anh Sơn và Hải. Lúc ấy cả hai người đều đi lính. Ở nhà chỉ còn bà Cụ, hai ông bà và những em nhỏ của Sơn, Hải đang đi học tại các trường Trung Học mà thôi. Bà Cụ vẫn niệm Phật như ngày nào. Cô Năm vẫn độc thân và lo chăm sóc cho cả gia đình. Còn bà má của anh Sơn và Hải sống với cung cách của một mệnh phụ phu nhân thời ấy. Tôi muốn giới thiệu với 4 người Nhật nầy một gia đình Việt Nam tiêu biểu như vậy.

Người xưa thì bảo rằng: „Ở trong vòng tròn, mình ít khi biết vòng tròn nầy tròn hay méo. Khi nào đứng bên ngoài nhìn vào mới biết được méo hay tròn“. Điều nầy rất chính xác. Nếu chúng tôi không đi ra khỏi nước Việt Nam, không có cơ hội để tiếp xúc với người nước ngoài thì chúng tôi chẳng biết quê hương của chúng tôi người ngoại quốc nhìn như thế nào cả. Trong khi đó chính mình lại hãnh diện về mình rất nhiều.

Ngày ấy Cộng Sản Việt Nam rất khéo tuyên truyền qua hình thức của Mặt Trận Giải Phóng; nên đa phần người ngoại quốc nghĩ rằng: Mặt Trận nầy là do người Miền Nam bất mãn chế độ; nên đã đứng lên kêu gọi thế giới chống lại chính quyền Miền Nam Việt Nam. Từ đó những phong trào sinh viên thế giới ủng hộ Mặt Trận rất nhiều; nhưng quốc tế đâu có biết rằng đứng sau lưng họ chính do Bộ Chính Trị ở Hà Nội điều khiển. Người ngoại quốc chỉ thấy trên truyền hình hằng ngày xảy ra những vụ Mỹ ném bom ở Khe Sanh, Mỹ ném bom ở Quảng Ngãi, Mỹ đốt nhà ở Cai Lậy v.v… rồi quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã bắn phá dân lành, quân đội nầy theo sự chỉ huy của Mỹ v.v… nhưng người ngoại quốc đâu có biết rằng bên trong tấm bình phong bộ đội xuôi Nam ấy đã có những toán binh của Trung Quốc thay đổi quân phục bộ đội Việt Nam để đánh giùm, khi bị bắt được những người nầy, họ không biết nói tiếng Việt, chỉ ấm ớ mấy chữ, rồi cuối cùng cũng nói ra tiếng Trung Hoa lục địa. Thế nhưng những hình ảnh như vậy không được đưa lên truyền hình. Cho nên thế giới đâu có phân biệt chánh tà là gì và ai đánh thuê cho ai. Đây là vấn đề tuyên truyền quá yếu của Việt Nam Cộng Hòa đối với thế giới tự do bên ngoài thuở ấy; nên dễ bị phản cảm.

Thời đó nếu tôi nhớ không lầm là ông Đỗ Vạng Lý, theo đạo Cao Đài, làm Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Tokyo. Mỗi năm có buổi tiệc tất niên hay tân niên, quy tụ rất nhiều sinh viên về Tòa Đại Sứ để hàn huyên tâm sự; nhưng hình như tình hình chiến sự của quê hương, Tòa Đại Sứ cũng ít đề cập đến mà chỉ thi hành những nhiệm vụ bên trên giao phó thôi. Tôi cũng đã đến đây nhiều lần để làm giấy tờ như gia hạn Passport và tham gia những lễ lộc; nhưng hình như ít ai để ý đến mình. Nhớ có một lần nhân cơ hội gặp gỡ nầy mà tôi gặp lại được ông Thầy cũ dạy Nhật ngữ tại Trung Tâm Triều Dương ở Chợ Lớn, trước khi tôi lên đường sang Nhật. Thầy trò bắt tay mừng vui. Hỏi ra mới biết Thầy được đi tu nghiệp tiếng Nhật và tôi cũng đã có mời Thầy đến chùa Honryuji để thăm một vài bữa trước khi Thầy trở lại Việt Nam. Thuở ấy tiếng Nhật tôi đã khá, có nhiều câu người Nhật nói, tôi phải dịch lại cho Thầy. Quả thật trên đời nầy có nhiều chuyện trái ngang như vậy. Có lúc làm Thầy, có lúc làm trò, có lúc làm Đệ tử nữa. Cho nên tôi vẫn hay nói rằng: „Những gì người khác biết mà mình không biết thì họ là Thầy mình. Còn những gì mình biết mà họ không biết, thì mình là Thầy họ“. Hãy lưu tâm về vấn đề nầy! chẳng có gì để hãnh diện cả. Vì biển học thì vô bờ, mà sự hiểu biết của chúng ta có giới hạn. Ai không thay đổi hình thức và tư tưởng đúng lúc, thì người ấy đã lỗi thời.

Từ những nhận định bên trên, mà cũng là theo quan niệm giáo dục của tôi học được là: „Giáo dục là nhân bản của con người. Mỗi thế hệ chỉ chu toàn được một số công việc; thế hệ nầy chỉ tiếp sức cho thế hệ kế tục, chứ không thể lo mãi cho đến thế hệ thứ ba được. Vì thế hệ thứ ba sẽ do thế hệ thứ hai truyền đạt qua“. Điều nầy cũng giống như bắt một nhịp cầu vậy. Nhịp cầu của quá khứ không thể bắt thẳng qua nhịp cầu của tương lai. Mà nhịp cầu quá khứ chỉ có thể bắt trực tiếp qua nhịp cầu trong hiện tại, rồi nhịp cầu hiện tại bắt tiếp tục qua tương lai. Nếu không làm được như vậy, thì sẽ lỡ một nhịp cầu.

Cách đào tạo học sinh hay Tăng sĩ ngày xưa ở Việt Nam cũng khác xa với ngày nay rất nhiều. Người Thầy thao thao bất tuyệt về sự hiểu biết của mình, không cần hỏi học trò có hiểu điều mình nói gì không. Vì lẽ người học trò chỉ cần học điều của Thầy giảng là đủ. Trong khi đó cái học tại Âu Mỹ lại khác. Nghĩa là vị Thầy phải dạy cái gì mà người học trò muốn nghe, muốn học; chứ không phải dạy cái gì mà ông Thầy muốn dạy.

Tôi có 45 đệ tử xuất gia và nhiều đệ tử y chỉ cũng như trong hiện tại có gần 20 đồ tôn cả Tăng và Ni. Dĩ nhiên qua thời gian năm tháng đã có một số quý Thầy quý Cô ra đời và một số thì quá vãng. Họ là những người trực tiếp học từ tôi; nhưng tôi cũng để cho họ tự do chọn lựa pháp môn tu, nếu họ thấy thích hợp và đến thế hệ thứ ba thuộc Đồ Tôn thì tôi không có ý kiến và không có trách nhiệm nữa. Thế hệ nầy do Thầy của họ chịu trách nhiệm. Sau mấy mươi năm hướng dẫn tôi thấy cái tu và cái học ở ngoại quốc nầy họ chọn tư tưởng cá nhân làm chủ đạo. Nghĩa là cái gì người đệ tử; học trò thích thì nên khuyến khích họ lao mình vào đó để tu và để học. Dĩ nhiên là họ sẽ khước từ việc đề nghị của Sư Phụ. Vì theo họ hiểu rằng: Họ học, họ tu là cho chính họ chứ không phải cho Thầy mình. Nhiều Thầy thường hay bảo thủ cho rằng cách dạy của mình là đúng và người học trò phải theo; nhưng sự trả hiếu ngày nay nó khác xa ngày xưa nhiều rồi. Cái hiếu ngày nay nó cũng giống như „mì ăn liền“. Không có gì để hy vọng họ để rồi thất vọng. Vì mỗi thời đại, mỗi hoàn cảnh sống, mỗi hoàn cảnh tu học của người xuất gia ngày nay ở ngoại quốc nó khác nhau một trời một vực với nửa thế kỷ trước rồi. Nhiều bậc Thầy lo lắng là không ai kế thế mình và làm theo những gì mình đã dạy; nhưng nghĩ lại cho cùng thì chính mình đã làm được những gì như Sư Phụ mình kỳ vọng chưa ? Nếu mà ngày nay Sư Phụ vẫn còn tại thế thì Ngài sẽ phán cho một câu là: „Tại sao nó chẳng làm theo lời mình dạy vậy cà ?“ Lúc đó mình sẽ nghĩ sao đây?

Tôi suy nghĩ như thế nầy: Nếu mình có chết đi, cây cỏ, núi rừng, sông biển, con người, muôn vật vẫn còn tồn tại ở thế gian nầy mà, đâu có ai chết theo mình mà mình phải lo. Họ phải ở lại với đời để họ tiếp tục những công việc còn lại của họ. Nó cũng giống như hơi thở vậy; nếu ở trên không trung cao, chúng ta phải thở bằng khí oxy. Nếu ở cõi trần nầy ta sẽ thở bình thường theo sự hít vào thở ra của phổi. Nếu ở dưới nước ta sẽ nín hơi thở dài hơn để ta được tồn tại trong môi trường đặc biệt như vậy. Cả 3 trường hợp trên đều vì sự tồn tại của sự sống. Nếu không là như vậy thì ta sẽ chết. Nhưng chết đâu có ý nghĩa gì ngoài việc tiếp tục sự sống khác kia. Vậy tại sao ta phải băn khoăn là thế giới nầy không có ta, sẽ thiếu đi một nhân vật quan trọng và Đệ tử không có ta họ sẽ hư đốn, khó khăn. Xin thưa! Không đâu - họ sẽ là những người gương mẫu cho thế hệ khác trong tương lai vậy.

Quê cha, đất tổ, tiếng mẹ đẻ, dân tộc, đạo pháp, tình người v.v… vốn là những danh từ trừu tượng; nhưng nó đã nằm sâu đâu đó nơi tận đáy lòng khi nghĩ đến và nhớ về, không ai là không hồi tưởng đến nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Dù cho quê người có đẹp bao nhiêu đi chăng nữa, hầu hết ai cũng nhận định rằng không bằng quê mình, nơi đó mình được sinh ra, được lớn lên, được nghe tiếng ru của mẹ ở tuổi đầu đời. Dầu cho làm đến ông gì đi nữa; người ta cũng không thể nào quên được nguồn gốc của mình. Vì nơi ấy có tình người, có hồn dân tộc.

Cũng có những trường hợp ngoại lệ như ông Phó Thủ Tướng nước Đức ngày nay là Dr. Philipp Rösler, ông sinh ra tại Sóc Trăng ở Việt Nam vào năm 1973; mới 9 tháng tuổi đã được người cha nuôi Đức đến Việt Nam đón đem về Đức làm con nuôi. Sau gần 40 năm; ông ta lên làm Phó Thủ Tướng và Bộ Trưởng Bộ Kinh Tế của đất nước Đức, là một trong những nước giàu có nhất nhì trên thế giới về nhiều phương diện. Đây cũng là cơ hội để báo chí phỏng vấn ông về nguồn gốc của mình. Tuy ông tự nhận mình là người Đức; nhưng chưa chắc người Đức đã hoàn toàn chấp nhận ông như thế. Vì lẽ da ông vàng, mũi ông thấp, tóc ông vẫn đen. Chỉ tiếc rằng ông không nói được một tiếng mẹ đẻ nào cả. Có lẽ vì thế mà cái tình quê hương và tình người phai nhạt đi chăng ? Nhưng chắc chắn một điều khi các con ông lớn lên, chúng nó sẽ hỏi Ba sinh ra ở đâu, thì ông không thể nào nói dối với chúng là nước Đức được. Bởi vì ông không giống người Đức.

Dầu đi đâu, ở đâu hay làm bất cứ điều gì người ta vẫn tưởng nhớ về quê hương là vậy; nhưng quê hương có chấp nhận mình hay không là việc khác. Ngày xưa thời nhà Đường bên Trung Quốc có một người học sinh nghèo tên là Hạ Tri Chương. Ông ta lưu lạc bốn phương trời và tìm không ra cha mẹ mình nữa. Ông tự tìm kế sinh nhai và tự học hành đỗ đạt thành tài ra làm quan. Khi về hưu ông nhớ lại quê nhà; nên đã làm một chuyến viễn du: Dĩ nhiên trên đường về quê ấy có nhiều điều đáng nói và ông đã để lại bài thơ cho đời như sau:

Thiểu thiếu ly gia lão đại hồi

Hương âm vô cải, mấn mao thôi

Nhi đồng tương kiến, bất tương thức

Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai.

Tôi tạm dịch ra tiếng Việt như sau:

Tuổi nhỏ xa quê già trở lại

Giọng quê không đổi, tóc mai thay

Nhi đồng tuy thấy, nhưng chẳng biết

Cười hỏi khách rằng, đến nơi đâu ?

Một trong hai thế hệ trôi qua, mình trở lại thăm quê nhà, sẽ trở thành một người khách xa lạ. Vì những người thân quen, lớn tuổi đã ra đi; chỉ còn lũ trẻ chơi đùa đâu đó, thấy ông khách lạ quá nên mới cười và hỏi ông ở đâu đến vậy ? Khiến khách phải chạnh lòng. Dẫu sao tiếng mẹ đẻ ông vẫn giữ nguyên thổ ngữ của chốn nầy; tuy tóc mai đã bạc, mắt đã mờ, da nhăn; nhưng không vì thế mà không còn tình người để khiến ông trở lại quê nghèo nầy.

Có lẽ lòng tôi cũng giống như ông Hạ Tri Chương một phần nào. Vì lẽ tôi mới xa quê hơn hai ba năm mà nay đã muốn về thăm nhà. Với tôi cũng hên một điều là là lúc ấy Sư Phụ, Thân Phụ và Huynh Đệ, bạn bè vẫn còn sống. Cho nên khi trở lại Nhật Bản sau một tháng ở Việt Nam năm 1974 ấy đã làm cho tôi mãn nguyện vô cùng. Dẫu cho bây giờ tôi có về lại quê hương thăm thú đi chăng nữa; nhưng gần 40 năm nay quê hương đã thay đổi quá nhiều, tình người không còn như xưa nữa và tâm trạng của tôi cũng như tâm trạng của bao nhiêu người đang ở ngoại quốc ngày nay cũng chỉ thế thôi.

Có một điều mà tôi vẫn luôn luôn hoài bão. Đó là việc giữ gìn ngôn ngữ Mẹ đẻ Việt Nam. Thông thường người ta nói rằng: đứa bé ấy nói tiếng Mẹ đẻ, chứ ít ai nói nó nói tiếng cha của nó. Vì cha nó có đẻ nó bao giờ đâu. Do vậy nếu Mẹ là người Việt Nam thì không nên quên dạy con mình bằng ngôn ngữ của mình. Nhờ ngôn ngữ, quê hương mà người Việt Nam như dòng họ nhà Lý đã xa quê từ năm 1224 đến nay mà họ vẫn không quên nguồn cội. Họ đã trở về và ta cũng sẽ trở về khi quê hương không còn một điều kiện nào ràng buộc đối với những người đã bỏ nước ra đi, dầu bất cứ lý do gì.

Sau đây là bài thơ nhan đề „Cuộc hành trình vĩnh tục“ của Tiến sĩ Lâm Như Tạng, bậc ân nhân, đã tặng tôi nhân dịp ấn hành tập hồi ký, kể lại chuyện cũ năm xưa.

Ngàyhai mươi mốt

Tháng mười hai

Năm sáu chín

Đến Đông Kinh, trời đất đã vào đông

Bước viễn du từ đấy kiếp lang thang

Xa Tổ Quốc, một mảnh hồn cô độc

Góc phố mưa giăng, đời trôi vào cơn lốc

Cửa quê hương khói lửa điêu tàn

Có gì đâu ! Những xác cháy thành than

Của trẻthơ và những người quả phụ

Của cụ già, những lính trẻ hoang mang

Nhà tranh cháy, ôi những người chưa đủ

Một miếng cơm, trống vắng cảnh cơ hàn

Nơi xứ lạ, ngày qua ngày lắm nỗi…

Không thể nào nguôi trong sách vở nhà trường

(Đại Học Minh Trị và Đại Học Đông Kinh)

Nhớ hôm ấy là một ngày thiếu nắng

Haimươi hai

Tháng hai

Năm bảy hai

Đón Thầy qua, thêm một người vào cuộc

Kiếp lưu vong nầy, hải giác thiên nhai

Những địa danh: Bát Vương Tử, Tokyo…

Chùa Bổn Lập

Đại Học Đế Kinh và Lập Chánh

Tất cả nay đã trở thành quá khứ

Cảnh trời Tây trong giấc mơ viễn xứ

Viên Giác chùa thiêng lưu dấu mãi muôn đời

Và hôm nay

Ngày mười chín

Tháng một

Năm hai ngàn mười ba

Nơi tái ngộ là ngôi nhà tôi ở

Số Bốn Ba:

Bốn phương Như Ngọc Như Hoa

Ba ngàn cõi tịnh một tòa trầm hương

Những dấu chân xưa dù cát xóa vô thường

Vẫn lưu lại một hành trình vĩnh tục.

Sydney ngày 19.1.2013

Lâm Như Tạng

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]