Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

03. Chuyện tì-kheo Thiện Tinh

21/01/201205:42(Xem: 10820)
03. Chuyện tì-kheo Thiện Tinh
CÓ TRÍ TUỆ
LÀ BIẾT NHƯ THẬT VỀ…
Chân Hiền Tâm

Phật dạy:
Ca vịnh, được xem là khóc than trong giới luật của bậc thánh.
Múa nhảy, được xem là điên loạn trong giới luật của bậc thánh.
Cười quá đáng, được xem là trẻ con trong giới luật của bậc thánh.
Do vậy, hãy phá đi cây cầu đến ca vịnh, múa nhảy và thật là vừa đủ, nếu thấy hoan hỉ đúng pháp, hãy mĩm cười để tỏ sự hoan hỉ.
Kinh Tăng Chi Bộ tập 1
Phẩm Khóc Than

Chuyện tì-kheo Thiện Tinh

Lúc đức Phật còn ở thành Vương-xá, tì-kheo Thiện Tinh làm thị giả.

Đầu hôm, đức Phật thuyết pháp cho trời Đế Thích nghe. Theo lệ, thị giả không được đi nghỉ trước thầy. Vì Phật ngồi lâu nên Thiện Tinh sinh niệm ác, bạch Phật rằng:

- Xin thầy vào thiền thất mau, quỉ Bạt-câu-la đến kia kìa.

Phật bảo Thiện Tinh:

- Ông là kẻ ngu. Ông không biết đức Như Lai là bậc vô sở úy ư?

Trời Đế Thích thấy vậy mới bạch Phật rằng:

- Hạng người như vậy mà cũng được vào trong Phật pháp ư?

Phật nói với Đế Thích:

- Cũng được vào trong Phật pháp. Họ cũng có Phật tánh, sẽ chứng được vô thượng bồ đề. Ta vì Thiện Tinh thuyết pháp, Thiện Tinh vẫn không có lòng tin.

Một lần Phật vào thành Thi-bà-phú-la khất thực, vô lượng chúng sinh muốn thấy dấu chân ngài. Thiện Tinh theo hầu phía sau, đi tới đâu chà tới đó, nhưng không chà mất được, lại khiến chúng sinh có quan niệm chẳng lành đối với mình.

Khi vào thành rồi, thấy trong nhà cất rượu có một Ni-kiền-tử ngồi chổm hổm, khom lưng ăn bã rượu, Thiện Tinh bạch với Phật:

- Nếu trong đời có bậc A-la-hán, thời người đó là hơn tất cả. Vì người đó tuyên bố không nhân không quả.

Đức Phật bảo Thiện Tinh:

- Ông là kẻ ngu. Ông không nghe bậc A-la-hán không uống rượu, không hại người, không khi dối, không trộm cắp, không dâm dật ư? Ni-kiền-tử đó giết hại cha mẹ, ăn bã rượu, sao lại gọi là A-la-hán? Ni-kiền-tử đó, sau khi chết nhất định đọa địa ngục A-tì, còn A-la-hán dứt hẳn ba đường ác, sao gọi hắn là A-la-hán?

Thiện Tinh liền nói:

- Tánh của tứ đại còn có thể đổi, quyết không có việc người đó đọa địa ngục A-tì.

Đức Phật nói:

- Ông là kẻ ngu. Ông không thường nghe chư Phật luôn nói lời thành thật ư?

Dù Phật nói thế nào Thiện Tinh tuyệt không có lòng tin.

Một lần, Phật ở tại thành Vương-xá. Trong thành có Ni-kiền-tử tên Khổ Đắc. Vị này thường tuyên bố rằng: “Phiền não của chúng sinh không nhân không duyên, giải thoát cũng không nhân không duyên”. Thiện Tinh bạch với Phật rằng:

- Nếu trong đời có bậc A-la-hán, thời Khổ Đắc là trên hết.

Phật nói:

- Ta nói ông là người ngu. Khổ Đắc không phải là A-la-hán, không hiểu được đạo A-la-hán.

Thiện Tinh nói:

- Sao A-la-hán lại đi tật đố với A-la-hán?

Phật nói:

- Ông là người ngu. Ta chẳng sinh tật đố với A-la-hán, chính là ông tự sinh quan niệm ác tà. Nếu ông nói Khổ Đắc là A-la-hán, thời ông nên nghe đây, bảy ngày sau Khổ Đắc sẽ bị trúng thực, đau bụng mà chết. Chết rồi, sinh trong loài quỉ ăn đồ ói mửa khạt nhổ của người. Bạn học của y sẽ mang thây y bỏ trong rừng Tha-ma.

Thiện Tinh liền đem lời này thuật lại với Khổ Đắc, rồi bảo Khổ Đắc rằng:

- Trưởng lão nên khéo tư duy, tìm phương tiện tu tập, sao cho lời Cù Đàm thành vọng ngữ.

Sau khi nghe Thiện Tinh nói, Khổ Đắc liền đoạn thực. Đến ngày thứ bảy, ăn đường đen uống nước lã đau bụng mà chết. Bạn của Khổ Đắc mang thi hài bỏ vào rừng Tha-ma. Khổ Đắc sinh làm quỉ đói, ăn đồ khạt nhổ ói mửa của người.

Thiện Tinh hay tin, liền đến rừng Tha-ma, thấy Khổ Đắc ngồi chổm hổm bên tử thi, liền hỏi:

- Đại đức chết rồi ư?

- Tôi đã chết.

- Vì sao chết?

- Đau bụng mà chết.

- Ai mang thây đại đức ra đây?

- Bạn học tôi.

- Mang thây bỏ chỗ nào?

- Ông là người ngu. Há không biết đây là rừng Tha-ma sao?

- Đại đức thọ thân gì?

- Thân quỉ ăn đồ ói mửa.

Trả lời rồi, bảo với Thiện Tinh:

- Ông nên nghe kỹ, lời của đức Như Lai là lời lành, lời chân, lời phải thời, lời đúng nghĩa, lời đúng pháp, sao ông không chịu tin lời chân thật của Như Lai. Nếu kẻ nào chẳng tin lời Như Lai, kẻ ấy sẽ thọ lấy thân như tôi.

Thiện Tinh trở về bạch với Phật:

- Khổ Đắc đã sinh lên cõi trời Đao Lợi.

- Này người ngu! A-la-hán là vô sinh, sao lại sinh cõi trời? Hiện nay y đang thọ thân quỉ đói.

- Thật là hiện nay y đang thọ thân quỉ đói.

- Lời của chư Phật là lời chân lời thật, không bao giờ sai.

- Dù như thế, tôi vẫn không có lòng tin.

Phật thường thuyết pháp cho Thiện Tinh mà Thiện Tinh tuyệt không có lòng tin thuận.

Dù Thiện Tinh đọc tụng mười hai bộ kinh, chứng được Tứ thiền, nhưng không hiểu nghĩa một bài kệ, một câu, nhẫn đến một chữ. Vì gần gũi bạn ác nên mất Tứ thiền, sinh kiến chấp tà ác mà nói rằng không Phật, không pháp, không có niết bàn. Ông cho rằng đức Phật có thể biết được tâm niệm cũng như các thứ khác chẳng qua là do giỏi tướng số mà thôi.

Phật bảo với ngài Ca Diếp rằng:

- Này Thiện nam tử! Thiện Tinh dù vào trong Phật pháp vô lượng công đức, nhưng trọn không có lợi ích, là vì phóng dật, vì gần bạn ác. Như người vào trong biển châu báu, nhưng do phóng dật mà không lấy được châu báu, lại bị bạn ác giết hại.

Này Thiện nam tử! Nếu là người trước kia nghèo cùng giờ lại nghèo cùng thì lòng xót thương không nhiều. Nhưng với người trước kia giàu có, về sau lại suy sụp thì lòng xót thương với người này sâu đậm hơn. Thiện Tinh cũng vậy! Đã thọ trì đọc tụng mười hai bộ kinh, chứng đặng Tứ thiền, nhưng lại để thối thất rất đáng thương xót. Do phóng dật quá nhiều mà dứt mất căn lành… Từ nhiều năm nay, ta thường cùng Thiện Tinh gần gũi, mà Thiện Tinh tự sinh lòng tà ác, chẳng bỏ ác kiến.

Đó là chuyện đức Phật kể, được ghi lại trong kinh Đại Niết Bàn tập 2, phẩm Bồ-tátCa Diếp. Từ mẫu chuyện ấy, chúng ta có thể rút được nhiều bài học lý thú, phá bớt những kiến chấp sai lầm đối với bản thân và thế giới chung quanh.

I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA CHÁNH KIẾN

Được thân cận đức Phật, đọc tụng mười hai bộ kinh, chứng được Tứ thiền, nhưng không đủ lòng tin và chánh kiến nên gây tạo cái nhân địa ngục.

Lòng tin, kinh Hoa Nghiêm nói: «Mẹ của tất cả các công đức». Luận Trí Độ cũng nói: «Biển Phật pháp, có tin thì vào được». Trước phải có lòng tin, từ lòng tin ấy, ứng dụng pháp tu hành. Ứng dụng rồi, mới thấy được giá trị những gì Phật đã nói. Niềm tin đó sẽ giúp ta sâu dần vào Phật pháp.

Chánh kiến, là cái thấy (quan niệm) chân chánh. Sao gọi là cái thấy chân chính? Vì cái thấy ấy phù hợp với thực lý của thế gian. Cái thấy này, lúc đầu phải nương vào kinh luận và các vị thiện tri thức. Sau, sẽ tự mình chứng nghiệm. Có cái thấy ấy dẫn dường, mình mới không rơi vào cảnh khổ, được giải thoát, niết bàn. Cho nên, trong Bát chánh đạo, chánh kiến đứng đầu. Có chánh kiến rồi, mới biết cái gì là chánh, cái gì là tà mà hành xử. Từ đó mới có chánh ngữ, chánh mạng, chánh định.

Thế giới hiện nay, dù phát triển cực mạnh, nhưng hiểm họa ngày càng nhiều, là do nhân loại thiếu chánh kiến. Ít ai biết và tin vào Nhân quả. Vì không biết nhân nào cho ra quả nào nên ta có những hành xử lầm nhân lộn duyên. Thay vì hạnh phúc, ta lại gặt những cái quả bất như ý.

1. Chánh kiến đối với công phu tu hành

Trong việc tu hành, chánh kiến rất quan trọng. Nó là kim chỉ nam mang đến quả tốt cho việc tu hành.

a. Pháp môn Niệm Phật

Kinh A Di Đà dạy : «Chẳng thể dùng chút ít thiện căn phước đức nhân duyên mà được sinh về cõi đó. Này Xá-lợi-phất! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe nói đức Phật A Di Đà, rồi chấp trì danh hiệu của đức Phật đó, hoặc trong một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, nhất tâm bất loạn. Thời người đó, đến lúc lâm chung, đức Phật A Di Đà cùng hàng thánh chúng hiện thân ở trước người đó. Người đó lúc chết tâm thần không điên đảo, liền được vãng sinh về cõi nước Cực Lạc của đức Phật A Di Đà».

Không phải chỉ có chút ít thiện cănmà có thể về cõi đó. Vậy điều cốt yếu để được vãng sinh là gì? Là phải đầy đủ ba món Tín, Hạnh, Nguyện. Tín, là tin có thế giới của Phật A Di Đà. Nguyện, là mong muốn được về thế giới đó. Hạnh, là niệm Phật được nhất tâm bất loạn. Nhất tâm bất loạn là trong tâm chỉ còn một câu Di Đà không xen tạp thứ gì khác.[1] Chỉ cần được một ngày nhất tâm bất loạn như thế, liền về cõi Phật. Phải niệm được vậy mới có vãng sinh. Chưa được vậy thì chưa vãng sinh. Tuy chưa được, nhưng vẫn có cái quả an lành, là cái nhân để đời sau tiến tu. Hiểu như thế là có chánh kiến. Nếu chỉ niệm Phật vài ba biến, tâm còn xen đầy các tạp niệm, cũng chưa có tâm niệm chán cõi Sa-bà, mà nghĩ sẽ vãng sinh, là không có chánh kiến.

Hiểu như vậy rồi, nếu muốn vãng sinh, ta phải niệm Phật ngay từ bây giờ. Niệm bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào có thể niệm. Bởi ai từng niệm Phật rồi mới thấy câu niệm Phật bị cắt đứt bởi dòng vọng tưởng thế nào. Một ngày được nhất tâm bất loạn, là kết quả của cả một quá trình niệm Phật miên mật dài lâu, không phải đợi gần chết mới niệm, hay lâu lâu niệm vài ba biến mà có thể nhất tâm bất loạn. Hiểu thế là có chánh kiến. Không hiểu thế là không có chánh kiến.

b. Pháp môn thiền

Thường thì thiên hạ sợ học hiểu nhiều sẽ rơi vào cái gọi là «khẩu đầu thiền», nên không dám học, cũng cản không cho người khác học. Thấy người khác học còn bĩu môi thương hại. Nhưng không học sao biết đường mà tu? Trở thành «khẩu đầu thiền» cũng do thiếu học, học không tới nơi tới chốn, cái đáng học thì không học, cái không đáng học thì huân vào cho nhiều. Chính vì thiếu chánh kiến mà ta bị «khẩu đầu thiền» nó trói. Chính vì thiếu chánh kiến, công bỏ ra thì nhiều mà thành quả thì không bao nhiêu. Vì thế, củng cố chánh kiến là tối cần thiết cho việc tu thiền.

Tọa thiền là nền tảng để an định tâm. Vì thân quen động, nên cần phải bó gối ngồi yên để thân tập dần với cái không động. Vì tâm tán loạn nên cần bó gối để dồn sức cho việc an định tâm. Cho nên, ngồi và ngồi được lâu là điều cần thiết giúp ta an tâm, nhưng đó không phải là tất cả để vin vào đó mà chấp trước. Nếu thấy ngồi lâu, lập tức cho đó là thánh, hoặc chỉ lấy việc ngồi lâu làm kim chỉ nam, là ta đang rơi vào cái gọi là chấp tướng.

Lục Tổ dạy chúng: «Này Thiện tri thức! Thế nào là tọa thiền? Ngoài, đối với tất cả cảnh giới thiện ác, tâm niệm không khởi, gọi là tọa. Trong, thấy tự tánh bất động, gọi là thiền. Này thiện tri thức! Thế nào là thiền định? Ngoài lìa tướng là thiền. Trong chẳng loạn là định… Nếu thấy tất cả cảnh mà tâm không loạn, chính là chân định».

Cốt lõi của việc tọa thiền hay thiền định đều nằm ở tâm, không phải ở tướng ngồi. Ngồi và ngồi được lâu là phương tiện giúp điều phục tâm được dễ dàng. Nếu điều phục được tâm, thì khi đối duyên xúc cảnh, mình mới không khởi tâm. Nếu khởi, cũng có khả năng điều tâm. Với cảnh khiến mình tham, mình không tham. Với cảnh khiến mình sân, mình không sân. Mình bất động được với cảnh giới bên ngoài, tâm đại từ đại bi hiển phát. Cho nên, ngồi là phương tiện để an định tâm, ngồi lâu cũng là việc cần thiết cho người tu thiền, nhưng đó không phải cứu cánh của việc tu thiền. Nếu không thấy được điều đó, thì ngoài việc cố gắng ngồi cho lâu, mình sẽ bỏ mặc các thứ khác. Chưa kể khi chấp vào việc ngồi lâu, mình dễ bị các loại ngoại đạo luyện khí tồn thần v.v… làm mê hoặc.

Những người tu pháp Trường sinh học, do dùng hơi thở khai mở các huyệt đạo để điều phục thân, nên họ ngồi được lâu. Người mới tập vài tháng thì việc ngồi 2 tiếng là không khó, nhưng họ không có ý từ bỏ tham sân si. Vì chủ ý ban đầu của chư vị là tu để thân được mạnh khỏe.

Ngồi lâu mà tâm bình khí hòa, đối duyên tâm không khởi tham sân, lòng từ hiển phát thì việc ngồi lâu ấy tốt. Còn ngồi lâu mà đối duyên xúc cảnh không làm chủ được tham sân, càng tham sân hơn khi chưa ngồi, thì cần coi lại việc ngồi của mình. Hoặc là mình đang chấp vào tướng ngồi đó, sinh tâm ngã mạn, tham sân theo đó tuôn ra. Hoặc việc ngồi lâu của mình không do thiền định mà ra, chỉ do can lì cố gắng, hơi quá đà nên tâm không bình, khí không hòa, sân theo đó mà khởi. Biết vậy rồi thì nên ngồi thế nào để tâm bình khí hòa. Có như thế mới không rơi vào cái gọi là «chấp vào tướng ngồi».

2. Chánh kiến trong việc ăn uống

Chỉ ăn một bữa, không ăn chiều là việc rất tốt. Nhưng đó chỉ là phương tiện, không phải chỗ rốt ráo. Là phương tiện thì nó không mang tính phổ quát mà mang tính tùy duyên. Tùy duyên, là duyên của mình thế nào, mình ăn thế ấy. Ăn sao để còn «bất biến». Bất biến nói đây, chỉ cho tinh thần mà Phật muốn người tu thấy được qua việc không ăn chiều. Nó giúp ta ngăn ngừa tham dục, giúp việc điều thân điều tâm được tốt hơn.

Nếu ăn một bữa, mà việc điều thân điều tâm trở thành tốt thì điều đó không có gì để bàn.

Nếu ăn như thế mà ngoài việc giữ được oai nghi của một kẻ không ăn chiều, còn lại mình chẳng làm gì được, người khi nào cũng ương yếu, điều tâm không nỗi, cũng chẳng thể làm lợi ích cho ai v.v… là mình đang chấp vào tướng ăn mà quên mất tinh thần Phật muốn dạy.

Chị tu theo phái xuất hồn. Hơn 50 tuổi nhưng nhìn vào thấy chị chỉ khoảng 30. Chị không ăn một bữa hay hai bữa mà có khả năng không ăn từ hai đến ba tháng. Lần cuối, xuất rồi chờ hoài không thấy chị về mà xác thì muốn bốc mùi nên phải đem chôn. Việc đó cho thấy, người ăn ít hay không ăn chưa hẳn đã là người tu đúng chánh pháp, đừng nói là đắc đạo. Cho nên, ăn uống đúng pháp là tốt, nhưng không nên lấy việc đó làm tiêu chuẩn phổ quát cho việc tu hành, rồi dùng đó mà soi ra ngoài. Làm như thế, là ta đang biến phương tiện thành cứu cánh. Thua!

Chủ yếu là ăn thế nào để việc điều thân điều tâm được tốt, tham sân si ngày một cạn mỏng. Tổ Trúc Lâm nói: «Đói đến thì ăn, mệt ngủ khì». Ăn làm sao để phá được tâm tham dục, tâm phân biệt, mới là quan trọng. Cần tránh hai thái cực: Ăn quá thiếu và quá dư, ăn vặt, đụng đâu cũng ăn.

Đụng đâu cũng ăn là một hình thức biểu hiện cho tham dục. Không biết tiết chế sự ham muốn trong ăn uống ngủ nghỉ đều là biểu hiện của tham dục. Ăn thiếu quá thì không đủ sức công phu hay làm việc, trở thành gánh nặng cho người khác. Có khi uổng phí một đời tu chỉ vì kẹt vào tướng ăn.

II. LỢI ÍCH CỦA VĂN - TƯ - TU

Thiện Tinh, đọc tụng mười hai bộ kinh, chứng được Tứ thiền nhưng lại «không hiểu được một bài kệ, một câu, nhẫn đến một chữ», nên để ác kiến chi phối mà đọa địa ngục. Vì thế với vấn đề tu học, người xưa phân thành ba lớp:

Văn, là nghe giảng hay đọc học kinh luận.

, là nghe đọc rồi cần phải tư duy.

Tu, là tư duy rồi phải áp dụng thực hành.

Niệm Phật để được sinh cõi Phật, tu Chỉ để sinh định lực v.v… là những việc rất tốt, nhưng ngoài thời gian cần sự miên mật, chúng ta phải tham cứu thêm lời Phật dạy để phát triển trí tuệ, không thì dễ bị ác kiến chi phối. Vì sao?

Vì khi có định lực, mình dễ đạt được những hiện tượng phi thường. Những hiện tượng phi thường ấy, không cần phải có chánh kiến hay trí tuệ, nó vẫn xuất hiện. Nếu không đủ trí tuệ, mình sẽ nương vào những thứ ấy mà sinh ngã mạn. Sinh ngã mạn rồi, thì chánh định thành tà định, chánh mạng thành tà mạng. Không đủ trí tuệ, mình dễ ngộ nhận những hiện tượng đó là kết quả của việc ngộ tâm. Từ việc ngộ nhận đó, những suy nghĩ qui ngã dễ trở thành cái gọi là «Dụng bất khả tư nghì của tự tánh» v.v… Nguy hiểm không ít. Trong kinh Tăng Nhất A Hàm, Phật nói về Đề-bà-đạt-đa: «Ông ấy do thần túc này mà rơi trong ba đường ác». Mới thấy, chưa đủ trí tuệ mà thần lực nhiều chưa hẳn là hay.

Cho nên, đời mạt pháp, là thời trí tuệ chúng sinh kém yếu, hay nương vào tướng mà xét đoán vấn đề, Phật không cho đệ tử dùng thần thông độ sinh. Nếu đã dùng thì sau đó phải nhập tịch.

Biết thế rồi, đến chùa học pháp thì quan trọng là pháp thầy dạy ấy có giúp ta trừ bỏ tham sân si không. Nếu trừ bỏ được, thì bất kể vị ấy thế nào, đó là chỗ mình nên tu học. Đừng để những hiện tượng thần thông làm chóa mắt. Cái tật của đa số chúng sinh, là luôn muốn tìm cho mình một bậc toàn mỹ hay thần kỳ để nương tựa, nên đến chỗ nào cũng không vừa ý. Không biết rằng chư vị mà hoàn hảo quá thì hạng chúng sinh đầy dẫy phiền não như mình không thể tới gần. Bởi cảnh giới của chư vị không đồng với cảnh giới của mình, lấy gì gặp nhau? Dù được công đức quá khứ rồi gặp Phật như Thiện Tinh, thì qua định kiến chúng sinh của mình, chư vị cũng thành khập khểnh. Thiện Tinh là một điển hình. Bởi, thường thì thứ gì theo ý mình mới cho hoàn hảo, nhưng ý mình là gì? Là tên đầy tớ của vô minh. Theo nó, chỉ thêm lớn nhân ngã thị phi.

Cho nên tới chùa, nên đặt mục tiêu tu học rõ ràng: Nghe pháp, ngồi thiền, cúng dường hay làm tất cả các Phật sự chủ yếu là để trừ bỏ tham sân si của mình, không phải để được trân trọng hay vì mục đích nào khác. Tham, sân, si có phá thì thứ an lạc mình có mới chân, mới thường.

III. MỌI THỨ ĐỀU Ở TỰ MÌNH

Thiện Tinh ở gần Phật trong nhiều năm, nhưng do cố chấp, mọi thứ chỉ theo ý mình nên cuối cùng đọa địa ngục. Phật nói: «Ta tìm chút ít căn lành nơi Thiện Tinh để cứu vớt, nhưng trọn ngày tìm cầu mà chẳng được mảy lông tóc căn lành, do đây nên chẳng cứu được tội đọa địa ngục của Thiện Tinh». Nhờ căn lành xưa nên được Phật thị hiện ở kề, nhưng do ác tập đời trước cộng với đời này quá sâu dày, nên dù ở với Phật, chứng cả Tứ thiền, vẫn không tự mình tỉnh giác, bỏ cố chấp v.v… thành đầy đủ lực dụng như Phật cũng potay.com.

Cho nên, chúng ta nếu hiện đời được duyên lành thân cận các bậc tôn túc hoặc thân cư được tùng lâm, thì gắng tỉnh giác và nỗ lực tu hành. Không nên để những cố chấp phá hoại căn lành của mình. Không như thế, lại nương vào nhân lành ấy cho là đủ, rồi sinh ngã mạn, phóng dật, bỏ phế nghiệp tu hành, chạy theo nghiệp thế gian, thì cuối đời chưa biết về đâu. Đây là điều mà người tu chúng ta cần ý thức.

IV. SỰ NGUY HIỂM CỦA PHÓNG DẬT

Trong việc tu tập, phóng dật là thứ phá hoại công đức tu hành rất lớn. Thiện Tinh nếu không phóng dật, kết bạn với Ni-kiền-tử, để cho ác kiến chi phối thì không đến nỗi đọa địa ngục.

Trong Hoa Nghiêm Thám Huyền Ký, Tổ Hiền Thủ phân « phóng dật » thành 10 loại, kèm với 10 pháp đối trị.

1/ Làm biếng: Tật phóng dật đầu tiên khiến việc tu hành của mình đình trệ là làm biếng. Làm biếng đối với thiện pháp, không phải làm biếng với bất thiện pháp.

. Với người mà việc tụng kinh và ngồi thiền là thời khóa chính, thì làm biếng biểu hiện qua việc không tuân thủ giờ giấc đã qui định. Đến giờ tụng kinh, không tụng. Đến giờ ngồi thiền, không ngồi. Tu Chỉ được chút an lạc, liền bỏ nghe giảng hay tham học kinh sách, cũng bỏ luôn việc lợi ích cho người v.v… đều là dạng của tâm làm biếng.

. Với người đang quán tâm, thì việc quán tâm bị bỏ mặc. Vọng tượng vẫn còn lực mạnh mà không điều phục vọng tưởng, để tâm trôi nổi theo cảnh vật bên ngoài v.v… đều thuộc dạng phóng dật nói đây.

Để đối trị các tâm đó, chỉ có cách là tuân thủ những gì cần thiết cho việc tu hành. Tinh tấn độ trong Thập độ, chính là pháp dùng để đối trị tâm làm biếng này.

2/ Phá giới: Đây là một kiểu thoải mái quá trớn của người tu. Giới, nếu không giữ thì dù tọa thiền có định, cũng chỉ là tà định. Tổ Hiền Thủ nói: «Ngoài tham danh lợi thì trong mắc tà định». Định, bản thân nó không nói đến chánh hay tà, chỉ do những biểu hiện thanh tịnh hay không thanh tịnh của mình trong đời sống mà qui thứ định mình được ấy là chánh hay tà.

Danh và lợi không phải là giới mà người tại gia phải gìn giữ, nhưng vướng vào đó thì thứ định mình có được còn gọi là tà, huống là phạm vào 5 giới. Với người xuất gia cũng vậy.

Muốn đối trị tật phóng dật phá giới này thì phải giữ kỹ những giới mình đã thọ. Theo kinhHoa Nghiêm, không phải chỉ trì giới mà còn « Trì giới thanh tịnh ». Trì giới thanh tịnh, có ba nghĩa :

- Không tạo các nghiệp ác.

- Không vì danh lợi.

- Không khởi giới kiến.

3/ Ưa thích thế gian: Là ưa thích pháp thế gian. Dù là người tại gia, nếu đã phát tâm bồ đề thì cũng phải xem chừng thói phóng dật này. Ưa quần áo đẹp, thích trang điểm, thích ăn ngon, thích nghe nhạc, xem phim, thích tụ tập, thích nói chuyện, thích nhiều việc, thích bàn tán việc đời, ưa ngủ nghỉ, ưa tụ tập đi đây đi đó v.v… đều là dạng ưa thích thế gian nói đây.

Muốn đối trị tâm này thì phải xa lìa dần những ưa thích thuộc thế gian. Xa lìa dần thì sau mới xa lìa hẳn. Đồng thời, phải tập quen dần với những gì thuộc xuất thế gian. Thay vì đi xem ca nhạc thì lấy kinh sách ra đọc, tọa thiền, niệm Phật, tụng kinh v.v… Thường, nếu là người đủ căn lực thì khi phát tâm và sau khi phát tâm, những ưa thích thế gian gần như không còn. Nhưng với tâm thức đa phần của chúng sinh, thì phải tập bỏ dần mới xong. Thay vì một tháng xem phim 4 lần, giờ tu rồi, gắng giảm xuống 2 lần, từ từ còn 1 lần, rồi … chấm dứt. Với tất cả pháp thế gian, cứ theo đó mà làm.

4/ Ưa thích náo loạn: Chỉ vì không chịu được sự tĩnh lặng nên chỗ nào ồn náo thì tìm đến, chỗ nào yên lắng thì hoảng sợ. Loại phóng dật này phá hoại công phu thiền định rất nhiều. Nên với người tu thiền, ta cần phải ý thức để trừ bỏ.

Đối trị loại phóng dật này, ta phải thực hành ngược lại. Chỗ nào ồn náo quá, dù thích cũng nhất quyết rời bỏ. Gắng tập sống một mình, sống yên lắng. Đây là việc rất khó khi ta đã quen với cảnh quá động. Lúc đầu tuy khó, nhưng từ từ rồi cũng xong. Phật tử ở Phan Thiết, nhiều vị đã sửa soạn cho mình một không gian riêng, để tự tập yên dần. Làm được vậy một thời gian, mọi thứ sẽ thành quen. Thành thói quen rồi thì mình sẽ không thích náo loạn nữa. Đủ duyên thì làm lợi ích cho người. Dứt duyên thì trụ vào tịnh mà quán tâm, không phải chạy vạy tìm chỗ ồn náo để giải quyết sự hụt hẫn của một tâm loạn động.

5/ Ưa thích các việc thiện nhỏ: Đây là nói cho các vị đã phát tâm bồ đề. Thay vì đặt mục tiêu tu hành để minh tâm kiến tánh, thì trở lui làm việc phước thiện, hưởng phước hữu vi trời người.

Để đối trị tâm này, kinh nói: «Phảichuyên tinh tu tập các thiện nghiệp thù thắng», là chuyên tâm tu Chỉ Quán, Niệm Phật tam muội v.v… đến khi minh tâm kiến tánh. Phật sự nếu có, chỉ là pháp trợ duyên cho con đường thành Phật của mình.

6/ Ưa thích Nhị thừa: Là ưa thích pháp Thanh văn, Duyên giác, không thích phát tâm bồ đề thành Phật. Để đối trị tâm này, phải phát tâm tu Bồ-tát đạo.

7/ Nhiễm công đức: Nhiễm công đức, là tu tạo công đức nhưng lại nhiễm trước vào công đức. Chạy theo Phật sự, không có việc thì đẻ việc ra mà làm, ham thích cái quả do tu tạo công đức mà có, lấy tướng công đức hữu vi biểu trưng cho đạo lực tu hành v.v… đều là những biểu hiện của việc nhiễm trước. Để đối trị tâm này, kinhHoa Nghiêmnói: «Thường tích tập công đức mà tâm không nhiễm ô». Tổ Hiền Thủ giải thích: «Tuy tu công đức đại bi của Bồ-tát mà không thấy năng tu - sở tu, nên không nhiễm».

8/ Mê bồ đề: Là mê muội đối với bồ đề. Để đối trị tâm này, cần phải « xa lìa si ám ». Muốn xa lìa si ám thì cần áp dụng các phương tiện tu hành như Niệm Phật tam muội, Chỉ Quán... Tổ Hiền Thủ nói: «Đối với bồ đề, không khởi cái kiến có – không v.v… mà phát tâm», là không khởi tâm phân biệt mà phát tâm.

9/ Mất bi tâm: Để đối trị tâm này, cần xả bỏ tâm xiễm khúc, thương xót mọi chúng sinh. Y lời mà nhiếp vật thì xả bỏ được tâm xiễm khúc.

10/ Sinh tuyệt phần: Là sinh cái tâm mình không có phần đối với bồ đề, giải thoát, niết bàn. Để đối trị tâm này, cần phải «Khéo hay phân biệt tự biết thân mình». Biết thân mình có bốn:

. Biết thân từ duyên mà có, lìa ngã ngã sở.

. Biết đạo lực của mình nếu yếu thì trong cảnh giới phiền não chẳng thể mạnh.

. Biết đạo lực muốn mạnh, thì phải tinh cần khổ nhọc tạo hạnh tiến tu.

. Biết chắc thân mình có chủng bồ đề, sẽ thành Phật.

Đó là 10 loại phóng dật mà người tu cần biết.

V. TU HÀNH CÓ BẠN

Người tu thiền, vẫn được khuyên là «độc hành độc bộ». Ngoài nghĩa không dính mắc vào tất cả pháp, thì «độc hành độc bộ» là một giai đoạn cần thiết cho người tu thiền. Song khi mới vào đạo, thiện tri thức và bạn lành luôn cần thiết cho việc tu học, nhất là vào thời mạt pháp.

Vì sao phải thân cận bạn lành mà không gần gũi kẻ ác? Vì chủng tử thiện ác có đủ trong mỗi chúng sinh. Gần bạn lành thì chủng lành hiện hành, theo đó cùng tu tập, cùng làm phước thiện. Nếu có sai quấy, liền có bạn lành khuyên can nhắc nhở. Cái sai quấy này có rất nhiều dạng, từ tư tưởng cho đến hành động.

Như tôi, biết mọi thứ từ tâm sinh, cảnh giới và tất cả những gì mình gặp hiện nay đều do thiện và bất thiện nghiệp của mình mà ra. Cũng từng chứng nghiệm được điều đó không phải chỉ trên sách vở. Vậy mà buồn buồn tôi vẫn khởi tập khí chúng sinh: Soi ra trách người này người kia. May, ông bạn tôi là một dạng bạn lành. Không ùa theo mà giải thích chặn đứng những lúc như thế. Bị phản kháng thì có bực, nhưng nói đúng lý thì cũng phải tỉnh mà soi lại. Nhờ vậy tập khí cũ ngày mỗi bớt. Bù lại, tôi cũng là một dạng bạn lành của ông bạn tôi. Có được bạn lành, là một trong các cái phước của mình.

Bạn, mà thứ gì cũng thuận theo ý mình thì chưa chắc là bạn tốt. Ủng hộ mình thực hiện những chuyện hơn, thua, phải, quấy, lập bè, lập phái v.v… lại càng tệ. Vậy không khác xăng với lửa, để riêng mỗi thứ thì vô hại, họp chung lại liền sinh hỏa hoạn, cho chính mình chứ không ai khác, không phải chỉ trong hiện đời mà cả đời sau.

Thiện Tinh tuy được gần bậc Chánh giác, nhưng vì sao lại như thế? Vì trong quá khứ đã làm bạn với bất thiện pháp quá nhiều. Kiếp này, cứ theo các Ni-kiền-tử mà ca ngợi thì biết quá khứ từng làm bạn với các Ni-kiền-tử sâu đậm. Chủng ấy huân tập sâu dày hơn thiện căn gặp Phật, nên kiếp này tuy gần Phật mà đầu óc lại hướng về Ni-kiền-tử. Lời chân, lời thật rõ ràng mà vẫn không chịu thay đổi các ác kiến.

Gần bạn lành là một trong các duyên rất tốt giúp chủng thiện của mình ngày càng huân tập sâu dày kiên cố, còn chủng ác không có điều kiện hiện hành, từ từ sẽ mai một. Pháp môn Tịnh độ khuyên người niệm Phật vãng sinh cũng vì mục đích đó.

Chủng thiện một khi đã sâu dày thì dù gặp hoàn cảnh khiến ác tập của mình sinh khởi, mình cũng có khả năng nhận rõ và điều phục nó. Có vậy, mới có thể «Hành phi đạo mà thành Phật đạo», mới có thể «xông pha» vào ác nạn mà hành Bồ-tát đạo. Không thì chỗ nào an mới dám tới. Chỗ nào không an liền rụt đầu. Nhưng thế giới chúng sinh này mấy chỗ được an? An rồi thì Bồ-tát hạnh mất chỗ đứng.

VI. TÂM TỪ ÁI

Với một người xa lạ phạm lỗi, mình có thể khởi được tâm xót thương, nhưng với một người như Thiện Tinh, đã không chịu nghe lời, lại còn phá pháp, gian xảo v.v… thì nhất định mình sẽ căm phẫn không ít. Mình muốn kẻ đó phải biến khỏi mắt mình càng xa càng tốt. Phật thì không như vậy, không những giữ Thiện Tinh bên mình, lại còn nói với Ca Diếp rằng: «Này Thiện nam tử! Nếu là người trước kia nghèo cùng giờ lại nghèo cùng thì lòng xót thương không nhiều. Nhưng với người trước kia giàu có, về sau lại suy sụp thì lòng xót thương với người này sâu đậm hơn». Phật chỉ thấy thương xót cho lầm lỗi của người, không hề thấy chán ghét như chúng sinh mình.

Nếu mình sống được với ông Phật của mình, mình cũng có lòng từ như thế. Lòng từ đó biểu hiện cho tâm Phật của mình hiện tiền. Cho nên, trong các trường hợp như thế, nếu tâm mình thấy xót thương - đây nói tâm, không nói miệng - thì biết mình đang có trí tuệ đối với việc đó. Nếu thấy ghét bỏ thì biết mình chưa có trí tuệ đối với việc đó.

Vì sao không nói có lòng từ mà nói là có trí tuệ? Vì phải có trí tuệ thì sự xót thương thể hiện ra đó mới là lòng từ. Không thì nó chỉ là biểu hiện của ái kiến. Phát xuất từ trí tuệ, nên Phật thấy rõ từng ác hành của Thiện Tinh, nói thẳng lỗi ấy cho Thiện Tinh nghe, thấy thiện Tinh phá hại việc giảng pháp của mình, nhưng vẫn khởi tâm xót thương. Không như chúng sinh, chỉ khởi tâm thương xót khi người không đụng đến mình, hoặc do không thấy các ác hành của người, hoặc do bị cái ái trói buộc mà xót thương.

Ngoại trừ Phật và hàng đại Bồ-tát, là theo hạnh nguyện mà đi, tức cảnh giới của chư vị là do hạnh nguyện mà có, thì còn lại, cảnh giới của chúng sinh đều do nghiệp nhân từ thời quá khứ mà ra. Thiền sư Takuan nói: «Tốt và xấu không phải trong chính họ mà trong chính tôi. Khi hình ngay thì bóng không cong». Nếu thân, khẩu, ý nghiệp của mình thiện thì hoàn cảnh chung quanh mình thiện. Dù nó có xấu dưới mắt người đời, mình vẫn thấy bình thản như không. Nếu thân khẩu ý của mình bất thiện thì hoàn cảnh đưa đến cho mình sẽ bất hạnh.

Nếu là hàng có trí tuệ, sẽ biến nghịch duyên thành pháp dược để rèn luyện nhẫn lực của mình. Một khi mình đã thấy vạn pháp bên ngoài, dù thuận hay nghịch, đều là pháp bảo giúp mình tu hành thì mình sẽ có tâm cảm ơn hơn là oán trách. Mình oán trách, vì mình thiếu trí tuệ, mình không thấy thủng được lý Nhân duyên đang chi phối thế giới này.


[1] Đây đang nói về pháp Trì danh, pháp dễ thực hành nhất trong các pháp Niệm Phật.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]