Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

2. Ngũ Uẩn Là Hiện Tượng Biểu Hiện Từ Như Lai Tạng

02/04/201110:17(Xem: 10486)
2. Ngũ Uẩn Là Hiện Tượng Biểu Hiện Từ Như Lai Tạng

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM GIẢNG GIẢI
SURAMGAMA SUTRA
Lê Sỹ Minh Tùng
Cuốn Một

Chương Thứ Sáu

Ngũ Uẩn Là Hiện Tượng Biểu Hiện Như Lai Tạng

1) Thu Sắc uẩn:


Phật dạy rằng:


- A Nan! Tại sao ngũ uẩn chính là Như Lai tạng, là tánh chân như nhiệm mầu? A Nan! Ví như có người dùng mắt thanh tịnh để nhìn bầu trời quang đãng, chỉ thấy một khoảng không trong vắt. Người kia vô cớ nhìn sững chẳng nháy mắt, nhìn lâu hóa ra mỏi mệt, nên thấy hoa đóm loạn xạ trong hư không, lại là tất cả tướng giả dối không thật. Nên biết, ngũ uẩn cũng như vậy. A Nan! các hoa đóm lăng xăng ấy chẳng phải từ hư không mà đến, cũng chẳng phải từ mắt mà ra. Đúng vậy, A Nan! Nếu từ hư không đến, thì phải trở về với hư không. Nếu có ra có vào tức chẳng phải hư không.

Hư không nếu chẳng không thì chẳng được tướng hoa đóm sinh diệt kia. Như thân thể A Nan thì chẳng dung nạp thêm một A Nan nào nữa. Nếu hoa đóm từ mắt mà có thì phải trở về trong mắt. Nếu tánh của hoa đóm từ mắt mà có thì lẽ ra nó phải thấy được. Nếu nó thấy được thì khi làm ra hoa đóm giữa hư không, khi trở về nó phải thấy con mắt. Lại nữa, khi thấy hoa đóm, lẽ ra mắt không mờ. Tại sao khi thấy hư không trong lặng, mới gọi là con mắt trong sáng. Do vậy nên biết rằng sắc uẩn không thật, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.


Ngũ uẩn vốn là bản tánh nhiệm mầu của Chơn tâm, Phật tánh hay Như Lai Tạng, nhưng bởi sự vọng niệm đối đãi với cảnh vật bên ngoài mà ngũ uẩn biến thành năm thứ giặc làm ngăn che trí tuệ và sự thanh tịnh của bản tâm vì thế trong đoạn kinh này đức Phật muốn thu ngũ uẩn lại để chúng sinh có thể nhìn thấu suốt, không còn che đậy bởi những tướng giả dối đó để quay về sống với chơn tâm, với bản lai diện mục của chính mình mà có an vui, tự tại, thanh thoát an nhàn.


Sắc uẩn là chỉ cho thân xác của con người hay nói rộng hơn là chỉ cho tất cả những vật thể trong thế gian vũ trụ này.


Khi nói bốn khoa và thất đại là một cách phân chia để dễ phân tích chớ thật ra trong ngũ uẩn đã bao trùm bốn khoa và thất đại rồi. Nói cách khác tất cả những hiện tượng duyên khởi trên thế gian này không ngoài bốn khoa, bảy đại tức là đều do ngũ uẩn duyên khởi mà ra. Khi nói về con người thì sắc là sắc thân thất đại, còn nói về vũ trụ vạn hữu thì sắc là núi sông, mây nước, cỏ cây, hoa lá, mặt trời, mặt trăng, chim bay, cá lặng…Đối với con người thì thọ, tưởng là tâm sở tức là các sở hữu của tâm vương. Tâm vương thì gồm có :


- Nhãn thức: cái biết của mắt.


- Nhĩ thức: cái biết của tai.


- Tỷ thức: cái biết của mũi.


- Thiệt thức : cái biết của lưỡi.


- Thân thức : cái biết của thân.


- Ý thức: cái biết của ý.


- Mạt na thức.


- A lại da thức. (Xin quý độc giả quay về trang 96 để biết thêm chi tiết về Mạt na thức và A lại da thức).


Tâm vương là tự chủ, tự quyết định. Thí dụ, khi mắt thấy chiếc xe thì tâm liền phân biệt để biết rằng chiếc xe này tốt hay xấu. Nếu cái thấy cho rằng chiếc xe đó là tốt thì tâm tham phát khởi muốn chiếm lấy. Còn cái thấy của con mắt cho rằng chiếc xe xấu, không giá trị nên muốn bỏ đi. Vậy cái tánh thấy đó chính là phần chủ động để có sự phân biệt tốt xấu trong tâm thức cho nên nhãn thức này mới được gọi là nhãn thức tâm vương. Nhĩ thức cũng thế, vì có tâm phân biệt nên con người chỉ muốn nghe những câu vừa lòng mát dạ còn những chuyện trái ý nghịch lòng thì không muốn nghe. Do đó muốn nghe hay không là do nhĩ thức phân biệt của lỗ tai nên mới gọi nhĩ thức tâm vương là vậy. Cái mũi ngửi để phân biệt mùi hương, hương vị nào thơm thì thích còn mùi hôi thúi thì chê ghét xa lánh. Cái lưỡi thì thích nếm mùi vị thơm ngon còn mùi chua, vị đắng thì bỏ đi. Cái thân muốn tiếp xúc với cảm giác êm đềm, mềm mại và chán ghét đau đớn khi đụng phải chông gai. Sự biết, sự phân biệt của năm thức ở trên để có cái thích hay không thích thì gọi là ý thức tâm vương.


Sáu thức ở trên thì cả Tiểu thừa và Đại thừa cùng chấp nhận, nhưng dựa theo tư tưởng của Đại thừa thì tâm thức con người còn được thể hiện qua thức thứ bảy là Mạt na thức và thức thứ tám là A lại da thức.


- Mạt na thức là tánh chấp ngã của con người rất vi tế mà còn được gọi là phản xạ tự nhiên. Thí dụ như khi có ai đưa ngón tay vào mắt mình thì phản ứng tự nhiên để bảo vệ cho thân là mắt nhắm lại. Một thí dụ khác là nếu ai đánh ta thì phản ứng tự nhiên là mình đưa tay lên đỡ. Đỡ là để bảo vệ cho ta, cho bản ngã.


- A lại da thức tức là tàng thức. Tàng thức thì bao trùm khắp cả mười phương thế giới vô cùng vô tận, như khi nó tác động vào con người ví cũng như hư không vào trong cái ly, cái chum, cái ché vậy. Tuy hư không trong cái ly, cái chum rất nhỏ bé so với vũ trụ, nhưng tánh hư không thì không khác. Vì thế mà con người và vũ trụ tuy hình tướng, kích thước có khác nhau, nhưng thật tánh thì không khác nên cổ đức có câu : ”Nhân thân tiểu vũ trụ” nghĩa là thân này là một bầu vũ trụ thu nhỏ lại cho nên nếu bên ngoài thời tiết thay đổi mà thân mình chưa thay đổi theo thì thân mới sinh ra đau ốm là vậy. Thời tiết có bốn mùa : hè nóng nên thân muốn dùng vật lạnh, đông lạnh thì thân muốn tiêu thụ vật nóng… cho nên vũ trụ thế gian biến đổi thì thân cũng biến đổi theo. Nói tóm lại, sắc uẩn là cho mọi vật thể trên thế gian kể cả sắc thân tứ đại của con người.


Trong Duy thức luận thì tâm sở có 51 món và được chia làm 6 loại :


- Biến hành (Xúc, Tác ý, Thọ, Tưởng, Tư).


- Biệt Cảnh (Dục, Thắng giải, Niệm, Định, Huệ).


- Thiện (Tín, Tàm, Quí, Vô tham, Vô sân, Vô si, Tinh tấn, Khinh an, Bất phóng dật, Hành xả, Bất hại).


- Căn bản phiền não (Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Ác Kiến).

- Tùy phiền não (Phẩn, Hận, Phú, Não, Tật, Xan, Cuồng, Siểm, Hại, Kiêu, Vô tàm, Vô quý, Trạo cử, Hôn trầm, Bất tín, Giải đãi, Phóng dật, Thất niệm, Tán loạn, Bất chánh tri).

- Bất định ( Hối, Miên, Tâm, Tư).


Nhìn chung trong 51 món tâm sở chỉ có 11 phần thuộc về thiện còn lại 40 phần thuộc về bất thiện cho nên khi đối diện với cuộc sống con người có nhiều khuynh hướng chạy theo tham đắm si mê là như vậy. Vì Thọ, Tưởng thuộc về Biến hành nên trong vũ trụ đã có sẵn những chủng tử hay những hạt nhân nghĩa là trong bản thể Như Lai Tàng đã có sẵn hạt giống Thọ, Tưởng rồi. Khi con người được sinh ra thì Thọ, Tưởng tác động vào thành Tâm sở của người ấy. Hành Uẩn và Thức Uẩn cũng thế, chúng đã có sẵn những chủng tử trong bản thể Như Lai Tàng (A lại da thức) trong hư không vô cùng vô tận để tác tạo thành Tâm vương.


Do đó từ ngũ uẩn duyên khởi thành con người tức là loài hữu tình chúng sinh (thất đại) và những loài vô tình chúng sinh (ngũ đại) như cỏ cây, hoa lá, sông núi, trăng sao… Con người vì có đủ lục căn mới sinh ra lục nhập để thu nạp lục trần mà phát khởi những sự phân biệt thương ghét, tốt xấu… Sau cùng sáu giới của căn (Nhãn giới, Nhĩ giới, Tỷ giới, Thiệt giới, Thân giới và Ý giới) duyên với sáu giới của trần (Sắc giới, Thanh giới, Hương giới, Vị giới, Xúc giới và Pháp giới) phát sinh sáu giới của thức (Nhĩ thức giới, Tỷ thức giới, Thiệt thức giới, Thân thức giới và Ý thức giới) để tạo thành mười tám giới.


Trong đoạn kinh trên tại sao Phật lại nói ngũ uẩn là tánh chân như nhiệm màu của Như Lai Tạng? Đức Phật dạy rằng tất cả các tướng (ngũ uẩn) trong thế gian này đều là huyển hóa, do phân biệt mà có và cũng theo phân biệt mà diệt. Nhưng thật tánh của các tướng huyển hóa đó lại là thể tánh chân như cho nên tâm Phật và tâm của chúng sinh không hề sai khác, bình đẳng như nhau. Khi duyên đến, chính cái thể tánh chân như lại phát khởi, tác dụng mà tạo thành thế giới vũ trụ để có thiên hình vạn tướng tức là bất biến tùy duyên. Vì sự biến hóa kỳ ảo này nên mới gọi là thể tánh chân như nhiệm mầu tức là Như Lai Tạng vậy.


Bây giờ Phật mới đưa ra thí dụ sắc uẩn ví cũng như hoa đóm giữa hư không. Nếu một người có nhãn căn thanh tịnh, khi nhìn vào trong hư không thì không thấy gì cả, nghĩa là chỉ thấy tất cả đều là trong sáng. Nhưng nếu người đó cứ nhìn chăm chăm, không chớp mắt làm cho con mắt bị mỏi mệt thì cái nhìn bây giờ người đó lại thấy hoa đóm hiện ra giữa hư không. Thế thì hoa đóm thật sự không phải từ hư không mà đến và cũng không phải từ con mắt mà ra. Tại sao? Bởi vì nếu nó từ hư không mà đến thì rồi phải trở vào hư không, nhưng nếu hoa đóm có ra có vào thì hư không đâu còn là hư không nữa?

Còn nếu nó từ con mắt mà ra thì nó phải trở vào con mắt. Nếu hoa đóm từ con mắt mà ra thì khi trở về, nó phải thấy con mắt, nhưng có hoa đóm nào thấy được con mắt đâu! Thêm nữa, hoa đóm hiện ra giữa hư không làm mờ hư không vì hư không không còn trong sáng như trước cho nên nếu hoa đóm trở vào con mắt thì nó sẽ làm mờ con mắt, nhưng nếu hoa đóm đã trở vào con mắt nghĩa là hoa đóm không còn hiện ra giữa hư không nữa thì hư không bây giờ trở thành trong sáng tức là cái nhìn bây giờ là cái nhìn của người có nhãn căn thanh tịnh rồi. Vì vậy nếu thấy hư không trong suốt nghĩa là hoa đóm không làm mờ con mắt thì hoa đóm làm sao có thật được.


Do vậy, thì biết tất cả hình tướng sự vật đều do nhận thức sai lầm mà biến hiện ra. Chúng là giả dối, không thật, không phải nhân duyên, cũng không phải tự nhiên mà có. Tướng giả dối của con mắt là do nhìn mệt mỏi sinh ra, còn tướng giả dối của chúng sinh là do nghiệp lực sinh ra. Vì thế sắc uẩn là tướng giả dối mà chúng sinh chấp theo trần cảnh nên tin là thật làm che lấp tâm tánh chân như nhiệm mầu. Người mê thì chấp theo tướng trần cảnh nên chạy theo vui buồn, sầu khổ, tham đắm lợi danh; còn kẻ trí thì biết tướng trần cảnh là không thật cũng như bóng trong gương nên dễ dàng quay về với tự tánh thanh tịnh bản nhiên thì có an lạc Niết bàn, không còn gì ngăn che cả.

2) Thu Thọ uẩn :


A Nan! Ví như người tứ chi yên ổn, cơ thể điều hòa, không bị vui buồn tác động, tịch tĩnh như quên mình. Bỗng nhiên người kia đưa hai tay lên không xoa nhau, sanh cảm xúc : nóng, lạnh, trơn, rít…Thọ uẩn cũng như vậy.


A Nan! Những cảm xúc hư vọng kia, không phải từ hư không đến. Không phải từ bàn tay ra. Nếu từ hư không đến sinh cảm giác từ bàn tay, sao không sanh cảm xúc nơi thân thể? Không lẽ hư không biết lựa chỗ để danh cảm xúc?


Nếu từ bàn tay ra, thì khi bàn tay hợp lại, biết có cảm xúc; đến khi bàn tay rời ra thì cảm xúc phải chạy vào xương tủy cánh tay. Lẽ ra phải biết đường vào của cảm xúc, rồi lại phải có tâm hay biết, biết ra biết vào và phải có một vật đi lại trong thân chớ cần chi phải đợi hai bàn tay hợp lại xoa nhau mới gọi là cảm xúc. Vậy nên biết rằng thọ uẩn là hư vọng không phải tánh nhân duyên cũng không phải tánh tự nhiên.


Thọ uẩn là sự cảm nhận những cái vui, cái buồn mỗi khi lục căn tiếp xúc với lục trần. Khi có người cho tiền thì con người cảm nhận cái vui, nhưng nếu số tiền này bị ăn trộm lấy mất thì bây giờ niềm vui biến mất mà cảm thọ nổi buồn. Còn thấy tiền mà không tham, không ham muốn thì không cảm thọ gì hết tức là vô ký thọ. Đối với Phật giáo thì con đường duy nhất để đạt đến tâm thanh tịnh Niết bàn là vô ký thọ. Khi con người bên ngoài không bị lục trần quyến rũ, bên trong không bị kích động bởi tham lam, giận hờn và si mê thì không còn cảm thọ tức có tâm thanh tịnh Niết bàn.


Khi nói về thọ uẩn Phật đưa ra thí dụ rằng nếu có người lấy hai bàn tay xoa vào nhau thì phát sinh ra những cảm giác như nóng, lạnh, trơn, rít… Như khi vào mùa đông lạnh buốt, chúng ta thường xoa hai bàn tay lại với nhau khoảng vài phút thì sự cọ sát làm nóng hai bàn tay. Khi hai bàn tay nóng thì chúng ta cảm thọ sự ấm cúng làm cho toàn thân dễ chịu đôi phần. Nếu chúng sinh dùng thức tâm để phân biệt thì chắc chắn sẽ nói rằng nhờ hai bàn tay xoa vào nhau mới sinh ra những cảm xúc nóng lạnh. Nhưng Đức Phật khẳng định rằng những cảm giác tức là thọ uẩn nầy không phải từ hư không đến mà cũng chẳng từ bàn tay mà ra. Tại sao?


1) Nếu cho rằng những cảm giác lạnh, nóng, trơn, rít mà từ hư không đến thì hư không bao trùm toàn thân chớ đâu có nhất định một chỗ bàn tay. Vì thế nếu luồng cảm giác này thật sự từ hư không đến thì toàn thân cảm nhận được. Nhưng cảm giác này chỉ nhận biết được ở bàn tay thế thì lý luận này không đúng.

2) Còn nếu cảm giác đến từ bàn tay mà ra thì không cần hai bàn tay cọ sát với nhau mới tạo nên cảm giác mà mỗi bàn tay tự nó phát ra những cảm xúc này rồi. Nhưng trên thực tế nếu không có sự cọ sát của hai bàn tay với nhau thì không thể có nóng, lạnh được. Vì những cảm giác nóng lạnh có được là do sự cọ sát chớ tự nó không có được nên thọ uẩn là tướng giả dối, không thật. Cũng như khi mê chúng sinh thấy có địa ngục a tỳ vì đây là những tướng giả dối từ thức tâm sinh diệt hiện ra. Nhưng khi thức tỉnh, con người quay về với chơn tâm thanh tịnh thường trú của mình thì thức tâm biến mất, cảnh địa ngục a tỳ cũng tan biến theo.

3) Thu Tưởng uẩn :


Bây giờ Phật dạy rằng :


-A Nan! Ví như có người nghe nói đến me chua thì nước bọt trong miệng chảy ra. Nghĩ đến cảnh khi đứng trên dốc cao thì lòng bàn chân cảm thấy rờn rợn, nên biết tưởng uẩn cũng như vậy.


A Nan! Nếu từ me sinh ra thì me tự biết nói, đâu cần đợi người nói. Nếu từ miệng mà vào thì tự nhiên đã nghe tiếng, đâu cần đến tai nghe. Nếu riêng lỗ tai nghe, sao nước bọt không chảy lỗ tai lại tuôn ra miệng? Việc nghĩ tưởng mình đứng trên dốc cao cũng giống như vậy.


Vậy nên biết rằng tưởng uẩn là hư vọng, không phải tánh nhân duyên cũng không phải tánh tự nhiên.


Tưởng là nhớ lại hình bóng vui khổ của thân và tâm. Có lúc con người liên tưởng sự khoái lạc của những món ăn ngon. Cũng đôi khi chúng sinh liên tưởng những cảnh bực bội đau khổ khi người khác mắng chửi mình. Do đó, sau khi lục căn tiếp xúc với lục trần để lãnh thọ các cảnh khổ vui và sau đó sanh ra tưởng nhớ.


Phật đưa ra hai thí dụ ở trên để cho chúng ta nhận thấy rằng tác động của những danh tướng đối với tâm rất quan trọng. Thí dụ thứ nhất khi lỗ tai chỉ vừa mới nghe nói đến me chua thì tâm đã tưởng tượng như miệng đang ăn me chua nên nước bọt trong miệng mới chảy ra. Nếu cho rằng vì nhân duyên mà có nghĩa là nước bọt có là do me sinh ra tức là cái biết là do me nói chớ không phải do người nói. Nhưng ở đây đâu thật có me và dĩ nhiên me làm gì biết nói nên do nhân duyên sinh là không đúng. Còn nếu nói tự nhiên thì nếu me mà được đưa vào miệng thì tự nhiên đã nghe tiếng chớ đâu cần phải đến tai nghe. Bởi vì nếu lỗ tai nghe thì đáng lẽ ra lỗ tai phải chảy nước bọt chớ đâu phải miệng. Khi nghĩ đến cảnh đứng trên dốc cao thì lòng bàn chân cảm thấy rờn rợn, bắt đầu nổi tóc gáy vì sợ mình sắp rơi xuống vực thẳm.

Đây chỉ là do sự tưởng tượng mà ra vì thật sự mình đâu có đứng trên dốc cao. Vậy tưởng uẩn không phải là nhân duyên và cũng chẳng là tự nhiên. Con người thường đặt tên cho các sự vật trong thế gian này để phân biệt mà gọi, nhưng rồi lại nương theo những tên gọi mà tưởng tượng ra sự vật và từ đó mới phát sinh ra lòng tham đắm si mê cũng vì những danh tướng giả dối, không thật mà tạo ra lắm điều tội ác để phải chịu quả khổ đời đời. Chính ngũ uẫn là những đám mây đen hắc ám che đậy ánh sáng huyền diệu của bản tâm thanh tịnh làm con người sống xa dần với chân tánh của họ.
Có một câu chuyện trong kinh Na Tiên Tỳ Kheo như sau:


Vua Di Lan Đà ngự đến chùa San khế đa (Sankheyya), chỗ đại đức Na Tiên bây giờ đang tạm trú với tám chục tỳ kheo, ông tiến đến trước mặt đại đức và cung kính vái chào. Đại đức đáp lễ. Sau lễ tương kiến, nhà vua cung kính ngồi né một bên. Bây giờ, vua khởi chuyện hỏi rằng:


- Kính bạch Đại Đức, trẩm muốn hỏi ngài ít câu có được không?


- Xin Đại Vương cứ phán hỏi, bần tăng xin nghe.


Nhà vua khởi chuyện hỏi rằng :


- Bạch Đại Đức, quý danh là gì?


- Người ta gọi bần tăng là Na Tiên. Các pháp hữu của bần tăng cũng gọi bần tăng bằng tên ấy. Nhưng dù cho cha mẹ của bần tăng cũng gọi bần tăng bằng tên ấy hay cho dù cha mẹ bần tăng có đặt cho bần tăng tên Na Tiên (Nagasena) hay một tên nào khác, chẳng hạn như Duy Tiên (Viranasena), Thủ La Tiên (Surasena) hoặc Duy Ca Tiên (Sihasena)…, thì chẳng qua cũng chỉ là những tên suông, đặt ra để phân biệt người nọ với người kia mà thôi. Trong những cái tên đó không hề có cái “ta” hay cái “của ta” như tà kiến và ngã chấp thường lầm nhận.


Ngày hôm sau, nhà vua lại cho mời Tỳ kheo Na Tiên vào cung để đàm đạo, dọc đường có quan đại thần A Năng Ta Ca Da đi hộ vệ cạnh Na Tiên để lân la hỏi đạo, bèn bạch rằng :


- Bạch Đại Đức, hôm qua ngài có nói với đức vua rằng ngài tên là là Na Tiên; sau đó ngài phủ quyết lại rằng không có Na Tiên. Vậy chớ ai là Na Tiên? Cái gì là Na Tiên?


- Theo ông nghĩ cái gì là Na Tiên?


- Theo tôi nghĩ, hơi thở tức mạng khí có vô có ra, chính đó là Na Tiên. Vì nhờ hơi thở đó mà sanh mạng được duy trì.


- Nếu hơi thở kia có ra mà không có vô thì người có hơi thở ấy có sống không?


- Người ấy chắc chắn phải chết.


- Hơi thở của người thổi kèn, thổi sáo, hay thổi ống bễ thợ rèn, hơi thở đó ra rồi có trở vô không?


- Thưa không.


- Thế thì những người ấy sống hay chết?


A Năng Ta Ca Da sững sờ ngơ ngác không biết nói sao. Giây lâu mới bạch lại rằng :


- Bạch Đại Đức, trí tuệ của Đại Đức thật là siêu việt. Tôi không đủ thông minh để hiểu thấu. Xin Đại Đức khai thị giúp cho.


- Này Đại quan, hơi thở chẳng qua cũng chỉ là một phần việc trong nhiều phần việc của thân thể mà thôi. Cũng như phần việc của cái lưỡi là nói ra những điều gì mình suy nghĩ, mình cảm hay phần việc của cái ý là suy tư những điều gì xúc… Mỗi bộ phận trong cơ thể đều có phần việc của nó. Đó là điều được mệnh danh là “thân hành” hằng trú trong năm uẩn, nhất là trong Sắc uẩn. Phân tích các hành tướng của thân hành thì thấy toàn là trống không, vì vậy mà nói rằng: Không có Na Tiên.


Tên là do cha mẹ đặt cho con khi mới sinh ra, ngay cả pháp danh cũng do quý thầy cô đặt cho khi mới thọ quy y học Phật pháp, nhưng tên là văn tự tức là tướng giả dối, không thật mà con người cứ tin chắc nó là mình, là của mình,clà cái ngã bền chắc nhất làm nền tảng cho cuộc sống. Vì nghĩ rằng cái ngã này của riêng mình cho nên sống giữ chết đem theo, bám chặt lấy nó, nhưng thật ra con người làm gì có cái ngã. Cái bản ngã giả dối mà con người tin là thật thì thật ra nó chỉ là sự biến dịch của Mạt na thức để phát triển lòng tham đắm si mê.

Ngay cả linh hồn thì Phật giáo cũng phủ nhận vì nó không có bởi vì cái mà con người nghĩ rằng đó là linh hồn thì nó chỉ là những chuỗi thức nằm trong Tàng thức biến hiện dựa theo nghiệp lực chớ đâu có cố định cứng ngắc. Vì thế, người biết tu tâm dưỡng tánh thì họ có thể biến những chủng tử bất thiện thành những chủng tử thiện và khi tu hành đến chỗ minh tâm kiến tánh thì tất cả những chủng tử thiện ác cũng biến mất mà thay bằng chủng tử vô ký. Đây là chứng được vô sanh pháp nhẫn, viễn ly sinh tử vậy.

4) Thu Hành uẩn:


Phật lại dạy rằng:


A Nan! Ví như dòng nước dốc cuồn cuộn tương tục tuôn chảy. Dòng nước không nhân hư không mà sinh, không nhân nước mà có. Nó không phải tánh nước nhưng không ngoài hư không và nước. A Nan! Nếu nhân hư không mà sinh thì mười phương hư không vô cùng tận, nước vô tận, thế gian này chìm đắm cả rồi sao? Nếu nhân nước mà có thì dòng nước dốc không là nước nữa. Bởi vì, ai cũng có thể chỉ tướng của nước và dòng nước khác nhau. Nếu dòng nước dốc là tánh nước thì khi nước đứng lại, lẽ ra không phải là nước nữa. Nếu ra ngoài hư không và nước thì không có cái gì ở ngoài hư không và ở ngoài nước ra không thể có dòng nước.


Vậy nên biết rằng hành uẩn là hư vọng, không phải tánh nhân duyên cũng không phải tánh tự nhiên.


Hành là sự biến chuyển thay đổi của tâm niệm. Con người lúc nào cũng suy nghĩ về quá khứ, hiện tại và vị lai. Suy nghĩ về mình, về người, về giàu, về nghèo khó, về công danh, về sự nghiệp, về sắc diện, về tinh thần, về vật chất…Ý niệm sau thay thế ý niệm trước và cứ thế mà sanh khởi liên tục trong tâm của con người cho nên cổ đức mới có câu : ”Tâm viên mã ý” là vậy. Tưởng uẩn và hành uẩn là nguyên nhân phát sinh ra ý niệm làm che lấp chơn tâm, Phật tánh của chúng sinh vì thế, nếu tu theo Tiểu thừa một khi diệt được tưởng, thọ thì tâm được thanh tịnh và vào hàng Thánh giả A la hán. Còn tu theo Đại thừa thì thành Thất địa Bồ-tát.


Ở đây Phật ví hành uẩn như một dòng nước dốc, lớp nước sau nối tiếp lớp nước trước liên tục không ngừng nghỉ. Luồng tâm niệm của con người cũng thế, ý niệm sau thay thế ý niệm trước và cứ như thế mà lưu chuyển trong A lại da thức làm cho con người luôn suy nghĩ, tưởng nhớ và chạy theo tiền trần tức là chạy theo sắc tài danh lợi làm cho tâm bất tịnh. Đối với người tu Phật thì hành uẩn là quan trọng nhất vì nếu phá được hành uẩn tức là chúng sinh đã phá được nguồn gốc của tất cả những niệm khởi thì lúc đó chơn tâm, Phật tánh mới hiện bày.

Dòng nước không phải nhân hư không mà sinh nghĩa là dòng nước không phải tự nhiên mà có. Tại sao? Bởi vì nếu hư không mà sinh ra nước thì thế gian vũ trụ này sẽ trở thành cái biển lớn và sẽ không còn là hư không nữa Lý luận này không đúng. Khi thấy nước chảy thì gọi là dòng nước nghĩa là trạng thái sinh diệt, trạng thái động của nước; còn nước không chảy thì gọi là nước yên nghĩa là trạng thái tĩnh, trạng thái yên lặng của nước. Vì thế Đức Phật cho rằng tướng hành uẩn là tướng giả dối, nó không phải là tánh của nhân duyên và cũng không phải là tánh của tự nhiên hợp thành. Đức Phật muốn chúng sinh thấy rằng hành uẩn chỉ là tướng giả dối do duyên với ngoại cảnh mới có.

Vì thế hành tướng tâm niệm thì sinh sinh diệt diệt, không phải do thể tánh chân như thường trụ bất diệt sinh ra và cũng không phải là bản tánh của tự tâm, nhưng chúng cũng không ra ngoài tự tâm và thể tánh chân như được. Tuy tâm niệm là giả dối nên sinh thì không thật sinh và diệt thì cũng không thật diệt, nhưng thật chất của nó vốn là tâm tánh chân như nhiệm mầu.


5) Thu Thức uẩn :


A Nan! Ví như người lấy cái độc bình tần già, bịt cả hai lỗ, trong có đựng đầy hư không, đi xa ngoài nghìn dặm, tặng cho một nước khác. Hư không đó, chẳng phải đến từ bên nước kia, cũng không phải đưa vào nước bên này. Vì, nước được tặng, hư không chẳng được thêm ra. Nước đem cho không vì vậy, hư không vơi bớt. Vậy nên biết rằng thức uẩn là hư vọng, không phải nhân duyên cũng không phải tự nhiên.


Thức là sự hiểu biết phân biệt. Mỗi khi lục căn tiếp xúc với lục trần thì tạo thành sáu thức nghĩa là sáu cái biết phân biệt ở trong tâm của chúng sinh. Nếu lúc nhãn căn mới chạm vào sắc trần thì gọi là “hiện lượng” tức là thể sáng suốt của tám thức. Khi niệm thứ hai khởi tâm phân biệt thì gọi là “tỷ lượng” tức là thuộc về ý thức phân biệt. Do đó con người vì tính nhạy bén phân biệt nên cái ý niệm thấy ban đầu (hiện lượng) tức là tánh thấy sáng suốt biến mất mà được thay bằng ý thức phân biệt tốt xấu (tỷ lượng)… nên trong tâm chất đầy phiền não khổ đau, bất toại ý.


Bây giờ Phật ví dụ thức ấm như người lấy một cái độc bình, hình dáng như con chim, bịt kín cả hai lỗ, trong đựng đầy hư không và đem đi xa ngàn dặm mà tặng cho nước khác. Vậy đoạn kinh này Phật muốn nói gì? Cái độc bình mà Phật ví dụ ở đây là ám chỉ cho tấm thân thất đại của chúng sinh. Còn hư không là muốn nói đến thức tâm, bản Ngã tức là Tàng thức của họ. Và đem đi ngàn dặm mà tặng cho nước khác là ý nói Tàng thức chuyển từ thân cũ sang thân mới, sinh sinh diệt diệt. Trên con đường tái sinh, thức tâm luôn cho nó là một Bản Ngã, là một chủ thể cao thượng hơn tất cả những sự vật khác trong thế gian vũ trụ này. Cái Bản Ngã giả dối hay chủ thể không thật này đem theo tất cả những tập quán, những kinh nghiệm của những kiếp sống quá khứ mà tái sinh vào trong đời sống mới.

Thí dụ như một ông Bác sĩ khi tái sinh vào một thân xác mới thì ông ta đã có sẵn kinh nghiệm và kiến thức y khoa cho nên ông có rất nhiều cơ hội để trở thành bác sĩ hơn những người bình thường khác. Một thí dụ khác là Lục tổ Huệ Năng khi thành lục tổ thì Ngài rất trẻ chỉ ngoài hai mươi tuổi, không biết chữ nghĩa, chưa bao giờ học kinh điển và lại là cư sĩ. Nhưng khi nghe những câu trong kinh Kim Cang thì trí tuệ bát nhã của Ngài bừng sáng mà ngộ được chân lý trong khi cả ngàn đệ tử của Ngài Hoàng Nhẫn thì ngồi thiền, tụng niệm không biết bao nhiêu biến và không biết bao nhiêu năm mà có ai ngộ được đâu. Thế thì trong tiền kiếp chính Huệ Năng đã trì công tu hành đến chỗ ngộ hay sắp ngộ nên qua đến kiếp nầy chỉ cần có thiện duyên thì Ngài giác ngộ ngay. Cũng nên nói thêm, trên con đường tái sinh, thức tâm luôn cho nó là một Bản Ngã, là một chủ thể cao thượng hơn tất cả những sự vật khác trong thế gian vũ trụ này.


Khi đến nước được tặng, mở bình ra thì nước đó hư không cũng chẳng thêm ra, còn nước đem tặng cũng vậy, hư không cũng chẳng thiếu chẳng thừa. Khi mê thì chấp có ta, có Bản Ngã nên mới tạo nghiệp để phải chịu sinh tử triền miên. Nhưng khi thức tĩnh giác ngộ, thức tâm vọng niệm biến mất, Bản Ngã không còn thì chơn tâm, Phật tánh hiện bày. Con người nghĩ rằng trong họ phải có cái ta nên trong tâm thức lúc nào cũng cho rằng cái ta này phải khác với mọi sự vật và cho đến chết họ cũng bo bo giữ chặt cái ta đến cùng để chuyển từ thân này sang thân khác. Nhưng tâm thức thì cùng khắp mười phương thế giới, không hề đi đâu. Còn cái ta chỉ là ảo danh, không hề thật có mà con người bám vào kiến chấp mê lầm nên mãi trôi nổi trong sinh tử luân hồi. Hãy nghe câu chuyện trong kinh Tỳ kheo Na Tiên như sau :


Vua Di Lan Đà bây giờ hỏi Tỳ kheo Na Tiên rằng :


- Bạch Đại đức! Con người sau khi chết rồi, cái gì sanh trở lại?


Tỳ kheo Na Tiên liền đáp :


- Tâu Đại vương! Đó là Danh (thọ,

tưởng, hành, thức) và Sắc (thân tức là đất, nước, gió, lửa…).


- Phải chăng đó là Danh và Sắc-thân của người cũ sanh trở lại?


- Thưa không phải Danh cũ, cũng không phải Sắc-thân cũ sanh trở lại. Cái Danh Sắc-thân của đời này làm các việc thiện ác, do nghiệp thiện ác ấy mà chuyển sanh sang một Danh Sắc-thân khác để thọ lãnh phước báo hay tội báo đã gây ra.


- Như vậy là không phải cái Danh Sắc-thân cũ sanh trở lại. Thế thì đời này là điều ác, đời sau đâu có chịu quả báo được? Và nếu không sanh trở lại nữa thì tức là đã thoát khỏi luân hồi?


- Không phải như vậy! Nếu sống ở đời mà chỉ toàn làm điều thiện thì sau khi chết có thể không sanh trở lại. Nhưng thông thường thì làm điều thiện cũng có mà gây điều ác cũng nhiều, việc lành, việc dữ tiếp nối xen nhau không ngừng, cho nên phải sanh trở lại mà thọ báo. Làm sao thoát khỏi luân hồi được.


- Xin cho thí dụ về sự liên hệ giữa Danh Sắc-thân cũ với Danh Sắc-thân mới :


- Ví như người hái trộm xoài của kẻ khác. Chủ vườn xoài bắt được quả tang đem đến đầu cáo với Đại vương, yêu cấu Đại vương xử trị. Trước mặt Đại vương bị cáo cãi rằng : ”Tôi không hái xoài của anh ấy. Cây xoài của anh ấy trồng hồi trước là cây mầm tí xíu. Còn những trái xoài mà tôi hái bây giờ nằm trên một cành cây to lớn sum sê. Thế thì tôi đâu có ăn trộm”. Trước những lý lẽ viện ra như thế, Đại vương có cho rằng anh ta vô tội và xử cho anh ta được thắng kiện không?


- Không! Vua Di Lan Đà đáp. Anh ta có tội. Trẩm sẽ xử cho người trồng xoài được thắng kiện. Vì trước kia nhờ người này ra công trồng trọt bón xới cây mầm, cho nên ngày nay mới có cây xoài to lớn đơm hoa kết trái.


- Tâu Đại vương! Con người tái sanh trở lại cũng giống như thế. Với cái Danh Sắc-thân này, người ta sống trên đời mà làm các việc thiện ác. Nghiệp thiện ác nối tiếp không ngừng, chuyển biến hình thành để sanh ra một Danh Sắc-thân mới. Cũng như do công phu đào lỗ bỏ hột và vun bón cây mầm nên về sau mới có cây xoài sum sê cành lá với trái chín trĩu cây. Làm việc thiện ác trong đời này tức là gieo hột giống xuống đất và bón xới cây mầm. Đời sau không sao không thọ báo được.


Vua lại hỏi :


- Bạch Đại đức! trong con người cái gì làm chủ? Phải chăng đó là linh hồn thường tại?


- Tâu Đại vương! Cái linh hồn thường tại ấy như thế nào?


- Nó thường ở trong ta, dùng mắt mà nhìn hình sắc, dùng tai mà nghe âm thanh, dùng mũi mà ngửi mùi, dùng lưỡi mà nếm vị, dùng thân mà sờ mó nhám trơn, dùng ý mà hiểu biết và nhờ nghĩ. Nó cũng như Đại đức và trẩm hiện đang ở trong cung điện này nhưng vì bốn mặt đều có cửa sổ, nên ngang qua cửa sổ ấy chúng ta mới thấy được phong cảnh bên ngoài.


- Như vậy, ý Đại vương là muốn ví các giác quan nơi con người với các cửa sổ của cung điện này chăng? Ngang qua bất cứ cửa sổ nào, ta cũng thấy được cảnh vật bên ngoài. Thế thì ngang qua bất cứ giác quan nào, linh hồn thường tại cũng phãi thấy được ngoại cảnh giống như thế chứ gì? Vậy linh hồn thường tại có thấy được hình sắc bằng tai, mũi, lưỡi, thân và ý chăng?


- Thưa không.


- Linh hồn thường tại có nghe được âm thanh, có ngửi được mùi, có sờ biết nhám trơn, có suy nghĩ bằng mắt, mũi, lưỡi, thân và ý chăng?


- Thưa không.


- Như vậy thì lời lẽ của Đại vương trước sau không xứng hợp với nhau. Lại nữa, trong khi Đại vương và bần tăng cùng ngồi trong cung điện này, nếu phá bỏ hết tất cả các cửa sổ ở bốn phía thì tầm mắt của chúng ta rộng xa thêm ra không?


- Thưa có.


- Vậy, phá bỏ một cái cửa nơi thân ta là cặp mắt chẳng hạn thì linh hồn thường tại có thấy rộng xa thêm không?


- Thưa không.


- Và nếu phá bỏ thêm mấy cái cửa khác nơi thân ta là tai, mũi. Lưỡi, thân, ý thì linh hồn thường tại có nhờ đó mà nghe rộng thêm, ngửi nhiều thêm, nếm tăng lên, sờ nhiều ra và suy nghĩ rộng hơn không?


- Thưa không.


- Như vậy lời lẽ của Đại vương trước sau lại không xứng hợp nhau.


Na Tiên bèn giải thích rằng :


- Con mắt và hình sắc gặp nhau khiến tâm thần kích động. Tâm thần kích động thì liền sanh cảm thọ khổ vui. Với lỗ tai và âm thanh, hoặc với mũi và hương, lưỡi và vị, thân và nhám trơn, ý và điều nhớ nghĩ cũng như thế. Tâm thần kích động thì liền sanh cảm thọ khổ vui. Do cảm thọ khổ vui liền sanh ý niệm. Do ý niệm biến chuyển thành tựu cho nhau mà tạo nên một ông chủ vô thường là cái giả Ngã. Cái gọi là linh hồn thường tại đâu có dính dáng gì ở đây.


Dựa vào câu chuyện trên thì một người hiện tại đang sống tức là hiện giờ họ đang có đủ sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Con người vì bị vô minh che lấp, lấy giả làm chơn nên nghĩ rằng trong họ phải có một cái Ngã thường hằng bất biến mà họ gọi là linh hồn để làm chủ lấy đời họ và khi chết cái linh hồn này sẽ chuyển sang thân khác ở đời sau. Vậy hãy nghiệm xem thật sự con người có cái linh hồn thường hằng bất biến chăng? Con người là sự kết hợp của ngũ uẩn tức là sắc, thọ, tưởng, hành, thức nghĩa là con người là do nhân duyên hòa hợp tạo thành, chớ tự chúng không thể có được vì thế, ngũ uẩn không có tự tánh, chủ thể nên nó là vô ngã tức là Không. Cái biết phân biệt của lục thức khi lục căn duyên với lục trần chỉ là những ý niệm thay đổi không ngừng trong tâm thức của con người trong khi đó linh hồn thì cố định đâu có thay đổi. Con người vừa mới kết tinh rồi sinh ra thì đã có sẳn một cái linh hồn.

Đến khi lớn lên và cho đến lúc chết thì cái linh hồn này vẫn như thế, không tăng không giảm, cố định. Nhưng thật ra một người càng hiểu biết chuyện đời thì tâm thức càng nới rộng chớ đâu có cố định. Một ông bác sĩ, một vị kỹ sư, một nhà bác học thì chắc chắn sự hiểu biết của họ hiện giờ khác rất xa với lúc họ chưa thành đạt. Thêm nữa, cũng chính cái ngũ uẩn này tạo tác thiện ác, tốt xấu cũng bởi do Mạt na thức. Bởi vì Mạt na thức có tính hằng thẩm tư lương nên luôn chấp đó là mình, là của mình mà sinh ra tham đắm si mê. Vì còn phân biệt đối đãi nên thấy có ta có người và dĩ nhiên là thấy cái ta và cái của ta là đúng, là đẹp, là hơn. Đây là những căn bản của phiền não khổ đau cũng bởi do chấp ngã mà ra. Vì thế mới gọi là Ngã Si, Ngã Kiến, Ngã Mạn và Ngã Ái. Sau cùng tất cả những chủng tử thiện ác được cất giữ trong A lại da thức để chuyển sang đời sau. Nhưng tiến trình này như thế nào?


Con người vì sống trong vô minh phiền não nên tạo ra nghiệp mà phải kết nối đời sau để thọ khổ. Chữ “kiết sanh” có nghĩa là thọ sanh tức là bắt đầu từ khi kết thai cho đến lúc sanh ra vậy. Tiến trình kết nối đời sau bắt đầu từ thân đang sống đến thân đang chết. Rồi từ thân đang chết đến thân trung ấm (thân mới chết chưa đầu thai). Và sau cùng từ thân trung ấm đến thân đời sau. Nếu các thân được tương tục không gián đoạn như thế ắt phải có một cái gì thường lưu hành và giữ gìn (chấp thủ). Cái thường lưu hành và giữ gìn đó chính là thức thứ tám, là A lại da thức hay là A-đà-na thức. Thật vậy, nếu không có thức thứ tám này để nắm giữ việc “kết nối đời sau” thì khi một người chết rồi phải mất luôn, không còn tái sanh được nữa.

Do đó Phật giáo phủ nhận cái linh hồn thường hằng bất biến trong con người, bởi vì linh hồn thì không thay đổi nhưng con người mỗi giây mỗi phút luôn thay đổi theo thời gian và không gian. Tất cả những chủng tử thiện ác mà con người kết tập sẽ được cất giữ trong A lại da thức (A đà na thức) và sẽ chuyển qua thân khác khi nhân duyên hội đủ. Nên nhớ rằng thân xác là do kết hợp của thất đại (địa đại, thủy đại, phong đại, hỏa đại, kiến đại, không đại và thức đại) vì thế khi con người chết, thất đại tan rã thì đất trở lại với đất, nước trở về với nước, lửa trở lại với lửa… A lại da thức (A đà na thức) sẽ trở về với không đại trong không gian vô cùng vô tận này. A đà na thức hiện hữu trong hư không (không đại) không có nghĩa là nó không có. Nó lúc nào cũng có nhưng mắt thường không thấy được nên nhà Phật mới gọi nó là không. Ví cũng như gió, có ai thấy được gió đâu, nhưng gió lúc nào cũng có trong không gian địa cầu này. Không khí cũng thế, chỗ nào mà không có không khí, nhưng không khí không có mùi vị, hình sắc nên ngũ quan con người không nhận biết được. Một thí dụ khác là khí đốt. Khí đốt thì không có mùi vị, màu sắc mà lại rất độc cho nên khi dùng công tu hơi đốt mới cộng thêm mùi thúi vào để dễ nhận biết.

Vì vậy khi hội đủ nhân duyên thì những chủng tử trong A đà na thức duyên khởi mà tác tạo ra con người mới tức là có tái sinh. Một người mới chết, tuy thất đại từ từ tan rã, tay chân lạnh ngắt, tim ngừng đập, nhưng Tàng thức (A đà na thức) hay (A lại da thức) vẫn còn lưu lại trong thân xác người chết. Dựa theo Phật giáo thì khoảng 8 tiếng đồng hồ sau khi tim ngừng đập thì Tàng thức mới thoát ra khỏi thân xác. Tất cả hơi nóng trong người (hỏa đại) đi theo Tàng thức ra ngoài nên toàn thân người chết lúc đó mới thật sự lạnh ngắt. Khi con người mới thụ tinh thì nghiệp lực khiến Tàng thức nhập vào Noãn bào của người mẹ trước khi thất đại được thành hình. Nhưng đến lúc lâm chung, tất cả thất đại tan rã trước rồi Tàng thức mới thoát ra sau.


Vậy có ai chết rồi mà không sanh trở lại không? Nếu chúng sinh còn nặng nợ tham dục ái ân, kẻ đó còn sanh trở lại đời sau. Còn những ai đã thoát khỏi vòng tham đắm dục tình thì người đó sẽ không còn tái sanh trở lại. Nói cách khác còn tạo nghiệp là còn sinh tử, hết tạo nghiệp là thoát ly sinh tử, chứng nhập Niết bàn.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]