Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 2: Phương pháp luận trong tư tưởng Phật giáo

28/04/201104:45(Xem: 7076)
Chương 2: Phương pháp luận trong tư tưởng Phật giáo

XÃ HỘI HỌC PHẬT GIÁO
Buddhist Sociology
Nandasena Ratnapala - Thích Huệ Pháp dịch
Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn 2011

Chương 2: Phương pháp luận trong tư tưởng Phật giáo

Nhờ nghiên cứu về tư tưởng Phật giáo, chúng ta có thể tìm thấy nhiều kiến thức hữu ích giúp mở rộng phạm vi nghiên cứu phương pháp luận theo yêu cầu của xã hội học. Trước hết, chúng ta xem xét quan điểm của Phật giáo khi tiếp cận các tài liệu. Sau đây là lời giáo huấn nổi tiếng của đức Phật cho những người thuộc dòng họ Kālāmas được trích trong kinh Tăng Chi Bộ để nói lên quan điểm này:

“Này, hãy nghe đây các vị Kālāmas, đừng vội tin vào truyền thuyết (các bản báo cáo ghi sự kiện), truyền thống (các tín ngưỡng, phong tục lâu đời), lời đồn (nghe nói). Đừng tin vào lý luận hay suy đoán suông không có căn cứ; cũng đừng vội chấp nhận điều gì sau khi chỉ xem xét một vài nguyên nhân hay ngẫm nghĩ qua loa; cũng đừng tin khi thấy điều đó có vẻ hợp lý hay chính bậc thầy đáng kính của mình dạy bảo. Nhưng khi tự mình biết rõ: Những pháp này đáng chê trách, bất thiện; các pháp này bị người hiền trí chỉ trích; nếu được thực hành và chấp nhận, chúng sẽ đưa đến bất hạnh, khổ đau thì các vị phải bác bỏ chúng”(1).

Mục đích của lời giáo huấn trên của đức Phật đối với người Kālāmas là không nên chấp nhận hay tin vào bất kỳ lời phát biểu của ai mà chưa qua kiểm chứng. Chúng ta nên kiểm chứng kết quả của những lời tuyên bố nào đó dưới ánh sáng tri thức và kinh nghiệm tự thân để thẩm tra xem có đúng với chân lý để rồi tiến tới việc chấp nhận hay bác bỏ. Lời giáo huấn này đối với những người thuộc dòng họ Kālāmas không phải bảo họ loại bỏ hoàn toàn những lời tuyên bố đáng tin cậy mà nhất định phải tự thân chứng nghiệm(2).

Đức Phật từng dạy rằng nên xem giáo pháp và giới luật của Ngài như là một thước đo để thẩm định trong từng trường hợp có thích hợp với chính mình hay không. Vì thế, ngay đến những kinh điển được cho rằng từ kim khẩu đức Phật cũng cần phải so sánh và tìm ra sự tương thích với chính bản thân bài kinh hay quyển luật này. Ở đây, chúng ta đề cập đến những trường hợp tuyên bố cho rằng đây mới chính là lời dạy đích thực của đức Phật. Thậm chí, sau khi so sánh rồi và đã xác chứng được rồi, chúng ta cần phải hành trì, tự thân chứng nghiệm ngay trên bài kinh hay các điều giới luật này.

Có bốn nguồn tham khảo chính thức được đề cập trong giáo lý Phật giáo, đó là:

1. Từ chính kim khẩu đức Phật thuyết pháp.

2. Do một nhóm tỷ kheo trong một tu viện phổ biến.

3. Do một hội chúng tỷ kheo bao gồm nhiều vị trưởng lão và các vị tỷ kheo lãnh đạo thông hiểu Pháp và Luật phổ biến.

4. Do một vị tỷ kheo thông hiểu Pháp và Luật phổ biến(3).

Ở đây, thậm chí một Pháp nào xuất phát từ một trong bốn nguồn tham khảo như trên thì cũng phải so sánh với toàn bộ giáo lý của Phật giáo: “Nếu Pháp đó không phù hợp với Kinh, trái với Luật thì phải kết luận rằng chắc chắn đây không phải là lời dạy của đấng Thế Tôn… và tỷ kheo đã thọ trì sai lạc. Vì thế, hãy bỏ nó đi… Còn nếu Pháp đó một khi được thực hành, không dẫn tới bất hạnh và khổ đau thì chắc chắn đó là lời đức Phật dạy”(4).

Trong Kinh Trung Bộ(5) có nói rằng, ngay cả một đức tin định kiến (từ này mang ý nghĩa tiêu cực cố chấp) có trong một lời tuyên bố hay tài liệu nào đó, thì việc thẩm định thông qua kinh nghiệm bản thân vẫn là điều cần thiết. Ngay cả khi đưa vào một niềm tin cố hữu nào đó trong giáo pháp thì việc tự chứng tri giáo pháp đó là cần thiết. Do quan sát hành động và lời nói mà chúng ta có thể biết được phẩm chất của người đó. Thông tin và nguồn tin (do một người nào cung cấp) phải được kiểm tra một cách kỹ càng. Đức Phật dạy như sau: Nếu một vị tỷ kheo thắc mắc tự hỏi rằng liệu đức Thế Tôn có giác ngộ viên mãn hay không, thì vị tỷ kheo đó nên kiểm chứng hai điều sau: Điều gì vị ấy biết do tự mình kiểm chứng, và điều gì vị ấy biết chỉ vì nghe người khác nói về Ngài. Vị tỷ kheo ấy nên kiểm chứng một cách kỹ càng liệu rằng đức Thế Tôn có đạo hạnh thuần khiết hay bị tai tiếng về đạo đức như lời đồn đại. Việc kiểm chứng đó không chỉ được thực hiện nhiều lần, trong một thời gian dài đáng kể mà còn phải được kiểm tra, tái kiểm tra và thẩm định đối với đối tượng được quan sát. Đây là đặc điểm quan trọng trong phương pháp ‘quan sát khoa học’ của Phật giáo.

Quan niệm của chúng ta nhìn về Đức Phật, tiêu chí đầu tiên có thẩm quyền trong bốn nguồn tham khảo như đã đề cập ở trên, là một “niềm tin có lý trí” được phát triển trong sự quan sát cách hành xử của Ngài, lắng nghe những người khác nói về Ngài trong khoảng thời gian lâu dài. Vì vậy, niềm tin này trái ngược với niềm tin phi lý hay niềm tin được mặc khải. Ngược lại, những niềm tin đó; một niềm tin từ kết quả liễu tri, những lời Phật dạy được áp dụng và thực tập trong đời sống chắc chắn sẽ đem lại những kết quả thiết thực, và được người trí tự thân chứng nghiệm.

Vì thế, niềm tin lý trí là khởi điểm nhận thức chân lý. “Có hai nguồn phát sinh chánh kiến là: Truyền đạt và phản biện”(6). Khi sự thật của một nguồn tin được xác lập thì nguồn tin đó được chấp nhận bởi niềm tin lý trí. Nhưng chính sự phản biện, một lần nữa sẽ chứng minh chân lý, phá tan mọi nghi ngờ.

Ta nên loại bỏ hay phủ nhận các tài liệu mang tính truyền thuyết, truyền thống và lời đồn - được xem là những nguồn không đáng tin cậy - một khi chúng chưa được kiểm chứng bởi phương pháp phản biện và kinh nghiệm bản thân. Có người chỉ tin vào tài liệu được ghi trong kinh điển. Có lẽ theo một nguyên tắc, bất cứ tuyên ngôn nào hợp với các văn bản lưu trong kinh điển thì được cho là thật, còn ngược lại là giả(7). Thậm chí, cũng không vội tin những gì do một người nói ra chỉ vì kính trọng họ.

Danh xưng Thượng Đế hay đấng Toàn Tri được một số người chấp nhận và được xem như là một uy quyền. Đức Phật đã định nghĩa danh xưng này như sau: “Tuyên bố rằng một kiến thức vô hạn và sự thẩm thấu vạn vật luôn hiện hữu trong tâm trí họ một cách liên tục. Ở đây, một số bậc thầy tự tuyên bố mình có kiến thức và nhãn quan vô hạn, bền bỉ và liên tục”(8). Theo đức Phật, không ai là toàn tri trong ý nghĩa này. Một người đi vào trong một ngôi nhà trống và không khất thực được gì cả hay một tai nạn xảy ra. Điều này cho thấy sự vắng mặt của một đấng Toàn Tri như thế. Làm thế nào chúng ta có thể trả lời về một thẩm quyền tuyệt đối dựa trên một nguồn gốc được chấp nhận như là đấng Toàn Tri trong ý nghĩa này.

Loại bỏ tư tưởng thành kiến và nhận thức cảm tính cũng là một điểm quan trọng của tư tưởng Phật giáo. Thành kiến và nhận thức cảm tính đôi lúc dẫn dắt người ta đi đến những quyết định sai lầm hay khiến họ sử dụng sai phương pháp quan sát. Phật giáo nói rằng một người rơi vào sai lầm như thế vì những lý do sau: (1) Tham dục; (2) sân hận; (3) sợ hãi; (4) si mê. Bốn pháp bất thiện đó là nguyên nhân khiến chúng ta sa vào tội lỗi(9).

Mỗi cá nhân nên tự mình quan sát kỹ càng nội tâm cũng như phân tích cảm thọ của mình để xem liệu mình có vướng mắc vào một trong bốn pháp bất thiện đó hay không.

Mức độ mà đức Phật phê phán tư tưởng thành kiến được thể hiện qua lời dạy của Ngài đối với hàng đệ tử (tỷ kheo lẫn cư sĩ) là không nên căm phẫn, tức tối, sanh lòng phiền muộn khi người nào đó hủy báng đức Phật, hủy báng Pháp. Nếu các đệ tử nghe lời chê bai như thế, khởi tâm oán hận hay thù ghét, thì tâm mình sẽ bị tổn thương. Vì điều đó nên không thể suy xét liệu rằng lời chê bai ấy đúng hay là sai. Đồng thời, cũng không nên hoan hỷ, vui mừng, thích thú khi nghe người khác ca tụng hay tán dương đức Phật, tán thán Pháp. Loại cảm thọ hỷ lạc này cũng khiến cho tâm mình bị tổn thương, che lấp nhãn quan và làm hạn hẹp khả năng nhận biết đâu là sự thật, đâu là giả dối(10).

Đây là thái độ khách quan rất đáng học hỏi, là yếu tố cần thiết cho người đi tìm sự thật hay chân lý. Để chứng minh cho tính khách quan này của đức Phật, giáo sư Jayatilleke(11) đã minh họa trường hợp của Tôn giả Sārīputta. Một dịp nọ, Tôn giả Sārīputta, vị đệ tử thượng thủ của đức Phật, phát biểu rằng chưa từng có và sẽ không bao giờ có một nhân vật trí tuệ và kiến thức hơn đức Thế Tôn. Lời phát ngôn đó đến tai đức Phật và Ngài vặn hỏi Tôn giả Sārīputta: “Này Sārīputta, phải chăng ông đã xét rõ tâm chư vị Chánh Đẳng Giác ở thời quá khứ, chư vị Chánh Đẳng Giác ở thời vị lai, hay tâm của Ta hiện tại?” Và khi nhận được câu trả lời phủ định thì đức Phật chỉ cho Tôn giả thấy được nhược điểm của phát ngôn thiếu tính thuyết phục đó. Giáo sư Jayatilleke(12) bình luận thêm rằng: “Tình tiết này thể hiện tính khách quan của đức Phật, Ngài đòi hỏi rằng đối với những phát ngôn quan trọng và nghiêm túc, đòi hỏi phải có chứng cứ để xác minh điều đã khẳng định chứ không nên vì thành kiến chủ quan”.

Tính khách quan, không những được xem là chân lý trong việc nghiên cứu dữ liệu mà còn là thái độ của người nghiên cứu dữ liệu, rất được coi trọng trong tư tưởng Phật giáo: “Sự tuệ tri như thật các pháp là sự tuệ tri tột cùng”(13). Chân lý luôn mang tính khách quan vì “Dù cho đức Thế Tôn có nói Pháp hay không, thì Pháp (tức là những điều mà đức Thế Tôn chứng đắc) vẫn là chính nó”(14). Sự thật vốn dĩ khách quan và ta không thể tiếp cận nó với tâm chủ quan.

Trong nghiên cứu dữ liệu, mối liên hệ nhân quả được hết sức chú trọng trong tư tưởng Phật giáo. Điều này được minh họa qua bài kệ sau:

“Do cái này sanh nên cái kia sanh; do cái này diệt nên cái kia diệt”.

Luật nhân-quả cũng như sự tương quan hiện tượng nằm trong thuyết Tứ-diệu-đế và Lý-duyên-khởi. Tứ-diệu-đế cung cấp cho ta một cấu trúc phân tích: Trước hết, ta định nghĩa một vấn đề (nghĩa là định nghĩa khổ là gì). Sau đó tìm nguyên nhân của vấn đề đó (vì sao khổ). Kế tiếp là cố gắng xem xét liệu rằng có con đường thoát khỏi khổ đau nào không. Và cuối cùng con đường thoát khổ ấy là gì? (Bát-chánh-đạo).

Phật giáo khuyến khích chúng ta thực tập pháp Tứ-vô- lượng-tâm. Đó là: Từ, Bi, Hỷ, Xả vì có sự liên quan của Pháp Phật học nổi tiếng người Sri-Lanka với tác phẩm “Early Buddist Theory of Knowl- edge” được giới nghiên cứu Phật học đánh giá rất cao. Ngoài ra, ông có rất nhiều tác phẩm nghiên cứu về Phật giáo khác - người dịch giải thích thêm này đối với lãnh vực nghiên cứu, đặc biệt là củng cố tính khách quan và xa lìa thái độ thành kiến. Lòng từ nên bắt đầu với chính bản thân mình, từ hòa với bản thân mình sau đó mở lòng từ ái đối với tất cả loài hữu tình trên thế giới này:

“Nguyện cầu chúng sanh hạnh phúc và an lành, tâm luôn thánh thiện, các loài hữu tình dầu yếu đuối hay mạnh mẽ, cao lớn, tầm vóc trung bình mập mạnh, thấp, hay mỏng manh, không ngoại lệ, thấy hay không thấy, cận cư hay viễn cư, kẻ sanh vì hạnh nguyện, người sanh vì nghiệp, tất cả đều hạnh phúc”(15).

Trước tiên, chúng ta nên thực tập lòng từ như thế để tạo mối quan hệ thích hợp đối với các đối tượng có liên quan. Nếu khởi lòng oán hận thì thực hành các phương pháp thiền định đã học để loại trừ tâm bất thiện này. Nói chung, trong Phật giáo có nhiều phương pháp để chế ngự tâm một khi bị kích động hay lệch lạc.

Bi là tâm kế tiếp trong pháp Tứ-vô-lượng-tâm, giúp mở rộng mối quan hệ đã thiết lập. Hành giả hướng tâm Bi của mình đến đối tượng và thể hiện lòng bi mẫn của mình qua thân hành, khẩu hành và ý hành.

Mối quan hệ có thể phát triển xa hơn bằng cách tu dưỡng đức hoan hỷ đối với lợi lạc của người, vui vì người khác thành công cũng như chia sẻ nỗi buồn khi họ gặp chuyện chẳng lành. Đức tính Hỷ này khiến ta dễ sinh lòng tương cảm với người. Hành giả khi thực tập hạnh Hỷ nên nhìn mọi vấn đề từ quan điểm của chính đối tượng. Sự cảm thông không chỉ khiến hành giả phát triển xa hơn mối quan hệ với đối tượng mà còn giúp hành giả xem xét sự việc, giải thích chúng từ quan điểm chủ quan của đối tượng.

Cuối cùng là hạnh Xả, giúp thiết lập tính khách quan trong việc thu thập thông tin. Tâm từ, tâm bi, tâm hỷ được điều khiển bởi tâm bình đẳng như trong câu pháp cú sau: “Như đá tảng kiên cố, Không gió nào lây động, Cũng vậy giữa khen chê, Người trí không lây động”(16).

Dù tính cách của đối tượng có ra sao, dù thông tin mà đối tượng đó cung cấp có làm khó chịu hay không, một khi tâm Xả được tu tập, cho phép hành giả đạt đến tâm khách quan rất thuận lợi cho công việc nghiên cứu của mình.

Bốn đức tính đó điều có giá trị ngang nhau trong việc phân tích dữ liệu. Ba đức tính đầu cho phép người nghiên cứu đặt mình vào hoàn cảnh của đối tượng để tìm hiểu vấn đề. Chính nhờ tu dưỡng tâm Từ và tâm Bi mà chúng ta có thể tìm hiểu một cách cặn kẽ những khúc mắc đan xen trong chính thông tin được cung cấp.

Những phương pháp thiền định như Vipassanā hay thiền định phân tích, một loại thiền về tánh không của Phật giáo Đại thừa - người dịch chú thích - giúp cho kiến thức của người nghiên cứu và phân tích dữ liệu ngày một phát triển. Thiền quán được xem như là một quá trình trực giác rất hữu ích cho việc phân tích dữ liệu, vì khi thực hành các phương pháp thiền quán này, ta sẽ hạn chế được những khuynh hướng dẫn tới kết luận sai lầm.

Phương pháp luận của đức Phật là phương pháp thực nghiệm. Ban đầu, với sự quan sát tinh tường của mình, Ngài đã nhận ra sự nhiễm ô của cuộc sống thế tục, không đem lại giải thoát khổ đau. Sau đó, Ngài đi tìm chân lý bằng cách hành trì khổ hạnh. Ngài thực hiện con đường thực nghiệm. Và kinh nghiệm đã thuyết phục Ngài rằng, lối tu hành ép xác cũng không làm cho chân lý hiển lộ. Cuối cùng, cũng với phương pháp thực nghiệm, Ngài đã đạt được chân lý bằng cách thực hành con đường Trung đạo.

Vì thế, cách tiếp cận vấn đề của Phật giáo được dựa trên kinh nghiệm và thực nghiệm. Mối quan hệ tương quan của các pháp phải được lưu ý khi khảo sát một vấn đề hay sự việc. Lý- duyên-khởi là một ví dụ điển hình cho việc không có pháp nào tự sanh hay tự diệt, không có pháp nào đứng độc lập mà tồn tại, luôn có mối liên hệ lẫn nhau.

Khi xem xét sự việc, chúng ta nên vạch rõ mục đích của việc làm đó. Một lần nọ, đức Phật so sánh nắm lá cây trong tay Ngài với số lá cây trong rừng. Ngài nói kiến thức của Ngài như lá cây trong rừng, còn những gì Ngài truyền dạy chỉ như nắm lá trong tay. Kiến thức thì rộng lớn, nhưng chúng ta phải xác định điều gì hữu ích và cần thiết để rồi chú tâm thu nhặt kiến thức đó. Đây được xem là tiêu chí chuẩn mực của Phật giáo. Phí thời gian và công sức để theo đuổi những kiến thức vô bổ là việc làm vô ích. Vì thế, một nhà xã hội học hay một nhà nhân chủng học nên lựa chọn kỹ lưỡng một lãnh vực nghiên cứu, tận lực toàn tâm với các mục đích mình đeo đuổi. Kiến thức mà người đó tích lũy được sẽ giúp ích cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

Đức Phật dẫn chứng trường hợp một người bị trúng mũi tên độc. Điều cần thiết nhất lúc này là rút mũi tên ra, cấp cứu, thuốc thang để cứu sống nạn nhân. Nếu không làm như thế, mà chỉ lo tìm hiểu xem mũi tên từ đâu bay tới, ai là thủ phạm, mũi tên tẩm thuốc độc gì v.v.. thời gian cứu sống nạn nhân trôi qua, anh ta sẽ lâm vào nguy kịch. Cuộc sống loài người ngắn gũi, mỗi cá nhân chỉ có thể thành tựu một kiến thức nào đó rất ít ỏi. Vì thế, chúng ta chỉ nên tập trung vào một công việc đem lại lợi ích cho mình và cho người, đừng lãng phí thời gian với công việc không có ý nghĩa.

Đức Phật thường được mô tả như là một bậc đạo sư thuyết giảng những gì mà ngài đã thực hành. Kiến thức không thể thực hành được thì vô dụng. Trí tuệ chỉ phát triển một khi kiến thức được vận dụng. Tìm tòi kiến thức sẽ là vô giá trị nếu không trực tiếp hay gián tiếp áp dụng nó trong cuộc sống.

Vì thế, cách tiếp cận của Phật giáo có tính chất chính thể luận. Một sự việc nào cũng phải được quan sát dưới nhiều quan điểm khác nhau, và toàn diện mọi khía cạnh. Chuyện ngụ ngôn nổi tiếng lão mù sờ voi minh họa cho quan điểm này. Mỗi lão mù sờ một bộ phận của con voi và mường tượng hình dáng con voi y như thế. Người sáng mắt thì nhìn được toàn bộ hình dáng con voi. Vì thế, cái nhìn tổng thể rất quan trọng.

Phật giáo cho rằng, trong khi nhìn cái tổng thể, đôi lúc cũng phải quan tâm đến hoàn cảnh xã hội của đối tượng quan sát. Có một ví dụ về vấn đề này như sau: Lần nọ, một nữ thí chủ đến nghe pháp, đức Phật hỏi nàng rằng: “Con từ đâu tới”, “Thưa Ngài, con không biết” nữ thí chủ trả lời. “Con sẽ đi về đâu” đức Phật hỏi, “Thưa Ngài, con cũng không biết”. Thính chúng đang có mặt nghe lời đàm thoại này liền nghĩ rằng cô gái này có lẽ tâm thần không được bình thường. Sau đó, đức Thế Tôn đã giải thích cuộc đối thoại này cho thính chúng hiểu. Khi Ngài hỏi: “Con từ đâu tới” thì cô gái nghĩ câu hỏi là: “Kiếp trước con ở đâu, làm gì”, và đối với câu hỏi: “Con sẽ đi về đâu” thành “Con sẽ tái sanh ở cõi nào”. Để hiểu câu trả lời đó thì phải tìm hiểu đời sống của cô. Cô gái trẻ thường xuyên lên chùa thực tập thiền định, nghe pháp, không màng cuộc sống thế tục phù du.

Phạm vi quan sát có thể đào sâu và mở rộng bằng nhiều phương thức khác nhau; ta có thể phát triển phương pháp quan sát này bằng phương tiện văn hóa tư tưởng (mind-culture)(17) thông qua con đường thiền định. Thiền định rèn luyện tâm, hàng phục tâm, có khả năng đạt được sáu kỹ năng siêu phàm (lục thông). Lục thông được hiểu là:

1. Thần túc thông

2. Thiên nhĩ thông

3. Tha tâm thông

3. Túc mạng thông

4. Thiên nhãn thông

5. Lậu tận thông

Giáo sư Jayatilleke nói rằng, Thần túc thông không chỉ là khả năng biến hiện hay khả năng có thể làm mọi thứ mà còn thể hiện ‘sức mạnh của ý chí’ của người sở hữu nó. Thiên nhĩ thông là khả năng có thể nghe mọi âm thanh từ loài người, loài trời cho đến loài phi nhân v.v.. ở những khoảng cách xa, gần không giới hạn mà không cần sự trợ giúp của thiết bị hỗ trợ nào. Tha tâm thông là khả năng biết được tâm ý của người khác…

Trong kinh điển có mô tả hai phương pháp hiểu biết tâm của người khác là: (1) Lắng nghe rung động từ tâm người khác và (2) Hiểu tâm kẻ khác bằng chính tâm của mình. Trong khi đó, các nhà xã hội học quan sát hành vi bên ngoài để suy đoán tâm trạng: (1) Quán sát dấu hiệu bề ngoài và (2) Thu nhập thông tin qua phỏng vấn v.v.. Hai phương pháp đầu tiên đề cập tới năng lực ngoại cảm trực tiếp hay gián tiếp.

Phát triển tâm bằng phương pháp thiền định có thể giúp ta đạt được trạng thái tâm thức cao hơn và khiến ta có thể nhớ lại các kiếp sống quá khứ của mình và của người khác. Đó là Túc mạng thông. Thiên nhãn thông là khả năng biết được sinh tử của hữu tình. Người có Thiên nhãn thông có thể ‘thấy’ những gì đang diễn ra khắp mười phương thế giới, không có giới hạn. Và cuối cùng là Lậu tận thông - liễu tri bốn chân lý tối thượng (Tứ-diệu-đế).

Chắc chắn rằng, rất khó để đạt được sự hoàn hảo tất cả các kỹ năng siêu phàm trên và ứng dụng nó vào việc nghiên cứu xã

hội. Nhưng không nghi ngờ rằng, bằng việc rèn luyện tâm, năng lực quan sát có thể tăng trưởng. Ta có thể nâng cao năng lực quan sát của mình bằng việc áp dụng những phương pháp trên và dĩ nhiên cũng có thể áp dụng những thiết bị hỗ trợ để tăng thêm năng lực quan sát.

Bất cứ tài liệu nào được khám phá bằng phương pháp ngoại cảm cũng có thể được kiểm chứng bằng các phương pháp thông thường và điều này dễ được mọi người chấp nhận vì có tính khoa học. Kinh sách Phật giáo có ghi lại trường hợp này như sau: Một kẻ giàu có bủn xỉn sau khi chết sinh vào gia đình kẻ ăn mày. Một hôm, cậu bé tái sinh mặt mày dị dạng này đi xin ăn ngay tại gia đình đứa con trai tiền kiếp của mình. Bọn trẻ ở nhà đó (vốn là cháu của y) trông thấy bộ dạng gớm ghiếc như thế hoảng sợ la lên. Gia nhân chạy đến đánh đập xua đuổi kẻ ăn mày dị dạng. Ngay lúc ấy, đức Phật đi ngang qua và biết rằng cậu bé ăn xin chính là cha của người chủ ngôi nhà này. Gia chủ không chấp nhận lời đức Phật thổ lộ nên Ngài khiến cho cậu bé ăn mày nhớ lại nơi cất giữ vàng bạc trong đời sống trước. Và cuối cùng gia chủ mới biết rằng, cậu bé ăn mày dị dạng không ai khác hơn chính là người cha keo kiệt của mình.

Ngoài Lậu tận thông, năm thần thông còn lại có thể được các vị tu sĩ thuộc các giáo phái khác nỗ lực thành tựu. Do đó, những thần thông này (trừ cái thứ sáu) không phải chỉ có trong tư tưởng Phật giáo. Thiền định là chìa khóa để thành tựu năm loại thần thông này. Các ngành khoa học xã hội, đặc biệt là xã hội học, nhân loại học và dĩ nhiên không thể thiếu tâm lý học có thể có được sự hiểu biết sâu sắc và hữu ích qua việc thực nghiệm những phương pháp này và cố gắng sử dụng chúng trong việc sưu tầm dữ liệu cũng như phân tích dữ liệu.


1. A I, 189; II 191

2. Jayatilleke K.N., Early Buddhist Theory of Knowledge, London, 1963, 391

3. D II, 123; cf. SBB III, 135

4. GS II, 175

5. M I, 317

6. M I, 294

7. Jayatilleke K.N., Early Buddhist Theory of Knowledge, London, 1963, 199

8. M I, 519

9. A II, 18

10. D I, 3

11. Jayatilleke K.N., Early Buddhist Theory of Knowledge, London, 1963, 429

12. Giáo sư Kulatissa Nanda Jayatilleke (1920-1970) là một nhà nghiên cứu

13. A V, 37

14. A I, 331

15. Sn, verses 143 - 152

16. DhP. 81, bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu

17. Mind-culture là cụm từ chỉ sự tiến triển của văn hóa tinh thần do sự phát triển của nhân loại do David Hays và William L. Benzon chủ xướng trong khái niệm coevolution - đồng phát triển - người dịch chú thích.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]