Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

58. Bốn động-tâm và các Phật-tích tại Ấn độ

02/03/201421:59(Xem: 21256)
58. Bốn động-tâm và các Phật-tích tại Ấn độ
phatthichca2

Sự Tích Đức Phật Thích Ca
Soạn giả : Minh Thiện Trần Hữu Danh

(Ấn bản 09/2010, có hiệu chính và bổ túc)

6- Bốn động-tâm và các Phật-tích tại Ấn độ

Vài tiếng đồng hồ trước khi đức Phật nhập niết bàn, ngài nói với đại đức Ànanda như sau :

Này Ànanda, có bốn nơi mà người Phật tử nhiệt tâm nên đến chiêm bái với lòng thành kính và tôn sùng. Đó là những nơi mà người chiêm bái có thể nói: “Chính tại đây đức Như Lai đã đản sanh”, “Chính tại đây đức Như Lai đã thành đạo”, “Chính tại đây đức Như Lai đã vận chuyển pháp luân”, “Chính tại đây đức Như Lai đã nhập Đại-bát-niết-bàn vô sanh bất diệt”. Và này Ànanda, nhiều chư Tăng Ni nhiệt thành trong Giáo Hội, và nhiều chư thiện nam tín nữ sẽ đến viếng những nơi này. Người nào trút hơi thở cuối cùng trong niềm tin vững chắc, sau khi đi hành hương, sẽ tái sanh về nhàn cảnh[1].

Lumbini (Lâm Tỳ Ni)

Lumbini là nơi đức Phật đản sanh năm 623 trước tây lịch, vào ngày trăng tròn tháng Vesàkha (tháng 5 dl), theo Phật giáo Đại thừa là ngày rằm tháng tư âm lịch năm Mậu Tuất. Lumbini là khu lâm viên xinh đẹp của cả hai xứ Sàkya và Koliya, cách Kapilavatthu khoảng 30km về hướng đông và cách Devadaha 38km về hướng tây.

Lumbini hiện nay tên là Rùpandehi, thuộc lãnh thổ Nepal, cách thành phố Bhairahawa của Nepal 13 km, cách thành phố biên giới Sonauli 27 km, cách Kapilavatthu 1 (của Nepal) 30 km. Ga xe lửa gần nhất ở thành phố Gorakhpur; đường xe từ Gorakhpur đến Lumbini phải qua Sonauli, dài 123 km. Phi trường gần nhất là Bhairahawa (Nepal) cách Lumbini 13 km. Phi trường Varanasi (India) cách Lumbini 413 km.

Theo phong tục thời bấy giờ, gần đến ngày sanh, hoàng hậu Mahà Màyà lên đường đi từ Kapilavatthu về nhà cha mẹ ruột ở thủ đô Devadaha xứ Koliya để sanh. Đến lâm viên Lumbini, gặp mùa hoa cỏ xinh tươi, bà ghé lại nghỉ ngơi, đến hồ nước Puskarini tắm rửa, thay đổi y phục, rồi đi dạo chơi. Nhưng vừa đi được 24 bước về hướng bắc hồ nước đến cây vô-ưu (sita asoka, saraka indica) đang trổ hoa vô cùng xinh đẹp, bà đưa tay phải lên định hái thì sinh ra thái tử Siddhattha.

Vào năm 252 trước tây lịch, vua Asoka có nhờ vị đạo sư của mình là Moggaliputta-Tissa đưa đến đây chiêm bái. Vua có cho dựng một trụ đá kỷ niệm hiện còn lờ mờ 5 hàng chữ Brahmi tiếng Prakrit như sau : 

Devanapiyena Piyadasina lajina visativasabhisitena,

Atana agacha Mahìyite hida Budhe jate Sàkyamuniti,

Sìlavigadabhica kalapita Sìlathabhe cha usapapite,

Hida Bhagavam jateti Lumbinigame ubalike kate,

Athabhagiya cha.[2]

Có nghĩa là: Vua Devanampiya Piyadassi (Asoka), được các thiên thần kính mến và ủng hộ, đích thân đến đảnh lễ nơi này, sau khi lên ngôi được 20 năm. Vì đức Phật Sàkyamuni đản sanh nơi đây, Vua ra lệnh xây một vách thành bằng đá bao quanh nơi này, và một trụ đá kỷ niệm bên trong. Vua cho phép dân làng Lumbini từ nay chỉ đóng thuế mễ cốc bằng 1/8 (thay vì 1/6 số hoa lợi hằng năm).

Theo lời tường thuật của ngài Huyền Trang vào thế kỷ thứ 7 thì trên đầu trụ đá có tượng một con ngựa rất trơn láng và mỹ thuật, nhưng hiện nay không còn.

Hồ nước linh thiêng Puskarini được xây lại theo hình vuông, mỗi cạnh 20m, là nơi hoàng hậu Màyà tắm trước khi sanh, và thái tử Siddhattha được tắm lần đầu tiên.

Cây Bồ-đề bên cạnh hồ có từ lúc đức Phật còn tại thế.

Trong đền thờ bà Mahà Màyà Devi, có hai bức tranh nổi rất xưa điêu khắc cảnh đức Phật đản sanh, một bức bằng cẩm thạch và một bức bằng đá, và có xác định vị-trí chính xác nơi Phật đản sanh.

Theo chương trình chỉnh trang thánh tích này của chính phủ Nepal vào năm 1999, xung quanh có rất nhiều chùa của các quốc gia Phật giáo, trong số đó có chùa Việt Nam Phật Quốc của xứ Việt-Nam và chùa Linh-Sơn Pháp Quốc của Phật tử Việt Nam tại Pháp.

Lúc đến viếng Lumbini cũng nên đến viếng Kapilavatthu[3], hiện nay là làng Tilaurakot, cách Lumbini 30 km về hướng tây-bắc.

Bodh-Gayà (Bồ-đề đạo tràng)

Bodh-Gayà hay Buddha Gayà là nơi đức Phật thành đạo vào ngày rằm tháng chạp năm Nhâm Thân, tức năm 589 trước tây lịch. Theo Phật giáo Nguyên Thủy là ngày trăng tròn tháng Vesak.

Bodh-Gayà thuộc tiểu bang Bihar của Ấn Độ, cách thành phố Gayà 16 km, cách Rajgir 70 km, và cách thành phố lớn Patna 115 km về hướng nam. Ga xe lửa gần nhất ở Gayà (16 km). Phi trường gần nhất ở Patna (115 km).

Đức Phật xuất gia năm 29 tuổi. Ngài đến học với vị đạo sư thứ nhất là Àlàra Kàlàma ở gần Vesàlì vài tuần, đạt đến bậc thiền Vô Sở Hữu Xứ. Rồi ngài đến Ràjagaha học với vị đạo sư thứ nhì là Uddaka Ràmaputta vài tuần nữa, đạt đến bậc thiền Phi Tưởng Phi Phi Tưởng. Sau đó ngài cùng với 5 anh em ông Kondanna đến khổ hạnh lâm (tapovana) thuộc vùng núi đá cằn cỗi Dungsiri, gần làng Uruvelà, tu khổ hạnh trong 6 năm. Sau cùng ngài bỏ lối tu khổ hạnh, đến làng Uruvelà, bên bờ sông Neranjana, thực hành lối tu trung đạo. Đến ngày thứ 49, sau khi độ bát cháo sữa của hai chị em cô Sujàtà dâng cúng, ngài thành đạo dưới cội cây pippala (cây Đại Bồ-đề). Đức Phật tiếp tục ở quanh quẩn bên cây Đại Bồ-đề thêm 49 ngày nữa trước khi đi đến Vườn Nai tại Isipatana (Sarnath) để vận chuyển pháp luân.

Tại Bodh-Gayà khách hành hương có thể chiêm bái :

1- Tháp Đại Giác(Mahà-bodhi temple) cao 52m.

2- Cây Mahà-Bodhi(Đại Bồ-đề) và Kim-cang-tòa(khi xưa Phật dùng cỏ sắc (kusha) trải ra làm tọa cụ và bồ đoàn): Nơi đức Phật ngồi thiền thành đạo. Đây là loại cây Pippala (tên quả) còn gọi là cây Assatha (tên hoa), tên khoa học là Ficus religiosa. Sau khi thành đạo đức Phật tiếp tục ngồi yên tại đây thêm một tuần để chứng nghiệm hạnh phúc giải thoát (Vimutti sukha). Cây Bồ-đề hiện nay là cây con của cây Bồ-đề tại Anuradhapura tại xứ Sri Lanka (Tích Lan).

3- Cây Ajapàla(Banyan tree, Figuier d'Inde, cây dừng): Nơi hai chị em cô Sujàtà, con gái ông xã trưởng Senànì, dâng cúng bát cháo sữa (kheer) trước khi Phật thành đạo. Tuần lễ thứ 5 sau khi thành đạo, đức Phật trở lại ngồi dưới cội cây này. Và cuối tuần thứ 7, cũng chính dưới cội cây này, đức Phật đã tuyên bố với vị Phạm Thiên Sahampati : “Cửa Vô-sanh đã rộng mở để cho ai có tai muốn nghe đặt trọn niềm tin”.

4- Tháp Animesalocana Cetiya: Nơi đức Phật đứng nhìn cây Bồ-đề không nháy mắt trong suốt tuần lễ thứ hai, sau khi thành đạo.

5- Đường kinh hành bằng ngọc(Ratana camkàmana): Đường kinh hành của Phật trong suốt tuần lễ thứ ba, từ cây Bồ-đề đến tháp Animasalocana Cetiya. Hiện nay còn di tích bên cạnh phía bắc tháp Đại Giác.

6- Bảo cung(Ratana Ghara Cetiya): Nơi Phật ngồi suy niệm về Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) trong tuần thứ tư. Hiện nay còn di tích bên cạnh phía bắc tháp Đại Giác.

7- Hồ sen Mucalinda: Nơi rắn thần Mucalinda che mưa gió cho Phật trong khi ngài ngồi thiền định suốt tuần lễ thứ sáu. Di tích ở hướng đông-nam tháp Đại Giác.

8- Trụ đá kỷ niệm của vua Asoka. Ở cạnh hồ sen Mucalinda.

9- Cây Ràjàyatana: Nơi đức Phật ngồi thiền định trong tuần thứ 7 và thu nhận hai thiện tín đầu tiên tên Tapussa và Bhalliya, người Miến-điện. Ở cạnh bắc tháp Đại Giác.

10- Chùa Tích Lan Sinhala Sangharàma, còn gọi là Mahàbodhi Sangharàma, trước thế kỷ thứ 7, vào triều vua Samudragupta tại Ấn và vua Meghavanna tại Sri Lanka, hiện còn ở ngay bên ngoài cổng phía bắc Bồ Đề Đạo Tràng.

11- Sông Ni Liên Thiền(Neranjana, hiện nay là sông Phalgu): Nơi Phật thường xuống tắm trước ngày thành đạo. Ở hướng đông Bồ Đề Đạo Tràng.

12- Đền kỷ niệm và nơi nhà hai chị em Sujàtàở khi xưa. Ở bên kia sông Neranjana.

13- Khổ hạnh lâm(Tapovana) với hang núi Dungsiri: Nơi Phật tu khổ hạnh trong sáu năm. Cách Bồ Đề Đạo Tràng khoảng 5 km về hướng đông-bắc.

Migadaya (Lộc Uyển)

Migadaya là Lộc Uyển (Vườn Nai) tại làng Isipatana, là nơi đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên sau khi thành đạo.

Isipatana hiện nay là Sarnath, cách thành phố lớn Varanasi 10 km về hướng bắc. Ga xe lửa và phi trường gần nhất ở Varanasi (10 km).

Hai tháng sau ngày thành đạo tại Bodh-Gayà, đức Phật đã đến đây tìm gặp lại 5 người bạn cùng tu khổ hạnh là Kondanna, Bhaddiya, Vappa, Mahànàma Kulika và Assaji để truyền pháp cho họ. Lần thuyết pháp đầu tiên này đức Phật đã nói kinh Chuyển Pháp Luân và kinh Vô ngã tướng. Nơi đây là nơi thành lập Giáo Hội Phật Giáo lần đầu tiên với đầy đủ 3 ngôi Tam Bảo là Phật, Pháp và Tăng, và cũng là nơi Phật nhập hạ thứ nhất với 10 vị đệ tử A-la-hán gồm có 5 anh em ông Kondanna, ông Yasa và 4 người bạn thân của ông Yasa. Trong hạ này có 50 người bạn khác của ông Yasa xin xuất gia, nâng số đệ tử Phật lên 60 vị.

Nơi đây, khách hành hương có thể chiêm bái :

1- Tháp Chaukhandi(có tháp canh bằng gạch trên đỉnh, xây năm 1588): Nơi đức Phật gặp lại năm anh em ông Kondanna (Kiều Trần Như).

2- Tháp Dhamek(Dhamma cakka) cao 33m : Nơi Phật thuyết pháp lần đầu tiên với Kinh Chuyển Pháp Luân và Kinh Vô ngã tướng.

3- Chùa Mulagandhakuti: Nơi thành lập Giáo Hội Phật Giáo đầu tiên với đầy đủ ba ngôi Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng), cũng là nơi an cư kiết hạ lần đầu tiên. Bên ngoài chùa có cây Bồ-đề là cây con của cây Bồ-đề tại Anuradhapura ở Sri Lanka.

4- Trụ đá và tháp Dharmàràjatikacủa vua Asoka đã bị tướng Hồi giáo Qutb-ud-Din tàn phá vào năm 1194. Trên đầu trụ đá kỷ niệm tại đây, đặc biệt có tượng sư tử 4 mặt tuyệt đẹp đang đội bánh xe pháp. Tượng sư tử 4 mặt hiện để trong bảo tàng viện Sarnath, và được chính phủ dùng làm biểu tượng chính thức của xứ Ấn. Trên trụ đá còn lờ mờ hàng chữ “... bất luận ai cũng không thể chia rẽ Tăng Già. Bất luận ai, tăng hay ni, chia rẽ Tăng Già đều phải bị đắp y trắng và ở một nơi khác hơn là chùa chiền.”

5- Bảo tàng viện Sarnathcó nhiều pho tượng và di tích đức Phật.

6- Thư viện Mulagandhakutikhá đầy đủ kinh sách Phật giáo.

Vào đêm trăng tròn tháng Vesàkha[4], lễ Phật Đản tại Sarnath rất lớn, có diễn hành trên đường phố, khách thập phương đến dự rất đông. Đến ngày rằm tháng 11 dl có lễ kỷ niệm ngày thành lập chùa Mulagandhakuti.

Kusinàgar (Câu Thi Na)

Kusinàgar (Kusinàrà), xưa kia thuộc xứ Malla, là nơi đức Phật nhập Đại Bát Niết Bàn vào ngày rằm tháng hai âm lịch năm Đinh Tỵ, tức năm 544 trước tây lịch. Theo Phật giáo Nguyên Thủy là ngày trăng tròn tháng Vesàkha.

Kusinàgar hiện nay thuộc làng Kasia, cách thành phố lớn Gorakhpur 51 km về hướng đông. Cách Lumbini 176 km và cách Kapilavatthu 2 (bên Ấn Độ) 148 km bằng đường xe. Ga xe lửa gần nhất ở Gorakhpur (51 km). Phi trường gần nhất ở Varanasi (280 km).

Vào hạ thứ 45, năm 545 trước tây lịch, tại làng Beluvagần Vesàlì, đức Phật bị bệnh nặng. Sau khi hồi phục, Phật thuyết pháp cho chư tăng ni về tánh vô thường của chúng sanh, và nói rằng chính mạng sống của ngài ở thế gian cũng sắp mãn. Ngài khuyên các vị khất sĩ không nên tìm chỗ nương tựa nơi một vị Giáo chủ mà nên nương tựa vào Tự Tính Tam Bảo sẵn có nơi mỗi người.

Sau mùa an cư, đức Phật đến giảng đường Kùtàgàra(Trùng Các) tại tinh xá Mahàvana (Đại Lâm) ở Vesàlì, tuyên bố sẽ nhập diệt trong 3 tháng.

Sau đó, đức Phật đến thủ đô Pàvàxứ Malla, nơi đây ông thợ rèn[5]tên Cunda (Thuần Đà) cúng dường trai phạn. Sau khi ăn ít cháo nấm[6], Phật bảo ông Cunda đem chôn phần còn lại, không nên cho người khác ăn. Phật nhuốm bệnh nặng.

Đức Phật muốn nhập diệt tại Kusinàgar,nơi rừng cây sàla (lâm viên Upàvàttàna), bên bờ sông Hiranyavati, vì trong một kiếp trước đức Phật đã từng làm chuyển luân thánh vương Mahà Sudarsana(Đại Thiện Kiến) tại thủ đô Kusavati(Câu Xá Bà Đề) rất phồn thịnh nơi đây. Một lý do khác là để tránh chiến tranh do sự tranh giành xá lợi Phật sau khi Phật nhập diệt.

Trước khi nhập diệt, đức Phật đã thu nhận một đệ tử cuối cùng là du sĩ Subhadda. Để trả lời câu hỏi của Subhadda muốn biết trong các vị lãnh đạo các giáo phái đương thời ai là người đã đạt đạo, đức Phật dạy :

- Này Subhadda, trong đoàn thể nào có sự thực hành Bát Chánh Đạo là ở đó có thễ có người đạt đạo.Ông hãy cố gắng thực tập pháp này đi, rồi chính ông sẽ trở nên người đạt đạo. Không cần phải đặt câu hỏi người này hay người khác có thật là người đạt đạo hay không.

Lời dạy cuối cùng của đức Phật cho ngài Ànanda :

- Này Ànanda, thầy không nên bận tâm tới việc phải làm vẻ vang nhục thể của Như Lai. Thầy hãy tận lực tinh tấn để đạt cho được hạnh phúc tối thượng của chính mình.

- Này Ànanda, thầy đừng nghĩ rằng Giáo Huấn Tối Cao không còn thầy giảng dạy, tăng chúng không còn đạo sư. Không nên, Ànanda, thầy không nên suy tư như thế. Giáo Pháp và Giới Luật đã được Như Lai truyền dạy đầy đủ và quảng bá rộng rãi. Khi Như Lai nhập diệt rồi thì Giáo Pháp và Giới Luật ấy sẽ là đạo sư của quý thầy.

Rồi đức Phật nhìn các vị khất sĩ, nói tiếp :

- Vả lại, này các thầy, Giáo Pháp mà Như Lai giảng dạy từ 45 năm nay chỉ là phương tiện, tùy duyên, khế hợp căn cơ của thính chúng mà giảng nói. Đối với Chân lý tuyệt đối của chư Phật, Như Lai chưa từng thốt ra một lời. Tại sao vậy ? Tại vì Chân lý đó không thể nghĩ bàn, không có lời lẽ để diễn tả. Các thầy nên biết :

"Pháp pháp bổn vô pháp,

"Vô-pháp pháp diệc pháp.

"Kim phú vô-pháp thời,

"Pháp pháp hà tằng pháp.[7]

Đức Phật nằm yên, nghỉ mệt một lát, rồi ngài thốt ra lời dạy cuối cùng này :

- Này các thầy, hãy nghe Như Lai nói đây. Vạn pháp vô thường, có sinh thì có diệt. Các thầy hãy tinh tiến lên để đạt tới giải thoát.

Nói xong Phật nhắm mắt, nhập sơ thiền, xuất sơ thiền, nhập nhị thiền ... lần lên đến diệt thọ tưởng định, rồi xuất diệt thọ tưởng định, nhập phi tưởng phi phi tưởng định ... lần xuống đến sơ thiền, rồi xuất sơ thiền, nhập nhị thiền ... lần lên đến tứ thiền, rồi ngài xuất tứ thiền và nhập Đại Bát Niết Bàn liền sau đó.

Sau khi nhập diệt, kim thân đức Phật được quàn lại sáu ngày để chờ đại đức Mahà Kassapa. Đến ngày thứ bảy đại đức Mahà Kassapa về đến mới hỏa táng tại tháp Mukuta Bandhana (hiện nay là tháp Rambhar Stupa). Có bảy đạo binh của bảy xứ đóng xung quanh chờ thỉnh xá lợi Phật về xứ mình.

Tại tháp Rambhar Stupa, xá lợi Phật được chia ra làm 8 phần cho 7 xứ: xứ Magadha lập tháp thờ ở Ràjagaha, xứ Vajji lập tháp thờ ở Vesàlì, xứ Sàkya lập tháp thờ ở Kapilavatthu 2, xứ Koliya lập tháp thờ ở Ràmagama (Devadaha), xứ Vetha lập tháp thờ ở Vethadìpa, xứ Buliya lập tháp thờ ở Allakappa, xứ Malla lập tháp thờ ở Kusinàgar và một tháp khác ở thủ đô Pàvà.

Tại Kusinàgar, người hành hương có thể chiêm bái :

1- Đền thờ Phật Nhập Đại Bát Niết Bàn(Mahàparinirvana Temple), với pho tượng Phật nằm dài 6m, đầu hướng về phương bắc, mình nghiêng bên phải, gây nhiều xúc cảm cho khách hành hương. Trên tảng đá dưới tượng Phật, có những dòng chữ ghi từ thế kỷ thứ 5, cho biết danh tánh của thí chủ và của điêu khắc gia : “Deyadharmoyam mahà-viharaswamino Haribalasya Pratimaceyam ghatita Dine ... Mathurena.” Có nghĩa là “Đây là lễ vật cúng dường của Haribala Swami, chùa Mahà Vihara[8]. Pho tượng do Dina ... Mathura thực hiện”.

2- Liền kế phía sau đền thờ ấy là tháp kỷ niệm nơi Phật Nhập Đại Bát Niết Bàn(Mahàparinirvana Stupa). Theo tài liệu khảo cổ xác nhận thì chính nơi đây đức Phật đã thật sự nằm trút hơi thở cuối cùng và nhập Đại Bát Niết Bàn; bộ tộc Malla đã xây tháp nơi đây để thờ 1/8 xá lợi Phật.

3- Tháp Rambhar Stupa(Mukuta Bandhana[9]) cao 15 m, nơi cử hành lễ trà tỳ, hỏa thiêu nhục thân đức Phật, và chia xá lợi Phật ra làm 8 phần bằng nhau cho 7 xứ. Tháp này cách tháp Mahàparinirvana khoảng 200m về hướng đông.

4- Đền thờ Mathakuar, nơi đức Phật thuyết pháp lần cuối cùng, cách tháp Mahàparinirvana 366m về hướng nam.

Ràjagaha (Vương Xá)

Xưa kia Ràjagriha (Sanscrit) hay Ràjagaha (Pali) là thủ đô của xứ Magadha (Ma Kiệt Đà). Hiện nay là thành phố Rajgir của tiểu bang Bihar. Ràjagaha cách thành phố lớn Patna 100 km về hướng nam, cách Bodh-Gayà 70 km về hướng đông bắc, và cách Nàlandà 11 km về hướng tây nam. Ga xe lửa gần nhất ở Bhakhtiyarpur (54 km). Phi trường gần nhất ở Patna (100 km).

Thành Vương Xá cũ là một thung lũng rộng lớn giữa 6 ngọn núi: Ratna và Chhatha phía đông, Vipula phía bắc, Vaibhara phía tây, Sona phía nam, và Udaya phía đông nam. Thành Vương Xá mới ở phía bắc núi Vaibhara và núi Vipula. Chính vua Ajàtasattu đã dời thủ đô xứ Magadha đến thành Vương Xá mới, và con của vua Ajàtasattu là Udayin (Udayabhadda), về sau, lại dời thủ đô đến Pàtaliputta, hiện nay là Patna. Hai lần dời thủ đô đều được nghiên cứu kỹ từ đời vua cha.

Tại Ràjagaha, khách hành hương có thể chiêm bái những nơi sau đây :

1- Linh Thứu Sơn(Griddhakùta, Gijjhakùta) còn gọi là Kỳ Xà Quật hay Kê Túc Sơn : a) Nơi Phật cư trú và thuyết pháp (Pháp Hoa, Bát Nhã, ...), b) động ngài Ànanda, nơi đây có lần ngài bị quỷ Pisuna hóa chim kên đứng dọa, được Phật dùng thần thông đưa tay đến vịn vai ngài Ànanda để trấn an, c) động ngài Sàriputta,d) con đường Bimbisàrađi từ chân núi đến đỉnh Linh Thứu, e) nơi Devadatta lăn đá làm Phật bị thương nơi chân. Theo điển tích “Niêm hoa vi tiếu”, chính đức Phật đã truyền tâm ấn cho Tổ Mahà Kassapa trên đỉnh núi này. Sau khi Phật nhập niết bàn độ 5 năm, Tổ Mahà Kassapa cũng vào núi này, ngồi kiết già nhập diệt, để lại nhục thân còn nguyên vẹn (?).

2- Đền Maddakucci, nơi hoàng hậu Videhi chà xát bụng để phá thai; cũng là nơi đức Phật nằm chờ y sĩ Jìvaka băng bó vết thương nơi chân do Devadatta lăn đá định giết Phật. Cách đó không xa là khu vườn xoài của y sĩ Jìvaka thuở xưa (Jivakàmravana), gần cổng thành phía đông.

3- Thành Ràjagaha cũ, nơi Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên xin xuất gia; cũng là nơi Sarigupta thuộc ngoại đạo Nigantha (Ni Kiền Đà) đào một hố sâu đầy lửa và dâng đồ ăn có thuốc độc cho Phật. Cổng thành phía bắclà nơi Devadatta thả voi say hại Phật. Ở cổng phía đôngcó một ngôi chùa kỷ niệm nơi y sĩ Jìvaka cúng dường Phật và 1250 vị tỳ kheo. Gần cổng phía namthành Ràjagaha cũ là nơi giam vua Bimbisàra. Ở chính giữa thành Ràjagaha cũ có đền Manyar Mathcủa đạo Jaina (Kỳ Na tên cũ là Nigantha) thờ các thần rắn lúc Phật còn tại thế.

4- Tháp Hòa Bình(Vishwa Shanti Stupa) cao 38m do hội Nipponzan Myohoji thuộc Thiên Thai tông xây vào khoảng năm 1995 trên đỉnh núi Ratnagiri.

5- Trúc Lâm tinh xá(Venuvana vihara) rộng độ 40 mẫu tây, với hồ Karanda, là tinh xá đầu tiên của Phật, do vua Bimbisàra dâng cúng, và là nơi Phật nhập hạ thứ 2 và thứ 3. Venuvana là một tinh xá lớn chỉ thua Jetavana. Ngài Mahà Kassapa xin xuất gia tại đây vào hạ thứ 3. Ngài Mục Kiền Liên bị ngoại đạo ám sát dưới chân núi Isigili gần tinh xá Venuvana vào hạ thứ 44, được Phật chỉ chỗ xây tháp thờ gần cổng tinh xá.

6- Suối nước nóng Satadhara, dưới chân núi Vaibhara, nơi đức Phật có đến tắm nhiều lần. Từ đây có thể đi bộ theo một con đường mòn đến ngôi nhà đá Pippala, và đến động Sattapanna(động Thất Diệp), nơi kiết tập kinh điển lần thứ nhất.

7- Ngôi nhà đá Pippala, nơi xưa kia ngài Đại Ca Diếp (Mahà Kassapa) ở, một hôm bị bệnh nặng, được Phật tới thăm, thuyết pháp Thất Bồ Đề Phần (Thất Giác Chi). Sau khi nghe pháp, ngài Ca Diếp liền lành bệnh.

8- Động Sattapanna(Thất Diệp, Tất-bát-la) gồm 7 hang động kề nhau, nằm trên núi Vaibhara, nơi 500 vị A-la-hán kiết tập kinh điển lần thứ nhất dưới sự chỉ đạo của Tổ Mahà Kassapa.

9- Ngôi nhà đá của Devadattaở khi xưa để tu luyện thần thông. Bên cạnh có vách đá Makhdum Kund có vết màu đỏ như máu. Theo khẩu truyền, có một vị tăng ngồi thiền định tại đây để luyện thần thông, bị vỡ sọ phun máu lên vách đá, vết máu còn lưu lại đến ngày nay.

10- Tháp thờ xá-lợi của Phậtdo vua Ajàtasattu dựng lên ở phía tây thành Ràjagaha mới; bên cạnh có một tháp khác thờ nửa phần xá-lợi của ngài Ànanda.

Jetavana (Vườn Kỳ Đà, Kỳ Viên Tinh Xá)

Ông Sudattà (Tu Đạt Đa), biệt danh là Anàthapindika (Cấp Cô Độc) trải vàng để mua khu vườn của thái tử Jeta (Kỳ Đà), con vua Pasenadi, làm tinh xá cho Phật và giáo đoàn vào đầu năm 586 trước tây lịch. Đại đức Sàriputta hướng dẫn công tác chỉnh trang khu vườn này thành tinh xá lớn nhất của Phật có thể làm nơi cư trú cho trên hai ngàn tu sĩ. Phật đã nhập 25 hạ tại đây, trong suốt 45 năm hành đạo. Nơi đây đức Phật đã thuyết kinh Lăng Nghiêm, kinh Kim Cang, kinh A Di Đà, kinh Vu Lan, kinh Vị Tằng Hữu, kinh Di Lặc Thượng Sanh ...

Tinh xá Jetavana (hiện nay là Saheth) rộng độ 50 mẫu tây, ở sát phía nam thủ đô Sàvatthi của xứ Kosala. Thành phố Sàvatthi (hiện nay là Mahet) nằm trong quận Gonda, thuộc tiểu bang Uttar Pradesh. Sàvatthi cách thành phố lớn Lucknow 151 km về hướng đông bắc, cách Kapilavatthu 147 km, cách Varanasi 401 km. Ga xe lửa gần nhất ở Balrampur (19 km). Phi trường gần nhất ở Lucknow (151 km).

Jetavana là tinh xá lớn và quan trọng nhất của đức Phật, nhờ sự ủng hộ nhiệt thành của 2 đại thí chủ là ông Sudattà Anàthapindika và bà Visàkhà, ngoài ra còn có sự giúp đỡ tận tình của thái tử Jeta và vua Pasenadi. Xưa kia đức Phật đã nhận xét lâm viên này như sau: Khí hậu không quá nóng, không quá lạnh, không có muỗi, yên tĩnh, che chở mưa to gió mạnh và nắng khô, dễ thực hành thiền định.

Chính tại Jetavana đức Phật đã phô diễn thần thông nơi cây xoài Ganda để chinh phục 6 ngoại đạo. Ngài đi tới đi lui trên cầu vòng 5 màu giữa không trung để thuyết pháp cho dân chúng nghe, biến ra nhiều thân, mỗi thân đều phun ra nước và lửa. Hiện nay có tháp Gandhabba Rukkamula(số 24) kỷ niệm nơi này.

Chính nơi đây đức Phật đã đưa thầy Nandàlên cung trời Đao Lợi (Tàvatimsa) để độ ngài được tâm thanh tịnh xuất gia, không còn luyến ái ngườì vợ mới cưới là Janapada Kalyani nữa.

Chính nơi đây Phật đã độ cho người gánh phân tên Sunìtavà tên sát nhân Angulimàlaxuất gia.

Vào hạ thứ 14, bà Visàkhàcũng đã dâng cúng tinh xá Pubbàràma(Đông Viên) với giảng đường Lộc Mẫu. Tinh xá này ở phía đông thành phố Sàvatthi.

Đến Jetavana, khách hành hương có thể chiêm bái những nơi sau đây :

1- Cây Bồ-đề Ànanda(số 1 trên bản đồ) : Vào hạ thứ 24 (năm -566), do lời đề nghị của Thượng tọa Ànanda, được Phật chấp thuận, Thượng tọa Moggallàna lấy một trái chín muồi từ cây Đại Bồ-đề ở Bodh Gayà trao cho Thượng tọa Ànanda. Thượng tọa Ànanda trao trái ấy cho vua Pasenadi. Vua Pasenadi trao lại cho ông Sudattà và bà Visàkhà. Ông Sudattà trồng gần cổng Jetavana một cây gọi là cây Bồ-đề Ànanda. Bà Visàkhà cũng trồng một cây tại tinh xá Đông Viên. Hai cây Bồ-đề này, theo dụng ý của ngài Ànanda đã được Phật chấp thuận, là để khi khách phương xa đến viếng Phật, rủi gặp lúc Phật đi vắng, thì đảnh lễ cây Bồ-đề này cũng như đảnh lễ Phật. Cây Bồ-đề Ànanda hiện nay được chiết nhánh từ cây Bồ-đề tại Anuradhapura ở Sri Lanka (Tích Lan).

2- Chùa số 3 (Kosamba kuti)là thánh tích thiêng liêng nhất tại Jetavana, do ông Sudattà dựng lên làm nơi thường trú cho Phật. Trước mặt chùa có hai bệ gạch xây trên con đường kinh hành của đức Phật (số 22 trên bản đồ).

3- Tinh xá số 19 (Ràjakaràma)là tinh xá lớn nhất tại Jetavana, gồm có một điện Phật, một cái giếng giữa sân, 22 tịnh thất nhỏ vây xung quanh. Hình như tinh xá này được xây đi dựng lại đến 3 lần trên một nền móng hình vuông mỗi cạnh độ 36m. Tinh xá này do ông Sudattà cất với 7 tầng lầu, về sau chỉ còn 2 tầng.

4- Tháp số 12 Ràhula kuti(am của Ràhula).

5- Tháp số 5 Sàriputta stupa(tháp thờ xá-lợi của Sàriputta).

6- Tháp số 6 Angulimàla kuti(am của Angulimàla).

7- Tháp số 14 Ànanda kuti(am của Ànanda).

8- Tháp số 2 Gandha kuti(Hương phòng, am của đức Phật).

Gandha kuti và Ànanda kuti là nơi thường có hào quang linh thiêng về đêm, vì đức Phật thường ở hai nơi này.

9- Pakki kuti(số 20) ở trong thành Sàvatthi, hiện nay là Maheth, phía bắc Jetavana (Saheth), là tháp kỷ niệm nơi Phật gặp Angulimàla, tên sát nhân đã giết 999 người.

10- Kachchi kuti(số 21) ở phía đông Pakki-kuti là tháp kỷ niệm nơi có dinh thự ông Sudattà khi xưa.

11- Ao Devadatta(số 23) : Theo một huyền thoại thì Devadatta để thuốc độc vào các móng tay, định đến Jetavana giả vờ lễ Phật sám hối rồi nhân tiện cào vào chân Phật, nhưng khi gần đến cổng vào Jetavana thì bị sụp hố chết (bị đất nuốt). Hố này lần hồi thành ao Devadatta.

Vua Asoka cho dựng hai trụ đácao độ 22m ở cổng phía đông. Một cột có pháp luân (bánh xe pháp) trên đỉnh và một cột có tượng con bò.

Vesàlì (Tỳ Xá Ly)

Vesàlì là thủ đô của xứ Vajji (Bạt Kỳ) xưa kia, do Tổng thống Tomara Licchavi rồi đến Tổng thống Cedaga Licchavi cai trị theo thể chế Dân Chủ Cộng Hòa; tổng thống và các vị chức sắc đều do dân cử.

Vesàlì cách thành phố lớn Patna 56 km về hướng bắc; phải qua cầu Mahàtma Gandhi dài 5,5 km bắc ngang qua sông Gangà. Ga xe lửa gần nhất ở Hajipur (35 km). Phi trường gần nhất ở Patna (56 km).

Năm 586 trước tây lịch, đức Phật được cung thỉnh đến Vesàlì trừ bệnh dịch tả, ngài đã thuyết kinh Ratana (Bảo Châu) và kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bản Nguyện Công Đức cho đám đông dân chúng và có 84.000 ngàn người đắc quả Tu-đà-hoàn.

Vào năm 585 trước tây lịch, đức Phật thành lập Ni bộ tại Vesàlìvới 500 tỳ kheo ni do hoàng hậu Pajàpati Gotamì hướng dẫn đi bộ từ Kapilavatthu đến đây.

Tinh xá Mahàvana(Đại Lâm) với giảng đường Kùtàgàra(Trùng Các) , cách thành phố Vesàlì 3 km, hiện nay là tháp kỷ niệm nơi đức Phật thuyết pháp lần cuối cùng và tuyên bố sẽ nhập diệt trong ba tháng, có trụ đá kỷ niệm của vua Asoka. Tháp này còn gọi là Buddha Stupa 2. Nơi đây, xưa kia có một con khỉ cầm bình bát Phật leo lên cây lấy mật ong cho Phật. Được Phật nhận món cúng dường đơn sơ đó, con khỉ vui mừng nhảy chuyền từ cây này qua cây khác, rủi té xuống chết, được sanh về cõi trời.Trụ đá Asoka cao 11m, trên chóp có tượng sư tử nhìn về hướng Kusinàgar. Bên cạnh có hồ Abhishek Puskarinivới nước linh thiêng thường dùng làm phép thụ phong cho các vị dân cử tại Vesàlì.

Vườn xoài của bà Ambapàlidâng cúng Phật ở trong làng Amvara gần nơi này.

Tháp thờ 1/8 xá lợi Phậtdo các vương tử Licchavi nhận được. Tháp này được gọi là Relic Stupa hay Buddha Stupa 1.

Ngài Ànanda nhập diệt trên một hòn đảo ở giữa sông Ganga (Hằng), xá lợi ngài được chia ra làm 2 phần đều nhau. Vua Ajàtasattu xứ Magadha xây tháp thờ xá lợi ngài Ànandatại Vương Xá, bên cạnh tháp thờ xá lợi Phật. Chính phủ xứ Vajji xây tháp thờ xá lợi ngài Ànanda tại Vesàlì.

100 năm sau khi Phật nhập niết bàn (năm -444), cuộc kiết tập kinh điển lần thứ haiđược thực hiện tại Vesàlì, chia ra Thượng Tọa Bộ hay Nam Tông và Đại Chúng Bộ hay Bắc Tông.

Vesàlì cũng là quê hương của ngài cư sĩ Bồ tát Duy Ma Cật(Vimalakirti).

Tại địa điểm Deora, trong làng Kesariya hiện nay, có trụ đá của vua Asoka kỷ niệm nơi đức Phật gây ra ảo giác có con sông lớn chắn ngang, nước đang dâng cao và chảy mạnh, để các Vương tử Licchavi buộc lòng phải quay trở lại, không đi theo Phật đến Kusinàgar.

Đại Học Phật Giáo Nàlandà

Di tích lịch sử Đại Học Phật Giáo Nàlandà hiện ở tại làng Baragaon, cách thành phố lớn Patna 90 km về hướng đông-nam, cách Bodh Gayà 80 km về hướng đông-bắc, và cách Rajgir 11 km. Đại Học Phật Giáo Nàlandà rộng 14 mẫu tây, có 11 tu viện và 5 đền thờ Phật.

Nàlandà do chữ Na-alam-da là một danh hiệu của đức Phật, có nghĩa là “bố thí không dừng nghỉ”. Nàlandà là quê hương của ngài Xá Lợi Phất (Sàriputta) và ngài Mục Kiền Liên (Moggallàna). Ngài Xá Lợi Phất xin phép Phật về quê chôn mẹ rồi nhập diệt tại đây. Tháp thờ ngài Xá Lợi Phất là ngôi tháp khổng lồ bằng gạch đỏ hiện nay tại Viện Đại Học Nàlandà; bên cạnh tháp khổng lồ này lại có một tháp khác màu trắng xung quanh có chạm nhiều hình tượng Phật cũng là tháp thờ ngài Xá Lợi Phất. Xá lợi và y bát của ngài Xá Lợi Phất được vua xứ Kosala thỉnh về lập tháp thờ tại Jetavana. Đại học Nàlandà có lẽ được thành lập vào thế kỷ thứ hai trước tây lịch. Vị viện trưởng đầu tiên của trường là ngài Nàgàrjuna (Long Thọ), Tổ thứ 14. Ngài là cựu sinh viên của trường. Trường đã đào tạo các thánh tăng nổi tiếng như Nàgàrjuna (Long Thọ, Tổ thứ 14), Arya Deva (Thánh Thiên), Asanga (Vô Trước), Vasubandhu (Thế Thân, Tổ thứ 21), Dinnàga (Trần Na), Dharmapala (Pháp Hộ), Sìlabhadra (Giới Hiền), Huyền Trang, Dharmakirti (Pháp Xứng), Shantàrakshita (nhập diệt tại Tây Tạng năm 762), Padmasambhava (vị Tổ Mật Tông tại Tây Tạng), ... Vào cuối thế kỷ thứ bảy đại học Nàlandà có khoảng 1.500 giáo sư và 9.500 sinh viên[10], là trường Đại học lớn nhất thế giới thời bấy giờ.

Gần Nàlandà cólàng Kulika(Kolita) là quê của ngài Mục Kiền Liên và làng Kalapinaka(Upatissa) là quê của ngài Xá Lợi Phất. Cả hai nơi đều có trụ đá kỷ niệm của vua Asoka.

Đại học Nàlandà bắt đầu suy sụp vào thế kỷ thứ tám. Kế đến bị vị vua Hồi giáo tên Bahktiyar Khalji chiếm Magadha và tàn phá vào thế kỷ 11-12.

Viện Đại Học Nàlandà mới, tọa lạc trên một vùng đất rộng rãi, cách Viện Đại Học cũ bởi hồ Indra đầy sen nở vào mùa hè, do Đại đức Kassapa đề xướng và theo dõi công trình xây cất. Tổng thống Ragendra Prasad đặt viên đá đầu tiên vào ngày 19/11/1951. Nhằm mục đích nghiên cứu ngôn ngữ Pali, văn chương và Phật học qua chữ Sanscrit, Tây Tạng, Trung Hoa, Mông Cổ, Nhật Bản và các ngôn ngữ khác ở Á châu. Chương trình giáo dục chỉ dành riêng cho sinh viên cao đẳng và học giả nghiên cứu, gồm bốn ban: 1- Văn chương, 2- Luận lý (Abhidhamma), 3- Lịch sử và bia ký, 4- Phật học.

Viện Huyền Trang, nơi tập trung tất cả tài liệu, kinh sách của ngài Huyền Trang do Thủ tướng Nehru xứ Ấn và Thủ tướng Chu Ân Lai xứ Trung Hoa thỏa thuận thành lập vào năm 1954.



[1]Nhàn cảnhlà các cõi Trời. Tuy còn trong dục giới, nhưng chúng sanh ở các cõi Trời tâm tánh hiền hòa hơn, đời sống an nhàn phúc lạc hơn ở cõi Người.

[2]Xem Lumbini A Haven of Sacred Refuge, trang 119

[3]Hiện có 2 di tích Kapilavatthu: Kpilavastu 1 (trước khi dòng họ Sàkya bị tàn sát) ở làng Tilaurakot và Taulihawa ở Nepal, và Kapilavatthu 2 (sau khi dòng họ Sàkya bị tàn sát) ở làng Piprahwa và Ganwaria ở Ấn Độ.

[4]Tháng Vesàkha hay Vesaktương đương với tháng 4 hay tháng 5 dương lịch.

[5]Có tài liệu cho rằng ông Cundalà thợ bạc.

[6]Cháo nấu với nấm hương đen. Theo Phật giáo nguyên thủy thì có thể là cháo nấu với thịt heo rừng. Theo quyển Buddha and the Gospel of Buddhism, trang 68, thì có thể là loại "truffles", nấm hương đen mọc sâu dưới mặt đất mà loài heo rừng rất ưa thích; người Âu Châu cũng rất thích loại nấm này.

[7]Nghĩa là: Các pháp vốn không pháp, "Không pháp" cũng là pháp, Nay truyền cái "không pháp", Tất cả các pháp đều chưa hề là pháp.

[8]Chùa Mahà-Viharalà ngôi chùa đầu tiên tại Anuradhapura ở xứ Sri Lanka (Tích Lan) do đại sư Mahìnda, con vua Asoka, sáng lập năm 250 trước tây lịch, sau khi Kiết tập Kinh Điển lần thứ 3 tại Pàtaliputta.

[9]Theo quyển Đường Về Xứ Phật của Hòa Thượng Thích Minh Châu thì tháp này tên Angra Chatya (Angara Cetiya).

[10]Theo tài liệu của Viện Khảo Cổ Ấn Độ : Nàlandà University của Dr. Gopàl Sharan Singh .

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]