Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

18. Ra Đi Lúc Hoàng Thành Say Ngủ

26/10/201309:23(Xem: 24748)
18. Ra Đi Lúc Hoàng Thành Say Ngủ

Mot_Cuoc_Doi_01

18. Ra Đi
Lúc Hoàng Thành Say Ngủ




Cổ thành Kapilavatthu đêm nay thật là huy hoàng, tráng lệ. Để mừng cho mình đã có một đứa cháu nội, một hoàng tôn đẹp đẽ, đức vua cho cả kinh thành yến tiệc trong ba ngày. Sau ba ngày, đức vua sẽ bố cáo rộng rãi ngày lễ đăng quang cho thái tử chính thức trị vì ngôi báu. Dịp này không những muôn dân được giảm thuế mà tội tử tù sẽ được giảm khinh, tội nhẹ thì được tha bổng. Cả nước được vui chơi thêm bảy ngày, có ngân quỹ của hoàng gia và các trấn thành đài thọ...

Hằng đêm như thế, tòa thành cung điện sáng lung linh diễm ảo như một viên kim cương vĩ đại. Trên tường thành, các tháp canh cao lớn được trang điểm như một cây hoa đăng, ngoài ra, cách khoảng đều đặn chừng vài chục sải tay còn dựng những bó đuốc khổng lồ rực sáng giữa nền trời. Khắp các đường phố, vua cũng ra lệnh trang hoàng như các ngày lễ hội; các loại đèn nhựa thông, dầu mù u, dầu lạc... được quân canh thay nhau canh lửa suốt đêm.

Tại công viên của Cung Vui, thái tử đã cho chuẩn bị đâu đó xong xuôi một buổi dạ tiệc. Chàng muốn chung vui với các ông hoàng - như là sự gặp mặt cuối cùng trước khi âm thầm ra đi, sống cuộc đời lang thang sương gió. Yasodharā chỉ mấy ngày đã lấy lại được sức khỏe bình thường nhờ thuốc quý của hoàng gia và sự tận tình chăm sóc của hai viên quan ngự y; nhưng thái tử khuyên nàng nên nghỉ ngơi, lại còn tiếp chuyện với hai bà mẹ cùng cô em Sundarī Nandā nữa. Họ đến từ sớm. Có lẽ mải chuyện vui nên chốc chốc tiếng cười khe khẽ vẳng ra. Thái tử cảm thấy yên tâm. Đứa bé đã cho họ niềm vui quý hiếm.

Khi tòa thành phía Tây che giấu những vạt nắng cuối cùng thì hoàng hôn cũng vừa buông xuống, nhường chỗ cho ánh sáng lửa bừng lên. Những chùm đèn sáng rực đó đây giữa lối đi, giữa các hàng cây, vườn cảnh... soi tỏ những chiếc bàn sang trọng đã được thị nữ chuẩn bị chu đáo thức ăn, vật uống. Đêm nay, thị nữ, vũ nữ, ca nhi được phục sức và trang điểm như ngọc nữ. Nhạc công, vũ công... thì trông tựa như tiên đồng. Tất cả xà-rông, xiêm y, khăn, đai... của họ đều lấy màu xanh làm nền: Xanh da trời, xanh nước biển, xanh lá cây, xanh nõn chuối... nên trông dịu dàng mát mẻ như một bài thơ mùa xuân của thi sĩ thiên nhiên.

Một khán đài lộ thiên được dựng công phu giữa hai cội hồng táo cũng được trang điểm gấm lụa nhiều màu sắc, điểm hoa thêu. Hoa sứ, hoa lài, hoa cúc, hoa vạn thọ, hoa kadamba, hoa campaka, hoa saraca... được kết thành từng tràng, từng chuỗi từ diềm cao rủ xuống trông vô cùng duyên dáng và gợi cảm. Không gian thơm nức mùi hương.

Thái tử ngồi trầm ngâm bên lò trầm, đưa mắt nhìn lên nền trời xanh có mảnh trăng như dát bạc. Vô vàn vì sao mờ tỏ lấp láy. Phương Nam sao mờ. Chùm sao ở phương Bắc như từng hạt kim cương đứt nối kết chuỗi. Ồ! Chúng treo ở đâu giữa nền trời xanh thẳm và vô tận ấy?

Ngựa hí, những tiếng nhạc ngựa leng keng, những bánh xe dừng lại ken két ở ngoài ngõ. Các ông hoàng, trước sau, lần lượt xuất hiện. Đầy đủ cả. Đầy đủ tất cả những nhân vật tài hoa của cả hai cổ thành. Thái tử mỉm cười ôm vai nhau vui mừng với từng người một, trong thâm tâm lại nghĩ, họ sẽ là những phụ tá đắc lực mai hậu cho chàng khi tìm ra được đạo lớn - con đường bất tử.

Đêm ấy thật là đặc biệt. Đã quá lâu họ mới có cuộc gặp mặt đông vui như thế này. Từ độ hợp tác cải cách, canh tân đất nước thất bại, họ xa nhau, ai cũng trở về với bổn phận và trách nhiệm của mình. Đa phần họ được thay thế lớp già lão để làm các quan tổng trấn, đại thần hoặc phụ tá các các vị trong hội đồng nguyên lão. Con đường làm quan thì giàu sang, vinh hiển. Có kẻ bệ vệ, chững chạc nhưng cũng có kẻ đã có vài nếp nhăn nơi đuôi mắt, vầng trán. Thái tử quan sát từng người và chàng cảm nhận một cách minh nhiên rằng là, chẳng có ai hạnh phúc cả! Họ cười nói ha hả, hào sảng, vô tư... nhưng ai cũng muốn giấu đằng sau những lo nghĩ, phiền muộn. Nhất là Mahānāma, người đã có gia đình, lúc nhúc vợ con. Kế đến là Bhaddiya, một vị minh quan được triều đình nể trọng. Chỉ còn có Ānanda và Anuruddha, cả hai đều một mực từ chối làm quan, từ chối lập gia đình... là còn vui tươi, hồn nhiên, trong sáng.

Trên khán đài lộ thiên, tốp vũ nữ và đám ca nhi thay nhau những tiết mục đặc sắc. Họ vào tiệc, ăn uống, chúc vui, chúc mừng nhau... mạnh khỏe, sống lâu, công thành, danh toại... Ai nấy đều học rộng, biết nhiều, có đời sống tinh thần vững mạnh, có chiều sâu tâm hồn; họ đều biết những lời chúc tụng đẩy đưa ấy là khách sáo, nhưng nếu không có những lời đầu môi chót lưỡi ấy thì họ không biết nói gì! Họ bất lực trước cái hữu hạn, trước cái ràng buộc của ngôn lời, của xã giao đời thường mà chẳng biết làm sao!

Họ ăn uống chừng mực. Nghe xem cũng chừng mực. Thái tử sai thị nữ mang thêm thức ăn, thức uống rồi muốn phá vỡ không khí im lặng ấy, chàng nói:

- Công việc tại các trấn thành như thế nào, các bạn?

Bhaddiya nói oang oang:

- Đệ không muốn làm quan tổng trấn, chỉ xin chức phụ tá để xem công việc như thế nào, xem mình sẽ làm được những gì cho mọi người... Nhưng rốt lại, vô ích thôi, thái tử ạ!

- Đệ hãy nói cụ thể hơn. Ở đây sẽ có được ý kiến của nhiều người - Thái tử quan tâm hỏi.

Bhaddiya thở dài:

- Chưa nói đến bảy mươi ba ngàn dân lao động cực nhọc, khốn khổ, nghèo nàn... trong một trấn thành một trăm mười ngàn dân, như ở Kapilavatthu này, là khó giải quyết! Chưa nói đến tệ nạn quan liêu, tham nhũng, hối lộ... của các quan chức điều hành các cơ sở nghiệp vụ chuyên môn... tại thị trấn, làng xã, phường xóm...là những căn bệnh lâu ngày khó chữa trị. Chỉ mới một việc nhỏ thôi, tại trấn thành của đệ, chỉ có mấy chục ngàn dân, muốn đưa số dân nghèo ra khỏi đời sống của động vật, sống cho ra con người mà cũng không làm được!

Thái tử hiểu Bhaddiya muốn nói gì. Chàng đã từng đi quan sát nhiều ngôi làng của cư dân thủ-đà-la. Họ chưa có một ngôi nhà đúng nghĩa là một ngôi nhà: Tất cả chỉ là những cái chòi, những cái hang, những mái che tạm bợ, sơ sài. Chỗ ngủ nghỉ của họ là những sạp cây, sạp nứa đóng ghép cẩu thả, đểnh đoảng, ọp ẹp, hư mục... Đôi nơi họ nằm cả trên nền đất bẩn. Chưa thôi. Trước cửa ra vào xiêu vẹo, bên trái là năm bảy con dê, bên phải là vài ba con bò...; máng ăn cho súc vật quăng bỏ bừa bãi trên đống rác xả thải đủ loại... Phân dê, phân bò cùng nước tiểu của chúng, lâu ngày tẩm lên đất một mùi xú uế nồng nặc, đứng xa hai mươi sải vẫn ngật ngầy mùi hôi đến lợm giọng, nôn mửa. Thế nhưng, đám dân thủ-đà-la ấy cùng sống chung, sống với dê, bò, với hôi hám bẩn thỉu ấy một cách an nhiên, tự tại! Sự rách rưới, đói nghèo, bệnh tật, ghẻ lở... của họ quả là không còn thuốc trị, quả không còn khả năng để cứu giúp nữa... Ôi! Thái tử hiểu rất rõ, rất rõ...

Kimbila xen lời có vẻ vừa mỉa mai vừa tâm sự:

- Cứ cải cách đi, cứ canh tân đi! Rồi biện pháp này lại đụng đến người này, biện pháp kia thì đụng đến người khác. Nuốt chén cơm quý tộc mà nghe đắng chát như trái bồ hòn.

Anuruddha cười ha hả:

- Cái vỏ đao chặt quá! Dụng sức rút hoài chưa ra khỏi vỏ thì nói gì đến chuyện rút đao tương trợ, cứu khốn, phò nguy, giúp dân, giúp nước...

Ānanda đồng tình nhưng lại nói nhạo:

- Vậy thì hoàng huynh bỏ vũ khí ra! Xem đệ đây, không có đao mà cũng chẳng có kiếm!

Mọi người đồng cười rộ.

Mahānāma cất giọng điềm đạm:

- Tâm sự của Bhaddiya là của tất cả chúng ta. Ở trấn của đệ cũng tương tợ thế, là bài toán ngàn đời nan giải... Ông cúi đầu xuống, im lặng một lát rồi nói tiếp - Anuruddha và Ānanda thế mà sướng, thế mà khôn... vừa thoát được cái tròng hoạn lộ, vừa thoát được cái tròng vợ con! Xin chúc mừng, chúc mừng...

Mahānāma cầm ly rượu chanh chưa kịp cụng ly với mọi người thì Anuruddha đã chọc ghẹo:

- Khôn thì nhất định chúng đệ khôn rồi. Nhưng sung sướng thì còn cần phải xét lại! Huynh hai vợ, bốn con, chưa đủ; còn đào hoa gánh thêm một kiều nữ kiều diễm nữa. Kết quả mối tình mặn nồng thơ mộng này cho huynh thêm cô bé Vāsabha-khattiyā xinh đẹp như tiểu tiên nữ không là món quà hạnh phúc là gì!

Mahānāma cúi đầu rầu rĩ.

Anuruddha cụng ly với Ānanda:

- Chúng mình một phe, chúc mừng! Đồng thời ủng hộ cuộc nhân duyên lai huyết thống mà ai cũng phản đối ấy!

Thái tử biết chuyện ấy, cả hội đồng trưởng lão Sākya lên án, làm cho ưu tư của Mahānāma càng thêm ngổn ngang, rối bời nên mở lời chia sẻ, thông cảm:

- Máu thì ai cũng đỏ. Mồ hôi, nước mắt thì ai cũng mặn. Phân biệt huyết thống mà làm gì! Tất cả chúng ta đều ủng hộ phải không?

Mọi người đồng vỗ tay tán thành:

- Vương huynh nói phải!

Devadatta bây giờ mới từ từ cất tiếng:

- Đệ quyết liệt từ chối lập gia đình nhưng phụ tá vương vị thì không thể giao phó cho ai. Tình trạng Koliya chẳng khác gì Sākya. Cũng như Bhaddiya, Mahānāma đã nói, là không làm được việc gì ra trò, ra trống cả. Việc gì cũng nửa vời. Việc gì cũng đắp đổi tình thế đầu ngọn, ngoài da cả. Ý nghĩa và giá trị cuộc sống càng ngày càng mù mịt. Tâm không yên. Trí không yên. Sau những cuộc vui chốc lát như thế này, bên huynh đệ tâm sự như thế này; có lẽ là những kỷ niệm đáng nhớ nhất, hạnh phúc nhất của đệ đấy! Rồi khi trở về, lại với công việc bộn bề, phía này thì va đụng phải bức tường thành truyền thống, phía kia thì húc phải hư vô, rỗng không cùng với những tri kiến rối bời! Đệ biết sống để làm gì? Niềm vui ngũ dục thì tầm thường quá mà khát vọng tâm linh thì chỉ có nỗi đau và vực thẳm. Ở đâu cũng nỗi đau và vực thẳm cả...

Sau lời tâm sự của Devadatta, không khí cuộc vui như chùng xuống. Dường như đấy cũng là nỗi niềm chung của các ông hoàng nên ai cũng trầm ngâm, lặng lẽ. Các chương trình, tiết mục biểu diễn trên sân khấu lộ thiên ai cũng hững hờ. Trời về khuya trăng càng sáng tỏ. Đêm mênh mông và yên tĩnh. Vài cơn gió mát lạnh từ phương Bắc tràn xuống. Cây cỏ lao xao. Chợt tiếng nói bên hiên vọng ra:

- Con đừng tiễn nữa, Gopā! Hơi sương đêm không tốt đâu đấy.

Thái tử đứng dậy, bước nhanh lại:

- Để hoàng nhi tiễn hai mẹ về nhé!

- Không! Lệnh bà Gotamī nhìn về phía các ông hoàng - Con hãy chung vui với các bạn một lúc nữa.

Lát sau, ca nhi, vũ nữ được cho nghỉ ngơi. Các ông hoàng cũng lần lượt từ giã. Trong lúc thị nữ và gia nhân thu dọn bữa tiệc tàn thì thái tử chậm rãi tản bộ đến phía cuối vườn. Đèn đuốc vẫn sáng lung linh. Thái tử ngồi bất động trên một tảng đá, rất lâu, không để ý lúc ấy sương xuống đã nặng hạt.

Yasodharā liếc nhìn bóng dáng thái tử khuất sau hàng cây, nàng đội khăn, trùm đầu, đi quành ra phía góc vườn đối diện, tằng hắng, gõ cửa căn lều nhỏ:

- Channa... Channa...

Ngọn đèn được vặn sáng lên. Hóa ra Channa còn thức. Thấy lệnh bà Yasodharā, Channa nói lắp bắp:

- Thưa lệnh bà... chẳng hay...

- “Suỵt!” Công chúa khẽ nói - Đừng cho thái tử biết. Con hãy chuẩn bị yên cương, áo mão dạ hành, kể cả thức ăn ngon cho ngựa. Đêm nay, thái tử rất cần con với Kaṇṭhaka đấy!

Yasodharā đi rồi mà Channa còn há hốc nhìn theo...

Và quả thật đúng như vậy, đêm ấy thái tử quyết định ra đi. Đợi lúc mọi người yên ngủ cả, chàng dạo một vòng quanh công viên, nhìn những hồ nước, những cây cảnh, những ngọn đèn đá, những bồn hoa, những đường đi lối lại... suốt bao nhiêu năm qua đã trở nên quen thuộc. Chàng nói thầm trong tâm rằng: “Cảm ơn các bạn, những người bạn cỏ hoa vô tình đã cho ta những phút giây an bình, thư thái. Hôm nay, ta chào từ giã các bạn.”

Sau đó, thái tử rảo bước một vòng quanh hành lang cung điện mùa hè. Đâu đó đều vắng lặng như tờ, thỉnh thoảng, tiếng nghiến răng, tiếng ngáy của gia nhân, người hầu vọng lại. Trăng sáng vằng vặc dọi chiếu vào các cửa sổ mở rộng. Những chùm đèn vẫn còn sáng tỏ lác đác đó đây. Thái tử muốn vào nhìn mặt Yasodharā và Rāhula lần cuối cùng. Khi đi ngang qua căn phòng sang trọng dành cho ca nhi, vũ nữ, bất giác chàng dừng lại. Sau buổi biểu diễn mệt mỏi, các cô nàng nằm ngủ la liệt, buông lơi, trễ tràng... Họ là những mỹ nữ đã được tuyển chọn, đẹp như tiên nữ nhà trời mà bây giờ trông như những xác chết. Có cô trốc váy, hở hang, nằm soải dài, thản nhiên cất tiếng ngáy. Có cô phấn son nhòe nhoẹt, da trắng bệch, miệng há ra, nước bọt sùi ra bên mép. Có mấy cô nằm gác chân lên nhau ngang dọc, để lộ trơ trẽn những bộ phận cơ thể lõa lồ. Mùi phấn, mùi son, mùi nước dãi, mùi mồ hôi, mùi hơi thở, mùi da thịt... quyện lẫn trong nhau tỏa ra cái mùi tổng hợp ngây ngấy, lợm giọng... Ồ! Hóa ra đây là sự thật đằng sau cái gọi là sắc đẹp, âm thanh, hương vị mỹ diệu của cuộc đời mà vô lượng kiếp, chúng đã đưa ta và chúng sanh vào các cõi dục đắm say. Quả đúng là một bãi tha ma, mộ địa bốc mùi xú uế, là cái mà chúng đã quyến rũ ta và chúng sanh quẩn quanh hoài trong sinh tử rồi trầm luân vạn kiếp?

Thái tử đứng bất động.

“- Ta đã thấy ngươi rồi, sắc đẹp! Ta đã thấy rồi những tô vẽ diễm lệ ở bên ngoài cái xác thân hôi hám kia! Rồi lại còn âm thanh du dương, trầm bổng? Mùi hương thơm tho, quyến rũ? Mỹ vị ngon béo ngọt ngào? Xúc chạm mịn màng, êm ái...? Tất cả, chúng cám dỗ thế gian đến say mê điên đảo. Nhưng sự thật, bản chất của chúng là rỗng không, ghê tởm.”

Trước mắt thái tử chợt hiện ra những ý nghĩ so sánh với những hình ảnh, kế tục những hình ảnh:

“- Sự cám dỗ ấy ví như như cục xương khô mà đàn chó nhà đang nhe nanh vuốt cấu xé, giành giật lẫn nhau. Chúng bán sống bán chết để tranh cho được cục xương. Nhưng rồi chúng có làm được gì?! Chúng chỉ nuốt được bọt nước miếng của mình thôi!”

“- Sự cám dỗ ấy giống như miếng thịt thối mà diều, quạ, kên kên... đồng lao xuống cướp giật. Con này cắn được, mang đi, con khác rượt theo, mổ, tranh chí chóe. Cuối cùng, có con nào được cái gì đâu! Chỉ có trầy da, trốc lông, tươm máu là có thật!”

“- Sự cám dỗ ấy ví như người cầm bó đuốc cỏ khô đang cháy, đi ngược chiều gió. Ngọn lửa táp vào tay... cũng không chịu vứt bỏ! Cuối cùng bị cháy bỏng, đau đớn đến gần như chết.”

“- Sự cám dỗ ấy giống như hầm than hồng, ngầm cháy, bên trên có lớp tro trắng che phủ. Trên ấy, có người vẫn vô tư, hồn nhiên đi lui đi tới, vui tươi hí hửng, nhảy múa, hát ca... Đùng một cái, bị rớt xuống hầm, bị thiêu đốt quằn quại, đau đớn...”

“- Sự cám dỗ ấy ví như có người nằm mộng thấy phú quý, vinh hoa tột bực, thọ hưởng dục lạc trăm phần thỏa mãn. Khi tỉnh lại, hóa ra không có gì cả. Chỉ có xương cốt rã rời, thân tâm mệt mỏi là có thật!”

“- Sự cám dỗ ấy giống như đồ mượn dùng trong chốc lát! Chốc lát thôi - vì không thể thọ hưởng được lâu dài. Khi trả lại cho vô thường thì hóa ra tay trắng vẫn hoàn tay trắng! Chỉ có tiếc rẻ, ngẩn ngơ, sầu muộn là còn lại.”

“- Sự cám dỗ ấy giống như trái cây chín có thuốc độc. Thấy trái cây chín có màu da đẹp, láng lẩy, mịn màng, mọng đỏ, thơm lừng lựng... bèn hái ăn! Ôi, quả là tuyệt vời... trái chín ngọt tươm mật, tươm hương. Nhưng khi ăn xong, chất độc ngấm vào bao tử, ngấm vào ruột non, ngấm vào máu... người ấy quằn quại la hét, mắt trợn ngược, trắng dã, da tím tái, mồ hôi nhờn tuôn đổ... là dấu hiệu của tử vong.”

“- Những sự cám dỗ ấy chúng không chỉ mê hoặc một người, vài người... mà chúng đầu độc cả thế gian. Vợ chồng, con cái, anh em, bạn bè, quyến thuộc... cũng vì chúng mà sinh ra không biết bao nhiêu cảnh huống thương tâm, ly tán, đoạn trường. Rồi nào là dòng họ, tập cấp, làng xã, bộ tộc... cũng vì chúng mà sinh ra xung đột, bạo lực, thù hận, chiến tranh... tương tàn tương sát, máu chảy thành sông, xương chất cao như núi...!”

Thái tử thở dài một lượt nữa. Ý chí xuất gia thêm một lần nữa, càng trở nên kiên định...

Thái tử vén rèm, nhìn vào phòng Yasodharā. Nàng và con đang yên giấc. Thái tử bước gần lại. Qua ánh đèn, thái tử thấy khuôn mặt của Rāhula bị che khuất sau mảnh vải lụa từ cánh tay trái của nàng Yasodharā. Thái tử muốn ôm con, muốn thấy mặt con lần cuối cùng. Vừa thò tay xuống, thái tử chợt dừng lại, chàng sợ lay động giấc ngủ của công chúa. Nàng thường ngủ rất tỉnh. Và như vậy thì sự ra đi của chàng càng trở nên khó khăn. Thái tử sợ giọt nước mắt của nàng. Giọt nước mắt của người nữ có thể làm tê liệt, làm cho bủn rủn ý chí của tất cả các trang nam nhi! Thái tử đứng nhìn ngắm Yasodharā. Nàng đúng là một người đàn bà vẹn toàn năm vẻ đẹp, chưa kể vẻ đẹp tâm hồn thế gian khó tìm. Cho chí trong giấc ngủ vẫn tỏa ra nét đoan trang, kín đáo... như một nụ hoa hàm tiếu! Dáng nằm nghiêng về bên phải, chân co, chân duỗi - đúng là cách nằm của bậc mẫu nghi thiên hạ! Ôi, nàng đã cùng ta đi suốt một chặng đường dài, ngoại trừ bản chất mềm yếu đương nhiên của nữ tính, thái tử thấy nàng như một viên ngọc maṇi không tỳ vết, chẳng khiếm khuyết nào về mỹ dung cũng như đức hạnh... Mà thôi! Dù sao thì mọi chuyện, thái tử đã nói hết rồi. Đừng nên quyến luyến, bịn rịn nữa. Ngay cả sự cám dỗ ngọt ngào này... ta cũng phải cắt đứt.

Chàng bước ra, nhè nhẹ, sau đó lại trở vô, vén rèm nhìn hai mẹ con một lượt nữa. Cuối cùng, thái tử quay lưng, cất bước đi nhanh. Trăng sáng vằng vặc. Sương đêm lấp lánh. Thái tử đến cuối vườn. Channa còn thức.

- Channa! Thái tử gọi - Đem ngựa Kaṇṭhaka với đầy đủ yên cương cho ta!

Tuy đã được Yasodharā báo trước, nhưng Channa cũng hỏi:

- Thái tử đi đâu khuya vậy?

Không đáp thẳng vào câu hỏi của Channa, thái tử nói:

- Nhớ kiểm tra lại vó ngựa. Cho nó ăn uống đầy đủ trước khi lên đường.

Sau khi đã thực hiện đâu đó xong xuôi, Channa dẫn Kaṇṭhaka với đầy đủ yên cương, áo dạ hành, kể cả nước uống, thức ăn cho người và ngựa. Thái tử hơi ngạc nhiên trước sự mau mắn, nhậm lẹ của Channa; sợ không còn thời giờ, chàng đến bên ngựa vuốt ve, vỗ về:

- Đây là một chuyến đi xa, Kaṇṭhaka! Chuyến đi rất quan trọng với ta! Chuyến đi quyết định cả một đời người! Con hãy ra sức hết lòng nhé!

Kaṇṭhaka dậm chân, hí một tràng dài như vui mừng, như sung sướng. Sợ mọi người thức dậy, nhất là sợ Yasodharā tỉnh ngủ, Thái tử vuốt ve đầu ngựa... Channa nói:

- Con có đi cùng không, thái tử?

Chàng gật đầu rồi hỏi:

- Nó có đủ sức chở hai người không, Channa?

- Dư sức, thái tử! Một ngày đi ngàn dặm mà còn dẻo dai, sung sức.

Thái tử leo lên ngựa. Channa cũng nhẹ nhàng nhảy lên ngồi ở phía sau. Ra khỏi cổng Cung Vui, nhắm cửa thành đông nam, thái tử cho ngựa đi nước kiệu, thong dong, nhàn nhã. Kinh thành đang say ngủ, đèn đuốc vẫn còn cháy đỏ bập bùng ở nơi này, nơi khác.

Cổng thành đông nam mọi khi đóng chặt, nhưng hôm nay sao được mở rộng? Quân canh mọi lúc canh gác nghiêm ngặt nhưng bây giờ họ đi đâu vắng cả, có lẽ yến tiệc say sưa ngủ mê mệt hết rồi chăng? Ngửng nhìn trời sáng rực hào quang, thái tử biết sự ra đi của mình hôm nay được thiên thần hỗ trợ, nên ý chí xuất gia như được tiếp thêm sức mạnh.

Ra khỏi cổng, ngựa Kaṇṭhaka như muốn khoe tài, nó hí một tràng dài rồi tung vó, lướt đi nhẹ nhàng như làn gió mát. Chừng hơn nửa dặm đường, thái tử dừng ngựa, quay lại nhìn kinh thành lần cuối cùng. Kapilavatthu nằm im lìm giữa trời trăng và giữa những đốm lửa bập bùng. Những tháp hoa đăng và những bó đuốc khổng lồ trên bốn bức tường thành như vạch giữa đêm đen một hình chữ nhật lửa vĩ đại. Thái tử mang một cảm giác kỳ lạ, bồi hồi khó tả. Nơi đấy, nơi cổ thành hoa lệ ấy, chàng đã được sinh ra, được lớn lên, được học hành, được nuông chìu trong ba tòa Cung Vui. Cũng tại đấy, một tuổi thơ hồn nhiên, vô tư vui chơi cùng chúng bạn... Và rồi cũng từ đó mà cùng thao thức và trở trăn. Nơi ấy có người vợ dấu yêu từ nhiều kiếp trước, đã hiểu chàng, đã thông cảm cho chàng, đã biết chàng từ chân tơ kẽ tóc của ý tình và tâm sự. Có đứa con thơ với mầm sống bé nhỏ vừa ra đời được mấy ngày. Rồi phụ hoàng, một người cha vừa nghiêm khắc vừa nhân từ, tuy già lão mà còn cứng cáp như tùng, như bách. Rồi di mẫu Gotamī nữa, người đã thương yêu chàng như mẹ thương con, quan tâm và lo lắng cho chàng còn hơn cả Nanda và Sundarī Nandā - là con ruột của người. Rồi còn các ông hoàng huynh đệ nữa. Đã hằng chục buổi hội thảo lớn, hằng trăm cuộc đàm đạo nhỏ... vẫn không thể tìm ra kế sách đem đến hạnh phúc, an vui cho nhiều người. Vẫn bế tắc, vẫn mịt mù trước ý nghĩa cuộc sống.

Tất cả họ, có phải thế chăng, hiện giờ đều đang say ngủ? Có phải thế chăng, họ không biết gì đến cái vòng quay nghiệt ngã của luân hồi tử sanh tất định? Có phải thế chăng, họ đang an phận muôn đời trong cái giới hạn vô lượng của đau thương và khổ nạn? Thái tử tự hứa với lòng là phải tìm cho ra con đường bất tử, nếu không, quyết không trở lại kinh thành Kapilavatthu nữa.

Khi thái tử quay ngựa dớm bước đi thì trên hư không, trước mặt, xuất hiện một đài mây sáng. Một vị thiên thần phục sức cao sang, mỹ lệ hiện ra, có vẻ chặn đường.

- Ngài là ai? Thái tử hỏi.

- Ta là vua cõi trời Tha hóa tự tại, thưa thái tử!

- Ngài đến đây có việc gì?

Vị ấy là thiên vương cõi trời Vassavati, chúa cõi trời Dục giới thứ sáu, thế gian thường gọi là Ma ba tuần. Nó chính là vị Đại ma vương nhiều phước báu và nhiều quyền lực. Tất cả mọi chúng sanh, trừ phạm thiên giới đều ở trong sự chi phối của y. Ngay cả Đao-lợi, Đẩu-xuất cũng không biệt lệ. Thời gian gần đây, Đại ma vương nghe tất cả các cõi thiên giới đều xôn xao; nhất là từ khi chúng chư thiên, phạm thiên đến thỉnh bồ-tát Setaketu giáng sanh cõi trần để tiếp nối con đường bất tử của mình, sẽ đắc quả Chánh Đẳng Giác để cứu độ chúng sanh. Mới vừa rồi, chư thiên hiện ra trong cung điện kinh thành Kapilavatthu để phân xử con chim hạc, Đại ma vương cũng có nghe. Rồi chư thiên hiện thân sứ giả người già, người bệnh, người chết, vị sa-môn... để kinh cảm đến thái tử cũng không thoát khỏi được đôi mắt thiên nhãn của Đại ma vương. Đặc biệt, đêm nay, giữa hư không, thiên chúng mừng vui, tấu nhạc trời, mở hội hoan ca để cung tiễn thái tử xuất gia tầm đạo. Kinh thành Kapilavatthu sáng rỡ hào quang. Cổng thành đông nam chư thiên mở rộng ra, cho quân binh say ngủ, để tạo sự thuận lợi cho thái tử xuất hành. Đại ma vương biết cả, thấy cả. Ông ta mang nỗi niềm khó tả, vừa tự ái vừa lo sợ. Đại ma vương vốn là chúa của bóng tối và vô minh, quyền lực của nó chỉ có giá trị khi thế gian sống say mê trong dục lạc ngũ trần. Những chúng sanh tu tập thiền định để lên cõi trời sắc và vô sắc, viễn ly dục lạc vật chất là đã thoát khỏi quyền lực của Đại ma vương rồi. Nhưng nó không lo, khi hết phước báu và năng lực thiền định thì cũng phải rơi trở vào tròng như cũ. Đại ma vương lo ngại nhất là vị thái tử này. Vì dục lạc tối thượng tại ba tòa Cung Vui cũng không giữ chân chàng được. Thái tử muốn thoát khỏi quyền lực của Đại ma vương. Thái tử dám đi tìm ánh sáng và con đường bất tử sao? Quyết không thể được!

Do vậy, khi được thái tử hỏi, Đại ma vương cất giọng ngọt ngào:

- Ta đến đây hoàn toàn với thiện ý. Ta báo cho thái tử một tin mừng là trong vòng bảy ngày nữa, thì bảy báu(1)sẽ xuất hiện. Và như vậy thái tử sẽ là vị Chuyển luân Thánh vương, cai trị bốn châu thiên hạ, giàu sang tột bực, phú quý vô cùng và quyền uy tối thượng.

Thái tử mỉm cười:

- Ngươi dụ dỗ ta ấy à?

- Không, không phải dụ dỗ. Mà đó là sự thật. Ta chỉ nói sự thật. Với thần lực biết quá khứ, vị lai - ta chỉ mách cho thái tử hay đó thôi.

- Thế à! Thái tử thản nhiên nói - Vậy thì ta xin cảm ơn hảo ý của ngươi. Bây giờ thì hãy tránh đường cho ta đi.

- Thái tử đi đâu? Sao không ở lại hoàng thành để đợi chờ bảy báu của Chuyển luân Thánh vương xuất hiện?

- Này, ta báo cho ngươi hay. Ta từ chối mọi vinh quang của thế gian. Ta khước từ mọi cạm bẫy ngọt ngào của ngũ dục. Ta sẽ bước ra khỏi quyền lực của ngươi, này ma vương! Rồi ta sẽ xóa tan bóng tối của vô minh. Ta sẽ không cam chịu đời sống thấp hèn, si mê và nô lệ. Ta sẽ tìm cho ra ánh sáng của đạo bất tử. Ta sẽ lặn lội kiếm phương thuốc cứu khổ cho muôn triệu sanh linh. Dù chông gai, trở ngại cũng không làm cho gót chân ta lùi bước. Dù bão cuồng, gió giật cũng không lay động được ý chí của ta. Hỏa diệm sơn hoặc hố than hồng hừng hực cũng không đốt cháy được quyết định của ta. Lựa chọn con đường xuất gia là một lựa chọn bất thối. Chẳng ai trên thế gian này cản trở được ta đâu. Ngươi hãy đi đi thôi! Đừng hòng giở trò dối lừa, phỉnh gạt quỷ quyệt nữa. Ngươi là bóng tối thì hãy tan theo bóng tối. Tức khắc tan ngay!

Đại ma vương biết không dễ gì lung lạc thái tử được nữa, một chúng sanh vĩ đại đã từng tu tập ba-la-mật trong vô lượng kiếp, nhưng rồi y sẽ chờ đợi. Thái tử, khi đang còn thân xác trần tục của một con người, chắc một lúc nào đó ông ta sẽ có một vài lỗi lầm, sẽ có một vài tư tưởng xấu, sẽ có một vài khoảnh khắc mềm yếu; và những khi như vậy, ta sẽ tức khắc xuất hiện, tìm cách cám dỗ trở lại trong vòng quyền lực của ta... Nghĩ thế xong, Đại ma vương biến mất giữa hư không... Và cũng từ giây phút đó, Đại ma vương theo dõi từng bước chân, từng tâm niệm của thái tử... dường như suốt cả cuộc đời!

Channa cứ há hốc mồm... mà nghe thái tử nói giữa hư không! Y ngạc nhiên là phải vì cuộc đối thoại vừa rồi chỉ xảy ra trong một không gian riêng giữa Đại ma vương và thái tử. Chỉ có thái tử thấy và nghe - còn ai khác đều không thể.

Đuổi ma vương đi rồi, thái tử thản nhiên như không có chuyện gì, cúi xuống khẽ vuốt ve bờm ngựa:

- Bắt đầu từ đây, con sẽ ra oai, con nhé! Con sẽ cố gắng hết sức mình. Với sức thần mã vô địch, trong vòng nửa đêm, con sẽ đưa ta vượt Sākya, vượt Koliya để đến bên kia quốc độ Malla con nhé!

Kaṇṭhaka như hiểu được tiếng người, dựng bờm, dậm vó, hí vang rồi lao đi. Từ nước kiệu, đổi sang phi nước đại; sau đó Kaṇṭhaka trổ uy thần mã trên dặm dài thiên lý. Thế rồi, nhà cửa, cây cối, ruộng vườn, núi đồi... chợt lùi ra phía sau, lùi xa ra mãi. Kaṇṭhaka phi nhẹ nhàng như một lằn sáng trắng, nhưng ngồi trên yên, thái tử vẫn cứ cảm giác như ngồi trên tấm thảm nhung, êm ái, không lay xóc. Theo mãi hướng Đông Nam, một đỗi sau, bắt gặp một xa lộ rộng rãi là con đường giao thông huyết mạch của thương nhân từ phía Kosala đến Sākya, Koliya, Malla, Vajjī, Licchavī... tiếp giáp sông Gaṅgā... và qua bên kia là quốc độ Māgadha rộng lớn. Thái tử nhẩm tính từ kiến thức địa lý đã học được. Từ Kapilavatthu đến Lumbinī, nơi chàng chào đời, khoảng chừng sáu do-tuần (khoảng bảy mươi hai km). Từ Lumbinī đến Koliya chỉ vài ba do-tuần, nhưng có con sông Rohini phải vượt qua, mới vào được kinh đô Devadaha của nước Koliya. Từ đây, chỉ bốn năm do-tuần nữa là đến quốc độ Malla rồi. Nơi nào có con sông rộng ấy là sông Anomā... Như vậy, tổng cộng lộ trình trên dưới mười bốn do-tuần (trên một trăm sáu mươi km) với sức ngựa như thế này, ta sẽ vượt qua được bên kia Anomā lúc trời rạng sáng, gặp khu rừng dự định.

Đúng như thái tử phỏng đoán, đầu canh ba, ngựa Kaṇṭhaka đã vượt qua sông Rohini, khúc sông cạn, sau đó, tiếp tục đến Koliya. Không theo lối vào kinh thành Devadaha, theo xa lộ của thương buôn, ngựa vẫn phi nhẹ nhàng, lâu lâu hứng thú, nó hí lên một tiếng, âm thanh như phá vỡ sự yên lặng của đêm sâu.

Có lẽ là bắt đầu ra khỏi địa giới Koliya, thái tử cho ngựa dừng chân bên một hồ nước ven đường để nghỉ sức. Sao mai sáng trong lấp lánh như một hạt kim cương. Gió mát thổi rì rào. Thái tử bước xuống. Kaṇṭhaka rịn mồ hôi. Channa cho ngựa uống nước, cho ăn đậu xanh, đường và mật... đã cụ bị đầy đủ trong tay nải.

Họ lại lên đường. Lúc sao mai mờ, trời rựng sáng, họ đã đến được một dòng sông khá rộng. Nhìn dãy núi và khu rừng bên kia bờ, thái tử biết mình đã đến nơi. Như vậy, con thần câu vô địch chỉ trong thời gian một canh rưỡi đã đưa thái tử và Channa vượt một chặng đường dài trên mười mấy do-tuần mà dường như nó vẫn còn sung sức.

Dòng sông Anomā nước xanh trong, mênh mông. Đưa mắt nhìn phía thượng lưu đến hạ lưu, thấy khó hy vọng gặp đoạn sông cạn, thái tử phân vân... Thường ở đây có những chiếc bè lớn cho thương buôn và khách bộ hành sang sông, nhưng nhìn quanh chẳng thấy.

Thái tử nói:

- Có lần, Bhaddiya kể rằng, ở đây có ba hay bốn bến sông do nhu cầu của thương buôn từ nhiều hướng khác nhau. Vậy, ở đâu đó sẽ có bè, ta đi trật lối rồi, Channa, phải tìm bến mới có bè sang sông được.

- Hóa ra là chuyện qua sông! Channa hăm hở nói - Chẳng cần thế, thái tử. Kaṇṭhaka dư sức bay qua khúc sông này mà!

- Chẳng lẽ nào? Ngươi nói chắc đấy chứ?

- Chắc chắn! Channa gật - Thuở nhỏ, ở trại nuôi ngựa, con đã từng huấn luyện cho Kaṇṭhaka bay qua một cái đầm rộng, có lẽ còn rộng hơn đoạn sông trước mặt. Nó khoái lắm! Phải vậy không, Kaṇṭhaka?

Như hiểu ý, Kaṇṭhaka lại dựng bờm, dậm chân lịch bịch, hí vang.

Thái tử và Channa lại lên ngựa, đi trở lui một khoảng xa để lấy trớn. Thái tử tin lời của Channa và còn tin vào khả năng thần kỳ của Kaṇṭhaka nữa. Vì suốt quãng đường dài, nhiều khi Kaṇṭhaka phi rất nhanh mà bốn vó dường như không dính đất. Và quả thật như vậy, sau khi lấy đà, Kaṇṭhaka bay nhanh đến gần mép sông, nó uốn mình tạo lực đẩy; rồi như một mũi tên thoát khỏi dây cung, nó băng băng bay qua dòng sông như một luồng sáng. Kaṇṭhaka bay nhanh quá, thái tử nằm xuống ôm sát cổ ngựa, bám chặt thân mình để tránh sức cản của gió. Channa cũng thế, nhưng do đà lao nhanh, hai tay ôm chặt hông ngựa nhưng hai chân phải soải dài ra sau... trông như bám vào đuôi ngựa vậy...

Gió thổi lồng lộng bên tai. Bờ đất hiện ra. Kaṇṭhaka hết đà, dừng chân hí vang vì nó biết rằng nó đã chiến thắng. Channa rơi, té sấp. Thái tử bước xuống, chậm rãi đến bên Kaṇṭhaka, ôm đầu nó rồi nói rằng:

- Ta vô cùng cảm ơn con, Kaṇṭhaka! Con đã đưa ta qua sông một cách uy dũng và ngoạn mục. Còn cả chuyến đi nữa. Đấy là chuyến đi hệ trọng, chuyến đi định hướng cuộc đời của ta đó. Con đã nhiệt tình giúp ta trong bước đầu trên lộ trình bất tử. Một lần nữa, ta cảm ơn con! Phước báu và công đức của con cao thượng lắm, con biết không?

Kaṇṭhaka dường như nó hiểu. Nó đưa đôi mắt buồn buồn nhìn thái tử, rồi nó lại đưa lưỡi liếm liếm vào bàn tay chàng.

Thái tử quay sang nói với Channa:

- Ta ra đi, ta xuất gia, lìa khỏi tất cả, Channa ạ! Ta cũng rất cảm ơn con đã hết lòng hầu hạ ta bấy lâu mà lúc nào cũng nhiệt tình, vui vẻ. Cái đức tính ấy rất quý hiếm đấy, Channa!

Channa chỉ biết nhỏ lệ, nghẹn ngào.

Thái tử quay lại nhìn dòng sông, nói tiếp:

- Sở dĩ ta chọn con sông này là có lý do! Nếu kiến thức về địa lý của ta không lầm thì nó đúng là sông Anomā, không thể là con sông khác được. Anomā với nghĩa cổ xưa là cao thượng, cao quý tột cùng. Từ đây, từ “anomā”, ta sẽ đi theo lộ trình cao thượng, cao quý tột cùng: Ấy là lộ trình xuất thế vậy.

Lại quay nhìn trước mặt, núi tiếp núi, rừng tiếp rừng, cây xanh phơi phới, những cụm đá trầm mặc mà lòng dâng lên một cảm giác rất kỳ lạ, một cảm giác chưa hề có trong đời!

Giọng bùi ngùi của Channa thoảng bên tai thái tử:

- Thái tử đi hẳn, không trở về sao?

- Ta sẽ trở về khi nào tìm ra Đạo lớn, Channa!

Channa xót xa:

- Mọi người sẽ buồn lắm, thái tử! Ngài là ngôi sao sáng, là linh hồn của Kapilavatthu. Ngài còn là mặt trời, mặt trăng của muôn dân bá tánh nữa! Ôi, công chúa Yasodharā sẽ sầu khổ biết bao nhiêu! Rồi còn đức vua, lệnh bà Gotamī cùng các ông hoàng cũng vậy nữa. Ai cũng nhớ thương thái tử như trái tim của mình!

- Ta biết, Channa! Thái tử nói như phân trần - Ta phải hy sinh tình thương nhỏ hẹp để hướng đến tình thương cao cả, rộng lớn hơn, Channa! Ta phải tìm cho ra con đường cứu khổ tất cả chúng sanh.

Channa cúi đầu, những giọt lệ tuôn chảy lặng lẽ. Kaṇṭhaka đưa đôi mắt đỏ lệ nhìn thái tử. Nó cũng đứng im, bất động.

Thái tử chợt cất những bước dài, đến đứng trên một tảng đá tại một mô đất cao. Với một cử chỉ dứt khoát, cạo bộ râu lún phún, sau đó, tay trái nắm búi tóc, tay phải đưa cao gươm báu, đoạn lìa mái tóc xanh. Thái tử ngước nhìn lên hư không, phát lời đại nguyện:

“- Nếu quả thật, ta tu hành đắc quả Chánh Đẳng Giác - thì nắm tóc này xin nằm lại giữa hư không. Nếu không phải thế, nghĩa là chẳng thành tựu Phật quả - thì cho nắm tóc này rơi trở lại xuống đất”.

Nói xong, thái tử quăng nắm tóc lên hư không... rồi nó cứ lên cao mãi, lên cao mãi rồi biến mất giữa mây xanh. Lý do là, lời phát nguyện vô thượng của thái tử làm cho ngai vàng của Đế-thích (Sakka) chợt trở nên nóng bỏng. Ông ta hối hả dùng oai lực hút nắm tóc lên tận cõi trời Ba Mươi Ba, hứng bằng chiếc khay vàng, sau đó đem tôn thờ tại bảo tháp Cūḷāmāṇi(1).Channa thấy hiện tượng lạ lùng quá, chắp hai tay lên trời vái mãi. Thái tử biết là mình sẽ thành Phật, hoan hỷ trong lòng, lấy kiếm, xâu chuỗi ngọc, cái đai bào đính bảo ngọc lưu ly... ân cần trao cho Channa rồi nói rằng:

- Bảo kiếm, đai bào lưu ly này là vật hộ thân của ta, luôn ở bên ta chưa hề rời xa; ngươi hãy mang chúng về trình lên phụ vương, nói rõ chí nguyện bất thối của ta, đảnh lễ người giùm ta và nói rằng: “Siddhattha bất hiếu, chưa báo đáp ân sâu, chưa xin phép người mà đã ra đi xuất gia tầm đạo. Nguyện đắc thành Phật quả, Siddhattha sẽ về tạ tội với phụ hoàng sau”.

Channa tay nắm di vật, đỏ lệ, gật đầu.

Thái tử tiếp:

- Còn chuỗi ngọc này chính là chuỗi ngọc ân tình, trong cuộc thi sắc đẹp năm xưa, ta đã ưu ái ban tặng cho Yasodharā... Nhưng năm sau, Yasodharā lại đeo lại cho ta, nói rằng:“Thiếp ở bên chàng nhưng không bao giờ gần chàng được, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trí óc và tâm hồn thái tử luôn ở cảnh giới nào đó rất xa xăm. Vậy chàng hãy mang lại xâu chuỗi ngọc này để thiếp cảm thấy ấm áp vì nó luôn tiếp xúc với hơi ấm và sự sống của chàng”. Vậy, này Channa, hãy mang xâu chuỗi ngọc này về giao tận tay công nương Yasodharā, và nói rằng:“Thái tử luôn yêu thương công chúa cùng đứa con trai bé bỏng. Công chúa là người nữ duy nhất trên thế gian đã cảm thông, đã âm thầm nâng đỡ cho chí nguyện tối thượng của ta. Bao giờ thành đạo, ta sẽ trở về gặp lại hai mẹ con nàng”.

Thái tử chợt vỗ vai Channa:

- Ta biết, Channa! Chỉ cần để tâm một chút là ta biết Yasodharā đã tiên liệu giờ giấc ra đi của ta. Có phải nàng đã lén gặp ngươi, bảo ngươi chuẩn bị yên cương, nước uống, kể cả đậu xanh, đường, mật cho Kaṇṭhaka?

- Dạ... dạ phải!

Thái tử lại thở ra:

- Thôi, ngươi đừng bịn rịn nữa! Sự giác ngộ của ta sau này có công đức của ngươi dự phần!

- Dạ... Dạ!

Channa nước mắt rơi lã chã. Hai con mắt của Kaṇṭhaka cũng đẫm ướt như chủ của nó. Thái tử bước tới lại một lần nữa vuốt ve, vỗ về. Nó cúi xuống, liếm tay thái tử và với nước mắt tuôn chảy thành dòng.

Thái tử cảm động, cất giọng dịu dàng:

- Con cũng vậy, hãy về đi, Kaṇṭhaka! Công đức của con cũng không thua gì Channa đâu. Sau này ta cũng sẽ cứu độ cho con!

Channa nghẹn ngào không nói được một lời nào, cúi đầu, nắm cương Kaṇṭhaka, kéo đi... Cuộc chia tay nào cũng bịn rịn, xót xa...

(Kinh và chú giải kể rằng, ngựa Kaṇṭhaka quay lưng đi vừa được bảy bước, nó liền đứt ruột, vỡ tim mà chết. Chỗ khác giải thích, do tận dụng toàn vẹn sức lực để bay qua sông - nên ruột nó đã đứt từng đoạn rồi - tuy nhiên, đợi giã từ thái tử xong, nó mới chết; sau đó, Kaṇṭhaka tức khắc hóa sanh lên cõi trời Tāvatiṃsa, làm một vị thiên nam, có tên là Kaṇḍaka. Một nơi khác, bảo Kaṇṭhaka đưa Channa về đến khu vườn cũ, nó nhịn ăn suốt một tuần lễ ở trong chuồng, sau đó mới thanh thản chấm dứt hơi thở. Kaṇṭhaka cũng hóa sanh lên cõi trời Tāvatiṃsa, làm vị thiên nam có tên là Kaṇḍaka như trên).



(1)Xa luân báu, ngọc báu (maṇi), hoàng hậu báu, bá hộ báu (triệu phú), voi báu, ngựa báu, tướng quân báu (đại thần).

(1)Kinh sử nói rằng, sau khi cạo râu và cắt tóc xong, cho đến trọn đời, râu của ngài không bao giờ mọc nữa. Còn tóc, sau khi cắt xong, chừa khoảng hai lóng tay - thì tất cả chúng đồng xoăn lại về phía bên phải như hình xoắn ốc; và giữ nguyên hình dáng ấy cho đến lúc Nhập diệt. Đức Phật suốt đời không cạo râu tóc lần nào nữa.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com