Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

09. Thiền Định P’howa Mỗi Ngày

02/01/201214:28(Xem: 6874)
09. Thiền Định P’howa Mỗi Ngày
CHÚ GIẢI VỀ P’HOWA
Hướng Dẫn về Pháp Môn Chuyển Di Thần Thức Siêu Sinh Tịnh Độ
theo Truyền Giảng của Rigdzin Longsal Nyingpo
Tác giả: Chagdud Khadro - Dịch giả: Cư sĩ Nguyên Giác
===============================================

Thiền Định P’howa Mỗi Ngày

Khi vị đại thành tựu giả Kumaraja sắp rời bỏ thân xác, ngài mời tất cả môn đồ của ngài tới và ngồi quanh ngài theo vòng tròn. Vào giây phút ngài thốt lên một tiếng “P’hat!” đơn độc, thần thức của ngài bắn ra khỏi kênh trung ương, xuyên qua luân xa đỉnh đầu của ngài, và ánh sáng cầu vồng rực lên khắp bầu trời ở mọi phương hướng.

Khi những người Cộng Sản Trung Quốc chiếm Tây Tạng, họ rất thô bạo, đặc biệt là trước khi họ củng cố quyền lực chính trị. Nhiều vị sư và hành giả bị tra tấn và sát hại, nhưng một số vị thầy về pháp môn p’howa đã chuyển di thần thức trước khi người Hoa có thể tới giết. Họ làm như thế không phải là trốn đi bằng tự sát, nhưng là để cho lính Trung Quốc tránh khỏi nghiệp dữ của hành vi sát nhân.

Một người mà đã thực sự thuần thục pháp môn p’howa thì không sợ gì sự chết hay bất cứ gì liên hệ tới sự chết, kể cả sự đau đớn, sự bạo hành, hay sự đột tử. Nhưng việc thuần thục tùy thuộc nhiều hơn là chuyện mở kênh [thần thức] và sức mạnh quán tưởng. Nó tùy thuộc vào việc cắt lìa sự mê luyến [gắn bó] các ảo giác của luân hồi sinh tử – thân xác, tài sản, quyền lực và những người thân yêu của mình. Điều này luôn luôn cần nhắc nhở, bởi vì mê luyến là trở ngại lớn để đạt giải thoát xuyên qua pháp môn p’howa.

Thay vì rời bỏ các đối tượng của sự mê luyến, chúng ta phải giảm chính sự mê luyến bằng cách thường trực nhìn thấy rằng không có gì có tự thể (inherent existence, sự hiện hữu tự thân). Nếu chúng ta khảo sát bất cứ thứ gì, chúng ta sẽ ít nhất là nhận thấy rằng nó biến đổi, chuyển dịch từng khoảnh khắc. Nếu chúng ta khảo sát nó tới một mức độ cực vi, chúng ta sẽ thấy rằng nó trống rỗng, mà chỉ là một khả thể thôi.

Giữ cái nhìn về tánh không này thì không phải là cái cớ để lạnh nhạt hay thờ ơ. Thay vậy, nó cho chúng ta lý do để mở ngõ cho mọi kinh nghiệm khi nó khởi lên, mà không cần nắm giữ hay xua đẩy. Nếu chúng ta thâm nghiệm về sự vô thường và tánh không, và có thể thiết lập cái nhìn này trong mọi thời, thì ý nghĩa bên trong của đời sống sẽ khai mở. Nếu chúng ta vững vàng nhìn như thế, chúng ta đã sẵn sàng chết mà không ân hận gì.

Chết là một biến cố quan trọng nhất của đời sống, và để tập dợt cho biến cố này, pháp tu p’howa có năng lực độc đáo như là một phương pháp luyện tâm. Khi chúng ta thức dậy vào buổi sáng, chúng ta nên ngừng lại và suy nghĩ, “Tôi đang sống. Đó là một điều lớn lao. Bây giờ tôi có một ngày mới trong thân người hữu dụng này để phát triển phẩm chất tích cực của tâm mình. Hay là ít nhất, tôi sẽ không gây nguy hại qua việc tạo ra thù hận.”

Suốt cả ngày, chúng ta tỉnh thức theo dõi thân, khẩu và ý. Là những người tu theo pháp p’howa, chúng ta nên thường xuyên quán tưởng Phật A Di Đà, không tách biệt với thầy bổn sư của chúng ta, ở phía trên luân xa đỉnh đầu và đọc thầm bài kinh nguyện để sinh vào Cõi Cực Lạc. Chúng ta có thể làm như thế bất kỳ lúc nào, trong khi làm các sinh hoạt khác.

Nếu chúng ta mong muốn cúng dường thân thể cho các tu tập tâm linh, chúng ta có thể làm các pháp quỳ lạy, đi nhiễu quanh các đền thánh, tập các tư thế du-già để ổn định pháp thiền định, hay phụng sự người khác. Việc cúng dường khẩu của mình thì là việc tụng đọc nghi quỹ và trì thần chú, và dùng lời nói như một phương tiện trao truyền từ bi. Còn tâm là nền tảng của chúng ta và cần quan sát kỹ lưỡng. Cái gì đang khởi lên? Các niệm ám ảnh đang xoay vòng quanh các cảm xúc độc hại? Những khái niệm vô tận đang làm đầy khắp không gian? Cái gì thúc đẩy tiến trình tâm thức của chúng ta?

Để quan sát tâm và thuần hóa nó, chúng ta phải thiền định. Bằng cách bước vào thân trung ấm của thiền định, chúng ta thấy bản chất các hiện tượng luân hồi hiển lộ như tuồng diễn thuần túy, sự hiển lộ của hình tướng, lời nói và tâm thức của vị bổn tôn. Một cách chớp nhoáng, tiến trình nhị nguyên của tâm ngừng lại, và chúng ta có thể trực tiếp kinh nghiệm các hiện tượng không hề tách biệt với tánh không của chúng.

Thân trung ấm nơi sinh và thân trung ấm giấc mơ thì tương tự trong bản chất ảo hóa của chúng. Bằng cách vun trồng cái nhìn về phầm chất như mơ như huyễn của đời sống tỉnh thức, chúng ta có thể thâm nhập cái hiện thực ảo hóa của mỗi giai đoạn, và giải phóng sự ràng buộc của tâm đối với các hiện tướng hư ảo.

Là những người tu tập pháp p’howa, chúng ta nên nhìn lại mỗi đêm và xét lại mình trong ngày. Nếu chúng ta sẽ chết đêm nay, chúng ta có sẽ hài lòng với các thành tựu của ngày cuối cùng này không? Nếu chúng ta liên hệ trong các việc tiêu cực, chúng ta cầu nguyện cho được thanh tẩy bằng cách dùng bốn năng lực của người chứng đã giác ngộ, sám hối, cam kết không phạm lỗi nữa, và thanh tẩy mình bằng ánh sáng hay nước cam lồ. Nếu chúng ta đã tạo ra vài công đức với các việc làm tốt, chúng ta hoan hỉ khi có cơ hội đó. Không có gì mất đi trong phương trình nghiệp lực. Ngay cả một hành động tử tế đơn lẻ như cho ăn một con chó đói hay con chim đói, cũng có ý nghĩa và tác dụng vô lượng, và sẽ là nhân cho các quả tốt hơn trong tương lai. Để tích cực tăng trưởng các công đức đó, chúng ta hồi hướng chúng cho lợi ích của tất cả chúng sinh. Như một giọt mưa tan trong đại dương, lợi ích mở rộng và sẽ không bao giờ biến mất.

Nhìn lại trong ngày theo cách này, chúng ta chiêm niệm về cái chết của chúng ta. Chúng ta hình dung ra các kịch bản khác nhau: một tai nạn xe hơi, ung thư, một tên cướp giật vung dao tấn công, một phát đạn. Chúng ta làm vở kịch này sống động tới nổi nỗi lo thực sự khởi trong tâm chúng ta. Sau cùng, không ai trong chúng ta biết cách nào chúng ta sẽ chết, hay là khi nào. Tất cả các khả thể [làm ta chết] vẫn còn đó, quẩn quanh bên ta, và một trong chúng sẽ tới lúc xuất hiện tùy nghiệp lực chúng ta.

Tự tin tới từ việc tu pháp môn p’howa. Ngay cả khi chúng ta hình dung sự ngăn cách đau đớn xa lìa bạn hữu và gia đình, sự trì nặng của thân xác, và các hơi thở hắt cuối cùng, chúng ta kinh nghiệm sự hòa bình ở mức độ sâu hơn và hồi hướng tới thầy bổn sư của chúng ta không tách lìa khỏi Phật A Di Đà. Chúng ta mong muốn sự hợp nhất, và cảm thấy niềm vui trong viễn ảnh đi tiếp đường đạo của mình trong Cõi Cực Lạc. Trong khuôn khổ này, chúng ta làm nhiều lần chuyển di thần thức, làm pháp trường thọ nếu chúng ta muốn, rồi chúng ta hồi hướng, và rồi chúng ta đi ngủ.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]