Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chuyện 41 - 50

24/01/201221:34(Xem: 7273)
Chuyện 41 - 50
Một trăm lẻ một câu chuyện Thiền
Trần Trúc Lâm

41. Thiền Của JOSHU

Joshu khởi sự học Thiền lúc ngài đã sáu mươi tuổi và tiếp tục đến mãi tám mươi tuổi thì liễu ngộ. Ngài dạy thiền từ khi tám mươi tuổi cho đến khi một trăm hai mươi tuổi.

Một lần có một thiền sinh hỏi: "Nếu chẳng có gì trong tâm thì con phải làm sao?"

Joshu trả lời: "Ném nó ra."

"Nhưng nếu con chẳng có gì thì làm sao con ném nó ra được?" thiền sinh tiếp.

"Vậy thì" Joshu bảo "Hãy khiêng nó ra".

41. Câu Trả Lời Của Người Chết

Khi Mamiya, về sau trở thành một giảng sư đại tài, đến một thiền sư để được chỉ giáo, liền được cho một công án về tiếng vỗ của một bàn tay.

Mamiya chú tâm quán chíếu đến đề thoại đầu này. "Ngươi vẫn chưa cố gắng lắm," vị thiền sư bảo với ngài. "Ngươi vẫn còn quá vướng mắc đến thức ăn, tài, vật và cái tiếng động đó. Tốt hơn nếu ngươi chết đi thì mới giải quyết được vấn nạn."

Lần sau Mamiya đến bái kiến thầy thì lại được hỏi đã được gì để chỉ tiếng động của một bàn tay. Tức thì Mamiya ngã lăn ra như thể đã chết rồi.

"Thôi được, ngươi đã chết," thiền sư quan sát. "Thế nhưng cái tiếng động thì thế nào?"

"Con chưa giải nó được," Mamiya ngước nhìn lên trả lời.

"Người chết không nói được," thiền sư bảo. "Cút ngay!"


42. Thiền Trong Ðời Của Một Người Hành Khất

Tosui là một thiền sư danh tiếng vào thời của ngài. Ngài trụ trì nhiều tự viện và giảng dạy tại nhiều vùng.

Ngôi tự viện sau chót ngài lưu trú lại đông nghẹt môn đồ nên ngài phải tuyên bố với tăng chúng rằng ngài sẽ ngưng giảng dạy. Ngài khuyên họ nên giải tán và tìm nơi khác mà tu học. Sau đó không ai còn gặp ngài đâu nữa.

Ba năm sau một môn đồ tìm thấy ngài đang chung sống với đám hành khất dưới một cái cầu ở Kyoto. Lập tức ông ta van xin ngài chỉ dạy.

"Nếu ông có thể sống được như ta trong hai ngày thì ta sẽ giúp," Tosui trả lời.

Thế rồi vị môn đồ ăn mặc như một kẻ hành khất sống với Tosui một ngày. Qua hôm sau có một người hành khất qua đời. Nửa đêm, Tosui và người môn đồ khiêng xác chết lên chôn ở triền núi rồi trở về chỗ trú ẩn dưới chân cầu.

Tosui ngủ vùi, nhưng người môn đồ lại không thể nào chợp mắt được. Ðến sáng, Tosui bảo: "Chúng ta không phải đi xin ăn bữa nay. Ông bạn vừa chết đã để lại một ít nơi kia." Nhưng người môn đồ lợm giọng không ăn được.

"Ta đã bảo là ngươi không thể sống được như ta mà," Tosui kết luận. "Thôi hãy rời khỏi đây và đừng quấy rầy ta nữa."

44. Kẻ Cướp Trở Thành Môn Ðồ

Vào một đêm trong khi Shichiri Kojun đang tụng kinh thì một tên cướp xông vào với lưỡi dao bén đòi tiền hoặc giết ngài.

Shichiri bảo: "Xin đừng náo động. Ông có thể lấy tiền trong ngăn kéo kia." và tiếp tục tụng kinh.

Giây lát sau, ngài kêu lên: "Xin đừng lấy hết tất cả. Ta cần một ít để đóng thuế ngày mai."

Kẽ đạo chích gom góp gần hết và sắp sửa chuồn. "Hãy biết cám ơn thí chủ chứ," Shichiri nói thêm. Tên cướp nói lời cám ơn và biến mất.

Vài ngày sau tên cướp bị bắt và thú tất cả mọi tội, trong đó có chuyện liên quan đến Shichiri. Khi Shichiri được vời đến để đối chứng, ngài bảo: "Ông này không phải là kẻ cướp, ít ra là phần có liên quan đến bần tăng. Bần tăng biếu ông ấy một ít tiền và ông ta có tỏ lời cám ơn."

Sau thời gian ngồi tù, người đàn ông kia tìm đến Shichiri và trở thành đệ tử của ngài.

45. Ðúng Và Sai

Khi Bankei mở an cư kiết hạ, môn đồ khắp nước Nhật qui tụ về đông đảo. Trong một lần như thế, một đệ tử bị bắt gặp đang ăn cắp. Sự việc được trình lên Bankei với đòi hỏi kẻ phạm tội phải bị trục xuất, Bankei bỏ qua.

Ít lâu sau người đệ tử ấy lại bị bắt quả tang trong một trường hợp tương tự, và một lần nữa Bankei lại bỏ qua. Việc này làm những môn đồ khác bất bình, họ liền làm một thỉnh nguyện thư đòi đuổi tên ăn cắp, nếu không họ sẽ cùng nhau rời khỏi thiền viện.

Sau khi xem xong thỉnh nguyện, Bankei triệu tất cả môn đồ lại. "Các vị là những huynh đệ sáng suốt," ngài nói. "Các vị biết thế nào là đúng và thế nào là không đúng. Các vị có thể tìm nơi khác vừa ý để tu học, nhưng vị sư đệ này lại không biết đâu là điều đúng và sai. Ngoài ta ra, ai là người chịu nhận dạy bảo ông ấy. Ta sẽ giữ ông ấy lại đây cho dù các vị có bỏ đi."

Một suối lệ đầm đìa rửa sạch mặt vị đệ tử ăn cắp. Từ đấy mọi tham vọng lấy cắp đều biến mất.

46. Cỏ Cây Giác Ngộ Như Thế Nào?

Dưới triều đại Kamakura, Shinkan tu học phái Tendai trong sáu năm, học Thiền thêm bảy năm; rồi ngài lại du hành sang Trung quốc chiêm ngiệm Thiền học thêm mười ba năm nữa.

Khi ngài quay về Nhật, nhiều người mong được tham vấn ngài về những điều bí hiểm. Shinkan rất họa hoằn tiếp khách, nhưng khi tiếp, ngài hiếm khi trả lời câu họ hỏi.

Một hôm có một vị môn đồ năm mươi tuổi nói với Shinkan: "Tôi đã học giáo pháp của phái Tendai từ khi còn bé, nhưng có một điều tôi không được thấu suốt là phái Tendai cho rằng ngay cả cỏ cây cũng có thể giác ngộ được. Ðiều này đối với tôi kỳ quặt quá."

"Có ích gì không khi bàn luận đến cỏ cây trở nên giác ngộ?" Shinkan hỏi. "Vấn đề là làm thế nào để ông được giác ngộ. Ông có quán chiếu đến điều đó không?"

"Tôi chưa hề nghĩ đến như vậy," vị khách già trầm ngâm.

"Vậy thì hãy trở về và thiền quán đi," Shinkan kết thúc.

47. Người Nghệ Nhân Tham Lam

Gessen là một vị tăng họa sĩ. Trước khi vẽ ngài luôn đòi hỏi phải được trả tiền trước và lệ phí rất cao. Ngài bị mang tiếng là "Nghệ nhân tham lam."

Có một lần, một cô đầu geisha đặt hàng cho một bức tranh. "Cô trả được bao nhiêu?" Gessen hỏi.

"Với giá ông đòi," cô gái trả lời, "nhưng tôi muốn ông vẽ trước mặt tôi."

Một ngày kia cô đầu gọi Gessen đến. Nàng đang mở tiệc đãi khách. Gessen với ngòi bút tài tình hoàn tất bức tranh, và đòi cái giá cao nhất.

Cô gái trả tiền và nói với khách quí: "Nghệ nhân này chỉ chú ý đến tiền. Tranh của y đẹp đấy nhưng tâm hồn của y thì nhơ bẩn; đồng tiền đã làm cho nó thành bùn lầy. Vẽ với tâm hồn nhớp nháp như vậy, tranh của y không đáng để triển lãm. Nó chỉ đáng cho cái quần lót của tôi thôi."

Nói liền, nàng vén váy bảo Gessen vẽ bức khác phía sau quần lót của nàng.

"Cô sẽ trả bao nhiêu?" Gessen hỏi.

"Ồ, thì bất cứ giá nào," cô gái trả lời.

Gessen đòi một giá thật cao, vẽ xong bức tranh theo yêu cầu, rồi bỏ đi.

Về sau người ta biết được lý do vì sao Gessen tham tiền:

Trận đói thường xảy ra ở vùng ngài ở. Kẽ giàu không muốn cứu giúp người nghèo, nên Gessen lập một nhà kho bí mật không ai biết, gạo lúa luôn đầy ấp để phòng cứu đói.

Con đường từ làng của ngài đến ngôi Quốc tự hư hỏng quá nặng và nhiều khách thập phương khốn khổ vì nó. Ngài muốn xây một con đường tốt hơn.

Sư phụ của ngài qua đời mà không biết ước nguyện của Gessen là xây cho thầy một tự viện, và Gessen quyết xây cho xong.

Sau khi hoàn tất ba điều ước nguyện, ngài vứt bút cọ và vật liệu, về ở ẩn trong núi, không bao giờ vẽ lại nữa.

48. Tỷ Lệ Chính Xác

Sen No Rikyu, một trà sư, muốn treo một giỏ hoa trên một cột trụ. Ngài nhờ một người thợ mộc giúp và chỉ cách cho ông ta treo cao hay thấp, qua bên phải hay qua bên trái một tí, cho đến khi vừa đúng vào vị trí ưng ý. "Ðúng chỗ đó," sau rốt Sen No Rikyu bảo.

Ðể thử thách vị thiền sư, người thợ mộc đánh dấu, rồi giả vờ quên. Phải chỗ này không? "Có thể là chỗ này?" người thợ mộc hỏi liên tục, chỉ khắp nơi trên cột trụ.

Nhưng giác quan của vị trà sư mới chính xác làm sao, chỉ khi đến đúng vào cái vị trí cũ thì mới chấp thuận.

49. Phật Mũi Ðen

Một ni cô mong cầu giác ngộ, tạc một tượng Phật giát vàng. Ði đâu cô cũng mang tượng Phật theo.

Mấy năm trôi qua, và vẫn mang theo tượng Phật, ni cô đến trú tại một tiểu tự viện vùng quê, ở đấy có rất nhiều tượng Phật với bàn thờ riêng cho mỗi tượng.

Ni cô muốn đốt hương cho riêng tượng Phật vàng của mình. Không muốn khói hương bay lan sang các tượng khác, cô mới chế ra một cái phểu để nhờ đó hương đốt chỉ bay lên đến tượng của mình mà thôi. Vì thế mà cái mũi tượng Phật vàng của cô bị nám đen rất xấu xí, kỳ dị.

50. Liễu Ngộ Của RYONEN

Ni cô Ryonen sinh năm 1797. Cô là cháu của một vị tướng quân nổi tiếng của Nhật tên là Shingen. Nhờ thiên tài thi phú và nét đẹp quyến rũ mà năm mười bảy tuổi cô đã là một trong những hầu cận của Hoàng hậu. - tuổi trẻ đó, danh vọng mở ra hờ đón trước mắt cô. Nhưng Hoàng hậu đột ngột qua đời và những mộng ước của Ryonen tan theo mây khói. Cô nhận biết sự vật vô thường trong thế gian, và muốn tu học Thiền. Họ hàng dĩ nhiên là không đồng ý và ép cô lập gia đình. Ryonen chỉ ưng thuận khi họ hứa sẽ để nàng toại nguyện tu hành sau khi sanh ba đứa con. Nàng thực hiện được điều đó trước khi hai mươi lăm tuổi. Vì thế chồng nàng và thân thuộc không thể nào cản trở được quyết tâm của nàng. Nàng xuống tóc cạo đầu, lấy pháp danh Ryonen, có nghĩa là liễu ngộ, và bắt đầu cuộc hành hương tầm đạo.

Nàng đến thành Edo và xin thầy Tetsugyu nhận nàng làm đệ tử.

Nhìn qua, vị thiền sư từ chối ngay vì nàng đẹp quá.

Ryonen tìm đến vị thiền sư khác, tên là Hakuo. Hakuo cũng từ chối với cùng một lý do, bảo rằng sắc đẹp của nàng chỉ gây rắc rối.

Ryonen lấy một bàn ủi nóng áp lên mặt. Trong chốc lát vẻ đẹp của nàng vĩnh viễn biến mất.

Hakuo sau rốt nhận nàng làm đệ tử.

Ðể ghi nhớ chuyện này, Ryonen viết một bài kệ trên mặt sau của một tấm gương:

Khi chầu Hoàng hậu ta đốt trầm để xông hương xiêm y trau chuốt. Bây giờ làm kẻ khất thực không nhà ta lại đốt mặt để được vào thiền viện.

Ðến khi Ryonen gần viên tịch, bà viết một bài kệ khác:

Sáu mươi sáu lần đôi mắt này đã chứng kiến cảnh mùa thu thay đổi.

Ta đã nói nhiều về sáng trăng,

Ðừng hỏi thêm.

Chỉ lắng nghe tiếng nói của hàng thông và bách hương khi gió lặng.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]