Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

[01 - 12]

05/03/201213:03(Xem: 8795)
[01 - 12]

Bốn Mươi Tám Pháp Niệm Phật

Thuật giả: Giang Đô Trịnh Vi Am
Dịch giả: Sa môn Thích Tịnh Lạc

1. NIỆM PHẬT NÊN GIỮ Ý CĂN:

Đã đem tâm này niệm Phật, phàm tất cả việc tạp thiện, tạp ác (1) đều không nên nhớ, tức hàng ngày chỉ nên làm mọi việc với ý niệm vạn bất đắc dĩ, xong rồi thì xả, đừng để day dích, sẽ chướng ngại tâm niệm của chúng ta. Vả lại, sở dĩ tâm niệm của chúng ta cứ còn dây dưa mãi với những tạp thiện, tạp ác là vì ý địa chưa thuần; nếu ta niệm Phật đến lúc tâm địa sáng tỏ, thời ý địa tự nhiên chuyên ròng nơi quán sát, không duyên tạp sự.

Phải biết, niệm Phật có thể chuyển Phàm thành Thánh, là phương tiện giải thoát thứ nhứt của thế gian và xuất thế gian vậy.

Lời phụ giải:

Sự sống hàng ngày đã chiếm quá nhiều thì giờ của chúng ta, bởi vậy nên những lớp trần ai càng bám riết theo cuộc sống, làm cho chúng ta không rảnh được sự tính toán, mà hễ tính nhiều tức loạn trí, lo âu ắt tổn thần. Thế nên khi xác nhận cuộc sống này chỉ là tạm bợ, trả vay, quay về với cuộc sống tâm linh vĩnh viễn, chơn thật, thì còn gì nữa mà không buông bỏ tất cả giả cảnh, để sống với cảnh giới chơn thường. Phàm, Thánh, mê, ngộ đều ở nơi ý địa của đương nhơn mà thôi!

2. NIỆM PHẬT NÊN GIỮ GÌN KHẨU NGHIỆP

Đã dùng miệng này niệm Phật, phàm tất cả những việc SÁT, ĐẠO, DÂM, VỌNG (2) không nên buông lời nói càng, nói quấy. Một khi nói lỡ, nên tự nghĩ rằng: người niệm Phật không nên nói như thế, rồi cố gắng niệm lớn ít tiếng danh hiệu Phật để trấn áp tâm mình và gột tẩy ngay những lời bất thiện ấy.

Lời phụ giải:

Phàm đã mang danh từ Phật tử và đã biết niệm Phật, tất cả phải giữ gìn khẩu nghiệp. Nếu thoảng một lời vô nghĩa thốt ra, tự suy nghĩ ăn năn chẳng ít, huống không có lợi ích gì cho ai, mà còn gây khổ hận cho kẻ khác, thì dầu một tiếng cũng không nên mở miệng. Phật là tượng trưng cho sự thanh tịnh, mà ta lại niệm Phật bằng cái miệng bất tịnh thì phỏng được lợi ích gì? Trong kinh Phạm Võng có chép: “Nhựt nhựt khởi tam nghiệp tội, khẩu tội vô lượng.” Miệng là cửa mở muôn điều ác hay thành vạn sự lành, vậy ta cần phải suy nghĩ kỹ trong lúc mở lời. Huống chi việc niệm Phật, chúng ta lại càng cần phải giữ miệng cho thật sạch, nghĩa là một lời quấy, một tiếng xấu, nhứt định phải tiêu diệt trong khi chúng còn trong trứng nước, không để chúng thành hình, đừng nói phát ra cửa miệng. Tu thân, tu tâm mà không tu miệng là một khuyết điểm lớn!

3. NIỆM PHẬT PHẢI CHỈNH THÂN NGHIỆP:

Đã đem thân này niệm Phật, thời trong mọi lúc cũng như trong mọi cử chỉ: đi, đứng, ngồi, nằm, thân cần phải đoan chánh (3). Thân có được đoan chánh thì tâm mới được thanh tịnh. Người niệm Phật nên tự nghiệm điều này, thật không bao giờ dối.

Lời phụ giải:

Thân thể có ảnh hưởng mãnh liệt đến tinh thần. Thế nên, muốn cho tinh thần vững mạnh, tin tưởng chí thiết nơi tự lực, tha lực, kiên cố chấp trì câu danh hiệu Phật, tất phải dọn mình cho thật đoan chánh, trước khi niệm. Tâm ta tịnh được là do thân nghiệp không động, không nhiễm. Vậy nên, muốn công phu niệm Phật có kiến hiệu, điều kiện trước tiên là phải giữ gìn thân nghiệp cho đoan chánh.

4. NIỆM PHẬT LẦN CHUỖI:

Niệm Phật một tiếng, tay lần một hột. Chỉ nên niệm bốn chữ, đừng lộn sáu chữ, vì bốn chữ rất dễ thành khối (4). Trong bốn chữ A Di Đà Phật, hoặc lần chuỗi tại chữ A, hoặc lần tại chữ Đà, hoạch định cho có phép tắc, không được lầm lẫn, đây là pháp mượn chuỗi để nhiếp tâm vậy.

Lời phụ giải:

Giữ tâm niệm thành khối, danh hiệu Phật, mỗi câu xâu xuốt với nhau không xen hở một tạp niệm nào, ví như xâu chuỗi, hột này dính liền với hột khác, hột hột dính liền với nhau, đó là ý nghĩa của sự niệm chuỗi. Hơn thế nữa, đó là phương tiện nhắc nhở kẻ sơ cơ, chưa thuần với chánh niệm, nhớ lại câu niệm Phật. Kẻ lười nhờ đó mà siêng, kẻ trễ nhờ đó mà gắng. Khi chánh niệm đã tinh thuần, Phật niệm không lìa tự tâm, bây giờ có chuỗi hay không cũng chẳng thành vấn đề. Thế nên kẻ sơ cơ cần nhờ nó để làm phương tiện. Chẳng lẽ sắm chuỗi để mốc à?

5. NIỆM LỚN TIẾNG

Nếu lúc thần trí hôn trầm (5), hay khi vọng tưởng đua khởi, hãy nên trấn tỉnh tinh thần, to tiếng niệm Phật, niệm cho được vài ba trăm tiếng tự nhiên đổi thành cảnh giới an tịnh. Bởi vì nhĩ căn thính lắm, nên ngoại duyên dễ vào, tiếng làm cho tâm động, tạp tưởng nổi dậy, nên phải to tướng niệm Phật để giữ gìn nhĩ căn, hầu mở tỏ tâm linh. Bấy giờ tâm chỉ nghe tiếng của chính mình, mỗi tiếng liên tục, đầy đủ, tất cả những gì phải quấy, nên, hư tự nhiên phóng xả.

Lời phụ giải:

Lúc ta mệt nhọc, trong người hay uể oải, hay sanh chứng ngủ gật, hay cả thân thể lẫn tâm linh như có cái gì đè nặng, bấy giờ nếu ta dùng cách tịnh niệm, thì chỉ càng giúp cho sự mệt nhọc, ngủ gật kia đắc lực. Thế nên ta phải to tiếng niệm Phật, quán sát tiếng niệm Phật kia từ tự tâm lưu xuất, rồi theo lỗ tai vào lại tự tâm, vòng quanh mãi mãi như thế, đến khi nào, tâm ta sáng suốt, ma ngủ gật kia biến mất, chỉ thuần một câu niệm Phật rõ rành mới thôi.

6. NIỆM NHỎ

Nếu lúc tinh thần tán thất, hoặc khi nhiều việc nhọc nhằn hay phải nhiều điều bức bách, thì không cần phải niệm to, chỉ nên thấu liễm thần minh (6) nhỏ tiếng niệm kỹ. Đến khi hơi thở điều hòa, tinh thần hứng khởi, an định tâm hồn mới nên niệm to tiếng.

Lời phụ giải:

Phương pháp niệm nhỏ là để đối trị bệnh tán loạn. Nhiều khi vì quá bề bộn công việc, mà thân tâm ta phải quá nhọc nhằn, hay có những việc làm ta phải cực lòng, bực trí. Bấy giờ nên dùng pháp niệm nhỏ, vì nếu niệm to sẽ giúp phương tiện cho ma tán loạn thêm sức mạnh. Niệm nhỏ từng tiếng từng câu thật kỹ, thật rõ, lần lần tâm thần ta sẽ được an tịnh, bấy giờ nên niệm lớn.

7. NIỆM THẦM

Nếu tâm khí (7) không được điều hòa, hoặc người hay chỗ có ngại, niệm to, niệm nhỏ đều thấy không tiện, thì chỉ nên động môi, dùng pháp niệm thầm (Kim Cang trì), không bắt buộc nhiều ít, nhưng cần nhứt: mỗi chữ, mỗi câu phải từ tự tâm lưu xuất.

Lời phụ giải:

Pháp này khác với pháp niệm nhỏ trước, vì chỉ được động môi mà không cho phát ra tiếng; nói cho dễ hiểu là chỉ nhép miệng mà thôi. Vả như có người nằm gần ta, hay chỗ ta ở khít gần với kẻ khác, niệm thành tiếng dù lớn dù nhỏ cũng có thể đụng đến họ, vậy nên chỉ nhép miệng niệm thầm, không cần hạn số, bao nhiêu cũng được, miễn sao câu niệm Phật bắt nguồn từ tự tâm, kích động đầu môi, bật thành một thứ âm thanh huyền diệu, không thành tiếng mà vang khắp đại thiên, nhưng vẫn không ngoài đương niệm.

8. MẶC NIỆM

Lại hoặc niệm to, niệm nhỏ đều không hợp, tay lần chuỗi lại hiềm phiền phức, niệm thầm vẫn thấy còn có dấu vết, thì xưa có phương tiện chí xảo là không cần động mồm, không phát ra tiếng, chỉ bắt tâm niệm duyên chuyên một cảnh, âm thầm dùng lưỡi gõ vào răng trước (răng cửa) hay tâm tưởng cũng được, tùy ý, chỉ phải làm sao cho tiếng thật rõ ràng, nhưng tiếng không phải phát ra từ cửa miệng mà phải phát ra từ tự tánh. Tánh nghe lại phải dung thông nội tâm, nội tâm lại phải in nơi đầu lưỡi, đầu lưỡi kéo lấy niệm căn, tự tánh nghe nghe tự tánh, ba thứ dung hội, niệm niệm viên thông, lâu sau sẽ được thành tựu pháp quán: Duy tâm thức.

Lời phụ giải:

Dùng pháp mặc niệm để thành tựu duy tâm thức quán này hơi khó và cao, đa phần dành cho những bực có trình độ khá và cao trên bước đường tu tập. Người thực hành phải dùng quán tâm, không phải dùng niệm tưởng. Không động miệng mà tiếng phải rõ ràng, tiếng ấy là tiếng của tự tâm, dùng lối đem tánh nghe (văn tánh) nghe lại tiếng nói của tự tánh (phản văn văn tự tánh) đó là đã thâm đạt thật tướng của vạn pháp, thâm đạt nhứt thiết duy tâm vậy.

9. ĐIỀU HÒA HƠI THỞ

Hoặc lúc khí tịnh, tâm bình (8), thì trước nên tưởng thân mình đang ở trong vòng hào quang tròn, thầm quán trên đầu chót mũi, tưởng hơi thở ra vào, mỗi một hơi thở thầm niệm một câu A Di Đà Phật. Phương tiện điều hòa hơi thở, không hưỡn không gấp, tâm niệm và hơi thở nương nhau, theo nhau ra, vào; đi, đứng, ngồi nằm đều nên làm như thế, đừng để gián đoạn. Thường phải tự “mật trì,” nhiếp tâm đã lâu, cả hơi thở lẫn câu niệm, cả hai đều không còn phân biệt, tức thân tâm này cũng đồng với hư không. Trì đến thuần thục, tâm nhãn khai thông, Tam muội thoạt nhiên hiện tiền, chính là “Duy tâm tịnh độ” đó.

Lời phụ giải:

Pháp này cũng giống như Sổ Tức Quán trong Lục diệu môn. Dùng pháp đếm hơi thở, để điều hòa hơi thở ra vào. Mỗi một hơi thở hoặc ra, hoặc vào đều thầm niệm một câu A Di Đà Phật đều đều, không nên quá gấp cũng không được quá hưởn, vì sẽ làm chướng ngại cho sự chuyên nhứt. Phật niệm không dứt, tâm được thanh tịnh, trí được chuyên ròng không tạp, hòa hợp với sự bao la vô ngại của Thái hư, tất cả đều duy tự tâm, mà hễ tự tâm thanh tịnh thì quốc độ sẽ hoàn toàn thanh tịnh đối với ta vậy.

10. TÙY PHẬN

Hoặc lúc hôn trầm nhiều, thời nên kinh hành niệm Phật, hay khi tạp loạn nhiều thì nên ngồi ngay thẳng, yên lặng mà niệm. Giả sử đi hay ngồi đều không hợp, thời hoặc quỳ, hoặc đứng, cho đến tạm nằm, cũng đều cho phương tiện rộng rãi, có thể niệm Phật được cả. Cốt yếu: bốn chữ hồng danh (9) đừng để một niệm lãng quên, đó là yếu thuật hàng phục tâm ma vậy.

Lời phụ giải: Câu niệm Phật không phải chỉ dành lúc rảnh rang, hay tắm gội sạch sẽ, đến trước bàn Phật, mà nhứt thiết thời không được xao lãng. Bởi tâm niệm chúng sinh hàng ngày quá tạp loạn, hể hở là tạp tưởng xen vào ngay, quấy rối tâm niệm. Như bàn tay quậy vũng nước màn màn, nếu quậy ít hay quên quậy, màn màn sẽ trở lại ngay. Thế nên đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín, động, tịnh đều phải cố giữ câu niệm Phật, không cho xen hở. Như ông tướng giữ trại, như con mèo rình chuột, đừng để một niệm gián đoạn. Một câu niệm Phật không xen không hở, tùy phương tiện, tùy trường hợp, miễn sao cố giữ tâm niệm chuyên câu niệm Phật là được.

11. CHỖ NÀO CŨNG NIỆM PHẬT ĐƯỢC

Không luận chỗ sạch hay chăng, hoặc chỗ vắng vẻ hay chỗ chộn rộn, chỗ vừa dạ hoặc nơi thất ý, chỉ “Hồi quang phản chiếu” (10) và suy nghĩ: những cảnh thế này ta đã gặp hơn trăm ngàn muôn ức lần, từ nhiều kiếp đến giờ; chỉ có việc “niệm Phật vãng sanh” là ta chưa có thể thực hành trọn vẹn được, nên vẫn còn bị trong vòng lẩn quẩn luân hồi. Giờ đây ta cũng chẳng quản niệm được cùng chăng, chỉ thề giữ chặt “tâm niệm Phật” này, dầu chết cũng không để dứt “niệm đầu” (11). Tại sao? Bởi niệm đầu mà để một phút gián đoạn, thời tất cả thiện, ác, vô ký (12) bao nhiêu tạp niệm lại sanh. Vì lẽ đó, nên dù lúc đi đại, tiểu tiện hay sản phụ lúc lâm bồn, chỉ chăm chú việc niệm Phật, càng khổ càng niệm, càng đau càng niệm nhiều hơn, như con thơ gọi mẹ, không sợ mẹ hiềm giận, nếu sợ mẹ giận mà không gọi nữa, ắt đứa trẻ sẽ bị sa chân vào hầm phẩn nhơ nhớp, vì những sự dại dột do nó gây nên. Như thế chỉ có chết mất đi mà không làm sao được gặp mẹ.

Lời phụ giải:

Thế thường, có người không hiểu cho rằng: vào chỗ nhơ như nhà xí v.v... mà niệm Phật sẽ có tội. Nhưng trong pháp môn niệm Phật thì không phải vậy. Vì câu niệm Phật lúc nào cũng phải ngự trị trong tâm hồn ta; nếu vì lúc ăn, khi đi cầu v.v... mà để dứt, thì tức nhiên tạp niệm sẽ xen vào, mà hễ tạp niệm xen vào được, niệm này sanh niệm khác, nối luôn không dứt, tránh sao khỏi điều tội lỗi, và tránh sao thoát nẻo sanh tử luân hồi.

Hết thảy chúng ta giờ đây, chưa có thể nhứt thiết thời niệm Phật, nên phiền não niệm xen vào, biết bao điều phiền phức, đau khổ, nhọc nhằn; vậy thời chúng ta hãy cố gắng tập nhiều, tập mãi câu niệm Phật, hễ bận việc thời thôi. bằng hễ rảnh là ta niệm Phật. Không có gì tự nhiên mà được, phải đòi hỏi nhiều cố gắng, nhiều nỗ lực, vậy sau mới thành công. Bao nhiêu việc đời sẽ làm ta phiền lụy, muốn tránh bao phiền lụy không chi hơn luôn giữ câu niệm Phật.

Đức Phật như bà mẹ hiền thương con dại, không có bà mẹ nào là không thương con. Thế nên, ta một lòng tưởng nhớ, tha thiết kêu cầu Đức Phật sẽ thương mà hiện cứu. Phật không bao giờ bỏ và cũng không bao giờ có giận hờn vì hễ còn giận hờn ắt chưa thể thành Phật, cũng như không có đức Phật, Bồ tát nào mà thiếu lòng từ bi cả.

Xin hãy gắng niệm, đừng khinh mà coi thường.

12. NIỆM PHẬT CÓ ĐỊNH THỜI HAY KHÔNG

Trong pháp thứ mười một, không có định thời, nếu vậy sẽ ít người làm được. Bài này phương tiện nói có định thời là: sớm, tối hai thời, hoạch định thường khóa, từ nay đến suốt đời, không thêm, không bớt, ngoài ra trong suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ, có thể niệm được một câu, thì nên niệm một câu, có thể niệm được nhiều câu, thì nên niệm nhiều câu, bất luận niệm lớn hay nhỏ.

Cổ nhơn có bảo:

Ít nói một câu tạp

Nhiều niệm một câu Phật

Đẹp tốt biết bao nhiêu!

Lời phụ giải:

Vì sợ có nhiều vị, không thể lúc nào cũng giữ câu niệm Phật được (bởi quá bận kế mưu sinh) nên phải phương tiện định thời. Thế là ai cũng có thể tu Tịnh độ pháp môn được. Nhưng điều cốt yếu: khi đã định thời, thì phải cố gìn, đừng để sai siển, dù lúc bịnh hoạn hay đau khổ.

Tuy nhiên, hễ khi nào rảnh rỗi là ta phải nhớ ngay câu niệm Phật.

Đánh đổi chúng sinh niệm bằng Phật niệm, tuy không được cao siêu nhưng là một phương tiện hiếm có để chuyển mê thành giác vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]