Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương hai mươi bảy

14/10/201311:48(Xem: 12887)
Chương hai mươi bảy

coitroi2


Chương hai mươi bảy

Tôi lấy chìa khóa mà Phương đưa trước đây, run rẩy tra vào ổ, vặn ba vòng. Đẩy nhẹ cánh cửa sắt, tôi dắt xe đạp bước vào thì thấy một sư cô từ dưới nhà bếp bước vội lên. Sư cô này quen thuộc lắm, chắc là tôi đã có gặp qua.

“A, thầy Khang, phải không?” sư cô hỏi.

“Dạ, tôi… tôi là Khang. Sư cô là…?”

“Tôi là Như Liên, gặp thầy ở chùa Hoa Nghiêm lần trước thầy không nhớ à? Tôi là sư tỉ, mà cũng là bạn thân của Nam Phương.”

“A, nhớ rồi. Hôm ấy tôi đến tìm sư cô Như Tâm, cô đã đi gọi giúp. Hôm nay cô đến chơi hả? Có Nam Phương ở nhà không vậy?”

“Nam Phương đi bỏ thuốc tây, chắc cũng phải chiều mới về tới. Phương nhờ tôi xuống gói dùm bánh tét chay cho cô ấy. Không sao, thầy cứ tự nhiên vào nghỉ ngơi chờ Phương về. Để tôi lấy nước thầy dùng nhé? Thầy ngồi đi.”

Tôi chưa kịp nói gì thì Như Liên đã vội xuống bếp. Một lúc cô trở ra với ly nước đá mát lạnh đặt trên cái đĩa nhỏ, đem đến cho tôi, nói:

“Nam Phương quý thầy lắm. Đừng phụ lòng người ta đó nghe. Nghe nói thầy hay chọc cô ấy giận lắm hả?”

“Bộ chuyện gì… cô ấy cũng kể cô nghe sao?”

“Đâu có. Nam Phương nó sống đời bí mật, thầm kín lắm, có tâm sự gì thì cũng tùy chuyện thôi chứ. Ủa, thầy đeo tang ai vậy?”

“Ơ… tang cha,” tôi nhìn xuống mảnh vải tang, đáp.

“Sao Nam Phương không nói tôi nghe gì chuyện này hết vậy kìa! Chia buồn với thầy nghe. Ông cụ mất bao lâu rồi?”

“Cũng được hai mươi ngày rồi.”

“Vậy thì cũng mới đây thôi mà.”

“Vâng, mới đây.”

“Nam Phương biết ba thầy mất chứ?”

“Ơ… chắc là chưa.”

“Vậy có nghĩa là thầy cũng mới biết tin ông cụ mất thôi?”

“Không, tôi biết lâu rồi chứ.”

“Thế sao thầy không nói Nam Phương nghe?”

“Ơ… tại sao phải nói? Sinh tử là chuyện thường, có gì phải nói… Còn nhiều chuyện khác đáng nói hơn…”

“Thiệt đúng là hai người giống nhau như đúc!”

“Cái gì mà giống nhau?” tôi cười hỏi lại.

“Thì thầy với Nam Phương giống nhau chứ sao! Tánh tình gì mà kỳ cục! Có đau có khổ gì thì nói cho nhau nghe, cứ nhận nó là sự thực, chứ làm gì phải ôm mãi trong lòng cho nó dằn vặt, xâu xé mình!”

“Tôi không hiểu.”

“Vậy tôi hỏi thực thầy, Nam Phương có nói với thầy là ba cô ấy mất không?”

“Cái gì? Ba cô ấy mất rồi à! Mới đây hả?”

“Không, đã hơn ba tháng rồi.”

“Chứ không phải cô ấy vừa mới đi thăm nuôi sao!”

“Thăm nuôi gì mà thăm nuôi! Nam Phương chỉ đón xe chạy tới chạy lui, chạy thật xa, để khuây khỏa đó mà. Thiệt là khổ cho em tôi! Ngay cả chuyện lập bàn thờ ở nhà nó cũng không chịu làm nữa, cứ nói là không cần, có khi lại nói là ba chưa chết… Tôi phải dỗ dành năn nỉ lắm nó mới chịu lên chùa Hoa Nghiêm làm lễ cầu siêu ký linh, thờ ba ở chùa.”

Tôi bàng hoàng nghe Như Liên kể lại chuyện ấy. Ôi, Nam Phương của tôi đau khổ tội nghiệp như vậy sao! Thế mà bao nhiêu ngày trước đây, tôi cứ đến để tâm sự, để nói chuyện của tôi, để được nàng an ủi, chăm sóc, mà không cần biết gì đến nỗi khổ riêng của nàng cả. Ngay hôm nay cũng vậy, tôi đến là để được nàng lắng nghe nỗi hàm oan đau khổ mà tôi phải gánh. Tôi cứng rắn nói lời ngạo nghễ thách thức với bạn bè, với cuộc đời, nhưng rồi tôi cũng muốn tìm đến nàng, bộc bạch với nàng, trút đau khổ của tôi cho nàng nghe để lòng được khuây khỏa, an ổn. Tôi chưa hề quan tâm thực sự đến tâm cảnh của nàng. Tôi luôn thấy tôi là cái gì quan trọng, là nạn nhân đau khổ nhất cần được vỗ về an ủi! Tôi thật hèn kém, ti tiện, khốn nạn, ích kỷ làm sao! Tại sao tôi không thấy, không đoán, không biết được điều đó nhỉ? Thảo nào đôi mắt nàng dù lúc cười đùa với tôi, vẫn vương vất một nỗi đau thầm kín…

Nhưng tại sao tôi với Nam Phương không cố tình mà ứng xử một cách khá giống nhau? Nhiều người khác mất cha, mất mẹ, họ đau khổ, họ khóc, họ nói, họ tâm sự với người khác một cách dễ dàng, rồi cuối cùng nỗi khổ cũng vơi đi. Còn chúng tôi, những người từng học giáo lý Phật, xem sinh tử như trò đùa, nhìn thế sự như hoa đốm giữa hư không, thì không bộc lộ được cùng ai, không khóc được nên tiếng, không rơi được giọt lệ, để rồi cứ ôm nỗi đau trong lòng, không tẩy xóa đi được! Phải chăng chúng tôi muốn chứng minh một cái gì? Bản lĩnh? Sự bất động của tâm trước nghịch cảnh tử biệt?

“Thầy Khang à, thầy có sao không vậy? Tôi nói thầy nghe thầy đừng nói tôi nhiều chuyện. Tôi biết chỉ có thầy may ra mới giải tỏa được nỗi khổ của Nam Phương, vì nó nghe lời thầy lắm, nó thương quý thầy lắm. Từ lúc gặp thầy, tôi thấy nó có nét tươi tỉnh, sống động trở lại, chứ trước đó hả, nói xin lỗi, nó giống như ngưởi bị bệnh tâm thần. Nam Phương còn một nỗi đau khủng khiếp lắm… khủng khiếp đến nỗi tôi nghĩ là nếu đặt tôi vào trường hợp đó, tôi phải điên chứ không thể nào bình thường được. Nhưng Nam Phương dù rất đa cảm, mềm yếu, cũng là đứa con gái khá cứng rắn, khá lì lợm, cho nên nó chịu đựng được. Nó đọc kinh, đọc sách để lãng quên, để vượt qua. Dù sao, tôi nghĩ là cái khổ lụy đớn đau kia của nó vẫn chưa được giải tỏa hoàn toàn. Nếu có thầy dùng lời lẽ hay cách nào đó khơi chuyện cho nó nói ra hết, hoặc cho nó khóc thực sự… thì may ra cái khổ không đeo đẳng mãi trong lòng nó. Từ lúc ba Nam Phương chết, nó chưa thực sự khóc bao giờ. Nó chỉ khóc những chuyện cỏn con của ai đó thôi. Đôi khi trong dịp cúng tuần ba nó tại chùa, tôi thấy nó quỳ trước bàn thờ mà chỉ ứa lệ sơ sơ. Tội nghiệp nó… tôi là bạn thân lắm mà vẫn chưa làm gì được để giúp nó khóc. Tôi không rõ nó có tâm sự hết mọi chuyện cho thầy nghe chưa?”

“Ơ… không có. Tôi… tôi chỉ gặp Phương một chút rồi lại chạy đi, không có cơ hội để cô ấy ngồi tâm sự.”

“Vậy chứ nó có kể một chuyện gì thật đau khổ của nó hay của một người con gái khác cho thầy nghe chưa?”

“Chưa. Nam Phương có kể cô nghe hả?”

“Có, nhưng nó kể như là kể chuyện của người khác thôi, rồi mặt mày nó tỉnh bơ, chỉ hơi run run chút thôi chứ không khóc. Đến khi… thấy nó đổ bệnh, mặt mày xanh mét, tôi hỏi gặng nó mãi rồi kết hợp hai ba câu chuyện do nó kể ra mới biết được là… thôi, chắc tôi không nói được đâu, để Nam Phương nói. Thầy tìm cách khơi chuyện cho Nam Phương nói thì tốt hơn.”

“Không, cô nói tôi nghe đi. Cô và tôi đều là bạn của Nam Phương, chúng ta phải giúp cô ấy. Cô biết gì thì cứ nói thẳng ra chứ đầu óc tôi trong thời gian này ngu độn, bấn loạn, không suy nghĩ được gì đâu. Cô thương Nam Phương, muốn giúp cô ấy thì nói tôi nghe đi. Tôi năn nỉ cô…”

“Được rồi, được rồi… nhưng phải khéo léo, đừng cho Nam Phương biết là tôi nói… hoặc tốt nhất là thầy làm bộ như không biết, nhưng tìm cách khơi chuyện cho nó nói. Thầy biết chuyện trước thì dễ cho thầy hơn, phải không? Chuyện là như vầy…” Như Liên ngưng một lúc, nâng ly nước lên uống một hớp, “Ba tháng trước, Nam Phương đi thăm nuôi ba nó ngoài Bắc thì được cán bộ trại giam cho biết ba nó vừa mới chết, chôn ở nghĩa trang phía sau trại. Nó xin được đem quà thăm nuôi ra cúng cho ba nó ngoài mả, mục đích của nó là được chính mắt thấy mả ba nó, biết chắc là ba nó thực sự chết. Hai cán bộ dẫn đường nó ra nghĩa trang. Ra đến ngôi mộ chôn lấp sơ sài, thấy cái bảng gỗ đề tên và ngày mất của ba nó, nó ngất xỉu ngay tại chỗ. Hai cán bộ ẵm nó vào một cái chòi gần đó… Rồi nó bỗng tỉnh dậy, thấy… đau đớn, thấy… hu hu… người ta thay nhau… hu hu…”

Tôi đứng phắt dậy, vùng chạy lên lầu, gọi:

“Nam Phương, Nam Phương!”

Như Liên chạy theo vài bước nói với theo:

“Đã nói rồi, Nam Phương đi vắng, chiều nó mới về, không có nó trên đó đâu thầy Khang à!”

Tôi ngơ ngác chạy xuống lầu, không một lời từ giã Như Liên, phóng lên xe đạp, đạp nhanh trên đường phố, đạp mãi, đạp mãi, hết con đường này rồi rẽ sang con đường khác, cứ thế mà chạy vòng vòng vô định trên những con đường ngập xe, ngập người… Thế giới quanh tôi như không còn hiện hữu. Tất cả những con người, những nhà cửa, xe cộ, hàng quán, những trụ điện và giây điện, những gốc cây, những bờ cỏ, những băng đá công viên, chim chóc, mây trời, tất cả, tất cả, đối với tôi đều là con số không. Tôi không muốn nhìn nhận thế gian này nữa. Tôi muốn chúng tan biến, hủy diệt hoàn toàn. Tôi không còn chút từ bi, chút tình thương, chút kham nhẫn hay khoan dung nào hết. Tôi không cần bất cứ một con người nào có mặt trên thế gian này. Tôi chỉ muốn gặp Nam Phương… Nam Phương ơi!

Thật mỏi mệt tôi mới dừng xe ở công viên trước mặt Dinh Độc Lập, tìm một băng đá, dựng xe, ngồi nghỉ. Tôi cứ ngồi đó, thất thần như một gã điên, mắt nhìn trân trân một viên sỏi nhỏ bên gốc cây hòe. Đến khi bóng chiều nghiêng xuống nhuộm vàng bãi cỏ lơ thơ trước mặt, tôi mới giật mình đứng dậy. Không thấy chiếc xe đạp. Ai lấy mất rồi, hay là tôi đã đi bộ đến đây? Bây giờ tiếp tục đi bộ đến nhà Nam Phương. Mất cả tiếng đồng hồ.

Tôi tra chìa khóa, vặn mấy vòng, rồi kéo cửa bước vào. Nhà có vẻ yên tĩnh. Trong bóng tối lờ mờ của ngọn đèn đường từ bên ngoài hắt vào qua các kẽ hở của cửa sắt, tôi không thấy chiếc xe đạp của sư cô Như Liên khi nãy dựng bên vách này nữa mà thay vào chỗ đó là chiếc xe gắn máy của Nam Phương. Chắc Nam Phương đang ở trên lầu. Tôi ghé xuống bếp nhìn qua để xem có nàng ở đó không. Không có. Tôi bước mau lên lầu. Vừa kịp khi tôi bước hết các bậc thang thì Nam Phương từ phía phòng riêng của nàng ló ra, đứng nơi ngạch cửa, nhìn về hướng tôi, chờ đợi. Ánh đèn từ hướng ấy lùa theo sau lưng nàng, tỏa sáng một khoảnh hành lang ngập bóng tối.

“Anh Khang, anh về rồi hả? Em chờ anh nãy giờ.”

Tôi bước đến gần nàng hơn. Nàng quay vào phòng và tôi cũng theo nàng vào phòng. Căn phòng khá rộng, có nhiều sách vây quanh một cái giường nệm lớn. Nhưng tôi không để ý lắm. Tôi bước sát đến nàng, mặt đối mặt. Nàng run rẩy đưa một tay lên sờ cái băng tang màu đen nơi ngực áo tôi.

“Như Liên nói với em… ba anh mất rồi, phải không vậy Khang?”

Tôi nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của nàng, xúc động nói:

“Ba em cũng mất rồi phải không?”

Nàng lưỡng lự một lúc:

“Dạ, ba em mất rồi.”

“Nam Phương ơi, em đau khổ lắm, phải không? Em đau khổ lắm, anh biết.”

Nàng cúi mặt xuống, hai vai rung lên một lúc, rồi bật khóc, khóc thành tiếng nức nở. Tôi ôm lấy nàng kéo vào lòng, và cũng khóc nấc lên. Chúng tôi, hai kẻ mồ côi, mất cha đã nhiều ngày rồi mà mãi đến bây giờ mới được ôm nhau mà khóc. Nước mắt chúng tôi cứ tràn ra, tràn ra, rơi vỡ trong nhau, hòa trong nhau, hàng nối hàng, đẫm ướt mặt mũi, đẫm ướt hai ngực áo. Má chúng tôi áp vào nhau, lúc bên này, lúc bên kia, như muốn nghiền nát những giọt lệ đang tuôn chảy bất tận. Rồi mắt chúng tôi kề cận nhau, nhìn nhau, soi nhau, như bốn hồ nước long lanh nghiêng đổ vào nhau tất cả nỗi đớn đau câm lặng một cách khốc liệt bị nén ở tận đáy lòng. Tất cả bùng lên, bùng lên, như bị sức đẩy khủng khiếp của lòng núi lửa đang sôi sục quá độ. Và ngay trong sự bùng vỡ của nỗi khổ đau quằn quại ấy, bỗng dưng môi chúng tôi lại tìm đến nhau, gắn vào nhau. Tôi say đắm hôn nàng, nàng cũng say đắm hôn tôi. Vòng tay chúng tôi quấn chặt lấy nhau. Thân thể chúng tôi nóng bừng bừng, ép sát vào nhau. Trong vòng siết cuồng nhiệt của đôi tay, tôi nghe như thể tất cả sức động chuyển mãnh liệt của cơn khát dục tàn bạo trong tôi đã theo nước mắt và nỗi đau khổ, trào dâng ngùn ngụt, phá vỡ tất cả mọi thành trì của giới luật hay đạo đức từng cản ngăn kềm chế nó. Tôi và nàng bấy giờ trở thành một khối vẹn tuyền của xúc cảm, hòa nhập làm một trong nhau, và chính nỗi đau khổ của chúng tôi cùng với sự bốc dậy của khoái lạc nhục cảm cũng tan biến vào nhau, kết thành một khối không thể phân ly. Chúng tôi không còn cách ly nhau, không còn hãi sợ nhau, không còn e lệ xấu hổ với nhau, không còn bất cứ thứ gì cần phải che giấu nhau. Chúng tôi đã mượn sự tuôn chảy tràn trề của nước mắt để nói với nhau tất cả những gì cần nói, và để mở tung tất cả những cánh cửa ngăn bít sự biểu hiện toàn vẹn tinh thể của chúng tôi từ bao lâu. Nàng vừa hôn tôi, vừa bá lấy cổ tôi, kéo về hướng chiếc giường. Nàng ngã xuống. Tôi nhoài lên người nàng, tham lam hôn lên mắt, lên môi, lên má, lên cổ nàng. Tôi thấy ngực nàng căng phồng hé lộ hai phần núi tuyết trắng muốt giữa hàng nút vừa bật tung ở phía trên. Tôi vục mặt tôi vào khoảng trũng thấp ấy, và nước mắt tôi vẫn còn tiếp tục rơi từng giọt, vương vãi, nhểu xuống. Nàng ghì lấy đầu tôi kéo sát vào ngực nàng, và vẫn tiếp tục khóc, khóc tỉ tê rồi lại khóc nấc lên từng tiếng. Tiếng khóc tức tưởi của nàng càng lúc càng lớn đã đánh thức tôi, nhắc tôi nhớ lại vết thương lòng của nàng và đại tang của hai đứa…

Tôi trở người, nằm nghiêng bên cạnh nàng, một tay chống nâng mặt lên, một tay vỗ về hai gò má đẫm lệ của nàng, chờ đợi cho những dòng nước mắt ấy vơi cạn dần cho đến khi không còn chảy nữa. Chúng tôi nằm nghiêng hướng về nhau, im lặng, không nói một lời. Chúng tôi đã nói với nhau quá nhiều bằng nước mắt, nụ hôn và vòng tay thèm khát chiếm hữu. Bây giờ không cần nói gì nữa, ngay cả một lời yêu nhau.

Nàng nằm trên cánh tay tôi, tựa đầu vào một vai tôi, một tay ôm choàng qua sau lưng tôi. Một lúc, nàng tự động kể lại chi tiết câu chuyện của nàng vào ngày đi thăm nuôi và biết được cha đã chết. Nàng cũng không che giấu gì về chuyện bị thất thân bởi những người cán bộ xa lạ. Giọng kể của nàng bình thản, không oán hận, không trách cứ, và có vẻ không còn đau khổ nữa.

“Anh biết làm thế nào em có thể chịu đựng nổi cái đau nhục lúc ấy mà không bị điên loạn lên không? Ngay khi phát giác mình bị cưỡng bức, em đã ra sức chống chọi nhưng không làm sao vùng vẫy ra khỏi sức mạnh của hai người trai khỏe. Cuối cùng thì em đành xuôi tay chấp nhận, và trong khi bị vùi dập đớn đau, tự dưng em nhiếp tâm, quán tưởng thân em như là đất, cam chịu tất cả thống khổ đè nặng lên người, rồi em nguyện suốt đời như một người mẹ khoan dung, tha thứ và thương yêu tất cả sự ngỗ nghịch hoang đàng của chúng sinh, trong mọi hoàn cảnh… Đó, nhờ vậy đó mà em vượt qua. Nhưng khi về đến nhà, nỗi đau tưởng đã tiêu tan không ngờ lại âm ỉ lớn dần trong tim. Em tiếp tục phấn đấu để hóa giải nó mà không nổi cho đến khi gặp anh, và cho đến đêm nay. Em nghĩ là kể từ bây giờ, em không còn sợ hãi nữa.”

“Không còn sợ hãi nữa.” Tôi lặp lại câu ấy như để tự chắc nhở chính mình. “Tất cả nỗi đau của cuộc đời, em đã nếm hết rồi, đã nguyện gánh hết rồi, thì còn sợ cái gì nữa.”

Tôi đưa tay vuốt nhẹ tóc nàng. Rồi chúng tôi ôm nhau ngủ lúc nào không hay. Thức dậy trước, tôi liếc thấy nàng nằm im, thở nhẹ. Nàng đẹp như một thiên thần bé nhỏ. Tôi không dám cử động, sợ đánh thức nàng, sợ đánh thức cả khát dục của chính tôi. Tôi nghĩ, nếu không mang tang cha, có lẽ hai chúng tôi đã tiến xa hơn, thèm muốn nhau và chinh phục nhau trọn vẹn hơn… Nhưng cũng có thể nói rằng, nếu không quá đau khổ, chúng tôi đã không bao giờ tiến đến gần với nhau quá nhanh như vậy. Khổ đau, dù ở mức độ cao hay thấp, luôn luôn là chất xúc tác cho một mong đợi hạnh phúc.

Chín giờ tối, chúng tôi cùng thả bộ đến một quán ăn ở đầu đường. Bước bên nhau chừng vài mươi bước, nàng đi sáp gần lại, ôm vòng lấy một cánh tay tôi, kéo sát vào phía ngực trái của nàng, thân mật vừa đi vừa tựa nghiêng mái đầu của nàng lên vai tôi. Chúng tôi đi chầm chậm trên đường phố còn ồn tiếng động cơ xe cộ và bầy trẻ nhỏ hãy còn bày nhiều trò chơi trên lề đường. Tôi cảm thấy như tôi đã sống trong một chọn lựa tự nhiên, hoặc đang vô tình bắt đầu một cuộc sống mới, yên bình, với một thứ hạnh phúc thật đơn giản, thực tế, dễ tìm kiếm. Tôi biết tôi đã từng yêu, nhưng tôi chưa bao giờ tưởng được rằng có một lúc trên đời, tôi lại nghĩ đến đời sống lứa đôi một cách tự nhiên mà không cho là điều dung tục tầm thường, không rùng mình hãi sợ.

Chúng tôi về nhà trước mười giờ đêm, giờ tốt nhất cho mọi công dân trên đất nước để tránh bị công an chận hỏi trên đường. Sau khi thay phiên tắm rửa, chúng tôi chia nhau mỗi người mỗi phòng mà ngủ—nàng lặng lẽ sắp xếp như vậy khi sửa soạn giường ngủ cho tôi ở căn phòng mà tôi từng nằm trước đây. Cả hai chúng tôi đang còn né tránh một sự đồng lõa vùng dậy của nỗi cám dỗ khoái lạc. Chúng tôi yêu nhau và đã hôn nhau, nằm bên nhau khi nãy, còn sức gì có thể ngăn cản chúng tôi được? Chỉ có cái tang của mỗi đứa chúng tôi mà thôi. Nàng chúc tôi ngủ ngon rồi về phòng của nàng. Tôi nằm mãi không ngủ được dù rằng hai mắt tôi khá đau rát vì khóc nhiều.

Đến khoảng một giờ khuya thì nàng ôm theo một cái gối, vào phòng, vén mùng chui vào nằm với tôi, rúc đầu vào ngực tôi. Cả hai chúng tôi đều không nói gì lúc ấy. Chỉ việc sung sướng ôm nhau và thấy yên tâm để ngủ.

Kể từ đêm ấy, tôi không muốn rời khỏi căn nhà của nàng. Chúng tôi quấn quít bên nhau như đôi uyên ương dù rằng chúng tôi vẫn luôn luôn giữ gìn một khoảng cách mong manh—có chiều ngang bằng một đường tơ—để không trở thành một cặp vợ chồng thực thụ. Sau cái đêm ngủ chung ấy, tự dưng vào một lúc vui vẻ thuận tiện, tôi và nàng có giao ước với nhau là đừng làm vậy nữa. Cả hai chúng tôi đều sợ rằng không có thứ gì có thể ngăn cản được lòng dục nơi chính mình cũng như vẻ cám dỗ mời mọc toát ra từ đối phương. Chúng tôi thường lấy chuyện để tang cha ra để nhắc nhở nhau, để làm thành trì cuối cùng bảo vệ sự trong trắng hay vẻ thơ mộng ban đầu của tình yêu chúng tôi. Ăn chung mâm, có khi hôn nhau, nói lời yêu nhau, nhưng chúng tôi luôn luôn giữ gìn, bảo vệ cái thành trì đó. Chúng tôi ít khi đi ra đường. Chỉ vào tối giao thừa, chúng tôi mới cùng đi một vài chùa như nàng yêu cầu.

Gần một tháng sau, trong khi Nam Phương đi ra ngoài lo công việc buôn bán của nàng, tôi gọi xích lô đến nhà anh Cường. Tửu gặp tôi, lại mừng muốn khóc:

“Khang đi đâu mất biệt, đến giờ này mới về!”

“Không có gì. Tôi chỉ buồn, không muốn gặp ai trong thời gian ngắn. Có gì lạ không?”

“Có chuyện nguy tới nơi rồi Khang ơi. Ôi, tôi nóng ruột nóng gan hết sức. Đã vậy Khang còn đi mất tiêu không một lời nhắn về, chẳng biết đâu mà kiếm! Cứ tưởng Khang bị bắt lại rồi.”

“Chuyện gì thì nói đi, đừng vòng vo nữa,” tôi nóng nảy thúc giục.

“Đợt thăm nuôi vừa rồi, Thiện Hiền từ trong trại K4 nhắn ra, bảo Khang lo trốn kỹ, trốn gấp, đừng bao giờ ló mặt ra đường, hay tốt nhất là hãy vượt biên liền đi! Vì cán bộ Bộ nội vụ cùng viện Kiểm sát tỉnh Đồng Nai mới vào trại K4 để đem Khang đi chụp hình quay phim làm tài liệu rồi sẽ đưa Khang ra tòa vào tháng tới, chưa biết ngày nào. Nghe cán bộ trại K4 nói đã thả Khang ra, họ không tin, vì cho rằng một người như Khang không thể nào có thể được tạm tha bất cứ một phút nào! Rồi biết sao không, họ lôi thầy Quảng Bình ra, điều tra lại lý lịch của thầy ấy, xem thầy ấy có phải chính là Vĩnh Khang không. Họ tính đưa thầy ấy đi chụp hình và ra tòa thay cho Khang đó—chắc là chỉ để khỏa lấp sơ xuất đã thả lầm Khang—nhưng thầy ấy quyết liệt chống lại, chứng minh đủ thứ mới được để yên. Cuối cùng, người ta tin là Khang đã rời trại thật và đã khiển trách cán bộ quản trại ở đó dữ lắm. Bây giờ, công an đang ra sức truy nã tìm bắt lại Khang đó. Tuần trước, tôi có nhắn chị của Khang là nếu Khang có về Nha Trang thì bảo Khang đừng lộ diện vì công an sẽ phong tỏa Nha Trang. Tóm lại là Khang phải đi! Tôi và Như Tâm có bàn với nhau rồi, bữa giờ đang lo chạy tìm chỗ cho Khang vượt biên. Cũng sắp khởi hành rồi đó. Tiền thì có Như Tâm giúp bằng cách xin hay mượn của người anh ruột ở Pháp, cộng thêm số tiền và quà của bạn bè gửi biếu Khang, chắc là đủ đóng cho Khang đi.”

Tôi ngồi sững, không nói gì. Mới khi sáng trước khi rời nhà đi công việc, Nam Phương đã đưa ra một đề nghị rất hợp lý và nên thơ cho tương lai của hai đứa chúng tôi, tôi đã đồng ý, coi như chuyện lo liệu cho an nguy của tôi đã được sắp xếp, tạm ổn. Bây giờ, tự dưng lại xáo trộn lên. Tôi nóng ruột, rối trí, đứng dậy định rời khỏi nhà anh Cường để về lại nhà Nam Phương, nhưng nghĩ có về sớm cũng chẳng gặp được nàng, tôi thôi, nằm xuống giường của Tửu, suy nghĩ mông lung. Bây giờ có Nam Phương, có một dự tính tương lai với nàng, tôi càng không muốn bị bắt lại vào tù.

“Chuyến vượt biên sắp tới khởi hành dưới Cà Mau,” Tửu nói. “Khang đừng đi đâu nữa, ở yên đây chờ ngày đi, há? Chuyến này mỗi đầu người đóng chừng hai lượng vàng. Như Tâm sẽ mượn để trang trải trước, sau đó tôi sẽ bán sáu hộp quà từ nước ngoài sắp gửi về cho Khang để hoàn lại, quà ấy cũng sắp tới rồi. Nhưng điều quan trọng là… Khang đồng ý đi, há?”

“Bây giờ tôi chẳng suy nghĩ được gì cả. Mọi chuyện anh tính hết đi.”

“Có nghĩa là Khang đồng ý rồi, phải không?”

Tôi không đáp, cũng không gật đầu. Cứ nằm một chỗ, suy nghĩ mông lung. Tôi chưa biết quyết định làm sao cả. Đề nghị của Nam Phương khi sáng có thể thực hiện an toàn không? Chuyến vượt biên có tốt đẹp không? Nếu vượt biên không hoàn thành thì còn tệ hại hơn là đổi tên, ẩn tích ở một quận lỵ nào đó hơi xa Sài Gòn như Nam Phương gợi ý. Tôi cứ xào tới xào lui, đắn đo mãi về chuyện đi hay ở. Cuối cùng, tôi nói với Tửu:

“Thực ra bây giờ tôi vẫn chưa quyết định được là nên đi hay ở. Nhưng chuyện vượt biên của tôi, nhờ anh và Như Tâm cứ tiến hành lo giúp, qua được bên kia tôi kiếm tiền gởi về trả lại, chứ bây giờ tôi như cụt tay cụt chân, đầu óc rối bời, không tính toán lo chạy được gì đâu. Còn mấy hộp quà ở nước ngoài gởi về, sau này nhận được mà không gặp lại tôi, anh cứ tùy tiện dùng để trang trải mọi tổn phí trong khi lo chuyện vượt biên cho tôi, dư lại thì thăm nuôi mấy thầy đang ở tù, vậy nhé. Bây giờ tôi phải đi. Tôi qua nhà cô bạn gái, chỗ đó an ninh hơn ở đây, với lại tôi cũng cần nói chuyện với cô ấy trước khi lên đường… Anh ghi địa chỉ nhà cô ấy, khi nào cần thì đến gọi tôi, được không?”

“Đọc đi, tôi ghi.”

Rời chỗ Tửu, tôi đón xích lô về lại nhà Nam Phương. Trên xe, tôi lại nhớ đến dự tính của Nam Phương vừa nói với tôi khi sáng.

Nam Phương dự tính bán căn nhà, chạy về Phú Lâm mua căn nhà nhỏ hơn, đồng thời mua luôn cả hộ khảu mới, mua luôn giấy tờ tùy thân với tên giả cho tôi, rồi làm luôn cả giấy hôn thú giả, rồi giả sống với nhau như hai vợ chồng chính thức để tránh cho tôi khỏi bị bắt vào tù trở lại sau khi hết hạn tạm tha. (Xã hội thời nay là vậy đó, một xã hội đầy bất an, nhưng nếu có tiền, người ta cũng có cách mua được mọi sự hợp lệ an ổn cho đời sống. Và hình như tất cả đều phải giả thì mới sống được một đời sống thực) Đề nghị của Nam Phương như một bản giao hưởng nhẹ nhàng du dương, ru êm mọi toan tính và ý chí dấn thân của tôi trước đây. Tôi đã im lặng chấp nhận một cách thật hết sức đơn giản. Đó là trước khi tôi đến nhà anh Cường.

Bây giờ, trên đường từ nhà anh Cường đến nhà Nam Phương, ý hướng vượt biên trong tôi dường như mạnh mẽ lấn lướt chuyện đổi tên ở lại sống ẩn lánh. Nhưng khi mở khóa bước vào căn nhà thân thuộc đã cho tôi nhiều hạnh phúc êm đềm trong những ngày vừa qua, tôi bỗng thấy khác: tôi không muốn vượt biên nữa. Tôi thèm được một mái ấm, một chỗ dừng chân, một tháp ngà để ngủ giấc an lành. Cái đó đối với tôi và Nam Phương, là cái trước mắt, dễ dàng, có thể nắm được, chắc chắn hơn là một chuyến vượt biên xa xôi, chưa biết thành bại thế nào. Vâng, tôi đã mệt mỏi, không muốn phấn đấu nữa. Tôi xin chấp nhận mọi sự xỉ vả chê trách. Tôi xin chấp nhận làm người nhu nhược, an phận, nhìn vào cái gì trước mắt, nhìn vào cái khổ, cái tang của tôi và Nam Phương, chứ không cần phải nhìn ngó đếm xỉa cái tang chung của xã hội quanh tôi nữa.

Tôi dự tính không nói Nam Phương nghe, nhưng rồi tôi cũng nói; nói rằng công an đang có lệnh truy nã tìm bắt tôi để đưa ra tòa. Nỗi an phận tầm thường của tôi đã xui tôi nói sự thực với nàng như là một cách để khích lệ nàng tiến hành xây dựng một mái ấm hạnh phúc cho nàng và tôi, càng sớm càng tốt. Nhưng nghe vậy, nàng có vẻ bấn loạn, run run nói:

“Vậy… em phải lo cho anh đi vượt biên ngay.”

“Tửu và Như Tâm đang lo cho anh chuyện đó, nhưng… anh không muốn đi. Anh muốn ở lại, Nam Phương, anh đã vượt biên khá nhiều lần trước đây rồi, anh không còn tin tưởng chuyện vượt biên có thể thành công đối với anh nữa. Huống gì một khi vượt biên thất bại, anh càng dễ dàng tiết lộ hành tung của anh cho người ta bắt.”

“Vậy thì sao bây giờ… Khang ơi, em lo quá! Em… em không muốn anh vào tù trở lại. Thôi, để em chạy lo mua một cái hộ khẩu và giấy tờ tạm thời cho anh trước đã. Em đi liền bây giờ, em biết một đường dây ở Phú Lâm đó. Còn anh, kể từ hôm nay, ở nhà, tuyệt đối đừng ra đường nữa nghe. Có chuyện gì thì để em chạy lo.”

Trong hai tuần lễ, Nam Phương lăng xăng lui tới để lo chuyện hộ khẩu và giấy tờ cho tôi. Và cuối cùng tôi đã có một cái “hộ khẩu ma” với địa chỉ của một căn nhà không hiện hữu trên đất nước. Giấy tờ tùy thân của tôi cũng khá giống giấy tờ thật, vì được lăn tay chụp hình đàng hoàng (ở nhà riêng một anh công an), và tên mới của tôi là Nguyễn Mười, một cái tên khá nhà quê và dễ nhớ (vì tôi là con thứ mười trong gia đình) do tôi tự chọn lấy.

Vừa tạm ổn với chuyện giấy tờ giả thì Tửu tìm đến. Tôi tưởng Tửu đến gọi tôi đi vượt biên, nhưng không phải. Tửu báo cho biết là Viện kiểm sát trung ương sẽ đưa vụ án Phục quốc ra tòa vào thứ Hai ngày 16-3 tại Nhà hát Thành phố (Quốc hội), ở quận nhất, Sài Gòn. Báo chí thành phố đăng tải nhiều loạt bài bôi nhọ “hành vi phản động” của lực lượng này, và có nêu đich danh những nhân vật đầu não của lực lượng trong đó có ông Trần Văn Lương và cả tôi. Tửu hỏi tôi đã quyết định về chuyện vượt biên chưa, vì chuyến đi sắp khởi hành. Tôi chưa trả lời dứt khoát. Tửu về rồi, không hiểu sao tôi lại bắt đầu thấy lòng an ổn, bớt lo sợ. Cảm giác này có vẻ giống như lúc tôi vừa bị bắt đưa vào trại giam T20 hai năm trước đây. Có lẽ phiên tòa xử hứa hẹn một giới hạn rõ rệt của khổ đau đã cho tôi sự an lòng đó, hoặc là chính những giấy tờ giả, tên giả, đã tách tôi ra khỏi quá khứ của tôi, tách tôi ra khỏi cái bản ngã mà hằng lâu tôi bám víu, khiến tôi có thể bình tâm nhìn nó và khổ đau ách nạn của nó như nhìn vào một cái bóng, một cái gì không thật.

Tôi không nói gì với Nam Phương về phiên tòa, nhưng nàng đã đọc và nghe được tin tức. Những ngày phiên tòa xử diễn ra, nàng lái xe đến tận nơi để tham dự. Khi tòa đã kết án, nàng về ôm tôi, khóc. Ông Lương và tôi đều lãnh án tử hình, riêng tôi thì bị xử khiếm diện (vắng mặt) với ghi chú kèm theo là “đương sự đã trốn trại, án sẽ thi hành lập tức ngay khi nào bắt lại được.” Người ta kết án tử hình anh đó, Khang ơi. Nam Phương vừa khóc vừa kể lại tôi nghe. Nàng đứng ngồi không yên, cứ đi lên đi xuống, mặt thất thần, âu lo đến tội nghiệp. Và trong suốt ngày đó, nàng im lặng như đang suy tính chuyện gì, hoặc muốn nói một điều gì khó nói với tôi. Bữa ăn tối, nàng cũng im lặng một cách nặng nề. Ăn xong, nàng mới bắt vào chuyện:

“Sao anh không nói gì hết vậy Khang? Cái bình thản như vô sự của anh làm em sợ quá, nó cho em thấy là anh có vẻ như sẵn sàng chấp nhận bản án, phải không? Không, Khang ơi, không thể như vậy được! Anh phải giữ lấy thân, anh phải sống. Dù em có thể mất anh trong cuộc đời, em vẫn muốn có anh tồn tại ở một phương trời nào đó. Khang ơi, em tìm đường cho anh vượt biên, nghe anh!”

Tôi bước đến, đứng sau lưng nàng, đặt nhẹ hai tay lên hai vai nàng, nói:

“Thôi, đừng suy nghĩ nhiều, Phương ạ. Không cần phải lo lắng đến như vậy. Thực ra thì ngục tù hay cái chết cũng không phải là cái gì khủng khiếp lắm đâu. Mấy hôm trước ngồi nhẩm lại kinh Bát Đại Nhân Giác, anh thấy tinh thần anh vững mạnh, an ổn, không bị bức thúc nữa.”

“Nhưng dù gì thì cũng phải quyết định...” nàng níu lấy hai tay tôi, nói. “Em thấy... hình như đi vượt biên thì tốt cho anh hơn. Nhưng em sợ anh không hiểu, tưởng rằng em xua đuổi anh. Em cũng sợ nếu chuyện không thành thì chính em là người đã xô đẩy anh vào cái chết. Khang ơi, anh vượt biên đi há, có em đi chung với anh, để anh yên tâm là em lúc nào cũng muốn ở bên cạnh anh, còn nếu chuyện bất thành để phải vào tù hay chết, cũng có em chịu chung với anh.”

“Không, đừng làm vậy, Phương à. Anh sẽ đi. Nhưng em không cần phải đi theo anh để chứng minh cái gì cả. Anh không muốn bất cứ điều gì nguy hiểm xảy ra cho em. Em ở lại chờ mẹ và mấy đứa em của em bảo lãnh, vậy tốt hơn. Hay là để anh qua đó rồi anh sẽ lo thủ tục bảo lãnh em, chịu không? Em hứa là chờ đợi đi chính thức chứ đừng đi vượt biên thì anh mới yên tâm, hứa đi.”

Nàng gật đầu, hôn hai tay tôi. Tôi cũng cúi xuống, hôn lên tóc, lên trán nàng.

Những ngày kế tiếp, tôi ở yên trong nhà nàng, không đi đâu, suốt ngày chỉ ngồi đọc sách, rồi tụng kinh cầu siêu cho ba tôi, ba nàng. Nam Phương cũng vắng nhà hầu như cả ngày, để vừa liên lạc thường xuyên với Tửu và Như Tâm về chuyến đi ở Cà Mau, vừa chạy lo một chuyến vượt biên khác phòng khi chuyến vượt biên kia tiến hành chậm quá.

Cuối cùng thì chuyến đi bên phía Tửu cũng khởi hành. Đó là ngày 29 tháng ba, nhằm vào lúc đầu tháng ba âm lịch, không trăng; cũng vừa kịp trước khi hết hạn ba tháng của lệnh tạm tha nếu cái lệnh ấy thực sự có một giá trị pháp lý nào.

Những ngày trước khi khởi hành, theo như dặn dò của nhóm tổ chức, Tửu và Như Tâm dặn Nam Phương chuẩn bị một ít thuốc men và lương khô cho tôi trong một cái bọc nhỏ. Nam Phương cũng soạn đưa theo cho tôi một cái áo nhật bình nâu và một tấm y (ca-sa) của tôi mà Như Tâm đã lấy về từ nhà bác Bàng (tôi đã để lại đó khi tự động xả giới từ hai năm trước). Nam Phương nói khi xếp thật gọn y phục tăng sĩ cho tôi để nhét cho vừa một túi xách nhỏ:

“Em gói y áo theo cho anh... Nếu nhân duyên xuất gia của anh hãy còn thì anh xin phục giới, trở lại chùa. Còn không thì y áo cũng giúp anh phòng nạn hải tặc Thái Lan... Còn chuyện hai đứa mình có gặp lại nhau sau này ở nơi chốn nào đó, cũng tùy thuận nhân duyên thôi, anh há. Biết đâu hai đứa đều xuất gia trở lại.”

Bốn giờ sáng, Nam Phương chở tôi xuống bến Xa cảng Miền Tây, vào quán uống với tôi một ly cà phê trong im lặng, rồi nàng cầm tay tôi một lúc, vội vã chia tay. Có lẽ nàng sợ không chịu đựng nổi giây phút biệt ly bịn rịn kéo dài. Tửu đến ngay sau đó vài phút, thay vào chỗ ngồi của Nam Phương. Tửu dặn dò tôi đi theo người nào, đến đâu, chờ đợi ở đâu để xuống bãi.

Lần đầu tiên tôi ngồi xe đò đi về hướng nam của đất nước. Đến Cần Thơ thì đã chiều, phải ngủ lại quán trọ để sớm mai mua vé đi Cà Mau. Quán trọ dơ dáy nghèo nàn không đòi hỏi xem giấy tờ gì của tôi cả ngoại trừ ghi cái tên giả của tôi xuống một cuốn tập vàng ố.

Chiếc xe dằn xóc khổ sở trên con đường từ Cần Thơ xuống Cà Mau. Đường hẹp, nhiều ổ gà. Nhà cửa hai bên san sát lòng đường. Đôi chỗ có lúa phơi lấn chiếm đường đi. Đôi chỗ người qua kẻ lại tấp nập. Gió cuốn bụi đất tung mù trước mũi xe. Những con kinh dài lúc chạy song song, lúc rẽ về hướng thẳng góc với con đường. Đôi khi có một vài người đàn ông thiểu số lội bì bõm dưới sông, trần truồng nhong nhỏng. Đôi khi ruộng đồng bạt ngàn phơi màu lúa chín vàng trĩu ngọn đong đưa. Lòng tôi như vô sự.

Người dẫn đường cùng tôi lên một chiếc ghe nhỏ, xuôi theo sông Bồ Đề để xuống quận Năm Căn, một quận nằm ở doi đất cuối cùng của tỉnh Minh Hải (tên mới của tỉnh An Xuyên sau năm 1975), cũng là chỗ vùng đất cuối cùng của đất nước đâm ra biển Nam Hải. Sông khá rộng. Đôi lúc người lái đò rẽ vào một con rạch nhỏ, nước cạn và đen màu sình, phải chống cây sào dài mà đẩy ghe đi chứ không chèo được bằng mái dằm. Con rạch đưa chúng tôi đi qua một vùng nhà cửa lưa thưa, bao bọc là rừng đước, có khi là rừng sát hay tràm. Từ sông vào rạch rồi từ rạch lại ra sông. Gió đông bắc từ biển thổi vào phần phật cái áo của người chèo đò khiến anh có vẻ như đang run rẩy. Tôi nhìn mặt nước lặng lờ, uốn khúc theo bờ đất ẩm ướt mọc đầy cỏ ống và những thứ cỏ lạ không biết tên. Lòng tôi lăn tăn gợn lên một nỗi vui an ổn, hồn nhiên theo tiếng nước khua nhẹ của mái dằm.

Cuối cùng, khi mặt trời vừa khuất bên phải chúng tôi, ghe tấp vào một eo đất thỏm vào trong, có cái cầu ván nhỏ từ bờ nhoi ra sông. Chung quanh vắng vẻ, toàn là cây rừng thấp lè tè, chỉ có một cái chòi lợp bằng lá dừa nước hay một loại lá gì đó tờ tợ như vậy, nằm sâu vào bên trong, cách bờ sông chừng hai trăm mét. Anh dẫn đường ngoắc tay ra dấu tôi theo anh, hướng về cái chòi đó. Bên trong trống trơn, diện tích gần hai mươi mét vuông mà chẳng có vật dụng gì ngoài một cái bàn cũ kỹ đóng ráp bằng thứ ván sần sùi không được bào láng; chẳng có cái ghế nào bên cạnh cái bàn đó. Trong góc chòi là một cái sàn đóng khá cao, có bậc thang bước lên. Có lẽ là chỗ ngủ vì thấy có mùng treo sẵn trên đó. Vậy thì nó là cái sàng chứ không phải là cái sàn. Người dẫn đường nói:

“Anh chui vào mùng ngồi kẻo muỗi đốt chịu không thấu đâu. Tối sẽ có người đến rước. Chắc bà xã anh đi chuyến khác, sẽ tới sau.”

“Cái gì? Bà xã nào? Chắc anh lộn người rồi đó!”

“Bà xã anh chứ bà xã nào. Chút bả tới ngay,” vừa nói anh vừa quay ra, bỏ tôi ngồi lại trong bóng tối buông dần của chòi hoang.

Tôi bỏ mùng xuống, ngồi xếp bằng. Khu rừng lạ cất lên đầy những âm thanh mới lạ của những loài thú hay côn trùng nào tôi không biết tên, hay là trong tôi đang mở ra một tâm thái mới mẻ, sáng trong, bình lặng. Tôi ngồi một lúc khá lâu thì nghe tiếng chân người dẫm trên đất sình khô nghe lụp phụp, hướng đến chòi. Tôi đoán là người ta đến đưa tôi đi, nhưng cũng có thể là công an du kích đi tuần. Dù thế nào thì tâm tôi vẫn bình thản lúc ấy. Tôi ngồi bất động, không chuẩn bị tư thế trốn nấp hay rời sàng để bỏ chạy. Từ bóng tối nhìn ra, tôi thấy ba bóng đen xuất hiện lờ mờ giữa khung cửa. Rồi một luồng sáng của đèn pin chiếu xuống đất ngay trước chỗ họ đứng, hướng dần về phía sàng, rọi vào tôi. Có tiếng nói đàn ông cất lên:

“Kìa, ông xã cô trên đó. Hai người ngồi im, có nói chuyện thì nói nhỏ nhỏ chứ đừng lớn tiếng quá nghe. Cũng đừng chạy lạng quạng ra ngoài chúng nó bắt đó. Khoảng một hai tiếng đồng hồ nữa có người đến dẫn đi.”

Nói rồi, hai người kia quay đi ngay. Người còn lại chắc là một người nữ, đang hướng về phía tôi. Tôi định lên tiếng trước để người ấy biết tôi không phải là chồng của cô thì đã nghe người ấy bật lên mấy tiếng:

“Khang, em nè.”

“Cái gì? Nam Phương à?” tôi vùng dậy, vén mùng nhoài người ra. “Cẩn thận, cái thang phía bên phải, vịn chỗ này nè, nắm tay anh, lên.”

Nhét vội mùng lại, chúng tôi ôm nhau mừng rỡ. Tôi vừa vui vừa lo, hỏi:

“Sao em liều quá vậy! Hứa không đi rồi cuối cùng lại đi.”

“Em tính kỹ rồi, nói trước thì anh đâu cho, thôi thì làm anh bất ngờ cho vui. Anh không thích có em đi chung hở?”

“Thích, nhưng... anh sợ nguy hiểm cho em.”

“Với lại có em thì khó cho anh quay trở lại con đường xuất gia, phải không?”

Tôi lắc đầu không nói, chỉ vuốt tóc nàng. Có lẽ tối quá nàng không thấy cái lắc đầu của tôi. Nàng dựa đầu vào vai tôi. Cả hai chúng tôi đều im lặng thật lâu. Cuối cùng nàng nhỏ nhẹ nói:

“Khang ơi, em luôn thấy trong mắt anh, một cái gì cao rộng xa xăm, một khát vọng bền lâu tha thiết mà anh hằng theo đuổi. Em biết chính cái đó mới làm cho anh tồn tại, bình thản giữa sóng gió cuộc đời. Dù em có là người mà anh vô cùng yêu quí như anh từng nói, em vẫn thấy rằng anh ôm em, say đắm em, như ôm siết cái khát vọng đó của anh mà thôi. Anh thể nhập vào nó qua em và qua những khổ đau cuộc đời. Cho nên, dù thế nào đi nữa, anh vẫn là con người của lý tưởng xuất trần. Em không đến với anh hay đi chung với anh để níu kéo anh về với em. Em chỉ muốn có mặt bên anh vào những giây phút cuối cùng của ly biệt, để nói với anh rằng, em tin tưởng một cách thâm sâu: không có bất kỳ một thế lực vô minh nào, một sức quyến rũ mê hồn nào, một đau khổ khốc liệt khủng khiếp nào, có thể hủy diệt anh hay dìm mất anh trong lòng bi lụy của cuộc đời. Em nói có phải không, hở Khang, nói em nghe đi.”

Tôi xúc động hôn lên trán nàng. Im một lúc mới nói:

“Thực ra thì chuyện hoàn tục hay xuất gia trở lại, đối với anh không còn là vấn đề nữa. Anh không tự hào gì về một trong hai chọn lựa đó. Anh chỉ biết sống hết mình với con đường nào anh chọn lựa. Con đường nào cũng có vẻ đẹp của nó, nhưng vẫn là con đường: con đường đi ngược và con đường đi xuôi; con đường đi thẳng hay con đường đi quanh; con đường ngắn hay con đường dài; con đường bằng phẳng hay con đường chông gai; con đường thanh thản hay con đường nhọc nhằn... Chúng dẫn chúng ta đi những hướng khác nhau, hoặc trùng bước với nhau, ghé vào những quán trọ khác nhau và giống nhau, thành tựu những đích đến khác và giống nhau; nhưng ‘phương trời cao rộng’ thì nằm ở ngoài, ở sau, ở trong, hay ở trên những con đường ấy. Anh ...”

Một tiếng súng, rồi một tràng súng nổ ở đâu đó vọng tới, cắt ngang. Tôi xuỵt một tiếng giữ nàng lại, lắng nghe. Lại có tiếng la lối om sòm từ phía bên trái của cái chòi. Có tiếng mái dằm khua vội vã hay tiếng của nhiều đôi chân lội dưới nước bì bõm.

“Em ngồi yên ở đây, để anh ra ngoài xem thử,” tôi vừa nói vừa leo xuống khỏi sàng, bước vội về hướng cửa, vừa nhìn vừa nghe ngóng.

Từ phía bên kia bờ sông lại phát nhiều tiếng súng nổ, lằn đạn xẹt từ đâu bắn lên tạo thành những ánh lửa đỏ vàng, vừa hiện chớp lòe đó đã tan biến vào nền trời đen thẫm. Có tiếng chân người chạy sầm sập dội theo tiếng la rượt đuổi. Đâu đó có một giọng đàn ông hét lên: “Đứng lại, đứng lại!” Rồi một tiếng đàn ông khác có vẻ như nhắm vào chúng tôi: “Chạy đi, chạy đi, đừng ngồi đó!” lại một hoạt cảnh của trò chơi vượt biên. Tôi đã quá quen với cảnh này, lập tức quay vào trong, gọi Nam Phương. Nàng quơ vội hai cái túi của hai chúng tôi, dồn vào làm một rồi leo nhanh xuống. Tôi xách cái túi, một tay dắt nàng, vòng ra sau căn chòi, chạy sâu vào rừng. Không có con đường nào rõ rệt cho chúng tôi đi. Chỉ thấy khoảng trống ở đâu, chân chúng tôi dẫm lên chỗ đó. Gai góc. Sình lầy. Đất trũng. Cỏ ướt. Rễ cây chằng chịt. Bụi rậm um tùm. Những cây khô trơ cành. Những con thú lớn nhỏ vùng chạy hoặc chui rúc vào hang. Muỗi từ đâu bay từng đàn, rượt đuổi theo chúng tôi nghe vo vo. Một khoảng đồng lúa xạ. Một dải đất trống khô dờn dợn những sóng cát. Tôi vừa chạy vừa ngước nhìn sao để dò đoán phương hướng. Nhưng mây mù che kín nền trời, chẳng làm sao nhắm hướng được, đành chạy tới, chạy tới. Có lẽ chúng tôi đang chạy ra biển. Biển ở đâu mà nghe sóng dội từ cả hai ba phía. Tiếng sóng ì ầm như thịnh nộ. Gió đông từ biển ào ào cuốn vào, thốc tung những bụi đất quất vào chúng tôi đau rát. Thỉnh thoảng có một cơn trốt xoay tít như con vụ chạy lòng vòng trên đồi cát rồi chui rúc vào rừng sâu, khua lá rào rạo. Bất giác, tôi thấy cảnh vật trước mắt tôi có vẻ gì quen thuộc. Hay là cuộc đuổi chạy quen thuộc. Hay là một thứ tâm trạng quen thuộc. Nó không giống cuộc đuổi chạy mà tôi cùng Mộng Huyền trải qua trong rừng điều Bà Rịa. Nó giống những cuộc đuổi chạy nào đó từng tái diễn trong quá khứ lịch sử xa xăm.

Kể ra thì chúng tôi đã chạy với một tốc độ khá nhanh. Còn trống đường phía trước thì còn chạy tới. Còn nghe tiếng người phía sau thì chưa dám ngừng chân. Cuối cùng, chúng tôi giáp mặt với biển đen. Chúng tôi đang đứng ở bờ biển, trên một vùng đất mềm, có vẻ như chỉ là cát, chỗ thì khô ráo, chỗ thì ẩm ướt. Đây có lẽ là doi đất bồi do những luồng gió xuôi ngược tạo nên. Chung quanh không thấy nhà cửa. Tít ở phía xa, giáp với cánh rừng đước, mới có một vài nóc gia im lìm. Biển đen như màu đêm. Đất cũng đen màu đêm. Chỉ có những cơn sóng dồn dập kéo vào bờ là tung lên những bọt trắng, đôi lúc chập chờn như bóng ma trơi. Hết lối đi rồi, tôi kéo tay Nam Phương bước dọc theo bãi biển cong ngược ra phía đại dương. Bờ biển ở đây không giống bờ biển mà tôi nhìn quen ở Nha Trang—vì bãi Nha Trang thì cong vào, đầu bãi cuối bãi như hai cánh tay dang ra để ôm lấy đại dương. Nam Phương vừa bước theo tôi, vừa quay nhìn sau để xem còn ai rượt đuổi không. Một lúc, nàng thút thít khóc. Tôi kéo nàng đến ngồi dưới một gốc cây tràm khô chết mà các cành nhánh đã bị cắt tỉa trụi lủi, chỉ có khoảng gốc sần sùi nằm chơ vơ nghiêng đổ trên nền cát. Chúng tôi ngồi thấp phía dưới ngó ra biển, gốc tràm lớn che phía lưng. Nam Phương tiếp tục khóc. Tôi dỗ rồi ôm lấy vai nàng.

“Đừng sợ. Chắc không sao đâu. Để sớm mai mình tìm cách quay về.”

“Khang ơi, em không sợ cho em đâu, em chỉ sợ cho anh. Người ta có bắt em về tội vượt biên thì cũng trong vòng vài ba tháng là thả, nhưng nếu bắt được anh, họ sẽ... Ôi, em lo quá! Họ đang truy nã anh, thế nào rồi họ cũng nhận ra anh. Làm sao đây Khang?”

“Không sao đâu, đừng sợ, đừng khóc nữa, em à. Không phải lúc nãy em vừa nói em tin rằng không có sức mạnh nào hủy diệt được anh hay sao? Nín đi. Chuyện gì tới thì tới. Bây giờ ngồi đây ngắm biển đêm với anh đi. Chao ôi, muỗi nhiều quá! Em có bị cắn không? Em lạnh hả? Để anh lấy tấm y của anh ra đắp há!”

Tôi soạn giỏ xách lôi tấm ca-sa, trùm kín cho cả hai. Nàng cũng soạn lấy thuốc xoa trừ muỗi, xịt lên tay rồi xoa lên tay chân tôi, tay chân nàng. Dù vậy, muỗi vẫn cứ bay lòng vòng, đảo tới đảo lui trên đầu chúng tôi, cố gắng tìm chỗ hở để tấn công. Lúc ấy có sấm chớp ngoài khơi, trên trời thì mây giăng đen kịt. Tôi ước có một cơn mưa giông kéo tới để may ra xua được đàn muỗi hung tợn mà con nào con nấy to gần bằng con ruồi. Bị hàng triệu giọt mưa rơi trên người e còn dễ chịu hơn hàng ngàn con muỗi bám vào thân. Quả nhiên, khi vừa nhìn thấy những vệt đèn pin từ phía sau, chỗ bìa rừng, quét qua quét lại, tôi nghiêng người kéo Nam Phương rạp thấp xuống, thì ngay lúc đó, gió càng lúc càng mạnh, đã xua muỗi cho chúng tôi, và cuối cùng thì một cơn mưa như trút nước đổ ào xuống. Chỉ thoáng chốc, cả hai chúng tôi ướt như chuột lột. Tôi kéo tấm ca-sa lên phủ đầu, choàng tay ôm kín vai lưng Nam Phương. Nàng cũng gục xuống ngực tôi, vòng hai tay ôm lấy người tôi. Chúng tôi đều lạnh run. Đất dưới chân chúng tôi ướt nhanh và nước mưa cùng với nước biển dâng lên, nhanh chóng trở thành một bãi nước lênh láng. Mưa rơi rào rào, đâu đó vẫn còn sấm chớp đì đùng và biển vẫn tiếp tục dậy sóng. Tôi phải hét lên để hỏi Nam Phương:

“Chạy vào chỗ rừng cây kia không?”

“Không, vào đó cũng bị họ bắt thôi. Họ bắt trễ chừng nào, mình còn gần nhau được chừng đó. Chi bằng ngồi đây với anh. Khang ơi, chắc không thoát đâu, em thấy đèn pin của họ ở hướng đó mà. Thôi, ngồi đây đi. Em thích ngồi bên anh.”

Tôi cảm động ôm siết vai nàng. Tôi không biết nàng có khóc không, nhưng tôi khóc khi nghe nàng chấp nhận ngồi lại bên tôi, chờ bị bắt. Nước mắt tôi rơi trên tóc nàng, hòa với những giọt mưa liên tục chảy trên dòng tóc ướt. Rồi chúng tôi rời đất, ngồi hẳn lên gốc tràm để tránh nước tràn ngập dưới chân. Tôi biết nếu những người công an đang rượt đuổi mà còn đứng nấp dưới những tàng cây nơi bìa rừng, có thể họ sẽ trông thấy được bóng dáng chúng tôi khi có sấm chớp lóe sáng từ hướng biển. Cũng có thể họ đã rời khỏi nơi đó trước khi mưa đổ xuống. Nhưng chúng tôi không cần biết họ nữa. Chúng tôi im lặng ngồi ôm nhau, qua những lằn nước mưa chằng chịt đan nhau, nhìn ra biển, nhìn bầu trời đen u ám, và những lằn điện xé rách trời để phóng mình xuống lòng biển khơi. Bất chợt nàng quay mặt ngước nhìn tôi, hai tay bá lấy cổ tôi kéo thấp xuống, hôn khắp mặt mũi tôi, một cách vội vã, tới tấp, cuồng nhiệt, hôn như từ biệt, hôn như sợ mất, hôn như níu kéo... Tôi cũng hôn lại nàng, say đắm, tham lam, mê muội, hôn nhanh như mưa xuống, như chớp lòe, như gió lốc, như nước cuốn phăng phăng... Tôi thấy nàng là đất dang vòng tay bao dung chịu đựng và ban phát. Tôi thấy tôi là trời cao cúi xuống thấp, hút lấy tinh mật của muôn hoa trùng trùng vươn dậy. Đất trời níu nhau, gió cuốn, mưa rơi, rừng thấp, mây cao, đảo xa và biển gần, chẳng thấy đâu là bờ bến chia biệt. Và thêm một lần nữa, nước mắt chúng tôi theo nhịp mưa mau, rơi từng dòng, gởi theo mưa ra lòng biển lớn. Chúng tôi yêu nhau, ôm siết nhau, luôn luôn trong giọt lệ nóng chảy xuống cuộc đời khổ đau quằn quại. Chúng tôi không có những hạnh phúc cá nhân. Chúng tôi không có những khổ đau cá nhân. Chúng tôi cười và khóc trong dòng sinh ly tử biệt trùng trùng bất tận của trái đất này.

Dải đất này, không phải của tổ tiên chúng tôi. Tổ tiên chúng tôi đến từ phương bắc, tiêu diệt hoàn toàn những chủng tộc bản xứ nơi đây để giành đất cho các thế hệ con cháu chúng tôi. Chúng tôi may mắn được thừa hưởng và có bổn phận gìn giữ bởi vì công lao và xương máu của tổ tiên chúng tôi đã đổ xuống rất nhiều; nhưng máu xương và nước mắt của những người dân bản xứ Chiêm Thành thì nhiều hơn. Đất này chỉ toàn là máu, là xương, là nước mắt, là tủi nhục, là uất hờn. Chúng tôi kính nhớ tổ tiên nhưng chúng tôi thấy bất công, đau xót cho những phận người vô tội, già trẻ lớn bé, đã kinh hoàng và uất hận, rùng rùng kéo chạy trong bao cơn loạn lạc để tìm đất sống và cuối cùng đã nằm xuống đất này, làm chất phân bón để nuôi lớn những nghiệp chướng oan khiên, tang thương tàn khốc, trút lên số phận những người đến sau. Thù hận, chiến tranh, chết chóc, cứ vậy mà tái diễn như vận hành của nước đầu nguồn tuôn ra biển, từ bắc lấn vào nam. Ra đến biển thì trở lại đầu nguồn. Vào tận cùng phía nam thì tái sinh lại ở bắc. Cái vòng lẩn quẩn đó không bao giờ chịu dừng lại.

Và riêng tôi, giờ này đang ở chỗ tận cùng bờ cõi của đất nước phía nam, với hai tay sắp bị trói lại, vẫn chưa hiểu ra là tôi có thể làm được gì khi đi về phương nam theo sự thúc đẩy của thầy mình năm xưa, và có lẽ trong những ngày sắp tới, tôi vẫn không hiểu được trọn vẹn ý nghĩa tột cùng của giấc mộng phương nam ấy. Nhưng trong nỗi xúc cảm sâu lắng rưng lệ của một người đứng trước biển rộng đen ngòm và ách nạn đuổi tới sau lưng, tôi như nghe được tiếng khóc than ai oán hờn tủi của cả một dân tộc bị diệt chủng năm xưa lồng theo tiếng mưa gào gió thét. Tôi quỳ xuống thềm cát lai láng nước, cất lên thệ nguyện của mình: xin kể từ hôm nay, thay mặt cho tổ tiên và cha anh nhiều thế hệ, sám hối với những mạng người vô tội đã chết oan khuất trên khắp dải đất quê hương. Nước mắt tôi đây, và cả sinh mệnh tôi đây, xin rơi xuống, xin chấp nhận nằm xuống, để rửa sạch tất cả oan khiên nghiệp chướng ấy.

Cơn giông đã qua. Mưa đã tạnh và trời quang đãng. Ngôi sao Mai vừa xuất hiện trên nền trời nửa đen nửa tím. Đâu đó ở phương đông, đã thấy ánh hồng dần dần lan tỏa báo hiệu bình minh sắp ló dạng. Nhìn sao Mai chớp sáng trên bầu trời cô tịch, tôi bây giờ mới sực hiểu rằng sự xuất hiện của những vì sao không đánh động tình cảm và lý trí thông thường như mặt trăng, mặt trời. Chúng nhảy múa để réo gọi sự phát chiếu toàn vẹn của một thứ trí tuệ trong ngần vượt thoát khỏi mọi trói buộc của trần gian.

Sự vật muôn đời vẫn thế, vắng lặng như sao trên trời quạnh. Chính cái tâm đã cột trói thế giới thì cái tâm ấy sẽ cởi trói cho thế giới. Mà thực ra, cũng chẳng có sự trói buộc nào cần phải tháo mở. Có cái gì trói buộc được một cái tâm vắng lặng, giải thoát? Không có sự cột trói và cởi trói. Không có sự giam cầm và thoát ly. Không có khổ đau và hạnh phúc. Không có thiện và ác. Không có giả và chân. Không có sinh và tử. Không có địa ngục và niết bàn. Không có bất cứ cái gì cần phải thoát ra cả. Tôi ở đây, sống trên cuộc đời này, lao xao nói cười, làm việc, tranh đấu, tu tập, yêu đương, mong đợi, tìm cầu, hạnh phúc, khổ đau... nhưng luôn luôn, lúc nào cũng vậy, ở trong tôi, trên tôi, là phương trời cao rộng kỳ tuyệt ấy.

Mặt trời vừa bừng lên thì từng đàn muỗi từ phía rừng đước đã ùn ùn kéo đến. Chúng tôi có thể nghe được tiếng đập cánh rào rạo của chúng và nhận dạng chúng từ xa như những đám mây đen nhỏ, lao nhanh, lúc cao lúc thấp, hướng về chúng tôi. Chúng tôi đứng dậy, quay nhìn về hướng rừng. Cách chúng tôi chừng năm trăm thước, một nhóm du kích và công an xách súng, vừa chạy tới, vừa la lối với giọng hằn học, nghiêm trọng lắm. Mũi súng hướng về chúng tôi.

Tôi đưa tay chậm cho khô giọt lệ cuối cùng còn đọng trên khóe mắt Nam Phương. Chúng tôi ôm nhau một lúc ngắn, rồi khoác chung tấm ca-sa, nắm lấy tay nhau, hướng về phía những người cầm súng. Bước tới.


vinhhao

Tác giả Vĩnh Hảo

coitroi1

Ý kiến bạn đọc
12/01/201511:29
Khách
Hay qua ,qua tuyệt !!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]