Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

26. Ý hướng

04/02/201213:08(Xem: 9709)
26. Ý hướng
NƠI ẤY LÀ BÂY GIỜ VÀ Ở ĐÂY
Nguyên tác: Wherever You Go, There You Are.
Tác giả: Jon Kabat-Zinn - Dịch giả: Nguyễn Duy Nhiên.
"Thiền tập áp dụng vào đời sống hằng ngày"

PHẦN MỘT
SỰ NHIỆM MẦU CỦA GIÂY PHÚT HIỆN TẠI

26.- Ý HƯỚNG

Chúng ta không thể nào, mà cũng rất là điên rồ, nếu ta cương quyết thực tập thiền quán mỗi ngày, mà không hề có một ý niệm nào về lý do tại sao mình lại làm việc ấy, nó có giá trị gì cho cuộc sống của mình, và vì sao đó là con đường của mình mà không phải chỉ là một ảo giác nào đó! Trong những xã hội ngày xưa, quan niệm về thiền tập đã được cung cấp cũng như nuôi dưỡng bởi một nền văn hóa. Nếu bạn là một Phật tử, có thể bạn tu tập là vì nền văn hóa của bạn đánh giá thiền quán rất cao, nó là con đường dẫn đến sự tỉnh thức, từ bi, giác ngộ, con đường của một tuệ giác giúp ta diệt hết mọi khổ đau trong cuộc sống. Nhưng trong văn hóa của Tây phương, bạn sẽ khó tìm thấy được một sự hỗ trợ nào cho con đường tu tập kiên định có tính cách cá nhân này. Nhất là khi nó có những quan niệm như là, cố gắng nhưng lại vô hành, xử dụng năng lượng nhưng không mang lại một "sản phẩm" nào rõ rệt. Và hơn nữa, những ý tưởng nông cạn và thơ mộng mà ta đang ôm ấp về việc trở thành một con người tốt đẹp hơn - tĩnh lặng hơn, sáng suốt hơn, từ bi hơn - sẽ không kéo dài được bao lâu, khi trực diện với sóng gió của cuộc đời, của thân tâm hay ngay cả cái viễn tượng của việc thức dậy mỗi sáng sớm, khi trời còn mờ tối và lạnh căm căm, để ngồi một mình và sống với hiện tại. Những lúc ấy ta sẽ rất dễ dàng cho nó không còn là quan trọng nữa, có thể dời lại một khi khác, để ta ngủ thêm một chút xíu hoặc được nằm yên trong giường ấm.

Nếu bạn muốn, có thể mang thiền tập vào cuộc đời mình, một cách cương quyết và lâu dài, bạn sẽ cần phải có mộ ý hướng nào thật sự là của mình - nó phải sâu xa và cương quyết, nhất là gần gũi với con người thật của ta, với những gì ta tin là có giá trị trong cuộc sống cũng như đường hướng của mình. Chỉ có sức mạnh của một quan điểm linh động như vậy và động cơ thúc đẩy phát xuất từ nó, mới có thể giữ ta trên con đường tu tập hết năm này sang năm khác. Từ đó, ta mới có nghị lực để thực tập mỗi ngày, và mang chánh niệm soi sáng trên bất cứ những gì đang xảy ra. Nó sẽ giúp cho ta cởi mở với bất cứ những gì ta nhận thức và chỉ cho ta những nơi nào mình còn bị mắc kẹt, và nơi nào cần phải có một sự buông thả hoặc cần được phát triển thêm.

Sự tu tập thiền quán không có chút gì thơ mộng và lãng mạn hết. Những chỗ ta cần phải tu sửa thường khi lại là những nơi ta rất bảo thủ, và ít khi nào chịu chấp nhận rằng chúng có thật, chứ đừng nói chi đến chuyện quán sát chúng mà không phán xét để sửa đổi. Thế cho nên, sự tu tập sẽ không thế nào đứng vững được lâu dài, nếu chỉ vì ta có một ý nghĩ ngây ngô rằng mình là một thiền giả, hoặc cho rằng thiền tập sẽ có lợi cho mình vì nó đã giúp ích cho người khác, hay vì triết lý Đông phương nghe có vẽ thâm sâu, hoặc vì ta đang có một thói quen thích ngồi thiền. Ý hướng ta đang đề cập ở đây, cần phải được cải tiến mỗi ngày, lúc nào cũng phải rõ ràng ở trước mặt, bởi vì chánh niệm tự nó cũng đòi hỏi một ý thức về chủ đích và ý định phải được rõ rệt như thế. Còn bằng không, thà rằng ta cứ nằm trên giường ngủ tiếp cho xong chuyện.

Sự tu tập tự nó phải là hiện thân của ý hướng ta mỗi ngày, và chứa đựng những gì ta tôn quý nhất. Nó không có nghĩa là ta phải cố gắng thay đổi hoặc trở nên khác biệt với con người thật của mình, như là an tịnh khi ta cảm thấy không an ổn, hoặc vui vẻ khi ta đang tức giận. Nhưng lúc nào ta cũng ý thức được điều gì thật sự quan trọng nhất đối với mình, để nó khỏi bị đánh mất hoặc bị phản bội trong một phút giây cảm xúc mạnh nào đó. Nếu chánh niệm thật sự là quan trọng nhất đối với bạn, thì mỗi giây phút sẽ là một cơ hội để ta tu tập.

Ví dụ, trong ngày có một lúc nào ta cảm thấy tức giận chẳng hạn. Nếu bạn ý thức được rằng mình đang giận và đang biểu lộ nó ra, thì bạn cũng sẽ có thể quan sát, theo dõi sự biểu lộ đó và ảnh hưởng của nó trong mỗi giây phút. Nhờ vậy bạn sẽ có thể tiếp xúc được với cơn giận như là một cảm giác có thật, có lai lịch với nguyên nhân cơn giận ấy, và nó ảnh hưởng đến cử chỉ, điệu bộ của bạn như thế nào, trong giọng nói của bạn ra sao, qua sự xử dụng ngôn ngữ và lý lẽ của bạn, cũng như ấn tượng nó để lại trên những người chung quanh. Chúng ta có thể bàn rất nhiều về việc biểu lộ cơn giận của mình một cách có ý thức. Và trong y học cũng như trong phân tâm học, ai cũng đồng ý rằng, đè nén cơn giận trong tâm bằng cách nội hóa nó, có một tác dụng rất là nguy hại, nhất là khi nó trở thành tập quán. Nhưng ngược lại, nếu ta cứ tự do bộc lộ cơn giận của mình mà không kiểm soát, như là một thói quen hoặc phản ứng, cho dù nó có "chính đáng" tới đâu đi nữa, thì sự nguy hại cũng không kém. Ta có thể thấy được cơn giận làm mờ mịt sự suy nghĩ của mình. Nó nảy sinh ra một cảm giác gây hấn và bạo động - dù cho cơn giận ấy là để sửa sai một việc gì hoặc giúp một sự kiện nào đó được xảy ra - vì thế tự trong bản chất của nó đã bị méo mó rồi, dù cho bạn đúng hay sai. Chúng ta có thể cảm nhận được những việc ấy, mặc dù đôi khi mình không ngăn chận lại được. Chánh niệm sẽ giúp ta tiếp xúc được với độc tố của lòng sân hận đối với mình và với người khác. Bao giờ sau một cơn giận, tôi cũng cảm thấy có một cái gì đó không thỏa đáng, dù tôi có đúng lý tới đâu chăng nữa. Độc tố bẩm sinh của lòng sân hận làm ô nhiễm bất cứ những gì nó sờ đến. Nên năng lượng này có thể được biến đổi thành một nghị lực và tuệ giác, mà không còn bóng dáng của tự ái hoặc tự thị thì sức mạnh của nó sẽ gia tăng theo cấp số nhân, và khả năng chuyển hóa được nguyên nhân cũng như đối tượng của cơn giận, cũng sẽ tăng trưởng theo.

Thế cho nên, khi bạn có ý thức muốn thực tập mở rộng bối cảnh của cơn giận ngay lúc nó đang dâng lên cao độ, bạn nên nhớ rằng phải có một cái gì đó vĩ đại hơn và cơ bản hơn, mà ta đã quên đi trong cơn sôi nổi của của cảm xúc. Chừng ấy, bạn sẽ có thể tiếp xúc được với một ý thức sáng suốt bên trong ta, và nó không hề bị dính mắc hay ảnh hưởng bởi cơn giận. Ý thức ấy thấy được cơn giận, biết được chiều sâu của cơn giận, và nó vĩ đại hơn cơn giận. Nó có thể dễ dàng chứa đựng được cơn giận, như một cái nồi đựng đồ ăn bên trong vậy. Cái nồi ý thức ấy sẽ giúp ta nâng niu cơn giận, và thấy được rằng nó có thể gây nên những hậu quả nguy hại hơn là có ích, mặc dù ta không hề muốn. Từ đó, ta có thể nấu chín cơn giận và tiêu hóa nó, để ta có thể xử dụng cho có hiệu quả hơn, như là đổi từ một phản ứng hoàn toàn máy móc sang một phản ứng có ý thức, hay đôi khi có thể vượt thoát ra hoàn toàn. Sự lựa chọn này phát sinh từ một thái độ thận trọng lắng nghe tiếng nói của hoàn cảnh, một cách trọn vẹn.

Ý hướng của ta tùy thuộc vào những giá trị đạo đức của mình và những gì ta cho là quan trọng nhất trong cuộc sống. Nếu bạn tin vào tình yêu, bạn sẽ thể hiện nó ra hay là chỉ nói suông cho nhiều rồi thôi? Và nếu bạn tin vào từ bi, không sát sanh, tuệ giác rộng lượng, an tĩnh, vắng lặng, vô hành, công bằng và minh bạch, thì bạn có biểu lộ chúng ra trong cuộc sống hàng ngày của bạn không? Đây là một mức độ có chủ tâm mà chúng ta cần phải có, để duy trì sự sinh động trong thiền tập của mình, giúp cho nó khỏi bị khuất phục, trở thành một bài tập máy móc, điều khiển bởi năng lực của tập quán và đức tin.

Hãy tự hoàn toàn đổi mới mình mỗi ngày, một ngày một mới, luôn luôn đổi mới.
Tục ngữ Trung Hoa.

Thực tập: Hãy tự hỏi vì sao bạn tập thiền hay vì sao bạn muốn tập thiền. Đừng tin vào những câu trả lời đầu tiên của mình. Hãy ghi xuống hết những gì bạn nghĩ trong đầu. Cứ tiếp tục hỏi. Xét xem những gì tôn quý nhất. Xét xem những gì là tiêu chuẩn đạo đức của ta, những gì mà ta tôn quý nhất trong cuộc sống. Lập một danh sách liệt kê hết những gì mình thật sự cho là quan trọng. Tự hỏi: Ý hướng của tôi là gì, bản đồ của tôi nơi đang ở và nơi tôi muốn đến, chúng là gì? Ý hướng này có phản ảnh được giá trị đạo đức và ý định của tôi không? Tôi có nhớ để thể hiện những giá trị ấy trong cuộc sống không? Tôi có thực hiện những ý định của mình không? Tình trạng của tôi trong công việc của mình bây giờ như thế nào? Trong gia đình, trong những mọi tương quan, và với chính mình thì sao? Tôi muốn chúng phải được như thế nào? Tôi sẽ sống theo ý hướng, giá trị đạo đức của mình bằng cách nào? Tôi đối xử với khổ đau, của chính mình và của kẻ khác ra sao?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]