Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đoạn 1

05/07/201209:19(Xem: 7443)
Đoạn 1

TRUYỀN TÂM PHÁP YẾU GIẢNG GIẢI

HT Thích Thanh Từ

ĐOẠN 1

TỰA

CHÁNH VĂN:

Có vị Đại Thiền sư pháp hiệu Hy Vận ở dưới ngọn Thứu Phong, núi Hoàng Bá huyện Cao An, Hồng Châu. Ngài là đích tôn của Tào Khê Lục Tổ, là pháp điệt (con cháu) của Bách Trượng, Tây Đường. Ngài riêng mang ấn tối thượng thừa, rời văn tự, chỉ truyền dạy một tâm, không có pháp gì khác, tâm thể cũng không, muôn duyên đều lặng, như mặt trời lên trên hư không sáng suốt chiếu soi không có một mảy bụi.

GIẢNG:

Bài tựa này do ông Bùi Hưu viết. Ông là vị cư sĩ đắc pháp nơi Thiền sư Hoàng Bá, nên rất mực qui ngưỡng Sư. Thiền sư Hy Vận ở núi Hoàng Bá, chúng ta gọi Ngài là Hoàng Bá tức gọi theo tên núi, vì quí kính Ngài nên gọi tránh như thế. Ngài là đích tôn của Tào Khê Lục Tổ tức cháu lớn của Lục Tổ. Dưới Lục Tổ có Nam Nhạc Hoài Nhượng, dưới Nam Nhạc Hoài Nhượng có Mã Tổ Đạo Nhất, dưới Mã Tổ Đạo Nhất có Bách Trượng Hoài Hải, Ngài là đệ tử của Tổ Bách Trượng. Như vậy Ngài là cháu đời thứ tư của Lục Tổ, nên gọi là đích tôn, là pháp điệt của Bách Trượng, Tây Đường, tức cháu của Thiền sư Tây Đường Trí Tạng.

Ngài riêng mang ấn tối thượng thừa, rời văn tự, chỉ truyền dạy một tâm, không có pháp gì khác.Chỗ này nói đến lý rời văn tự. Duyên do vì ông Bùi Hưu tới chùa Khai Nguyên, gặp Ngài đang ẩn nghỉ nơi đây. Tướng quốc Bùi Hưu bấy giờ là một vị đại quan đời Đường, nên thầy Trụ trì đón tiếp rất đàng hoàng. Bùi Hưu tới nhà Tổ thấy hình các vị Cao tăng vẽ trên vách, ông hỏi thầy Trụ trì:

- Hình Cao tăng ở đây, mà Cao tăng ở đâu?

Thầy Trụ trì không có câu trả lời. Bùi Hưu hỏi tiếp:

- Trong đây có Thiền sư không?

- Mới có người tới, dáng vẻ giống như Thiền sư.

Bùi Hưu bảo:

- Xin Thầy mời vị đó ra cho.

Thầy Trụ trì mời ngài Hoàng Bá ra. Thấy Ngài, Bùi Hưu thưa:

- Khi nãy tôi có một câu hỏi Hòa thượng Trụ trì, nhưng Ngài tiếc lời không đáp, giờ xin hỏi Thiền sư: “Hình Cao tăng ở đây mà Cao tăng ở đâu?”

Ngài Hoàng Bá gọi:

- Bùi Hưu!

Bùi Hưu ứng thinh:

- Dạ.

Ngài Hoàng Bá hỏi:

- Ở đâu?

Ngay đây, Bùi Hưu biết chỗ ở của Cao tăng.

Ở đây nói “rời văn tự”, vì câu đáp trên của ngài Hoàng Bá không có trong kinh văn nào cả. Chúng ta ngày nay phần nhiều giải thích, rồi dẫn kinh làm chứng. Còn Ngài kêu “Bùi Hưu”, cư sĩ ứng thinh “dạ”, Ngài hỏi “ở đâu” liền xong. Có kinh nào dạy câu đó không? Không. Cho nên nói “giáo ngoại biệt truyền” là nghĩa này vậy. Nói rời văn tự, chỉ truyền dạy một tâm, tức không có văn tự mà chỉ thẳng tâm, chớ không có gì khác. Giai thoại này cho chúng ta thấy rõ thêm tướng quốc Bùi Hưu và Tổ Hoàng Bá có liên hệ với nhau như thế.

CHÁNH VĂN:

Người chứng đó, không mới cũ, không sâu cạn. Người nói đó, không lập nghĩa giải, không lập tông chủ, không mở cửa nẻo, thẳng đó là phải, động niệm liền trái, nhiên hậu mới là bổn Phật. Cho nên lời nói kia rất gọn, lý ấy chỉ thẳng, đạo cao vót, hạnh này riêng biệt.

GIẢNG:

Người chứng đó, không mới cũ, không sâu cạn.Sao không mới cũ, không sâu cạn? Bởi vì tâm thể không hai, nó vốn có sẵn, không phải cũ cũng không phải mới, không sâu cũng không cạn. Biết được tâm thể thì tâm thể là vậy thôi.

Người nói đó, không lập nghĩa giải, không lập tông chủ, không mở cửa nẻo, thẳng đó là phải, động niệm liền trái, nhiên hậu mới là bổn Phật.Như trường hợp ngài Hoàng Bá chỉ cho Bùi Hưu Cao tăng ở đâu, là chỉ bằng tông chỉ nào? Ngài gọi một tiếng, Bùi Hưu liền dạ, Ngài hỏi ở đâu là rồi. Cho nên nói không lập tông chủ, không mở cửa nẻo, thẳng đó là phải, ngay nơi chỗ vừa thốt lên, dạ đó là phải. Động niệm liền trái, dấy niệm là trật rồi, nhiên hậu mới là bổn Phật, thấy được như vậy mới là ông Phật gốc của mình.

Cho nên lời nói kia rất gọn, lý ấy chỉ thẳng, đạo cao vót, hạnh này riêng biệt,vì vậy lời nói quá gọn, lý thì chỉ thẳng, đạo lại cao vót, hạnh chẳng riêng biệt.

CHÁNH VĂN:

Học giả bốn phương trông núi này đua nhau đến, nhìn thấy tướng là ngộ, hải chúng tới lui thường hơn ngàn người.

GIẢNG:

Dưới hội ngài Hoàng Bá chúng hơn một ngàn. Đó là nói đạo đức và lối chỉ dạy của ngài Hoàng Bá cảm hóa được rất nhiều người.

CHÁNH VĂN:

Hội Xương năm thứ 2 (842 TL), tôi trấn nhậm Chung Lăng (Hồng Châu) đích thân lên núi rước Ngài đến bổn châu, nghỉ ở chùa Long Hưng, sớm chiều hỏi đạo. Đại Trung năm thứ 2 (848 TL), tôi đổi đến Uyển Lăng (Tuyên Châu) cũng đi lễ thỉnh Ngài đến sở bộ an cư ở chùa Khai Nguyên. Tôi sớm chiều đến thọ pháp, trở về ghi lại mười phần được một hai, đeo làm tâm ấn không dám bày ra. Nay sợ e tinh nghĩa nhập thần đời sau không được nghe, bèn trao nó cho môn hạ tăng Đại Châu, Pháp Kiến trở về núi xưa chùa Quảng Đường, hỏi Trưởng lão pháp chúng những ngày trước gần gũi được nghe, đồng khác thế nào.

GIẢNG:

Tướng quốc Bùi Hưu thỉnh ngài Hoàng Bá đến Uyển Lăng, rồi về chùa Khai Nguyên v.v… tức những nơi Ngài trực tiếp giảng dạy cho ông. Ông nghe nhận và ghi chép, cho đó là tinh nghĩa nhập thần của ông, nhưng sợ cái nghe của mình không được trọn vẹn, không sáng sủa, nên đưa cho đệ tử của Tổ Hoàng Bá coi lại, tức các Trưởng lão trong Pháp chúng, so sánh với những lời của các vị này được nghe, có đồng với lời của ông đã nghe hay không. Các vị Trưởng lão thấy lời ông ghi chép rất hay, rất đúng nên đưa vào phần Ngữ lục, gọi là “Pháp yếu truyền tâm Thiền sư Đoạn Tế Hoàng Bá”. Như vậy quyển luận Truyền Tâm Pháp Yếu này ra đời là do ông Bùi Hưu ghi chép lời dạy của Tổ Hoàng Bá.

CHÁNH VĂN:

PHÁP YẾU TRUYỀN TÂM

THIỀN SƯ ĐOẠN TẾ Ở NÚI HOÀNG BÁ

Sư bảo Hưu rằng:

Chư Phật cùng tất cả chúng sanh chỉ là một tâm, không có pháp riêng. Tâm này từ vô thủy tới nay không từng sanh không từng diệt, không xanh không vàng, không hình không tướng, không thuộc có không, không kể mới cũ, chẳng dài chẳng ngắn, chẳng lớn chẳng nhỏ, vượt qua tất cả hạn lượng danh ngôn dấu vết đối đãi, chính thẳng đó là phải, động niệm liền trái.

GIẢNG:

Chư Phật cùng tất cả chúng sanh chỉ là một tâm,phải hiểu chữ một tâm này cho rõ, đừng bị lầm. Phật với chúng sanh chỉ có một tâm, nếu Phật giác ngộ lẽ ra chúng sanh cũng giác ngộ, nhưng tại sao Phật giác ngộ mà chúng ta lại không giác ngộ? Nếu một tâm thì tất cả chư Phật không hai, tại sao lại có Phật Di-đà, Phật Ca-diếp, Phật Thích-ca, vô số Phật như vậy? Chỗ này người ta dễ lầm, như Bà-la-môn giáo cho rằng chỉ có một Phạm thiên, khi tu đại ngã của họ thể nhập vào đại ngã Phạm thiên, thế là xong. Như vậy chỉ có một đại ngã, bao nhiêu người tu đều nhập về đó hết. Nếu Phật nói một tánh giác chung thì Ngài thành Phật chúng ta cũng được ảnh hưởng, sao Phật thành Phật lâu quá mà mình còn ngồi đây? Đó là một lý.

Lý thứ hai, nếu là một thì chỉ có một vị Phật, như Bà-la-môn giáo chỉ có một Đại Phạm thiên gọi là đại ngã, sao chúng ta lại có vô số Phật, vậy vị Phật nào là chủ? Chỗ này kinh Viên Giác dùng thí dụ thật hay. Nói rằng trong một ngôi nhà tối có đốt một trăm ngọn đèn riêng khác, nhưng ánh sáng của một trăm ngọn đèn đó hòa nhập vào nhau chỉ có một, không sai khác. Như vậy ngọn đèn tuy khác nhưng ánh sáng thì đồng. Cho nên chữ một là nói về ánh sáng chớ không phải nói về ngọn đèn. Một mà không phải một, mới có vô số chư Phật. Mỗi vị giáo hóa mỗi nơi, giống như các ngọn đèn để ở những vị trí khác nhau, nhưng tánh chất của ánh sáng vẫn đồng.

Bây giờ chúng ta có thể hiểu hằng hà sa số chúng sanh là hằng hà sa số chư Phật. Quí vị có dám nhận mình là Phật không? Nếu bây giờ nhận mình là Phật thì bị tội tăng thượng mạn, nhưng nghĩ mình không có Phật tánh thì tu tiến không? Không. Chúng ta ai cũng có tánh Phật nhưng chưa phải Phật quả. Phật tánh không rời mình, nhưng ta còn mê, còn quên nên làm chúng sanh. Như người có hòn ngọc quí mà quên, cất đâu không biết thì người đó giàu hay nghèo? Có ngọc quí nhưng không biết để đâu thì giàu cũng thành nghèo. Chừng nào lấy được hòn ngọc quí ra dùng mới giàu. Chúng ta cũng vậy, có tánh giác là có Phật nhưng bây giờ quên, không biết Phật ở đâu, cứ thấy toàn là chúng sanh. Chừng nào chúng ta thấy ông Phật của mình một cách cụ thể, rõ ràng chừng đó mới biết mình vốn là Phật mà xưa nay quên. Như vậy tâm thể chúng ta có tánh Phật đồng với tánh Phật của chư Phật, nên nói là một.

Tâm này từ vô thủy tới nay không từng sanh, không từng diệt, không xanh không vàng, không hình không tướng v.v… Tâm thể này từ thuở nào tới giờ, không sanh không diệt, không màu sắc không hình tướng. Chỗ này nói suông thì quí vị rất khó hiểu, vì sao tâm lạ vậy? Ở đây có hai trường hợp để chúng ta nhận biết được tâm.

Trường hợp thứ nhất rất bình thường giản dị, chỉ ai khéo tinh mắt một chút sẽ nhận ra ngay. Như chúng ta ngồi bình tĩnh trước sân chùa nhìn tất cả cảnh vật, mà không có niệm số một số hai nào dấy động hết, lúc đó có tâm không? Nếu không tâm thì ai biết nhìn, ai biết thấy, có tiếng động biết nghe. Cái thấy nghe không dấy niệm đó là tâm chưa từng sanh chưa từng diệt. Vừa khởi khen chê hay ưa ghét liền qua tướng sanh diệt. Cho nên ở đây nói cái đó không có danh ngôn mà động niệm liền trái. Chỉ khi không dấy niệm tâm đó hiện tiền. Tâm không nghĩ gì hết diễn tả làm sao? Hình tướng làm sao? Dáng dấp làm sao? Vì nó không hình tướng nên không xanh vàng đỏ trắng mà vẫn thấy vẫn nghe. Vừa khởi một niệm như cây tùng này đẹp thì tâm ẩn khuất liền. Cho nên dùng chữ “động niệm liền trái”, động niệm là mất tâm chân thật liền.

Chúng ta nhìn là nhìn, thấy là thấy, không khởi niệm thì tâm hiện tiền. Có khi nào quí vị cảm nhận điều đó không? Ai cũng cảm nhận được hết, như vậy đâu có người nào vô phần. Đã có phần nhưng không biết giữ của báu nên rồi xao lãng quên mất, cứ chạy theo cái nghĩ đông nghĩ tây cả ngày. Nhiều người rất tội nghiệp, ngồi một lát chợt vui lên muốn cười, sau đó lại quạu. Dáng vui dáng quạu của họ hiện ra tại cái gì? Tại ôn lại quá khứ, quá khứ đẹp thì vui, quá khứ thù địch thì quạu. Như vậy họ ngồi đó mà không có ngồi đó, vì ngồi đó mà sống với quá khứ. Chúng ta sống với cái đã qua là sống với cái mất. Hoặc không sống với cái đã qua thì sống với cái chưa tới, chưa tới cũng là ảo tưởng. Cái thực hiện tại chúng ta không sống, thành ra sống cả ngày mà thật ra không sống gì hết.

Vì vậy nhà Thiền bắt chúng ta phải sống với hiện tại, quá khứ đã qua, vị lai chưa đến, chỉ hiện tại là chủ yếu. Như vậy mới thấy sống với hiện tại quá khó. Tại sao khó? Vì chúng ta quen nuôi dưỡng quá khứ, vị lai. Lấy quá khứ làm kinh nghiệm, lấy vị lai làm mơ ước. Mơ ước cái sẽ tới đẹp hơn bây giờ, nên thấy nó hấp dẫn, còn hiện tại thì coi thường.

CHÁNH VĂN:

Ví như hư không không có giới hạn, không thể đo lường.

GIẢNG:

Tâm lặng lẽ, tự sáng suốt biết rõ mà không suy nghĩ, tâm đó có tướng mạo không? Không. Bởi không tướng mạo nên giống như hư không, giống như hư không nên không giới hạn, vì vậy nói nó lớn không thể đo lường.

CHÁNH VĂN:

Duy một tâm này tức là Phật. Phật cùng chúng sanh không riêng khác.

GIẢNG:

Chỉ cái tâm lặng lẽ không động niệm đó là Phật. Phật cùng chúng sanh không khác.

CHÁNH VĂN:

Chỉ vì chúng sanh chấp tướng cầu bên ngoài, càng cầu càng mất, khiến Phật đi tìm Phật, đem tâm bắt tâm, mãn đời cùng kiếp trọn không thể được.

GIẢNG:

Chỉ vì chúng sanh chấp tướng cầu bên ngoài, chạy theo hình thức nên càng cầu càng mất. Nghe chùa nào thờ Phật đẹp muốn tới chiêm bái. Nghe chùa nào Phật linh cầu gì cũng được, muốn chạy lại cầu. Chỉ cầu cái bên ngoài, mà càng cầu càng mất. Khiến Phật đi tìm Phậttức sai ông Phật thật đi tìm ông Phật giả. Ông Phật thật là ông Phật tâm tỉnh giác của mình, ông Phật giả là ông Phật xi măng ngồi trên bàn. Có đau không? Nói vậy có người bảo tôi không lạy Phật nữa, sợ tội vì đem Phật thật lạy Phật giả. Hiểu như vậy càng lầm. Tuy biết mình có Phật thật nhưng chưa sống được với Phật thật mà sống với chúng sanh, thì thôi đem chúng sanh lạy Phật giả, để tỉnh nhớ ông Phật của mình. Lạy Phật giả để nhớ đến Phật thật nơi mình, chớ không phải lạy Phật để cầu xin. Đó là ý nghĩa người biết tu Phật.

Đem tâm bắt tâm, mãn đời cùng kiếp trọn không thể được. Tức đem tâm này tìm tâm khác, cứ đuổi bắt nhau không có ngày cùng. Thí dụ chúng ta vừa dấy niệm xấu, liền dùng niệm tốt đuổi niệm xấu đi. Niệm xấu đi rồi chỉ còn niệm tốt, như vậy cũng là tu kha khá. Nhưng vẫn còn cái này đuổi cái kia, chỉ khi nào niệm tốt niệm xấu đều lặng thì cái thật nó hiện tiền.

CHÁNH VĂN:

Họ chẳng biết, dứt nghĩ quên tính, Phật tự hiện tiền.

GIẢNG:

Câu này nói trắng ra, không giấu giếm gì hết. Họ chẳng biết, dứt nghĩ quên tính, Phật tự hiện tiền, tức mình dứt hết suy nghĩ, dứt hết tính toán thì Phật tự hiện tiền. Quí vị một ngày Phật hiện được mấy giờ? Hay mấy phút? Sáu tiếng ngồi thiền, tôi cho mất hết năm tiếng, ít ra cũng còn một tiếng Phật hiện, chớ chẳng lẽ không có chút nào. Tu là để chúng ta trở về Phật của mình, mà muốn trở về tâm Phật thì phải dứt nghĩ, quên hết tính toán, Phật mới hiện tiền.

CHÁNH VĂN:

Tâm này tức là Phật, Phật tức là chúng sanh.

GIẢNG:

Tâm hiện tiền đó là Phật, tâm này đâu có rời thân người. Cho nên Phật tức là chúng sanh.

CHÁNH VĂN:

Khi làm chúng sanh tâm này không giảm, khi làm chư Phật tâm này không thêm, cho đến lục độ vạn hạnh công đức như hà sa tự sẵn đầy đủ, chẳng nhờ tu mà thêm, gặp duyên liền thi thố, duyên dứt liền vắng lặng.

GIẢNG:

Khi làm chúng sanh tâm này không giảm, khi làm Phật tâm này không thêm.Tâm hằng tri hằng giác của mình lúc đang làm chúng sanh, nó vẫn hiện tiền, khi ta thành Phật nó vẫn hiện tiền, đâu có thêm bớt. Cũng chính tâm này khi gặp duyên, nó ứng hiện nào là lục độ vạn hạnh công đức như hà sa, tự đầy đủ, không nhờ tu mà thêm, gặp duyên liền thi thố, duyên dứt liền vắng lặng. Cho nên nói chân không mà diệu hữu. Tâm này không một tướng, một bóng dáng nên gọi là chân không. Từ chân không đó tùy duyên, ứng cơ, lợi vật không thiếu nên gọi là diệu hữu.

CHÁNH VĂN:

Nếu người không quyết định tin tâm này là Phật, chấp tướng tu hành để cầu được công dụng đều vọng tưởng, cùng đạo trái nhau.

GIẢNG:

Nếu người không quyết định tin tâm này là Phật, cứ chấp tướng bên ngoài tu hành để cầu được công dụng, thì những công dụng đó đều là vọng tưởng, cùng đạo trái nhau.

CHÁNH VĂN:

Tâm này tức là Phật lại không có Phật khác, cũng không có tâm khác.

GIẢNG:

Tâm không dấy niệm, không suy tính, không so đo v.v… tâm đó là Phật, không có tâm nào khác nữa. Chúng ta thấy một đoạn này Tổ Hoàng Bá dạy Bùi Hưu rất rõ ràng, không giấu giếm tí nào hết. Cũng ngài Hoàng Bá mà khi Lâm Tế tới hỏi thì đánh, không nói gì hết, còn Bùi Hưu tới hỏi Ngài lại dạy. Tại sao? Chỗ này phải nắm cho vững, nếu không chúng ta hiểu lầm chắc gặp quan, Ngài nể nên chỉ dạy, còn gặp Tăng Ngài đánh.

Nếu đi sâu chúng ta sẽ thấy thâm ý người xưa. Vì Bùi Hưu là quan, không có thời giờ, nếu hiểu được đạo ông sẽ ủng hộ đạo. Còn Lâm Tế, Tổ biết là một người có tương lai, nếu nói rõ cho nghe thì nhận một cách quá nhẹ nên dễ quên. Như mấy chú nghe tôi giảng có thể ngay lúc đó hiểu, nhưng một lát quên mất, cuối cùng chỉ nhớ hơn thua tốt xấu phải quấy lăng xăng, mà quên cái thật. Muốn cho con người kỳ đặc kia được chỗ thâm nhập mãi mãi không quên, cho nên dồn ép bằng cách đánh.

Hỏi “thế nào là đại ý Phật pháp”, Tổ liền đánh. Hỏi ba lần, đánh ba lần, đánh cho khóc mò vì không biết lỗi tại chỗ nào mà ăn đòn. Nhưng tới chừng gặp ngài Đại Ngu chỉ nói một cách hết sức nhẹ: “Hoàng Bá thật là tâm lão bà, chỉ tột cùng cho ông rồi, mà ông còn nghĩ có lỗi không lỗi”, ngay đó ngài Lâm Tế nhận ra, thấy rõ ràng. Cho nên nói “từ khi nhận được rồi tới sau không bao giờ quên, không bao giờ mất”. Vì vậy tông Lâm Tế kéo dài mãi hơn một ngàn năm. Như vậy không phải vì vị nể Bùi Hưu mà Tổ xử sự nhẹ nhàng, không vì ác cảm với Lâm Tế mà đánh đập. Hành động đánh là gây một ảnh hưởng sâu đậm lâu dài cho ngài Lâm Tế. Còn vị cư sĩ kia hiểu bao nhiêu tốt bấy nhiêu, không sao hết. Nếu đánh Bùi Hưu, ông sẽ oán chùa, có lợi gì. Cho nên hai trường hợp khác nhau.

Biết như vậy nhưng sao bây giờ tôi không đánh mấy chú? Bây giờ người ta đồn tu thiền điên, mà tôi lại đánh hét nữa thì người ta nói tôi điên mất rồi, ai dám tu thiền. Do đó tôi phải giảng nói để mấy chú lãnh hội được phần nào hay phần ấy, cộng thêm sách vở nghiên cứu. Từ đó quí vị mới tin Phật pháp hay mà ráng tu, chớ làm như người xưa không thể được. Tùy thời cơ, tùy hoàn cảnh mà linh động, chúng ta không thể chấp một bề. Có nhiều người nói Đức Sơn đánh, Lâm Tế hét đó là Thiền tông Trung Hoa. Mình bây giờ cũng tu thiền, tại sao không biết đánh biết hét gì hết, như vậy là hiểu lầm. Mỗi trường hợp có cái khác nhau, chúng ta phải linh động, không thể chấp cứng một bên.

CHÁNH VĂN:

Tâm này sáng sạch ví như hư không, không có một điểm tướng mạo, khởi tâm động niệm liền trái pháp thể, tức là chấp tướng. Từ vô thủy tới nay không có Phật chấp tướng. Tu lục độ vạn hạnh muốn cầu thành Phật, tức là thứ lớp. Từ vô thủy đến nay không có Phật thứ lớp.

GIẢNG:

Ở đây cho chúng ta thấy lối tu đốn ngộ không có thứ bậc, không từ Bồ-tát thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa v.v… mà đi thẳng. Mê là chúng sanh, ngộ là Phật. Đốn là đốn chỗ đó, chỉ có một bước mê và ngộ thôi. Nhưng trong cái ngộ, có người ngộ cạn, có người ngộ được sâu, hoặc người ngộ nhưng giữ không được và người ngộ mà giữ được, khác nhau như vậy. Ở đây không đặt thứ bậc thấp cao, chỉ thẳng cái tâm thể chân thật, chúng ta nhận được gọi là thấy đạo. Thấy đạo rồi cứ thế mà tu.

Lúc lặng lẽ mà rõ ràng thường biết, tâm đó không có một chút tướng mạo, nên ví như hư không. Song hư không thì vô tri, còn tâm thể hằng tri, hằng giác, khác nhau chỗ đó. Vừa khởi tâm động niệm liền trái pháp thể. Vì khi dấy niệm, chúng ta chạy theo niệm nên ông chủ ẩn mất. Bởi vậy cả ngày nói tu mà tu với tướng bên ngoài. Nhớ chuyện này, nhớ chuyện kia, rồi phê phán người này hay người kia dở. Sự tu nằm trên tướng sanh diệt thì không đi tới chỗ chân thật. Nếu được điều gì chẳng qua do chấp tướng mà được. Nên ở đây nói “không có Phật chấp tướng”. Phật thật thì không chấp tướng, đã chấp tướng thì không phải Phật thật. Chúng ta tu khó vì lâu nay quen huân tập nhiều thứ, nên buông không được.

Tu lục độ vạn hạnh muốn cầu thành Phật, tức là Phật thứ lớp,nghĩa là từ Phật thập tín, Phật thập trụ, Phật thập hạnh cho tới Phật thập địa v.v… đó là Phật thứ lớp. Từ vô thủy tới nay Phật là Phật, chớ không có Phật thứ lớp.

CHÁNH VĂN:

Chỉ ngộ một tâm lại không có một chút pháp có thể được, đây tức là chân Phật. Phật cùng chúng sanh một tâm không khác.

GIẢNG:

Ngộ được tâm không dấy niệm đó thì không một chút pháp có thể được, vì tâm ấy không phải pháp gì hết. Đây tức là chân Phật,Phật cùng chúng sanh một tâm không khác. Phật đó với Phật của tất cả chúng sanh chỉ một Phật tâm, không có hai.

CHÁNH VĂN:

Ví như hư không, không xen lẫn, không hư hoại. Như vầng mặt trời soi bốn phương thiên hạ. Khi mặt trời lên ánh sáng chiếu khắp cả thiên hạ, hư không không từng sáng; khi mặt trời lặn, bóng tối che trùm thiên hạ, hư không không từng tối. Cảnh tối sáng tự đuổi cướp nhau, tánh hư không rỗng lặng chẳng đổi.

GIẢNG:

Thí dụ này xét kỹ thật hay. Ví như hư không, không có xen lẫn, không bị thứ gì làm hư hoại. Như vầng mặt trời soi bốn phương thiên hạ, lúc mặt trời lên nhìn trong hư không thấy sáng. Khi mặt trời lặn nhìn trong hư không thấy tối. Như vậy hư không có tối sáng không? Nếu nó sáng thì khi tối lẽ ra cái sáng hòa lẫn trong cái tối, nhưng thực tế không phải như vậy, nên biết hư không không tối, không sáng.

Cảnh tối sáng tự đuổi cướp nhau,tánh hư không rỗng lặng chẳng đổi. Tối đến thì sáng ẩn, tối ẩn thì sáng đến, hai thứ cứ đuổi cướp nhau, chớ hư không không đổi. Thực tế một chút, chúng ta thấy khi trong tâm mình nghĩ điều thiện thì cái thiện hiện ra, nghĩ điều ác thì cái ác hiện ra. Khi nghĩ thiện thì không có ác, khi nghĩ ác thì không có thiện. Tâm chân thật giống như hư không, thiện ác giống như tối sáng. Tối tới thì sáng ẩn, sáng đến thì tối ẩn, không cái nào dính với hư không hết. Tâm thể cũng vậy, không có thiện ác. Khi hai thứ thiện ác lặng thì tâm thể hiện tiền.

Bây giờ dù sáng dù tối cũng không liên hệ gì với hư không, nếu không sáng không tối thì cũng là hư không. Tâm nghĩ thiện, nghĩ ác là tâm sanh diệt, khi tâm sanh diệt ấy dừng lặng thì tâm thể nguyên vẹn hiện tiền, không tìm kiếm ở đâu. Cho nên gọi nó là “Bản lai diện mục”. Diện là mặt, mục là mắt, mặt mắt thật của chúng ta sẵn có từ thuở nào.

CHÁNH VĂN:

Phật và chúng sanh tâm cũng như thế. Nếu xem Phật thấy tướng giải thoát thanh tịnh, sáng suốt, xem chúng sanh thấy tướng nhơ bẩn tối tăm, người thấy biết như vậy trải qua số kiếp hà sa trọn không được Bồ-đề, vì chấp tướng vậy.

GIẢNG:

Người thấy Phật là giải thoát thanh tịnh, còn chúng sanh nhơ bẩn tối tăm, như vậy tu trải qua số kiếp hà sa trọn không được Bồ-đề, vì chấp tướng vậy. Nếu nghĩ nhớ thân Phật là thanh tịnh sáng suốt, thân chúng ta nhơ bẩn tối tăm thì được, chớ tâm Phật và tâm chúng ta, tâm thể đó không có bên sáng bên tối. Chỉ vì chúng ta quên, chạy theo vọng tưởng nên thấy có nhơ bẩn, tối tăm, chớ thể thanh tịnh của Phật và thể thanh tịnh của chúng sanh vốn không hai. Người nào thấy hai là chấp tướng.

CHÁNH VĂN:

Chỉ một tâm này, trọn không có pháp bằng hạt bụi nhỏ có thể được, tức tâm là Phật.

GIẢNG:

Chỉ một tâm này,tâm này là tâm nào? Tâm từ bi phải không? Tâm Bát-nhã phải không? Tất cả tâm có danh có tướng đều không phải. Chỉ là tâm thể thanh tịnh sẵn có của mình, không có pháp bằng hạt bụi có thể được. Tâm đó là tâm Phật.

CHÁNH VĂN:

Như nay người học đạo không ngộ tâm thể này, bèn ở trên tâm sanh tâm, hướng ra ngoài cầu Phật, chấp tướng tu hành đều là pháp ác, chẳng phải đạo Bồ-đề.

GIẢNG:

Như nay người học đạo không ngộ tâm thể này, bèn ở trên tâm sanh tâm,nghĩa là chúng ta không ngộ, không nhận được tâm chân thật, rồi sanh khởi tưởng Phật thế này, Phật thế nọ. Đó là ở trên tâm sanh tâm. Hướng ra bên ngoài cầu Phật, chạy nơi này nơi kia tìm Phật. Chấp tướng tu hành đều là pháp ác, tại sao? Vì pháp đó không phải là pháp chân thật, cho nên nói là ác. Chẳng phải đạo Bồ-đề vì đạo Bồ-đề là đạo giác ngộ. Giác ngộ cái gì? Giác ngộ tâm Phật của chính mình. Phật tử thường có những sai lầm như nghe ai có gì huyền bí, lạ lùng thì ngỡ người đó đã đạt đạo. Sự thật đạo là tâm chân thật sẵn có nơi mình. Nhận được tâm đó là ngộ đạo, không nhận được là mê.

CHÁNH VĂN:

Cúng dường chư Phật mười phương không bằng cúng dường một đạo nhân vô tâm. Tại sao? Vì người vô tâm là không tất cả tâm, thể như như, trong như cây đá không động không lay, ngoài như hư không chẳng bít chẳng ngại, không năng sở, không chỗ nơi, không tướng mạo, không được mất. Người thú hướng mà không dám vào pháp này, sợ lạc vào không, không có chỗ nơi nương tựa, trông thấy mé rồi thối lui.

GIẢNG:

Đây là dẫn kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật nói cúng dường chư Phật mười phương không bằng cúng dường một đạo nhân vô tâm. Có người thắc mắc cúng dường chư Phật mười phương nhiều như vậy sao không bằng cúng dường đạo nhân vô tâm? Ở đây chỉ cho chúng ta thấy, người phát tâm cúng dường chư Phật mười phương là xoay ra ngoài tìm Phật cầu Phật, còn đạo nhân vô tâm là chính mình đi tới chỗ vô tâm, đó là chỗ cúng dường tuyệt đỉnh. Trở về để thấy ông Phật nơi mình còn hơn ra ngoài làm trăm ngàn Phật sự, gọi là cúng dường Phật không bằng trở về mình nhận chân được mình. Nhận chân được mình là vô tâm, vô tâm là đạo, đạo tức là Phật. Nên nhớ người học đạo là trở về mình, chớ không phải chạy ra ngoài.

Vì người vô tâm là người không tất cả tâm, thể như như, trong như cây đá không động không lay, ngoài như hư không chẳng bít chẳng ngại, không năng sở, không chỗ nơi, không tướng mạo, không được mất. Người thú hướng mà không dám vào pháp này, sợ lạc vào không, không có chỗ nơi nương tựa, trông thấy mé rồi thối lui.Chỗ này nói chúng ta có hai cái khó. Thứ nhất là làm sao cho được không tâm, tức không tất cả tâm. Không tất cả tâm rồi lại bị cái khó thứ hai là sợ lạc vào không, đâm ra hoảng hốt. Đó là hai cái khó của người tu.

Khó thứ nhất chúng ta có thể qua được, vì tin lặng hết tất cả niệm sẽ giác. Khi hết tất cả niệm, sao không thấy gì hết, sợ rơi vào không, đâm ra hoang mang. Nhưng họ quên không có gì hết tức là không tất cả vọng niệm, không tất cả lăng xăng mà thường biết rõ ràng. Thường biết rõ ràng làm sao lạc về không được? Nếu không biết như cây như gỗ thì lạc về không là phải. Nhưng không tất cả niệm, còn vẫn thấy biết rõ ràng mà nói lạc về không thì vô lý. Nhiều người tu tới đây muốn thối lui, tưởng thấy hào quang mới thích thú, chớ không thấy gì hết thì tu làm chi. Hiểu như vậy thật là lầm to. Chỗ đó vô nhất vật, rỗng thênh, làm sao thấy cái gì? Khi tâm chúng ta trong sáng nên biết nó rỗng thênh. Tâm đang biết rỗng thênh làm sao nói không biết gì hết!

Chỗ này quí vị tu lâu phải chú ý, nếu không tới đây giật mình, sao lâu nay mình tu nhiều quá mà không còn gì hết, đâm ra hoang mang. Không còn tất cả niệm, tất cả dấy động, chớ tâm thênh thang vẫn còn. Song có nhiều người thích tới đó có hào quang hoặc thấy Phật sờ đầu mới vừa ý, không thấy Phật sờ đầu, không thấy hào quang, họ hoảng hốt sợ tu tới đây thành không ngơ. Như vậy để biết chúng ta tu tới đây không còn tất cả niệm sanh diệt, chỉ còn cái biết rỗng lặng, trùm khắp không nơi chốn. Cái biết rỗng lặng đó là tâm thể, là Phật thật của mình, chớ không phải gì lạ. Nhận được như thế rồi, tu thuần thục mới có diệu dụng vô cùng, cho nên nói chân không mà diệu hữu. Đi tới đó Phật mới có tam minh, lục thông v.v… Còn chúng ta chưa tới đó mà đã hoảng muốn thối lui, làm sao được? Chỗ này hết sức quan trọng, người tu không biết rất dễ lầm lẫn.

CHÁNH VĂN:

So sánh để tìm thấy biết rộng. Thế nên người thấy biết như lông, người ngộ đạo như sừng.

GIẢNG:

Sở học nhiều, hiểu biết rộng ví như con nai, lông thì nhiều nhưng sừng chỉ có hai thôi. Ở thế gian học để trở thành một người khôn mất chừng bao nhiêu năm? Học suốt đời suốt kiếp, đủ trăm ngàn muôn thứ, biết được phần này thì không biết phần khác, cho nên học càng rộng thấy biết càng nhiều, nhưng chỉ là lông. Như lông con nai, chúng ta đếm hết không? Không, vì quá nhiều nhưng lại không có giá trị, còn sừng nhìn thấy hai cái thôi, đơn giản và rất có giá trị.

CHÁNH VĂN:

Văn-thù xứng lý, Phổ Hiền xứng hạnh. Lý là lý chân không vô ngại. Hạnh là hạnh lìa tướng không cùng.

GIẢNG:

Ngài Văn-thù xứng lý, lý tức là trí, trí hợp với lý. Phổ Hiền xứng hạnh, hạnh đi đôi với nguyện, nên thường nói hạnh nguyện. Người lý, người hạnh. Ở đây Ngài nói lý là lý gì? Là lý chân không vô ngại, vì trí tuệ chân thật đạt được lý chân không. Hạnh là hạnh gì? Là hạnh lìa tướng không cùng, tất cả tướng đều lìa, đó là hạnh. Chúng ta bây giờ nói trí, nói hạnh lại khác. Trí biết nhiều nhưng biết toàn những thứ giả danh giả tướng, hạnh là làm tất cả việc nhưng chỉ là những việc không thật. Ở đây Ngài trở về tâm, lý là chân không vô ngại, hạnh là lìa tướng không cùng.

CHÁNH VĂN:

Quan Âm xứng đại từ, Thế Chí xứng đại bi.

GIẢNG:

Bồ-tát Quán Thế Âm xứng với hạnh đại từ, Bồ-tát Đại Thế Chí xứng với hạnh đại bi.

CHÁNH VĂN:

Duy-ma là Tịnh Danh. Tịnh là tánh, danh là tướng. Tánh tướng không khác nên hiệu là Tịnh Danh.

GIẢNG:

Ngài Duy-ma-cật dịch theo nghĩa chữ Hán là Tịnh Danh. Tịnh là tịnh cái tánh, còn Danh là tướng. Danh tướng đều thanh tịnh, tánh tướng không khác nên hiệu là Tịnh Danh.

CHÁNH VĂN:

Các vị đại Bồ-tát tiêu biểu nơi người đều sẵn có, không rời một tâm, ngộ đó tức phải.

GIẢNG:

Nói tới Bồ-tát Văn-thù là nói lý chân không vô ngại nơi tâm chúng ta. Nói Bồ-tát Phổ Hiền là nói hạnh lìa tất cả chấp tướng, chấp bóng dáng nơi nội tâm của mình. Nói Bồ-tát Quan Âm là nói tới lòng đại từ nơi mỗi chúng ta. Nói Bồ-tát Thế Chí là nói hạnh đại bi của mình. Nói tới ngài Duy-ma-cật là nói tới Tịnh Danh, tức tánh tướng đều thanh tịnh. Như vậy tất cả Bồ-tát đều biểu trưng sẵn có nơi mỗi chúng ta.

Chúng ta thường được học Bồ-tát Văn-thù là căn bản trí, Bồ-tát Phổ Hiền là sai biệt trí. Căn bản trí là trí thấu suốt lý chân không vô ngại, sai biệt trí là trí lìa tất cả tướng không cùng. Vì có trăm ngàn thứ tướng sai biệt nên dùng sai biệt trí để dẹp. Tại sao ở đây nhắc đến ngài Văn-thù, Phổ Hiền trước rồi mới tới Quan Âm, Thế Chí? Vì đạt được lý chân không vô ngại, lìa các tướng vô cùng, chừng đó mới phát đại bi tâm, đại từ tâm là Quan Âm, Thế Chí.

Tuy nhiên, nhận được lý chân không vô ngại, còn phải đợi ngài Phổ Hiền. Ngài Phổ Hiền gạt hết tất cả niệm sanh diệt rồi mới tới chỗ vô tâm. Vô tâm, có người nghe một lần liền được, có người phải nhiều năm, nhiều tháng, nhiều đời mới được. Chúng ta nhớ Lục tổ Huệ Năng khi ngộ rồi, từ đó về sau không cần ngồi thiền như mình nữa. Thấy chú nào ngồi thiền Ngài lại nắm lỗ tai thổi. Tại sao vậy? Vì Ngài đi đứng ngồi nằm đều vô tâm, ngồi chi cho thừa. Tổ Lâm Tế khi được vô tâm rồi, Ngài nói không cần dụng công mà cũng không có một niệm.

Chúng ta bây giờ chưa được chỗ cứu kính cho nên gỡ lần mấy chú vọng tưởng. Đầu tiên gỡ mấy chú xấu trước, lần lần mấy chú tốt cũng lùa đi luôn. Chừng nào lùa hết tốt xấu mới thảnh thơi, nhẹ nhàng. Đó là gốc của sự tu. Nếu không như vậy sự tu hành của chúng ta sẽ không đi tới đâu.

Hiện giờ chúng ta còn phàm phu, nếu giúp được ai thì dễ có bệnh gì? Giúp được người liền thấy mình có công ơn, nếu người không đề cao, không ca tụng, mình không vui. Được danh thì vui, không được danh thì buồn, vì chúng ta còn kẹt trên danh tướng. Người ngộ được lý chân không, thấu suốt tất cả pháp sanh diệt, bỏ hết thì tâm rỗng rang sáng suốt. Người ấy thấy chúng sanh mê muội kẹt trên hình tướng liền khởi tâm từ thương cứu giúp, thấy họ đi trong vòng danh lợi, tử sanh khởi tâm bi xót xa không nỡ bỏ, nên nguyện cứu vớt chúng sanh. Chúng ta bây giờ lo cứu những cái có hình có tướng, càng cứu lại càng sa lầy.

Làm việc thiện là tốt, nhưng làm trong danh trong tướng nên dễ mắc kẹt. Đã mắc kẹt thì nó dẫn chúng ta đi trong luân hồi sanh tử. Vì vậy, chúng ta có tâm đại từ, tâm đại bi khi nào đạt được lý chân không vô ngại, khi nào hạnh lìa tướng không cùng, chừng đó mới là đại từ, đại bi chân thật. Vì vậy đức Quan Âm, Thế Chí được nhắc sau Bồ-tát Văn-thù, Phổ Hiền. Bồ-tát Văn-thù đi đầu vì nhận được tâm chân thật, sau mới lìa hết vọng niệm, lìa hết các tướng. Nếu không có trí tuệ dẫn đầu làm sao chúng ta lìa các tướng? Không nghĩ cái này thì nghĩ cái kia. Bởi vậy tu thiền khó nhất là buông bỏ, niệm nào cũng bỏ. Nếu không nhận được mình có tâm thể chân thật, rỗng lặng thì không chắc gì mình bỏ trọn vẹn, lìa trọn vẹn được, cho nên nói đốn ngộ tiệm tu là thế. Đốn ngộ là nhận được tâm thể của mình, rồi sau mới lìa bỏ vọng niệm. Vì vậy Bồ-tát Văn-thù đi trước, Bồ-tát Phổ Hiền đi sau. Được Văn-thù, Phổ Hiền nhập tâm rồi, sau mới tới hạnh của Bồ-tát Quan Thế Âm, Đại Thế Chí. Bốn vị Bồ-tát này có sẵn nơi mình hết. Hiểu như vậy mới thấy giá trị tu, mỗi vị Bồ-tát là mỗi hạnh có sẵn nơi mình.

Ngài kết luận: Các vị đại Bồ-tát tiêu biểu nơi người đều sẵn có, không rời một tâm, ngộ đó tức phải. Nhận ra được như thế tức là phải.

CHÁNH VĂN:

Nay người học đạo không hướng trong tâm mình mà ngộ, bèn ở ngoài tâm chấp tướng theo cảnh đều trái với đạo.

GIẢNG:

Ngài quở trách chúng ta học đạo mà không hướng vào trong tâm để ngộ, cứ chạy theo tướng bên ngoài. Đó là trái đạo.

CHÁNH VĂN:

Cát sông Hằng, Phật nói là cát. Chư Phật, Bồ-tát, Thích phạm, chư Thiên đạp giẫm đi qua, cát cũng chẳng mừng; trâu, dê, trùng, kiến giày xéo lên trên, cát cũng chẳng giận. Trân bảo thơm tho, cát cũng chẳng tham; phẩn uế hôi thối, cát cũng chẳng ghét. Tâm này tức tâm mà không tâm, lìa tất cả tướng, chúng sanh chư Phật không có sai biệt, chỉ hay vô tâm liền là cứu kính.

GIẢNG:

Có bài kinh đức Phật nói chúng ta tu hạnh nhẫn nhục cũng như cát vậy. Người giẫm đạp lên, trâu lừa ngựa đi qua, cát không la rầy. Giả sử có người đem trân bảo hay hoa thơm bỏ xuống, cát không mừng. Hoặc ai đó đem đồ hôi thối quăng trên mặt cát, cát cũng không buồn. Tâm thể giống như cát, bởi nó không niệm làm sao có mừng, có giận. Người sống được với tâm đó thì cả ngày không buồn, không giận, không thương, không ghét. Ai mắng cũng không giận, ai khen cũng không mừng thì có ngu không? Thế gian nói kẻ đó là kẻ ngu, nhưng với đạo đó là bậc Thánh. Vì không bị tâm sanh diệt lôi cuốn chạy theo thanh trần bên ngoài, nên thản nhiên tự tại. Tâm đó là tâm thể biết tất cả, mà không dấy niệm thương ghét giận hờn, nên đâu có vui buồn.

Tâm của chúng sanh luôn so sánh phân biệt, vừa có lời khen liền vui, có lời chê liền giận, được thì mừng, mất thì buồn v.v… cả ngày đổi thay vùn vụt, không dừng. Vui buồn thương ghét là nhân tạo nghiệp luân hồi sanh tử. Nếu không vui buồn thương ghét là nhân gì? Nhân giải thoát sanh tử. Cái không đi trong luân hồi sanh tử không phải Phật là gì?

Tâm này tức tâm mà không tâm, lìa tất cả tướng, chúng sanh chư Phật không có sai biệt, chỉ hay vô tâm liền là cứu kính.Ở đây bảo vô tâm là vô tâm nào? Vô tâm là vô cái tâm sanh diệt, còn tâm bất sanh vẫn hiện tiền. Chỉ vô cái tâm sanh diệt, thì tâm chân thật hiển hiện.

CHÁNH VĂN:

Người học đạo nếu không thể thẳng đó vô tâm thì nhiều kiếp tu hành trọn không thành đạo, bị công hạnh tam thừa ràng buộc, không thể được giải thoát.

GIẢNG:

Nếu người học đạo không thể thẳng đó vô tâm, dù nhiều kiếp tu hành trọn không thành đạo. Bởi vì vô tâm mới được chỗ chân thật. Chân thật là gì? Là chân không vô ngại, đó mới là gốc thành Phật. Nếu chúng ta còn có một hình, một tướng trạng nào đều là bị ràng buộc, không thể giải thoát.

Người tu trải qua nhiều bậc và người ngay một đời này nhận ra, chỗ vô tâm như nhau. Quí vị hay so sánh người ở chùa hai chục năm, với người mới vào đạo một năm, nếu cả hai đều được vô tâm thì cho là người hai chục năm cao hơn người một năm. Thật ra chỗ được đó không khác, trừ công tạo lập, gầy dựng, đạo đức mới khác. Nói như vậy để chúng ta biết rằng tới chỗ vô tâm, dù người tu nhiều năm hay người chỉ tu một thời gian ngắn mà đến được đó đều như nhau.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567