Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 08

06/11/201320:39(Xem: 6662)
Phần 08

Truyện Cổ Phật Giáo

Tập 5
Thích Minh Chiếu
Sưu tập

---o0o---


Phần 08

Vậy sao???

Vết thương nặng nhất

Phục hổ thu đồ đệ

Ðóa hoa vương quốc

Pháp sư đậu hủ

Ảo ảnh



Vậy sao???

Thiền sư Hakuin là một Tăng sĩ được cư dân quanh vùng ca tụng và kính trọng như một ông Phật sống.

Gần tịnh thất của sư có một thiếu nữ rất đẹp. Một hôm, cha mẹ mỹ nhân chợt khám phá con mình có mang.

Qua biết bao là phiền phức, mỹ nhân thú thật rằng: Thiền sư chính là người tình vụng trộm của mình. Bao nhiêu danh thơm tiếng tốt của sư đều đổ xuống bùn nhơ cả. Bà mẹ dẫn cô gái đến gặp thiền sư. Đáp lại trận mưa ngôn ngữ thịnh nộ của khách. Sư chỉ mở mắt hỏi:

- Vậy sao?

Khi đứa bé chào đời, nó được bà ngoại mang đến tịnh thất với những lời sỉ vả cay đắng kèm theo. Từ dạo đó cư dân thường thấy thiền sư đi trì bình với một đứa bé trên tay. Sư nuôi nấng đứa trẻ rất tử tế…chú bé lớn lên rất bụ bẫm…chú tập bò, đứng và đi lẫm đẫm quanh chiếc thiền sàng của Sư. Chỉ khi nào đứa bé ngủ sau, sư mới đi tọa thiền được.

Hơn một năm sau, mỹ nhân thú thực rằng: Cha chú bé không phải là thiền sư Hakuin.

Sau bao nhiều lời sám hối dài dòng và phiền toái. Thiền sư trao đứa bé lại cho bà ngoại chú, cũng với hai tiếng: “Vậy sao?”.

Ngôi tịnh thất im lìm trở lại, vắng bặt tiếng u ơ của trẻ thơ và thiền sư đi trì bình chỉ vỏn vẹn cái bình bát.

Cư dân lại ca tụng và kính trọng sư như một ông Phật sống.

Như Thủy

Con ai đem bỏ chùa này?

Nam Mô Di Phật! Con thầy thầy nuôi!

Vết thương nặng nhất

Sau một thời gian thương thuyết giữu bộ giao thương nước La Duyệt Kỳ với bộ giao thương các nước phía nam La Duyệt Kỳ, con đường giao thông giữa các nước đó được chính thức mở rộng. Thế là ước vọng từ lâu của nhân dân, nhất là hạng thương gia được hoàn mãn.

Nhưng than ôi! Con đường ấy ở cách thành La Duyệt Kỳ khoảng 200 dặm, nơi biên giới của hai nước phải xuyên qua một dãy núi trùng điệp, chọc trời, lại lắm hố hầm và hẻo lánh. Một lũ giặc cướp năm trăm tên đã nhiều phen lợi dụng địa thế hiểm yếu đó chận người cướp của. Vì thế cho nên đa số khách buôn mỗi khi ngang qua đó đều bị cướp sạch của cải, hàng hóa và đôi khi còn không bảo toàn được tánh mạng nữa.

Đường hẻo lánh càng lắm, tai biến càng nhiều, sự giao thông giữa các nước cơ hồ như đến chỗ bế tắc! Quốc Vương La Duyệt Kỳ hay tin, đã đôi phen hạ lệnh phái binh mã thiện chiến lùng xét nhưng vẫn bất lực trước những dãy núi ấy.

Bấy giờ, với lòng từ vô hạn, đức Thế Tôn nghĩ: “Bọn giặc kia có mắt mà không thấy sự thật, có tai mà không lúc nào nghe lẽ phải, phải chăng vì thế mà không biết nhân quả, tội phước chi cả. Nếu ta không đến cứu độ thì tội ác của chúng ngày càng nặng, rồi mai kia chúng sẽ không thoát khỏi đắm chìm trong đau khổ. Như thế thì có khác gì tảng đá nặng chìm xuống đáy bể. Nghĩ vậy, đức Thế Tôn liền đến núi ấy với một thân hình thanh niên vạm vỡ, phục sức tuyệt mỹ, lưng mang kiếm báu, trên tay lại nắm cung tên và cưỡi trên ngựa quý cũng trang sức bằng những vật vô giá.

Bốn vó ngựa phi nhanh, cây cối hai bên đường nhấp nhô như tiễn người chiến sĩ lên đường tranh đấu cho an bình của quần chúng. Ngựa chạy thâu đường, tiếng reo của lục lạc bằng vàng như đánh thức sự chú ý của bọn giặc. Tên đầu đảng đứng trên cao nhìn xuống, xa xa trông thấy chàng thanh niên trên vó ngựa với vô số bạc vàng, châu ngọc lấp lánh dưới ánh nắng mai, lòng vô cùng vui sướng vì sống với nghề ấy xưa nay mà chưa có dịp nào tốt như thế. Ma tham dục hối thúc, tức thì anh ta xuống đồi ra lệnh cho toàn đảng bố trí sẵn sàng…

Xung phong! Xung phong! Tiếng la hét của bọn cướp long trời lở đất và tiếp theo chúng phóng vô số dao tên bay về phía chàng thanh niên vùn vụt…

Nhanh như chớp, chàng thanh niên ấy gương cung bắn trả, tức thì mỗi tên cướp đều bị một mũi tên cắm sâu vào mình. Dù chúng ta đã lanh trí, rút tên cắm sâu vào mình. Dù chúng đã lanh trí, rút tên ra để đắp vào thứ lá thuốc mà chúng luôn phòng bị trong mình, nhưng tên rút không ra, thuốc vẫn vô hiệu quả. Năm trăm tên cướp không chống cự được nữa đành thất vọng thả vũ khí trên tay, ngã lăn xuống đất, rên la thảm thiết và cầu xin đầu hàng.

- Ngài là thần thánh chăng mới có oai lực như thế. Chúng con hạng người ngu dại đảo điên, xin ngài thương tình tha thứ và cứu vớt những sinh mạng bé nhỏ của chúng con. Chúng con đau nhức lắm, không thể chịu nổi:

- Vết thương ấy có đau gì mấy! Mũi tên kia có sâu bao nhiêu! Trong đời này chỉ có vết thương tham lam ích kỷ mới sâu nhất và sự ngu si giết hại người mới nặng nhất. Thế mà nay tham lam và ngu muội các ngươi còn giữ trong lòng, ta e rằng vết thương kia không bao giờ lành được. Vả lại, một khi hai gốc rễ ấy ăn sâu vào tâm địa thì dù sức mạnh như thần cũng không nhổ được mũi tên ấy. Chỉ có khi nào các người biết theo đạo đức để sửa mình, hiểu rõ chánh lý để tu tập may ra mới làm bật rễ được vết thương tham muốn và ngu muội trong lòng. Có thế thì không những nhổ được mũi tên, lành được vết thương mà còn an ổn dài lâu nữa. Vậy các ngươi hãy chế phục ngã mạn, sa thải bớt dục vọng ngu si bằng cách: Cố gắng tích đức tu nhơn theo chánh pháp của đấng Năng Nhơn Vô Thượng.

Nói mấy lời đó xong, chàng thanh niên lại hiện nguyên hình đức Phật nói tiếp mấy bài tụng:

Vết thương không thể hơn tham dục

Tên độc không thể hơn ngu si.

Tráng sĩ không tài gì nhổ được

Trừ chăng chỉ có sự tu hành.

Từ đây cũng như mù được thấy

Người si ám trở lại thông minh,

Ta giáo hóa mọi người ở đời

Như đem mắt cho người ở đời

Vậy các ngươi nên gấp trừ si ám

Và sa thải dục vọng kiêu sa

Tiến bước trên con đường chánh pháp

Mới là người tích đức tu nhơn.

Bấy giờ năm trăm tên giặc cướp thấy tướng tốt của Phật, lại nghe được mấy bài tụng ấy, đều cúi đều cảm mộ và ăn năn những tội ác ngày trước. Liền khi ấy, dao tên trên mình chúng đều rơi rụng tất cả xuống đất, và những vết thương kia bỗng chốc không còn thấy nữa. Sung sướng được thoát nạn và cảm mến ân giáo hóa của đức Phật, năm trăm tên cướp không ai bảo ai mà tất cả đều quỳ trước đức Phật mà cầu xin rằng:

- Kính lạy Ngài, chúng con hôm nay nhờ ơn pháp nhũ của Ngài mà rõ sự thật…Vậy xin Ngài cho chúng con quy y và trì năm giới.

Từ đấy con đường giao thông phía nam nước La Duyệt Kỳ, người đi buôn bán càng tấp nập hơn xưa, không còn nghe thấy kẻ đón đường giựt của nữa.

T.M.L

Ai lo lửng như thuyền nan không bến

Ai hận đời không một chút tình thương

Ai thấy mình sao lạnh lẽo thê lương

Mơ kiếp sống đượm mùi hương giải thoát.

Thì đây:

Mắt Thế Tôn nhìn xa ngoài muôn dặm

Lòng Thế Tôn như bể thẳm xanh màu

Tay hiền từ đốt đuốc giữa đêm thâu

Với pháp nhũ đầy vàng châu cảm mến.

Phục hổ thu đồ đệ

Ở núi sau Cửu Hoa Sơn có một nhà sư trẻ bước tới, người đó cưỡi con quái thú, đi men theo con đường nhỏ dọc bờ sông, phía trước có một đôi chim bay lượn dẫn đường. Đó là đôi gà vàng, sống đã được ngàn năm ở trên vách đá Cửu tử. Vị Hòa Thượng này tên gọi Kim Kiều Giác, mười một tuổi đã xuất gia làm Tăng, vốn là người có họ gần với quốc vương nước Tân La [1]. Nghe nói người này là Địa Tạng giáng sinh, mới cưỡi quái vật qua đường biển tới Cửu Hoa Sơn khai lập ra Địa Tạng Vương đạo tràng. Con quái thú đó không phải con gì khác mà tên gọi là Độc Giác Thiểm Điện Thú. Con thú chớp điện một sừng tục gọi là Tứ Bất Tượng [2]nhìn được xa, chạy được nhanh, tất cả các loài dã thú đều phải sợ nó. Cho nên cưỡi nó đi thường để phòng địch.

Hôm ấy, Kim Địa Tạng theo Kim Kê (gà vàng), đến Cửu Tử Nhai, vừa nhìn đã thấy đây quả là nơi tu hành rất tốt. Kim vừa đi vừa nhìn không ngớt lời khen ngợi. Khi Kim vừa đặt chân lên một tảng đá lớn, còn chưa đứng vững đã nghe một tiếng nổ vang trời, núi sụt lở xuống một nửa. Kim Kê sợ quá bay mất một con, còn một con thì co đầu rụt lại không dám động đậy. Độc Giác thú rất tinh nhanh, không chờ Kim Địa Tạng rơi xuống chân núi đã vội vàng chạy tới trước mặt phò Kim Địa Tạng bay vút lên trời, trong nháy mắt đã tới Thiên đài. Chưa đặt chân xuống đất đột nhiên gió yêu quái nổi dậy khắp bốn phương mây đen cuồn cuộn, cát bay đá chạy, sương mù đen kịt từng lớp. Chính trong lúc này, Kim Địa Tạng đã phát hiện ở trên vách đá có một hang núi lóe sáng. Độc Giác thú liền chui vào trong hang đặt chân. Trong hang có một chiếc đài đá, xán lạn đường hoàng, hang tuy không to nhưng quả là nơi tránh gió trú mưa tốt. Người lấy từ trong túi quyển kinh, đặt ở trên đài, rồi khoanh tay lại nhắm mắt đọc kinh.

- Cứu tôi với! Cứu tôi với! - Đột nhiên từ nơi xa truyền lại tiếng kêu cứu. Liền theo sau đó là tiếng gió thổi, hổ gào kinh thiên động địa.

Kim Địa Tạng vội vàng ra khỏi động, nhìn về phía có tiếng hổ gào, thấy ở trên núi trước mặt có một con mãnh hổ đuổi theo một đứa trẻ con. Người xuất gia làm gì có đạo lý nhìn thấy người sắp chết mà không cứu! Nghĩ đến đây, Kim lập tức cưỡi lên con thú một sừng, kẹp chặt hai chân vào lưng thú nói:

- Đuổi!

Thú một sừng lập tức tung bốn vó bay lên trên không trung như người cưỡi mây đạp sương mù, đuổi theo mãnh hổ. Lúc này, đứa trẻ chạy thục mạng ở phía trước, mãnh hổ đuổi sát theo sau. Mắt nhìn, Kim thấy đứa trẻ sắp bị hổ ăn thịt, Kim Địa Tạng liền từ trên thú một sừng nhảy xuống, nói:

- Bắt con hổ dẫn lại gặp ta!

Thú một sừng liền nhằm thẳng vào mãnh hổ xông tới, một người hai thú chạy thành một sợi chỉ.

Đứa trẻ bị mãnh hổ đuổi đến mức mê man, phải chuyển hướng, lại nhìn thấy con quái thú một sừng cũng đuổi gấp, thật là sợ hết hồn hết vía. Chạy quanh mãi, quanh mãi, bỗng trước mắt xuất hiện một bức tường đá, chận mất đường đi. Mãnh hổ há hốc mồm to tướng đỏ lòm đầy máu chạy tới. Đứa trẻ sắp rơi vào miệng hổ. Bỗng một luồng chớp sáng, Độc giác thú uốn mình, đứng thẳng. Mãnh hổ vốn chẳng coi Độc Giác thú uốn mình, đứng thẳng. Mãnh hổ vốn chẳng coi Độc giác thú là cái thá gì, miệng hoác rộng gào to lên một tiếng, xô tới vồ. Độc giác thú hơi né mình sang một phía khiến cho hổ vồ hụt. Đứa bé sợ đến mức không biết tiến lên hay lùi xuống, không biết nên tránh về hướng nào. Lúc này, từ bức tường đá bỗng nhiên xuất hiện một cửa hang, đứa trẻ vội vàng nấp vào trong đó. Mãnh hổ nhìn thấy, lại sợ mất miếng mồi đã kề tận miệng, cũng lui vào trong hang theo đứa bé. Ai ngờ, không chui vào hang thì thôi, vừa chi vào thì mãnh hổ đã sợ hãi. Chỉ nhìn thấy một luồng ánh sáng vàng chiếu thẳng làm cho mãnh hổ không thể động đậy được nữa. Té ra là Kim Địa Tạng đã chờ sẵn ở trong hang. Kim Địa Tạng phất áo cà sa, nhìn vào mãnh hổ nói:

- Nghiệt súc to gan! Cớ sao dám giết hại mạng người! Tiếng nói vừa buông, lại có một đạo hào quang vàng chói chiếu thẳng vào mãnh hổ. Một tiếng thét lạ lung, con mãnh hổ lông vằn vừa nhảy nhót hung dữ, bỗng chốc đã biến thành một con hổ đá, vĩnh viễn không động đậy được nữa.

Đứa bé nhìn thấy rõ ràng, hiểu rõ sự việc như thế nào, vội vã “lục cục” quỳ xuống trước mặt Địa Tạng, vái lạy lia lịa.

Kim Địa Tạng nhắm chặt đôi mắt, khoanh hai tay nói:

- A Di Đà Phật! Về nhà đi thôi!

Đứa bé nói:

- Thành tâm tu hành, không kể lớn bé. Một ngày sư phụ không bằng lòng thì một ngày đồ đệ con không dám đứng dậy.

Kim Địa Tạng trả lời. Cứ xếp bằng ngồi trước mặt hổ đá, người chỉ nhắm mắt khoanh tay, miệng đọc chân kinh. Đứa bé đã quỳ suốt ba ngày ba đêm, không một lời kêu khổ. Kim Địa Tạng thấy đứa bé có tấm lòng thành mới mở miệng nói:

- Tuổi nhỏ lòng thành, ta nhận làm học trò. Hãy đứng dậy!

Địa Tạng nhìn thấy đứa bé mặt mày đoan chánh, đôi mắt có thần, cho nên đặt pháp danh cho nó là Đạo Minh.

Đứa bé vui mừng liền sụp lạy. Đứa bé này không phải ai khác đó chính là con trai đại tài chủ Mẫn Công ở Cửu Hoa sơn. Đó là đồ đệ đầu tiên mà Kim Địa Tạng thu nhận ở Cửu Hoa Sơn.

*

Sau khi Kim Địa Tạng thu nhận Đạo Minh, thấy đồ đệ này rất nghe lời, trong lòng rất vui mừng. Hôm đó, người căn dặn Đạo Minh không được ra ngoài, phải trông coi ở trong hang, tĩnh tâm dưỡng tính. Bản thân người xuống núi hóa duyên, chuẩn bị xây chùa.

Kim Địa Tạng khoác áo cà sa vừa ra khỏi hang đá đang định xuống núi thì có một ông lão bước thẳng tới, cong lưng vái lạy nói:

- Xin hỏi sư phụ, có nhìn thấy một đứa bé mặt tròn, mắt to không?

Kim Địa Tạng nhìn thấy ông lão mặc lụa đeo vàng, biết ngay là người giàu có liền chắp tay trả lời:

- A Di Đà Phật! Tìm nó có việc gì?

Ông lão này chẳn phải ai khác, mà chính là đại tài chủ Mẫn Công ở Cửu Hoa Sơn. Mẫn Công nói:

- Chẳng phải là sư phụ đã nhìn thấy nó rồi ư? Nó là con trai của tôi. Mấy ngày rồi nó chưa về, làm tôi lo sợ muốn chết. Xin hỏi sư phụ, hiện nay cháu ở đâu?

Kim Địa Tạng nói:

- Đang ở trong hang.

- Tại sao không ra ngoài? -Mẫn công hỏi.

- Vì cháu đã xuất gia theo bần Tăng rồi. –Kim nói.

- Xuất gia ư? Mẫn Công nghe vậy vô cùng tức giận nói: Tôi chỉ có một đứa con trai, chỉ dựa vào nó để kế truyền nòi giống, sao có thể xuất gia được? Mong cầu sư phụ, hãy tha cho con trai tôi về -Mẫn Công nói rồi vái lạy liền liền.

Kim Địa Tạng nói:

- A Di Đà Phật! Bây giờ ông bắt nó trở về sợ rằng nó cũng không trở về đâu!

Mẫn Công vội “lục cục” quỳ xuống trước mặt Địa Tạng, van nài:

- Con tôi còn bé, nó không thể xuất gia được. Tôi muốn con trai tôi trở về! -Sau đó ông cụ hướng vào trong hang gọi to:

- Con ơi, về nhà với cha đi! Đôi mắt của mẹ con khóc sắp mù rồi! Con ơi! Có lẽ nào ngay đến cả gia đình con cũng không cần nữa. Cha van con, con hãy trở về nhà cùng với cha!

Đạo Minh ở trong hang nghe thế rất đau lòng, liền bước ra cửa hang quỳ xuống trước mặt người cha, đem chuyện gặp hổ được sư phụ cứu thoát, trước sau kể hết một lượt, lại nói rõ đã xuất gia rồi, quyết không về nhà nữa.

Mẫn Công biết con trai mình là một người nói một không hai, liền lại quỳ xuống gập đầu vái lạy Kim Địa Tạng nói:

- Đại ân của sư phụ cứu sống con trai tôi, tôi quyết không dám quên. Cúi mong sư phụ đại từ đại bi tha cho con trai tôi trở về nhà, sư phụ cần gì tôi xin có nấy.

Kim Địa Tạng nói:

- A Di Đà Phật! Tôi đã là người tu hành, không cần cái gì cả, chỉ muốn mượn ở quý sơn đây một miếng đất để dựng chùa, đã là mãn nguyện lắm rồi.

Mẫn Công nói:

- Được! Được! Được! Ơn cứu sống con trai tôi của ân sư, đang không biết đền đáp như thế nào, đừng nói một miếng đất, dù có cần trăm miếng, ngàn miếng cũng xin tùy tiện. Chín mươi chín ngọn núi này đều thuộc tôi quản lý. Ân sư nhìn ưng chỗ nào, cần bao nhiêu tôi cho bấy nhiêu.

Kim Địa Tạng nói:

- Tôi chỉ cần một mảnh đất bằng chiếc áo cà sa thôi!

Mẫn Công cảm thấy kỳ lạ nói:

- Mảnh đất bằng chiếc cà sa thôi ư? Áo cà sa to được bao nhiêu? Ít ỏi quá! Để tôi dẫn ân sư đi chọn.

- A Di Đà Phật!

Kim Địa Tạng đứng dậy định đi, trước mặt tự nhiên xuất hiện một luồng ánh sáng thần. Người đi theo luồng ánh sáng thần ấy, Mẫn Công đi theo sau. Họ lên tới đầu ngọn núi, nhìn thấy luồng ánh sáng thần vòng quanh đầu núi một vòng, tiếp sau đó tỏa ánh sáng hào quang rực rỡ. Kim Địa Tạng cho rằng đây là thần linh tái hiện, đó là mảnh đất quý báu, liền luôn miệng niệm “Nam mô A Di Đà Phật” rồi hướng về bốn phương vái lạy liền liền.

Trái lại, Mẫn Công không nhìn thấy gì hết, chỉ thấy Kim Địa Tạng vái lạy tứ phương, cảm thấy rất kỳ quái, trong lòng nghĩ, có lẽ nào lão sư phụ nhìn thấy ở đây có vẻ hơi nhỏ một tí chăng?

Tức thì liền nói với Địa Tạng:

Thưa ân sư, ngọn núi này hơi bé quá phải không?

- Không bé! Không bé!

Kim Địa Tạng lại hỏi:

- Nơi đây tên gọi là gì?

Mẫn Công nói:

- Nơi đây núi hoang ngọn nhỏ, làm gì có tên.

Kim Địa Tạng nói:

- Vừa ban nãy tôi nhìn thấy một luồng ánh sáng thần, vậy đặt tên là “Thần Quang Lĩnh” được không?

- Thần Quang Lĩnh à?

Mẫn Công nói:

- Được, được, được! Thế nhưng ngọn núi nhỏ này đã mấy đời nay chúng tôi đều không để ý tới, cũng chưa hề nhìn thấy thần quang, thế nhưng ở đây không được rộng lắm, tôi nghĩ, có lẽ ân sư nên chọn mảnh đất khác thì tốt hơn.

Kim Địa Tạng nói:

- Đây là Thần Quang bảo địa, hay là thí chủ còn có chút luyến tiếc chăng?

Mẫn Công vội nói:

- Ân sư nói điều gì lạ thế chứ! Không phải là tôi luyến tiếc đâu, nếu trao ngọn núi nhỏ bé này cho ân sư, quả thật là tôi rất áy náy. Những chỗ tốt đẹp hơn nơi đây còn rất nhiều. Vì sao ân sư lại chỉ thích ở chỗ này? Có lẽ nào ân sư thật lòng chỉ muốn một mảnh đất bằng một áo cà sa?

Kim Địa Tạng nói:

- Bần Tăng nói lời thật đó!

Mẫn Công nói:

- Vâng được! Vâng được! Xin tuân ý ân sư.

- Thí chủ đã bằng long, chỉ cần mảnh đất bằng một áo cà sa, nhiều hơn một chú cũng không cần.

Kim Địa Tạng vừa nói vừa trải chiếc áo cà sa xuống, vặn mình một cái, áo bay lên không. Cà sa lập tức biến thành cái võng trời, bỗng chốc chụp kín hết cả chín mươi ngọn, lại còn chụp thêm cả một nửa thành Thanh Dương. Thành Hoàng lão gia nhìn thấy ánh sáng thần chiếu tới, sợ quá phải chạy ra ngoài thành. Cho nên miếu Thành Hoàng của Thanh Dương ở ngoại thành là vì lẽ đó. Ngọn Thần Quang cũng thành tên từ đó.

Mẫn Công nhìn thấy Kim Địa Tạng Phật pháp vô biên, vội vã sụp quỳ xuống đất vái lạy nói:

- Ân sư bề trên xin nhận của đồ đệ một vái. Khẩn cầu sư phụ thu nhận con làm đồ đệ!

Và như vậy Mẫn Công đã là đồ đệ thứ hai của Kim Địa Tạng. “Tiên tiến sơn môn vi Trưởng lão”, (Ai đến cửa núi trước thì được làm Trưởng lão trước) cho nên Mẫn Công đã gọi con trai là sư huynh để cho nó đứng bên tả. Mẫn Công là sư đệ, đứng ở bên hữu Kim Địa Tạng.

Mẫn Công không những đã đem hết gia sản cúng cho Kim Địa Tạng xây dựng chùa, mà còn đến tất cả các đại tài thân cư sĩ ở Thanh Dương quyên cúng để hóa duyên dựng chùa. Các cư sĩ lên núi gặp Kim Địa Tạng, thấy ngài ở hang đá, nuốt đất trắng, ăn bột vàng, từ nơi xa xôi vạn dặm đến khổ tu ở Cửu Hoa Sơn, về nhà cũng đem cúng hết vàng bạc cùng hợp lực với Mẫn Công xây nên chùa Hóa Thành, mời Kim Địa Tạng dọn vào trong chùa ở. Bắt đầu từ đó Cửu Hoa Sơn đã trở thành Địa Tạng đạo tràng, biến thành thánh địa của Phật giáo. Ở Cửu Hoa Sơn chùa miếu mọc lên nhiều như cây rừng, Tăng Ni có hàng ngàn hàng vạn, hương khói nghi ngút quanh năm không tắt, cho nên còn có tên gọi là “Nước Phật Liên Hoa” – Hoa sen của nước Phật

Truyện Bồ Tát

Nhà xuất bản Văn Hóa

Địa ngục còn tội nhân

Ta thề chưa thành Phật.

Đóa hoa vương quốc

Hôm ấy, tại rừng cây mát mẻ gần thị trấn Desaka, nước Sumedha, trước hội chúng Tỳ Kheo, đức Thế Tôn đã dạy như sau:

- Này chư Tỳ Kheo! Ở đây là thị trấn Desaka, được nổi danh là trù phú, đẹp đẽ, thạnh mầu. Đời sống vật chất ở đây thật là sung túc, thạnh mãn. Khắp cá đường phố, người ta chưng bày hàng hoa tươi mắt, khêu gợi lòng tham. Sau các cửa sổ có rèm lụa và trước cửa mọi nhà, những cô gái mỹ miều, duyên dáng được phục sức và trang điểm bằng châu báu, hương thơm và tràng hoa. Các trò du hí, hoan lạc với trống đánh và kèn thổi, những nhạc ca du dương trỗi lên như sân khấu ở cõi trời.

- Này các Tỳ Kheo! Thật là dễ dàng thay cho các thầy khi đi trì bình khất thực, với cơm và bánh, với thức ăn cứng và mềm vừa đủ no lòng. Mà cũng thật là khó khăn thay cho các thầy, khi phải thu thúc lục căn, trang nghiêm thân, trang nghiêm giới, sống đời tiết độ, chánh hạnh mà không xao động, không có rối loạn tâm, không có chao đảo trí.

Sau khi giáo giới như vậy, đức Bổn Sư tiếp giọng Phạm âm, như tiếng sấm giọng giữa hư không lúc trời mưa:

- Này các thầy Tỳ Kheo! Hãy nghe đây! Đứng trên đỉnh cao ngàn trượng còn dễ dàng hơn là thấy sắc đẹp của mỹ nhân mà không nhìn. Đứng trên bờ hố than hồng còn dễ dàng hơn là trước âm thanh quyến rũ của tiên nữ mà không nghe! Suy ra, mùi hương, vị ngon, xúc chạm êm ái đều là như vậy cả!

Này các thầy! Các thầy nghĩ thế nào? Ví như có một cô gái đẹp với tấm xiêm lụa mỏng như mây trời, được phô bày trọn vẹn thân vóc ngọc ngà với các đường cong uốn lượn. Cô gái ấy đang múa một khúc điệu lả lơi gợi tình, hát một giọng hát như bồ câu gọi bạn, như hoa gọi bướm… Nếu có một gã thanh niên trẻ trung, khí huyết dư tràn, hai tay bưng hai bát dầu đầy có ngọn, buộc phải đi qua chỗ cô gái ấy. Tên đao phủ của vua cầm kiếm đi sau, nói với thanh niên rằng: “Này người kia! Không được nhắm mắt, không được bịt tai, hãy đi qua chỗ mỹ nhân. Chỗ nào ngươi làm rơi một giọt dầu, chỗ ấy đầu của ngươi sẽ lìa khỏi cổ. Nếu ngươi đi qua hết chỗ mỹ nhân, mà không có một giọt dầu nào rơi ra ngoài, ngươi sẽ được một ngàn đồng tiền vàng”.

- Này các thầy Tỳ Kheo! Các thầy nghĩ thế nào? Một ngàn đồng tiền vàng dễ dàng bỏ vào túi hay khó bỏ và túi?

Được chư Tăng trả lời là “Khó thay!”. Đức Phật tiếp:

- Này các thầy! Thật dễ dàng thay là một ngàn đồng tiền vàng! Tại sao vậy? Vì người thanh niên ấy sợ cây kiếm, sợ đầu rơi khỏi cổ, sợ mất tính mạng mình nên y sẽ thận trọng, cố gắng tỉnh giác. Và do như vậy, y sẽ dễ dàng đi qua chỗ mỹ nhân mà không hề làm rơi một giọt dầu nào!

Để cho chư Tỳ Kheo lãnh hội sự thật đã được khéo giảng thuyết, khéo ví dụ. Đức Thế Tôn lại tiếp:

- Này các thầy Tỳ Kheo! Bậc hiền trí thuở xưa, không có cây gươm hăm dọa đi sau. Và sự thử thách, cạm bẫy, cám dỗ không phải chỉ thời gian một hồi trống, mà suốt bảy ngày bảy đêm trên đường trường, bất kỳ ở đâu, bất kỳ lúc nào. Sự thử thách, cám dỗ, cạm bẫy, không phải chỉ một mỹ nhân, mà thật sự là thiên sắc, thiên âm, thiên hương, thiên vị, thiên xúc! Thế mà bậc hiền trí vẫn không phóng dật, an trú niệm, cột giữ các căn, suốt năm mươi do tuần, đi đến nơi đến chốn, không chỉ đạt được một ngàn đồng tiền vàng mà đạt được cả quốc độ.

Nói thế xong, đức Thế Tôn im lặng. Sau khi chư Tỳ Kheo thưa thỉnh ba lần, Ngài mới kể chuyện quá khứ đã quên vào dĩ vãng như sau:

- “Thưở đức vua Brahmađatta trị vì vương quốc Ba La Nại, Ngài có một trăm người con, và Bồ Tát là Hoàng tử trẻ nhất. Đức vua có nhiều từ tâm và giàu lòng bố thí. Hằng ngày trong cung điện, bao giờ cũng có vị Độc Giác Phật từ Hy Mã Lạp Sơn đến dùng cơm. Nhà vua cúng dường không mệt mỏi, không có thối thất. Bồ Tát, tức Hoàng tử Út, hoan hỷ việc làm của vua cha, nên thành tâm cung kính phục vụ các vị ấy không thiếu thứ gì.

Một hôm, Hoàng tử suy nghĩ:

- Ta có những chín mươi chín người anh, nhưng chỉ có một vương quốc. Bây giờ vua cha còn tại thế, với tình thương đồng đều, ai cũng có chút ít của cải, tài sản. Nhưng chẳng biết khi vua cho thăng hà, ta sẽ thế nào? Chốn vương vị, lợi danh dễ đổ máu và dễ mê đắm long người! Nếu biết là chỗ nguy hiểm thì ta nên tránh xa. Các vị Độc Giác Phật này có thần thông biết quá khứ, vị lai. Vậy ta hãy đem điều đó hỏi quý Ngài.

Ngày sau, khi các vị Độc Giác Phật đến, Hoàng tử đem lại bình tịnh thủy, lọc nước, rửa chân cho các vị ấy, lau cho khô với khăn vải sạch, dâng cúng các món ăn thượng vị. Sau khi các Ngài dùng xong, Hoàng tử dâng nước và tăm xỉa răng, khăn trắng lau tay. Khi các Ngài đã ôm bát, Hoàng tử đến đảnh lễ, ngồi xuống một bên và trình bày sự thắc mắc của mình:

- Thưa các bậc ẩn sĩ thanh tịnh! Con ở chỗ cõi trần, mắt thịt tối tăm và dầy bụi, thật khôn biết chỗ nào trong, chỗ nào đục; không biết chỗ nào tốt, chỗ nào xấu, không biết chỗ nào nên ở, chỗ nào nên đi! Tương lai thật là mù mịt, bấp bênh và vô định. Vậy xin các Ngài từ bi chỉ giáo cho con, việc nên làm và việc không nên làm, để an lạc lâu dài cho con về sau!

Vị Trưởng lão Độc Giác Phật chăm chú nhìn Hoàng tử một hồi rồi khẻ nói:

- Hoàng tử có thể tưởng tượng được cái rộng lớn vô cùng của hư không và biển cả chứ?

- Dạ! Con tưởng tượng được.

- Những tư duy, những vấn đề, những câu hỏi của Hoàng tử cũng thật là mênh mông, rộng lớn như vậy. Đấy là những tìm kiếm một đời, hai đời, nhiều trăm ngàn đời của những ẩn sĩ cô độc giữa rừng sâu, của những hiền triết, đạo nhân từ ngàn xưa cho đến ngàn sau vậy. Ở đây, Hoàng tử đặt vấn đề có giới hạn hay không có giới hạn?

Hoàng tử chợt ngỡ ngàng, bối rối, lúng túng:

- Bạch! Tâm trí con chưa đủ rộng lớn để đặt những vấn đề mênh mông, vô giới hạn. Ở đây, thật nhỏ bé và tầm thường là tương lai và hạnh phúc của một đời người. Tương lai và hạnh phúc của một đời người lại phải được giới hạn nơi những nhu cầu tối thiểu, giản dị nhất. Con sẽ có thí dụ. Ví như một hạt hoa nằm trong trái chín, đến thời kỳ vỏ sẽ nứt ra và hạt bung ra. Cái hạt ấy cần phải nương gá vào một chỗ nào đủ đất, đủ nước, đủ không khí, đủ ánh sáng, không sâu bọ, để nó có khả năng lớn lên, đón sương, đón gió, đón ánh trăng, nắng ấm…mà sống đời an lạc và cho sắc, cho hương! Bạch các Ngài! Con chỉ muốn như hạt hoa ấy. Là vấn đề giới hạn của con!

Vị Trưởng lão Độc Giác Phật hoan hỷ mỉm cười:

- Thật khiêm tốn thay là ước mơ của một vị Hoàng tử. Vì tâm đức của Hoàng tử nên ta tiết lộ cho Hoàng tử hay:

- Cái hạt hoa ấy không thể sống an lạc, cho sắc, cho hương ở trong quốc độ này. Nói cụ thể hơn, Hoàng tử không thể được vương quốc.

- Phải rồi! Hoàng tử nói. –Mà chính điều đó con cũng không muốn. Nếu vua cha mà truyền ngôi cho con, con cũng không thể nhận. Bỏ trưởng mà lập thứ là mẩm họa hại và loạn ly ở trong nước. Con muốn nói rằng: con có thể có một ít của cải và tài sản để sống chung với các anh con một cách thuận hòa và tốt đẹp chăng?

- Ngay chút ít tài sản và của cải ấy cũng không có trong vương quốc này. Cái hạt hoa ấy mà rơi xuống quốc độ này, nó sẽ không tồn tại, huống hồ cho sắc, cho hương!

Sợ rằng vị Hoàng tử hiền lương này sẽ đau khổ, Vị Trưởng lão Độc Giác Phật nói them:

- Tuy thế, nó sẽ có môi trường khác. Sức bung của hạt hoa ấy phải xa mạnh hơn chút nữa, nó sẽ gặp môi trường thuận lợi. Không những nó sống mà còn tăng trưởng mạnh, cho nhiều sắc hương, tươi thắm và nồng đượm!

Hoàng tử như vịn được chiếc phao trong dòng biển lớn:

- Xin Ngài từ bi chỉ dạy!

- Cách đây rất xa, vị Trưởng lão Độc Giác Phật nói - tại nước Gandhara, thành phố Takkasilà – Hoàng tử mà đi đến đó được trong vòng bảy ngày thì Hoàng tử sẽ đạt vương quốc. Nhưng biết Hoàng tử có thể tới nơi tới chốn bình an được chăng? Khi mà trên đường đi thật vô cùng nguy hiểm!

Hoàng tử gật đầu mạnh mẽ:

- Con thật không dám đại ngôn khi nói rằng: Chắc chắn con có thể tới được!

Vị Trưởng lão Độc Giác Phật như đọc được ý chí và bản lãnh trong con người này, nên tiếp:

- Có hai con đường để đi đến vương quốc Gandhara. Một đường đi vòng quanh khu rừng, ít nguy hiểm nhưng xa đến một trăm do tuần. Thời gian một tuần chẳng thể đi kịp. Con đường thứ hai đi băng qua những khu rừng, chỉ năm mươi do tuần, đi suốt ngày suốt đêm thì có thể đến kịp. Nhưng con đường ngắn này vừa cheo leo hiểm trở, vừa độc trùng thú dữ, lại vừa bị sự thử thách, cám dỗ của phi nhơn, ma quân. Hoàng tử thử liệu sức mình như thế nào? Muốn lấy được vương quốc thật không dễ gì! Hay là thôi đi cái ý định ấy? Đến được Gandhara mà vô sự, yên ổn còn khó khăn hơn là bằng hai tay mà bơi qua biển lớn, Hoàng tử hãy nghĩ lại.

- Cái thế của con là phải lấy đóa hoa ấy – Đóa Hoa Vương Quốc – Con lấy được!

- Vậy con hãy lên đường ngay! Vị Độc Giác Phật ban lời dạy - Điều phải ghi nhớ nằm lòng, đinh ninh như nhất, là dầu gặp hoàn cảnh nào cũng phải an trú chánh niệm, thu thúc lục căn, giới hạnh trong sáng như trăng rằm, nhu cầu khổ hạnh, bảy ngày bảy đêm tinh tấn, tỉnh thức, không một niệm biếng nhác, thối thất hay dễ duôi. Và như thế, vương quốc sẽ ở trong tay Hoàng tử. Bây giờ ta cho vật hộ thân. Nhưng nên nhớ, vật hộ thân này chỉ bảo vệ tốt những kẻ không có tà khí!

Nói thế xong. Ngài niệm chú một hồi rồi trao cho Hoàng tử một lá bùa bằng cát cùng một sợi chỉ. Lại còn dặn:

- Bình thường, để trên ngực, giữ chánh khí thì được an! Lúc cảm thấy nguy hiểm nhất, lấy bùa này, lấy chỉ này, cột lên búi tóc, thì tất cả các loại phi nhơn, từ sáu cõi trời dục giới trở xuống, chư Thiên thì giúp đỡ, hộ trì, còn ma quân, Dạ xoa, A tu la thì không dám lại gần, huống nữa là xúc phạm!

Trao bùa xong, tất cả các vị Độc Giác Phật biến mất giữa hư không mà về Hy Mã Lạp Sơn.

*

Hoàng tử đến từ giã vương phụ và mẫu hậu, từ giã những người thân tín, bằng hữu, tay chân thuộc hạ rồi nói rõ ý định của mình. Có năm người trong chúng xin đi theo.

Hoàng tử khuyên:

- Không được đâu! Ta tin vào ta nên ta đi. Còn các bạn, sợ rằng sự nguy hiểm, sự cám dỗ sẽ lấy đi tánh mạng ở dọc đường. Đừng làm việc gì quá sức mình.

Năm người tùy tùng đồng thanh nói rằng:

- Đi với Hoàng tử làm sao chúng tôi dám sợ nguy hiểm và bị cám dỗ?

Chẳng đừng được, Hoàng tử phải để cho họ đi theo với nhiều lần cẩn thận dặn bảo.

Họ khoác hành trang lên đường khi trời đất còn mờ sương. Họ tiết giảm tối đa thời gian nghỉ ngơi và ăn uống. Ngày thứ nhất, họ đến địa đầu khu rừng được an toàn. Nghĩ đến lời dặn của vị Trưởng lão Độc Giác Phật, Hoàng tử nói với thuộc hạ:

- Núi rừng tươi đẹp, cây xanh mát mẻ, chúng ta sẽ bộ hành thoải mái, không mất sức. Nhưng bắt đầu từ đây, ta phải cảnh giác, an trú niệm.

Vượt qua khỏi cụm rừng đầu tiên thì bong chiều đã ngả, bóng cây xèo tán, sương mờ huyền ảo. Một con suối sực nức mùi hương hiện ra trước tầm mắt như một phép lạ! Một xóm nhỏ với lầu các, với những căn nhà nhỏ xinh xinh, rực rỡ hoa treo và đèn kết, nằm thanh thản, bình yên trên nền đá trắng với những cụm hoa vàng, hoa da cam, hoa màu tía nhạt. Cả đoàn bâng khuâng dừng lại. Con đường mòn chạy viền bãi cỏ xanh như dải lụa bạch. Chiếc cầu đá lơ thơ liễu rũ. Một cô gái đẹp như tiên nga bước qua bằng gót sen yểu điệu. Tay vịn cành liễu, nụ cười đẹp mê hồn, cất giọng oanh vàng thỏ thẻ:

- Xin Hoàng tử hãy tạm dừng gót phong vân! Đây là “Đào Nguyên phong nguyệt quán”, nọ là “Nhất dạ mê hồn lâu” –Là chốn phong lưu, là non Bồng trên trần thế. Trời đã tối, lộ trình còn xa, sao không ghé qua đêm cho chúng thiếp được quạt hầu bên gối? Hoa nở chóng tàn, đêm xuân nào mấy khắc? Hãy vui đi cho khỏi uổng phí ngày xanh!

Nói thế xong, một đoàn tiên nữ vén mây bước ra, xiêm áo mỏng như làn sương, dáng ngà uyển chuyển, vóc ngọc lồ lộ, ấp úng thẹn thùa, nụ cười gợi tình, da môi run rẩy…

Năm người tuỳ tùng tim đập bồi hồi, đôi chân như sụm xuống, không cất bước đi nổi nữa. Hoàng tử một thoáng rung động, nhưng an trú niệm lại ngay, mắt nhìn thẳng, chân bước đều, an nhiên hùng dũng như viên hổ tướng. Năm thuộc hạ thấy thế như được hồi sinh, dẫu uể oải, tiếc rẻ nhưng cũng phải bước theo.

Bỗng một người đi chậm lại.

Hoàng tử nói:

- Sao ngươi không đi kịp các bạn?

- Thưa Hoàng tử! Chân tôi bị đau. Chỉ cần ngồi nghỉ nơi xóm này một lát, lấy lại sức, tôi sẽ lên đường ngay!

Hoàng tử nhăn mày:

- Ngươi có biết rằng, chúng là phi nhơn, Dạ xoa. Chúng lấy sắc đẹp quyến dụ ngươi. Rồi qua một đêm, ngươi chỉ còn là một đống xương trắng. Hãy nhớ lấy!

Người kia cười lạt mà rằng:

- Dẫu sự việc có là như vậy, tôi cũng không đi được nữa, thưa Hoàng tử.

Nhìn thần sắc và nghe giọng nói, Hoàng tử biết khó mà lay chuyển được y, bèn thở dài mà than:

“Ôi sắc đẹp! Ngươi đã đánh thắng một người bạn của ta ngay chính nơi vương quốc dịu dàng, mê hoặc của ngươi!

Ngươi là mũi tên có tẩm độc, chập chờn hoa thắm hương thơm, bắn thẳng vào tim, không nhức đau, chỉ là vết thương êm ái!

Nhưng ta sẽ vĩnh viễn đánh bại ngươi!

Bằng an trú niệm, bằng sự tỉnh thức miên tục, trường kỳ!”

Rồi xót xa mà tiếp tục lên đường với bốn người còn lại.

Chàng trai đắm sắc, sau một đêm với đám mỹ nhân, thịt và máu của chàng chưa đủ một bữa tiệc đầy môi cho các Dạ xoa nữ.

Đêm thứ hai, năm người như đi lạc vào một thế giới âm thanh mê hoặc và xao xuyến lòng người. Đầu suối, triền non, lùm cây, thạch động…đâu đâu cũng vọng lại giọng ca tiếng hát dặt dìu. Xen lẫn vào giọng ca, tiếng hát và lời thỏ thể tình tự, là tiéng cười mời mọc, cả lơi… đôi khi như hờn yêu, nũng nịu…

Hoảng tử tỉnh thức ngay:

- Đấy là mật rót vào tai. Là lưỡi kiếm vô hình, vô ảnh xuyên ngọt vào trái tim của ý chí, vào khối óc kiên cường không một dấu tích. Hãy an trú niệm đi các bạn! Kẻ nào bạc nhược tâm hồn, sẽ nằm xuống vĩnh viễn nơi chiếc giường êm ái của Ma vương và không còn ngồi dậy được nữa.

Trên ngọn đồi thấp, một bầy tiên nữ ẩn hiện như hư như thực, như có như không. Một tiên nữ hiện ra dưới vòm hoa, cất giọng mời gọi như ngọc thốt:

- Đêm xuân nào mấy khắc. Chư lang quân hãy vào đây cùng chúng thiếp ôm đàn mà vỗ một khúc “Đáo nhập Thiên Thai!”.

Một người chợt đi chậm lại.

- Sao vậy? Hoàng tử hỏi -Lại đau chân nữa ư?

- Không! -Người kia lắc đầu –Tôi bị đau bụng?

Hoàng tử thoáng nghe nhạc điệu như chợt thay đổi, thánh thót và mê ly đến cùng cực. Thỉnh thoảng lại xen lẫn vài tiếng rên ư ử dâm dật, tiếng thốt khẽ như đau đớn, như khoái lạc. Hoàng tử tỉnh thức cao độ mà trái tim vẫn rung động mấy lần. Chàng cắn răng, kiên gan chờ đợi kẽ đồng hành của mình mà thầm nghĩ: một khắc thất niệm của mình thì ở đây, ngày mai, sẽ là năm đống xương trắng!

- Hoàng tử hãy đi đi! -Người kia mê loạn nói –Tôi sẽ tình nguyện chết ở đây!

Hoàng tử thở dài, lấy tất cả ý chí và sức bình sinh thốt lên một lời ca chưa từng được nghe:

- Hỡi thiên âm ma quân! Ngươi đã thắng!

Chiếc cầu vồng ngũ sắc âm thanh của ngươi đã êm ái đưa linh hồn bạn ta đến chỗ khoái lạc và tử vong!

Ta hát lên, tán thán cái tài quyến dụ mê hoặc của ngươi, còn mạnh hơn thiên binh vạn mã. Còn va động khủng khiếp hơn dao đá và kiếm sắt. Lời một thân chiến tượng, làm cùn nhục ý chí và dõng lực kiên cường của một thần mã nòi giống Sindhu tối thượng.

Nhưng, chiếc lưới mịn màng và vô hình của ngươi không buộc được gót chân của đệ tử bậc ẩn sĩ.

Lại một lần nữa, đệ tử bậc ẩn sĩ đã đánh bại ngươi, hỡi thiên âm ma quân! Ta đánh bại ngươi mà ngươi không tử thương, ngươi không tàn úa dẫu một cánh hoa. Ta đánh bại ngươi bằng tâm niệm hòa bình, trung chính và an tĩnh. Vũ khí duy nhất và tối hậu của ta là “an trú niệm, là sự tỉnh thức miên tục, trường kỳ!”

Hát thế xong, biển âm thanh của Dạ xoa nữ chợt ta mất trong hư không, Hoàng tử cùng ba người còn lại tiếp tục lên đường. Nhưng kẻ còn lại, sáng mai chỉ còn là một đống xương trắng.

Tuần tự là như vậy, Hoàng tử vượt qua, vượt qua.

Nhưng, đến khu rừng “thiên hương” kẻ mê đắm hương rớt lại. Đến chỗ khu rừng “thiên vị” người mê đắm “vị” rớt lại. Đến chỗ khu rừng “thiên xúc” kẻ mê đắm “xúc” rớt lại. Hoàng tử là chiến sĩ duy nhất và cuối cùng hiên ngang bước qua năm cạm bẫy mà không cần lấy chỉ cột bùa cát lên búi tóc.

Chúa Dạ xoa nữ bặm môi, trợn mày họp đoàn Dạ xoa lại:

- Các ngươi là đồ ăn hại – Chúa Dạ xoa hét the thé, chỉ có sáu con mồi mà cũng để cho vuột một con. Hãy chịu tội đi!

Đoàn Dạ xoa đồng quỳ xuống:

- Xin chúa tha tội!

Chúa Dạ xoa gầm lên giận dữ:

- Oan chăng?

Cả bọn đồng thanh tâu:

- Chúng con oan. Chúng con thất là hết khả năng. Làm sao chúng con lại đủ khả năng đánh bại đệ tử của bậc ẩn sĩ?

Nghe nói vậy, chúa Dạ xoa nữ dịu giọng:

- Thế à? Nếu y đúng là đệ tử chơn truyền của các vị ẩn sĩ ở Tuyết Sơn thì ta tha tội cho.

- Xin chúa ra tay, và túm trái tim của nó – Chúng tâu.

Nữ chúa Dạ xoa chợt hóa hình thành một con quỷ sáu đầu, mười hai tay, mười hai chân, cất giọng cười ngạo mạn rúng động cả hư không:

- Ta mà ra tay thì thầy của y, ta cũng quấn trong xiêm huống hồ là tên đệ tử! Rồi vênh váo quát: Cho các ngươi lui! Khi nào có lệnh phải tụ họp đầy đủ trong nháy mắt. Để phần tên trẻ ranh cứng đầu ấy cho ta!

Bèn hóa hiện ngay dung sắc một Thiên nữ, đẹp đến chim sa cá lặn, dùng thần lực theo sát sau lưng Hoàng tử.

*

Nhắc đến Hoàng tử sau khi vượt thoát năm loại cám dỗ, bước ra khỏi khu rừng với đất trời quang đãng, chàng tự nhủ:

- “Tuy ta đã chiến thắng nhờ không phóng dật, nhờ an trú niệm và tỉnh thức cao độ - nhưng đến đây chưa hẳn là an toàn. Ở cái nơi bình lặng của xóm làng, của con người rộng rãi, chợ búa và thị trấn…biết đâu loài chúa của Dạ xoa vẫn đặt sẵn cạm bẫy ở đâu đó?”.

Nghĩ vậy, Hoàng tử tuyệt đối cảnh giác, đề phòng!

- Chàng ơi! Đợi thiếp đi với!

Hoàng tử cảm nghe rúng động, bồi hồi. Chưa kịp phản ứng gì thì một mùi hương kỳ lạ. ngây ngất phủ trùm lấy chàng làm cho các đầu dây thần kinh choáng váng, run bần bật. Chàng tỉnh thức, cắn lưỡi phun máu, mà âm thanh mê hoặc kia, mùi hương quái ác nọ làm cho cả thân tâm chàng, như mê man, nửa tỉnh nửa say, mất hết mọi khả năng phản kháng. Trong vô thức, chàng quay đầu nhìn lại, thì ối trời! Suýt chút nữa chàng chết đứng! Dước trời đât này sao có người đẹp đến thế? Cả con người nàng đều phát tiết ra, gợi lên, chưng bày trọn vẹn, tuyệt hảo tất cả cái hoàn mỹ nhất của tạo hóa, kèm thêm cái no đầy, tươi mát, tràn trề của khoái lạc nhục dục!

Hoàng tử thấy mình hoàn toà kiệt sức, mọi ý chí phấn đấu đều đã tê liệt, mọi gọi kêu của trí năng đều không còn vang vọng. Chàng không còn tuân theo khối óc của nàng nữa. Một bản năng xác thịt và ham muốn từ vùng câm nín cuồn cuộn trào vọt ra. Chàng đưa hai tay đồng lõa mời gọi, đắm đuối, run rẩy cả thể xác. Và chờ đợi…

Nữ chúa Dạ xoa không ngạc nhiên gì trước chiến thắng này. Chính những bậc ẩn sĩ, những ông Bồ Tát cũng đã từng bị nàng hạ đo ván trên chiếc giường thất bảo mê ly của nàng. Họa hiếm nàng mới thất bại. Đối với chàng trẻ tuổi này, nàng có coi ra gì. Nàng bước tới, với khoé mắt, với nụ cười, với tiếng nói, với mùi hương, với vòng tay mở rộng ân tình, với xiêm y mịn màng trong suốt…

Hoàng tử mê man bước lại. Nữ chúa Dạ xoa siết chặt vòng tay. Bỗng, nàng thối lui, da mặt tái xanh, hốt hoảng…Một cái gì đó, chớp nhoáng như làn điện, buốt ngọt như mũi tên nhọn hoắt xuyên vào ngực nàng, đau điến, toát mồ hôi! Một cái gì đó nữa, như nhát dao, lia ngay…khi nàng sắp chạm vào thân thể Hoàng tử.

Nữ chúa Dạ xoa đứng ngây, kinh hoàng, hai mắt trợn trừng, ngạc nhiên không xiết kể.

Về phần Hoàng tử, sau phút giây đó, như từ vùng đen đặc tối tăm, một điểm sáng lóe lên, lóe lên rồi dần dần lan rộng. Mọi cơ năng, cảm quan, ý chí từ từ hồi phục. Hoàng tử đã hiểu mọi chuyện, cắn đứt một chút lưỡi, phun ra một bung máu rồi chậm rãi bước đi.

Hoàng tử hiểu. Hai tay chàng tự nhiên đưa lên ngực, ở đó có lá bùa cát. Nếu không có vật hộ thân này, chàng đã vĩnh viễn nằm xuống. Nhờ uy lực của vị Trưởng lão Độc Giác Phật, Nữ chúa Dạ xoa không thể xâm phạm đến Hoàng tử, mà phải chịu thất bại đau đớn.

“Tuy thế, vẫn còn…Nữ chúa Dạ xoa thầm nghĩ: -Cuộc chiến đấu thiên nan vạn nan đây. Nhưng đối thủ xứng tay thì sự chiến thắng mới đáng hãnh diện. Ta còn có “thiên vị” “thiên xúc”, đồng thời, lập đi lập lại mãi “thiên sắc” “thiên âm”. Thỉnh thoảng, phải tung một loạt năm loại vũ khí tối thượng. Nhưng cũng phải coi chừng! Vì dường như nơi ngực hắn ta có một cái gì rất đáng ngại!

Từ lúc đó, Nữ chúa Dạ xoa, như hình với bóng theo bên Hoàng tử. Khi bên phải, khi bên trái, lúc đằng trước, lúc đằng sau, dùng đủ mọi cách để quyến rũ. Nhưng bây giờ, sau phút lâm nguy sắp rơi vào vực thẳm. Hoàng tử đã lấy lại sự tỉnh thức ban đầu, nên kiên định, vững vàng như đỉnh núi, khó có gì lay chuyển nổi.

Trên đường, có người hỏi:

- Này Mỹ nhân! Người đi trước nàng là ai vậy?

Nữ chúa Dạ xoa nhu mì đáp:

- Là người chồng trẻ của tôi, thưa các ông?

- Này bạn! Khi bạn có người vợ trẻ tuyệt sắc, mỹ miều, đẹp như bó hoa, tế nhị như nhụy hoa, rực rỡ như vòng hoa. Nàng đã bỏ gia đình mà theo bạn, và đặt lòng tin nơi bạn. Vậy sao không chậm chân một chút, để cùng đi với nhau, tay trong tay, hoặc nữa là kề sát nhau hơn, nỡ nào lại lạnh lùng, vô tình đến thế.

Hoàng tử đáp mà không nhìn ngang nhìn ngửa:

- Các bác hãy liệu chừng! Nó không là Nữ chúa Dạ xoa, cũng là “đầu nậu” Dạ xoa đấy! Chẳng phải là vợ tôi đâu! Nó đã quyến dụ và ăn thịt năm người bạn đồng hành của tôi.

Nữ chúa Dạ xoa cười duyên dáng mà đáp:

- Ối! Thưa các ông! Khi mà người đàn ông đã có lý do phẫn nộ, thì người vợ đầu gối tay ấp cũng cho là Dạ xoa, là nữa quỷ hết!

Người ta tin nàng.

Còn Hoàng tử thì cứ một mực rảo bước, tất cả như thoảng ngoài tai. Nữ chúa Dạ xoa bắt đầu tức tối, hậm hực. Khi thì hiện hình có mang. Khi thì hiện dáng đã sanh con. Khi thì ẵm con bên nách. Đến mỗi trạm dừng chân, nữ chúa Dạ xoa lại bày biện thức ăn đẹp mắt và ngát mùi hương. Chỉ nhìn và ngửi thôi cũng đã thèm đến rỏ dãi. Vì đây là thiên hương và thiên vị. Nàng trang hoàng chỗ nằm êm ái và khiêu gợi như chiếc giường của Dạ Ma phu nhân. Rồi trổ tài nũng nịu, phô lưng, phô ngực, phô thịt da lồ lộ… Bằng trăm phương nghìn kế cho Hoàng tử động tình gục ngã.

Nữ chúa Dạ xoa đã lầm. Hoàng tử của chúng ta vĩnh viễn là kẻ chiến thắng mất rồi!

Chỉ còn một đỗi đường nữa vào vương quốc Gandhàra, Hoàng tử ngang nhiên quay mặt, mặt đối mặt với Nữ chúa Dạ xoa mỉm cười mà rằng:

- Nữ chúa ma quân! Ngươi không còn là kẻ vô địch nữa!

Nữ chúa Dạ xoa cũng mỉm cười, đáp lại:

- Ta không tin như thế. Rồi có lúc ngươi cũng phải nằm xuống, trười tới mà liếm gót chân của ta!

Hoàng tử cười ha hả một hồi rồi nghiêm sắc mặt:

- Rồi có lúc, ngươi cũng tan theo bóng tối!

Đến trước cổng vào cung điện, Hoàng tử dừng chân ở nhà chiêm bái, nghĩ rằng “nếu có nguy hiểm thì nguy hiểm vào khắc cuối cùng. Ta sẽ bảo vệ tuyệt đối an toàn bằng lá bùa hộ mệnh!”. Bèn lấy sợi chỉ cột bùa lên búi tóc,cầm gươm và đứng dậy.

Chiều xuống và tối lại, Nữ chúa Dạ xoa hy vọng đêm nay sẽ đánh gục Hoàng tử bằng một chiến thuật tối hậu. Nhưng vừa bước vào cửa, nàng lại thụt lùi, sợ hãi. Hoàng tủ cầm gươm, đứng bất động như pho tượng La Hán, từ đó toát ra một uy lực bất khả xâm phạm. Lâu lâu nàng lại nhìn vào, nhưng Hoàng tử vẫn không đổi tư thế, thanh gươm chấp chóa ánh trăng, không hề lay động. Một cái gì lạnh buốt va vào trán nàng, làm nàng run lẩy bẩy. Nữ chúa Dạ xoa thở dài, tuy thế, nàng vẫn kiên gan đứng chờ.

Canh ba về sáng, biết là giờ khắc quan trọng nếu không chiến thắng thì nàng sẽ vĩnh viễn chiến bại. Nữ chúa Dạ xoa bèn huy động tất cả chiến thuật mê hồn nhất của loài ma! Nàng hiện hình thành hàng chục vị thiên nữ đẹp đến mê hồn lạc phách, trần truồng ẩn hiện nửa kín, nửa hở chập chờn xung quanh Hoàng tử mà nỉ non, tình tự. Hương của cõi trời sực nức gian phòng. Tiếng lời dâm loạn lẫn nhạc ca du dương như đưa người vào cuộc đắm say trường lạc.

Suốt đêm như thế. Nhưng nữ chúa Dạ xoa đã thất bại. Nàng vẫn chưa chịu bỏ cuộc mà đi, lại hiện hình thành một thiếu nữ khuê các, trâm anh đứng tựa lưng bên cửa.

Sáng tinh mơ, đức vua Gandhàra ngự du hoàng thành, đến nhà “chiêm bái”, thấy cô gái, tức tốc Ngài cho dừng voi lại. Vua rúng động, mồ hôi vã ra, tim nhảy loạn, hơi thở dồn dập. Suốt đời là vị vua chí tôn, ông chưa làm chủ được một đóa hoa thanh tân diễm lệ đa tình như thế.

Lâu lắm, nhà vua mới cất tiếng hỏi không ra hơi:

- Nàng là ai? Từ đâu đến? Có chồng hay chưa?

Nữ chúa Dạ xoa đáp:

- Thiếp là gái có chồng. Chồng thiếp đang nghỉ ở kia, trong nhà chiêm bái. Thiếp phải đứng ngoài cửa hầu, mong bệ hạ lượng thứ.

Hoàng tử nghe vậy, tâu với đức vua:

- Nó không phải là vợ tôi. Nó là nữ chúa Dạ xoa, cám dỗ tôi. Nó đã ăn thịt năm người đồng hành của chúng tôi. Xin bệ hạ hãy thận trọng.

Nữ chúa Dạ xoa nói:

- Ôi! Tâu Đạ Vương! Khi người đàn ông đã đổi dạ thì nó muốn nói gì mà chẳng được!

Đức vua phân vân bất quyết, lại đưa mắt nhìn Hoàng tử:

- Quả thật, ngươi không phải là chủ nhân của đóa hoa bằng xương bằng thịt kia chứ?

Hoàng tử nói:

- Đã không phải là chủ, đã không phải quen biết, mà còn sợ nó ăn thịt nữa!

Đức vua cười ha hả:

- Vậy thì tốt. Hãy ăn thịt trẫm đi! Hỡi nữ chúa Dạ xoa! Trong vương quốc này, vật gì không có chủ là thuộc phần ta.

Vua gọi cô gái đến, ẵm nàng lên lưng voi, cho ngồi kề sát mình rồng, dạo khắp một vòng rồi về cung, đặt lên ngôi vị Hoàng hậu.

Không mấy chốc, việc này được đồn đãi khắp nơi. Kẻ hiếu kỳ đi nhìn cô gái. Kẻ tò mò đi nhìn Hoàng tử. Ai cũng ngạc nhiên, sao Hoàng tử lại từ chối không nhận vợ là một cô gái đẹp tuyệt trần? Một số quan lại, đại thần lão niên đến gặp Hoàng tử để mong hiểu tường tận sự việc. Hoàng tử cứ thực tình kể lại những cám dỗ của nữ chúa Dạ xoa suốt trên đường đi, đã ăn thịt năm người bạn đồng hành của mình như thế nào!

Các vị đại thần đứng dậy, nghiêng người xá lạy Hoàng tử rồi kính cẩn thốt lên:

- Vĩ đại thay là chiến thắng này! Chiến thắng một vạn quân không bằng trong một niệm chiến thắng dục vọng của mình. Ngài đúng là một bậc Đại Ẩn Sĩ Thanh Tịnh!

Sau đó lại than dài:

- Tại sao quốc độ của chúng ta lại thiếu phước, không sản sanh được một đức vua, chỉ cần bằng một phần mười sáu của vị Ẩn Sĩ này? Ôi! Mấy chục, mấy trăm người vợ rồi mà cũng không thỏa cái bầu nhục dục vô độ đó ư? Nước nhà sẽ tan nát vì cái con quỷ cái kia mất thôi!

Đêm ấy, trên long sàn, nữ chúa Dạ xoa khóc thổn thức, vua ân cần han hỏi:

- Nàng có điều gì không được vừa ý?

Nữ chúa Dạ xoa nũng nịu đáp:

- Tâu Đại Vương! Thiếp được Đại Vương thấy ở giữa đường, đem vào cung điện, đặt lên ngôi vị Hoàng hậu. Ân mưa móc trời biển ấy, thiếp không dám quên. Nhưng sống ở đây, giữa đám thứ phi, cung nga thể nữ, chắc hẳn họ sẽ coi thiếp như thù địch. Đại vương có biết rồi họ sẽ nói như thế nào về thiếp chăng?

- Ái khanh cứ nói!

- Tâu Đại vương! –Nàng thỏ thẻ, rồi cất giọng thanh tao mà giận dữ -Cha ngươi là ai? Mẹ ngươi là ai? Dòng họ thọ sanh của ngươi như thế nào? Ối! Họ sẽ nạt nộ thiếp, sẽ nhục mạ thiếp, sẽ nói những câu ngu xuẩn như thế. Họ sẽ còn bĩu môi biếm nhẽ mà rằng: Ngươi là cái thứ chi mà đến đây nhận ngôi vị Hoàng hậu? Chỉ là kẻ được đức vua lượm lặt dọc đường dọc sá đấy thôi!

Đức vua có vẻ trầm ngâm trước sự thực đó, nhưng đang đắm đuối bởi thiên sắc, thiên hương và thiên xúc, nên nói:

- Vậy thì trẫn có thể giúp đỡ gì được cho ái khanh không?

- Sao lại không được? Nữ chúa Dạ xoa giận dỗi, hờn mát. Phải mà, đại vương có yêu gì thiếp đâu! Phải mà, với quyền uy của đức vua chí tôn mà bảo là không biết giúp đỡ được gì! Thôi, vậy thì chúng ta hãy tuyệt tình từ nay!

Nàng ngồi bật dậy, quả quyết. Đức vua hoảng hốt níu nàng lại:

- Trẫm yêu ái khanh nhất đời. Trẫm yêu ái khanh hơn cả cha cả mẹ, hơn cả sơn hà xã tắc, hơn cả tông môn, thánh miếu, hơn cả ông trời ông đất…

- Vậy thì gì nào? Khanh muốn gì nào?

Nữ chúa Dạ xoa dịu giọng:

- Đại vương chỉ cần cho thiếp sử dụng quyền uy và thế lực trên vương quốc này thì thiếp sẽ bỏ ngoài tai tất cả những lời gièm pha kia.

Đức vua rất khó xử.

- Này ái khanh! Đức vua ngọt ngào, vỗ về -Dẫu là đức vua nhưng ta không có quyền uy hay thế lực đối với đám lương dân vô tội. Ta chỉ có quyền uy và thế lực đối với kẻ phạm pháp, kẻ làm điều sai quấy mà thôi. Vậy thì ta lấy quyền uy và thế lực nào mà cho ái khanh?

Dạ xoa ngẫm nghĩ một lát vì biết rằng mưu kế của mình đã thành rồi.

- Tâu đại vương! –Nàng nói –Không thế lực cả vương quốc thì thế lực trong nội cung cũng được vậy, vả chăng thiếp đã là Hoàng hậu thì thiếp có quyền uy như vậy chứ?

Đức vua đồng ý.

Thế là hôm sau, nữ chúa Dạ xoa với đám thị nữ tùy tùng, lấy uy quyền của mình đi kiểm soát tất cả cung phòng, cửa ngõ, đếm số người và kiểm soát họ một cách nghiêm ngặt. Giữ tất cả các chìa khóa và lệnh không cho bất cứ ai đi đâu cho đến khi có lệnh mới. Ai cũng căm giận nhưng chỉ biết cắn răng chịu đựng vì quyền uy của nàng đã được đức vua đóng dấu có triện son!

Đêm sau, trên long sàng, nữ chúa Dạ xoa đoạn lìa sanh mạng của đức vua, ăn tất cả gân da, thịt và máu, chỉ để lại xương tóc. Sau đó, dùng thần lực gọi hàng trăm nữ Dạ xoa thuộc hạ, trao cho các chìa khóa phòng, lần lượt ăn thịt hết tất cả cung nga thế nữ, cho đến gà, chó…cũng không bỏ sót. Các loài vật to lớn như voi ngựa thì chúng không thèm ăn, chỉ giết làm thú tiêu khiển!

Mờ sáng, nữ chúa Dạ xoa oai vệ phi ra cổng thành, theo sau là thuộc hạ, về trú xứ của chúng, bỏ lại đằng sau cung điện rỗng không, lạnh ngắt…

*

Mặt trời lên đã lâu mà cổng thành không ai mở, giờ canh không ai báo, lầu cao lầu thấp im ỉm, cửa Đông cửa Tây váng hoe. Tốp binh ngoài thành sinh nghi, hô hoán lên. Một số phá thành đập cửa mà vào. Đâu đâu cũng xương thịt máu me vương vãi, không còn một ai sống sót.

Cả thành phố rúng động, kéo nhau đến tận nơi để xem. Các vị lão đại thần cho họp bá quan để xử lý mọi việc trên đống xương tàn.

Khi tất cả mọi nơi đều đã được thu dọn sạch sẽ, một cuộc hội nghị khẩn cấp được hình thành. Họ thảo luận vấn đề ngôi vua đang bị bỏ trống.

- Chuyện người thanh niên nói về nữ chúa Dạ xoa là có thực. Còn nhà vua của chúng ta vì đắm sắc mà bị mệnh chung. Nước chúng ta cần một đức vua đoan chính, đạo đức để trăm họ được nhờ.

- Sao ta không triệu thỉnh ngay chính thanh niên ấy? Y hiện đang ở nhà chiêm bái, hai đêm một ngày cầm gươm chiến đấu với nữ chúa Dạ xoa, không cần ăn, không cần uống. Thân bất động như tượng thần La Hán, khí sắc an nhiên trầm tĩnh như hư không. Kẻ mà lục căn thanh tịnh đến độ vượt qua sáu loại cám dỗ của ma quân, kiên trì và dõng lực an trú niệm để chiến thắng cả dục vọng của chính mình. Lại không xứng đáng cho vương quốc này tôn thờ đến ngàn sau, huống hồ chỉ làm vua kế vị!

Văn võ bá quan nhất trí tung hô, vui tươi, hoan hỷ.

Thế là cung điện lại treo đèn, hoa kết làm biếc những thảm cỏ xanh. Rải hương xông hương các nơi máu tanh do uế. Làm sạch các vệt máu trên tường, nơi cửa sổ, dưới nền hoa…Bá quan văn võ, nam phụ lão ấu kéo theo từng đoàn sau lưng chiếc kiệu, rầm rộ đến nhà chiêm bái.

Trong khi đó dân chúng khắp kinh thành hay chuyện, lại chưng bày bàn hương bái vọng, nô nức vui cười, reo ca nhảy múa, bừng bừng cả trời hoan lạc và thanh bình.

Hoàng tử làm lễ quán đảnh lên ngôi vua, trị vì quốc độ đúng chánh pháp, làm các công đức như bố thí…rồi đi theo nghiệp của mình.

*

Đức Phật thuyết xong, im lặng như đất trời vào đại định. Cả hội chúng im lặng theo, chìm lắng trong suy tư, không một tiếng ho, không một cử động của ngón tay, không một hơi thở thô tháo. Họ kính trọng sự im lặng của đức Bổn sư, họ kính trọng Pháp, họ kính trọng sự im lặng của chính mình…

Lâu lắm, đức Thế Tôn lại gióng bằng giọng Phạm âm với hai mươi tư tuyệt hảo:

- Này chư Tỳ Kheo! Thật hy hữu thay là câu chuyện trên, là bài pháp thậm thâm vi diệu chưa từng được nghe. Các thầy biết gì, hiểu gì?

Này chư Tỳ Kheo! Hoàng tử vượt qua năm loại cám dỗ ấy là Như Lai. Nhờ vượt qua năm loại cám dỗ mà Hoàng tử đạt được vương vị.

Này chư Tỳ Kheo! Nếu ý nghĩ chỉ có từng ấy thì Như Lai không nói là thậm thâm vi diệu. Tại sao vậy?

Ôi! Ân đức của Pháp to lớn vậy thay! Sự nhiệm mầu của Pháp vĩ đại vậy thay! Sự an bài của Pháp hy hữu vậy thay!

Này chư Tỳ Kheo! Bài pháp ấy phải hiểu được một cách rõ ràng như sau: năm loại cám dỗ được xếp đặt trong năm khu rừng cám dỗ khác nhau. Năm người đồng hành gục ngã được tượng trưng cho mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý hướng thượng, kiên trì, kiên gan, đầy dõng lực, an trí niệm được hiện thân là Hoàng tử vậy.

Này chư Tỳ Kheo! Trên đường cầu đạo Bồ Đề, tiến tu gian lao, vất vả, đầy những cạm bẫy. Nếu không gục ngã, kẻ ấy vẫn tồn tại trong giáo pháp của Như Lai. Y không gục ngã, vẫn cầm gươm,, không lay động, thì cuối cùng, y vẫn đạt được hương vị, đạt được Đóa Hoa Vương Quốc! Đóa Hoa Vương Quốc ấy phải được hiểu thêm là Chân Phúc, An Lạc Tối Thắng, là Cực Lạc, là Niết Bàn vậy.

Và tại sao vị Hoàng tử phải lên đường trong vòng bảy ngày? Điều này Như Lai đã từng khéo giảng, khéo thuyết pháp tu Tứ Niệm xứ của Như Lai, thật không cần phải trải qua bảy năm, bảy tháng…mà chỉ cần bảy ngày rốt ráo, nhất tâm, tỉnh thức, an trú niệm, thì Đóa Hoa Vương Quốc tối thượng sẽ nằm trong bàn tay vị ấy.

Các ngươi hãy như vậy thọ trì.

Minh Đức

Nếu anh đi được trên mặt nước,

Anh hơn gì một cọng rơm?

Nếu anh bay liệng giữa không trung,

Anh hơn gì một con ruồi?

Nhưng nếu anh chế ngự được tâm hồn anh,

Anh quả là một nhân vật phi thường!

Pháp sư tàu hũ

Thuở xưa có một ông đồ thông minh, bác học. Ông ta làm khổ vị Hoà Thượng trụ trì chùa láng giềng không ít, vì những câu hỏi lý sự cùng mình của ông ta. Vì thế, mỗi lần nghe tiếng guốc lộp cộp của ông đồ đến gần, dù đang bận bất cứ công việc gì: xem kinh hay cuốc đất…Hoà Thượng vội vàng leo lên thiền sàng để “tỵ nạn” tham vấn của ông đồ đa sự.

Một hôm, đang ăn mấy củ khoai lỡ bữa, chợt nghe tiếng khua ngoài cổng tam quan, Hoà Thượng vội vàng lau miệng tức tốc trở về phương trượng. Thấy chủ nhà lật đật, khách cũng hối hả không kém. Nhờ vậy, ông khách bắt được Hoà Thượng lúc ngài mới leo lên bồ đoàn mà chưa kịp gác tréo chân. Cực chẳng đã, Hòa Thượng phải quay lại chào khách, ngài thở phào nhẹ nhõm.

- A, thì ra bác đậu hũ! Vậy mà bác làm tôi sợ đến bở vía…

Chàng đậu hũ ngạc nhiên:

- Có chuyện gì vậy, Bạch thầy? Hôm nay bán ế quá, con tạt vào chùa, nài thầy mua giùm vài miếng chứ con có làm gì đâu nào?

- Ấy, không phải vậy!

Và, Hòa Thượng bèn thuật lại đầu đuôi câu chuyện xong, ngài than thở:

- Hôm nào cái tên đa sự đó đến đây thì ta vô phương làm việc…cứ phải ngoáy tai ra nghe nào là Pháp thân, Niết bàn, Tối thượng thừa, Đệ nhất nghĩa đế, Chơn đế…thiếu điều điếc con ráy…

Chàng đậu hũ bất bình:

- Rồi thầy chịu trận chứ không có cách nào tống cổ hắn à?

Hòa Thượng nhắm mắt:

- Ta có mở miệng được tiếng nào đâu? Hắn cứ thao thao bất tuyệt đến lúc nào khô cổ mới chịu ngừng lại hớp nước, lấy hơi và nói tiếp…

- Thế, hôm nay hắn có đến không ạ?

- Hôm nào lại khỏi, quả là một đại họa cho ta.

Gã bán đậu hũ thuộc loại người có máu Lục Vân Tiên, nghĩa là thấy chuyện bất bình thì phải ra tay nghĩa hiệp, hăng hái nói:

- Thầy để nó cho con. Con sẽ trị cho hắn một mẻ, thế nào cũng cạch đến già…

- Chú có cách nào? Đừng có chọc người ta mà phải tội!

- Ậy, thầy cứ cho con mượn cái mũ ni, áo tràng cùng y bá nạp nữa…Rồi thầy trò mình sẽ làm như vầy…như vầy…

Hai thầy trò còn đang bàn tính thì đã nghe tiếng guốc của ông đồ. Đương sự mới đến sân ngoài đã đánh tiếng:

- A Di Đà Phật! A Di Đà Phật! Bạch Hòa Thượng con mới đến ạ!

Hòa Thượng vội bước ra, suỵt hỏi:

- Im nào! Ông bạn…hôm nay chùa có khách.

- Ai thế nhỉ?

- Một thiền sư vừa hạ sơn, Ngài ở Tà Lơn mới xuống…

- Ồ, quý hóa quá! Thật là: “Hữu duyên thiên lý năng tao ngộ, Vô duyên đối diện bất tương phùng”.

- Suỵt, ngài còn trẻ nhưng đạo cao đức trọng lắm…

- Ồ…vạn hạnh, vạn hạnh…thật là Vị tằng hữu…Sư tử lên ba còn hơn dã can đầu bạc.

- Nhưng mà…ngài không thích nói nhiều.

- Đó mới là…Vô ngôn thông… “Tri giả bất ngôn”…Người biết mà không nói…mà lại.

- Đạo hữu có hầu chuyện với ngài thì nên ít lời một tí…

- Thế thì…con xin được phép hầu chuyện với ngài bằng lối im lặng. Một cuộc im lặng như sấm sét của những tâm hồn vĩ đại và chơn thực…

Hòa Thượng ngơ ngác:

- Thế nghĩa là sao?

- Im lặng, im lặng và im lặng. Đó là sự đối thoại của Bồ Tát cư sĩ Duy Ma Cật, một lối mặc ngữ mà pháp âm vang như sấm rền.

Hòa Thượng đành lắc đầu:

- Thôi thì chú cứ làm những gì chú thấy cần thiết.

Ông đồ liền tuột guốc, rón rén bước đến vái chào vị Thiền sư Tà Lơn. “Thiền Sư” vẫn im lặng, hai mắt hơi hé ra rồi nhắm lại như cũ. Khách và chủ cùng phân tòa ngồi. Hòa Thượng cũng kiếm một chỗ ngồi, hồi hộp theo dõi cơ sự.

Thoạt tiên, ông đồ đưa lên một ngón tay, tiếp theo thiền sư cũng đưa tay lên, nhưng đến ba ngón. Ông đồ gật gù, tỏ vẻ thông cảm tiếp thu kịp.

Ông đồ lại đưa lên năm ngón tay. Thiền sư mỉm cười, lúc đầu ra vẻ khoan dung rồi đưa hai bàn tay lên, xòe đủ mười ngón.

Ông đồ chặc lưỡi tỏ vẻ thán phục, đưa tay vẽ một vòng tròn. Thiền sư có vẻ bất bình, đưa tay, hất mạnh, chỉ ra ngoài ngõ.

Ông đồ sụp lạy, cung kính cáo từ ra về. Tiễn y đến tam quan, Hòa Thượng hỏi:

- Sao, chú thấy thế nào?

- Ồ quả là “Thiên niên thiết thọ khai hoa dị”. Nghìn năm cây sắt đơm bông dễ…nhưng tìm được một người như thiền sư Tà Lơn thì quả là khó. “Tam sinh hữu hạnh” mới có một cuộc đối đáp như chớp nhoáng xoẹt lửa như thế.

- Ngài đã nói với chú những gì?

- Ồ, Hòa Thượng làm sao hiểu thấu!

Hòa Thượng khẩn khoản:

- Tôi ở chốn rừng núi quê mùa, dốt đặc cán mai. Xin chú làm ơn thuật lại tỉ mỉ cho tôi mở rộng tầm con mắt. Tại sao chú lại đưa lên một ngón tay?

- Đó là chỉ “Nhất tâm”…

- Còn ổng đưa lên ba ngón tay là sao?

- Đó là, nhất tâm… tam giới. Một tâm nhưng bao trùm cả ba cõi, đầy đủ thể tướng dụng. Đó là pháp. Ngài đã đưa ra “Tam giới” để trả lời cho “Nhất tâm”. Thật là hay, hay tuyệt!

- Rồi khi chú đưa năm ngón tay lên?

- Đó là ý hỏi: “Nhưng đối với kẻ đã lỡ tạo tội ngũ nghịch thì sao?”.

- Rồi ổng đưa mười ngón tay?

-Ý dạy: “Phải khuyên đương sự tu mười điều thiện”…

- Ồ, hay quá! Chỗ này thì tôi đã hiểu kịp. Thế, lúc chú đưa tay vẽ một vòng tròn?

- Tôi muốn nói: “Chúng ta đang đi quanh quẩn trong vòng luân hồi vô tận”.

- Và ổng lắc đầu, hất tay chỉ ra ngoài ngõ?

- Ý ngài nhắc chúng ta phải có chí hướng thượng, vĩnh xuất tam giới…Xong, Ngài buông thỏng hai tay, lắc đầu tỏ ý là đến chỗ vô ngôn tuyệt lự, bất lập văn tự. Khi ấy tôi chỉ còn nước im lặng, đảnh lễ ra về mà vẫn nghe pháp âm rền vang như sấm nổ.

Ông đồ cáo từ. Hòa Thượng trở vào, gặp thiền sư Tà Lơn, tức chàng bán đậu hũ đang đứng lúng túng trong đống y cùng áo. Hòa Thượng tiếp tay, giúp anh ta xếp y cất áo mão xong, hỏi:

- Chú ra dấu hiệu gì mà hắn ta chạy một mạch vậy?

Anh bán đậu hũ cười hề hề:

- Có chi đâu! Cũng chuyện làm ăn mà. Đâu có gì ngoài việc mua với bán. Hắn gạt Hòa Thượng chứ đâu có qua mắt thằng bán đậu hũ này nổi!

- Chú thuật lại đầu đuôi cho ta nghe thử!

- Đầu tiên hắn ta đưa lên một ngón tay, ý hỏi: “Bao nhiêu một miếng đậu hũ” Con liền xòe ba ngón, tức “Ba đồng bạc”.

Hắn liền đưa ra năm ngón tay, tức là ngỏ ý mua năm miếng. Con nghĩ hôm nay bán ế, mình để giá vốn cho hắn, nên đưa lên mười ngón, ra giá là mười đồng. Thấy rẻ, hắn động lòng tham, đưa tay ra dấy hỏi mua hết cả thúng…Con nổi sùng hất tay bảo hắn ra chợ hỏi xem có ai chịu bán giá đó không? Còn thúng đậu ế này, thà rằng con đem cúng thầy làm chao cúng rằm cho có phước…

Từ đó, ông đồ không làm phiền Hòa Thượng nữa. Có lẽ ông đã nghe đầu đuôi câu chuyện, vì bác đậu hũ không phải là một người kín miệng cho lắm…

Như Thủy

Người làu thông pháp học và đọc thuộc lòng kinh điển mà không thực hành theo lời Phật dạy. Thì con người ấy tựa hồ như kẻ chăn bò, tay có đếm bò nhưng đó là bò của người khác.

Ảo ảnh

Thuở xưa, có một vị Hoàng tử chào đời trong niềm vui mừng của nhà Vua, Hoàng hậu và thần dân của cả nước. Nhưng không may cho cậu bế, Hoàng hậu mất rất sớm, bà mẹ kế muốn giành ngai vàng cho con trai mình nên âm mưu cho bộ hạ mang Hoàng tử vào rừng giết đi.

Vị Thái giám mang chú bé vào rừng nhưng không nỡ xuống tay, đành giao đứa bé ngây thơ lại cho bọn thợ săn sống nơi triền núi. Chú bé lớn dần lên vô tư như một cây xanh dưới nắng và gió… Hoàn toàn không hay biết gì về nguồn gốc vương giả của mình.

Thời gian trôi qua, chẳng bao lâu chú bé trở thành một thanh niên cường tráng…Chàng trai vẫn vô tư sống giữa đoàn thợ săn như một cội tùng non xanh, tâm tư hoàn toàn thoải mái như thú rừng. Chàng không hề biết đến những trần ai khổ lụy của những con người phố thị. Cho đến một hôm, người trưởng đoàn thợ săn cho phép chàng theo ông ta xuống núi.

Những bước chân vô tư của chàng Hoàng tử có cội nguồn vương giả thản nhiên đặt chân trên những nẻo đường của đế đô, nơi mà trước kia dân chúng đã đặt hương án chào mừng ngày sinh của chàng.

Chàng trai vô cùng kinh ngạc về sự xa xỉ của dân phố thị, chàng không hiểu tại sao thế nhân lại có thể chìm đắm cười khóc theo những trò đời, mà theo chàng nhận xét có vẻ ấu trĩ và điên rồ không tả.

Sau hai tháng rong chơi ở thành phố, thấy mãn nhãn những màu sắc vinh hoa phú quý của trần đời, chàng theo người trưởng đoàn trở về, lòng không vương một hạt bụi nhỏ, rừng núi gió trăng và kiếp sống hạt nội mây ngàn tưởng chừng là một thế giới riêng biệt thân yêu của chàng. Trên đường về hai thầy trò dừng chân bên một bờ suối vốc nước uống…Khi bất trợt ngẩng mắt lên chàng trai trẻ sững sờ kinh ngạc, chưa bao giờ chàng trông thấy một thiếu nữ quyến rũ như thế. Trong khoảnh khắc núi rừng trở nên âm u tẻ nhạt…Một cái gì chợt thức dậy trong lòng chàng…Một sức sống mãnh liệt bừng dậy khắp mọi nơi, chàng trai tưởng chừng như mình mới mở mắt lần đầu tiên…Dường như chàng mới thức dậy sau một giấc ngủ nghìn năm mê mệt…Trời xanh hơn, mây trắng bồng bềnh, cây cỏ lá hoa đều đậm đà mầu sắc một cách kỳ diệu. Thần ái tình đã bắn mũi tên định mạng. Người trưởng đoàn đã thấy niềm xao xuyến của người trẻ tuổi…Ông bồi hồi nhớ lại thời thanh xuân của mình và bất giác rùng mình, cánh chim đại bang vương giả sắp đến ngày ra ràng…Những hốc đá hoang vu của ông không đủ rộng cho đại bàng dang cánh, ông chỉ thấy lòng đau xót, đắng cay. Có phải đây là đoạn đường mà ai cũng đã một lần hăm hở bước qua? Và mấy ai qua đó mà không thân bại danh liệt, nước mắt tràn mặt mày.

Vì thế khi chàng trai trả lúng túng ngỏ ý xin rời đoàn ít lâu. Ông chỉ im lặng nhìn chàng…Và sau cái nhìn lặng lẽ của ông, con chim đại bàng liền tung cánh.

Người thiếu nữ đã đánh thức giấc ngủ bình an của chàng thanh niên quả là một nhan sắc hiếm có, và cũng giống hệt như bao nhiêu mỹ nhân khác, nàng rất tự kiêu về mình. Chàng trai đã bao lần quý gối trước mặt nàng xin suốt đời làm kẻ nô lệ, nhưng nàng vẫn lạnh lùng. Song thân cô con gái khám phá ra nơi kẻ si tình có một sức mạnh vô địch và họ không bỏ qua điều đó. Để lấy lòng ông bà nhạc tương lai và nhất là người đẹp, chàng trẻ tuổi đã làm quần quật suốt ngày, phá rừng vỡ núi…Chàng không từ nan một trở ngại nào miễn sao được thấy mặt nàng là đủ…Chàng cũng mơ hồ cảm thấy mình đã đặt mối đam mê vào một khoảng trống…hệt như tất cả kẻ si tình khờ dại khác, chàng trai mới lớn này đã hăng say lao đầu vào bể khổ với tất cả sự vụng dại lẫn thật thà. Niềm hy vọng của chàng sống leo lét cho đến một ngày kia nhà vua mở cuộc đi săn…qua vùng đất hứa và như một định luật thiên nhiên, cô gái đẹp nhất vùng đã tìm đến quân vương trẻ tuổi.

Mọi người đã không khám phá ra tài thiện xạ của chàng trai miền núi…mãi đến khi nhà vua trẻ tuổi của họ ngã gục dưới mũi tên của kẻ tình địch, thì chàng trai đã nhanh chân chạy mất, lẹ như một con cheo. Chàng chạy trốn như một tên điên, toàn thân ướt đẫm mồ hơi và vết cào xước của cây rừng…Cho đến lúc kiệt sức, ngã gục bên bờ suối, chàng mới chợt thấy mình đang ở bước đường cùng…cuộc đời chàng há không đã chấm dứt rồi sao? Hình bóng mỹ nhân như một mũi tên cắm sâu vào lòng ngực. Đó là một nỗi niềm đau nhức mới lạ và khó chịu…Số ngôn từ ít ỏi và chất phát của chàng không đủ để diễn tả nỗi u uất sầu khổ, chàng chỉ có cảm giác như một con thú rừng bị trúng tên độc và đang thoi thóp thở những hơi cuối cùng…Chưa đến một năm mà chàng đã đi đến cuối đoạn đường, chàng trai trẻ hồn nhiên vui tươi của rừng núi đã ngã gục bên kia bờ suối. Con đại bàng vương giả vừa dang cánh đã gục chết trên cây.

Khi chàng tỉnh dậy chàng không biết mình ở đâu, mê hay tỉnh. Chàng đang nằm trêm một đệm rơm, và bên bục đá là một vị sư đang ngồi tịnh tọa. Gương mặt của người dường như phảng phất một nụ cười…Đôi mày của nhà sư bạc trắng như là một cánh hạc, nhưng màu da lại hồng hào, khuôn mặt ấy có một cái gì vừa hồn nhiên vừa ngây thơ như trẻ nít. Chàng đưa mắt quan sát vẻ đơn sơ của một nơi ẩn dật và bắt gặp một rổ khoai nấu chín còn âm ấm, nằm trong tầm tay với của mình.

Mãi đến chiều hôm sau nhà sư mới xuất định…Người nhìn chàng trẻ tuối với ánh mắt của một người thân. Chàng trai đọc được niềm thương hại lẫn sự chế nhạo trong nụ cười của nhà tu. Chàng kính cẩn dâng nước cho ông như một chú tiểu sơ cơ mới vào đạo. Hai thầy trò không nói với nhau một lời. Trò không dám mở miệng trước và thầy sau khi uống một ngụm nước đã nhập định trở lại.

Nhìn gương mặt bình an của nhà tua, chàng trai thấy dường như nỗi thống khổ cay đắng của mình chỉ là một trò chơi trẻ dại. Chàng nhớ lại thời thơ ấu cùng bọn mục tử chơi đùa, trò chơi thường kết thúc bằng tiếng cãi vã, gây gổ, lắm khi còn đem đến những màn ẩu đả, phải chờ đến sự can thiệp của người lớn mới chấm dứt được.

Thuở ấy, chàng đã nhiều lần tự hỏi không hiểu tại sao mình đã để những quy luật ăn thua giả tạo của trò chơi gây buồn phiền uất hận. Khi từ giã đoàn mục tử để đeo đuổi mỹ nhân, chàng há đã không hăng say lao đầu vào trò chơi mới đó sao? Trò chơi vẫn chưa kết thúc…Và chàng thì đã mất hết sức sống.

Thế giới của nhà tu bình an như một mặt nước, có phải vì họ bỏ cuộc chơi hay đã nắm vững trò đùa không bị nao núng bởi những quy ước giả tạo của thế gian.

Bảy ngày trôi qua, nhà sư ngoài những giờ tĩnh tọa vẫn im lặng như một tảng đá. Chàng trẻ tuổi không thể nào chịu nổi nữa…Một hôm chờ lúc nhà sư vừa xả thiền, chàng tấn công ngay bằng cách kể lại câu chuyện mình cùng những nỗi u uất, chán chường đang rút mòn sinh khí chàng. Nhà sư im lặng lắng nghe và khi chàng trai hỏi một câu. Sư chỉ thốt lên hai tiếng “aỏ ảnh”. Chàng trai thất vọng nhiều hơn là tức giận, chàng những tưởng tìm đâu có một lối thoát qua phong cách thoát tục của nhà tu, nào ngờ sư chỉ buông hai tiếng nhẹ như một làn gió. Chàng dằng giọng:

- Sao có thể là huyễn hóa được?

Nhà sư bật cười, với tay lấy bình nước trao cho chàng trẻ tuổi:

- Ta khát quá!...Không thể nói nhiều được, con cho ta một ít nước suối mát.

Chàng trai ôm bình ra suối múc nước. Đến lúc ngẩng mặt lên. Ô kìa! Chàng có mơ chăng? Mỹ nhân đang đứng bên kia, mắt dáo dác như muốn tìm ai. Nhác trông thấy chàng, nàng đã nhanh như một con sóc, chạy đến quỳ ôm hôn chàng khóc tức tưởi…

Chàng trai mềm lòng… Chàng còn được biết thêm rằng sau khi nhà vua băng hà, quan Thái giám tiết lộ tông tích của chàng và quần thần đang chờ tôn chàng lên ngôi cửu ngũ.

Và hệt như một chuyện đời xưa, chàng trai được rước về lên ngôi vua, mỹ nhân làm Hoàng hậu. Họ sinh ra những đứa con kháu khỉnh và đẹp như tiên đồng ngọc nữ. Mười lăm năm trôi qua. Sau một trận chiến bại, đức vua bị quân giặc bắt giam vào ngục đá với bà Hoàng hậu gào khóc phát điên và bầy con chết nằm la liệt chung quanh…

Nhà vua thấy tim mình như vỡ ra từng mảnh…Những sợi dây mắt xích, bà vợ điên, đám con chết nằm đoanh vây, tất cả đè nặng lên con tim già nua của ông.

Ngay lúc đó ông bỗng nghe tiếng nói nhẹ nhàng của thiền sư:

- Chỉ múc có một bình nước mà đã hơn nửa giờ…Sao lâu quá vậy chú?

Chàng trai mở bừng mắt, chàng thấy mình còn đang đứng bên bờ suối, tay ôm bình nước…Và tóc hãy còn xanh.

Nhà tu mỉm cười:

- Ảo ảnh là thế đó chú ạ!

Từ đó chàng trai không bao giờ rời núi nên không ai biết chàng tịch lúc nào và ở đâu.

Như Thủy

Thế gian như giấc mộng dài.

Sanh không thác lại tay không có gì!

Đời người như giấc chiêm bao.

Nghìn xưa dễ mấy ai mà trăm năm?

Hết

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567