Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

5. Tâm Hương Tải Đạo

29/08/201112:48(Xem: 5360)
5. Tâm Hương Tải Đạo

TÂM HƯƠNG TẢI ĐẠO
Tuyển tập truyện ngắn thắp lên tinh thần Đạo Giác Ngộ giữa chốn vô minh
Gió Đông xuất bản 2002
Linh Linh Ngọc

TÂM HƯƠNG TẢI ĐẠO

Xe chạy vào đường núi. Nắng đã lên. Tin thời tiết bảo, hôm nay có mưa. Vậy mà, nắng đã lên kìa. Nhìn quanh quất, chẳng thấy bóng mây đen mây xám nào. Nhưng dẫu mưa, hôm nay tôi cũng phải lên núi. Tôi phải gặp Ông Thầy, thiền sư Tịnh-Mặc. Tôi phải gặp ông, không vì những huyền thoại quanh ông. Tôi cần gặp ông vì một chuyện riêng của tôi. Chuyện riêng của tôi mà tôi lại phải tìm gặp một ông thầy tu tôi chưa từng gặp bao giờ. Tôi cảm thấy hơi lúng túng. Nhưng sự tình chắc không mấy khó khăn vì mỗi cuối tuần, rất đông Phật tử quanh vùng lên núi sớm để được cùng đi thiền hành với ông. Tôi sẽ nhập vào đoàn người rồi chờ dịp, thưa với ông điều tôi muốn hỏi.

Tôi nghe nói về ông, cũng như rất nhiều người đã nghe. Thoạt đầu, đồng bào quanh đó biết, có một ngôi chùa sâu trong núi, ở đó, chỉ có một thiền sư già và một đệ tử, nhưng họ chưa được gặp. Rồi một sáng, dăm người tình cờ thấy hai thầy trò lặng lẽ thiền hành quanh đường núi nên họ đi theo để biết chùa mà có dịp lễ bái, cúng dường. Trong khi thiền hành, thiền-sư tuyệt đối không nói gì. Có lẽ vì vậy, ông có Pháp danh là Tịnh Mặc chăng?. Chỉ thầy Tuệ-Đăng, đi sau thiền sư khoảng ba bước, là đành miễn cưỡng trả lời những câu hỏi của nhóm người đi theo họ mà thôi. Cũng nhờ thầy Tuệ-Đăng mà nhóm người đầu tiên lên chùa biết được vài điều, rằng thiền sư đang giành trọn thì giờ để dịch Kinh, viết sách. Kinh điển, hoặc còn nhiều bài tiếng Phạn, hoặc một số đã dịch, nhưng gò bó theo văn tự xưa khiến đa số Phật tử, tụng mà chẳng hiểu mình đang tụng cái gì. Điều đó sẽ hoàn toàn vô ích, chẳng giúp người Phật tử thấy nổi một lằn sáng nào trước cánh cửa vô minh vốn đã từng sừng sững hiện diện, che mờ Phật tánh và trí tuệ của con người.

Ngoài dịch Kinh, viết sách, thỉnh thoảng, thiền sư cũng nhận lời đi thuyết giảng khắp nơi, nhất là ở các Đại-học, với những đề tài nhằm đem chất dinh dưỡng cho đời sống tâm linh trước môi trường xã hội ngày càng đảo điên, tan nát. Nơi nào mời thì cho biết trước thời hạn và lo việc đưa đón hai thầy trò. Việc đi thuyết giảng đó đây cũng là nguồn lợi tức chính, giúp hai thầy trò yên ổn lo Phật sự.

Khi nhóm Phật tử đầu tiên theo lên chùa, thiền sư nói một bài thuyết pháp ngắn, đề tài “Tình thương và sự hiểu biết”. Đề tài cũ kỹ nhưng ý niệm thực sự về tình thương và sự hiểu biết mà thiền sư vạch ra thì hoàn toàn mới mẻ. Người ta cứ tưởng thương nhau là cho nhau cái nọ cái kia, mà quên điều tối quan trọng là những thứ đó, người nhận có thực sự cần thiết, có thật sự mong mỏi không, hay đó, đôi khi lại chính là điều đau khổ khi phải nhận. Thành ra, khi cho như vậy, dẫu tặng phẩm là vật chất hay tinh thần, người cho đã cho chính họ. Bởi vì, cái họ đem cho chỉ là đẹp, là tốt theo họ nghĩ mà thôi, chứ họ đâu có quan tâm để hiểu biết gì về nhu cầu của đối tượng. Người đang đói, cần chén cơm chứ không phải bó hoa rực rỡ. Người đang đau buồn, cần lời an ủi chứ không phải tiếng nhã nhạc rộn ràng. Cho nên, tình thương chỉ thực sự đẹp đẽ khi tình thương đi đôi với hiểu biết.

Sau buổi thuyết pháp bất ngờ đó, đồng bào quanh vùng biết đến chùa, gọi nhau cuối tuần lên núi lễ Phật mỗi ngày mỗi đông khiến thiền sư phải thu xếp thì giờ dịch Kinh để mở những buổi Pháp thoại cho đồng bào.

Khi thấy người bản xứ tò mò theo Phật tử lên chùa, thiền sư mỉm cười. Buổi đó, ông thuyết giảng bằng tiếng Anh. Sau mỗi câu, thầy Tuệ-Đăng phiên dịch liền ra tiếng Việt. Buổi Pháp thoại đó làm mọi người sửng sốt về kiến thức uyên thâm của hai thầy trò.

Từ đấy, mỗi cuối tuần, đường lên núi thật vui vẻ, náo nhiệt. Người ta gặp nhau, cúi đầu chắp tay, miệng nói: A Di Đà Phật. Người bản xứ cũng nói thuần nhuyễn bốn tiếng mầu nhiệm ấy. Họ rỉ tai nhau cũng nhanh lắm. Cái tin, một ông thầy tu già, người Việt Nam, có thể thuyết pháp bằng tiếng Anh với những đề tài rất thực tế và mới lạ, lan truyền khắp vùng. Và họ lên chùa, chờ nghe Pháp thoại mỗi tuần mỗi đông. Thiền sư lại phải dung hoà, một tuần giảng tiếng Anh, một tuần giảng tiếng Việt. Dĩ nhiên, thầy Tuệ-Đăng vẫn là thông dịch viên xuất sắc dù Thiền sư giảng Pháp bằng ngôn ngữ nào.

Do nhu cầu, Phật tử tự động phân công tác dọn dẹp, nấu nướng. Họ còn góp công, đào một hồ nhỏ, thả hoa sen. Người bản xứ thì gọi nhau, quyên góp, cất một thiền đường khá tươm tất để mọi người có nơi ngồi nghe Pháp. Đã có mấy người bản xứ xin theo thiền sư tu học nhưng ông bảo, chưa thuận tiện, chỉ mới chấp nhận làm lễ qui y cho họ.

Ngay sau lễ quy y, họ quỳ trước thiền sư, cúi đầu, chắp tay, và đồng loạt nói lên ba tiếng Việt-Nam:

-Tạ ơn Thầy.

Không biết họ học ở đâu. Phật tử Việt-Nam cảm động, sụt sịt khóc, xin được như họ, gọi thiền sư là Thầy vì tiếng Thầy nghe đầm ấm, gần gũi biết bao !. Từ đấy, ít ai nhắc tới Pháp danh của thiền-sư, mà chỉ gọi ông bằng tiếng <Thầy> thân thương. Và để không lẫn lộn danh từ Thầy, họ đã gọi thầy Tuệ Đăng là Sư Chú. Từ đấy, cũng không mấy ai nhắc đến Pháp danh Tuệ-Đăng nữa.

Mới đây, người ta ghi nhận hiện tượng, không chỉ người bản xứ nam giới tới xin quy y mà số nữ giới cũng đang gia tăng đáng kể. Nhìn những người nữ tóc vàng mắt xanh, thành khẩn qùy mọp trước bệ Phật, chăm chú nghe Thầy tuyên đọc giới luật trước khi được Thầy cho Pháp danh, Phật tử Việt Nam hoan hỷ lắm. Họ nói, Thầy đang mang Đạo Phật chinh phục phương Tây. Và niềm yêu kính của họ đối với Thầy ngày càng tăng.

Vậy mà, ở cách tỉnh chỉ hơn mười dặm, tôi đã thờ ơ đến mức chưa bao giờ lên chùa. Nay có việc riêng cần hỏi mới đi tìm Thầy. Tôi tự bào chữa, mình chưa phải là Phật tử, mình chỉ theo Đạo Ông Bà. À, không ổn, bào chữa thế này chỉ đáng xấu hổ hơn, vì những người bản xứ kia, họ đâu chỉ chưa phải là Phật tử. Họ còn không phải là người Việt-Nam nữa !. Vậy mà tiếng chuông chùa mầu nhiệm đã dẫn dắt họ đi tìm Thầy, tìm Đạo. Cái mặc cảm <đáng xấu hổ> khiến con đường lên núi như cam go hơn, mệt nhọc hơn. Khi thấy được bóng chùa, tôi thở giốc, tưởng sắp đứt hơi. Nhưng lạ, sao quanh chùa không một bóng người ?. Lẽ ra giờ này phải đông lắm rồi chứ ?.

Còn đang ngơ ngác thì từ triền núi bên trái, một đoàn người đang đi lên. À, thì ra tôi đã tới trễ qúa !. Mọi người đi thiền hành vòng quanh núi với Thầy từ sáng sớm, đang trên đường về lại chùa. Đoàn người đi thành hàng ngang, ít nhất khoảng mười người mỗi hàng. Mắt tôi như dán vào hàng đầu tiên mà người đi giữa, tôi chắc đó là Thầy. Trong bộ y mầu nâu, Thầy nhỏ bé, nhu hòa, bước chậm rãi mà tỏa sáng bao an nhiên tự tại. Thầy nắm tay hai em bé đi hai bên. Hình như Thầy mỉm cười, cái mỉm cười tôi thường thấy phảng phất trên môi các tượng Phật.

Đoàn thiền hành từ triền núi tiếp tục đi lên. Đông qúa. Tới hàng mấy trăm người. Vậy mà không có những tiếng động thường có của đám đông. Bước chân của mấy trăm người đó cũng chậm rãi, an nhiên tự tại như Thầy, và nụ cười thầm lặng trên môi họ phải là sự tỏ bầy niềm hạnh phúc chan hòa trong lòng.
Trong phút giây, tôi cảm thấy như cả một không gian đầy hoan lạc, tinh khôi và thơm ngát dịu dàng trùm phủ quanh mình. Tôi đứng lặng, bất động bên khóm trúc, tận hưởng niềm hạnh phúc thanh thoát với lòng biết ơn sâu sa. Tôi chưa từng được diện kiến Thầy, chưa từng được nói với Thầy một lời mà tôi đã mang ơn Thầy rồi. Niềm hạnh phúc bất ngờ tôi đang có đây chẳng phải từ Thầy ư ?.

Tới bên hồ sen, Thầy dừng lại, chờ mọi người lên đủ. Có lẽ đây là điểm kết thúc buổi thiền hành. Thầy và Sư chú đi chậm về bên trái hồ sen. Mọi người tan hàng, nhưng hình như họ đang đi vào thiền đường, ở bên phải.

Không biết lịch trình thế nào nhưng tôi sực tỉnh, nhớ tới mục đích mình lên chùa hôm nay, bèn vội vã chạy theo hướng Thầy và Sư chú. Mới chạy vài bước, tôi đã ý thức ngay sự náo động của mình. Mấy trăm người vừa theo Thầy thiền hành kia, không ai hấp tấp, ồn ào cả. Dù không có Thầy, họ cũng đang đi vào thiền đường bằng những bước chân rất thong dong, thoải mái. Tôi thở vào một hơi thật dài để trấn tĩnh, và tuy không chạy nữa nhưng tôi vẫn phải bước nhanh để kịp gặp Thầy trước khi Thầy bước qua cổng tịnh thất. Chắp hai tay trước ngực, tôi cung kính:

-Thưa Thầỵ

Sư chú đang đi sau Thầy, bỗng bước mấy bước dài, đứng giữa tôi và Thầy như ý ngăn tôi lại. Thầy mỉm cười, nói với Sư chú:

-Không sao.

Bất giác, tôi qùy xuống, thổn thức:

-Thưa Thầy, đây là lần đầu tiên con được gặp Thầy ...

Thầy đưa tay ra, ý muốn bảo tôi hãy đứng lên. Nhưng lòng đã tràn ngập kính yêu, tôi vẫn qùy trên nền đất ẩm.

-Con có chắc không ?

-Thưa Thầy ...

Có lẽ, đoán tôi không hiểu, Thầy nói rõ hơn:

-Con có chắc con mới gặp Thầy lần đầu không ?.

Tiếng chuông từ đâu bỗng ngân lên. Sư chú nói:

-Thí chủ có muốn nghe Thầy thuyết pháp thì hãy tới thiền đường. Chuông báo để chuẩn bị rồi đó. Thầy cần nghỉ ngơi dăm phút trước khi Pháp thoại.

Thầy bước qua chiếc cổng tre. Sư chú theo sau. Bóng hai chiếc áo nâu khuất sau cửa tịnh thất...

Suốt buổi Pháp thoại của Thầy, tôi không nắm vững được gì !. Ở một góc, cuối thiền đường, tôi ngồi thu người lại như con chim trốn tuyết. Tôi chưa hòa nhập được với mấy trăm người quanh tôi. Ngồi đó, tôi đã dùng thị giác nhiều hơn thính giác. Tôi chỉ chăm chú nhìn Thầy, thế ngồi kiết gìa trầm tĩnh, cử chỉ khoan thai, nụ cười nhân ái ... 

Buổi Pháp thoại hơn hai tiếng đồng hồ mà không một ai bỏ dở, không một động tác nào làm xao động không khí thanh khiết trong thiền đường. Buổi Pháp thoại chấm dứt rồi mà tôi còn ngồi yên trong góc.

-Mời thí chủ theo tôi.

Ngước nhìn Sư chú, tôi ngạc nhiên, nhưng cũng quơ vội chiếc cặp da, đứng lên.

Trên lối về tịnh thất, Sư chú hỏi:

-Thí chủ muốn gặp Thầy phải không ?

Tôi lại hấp tấp:

-Dạ phải ...Dạ phải ... Thầy biết tôi muốn xin gặp Thầy, hả Sư chú ?

Sư chú mỉm cười hòa nhã khi bước qua chiếc cổng tre. Tôi tự dặn lòng phải từ tốn, khoan thai. 

Mở rộng cánh cửa tịnh thất, Sư chú cúi đầu, chắp tay:

-Thưa Thầỵ

Rồi lui qua một bên, ra dấu cho tôi bước vào.

Thầy ngồi sau một chiếc bàn gỗ đơn sơ, bên cửa sổ. Trên bàn chỉ có một tách nước.

-Thưa Thầy ...

-Con ngồi xuống đây.

Tôi khép nép ngồi xuống chiếc ghế đối diện, và nghe nhịp tim mình đập loạn...

-Con tìm Thầy vì điều chi ?

Ánh mắt dịu dàng như đang nhìn suốt tâm can tôi. Hình như Thầy hỏi chỉ để mà hỏi. Hình như Thầy đã biết hết tấm lòng của thế gian này, tôi còn quanh co làm chi nữa !.Nghĩ thế, tôi nói ngay:

-Thưa Thầy, con thật mong ước được biết đôi chút về Cư-sĩ Nhất Tâm ở chùa Phổ Đà, Bình Dương. 

Tay Thầy đang nâng tách trà, chưa kịp đưa lên môi, lại chậm rãi đặt xuống. Trong khoảnh khắc lặng lẽ, hình như chỉ còn âm thanh hai tiếng <Nhất Tâm> thoảng trong gío núi. Một lát, giọng Thầy thật nhẹ:

-Sao lại tìm Thầy mà hỏi ?.

Thật là tệ hại !. Điều đáng nói trước thì không nói, lại nói điều sau cùng...Lỡ đảo ngược rồi, bây giờ biết bắt đầu từ đâu ?. Mà thật ra, việc đi tìm gia thế một cư-sĩ không có liên hệ xa gần gì với mình, chưa từng gặp, chưa từng biết, lại đang ở cách xa nửa trái địa cầu thì, tự sự việc đã qúa ư mơ hồ rồi. Chỉ vì cuốn sổ điện thoại nhỏ của mẹ, ở vần T, có mấy giòng “Cư sĩ Nhất Tâm, chùa Phổ Đà Bình Dương, con trai TT Trần Phú ???”.

Mẹ không còn nữa, tôi biết hỏi ai ?. Mà dẫu còn, chắc mẹ cũng chẳng biết, vì chính mẹ vẫn để ba dấu hỏi lớn sau hàng chữ đó.

Tuần trước, tình cờ gặp một Phật tử hay lên chùa. Bà ta nói dăm câu chuyện về Thầy, san sẻ lòng ngưỡng mộ với những người nghe. Trong dăm câu chuyện đó, có câu “Thầy xuất gia từ nhỏ, tại một ngôi chùa cổ ở Bình Dương. Nay Thầy vẫn thường gửi tiền về chùa cũ để chùa mở lớp học, dạy trẻ con nhà nghèo ...”.

Bình Dương có bao nhiêu ngôi chùa ? Thầy đi tu từ nhỏ, nếu chẳng phải chùa Phổ Đà thì chắc Thầy cũng biết chùa ở đâu. Và nếu biết chùa Phổ Đà, liệu Thầy có biết cư sĩ Nhất Tâm, cậu bé bẩy tuổi, được người bác họ mang tới chùa Phổ Đà, gửi gấm sư cụ vào cuối năm 1975, ngay sau khi mẹ cậu vừa được họ hàng chôn cất ? Nhưng nếu Thầy rời quê hương vào đúng thời điểm đó thì chắc Thầy cũng chẳng có cơ duyên biết về cậu bé mồ côi, mà nay là cư sĩ Nhất Tâm...

Tất cả mọi sự đều mơ hồ đến thế, mà tôi dám lên đây, tìm Thầy để hỏi !. Bao nhiêu niềm tự tin, cứng cỏi, bỗng chốc tiêu tan và nước mắt bắt đầu rơi trên tà áo dài lụa trắng ...

Sư chú bước vào phòng với một tách trà cho tôi rồi lại lui ra. Thầy bảo:

-Hãy uống trà đi, hãy uống trong chánh niệm, cả thân và ý chỉ tiếp xúc với vị trà, không gì khác nữa. Nào !.
Thầy nâng tách trà lên bằng hai tay, từ tốn đưa lên môi, nhấp một ngụm nhỏ. Đặt tách xuống, Thầy thở nhẹ, và nhắm mắt. Tôi ngoan ngoãn làm theo. Thân và ý chỉ tiếp xúc với vị trà, không gì khác nữa... Tâm hồn tôi như đang lướt trên mặt hồ sen thơm ngát, ở đấy, những bông sen đầu mùa đang hé cánh hồng đào, ngào ngạt hương. Hương sen đó, giờ đang quyện trong trà này, thành thần dược, lặng lẽ đẩy lui những thổn thức, u uẩn trong lòng tôi. Ôi, bài học đầu tiên Thầy cho tôi thật nhẹ nhàng mà mầu nhiệm quá!. Tôi đã bình tĩnh và nhất là, đã biết bắt đầu từ đâu, để thưa với Thầy về câu chuyện của mình. Câu chuyện chưa một lần hai mẹ con tôi nói ra với ai. Đó là cái chết của cha tôi.

Tuần lễ cuối tháng ba năm 1975, sư đoàn 22 Bộ Binh thuộc Quân Đoàn II của quân lực VNCH được lệnh rút lui về Qui Nhơn. Lúc đó, cả ba Trung đoàn 41, 42 và 47 đều đang còn giao tranh với Cộng quân trên mặt trận Quốc lộ 19 và phía Bắc Bình Định, cách Qui Nhơn hơn 30 cây số. Rút lui trong khi đang giao tranh ngang ngửa là một cái lệnh bất thường. Và phải chăng, vì bất thường nên đây là cuộc rút quân đẫm máu và tàn khốc nhất. Rút quân qua ổ phục kích của địch !!!.

Suốt hơn 20 tiếng đồng hồ, những chiến sĩ can trường của ba Trung đoàn 41, 42 và 47 đã chiến đấu trong tình trạng không có yểm trợ, không tiếp tế, không tản thương, không cả liên lạc được với các đơn vị bạn. Với kinh nghiệm chiến trường, họ đều biết, họ đang ở trong những phút cuối của đời binh nghiệp.
Nhưng không một ai đầu hàng.

Khi đó, hậu phương đã tan rã, trước mặt, sau lưng là địch. Họ chỉ còn một con đường duy nhất, con đường mang lời thề Vị Quốc Vong Thân.

Trên tử lộ ngổn ngang xương máu đó, một vị chỉ huy của Trung đoàn 47 đã trúng thương ở chân, lại chợt thấy một thuộc cấp của mình đang hấp hối bên bờ ruộng. Ông qùy xuống bên đứa em thân yêu. Người chiến sĩ chỉ còn thoi thóp, gương mặt hằn bao nét đau đớn mà ngón tay vẫn để trên cò súng như sẵn sàng tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ quê hương. Vị chỉ huy đứng lên, rồi lại ngồi xuống. Làm sao ông có thể đành lòng bước đi, dù đằng trước mặt cũng chỉ là sự chết !. Thế nên, ông đã qùy xuống, bình tĩnh rút khẩu súng bên mình, giúp người thương binh chấm dứt sự đau đớn. Xong, ông kê súng vào màng tang mình, bấm cò !...

Tất cả cảnh tượng bi hùng chớp nhoáng đó đã tình cờ xẩy ra trước mắt một phóng viên chiến trường. Anh nhận diện được cả hai người vì đã một lần hành quân chung. Và lần cuối cùng này, nhờ chưa bị thương, anh thoát khỏi con đường máu đó trong đường tơ kẽ tóc và mang được tin tức về ...

Nắng qua khóm trúc, lung linh từng sợi vàng trên khung cửa sổ. Tách trà đã vơi, lòng tôi đã nhẹ. Tôi chắp tay:

-Thưa Thầy, trong câu chuyện năm xưa đó, người chiến binh đau đớn trong cơn hấp hối là cha của con, và người giải thoát cho cha con, rồi cũng tự sát để bảo toàn khí tiết, có lẽ là cha của cư sĩ Nhất Tâm. Ngày đó con mới ba tuổi, chưa biết gì cả, nhưng mẹ của con thì không ngớt đi tìm tông tích gia đình của ân nhân. Vâng, thưa Thầy, đối với mẹ con, quyết định can trường của vị chỉ huy lúc đó, ngoài sự bảo vệ danh dự cho chính ông, còn là một ân huệ cho cha con, vì trong trạng huống khốc liệt đó, ai đã bị thương thì chắc chắn sẽ chết. Cha con đã được ông chấm dứt sự đau đớn, tuyệt vọng. Mẹ con còn tin chắc rằng sự ràng buộc chưa kết thúc ở tình huynh đệ chi binh giữa hai người cha mà có thể còn tiếp nối giữa hai người mẹ và giữa những người con ....Biết bao công lao dọ hỏi, khi vừa tìm đến nơi thì cậu bé mồ côi đã được người bác họ đem đến chùa gửi, vì không nuôi nổi.

Đó cũng chính là thời gian hai mẹ con của con phải trốn tránh, sống lây lất ở Vũng Tầu, chờ chuyến ra khơi.

Qua tới đây rồi, mẹ con vẫn nhờ người tìm cách xác định về cậu bé mồ côi đó, nhưng giữa bao tang thương biến đổi, việc này không phải dễ. Trong nhiều năm, gom góp hết những tin tức nhỏ giọt, đứt quãng, mẹ con chỉ biết được bấy nhiêu và chỉ mới chia sẻ điều đó với con trong mấy tháng lâm trọng bệnh.

Thưa Thầy, con tìm Thầy hôm nay cũng chỉ là tiếp nối việc làm của mẹ, một việc làm hoàn toàn mơ hồ nhưng lại được thúc đẩy mãnh liệt từ Tình Người...

Thầy bỗng đứng lên, đi về tủ sách ở góc phòng. Mở một ngăn tủ, Thầy cầm ra một phong bì mầu vàng. Trở lại ghế ngồi, Thầy chậm rãi rút từ phong bì ra một tấm hình cỡ lòng bàn tay, đưa cho tôi. Trong hình là một cậu bé, tóc để chỏm như chú tiểu, đứng giữa hai nhà sư, một gìa một trẻ. Nhà sư trẻ là Thầy đây, vị sư già chắc là sư cụ trụ trì chùa Phổ Đà. Còn chú tiểu ....Trời ơi !... Hẳn là thế !... Hẳn là đây !...

Không thể cầm lòng, tôi ôm mặt, khóc nấc lên. Trong phút giây, tôi như thấy rõ lại cha tôi, người đã ra đi từ năm tôi ba tuổi. Chưa bao giờ tôi thấy được cha, rõ như phút giây này. Và thấy mẹ. Chưa bao giờ tôi thấy được mẹ có nét vui tươi như phút giây này. Và thấy Nhất Tâm. Chưa bao giờ sự tưởng tượng của tôi về cư sĩ Nhất Tâm rõ nét như phút giây này. Mô Phật, tất cả bao sự mầu nhiệm này từ đâu chợt đến ?...Lời Kinh mẹ tụng hằng đêm bỗng thoảng lên như tiếng chuông ngân “Vô thượng thẩm thâm vi diệu pháp. Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ. Ngã kim kiến văn đắc thọ trì. Nguyện giải Như-Lai chơn thiệt nghĩa”...

-Thầy biết sẽ có ngày nay vì Thầy đã thấy con rồi. Thầy đã thấy con qua Nhất Tâm. Đừng ngạc nhiên. 

Không có gì là thần bí cả. Khi hiểu Đạo hơn, con sẽ biết về hiện tượng Tha Tâm Minh, và sẽ hiểu điều Thầy vừa nói. Bây giờ Thầy cho con biết việc con muốn biết. Đúng, Nhất Tâm đúng là chú bé mà mẹ con đã tìm kiếm bao năm. Chú tới chùa từ cuối năm 75. Giữa tháng bẩy năm 80, sư cụ sai Thầy đi cúng vong ở một nhà ven biển. Tay nải đựng kinh và chuông mõ do sư cụ soạn sẵn, đeo vào vai Thầy. Nhất Tâm theo Thầy ra tới cổng. Khi đó chú đã mười hai tuổi, thông minh đĩnh ngộ và rất chuyên cần công phu. Chú nắm tay Thầy mà nói:

-Sư huynh cứ đi đi, đệ sẽ trông nom sư cụ cẩn thận như Sư huynh vậy.

Ngờ đâu, buổi cầu vong đó là do sư cụ sắp đặt cho Thầy. Đó chính là chuyến ra khơi của một số Phật tử thân tín với chùa. Lên tầu, mở tay nải ra, chuông mõ không thấy, chỉ là vật dụng cá nhân, thuốc men, tấm hình này và thư của sư cụ giải thích. Sư cụ đã biết chắc, nếu hỏi ý, sẽ không bao giờ Thầy chịu bỏ sư cụ và Nhất Tâm mà ra đi. Nhưng không đi thì chết cả. Dẫu Đạo hay Đời cũng phải nương theo thời mà tồn tại.

Thầy đột ngột hỏi:

-Con học sử, nhớ chúng ta có vua Trần Nhân Tông chứ ?

-Thưa vâng. Vua Trần Nhân Tông đã hai lần cùng toàn dân đứng lên đánh đuổi quân Nguyên, giữ vững cõi bờ.

-Thế con có biết Thiền sư Hương Vân không ?

-Dạ ...không.

-Thiền sư Hương Vân chính là vua Trần Nhân Tông đấy. Từ nhỏ Ngài đã trốn khỏi hoàng thành để đi tu nhưng phụ hoàng sai quân triệu về, rồi sau đó, lên ngôi. Trong thời gian trị vì, quân Nguyên hai lần tràn sang muốn thôn tính nước ta. Ngài đã thân chinh đánh giặc, bảo vệ đất nước, con dân. Khi nước nhà đã yên, trăm họ đã no ấm, Ngài bèn truyền ngôi cho Thái tử, khoác áo cà-sa, một mình chống gậy trúc lên núi Yên Tử, lập am Ngọa Vân, tu đời khổ hạnh cho tới ngày nhập diệt. 

Thầy lại chợt hỏi:

-Con hiểu câu “Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát” là nghĩa gì ?

-Thưa Thầy ....

-Người tu hành, lánh xa trần tục không có nghĩa là lánh xa cả việc cứu vớt những khổ nạn trong đời. Phật đâu có dạy chúng sinh, chờ tới đắc Đạo mới cứu khổ cứu nạn, mà ngay ở hiện hữu này đây, thấy khổ phải cứu, thấy nạn phải vớt. Nếu không, hóa ra Đạo Phật chỉ là mớ lý thuyết Kinh điển lồng vào những hình thức tụng niệm vô hồn, chẳng giúp gì cho đời sao ? Giữ giới không sát sinh đâu có nghĩa là thấy con rắn độc đang trườn tới trẻ thơ mà không ngăn. Cho nên, phải nhìn Đạo Phật bằng một nhãn quan sâu sắc và tích cực hơn mới mong giúp mình, giúp đời.

Thầy khoan thai nhấp một ngụm trà rồi nói tiếp:

-Gần đây, chắc con có biết tin một nhà báo ngoại quốc, bất ngờ xông vào chùa Giác Minh với ý định gặp được Thượng Tọa trụ trì đang bị nhà nước quản thúc tại đó ?

-Vâng, thưa Thầy, ông ta bị công an chặn lại ở bậc tam cấp, bèn ngồi ngay xuống đấy, chân xếp bằng như tọa thiền, nhất mực không chịu rời chùa nếu chưa được diện kiến Thượng Tọa trụ trì hoặc gặp giới cao cấp của nhà nước để trình bầy ý muốn. Bức hình độc đáo đó, không biết ai chụp, ai gửi, mà đã xuất hiện trên báo chí khắp thế giới. Thưa Thầy, sự việc này đã đưa được một thông điệp mạnh mẽ ra ngoài, là ở Việt Nam, không có tự do tôn giáo dưới chế độ Cộng Sản như lời họ vẫn rêu rao. 

Giọng Thầy bỗng khác lạ:

-Con có nghĩ rằng, một nhà báo nước ngoài, chân ướt chân ráo nơi xứ lạ có thể thực hiện được điều đó một mình không ?

Tôi sửng sốt nhìn Thầy.

Thầy mỉm cười.

Lần này, nụ cười tôi thường thấy phảng phất trên môi các tượng Phật, không còn chỉ như trên hình tượng nữa.

Nụ-Cười-Thích-Ca đang nở trên môi Người-Cứu-Khổ-Cứu-Nạn. 

Và tôi đã hiểu.

Mô Phật, tôi đã hiểu việc Thầy, việc cư sĩ Nhất Tâm, việc bao Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni, đang mang Cõi Tâm Hương thanh khiết mà tải Đạo, giúp đời.

Tin khí tượng loan báo cho hôm nay, bây giờ mới đúng.

Mặt trời đã ở trong mây và mưa bắt đầu rơi. Cửa sổ phòng Thầy không đóng. Gío núi đang hắt từng làn bụi nước mỏng vào chỗ tôi ngồi. Tôi ngửa cả hai bàn tay ra. Đây không phải chỉ là mưa. Đây là nước Cam Lồ đang từ nguồn Bồ Tát chảy xuống giòng đời tôi khô cằn. Những lời mẹ giảng về Đạo Pháp, tôi chưa từng quan tâm, nay hiện ra như trang Kinh mở rộng. Muốn thấy Phật, hãy nhìn chúng sinh. Nhìn cho rõ chúng sinh sẽ thấy Bồ Tát, vì Phật tánh hiển lộ nơi chúng sinh nào, vị đó sẽ hành trì hạnh nguyện Bồ Tát. Nơi nào có khổ nạn, nơi đó có Bồ Tát, nên Bồ Tát ở ngay đời này chứ chẳng phải chỉ ở qúa khứ, vị lai ...

Chắp hai bàn tay ướt đẫm Cam-Lồ-thủy, tôi qùy xuống trước Thầy, lạy một lạy.

Ngày mai đây, tôi đã biết tôi phải sống cuộc đời thế nào.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Linh Linh Ngọc
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]