Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần thứ ba: Trung Quốc, xứ sở của Bồ-tát

12/02/201216:01(Xem: 7963)
Phần thứ ba: Trung Quốc, xứ sở của Bồ-tát
MÙI HƯƠNG TRẦM
Nguyễn Tường Bách
(Ký Sự Du Hành Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng)

PHẦN THỨ BA
TRUNG QUỐC, XỨ SỞ CỦA BỒ-TÁT

Ánh sáng đến từ phương Tây
Vạn Lý Trường Thành
Linh Quang Tự và chiếc răng của Phật
Ung Hòa Cung và tiểu truyện về Trung Quốc Tây Tạng
Bình Thành và Động Vân Cương
Từ Hằng Sơn đến Quang Minh Đỉnh
Từ tiểu ni cô Nghi Lâm đến nàng Lý Ngư

ÁNH SÁNG ĐẾN TỪ PHƯƠNG TÂY

Dưới cánh máy bay là một vùng sa mạc trắng xóa. Máy bay tôi đi đang bay từ phía tây đến Trung Quốc, vùng đó chính là sa mạc Gobi mênh mông. Trong vùng đất tưởng như không người đó có một con đường nhỏ được thiết lập từ đầu công nguyên, đó là một trục lộ mệnh danh là "Con đường tơ lụa".

Đó là một con đường của thương nhân nối liền đông tây hai phía. Nhưng tại sao là "tơ lụa"? Người Trung Quốc có hân hạnh là kẻ đầu tiên tìm ra phép trồng dâu nuôi tằm lấy lụa từ thế kỷ thứ ba trước công nguyên và xuất khẩu món hàng mượt mà này qua phía tây cho các bà mệnh phụ vùng Địa Trung Hải.

Con đường tơ lụa được xây dựng khoảng trong thế kỷ thứ nhất, bắt đầu tại Trường An. Tại Trung Quốc thì nó được nối thêm đến Bắc Kinh và Thành Đô còn về phía tây thì nó chạy ngang Lan Châu, Vũ Uy, Tửu Tuyền, Đôn Hoàng, Ngọc Môn quan. Sau Ngọc Môn thì nó chia làm hai đường nam bắc mà người Trung Quốc gọi là bắc Tây Vực và nam Tây Vực. Đường phía bắc chạy ngang Turfan, Korla, Kutscha. Đường phía nam chạy qua Charchan, Chotan. Hai đường nam bắc rẻ ra nhằm tránh sa mạc Takla Makan, lại gặp nhau tại Kaschgar (Sơ Lặc), ngày nay nằm trong lãnh thổ Trung Quốc. Đặc biệt con đường phía nam có một nhánh đi về phía nam hướng Ấn Độ. Đó là một nhánh đường thú vị sẽ nói đến sau. Sau đó đường lại chạy qua Tadschikistan, Kasachstan, Usbekistan để đến Merv (ngày nay thuộc nước Turkmenian) và chạy về hướng Iran, Irak, Syrie, cho đến Địa Trung hải.

Thương lái đường dài ngày xưa đi từ Trung Quốc, mang theo tơ lụa đi bán và mang về lại hột giống, hương liệu, đá quí và cả ngựa từ Á-rập. Họ đi một chuyến như thế mất đến sáu tới tám năm mới về đến nhà. Trên đường về nhà họ còn mang một vài thứ kỳ lạ, trong đó có kinh sách, nói về Phật giáo, Hồi giáo…

Khoảng suốt mười thế kỷ sau công nguyên, con đường tơ lụa này bị chiến tranh của các nước Bắc Á đe dọa nên mất vai trò quan trọng nhưng đến thời Mông Cổ trong thế kỷ 12, 13 nó lại được phục hồi nên Marco Polo mới đi được từ Venedig đến Trung Quốc trong thế kỷ 13.

Trên con đường tơ lụa đầy hiểm nguy đó không phải chỉ có thương nhân và kẻ thám hiểm mà còn có một số người khác mà Trung Quốc gọi là "Phạm Tăng". Ngày nay lịch sử truyền bá Phật giáo từ Ấn Độ qua Trung Quốc đã nằm trong bóng tối của lịch sử, nhưng điều xem ra chắc chắn nhất là có hai "Phạm tăng" tên là Ca-diếp Ma-đằng và Trúc Pháp Lan theo con đường tơ lụa này đến Trung Quốc năm 67 sau công nguyên. Hai vị này mới đi nửa đường đã được sứ giả tiếp đón trọng hậu.

Sứ giả đó là một đoàn 18 người của nhà vua Hán Minh Đế, vị này nằm mộng mà thấy "người vàng" đầy ánh sáng từ phương tây tới. Hán Minh Đế cho đoán mộng thì mới hay có thánh nhân xuất hiện ở phía tây. Vua sai sứ giả qua Tây Vực để cung thỉnh tượng Phật, không ngờ gặp cả tượng lẫn kinh do hai vị tăng sĩ đó tải bằng ngựa trắng. Vua cho lập chùa để thờ, tên chùa là Bạch Mã tự để nhớ đến các con ngựa trắng và bộ kinh đầu tiên được dịch ra là "Tứ thập nhị kinh". Bạch Mã tự là ngôi chùa đầu tiên của Trung Quốc, kiến lập năm 68, ngày nay vẫn còn, cách Lạc Dương 9km về hướng đông.

 

muihuongtram-03-01


H 24 : …… Lộ trình của Huyền Trang và cũng là đoạn chính của con đường tơ lụa. Ông bắt đầu đi từ Trường An (Ch?angan). Trong chuyến đi Ấn Độ, ông lấy đường phía bắc. Về lại Trung Quốc, ông lấy đường phía nam [1]

Sau Ca-diếp Ma-đằng và Trúc Pháp Lan, nhiều phạm tăng cũng bằng con đường tơ lụa tiếp tục đến Trung Quốc như An-thế-cao đến Lạc Dương năm 147, Cưu-ma-la-thập đến Trường An năm 401. Cũng trong thời đại đó có một kẻ đi ngược từ đông sang tây để hành hương và tìm kiếm kinh điển. Đó là Pháp Hiển, rời Trường An năm 399, đến Ấn Độ tham bái tất cả các thánh tích và 15 năm sau mới chịu trở về cố hương. Về nhà Pháp Hiển dịch kinh và viết tập ký sự "Phật quốc ký".

Pháp Hiển còn làm một việc nữa rất khác thường là ông lấy đường biển trở về, đó là đường rời Calcutta, ghé thăm Tích Lan, đi vòng xuống phía nam đảo Sumatra, ngược lên biển đông của Việt Nam, lách giữa lục địa Trung Quốc và Đài Loan mà trở về Thanh Châu miền đông bắc. Hơn hai trăm năm sau, như chúng ta đã biết, dưới thời nhà Đường thịnh trị, lại có một thanh niên khôi ngô 26 tuổi tên là Huyền Trang nhắm con đường tơ lụa ra đi về phía tây. Mười sáu năm sau, ông lại trở về bằng con đường bộ đó, đem theo hơn 500 bộ kinh, về đến Đôn Hoàng cuối năm 644.

Tại đó ông viết thư thỉnh cầu Đường Thái Tông [2] tha tội ngày xưa đã vượt biên ra đi không đợi phép vua. Vua tha lỗi và Huyền Trang dùng hết 20 năm cuối của đời mình để dịch kinh. Cùng với Cưu-ma-la-thập, Huyền Trang đã đi vào lịch sử Phật giáo Trung Quốc như những nhà dịch kinh vĩ đại nhất với một trình độ văn chương tác tuyệt và nội dung chính xác. Năm 664 đang dịch kinh Bát-nhã, thấy đã đến giờ từ biệt, ông đến chùa lễ bái lần cuối rồi ngồi kiết già tịch diệt. Trước đó vài giờ ông nhận linh ảnh sẽ sinh vào trời Đâu-suất nghe Di-lặc giảng pháp.

Con đường tơ lụa! Ai đã nghĩ ra ngươi, đó là thương nhân đi buôn bán kiếm lời hay có ai chủ tâm xây dựng ra nó đầu công nguyên này để mở đường cho Ca-diếp Ma-đằng, Trúc Pháp Lan, An-thế-cao, Cưu-ma-la-thập, Pháp Hiển, Bồ-đề Đạt-ma, Huyền Trang và vô số những tăng sĩ khác, đưa Phật giáo vào Trung Quốc?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]