Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

6. Chuyển hóa vô minh thành trí tuệ

10/07/201103:11(Xem: 8371)
6. Chuyển hóa vô minh thành trí tuệ

MANDALA - SỰ HỢP NHẤT CỦA TỪ BI VÀ TRÍ TUỆ
THEO QUAN KIẾN KIM CƯƠNG THỪA
Giáo Pháp Từ Chuyến Viếng Thăm Việt Nam 2010
của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa XII

CHUYỂN HÓA VÔ MINH THÀNH TRÍ TUỆ
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII khai thị
Giảng pháp và quán đỉnh cộng đồng Liên Hoa Bộ, Di Đà, Quan Âm tại chùa Phổ Quang, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh 25.3.2010

Trước tiên, tôi xin bày tỏ niềm tri ân sâu sắc tới Quý Hòa thượng, Thượng tọa, chư Đại Đức Tăng Ni, cùng toàn thể Quý vị Phật tử gần xa. Tôi xin được giới thiệu một chút về các vị Rinpoche trong Tăng đoàn Drukpa viếng thăm Việt Nam lần này, và sau đó tôi xin giảng về ba ngôi Tam Bảo. Rất nhiều người trong số Quý vị hiện diện nơi đây năm ngoái đã cùng với chúng tôi chia sẻ Giáo Pháp, nên tôi không cần phải nói nhiều về dòng Truyền thừa của mình. Tuy thế, tôi cũng nhìn thấy nhiều khuôn mặt mới, nên sẽ giới thiệu ngắn gọn về Truyền thừa Drukpa. Truyền thừa Drukpa thuộc truyền thống Kim Cương Thừa, nhưng về pháp môn tu tập thì thực hành kết hợp ba thừa. Tôi nhớ năm ngoái đã từng nói rõ rằng: Kim Cương Thừa không thể tồn tại, nếu không có nền tảng của Đại Thừa. Đại Thừa không thể tồn tại nếu không có Nguyên thủy Phật giáo. Cho nên mỗi thừa trong ba thừa không thể tự tồn tại riêng biệt. Ba thừa phải kết hợp cùng nhau, cho dù tu theo bất cứ Truyền thừa nào, bạn cũng cần hiểu rằng: Trong sự thực hành của bạn đều cần kết hợp cả ba thừa. Kim Cương Thừa thực sự là một nhánh thuộc Đại Thừa Phật giáo, cho nên không thể đứng độc lập với hai thừa kia. Tôi xin chia sẻ kỹ hơn trong buổi chiều nay và bây giờ xin giới thiệu về các Ripoche thuộc Tăng đoàn Drukpa.

Trong chuyến viếng thăm lần trước Tăng đoàn Truyền thừa có hai vị Rinpoche cao cấp là Đức Nhiếp Chính Vương Khamtrul Rinpoche và Nhiếp Chính Vương Kunga Rinpoche. Nhưng lần này, do Nhiếp Chính Vương Khamtrul Rinpoche bận việc Phật sự nên sau ba ngày nữa Ngài mới tới Việt Nam. Còn Nhiếp Chính Vương Kunga Rinpoche thì vẫn có mặt, Ngài đang ngồi trước quý vị, phía bên tay trái của tôi. Ngài là hoá thân của một bậc Thầy vĩ đại trên dãy Himalaya thuộc truyền thống Kim Cương Thừa. Trong Hiển giáo không có truyền thống về sự hoá thân của các bậc Thầy, hay nói cách khác không có truyền thống đi tìm hoá thân của các bậc Thầy vĩ đại. Còn trong Kim Cương Thừa, chúng tôi có truyền thống tìm lại hoá thân các bậc Thầy của mình. Tất cả chúng tôi đều vâng theo quy luật này, vì đây là những yếu tố để làm lợi lạc cho sự phát triển của Phật Pháp, hay giúp duy trì dòng Truyền thừa không gián đoạn. Hiện nay có rất nhiều các bậc Thầy vĩ đại như thế, vì vậy tôi vui mừng giới thiệu ngài Kunga Rinpoche tới quý vị. Kế đến tôi xin hân hạnh giới thiệu một vị thành tựu giả về Thiền định, Ngài Dropon là vị đại diện của Truyền thừa Drukpa tại 9 nước ở châu Âu. Đây là một duyên lành hy hữu, chúng ta được cung đón Ngài tới Việt Nam. Nhân đây tôi xin giới thiệu một chút về thuyền thừa Drukpa. Truyền thừa Drukpa được truyền không gián đoạn từ đức Phật Thích Ca Mâu Ni tới các bậc Thầy giác ngộ lien tục cho tới ngày nay. Truyền thừa Drukpa được khai sáng bởi đức Pháp Vương Tsangpa Gyare đời thứ nhất, Ngài là hoá thân của Đại thành tựu giả Naropa… Truyền thừa Drukpa là sự kết hợp giáo lý của cả Tam Thừa, gồm Nguyên Thủy, Đại Thừa và Kim Cương Thừa. Trong dòng Truyền thừa hiện nay có rất nhiều hoá thân chuyển thế của bậc Thầy giác ngộ. Đây là Truyền thừa áo vải, tức là Truyền thừa của sự chứng ngộ Thiền định. Chúng tôi đang nỗ lực trì giữ và phát triển rộng khắp không phải chỉ trong đời này, mà trong vô số kiếp về sau và vô số kiếp về trước. Chúng tôi cố gắng giữ gìn năng lượng Thiền định được trao truyền từ thời Đức Phật cho đến ngày nay. Đó là ý nghĩa của truyền thừa không gián đoạn.

Nói đến “Truyền thừa” có nhiều nghĩa: “Truyền thừa huyết thống” như ông, cha, con, hay “Truyền thừa Giáo Pháp” như hệ thống giáo lý được Truyền thừa không gián đoạn từ thời Đức Phật, trải qua các đời Tổ, cho đến các bậc Thầy ngày nay. Riêng ở truyền thừa Drukpa, chúng ta đặt niềm tin vào sự gia trì của Truyền thừa thuộc trạng thái tâm Thiền định. Không phải chỉ người xuất gia, mà những Phật tử tại gia đều có thể trì giữ, và phát triển Truyền thừa Thiền định từ thời Đức Phật. Thiền định dựa trên cơ sở khẩu truyền trực tiếp. Khẩu truyền trực tiếp vô cùng cần thiết, để bảo trì cho Truyền thừa Thiền định thanh tịnh không gián đoạn. Nói về Thiền định, chúng ta có trường phái thiền Nguyên Thủy, thiền Đại Thừa và thiền Kim Cương Thừa. Trong Kim Cương Thừa có tám loại Thiền khác nhau. Tôi muốn giới thiệu với các vị về Thiền và kỹ thuật của thiền Mật Thừa. Có thể có câu hỏi về sự khác biệt giữa ba Thừa, hay ba trường phái thiền định. Đó cũng là lý do tại sao chúng ta cần thực hành cả ba, chứ không phải chỉ là hai hay một trong ba trường phái. Chúng ta cần thực hành cả Tam Thừa, vì mỗi thừa có một số kỹ thuật đặc trưng riêng. Đây cũng là lý do mà Đức Phật đã thuyết ra Tam Thừa, để phù hợp với từng căn cơ trình độ của hàng đệ tử.

Bây giờ tôi xin nói về ý nghĩa Tam Bảo. Chúng ta Quy y Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Giáo Pháp của Ngài gồm đủ cả Tam Thừa, những hành giả thực hành Tam Thừa là Tăng già. Như thế chúng ta có Phật - Pháp - Tăng, nơi mỗi Thừa tuy quan kiến hơi khác nhau, nhưng cả ba Thừa đều được truyền dạy từ đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đức Phật Thích Ca là bậc Thầy duy nhất, giảng dạy tất cả Giáo Pháp gồm đủ Tam thừa. Trong hệ thống giáo lý Nguyên Thủy, Phật chủ yếu giảng tiếng Pali, và một số Giáo Pháp của Đại Thừa cũng được giảng tiếng Pali. Hầu hết giáo lý của Mật thừa được giảng bằng tiếng Phạn, một phần lớn Giáo Pháp của Đại Thừa cũng được giảng bằng tiếng Phạn. Tuy nhiên, tất cả đều là Giáo Pháp được giảng dạy từ đức Phật Thích Ca. Nói chung, ở Việt nam có hai thừa chính là Đại Thừa và Nguyên Thủy. Đây là hai thừa phổ thông của Phật giáo. Kim Cương Thừa là một nhánh thuộc Đại Thừa Phật giáo. Nguyên Thủy Phật giáo được giảng dạy ở Varanaisi Ấn Độ. Ngày nay nếu đến Varanasi thì chúng ta không còn thấy bất kỳ một dấu tích Phật giáo nào ở đó nữa, dường như đã cải đạo sang Hindu hay Hồi giáo, chẳng còn thấy một người nào theo Phật giáo. Đây là điều đáng buồn, cho nên chúng ta cần phải nỗ lực tu tập để phát triển Thiền định và các phương tiện thiện xảo truyền giảng Giáo Pháp tinh túy của hai Thừa. Kỹ thuật Thiền định và truyền giảng rất quan trọng, vì đây là hai nền tảng quan trọng chúng ta cần giữ gìn và phát triển.

Việt Nam là đất nước có chiều dài lịch sử Phật giáo hơn hai nghìn năm, nên người Việt Nam có trách nhiệm rất lớn trong việc trì giữ Giáo Pháp của Đức Phật, trì giữ các phương pháp Thiền định, trì giữ Từ bi và Trí tuệ. Chúng ta cũng cần trân trọng những duyên lành mà mình đang có, chúng ta cần phải trân trọng trách nhiệm của mình, về việc bảo vệ và phát triển giáo lý đạo Phật, để lợi ích chúng sinh. Đó chính là căn bản giáo lý của Đại Thừa, là làm lợi ích cho hết thảy chúng sinh. Căn bản của Phật giáo Nguyên Thủy là không làm bất kỳ điều gì tổn hại ai. Đây là hai then chốt toàn bộ Giáo Pháp của Đức Phật.

Chúng ta nên tư duy sự quý giá vô cùng nếu như cả thế giới này không ai hãm hại ai, nếu tất cả mọi người đều tương thân tương ái giúp đỡ nhau. Thế giới sẽ trở nên an bình hạnh phúc, nếu tất cả mọi người đều thực hành theo hai Giáo Lý căn bản của Phật Giáo. Chúng ta được sinh trong thân người quý giá, nên chúng ta có trách nhiệm lớn lao để chuyển hoá thế giới này, thành một thế giới toàn hảo đối với từng cá nhân. Đây là điều đáng được trân trọng, cần được hiểu và thực hành. Trong Phật giáo chúng ta không tin vào sự cải đạo, đó là lý do mà tại sao lịch sử Phật giáo trong rất nhiều đất nước Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Lào, Cambuchia, Việt nam, và Miến Điện, hầu hết là các quốc gia theo Đạo Phật, nhưng Phật giáo lại được phát triển tại các quốc gia này một cách tự nhiên chứ không mang tính ép buộc. Phật giáo không ép buộc mọi người cải đạo vì quan kiến Phật giáo là sống hòa bình trong giáo lý của Đức Phật và trong sự hiểu biết, tôn trọng với các tôn giáo bạn. Còn trong lịch sử các tôn giáo khác đôi khi lại có truyền thống ép người cải đạo, điều này đã xẩy ra rất nhiều năm qua, ở Indonesia hay Malaysia hơn 1.500 năm trước đến bây giờ, do đó mà hiện nay các quốc gia này còn rất ít người theo đạo Phật. Chỉ còn lại Phật giáo ở Đông Nam Á như Việt Nam và một số đất nước nhỏ khác. Đặc biệt Việt Nam là một đất nước Phật giáo, được Chính phủ nâng đỡ ủng hộ việc phát triển tâm linh, cho nên chúng ta có rất nhiều điều kiện tốt để bảo vệ và phát triển Giáo Pháp của Đức Phật vì lợi ích của hết thảy hữu tình và lợi ích của mỗi người dân Việt Nam.

Vì sao chúng ta không tin vào sự cải đạo? Bởi vì Giáo Pháp của Đức Phật đem lại kết quả tự do tín ngưỡng cho mọi người. Con đường để thực hành tự do và ý tưởng tự do đều dựa trên sự tự do của mỗi cá nhân, nên đức Phật không muốn ép buộc bất kỳ ai, hoặc dùng bất kỳ phương pháp nào để bắt họ đổi đạo. Hãy để họ tự do lựa chọn tín ngưỡng của mình, đó là thông điệp chính của Đức Phật. Rất tiếc, thong điệp cao cả này đã không được áp dụng một cách đúng đắn, cho nên rất nhiều sự cải đạo đã diễn ra ở nhiều nơi, thậm chỉ cả một đất nước, chứ không phải trong một hay hai gia đình. Trong khi họ đang cố gắng vận động cải đạo, thì chúng ta cũng trải qua rất nhiều khó khăn cho sự thực hành giáo lý của đức Phật, và giữ gìn truyền thống thiền định. Bởi vậy, mỗi chúng ta cần hết sức tôn trọng cuộc sống của chính mình, một cuộc sống vô cùng quí giá. Để giải thoát cho hết thảy chúng sinh, mang lại hòa bình vững bền và chân thật, từng quốc gia cần những phương pháp cụ thể. Phương pháp của sự hiểu biết và tình yêu thương là những Giáo lý của Đức Phật đã được luận giải một cách sâu sắc. Đó cũng là trách nhiệm của người Việt Nam, những người đang thực hành theo Giáo Pháp của Đức Phật.

Chúng ta chia sẻ thêm về ba Thừa, về đặc trưng và tinh túy trong giáo lý của ba thừa. Giáo lý của Nguyên Thủy Phật giáo là Tứ Diệu Đế. Tất nhiên, đây không phải là giáo lý riêng của Nguyên Thủy mà là Giáo Pháp vô cùng thâm diệu được đức Phật giảng ở Vườn Lộc Uyển, là một phần Giáo Pháp quan trọng trong toàn bộ Phật giáo. Khổ đau của thế giới (Khổ đế) và nguyên nhân của đau khổ (Tập đế) là hai Chân lý đầu tiên của Tứ đế, hai Chân lý sau là sự giải thoát (Diệt đế) và con đường dẫn đến giải thoát (Đạo đế). Đây là bốn Chân lý rất là dễ hiểu, nhưng rất cơ bản và nền tảng mà chúng ta cần phải hiểu tường tận. Giáo Pháp này rất ý nghĩa, nên chúng ta cần nói Niết bàn và Luân hồi, cũng như nguyên nhân của Luân hồi và Niết bàn. Bởi vì bốn sự thật này vô cùng chính xác, nên gọi là bốn Chân lý cao quý. Bốn Chân lý cao quý này, được phát triển sâu xa hơn trong Đại Thừa, và chúng ta phát triển nghiên cứu sâu xa hơn trong sự hiểu biết của Mật Thừa. Theo quan niệm của Mật Thừa thì nguyên nhân khổ đau rất bình đẳng, và nguyên nhân của vô minh, tham dục, kiêu mạn, tật đố, tất cả những xúc tình này dẫn đến khổ đau của luân hồi. Đây là những gì đức Phật thường giảng chung, đặc biệt được nhấn mạnh hơn trong Kim Cương Thừa. Sự khác biệt là vấn đề ở bản ngã. Theo Kim Cương Thừa miêu tả thì bản ngã là sự vô minh hay hiểu biết một cách sai lầm. Ví dụ, chúng ta có thể hiểu những gì chúng ta thấy, chúng ta nghe. Nhưng chúng ta không thể hiểu được bí mật của vạn pháp. Vì thế chúng ta trở nên bám chấp mạnh mẽ vào những gì mình thấy nghe. Điều này trong Phật giáo gọi là hiểu biết sai lầm, trong Kim Cương Thừa gọi là bản ngã hay vô minh. Vô minh là một trong bốn phiền não chính (vô minh, sân hận, tham dục, kiêu mạn). Đó cũng là lý do tại sao vô minh là nguyên nhân sinh khởi tất cả các xúc tình tiêu cực. Điều này rất dễ hiểu. Ví dụ chúng ta sân với một người. Tại sao lại sân giận? Vì ta tin chắc rằng người đó đã nói điều gì sai trái mà ta nghe được, hay làm điều gì sai mà ta thấy được, nên chúng ta giận dữ. Đó là tất cả nguyên nhân mà chúng ta tin vào những gì mình thấy nghe. Kết quả của sự giận dữ là tâm chúng ta đau khổ, rồi dẫn đến khổ đau của thân xác, khiến chúng ta ốm yếu, hoặc huyết áp cao, tất cả bởi phiền não giận dữ gây nên. Như vậy nguyên nhân của sự giận dữ là do chúng ta tin vào những gì mình thấy nghe. Nếu không muốn thân tâm mình đau khổ thì chúng ta phải giảm bớt sân giận.

Vậy cần làm gì để giảm bớt sân giận? Chúng ta cần giảm bớt sự tin tưởng vào những gì mình thấy nghe. Nếu thấy nghe điều gì đó, chúng ta nên quán chiếu đó chỉ là những hình ảnh hay âm thanh do tâm ta tự biến ra. Đức Phật Thích Ca dạy chúng ta không nên tin chúng. Nếu cố chấp tin tưởng thì có nghĩa chúng ta đang vô minh chi phối, chúng ta đang nuôi dưỡng độc vô minh trong sự tin tưởng của mình. Hãy đừng tin tưởng, mà để yên chúng tự tan trong tánh Không. Con đường chung của sự hiểu biết tức là con đường Trung đạo, Trung đạo là con đường chân thật và là tri kiến cốt tủy của Đại Thừa và Mật thừa. Chúng ta cần phải giảm bớt giận dữ vì chúng làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mình. Để làm được điều này, bạn cần phải tìm nguyên nhân của chúng. Nguyên nhân là do chúng ta tin tưởng vào sự thấy nghe của mình, thế nên chúng ta phải tìm cách trở về tánh Không, về lý Trung đạo, đừng tin tưởng vào bất kỳ điều gì mà chúng ta thấy nghe, đó là phương pháp căn bản để giảm bớt giận dữ.

Ngài Long Thọ, một bậc Thầy vĩ đại của truyền thống Đại Thừa, đã trình bày tri kiến của Ngài về quan điểm Phật giáo, là không tin tưởng vào những gì mình thấy nghe. Đây là Giáo lý vô cùng sâu sắc của Đức Phật mà chúng ta cần phải hiểu và phải thực hành như Giáo Pháp căn bản của Đại Thừa và Kim Cương Thừa. Điều tôi đang cố gắng giảng giải ở đây là tại sao chúng ta lại sân giận, tật đố, kiêu căng. Khi những xúc tình này hiện khởi chúng ta cần biết chúng từ đâu tới. Đó chính là Giáo Pháp mà Đức Phật đã dạy trong cả Tam thừa. Tìm hiểu xem các xúc tình từ đâu tới là phương pháp vô cùng quan trọng.

Trên thế giới này rất nhiều người tin rằng: mọi khổ đau hay hạnh phúc của con người đều bắt nguồn từ Đấng Sáng tạo. Đạo Phật không tin như thế, mà tin vào Nghiệp, tin vào nhân quả. Nhân của khổ đau là tham sân si. Quả là cõi luân hồi thống khổ. Đây là đức tin của đạo Phật, cho nên chúng ta cần phải có trách nhiệm với toàn bộ cuộc sống của mình. Chúng ta không thể trốn chạy khỏi nhân quả mà mình đã tạo ra, nên cần thận trọng với nhân quả của chính mình. Đức Phật Thích Ca dạy rằng: sứ mệnh của Ngài là chỉ có thể chỉ ra con đường giúp chúng ta trở thành người tốt, hay con đường chấm dứt khổ đau. Phần còn lại chúng ta phải tự mình lo liệu, chúng ta phải có trách nhiệm với chính cuộc đời mình, có trách nhiệm với nhân quả của chính mình, như thế là cách tốt nhất giúp bạn tự do giải thoát. Chúng ta sẽ không nương tựa vào bất kỳ ai khác thậm chí cả Đức Phật, chỉ nương theo Giáo Pháp Ngài hướng dẫn, là con đường chân chính ta phải đi theo. Bạn hoàn toàn tự do lựa chọn con đường nào thích hợp với mình, như con đường Nguyên Thủy, Đại Thừa, hay Kim Cương Thừa, Bạn đang ở trên mảnh đất của tự do, bạn có thể tự do chọn lựa con đường tốt nhất, phù hợp với mình, để có thể chấm dứt khổ đau. Tôi tin chắc rằng chúng ta cần tự do giải thoát, chúng ta cần sự hướng đạo. Nếu không có sự hướng đạo chắc chắn, chúng ta không có tự do giải thoát chân thật. Bởi thế sự hướng đạo của Đức Phật là vô cùng cần thiết. Ngài muốn hướng dẫn chúng ta con đường để giải thoát. Sự tự do tạm thời và sự tự do tuyệt đối, thuật ngữ trong Phật giáo gọi là Chân đế và Tục đế.

Khi nói về thế giới này, có rất nhiều sự thật tương đối và sự thật tuyệt đối. Tương đối tức là cần hiểu làm thế nào để sống tự do an lạc ngay tại thế giới vật chất này. Tuyệt đối nghĩa là làm thế nào giải thoát khỏi khổ đau và nhân của đau khổ. Chúng tôi muốn nói kỹ hơn một chút về quan điểm trong Kim Cương Thừa. Kim Cương Thừa đồng một quan điểm với hai Thừa trước, chỉ có chút khác về phương tiện. Phương tiện thiện xảo để trực tiếp chuyển hoá giận dữ, ái dục, vô minh, tật đố… thành trí tuệ. Tất cả những loại năng lượng của những xúc tình tiêu cực, thông qua các phương tiện đều chuyển thành trí tuệ. Đó là sự khác biệt duy nhất của Kim Cương Thừa với hai Thừa trên.

Ví dụ, hôm nay chúng ta có quán đỉnh A Di Đà và quán đỉnh Quán Âm, tiếng Phạn gọi là Avalokiteshvara, tiếng Tạng gọi là Chenrezig. Ví dụ pho tượng trước mặt tôi là tượng Amitayus tức là Phật Vô Lượng Thọ. Ngài chính là đức Phật A Di Đà trong hình tướng Báo thân. Trong Kim Cương Thừa pháp tu của Đức Phật A Di Đà thực chất là một phương pháp thực hành, nhằm chuyển hoá ái dục của chúng ta. Ái dục thiêu đốt cuộc sống rất mạnh mẽ. Chúng ta tham muốn đủ mọi thứ trong cuộc sống này như tham tiền, tham danh, tham sắc, tham ăn, tham hưởng thụ… đó gọi là tham dục. Tham dục rất cần được chuyển hoá. Chỉ cần chuyển hoá chứ không phải loại bỏ chúng. Nếu loại bỏ chúng, bạn sẽ trở nên khô khan, thiếu sinh lực như một cây gỗ mục. Bởi thế, chúng ta cần pháp tu A Di Đà để giúp chuyển hoá ái dục. Đây là phương tiện thiện xảo của Kim Cương Thừa, không thấy nhắc đến trong hai Thừa trước. Đây cũng là điểm đặc trưng của Kim Cương Thừa so với hai Thừa trên.

Tôi muốn chia sẻ kỹ hơn về sự chuyển hoá ái dục. Nếu bạn loại bỏ ái dục, bạn sẽ không còn tâm muốn giúp đỡ mọi người, cứu độ chúng sinh, không muốn thực hành Bồ tát hạnh. Như vậy, loại bỏ ái dục không phải là phương pháp thích hợp. Do đó, ái dục cần phải được chuyển hoá và sử dụng một cách đúng đắn. Hiện tại chúng ta không chuyển hoá được ái dục, bởi chúng ta không có sự gia trì của Đức A Di Đà, Đức Quan Thế Âm, hay Đức Phật Thích Ca, nên ái dục dẫn tới vô vàn khổ đau và rắc rối. Bởi thế rất nhiều tôn giáo khác cho rằng: ái dục là rất xấu, cần loại bỏ chúng, nhưng thật ra ái dục không thể loại bỏ, mà cần chuyển hoá và sử dụng một cách chân chính. Khi tôi nói sử dụng một cách chân chính, thật ra không đơn giản. Nói thì khá dễ nhưng bắt tay vào thực hành thì không dễ. Tôi muốn nói rằng chúng ta cần phải chuyển hóa ái dục thành trí tuệ.

Ví dụ sân giận cần được chuyển hoá thành Diệu quan sát trí, theo danh từ thế gian gọi là trí thông minh. Nếu thiếu loại trí tuệ này, bạn sẽ trở thành người ngu ngốc. Ái dục cũng cần được chuyển hóa thành trí tuệ. Chuyện gì sẽ xảy ra khi ái dục chuyển thành trí tuệ? Khi đó, chúng ta sẽ kiểm soát và sử dụng được nó, trợ giúp cho những mục đích tốt, để lợi ích cho sự nghiệp giải thoát cứu độ chúng sinh. Đó là việc sẽ xảy ra khi chúng ta chuyển hoá ái dục thành trí tuệ. Nếu không chuyển hoá chúng, ta sẽ không có cơ hội, hoàn toàn bị nô lệ cho ái dục và sẽ tạo rất nhiều ác nghiệp bởi ái dục đã chi phối chúng ta một cách lầm lạc. Cũng thế, dù chúng ta biết sân giận là xấu, nhưng vì không được chuyển hoá nên bị nó dẫn dắt. Chúng ta gào thét đánh đập và vô cùng hung dữ. Tuy biết là xấu mà chúng ta không có chọn lựa nào khác, khi có sự chuyển hoá, nhờ sự thực hành thì giận dữ không còn dẫn dắt, ngược lại chúng ta kiểm soát và làm chủ được chúng. Còn bây giờ sân giận như một vị vua, chúng ta như những kẻ nô lệ, nó chỉ đạo chúng ta tạo rất nhiều bất thiện nghiệp, nó thống trị toàn bộ cuộc đời chúng ta. Không những sân giận, mà ái dục, tật đố, vô minh đều là những kẻ thống trị cuộc đời chúng ta, vì thế toàn bộ cuộc đời chúng ta trở thành sai lầm. Bởi vậy rất cần chuyển hoá những xúc tình tiêu cực, phải kiểm soát và làm chủ chúng.

Như thế sự thực hành trong Kim Cương Thừa nhấn mạnh đến sự chuyển hoá, chứ không phải sự đè nén hay nuôi dưỡng chúng. Chúng ta cần chuyển hoá các xúc tình, nên sự thực hành này không phải là việc thờ cúng một đối tượng hay một người nào khác. Mà chúng ta tôn thờ tiến trình của việc chuyển hoá xúc tình. Thông qua việc tôn thờ này chúng ta chuyển hoá cuộc đời mình thành lợi ích. Hay trở thành phương tiện giúp chúng ta thực hành các thiện hạnh của Bồ tát, thông qua Bồ đề tâm chúng ta trưởng dưỡng tình yêu thương và chuyển hoá các xúc tình tiêu cực thành tuệ giác. Ví dụ ái dục chuyển thành Diệu quan sát trí, sân giận chuyển thành Đại viên cảnh trí, vô minh chuyển thành Pháp giới thể tính trí…rất nhiều trí tuệ ở trong nền tảng của tâm thức. Nếu chúng ta thực hành Kim Cương Thừa là phương tiện tốt giúp chúng ta chuyển hoá.

Một bậc Thầy vĩ đại nói rằng: Tất cả chúng sinh xưa nay là Phật, điều này cũng đã từng được đức Phật Thích Ca nhắc đến. Ngài còn dạy rằng: Luân hồi hay Niết bàn chỉ là vấn đề ở vô minh hay trí tuệ. Vô minh là Luân hồi, Trí tụê là Niết Bàn. Đức Phật Thích Ca đã dạy rất rõ việc này. Kim Cương Thừa cũng nói rằng: Trí tuệ vốn sẵn có từ vô thủy nhưng chúng ta đã không nhận ra, không chứng ngộ, nên bị sử dụng sai đường thành tham dục, giận dữ, tật đố, rồi dẫn dắt đến vô số khổ đau. Vì vậy cần chuyển hoá chúng thành trí tuệ. Trí tụê vốn sẵn có xưa nay, đó là cốt tủy của Kim Cương Thừa. Trong Kim Cương Thừa tin rằng: Chúng ta có thể trưởng dưỡng đức Phật bên trong chính mình, có thể tự tạo hạnh phúc cho chính mình, không cần thiết phải lệ thuộc vào bất kỳ một thứ gì khác bên ngoài. Ngay chính đức Phật Thích Ca cũng nói rằng: đừng nương tựa vào Ngài.

Là những hành giả Kim Cương Thừa, chúng ta cần tin rằng: mọi thứ đều có thể được tạo ra từ bên trong chính mình, vì chính chúng ta tạo nên mọi thứ. Khi bị ái dục chi phối, chúng ta tạo nên bất thiện nghiệp hoặc thiện nghiệp. Vì thế chúng ta có thể tự chuyển hoá, để tạo nên sự an lạc hạnh phúc cho chính mình. Chúng ta có thể tự mình tránh các nhân đau khổ, đấy là niền tin của chúng ta. Cùng với niềm tin tưởng như vậy, trong thực hành của Kim Cương Thừa chúng ta kèm với việc quán tưởng. Có rất nhiều loại quán tưởng như quán tưởng Đức A Di Đà, Quán Âm, Liên Hoa Sinh. Rất nhiều cách quán tưởng khác nhau, nhiều Thần chú khác nhau, nhiều khế ấn khác nhau, nhiều tư thế của thân khác nhau. Tư thế ngồi kết già được gọi là tư thế của đức Tỳ Lô Giá Na, như vậy có hàng trăm các kỹ xảo khác nhau, nhưng kỹ xảo này rất cần thiết để nâng đỡ tâm chúng ta trong sự chuyển hoá.

Trong Nguyên thủy Phật giáo chỉ nhắc đến một mình đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Đại Thừa Phật giáo ngoài đức Phật Thích Ca, còn nhắc đến Chư Phật ba đời hay ngũ phương Phật và rất nhiều các vị Bồ tát. Còn trong Kim Cương Thừa không phải chỉ có thế, mà còn vô số Chư Phật khác nhau, như những đức Phật trong hình tướng nữ, hình tướng nam, vô số các vị Bồ tát như các hoá thần Daka, Dakini, Yogi, Yogini…Bởi vì theo Kim Cương Thừa, mỗi cá nhân có các loại xúc tình phiền não khác nhau, rất nhiều loại khía cạnh khác nhau của tâm như là giận dữ, ái dục,… Mỗi khía cạnh của tâm, bản chất đều là Như Lai Tạng. Chúng ta có hàng ngàn khía cạnh của tâm, nên có hàng ngàn Chư Phật, Bồ tát trong các hình tướng khác nhau. Mỗi Ngài có thể là đối tượng để chúng ta Thiền định quán tưởng. Một trong các Ngài có thể có sắc thân màu xanh, màu lục, màu đỏ… Hoặc các Ngài trong hình tướng phẫn nộ, hiền hòa. Tất cả những hình tướng này đều tượng trưng cho các khía cạnh tâm của chính chúng ta, chứ không phải là bất kỳ một ai khác ở bên ngoài. Những điều này không thấy nhắc đến trong truyền thống của Nguyên Thủy hay Đại Thừa. Bạn có thể thấy trong Kim Cương Thừa có Hộ pháp Mahakala với hình tướng cực kỳ phẫn nộ và sắc thân màu đen. Nếu gọi Ngài là Phật chắc bạn không thể tin nổi, bởi vì trông Ngài rất là phẫn nộ, rất đen và rất giận dữ. Cho nên những ai không hiểu về Kim Cương Thừa thì không thể tin rằng Ngài là một vị Phật. Hay nói về đức Quan Thế Âm, trong truyền thống Đại Thừa người ta gọi Ngài là Bồ tát vì mọi người không tin rằng một đức Phật lại có thể có nghìn tay nghìn mắt. Họ nghĩ rằng một đức Phật chỉ có hai tay hai mắt giống như đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Còn trong Kim Cương Thừa thì có vô số Chư Phật khác nhau. Hộ Pháp Mahakala cũng là một đức Phật, Hộ Pháp Mahakali cũng là một đức Phật hay Lục Độ Mẫu, Bạch Độ Mẫu, Kim Cương Hợi Mẫu… tất cả các Ngài đều là Phật. Các Ngài có thể ở trong tư thế vũ điệu Kim cương, có thể sắc thân các ngài màu xám, màu đen, màu xanh… Tại sao lại như vậy? Bởi vì các Ngài tượng trưng cho sự chuyển hóa các xúc tình tiêu cực trong tâm chúng ta. Những xúc tình của chúng ta, luôn sân giận, luôn tham muốn, nói một cách khác là không cân bằng. Cho nên tất cả những xúc tình đó được thể hiện thành hình tướng Chư Phật, Bồ tát. Đó là sự phóng chiếu của tâm bạn. Giống như khi giận dữ thì mặt bạn rất xấu, khi vui mặt bạn trông rạng rỡ hoan hỷ tươi tắn, khi buồn trông mặt bạn ủ dột nặng nề… Tất cả những bộ mặt đó đều là sự phản chiếu của tâm bạn. Vì thế chúng ta cần phải hiểu tất cả Chư Phật, đều là những biểu hiện tâm của chúng ta. Có rất nhiều người tu Mật thừa không hiểu biết, họ không hiểu sự thật rằng những đức Phật như Mahakala, Mahakali, Lục độ mẫu, Bạch độ mẫu… đều là sự phản chiếu của chính tâm họ. Mặc dù thực hành Kim Cương Thừa nhưng họ không hiểu được ý nghĩa của Kim Cương Thừa. Rất đáng tiếc khi thực hành Kim Cương Thừa, họ nhìn vào những vị Phật này và cho rằng các Ngài là quỷ. Đây là một kiểu thực hành vô cùng nguy hiểm, hoàn toàn sai lầm. Chúng ta cần phải hiểu rằng Chư Phật, Bồ tát là hiện thân hay là sự phản chiếu của các loại xúc tình khác nhau trong tâm của chúng ta. Bởi thế đức Phật Thích Ca muốn chúng ta thực hành các phương tiện khác nhau, nhằm chuyển hoá mọi khía cạnh của tâm thành trí tuệ giác ngộ.

Có thể sẽ có nghi vấn rằng: Tại sao một Hành giả cần phải thực hành Pháp tu Mahakala, hay các pháp tu về Chư Phật, Bồ Tát, các bản tôn khác nhau? Câu trả lời rất đơn giản như tôi đã đề cập ở trước. Chúng ta muốn có sự chuyển hoá trong tâm mình, thông qua sự thực hành thì sự chuyển hoá sẽ xẩy ra, khi sự chuyển hoá diễn ra, thì đó là giác ngộ. Sự giác ngộ này đồng với sự giác ngộ được nói đến trong Nguyên Thủy hay Đại Thừa, chỉ có phương tiện là khác. Kim Cương Thừa nhấn mạnh đến sự chuyển hóa tâm chúng ta thành Phật thông qua phương tiện trực tiếp từ đức Phật A Di Đà.

Trong tư tưởng Nguyên thủy cho rằng: phải loại bỏ phiền não thì trí tuệ mới có mặt. Còn Kim Cương Thừa thì hơi khác một chút, vì đề cập đến sự chuyển hóa trực tiếp phiền não thành Bồ đề. Đây là điểm then chốt của Kim Cương Thừa. Không cần phải từ bỏ xác thân, chúng ta có thể chuyển hoá phàm thân thành Phật thân. Không cần bỏ những giai điệu, chúng ta có hàng ngàn giai điệu thần chú khác nhau. Nhờ việc trì chú chúng ta chuyển hoá khẩu thành khẩu giác ngộ của Phật. Như vậy trong Kim Cương Thừa có ba loại chuyển hoá là: Chuyển hoá Thân, chuyển hoá Khẩu, chuyển hoá Ý. Như vậy trong Tam thừa Phật giáo, về mục đích thì không có sự khác biệt, còn về phương tiện thì Kim Cương Thừa đặc biệt hơn, nhưng đều cùng một mục đích là chứng ngộ Phật tính nơi mình.

Trong Kim Cương Thừa bạn có thể nhìn thấy các đối tượng, các biểu tượng khác nhau. Ví dụ như Chày Kim cương hay Linh kim cương, đều là những biểu tượng với những ý nghĩa tượng trưng riêng, Chày kim cương nêu biểu cho năng lượng phụ tính, Linh nêu biểu cho năng lượng mẫu tính, cả hai năng lượng này đều vốn ở trong tâm chúng ta từ vô thủy. Hai năng lượng này là căn bản sinh khởi tất cả các loại xúc tình. Căn bản toàn bộ cuộc sống của chúng ta, cuộc sống tiềm ẩn của chúng ta là năng lượng của phụ tính và mẫu tính. Linh và Chày là biểu tượng của hai loại năng lượng này. Việc sử dụng hai pháp khí này, có rất nhiều ý nghĩa giúp bạn hiểu về Thiền Định, và hướng sự Thiền định của bạn tập trung vào trạng thái tâm, hay tập trung vào con đường của đức Phật mà không lạc đường tà. Dần dần bạn sẽ cân bằng được hai năng lượng này, và sự thực hành của bạn sẽ thành tựu viên mãn, bạn có thể loại bỏ các chướng ngại và đạt giác ngộ. Như vậy trong một nghi thức Mật thừa, chúng ta sử dụng các nhạc khí để trợ giúp cho sự Thiền định, chứ không phải để cho vui theo giai điệu trầm bổng. Xin quý vị ghi nhớ và hiểu rõ điều này.

Trước khi dừng lời tôi xin chân thành cảm niệm công đức chư tôn Hòa Thượng, Thượng Toạ, chư đại đức Tăng Ni, cùng tất cả quý Phật tử gần xa, cầu nguyện quý vị luôn an lạc trong ánh từ quang của Chư Phật.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]