Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

09. "Con trâu điên"

12/02/201216:01(Xem: 8017)
09. "Con trâu điên"
MÙI HƯƠNG TRẦM
Nguyễn Tường Bách
(Ký Sự Du Hành Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng)

PHẦN THỨ TƯ
TÂY TẠNG HUYỀN BÍ (tt)

"CON TRÂU ĐIÊN"

"Con trâu điên" (The crazy Yak) là tên một quán ăn thuần túy Tây Tạng. Buổi tối chúng tôi ngồi trong một tiệm ăn tự chọn của người Tây Tạng. Có lẽ tiệm này chủ yếu dành cho khách du lịch và người nước ngoài, nội cái tên bằng Anh ngữ cũng nói lên điều đó. Chúng tôi ngồi thở sau khi lên một cầu thang hẹp để đến một gian phòng lớn theo đầy Thangka [11]. Không khí loãng trên cao nguyên làm người ta rất mau mệt, nhất là sau khi đi tham quan các tu viện trên núi.

Vì thế không có gì sung sướng hơn buổi chiều tối được ngồi nghỉ, ăn uống và suy ngẫm những gì mình đã thấy trong ngày.
Chúng tôi ngồi nghỉ trước khi đến bàn ăn tự chọn xem thử trong đó có những món gì. Chắc là không thể có thịt trâu Yak, "con trâu điên" chắc chỉ là tên gọi lạ tai. Yak là sinh vật đặc trưng của Tây Tạng, chẳng thế mà tại một ngã tư lớn của Lhasa có một tượng đồng rất sinh động của hai con trâu. Người ta không thể làm thịt trâu, Yak là con vật có ích nhất cho dân Tây Tạng. Đối với họ con trâu là cả một gia tài.

Trâu Yak không giống trâu Việt Nam. Trâu Việt Nam đã chậm chạp mà nó còn chậm hơn. Điều khác nhất là lông nó rất dài, có lẽ để chống lạnh. Trên cao nguyên Tây Tạng tôi không thấy bò, chỉ trâu Yak lo chuyện đồng áng. Sữa trâu để dùng làm trà bơ, một chất bổ dưỡng mà tôi có dịp nếm ngay hôm nay. Mỡ trâu dùng để thắp đèn mà mùi của nó ngai ngái hết sức khó quên. Nhưng trâu cho người cái quan trọng nhất, đó là phân trâu.

Ở đây tôi không nói chuyện tiếu lâm, thật sự phân trâu là thứ quí nhất, nó là chất đốt chủ yếu. Đi ngang làng mạc Tây Tạng ta thấy mỗi nhà đều đắp trên tường hay phơi ngoài ngõ những bánh tròn tròn mới nhìn qua tưởng như bánh chưng. Thế nhưng nó không phải thứ để ăn mà để đốt, đó chính là phân trâu Yak. Phân trâu Yak khi đốt cho một ngọn lửa không mùi và rất nóng. Trên một xứ cao nguyên lạnh giá, hiếm gỗ thì phân trâu Yak là nguồn nhiên liệu quí giá.

Trên tường, đức Phật A-di-đà trong một bức Thangka thật lớn mỉm cười nhìn chúng tôi đến bàn lấy thức ăn. Chắc Ngài từ bi chấp nhận kẻ ăn mặn như tôi trong xứ của Phật pháp này. Quả nhiên như tôi đoán, không có thịt trâu Yak, nếu có tôi cũng chẳng ăn. Xung quanh tôi có những nhóm du lịch khác, lác đác có kẻ nói tiếng Đức xen lẫn tiếng Anh và lạ thay, trong số họ có nhiều người ăn chay, họ hỏi nhau món nào không có thịt. Cuối cùng tất cả chúng tôi đều vui lòng vì các món chay mặn đều có, tôi sớm tìm ra một món thịt, đó là thịt trừu. Tôi phải ăn thịt để lấy sức leo núi, phải uống bia để tiêu món thịt, đó là lý luận của những kẻ còn tham ăn tục uống như tôi. Thế nên dưới nụ cười của đức Phật từ bi, tôi ăn thịt trừu chăn trên sườn Hy-mã lạp sơn và uống bia Lhasa lấy nước từ những suối nguồn tinh khiết đó.

Tôi không phải là kẻ duy nhất ăn thịt trên cao nguyên Tây Tạng này. Nơi đây khí hậu quá lạnh nên không có bao nhiêu rau cải, rất nhiều người Tây Tạng phải ăn thịt để sống, kể cả nhiều tăng sĩ. Đã có nhiều cuộc tranh luận về việc ăn thịt hay không ăn thịt trong giới tăng sĩ, nhưng nói chung chỉ tăng sĩ của phái Cách-lỗ mới tuyệt đối ăn chay, tăng sĩ mũ đỏ có nhiều người ăn thịt, tăng sĩ miền bắc ăn thịt nhiều hơn người miền nam. Lý do đơn giản là miền bắc Tây Tạng quá lạnh, thực vật cũng không mấy thứ sống nổi.

Tôi đã vào trong nhà bếp của tu viện Drepung xem thử. Ngày nay đó không còn là nơi nấu cho hàng trăm hàng ngàn người ăn nữa nhưng những chiếc nồi to tướng nhắc tôi đây đã một thời náo nhiệt. Tôi bỗng nhớ câu chuyện của vị "đầu bếp giác ngộ" [12] và tự hỏi không biết vị đầu bếp nào đã nấu nướng nơi đây và "năng lực tâm linh" của người đó còn vương trong căn nhà đầy mồ hóng này hay không. Đầu bếp của các tu viện không phải là người thường, họ là những lạt-ma không kém phần cao trọng. Người Tây Tạng cho rằng thức ăn của những đầu bếp giác ngộ mới mang lại phước lành cho người ăn, tất cả sản phẩm do tay người làm ra, dù là sản phẩm gì, đều mang dấu ấn tâm linh của người đó. Tôi đọc lại câu chuyện nói trên và để ý thấy câu "lạt-ma đầu bếp này hàng năm trời đứng dưới thịt trâu xông khói". Thì ra người ta vẫn ăn thịt trâu Yak. Thế thì tăng sĩ và cư sĩ đâu còn gì khác nhau?

Quan niệm về đời sống tu sĩ tại Tây Tạng có nhiều điều khác biệt so với tăng sĩ của các nước khác. Nếu tại các nước theo Thượng tọa bộ người ta tin rằng chỉ tăng sĩ mới đạt quả A-la-hán thì đại thừa Phật giáo cho rằng cư sĩ cũng như tăng sĩ đều mang Phật tính trong tâm, ai cũng có thể đạt giác ngộ. Dù thế, nhưng tại Ấn Độ và Trung Quốc người ta còn phân biệt cư sĩ, tăng sĩ cũng như giới luật dành cho hai hạng người đó. Còn tại Tây Tạng sự phân biệt đó không còn rõ nét, có nhiều lạt-ma sống cuộc đời thế tục, có gia đình nhưng vẫn hành lễ như tu sĩ và được tín đồ trọng vọng. Nếu tại Ấn Độ vị cư sĩ nổi tiếng nhất là Cấp Cô Độc thì tại Tây Tạng, người đó là Marpa, "nhà đại phiên dịch".

Theo nhiều tài liệu, Marpa sinh năm 1012 tại nam Tây Tạng. Từ hồi trẻ ông đã học tiếng Phạn và bán toàn bộ sản nghiệp để dành tiền đi Ấn Độ. Ngày xưa người Tây Tạng đi Ấn Độ là dấn thân vào một chuyến phiêu lưu gian khổ, mười người đi bỏ mạng đến bảy tám người. Lý do là khí hậu Tây Tạng thì lạnh và khô, Ấn Độ thì nóng và ẩm, rất nhiều người đau ốm dọc đường. Ai đi Ấn Độ trở về đã là một kỳ công được nhiều người nể trọng.

Marpa đi Ấn Độ tổng cộng ba lần. Lần đầu ông gặp Naropa, đó là một vị đại thành tựu giả [13] và học đạo với vị này suốt 16 năm. Naropa là một vị hành giả tiêu biểu của đại thừa mật giáo của Ấn Độ, là người đồng thời của A-đề-sa và là một trong những nhân vật quan trọng của viện Phật học Na-lan-đà tại Patna. Ông là người truyền lại cho Marpa phép Đại Thủ Ấn [14] và bộ "Du già lục pháp" [15] với nhiều phép khổ luyện hết sức huyền bí. Marpa đem nhiều kinh sách, đặc biệt là của đại thừa của thời kỳ cuối, về Tây Tạng. Ông sống một cuộc đời nông phu, lấy vợ sinh con và đem hết sức mình ra dịch thuật kinh sách.

Sau đó ông lại đi Ấn Độ lần thứ hai, học thêm nhiều phép bí truyền. Về lại Tây Tạng, ông gặp một người xuất chúng của Tây Tạng và thâu nhận làm học trò. Người đó không ai khác hơn là Milarepa (người khổ hạnh áo vải). Milarepa bị Marpa hành hạ gần muốn tự tử chẳng qua là Marpa muốn giải ác nghiệp cho ông. Về sau, Milarepa đắc đạo và thành lập phái Ca-nhĩ-cư (Kagyupa), một trong bốn tông phái của Phật Giáo Tây Tạng và cư sĩ Marpa được xem là tổ thứ ba [16] của phái này. Lần thứ ba lúc tuổi đã cao, Marpa lại đi Ấn Độ một lần nữa vì một phép bí truyền, đó là giáo pháp "đoạn giáo". Nơi đây ông gặp lại vị thầy Naropa lần cuối. Người cư sĩ Marpa có nhiều điều giống với tăng sĩ Huyền Trang, kẻ sống trước ông ba thế kỷ. Hai vị đều là người đi Ấn Độ thỉnh kinh sách về nước mình và được tôn là "đại dịch sư".

Tôi ngẫm nghĩ điều đó trong "Con trâu điên" trong lúc có người mang lại một tách trà bơ cho tôi. Tôi vui mừng được uống thử trà bơ nổi danh mà tất cả các sách về Tây Tạng đều nhắc tới. Đó là thứ trà mà người ta uống rất nóng và tiếc thay, nó có mùi ngai ngái của mỡ trâu. Tôi đặt tách trà xuống và thành thực mà nói tôi thấy bia Lhasa ngon hơn và có lẽ sẽ chỉ uống trà này nếu không có gì để uống nữa và nhất là nếu cần nó để có chút hơi ấm khi sắp chết cóng vì lạnh. Sau đó tôi hết sức ngưỡng mộ khi người ta đem bánh Tsampa ra. Đó là thứ bánh làm bằng bột mì mà các tăng sĩ Tây Tạng hay tự tay làm để cúng dường các vị nữ thần Không hành nữ [17]. Tsampa, có ngày ta được nếm thử ngươi, được ăn thứ mà nữ thần cũng ăn, tôi sung sướng tự nhủ. Thế nhưng, Tsampa quá ngọt và vẫn không tránh được mùi mỡ trâu, tôi ăn không nổi.

Tôi sắp điên vì mỡ trâu chứ không có con trâu nào điên cả, đó là kết luận của tôi ngày hôm đó.
TỔ TIÊN TÂY TẠNG

Nếu ngày trước Govinda hay David-Néel đi Tây Tạng rất khổ nhọc thì ngày nay người ta đến xứ này tương đối dễ dàng, nhất là thủ đô Lhasa. Khách có thể từ Kathmandu, thủ đô Nepal, bay đi Lhasa, mỗi tuần hai chuyến. Nhưng cách đi hay nhất là đến Thành Đôâ, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, từ đây khách có thể dễ dàng đi thăm viếng Tây Tạng. Muốn đến Thành Đô ta có thể lấy máy bay từ Bắc Kinh, Thượng Hải nhưng tiện nhất cho khách nước ngoài là từ Bangkok. Ngày nay mỗi ngày có một chuyến bay Bangkok-Thành Đô bằng đường bay South West Airlines của Trung Quốc, thời gian bay khoảng gần ba tiếng đồng hồ. Thành Đô lại là kinh đô nước Thục ngày xưa, là nơi khách có thể tham quan Nga Mi sơn, Lạc sơn, nên đến Thành Đô, khách có thể phối hợp nhiều lộ trình tham quan hết sức thú vị [8].

Từ Trung Quốc khách có thể đi Tây Tạng nhưng phải có giấy phép đặc biệt. Vì thế hầu như tất cả mọi người đều phải đi trong các tour do các văn phòng du lịch tổ chức. Thành Đô là nơi tập trung khách đi Lhasa vì từ đó mỗi ngày có một chuyến bay với South West Airlines. Từ Bắc Kinh, Trùng Khánh cũng có chuyến bay đi Lhasa nhưng mỗi tuần chỉ hai ba chuyến không đáng kể.

Từ Thành Đô đi Lhasa, tôi bay từ đông sang tây. Ra khỏi Thành Đô không bao lâu một vùng núi non bát ngát đã xuất hiện, đó là lưng dựa hiểm yếu của nước Thục ngày xưa. Vùng núi non thỉnh thoảng được cắt bởi những hẻm sâu vực thẳm mà một trong những hẻm núi hiểm trở đó là thượng nguồn sông Cửu Long. Ôi, đã có một ngày tôi được bay trên đầu nguồn Cửu Long. Từ Thành Đô ta còn có một con đường bộ đi Lhasa. Tuyệt diệu thay nếu đời tôi được đi con đường đó, con đường băng núi bạt ngàn vượt qua vùng Đông Tây Tạng với những trang huyền sử. Con đường đó cũng dẫn đến suối nguồn của Cửu Long Giang mà tôi mơ ước được một ngày nếm vị ngọt của nó.

Hôm nay tôi sẽ đến Lhasa, "thành phố của chư thiên", nằm trên độ cao 3685m. Trên độ cao này không khí đã khá loãng, tôi chịu nổi không ? Tôi đã lên Zugspitze, đỉnh cao nhất nước Đức chưa đầy 3000m, đã đến Nga Mi sơn cao khoảng 3100m. Thế thì Lhasa phải là chỗ cao nhất xưa nay tôi chưa đến, độ cao của nó vượt hơn đỉnh Hoàng Liên sơn của ta khoảng nửa cây số. Tây Tạng là một một xứ sở kỳ dị, lớn rộng như Tây Âu, độ cao trung bình của nó khoảng 4500m. Dân của họ hết sức thưa thớt, quen sống vùng rẻo cao, ít người xuống được bình nguyên. Nguồn gốc của họ là từ đâu ?

Thời kỳ xa xưa của Tây Tạng chìm sâu trong bóng tối của lịch sử, như nhà Phật học người Ý Giuseppe Tucci [9] nói, "không có bao nhiêu dữ liệu mà phải đoán mò từ những truyền thuyết tôn giáo". Thế nhưng nhiều nhà địa chất và khảo cổ quả quyết rằng, đất Tây Tạng ngày xưa vốn nằm dưới đáy biển! Cách đây khoảng 40 triệu năm, bán đảo Ấn Độ di chuyển, va chạm vào lục địa châu Á mà đội lên thành Hy-mã lạp sơn và cao nguyên Tây Tạng ngày nay. Vì thế mà ngày nay người ta vẫn còn tìm thấy nhiều dấu vết của động vật sống dưới biển đã hóa thạch và nhiều hồ Tây Tạng là hồ nước mặn.

Tổ tiên người Tây Tạng, theo lời của chính họ, là một con khỉ ! Con khỉ đó không phải tầm thường, nó là một hiện thân của Quán Thế Âm, tìm đến một hang động lạnh lẽo trên núi cao để thiền định. Thế nhưng gần đó có một nàng ma nữ, gặp khỉ nàng khóc lóc than thở về mối cô đơn hiu quạnh của mình. Động lòng từ bi, khỉ chịu chung sống với ma nữ và sinh sáu người con và đó là tổ tiên của dân tộc Tây Tạng. Ngày nay người Tây Tạng vẫn tự thấy mình là sự tổng hợp của lòng từ bi dịu hiền của khỉ và sự lì lợm tham lam của ma [10].

Tây Tạng có một số lượng dân cư hết sức thưa thớt. Thủ đô Lhasa ngày xưa, trước khi Trung Quốc xâm nhập năm 1959, chỉ có khoảng 30.000 dân. Thành phố lớn thứ hai là Shigatse với khoảng 12.000 dân, thứ ba là Gyantse với khoảng 8000 dân. Toàn bộ dân tộc Tây Tạng chỉ gồm khoảng 5-6 triệu dân. Có lẽ không ai quan tâm đến dân tộc này và chỉ xem họ chỉ là một chủng tộc hoang sơ sống trên rẻo cao nếu Tây Tạng không có một nền văn hóa độc đáo.

Trong nền văn hóa vô song đó đạo Phật đóng một vai trò chủ đạo, nhưng đạo Phật tại đó cũng không còn là Phật giáo Ấn Độ, cũng chẳng phải là Phật giáo Trung Quốc, mặc dù mối liên hệ với hai vùng văn hóa đó hết sức mật thiết. Từ một xứ sở tưởng chừng như hoang sơ đó đã sinh ra và phát triển thành một trường phái Phật giáo thâm sâu, vừa đầy tính lý luận khúc chiết vừa đầy tính mật tông ảo diệu. Đến thời đại hiện nay Phật Giáo Tây Tạng tương đối còn sức sống trong lúc Phật Giáo tại Ấn Độ và Trung Quốc đã suy tàn.

Máy bay hạ dần độ cao, bay ngược dòng một dòng sông có chiều dài tổng cộng khoảng 2900km. Bên trái dưới máy bay là dòng sông Yarlung Tsangpo, một dòng sông anh em của Trường Giang, Hoàng Hà, Cửu Long. Nguồn của nó là dưới chân Ngân Sơn, ở miền tây Tây Tạng. Đối với Tây Tạng, Tsangpo cũng quan trọng như Trường Giang với Trung Quốc. Nó phát nguồn từ một mạn-đà-la vĩ đại quanh Ngân Sơn [11] , tên của nó có nghĩa "chảy từ hàm ngựa", chảy từ đông qua tây, bọc quanh một ngọn núi tuyết cao trên 7700m rồi thẳng đường phía nam, lúc này nó mang tên Brahmaputra, xuyên qua Bangladesh chảy ra Ấn Độ dương.

Tsangpo chính là nơi các nhà vua Tây Tạng xây dựng cơ đồ. Theo truyền thuyết, một ngày nọ trong năm 313 trước công nguyên, có một vương tử Ấn Độ thất thế phải chạy ngược lên Hy-mã lạp sơn. Đó là thời kỳ hùng mạnh của triều đại Maurya tại Ấn Độ, có lẽ vị vương tử này vì thế mà lánh nạn chăng. Vượt tuyết sơn đến Tây Tạng thì ông gặp dân chúng sống trong hang động, họ hỏi ông từ đâu tới. Vì bất đồng ngôn ngữ ông đành chỉ tay lên trời. Dân chúng tưởng ông từ trên trời giáng thế nên công kênh lên vai, tôn ông làm vua. Đó là vị vua đầu tiên, Nyatri Tsenpo. Vị vương tử may mắn này đưa văn minh Ấn Độ vào Tây Tạng, cho xây cất nhà cửa và đặt kinh đô bên dòng Tsanpo, thung lũng Yarlung.

Khi Nyatri Tsenpo chết thì huyền sử chép "theo một sợi dây mà lên trời"và sáu đời vua sau ông cũng theo cách đó mà giã từ nhân thế. Thế nhưng đến đời vua thứ tám, Drigum Tsenpo thì "dây dứt", nhà vua này được chôn tại Yarlung và từ đó về sau lăng mộ các nhà vua Tây Tạng đều ở Yarlung cả, ngày nay vẫn còn. Đến đời thứ 23, lúc đó là khoảng năm 371 sau công nguyên, thời nhà vua Totori Nyentsen, "trên trời bỗng rơi xuống nóc điện nhà vua"kinh sách bằng tiếng Phạn không ai đọc được. Trong một giấc mộng nhà vua được biết rằng, năm đời sau mới có vị vua đọc và hiểu được kinh sách. Đó chính là vị Tùng-tán Cương-bố nói trong chương trước.

Tùng-tán Cương-bố lên ngôi, nước Tây Tạng hưng thịnh chưa từng có và cùng với hai nàng công chúa nước ngoài, ông không những "đọc và hiểu" kinh sách tiếng Phạn mà còn xây đền tháp, gửi người đi tu học ở Ấn Độ, dịch kinh sách. Căn cứ trên tư tưởng Phật Giáo, nhà vua ban bố "Thập thiện" và "Thập lục yếu luật" để dân chúng thi hành. Nhiều học giả cho rằng, kể từ đây nước Tây Tạng mới thoát khỏi tình trạng hoang sơ man dã.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]