Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Mục 2: Cột Khăn Để Chỉ Mối Nút Và Cách Mở Nút

23/11/201217:05(Xem: 9452)
Mục 2: Cột Khăn Để Chỉ Mối Nút Và Cách Mở Nút

Tây Tạng Tự - Bình Dương

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG
Người dịch: Thubten Osall Lama - Nhẫn Tế Thiền Sư

 

PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG

CHƯƠNG II: NƯƠNG CHỖ NGỘ MÀ TU

Mục 2: Cột Khăn Để Chỉ Mối Nút Và Cách Mở Nút


I. CỘT NÚT

Kinh: Khi ấy, Ông Anan và cả đại chúng nghe lời dạy từ bi vô thượng của Phật, kệ tụng cốt tủy, diệu lý trong suốt, mắt tâm mở tỏ, tán thán là Pháp chưa từng có.

Ông Anan chấp tay đảnh lễ, bạch Phật: “Nay tôi nghe Phật mở lòng đại bi dạy cho những câu Pháp về tánh chân thật thanh tịnh diệu thường, nhưng tâm còn chưa rõ thứ lớp mở nút của việc “Sáu mở một mất”. Xin Phật rủ lòng đại bi thương xót hội này cùng với đời sau, bố thí cho pháp âm, để rửa sạch những cấu nhiễm nặng nề của chúng tôi”.

Liền khi ấy, Đức Như Lai nơi sư tử tòa, sửa áo Niết Bàn Tăng, vén áo Tăng Già Lê, dựa ghế thất bảo, đưa tay lên ghế, lấy cái khăn hoa do Trời Dạ Ma dâng cúng, rồi ở trước đại chúng, cột thành một nút, đưa cho Ông Anan xem và bảo rằng : “Cái này gọi là gì?”

Ông Anan và đại chúng đều bạch Phật rằng: “Cái ấy gọi là nút”.

Lúc ấy, Như Lai lại cột khăn hoa thành một nút nữa và hỏi Ông Anan: “Cái này gọi là gì?”

Ông Anan và đại chúng lại bạch Phật rằng: “Cái ấy cũng gọi là nút”.

Phật tuần tự cột khăn hoa như vậy, tất cả sáu nút. Mỗi khi cột xong một nút, đều lấy cái nút vừa cột xong trong tay, đưa hỏi Ông Anan : “Cái này gọi là cái gì?” Ông Anan và đại chúng cũng tuần tự đáp lại Phật: “Cái ấy gọi là nút”.

Phật bảo Ông Anan: “Khi Ta mới cột khăn thì ông gọi là nút. Cái khăn hoa này trước đây chỉ có một cái, cớ sao lần thứ hai, lần thứ ba, các ông cũng gọi là nút?”

Ông Anan bạch Phật rằng: “Thưa Thế Tôn, cái khăn hoa thêu dệt quý báu này vốn chỉ một thể. Nhưng theo ý tôi nghĩ, Như Lai cột một lần, thì được gọi là một nút, nếu cột trăm lần, thì rốt phải gọi là trăm nút; huống gì cái khăn này chỉ có sáu nút, chẳng lên đến bảy, cũng không dừng ở năm. Sao Đức Như Lai chỉ cho cái đầu tiên là nút, còn cái thứ hai, thứ ba thì không gọi là nút?”

Phật bảo Ông Anan: “Cái khăn hoa báu này, ông biết nó vốn chỉ có một cái, đến khi Ta cột sáu lần thì ông gọi là có sáu nút. Ông xét kỹ xem, thể của khăn là đồng, nhân vì cột mà có ra khác. Ý ông thế nào? Cột nút đầu tiên thì gọi là nút thứ nhất, như vậy cho đến cột lần thứ sáu thì gọi là nút thứ sáu. Nay Ta muốn gọi nút thứ sáu là nút thứ nhất, được không?”

- Bạch Thế Tôn, không. Cả sáu nút mà còn, thì cái gọi là thứ sáu nhất định không phải là cái thứ nhất. Cho dù tôi có biện giải suốt đời cũng không làm sao cho sáu nút đổi tên được”.

Phật bảo: “Thế đấy, sáu nút không đồng nhau. Xét theo bản nhân thì do một cái khăn tạo ra, nhưng rốt cuộc không thể làm cho sáu nút lẫn lộn với nhau. Sáu Căn của ông cũng là như thế. Trong chỗ rốt ráo đồng nhau, sanh ra rốt ráo khác nhau”.

Phật bảo Ông Anan: “Chắc là ông không muốn thành ra sáu nút, và trông mong chỉ thành một thể, thì phải làm sao?”

Ông Anan thưa: “Nếu còn những nút này thì sự phải trái nổi lên, trong đó tự sanh ra nào là nút này không phải nút kia, nút kia không phải là nút này. Nếu giờ đây, Như Lai cởi bỏ tất cả, thì nút chẳng sanh ra, ắt là không có đây, kia. Như thế còn không có cái gọi là một, thì lấy đâu có sáu?”

Phật dạy: “Sáu mở, một mất cũng như vậy đó. Do từ vô thủy, tâm ông cuồng loạn, mà cái thấy-biết vọng phát ra. Vọng phát chẳng ngừng, nên cái thấy mệt mỏi phát sanh trần tướng. Ví như mắt mỏi thì có hoa đốm. Trong Tánh trong lặng sáng suốt, không đâu mà lăng xăng sanh khởi tất cả thế gian, núi sông, đất đai, sanh tử, Niết Bàn... hết thảy đều là những tướng hoa đốm điên đảo mê dại cả”.

Thông rằng: Vốn y nơi một Tinh Minh mà chia ra thành sáu cái hòa hợp, trước đã nói rõ rồi, sao lại có ví dụ này?

Ở đoạn trước thì do các Trần sáng, tối, động, tĩnh... làm dính che Tánh trong lặng mà phát khởi ra sáu căn, từ ngoài vào trong, cho nên chỉ cần chẳng theo các tướng sáng, tối, động, tĩnh... thì thoát khỏi sự che dính, ẩn phục vào trong, liền phát ra cái sáng chói vốn có, thì được sáu Căn dùng thay nhau. Đó là ngược dòng mà toàn nhất, để chế phục cái bên ngoài vậy.

Nay đây thì do tâm cuồng loạn, cái thấy mệt mỏi phát ra trần tướng, là từ trong ra ngoài. Nên trừ được cái Căn cột buộc thì trần tướng tự diệt mất. Ban đầu đắc Nhân Không, cho đến đắc Vô Sanh Nhẫn. Đây là mở tan tâm bị cột trói, để viên dung cái bên trong vậy. Trong Tánh lặng trong sáng suốt, không do đâu mà sanh khởi lăng xăng. Cái Mê vốn chẳng có nguyên nhân, gốc gác gì; nhân nơi cái Minh lập nên cái Sở. Cái Thấy Biết vọng phát ra này, là nguyên do của sự phát sanh mối nút. Cái trong lặng bỗng xoay ra có hư vọng sanh diệt. Sanh diệt ấy mà đã diệt, đó là tịch diệt hiện tiền. Sáu cái dùng này chẳng hiện hành, đó là nghĩa mở tan vậy.

Còn bị cột, thì nghe chẳng ngoài tiếng; thấy chẳng vượt sắc. Nút này chẳng phải nút kia, nút kia chẳng phải nút này. Như mắt mệt mỏi thấy riêng hoa đốm. Đến khi cởi mở được, thì cái Sáu đã tiêu, cái Một cũng mất. Cái Một còn không có tên gì để gọi, huống là thành sáu sao? Như mắt trong sáng, vốn tự không có hoa đốm. Nên cột đó, thì gọi là sanh tử, mà chẳng hề tổn giảm. Mở đó, gọi là Niết Bàn, mà chẳng hề thêm lên. Như hoa đốm khi không mà khởi, diệt; hư không có chỗ nào thêm bớt? Thế nên, biết sanh tử là điên đảo thì sáu liền được mở. Biết Niết Bàn là hoa đốm, thì cái Một liền tiêu vong. Ngược dòng toàn vẹn Một, cái Một dường chưa mất, đến khi Một cũng mất thì tâm trói buộc liền mở thoát.

Nhà sư hỏi thiền sư Phong Huyệt Chiểu: “Một tức Sáu, Sáu tức Một. Một và Sáu đều mất thì như thế nào?”

Tổ Duyệt nói: “Một mũi tên bắn hai chim”.

Hỏi: “Ý chỉ thế nào?”

Tổ Duyệt nói: “Thân mất, dấu tiêu”.

Ông Tú Tài Trương Chuyết ra mắt Tổ Thạch Sương.

Tổ Sương hỏi: “Tên gì?”

Ông Chuyết đáp: “Họ Trương, tên Chuyết [Vụng về]”.

Tổ Sương nói: “Tìm cái khéo còn chẳng được thay, cái vụng từ đâu mà lại?”

Ông Trương Chuyết ngay dưới lời nói khế ngộ, bèn trình kệ:

“Sáng trưng lặng chiếu khắp hà sa

Phàm Thánh sinh linh chung một nhà

Một niệm chẳng sanh : toàn thể hiện

Sáu căn vừa động bị mây mờ

Đoạn trừ vọng tưởng, càng thêm bệnh

Hướng tới Chân Như, ấy cũng tà

Tùy thuận duyên đời, không chướng ngại

Niết Bàn, sanh tử thảy không hoa”.

(Quang minh tịch chiếu biến hà sa

Phàm thánh hàm linh cọng nhất gia

Nhất niệm bất sanh toàn thể hiện

Lục Căn tài động bị vân già

Đoạn trừ vọng tưởng trùng tăng bệnh

Thú hướng Chân Như diệc thị tà

Tùy thuận thế duyên vô quái ngại

Niết Bàn, sanh tử đẳng không hoa).

Như Ông Chuyết, quả là thâm đắc ý chỉ “Sáu mở Một tiêu”. Nào do thứ lớp mà đến đó sao?

II. CÁCH MỞ NÚT

Kinh: Ông Anan thưa: “Cái bệnh mệt mỏi kia giống như cái nút, làm sao cởi bỏ?”

Đức Như Lai dùng tay cầm cái khăn có cột nút, kéo riêng mối bên trái rồi hỏi Ông Anan: “Như thế này mở được không?”

-Thưa Thế Tôn, không thể.

Đức Thế Tôn lại dùng tay kéo mối bên phải rồi hỏi Ông Anan: “Như thế này mở được không?”

-Thưa Thế Tôn, không thể.

Phật bảo Ông Anan: “Nay Ta lấy tay kéo mối bên phải, bên trái mà rốt cuộc chẳng mở được, vậy ông dùng cách nào mà mở ra?”

Ông Anan thưa với Phật rằng: “Thưa Thế Tôn, phải ở ngay nơi trung tâm của nút, thì mở ra ngay”.

Phật bảo Ông Anan: “Đúng thế, đúng thế! Nếu muốn hết cái nút, thì phải ở ngay nơi tâm của mối nút.

Thông rằng: Các nhà chú giải xưa nói: kéo mối bên trái, bên phải là dụ cho sự nương y vào hai bên không, có, nên không thể mở nút. Nên cần phải ở trong Viên Quán, nơi Căn không sanh phân biệt, nơi Cảnh không sanh bám nắm, thì nút mở ra. Phàm đợi Quán rồi mới mở ra được, thế vẫn chỉ là kéo mối phải, mối trái mà thôi, nơi chỗ tâm của mối nút có ăn nhằm gì? Chẳng như lời lẽ của nhà Thiền rất kín đáo nhiệm mầu vậy.

Tổ Thọ Thánh nói: “Nửa tháng trước dùng móc, nửa tháng sau dùng chùy”.

Nhà sư bèn hỏi: “Hiện ngay đang giữa tháng thì thế nào?”

Tổ Thánh nói: “Trâu đất đạp vỡ trăng trên đầm trong”.

Ngài Thiên Đồng nêu ra : “Hai đầu đều có chỗ dùng, ấy là Thọ Thánh! Liền quên công sức, có ai để đắc? Tha đi ấy: đổi làm khách quý. Nắm đứng lại: Chẳng còn dấu vết. Còn có đắc gì chăng? Đêm khuya ngọc nữ vất bỏ gấm dệt nơi nhà Tây!

Lại Tổ Vân Môn dạy chúng rằng: “Ngày Mười Lăm về trước thì chẳng hỏi, ngày Mười Lăm về sau, thử nói một câu xem?”

Rồi Ngài tự nói: “Ngày nào cũng là ngày tốt”.

Ngài Thiên Đồng nêu ra rằng: “Người tuổi Dần bổn mạng. Người tuổi Thân tương xung!”

Tổ Thạch Môn Thông nói: “Ngày Mười Lăm về trước, Chư Phật sanh. Ngày Mười Lăm trở về sau, Chư Phật diệt. Ngày Mười Lăm về trước Chư Phật sanh, ông không được lìa cái Trong Ấy của ta. Nếu lìa cái Trong Ấy, ta lấy móc móc ông. Ngày Mười Lăm về sau chư Phật diệt, ông không được trụ cái Trong Ấy của ta. Nếu trụ cái Trong Ấy của ta, ta lấy dùi dùi ông. Thử nói hiện nay ngày Mười Lăm, dùng móc là phải hay dùng dùi là phải?”

Rồi tụng rằng:

“Hiện ngay ngày Mười Lăm

Móc dùi đồng thời dứt

Vừa định hỏi thế nào

Quay đầu (mặt) trời lại mọc”.

Tổ Vân Môn thì chẳng thế: “Ngày Mười Lăm về trước, Chư Phật vốn chẳng từng sanh. Ngày Mười Lăm về sau, Chư Phật vốn chưa từng diệt. Ngày Mười Lăm về trước, nếu ông lìa cái Trong Ấy của ta, ta cũng chẳng dùng móc móc ông. Cứ thế vác ngang cây trụ trượng, dẫm nát đôi giày cỏ. Ngày Mười Lăm về sau, nếu ông trụ nơi Trong Ấy của ta, ta cũng chẳng lấy dùi dùi ông. Cứ việc bẻ gãy cây trụ trượng, treo cao đãy bát. Thử hỏi ngay ngày Mười Lăm, phải làm sao?”

Bèn nói: “Trước, sau ngày Mười Lăm. Móc dùi dùng làm gì? Sáng nay ngày Mười Lăm. Đúng lúc dùng dùi, móc! Nhưng dùng làm sao đây?”

Rắn chết giữa đường, đừng đập đánh

Giỏ không đáy ấy, đựng mang về.

Nếu nơi cái tắc này mà được ra manh mối, thì cái tâm buộc trói bấy lâu tức thời mở thoát.

Kinh: “Anan, Ta thuyết Phật Pháp, từ nhân duyên sanh, chẳng phải giữ lấy các tướng hòa hợp thô phù của thế gian. Như Lai phát minh các pháp thế gian và xuất thế gian, đều biết rõ cái Bổn Nhân của chúng, theo duyên gì mà có ra. Như vậy cho đến một giọt mưa ở ngoài hằng sa thế giới cũng biết số mục. Hiện trước mặt đủ thứ: cây tùng thẳng, con hộc trắng, con quạ đen đều rõ nguyên do.

Thông rằng: Phật biết pháp thế gian và xuất thế gian đều do nơi tâm. Tùy theo nhiễm duyên thì có ra chín cõi. Tùy theo tịnh duyên thì có được Phật Giới. Cái nhân duyên này mà hiểu được thì cho đến hằng sa giọt mưa cùng các thứ hiện tiền Nhân gì, Duyên gì đều biết nguyên do. Phật có hai Trí: Quyền Trí và Thật Trí. Thật Trí thì rõ Lý; Quyền trí thì soi chiếu Sự Vật. Thế nên, biết được các thứ nguyên do là do Quyền Trí soi chiếu sự vật vậy. Pháp Thân Như Lai tròn đầy toàn khắp, không có một vật nào ở ngoài Pháp Thân, vậy có gì mà Như Lai không biết ư?

Tổ Động Sơn thượng đường nói: “Bảo sơn tăng này nói gì thì được? Cổ tức kim, kim tức cổ. Vì thế kinh Lăng Nghiêm nói “Cây tùng thẳng, cây gai cong, con hộc trắng, con quạ đen”. Có biết không? Tuy nhiên như thế, chưa chắc là cây tùng cứ một mực thẳng, cây gai một mực cong, con hộc thì cứ trắng, con quạ thì cứ đen. Động Sơn này nói: “Trong ấy cũng có cây tùng cong, cũng có cây gai thẳng, cũng có con hộc đen, cũng có con quạ trắng”. Đứng lâu rồi, trân trọng!”

Hãy nói xem, Động Sơn chuyển Lăng Nghiêm hay bị Lăng Nghiêm chuyển? Rốt cuộc làm sao hiểu lời nói đó?

Kinh: “Thế nên, Anan, tùy nơi tâm ông mà chọn lựa trong sáu Căn. Nếu trừ được cái nút của Căn, thì Trần Tướng tự diệt, các Vọng tiêu mất, còn đợi cái Chân nào nữa?

“Anan, nay Ta lại hỏi ông: Cái khăn hoa này hiện có sáu nút, có thể cũng một lúc mở ra tất cả để trừ hết được không?”

- Thưa Thế Tôn, không. Những nút ấy vốn theo thứ lớp cột lại mà sanh, thì nay cũng phải theo thứ lớp mà mở. Sáu nút ấy tuy là đồng thể, nhưng cột lại không đồng thời, thì khi cởi nút, làm sao cùng một lúc mà trừ hết được ?

Phật dạy : “Cởi trừ sáu Căn cũng như vậy. Căn ấy khi mới mở, thì trước hết được Nhân Không, đến khi Tánh Không tròn sáng thì giải thoát được Pháp Chấp. Giải thoát khỏi Pháp Chấp rồi, thì cả hai Nhân Không và Pháp Không đều chẳng sanh. Đó gọi là Bồ Tát do Tam Ma Địa mà đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn”.

Thông rằng: “Một Căn đã trở lại nguồn, sáu Căn thành giải thoát”, thật rõ ràng như thí dụ này. Mê thì sáu Căn cùng cột nút, ngộ thì sáu Căn dùng thay nhau, có thứ lớp gì đâu? Chỉ vì mê lại càng tích chứa thêm mê, mà có từ tinh tế đến thô phù; ngộ thì càng ngộ, mà từ thô phù đến tinh tế. Chẳng phải là không có thứ lớp, nhưng chẳng phải nhổ thoát một Căn rồi các Căn kia theo thứ tự nhổ thoát theo. Lời Phật viên dung, vốn nào có vướng mắc. Như gọi là nút thứ nhất, thì nút thứ hai, thứ ba cũng đồng là nút mà không thể gọi là nút thứ nhất được. Tên thì khác nhau mà đồng là nút, thì cái thứ nhất là cái thứ sáu, cái thứ sáu là cái thứ nhất.

Người ta sanh ra, từ trong thai cho đến khi đầy đủ hình thể, sáu Căn chẳng phải không có trước sau. Đến khi mười tám giới đã thành, thì Căn có cái viên thông, cái chẳng viên thông. Theo cái viên thông, dư sức chứng Đạo một ngày. Chẳng theo cái viên thông, trăm kiếp tu Đạo chẳng đủ. Ngày và kiếp khác xa nhau, thì sáu Căn có cái nhanh, chậm chẳng đồng. Thế nên, Căn có cái dễ nhổ dứt, có cái khó nhổ dứt.

Khổng Tử nói “Sáu mươi tuổi thì lỗ tai tùy thuận”, đó là nhĩ căn đã chuyển hóa rồi vậy. Lại nói, “Bảy mươi tuổi tùy theo tâm, mà chỗ muốn không ra ngoài khuôn phép”, đó là ý căn đã chuyển hóa rồi, cũng có ít nhiều thứ lớp.

Cái cột nút này chẳng tích chứa trong một ngày, thì cởi mở cũng không phải trong khoảng khắc mà trừ được. Ban đầu, được Nhân Không, cho đến đắc Vô Sanh Nhẫn, tức là thứ lớp Vào dòng mất cái Sở, để ám chỉ Xoay lại cái nghe là Viên Thông Đệ Nhất, chờ Ông Anan tự chọn đó. Nhân Không là phá cái giả danh của năm Ấm, nghĩa là đoạn được Kiến Hoặc vậy. Pháp Không là phá cái thật pháp của năm Ấm, nghĩa là đoạn được Tư Hoặc. Cho đến phá cái pháp trong sạch là Niết Bàn, thì vĩnh viễn đoạn dứt căn bản Vô Minh. Cả hai cái không ấy chẳng sanh, tức là Tánh Không bình đẳng. Cái Sở Không đã dứt thì cái Năng Không cũng diệt, Cảnh và Trí đều tiêu mất, Năng và Sở đều tịch diệt, đó tức là cái Định Thủ Lăng Nghiêm, “Diệu Trạm Tổng Trì Bất Động Tôn” vậy. Thế nên nói là đắc Vô Sanh Nhẫn.

Nhà sư hỏi Tổ Bách Trượng: “Như thế nào là pháp yếu Đốn Ngộ của Đại Thừa?”

Tổ Bá Trượng nói: “Các ông trước dứt hết các duyên, ngừng thôi muôn sự. Thiện cùng chẳng thiện, thế gian cùng xuất thế gian, hết thảy các pháp đều không nhớ nghĩ, đều không dính líu. Buông bỏ thân tâm, bèn được tự tại. Tâm như gỗ đá, không có chỗ biện biệt. Tâm không chỗ động. Tâm Địa nếu Không, mặt trời Trí Huệ tự hiện. Cũng như mây tan thì mặt trời hiện ra vậy. Chỉ hết tất cả bám níu, Tham, Sân, Yêu, Giữ, thì các Vọng Tình sạch dơ đều dứt, trước năm Dục, Bát Phong chẳng động, chẳng bị Thấy, Nghe, Hay, Biết buộc ràng, thế là tự nhiên đầy đủ thần thông diệu dụng, đó là người Giải Thoát. Trước hết thảy cảnh, tâm không tịnh hay loạn, chẳng thu nhiếp, chẳng tán loạn, suốt qua tất cả thanh sắc, không có chỗ vướng ngăn, gọi là Đạo Nhơn. Thiện ác, phải trái đều chẳng vận dụng. Chẳng lấy mà cũng chẳng bỏ tất cả pháp, gọi là người Đại Thừa. Chẳng bị tất cả thiện ác, có không, dơ sạch, hữu vi vô vi, thế và xuất thế, phước đức trí huệ buộc ràng, thế gọi là Phật Huệ. Phải trái, tốt xấu, điều đúng điều sai, hết thảy thức tình thấy biết dứt sạch, không gì trói buộc được, chốn chốn đều tự tại an nhiên, gọi là Bồ Tát Sơ Phát Tâm, tiện bề chứng Phật Địa”.

Tổ Bách Trượng lời lẽ nói ra thầm hợp với ý chỉ của kinh. Chẳng phải là người đại giải thoát làm sao có được lời giải thoát này?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567