Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

12. Những kích thước vĩ đại

12/02/201216:01(Xem: 7339)
12. Những kích thước vĩ đại
MÙI HƯƠNG TRẦM
Nguyễn Tường Bách
(Ký Sự Du Hành Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng)

PHẦN THỨ BA
TRUNG QUỐC, XỨ SỞ CỦA BỒ-TÁT

NHỮNG KÍCH THƯỚC VĨ ĐẠI

Từ chân núi Nga Mi có con đường số 31 đi về phía đông, cách khoảng 30km là một thị trấn nhỏ tên gọi là Lạc sơn (Leshan) . Lạc sơn là chỗ tụ hội của ba con sông Mân Giang, Thanh Y giang và Đại độ hà. Ba con sông này nhập lưu nơi đây nên chỗ này nước xoáy, sóng dữ, xưa nay ghe thuyền bị đắm rất nhiều.

Ngày nọ có một tăng sĩ tên là Hải Thông đi qua, thấy thuyền bè đi lại rất nguy hiểm, ông quyết xây nơi đây một tượng Phật thật lớn mà người Trung Quốc gọi là "Đại Phật". Ông lựa một ngọn núi đá nhìn ra hướng ba con sông, quyên tiền bạc của cải để bắt đầu công trình xây dựng. Viên quan địa phương thời đó thấy ông có tiền của, đòi chia chác. Ông khẳng khái từ chối, nói đó là tiền của bá tánh quyên góp, không phải là tiền của ông và nói thêm, nếu của ông thì ông không tiếc gì cả. Viên quan nọ hỏi xin thử mắt ông, nào ngờ Hải Thông móc mắt đưa ngay. Việc làm đó dĩ nhiên làm người thần đều sợ, Hải Thông bắt đầu công trình xây dựng, đó là năm 713, đời nhà Đường.

Hải Thông xây dựng đến cuối đời mình vẫn chưa xong, sau khi ông chết nhiều tăng sĩ tiếp tục công trình. Đến năm 803, chín mươi năm sau, Đại Phật Lạc sơn hoàn thành, ngày nay là tượng Phật đẽo từ đá lớn nhất thế giới. Đó là tượng Phật Di-lặc cao 71m, đẽo từ một vách đá, lưng dựa vào núi Long Vân, mặt nhìn ra sông, mắt ngang 3,3m, tai dài 7m, vai rộng 24m, trên bàn chân đứng được 100 người. Khí độ tượng Phật hùng vĩ, xứng đáng với câu "Sơn thị nhất tôn Phật, Phật thị nhất tòa sơn" (Núi là một vị Phật, Phật là một ngọn núi). Sau khi tượng hoàn thành tàu bè không còn bị đắm. Nhiều người cho rằng lúc xây dựng, đá núi được đổ xuống sông và biến đổi lòng sông một cách thuận lợi, chế ngự được các dòng nước xoáy. Nhiều người khác cho rằng Di-lặc mà nhìn ra sông thì dòng sông là nguồn ân phước vô tận.

Lạc sơn thực ra là một thị trấn nhỏ nhưng nhờ Đại Phật lớn nên ngày nay đã trở thành một đô thị phồn vinh với nhiều du khách. Đây là nơi của trung tâm bảo tồn vùng Nga Mi-Lạc sơn, theo công thức mà người Trung Quốc ưa nói "Lên Nga Mi đảnh lễ Phổ Hiền, xuống Lạc sơn tham bái Di-lặc". Đến Lạc sơn tôi được biết thêm ngày xưa tượng Đại Phật này có thêm một tòa lâu đài cao 13 tầng che chở bức tượng, gọi là Đại tượng các, nhưng đã bị hủy cuối đời nhà Minh. Thế nhưng mưa gió bao thế kỷ không hề hấn gì đến tượng Di-lặc bằng đá, có chăng là trên đầu, vai, tay áo của tượng rêu phong đã bám xanh rì.

muihuongtram-03-13%2836%29

Hai bên tả hữu bức tượng có đường đi từ dưới chân Đại Phật lên núi Long Vân, trên đó có chùa Linh Bảo với tháp gạch cao 38m xây trong đời nhà Tống. Cũng tại đó ta có thể thấy tượng Hải Thông mà khuôn mặt và điệu bộ cương quyết của ông hầu như còn truyền đạt ý chí sắt đá của người xưa.
Rời Lạc sơn vài km là không còn thấy du khách đâu nữa, chúng tôi đi hướng bắc để đến Bát long đảo. Trên dòng Thanh Y Giang tôi lạc vào một "quốc độ" chỉ toàn là tháp tượng, đó là "Thiên tháp Phật quốc" tại Tào Ngư Than. Nơi đây, tuy không đến ngàn ngôi tháp như tên gọi nhưng con số cũng lên đến 108 ngọn tháp, không tháp nào giống tháp nào, tất cả đều được tạc bằng "nhã thạch". Cảnh vật u tịch ở đây làm tôi nhớ đến chùa Linh Mụ và điện Hòn Chén ở Huế. Cả hai nơi đều là cảnh thanh sơn thủy tú, sông liền núi, núi ngăn sông. Điều khác biệt với xứ Huế bé nhỏ là người Trung Quốc không ưa những con số nhỏ, những kích thước bé. Lẫn trong 108 ngọn tháp đó là một tượng Phật nhập Niết bàn dài 45m, cao 12,5m. Giữa núi rừng cô tịch, nhìn xuống là nước, nhìn lên là núi, giữa vô số tượng tháp và trong mùi hương trầm quen thuộc, tôi bỗng nhớ thượng nguồn sông Hương tha thiết.

Những ngày xưa ấy hiện về rõ mồn một với màu nước trong xanh, với lòng kính sợ khi đi thuyền qua trước điện Hòn Chén. Đó là ngôi điện nằm đúng chỗ miệng con rồng vĩ đại, một nhánh của Trường sơn, cúi mình hút nước sông Hương. Đó phải là nơi mà ngày xưa còn rất nhỏ, tôi đã cảm thấy giữa trời đất này phải có cái gì thiêng liêng, nó không thể chỉ là cát đá trơ trụi được. Thế giới không thể chỉ là vài hạt điện tử quay vòng vòng xung quanh hạt nhân được, tôi tự nhủ khi lớn lên. Tuy thế nếu hỏi cái thiêng liêng đó là gì, không ai trả lời được rõ ràng. Ngày nọ nghe Goethe, nhà thơ lớn nói: "Giữa trời và đất hẳn phải có cái gì khác nữa", tôi thấy mình không đơn độc lắm, nhưng nhà thơ và cũng nhà bác học người Đức đó cũng chẳng nói gì thêm. Ông không biết hay biết mà không muốn nói ?

Không phải chỉ Goethe, nhiều người phương tây dường như cũng khắc khoải về "cái gì đó nằm giữa trời và đất". Tôi nhớ đến câu chuyện của một phi hành gia. Ông ta tự hỏi, mình đi bao nhiêu tầng trời rồi mà chẳng thấy Chúa đâu cả. Một nhà giải phẫu đáp lại, ông đã mổ bao nhiêu cái đầu rồi mà cũng không thấy tư tưởng đâu cả. Xem ra, cái thiêng liêng đó không phải là thứ để ta thấy, để ta có thể sờ mó được. Nó nằm ngoài năm giác quan của ta nhưng nó thâm nhập và điều hành mọi sự. Đã bốn mươi năm trôi qua kể từ lòng kính sợ ngày xưa tại điện Hòn Chén đến ngày nay được hân hoan đứng trước tượng Đại Phật nhập niết bàn tại Hồng Nhã Tứ Xuyên, tôi cũng không biết rõ hơn bao nhiêu cái thiêng liêng đó thực chất là gì. Thế nhưng điều tôi hiểu rõ là câu hỏi nọ của mình ngày trước không hề là thắc mắc của trẻ con khờ dại mà là vấn đề trọng đại nhất của con người.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]