Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

07. Từ tiểu ni cô Nghi Lâm đến nàng Lý Ngư

12/02/201216:01(Xem: 8873)
07. Từ tiểu ni cô Nghi Lâm đến nàng Lý Ngư
MÙI HƯƠNG TRẦM
Nguyễn Tường Bách
(Ký Sự Du Hành Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng)

PHẦN THỨ BA
TRUNG QUỐC, XỨ SỞ CỦA BỒ-TÁT

TỪ TIỂU NI CÔ NGHI LÂM ĐẾN NÀNG LÝ NGƯ

Dưới chân Hằng sơn tôi không thể không nhớ đến một người con gái tên gọi là Nghi Lâm. Đó phải là một thiếu nữ tươi đẹp, hoạt bát, đầy nhựa sống, ham hoạt động. Thế nhưng đồng thời, nàng là một tiểu ni cô với hạnh nguyện nghiêm túc mà cuộc đời mãi mãi gắn liền nơi cửa Phật. Những cuộc đấu tranh long trời lỡ đất trong Tiếu Ngạo Giang Hồ đưa đẩy nàng xuống núi hành hiệp, nhưng cứ mỗi lần phạm chút lỡ lầm, nàng lại thầm cầu mong bồ-tát tha tội.

Với tuổi tác và võ công non kém, Nghi Lâm "hành hiệp" không hiệu quả lắm, nàng chỉ có một vai trò rất phụ thuộc. Nàng chỉ "nổi" trong sự hoạt bát đầy thông minh của mình và cũng với tấm lòng yêu cuộc sống đó, nàng cảm thấy gần gủi tự nhiên với Lệnh Hồ Xung, một chàng trai dễ yêu. Theo đà câu chuyện, Kim Dung sáng tạo ra cả cảnh Lệnh Hồ Xung phải miễn cưỡng làm cả trưởng môn phái Nga Mi của Hằng sơn, dẫn đầu cả một đám nữ đệ tử trong đó có Nghi Lâm. Hay thay cái chính tà đan chéo lẫn lộn, một kẻ bị trục xuất ra khỏi Hoa sơn vì "theo tà bỏ chính" mà lãnh đạo Hằng sơn, các vị ni sư Hằng sơn dám phá chấp để gọi một chàng trai ham rượu chè về núi để điều động đệ tử. Trong khung cảnh đó một tình cảm nẩy nở trong lòng Nghi Lâm mà nàng không biết gọi tên.

Nghi Lâm không biết gọi nó là tình yêu, thứ tình cảm mà nàng thấy thể hiện bằng sự quyến luyến Lệnh Hồ đại ca. Nàng không tìm cách kềm chế nó như các vị sư trưởng của nàng mong đợi, vì đối với nàng, tình cảm đó chưa có gì là tội lỗi. Các vị sư tỉ của nàng già giặn hơn, biết đó là tình yêu và tìm cách ngăn cản một cách nhẹ nhàng, đầy từ bi như bồ-tát của họ. Dễ thương biết bao, mối tình nhẹ nhàng này của tác phẩm, nó xuyên suốt đến cuối câu chuyện để Nghi Lâm rốt cuộc trở thành một người chủ chốt, hạ thủ cả Nhạc Bất Quần. Đáng thương thay cho nàng, nàng sẽ ân hận suốt đời vì hành động mà người như Nghi Lâm sẽ cho là vô đạo đó. Và không ai rõ sau khi câu chuyện chấm dứt, các vị sư nữ trở về núi tu hành tụng niệm, làm sao Nghi Lâm quên được lòng "quyến luyến" của mình. Liệu sau đó nàng biết đó là tình yêu hay không, đó là điều người đọc truyện tự trả lời.

Đến Hằng sơn, tiếc thay tôi không còn thấy một tiểu ni cô nào cả. Đi nhiều nơi thăm nhiều tự viện tại Trung Quốc ngày nay, tôi cũng không thấy một vị sư nữ nào, chứ đừng nói tới ni cô vai mang kiếm đi hành hiệp. Tại nhiều chùa tôi nghe nói đến có sư nữ nhưng hình như chúng tôi không được thăm viếng. Hẳn hình ảnh sư nữ Phật giáo đã biến mất khỏi xã hội Trung Quốc ngày nay. Thế nhưng tại Bắc Kinh, tôi gặp một chuyện lạ. Tôi được đi xem opera, tuồng "Truyện nàng Lý ngư" tại Nhà hát lớn ở Bắc Kinh, cách quảng trường Thiên An môn không xa.

Tuồng kể có chàng thư sinh nọ, gia đình nề nếp. Lúc nhỏ chàng đã được đính hôn với con gái của một ông quan. Về sau cha mẹ chết sớm, gia đình sa sút, chàng thư sinh ngày càng nghèo, gia đình ông quan nọ tỏ vẻ xa lánh chàng. Chàng thư sinh buồn bã không thiết gì đến việc học hành, ngày đêm thở vắn than dài. Ngày nọ cô tiểu thư con ông quan đến thăm thư sinh, bày tỏ vẫn yêu thương chàng, nhưng tại cha mẹ nàng sinh lòng rẻ rúng, chứ nàng vẫn quyết một lòng chung thủy với chàng. Chàng thư sinh hết sức phấn khởi, chăm chỉ học hành. Chàng có ngờ đâu người con gái đó là một nàng Lý ngư sống trong hồ, tu luyện lâu năm, biết được hoàn cảnh của chàng, biến hiện thành tiểu thư nọ đến khuyên nhủ để chàng yên tâm dùi mài kinh sử.

Ngày nọ đến hội hoa đăng, đôi trai tài gái sắc đi hội, không ngờ gặp nàng tiểu thư thật ! Chàng thư sinh lấy làm kỳ thấy hai người giống nhau như hệt mà người nào cũng tự xưng là tiểu thư cả. Ông quan nọ được vời đến để phân biệt ai là con gái mình, thế nhưng không sao biết được cả, vì nàng Lý ngư có thần thông đã biết hết mọi chuyện riêng tư của nàng tiểu thư. Nàng Lý ngư đã lỡ hiện hình tiểu thư, nàng phải làm cho trót vai trò, nhưng còn thêm một điều thú vị, đó là nàng đã lỡ yêu chàng thư sinh mất rồi. Ông quan nọ không biết làm sao nên đem cả hai nàng đến Bao Công nhờ phân xử.

Nàng Lý ngư có một ông anh sống tại thủy cung, thần thông xuất chúng. Ông anh này liền biến mình thành Bao Công để tìm cách bênh vực cho cô em gái. Thú vị thay khi thấy hai Bao Công và hai tiểu thư giống hệt nhau trên sân khấu trong sự hoang mang hoảng hốt của ông quan nọ và chàng thư sinh tốt số. Cuối cùng Bao Công thật mới dùng cái kế muôn đời là đem thư sinh vô tội ra đánh đòn trừng trị để xem phản ứng của hai nàng tiểu thư, qua đó mà biết ai thật ai giả. Cũng lụy vì tình mà nàng Lý ngư lộ bản chất chỉ là con cá chép tu luyện ngàn năm. May mắn thay cho nàng, chàng thư sinh không chê nàng mà đem lòng yêu thương, theo về đến thủy cung.

Tưởng như vậy là ổn, ai ngờ đây là một chuyện sai đạo lý, người không thể chung sống với súc sinh! Và người thi hành đạo lý đó là tướng nhà trời Dương Tiễn. Dương Tiễn đem quân đến thủy cung bắt Lý ngư. Ngờ đâu Lý ngư cũng như chàng thư sinh yếu đuối nhất định đánh lại, thà chết chứ không chịu xa nhau. Cuối cùng Lý ngư đánh không lại Dương Tiễn, nàng cầu cứu Phật Bà Quan Âm. Bồ-tát Quan Âm hiện ra, cho nàng lựa chọn, nếu là vì tình yêu thì được biến thành người, chung sống với thư sinh nhưng phải mất công phu tu luyện, mất tuổi thọ mấy ngàn năm. Nàng Lý ngư thưa: "Nếu không có tình yêu thì sống ngàn năm phỏng có ích gì". Xúc động thay lời nói của nàng. Sau đó nàng chịu cho Dương Tiễn rút ba cái vảy thần, chúng là hiện thân của kết quả tu luyện ngàn năm của mình và về sống làm người với cuộc đời dân giã.

Trong bóng tối, tôi thầm lặng cảm nhận câu chuyện, nhận ra lòng mình nhiều cảm khái về opera của Bắc Kinh nổi tiếng toàn thế giới mà ta tạm gọi là "hát bộ". Hay thay, giải pháp có tình có lý đầy từ bi, đầy tính người của Quan Âm. Liều lĩnh thay, Lý ngư, dám bỏ công phu tu luyện ngàn năm để làm kiếp nhân sinh nhiều rủi ro, đầy trắc trở; bỏ thần thông để làm con người yếu đuối và bất lực trước mọi hoàn cảnh. Tất cả những hy sinh đó chỉ để làm theo tiếng gọi của trái tim. Và lạ lùng thay, giữa Bắc Kinh mà có những vở tuồng có tính phê phán xã hội và đầy tính tâm linh tôn giáo, trong đó Bao Công thật và giả đấu tranh với nhau trước mắt người dân, trong đó hình ảnh của Nam Hải Quan Âm được trình bày hết sức trân trọng và cuối cùng giải pháp của Ngài đề ra là chung quyết, trọn vẹn cho con người.

Nghi Lâm và nàng Lý ngư đều là những hình tượng tuyệt đẹp để tả tình yêu trai gái, một khía cạnh ưu việt của văn hóa nghệ thuật Trung Quốc. Hai câu chuyện khác nhau xa về kết cục nhưng giống nhau ở chỗ hai nàng đều xả thân, không tiếc mạng sống mình. Những điều đó làm rung động đến tâm can người đọc người xem. Những mối tình nhẹ nhàng như của Nghi Lâm, mãnh liệt như của Lý ngư đều có một nguồn gốc chung là tính người. Vì thế chúng được thể hiện khắp nơi, có thể nằm trong một bộ trường thiên tiểu thuyết của Kim Dung, cũng có thể ở trong một tích tuồng đầy màu sắc và tiếng thanh la não bạt của opera Bắc Kinh.

[1] - Hình trích của R.Grousset, sách đã dẫn

[2] - 598-649 Vị vua đời Đường rất có công với Phật giáo Trung Quốc. Ông đích thân viết bài "Đại Đường tam tạng thánh giáo tự", là người giúp cho sự nghiệp dịch kinh của Huyền Trang được thành tựu
[3] - Xem chương "Vui đẹp thay thành Vương Xá" trong phần hai

[4] 1586-1641
[5] - Việt dịch của Thích Nhất Chân

[6] - Một chiếc răng Phật khác hiện nay được thờ tại chùa Vô Úy sơn tại Tích Lan. Theo truyền thuyết thì cuối thế kỷ thứ tư sau công nguyên, thời nhà vua Tích Lan Sri-Meghevanna, có một vương tử của nước Kalinga, Ấn Độ tên là Danta Kumana đi lánh nạn tới Tích lan, mang theo một chiếc răng bên trái của Phật

[7] - Tsongkhapa, 1357-1419

[8] - Càn Long là nhà vua nối ngôi Ung Chính và được nhiều truyền thuyết cho là hậu thân của một thiền sư Việt Nam.
[9] - Lời của Di-lặc nói với Thiện Tài. Trích Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Nhập pháp giới, Việt dịch của Thích Nhất Chân

[10] - Xem thêm hai chương đầu tiên của phần thứ tư

[11] - Bốn pháp nạn là trong các thời vua Vũ Đế của Bắc Ngụy, một vị Vũõ Đế khác của Bắc Châu (574), Võ Tôn đời Đường (840-847) và Thế tôn thời Hậu Châu (giữa thế kỷ thứ 10). Bốn pháp nạn này được gọi chung là "Tam Vũ Nhất Tôn pháp nạn"
[12] - Vimalakirtinirdesa-sutra
[13] - Cách dùng chữ của W.Schumann


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]