Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

D. Phạm Vi Của Tưởng Ấm

23/11/201217:05(Xem: 11320)
D. Phạm Vi Của Tưởng Ấm

Tây Tạng Tự - Bình Dương

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG
Người dịch: Thubten Osall Lama - Nhẫn Tế Thiền Sư

 

PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG

CHƯƠNG V:PHÂN BIỆT CÁC NGHIỆP QUẢ TẠO THÀNH TAM GIỚI. CHỈ RÕ CÁC CẢNH GIỚI TU CHỨNG VÀ CÁC CHƯỚNG NGẠI

 

VII. PHÂN BIỆT CÁC ẤM MA

D. PHẠM VI CỦA TƯỞNG ẤM

Kinh: “Anan, thiện nam tử kia tu Tam Ma Đề, khi Thọ Ấm hết rồi, tuy chưa hết các Lậu, nhưng tâm rời khỏi hình hài như chim ra khỏi lồng. Từ phàm thân này tiến lên, trải qua sáu mươi Thánh Vị Bồ Tát, được Ý Sanh Thân, tùy ý đi lại không ngăn ngại, đã có thể thành tựu như vậy. Ví như có người ngủ say nói mớ, người ấy tuy không hay biết gì, nhưng lời nói đã thành âm vận, thứ tự khiến những người không ngủ đều hiểu được lời nói ấy. Đây là phạm vi của Tưởng Ấm.

“Nếu động niệm hết, vọng tưởng vật vờ tiêu trừ, thì nơi Tâm Giác Minh như bỏ hết bụi dơ, một dòng sanh tử đầu đuôi soi sáng khắp, gọi là hết Tưởng Ấm. Người ấy mới có thể vượt khỏi Phiền Não Trược, xét lại nguyên do thì gốc rễ là vọng tưởng dung thông.

“Anan, thiện nam tử kia, Thọ Ấm đã hư diệu, không còn mắc các tà lự, Định tròn đầy phát sáng, trong Tam Ma Đề tâm lại ưa thích sự tròn đầy sáng suốt, thúc đẩy tư tưởng thêm tinh nhạy, tham cầu thiện xảo. Bấy giờ Thiên Ma chờ được dịp ấy, cho tinh thần gá vào người khác, miệng nói kinh pháp. Người đó không biết bị Ma gá vào, tự nói đã đắc Vô Thượng Niết Bàn, đến chỗ thiện nam tử cầu thiện xảo kia, trải tòa thuyết pháp. Thân hình người đó giây lát, hoặc làm Tỳ Kheo cho người kia thấy, hoặc làm Đế Thích, hoặc làm phụ nữ, hoặc làm Tỳ Kheo Ni, hoặc nằm trong nhà tối mà thân có hào quang chói sáng. Người tu hành kia mê dại lầm cho là Bồ Tát, tin theo lời dạy, chao đảo cái tâm, phá Luật Nghi Phật, lén làm việc tham dục. Miệng Ma ưa nói sự rủi may, biến đổi, hoặc nói Như Lai ra đời chỗ này chỗ nọ, hoặc nói về Kiếp Hỏa, hoặc nói có đao binh làm người ta sợ hãi, khiến cho nhà cửa, sự nghiệp vô cớ hao tán. Đây gọi là Quái Quỉ, lâu năm thành Ma, khuấy rối người tu hành. Khuấy rối chán rồi, bỏ thân người không gá nữa thì đệ tử cùng thầy đều sa vào lưới pháp luật. Ông nên tỏ biết trước thì khỏi lọt luân hồi, còn mê lầm không biết thì đọa ngục Vô Gián.

“Anan, lại nữa, thiện nam tử kia, Thọ Ấm đã hư diệu, không còn mắc các tà lự, Định tròn đầy phát sáng, trong Tam Ma Đề tâm lại ưa thích đi chơi, cho tư tưởng bay đi, tham cầu trải qua nhiều chốn. Bấy giờ Thiên Ma chờ được dịp ấy, cho tinh thần gá vào người khác, miệng nói kinh pháp. Người ấy không biết bị Ma gá vào, rồi tự nói đã đắc Vô Thượng Niết Bàn, đến chỗ thiện nam tử muốn ngao du kia, trải tòa thuyết pháp. Hình người đó không thay đổi, nhưng những người nghe pháp bỗng tự thấy mình ngồi trên hoa sen báu, toàn thân hóa thành sắc vàng sáng chói. Cả thảy thính chúng, mỗi mỗi đều như vậy, được sự chưa từng có. Người tu hành kia mê dại lầm cho là Bồ Tát, tâm trở nên dâm dật, phá Luật Nghi Phật, lén làm việc tham dục. Miệng Ma ưa nói các Đức Phật ứng hóa ra đời, người ấy, chỗ ấy là Đức Phật ấy. Người kia hóa thân đến đây tức là vị Bồ Tát kia, đến giáo hóa nhân gian. Người tu hành thấy thế, tâm sanh ngưỡng mộ, tà kiến âm thầm nổi lên, Chủng Trí tiêu diệt. Đây gọi là Bạt Quỉ lâu năm thành Ma, khuấy rối người tu hành. Khuấy rối chán rồi bỏ thân người không gá nữa thì đệ tử cùng thầy đều sa vào lưới pháp luật. Ông nên tỏ biết trước thì khỏi lọt luân hồi, còn mê lầm không biết thì đọa địa ngục Vô Gián.

Lại nữa, thiện nam tử kia, Thọ Ấm đã hư diệu, không còn mắc các tà lự, Định tròn đầy phát sáng, trong Tam Ma Đề tâm lại ưa thầm hợp, lặng đứng cái tư tưởng, tham cầu sự khế hợp. Bấy giờ Thiên Ma chờ được dịp ấy, cho tinh thần gá vào người khác, miệng nói kinh pháp. Người đó thật không biết bị ma gá vào, rồi tự nói đã đắc Vô Thượng Niết Bàn, đến chỗ thiện nam tử muốn cầu khế hợp kia, trải tòa thuyết pháp. Hình người đó và những người nghe pháp bề ngoài không có gì thay đổi, nhưng lại khiến cho các thính giả, trước khi nghe pháp, tâm đã tự khai ngộ, niệm niệm dời đổi. Hoặc được Túc Mạng Thông, hoặc được Tha Tâm Thông, hoặc thấy địa ngục, hoặc biết các việc lành dữ trong thế gian, hoặc miệng nói kệ, hoặc tự tụng kinh, mỗi mỗi đều vui vẻ, được sự chưa từng có. Người tu hành mê dại, lầm cho là Bồ Tát, tâm sanh ra mê luyến, phá Luật Nghi Phật, lén làm chuyện tham dục. Miệng Ma thích nói rằng Phật có lớn, nhỏ, Phật X là Phật trước, Phật Y là Phật sau, trong đó cũng có Phật thật Phật giả, Phật trai, Phật gái. Các Bồ Tát cũng thế. Người tu hành thấy vậy, bỏ mất bản tâm, dễ vào tà ngộ. Đây gọi là Mỵ Quỉ lâu năm thành Ma, khuấy rối người tu hành. Khuấy rối chán rồi, bỏ thân người không gá nữa, thì đệ tử cùng thầy đều sa vào lưới pháp luật. Ông nên tỏ biết trước thì khỏi lọt luân hồi, còn mê lầm không biết thì đọa ngục Vô Gián.

“Lại nữa, thiện nam tử kia, Thọ Ấm đã hư diệu, không còn mắc các tà lự, Định tròn đầy phát sáng, trong Tam Ma Đề, tâm lại ưa biết cái cội gốc, nơi sự vật biến hóa, muốn xét rõ cùng tột chung thủy. Thúc cái tâm sáng suốt thêm, tham cầu phân biệt, chia chẻ. Bấy giờ Thiên Ma chờ được dịp ấy, cho tinh thần gá vào người khác, miệng nói kinh pháp. Người đó thật không biết bị Ma gá vào, rồi tự bảo đã đắc Vô Thượng Niết Bàn, đến chỗ thiện nam tử cầu biết cái cội gốc kia, trải tòa thuyết pháp. Người đó có uy thần làm cho những người cầu pháp đều kính phục, khiến cho thính chúng dưới pháp tòa tuy chưa nghe pháp, tự nhiên tâm đã phục rồi. Cả bọn họ đều cho rằng Niết Bàn, Bồ Đề, Pháp Thân của Phật chính là cái xác thịt hiện tiền của ta đây; cha con sanh nhau, đời này sang đời khác, tức là Pháp Thân thường trụ chẳng dứt; đều chỉ hiện tại tức là cõi Phật, không có Tịnh Độ và Tướng Sắc Vàng nào khác. Người tu hành tin nhận, quên mất Tự Tâm, đem thân mạng mà quy y, được sự chưa từng có. Người ấy mê dại, lầm cho là Bồ Tát, tu hành theo tâm ấy, phá Luật Nghi Phật, lén làm chuyện tham dục. Miệng Ma ưa nói rằng mắt, tai, mũi, lưỡi đều là Tịnh Độ; hai căn nam, nữ là chỗ đích thực của Bồ Đề, Niết Bàn! Hạng không biết kia đều tin lời dơ uế đó. Đây gọi là Cổ Độc Quỉ và Áp Thắng Quỉ, lâu năm thành Ma, khuấy rối người tu hành. Khuấy rối chán rồi, bỏ thân người không gá nữa thì đệ tử cùng thầy đều sa vào lưới pháp luật. Ông nên tỏ biết trước thì khỏi lọt luân hồi, còn mê lầm không biết thì đọa ngục Vô Gián.

“Lại nữa, thiện nam tử kia, Thọ Ấm đã hư diệu, không còn mắc các tà lự, Định tròn đầy phát sáng, trong Tam Ma Đề lại ưa biết các việc trước sau, cứu xét cùng khắp, tham cầu được thầm cảm. Bấy giờ, Thiên Ma chờ được dịp ấy, cho tinh thần gá vào người khác, miệng nói kinh pháp. Người đó không biết bị Ma gá vào, rồi cũng tự bảo đã đắc Vô Thượng Niết Bàn, đến chỗ thiện nam tử cầu cảm ứng kia, trải tòa thuyết pháp. Có thể khiến cho thính chúng tạm thấy cái thân như đã trăm ngàn tuổi, tâm sanh ái nhiễm, không thể rời bỏ; đem thân làm nô bộc, cúng dường tứ sự chẳng biết mệt mõi. Lại khiến cho mỗi ai nghe pháp dưới tòa tâm biết đó là vị tiên sư, là vị thiện trí thức của mình, riêng sanh lòng yêu pháp, khắn khít như keo sơn, được sự chưa từng có. Người tu hành mê dại, lầm cho là Bồ Tát, gần gũi tâm Ma, phá Luật Nghi Phật, lén làm chuyện tham dục. Miệng Ma ưa nói ta ở kiếp trước, trong đời X độ người Y, lúc đó là thê thiếp, anh em của ta, nên nay lại đến độ cho nhau, ta sẽ cùng các người theo nhau về thế giới X cúng dường Đức Phật Y. Hoặc nói có cõi trời Đại Quang Minh riêng biệt, Phật trụ nơi ấy, là chỗ nghỉ ngơi của tất cả Chư Phật. Hạng không biết kia tin những lời lừa gạt đó, bỏ mất tự tâm. Đây gọi là giống Lệ Quỉ, lâu năm thành Ma, khuấy phá người tu. Khuấy rối chán rồi, bỏ thân người không gá nữa thì đệ tử cùng thầy đều sa vào lưới pháp luật. Ông nên tỏ biết trước thì khỏi lọt luân hồi, còn mê lầm không biết thì đọa ngục Vô Gián.

“Lại nữa, thiện nam tử kia, Thọ Ấm đã hư diệu, không còn mắc các tà lự, Định tròn đầy phát sáng, trong Tam Ma Đề tâm lại ưa đi sâu vào, cần khổ ép mình, thích chỗ vắng vẻ, tham cầu sự yên lặng. Bấy giờ, Thiên Ma chờ được dịp ấy, cho tinh thần gá vào người khác, miệng nói kinh pháp. Người đó không biết bị Ma gá vào, rồi tự bảo đã đắc Vô Thượng Niết Bàn, đến chỗ thiện nam tử cầu thầm lặng kia, trải tòa thuyết pháp, khiến cho thính chúng mỗi người đều biết nghiệp cũ của mình. Hoặc ở nơi đó, bảo với một người : “Ngươi nay chưa chết đã làm súc sanh”, rồi bảo một người khác đạp cái đuôi đằng sau, thì khiến người đó đứng dậy không được. Cả thảy chúng ấy đều hết lòng khâm phục. Có người móng tâm thì liền biết ý. Ngoài Luật Nghi của Phật ra, nó lại còn gia thêm khắc khổ, chê bai Tỳ Kheo, mắng nhiếc đồ chúng, phơi lộ việc người ta chẳng tránh sự cơ hiềm. Miệng Ma ưa nói những việc họa phúc chưa đến và khi đến thì không sai mảy may. Đây gọi là Đại Lực Quỉ, lâu năm thành Ma, khuấy rối người tu hành. Khuấy rối chán rồi, bỏ thân người không gá nữa, thì đệ tử cùng thầy đều sa vào lưới pháp luật. Ông nên tỏ biết trước thì khỏi lọt luân hồi, còn mê lầm không biết thì đọa ngục Vô Gián.

“Lại nữa, thiệân nam tử kia, Thọ Ấm đã hư diệu, không còn mắc các tà lự, Định tròn đầy phát sáng, trong Tam Ma Đề tâm lại ưa thấy biết, cần khổ xét tìm, tham cầu biết túc mạng. Bấy giờ, Thiên Ma chờ được dịp ấy, cho tinh thần gá vào người khác, miệng nói kinh pháp. Người đó không biết bị Ma gá vào, rồi tự bảo đã đắc Vô Thượng Niết Bàn, đến chỗ thiện nam tử cầu hiểu biết kia, trải tòa thuyết pháp. Người tu hành bỗng nhiên ở chỗ thuyết pháp được hạt châu báu lớn. Hoặc có khi Ma hóa làm súc sanh, miệng ngậm hạt châu cùng những vật kỳ lạ như đồ trân bảo, giản sách, phù độc, đến trao trước cho người tu hành, rồi sau đeo vào mình. Hoặc có khi Ma bảo người nghe pháp có hạt châu minh nguyệt chôn dưới đất chói sáng chỗ đó, làm cho các thính giả được sự chưa từng có. Ma thường ăn cây thuốc chứ không ăn cơm. Hoặc có khi mỗi ngày chỉ ăn một hạt mè, hoặc hạt mạch, do sức Ma giữ gìn, thân hình vẫn béo tốt. Ma lại chê bai Tỳ Kheo, nhiếc mắng đồ chúng, chẳng tránh sự cơ hiềm. Miệng Ma ưa nói kho báu ở phương khác và chỗ ẩn cư của Thánh Hiền thập phương. Những người đi theo sau Ma thường thấy có những người kỳ lạ. Đây gọi là giống Quỉ Thần Rừng Núi, Thổ Địa, Thành Hoàng, Sông Núi lâu năm thành Ma. Hoặc có khi kêu gọi làm điều dâm dục, phá Giới Luật Phật, cùng với kẻ thừa sự lén làm việc Ngũ Dục. Hoặc có khi tinh tấn, ăn toàn cỏ cây. Việc làm không nhất định, cốt để khuấy phá người tu hành. Khuấy rối chán rồi, bỏ thân người không gá nữa thì đệ tử và thầy phần nhiều sa vào lưới pháp luật. Ông nên tỏ biết trước thì khỏi lọt luân hồi, còn mê lầm không biết thì đọa ngục Vô Gián.

“Lại nữa, thiện nam tử kia, Thọ Ấm đã hư diệu, không còn mắc các tà lự, Định tròn đầy phát sáng, trong Tam Ma Đề tâm lại ưa các thứ thần thông biến hóa, nghiên cứu nguồn gốc biến hóa, tham cầu có thần lực. Bấy giờ, Thiên Ma chờ được dịp ấy, cho tinh thần gá vào người khác, miệng nói kinh pháp. Người đó không biết bị Ma gá vào, rồi tự bảo đã đắc Vô Thượng Niết Bàn, đến chỗ thiện nam tử cầu thần thông kia, trải tòa thuyết pháp. Người đó hoặc tay cầm ngọn lửa, nắm chia ngọn lửa trên đầu bốn chúng nghe pháp, ngọn lửa trên đỉnh đầu những người nghe pháp đều dài vài thước mà không nóng, cũng không đốt cháy. Hoặc đi trên nước như đi trên đất bằng, hoặc giữa hư không ngồi yên không động, hoặc vào trong bình, hoặc ở trong đãy, hoặc vượt cửa sổ, hoặc xuyên qua tường không chút ngăn ngại. Chỉ đối với đao binh thì không được tự tại. Người đó tự bảo là Phật, thân mặc bạch y, chịu Tỳ Kheo lễ bái, chê bai luật Thiền, mắng nhiếc đồ chúng, phơi lộ việc người không tránh sự cơ hiềm. Trong miệng thường nói thần thông tự tại, hoặc cho người thấy cõi Phật cạnh bên. Đó là do sức quỉ mê hoặc, không có gì chân thật. Người đó khen ngợi việc hành dâm, không từ bỏ những việc làm thô tục, đem những việc bậy bàn với nhau cho là truyền pháp. Đây gọi là những giống Sơn Tinh, Hải Tinh, Phong Tinh, Hà Tinh, Thổ Tinh và những loài Tinh Mỵ của tất cả cỏ cây đã sống nhiều kiếp có sức lớn trong trời đất. Hoặc là Long Mỵ, hoặc là tiêu hết kiếp sống lại làm Mỵ. Hoặc tiêu đến hồi hết quả báo, kể năm thì phải chết, nhưng hình hài không tiêu mất, nên loài quái khác bám vào. Bọn ấy lâu năm thành Ma, khuấy rối người tu hành. Khuấy rối chán rồi, bỏ thân người không gá nữa, thì đệ tử và thầy phần nhiều sa vào lưới pháp luật. Ông nên tỏ biết trước thì khỏi lọt luân hồi, còn mê lầm không biết thì đọa ngục Vô Gián.

“Lại nữa, thiện nam tử kia, Thọ Ấm đã hư diệu, không còn mắc các tà lự, Định tròn đầy phát sáng, trong Tam Ma Đề tâm lại ưa các thứ thần thông biến hóa, nghiên cứu nguồn gốc biến hóa, tham cầu cái rỗng không sâu nhiệm. Bấy giờ, Thiên Ma chờ được dịp ấy, cho tinh thần gá vào người khác, miệng nói kinh pháp. Người đó không biết bị Ma gá vào, rồi tự bảo đã đắc Vô Thượng Niết Bàn, đến chỗ thiện nam tử cầu rỗng không kia, trải tòa thuyết pháp. Ở trong đại chúng, hình người ấy bỗng hóa thành không, cả chúng không thấy gì, rồi lại từ hư không bỗng hiện ra, khi còn khi mất rất tự tại. Hoặc hiện cái thân rỗng suốt như ngọc lưu ly. Hoặc duỗi tay chân xuống phát mùi hương chiên đàn. Hoặc đại, tiểu tiện như đường phèn cứng ngắc. Người đó chê phá Giới Luật, khinh rẻ bậc xuất gia, trong miệng thường nói không nhân không quả, một lần chết là xong hết vĩnh viễn, không còn có thân sau. Lại nói phàm, Thánh tuy đắc không tịch, vẫn lén làm chuyện tham dục, thọ Dục ấy mà vẫn đắc tâm không, bác không Nhân Quả. Đây gọi là những giống Tinh Khí của Nhật, Nguyệt giao che; vàng, ngọc, chi thảo, lân, phụng, quy, hạc trải ngàn vạn năm không chết trở thành tinh linh, sanh ra trong cõi nước, lâu năm thành Ma, khuấy rối người tu hành. Khuấy chán rồi, bỏ thân người không gá nữa, thì đệ tử và thầy phần nhiều sa vào lưới pháp luật. Ông nên tỏ biết trước thì khỏi lọt luân hồi, còn mê lầm không biết thì đọa ngục Vô Gián.

“Lại nữa, thiện nam tử kia, Thọ Ấm đã hư diệu, không còn mắc các tà lự, Định tròn đầy phát sáng, trong Tam Ma Đề tâm lại ưa sống lâu, cần khổ nghiên cứu tinh vi, tham cầu sống mãi, bỏ cái sống phần đoạn mà trông mong cái tướng vi tế của biến dịch được thường trụ. Bấy giờ, Thiên Ma chờ được dịp ấy, cho tinh thần gá vào người khác, miệng nói kinh pháp. Người đó không biết bị Ma gá vào, rồi tự bảo đã đắc Vô Thượng Niết Bàn, đến chỗ thiện nam tử cầu sống lâu kia, trải tòa thuyết pháp. Người đó ưa nói đi qua phương khác rồi trở về không trở ngại, hoặc trải qua muôn dặm, giây lát trở lại mà đều lấy được đồ vật ở phương kia. Hoặc ở một chỗ hay trong nhà, cách chỉ vài bước bảo người ta đi từ vách phía Đông qua vách phía Tây, nhưng người ta đi mau cả năm không đến. Nhân đó người tu hành tin tưởng, cho là Phật hiện tiền. Miệng Ma thường nói mười phương chúng sanh đều là con ta, ta sanh Chư Phật, ta sanh thế giới. Ta là Phật nguyên thủy, tự nhiên ra đời, chẳng nhờ tu mà đắc. Đây gọi là Thiên Ma trụ thế tự tại, nó khiến bọn quyến thuộc chưa phát tâm như bọn Giá Văn Trà hay đồng tử Tỳ Xá cõi Tứ Thiên Vương thích cái hư minh đến ăn tinh khí người tu hành. Hoặc không nhân ông thầy, người tu hành chính tự mình xem thấy bọn đó đến xưng là thần Chấp Kim Cang ban cho trường thọ. Bọn đó hiện thân gái đẹp, thịnh hành việc dâm dục, làm cho chưa đến một năm, gan óc người tu khô kiệt, miệng lẩm bẩm một mình nghe như yêu mỵ. Người ngoài chưa rõ biết, nên phần nhiều mắc phải lưới pháp luật, và chưa kịp xử hình đã chết khô trước. Thế là bọn Ma khuấy phá người tu hành đến phải ốm chết. Ông nên tỏ biết trước thì chẳng lọt luân hồi, còn mê lầm không biết thì đọa ngục vô gián.

“Anan, phải biết rằng mười thứ Ma đó, trong thời Mạt Pháp, hoặc xuất gia tu hành trong giáo pháp của Ta, hoặc gá thân người, hoặc tự hiện hình, đều nói là đã thành Chánh Biến Tri Giác, khen ngợi dâm dục, phá Luật Nghi Phật. Trước là thầy Ác Ma cùng đệ tử Ma dâm dục truyền nhau, tà ma như vậy mê hoặc lòng dạ, ít thì chín đời, nhiều thì trăm đời, khiến cho người tu hành chân chánh đều làm quyến thuộc của Ma. Sau khi chết đi hẳn làm dân Ma, bỏ mất Chánh Biến Tri, đọa ngục Vô Gián.

“Các ông nay chưa nên vội nhận lấy Niết Bàn tịch diệt trước. Dầu đắc quả Vô Học, cũng phát nguyện vào trong đời Mạt Pháp kia, khởi Tâm Đại Từ Bi mà cứu độ cho chúng sanh tâm địa ngay chánh, lòng tin tha thiết, khiến họ không mắc vào tà ma, được tri kiến chân chánh. Nay Ta đã độ các ông ra khỏi Sống Chết; các ông tuân theo lời Phật, đó gọi là báo Phật Ân.

“Anan, mười thứ cảnh hiện của Thiền Na như vậy đều thuộc về Tưởng Ấm, do dụng tâm giao xen lẫn nhau mà hiện các việc đó. Chúng sanh mê dại, chẳng biết tự xét, gặp nhân duyên ấy, mê chẳng tự biết, cho là lên bực Thánh, thành Đại Vọng Ngữ, đọa ngục Vô Gián. Sau khi Ta diệt độ, các ông hãy đem lời nói này của Như Lai truyền dạy cho đời Mạt Pháp, khiến khắp chúng sanh đều tỏ ngộ nghĩa đó, không để cho Thiên Ma được dịp khuấy phá; giữ gìn che chở cho người tu hành thành Đạo Vô Thượng.

Thông rằng: Thọ Ấm đã hết, Tưởng Ấm chưa trừ, làm sao được thành tựu sáu mươi địa vị Thánh? Ấy là đã nhổ bật năm căn, tâm đã rời khỏi hình hài. Từ phàm thân đó, tiến lên trải nghiệm Bồ Đề: ban đầu dùng ba thứ tăng tiến, kế là dùng năm mươi lăm địa vị chân chánh của Bồ Đề, kết cuộc là, dùng hai cái Đẳng Giác và Diệu Giác, cộng thành sáu mươi Thánh vị. Gọi là Thánh là để phân biệt với phàm vậy.

Chưa thoát khỏi căn trần thì bị căn trần ngăn ngại, như chim ở trong lồng. Căn Trần đã tiêu tan, thì sự sáng suốt theo căn mà phát ra, như chim ra khỏi lồng, được Ý Sanh Thân. Từ Sơ Địa đến Thập Địa, có ba thứ Ý Sanh Thân. Một là, Nhập Tam Muội Lạc Ý Sanh Thân, tức là tâm vắng lặng không động, tương tự với Sơ Tín đến Thất Tín, vào Không Vị. Hai là, Giác Pháp Tự Tánh Ý Sanh Thân, khắp vào Phật Sát, lấy Pháp làm Tự Tánh, tương tự Bát Tín, ra khỏi Giả Vị. Ba là, Câu Sanh Vô Tác Ý Sanh Thân, rõ chỗ chứng pháp của Phật, tức là Cửu Tín, Thập Tín, tu hành Trung Vị vậy. Ý Sanh Thân ở đây là bắt đầu của Nhập Tam Muội Lạc Ý Sanh Thân. Nhưng Tưởng Ấm chưa phá, tức là như cái thấy trong nhà tối nói trước kia, như người ngủ nói mớ, lời nói đã thành âm vận thứ lớp, đó là do vậy mà tiến lên trải nghiệm sáu mươi Thánh vị, quyết định thành tựu, khiến cho những người hết Tưởng Ấm không còn ngủ say đều hiểu lời nói mớ ấy. Đây gọi là phạm vi của Tưởng Ấm.

Nếu cái vọng tưởng vật vờ tiêu trừ, thì như mộng đã tỉnh thức, không còn bị cái tưởng ngăn che, trong bản thể Giác Minh tuyệt không mảy bụi, một dòng sanh tử đầu đuôi vẹn toàn, sáng tỏ. Sanh tử với Niết Bàn không khác tướng, nên gọi là một dòng sanh tử. Sanh ấy là đầu, Diệt ấy là đuôi. Chẳng thấy tướng Sanh, chẳng thấy tướng Diệt, nên nói là “Đầu đuôi soi sáng khắp”. Như cái gương sáng hết bụi, ánh sáng rực rỡ không còn nhiễu loạn, gọi là Tưởng Ấm hết.

Tất cả phiền não, do Tưởng Niệm mà có. Thế nên, Niệm hết Tưởng tiêu, tâm sanh diệt liền diệt, phiền não từ đâu mà khởi, nên có thể vượt khỏi Phiền Não Trược. Nguyên do sanh khởi của tưởng là vọng tưởng dung thông làm gốc. Tưởng hay hòa hợp, biến đổi, khiến tâm theo cảnh, cảnh theo tâm. Bằng cái động niệm hết, tâm cảnh liền đồng đều tiêu mất, nên có thể phá trừ cái vọng tưởng dung thông vậy.

Tham luyến cái thể Hư Minh thì Ma vào trong tâm. Nay chẳng đắm luyến hư minh, tựa hồ có cái nhiệm mầu của sự dung thông, nên nói “Thọ Ấm hư diệu”, không còn mắc các tà lự. Nhưng trong Tam Ma Đề, cái ý dung thông chưa tiêu mất thì Ma bèn nương cái dung thông đó mà mê hoặc. Bởi thế, tâm mà ưa sự tròn đầy sáng suốt, tham cầu thiện xảo thì giống quái quỉ có tập quán tham lam, lâu năm thành Ma gá vào, nói và biến hóa các pháp thiện xảo để mê hoặc.

Tâm ưa ngao du phóng đãng, tham cầu dạo chơi thì giống Bạt Quỉ có tập quán dâm dục, lâu năm thành Ma gá vào, nói và biến hóa những pháp tà kiến để mê hoặc.

Tâm ưa thầm hợp, tham cầu được khế hợp thì giống Mỵ Quỉ có tập quán dối trá lâu năm thành Ma gá vào, nói và khai mở các pháp tha tâm và túc mạng thông để mê hoặc.

Tâm ưa biết cội gốc, tham cầu phân biệt chia chẻ thì giống Cổ Độc Quỉ có tập quán lừa dối lâu năm thành Ma gá vào, nói rằng hiện tiền là Phật để mê hoặc.

Tâm ưa sự cảm ứng huyền nhiệm, tham cầu sự cảm ứng linh nhiệm thì giống Lệ Quỉ có tập quán giận dữ, lâu năm thành Ma gá vào, nói các pháp linh ứng huyền nhiệm độ thoát để mê hoặc.

Tâm ưa sự thâm nhập, thích ở chỗ vắng vẻ thì giống Đại Lực Quỉ có tập quán kiêu mạn lâu năm thành Ma gá vào, nói các pháp nhân quả vị lai để mê hoặc.

Tâm ưa tri kiến, tham cầu túc mạng thì giống quỉ núi rừng, thổ địa, thành hoàng, sông núi có thói quen dòm ngó lâu năm thành Ma, nói các pháp châu báu kỳ dị để mê hoặc.

Tâm ưa thần thông, nghiên cứu nguồn gốc biến hóa thì giống Quỉ nương theo người có thói quen tranh tụng, tất cả loài tinh mỵ của núi sông, cây cỏ đã sống nhiều kiếp và loài tiên đến số chết bị loài quái bám vào, những loài ấy lâu năm thành Ma gá vào, nói các pháp thần thông nắm ánh sáng, đi trên nước, đi qua vách, vào trong hũ... để mê hoặc.

Tâm ưa nhập diệt, tham cầu cái rỗng không sâu nhiệm thì giống hưu trưng có tập quán cong vạy, giống tinh khí của nhật, nguyệt, giống vàng ngọc, chi thảo, giống lân, phụng, quy, hạc không chết thành linh, lâu năm thành Ma, gá vào nói các thứ thuyết không nhân quả, ra vào hư không... để mê hoặc.

Tâm ưa sự sống lâu, tham cầu sống mãi, muốn bỏ cái thân phần đoạn để cầu cái tướng biến dịch vi tế cho là thường trụ, bèn đoạn trừ Kiến Hoặc và Tư Hoặc mà sanh sang cõi Pháp Tánh Thổ. Ma của thế gian không thể mê hoặc được, nên Thiên Ma Trụ Thế Tự Tại ở cõi Trời thứ sáu của Dục Giới sai các quyến thuộc Tỳ Xá, Giá Văn Trà đến khuấy phá người tu. Trong đám Tỳ Xá Giá, nếu đã phát tâm thì hộ trì chánh, còn chưa phát tâm thi ăn tinh khí của người cho đến hiện thân làm gái đẹp khiến cho não, tủy của người khô kiệt, cũng thật ghê gớm vậy. Ấy là Đạo càng cao thì Ma càng thịnh, cho nên sự đề phòng không thể không nghiêm mật.

Phàm thiện xảo viên minh, du lịch cõi Phật, miên mật khế chứng, biện rõ cội nguồn, cảm ứng u huyền, thâm nhập tịch tĩnh, biết suốt túc mạng, thần thông vô ngại, vào Diệt Tận Định, vĩnh kiếp chẳng hoại, đều là việc trong phận sự của người chân tu. Ở những điều đó mà cứu xét tinh tường cũng chẳng có gì là lỗi lầm, nhưng chỉ vì bắt đầu thì ưa, kế đó lại tham cầu, nên tâm có chỗ vướng mắc, có vướng mắc tức là Dục. Bởi thế, Ma nhân cái ưa này thỏa mãn cái tham cầu này mà dẫn dắt bằng sự dâm dục, cho đến nỗi phá Luật Nghi chẳng hề lưu ý. Ma cũng để tâm nghiên cứu Niết Bàn, mà chỉ vì không thể đoạn Dâm, nên lạc vào tà định của quỉ thần mà lấy việc phá hại người tu hành chánh đạo làm việc của mình. Hại người tu chánh đạo để họ về phe đảng của Ma, chẳng muốn chánh đạo thành tựu vì chánh đạo mà thành tựu thì Ý và Tưởng đều diệt, cung điện của loài Ma kia bị đổ vỡ hết, há chẳng trăm mưu ngàn kế để phá ư?

Ngài Anan sau khi chọn lựa pháp viên thông nguyện độ hết thảy chúng sanh đời Mạt Pháp, Ngài suy nghĩ sâu xa rằng đời Mạt Pháp hạng tà sư nói pháp nhiều như cát sông Hằng, nên thừa hỏi cách an lập đạo tràng, lìa các Ma Sự, trong Bồ Đề Tâm được không lui sụt, khuất phục. Đến đây Đức Thế Tôn chỉ rõ về tất cả các Ma Sự, khiến cho những ai đã phát nguyện cứu độ chúng sanh đời Mạt Pháp khởi tâm đại từ bi khiến cho chúng sanh chẳng bị mắc vào tà ma, đắc Chánh Tri Kiến. Đinh ninh dặn kỹ về Giới Dâm, vì sợ rằng cơ Dâm khó đoạn trừ vậy. Như Cô Ma Đăng Già sức yếu, dùng loại thần chú Phạm Thiên cũng chưa có gì là độc đáo mà còn suýt phá Luật Nghi Phật, suýt hủy một Giới, huống gì loại Ma cho tinh thần gá vào người, hiện ra đủ thứ thần biến thì há chẳng dễ bị mê hoặc ư?

Đại khái, Ma chỉ có Ngũ Thông mà thôi, mê hoặc bằng Ngũ Thông, mà cốt yếu là khen ngợi Dâm Dục, tài nghề chỉ có vậy. Nếu phá Tưởng Ấm, chứng Lậu Tận Thông, trong không có gì ứng theo, thì ngoài có thể làm gì được? Như thế, Ma còn không thể nhìn thẳng mặt há dám khuấy rối ư?

Thiền sư Thiên Y Hoài khai thị đại chúng rằng: “Hai ngàn năm trước, Đức Đại Giác Thế Tôn muốn đem các Thánh Chúng lên cõi Trời Thứ Sáu để nói kinh Đại Tập, ra lệnh cho tất cả Quỉ Thần hung ác ở phương kia hay cõi này, dù nơi nhân gian hay trên trời đều đến tụ hội để nhận sự phó chúc của Phật mà ủng hộ Chánh Pháp. Nếu có ai không đến thì bốn vị Thiên Vương cỡi bánh xe sắt lửa bay đi tìm bắt đến nhóm hội. Khi đã tụ hội rồi, không có ai không theo lệnh của Phật, mỗi vị đều phát nguyện rộng lớn ủng hộ Chánh Pháp.

“Chỉ có một vị Ma Vương nói với Thế Tôn: “Ngài Cù Đàm! Tôi đợi tất cả chúng sanh thành Phật hết rồi, cõi giới chúng sanh không còn, không còn cả cái danh từ chúng sanh, tôi mới phát Bồ Đề Tâm”.

“Lâm nguy chẳng đổi, chánh thật đại trượng phu!

“Này các nhân giả! Làm sao nói được một chuyển ngữ cho ông lão Cù Đàm mặt vàng hả hơi? Cái thần thông diệu dụng, trí huệ biện tài hàng ngày đến chỗ này đều xài chẳng được! Người khắp cõi Diêm Phù đại địa chẳng có ai không thích Phật. Đến trong ấy, cái gì là Phật? Cái gì là Ma? Liệu có ai biện ra được không?”

Giây lâu, Ngài nói: “Muốn rõ Ma ư? Mở mắt thấy sáng. Muốn rõ Phật ư? Nhắm mắt thấy tối. Ma với lại Phật, lấy cây trụ trượng xuyên suốt lỗ mũi cùng một lúc!”

Ngài Diệu Hỷ thay thế nói một chuyển ngữ: “Xém nữa gọi lầm ông là Ma Vương!”

Câu này có hai cửa phụ, có người nào chỉ điểm ra được, hứa cho là đủ con mắt của ông tăng tu Thiền!

Hòa Thượng Bí Ma Nham ở Ngũ Đài Sơn thường cầm một cây gậy chảng hai, khi thấy vị tăng nào đến lễ bái liền lấy chảng hai kẹp cổ mà nói: “Con Ma Quỷ nào dạy ông xuất gia? Con Ma Quỷ nào dạy ông hành cước? Nói được thì xỉa chết tươi, nói không được cũng xỉa chết tươi. Nói mau, nói mau!”

Đám học trò ít ai đối đáp được.

Ngài Pháp Nhãn thay thế nói rằng: “Xin tha mạng!”

Ngài Pháp Đăng thay thế nói: “Chỉ cần đưa cổ ra dạy cho!”

Ngài Huyền Giác thay thế nói: “Này ông già, ném cây chảng hai đi được rồi đấy!”

Hòa Thượng Hoắc Sơn Thông đến thăm Hòa Thượng Bí Ma Nham, vừa thấy chẳng lễ bái, liền ném tuốt cây chảng hai vào trong bọc.

Ngài Nham vỗ lưng Ngài Thông ba cái.

Ngài Thông đứng lên, vỗ tay, nói: “Sư huynh ngoài ba ngàn dặm gạt tôi, nhé! Ngoài ba ngàn dặm gạt tôi, nhé!”

Rồi bỏ ra về.

Ở đây, các vị tôn túc hiển lộng thần thông, ngay đó mà khiến Ma nhìn không ra.

Một hôm, Tổ Quy Sơn hỏi Ngài Ngưỡng Sơn: “Kinh Niết Bàn bốn mươi quyển, nhiều ít là Phật nói, nhiều ít là Ma nói”.

Ngài Ngưỡng: “Đều là Ma nói”.

Tổ Quy nói: “Về sau không có người nào chịu ông cho nổi”.

Ngài Ngưỡng: “Huệ Tịch tức là chuyện một lần, đi đứng tại chỗ nào?”

Tổ Quy nói: “Chỉ quý trọng con mắt ngay chánh của ông, chẳng nói sự đi đứng của ông!”

Cho nên nếu có thể có đủ con mắt pháp phân biệt thì không lo gì việc Ma vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567