Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

11. Nga Mi Sơn

12/02/201216:01(Xem: 8357)
11. Nga Mi Sơn
MÙI HƯƠNG TRẦM
Nguyễn Tường Bách
(Ký Sự Du Hành Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng)

PHẦN THỨ BA
TRUNG QUỐC, XỨ SỞ CỦA BỒ-TÁT

NGA MI SƠN (Emeishan)

Lý Bạch, nhà thơ đã từng leo lên Nga Mi sơn để ngắm trăng và nghe đàn cầm đã viết về ngọn núi này: "Nga Mi cao xuất Tây Cực thiên, La phù trực dữ thanh minh tế" (Ngọn Nga Mi cao quá trời Tây phương cực lạc, Bao la cây cỏ khoảng trời xanh).

Bao nhiêu năm tháng trước Lý Bạch, Tạp Hoa Kinh (một tên khác của Hoa Nghiêm Kinh) cũng nhắc tới Nga Mi bằng những dòng: "Phổ Hiền hóa nhân thiên đẳng chúng, hiện tướng hải ư Hoa Mi sơn" (Phổ Hiền hóa người trời các loại, Hiện tướng nhiều như biển ở Hoa Mi sơn). Huyền sử chép Nga Mi sơn là trú xứ của Bồ-tát Phổ Hiền, không những thế nơi đây còn có cả một cái ao mà Phổ Hiền từng tắm cho con voi sáu ngà của mình.

Nga Mi sơn nằm ở phía nam tỉnh Tứ Xuyên, cách Thành Đô 160km về phía tây nam, với đỉnh cao nhất là Vạn Phật đỉnh đo được 3099m. Đường lên núi Nga Mi hết sức cheo leo với hai đường đèo, một phía bắc dài 44km, đường kia phía nam dài 66km. Sau đó ta phải đi bằng dây cáp mới lên được tới đỉnh. Tôi lên đỉnh gặp một ngày nắng tốt, thông thường ở đây mây mùa bao phủ quanh năm vì Nga Mi sơn nằm không xa hai giòng Mân giang và Thanh Y giang. Lên tới đây không khí đã loãng, đi vài bước ta đã hụt hơi.

muihuongtram-03-11%2834%29

Thật là một cảnh tượng sơn kỳ thủy tú tôi chưa từng thấy. Đường đi quanh co, cứ qua khỏi một khúc quanh, cảnh vật lại hiện ra khác lạ. Vách núi chập chùng cao như dựng ngược. Thác đổ nước trắng xóa xuống những con suối sâu chảy lẫn trong lá. Đây là chốn thần tiên của kỳ hoa dị thảo. Và khi lên đến nơi, tới Kim Đỉnh, ta đứng trên ngọn Đại Nga chót vót với một độ cao 3077m, "bao la cây cỏ khoảng trời xanh". Đây hẳn là nơi Lý Bạch ngắm trăng rồi viết bài thơ "Nga Mi sơn nguyệt ca" và nghe Thục tăng Tuấn đánh đàn cầm. Ngày xưa hẳn ông phải đi bộ lên đây bằng những bậc tam cấp đá xanh, tôi không rõ đi bao lâu thì tới, nhưng nếu không tới Kim Đỉnh thì khỏi thấy "trời xanh" hay "trăng thu" vì dưới đó xung quanh toàn là vách núi.

Lý Bạch không phải là người đầu tiên lên đây. Từ thời Đông Hán (25-220) ở đây đã có Kim Đỉnh Phổ quang điện. Đến khoảng đời nhà Đường, nhà Tống, tại Nga Mi sơn được xây dựng rất nhiều. Sau đó đời Minh, Thanh là những thời cực thịnh của Nga Mi sơn. Rải rác trong rặng Nga Mi sơn này là 200 đền đài tự viện, là chốn thiêng liêng của Phật giáo Trung Quốc. Ngày nay trên Nga Mi sơn còn khoảng 20 ngôi chùa còn được bảo tồn và đang tu sửa.

Đến Kim Đỉnh tôi thăm được Hoa Tạng tự. Đây là chùa xưa nhất và được trùng tu vào đời Thanh (1866). Gần đó là Ngọa Vân am, trong đó có một tấm bi đồng có xuất xứ từ đời nhà Minh. Tại Kim Đỉnh người ta có thể thấy một hiện tượng gọi là "Phật Quang", là ánh cầu vồng hình tròn gồm có bảy màu thường xuất hiện lúc giữa trưa khi người xem đứng trên Đỗ Quang đài. Đó là một trong ba cảnh đẹp nhất của Kim Đỉnh: Phật quang, cảnh mặt trời mọc và biển mây xung quanh Kim Đỉnh.

Tại Kim Đỉnh ta có thể đảnh lễ Phổ Hiền và quán đại nguyện của Ngài mênh mông như bầu trời, như ánh dương vừa mọc, như biển mây bao la, như cầu vồng ngũ sắc. Còn nếu muốn tham bái tượng Phổ Hiền thì hãy đến chùa Vạn Niên tự nằm ở độ cao 1020m của Nga Mi, tương truyền Phổ Hiền đã nghỉ chân tại đây. Chùa này được xây đời Tấn (265-420), bị hư hại nhiều lần, đến đời nhà Minh được trùng tu lại. Năm 1946 chùa bị hỏa hoạn, nay chỉ còn "Chuyên điện" (điện đá nung). Điện này được xây từ đời nhà Tống, có hình vòm, không cần cột kéo chống đỡ. Trong điện có tượng Phổ Hiền bằng đồng cao 7,3m, nặng 62 tấn và trên vòm tháp có khoảng 3000 tượng Phật nhỏ.

Nếu Văn-thù Sư-lợi cỡi sư tử xanh và đại diện cho trí huệ thì Phổ Hiền được trình bày ngồi trên voi trắng và đại diện cho hành động. Văn-thù và Phổ Hiền là sự hợp nhất giữa trí huệ và hành động, đại diện cho nguyên lý "tri hành hợp nhất". Vì thế mà hai vị Bồ-tát này hay được thờ tả hữu bên cạnh đức Phật. Đại nguyện của Phổ Hiền trong hành động thường được gọi là "Phổ Hiền thập nguyện" [38], được nhắc nhở trong hai kinh Pháp Hoa và Hoa Nghiêm.

Muốn có đại nguyện hành động như Phổ Hiền, tức là "thể nhập hành Phổ Hiền", đó là điều không dễ, nó phải có trí tuệ của Văn-thù. Nói theo văn chương thông thường, muốn hành động phải có trí; muốn có hành động to lớn phải có trí to lớn, muốn có đại hạnh phải có đại trí. Và ngược lại muốn có trí đích thực thì con người phải tự mình nếm trãi, tự mình hoạt động. Và muốn có đại trí vượt trên nhị nguyên để hiểu Tính Không thì phải có đại hạnh bao la của Phổ Hiền, trong đó cái cá thể đã bị vượt qua. Cái "tri" và "hành" nằm trong một thể thống nhất của hai mặt biện chứng mà chúng ta có thể chứng ngộ trong phạm vi nhỏ.

Hãy trở lại với Thiện Tài, nhờ nghe Văn-thù giảng các pháp môn mà Thiện Tài mới "thâm nhập được vào đạo trường của hành Phổ Hiền" [39] và khi ở trong đạo trường đó, Thiện Tài tận mắt trông thấy trong mỗi "hạt bụi nhỏ đều chứa đựng trọn vẹn công đức Phổ Hiền". Đó chính là "tất cả trong Một, Một trong tất cả", cốt lõi của Kinh Hoa Nghiêm, cái đại trí của Văn-thù Sư-lợi. Kinh sách Đại thừa nhắc đến khoảng 200 vị bồ-tát và mỗi vị ra đời cũng vì hành động cho thế gian.

Tại Trung Quốc năm vị được tôn kính nhiều nhất, đó là Di-lặc, Phổ Hiền, Quan Âm, Văn-thù và Địa Tạng, mỗi vị chủ đạo một hướng khác nhau trong việc giáo hóa và cứu độ. Thế nhưng trong các vị thì hành động của Phổ Hiền, "hạnh" của Ngài, là to lớn nhất bao trùm nhất, tổng kết tất cả mọi hoạt động khác. Vì thế mà Phổ Hiền được gọi là bậc "đại hạnh" và cũng là vị cuối cùng trong Kinh Hoa Nghiêm mà Thiện Tài gặp gỡ sau khi đi tìm gặp hơn 50 vị thiện tri thức khác. Với Phổ Hiền, Thiện Tài cầu "Bồ-tát hành, nhất thiết trí" và đó chính là mục đích cuối cùng của bồ-tát đạo của Đại thừa Phật giáo.

muihuongtram-03-12%2835%29

Nga Mi sơn xứng danh với hạnh nguyện vô tận của Phổ Hiền với vách núi, biển mây, bao la như không gian, rực rỡ như hoa lá. Đó là ngọn núi cao nhất của Trung Quốc mà tôi lên được tới đỉnh, trên đó tôi thở dốc vì thiếu dưỡng khí. Tôi cũng hụt hơi vì đại trí của Văn-thù, đại hạnh của Phổ Hiền quá cao xa, quá khó tới. Thế nhưng bài học tôi ngẫm nghĩ được trên ngọn núi này là nhận thức và hành động phải đi đôi với nhau, nó không phải là bài học luân lý đạo nghĩa mà là phương cách nhận thức. Nó nói rằng nhận thức đích thực chỉ xuất hiện trong hành động. Nhận thức dẫn đường cho hành động nhưng chỉ hành động mới đem lại tri kiến đích thực.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]