LUẬN GIẢI VỀ PHÁP BẢO ĐÀN KINH CỦA LỤC TỔ HUỆ NĂNG
Nguyên tác “The Zen Doctrine of No-Mind”
D. T. Suzuki Biên soạn
Bản dịch Việt: Thích Nhuận Châu
Tất cả những cuộc vấn đáp Thiền này đối với những kẻ bàng quan dường như là vô nghĩa hoặc là huyền bí một cách có chủ đích. Nhưng những sự kiện kỳ diệu nhất trong lịch sử loài người chính là sự sùng bái cái “vô lý” hoặc sự “huyền bí” này lại được thịnh hành trong một ngàn năm trăm năm nay, và đã thu hút sự chú ý từ những tâm hồn trác việt của của vùng Viễn Đông. Hơn thế nữa, nó vẫn còn được in đậm dấu ấn lớn lao trong sự đào luyện tâm linh và từ nhiều phương diện khác của Nhật Bản. Chỉ một sự kiện này cũng khiến cho Thiền trở thành một đề tài nghiên cứu quý giá không chỉ dành riêng cho giới học giả Phật giáo mà còn cho tất cả những sinh viên nghiên cứu về tôn giáo và văn hóa nói chung. Tuy nhiên, ở đây nó chỉ trình bày cho độc giả của chúng tôi rằng, trong Thiền có cái gì đó nhằm chỉ đến sự kiện căn bản nhất cuả đời sống, mà sự kiện ấy, một khi đã lĩnh hội được trọn vẹn, thì sẽ đem lại cho chúng ta một sự thấu đạt lớn trong đời sống tôn giáo. Tất cả những vấn đáp ta đọc trong biên niên sử của Thiền chẳng khác gì hơn là những cách diễn đạt kinh nghiệm chứng ngộ của các Thiền sư.
Tôi xin kết thúc thiên luận này bằng câu chuyện của một vị tăng pháp danh là Phù (Fu) ở Thái Nguyên (Tai-yuan), sống vào thời Ngũ đại (thế kỷ thứ 11). Sư đắc pháp với Thiền sư Tuyết Phong, và không bao giờ đảm nhận chức vụ trú trì tự viện nhưng lại phát nguyện chùi dọn nhà tắm của chúng tăng. Có lần Sư làm công quả ở Chùa Kim Sơn, một vị tăng hỏi Sư:
– Thầy đã từng đến Ngũ Đài Sơn chưa?
Ngũ Đài Sơn vốn được xem là trụ xứ của Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi. Người hành hương từ mọi quốc gia, kể cả Tây Tạng, Ấn Độ đều muốn đến đó, những tín đồ nhiệt thành được nghe nói rằng Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đã thị hiện nơi đó. Núi Ngũ Đài toạ lạc tại tỉnh Sơn Tây, đông bắc Trung Hoa, Thiền sư Phù trả lời:
– Có, tôi đã đến đó một lần rồi!
Vị tăng hỏi tiếp:
– Thế thầy có thấy Bồ-tát Văn-thù không?
Sư Phù đáp:
– Có!
Vị tăng lại hỏi:
– Thế thầy thấy Ngài ở đâu?
Sư Phù đáp ngay:
– Ngay trước điện Phật Chùa Kim Sơn.
Khi Sư Phù đến gặp Tuyết Phong, Tuyết Phong hỏi:
– Tôi biết Lâm Tế có tam huyền,[1] đúng vậy chăng?
– Vâng, Hòa thượng nói đúng.
– Thế câu thứ nhất là gì?
Sư Phù nhướng mắt nhìn, Tuyết Phong nói:
– Đó là câu thứ hai, còn câu thứ nhất thì sao?
Sư Phù chắp hai tay ngang ngực và bước đi.
Một hôm, Huyền Sa đến thăm Tuyết Phong, Tuyết Phong nói:
– Nay trong huynh đệ của chúng tôi có một lão đang chùi rửa nhà tắm.
Huyền Sa nói:
– Tốt, để tôi gặp lão ta và xem lão ta thuộc loại người như thế nào.
Nói song, Huyền Sa đi ra và gặp thấy sư Phù đang kéo nước cho nhà tắm. Huyền Sa nói:
– Này huynh, chúng ta hãy trò chuyện một lát.
– Cuộc chuyện trò đã qua rồi.
Huyền Sa hỏi:
– Từ kiếp nào vậy?
Sư Phù đáp:
– Này huynh, đừng có mơ mộng!
Cuộc hội ngộ kỳ lạ này kết thúc như vậy.
Huyền Sa trở lại Tuyết Phong và nói:
– Bạch Hòa thượng, con đã nhận ra y.
Tuyết Phong hỏi:
– Chuyện ấy ra sao?
Huyền Sa kể lại cuộc hội ngộ. Tuyết Phong kết luận:
– Ông vừa bị mất trộm.
Thiền sư An ở Hổ Sơn hỏi sư Phù:
– Khi cha mẹ ông chưa sinh ra ông, lỗ mũi ông ở chỗ nào?
Lỗ mũi chẳng có ý nghĩa gì đặc biệt ở đây; câu hỏi có nghĩa như là: “Trước khi hiện hữu trên thế gian này, ông ở đâu?”
Thiền thích tránh xa những thuật ngữ trừu tượng, những câu có tính khái quát cao vì chúng có khuynh hướng tri thức. Đối với câu trả lời của An Thiền sư, sư Phù đáp:
– Này, sư huynh nói trước đi.
Thiền sư An đáp:
– Nay sinh rồi. Hãy nói tôi nghe nó ở đâu?
Sư Phù biểu lộ sự bất đồng, nhân đó, Thiền sư An hỏi tiếp:
– Này, huynh đang nói gì thế?
Sư Phù không trả lời theo lối đặc biệt như chúng ta mong đợi, sư bảo Thiền sư An đưa cây quạt đang cầm trong tay, Thiền sư An liền đưa cây quạt và lập lại câu hỏi trên. Sư Phù vẫn giữ im lặng và để cây quạt xuống đất. Thiền sư An chẳng biết làm gì khi sư Phù thổi một hơi vào lỗ tai của Thiền sư An.
Một hôm Sư Phù đứng trước nhà kho, một vị sư huynh đến hỏi:
– Người ta nói rằng bất kỳ mắt ông xoay theo hướng nào là nơi ấy có bồ-đề.[2] Nghĩa ấy thế nào?
Sư Phù liền đá vào con chó bất chợt chạy ngang qua, con chó kêu ăng ẳng rồi lũi chạy. Vị tăng không biết nói lời nào.
Ngay đó, Sư Phù nói:
– Con chó thật đáng thương, mày đã nhận một cái đá vô ích.
Theo quan điểm tương đối, tất cả chúng ta đều ở trong một mối tương quan vô vọng, những câu hỏi của các vị tăng này dường như có đầy đủ ý nghĩa, nhưng ngay lúc được các sư thừa đương, thì nó lại được biến thành những câu chuyện tầm phào hay những hành vi điên rồ hoàn toàn khác hẳn với luận lý học và ý nghĩa thông thường. Nhưng khi một người đạt đến năng lực tâm linh, nếu có thể diễn đạt như vậy, lại làm cho bậc thầy xúc động, y thấy được những điều phi lý này chính là cách biểu hiện quý báu nhất. Điểm này không phải là: “cogito, ergo sum” mà là “agito, ergo sum.”[3]
Nếu không hiểu rõ điều đó thì chúng ta mãi mãi lún sâu vào suy luận và phán xét mỗi một kinh nghiệm của mình qua góc độ tư duy. Chúng ta không đi thẳng vào cuộc sống mà chúng ta giữ mình xa cách với nó. Thế giới chúng ta, do vậy, luôn luôn có tính chất phản đề, chủ thể đối lập với khách thể. Sự thức tỉnh của ý thức trong chính nó là điều rất tuyệt diệu khi nó vận hành, nhưng ngay hiện giờ, chúng ta đã có quá nhiều nhưng không biết cách sử dụng đúng mức.
Các Thiền sư muốn chúng ta nhìn theo hướng nghịch lại: nếu chúng ta đã nhìn ra ngoài, bây giờ các vị muốn chúng ta hãy nhìn vào trong; nếu trước đây chúng ta đã nhìn vào trong, thì bây giờ họ bảo chúng ta hãy nhìn ra ngoài. Đối với các Thiền sư, chẳng cần phải có một sự phân tích bằng lược đồ, theo thời gian hoặc không gian nào cả, họ hành xử một cách “trực tiếp”, “nhiệt tâm.” Đó là một trong những cách diễn đạt ưa thích của các Thiền sư. Hành xử cao nhất của của ý thức chúng ta, thực ra là thâm nhập vào tất cả các địa tằng của khái niệm và đọc được vào tận lớp đá nền móng của vô thức Bát-nhã.
[1]* Tam huyền 三 玄:Ba câu. Phương pháp của tông Lâm Tế nhằm kích thích hành giả tham thiền phát khởi nghi tình.
[2] Có nghĩa là Đạo hay Chân lý ở khắp mọi nơi.
[3]* Cotigo, ergo sum: tôi tuy duy tức là tôi hiện hữu; Agito ergo sum: không tư duy, tức hiện hữu.