Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển Thứ Hai Mươi Chín

16/07/201114:32(Xem: 9779)
Quyển Thứ Hai Mươi Chín

Đại Tạng Số 1425
LUẬT MA HA TĂNG KỲ
Việt dịch: Thích Phước Sơn - Chứng nghĩa: Thích Đổng Minh

Quyển Thứ Hai Mươi Chín

NÓI RÕ PHẨM TẠP TỤNG THỨ BẢY

Lại nữa, khi Phật du hành tại nước Câu Tát La, lúc ấy các Tỉ kheo cầm y bát của Hòa Thượng, A xà lê đi trước, ra ngồi tụ tập ở ngoài cổng để đợi thầy, vì sợ mất y chỉ nên không dám ra khỏi cương giới. Phật biết mà vẫn hỏi các Tỉ kheo:

- Đây là các Tỉ kheo nào mà ngồi tụ tập như vậy?

Các Tỉ kheo bèn đem sự việc kể trên bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền nói với các Tỉ kheo:

- Đây không phải là rời y chỉ. Đợi khi Như Lai du hành nước Câu Tát La trở về thành Xá-vệ, các ông hãy nói lại, để Ta chế định phép xả y chỉ cho các đệ tử.

Khi Phật trở về thành Xá-vệ, các Tỉ kheo đem sự việc trên bạch đầy đủ lên Thế Tôn, rồi nói:

- Nay thật là đúng lúc, xin Thế Tôn chế định phép xả y chỉ cho các đệ tử.

Phật liền bảo các Tỉ kheo:

- Khi Hòa Thượng mệnh chung là rời y chỉ ; hoặc là thôi tu, bị cử tội, hoặc ra ngoài cương giới nghỉ lại một đêm ; hoặc đệ tử cọng trú ra ngoài giới ngủ một đêm ; đó gọi là rời y chỉ. Nếu thầy y chỉ mệnh chung, thôi tu, bị cử tội, hoặc ra ngoài giới nghỉ lại một đêm, hoặc đệ tử y chỉ ra ngoài giới nghỉ lại một đêm, hoặc đệ tử đã đủ 5 tuổi hạ, khéo biết pháp, khéo biết luật, được rời y chỉ, đó gọi là xả y chỉ. Nếu Tỉ kheo không khéo biết pháp, không khéo biết luật, không thể tự lập, không thể xây dựng cho người khác thì Tỉ kheo ấy suốt đời phải y chỉ người khác mà sống. Nếu Tỉ kheo đủ 10 tuổi hạ, khéo biết pháp, khéo biết luật, có thể tự lập, có thể xây dựng cho người khác thì Tỉ kheo ấy được nhận người khác y chỉ.

Đó gọi là phép tắc của Hòa Thượng, A xà lê, đệ tử cọng trú và đệ tử y chỉ.

PHÉP TẮC CỦA SA DI.

Thế Tôn không thích việc cha mẹ vì quá thương yêu, khóc lóc khi Ngài sắp làm Chuyển Luân Vương mà bỏ nhà xuất gia, cho đến khi tôn giả La Hầu La xuất gia, các nhân duyên này đã được nói rõ ở những chỗ khác, nên Ngài nói với Xá-lợi-phất:

- Ông hãy đến độ La Hầu La xuất gia.

- Con độ La Hầu La xuất gia bằng cách nào, bạch Thế Tôn?

- Ông đến đó, dạy La Hầu La nói như sau:

- Con là La Hầu La, quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng (nói như vậy ba lần). Con là La Hầu La quy y Phật rồi, quy y Pháp rồi, (460c) quy y Tăng rồi, suốt đời không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu ; Phật Thế Tôn xuất gia, con là La Hầu La cũng theo Phật xuất gia (nói như vậy ba lần). Phật Thế Tôn xuất gia, con là La Hầu La cũng theo Phật xuất gia, bỏ y phục thế tục, khoác ca sa, suốt đời không sát sinh giữ giới Sa di, suốt đời không trộm cắp giữ giới Sa di, suốt đời không dâm dục giữ giới Sa di, suốt đời không nói dối giữ giới Sa di, suốt đời không uống rượu giữ giới Sa di, suốt đời không trang sức hương hoa giữ giới Sa di, suốt đời không xem nghe múa hát nhạc kịch giữ giới Sa di, suốt đời không ngồi trên giường cao rộng giữ giới Sa di, suốt đời không ăn quá giờ giữ giới Sa di, suốt đời không cầm giữ vàng bạc và tiền giữ giới Sa di, xin luôn luôn ghi nhớ như vậy.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ tôn giả A-nan có một người đàn việt quen biết, cả nhà ông bị một cơn bệnh dịch chết hết, chỉ còn một đứa nhỏ, nó thường nhặt những hạt gạo rơi nơi chợ búa để nuôi sống. Khi tôn giả A-nan đi ngang qua đó, đứa bé trông thấy, liền chạy theo sau gọi: "Ông! Ông!". Nhưng A-nan không nghe nên cứ đi tới, liền bị người đời chê trách:

- Vì sao Sa-môn Thích tử khi người ta còn cha thì tìm cách làm thân như cha như con, bây giờ thấy người ta suy vi tan tác thì không đoái hoài đến, khiến đứa bé chạy theo kêu không ngừng?

A-nan nghe thế, quay nhìn lại biết được, liền gọi:

- Con lại đây.

Thế rồi, đứa bé đi theo sau A-nan về tinh xá Kỳ Hoàn. Phật thấy thế, tuy biết mà vẫn hỏi:

- Con của ai vậy?

A-nan bèn đem sự việc trên bạch đầy đủ lên Thế Tôn, rồi hỏi:

- Bạch Thế Tôn! Đứa bé này có xuất gia được không?

- Ông dùng tâm gì mà độ nó?

- Tâm từ mẫn, bạch Thế Tôn!

- Xuất gia được!

- Bạch Thế Tôn! Cho xuất gia bằng cách nào?

- Như trường hợp cho La Hầu La xuất gia ở trên đã nói rõ.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, có một người già cả xuất gia, rồi an cư tại một thôn xóm. Sau khi an cư xong, thầy dẫn theo 10 Sa di đi đến thăm viếng Thế Tôn. Khi ấy, Thế Tôn đang ngồi ở chỗ trống, vị Tỉ kheo già ấy từ xa trông thấy Thế Tôn, bèn chỉ, nói với các Sa di:

- Đấy là ông Tổ của các ngươi đó.

Khi ấy, các chú Sa di nhỏ bèn tranh nhau chạy trước đến chỗ Phật, rồi đứa thì nắm giường ghế, đứa thì nắm y kéo, đứa thì rờ bàn chân, đứa thì cầm bình nước. Phật biết mà vẫn hỏi thầy:

- Đó là các Sa di của ai vậy?

- Của con đó, bạch Thế Tôn!

- Vì sao ông độ nhiều Sa di như vậy? Từ nay về sau, Ta không cho phép nuôi nhiều Sa di. (461a) Nếu nuôi một lần thì tối đa chỉ được nuôi ba người. Nếu Tỉ kheo có đức lớn được nhiều người tôn trọng (muốn làm đệ tử) thì nên gởi gấm cho người khác độ họ, rồi thưa rằng:

- Tôi biết có người chỉ muốn theo thầy tụng Kinh nghe pháp để tăng trưởng việc tu học, vì vậy xin gởi họ cho thầy.

Nên nói như vậy để gởi gấm cho người khác, nhờ họ dạy dỗ giúp. Nếu ai nuôi nhiều Sa di, thì phạm tội Việt tỳ ni.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, có thầy Tỉ kheo dẫn một Sa di về nhà thăm bà con. Khi đi qua chặng đường ở vùng hoang dã, bỗng có một phi nhân hóa làm rồng, đi nhiễu quanh bên phải Sa di, dùng hoa rải lên người, rồi tán thán:

- Lành thay! Ông được lợi ích rất lớn, vì đã bỏ nhà xuất gia, không cầm vàng bạc và tiền.

Vị Tỉ kheo về nhà người thân thăm hỏi xong rồi, định trở về lại tinh xá thì bà vợ của người thân nói với Sa di:

- Nay chú trở về, đường sá xa xôi, sợ e thiếu thốn, vậy hãy cầm theo số tiền này khi đến chợ quán sẽ dễ bề chi dụng.

Sa di bèn nhận lấy, rồi cột vào trên đầu y mà đi. Khi đến giữa đường, phi nhân trông thấy Sa di cầm tiền đi theo sau Tỉ kheo, liền hóa làm rồng đi nhiễu bên trái Sa di, rồi hốt bụi ném lên Sa di, nói như sau:

- Ông đã mất lợi ích rồi, xuất gia tu hành mà còn cầm tiền đi.

Sa di liền khóc. Thầy Tỉ kheo ngoái lại thấy thế hỏi Sa di:

- Vì sao ông khóc?

- Con không nhớ là mình có lỗi gì mà vô cớ bị não loạn.

- Ông có cầm vật gì không?

- Con có cầm số tiền này đây.

- Hãy vứt bỏ đi.

Sau khi vứt bỏ, phi nhân lại cúng dường như trước. Thầy Tỉ kheo bèn đem sự kiện ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật dạy:

- Từ nay về sau Ta không cho phép Sa di cầm vàng bạc và tiền. Nếu Tỉ kheo sai Sa di lần đầu tiên cầm vàng bạc và tiền thì phạm tội Việt tỳ ni. Nhưng nếu thấy Sa di trước đó đã cầm, rồi sau bảo cầm thì không có tội.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, được chư thiên và người đời cúng dường, như trên đã nói rõ. Bấy giờ, sau khi ăn xong, tôn giả Đại Mục Liên cùng với Sa di Chuyên Đầu đi đến bên ao A Nậu ở Diêm Phù Đề ngồi thiền. Lúc ấy, Sa di Chuyên Đầu thấy những hạt cát vàng ở bên ao, liền suy nghĩ: "Nay ta hãy gói các viên sỏi này đem về để dưới bình tắm của Thế Tôn". Thế rồi, tôn giả Mục Liên sau khi xuất thiền, bèn dùng thần túc đi trên hư không trở về tinh xá. Còn Sa di Chuyên Đầu thì bị phi nhân giữ lại. Khi ấy, Mục Liên bèn quay lại, thấy Sa di liền gọi đến. Sa di nói:

- Con không thể đến được.

- Ông có cầm vật gì sao?

- Con có cầm những hạt cát vàng.

- Ông hãy vứt bỏ đi.

Sau khi Sa di bỏ rồi, liền nương hư không mà đi. Các Tỉ kheo đem sự việc ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền dạy:

- (461b) Từ nay về sau, Ta không cho phép Sa di cầm vàng bạc và tiền.

Lại nữa, khi Phật an trú tại tinh xá của dòng họ Thích, ở bên cây Ni Câu Luật, tại nước Ca Duy La Vệ, có các đàn việt thiết lễ cúng dường trai phạm cho chúng Tăng. Lúc ấy, trong vườn có một Sa di đang đuổi chim, xua ruồi, nhặt các thứ cơm, xương, rau quả rơi mà ăn ; nhằm lúc có các bà mẹ vốn có lòng thương cảm, thấy thế liền nói như sau:

- Sa-môn Thích tử không có lòng từ, ăn không bình đẳng, giống như nuôi nghé con, trước cho bú rồi sau bỏ đói. Nay đây, Tỉ kheo nuôi đứa bé này mà không cho ăn, chỉ ăn một mình. Đây là hạng người bại hoại, nào có đạo hạnh gì!

Các Tỉ kheo đem sự việc ấy bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền dạy:

- Từ nay về sau, người xuất gia khi ăn nên cho ăn bình đẳng. Về phần Sa di thì gồm có ba phẩm bậc như sau:

1- Từ 7 tuổi đến 13 tuổi gọi là Sa di đuổi quạ (Khu ô Sa di)
2- Từ 14 đến 19 tuổi gọi là Sa di đúng pháp (Ứng pháp Sa di)
3- Từ 20 đến 70 tuổi gọi là Sa di trên danh nghĩa (Danh tự Sa di)

Cả ba phẩm này đều gọi chung là Sa di.

Khi ấy, tôn giả Ưu-ba-li biết đúng lúc bèn hỏi Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn! Phải chia phần y an cư cho Sa di như thế nào?

- Nếu Sa di ấy được lòng các Tỉ kheo thì nên cho một nửa, hoặc một phần ba. Được lòng các Tỉ kheo nghĩa là Sa di ấy giữ giới, làm các việc tốt đẹp.

- Bạch Thế Tôn! Vậy thì chia phần y lúc phi thời cho Sa di như thế nào?

- Cho phần bằng nhau. Nếu vì sợ Sa di có nhiều y rồi đi làm điều phi pháp, thì nên cho một nửa hoặc là một phần ba. Nếu Hòa Thượng, A xà lê của Sa di ấy bảo cho bằng nhau không khác, thì nên theo lời của thầy mà cho, chia y của vị qua đời cũng như vậy.

Đó gọi là phép tắc của Sa di.

PHÉP TẮC CỦA BÁT.

Sau khi thành Phật không bao lâu, Phật an trú tại rừng Thi Lợi Mạn Trà La. Lúc ấy có hai người lái buôn, người thứ nhất tên Đế Lệ Phù Ta, người thứ hai tên Bạt Lê Già ( nói rộng cho đến) đem bột, mật đi đến dâng Thế Tôn. Thế Tôn suy nghĩ: "Chẳng hiểu các đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri trong thời quá khứ dùng tay nhận thức ăn hay dùng bát nhận thức ăn?" Sau khi Thế Tôn suy nghĩ như thế, 4 vị Đại Thiên Vương mỗi người đều cầm bát bằng vàng đến dâng lên Thế Tôn. Phật nói:

- Ta không thể nhận loại bát bằng vàng như vậy. Tất cả các loại bát bằng châu báu Ta đều không thể nhận.

Thế rồi, mỗi vị đều mang bát bằng đá đến. Phật lại suy nghĩ: "Nếu Ta nhận một bát e rằng tâm ý các vua không vui", nên Ngài bèn nhận cả bốn bát, rồi đặt chồng lên tay trái, dùng tay phải nén xuống hợp thành một bát, nhưng ngoài biên của 4 cái đều hiện rõ. Khi Phật nhận bát rồi, liền nhận bột, mật của các lái buôn, đoạn, chú nguyện đầy đủ. Lúc ấy, các lái buôn rất hoan hỷ, đến trước Phật, bạch:

- Xin Thế Tôn cho chúng con (461c) móng tay và tóc để về xây tháp phụng thờ.

Phật liền cắt móng tay và tóc cho họ đem về xây tháp.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thôn đất trắng Tôn Ba, lúc ấy thiên thần Tôn Bà đi đến chỗ Phật, bạch:

- Bạch Thế Tôn! Trong thời quá khứ các đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri đã sử dụng bát sành ở nơi này. Kính xin Thế Tôn cho phép các Tỉ kheo sử dụng bát sành.

- Từ nay về sau, Ta cho phép các Tỉ kheo sử dụng bát sành.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy có Tỉ kheo đi đến nhà thợ đồ gốm Pháp Dự, nói như sau:

- Này lão trượng! Làm cho tôi cái bát.

Thế rồi, ông ta làm một cái bát sành thật đẹp, màu sắc như vàng, cúng cho Tỉ kheo. Phật thấy thế, liền dạy:

- Ta không cho phép làm bát màu vàng.

Ông lại làm cái bát khác màu bạc. Phật lại dạy:

- Ta cũng không cho phép làm bát bằng màu bạc.

Đoạn, Phật bảo các Tỉ kheo:

- Hôm nay là ngày chay, hãy đến bảo Ưu bà tắc Pháp Dự tắm rửa sạch sẽ, mặc y phục mới, đến thọ Bố tát.

Thế rồi, Ưu bà tắc tắm rửa sạch sẽ, mặc y phục mới, đến chỗ Phật thọ Bố tát. Đức Thế Tôn liền chỉ chỗ đất bảo:

- Ông đã biết chỗ đất này rồi đó, hãy trộn lại như thế này, nhồi như thế này, đập như thế này, làm như thế này rồi nung thành bát. Sau khi nung bát hoàn thành phải xông khói thành ba màu: Một là như màu yết hầu của con công ; hai là như màu chim Tì lăng già ; ba là như màu chim Bồ câu. Trong khi xông khói phải để ý theo dõi cho màu sắc được như thế.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy có thầy Tỉ kheo ở nước Ưu Bà Thi Bà mang bát đến, bạch với Phật:

- Bạch Thế Tôn! Có cho phép dùng loại bát này không?

- Cho phép dùng.

Thế rồi, Tỉ kheo ở nước Ca Hi Da cũng mang bát đến hỏi Phật. Phật dạy:

- Cho phép dùng.

Sau đó, Tỉ kheo ở phương Bắc đem bát màu đỏ đến, bạch với Phật:

- Bạch Thế Tôn! Có cho phép dùng bát màu này không?

- Không cho phép dùng.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, vì 5 sự lợi ích nên đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri cứ 5 hôm đi thị sát phòng các Tỉ kheo một lần. Trông thấy một Tỉ kheo bị mụt nhọt ở tay, Phật biết mà vẫn hỏi:

- Này Tỉ kheo! Ông có an vui không?

- Bạch Thế Tôn! Vì tay con bị mụt nhọt, khiến bát bị rơi xuống đất vỡ bể nên không được vui.

- Từ nay về sau, Ta cho phép các Tỉ kheo dùng bát bằng sắt. Khi làm bát bằng sắt nên làm lò để nung bát. Khi nung nên dùng hạt a ma lặc, hạt khư đà la, rồi dùng những gốc tre lớn để đốt.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Vương Xá, lúc ấy vua A Xà Thế vừa làm xong một tòa nhà mới, liền suy nghĩ: "Chẳng hiểu ai có thể biết được những khuyết điểm của tòa nhà này? Chắc chắn chỉ có Sa-môn Thích tử thông minh trí tuệ mới có thể biết được những khuyết điểm của nó mà thôi". Rồi vua suy nghĩ: "(462a) Ta không thể gọi trực tiếp các Tỉ kheo đếm xem tòa nhà này, mà chỉ nên mở lễ hội, rồi âm thầm đặt người ở khắp mọi nơi, để lắng nghe những lời bình phẩm của họ". Khi ấy, các Tỉ kheo đi vào nhà, rồi một Tỉ kheo nói như sau:

- Ngôi nhà này tất cả đều hoàn hảo, chỉ có một góc sai lệch chừng một hạt thóc.

Lại một Tỉ kheo khác nói:

- Ngôi nhà này tất cả đều tốt, chỉ có cái ngưỡng cửa của đường lên gác thấp quá. Vua là dòng Sát Đế Lợi, đi đâu phải có nghi vệ lọng quạt, khó mà ra vào một cách bình thường được.

Lúc ấy có một Tỉ kheo già cả, thấy dưới đất có một đầu khúc gỗ bị chặt bỏ, liền suy nghĩ: "Cái này tốt, có thể làm bát được".

Khi các Tỉ kheo thọ trai xong trở về, lúc ấy, những người mà vua đã bố thí trước kia, bèn tâu lên vua những gì họ đã nghe được. Vua liền gọi thợ đến, bảo họ dùng thước đo lại, thì đúng như những gì các Tỉ kheo nói, không sai chút nào, liền bảo những tay thợ khéo sửa chữa lại. Vua lại nhớ đến lời nói của vị Tỉ kheo già, nghĩ rằng các Tỉ kheo đương cần đến bát, liền sai thợ khéo tiện những cái bát gỗ, rồi làm các món ăn bỏ vào đầy bát ; đồng thời lấy những cái bát sành, bát sắt bỏ đầy thức ăn vào, rồi sai người đem đến dâng lên Thế Tôn. Phật liền dạy:

- Ta không cho phép dùng bát gỗ, vì nó dính dầu mỡ, đồng thời nó cũng là hình thức của ngoại đạo nên không được dùng.

Ở trong đây những gì thanh tịnh thì Thế Tôn nhận, còn những gì không thanh tịnh thì không nhận.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Vương xá, lúc ấy vua A Xà Thế chưa có mối hiềm khích với chủng tộc Li Xa ở thành Tì-xá-li. Bấy giờ có một lái buôn ở nước phía Nam đem tặng vua A Xà Thế một viên ngọc. Sau khi được ngọc, vua suy nghĩ: "Vật báu này là vật cần dùng của các cậu ta". Nghĩ thế vua bèn sai người đem biếu cho Li Xa. Li Xa được rồi lại suy nghĩ: "Báu vật này không thể chia được", bèn đem cất vào trong kho báu. Sau đó, Li Xa đi xem xét các kho báu, thấy viên ngọc ấy, suy nghĩ: "Vật báu này có thể đem khoét để làm chén uống nước Thích già la", bèn gọi thợ ngọc đến khoét làm chén. Khi cái chén làm thành bỗng nhiên giống hình cái bát, Li Xa lại suy nghĩ: "Đây là vật dụng của người xuất gia, không thích hợp với người thế tục, nên tặng cho Tác Già Ni Kiền Tử". Kẻ khác lại nói: - Nên đem cho Ni Kiền con của chị ta.

Lại có người nói: - Vì sao lại đem cho những con lừa hạm rượu đó? Nên đem cho Thế Tôn.

Nhiều người mỗi người một ý như vậy nên họ phải rút thăm để quyết định và số thăm đồng ý cho Phật nhiều nhất. Mọi người bàn bạc:

- Chúng ta không thể đem cho Phật cái bát rỗng mà cần phải tô điểm cho đẹp đẽ.

Đoạn, họ dùng những viên ngọc nhỏ bỏ đầy bát rồi đặt cái bát vào trong hộp, đồng thời dùng các thức ăn đựng đầy các bát sành, bát sắt, rồi đem dâng hiến cho Thế Tôn. Phật nói với các Li Xa:

- Cái bát ngọc này Ta không thể nhận và những viên ngọc nhỏ trong bát cũng như hộp đựng bát Ta cũng không thể nhận. Ta chỉ được phép dùng bát sắt, bát sành chứ không được phép dùng bát ngọc. Vật gì thanh tịnh thì nên nhận, vật gì không thanh tịnh thì không nên nhận.

Li Xa bèn đem bát ngọc ấy trở về (462b). Mọi người bàn bạc:

- Nên cho Ni Kiền con của chị chúng ta.

Lại có người nói:

- Với con lừa hạm rượu ấy thì không nên dùng hộp báu và những viên ngọc nhỏ mà nên dùng dây gai đan cái túi rồi đựng bát không đem cho.

Thế rồi, họ dùng túi dây gai đựng bát rỗng, sai người mang cho. Khi ấy, có một Li Xa vốn tín kính Ni Kiền, bèn đến trước thuật lại với y đầy đủ sự việc kể trên, rồi dặn:

- Khi họ đưa bát đến đừng nhận.

Do đó, khi bát được đưa đến, Ni Kiền nói:

- Cái bát rỗng ấy ta không nên nhận, dùng dây gai để buộc, ta cũng không nên nhận. Lúc đầu đem cho Sa-môn Cù Đàm, sau đó đem cho ta, do đo, ù ta cũng không nên nhận. Nay ta chỉ nhận có một việc: Nếu cắt lưỡi của bọn thanh niên Li Xa, đem tẩm muối mỡ bột, đựng đầy bát rồi mang đến thì ta mới nhận.

Khi sứ giả trở về trình bày lại đầy đủ sự kiện trên với các Li Xa, các Li Xa nói:

- Đó là con của chị ta, vì oán hận mà thốt ra như vậy, hãy cứ đem cho y.

Nhưng sứ giả đem đến ba lần mà lời nói của y vẫn không thay đổi. Các Li Xa nói:

- Đây là việc kỳ quặc, ta bố thí trọng hậu mà trái lại sinh ra oán hận.

Bèn sai người đến dùng gạch đập chết hắn ta.

Các Tỉ kheo đem sự việc ấy bạch đầy đủ lên Thế Tôn, và hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn! Vì sao Tát Già Ni Kiền Tử chỉ vì cái lưỡi mà hại đến thân mình?

- Không những ngày nay do cái lưỡi mà hại đến thân mình (mà ngày xưa cũng đã từng có) như trong Kinh Bổn Sinh Cử Cát La đã nói rõ, hoặc trong Kinh Điển Đa Lợi Điểu Sinh, trong Kinh Miết Sinh, Kinh Oanh Vũ Sinh cũng đều có đề cập đến.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy có Tỉ kheo dùng bát ngăn ra từng khoản đựng các thức ăn. Phật biết mà vẫn hỏi:

- Này Tỉ kheo! Trong bát ông đựng những gì vậy?

- Bạch Thế Tôn! Trong đây một chỗ để cơm, một chỗ để canh, một chỗ để thịt và rau.

- Ông tham trước các loại mùi vị sao? Từ hôm nay Ta không cho phép ngăn trong bát ra để đựng. Nếu ngăn bát ra để đựng thì phạm tội Việt tỳ ni. Nhưng nếu dùng bánh ngăn hay cơm để ngăn thì không có tội.

Lại có Tỉ kheo dùng bát đất chưa nung để ăn nên bị ói mửa. Phật dạy:

- Nên dùng hạt a ma lặc, hạt khư đà la rồi lấy những gốc tre bự đốt để xông, sau đó mới sử dụng.

Bấy giờ các Tỉ kheo dùng bát mà không có giỏ đựng. Phật dạy:

- Nên đặt bát vào trong một cái giỏ.

Khi ấy các Tỉ kheo bèn dùng vàng bạc, vật báu làm giỏ đựng bát. Phật dạy:

- Không nên dùng vàng bạc để làm mà nên dùng đồng đỏ, thép, chì, thiếc để làm giỏ.

Khi ấy các Tỉ kheo che kín khắp cả bát. Phật dạy:

- Ta không cho phép che trùm tất cả, lớn nhất thì cách vành bát 4 lóng tay, còn nhỏ nhất thì như lá cây thi xá.

Các Tỉ kheo vẽ các hình tượng chim muông trên giỏ đựng bát. Phật dạy:

- Ta không cho phép vẽ hình tượng chim muông trên giỏ đựng bát. Phương pháp làm giỏ đựng bát là vuông hoặc là tròn.

Nếu bát không có giỏ đựng (462c) thì không được để dưới đất.

Nếu để dưới đất thì phạm tội Việt tỳ ni. Nên để bát trên cành cây hoặc trên lá, trên cỏ. Nếu bát được đựng trong giỏ thì để dưới đất không có tội.

Nếu bát đựng trong giỏ mà để trên bùn thì không tội. Cùng cực lắm thì rưới nước trên đất rồi mới để bát, thì không có tội.

Nếu để bát trên đất thì phạm tội Việt tỳ ni.

CÁCH THỨC DÙNG CHÁO.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy mẹ của Nan-đà và mẹ của Ưu Ba Tư Trà La ở trong thành này, cứ nửa tháng thọ bố tát ba lần vào ngày mồng 8, ngày 14 và ngày 15. Vào ngày bố tát, bà làm cơm, trước hết dọn cho Tỉ kheo rồi mới ăn, đến sáng hôm sau lại bố tát. Bà dùng nồi nấu cơm rồi chắt lấy nước cơm mà uống thì cảm thấy bệnh phong trong người tan mất và thức ăn trong bụng cũng tiêu, lại thấy đói muốn ăn, bà suy nghĩ: "A xà lê là người ăn ngày một bữa, cần phải ăn thêm cháo". Nghĩ thế, bà dùng nồi đổ nhiều nước và bỏ vào ít gạo, nấu cho cạn bớt hai phần, còn một phần rồi mới bỏ tiêu, lá lốt vào. Khi cháo chín, bà múc đầy thố, bưng đến tinh xá Kỳ Hoàn. Đến nơi rồi, bà cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, đứng qua một bên rồi bạch:

- Kính xin Thế Tôn cho phép các Tỉ kheo được ăn cháo.

Phật liền dạy:

- Từ nay về sau, Ta cho phép ăn cháo.

Vì ngày hôm ấy có đàn việt cúng dường trai phạn cho chúng Tăng trong tinh xá khiến các Tỉ kheo tâm sinh nghi, nghĩ rằng: "Đức Thế Tôn chế giới không cho ăn nhiều chỗ, vì sao chúng ta lại tác tịnh để được ăn?". Phật biết thế, liền dạy:

- Nếu cháo lúc mới múc ra khỏi nồi mà viết trên mặt không thành chữ thì đó không phải là ăn nhiều chỗ, không phải là ăn riêng chúng, không phải là ăn no. Trái lại, nếu cháo lúc mới múc ra khỏi nồi mà viết trên mặt thành chữ thì đó mới gọi là ăn nhiều chỗ, là ăn riêng chúng, là ăn no.

Thế rồi, Thế Tôn đọc kệ chú nguyện:

Giữ giới thanh tịnh, người cung phụng,
Tôn kính tùy thời đem cháo cúng
Được mười lợi ích cho hành giả:
Sắc, lực, thọ, vui, lời trong trẻo.
Trừ phong, tiêu thực, dứt đói khát,
Phật bảo đó là môn thuốc hay.
Muốn sinh nhân thiên thường hưởng lạc,
Nên thường đem cháo cúng chúng Tăng.

Lại nữa, khi Phật du hành tại nước Câu Tát La, dần dần đi đến thôn của Bà la môn Ha Đế Khâm (như được nói rộng ở chỗ khác, cho đến: ) Bà la môn dùng xe chở nào là lúa mạch, đậu, mè, sữa, dầu, đường phèn đi theo sát bên Thế Tôn trong sáu tháng, chờ lúc nào không có ai cúng thì ông sẽ cúng. Khi Phật còn ở đời nhân dân có lòng tin hoan hỷ cúng dường rất nhiều, bữa ăn trước, bữa ăn sau không khi nào thiếu thốn như vậy đó. Đến lượt Phật trở về thành Xá-vệ (463a) lúc này người nhà của Bà la môn sai người đưa thư báo cho ông biết vụ mùa đã đến phải trở về gấp. Bấy giờ, Bà la môn hỏi tôn giả A-nan:

- Thưa tôn giả! Đức Thế Tôn ngày mai từ cửa nào đi ra, đến thành Xá-vệ?

- Này Bà la môn! Ông hỏi để làm gì?

- Tôi muốn đem rải những thóc, đậu này trên đường, mong Phật và Tỉ kheo Tăng đạp lên trên mà đi, coi như quí vị đã thọ dụng.

- Này Bà la môn! Để tôi hỏi Phật đã.

Thế rồi, tôn giả A-nan đem sự việc ấy bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền hỏi:

- Này A-nan! Ai từng giáo hóa và nhận sự cúng dường của ông ta?

- Bạch Thế Tôn! Tôn giả Xá-lợi-phất.

Phật lại hỏi Xá-lợi-phất:

- Ông từng nhận ông ta cúng dường sao?

- Bạch Thế Tôn! Con từng nhận ông ta cúng dường ngày một bữa.

- Thế thì ông là người giáo hóa ông ấy. Vậy hãy đến hỏi ông ấy ngày mai có thể nấu cháo cho chúng Tăng được không?

Xá-lợi-phất liền đến đó thuyết pháp cho ông nghe, rồi hỏi ông có thể nấu cháo cho chúng Tăng được không, Bà la môn đáp:

- Tôi đã từng muốn đem thóc, đậu rải trên đường để cho Phật và chúng Tăng dẫm đi qua vì sao không thể nấu cháo được?!

Thế là đêm đó ông nấu các loại cháo, nào là cháo sữa chua, cháo sữa tươi, cháo dầu, cháo sữa đóng váng, cháo thịt, cháo cá. v.v... Đến sáng sớm, khi Phật và Tỉ kheo Tăng đã ngồi ổn định, ông bèn tự tay dọn cháo. Phật biết mà vẫn hỏi ông:

- Gạo để ở đâu?

- Ở đây, bạch Thế Tôn!

- Nấu tại đâu?

- Cũng tại đây, bạch Thế Tôn!

- Thức ăn chứa trong chỗ ở, Ta không cho phép, nấu ăn trong chỗ ở Ta cũng không cho phép. Ta chỉ cho phép dùng các loại cháo thanh tịnh khác, không cho phép dùng loại cháo này.

Lại nữa, khi Phật du hành nước Câu Tát La đến thôn của Bà la môn Cố Thạch, lúc ấy có ông thợ hớt tóc già, hai cha con xuất gia đang ở thôn này. Được tin Thế Tôn sẽ đến đây, người cha nói với con:

- Ngươi mang theo dụng cụ hớt tóc vào trong thôn tìm gạo, đậu, sữa, dầu, đường phèn để khi Thế Tôn đến, sẽ nấu các món cháo cúng dường.

Người con bèn đi vào trong thôn, dân chúng hỏi:

- Ông hớt tóc muốn được vật gì?

- Tôi cần gạo, đậu, sữa, dầu, đường phèn.

- Ông dùng những thứ đó để làm gì?

- Ngày mai Thế Tôn đến, sẽ nấu các món cháo để cúng dường.

Các cư sĩ nghe thế, sinh tâm hoan hỷ, đưa cho nhiều gấp bội ; anh ta bèn mang về nhà. Khi Thế Tôn đến, ông già ấy liền thân hành nấu các món cháo. Đến sáng sớm, khi Phật và Tỉ kheo Tăng ngồi ổn định, ông già ấy liền rửa tay, thân hành dọn các món cháo lên. Phật biết mà vẫn hỏi:

- Này Tỉ kheo! Đó là cháo gì vậy?

- Bạch Thế Tôn! Khi con còn ở đời, mỗi lần cúng dường các Tỉ kheo con thường tự nghĩ: "Không biết lúc nào được tự tay mình cúng dường Thế Tôn, nên nay con nấu món cháo này".

- Gạo này nhận được ở nơi nào vậy?

- Đứa con trai con đi hớt tóc mà có được.

- (463b) Gạo cất chung cùng chỗ ngủ, Ta không cho phép ; nấu tại chỗ ở, Ta cũng không cho phép ; tự nấu lấy, ta không cho phép ; đi hớt tóc mướn mà được thực phẩm, Ta cũng không cho phép. Ta chỉ cho phép ăn những loại cháo khác thanh tịnh và được làm một cách thanh tịnh.

Lại nữa, khi Phật du hành tại nước Ương Cầu Đa La, lúc ấy Phạm chí Kê Ni Da Loa Kế nghe Thế Tôn đến, bèn nấu các món cháo nào là cháo sữa chua, cháo mè, cháo sữa tươi, cháo sữa đóng váng, cháo dầu, cháo cá thịt. Đến khi Phật và Tỉ kheo Tăng ngồi ổn định, ông dọn lên các món cháo. Các Tỉ kheo tâm sinh nghi, nghĩ rằng: "Thế Tôn chế giới không cho phép ăn nhiều chỗ, nay vì sao chúng ta được xem đây là món thanh tịnh để mà ăn?". Phật nghe thế, liền dạy:

- Nếu cháo lúc mới múc ra khỏi nồi mà viết không thành chữ thì Ta cho phép dùng. Trừ cháo thịt, cháo cá, ngoài ra tất cả các loại cháo khác thì khi dùng chúng không được kể là ăn nhiều chỗ, ăn biệt chúng, ăn no.

Nếu Tỉ kheo khất thực, khi nấu cơm chưa chín, chắt lấy nước cơm rồi uống thì không có tội. Nếu chỉ lấy cơm mà ăn thì mới gọi là ăn biệt chúng, ăn nhiều chỗ, ăn no.

Đó gọi là cách thức dùng cháo.

PHÉP DÙNG BÁNH.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, đức Thế Tôn cứ 4 tháng cạo tóc một lần. Khi cạo tóc, người đời thường đem bánh trái đến hiến Thế Tôn. Khi ấy, có một Bà la môn hỏi vợ:

- Trong nhà có vật liệu để làm bánh không?

- Có! Gạo lúa mạch 2 đấu, dầu 4 thăng. Ông định dùng để làm gì?

- Hôm nay Sa-môn Cù Đàm cạo tóc, dân chúng ắt mang bánh đến cúng dường. Bà hãy làm bánh cho nhanh lên để tôi theo bạn bè đem đến cúng dường Sa-môn Cù Đàm.

Thế rồi, bà vợ làm bánh, bỏ vào trong thố, dùng khăn sạch đậy lên trên đưa cho ông chồng mang đi. Lúc ấy, có các quốc vương, đại thần, Sát lợi, Bà la môn, các lãnh chúa của 18 thôn lớn, tất cả đại chúng đang quây quần xung quanh Thế Tôn. Thấy thế, Bà la môn này nghi ngại, sợ sệt không dám đường đột đi tới trước, bèn ngồi một mình ở một chỗ suy nghĩ: "Nếu Sa-môn Cù Đàm có nhất thiết trí, nhất thiết kiến thường quan sát thế gian không có gì là không thấy, không có gì là không biết, thì nay ta đây cũng là thế gian, đương nhiên Ngài sẽ biết tâm của ta". Khi ấy, Phật biết tâm niệm của Bà la môn, từ xa gọi ông ta đến. Lúc ông đến rồi, Phật biết mà vẫn hỏi:

- Này Bà la môn! Trong cái thố của ông đang đựng vậât gì vậy?

- Đó là bánh, bạch Thế Tôn!

- Hãy đem dọn cho chúng Tăng mỗi người một cái.

- Đại chúng này đến 500 người mà bánh thì rất ít, không thể nào dọn đủ, bạch Thế Tôn!

- Ông cứ dọn đi.

Thế rồi, Bà la môn đem dọn cho mỗi người một cái mà số bánh vẫn không giảm bớt. Thậm chí ông đi phát đến ba lần mà số bánh vẫn như cũ không hề giảm bớt. Lúc ấy, Bà la môn suy nghĩ: "Sa-môn Cù Đàm có đại thần lực, số bánh ít ỏi như thế mà phát cho đại chúng đến ba lần vẫn không hề giảm bớt". (463c) Phật biết tâm ý Bà la môn hoan hỷ, liền tùy thuận thuyết pháp, chỉ bảo làm cho ông được lợi ích, vui vẻ. Bà la môn đạt được quả vị Tu đà hoàn. Các Tỉ kheo bạch với Phật:

- Bạch Thế Tôn! Vì sao Bà la môn này dùng phương tiện nhỏ mà lại được quả báo lớn?

- Không những ngày nay ông dùng phương tiện nhỏ đạt được quả báo lớn mà trong thời quá khứ cũng đã từng có như vậy, như trong kinh Bổn sinh đã đề cập.

Về bánh thì gồm có các loại: Bánh đại mạch, bánh lúa mạch, bánh tiểu mạch, bánh gạo, bánh đậu, bánh dầu, bánh sữa chua, bánh ma hầu la, bánh bát ba lặc, bánh tai trâu, bánh ba lợi tư, bánh sô đồ, bánh mạn chỉ la, bánh hoan hỷ hoàn nhục. Tất cả các loại tương tợ như vậy đều được gọi là bánh. Trừ bánh thịt, bánh tân trà, ngoài ra tất cả các loại bánh khác khi ăn không được xem là ăn biệt chúng, ăn nhiều chỗ, ăn no.

Đó gọi là phép dùng bánh.

PHÉP DÙNG RAU.

Khi Phật an trú tại ấp lớn tên Tần Đầu dãy núi phía Nam, lúc ấy có hai Ưu bà di, người thứ nhất tên Ta Bà Cư, người thứ hai tên Xoa Ba Năng. Họ nấu (cháo) rau khéo đến nổi có mùi vị giống như thịt. Khi nấu xong bèn đem cúng dường cho các Tỉ kheo. Các Tỉ kheo không nhận, lòng sinh hồ nghi, nghĩ rằng: "Đức Thế Tôn chế giới không được ăn nhiều chỗ (lần), vì sao chúng ta lại xem món này là hợp pháp để mà ăn?" Thế rồi, họ đem sự việc ấy bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền dạy:

- Ăn tất cả các loại rau không phải là ăn nhiều lần, không phải là ăn biệt chúng, không phải là ăn no.

Về rau gồm có các loại: rau khô, rau cải, hành, bầu. v.v... tương tự những loại như vậy đều gọi là rau.

PHÉP DÙNG LƯƠNG KHÔ.

Lương khô gồm có các loại: lương khô đại mạch, tiểu mạch, khoáng mạch, mông cụ, ma sa, ca la na, y ly, mè. Các loại lương khô tương tự như vậy khi ăn không được xem là ăn biệt chúng, ăn nhiều lần, ăn no. Đó gọi là phép dùng lương khô.

PHÉP DÙNG NƯỚC TRÁI CÂY.

Khi Phật an trú tại thành Vương xá, lúc ấy cư sĩ Ưu Già Lê mở hội bố thí lớn gồm voi, ngựa, nô tì mỗi thứ 500 và trong các vật bố thí linh tinh khác có nước ép trái cây để lâu ngày, do đó các Tỉ kheo uống vào bị say. Họ bèn đem sự việc ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật dạy:

- Từ nay về sau, nước ép trái cây để lâu ngày, Ta không cho phép uống.

Lại nữa, khi Phật an trú tại thôn của Bà la môn Tần Đầu, ở núi phía Nam, lúc ấy nhằm ngày lễ hội, các Bà la môn, cư sĩ đem các thức ẩm thực cúng dường cho các Sa-môn ở trong thôn. Bấy giờ, đến giờ khất thực, đức Thế Tôn khoác y, cầm bát vào thôn khất thực. Khi ấy, ma ba tuần suy nghĩ: "Sa-môn Cù Đàm đang vào thôn khất thực, vậy ta hãy vào trước trong thôn mê hoặc tâm của những đàn việt, khiến họ không cúng dường thực phẩm cho ông ta". Thế rồi, đức Thế Tôn vào thôn khất thực khắp mọi chỗ mà không được thứ gì nên mang bát không trở ra, đến ngồi dưới một gốc cây. Lúc ấy, ma ba tuần suy nghĩ: "(464a) Sa-môn Cù Đàm đi khất thực khắp nơi mà không được thứ gì, giờ đây ta hãy đến quấy nhiễu làm cho tâm ý ông rối loạn". Tức thì y đến chỗ Phật, đứng qua một bên, nói như sau:

- Sa-môn Cù Đàm! Nên vào thôn khất thực, ta sẽ khiến cho lúc vừa vào đến thôn, liền được các món ăn ngon.

Khi ấy, Thế Tôn vì ma ba tuần đọc kệ như sau:

Nay ngươi mất lợi ích
Vì nhiễu loạn Như Lai,
Tự chuốc vô lượng tội,
Như Lai chẳng khổ sầu,
Vì đã lìa phiền não,
Thường được sống an lạc.
Niệm pháp vui thiền định,
Giống như Quang Âm Thiên.

Lúc ấy, ma ba tuần bỗng nhiên biến mất. Thế là ngày hôm ấy Thế Tôn không được ăn. Các Tỉ kheo nghe được tin này, những ai đã ăn thì hối hận, những ai ăn nửa chừng thì nghỉ ăn, còn những ai chưa ăn thì không ăn. Các Sa-môn, Bà la môn nghe tin Phật và Tỉ kheo Tăng không được ăn, liền đem 500 chiếc bánh đường phèn đến dâng lên Thế Tôn. Phật bảo các Tỉ kheo dùng nước tác tịnh rồi nhận lấy, để những Tỉ kheo bệnh hay không bệnh cũng đều được ăn cả.

Lại nữa, khi Phật an trú bên sông Lê Kì Xà, lúc ấy, bát của Thế Tôn và bát của Tỉ kheo đều để ở chỗ đất trống. Bỗng có con khỉ đi ngang qua bụi cây, thấy trong cây có tổ ong mật đã chín mà không có ong, liền đến lấy bát của Thế Tôn. Các Tỉ kheo ngăn cản nó, Phật dạy:

- Đừng có ngăn cản, nó không có ác ý đâu.

Thế là con khỉ bèn cầm bát đi lấy mật đem lại cúng dường. Thế Tôn chưa nhận, định dùng nước tác tịnh rồi mới nhận. Con khỉ không hiểu ý Phật, tưởng là Phật chê trong bát có trùng. Nó xem lại bát thì thấy có vết mật chảy ở ngoài bát. Nó liền cầm bát đem xuống nước rửa và nước đã rơi vào trong bát. Đoạn, nó cầm đến dâng lên cho Phật, Phật liền nhận lấy. Khi được Phật nhận rồi, con khỉ vui mừng cực độ, nên vừa đi vừa múa, nhưng rủi thay bị rơi xuống hầm, chết liền tức khắc. Lúc ấy, các Tỉ kheo liền đọc kệ:

Khi Phật an trú tại rừng cây
Bát Phật, bát Tăng để chỗ trống
Dã thú có trí muốn gieo phúc,
Thấy tổ ong mật không có ong.
Liền đi ngay đến lấy bát Phật,
Tỉ kheo định ngăn, Phật không cho.
Lấy bát đựng mật dâng lên Phật
Như Lai xót thương, liền nhận lấy.
Lòng mừng khắp khởi nhảy tung tăng,
Rủi rơi xuống hố liền vong mạng.
Bèn sinh cõi trời Ba mươi ba,
Tái sinh xuất gia thành La hán.

Lại nữa, khi Phật du hành nước Ương Cầu Đa La, lúc ấy, phạm chí Kê Ni Da Loa Kế nghe Thế Tôn đến bèn chuẩn bị các loại nước ép trái cây để đợi Thế Tôn. Khi Thế Tôn đến, (464b) ông đem các loại nước ấy dâng lên Phật và chúng Tăng. Các Tỉ kheo tâm sinh nghi, nghĩ rằng: "Đức Thế Tôn chế giới không cho phép uống nước ép trái cây để lâu ngày thì làm sao chúng ta uống được?" Nghĩ thế rồi, các Tỉ kheo đem ý nghĩ ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật dạy:

- Ta cho phép được uống nước trái ép. Nước trái ép gồm có 14 loại. 14 loại đó là gì? Đó là:

1- Nước am la.
2- Nước câu lê.
3- Nước an thạch lựu.
4- Nước điên đa.
5- Nước nho.
6- Nước ba lâu sa.
7- Nước lâu lâu trù.
8- Nước trái chuối.
9- Nước kế già đề.
10- Nước kiếp pha la.
11- Nước ba lung cừ.
12- Nước đường phèn.
13- Nước ha lê đà.
14- Nước khư phi lê.

Đó gọi là 14 loại nước trái cây ép. Khi đem lọc cho sạch thì tất cả đều cho phép uống. Nếu chúng biến ra màu rượu, vị rượu, mùi rượu thì tất cả đều không cho phép uống.

Nếu có ai mang nước ép trái cây đến thì nên tác tịnh.

Nếu dưới đáy hũ còn lại chút ít nước lạnh thì đó được xem là tác tịnh.

Nếu trời mưa, nước rơi vào trong hũ cũng được xem là tác tịnh.

Nếu khi súc hũ còn sót lại chút nước cũng được xem là tác tịnh.

Nếu xe chở đường phèn bị mắc mưa, cũng được xem là tác tịnh.

Nếu dùng thuyền chở, nước văng vào trong hũ, cũng được xem là tác tịnh.

Nếu tịnh nhân rửa tay, nước văng vào trong hũ, cũng được xem là tác tịnh.

Đó gọi là phép dùng nước ép trái cây.

PHÉP DÙNG THỨC UỐNG CHẾ BIẾN.

Khi Phật đang du hành đến nước Kiều Tát La, lúc ấy tôn giả Xá-lợi-phất bị bệnh động phong. Các Tỉ kheo đem sự việc ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền hỏi các Tỉ kheo:

- Cần phải dùng thuốc gì để trị?

- Bạch Thế Tôn! Phải dùng nước trái cây Tô tì la.

- Ta cho phép uống.

Thế rồi Phật nói với các Tỉ kheo:

- Đợi khi Như Lai du hành nước Kiều Tát La trở về thành Xá-vệ, hãy nhắc lại để Ta chế định về cách sử dụng nước Tô tì la cho các đệ tử.

Đến khi Phật trở về, các Tỉ kheo liền bạch:

- Bạch Thế Tôn! Trước đây Thế Tôn đã hứa khi trở về thành Xá-vệ, sẽ chế định về cách sử dụng nước Tô tì la cho các Tỉ kheo, giờ thật là đúng lúc.

- Này các Tỉ kheo! Phương pháp làm nước Tô tì la như sau: lấy lúa mạch bỏ vào cối giã nhẹ cho tróc trấu, bụi đất, nhưng đừng để cho đầu hạt gạo bị vỡ, rồi dùng nước đãi 7 lần cho sạch, đem bỏ vào trong cái vò sạch. Khi đặt cái vò tô tì la này không được đặt ở hướng Đông, hướng Bắc, mà nên đặt ở hướng Nam hay hướng Tây tại chỗ thoáng gió, đừng để cho uế khí bay vào trong đó, không được để trong tháp, trong viện, không được đặt ở chỗ sờ sờ trước mắt, mà nên đặt ở chỗ kín đáo. Thế rồi dùng trái ha lê lặc, tì ê lặc, a ma lặc, tiêu, lá lốt, các loại thuốc dùng suốt đời, tương tự như vậy bỏ vào trong, lấy một miếng vải sạch đậy lên, dùng dây mây buộc lại, rồi đem một khúc cây đằng lên trên. Khi dùng nước tô tì la này, tùy theo nhiều ít, dùng nước pha vào cho giải mùi vị rồi mới uống. Nếu không pha nước cho giải mùi vị mà uống thì phạm tội Việt tỳ ni. (464c) Nếu đầu của hạt gạo mạch không vỡ thì uống lúc đúng thời hay phi thời đều được cả. Nếu đầu của hạt gạo mạch bị vỡ thì chỉ được uống lúc đúng thời mà không được uống lúc phi thời. Đó gọi là cách sử dụng nước trái cây.

Kệ tóm tắt:

Bệnh, thuốc và Hòa Thượng
Thầy cùng với đệ tử
Cộng trú và y chỉ
Việc Sa di, việc bát,
Việc cháo, bánh và rau
Lương khô, nước giải khát.
Cùng nước tô tì la.
Kết thúc phẩm thứ năm.

PHI YẾT MA.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy, các Tỉ kheo ở Chiêm Ba cùng sống một trú xứ mà bất hòa, tranh tụng lẫn nhau. Một Tỉ kheo cử tội một Tỉ kheo, nói:

- Tôi cử tội trưởng lão!

Hai Tỉ kheo cử tội hai Tỉ kheo, nhiều Tỉ kheo cử tội nhiều Tỉ kheo. Các Tỉ kheo đem sự kiện ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn rằng:

- Bạch Thế Tôn! Các Tỉ kheo ở Chiêm Ba phát sinh việc phi pháp. Vì sao một người mà lại cử tội một người, hai người cử tội hai người, nhiều người cử tội nhiều người?

Phật liền nói với các Tỉ kheo:

- Có 4 trường hợp yết ma. Bốn trường hợp đó là gì? Đó là:

1- Yết ma như pháp không hòa hợp.
2- Yết ma như pháp hòa hợp.
3- Yết ma phi pháp hòa hợp.
4- Yết ma phi pháp không hòa hợp.

(Tóm lại có các trường hợp như sau): Tôn Đà La Nan-đà ; màu mới nhuộm ; cử tội ở chỗ này, xả tội ở chỗ khác ; rừng khai nhãn ; ngoại đạo xuất gia ; hẹn nhau ; không tĩnh tưởng ; sông Tô Hà ; giảng đường Thiện Pháp ; tướng quân Sư Tử ; nan nhi ; đồng tử Li Xa ; 4 người hung ác đánh nhau ; trên gác ; dời đá ; suối nước nóng ; dâm nữ ; Tam bà ta ; đòi dầu ; đi lấy thức ăn ; nuôi bệnh ; một miếng thịt chim ; một miếng thịt của bọn cướp ; một miếng thịt heo ; đến nhà phụ nữ ; xay bột ; chăn bò ; bỏ vợ ; ngớ ngẩn ; cách vách ; Bố tát ; nước Nhị tô tì la ; gạch ; phân ; khất thực ; uất trù.

1- Tôn Đà La Nan-đà

Khi Phật an trú tại thành Ba-la-nại ; lúc ấy Tôn Đà La Nan-đà đang ở tại tinh xá Chỉ Đà La Kế Bát ; đầu đêm, cuối đêm kinh hành, ngồi thiền. Sáng sớm thầy thức dậy ngồi kiết già rồi nằm nghiêng xuống để thân lộ ra, nam căn cương ra mà vẫn ngủ không hay. Lúc ấy, tại thành Ba-la-nại có 2 chị em cô nọ làm nghề mại dâm, một người tên Gia Thi, một người tên Bán Gia Thi, ban đêm ra ngoài thành đến lâm viên cùng hoan lạc với các trang thanh niên. Thế rồi, sáng sớm họ trở vào trong thành, nhân đi ngang qua chỗ Tỉ kheo Nan-đà, Bán Gia Thi thấy nam căn của thầy cương cứng liền nói với chị:

- Em muốn hành lạc với vị Tỉ kheo này, chị chờ em một lát.

- Đây là vị A la hán đã đoạn trừ tham dục, sân hận, ngu si, không còn thích việc đó nữa. Em không nghe Tôn Đà La Nan-đà thuộc dòng họ Thích này ở nhà có người vợ đẹp (465a) đoan chính mà thầy vẫn bỏ để xuất gia hay sao?

- Không phải vậy! Nhưng chị hãy đợi em.

Thế là cô bèn đi đến, leo lên mình Tỉ kheo làm theo cách của thế tục. Tỉ kheo liền thức giấc, dùng chân đạp cho một đạp khiến cô té nhào xuống đất bị thương 5 chỗ: Hai cùi chỏ, hai đầu gối và trán. Bán Gia Thi liền đứng dậy phủi bụi trên y phục, rồi đi đến chỗ chị, nói với chị:

- Tỉ kheo làm nhục em như vậy đó.

- Trước đây chị không bảo với em rồi sao, giờ còn oán ai nữa?

Tỉ kheo tâm sinh nghi, bèn thuật lại sự việc ấy với các Tỉ kheo. Các Tỉ kheo nói:

- Thầy đã phạm tội Ba la di.

- Tôi là A la hán không còn thấy lạc thú nữa.

Các Tỉ kheo bèn đem sự kiện ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật dạy:

- Tỉ kheo này đã đoạn trừ xong tham dục, sân hận, ngu si, là bậc A la hán, không có tội.

Như thế là hết phần Tì ni. Đó gọi là Tôn Đà La Nan-đà.

2- Y phục mới nhuộm màu

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có Tỉ kheo đến giờ khất thực, bèn khoác y, cầm bát vào thành Xá-vệ, tuần tự khất thực, rồi đến một nhà kia. Người đàn bà trong nhà ấy mặc y phục mới nhuộm màu, ngồi không đoan chính để lộ thân thể. Tỉ kheo thấy thế, lòng dục phát sinh, liền nói:

- Này chị em, trông cô đỏ quá!

- Thưa thầy, vì y phục này mới nhuộm màu.

Thầy Tỉ kheo ấy tâm sinh nghi, bèn đem sự việc ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật hỏi thầy:

- Ông dùng bằng cái tâm gì?

- Bằng tâm tham dục, bạch Thế Tôn!

- Ông hãy nhờ một Tỉ kheo đến hỏi người phụ nữ ấy xem có hiểu ý ông không?

Thế rồi, vị Tỉ kheo sứ giả liền đến đó, hỏi:

- Này chị em! Vừa rồi có Tỉ kheo nào đến đây không?

- Thưa có!

- Tỉ kheo ấy nói những gì?

- Tôi mặc y phục mới nhuộm vừa ngồi thì vị ấy nói: "Đỏ quá". Tôi bảo: "Đúng như thầy nói vì y phục mới nhuộm màu cho nên như thế".

Khi ấy các Tỉ kheo bèn đem sự việc đó đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền dạy:

- Nếu họ hiểu nghĩa mà không hiểu ẩn ý thì phạm tội Thâu lan giá. Nếu họ hiểu ẩn ý mà không hiểu nghĩa thì phạm tội Thâu lan giá. Nếu họ hiểu ẩn ý đồng thời hiểu nghĩa, thì phạm tội Tăng già bà thi sa. Nếu họ không hiểu nghĩa cũng không hiểu ẩn ý, thì phạm tội Việt tỳ ni. Như thế là hết phần Tì ni.

Đó gọi là y phục mới nhuộm màu.

3- Bị cử tội ở chỗ khác.

Bấy giờ có một Tỉ kheo ở một trú xứ bị Tăng làm yết ma cử tội, thế rồi, thầy đi đến trú xứ khác, thưa với Tăng như sau:

- Thưa trưởng lão! Tôi bị cử tội. Nay tôi đã thực hành pháp tùy thuận, tâm đã nhu nhuyến, xin Tăng cho tôi pháp yết ma xả việc cử tội.

Các Tỉ kheo bèn làm yết ma xả việc cử tội cho thầy. Khi làm xong, liền hỏi:

- Trưởng lão! Thầy vì việc gì mà bị cử tội?

- Thưa trưởng lão! Tăng đã làm yết ma xả việc cử tội cho tôi xong thì còn hỏi chi nữa?

Các Tỉ kheo đem sự việc ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật dạy:

- Đúng như Tỉ kheo ấy nói. (465b) Thế nên, khi Tăng làm yết ma xả việc cử tội thì trước hết nên hỏi, nếu không hỏi mà đã xả rồi, thì không nên hỏi lại. Các ông vì sao Tăng ở nơi khác làm yết ma cử tội mà Tăng ở nơi này xả tội?

Nếu Tăng ở nơi khác làm yết ma cử tội mà Tăng ở nơi này xả tội thì phạm tội Việt tỳ ni.

Nếu Tỉ kheo bị cử tội đi đến nơi khác thì nên thưa như sau:

- Thưa trưởng lão! Tôi bị cử tội và đã thực hiện pháp tùy thuận, tâm đã nhu nhuyến, mong Tăng xả việc cử tội cho tôi.

Khi ấy, Tăng nên hỏi:

- Trưởng lão! Thầy bị cử tội về việc gì?

Nếu đáp:

- Tôi không có việc gì cả mà bị cử tội.

Thì nên bảo:

- Trưởng lão! Thầy không có việc gì mà bị cử, vậy ở đây chúng ta cùng hưởng chung pháp thực, vị thực.

Còn nếu nói: "Có việc nên bị cử", thì Tăng nên bảo:

- Trưởng lão! Thầy hãy trở về lại nơi ấy để Tăng xả việc cử tội cho thầy.

Nếu chùa ấy Tăng đã đi vắng hết, hoặc đã qua đời, hoặc là thôi tu, hoặc đi nơi khác, không còn vị Tăng nào nữa, thì nên hỏi:

- Thầy phạm việc gì mà bị cử tội?

Nếu đáp: "Tôi vì việc ấy mà bị cử tội nhưng nay tâm đã nhu nhuyến, thấy được lỗi lầm, đã tuân hành pháp tùy thuận", thì nên xả việc cử tội.

Như thế là hết phần Tì ni. Đó gọi là làm yết ma cử tội ở chỗ khác.

4- Rừng Khai Nhãn.

Khi Phật chưa ngăn cấm Tỉ-kheo-ni ở nơi hoang vắng, Đại ái đạo Cù Đàm Di cùng với 500 Tỉ-kheo-ni ngồi thiền trong rừng Khai Nhãn. Họ thuộc các dòng họ Thích Ca, họ Ma La, họ Li Xa xuất gia, đều là những người nữ trẻ trung, đoan chính. Đầu đêm, các Tỉ-kheo-ni ấy đang ngồi thiền thì bị bọn thanh niên dâm đãng đi đến định xâm phạm tiết hạnh. Các Tỉ-kheo-ni liền dùng thần túc để chạy thoát. Nửa đêm, cuối đêm, họ cũng trở lại ngồi thiền và cũng bị bọn thanh niên kia đến quấy nhiễu như trước. Những người không ngủ, lanh lợi thì dùng thần túc để thoát thân ; còn những người ngủ gật, ám độn thì bị bọn chúng xâm phạm tiết hạnh ; do thế tâm họ sinh nghi ngờ (là mình phạm tội). Các Tỉ-kheo-ni khác bèn nói với các Tỉ-kheo-ni ấy:

- Các cô đã phạm tội Ba la di.

- Tôi không có cảm giác thích thú, tôi không biết có tội hay không.

Các Tỉ-kheo-ni bèn đem sự việc ấy nói với Đại Ái Đạo. Đại Ái Đạo lại đem nhân duyên ấy bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật dạy:

- Những ni A la hán ấy đã đoạn trừ tham dục, sân hận, si mê, không cảm thọ dục lạc nên không có tội.

Như thế là hết phần Tì ni. Đó gọi là rừng Khai Nhãn.

5- Ngoại đạo xuất gia.

Khi Phật an trú tại tinh xá của dòng họ Thích ở Ca Duy La Vệ, lúc ấy có một Tỉ kheo đến giờ khất thực, liền khoác y vào thành Ca Duy La Vệ khất thực. Thầy gặp một người nữ xuất gia ngoại đạo tên Tôn Đà Lợi, trẻ trung, dung nhan đoan chánh, khoác y mới nhuộm, một tay cầm gậy có ba chảng, một tay cầm bình nước đang đi trước thầy trên đường phố. Tỉ kheo thấy thế, lòng dục phát sinh, bèn đi theo sau cô ta. Lúc ấy có một con trâu cái vừa mới sinh con, dùng sừng xúc Tỉ kheo ném lên trên người nữ, (465c) khiến tâm Tỉ kheo sinh nghi (là mình phạm tội). Các Tỉ kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền hỏi Tỉ kheo:

- Ông có tâm gì?

- Tâm tham dục, bạch Thế Tôn!

- Khi bị sừng trâu húc thì ông có tâm gì?

- Tâm sợ hãi, bạch Thế Tôn!

- Hễ khi có tâm tham dục thì không có tất cả sợ hãi, còn khi có tâm sợ hãi thì không có tâm tham dục. Đi theo sau người nữ với tâm tham dục thì mỗi bước đi phạm mỗi tội Việt tỳ ni.

Như thế là hết phần Tì ni. Đó là trường hợp ngoại đạo xuất gia.

6- Hẹn nhau.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy có một Tỉ kheo đến giờ khất thực bèn khoác y, cầm bát vào thành Xá-vệ, tuần tự khất thực. Khi thầy đến một nhà kia, có một người phụ nữ nói với thầy:

- Này Tỉ kheo! Có muốn làm việc ấy thì đến đây.

- Phép tắc Tỉ kheo của tôi không được làm việc ấy.

- Nếu thầy không chịu làm việc ấy thì tôi sẽ làm cho thân mình bị thương tích rồi hô hoán lên rằng: "Tỉ kheo cưỡng hiếp tôi".

- Tôi phải về lại tinh xá rồi mới đến.

- Thầy là Sa-môn Thích tử không nên nói dối, đã hẹn thì phải đến.

- Vâng.

Thế rồi, Tỉ kheo bèn đem sự việc ấy bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền nói:

- Đó là lời nói phi pháp, không nên nghe, mà đã nghe thì không nên hứa, mà đã hứa thì phải đem nhiều Tỉ kheo đến đó.

Thế rồi, thầy ấy dẫn theo nhiều Tỉ kheo đến đó, nói như sau:

- Này chị em! Chúng tôi đã đến.

- Xin chào các thầy.

Như thế là hết phần Tì ni. Đó gọi là hẹn nhau.

7- Không tĩnh tưởng.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, có một Tỉ kheo ngồi một mình dưới gốc cây quán tưởng về không tĩnh, rồi tự nói: "Ta đã đắc quả A la hán".

Các Tỉ kheo khác nghe thầy nói như thế, liền nói:

- Này trưởng lão! Thầy không thật chứng được mà tự xưng được pháp hơn người, phạm tội Ba la di.

- Thưa trưởng lão! Tôi không tự xưng mình được pháp hơn người. Tôi ngồi dưới gốc cây quán tưởng về pháp không tĩnh, rồi nói: "Ta đã đắc A la hán rồi vậy".

Các Tỉ kheo bèn đem sự kiện ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền hỏi Tỉ kheo ấy:

- Ông thật sự không được pháp hơn người mà tự xưng là được pháp hơn người phải không?

- Bạch Thế Tôn! Con không tự xưng được pháp hơn người. Con ngồi một mình dưới gốc cây quán tưởng về pháp không tĩnh rồi nói: "Ta đã đắc A la hán".

- Đó là phép quán tưởng về không tĩnh mà xưng là pháp hơn người, phạm tội Thâu lan giá.

Như thế là hết phần Tì ni. Đó gọi là không tĩnh tưởng.

8- Sông Tô Hà.

Khi Phật an trú tại Tỳ Xá Li, lúc các Tỉ kheo Tăng tập hợp tại một chỗ thì tôn giả Đại Mục Liên nói như sau:

- Thưa trưởng lão! Khi tôi nhập Vô sắc định tôi nghe tiếng vẫy tai của các con voi đang uống nước ở sông Tô Hà.

Các Tỉ kheo nói:

- (466a) Không thể có chuyện đó. Khi nhập định Vô sắc thì vượt qua mọi sắc tưởng, làm sao còn nghe tiếng? Thầy nói dối không thật, cần phải làm yết ma cử tội.

Thế là họ tập họp Tỉ kheo Tăng. Phật dùng thần túc từ không trung đến, biết mà vẫn hỏi các Tỉ kheo:

- Các ông đang làm gì đó?

Các Tỉ kheo bèn đem sự việc trên bạch đầy đủ lên Thế Tôn, cho đến: nói dối không thật, phải làm yết ma cử tội.

Phật liền nói với các Tỉ kheo:

- Mục Liên thực sự được định Vô sắc, nhưng chưa biết rành tướng xuất nhập. Đó là nghe khi xuất định chứ không phải nghe khi nhập định.

Đoạn, Phật quay sang nói với Mục Liên:

- Ông nên phân biệt để biết một cách rõ ràng.

Như vậy là hết phần Tì ni. Đó gọi là sông Tô Hà.

9- Giảng đường.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy các Tỉ kheo tập họp tại một chỗ rồi cùng nhau bàn luận:

- Cây cột của giảng đường thiện pháp này chống đỡ cây xà nhà phải không?

Tôn giả Mục Liên nói:

- Chống đỡ xà nhà.

Lúc ấy có một Tỉ kheo chưa có tuổi hạ nói:

- Không chống.

Hỏi:

- Không chống (cách hở) chừng bao nhiêu?

Đáp:

- Chừng một mảy lông.

Các Tỉ kheo bèn sai một Tỉ kheo có thần túc đến quan sát xem có chống hay không chống.

Thầy xem xong, trở về nói:

- Không chống (cách hở).

Hỏi:

- Không chống chừng bao nhiêu?

Đáp:

- Không chống chừng một mảy lông.

Các Tỉ kheo bèn nói với Mục Liên:

- Thầy không biết có chống hay không chống, vì sao lại nói có chống? Thầy nói dối không thật, cần phải làm yết ma cử tội!

Thế là Tăng liền tập họp, làm yết ma cử tội. Khi ấy, Phật dùng thần túc đến từ hư không, Ngài biết mà vẫn hỏi các Tỉ kheo:

- Các ông đang làm gì đó?

- Bạch Thế Tôn! Tôn giả Đại Mục Liên (cho đến) không chống mà nói có chống, nói dối không thật. Chúng con định làm yết ma cử tội.

Phật liền hỏi Tỉ kheo chưa có tuổi hạ:

- Vì sao ông biết là không chống?

- Bạch Thế Tôn! Con đã có lần ngồi thiền tại giảng đường Thiện Pháp ấy.

Phật liền nói với Đại Mục Liên:

- Vì sao ông không xem cho kỹ? Ông hãy đến xem lại cho đúng sự thật.

Như thế là hết phần Tì ni. Đó gọi là giảng đường Thiện Pháp.

10- Tướng quân Sư Tử.

Khi Phật an trú tại thành Tì-xá-li, lúc này vua A Xà Thế đã có oán thù với người Li Xa ở thành Tì-xá-li. Vua muốn đem bốn binh chủng đến chinh phạt người Li Xa. Nghe tin quân của nhà vua sắp đến, tướng quân Sư Tử người Tì-xá-li liền đi đến chỗ tôn giả Đại Mục Liên, hỏi:

- Thưa tôn giả! Trong trận này ai thắng, vua A Xà Thế thắng hay chúng tôi thắng?

- Vua sẽ thắng.

- Có điềm gì báo trước chăng?

- Tôi thấy phi nhân của hai nước đánh nhau mà phi nhân của vua thắng cho nên vua cũng sẽ thắng.

Tướng quân Sư Tử nghe nói thế, liền tuyển mộ được 500 trai tráng dũng mãnh trong nước rồi hỏi bọn họ:

- Chúng ta nên làm kẻ phi trượng phu mà chết, hay nên làm kẻ trượng phu xông vào hầm lửa để mà sống?

- Nên làm kẻ trượng phu mà sống, lại còn cứu vớt được quyết thuộc.

(466b) Khi ấy, vua A Xà Thế nghe Đại Mục Liên nói như vậy nên không sợ, chậm rãi từ từ thuận theo dòng nước sông Hằng tiến quân lên. Tướng quân Sư Tử bèn đem quân mai phục đánh bất ngờ khi chưa xáp trận nên đại phá được quân giặc. Vì bị bất ngờ, không có quân cứu viện, vua A Xà Thế vượt hiểm nguy, thoát chết, một mình một ngựa trở về nước, bèn chê trách Mục Liên:

- Vì tôn giả Đại Mục Liên mà khiến cho việc nước của ta bị nghiêng ngửa.

Khi tướng quân Sư Tử người Li xa thuộc Tì-xá-li phá được quân địch rồi, hoan hỷ nói như sau:

- Mục Liên khủng bố ta, vì thế mà ta được thắng lợi lớn, tuy là lời nói không đúng, nhưng ta rất mang ơn lời nói hư dối ấy.

Lúc ấy, các Tỉ kheo nghe vua A Xà Thế tức giận người Li xa, lại oán hận Mục Liên, bèn bàn nhau:

- Tôn giả Đại Mục Liên không biết ai thắng, ai bại, mà lại nói dối không thật.

Thế rồi, Tỉ kheo Tăng tập hợp định làm yết ma cử tội Mục Liên. Phật liền dùng thần túc đi đến, tuy biết nhưng Ngài vẫn hỏi các Tỉ kheo:

- Các ông định làm việc gì đấy?

- Bạch Thế Tôn! Đại Mục Liên, cho đến nói dối không thật. Chúng con định làm yết ma cử tội.

- Mục Liên thấy trước mà không thấy sau.

Đoạn, Phật bảo Mục Liên:

- Ông nên xem xét cho kỹ.

Như thế là hết phần Tì ni. Đó gọi là trường hợp tướng quân Sư Tử.

11- Nam nhi.

Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy Đại Mục Liên có người đàn việt quen biết, bà vợ ông đang mang thai, bèn hỏi thầy:

- Thưa thầy tôi sinh con trai hay con gái?

- Sinh con trai.

Bà hỏi đến ba lần như vậy, thầy đều bảo là sinh con trai. Nhưng sau khi sinh ra lại là con gái ; bà mẹ ấy bèn oán trách:

- Mục Liên suốt đời đều nói dối, nói sinh con trai mà là sinh con gái, chỉ vì muốn làm cho người ta vui lòng mà nói như thế.

Các Tỉ kheo nghe như vậy, thắc mắc:

- Vì sao tôn giả Đại Mục Liên không khéo phân biệt mà lại nói dối, cần phải làm yết ma cử tội.

Liền tập hợp Tỉ kheo Tăng. Phật bèn dùng thần túc đi đến, tuy biết mà vẫn hỏi các Tỉ kheo:

- Các ông định làm gì đó?

- Bạch Thế Tôn! Đại Mục Liên... nói dối, không thật, chúng con định làm yết ma cử tội.

- Mục Liên thấy trước đây là con trai mà không thấy trung gian, vì Dạ xoa Di Tố làm đảo lộn: nhà cần con gái thì đem cho con trai, nhà cần con trai thì đem cho con gái.

Đoạn Phật bảo người ấy:

- Ngươi hãy đến nói với nhà kia như sau: Đức Thế Tôn dạy rằng con gái là của bà, con trai là của tôi.

Họ liền đến đó thương lượng và cuối cùng đã đồng ý trao đổi cho nhau.

Như vậy là hết phần Tì ni. Đó gọi là trường hợp con trai.

12- Đồng tử Li xa.

Khi Phật an trú tại thành Tì-xá-li, đến giờ khất thực, Ngài khoác y, cầm bát cùng với nhiều Tỉ kheo vào thành Tì-xá-li khất thực. Bấy giờ có đồng tử Li Xa đang ở trên gác vui chơi với 500 kỹ nữ. Phật từ xa trông thấy bèn mỉm cười. Các Tỉ kheo liền hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn! Có duyên cớ gì (466c) mà Thế Tôn mỉm cười?

- Sau 7 ngày nữa, người này sẽ mệnh chung và rơi xuống địa ngục.

A-nan liền bạch với Phật:

- Bạch Thế Tôn! Có phương pháp gì làm cho ông ta khỏi rơi vào địa ngục không?

- Nếu người này xuất gia trong giáo pháp của Như Lai thì sẽ thoát được. Này A-nan! Ông hãy đến giáo hóa người ấy, khuyên ông ta xuất gia.

A-nan liền vâng lời Phật dạy đến đó khuyên bảo, và chung cuộc ông ta đã xuất gia. Phật lại căn dặn A-nan:

- Ông hãy bảo các Tỉ kheo phải bảo hộ người này chớ để phạm giới mà mang tội nặng.

Lúc ấy, các Tỉ kheo vâng giáo chỉ, bèn đưa Tỉ kheo này vào ở trong một phòng, rồi khóa cửa ngoài lại. Thế là Tỉ kheo này mệnh chung vì bị nhiễm gió độc. Khi ấy, thân nhân của Tỉ kheo này đến thấy thầy đã mệnh chung, lòng rất đau thương. Phật bèn vì họ, đọc kệ:

Nếu người trăm nghìn năm,
Cúng dường trăm La hán.
Không bằng trong một đêm,
Xuất gia tu phạm hạnh.
Nương nhờ phước báo này,
Được rời khỏi sáu trăm
Sáu nghìn sáu mươi năm,
Khổ não trong ba đường.

Lúc ấy, tâm của Tỉ kheo đóng cửa sinh nghi ngờ, hối hận, liền đem sự việc trên bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền hỏi thầy:

- Ông dùng cái tâm gì khi khóa cửa?

- Bạch Thế Tôn! Dùng cái tâm lợi ích vì sợ thầy ấy phạm giới mắc phải tội nặng.

- Vì ông đóng cửa bên ngoài nên phạm tội Việt tỳ ni.

Như vậy là hết phần Tì ni. Đó là trường hợp đồng tử Li xa.

13- Bốn người bỏ việc đánh đấm.

Khi Phật an trú tại thành Tì-xá-li, có bốn người bỏ việc đánh đấm muốn đi xuất gia, cùng vào cửa thành Tì-xá-li. Bỗng họ gặp lại kẻ thù cũ. Ngay lúc ấy, thấy người giữ cửa thành có cây cung, thế là một người liền cầm cung, một người giương cung, một người bắn mà kẻ thù không chết. Người thứ tư bèn bắn, thì kẻ thù chết liền.

Trong trường hợp một người bắn chết, một người bắn không chết thì không nên độ hai người này xuất gia. Nếu họ đã xuất gia thì nên đuổi đi. Trong trường hợp này một người cầm cung, một người giương cung không nên độ hai người này xuất gia. Nếu đã độ họ xuất gia thì nên để yên. Sau đó, nếu họ làm ác thì phải đuổi đi. Nói chung, những kẻ hung ác như vậy không nên độ xuất gia. Nếu ai độ họ xuất gia thọ cụ túc thì phạm tội Việt tỳ ni. Đó gọi là bốn người bỏ việc đánh đấm.

14- Trường hợp ở trên gác.

Khi Phật an trú tại thành Vương Xá, lúc ấy có một Tỉ kheo thành tựu phép quán bất tịnh, chán ngán cái thân nên từ trên gác nhảy xuống đất tự vẫn. Nhằm lúc ấy ở dưới đất có hai cha con người kia đang đan sọt tre. Thầy nhảy xuống nhằm ngay trên người cha, khiến ông ta chết liền. Thế là người con bèn lôi Tỉ kheo đến chỗ nhà vua, nói như sau:

- Tâu đại vương! Vì Tỉ kheo này giết cha tôi.

(467a) Vua liền hỏi Tỉ kheo:

- Tôn giả là người xuất gia, vì sao lại giết người?

- Thưa đại vương! Tôi nhàm chán cái thân này nên từ trên gác nhảy xuống đất, rơi nhằm trên mình cha của người này, sự thật là như vậy.

Nghe thế vua bèn ra lệnh thả Tỉ kheo đi. Người con thấy thế oán trách, nói:

- Tâu đại vương! Vì sao kẻ sát nhân mà không hỏi tội?

Nhà vua liền dùng phương tiện khéo léo để giải tỏa tâm ý của anh ta, bèn truyền lệnh:

- Ngươi hãy trở về lại trên gác, bảo Tỉ kheo đứng dưới đất rồi ngươi nhảy xuống trên mình Tỉ kheo ấy giết chết ông ta để trả thù cho cha mình.

Người ấy vì yêu quí tánh mạng mình nên không dám tự nhảy xuống. Lúc ấy tâm Tỉ kheo sinh hoài nghi bèn đem sự việc ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật hỏi thầy:

- Ông dùng cái tâm gì khi nhảy xuống?

- Bạch Thế Tôn! Vì con chán cái thân này.

- Này Tỉ kheo! Ông không nhìn ở dưới trước mà tự nhảy xuống nên phạm tội Việt tỳ ni.

Như vậy là hết phần Tì ni. Đó gọi là trường hợp ở trên gác.

15- Dời đá.

Khi Phật an trú tại thành Vương Xá, lúc ấy có hai cha con ông già kia xuất gia, rồi cùng nhau lên nói Kỳ Xà Quật. Người con đi trước, thấy giữa đường có đá, bèn suy nghĩ: "Ta phải dọn con đường cho sạch khiến lối đi phẳng phiu không chướng ngại để dễ dàng đi lên", liền dời những hòn đá. Nhưng không may, hòn đá rớt lăn trúng người cha, khiến ông ta chết liền. Người con trong lòng ảo não, sinh hoài nghi, nghĩ: "Ta đã làm hai việc không lợi ích: giết người, giết cha". Nghĩ thế thầy bèn đem sự việc ấy bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền hỏi thầy:

- Ông dùng tâm gì để dời đá?

- Bạch Thế Tôn! Vì con muốn dọn đường cho thông để cha đi được dễ dàng.

- Dời đá ở giữa đường phạm tội Việt tỳ ni.

16- Suối nước nóng.

Khi Phật an trú tại vườn trúc Ca Lan Đà ở thành Vương Xá, lúc ấy có thầy Tỉ kheo vào suối nước nóng tắm rửa thì dục tâm sinh khởi, nam căn cử động chạm với nước liền bị xuất tinh. Do đó, tâm thầy sinh nghi, hối hận, bèn đem sự việc ấy bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền hỏi thầy:

- Ông dùng tâm gì khi tắm?

- Bạch Thế Tôn! Tâm tham dục.

- Ông phạm tội Tăng già bà thi sa.

Như vậy là hết phần Tì ni. Đó gọi là trường hợp suối nước nóng.

17- Dâm nữ.

Khi Phật an trú tại thành Vương Xá, lúc ấy có thầy Tỉ kheo đến giờ khất thực bèn khoác y, cầm bát vào thành tuần tự khất thực. Khi thầy đến một nhà dâm nữ, cô này mời mọc:

- Này Tỉ kheo! Vào đây cùng làm việc ấy.

- Đức Thế Tôn chế giới không cho làm việc đó.

- Tôi biết Thế Tôn chế giới không cho hành dâm, nhưng ông hãy hành dâm ở trong (âm hộ) rồi xuất tinh ở ngoài.

Tỉ kheo bèn cùng với cô ta hành lạc, rồi tâm sinh nghi ngờ, hối hận, liền đem sự việc ấy bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền dạy:

- Nếu hành lạc trong âm hộ rồi xuất tinh bên ngoài, hoặc thủ dâm bên ngoài rồi xuất tinh bên trong, hoặc hành lạc bên trong rồi xuất tinh bên trong, nếu chạm vào một mảy may thậm chí như hạt mè, thì phạm tội Ba la di.

Như vậy là hết phần Tì ni. Đó gọi là trường hợp dâm nữ.

18- Tam bà tha.

(467b) Khi Phật an trú tại thành Vương Xá, lúc ấy tôn giả Tất Lăng Già Bà Tha đang sống tại trong thôn. Đến giờ thầy bèn khoác y, cầm bát tuần tự đi khất thực. Khi được thức ăn rồi, thầy bèn đi vào nhà một mục đồng thọ trai, thì có một người con gái đến bên thầy khóc lóc. Thầy liền hỏi cô ta:

- Vì cớ gì mà con khóc?

- Thưa thầy! Hôm nay là ngày lễ hội, mọi người đều đi tham dự vui vẻ, chỉ có mình con là không có y phục nên không được đi, thì làm sao mà không khóc?

Khi ấy tôn giả bèn hóa ra các loại y phục được trang điểm đủ thứ châu báu anh lạc, vàng bạc rồi cho cô. Khi được y phục, cô ta liền đi dự lễ hội... Vua nghe thế, bèn gọi cô ta đến hỏi:

- Người được loại anh lạc quí báu này ở đâu vậy?

- Tôn giả Tất Lăng Già Bà Tha cho tôi.

Vua liền gọi Tỉ kheo đến, hỏi:

- Tôn giả được thứ kim loại quí giá này ở đâu mà trên đời này không có?

Tỉ kheo bèn cầm tích trượng đập vào vách, vào giường thì tất cả đều hóa thành vàng, rồi nói như sau:

- Thủ đà la, do đâu mà được vàng? Chính là do thế này đây.

Vua liền nói:

- Thầy có đại thần túc, thôi hãy trở về. Đồng thời cho cô gái chăn trâu trở về nhà luôn.

Các Tỉ kheo nghe thấy việc Tất Lăng Già Bà Tha hiển hiện linh dị và cô gái chăn trâu bị bắt nên quyết định làm yết ma cử tội, bèn tập hợp Tỉ kheo Tăng. Bấy giờ đức Thế Tôn liền dùng thần túc đi đến. Tuy biết, Ngài vẫn hỏi các Tỉ kheo:

- Các ông đang làm gì đó?

- Bạch Thế Tôn! Tất Lăng Già Bà Tha hiển hiện linh dị. v.v... và cô gái chăn trâu bị bắt.

Phật liền hỏi Tất Lăng Già Bà Tha:

- Có thật ông hiển hiện linh dị khiến cho cô gái chăn trâu bị bắt không?

- Bạch Thế Tôn! Con không cố ý hiển hiện linh dị để cô gái chăn trâu bị bắt, con chỉ vì lòng từ mà thôi.

Đoạn, Phật nói với các Tỉ kheo:

- Vì đó là đại thần túc của Tất Lăng Già Bà Tha nên không có tội.

Như thế là hết phần Tì ni.

Lại nữa, khi tôn giả Tất Lăng Già Bà Tha ở tại thôn xóm, tự mình tô phòng ở. Khi vua Bình Sa đến, thấy tôn giả tự tô phòng ở bèn hỏi thầy:

- Thầy đang làm gì đó?

- Thủ đà la! Tôi đang tô phòng ở.

- Thầy không có người để sai bảo sao? Tôi sẽ cung cấp người làm vườn cho thầy.

- Không cần đâu, thủ đà la.

Vua ngỏ ý đến ba lần nhưng thầy vẫn từ chối không nhận. Những người trong thôn nghe thế, bèn đến chỗ thầy cầu xin:

- Thưa thầy! Thầy nhận chúng con làm người làm vườn, chúng con sẽ phục dịch cho thầy.

- Nếu tất cả các ngươi có thể thọ trì 5 giới thì ta sẽ nhận.

- Chúng con có thể thọ trì.

Thế là thầy nhận họ, rồi cho tất cả thọ 5 giới và bắt trì trai, tu đức. Nhờ vậy xóm làng trở nên giàu có thịnh vượng, nhưng rồi bị bọn giặc cướp từ ngoài đến cướp bóc đàn bà con gái và tài vật. Khi ấy người trong thôn bèn đến thưa với thầy:

- Thưa thầy! Bọn cướp đến cướp con trai, con gái, tiền bạc của chúng tôi chỉ trong một ngày (467c) mà hết sạch.

Tôn giả Tất Lăng Già Bà Tha liền nhập định từ bi, thấy bọn cướp đang xua đuổi những người kia đi, bèn nói với chúng:

- Này thủ đà la! Vì sao các ngươi lại cướp người làm vườn của ta?

Tức thì hóa ra một cái hầm lớn khiến những người làm vườn ở bên này bờ còn bọn cướp ở bên kia bờ, rồi nói:

- Này thủ đà la! Bọn ngươi hãy đi đi.

Các Tỉ kheo nghe thế bèn nói như sau:

- Tất Lăng Già Bà Tha chính là kẻ cướp lại đi cướp kẻ cướp, cần phải làm yết ma cử tội.

Thế rồi, Tỉ kheo Tăng tập hợp, kiểm điểm việc này. Khi ấy, Thế Tôn liền dùng thần túc đi đến. Tuy biết Phật vẫn hỏi các Tỉ kheo:

- Các ông đang làm gì đó?

- Bạch Thế Tôn! Tất Lăng Già Bà Tha chính là kẻ cướp, lại đi cướp kẻ cướp, chúng con định làm yết ma cử tội.

Phật liền hỏi Tất Lăng Già Bà Tha:

- Ông có việc đó thật không?

- Bạch Thế Tôn! Con không phải là kẻ cướp mà lại đi cướp kẻ cướp. Chỉ vì dân chúng trong thôn đến khóc lóc báo tin cho con nên con vì lòng từ mà làm như vậy.

- Đó là Đại thần túc, không có tội.

Như vậy là hết phần Tì ni.

LUẬT MA HA TĂNG KỲ

Hết quyển thứ hai mươi chín.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]