CƯ SĨ GIỚI PHÁP
Tỳ kheo Giác Giới (Bodhisīla Bhikkhu) biên soạn
PL. 2550 - TL. 2006
Kính lễ Đức Thế Tôn, Ưng Cúng, Chánh Biến Tri
CHƯƠNG I
CƯ SĨ TRONG PHẬT GIÁO
I.1. TỨ CHÚNG PHẬT GIÁO
Trong Phật giáo có bốn hội chúng (parisā) là hội chúng tỳ kheo (bhikkhu), hội chúng tỳ kheo ni (bhikkhunī), hội chúng nam cư sĩ (upāsaka), hội chúng nữ cư sĩ (upāsikā).
Hội chúng tỳ kheo là hội chúng của những nam tu sĩ Phật giáo gồm cả Sa di (sāmanera), đó là những vị đã xuất gia từ bỏ gia đình sống không gia đình, chấp nhận đời sống phạm hạnh độc thân. Sa di là vị tu sĩ tập sự để trở thành vị tỳ kheo, vị sa di tuổi từ hai mươi trở lên mới được phép thọ cụ túc giới. Sa di bên Tăng chúng không buộc thời gian.
Hội chúng tỳ kheo ni là hội chúng của những nữ tu sĩ Phật giáo, gồm cả sa di ni và học nữ (sāmaṇerī, sikkhāmānā). Đó là những người nữ đã xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình, chấp nhận đời sống phạm hạnh độc thân. Người nữ mới gia nhập ni chúng phải qua hai năm thọ giới học nữ mới làm sa di ni, thọ giới sa di ni qua hai năm và tuổi đủ hai mươi mới được thọ đại giới tỳ kheo ni.
Hội chúng nam cư sĩ là chỉ cho những thiện nam tử ở gia đình, chưa xuất gia, vẫn còn hưởng dục lạc thế tục. Những người nam này có niềm tin Tam bảo, sống hiền thiện và tạo các công đức.
Hội chúng nữ cư sĩ là những người nữ ở gia đình, còn hưởng dục lạc thế tục, chưa xuất gia thành ni chúng. Họ có niềm tin Tam bảo, sống hiền thiện và tạo các công đức.
Bốn hội chúng Phật giáo, trong đó, hội chúng tỳ kheo và hội chúng tỳ kheo ni, là hội chúng đệ tử xuất gia của Đức Phật. Hội chúng nam cư sĩ và nữ cư sĩ là hội chúng đệ tử tại gia của Đức Phật.