Nguyễn Tường Bách
(Ký Sự Du Hành Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng)
PHẦN THỨ BA
TRUNG QUỐC, XỨ SỞ CỦA BỒ-TÁT
UNG HÒA CUNG VÀ TIỂU TRUYỆN VỀ TRUNG QUỐC-TÂY TẠNG
Tại Bắc Kinh, đền thờ rực rỡ nhất ngày nay phải là Ung Hòa cung. Nơi đây là chốn khách du lịch lúc nào cũng đông như hội. Đây là nơi khách hành hương chủ ý đến lễ bái một pho tượng Phật Di-lặc tuyệt đẹp. Điện thờ này chứa nhiều sự tích và ý nghĩa thâm trầm về mối quan hệ Trung Quốc-Tây Tạng.
Đây là một cung điện hay một ngôi chùa? Cả hai! Thời nhà Thanh (1662-1911) có một vị hoàng tử tên là Dận Chân. Năm 1694 Dận Chân cho xây một cung điện. Về sau, năm 1723 Dận Chân lên ngôi thành nhà vua Thế Tôn Ung Chính, về trị vì tại Tử Cấm thành. Từ đó cung điện cũ của hoàng tử Dận Chân mang tên là Ung Hòa Cung và không ai được vào đó ở. Sau đó nhà vua Thế Tôn tặng cung Ung Hòa cho Phật giáo Tây Tạng, thời đó được gọi là Lạt-ma giáo. Lý do của sự hiến tặng đầy hào phóng đó là lòng nhiệt tâm tôn giáo trộn lẫn với tính toán chính trị.
Tôi đến Ung Hòa cung và thấy một rừng người vói khói hương nghi ngút. Đây là một tổng thể gồm năm điện, nằm trong một khu vườn rộng lớn. Từ cổng vào, ta phải đi một đoạn xa mới tới được điện đầu tiên với Di-lặc và các vị thiên vương. Điện thứ hai mang tên Ung Hòa điện, thờ ba vị Phật tam thế, quá khứ hiện tại vị lai. Điện thứ ba mang tên Vĩnh Hưu điện, thờ A Di Đà và Dược Sư Phật. Điện thứ tư là Pháp luân điện thờ đại sư Tông-khách-ba [7], nhà cải cách trong thế kỷ 14 của Phật giáo Tây Tạng, thầy dạy của các vị Đạt-lai lạt-ma và Ban thiền lạt-ma.
Cuối cùng là Vạn phúc các, thờ Di-lặc trong dạng một bức tượng cao 18m, đường kính 3m, làm từ một thân cây trầm hương duy nhất. Tượng này được Đạt-lai lạt-ma thứ 7 tặng cho vua Càn Long[8]. Trong năm điện đó ta tìm thấy vô số tranh tượng diễn tả kinh điển, sự tích, các vị thánh nhân, hộ pháp, núi Tu-di, các công trình nghiên cứu, trong đó có cả các ngành khoa học và toán học. Trong Pháp luân điện có tượng của 500 vị la-hán, hai bên vách chứa toàn kinh sách cổ.
Thế nhưng tất cả đều làm tôi sớm quên khi thấy tượng Di-lặc. Tôi ngẩn người vì cái đồ sộ của tượng, tới dưới chân ngẩng đầu nhìn cặp mắt xanh biếc của Ngài. Sau bao nhiêu lần thấy tượng Di-lặc mập tròn thường có tại Trung Quốc, nơi đây tôi lại được thấy tượng Ngài theo cách diễn tả của Tây Tạng với khuôn mặt vô cùng trí tuệ. Di-lặc là vị "hóa thân thiên ngàn ức", có dạng là một hòa thượng mập tròn đùa dỡn với trẻ con cũng có, làm kẻ héo hon đi ăn xin cũng có, làm trời, làm người, làm kẻ hướng đạo, làm người hầu cận. Ngài mang mọi dạng hình, đi khắp bốn phương trời để giáo hóa Tính Không.
"Thiện nam tử, hãy thức dậy ! Pháp tính là như vậy. Bồ-tát biết tất cả các pháp do nhân duyên kết tụ lại mà hiện ra, tự tính (của chúng) là như vậy, như huyễn, như mộng, như ảnh, như bóng, không có gì được thành tựu hết!" [9]. Ôi, chân lý đó của Phật giáo đại thừa, dưới chân tượng, tôi thấy hầu như Di-lặc đang mỉm cười nhắc lại.
Nhưng đó là chân lý tuyệt đối, còn tại trần gian tương đối này, bức tượng này một sự thành tựu tuyệt vời, bàn tay nghệ nhân nào đã tạc ra một khuôn mặt vừa trí tuệ vừa từ bi như thế. Bức tượng này quả thật là một món quà vương tước. Nó đánh dấu một giai đoạn hữu hảo của Trung Quốc và Tây Tạng mà ngày nay mối quan hệ giữa hai bên đã trở thành phức tạp.
Trong lịch sử Tây Tạng, đây là một vương quốc trong thế kỷ thứ 7 sau công nguyên với nhà vua Tùng- tán Cương-bố (Songten Gampo), trị vì khoảng từ 617 đến 649. Đó là một thời phát triển rực rỡ của Phật Giáo, kéo dài suốt từ thế kỷ thứ 7 đến thứ 9[10]. Sau một thời gian bị bức hại, khoảng thế kỷ thứ 11, Phật giáo lại được phục hưng nhưng lại rơi vào một thái cực khác, nó trở thành một chế độ tăng lữ, trong đó các tăng sĩ đảm nhiệm luôn việc điều hành đất nước.
Qua thế kỷ thứ 13 tại Trung Quốc, nhà Nguyên lên ngôi hoàng đế. Năm 1279 Hốt Tất Liệt thống nhất sơn hà Trung Quốc, đem quân đánh luôn Tây Tạng bắt được giáo chủ Phát-tư-ba (Phagpa) của phái Tát-ca (Sakya). Thế nhưng Phát-tư-ba không hề ở tù một ngày mà lại được Hốt Tất Liệt trọng đãi như thần tiên. Người Mông Cổ Hốt Tất Liệt làm hành động đó vừa do lòng sùng tín thuần thành vừa lại rất khôn khéo chính trị. Về sau Hốt Tất Liệt đưa Phát-tư-ba về lại Tây Tạng và "ủy thác" việc cai trị xứ sở này. Kể từ đó Tây Tạng thần phục Trung Quốc, ngược lại nhà Nguyên vì quá tôn thờ Lạt-ma giáo mà mất đế chế. Cuối đời nhà Nguyên, nhân dân Trung Quốc đói khổ còn một số lạt-ma lại quá lộng hành, có vị cho đào cả mộ các vua nhà Tống. Năm 1368 có một vị tăng người Hán tên là Chu Nguyên Chương, dấy quân diệt nhà Nguyên Mông Cổ, lên ngôi vua. Đó là Thái tổ nhà Minh. Nhà Minh trở lại với Phật giáo Trung Quốc nhưng vẫn khôn ngoan tiếp tục bảo hộ lạt-ma giáo, ban vương tước cho các vị tăng sĩ Tây Tạng. Qua đó ta thấy việc bảo hộ lạt-ma giáo vì lý do chính trị là một chính sách nhất quán của các vương triều Trung Quốc.
Ba trăm năm sau, trong một bộ tộc Mãn Châu, lại có một nhân tài xuất hiện, diệt nhà Minh, thống nhất sơn hà, lập nhà Thanh năm 1662, trị vì thiên hạ cũng được khoảng 300 năm. Nhà Thanh lại là dân ngoại tộc, có máu giang hồ nên lại hết lòng ủng hộ lạt-ma giáo. Cũng như nhà Nguyên, nhà Thanh ủng hộ các vị lạt-ma vì lòng sùng tín, nhưng với chính sách rất rõ, họ dùng các vị lạt-ma để thống trị Tây Tạng và Mông cổ. Nhà vua thứ ba là Thế tổ Thuận Trị sai sứ thần đón Đạt-lai lạt-ma thứ 5 về triều, tặng danh hiệu Quốc sư.
Sau Thế tổ, nhà vua Khang Hy cho quân tiến vào Tây Tạng năm 1720. Và như ta đã biết, sau Khang Hy là Ung Chính tặng Ung Hòa Cung năm 1723. Như thế là kể từ Hốt Tất Liệt cuối thế kỷ thứ 13, Tây Tạng đã thần phục Trung Quốc. Cuối đời nhà Thanh năm 1911, lúc Tôn Văn lật đổ chính quyền để lập thể chế cộng hòa, Tây Tạng tuyên bố tự trị. Thế nhưng, tuyên ngôn độc lập đó đã quá trễ. Một năm sau khi Trung Quốc giành lại độc lập năm 1949, họ đem quân chiếm đóng Tây Tạng.
Phải công bằng thấy rằng, kể từ gần 700 trăm qua, Tây Tạng luôn luôn là một xứ chư hầu của Trung Quốc. Dù nhiều đau thương đã xảy ra cho dân tộc Tây Tạng, nhưng ta khó đòi một nước Tây Tạng độc lập với đầy đủ chủ quyền. Nhìn lại lịch sử, ta thấy chính các vị lạt-ma, quá dính líu với quyền lợi thế gian, đã đưa dân tộc mình vào chỗ bị lệ thuộc. Ngày nay, vị Đạt-Lai lạt-ma thứ 14 cũng có lúc thừa nhận rằng dân tộc của ông đang trả nợ với giá rất đắt cho chế độ tăng lữ ngày xưa, cho những vị lãnh đạo tinh thần nhưng mang nghiệp tham ái quyền lực và danh vọng.
Tại Ung Hòa Cung, khi ngẫm nghĩ những điều này, tôi chưa biết sẽ có một ngày mình sẽ đi Tây Tạng.