Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

07. Nơi bạn đến là bây giờ và ở đây

04/02/201213:08(Xem: 9037)
07. Nơi bạn đến là bây giờ và ở đây
NƠI ẤY LÀ BÂY GIỜ VÀ Ở ĐÂY
Nguyên tác: Wherever You Go, There You Are.
Tác giả: Jon Kabat-Zinn - Dịch giả: Nguyễn Duy Nhiên.
"Thiền tập áp dụng vào đời sống hằng ngày"

PHẦN III
TINH THẦN CHÁNH NIỆM

7.- NƠI BẠN ĐẾN LÀ BÂY GIỜ VÀ Ở ĐÂY

Có bao giờ bạn nhận thấy rằng, mình không thể nào trốn tránh được bất cứ một vấn đề gì không? Rằng, không chóng thì chầy, những sự việc ta không muốn đối phó, cố gắng tránh né, hoặc phủ đậy lại và giả vờ như là chúng không hề có mặt, rồi một ngày kia sẽ bắt kịp ta - nhất là khi chúng có liên quan đến những tập quán hoặc nỗi sợ của mình. Chúng ta thường có một ý niệm lãng mạn rằng, nếu nơi này ta không vừa ý, ta chỉ cần đi sang nơi khác thì mọi việc tức khắc sẽ thay đổi. Nếu việc làm của ta không tốt, đổi việc khác. Nếu người bạn đời của ta không vừa ý, chọn người bạn đời khác. Nếu thành phố ta ở không tốt, dọn đi nơi khác. Nếu con cái của ta là một vấn đề, giao chúng cho người khác lo. Ta nghĩ rằng, cái lý do tạo nên sự đau khổ cho mình nằm ở bên ngoài - như việc làm, nơi chốn. hoàn cảnh hoặc người khác. Chúng ta tưởng rằng, khi ta đổi chỗ ở, thay hoàn cảnh, thì mọi việc sẽ tự động trở nên tốt đẹp hơn, và ta có thể bắt đầu trở lại và lập một cuộc đời mới.

Nhưng quan niệm đó có một vấn đề mà ta quên, là lúc nào ta cũng mang theo khối óc và con tìm mình, và cái mà người ta gọi là nghiệp quả, ở bất cứ một nơi nào mà ta đến. Ta không bao giờ có thể trốn tránh được chính ta, cho dù có cố gắng bao nhiêu. Lý do gì bạn lại nghĩ rằng, sự việc sẽ có thể khác đi hoặc tốt đẹp hơn ở một nơi xa xôi nào đó? Sớm muộn gì những khó khăn xưa cũng sẽ phát khởi lên, nhất là khi chúng bắt nguồn từ tập quán suy nghĩ, quan sát và hành động của ta. Rất thường khi, cuộc sống của ta không còn sinh động, vì ta không còn biết sống nữa, vì chúng ta không dám nhận lãnh trách nhiệm về những việc xảy ra và đối phó với những khó khăn của mình. Chúng ta quên rằng, mình thật sự có thể đạt được một sự trong sáng, hiểu biết và chuyển hóa ngay giữa những gì là bây giờ và ở đây, cho dù chúng là bất cứ một vấn đề gì chăng nữa. Nhưng dù sau khi ta đem những khó khăn, vấn đề của mình đi đổ cho hoàn cảnh và kẻ khác, thì nó bao giờ cũng dễ dàng và ít đe dọa đối với cái tôi của mình hơn.

Việc đi tìm lỗi, trách móc hoặc tin rằng ta cần một sự thay đổi ở bên ngoài, ta cần giải thoát ra những lực lượng đã giữ, ngăn chận không cho ta phát triển và có hạnh phúc, chuyện ấy rất là dễ. Ta cũng có thể tự trách mình, và dùng nó như là một phương cách tối hậu để trốn tránh trách nhiệm, cho rằng mình đã làm hư hao quá nhiều, và không có thể sửa chữa được nữa. Trong cả hai trường hợp, ta đều tin rằng mình không có khả năng sửa đổi và phát triển và ta cần phải thôi làm kẻ khác đau khổ bằng cách tự rút lui ra khỏi hoàn cảnh ấy.

Sự tổn thương gây nên bởi cái nhìn sai lầm đó, có mặt khắp nơi trong cuộc sống. Hãy thử nhìn chung quanh mình, bạn có thấy những tình thân thuộc bị gãy đổ, gia đình sứt mẻ, con người mất hết hy vọng, những kẻ lang thang không gốc rễ, lạc loài, đi từ nơi này đến chốn nọ, từ công việc này sang công việc khác, từ mối tương quan này đến mối liên hệ kia, từ quan niệm giải thoát này đến quan niệm khác... với hy vọng mong manh rồi sẽ có một người nào đó, một công việc, một nơi chốn hoặc một quyển sách nào đó sẽ làm cho mọi việc trở nên tốt đẹp hơn.

Thật ra, thiền tập tự nó không ban cho ta khả năng thoát được khỏi những thói quen ấy: đi tìm kiếm ở một nơi khác cho câu trả lời hoặc giải đáp cho những khó khăn của ta. Trong sự tu tập, đôi khi người ta cũng hay theo đuổi phương pháp này đến phương pháp nọ, hoặc từ một vị thầy này đến vị thầy khác, truyền thống này đến truyền thống khác, mong tìm kiếm một cái gì đó đặc biệt, một pháp môn tối thượng, một mối quan hệ cá biệt, một giây phút "giác ngộ" tạm thời nào đó có thể mở tung được cánh cửa giác ngộ. Nhưng việc ấy có thể trở thành một ảo vọng nguy hại, một cuộc đi tìm bất tận, để ta trốn tránh khỏi phải đối diện với những vấn đề đau đớn nhất. Đôi khi vì sự sợ hãi và vì khao khác muốn có một vị tôn sư giúp đở, người ta thường bị vướng mắc vào những mối tương quan không lành mạnh. Họ sẵn sàng chịu lệ thuộc vào vị thầy của mình. Nhưng bạn nên nhớ rằng, dù cho một vị thầy tài giỏi đến đâu, cuối cùng bạn vẫn phải tự mình tu tập lấy, và sự tu tập ấy phải bắt nguồn từ chính sự sống của bạn.

Có một số người lạm dụng thời gian tu học của mình. Thay vì xem đó như một cơ hội để tự quán chiếu, họ xem khóa tu như một thời gian để củng cố lại những thói quen và tập quán thường ngày của mình. Vì trong khóa tu, mọi việc có thể trở nên dễ dàng hơn. Những nhu yếu trong đời sống của ta đều được người khác lo hết. Thế giới này thấy có ý nghĩa hơn. Tôi chỉ cần ngồi thiền, đi thiền hành, giữ chánh niệm, sống trong hiện tại, được người khác lo cho miếng ăn, thức uống, được lắng nghe những lời minh triết từ những bậc đã có một quá trình tu tập dài lâu và một đời sống tuệ giác. Và rồi tôi sẽ được chuyển hóa, biết sống với mình một cách trọn vẹn hơn, biết chấp nhận cuộc đời hơn và có một cái nhìn sáng tỏ về những vấn đề của mình hơn.

Nói chung những việc ấy cũng không phải là sai. Một khóa tu học nhiều ngày với một vị thầy giỏi, có một giá trị rất to tát và một tác dụng chữa trị lớn lao, nếu ta chịu quán chiếu bất cứ những gì khởi lên trong khóa tu. Nhưng ở đây cũng có một sự nguy hiểm mà ta cần phải cẩn thận. Những ngày tu học của ta có thể trở thành một sự rút lui khỏi cuộc đời và xã hội, và sự "chuyển hóa" của ta vì vậy rất là nông cạn. Nó có thể kéo dài được chừng vài ngày, vài tuần, hoặc vài tháng sau khi khóa tu chấm dứt, và rồi mọi sự đâu lại hoàn đó như xưa. Và ta lại chờ đợi đến một khóa tu kế, một vị thầy giỏi nào đó, hoặc một chuyến hành hương sang Á Châu, hay là một ước mơ sẽ có một ngày ta trở thành một người tốt hơn, mọi việc sẽ được sáng tỏ hơn.

Lối nhìn và suy nghĩ ấy là một cạm bẩy rất phổ thông. Trên con đường dài, bạn không bao giờ có thể trốn thoát được chính bạn, chỉ có một sự chuyển hóa mà thôi. Cho dù bạn có sử dụng bất cứ một phương tiện nào, dù đó là thiền tập, ma túy, rượu, ly dị, đổi công ăn việc làm... không một biện pháp nào có thể giúp bạn phát triển, trừ khi bạn dám hoàn toàn đối diện với hoàn cảnh hiện tại và duy trì chánh niệm. Cho phép những sự gồ ghề của hoàn cảnh mài dũa đi những góc cạnh còn gồ ghề của bạn. Nói một cách khác hơn, bạn phải dám để cho sự sống này trở thành vị thầy của mình.

Đây là con đường của sự tu tập trong bất cứ một tình cảnh nào của ta với những gì đang xảy ra bây giờ và ở đây. Vì sự thật tất cả chỉ là vậy thôi: nơi chốn này, mối tương quan này, nỗi khó khăn này, công việc này... Sự thử thách của việc tu tập chánh niệm là làm sao đối phó với ngay tình cảnh mà ta đang có mặt - dù cho nó có khó chịu, chán nản, giới hạn hoặc bất tận, và dính mặc đếu đâu chăng nữa. Và ta phải biết cố gắng hết sức, hết năng lực của mình, để tự chuyển hóa, trước khi quyết định buông bỏ để lên đường. Bạn nên nhớ rằng, chỉ có bây giờ và ở đây, sự tu tập cũng như công phu của ta mới có hiệu quả.

Thế cho nên nếu bạn nghĩ rằng, sự tu tập của mình quá nhàm chán, không tiến bộ, rằng nơi này không có điều kiện thích hợp, và bạn đang ước phải chi mình đang ở trong một hang động nào đó trên Hy mã lạp sơn, hoặc trong một tu viện ở rừng sâu, hoặc một trung tâm tu học nào đó giữa thiên nhiên, thì mọi việc sẽ được tốt đẹp hơn, sự tu tập của bạn sẽ được vững mạnh hơn... bạn hãy nên suy nghĩ lại. Vì khi bạn đến được hang động ấy, tu viện ấy rồi, thì cũng chỉ có bấy nhiêu thôi, cũng thân này, cũng tâm này, cũng cùng một hơi thở này, mà bạn đã và đang có trong giây phút hiện tại này đây! Có lẽ sau chừng mười lăm phút trong hang động bạn sẽ cảm thấy cô đơn, thèm ánh sáng, nóc nhà có thể bị dột, trời có thể nóng quá hoặc lạnh quá. Nếu bạn đi tu học, có thể bạn sẽ không thích vị thầy, thức ăn không hạp khẩu vị, phòng ngủ thiếu tiện nghi... Bao giờ cũng sẽ có một cáigì đó làm bạn bất mãn. Như vậy sao bạn không buông bỏ nó đi, và chấp nhận ràng có lẽ nơi mà ta đang ở đây là tốt nhất rồi? Và trong giây phút ấy, bạn sẽ tiếp xúc được với chính mình và có thể mời gọi năng lực của chánh niệm bước vào và chữa trị. Chừng nào hiểu được việc ấy, thì những hang động, tu viện trong rừng, các trung tâm tu học... mới có thể thật sự giúp ích cho bạn. Và dĩ nhiên là ở bất cứ một nơi chốn nào khác, thời điểm khác, tất cả cùng đều là như vậy.

Chân tôi trượt trên một vách đá cao, ngay trong giây phút ấy, tôi cảm thấy như những mũi kim đâm xuyên qua tim và thái dương mình, thời gian vô tận tiếp xúc được với giây phút hiện tại. Tư tưởng và hành động không khác gì nhau, và đá, không khí, tảng băng, mặt trời, nỗi sợ và tôi, tất cả chỉ là một. Cái nhiệm mầu là làm sao để kéo dài giây phút ý thức sáng tỏ ấy vào những thời gian tầm thường khác trong cuộc sống. Trong mỗi phút giây kinh nghiệm của một con chim ưng, một con chó sói đang săn mồi, chúng là trung tâm của vạn vật, không còn cần một bí quyết nào của sự sống chân thật nữa. Trong ngay hơi thở này của chúng ta, có tàng chứa cái yếu chỉ mà những vị đại sư hằng cố gắng trao truyền lại, mà một vị Lạt Ma gọi đó là "sự chính xác, mở rộng và tuệ giác của giây phút hiện tại". Mục đích của thiền tập không phải là để giác ngộ, mà là để biết chú tâm, dù trong những giây phút tầm thường nhất, thật sự có mặt, thật sự hiện hữu và mang chánh niệm của giây phút hiện tại này vào trong mỗi sự kiện của đời sống.
Peter Matthiessen, The Snow Leopard

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]