Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 7: Học thuyết chính trị trong truyền thống Phật giáo

28/04/201104:45(Xem: 6190)
Chương 7: Học thuyết chính trị trong truyền thống Phật giáo

XÃ HỘI HỌC PHẬT GIÁO
Buddhist Sociology
Nandasena Ratnapala - Thích Huệ Pháp dịch
Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn 2011

Chương 7: Học thuyết chính trị trong truyền thống Phật giáo

Trong kinh Đại Niết Bàn, chúng ta có thể tìm thấy những điểm cần thiết và cơ bản trong việc thành lập tư tưởng chính trị của Phật giáo. Đức Phật đã dạy bảy pháp bất thối này cho các vị vương xứ cộng hòa Licchavī(1), Ấn Độ, nếu duy trì và giảng dạy cho dân chúng bảy pháp bất thối này thì đất nước sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

Đức Phật đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những quy tắc này và nói rằng, nếu một quốc gia thực hành và duy trì bảy pháp bất thối này, sự tiến bộ là điều chắc chắn, chính phủ dựa vào sự tin tưởng của nhân dân thì sẽ không bao giờ hư hỏng. Các pháp bất thối này làm cho vững chắc khối đại đoàn kết và tăng cường niềm tin của dân chúng. Đức Phật sau đó cũng đã giảng bảy pháp bất thối này cho Tăng chúng làm nền tảng để Tăng đoàn được hưng thịnh.

Pháp bất thối đầu tiên là tổ chức hội họp thường xuyên. Những cuộc họp thường xuyên này nhằm mục đích đề ra các quyết định, đặc biệt là các quyết sách về chính trị. Thời đó, có bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy vị vương xứ Licchavī, những vị vương trong chính thể cộng hòa này đại diện cho nhân dân trong khu vực mình quản lý. Họ tổ chức các cuộc họp thường xuyên thì ắt hẳn họ là những người đại diện cho nhân dân mình. Tuy nhiên, trong trường hợp các vị vương này, chúng ta không có bất kỳ bằng chứng liệu rằng họ có được bầu lên hay được đặt vào vị trí ấy theo kiểu truyền ngôi. Có lẽ địa vị gia đình của mình trong xã hội nên họ đã được đề cử như là những người đại diện cho dân.

Truy nguyên trong các kinh điển khác nhau trong văn học Phật giáo, chúng ta sẽ thấy rõ lợi ích to lớn của việc một vị lãnh đạo được suy cử bởi dân chúng. Vị vua đầu tiên được suy cử ấy tên là Maha Sammata hay còn gọi là The Great Elect (Vị vua được bầu).

Theo nguyên lý về sự khế ước xã hội của Phật giáo thì quyền tối cao về lập pháp thuộc về nhân dân(2). Khi nhân dân có trách nhiệm bầu chọn một vị lãnh đạo đất nước thì việc thừa kế ngai vàng không còn được bàn tới. Ngay cả vị vua hay nhà lãnh đạo đang tại vị một cách hợp pháp muốn tiếp tục nắm chính quyền cũng phải được nhân dân chấp nhận và bầu chọn.

Trong chuyện Tiền Thân Ulūka(3) có nói tới hình dáng vị vua đầu tiên được hội đồng nhân dân lựa chọn như: Có khuôn mặt thanh tú, dáng vẻ oai vệ, sức khoẻ tốt. Tình trạng sung mãn về thể lực được xem như là một tiêu chuẩn cần thiết khi lựa chọn một vị đế vương thời ấy. Ngoài ra, cách thức lựa chọn người đứng đầu nhà nước cũng được nêu ra như mô tả trong câu chuyện dưới đây: Các loài chim muông bầu con Cú làm vua, một con Quạ phản đối với tư cách cá nhân vì cho rằng anh chàng Cú có khiếm khuyết về hình dáng bề ngoài. Con Quạ ấy đưa ra một số lý lẽ để chống lại việc bầu con Cú làm vua. Sau khi lắng nghe, những con chim khác đề nghị hội đồng nên bỏ phiếu xem xét quan điểm mới này. Cuối cùng, chàng Cú đã không thể đắc cử ngôi vua.

Ý kiến của công chúng luôn cần thiết trong việc bầu chọn người đứng đầu nhà nước cũng như trong quá trình điều hành đất nước. Xe báu cõi trời tượng trưng cho ý kiến cộng đồng. Khi một nhà lãnh đạo cai trị đất nước theo luật pháp thì xe báu cõi trời hiện diện rõ ràng không mất(4). Năm điều sau đây đại diện cho sự mong ước và khát khao của dân chúng đối với vị lãnh đạo đất nước:

1. Xe báu cõi trời là biểu tượng của tiếng nói và ước muốn của nhân dân.

2. Khi một nhà lãnh đạo hay những người cai trị đất nước không còn quan tâm đến dư luận quần chúng thì xe báu cõi trời tự động mất đi tượng trưng cho việc chính quyền mất đi sự ủng hộ của nhân dân.

3. Nhân dân, chính họ trông chừng xe báu cõi trời, và bất cứ khi nào một nhà lãnh đạo hay những người cai trị có những hành động chống lại lợi ích của công chúng, họ sẽ phản ứng ngay lập tức để nói lên sự bất mãn của mình. Có nhiều cách để biểu lộ sự phản ứng đối với nhà cầm quyền khi luật pháp quốc gia bị coi thường.

4. Vị lãnh đạo đất nước không thể không nghe ý kiến của nhân dân.

5. Vị lãnh đạo có thể bị phế truất bằng những cách không gây ra bất kỳ sự tổn thương nào đối với địa vị của họ trong đời sống. Thông thường, các vị lãnh đạo sau khi thoái vị vào rừng hay những nơi xa xôi để hưởng một cuộc sống yên tĩnh, ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Kết quả của sự thoái vị này, ông ta thường mất hết sự kính trọng và tôn thờ như khi còn đương quyền. Trái lại, một vị ẩn sĩ tu hành, được dân chúng kính trọng có thể được mời để điều hành đất nước. Và khi, không thỏa mãn được yêu cầu của nhân dân, vị lãnh đạo ấy có thể từ bỏ ngai vàng một cách nhân từ, trở về núi tu hành mà không gây ra bất kỳ sự đau khổ nào cho nhân loại.

Ở đây, chúng ta xem xét về cách thức lựa chọn một vị vua thời ấy và ý kiến của quần chúng nhân dân ảnh hưởng như thế nào đối với người sẽ được bầu chọn. Đây là một tiến trình hai bước. Bước thứ nhất: Thẩm tra tư cách địa vị xã hội của người ra ứng cử. Bước hai: Nhân dân đưa ra ý kiến để tiến tới quyết định cuối cùng. Một khi hiểu rõ tiến trình hai bước này, chúng ta sẽ thấy tầm quan trọng của việc họp hành thường xuyên trong việc tổ chức bầu cử hay đưa ra các quyết sách chính trị.

Cá nhân được bầu hay phê chuẩn phải có những yếu tố quan trọng sau:

1. Vị lãnh đạo phải được thiện sanh cả từ mẫu hệ và phụ hệ, không bị một vết nhơ hay gièm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh.

2. Vị lãnh đạo tương lai phải có ngoại hình thanh tú, có sức truyền cảm, sở hữu làn da đẹp, tướng mạo trang nghiêm.

3. Vị lãnh đạo phải giàu có, của cải đầy kho, đông tôi tớ phục vụ.

4. Vị lãnh đạo là người quyền lực, chỉ huy quân đội, trung kiên, được huấn luyện trong bốn sư đoàn: Voi, ngựa, bắn cung và kỵ binh, khiến kẻ địch hãi hùng khi nghe danh tiếng của mình.

5. Vị lãnh đạo là người có niềm tin tôn giáo, rộng rãi và cao thượng, hiếu khách, luôn cúng dường các vị Sa-môn, Bà-la- môn; là mạnh thường quân của những người khách bộ hành, kẻ xin ăn và những người cần sự trợ giúp.

6. Vị lãnh đạo là người thông hiểu các loại kiến thức.

7. Vị lãnh đạo biết những gì mình nói và có thể giải thích nghĩa những gì mình nói là thế này, thế kia.

8. Vị lãnh đạo là người thông minh, trí thức, có trí tuệ bác học, có thể biết quá khứ, hiện tại và tương lai(5).

Những yêu cầu trên rất cần thiết bởi vì sự vượt trội quyền lực là thứ mà một nhà lãnh đạo cần có. Trong một khía cạnh tiêu cực, quyền lực hoàng gia luôn là sự chuyên quyền, thường dẫn tới những cảnh bạo động và chiếm đoạt không thể dự đoán trước, và cũng có thể so sánh những vị vua với kẻ cướp trong khuynh hướng cướp đoạt tài sản của người khác(6). Những phẩm chất trên phải là bản chất của nhà lãnh đạo tương lai. Một số học giả còn kiến nghị rằng hành vi của người được bầu chọn phải được kiểm tra kỹ càng. Ngoài ra, trong kinh Mahasudassana Suttanta(7) còn nhắc nhở nhà vua luôn ghi nhớ sự vô thường vạn vật kể cả danh vọng và quyền lực của chính bản thân mình; luôn phấn đấu để đem lại sự phồn vinh về nhu cầu vật chất và tinh thần cho dân chúng.

Tầm quan trọng của nguyên tắc bầu cử đã được vạch ra và thực hiện trong Tăng đoàn như sau: Dân chủ (trong Tăng đoàn) dựa trên nguyên tắc quyền công dân. Ví dụ, vị tăng tuổi đủ hai mươi mới được bầu cử. Nhưng điều tiên quyết mà các vị tăng này phải có là một tiêu chuẩn cố định về học vấn, tu trì theo những quy tắc và giới luật nhất định dưới sự hướng dẫn của những vị tỷ kheo có sở học. Thứ nữa, hội đồng Tăng - nơi điều hành các công việc của Tăng đoàn - không nên chỉ gồm các thành viên trong một vài địa phương mà thôi mà phải bao gồm chư Tăng từ nhiều trú xứ thuộc các địa phương khác nhau(8).

Cộng đồng Tăng lữ Phật giáo thời đức Phật đã thực hiện việc bầu cử này như sau: Tất cả các vị tỷ kheo tuổi đời hai mươi trở lên đều có quyền bầu cử, và người tham gia bầu cử phải có học vấn và được đào tạo về giới luật của một vị tỷ kheo. Ngoài ra, quy định cũng bắt buộc phải có sự tham gia của hầu hết các thành viên trong trú xứ tổ chức bầu cử đó(9).

Theo kinh điển Phật giáo ghi lại, quyền lực của nhà vua thời bấy giờ rất hạn chế như câu chuyện sau. Khi bà Yaksani yêu cầu đức vua trao quyền điều hành đất nước lại cho mình, đức vua đã nói: Này hoàng hậu, ta chẳng có tí quyền lực nào, ta cũng giống như dân chúng; ta không phải là thần thánh của họ; ta chỉ được giao quyền để xử trị những kẻ nổi loạn hay những kẻ làm trái pháp luật.

Pháp bất thối thứ hai là tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc trong niệm đoàn kết. Trong thực tế, ý nghĩa và tầm quan trọng của sự hòa hợp, đoàn kết này thường thấy trong lối sinh hoạt của cộng đồng Tăng già.

Nguyên tắc cơ bản của sự hòa hợp, đoàn kết chính là sự tương kính lẫn nhau. Tất cả các ý kiến khác nhau trong cộng đồng đều phải được xem xét và thảo luận một cách đầy đủ. Các vị vương xứ Lacchavī trước đây luôn cãi vã và tranh luận trong các buổi họp. Hiểu quan điểm và tôn trọng ý kiến của người khác là một sự hòa hợp, đoàn kết, còn những tranh cãi xung quanh các ý kiến khác nhau nên được giải quyết bằng một cái nhìn thấu hiểu và cảm thông. Nhưng khi một quyết định đưa ra, nó phải dựa trên sự hòa hợp nhất trí của tất cả mọi người trong cộng đồng. Sự đồng thuận là điều tốt lành cho việc thi hành các quyết định diễn ra suôn sẻ. Sự đoàn kết của nhân dân trong việc thi hành các quyết định là cách đảm bảo thành công đầy ý nghĩa nhất.

1. Một ý kiến dù là không quan trọng cũng phải được đưa ra trước cộng đồng để thảo luận.

2. Một cá nhân dù rằng chỉ đại diện cho một cộng đồng nhỏ cũng phải được tham gia ý kiến. Điều đó không chỉ là sự khoan dung mà còn là sự cảm thông với ý kiến của người khác. Vì thế, những ý kiến trái ngược nhau được khuyến khích và đưa ra để tìm lý lẽ thích hợp nhất.

3. Sau một buổi thảo luận, các quyết định cuối cùng được

đưa ra phải đảm bảo đều có sự tham gia và đồng ý của tất cả mọi người. Và đừng quên rằng việc thi hành các quyết định đó phải nằm dưới sự đồng thuận của tập thể.

4. Nếu không đạt được sự nhất trí để đưa ra các quyết định thì bỏ phiếu kín để biểu quyết theo số đông.

Quá trình bỏ phiếu được thực hiện vào thời ấy như sau: Trước hết là thẩm tra tư cách của tất cả các thành viên tham gia bỏ phiếu. Lựa chọn một vị giám quan để giám sát việc bỏ phiếu. Vị giám quan đó phải có những phẩm chất sau: Có tính công bằng, hiểu biết pháp luật và các tiến trình bầu cử. Chính nhân vật này cũng được bầu lên với sự nhất trí cao. Vai trò của vị giám quan này tối quan trọng phải đảm bảo tính trong sạch và giám sát tiến trình bỏ phiếu theo đúng pháp luật. Lá phiếu kín, lá phiếu mở được áp dụng. Vị quan chức này có đặc quyền để quyết định việc bỏ phiếu diễn ra theo cách thức nào, và cũng có quyền kiến nghị các thành viên tham gia bỏ phiếu về vấn đề hợp pháp và hợp đạo đức nếu cảm thấy có sự vi phạm luật pháp. Đặc quyền của vị giám sát tiến trình bỏ phiếu này không chỉ dựa vào sự tán thành của số đông mà còn phải phù hợp với tinh thần đạo đức và pháp luật(10).

Pháp bất thối thứ ba đi sâu vào cốt lõi của hệ thống dân chủ. Điều đầu tiên là sự tôn trọng và thi hành luật pháp, một khi đã được ban hành. Các điều luật sẽ là vô ích nếu chúng không được phổ biến và không có tính khả thi. Các nhà lập pháp phải nhận thức được tâm tư và nguyện vọng của quần chúng để tạo ra luật. Nếu các điều luật ban hành mà đi ngược lại ý muốn của nhân dân thì phải dẹp bỏ. Cách thức trình bày một điều luật nên theo lối bình dân, và những điều luật mới nếu cần thiết thì trưng cầu ý dân.

Ngoài ra, chính quyền không nên tự mình phủ nhận các giá trị và những quy tắc đã có trong xã hội. Chính quyền phải gương mẫu trong việc tôn trọng các giá trị và luật pháp đã ban hành, cũng như việc bảo vệ và duy trì luật pháp. Vì những hành sử của họ là tấm gương cho tầng lớp thanh niên noi theo.

Pháp bất thối thứ tư nói đến sự tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão và lắng nghe theo lời dạy của những vị này. Văn hóa hay kiểu ứng xử mang tính xã hội và tính kế thừa về tinh thần được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Phật giáo đề cập tới tính di truyền này như sau: Thế hệ trẻ phải biết lắng nghe sự chỉ bảo và học hỏi kiến thức từ thế hệ ông cha. Ngoài ra, trong quyển “Ánh sáng thực tập đạo Phật” có nói: Phải cung kính các bậc trưởng thượng đặc biệt là các vị học giả, bác học, kiến thức uyên thâm; học hỏi về phong tục tập quán cũng như văn hóa từ thế hệ đi trước. Ngược lại, thế hệ đi trước phải trao truyền kiến thức và kinh nghiệm của mình cho thế hệ con cháu, cũng như việc chuyển giao quyền lực chính trị cho thế hệ trẻ dưới sự cố vấn của mình.

Trong kinh cũng nhấn mạnh đến việc hợp tác của hai thế hệ trong việc đề ra các quyết sách chính trị. Một điều không thể chối cãi là các bậc trí thức lão thành hay các học giả phải hướng dẫn thế hệ trẻ. Nhưng đôi khi, với trí tuệ của mình, lớp trẻ thanh niên có những hiểu biết sâu sắc hơn các bậc tiền bối. Trong chuyện Tiền thân Ummagga có nói tới một trường hợp thanh niên Mahosadha, với trí tuệ của mình đã đánh bại các đối thủ lão thành, chinh phục mọi người để giành lấy quyền lực cao nhất của đất nước trong sự kính trọng của nhân dân.

Pháp bất thối thứ năm đề cập tới việc bảo vệ các nhóm yếu trong xã hội. Phụ nữ và bé gái thường là nằm trong nhóm này. Không có một lý do nào kể cả cha mẹ hay xã hội dùng áp lực để ép họ kết hôn. Quy tắc này cũng đề cập tới việc bảo vệ sự tự do của họ cũng như nghiêm cấm việc khai thác bóc lột họ dưới bất cứ hình thức nào. Chính phủ phải bảo vệ nhóm yếu này trước các nhóm mạnh hơn trong xã hội.

Hai pháp bất thối thứ sáu và thứ bảy nói về chức năng giáo dục và tinh thần của một xã hội dân chủ. Truyền thống Phật giáo cho rằng giáo dục có vị trí vô cùng quan trọng của quốc gia. Các môn học phải được chính quyền soạn thảo cẩn thận. Nội dung các môn học về tinh thần thì do tôn giáo cung cấp. Vì thế, vai trò tôn giáo được xem trọng trong nhà nước dân chủ. Giáo dục luôn được xem là quốc sách hàng đầu, những ngành khác không thể đặt ngang hàng hay so sánh với giáo dục. Giáo dục gắn liền với cả đời người, không thể đong đo, tính đếm theo giá trị đồng tiền được.

Điều này cũng được đề cập trong chương nói về kinh tế Phật giáo, nhà nước dân chủ không nên hỗ trợ hay khuyến khích năm loại hình kinh tế sai trái. Chúng không chỉ gây nên tổn thất lớn về tiền của mà còn khiến cho môi trường sinh thái bị biến dạng. Những hoạt động này sẽ góp phần tàn phá môi trường, cuối cùng cuộc sống của loài người sẽ biến mất trên hành tinh này. Các sản phẩm được sản xuất như súng ống, đạn dược là những ví dụ điển hình.

Chính quyền trong một nhà nước Phật giáo nên quan tâm đến cuộc sống của người dân, xem họ như là con của mình. “Như người con khoẻ mạnh chăm sóc và phụng dưỡng cha già; cũng vậy, một vị vua chăm sóc dân nước mình như thế”(11).

Lý thuyết chính trị Phật giáo bác bỏ một số chính sách hay phương pháp mà giới cầm quyền thực thi trong dân chúng. Phổ biến nhất là các kiểu tổ chức hội hè hay lễ nghi. Trong kinh có nói đến phương pháp này như sau: Một tôn giáo có những nghi thức được đông đảo người dân hưởng ứng có lẽ là tốt nhất. Nhà vua đã nghĩ rằng: “Vì lợi ích và hạnh phúc lâu dài, ta phải tổ chức một cuộc tế lễ long trọng”(12). Ý của nhà vua là qua cuộc tế lễ này, khẩn cầu thần linh ban phước lành cho đất nước. Nhưng vị quốc sư cảnh tỉnh nhà vua rằng việc tổ chức một đại tế đàn như thế chẳng khác nào đặt một gánh nặng về thuế lên dân chúng cũng như lãng phí tài nguyên đất nước bằng việc giết súc vật để tế đàn. Phật giáo cho rằng, việc làm như thế là vô ích và không hợp lý.

Kế tiếp là chính sách trừng trị thảm khốc mà các vị vua hoặc chính quyền thường sử dụng để đối phó với những kẻ vi phạm pháp luật. Xét chính sách này, ta thấy có một số hiểm họa. Hình phạt do nhà vua hay chính quyền thực hiện có thể khiến dân chúng bắt chước theo. Những hình phạt như chặt tay, chân, chém đầu được dân chúng nước đó bắt chước làm theo, vì họ nghĩ tại sao mình không tự làm điều đó. Điều này chắc chắn sẽ xảy ra một khi chính quyền thực hiện kiểu hình phạt vô nhân đạo này.

Một bất lợi khác của chính sách trừng phạt này là các quan chức hay thân tín của nhà vua hay chính quyền lợi dụng luật pháp dưới danh nghĩa nhà vua hay chính quyền để hiếp đáp dân chúng. Ngày nay, một số nước mà chúng ta gọi là những quốc gia theo chủ nghĩa khủng bố thường áp dụng các kiểu trừng phạt này. Sau cùng, những kiểu trừng phạt tàn nhẫn này sẽ phản tác dụng khiến cho dân chúng nổi loạn gây ra bất ổn xã hội.

Trong kinh có phân tích về bản chất sai lầm của chính sách này như sau: “Này đức vua, có lẽ ngài đã nghĩ: Tôi sẽ dùng phương pháp này để chấm dứt ngay hành động vi phạm pháp luật của những kẻ côn đồ bằng cách trục xuất, chặt tay, chặt chân, chém đầu. Nhưng rõ ràng những biện pháp đó không thể chấm dứt tội phạm, các phần tử chưa bị trừng phạt vẫn tiếp tục gây rối xã hội…”(13). Người dân bắt đầu cầm vũ khí đi theo sau nhà vua: Hãy để chúng tôi cầm vũ khí mà chúng tôi làm; với vũ khí trên tay, chúng tôi sẽ lấy lại những gì mà kẻ cướp đã lấy. Hãy để chúng tôi đặt dấu chấm hết cho những kẻ tội lỗi này… và bọn họ với gươm nhọn cầm tay tiến vào lùng sục làng ấp, phố xá, hành sự như kẻ cướp đường và những ai bị họ bắt thì kết cuộc là đầu lìa khỏi cổ.

Trong chuyện Tiền thân Gandatindu(14) có minh họa một vài trường hợp về hành vi bạo động hay bạo lực gia tăng bởi chính sách trừng phạt tàn bạo của chính quyền. Một số quan lại cũng trở nên bất công và tàn ác như nhà vua, quấy nhiễu cuộc sống người dân. Hai trong số ví dụ sau nói lên tình trạng này:

1. Người nông dân đang chờ vợ mình đem bữa cơm trưa ra đồng. Trên đường ra đồng, vị quan lại đã cướp đoạt bữa ăn bằng bạo lực. Vì thế, người vợ đành phải quay về nhà chuẩn bị bữa ăn khác cho chồng. Bụng đói, chân đau vì bị thương trong khi cày, gã chửi rủa nhà vua.

2. Người nông nuôi những con bò, lấy sữa bán nuôi gia đình. Vị quan lại yêu cầu cung cấp sữa hàng ngày cho ông ta nhưng không trả tiền. Nhiều lần như thế, con bò tức giận. Sau khi vắt sữa, con bò trở chứng đá người vắt sữa ngã nhào, sữa đổ tung tóe. Người nông dân bực tức vì hành động của con bò, chửa rủa nhà vua và vị quan lại thối nát.

Bên cạnh những loại quấy nhiễu như thế, những kiểu bạo động khác cũng được mô tả trong một đất nước bị cai trị bất công, chính quyền hành theo ác đạo, phóng dật buông lung. Dân chúng bị thuế má nặng nề áp bức liền đem vợ con lang thang vào rừng như bầy dã thú. Khi hoàng hôn buông xuống, ông lão lại trở về nhà. Như thường lệ, ông bắt đầu di chuyển các chướng ngại vật để chặn cửa chính và cửa sổ để ngăn chặn kẻ cướp hay các quan lại tham lam. Ông phải trốn chạy vào rừng vào sáng tinh mơ hôm sau để tránh bị bóc lột sức lao động. Trong khi che chắn lại nhà, bụi rơi vào mắt khiến ông tức giận và chửi rủa sự quản lý yếu kém của nhà vua đã để xảy ra những hành động bạo lực chống lại xã hội. Một số người dân đã bắt chước nhà vua và quan lại làm điều phạm pháp.

Và chính sách thứ ba là hòa giải được sử dụng nhưng đã bị thất bại như tiếp theo câu chuyện này. Sau khi dùng biện pháp trừng phạt tàn ác, nhà vua chuyển sang dùng chính sách hòa giải, triệu tập các quan lại lợi dụng danh nghĩa pháp luật để quấy nhiễu dân lành và bọn trộm cướp đến khuyên răn. Nhà vua hỏi họ tại sao lại thích những hành động bạo lực như thế. Họ nói, họ nghèo nên nhà vua cung cấp cho họ của cải và bảo họ dùng nó để nuôi bản thân, vợ con; phụng dưỡng cha mẹ cũng như quay về nẻo chánh, làm việc thiện như tôn giáo chỉ dạy. Thế nhưng, họ phớt lờ lời khuyên của nhà vua, họ không bị trừng phạt, và vẫn ngựa theo đường củ - làm những gì mà họ đã làm trước đó.

Chính sách hòa giải này chứa đầy mối nguy hiểm tiềm tàng bởi hành động của nhà vua sẽ chẳng bao giờ được giữ kín. Quần chúng nhân dân sẽ phát hiện việc nhà vua ban tặng của cải cho người phạm pháp. Chính những kẻ tội phạm này tranh cãi với nhau tại sao lại không nhận quà ban tặng của nhà vua chứ! Chính điều này sẽ gây cản trở sự hoàn lương của những người vi phạm pháp luật một khi họ nhìn thấy viễn cảnh trên. Đức vua đã không lường được tính nghiêm trọng của vấn đề này nên đã ban tặng của cải vật chất với mong muốn họ quay về con đường thiện.

Tư tưởng về chính trị của Phật giáo đề nghị một số phương pháp để giải quyết vấn nạn này như sau:

1. Nhà vua hay nhà cầm quyền phải thiết lập cái gọi là “đường dây nóng” với nhân dân. Tâm tư nguyện vọng của nhân dân là điều mà chính quyền phải quan tâm sâu sắc. Mở những cuộc đối thoại, cho phép dân chúng biểu lộ ý kiến của mình. Các chính sách của chính quyền phải hợp với lòng dân. Biểu tượng xe báu cõi trời được đề cập ở trên là một ví dụ sớm nhất về điều này.

2. Nhà vua phải thường xuyên vi hành trong dân chúng như trường hợp trong chuyện Tiền thân Gandhathindu(15) đề cập. Các nhà làm luật của nhà vua phải là tai mắt của chính quyền, quan tâm đến người dân để biết quan điểm của họ. Khi người dân muốn bày tỏ ý mình với đức vua, phương pháp truyền thống mà họ đã sử dụng là tập trung lại và cùng hô to trong một cái loa để đức vua có thể nghe. Thỉnh thoảng, họ đã dùng phương pháp như vậy để buộc đức vua thay đổi quyết định được ban hành quá chóng vánh.

3. Công lý phải được thành lập, được duy trì và bảo hộ bởi chính quyền, nhà nước. Luật được nói ở đây chính là lời dạy của đức Phật. Năm giới của Phật giáo là luật căn bản nhất mà một đất nước cần có và thực hành: Không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu (hay ma túy) các chất gây say. Một vị vua thối nát, hư hỏng thì quan lại sẽ noi gương để quấy nhiễu dân chúng. Việc bắt chước hành động phạm pháp này cũng sẽ diễn ra ở tầng lớp thấp nhất trong xã hội. Giáo lý Phật giáo có nói rằng, sự tệ hại đó sẽ phá hủy môi trường. Mưa nắng thất thường, không đúng mùa vụ; thiên tai xảy ra; thu hoạch mùa màng giảm sút.

Trong thời gian mà một vị vua bất chánh tại vị, dầu, mật ong và những thứ thuộc loại đó, cũng như cây cối, trái cây mất vị ngon ngọt. Nhưng khi một vị vua chánh trực điều hành đất nước, mọi thứ như thế đều trở lại như cũ(16).

Trong bối cảnh này, thật thích thú khi nhận xét ý nghĩa của một bài kệ mà mọi người con Phật thường trì tụng trong khi thực hiện các nghi thức tôn giáo cũng như các hoạt động xã hội:

Cầu cho mưa thuận gió hòa.

Cầu cho lúa thóc đầy nhà nông phu.

Cầu cho thế giới an lành.

Cầu cho luật pháp thi hành nghiêm minh.

Sự thăng trầm của một đất nước thường có liên hệ tới thiên nhiên. Quan sát một đất nước thịnh vượng ta thấy có sự cân bằng giữa tự nhiên và con người; mưa đúng mùa, đúng thời gian; mùa màng bội thu; đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân được cân bằng(17).

3. Tính cách cá nhân của vị lãnh đạo đất nước rất quan trọng cho sự thành công của một xã hội dân chủ Phật giáo. Trong chuyện Tiền thân Cūla-Janaka có nói tới các tính cách này như sau: Đầu tiên là không nói dối, nói sai sự thật. Tội lừa dối có mục đích thường dẫn tới kết quả bi thảm. Ngay cả giới luật được quy định cho cộng đồng Tăng lữ Phật giáo, khi nói đến sự lừa dối có mục đích thường được liệt vào tội nghiêm trọng hơn các tội nói dối khác(18).

Tính cách quan trọng thứ hai mà một vị lãnh đạo đất nước cần có là lòng độ lượng, tâm thương yêu. Nhà lãnh đạo nên hiểu rằng, quyền lực tập trung vào tay mình; vì thế khi làm một điều gì đó trong cơn giận dữ, chính ông ta sẽ đánh mất sự ảnh hưởng đã gây dựng. Lòng độ lượng, tâm thương yêu là những đức tính mà một vị lãnh đạo cần có.

Vị lãnh đạo không được phép phung phí tài sản đất nước trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nhiệm vụ quan trọng của vị lãnh đạo không chỉ làm cho đất nước giàu có mà còn phải bảo vệ ngân khố quốc gia. Không tham đắm rượu chè, cờ bạc, phụ nữ vì những thứ ấy khiến cho tiêu mòn tài sản quốc gia mà nhân dân cực khổ đóng thuế.

Cuối cùng, vị lãnh đạo nên lưu tâm, đừng bao giờ tạo ra kẻ thù không cần thiết và tham gia chiến tranh. Nên tận tụy công việc, nhìn xa thấy rộng, thu phục nhân sĩ trí thức, trọng dụng người tài. Vị lãnh đạo không nên nghe những chuyện phù phiếm, mách lẻo v.v.. và không sử dụng thông tin từ những nguồn này để điều hành đất nước.

Phật giáo cho rằng, chính quyền nhà nước không nên bị cuốn theo những hành động khiêu khích của thù trong, giặc ngoài mà phải hết sức sáng suốt để lựa chọn phương pháp đối phó. Trong kinh nói rằng: “Này đức vua, không nên nuôi dưỡng lòng hận thù đối với các vị vua láng giềng. Sự hận thù sẽ được đáp trả bằng hận thù. Hãy vung đấp và thắt chặc tình hữu nghị giữa các quốc gia láng giềng”(19). Nếu vị lãnh đạo điều hành đất nước với lòng hận thù, sử dụng kẻ bất chánh thì đất nước ấy sẽ ngày một yếu đi, đất nước sẽ bị chia rẽ bởi các nhóm phản loạn, bởi sự bất hòa trong dân chúng. Và khi lãnh đạo đất nước với tâm đoan chánh, mưu cầu hạnh phúc thì vương quốc ấy sẽ trở nên hùng cường, thịnh vượng và phát triển.

Theo tư tưởng chính trị Phật giáo, có năm thành phần tạo nên quyền lực. Năng lực vật chất hay tinh thần có thể khiến cho người khác làm những gì mà mình muốn, dù đối phương có đồng ý hay không. Đó chính là quyền lực. Quyền lực về vật chất; quyền lực về sự giàu sang; quyền lực về cộng đồng; quyền lực về dòng dõi; quyền lực về trí tuệ là năm loại quyền lực. Trong năm loại này, quyền lực thuộc về trí tuệ là quan trọng hơn cả. Sự hiện diện của nhân tố trí tuệ sẽ thúc đẩy và hướng dẫn các nhân tố quyền lực còn lại đi đúng hướng. Nếu thiếu vắng nhân tố trí tuệ này thì quyền lực thuộc về vật chất trở nên trơ trẽn. Cũng như các nhân tố khác, một người sinh ra và được kính trọng bởi dòng dõi xuất thân thì thứ quyền lực ấy cũng cần có sự kiểm soát của quyền lực trí tuệ. Cũng vậy, đối với quyền lực nhóm và quyền lực giàu sang nếu không có mặt của trí tuệ, học vấn thì sẽ khiến những thứ quyền lực này dễ lạc vào con đường tội lỗi.

Tư tưởng Phật giáo về chính trị nói về các thuật ngữ quyền lực này được trích dẫn trong chuyện Tiền thân Ummagga. Chúng ta xem xét những thuật ngữ này được hiểu như thế nào trong tư tưởng chính trị Phật giáo?

Tư tưởng Phật giáo cho rằng, quyền lực về trí tuệ có tính ưu việt và nổi trội hơn so với bốn quyền lực còn lại. Mahosadha, nhân vật anh hùng trong chuyện Tiền thân Ummaga, về mặt trí tuệ, không ai hơn anh ta. Trong khi đó, những người cùng tranh giành quyền lực với Mahosadha chỉ có bốn thứ quyền lực kia cho nên đã thất bại.

Mahosadha đại diện cho tầng lớp trẻ, còn những người trong hội đồng hay các quan chức chính quyền thời bấy giờ tuổi tác đã cao. Với trí tuệ xuất chúng của mình, Mahosadha đã ngăn chặn âm mưu xâm lược của quốc gia láng giềng Kampilla. Chính quốc sư Kevatta của vua nước Kampilla đã bị bại trận dưới tay Mohasadha. Điều đó đã chứng minh rằng, thế hệ trẻ có thể nắm quyền lực chính trị. Anh ta đã kính trọng các bậc trưởng lão trong hội đồng chính quyền cũng như sẵn sàng bảo vệ lợi ích của họ cũng được nhắc tới trong câu chuyện này.

Mahosadha, xuất thân từ tầng lớp nông dân, là một biểu tượng mới của quyền lực chính trị. Còn những quan chức khác, các vị lão thành trong hội đồng chính quyền đều xuất thân từ tầng lớp thượng lưu. Sức mạnh chính trị của Mahosadha không liên quan gì tới nguồn gốc dòng dõi mà chúng ta đã phân tích trong năm thứ quyền lực mà một người có thể có.

Theo Phật giáo, có hai chính sách mà một nhà lãnh đạo hay chính quyền có thể thực hiện như thuật trị nước:

1. Vị lãnh đạo có thể dùng vũ lực đối kháng với vũ lực; hòa hiếu đáp hòa hiếu; lấy thiện thắng thiện và ác chinh phục ác.

2. Vị lãnh đạo dùng lòng độ lượng để chế ngự nóng giận, hung hãn; dùng bố thí để đối trị tham lam; dùng thiện tâm để hòa giải ác tâm; dùng lòng chân thật để phá tan sự giả dối. Trong hai mưu trí trên, cách thứ hai là cách tốt nhất mà một nhà lãnh đạo được khuyên dùng(20).

Cách thức trị quốc thứ hai còn dựa trên sự phân tích cá nhân cũng như nền tảng đạo đức. Theo kinh nghiệm cá nhân, ai cũng sợ bị trừng phạt, ai cũng sợ chết, vì thế, chính mình cũng như những người khác phải từ bỏ những hành động có thể gây tổn thương cho nhau(21). Nền tảng đạo đức thì dựa trên kết quả kinh nghiệm của một hành động bất thiện. Khi chúng ta bị đối xử tệ bạc, kết quả tất yếu là: Chúng ta cũng sẽ hành động tương tự với người đã gây ra hành động đó. Ví dụ: Chớ nói lời độc ác, nói ác bị nói lại(22). Trong trường hợp khác, chúng ta quan sát và thấy rằng, một người đã làm những việc ác như gây đau khổ, đem lại sự bất hạnh hay thương tổn về mặt thể xác v.v.. cho người khác thì sau đó, chính họ phải nhận lấy quả báo từ những hành động ác đó. Nghiệp ác chắc chắn theo họ từ đời này đến đời sau.

Phật giáo khuyên mọi người từ bỏ hành động bạo lực. Trong kinh có dẫn câu chuyện về con rắn hổ mang Naga thực tập hạnh bất hại (không gây tổn thương cho ai): Rắn Naga thực hành hạnh bất hại đến độ những người phụ nữ vào rừng nhặt củi đã dùng thân của nó cột bó củi, Naga vẫn không phản ứng. Những người phụ nữ này chẳng hề biết sợi dây mà họ dùng để bó củi là con rắn hổ mang. Sau đó, một bậc hiền trí biết nỗi đau thân xác mà rắn Naga phải chịu đựng, đã khuyên nó nên huýt sáo để họ biết mà tránh xa.

Theo Phật giáo, bất bạo động có nghĩa là thái độ thực hành đối với những vấn đề trong cuộc sống, nó không phải là một sự nhẫn nhịn mang tính tiêu cực. Bất bạo động trong Phật giáo mang ý nghĩa có thái độ thích hợp thực tế trước các vấn đề của cuộc sống chứ không phải sự cam chịu hoàn toàn tiêu cực với hiện cảnh.

Sử dụng sức mạnh của bạo lực và tâm lý là một trong những thuộc tính của chính trị. Trong chuyện Tiền thân Ummagga, Mahosadha đã sử dụng sức mạnh này trong một số trường hợp. Khi Bà-la-môn Kevatta, quốc sư của vua Cūlani-Brahamadatta có âm mưu xâm lược đất nước mình, Mahosadha đã tương kế tựu kế, trừng trị Kevatta, thậm chí còn đạp lên trán của kẻ thù cho đến khi toé máu. Mahosadha bắt cả gia đình vua Cūlani- Brahamadatta làm con tin và thông báo rằng, nếu mình bị hãm hại, thì cả gia đình của vua Cūlani-Brahamadatta cũng bị hãm hại như thế. Chúng ta không thể phủ nhận sự hiện diện của những hành động bạo lực này trong đời sống chính trị. Hành động bạo lực là một phần tất yếu của cuộc sống thế tục, không thể lẫn tránh nó. Áp dụng Phật giáo vào thực tế trước hành động bạo lực là xem xét và thẩm tra ý muốn của đương sự khi thể hiện hành vi bạo lực đó. Nếu cần phải dùng bạo lực thì nên sử dụng tối thiểu sức mạnh vật chất để giảm bớt sự nguy hại cho nhiều người; đó là nguyên tắc. Việc sử dụng bạo lực này không nên thi hành để thỏa mãn các tham vọng ích kỷ mà nó cần sử dụng như là phương cách “sát nhất miêu cứu vạn thử”.

Đất nước phải được bảo vệ khỏi các lực lượng xâm lăng bên ngoài. Trong chuyện Tiền thân Ummagga, một số cách để bảo vệ đất nước đã được thực hiện rất tốt như sau:

1. Chướng ngại vật được dựng lên xung quanh thành phố như đào hào nước hay đấp các thành lũy để ngăn bước tiến của kẻ thù.

2. Lúa gạo, thức ăn, nước uống, và các thứ cần thiết khác được dự trữ phòng khi bị bao vây bởi quân xâm lăng.

3. Huấn luyện quân đội đủ sức chống lại bất kỳ sự xâm chiếm của thế lực ngoại bang, luôn duy trì kỷ luật để xây dựng một quân đội mạnh.

4. Huấn luyện nhân viên tình báo để có thể biết trước các cuộc tấn công của đối phương. Mahosadha đã sử dụng rất hiệu quả nhân viên tình báo thậm chí sử dụng chim để do thám, theo dõi. Trong nội dung này, cả hai kinh Arthasatra của Ấn Độ giáo và trong chuyện Tiền thân Ummagga Phật giáo nêu ra hầu hết là giống nhau. Tuy nhiên sự khác nhau của Phật giáo đối với Ấn độ giáo về đường lối hoạt động được nêu ra sau đây:

a) Bất cứ những hành động nào xảy ra dù trong thời bình hay chiến tranh, đối với Phật giáo, đều gắng liền những hành động ấy với nhân tố đạo đức. Tại sao phải dùng đến những hành động này; có phải vì sự thỏa mãn cá nhân hay chỉ là sự bảo vệ cho những cá nhân tạo ra hành động đó; hay rộng hơn chỉ là động cơ để bảo vệ lợi ích cho số đông?

b) Hành động nào cũng phải có mặt của trí tuệ, phải được trí tuệ hướng dẫn. Bảo vệ thành phố bằng chướng ngại vật như đấp thành lũy, xây tháp cao để quan sát, đào hào nước sâu để cản bước quân thù. Dự trữ thực phẩm. Còn nước thì sao? Vì nước sẽ không đủ sử dụng cho toàn thành phố, một khi có chiến tranh. Mahosadha đã nghĩ rằng kẻ địch sẽ cắt đứt việc cung cấp nước. Vì thế, ông ta đã vạch ra một kế hoạch để khắc phục nhược điểm này chính là việc dự trữ nước.

Nếu ước muốn tìm một giải pháp tránh bạo lực, tránh chiến tranh, chúng ta không thể chọn giải pháp nào tốt hơn những gì vua Asoka, một vị vua phật tử Ấn Độ, đã nỗ lực ngăn ngừa chiến tranh và bạo lực. Vì, theo đức vua Asoka, “Nếu tình cờ bị lôi kéo vào chiến tranh, chúng ta nên lấy niềm vui trong sự thực tập kiên nhẫn và nhìn kẻ thù của mình bằng ánh mắt của lòng độ lượng; luôn ghi nhớ rằng, sự chinh phục thật sự chính là sự chinh phục bằng đạo lý. Vì chỉ có đạo lý mới đem lại ích lợi trong đời này và đời sau”(23).

Nhà nước theo Phật giáo nên thiết lập một chuẩn ứng xử cao cho mình cũng như các quan chức trong chính quyền. Lúc nào nhà lãnh đạo cũng nghĩ nhớ đến nhân dân mình. Vua Asoka đã nói rằng, “Bất cứ khi nào, dù đang ăn, ở hậu cung, đi ngủ, dạo chơi trong vườn” cũng đều nhớ tới con dân nước mình. Vua Asoka đã ban hành chiếu chỉ rằng ông phải luôn chung vai sát cánh với nguyện vọng và nhu cầu của nhân dân.

Đức vua Asoka nhận thấy có một bộ phận dân chúng bị khinh rẻ trong xã hội, vì thế ông đã dùng bộ máy chính quyền của mình để giúp đỡ họ. Trong hệ thống phân biệt giai cấp của Ấn Độ giáo, người nghèo bị xem rẻ mạt hơn súc vật, một kiểu đối xử tàn nhẫn, một sự khinh thị. Nhưng dưới con mắt của nhà vua, mọi người dân là anh em của nhau, nhà vua đặc biệt nghiêm cấm việc đối xử khinh thị và ruồng bỏ kẻ khác.

Chính sách đối xử của vua Asoka không chỉ dành cho con người mà còn mở rộng đến các đối tượng khác như loài vật và cây cỏ. Các loại cây cỏ thuốc được trồng xen lẫn với các loại cây ăn trái, cây cho củ và các loại cây khác. Bảo vệ môi trường mà giáo lý Phật giáo đề cập cũng được nhà vua thực hiện. Ông ngăn cấm việc chặt phá hay đốt rừng; hạn chế việc giết súc vật một cách bừa bãi.

Chính sách của vua Asoka không đề cập tới vấn đề niết bàn hay sự giải thoát con đường sinh tử mà những điều này là căn bản hình thành nên giáo lý Phật giáo. Ông nhận định rằng, tất cả giáo lý của các tôn giáo đều nỗ lực đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho loài người trong đời hiện tại và tương lai. Nhà vua luôn kính trọng và độ lượng với tất cả tôn giáo. Một lần nữa gợi nhớ lại cách mà đức Phật nói về các tôn giáo: “Này đức vua, phải tôn trọng mọi thành viên của các tôn giáo dù họ là người thế tục hay tu sĩ. Thể hiện sự tôn trọng của mình qua các hình thức như tặng quà, ca ngợi v.v.. Các tôn giáo khác nhau có những hình thức tín ngưỡng khác nhau nhưng chung quy đều ngăn chặn hay hạn chế sự chê bai một cách quá đáng các tôn giáo khác. Không vì sự tán dương tín ngưỡng của mình mà ra sức khinh thị hay xúc phạm các tôn giáo bạn. Chỉ được phép xem thường một tôn giáo nào đó với những lý do chính đáng. Phải kính trọng các tôn giáo dù chỉ một lý do, vì những hành động như thế sẽ khiến cho tôn giáo của mình được sự kính trọng nhiều hơn. Trong khi đó, có một số người đã lạm dụng đề cao tín ngưỡng của mình, chế nhạo các tôn giáo khác chỉ để nâng cao vị thế của tôn giáo mình, chính việc này đã gây ra nhiều sự tổn thương đáng tiếc”.

Tư tưởng chính trị của Phật giáo đã được triều đại vua Asoka thực hiện để quản lý đất nước. Những gì ông làm là minh chứng cho nhiệm vụ và trách nhiệm của một nhà nước Phật giáo:

1. Nhiệm vụ đầu tiên là đối xử, trông nom và bảo vệ sự công bằng đối với mọi công dân, mọi tôn giáo cũng như quân đội v.v.. kể cả các loài vật cũng được chăm sóc và bảo hộ(24). Sự đối xử ấy phải thể hiện bằng lòng độ lượng, thương yêu, tha thứ, thân thiện. Chính phủ của một đất nước phải bảo vệ tài sản của người dân như nhà cửa, đất đai khỏi thiên tai hay tai họa do con người gây ra. Lập những cơ sở phúc lợi xã hội, nhà dưỡng lão, bệnh viện. Quan tâm đến các vị khất sĩ tôn giáo hoặc những người hành nghề tôn giáo; bảo vệ chim muông và thú vật.

2. Thứ hai là bảo đảm an ninh trong nước, không để cho bất cứ cá nhân nào tham gia vào các hành động tội ác gây tổn thương cho người khác. Tội phạm phải giảm tới mức tối đa.

Muốn được như thế, thì nhà nước phải nâng cao đời sống kinh tế người dân; quan tâm tới xã hội; tạo điều kiện để mọi công dân đều được hưởng giáo dục.

3. Nhà nước phải đảm bảo người dân không bị thất nghiệp, tích trữ của cải để đem lại sự phồn vinh cho đất nước.

4. Nhà nước nên sử dụng các nền tảng này cho chính sách quản lý đất nước của mình cũng như luôn tham vấn với những người có kinh nghiệm và tài đức.


1. Vaisāli thủ phủ của Vajji, một cường quốc theo chế độ cộng hòa thị tộc của người Vajji, mà các lân bang quen gọi là Licchavī, là một đô thị phát triển trù phú thời đức Phật tại thế, và những người Licchavī giàu có, vinh quang, được ví như các thiên thần cõi trời Đao-lợi (Trayastriưsa) - người dịch chú thích thêm.
2. Jayatilleke K.N., The Principles of International Law in Buddhist Doctrine; Academy of International Law – extracts from Recuell des Course, vol. II, Hague 1977, 127.
3. J. 270
4. D. III.60
5. SBB. Vol II, 175-176
6. Gokkhla, B.G., ‘Early Buddhist Kingship’ in Journal of the Asiatic
7. D.II.169-99
8. De, Gokal Das, Democracy in Early Buddhist Sangha, Calcutta, 1955
9. De, Gokal Das, Democracy in Early Buddhist Sangha, Calcutta, 1955
10. Jayatilleke K.N., Dharma, man and law, Singapore 1992; 80
11. J.Tr.III, 513
12. D.III, 135-137
13. SBB Vol. II Para, 157-176
14. J.520
15. J.520
16. J.334
17. Also ef J. 334
18. VIN.III, 37-66
19. Mahavastu Trs. By Jones, 229
20. Jataka 3,4
21. DhP.129
22. Kinh Pháp Cú số 133, theo bản dịch của HT Thích Minh Châu.
23. Rawlighson citing Asoka’s own words, P.26
24. D.III, 61
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]