Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

B. Ngài Nguyên Không (Pháp Nhiên) và Tư Tưởng Tịnh Độ

17/07/201200:58(Xem: 13246)
B. Ngài Nguyên Không (Pháp Nhiên) và Tư Tưởng Tịnh Độ
TƯ TƯỞNG TỊNH ĐỘ TÔNG

HT Thích Như Điển biên soạn

IV. TỊNH ĐỘ TÔNG CỦA NHẬT BẢN

B.- Ngài Nguyên Không (Pháp Nhiên) và Tư Tưởng Tịnh Độ

Những người tu theo pháp môn niệm Phật, cầu sau khi lâm chung được vãng sanh Cực Lạc quốc; nên có nhiều vị Sư Trung Hoa chủ trương rằng:

Tín Phật

Niệm Phật

Có khả năng thành Phật

Đây là một mệnh đề giống như Tam Đoạn luận của Triết gia Socrates:

Tất cả mọi người đều phải chết

Tôi là người

Vậy tôi phải chết.

Tin Phật là điều kiện đầu tiên và cốt yếu nhất. Tin Phật cũng có nghĩa là tin vào tự lực của mình tin vào Phật; chứ không phải tin vào một ai khác. Kẻ nào đó ở bên ngoài mình, thì không phải là mình.

Khi tin xong chưa đủ. Vì niềm tin ấy bị đóng băng tại đó. Ta phải phát khởi niềm tin ấy bằng cách phải ngày đêm niệm Phật. Sở dĩ ta niệm Phật vì ta nhớ đến ân đức của Đức Phật A Di Đà mà ta niệm. Ngài, từ một thuở quá khứ xa xôi, đã vì chúng sanh mà phát ra 48 lời nguyện để tạo thành quốc độ thanh tịnh của Ngài và nơi ấy chính là chốn an lạc, tự tại để cho chúng sanh nương về.

Nếu dụng công một cách miên mật như vậy thì điều chắc chắn có thể xảy ra là sự thành Phật. Thành Phật chỉ là kết quả của sự dụng công miên mật của một hành giả tu theo pháp môn Tịnh Độ vậy.

Pháp môn nầy được truyền khắp Á Châu từ thời kỳ Chánh Pháp, đến thời kỳ Tượng Pháp và qua thời kỳ đầu của thời kỳ Mạt Pháp. Vào thế kỷ thứ 10 thứ 11 là một động cơ rất lớn và có lý do vững chắc để chư vị Tổ Sư lập ra Tông Phái của mình để chuyên tu. Ví dụ như ở Nhật Bản là trường hợp điển hình nhất.

“Ngài Nguyên Không (1133-1212) còn gọi là Pháp Nhiên Thượng Nhân, Hắc Cốc Thượng Nhân.

Ngài là vị Cao Tăng Nhật Bản và là Tổ thứ hai Tịnh Độ Tông Nhật Bản, người huyện Cương Sơn.

Năm lên 9 tuổi Sư xuất gia, 15 tuổi lên núi Tỷ Duệ thờ Ngài Hoàng Viên và Duệ Không làm Thầy. Sư học tập giáo nghĩa Thiên Thai và đọc nhiều kinh điển; Sư xem tất cả các kinh tới 5 lần mà vẫn chưa thấy được con đường xuất ly, sau nhờ đọc được bộ Quán Kinh sớ của Đại Sư Thiện Đạo mà khai ngộ. Sư bèn dựa vào tác phẩm “Vãng Sanh yếu tập” của Ngài Nguyên Tín mà sáng lập ra Tông Tịnh Độ, chuyên tu pháp môn niệm Phật tại Cát Thủy thuộc Đông Sơn. Trên từ triều đình, công khanh, dưới đến các tầng lớp vũ sĩ, thứ dân… đều quy y Sư. Nơi đạo tràng, tiếng xưng danh Niệm Phật của Tăng tục không dứt; nhưng bị giáo đồ của phái bảo thủ gièm pha. Sau vì việc 2 cung nữ của Thượng Hoàng Hậu Điểu Vũ tên là Trùng Tùng và Linh Trùng xuất gia tu hành ở đạo tràng Niệm Phật tại Lộc Cốc, đã dẫn đến việc tố cáo của Nam Đô Bắc Lãnh; nên cuối cùng đạo tràng niệm Phật của Sư bị đình chỉ, 2 vị Tăng bị xử trảm, còn Sư lúc đó đã 75 tuổi thì bị lưu đày đến Tam Kỳ. Cùng năm ấy Sư được cho phép vào ở chùa Thắng Vĩ tại Nhiếp Tân (Phủ Đại Phản) tạm trú 4 năm. Ở đây Sư tiếp tục hoằng dương Tịnh Độ, giáo hóa Tăng tục. Đến niên hiệu Kiến Lịch năm đầu (1211) Sư mới được phóng thích trở về Kinh Đô (Kyoto).

Năm sau, Sư tịch ở Đại Cốc, Đông Sơn, thọ 80 tuổi.

Sư để lại các tác phẩm: Tuyển trạch bổn nguyện niệm Phật tập; Hắc Cốc Thượng Nhân ngũ đăng lục, được thu vào Pháp Nhiên Thượng Nhân toàn tập”. (Trích Phật Quang Đại Từ Điển trang 3530).

(Xem Pháp Nhiên Thượng Nhân truyện ký; Bản triều Tổ Sư truyện ký hội tù; Nguyên Hanh thính thư quyển 5).

Ở đây có nhiều sự kiện tiêu biểu để được trình bày.

Sự kiện thứ nhất là sự truyền thừa của Tịnh Độ Tông tại Nhật Bản.

Theo Tịnh Độ Chơn Tông của Nhật Bản thì Ngài Thân Loan, đệ tử của Ngài Pháp Nhiên, lập Thầy mình làm Sơ Tổ của Tông nầy; nhưng theo lịch sử truyền thừa như chúng ta thấy, Ngài Pháp Nhiên không phải tự nhiên mà hiểu được Tịnh Độ; nếu không có quyển “Vãng Sanh Yếu Tập” của Ngài Nguyên Tín. Tuy Ngài Nguyên Tín sống cách xa Ngài Pháp Nhiên cả 200 năm về trước; nhưng qua dữ liệu nầy các sử gia cho rằng Ngài Nguyên Tín làm Sơ Tổ của Tịnh Độ Tông và Ngài Pháp Nhiên Đệ Nhị Tổ và Ngài Thân Loan Đệ Tam Tổ. Thế nhưng ngày nay ở Nhật, Tịnh Độ Tông hay Tịnh Độ Chơn Tông khi được nhắc đến, người ta chỉ còn biết đến Ngài Pháp Nhiên với Ngài Thân Loan chứ không biết đến Ngài Nguyên Tín nữa; nhiều khi Ngài Thân Loan là đệ tử của Ngài Pháp Nhiên; nhưng vì chủ trương mới hơn Thầy mình; nên nhiều khi tư tưởng và sự ảnh hưởng còn nhiều hơn Thầy mình nữa.

Như phần sử liệu truyền thừa của Trung Quốc bên trên, chúng ta thấy Ngài An Thế Cao mới là người đầu tiên mang Thiền học vào Trung Quốc vào năm 148; nhưng Trung Quốc vẫn không lập Ngài làm Sơ Tổ của Thiền Tông Trung Hoa, mà mãi cho đến năm 520 khi Ngài Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ qua Trung Quốc, Ngài mới chính thức được người đời sau xưng là vị Sơ Tổ của Thiền. Có lẽ vì có sự truyền thừa liên tục. Còn Ngài An Thế Cao chỉ là người giới thiệu Thiền Học vào Trung Quốc thuở ấy mà thôi.

Sự kiện thứ hai là sắc đẹp và đường tà; tiếng tăm và lợi dưỡng.

Khi hai cung nữ Tùng Trùng và Linh Trùng của Thượng Hoàng Hậu Điểu Vũ bỏ chốn hoàng cung để theo Ngài xuất gia tu học. Vì thuở ấy danh tiếng Ngài Pháp Nhiên đã lẫy lừng, khiến nhiều người trên từ triều đình, công khanh, dưới đến bàng dân thiên hạ ai ai cũng quy kính, tin theo. Do vậy những phái Phật Giáo khác ở Nam Đô Bắc Lãnh không thích thấy cảnh nầy; nên đã dùng nữ sắc ấy để tố cáo Ngài Pháp Nhiên cũng như Đệ tử của Ngài. Có lẽ vì vậy mà sau khi Ngài và Ngài Thân Loan ở tù về, ở tuổi gần 80 rồi; Ngài thấy Phật Pháp khó bền lâu; cho nên Ngài đã cho phép và đốc thúc Ngài Thân Loan chính thức lập gia đình. Có thể đây là một lý do thầm kín bên trong chăng?

Sự kiện thứ ba là tư tưởng của Ngài Pháp Nhiên qua “Một tờ văn khởi thảo”. Đây là những lời nói cuối cùng của Thượng Nhơn trước khi viên tịch. Ngài khuyên mọi người chỉ nhất tâm niệm Phật chứ không còn gì khác nữa và trên một tờ giấy quan trọng nầy, Ngài đã lăn dấu tay của Ngài vào đó để làm chứng tích. Năm ấy là năm Kiến Lịch thứ 2 (1212) lúc đó Ngài thọ thế 80 tuổi.

Năm nay và sang năm (2011-2012) tại Nhật Bản kỷ niệm 800 năm vị Sơ Tổ của Tịnh Độ Tông viên tịch và 750 Ngài Thân Loan. Đây là sự kiện rất trọng đại của phái Tịnh Độ Chơn Tông nầy. Ở Nhật đa phần các chùa thờ Tổ khai sơn, khai Tông lớn hơn là thờ Phật. Vì họ nghĩ rằng: Phật ra đời tại Ấn Độ từ xa xôi rồi. Chỉ có các vị Tổ mới là những người truyền thừa tâm phúc cũng như lời dạy của Phật. Cho nên Tổ quan trọng hơn Phật. Đây có lẽ chỉ là quan niệm của người Nhật; chứ không nhất thiết là của tất cả các Phật Tử ở các quốc gia khác”.

“Tuyển trạch bổn nguyện niệm Phật tập gọi tắt là Tuyển trạch tập.

Tác phẩm nầy gồm một quyển, do Ngài Nguyên Không người Nhật Bản biên soạn, được thu vào Đại Chánh tạng tập 83. Sách nầy được soạn vào năm Kiến Cửu thứ 9 (1198) bằng Hán văn theo lời thỉnh cầu của Cư sĩ Quan Bạch Cửu Điều Kim Thực.

Nội dung sách nầy chia làm 16 chương, nói rõ ý chỉ nghiệp nhân vãng sanh, lấy niệm Phật làm gốc; đồng thời, trong mỗi chương đều có trích dẫn văn để giải thích. Nhưng việc chuyên tu niệm Phật được trình bày trong sách bị chê bai, cho nên sau khi Ngài Nguyên Không qua đời, sách nầy mới được ấn hành. Ngài Cao Biện có soạn Tồi tà luận - Cuốn sách vấn nạn nổi tiếng - để bác bỏ tác phẩm nầy, mặc dầu vậy nhưng nó vẫn là tông điển căn bản của Tịnh Độ Chân Tông ở Nhật Bản, cho nên có nhiều loại bản in”. (Trích Phật Quang Đại Từ Điển trang 6579).

Nội dung của tác phẩm “Tuyển trạch bổn nguyện niệm Phật tập” nầy nói về lời nguyện thứ 18 của Đức Phật A Di Đà. Theo Ngài Pháp Nhiên thì cho rằng do tự lực niệm Phật mà được vãng sanh về Tịnh Độ; trong khi đó Ngài Thân Loan, đệ tử của Ngài Pháp Nhiên thì cho rằng: Việc niệm Phật được vãng sanh là do bản nguyện lực của Đức Phật A Di Đà; đó là tha lực chứ không thể là tự lực vãng sanh. Đây có thể là điểm chính yếu có sự sai khác giữa Thầy và trò. Do vậy sau khi Ngài Pháp Nhiên qua đời, sách nầy mới được ấn hành là vậy.

Tiếp đến là tác phẩm “Hắc Cốc Thượng Nhân Đăng Ngữ Lục”. Đây cũng là tư tưởng về Tịnh Độ của Ngài Pháp Nhiên gồm 18 quyển, do Sư Liễu Huệ Đạo Quang, người Nhật soạn.

“Sau khi Ngài Pháp Nhiên, Tổ khai sáng của Tông Tịnh Độ Nhật Bản, thị tịch được 62 năm, vào năm Văn Vĩnh 11 (1274), do trong môn phái phát sinh các kiến giải khác nhau; nên Sư Liễu Huệ Đạo Quang mới căn cứ theo các bài giảng và lời khai thị của Ngài Hắc Cốc Thượng Nhân (Pháp Nhiên) mà soạn thành sách nầy để chỉnh đốn lại môn phong.

Toàn bộ sách gồm Ngữ Đăng Lục 15 quyển và Thập Di 3 quyển; trong đó, chia làm 2 phần: chữ Hán và chữ Nhật.

- Phần chữ Hán gồm Hán ngữ đăng lục (17 chương) và Thập Di quyển thượng (3 chương).

- Phần chữ Nhật gồm Hòa ngữ đăng lục 5 quyển (24 chương) và Thập Di quyển trung, hạ (8 chương).

Phần chữ Nhật được khắc in vào niên hiệu Nguyên Hanh năm đầu (1321) là bản in Tịnh Độ giáo sớm nhất trong các bản khắc chữ Nhật, do đó rất nổi tiếng”. (Trích Phật Quang Đại Từ Điển trang 2079).

Thông thường sau khi Thầy mình tịch rồi thì đệ tử mỗi người mỗi ý hướng khác nhau. Đó là chưa kể những sự kiện đau lòng, vì Ngài Pháp Nhiên mới ở tù về cùng các đệ tử khác, trong đó có Ngài Thân Loan. Ngoài ra có 2 vị đệ tử còn bị xử trảm nữa. Quả là những sự kiện quá đau lòng.

Ngay như thời Phật còn tại thế, với uy đức của Ngài, Ngài đã quy tụ hằng trăm, hằng ngàn, hằng vạn, hằng trăm vạn người; trên từ Vua quan, dưới đến thứ dân; nhưng sau khi Ngài viên tịch có những vị Tỳ Kheo trẻ vui mừng. Vì không còn Phật; nên không cần phải giữ gìn những oai nghi, tế hạnh nữa. Khi Ngài Ca Diếp nghe được như vậy mới suy nghĩ phải có kỳ kết tập kinh điển gấp rút sau 100 ngày, do Vua A Xà Thế bảo trợ cho 500 vị A La Hán trùng tuyên lại những lời dạy của Đức Phật gồm cả 3 tạng: Kinh, Luật, Luận. Còn ở đây, Ngài Pháp Nhiên sau khi viên tịch không những chỉ có những sự kiện đau lòng đã xảy ra bên trên mà còn những sự kiện tiếp theo của Ngài Thân Loan lúc bấy giờ nữa. Nào là Ngài tự xưng là “Ngu ngốc Thân Loan” và lại có vợ, cả 5 người con nữa. Đây có lẽ là những sự lủng củng nội bộ cần phải chấn chỉnh. Do “Hắc Cốc Thượng Nhân Đăng Ngữ Lục” lúc bấy giờ là một chiếc phao duy nhất để duy trì Tông môn, nhất là với những ai còn muốn sống đời tịnh hạnh như Thầy của mình để thực hành pháp môn Tịnh Độ.

Tại Nhật Bản, sau khi Ngài Pháp Nhiên viên tịch (1212) thì Tông phái Tịnh Độ nầy đã được hướng dẫn bởi Ngài Thân Loan. Ngài Thân Loan đã dựa vào Thầy mình để lập ra một phái mới gọi là: Tịnh Độ Chơn Tông. Đây là một phái cải cách có từ thế kỷ thứ 13 tại Nhật; trong khi các nước Á Châu ở gần đó, cho đến thế kỷ thứ 20 vẫn chưa biết gì nhiều. Do vậy phần tiểu sử cũng như hành trạng và tư tưởng của Ngài Thân Loan chúng ta sẽ có cơ hội khảo sát rõ ràng hơn ở phần sau.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]