- 01. Người Ngày Xưa
- 02. Trái Tim Của Mẹ
- 03. Giữ Gìn Cây Pháp
- 04. Hoa Vẫn Tươi Cành
- 05. Nỗi Lòng Tu-Ði
- 06. Cúng Phật
- 07. Phật Tiếp Khách
- 08. Bảy Bước Thăng Trầm
- 09. Lạc Thành Nhà Mới
- 10. Cư Sĩ Thời Phật
- 11. Bồ Tát Thân Nai
- 12. Bài Pháp Trên Núi
- 13. Phật Ðộ Nàng Gánh Nước
- 14. Không Rượu Mà Say
- 15. Vọng Mỹ Nhân
- 16. Cải Hóa Nanda
- 17. Vua Ăn Thịt Người
- 18. Tăng Hộ cháu
- 19. Vọng Phu
- 20. Giữ Ý Như Giữ Thành
- 21. Bà Lão Dị Kỳ
- 22. Ông Trưởng Giả Keo Kiệt
- 23. Tôn Giả Tí Hon
- 24. Ðịnh Nghiệp Khó Tránh
- 25. Lại Tra Hòa La
- 26. Người Chăn Bò Nanda
- 27. Chú Tiểu Hiền Trí
- 28. Mãnh Lực Lời Nguyện
- 29. Ngũ Xú Nương
- 30. Chuỗi Ngón Tay
- 31. Tôn Giả Bắt Ðà Lợi
- 32. Gọi Phật Bằng Bạn
- 33. Con Nhền Nhện
- 34. Nan Sư Nan Ðệ
- 35. Tam Nghiệp Hằng Thanh Tịnh
- 36. Trư Hòa Thượng
- 37. Tham Y Hóa Rắn
- 38. Duyên Xưa Nghiệp Cũ
- 39. Ðạo Tràng Của Bồ Tát
- 40. Tìm Thánh Tăng
- 41. Tôn Giả Xá Lợi Phất
- 42. Chuyện Vua A-Dục
- 43. Hoa Sen Giữa Bụi Ðời
- 44. Chú Vượn Tinh Khôn
- 45. Lòng Cha
- 46. Thầy Giáo Ðạo
- 47. Ảo Hóa
Thích Nữ Trí Hải
32. GỌI PHẬT BẰNG BẠN
(Phỏng thuật theo kinh Giới Phân Biệt)
Một mùa an cư, sau khi mãn hạ, đức Thế tôn du hành một mình thăm viếng các trú xứ của những tỳ kheo, để biết lối sống của họ, việc tu hành tiến thoái của họ. Chính nhân những cuộc du hành này mà có lần Ngài đã tâm sự với thị giả Nàgita:
- Này Nàgita, mỗi khi đi ngang một làng mạc mà thấy một am cốc của tỳ kheo, thì dù vị ấy đang ráo riết thiền tọa, Như Lai cũng không hài lòng về trú xứ của vị ấy. Vì sao? Vì vị ấy có thể bị phụ nữ, trẻ con, người lớn trong làng đến phiền nhiễu, tán chuyện làm cho vị ấy không thể chứng đắc những pháp chưa chứng, và có thể thối thất những pháp đã chứng. Trái lại, mỗi khi trông thấy một vị tỳ kheo ở trong rừng, dưới gốc cây, thì dù vị ấy đang tựa gốc cây mà ngủ gục, Như Lai vẫn hài lòng, nghĩ rằng: tỳ kheo này sau khi hết cơn buồn ngủ, có thể tiếp tục tọa thiền không bị ai quấy rối. Y sẽ chứng đắc những pháp chưa chứng đắc.
Trong cuộc du hành chúng ta đang nói đến, khi đức Thế tôn đi ngang một làng nọ thì trời sẩm tối. Ngài ghé vào nhà một người thợ gốm xin trú ngụ. Không ai biết đấy là Đấng giác ngộ, vì Ngài làm như một tỳ kheo thông thường giản dị, không có tùy tùng thị giả. Ngài ngỏ lời với thợ gốm:
- Này thợ gốm, tôi có thể nghỉ tại nhà người một đêm không ?
Thợ gốm nhìn Ngài đáp:
- Sa môn muốn ở lại cũng được, nhưng đã có một vị đến trước cũng đang nghỉ tại đây. Xin hiền giả (tiếng xưng hô với những vị tỳ kheo còn trẻ) hãy ngỏ lời với vị ấy, nếu ông ta đồng ý thì xin hiền giả cứ tự tiện.
Đức Thế tôn bước vào. Gặp một vị tỳ kheo trẻ đang ngồi, Ngài hỏi:
- Hiền giả, tôi muốn ở lại đây một đêm, có phiền gì cho người chăng?
- Ồ thưa hiền giả, không có gì phiền. Nhà thợ gốm rất rộng.
Thế tôn bèn trải thảm cỏ ngồi kiết già. Vị tỳ kheo cũng ngồi thiền đến quá nửa đêm. Đức Thế tôn quán sát cử chỉ tỳ kheo thanh niên ấy, lấy làm hài lòng. Ngài nghĩ: "Thanh niên này có những cử chỉ tín thành. Ta hãy hỏi chuyện y". Và Ngài mở lời:
- Này bạn, nhân danh ai mà bạn đã từ bỏ gia đình, sống đời khất sĩ? Ai là thầy của bạn?
Tỳ kheo đáp:
- Ồ bạn ơi, có sa môn dòng họ Thích Ca đã từ bỏ ngai vàng để trở thành một ẩn sĩ. Thiên hạ đồn rằng Ngài đã đạt chánh giác, được tôn xưng là Phật, Thế tôn. Chính nhân danh Con Người cao cả đó mà tôi đã xuất gia. Bậc Thế tôn ấy là đạo sư của tôi. Tôi thích sống như Người.
- Vậy con người cao cả đó, đức Phật, Thế tôn ấy, bây giờ ở đâu?
- Này bạn, có một đô thị ở phía Bắc gọi là Xá vệ, chính nơi đó đức Thế tôn đang ngự tòa.
- Bạn có khi nào thấy Đấng Thế tôn ấy chưa? Bạn có nhận ra Ngài nếu gặp Ngài không?
- Bạn ơi! Làm sao tôi có được cái diễm phúc ấy? Tôi chưa bao giờ trông thấy Ngài, chỉ mới nghe danh Ngài thôi. Nhưng chính nhờ Ngài mà tôi bỏ tục xuất gia, sống đời không nhà. Tôi chưa được gặp Ngài thì làm sao nhận ra Ngài được?
Đức Thế tôn suy nghĩ: "Thanh niên này đã nhân danh ta mà xuất gia. Vậy ta hãy thuyết pháp cho y". Rồi Ngài dạy:
- Hỡi khất sĩ, tôi sẽ giảng pháp cho bạn, hãy lắng nghe.
- Được, bạn cứ nói đi.
Đức Thế tôn thuyết pháp cho vị tỳ kheo ấy về cấu tạo của con người gồm bốn đại, năm uẩn, trong đó không có cái gì là ta hay của ta, toàn là những kết hợp vay mượn từ bên ngoài, biến chuyển luôn luôn để đi đến hoại diệt. Do nhận thức chân chính ấy, khi mắt tiếp xúc với sắc, tai với âm thanh v.v... phát sinh ra cái thấy cái nghe, v.v... và những cảm thọ như dễ chịu, khó chịu v.v..., vị tỳ kheo không tham đắm, không ghét bỏ vì quán sát những cảm thọ ấy không phải là ta không phải của ta. Vị ấy có thái độ "huệ xả" (giải thoát nhờ trí tuệ), không còn vọng tưởng, được sự bất động. Khi dứt được những vọng tưởng như vậy, vị tỳ kheo ấy được gọi là ẩn sĩ tịch tịnh.
Đức Thế tôn dùng âm thanh vi diệu như tiếng hót chim Ca lăng tần già để thuyết pháp cho vị tỳ kheo ấy; khích lệ ông, làm cho ông hân hoan phấn khởi với những lời pháp của Ngài, như thể được nếm vị cam lồ bất tử. Nghe xong thời pháp của Thế tôn, vị tỳ kheo biết ngay đấy chính là Đấng A La Hán chánh đẳng giác ông đang ngưỡng mộ tôn thờ. Ông sửa lại y, quỳ gối chắp tay bạch:
- Bạch Thế tôn, con thật ngu si đã gọi Ngài là bạn. Xin Thế tôn cho con sám hối tội lỗi.
- Này tỳ kheo, vì ngươi không biết nên không gọi là tội lỗi.
LỜI BÀN:
Qua giai thoại này, ta thấy rõ khi vị tỳ kheo lắng nghe đức Phật và lãnh hội lời dạy của Ngài, ông không biết người đang nói với mình là ai, đấy là giáo lý của ai, nhưng ông thấy được chân lý qua những lời dạy ấy. Như thuốc hay thì bệnh sẽ lành, không cần phải biết ai làm nên vị thuốc hoặc nó từ đâu lại.