Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lời Kết: Năng lực của tâm từ

16/01/201107:46(Xem: 8931)
Lời Kết: Năng lực của tâm từ

 

CHÍNH NIM - THC TP THIN QUÁN
Nguyễn Duy Nhiên dịch,
Nguyễn Minh Tiến hiệu đính
Nhà xuất bản: Thanh Hóa 2009

Lời Kết
Năng lực của tâm từ


Phương pháp thực tập chính niệm được trình bày trong quyển sách này, nếu cố gắng thực hành, chắc chắn sẽ chuyển hóa được đời bạn. Giờ đây, tôi xin được giới thiệu và nhấn mạnh thêm về một khía cạnh khác của đạo Phật, con đường này đi song song với chính niệm, đó là metta, hay tâm từ. Thiếu tâm từ, chỉ riêng chính niệm khó có thể nào phá vỡ được sự dính mắc và ngã chấp. Và ngược lại, chính niệm là một nhân tố căn bản cần thiết để phát huy tâm từ. Hai điều này lúc nào cũng phải song hành với nhau.

Mỗi người trong chúng ta đều có đầy đủ những hạt giống và tiềm năng thương yêu. Nhưng chỉ với một tâm thức tĩnh lặng, không bị ảnh hưởng bởi tham lam, sân hận và ganh tỵ, những hạt giống thương yêu này mới có thể trưởng thành. Nhờ mảnh đất phì nhiêu của chính niệm mà hoa tình thương được nở rộ. Chúng ta cần nuôi dưỡng những hạt giống thương yêu ấy trong ta và trong người khác, giúp chúng cắm rễ và trưởng thành.


Tôi có dịp đi rất nhiều nơi trên thế giới để dạy Phật pháp, và vì vậy tôi phải mất nhiều thời gian ở những sân bay. Một hôm, tôi ngồi ở sân bay Gatwick gần London để chờ một chuyến bay. Tôi có nhiều thời gian trống, nhưng đối với tôi điều đó không bao giờ là vấn đề. Thật ra nó là một niềm vui, vì tôi có cơ hội để thực tập thiền quán. Thế là tôi ngồi đó giữa phòng đợi của sân bay, chân xếp bằng trên ghế, mắt nhắm lại, trong khi quanh tôi người ta lũ lượt đến và đi, hối hả đổi chuyến bay. Trong những hoàn cảnh này, khi ngồi thiền tôi thường thực tập niệm tâm từ, đem tình thương ban rải đến cho mọi người, ở khắp mọi nơi. Với mỗi hơi thở, mỗi mạch nhảy, mỗi nhịp tim, tôi để cho toàn thể con người mình được thấm nhuần và tỏa sáng một tình thương, một tâm từ.


Giữa sân bay náo nhiệt ấy, chìm đắm trong một cảm thụ của tâm từ, tôi không còn để ý đến sự ồn ào và xô bồ của thế giới chung quanh. Nhưng bỗng dưng tôi có cảm giác như có một người nào đó đang đến ngồi sát bên tôi. Tôi vẫn không mở mắt ra, tiếp tục hành thiền và phóng rải tâm từ. Rồi tôi cảm thấy có hai bàn tay nhỏ xíu ôm choàng lấy cổ tôi. Tôi từ từ mở mắt ra, và thấy đó là một em bé gái nhỏ thật dễ thương, chắc chỉ độ chừng hai tuổi. Mắt cháu màu xanh thật sáng, với những lọn tóc vàng, đang ôm chầm lấy tôi thật sát. Ngồi trong phi trường, trước đây tôi có thấy cháu đi với mẹ cháu, bàn tay bé nhỏ nắm chặt lấy ngón tay của mẹ. Có lẽ cháu đã rời mẹ cháu và chạy sang chỗ tôi.


Tôi nhìn lên thì thấy mẹ cháu cũng vừa đuổi tới nơi. Thấy nó đang ôm cổ tôi, mẹ cháu bảo: “Xin Thầy ban phước cho cháu và để nó đi.” Tôi không biết đứa bé nói tiếng gì, nhưng tôi bảo cháu bằng tiếng Anh: “Cháu đi đi. Mẹ cháu có nhiều nụ hôn cho cháu lắm, nhiều đồ chơi và nhiều kẹo nữa kìa. Còn ta chẳng có gì hết. Cháu đi đi.” Nhưng đứa bé vẫn cứ bá chặt vào cổ tôi, không chịu buông ra. Và người mẹ lại nhìn tôi, chắp tay lại và nói với một giọng rất ân cần: “Xin Thầy làm ơn ban phước cho cháu, và để cho cháu đi.”


Lúc này, những người khác trong phi trường cũng bắt đầu để ý đến chúng tôi. Có lẽ họ nghĩ tôi quen biết với đứa bé gái, hoặc là tôi với nó có liên hệ với nhau. Họ tin chắc rằng tôi và đứa bé nhất định phải có một sự ràng buộc nào đó. Nhưng trước hôm ấy, tôi chưa từng gặp nó bao giờ. Tôi cũng không rõ cháu nói ngôn ngữ gì nữa. Và tôi lại phải năn nỉ: “Cháu đi đi. Cháu và mẹ cháu còn phải lên phi cơ cho kịp giờ. Trễ rồi đó. Mẹ có nhiều đồ chơi với kẹo lắm kìa. Ta đâu có gì đâu. Hãy đi đi.” Nhưng đứa bé gái vẫn không chút nao núng. Nó lại còn ôm chặt lấy tôi hơn nữa. Người mẹ thấy vậy đến nhẹ nhàng gỡ tay của đứa bé ra và nhờ tôi ban phước cho nó. “Cháu ngoan lắm.” Tôi nói: “Mẹ cháu thương cháu lắm. Nhanh lên. Coi chừng trễ chuyến bay rồi đó. Cháu đi đi.” Nhưng đứa bé gái vẫn không chịu đi. Nó oà khóc lên. Cuối cùng, mẹ nó phải bế nó lên. Đứa bé vùng vẫy và la khóc. Nó muốn tụt xuống và chạy lại tôi. Nhưng lần này mẹ nó cố giữ nó lại và mang nó lên phi cơ. Lần cuối cùng tôi nhìn thấy cháu vẫn còn đang cố thoát ra khỏi mẹ cháu để chạy lại với tôi.


Có thể vì chiếc y tôi mặc mà đứa bé gái này tưởng tôi là ông già Nô-en hoặc một nhân vật thần thoại nào đó chăng? Nhưng cũng có thể là một lý do khác. Trong lúc đó tôi đang ngồi trên ghế và thực hành niệm tâm từ, metta, phóng rải những tư tưởng thương yêu ra khắp nơi với mỗi hơi thở. Có thể đứa bé gái này cảm nhận được điều đó. Trẻ con rất nhạy cảm trong lĩnh vực này, tâm thức của chúng dễ dàng hấp thụ được những cảm thụ chung quanh chúng. Khi bạn giận, chúng cảm nhận được sự rung động ấy, và khi bạn tràn đầy thương yêu và hạnh phúc, chúng cũng cảm nhận được. Có thể đứa bé gái ấy muốn đến gần tôi vì nó cảm nhận được một tâm từ. Giữa tôi và nó có một sự ràng buộc - bởi một sợi dây của tâm từ.

Bốn trạng thái siêu việt


Tâm từ rất nhiệm mầu. Chúng ta ai cũng có khả năng thương yêu cả. Cho dù ta có nhận biết hay không, năng lượng và hạt giống của thương yêu bao giờ cũng có mặt trong ta. Tâm từ là một trong bốn trạng thái siêu việt mà đức Phật có nói đến trong kinh. Ba tâm kia là tâm bi, tâm hỷ và tâm xả. Bốn trạng thái ấy đều liên kết mật thiết với nhau, ta không thể nào phát triển một cái này mà lại không cần đến ba cái kia.

Một cách dễ hiểu hơn là lấy ví dụ của tình thương cha mẹ. Khi một người đàn bà trẻ biết rằng mình đang có thai một đứa bé, cô sẽ cảm thấy có một tình thương vô bờ bến đối với đứa con trong bụng. Cô ta sẽ sẵn sàng làm tất cả mọi việc để bảo vệ nó. Cô sẽ cố gắng hết sức mình để cái bào thai được khỏe mạnh và tốt lành. Người mẹ trẻ ấy có đầy những tư tưởng thương yêu và hy vọng về đứa con trong bụng mình. Cũng giống như tâm từ, metta, tình cảm của một người mẹ đối với đứa con là vô bờ bến, bao trùm tất cả và hoàn toàn vô điều kiện!


Khi đứa bé sinh ra và lớn lên, nó bắt đầu khám phá thế giới chung quanh, cha mẹ sẽ bắt đầu có tâm bi đối với nó. Mỗi khi đứa bé bị té trầy đầu gối, u đầu sứt trán, cha mẹ luôn cảm nhận được cái đau của con mình. Có nhiều bậc cha mẹ còn nói rằng, mỗi khi con mình đau là họ cũng cảm thấy như chính mình đang bị đau. Nhưng đây không phải là một sự thương hại, vì lòng thương hại chỉ tạo nên khoảng cách giữa ta và người khác. Tâm bi là một tâm muốn cho người khác được bớt khổ đau. Tâm bi dẫn ta đến những hành động thích hợp. Và một hành động thích hợp của tâm bi là muốn làm sao để sự đau đớn sớm chấm dứt, để con mình không còn khổ nữa.


Thời gian trôi qua, đứa con lớn lên và cắp sách đến trường. Cha mẹ nhìn con mình kết bạn mới, học hành tiến bộ, tham gia các môn thể thao... Có thể đứa con học xuất sắc về môn toán, hoặc được nhận vào đội đá banh, hoặc được bầu làm lớp trưởng... Cha mẹ không bao giờ cảm thấy ganh tỵ về những thành công của con mình, ngược lại còn hân hoan vui mừng theo nó nữa. Đó chính là tâm hỷ. Ta mừng vui cho kẻ khác như là niềm vui của chính ta. Mặc dù người khác có vượt trội hơn ta, may mắn hơn ta, chúng ta vẫn hoan hỷ với những thành công của họ, mừng vui theo với niềm hạnh phúc của họ.


Và rồi khi đứa con trưởng thành. Nó ra trường, có sự nghiệp, lập gia đình và có con cái. Đây là lúc cha mẹ thực tập tâm xả. Lẽ dĩ nhiên, chắc chắn đây không phải là một thái độ lạnh lùng và dửng dưng. Nó là một sự bình an, hạnh phúc vì thấy rằng mình đã làm hết những gì cần phải làm cho con. Ta cũng ý thức được sự giới hạn của mình. Và lẽ dĩ nhiên, cha mẹ vẫn tiếp tục thương yêu và giúp đỡ con cái, nhưng họ biết rằng mình không còn kiểm soát được chúng nữa. Đó là sự thực tập tâm xả.


Mục đích tối thượng của thiền tập là nuôi dưỡng và phát triển bốn trạng thái này của tâm từ, tâm bi, tâm hỷ và tâm xả.

Hạt giống có mặt trong mỗi chúng ta


Mỗi sự vật sẽ phản chiếu ánh sáng mặt trời qua những cách khác nhau. Cũng vậy, mỗi người biểu lộ tâm từ qua những phương cách khác nhau. Có người bộc lộ sự nồng nhiệt một cách tự nhiên, có người hơi kín đáo và do dự khi mở con tim mình ra... Có người thực tập tâm từ một cách khá vất vả, trong khi có người lại không có khó khăn gì nhiều... Nhưng không một ai lại hoàn toàn không có tâm từ! Chúng ta đều sinh ra với một bản năng thương yêu, metta. Bạn hãy nhìn những đứa bé thơ mỉm cười rạng rỡ trước hình ảnh của một gương mặt người, bất cứ là gương mặt của ai. Tội nghiệp một điều là có nhiều người không ý thức được khả năng thương yêu của mình. Tiềm năng thương yêu ấy bị chôn vùi bên dưới những sân hận, giận hờn, ghét bỏ, mà ta đã huân tập trong một đời - mà có lẽ là rất nhiều đời - qua những tư tưởng và hành động bất thiện. Nhưng ai trong chúng ta cũng đều có thể nuôi dưỡng lại con tim biết thương yêu ấy, cho dầu trong bất cứ một hoàn cảnh nào. Chúng ta vẫn có thể tưới tẩm và nuôi dưỡng hạt giống từ bi, cho đến ngày hoa tình thương nở rộ và bay về trăm hướng.

Vào thời đức Phật, có một người tên là Aṅgulimla (Ương-quật-ma-la). Anh ta là một kẻ sát nhân giết hại rất nhiều người. Anh ta tàn ác đến nỗi đeo trên cổ mình một xâu chuỗi làm bằng ngón tay của những người anh đã giết. Và anh có ý định chọn đức Phật để làm nạn nhân thứ một ngàn của anh! Mặc dù đứng trước những lời đồn và bề ngoài dữ tợn của Aṅgulimla, đức Phật vẫn có thể nhận thấy được tiềm năng thương yêu của anh. Và nhờ khơi dậy được tiềm năng đó trong chính anh ta mà đức Phật đã cảm hoá được anh, và giảng Pháp cho kẻ giết người không gớm tay này. Sau khi nghe lời giảng của đức Phật, Aṅgulimla đã buông gươm xuống và quy y Phật. Anh ta xin xuất gia và đi theo tăng đoàn của ngài.


Trong kinh kể rằng, nhiều năm về trước, Aṅgulimla bắt đầu đi giết hại nhiều người vì tin theo lời chỉ bảo của một đạo sĩ mà anh nhận làm thầy. Bản chất của Aṅgulimla không phải là tàn bạo, cũng không phải là ác độc. Thật ra, khi còn nhỏ anh là một cậu bé rất hiền lành. Trong tim anh có đầy sự thương yêu, dịu dàng và thân thiện. Sau khi xuất gia, những tiềm năng ấy trong anh lại được hiển bày, và chỉ trong một thời gian ngắn anh đã đạt được sự giác ngộ.


Câu chuyện về Aṅgulimla nhắc nhở ta một điều. Đôi khi con người có thể có những hành động rất nhẫn tâm và tàn bạo, nhưng ta nên hiểu rằng đó không phải là tự tính của họ. Có thể vì hoàn cảnh, điều kiện trong cuộc đời đã khiến họ có những cách hành xử bất thiện ấy. Trong trường hợp của Aṅgulimla, đó là vì anh hoàn toàn tin tưởng theo lời hướng dẫn của thầy mình. Và đối với tất cả chúng ta, không phải chỉ riêng gì những kẻ tội phạm, có rất nhiều lý do và điều kiện khác nhau - thiện và bất thiện - đã đưa đẩy làm cho ta có cách hành xử như ngày hôm nay.


Cùng với những bài thiền tập đã trình bày trong sách này, tôi xin được giới thiệu thêm một bài thiền tập niệm tâm từ. Trước hết, bạn bắt đầu bằng cách loại bỏ hết những tư tưởng tự ghét bỏ hoặc tự trách móc mình. Bắt đầu mỗi thời ngồi thiền, bạn hãy tự niệm thầm những câu sau đây, và phải thật sự cảm nhận được sự chân thành của mình:


“Mong sao cho tâm tôi có đầy những tư tưởng từ, bi, hỷ và xả. Mong sao cho tôi được nhiều rộng lượng. Mong sao cho tôi được thoải mái. Mong sao cho tôi được vui vẻ và hạnh phúc. Mong sao cho tôi được khỏe mạnh. Mong sao cho con tim tôi được dịu dàng. Mong sao cho tôi luôn nói lời ái ngữ. Mong sao cho tôi luôn hành động tử tế.


“Mong sao cho những gì tôi thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ sẽ giúp cho tôi nuôi dưỡng thêm tâm từ, bi, hỷ và xả. Mong sao cho chúng giúp tôi được thêm rộng lượng và tử tế. Mong sao cho chúng giúp tôi được nghỉ ngơi. Mong sao cho chúng làm khơi dậy những hành động thân ái trong tôi. Mong sao cho những kinh nghiệm ấy là sẽ nguồn suối của hạnh phúc và an vui. Mong sao cho chúng sẽ giúp tôi giải thoát ra khỏi mọi sự sợ hãi, căng thẳng, lo lắng và bất an.


“Bất cứ nơi nào tôi đến trên thế gian này, trong bất cứ một phương nào, mong sao cho tôi luôn tiếp xúc với mọi người bằng một niềm an vui và thân thiện. Mọng sao cho tôi được bảo vệ trong mười phương khỏi những tham lam, sân hận, ghen tỵ, nhỏ nhen và sợ hãi.”


Khi chúng ta phát triển tâm từ trong ta, ta sẽ thấy rằng nó cũng có mặt trong người khác - cho dù có bị vùi lấp đến đâu. Đôi khi ta phải đào thật sâu, và đôi khi nó hiển nhiên ngay trên bề mặt.

Nhìn xuyên qua những vết dơ bẩn


Đức Phật có kể câu chuyện về một thầy nọ tìm thấy một miếng vải dơ trên đường. Tấm giẻ rách ấy bẩn thỉu đến nỗi thầy ấy không dám sờ tới. Ông ta lấy chân đá nó một hồi cho những thứ dơ bẩn ấy rơi ra bớt. Kinh tởm, ông ta lấy hết can đảm dùng hai ngón tay cẩn thận cầm nó lên đưa ra xa, sợ chạm vào người mình. Dầu vậy, vị thầy ấy vẫn nhận thấy được tiềm năng và giá trị của miếng vải ấy, ông ta mang về và giặt rửa thật nhiều lần cho thật sạch. Cuối cùng, nước giặt trở nên trong, và phía dưới những lớp bẩn thỉu, dơ dáy ấy là một chất liệu có thể sử dụng ích lợi. Vị thầy ấy thấy rằng, nếu ông có thể tìm được thêm những miếng vải như vậy, ông có thể may được cho mình một chiếc y thật tốt.

Cũng vậy, vì một người nào đó có những lời lẽ lỗ mãng và ác độc, người ấy có thể được xem như là hoàn toàn vô dụng. Ta khó có thể nào thấy được những hạt giống và tiềm năng thương yêu trong họ. Nhưng đây chính là chỗ ta nên thực tập sử dụng những phương tiện thiện xảo. Bên dưới lớp vỏ thô lỗ và cục cằn của người ấy, bạn vẫn có thể tìm thấy được một hạt châu sáng chói và tỏa chiếu, nó chính là chân tính của họ.


Một người có thể dùng những lời lẽ thô lỗ đối với người khác, nhưng đôi khi vẫn hành xử rất thương yêu và dịu dàng. Họ có thể là những người “khẩu xà tâm Phật”. Đức Phật so sánh hạng người này với một ao nước bị rong rêu phủ kín. Muốn dùng nước ấy, bạn phải biết dùng tay gạt những rong rêu sang một bên. Cũng vậy, đôi khi chúng ta cũng cần phải bỏ qua những sơ xuất bề ngoài của một người, và nhìn thấy con tim chân thành của họ.


Nhưng nếu một người có lời nói không dễ thương và cử chỉ, hành động cũng không dễ thương thì sao? Hạng người này cũng vẫn có một con tim chân thật. Thử tưởng tượng bạn đang đi trên sa mạc. Bạn không mang theo nước, và chung quanh cũng không có nước. Bạn mệt và khát. Mỗi bước đi làm bạn khát thêm và lại càng khát thêm. Bạn tuyệt vọng, cầu mong cho có nước uống. Và lúc ấy, bạn tìm thấy một dấu chân trâu. Trong dấu chân trâu có một chút nước, nhưng không nhiều lắm vì lỗ rất cạn. Nếu bạn lấy tay vốc nước lên, nó sẽ nổi bùn. Trong cơn khát, bạn quỳ và cúi xuống. Từ từ, bạn đưa miệng mình kề sát xuống và húp từ ngụm nhỏ, chầm chậm, không để cho bùn dơ bị khuấy lên. Mặc dù bùn dơ có mặt nhưng nước vẫn được trong. Bạn có thể làm hết cơn khát của mình. Cũng với cùng một thái độ cố gắng ấy, bạn có thể tìm thấy được một con tim chân thành trong một người mà hoàn toàn có vẻ như không có chút gì muốn hối cải.


Thiền viện của tôi nằm ở một miền đồi núi thuộc vùng đồng quê tiểu bang West Virginia. Khi trung tâm thiền tập này mới mở, có một ông hàng xóm ở cuối đường tỏ vẻ dường như không có thiện cảm với chúng tôi. Mỗi ngày tôi thường đi bộ rất lâu, và mỗi khi thấy ông ta, tôi vẫy tay chào, nhưng lần nào ông cũng nhíu mày và quay đi nơi khác. Dù vậy, lần nào gặp ông tôi cũng đưa tay vẫy chào và phóng gởi những tư tưởng từ bi, tốt lành đến cho ông. Tôi không hề nản lòng trước thái độ của ông ta, tôi không bao giờ bỏ cuộc với ông. Mỗi khi gặp ông, tôi vẫy tay chào. Sau chừng một năm trời, thái độ của ông bắt đầu thay đổi. Ông ta không còn nhíu mày nữa. Tôi cảm thấy rất vui. Sự thực tập ban rải tâm từ có lẽ bắt đầu có hoa trái.


Một năm sau nữa, khi tôi đi ngang ông trong lúc đi bộ, có một phép lạ xảy ra. Ông lái xe đi ngang qua và đưa một ngón tay lên khỏi tay cầm lái. Và tôi nghĩ: “Ồ, thật là tuyệt vời! Từ bi quán có hiệu quả quá!” Và rồi lại một năm nữa trôi qua, mỗi lần gặp ông tôi vẫn vẫy tay chào và chúc lành cho ông. Năm thứ ba, ông giơ hai ngón tay lên về hướng tôi. Và rồi năm kế đó, ông dở lên cả bốn ngón tay khỏi tay cầm lái. Thời gian vẫn trôi qua. Một ngày nọ tôi đang đi trên đường và gặp ông đang cho xe vào ngõ nhà mình. Lần này ông dở hẳn tay mình lên khỏi tay cầm lái, đưa ra bên ngoài cửa xe, và vẫy lại tôi.


Sau đó không lâu, một ngày nọ, tôi gặp ông đậu xe bên một con đường rừng nhỏ. Ông ta ngồi bên phía tay lái và đang hút thuốc lá. Tôi đến cạnh bên ông và chúng tôi bắt chuyện. Lúc đầu chúng tôi nói về chuyện thời tiết, và dần dần, ông bắt đầu kể câu chuyện của ông. Mấy năm trước đây ông bị một tai nạn rất nặng, một cây to ngã đè lên chiếc xe tải của ông. Ông bị gãy hết phần lớn xương trong người và bị hôn mê trong một thời gian rất lâu. Lần đầu tiên tôi gặp ông trên đường, lúc ấy ông cũng mới vừa bắt đầu bình phục. Ông không vẫy tay chào lại tôi không phải vì ông là một người khó chịu, nhưng vì ông không thể cử động hết những ngón tay. Nếu tôi bỏ cuộc thì có lẽ tôi sẽ không bao giờ biết được ông là một người tốt như thế nào! Có một ngày nọ, khi tôi phải đi xa, ông có ghé sang trung tâm để tìm tôi. Ông lo lắng vì đã nhiều ngày không thấy tôi đi bộ. Bây giờ chúng tôi là bạn.

Thực hành niệm tâm từ


Đức Phật dạy: “Ta đem tâm ta quán chiếu khắp thế gian này, và ta không thấy một ai mà lại thương người khác hơn thương chính mình. Vì vậy những ai thương mình nên thực hành niệm tâm từ.” Chúng ta thực hành ban rải tâm từ đến chính mình trước, với chủ ý chia sẻ những tư tưởng thương yêu ấy đến cho người khác. Phát triển cảm thụ ấy. Hãy tử tế với chính mình cho thật trọn vẹn. Chấp nhận mình là như vậy. Làm hòa với những khuyết điểm của ta. Ôm ấp và chấp nhận những yếu kém của mình. Hãy từ tốn và tha thứ cho chính mình ngay trong giây phút này. Nếu có tư tưởng khởi lên, rằng ta phải là như thế này hoặc như thế khác, hãy buông bỏ chúng đi. Hãy để cho những cảm thụ thương yêu và tha thứ này ăn sâu vào trong ta. Để cho năng lực của tâm từ dâng tràn khắp thân và tâm mình. An nghỉ trong sự ấm áp và tỏa sáng của nó. Và rồi nới rộng cảm thụ này đến với người mình thương, người không quen biết, hoặc cũng không thương không ghét - và ngay cả đến những người thù ghét mình nữa!

Tất cả chúng ta hãy tưởng tượng rằng tâm mình được giải thoát ra khỏi mọi ham muốn, sân hận, ganh tỵ và sợ hãi. Để cho những tư tưởng của tâm từ ôm ấp ta và phủ kín ta. Để cho mỗi tế bào, mỗi giọt máu, mỗi nguyên tử, mỗi nguyên tố của thân và tâm ta được thấm nhuần trong tâm từ. Hãy buông thư cơ thể. Hãy buông thư tâm mình. Hãy để cho thân và tâm ta được ngập tràn những ý nghĩ thương yêu. Hãy để cho sự an vui và tĩnh lặng của tâm từ thâm nhập toàn thân ta!


Mong sao cho mọi người, mọi loài trong khắp mọi phương, trong khắp cõi thế giới, đều có trái tim thương yêu. Hãy cầu cho họ có hạnh phúc, hãy cầu cho họ được nhiều may mắn, hãy cầu cho họ được tốt lành, hãy cầu cho họ có được những người bạn tốt và chân thành. Mong sao cho mọi người và mọi loài đều được sống trong cảm thụ của tâm từ - tràn đầy, cao thượng và vô biên. Mong sao cho tất cả không bị ai thù nghịch, không bị lo âu và sầu khổ. Mong sao cho mọi người luôn sống trong hạnh phúc!


Cũng như việc ta đi bộ, chạy bộ, hoặc bơi lội để giúp cho cơ thể được tráng kiện, sự thực tập niệm tâm từ một cách đều đặn sẽ làm con tim mình được vững mạnh. Lúc đầu, nó có thể như là sự thực hành của ta chỉ ở bề ngoài mà thôi. Nhưng khi ta cứ tiếp tục liên tưởng đến những ý nghĩ từ bi một cách đều đặn, nó sẽ trở thành một thói quen, một thói quen rất tốt lành. Theo thời gian, con tim ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, và phản ứng thương yêu của ta sẽ trở nên tự động. Và khi con tim mình đã được vững chãi rồi, ta có thể dễ dàng ban rải tư tưởng từ bi, thương yêu đến những người khó tính nhất.


Mong sao cho những người thù ghét tôi luôn được khỏe mạnh, vui vẻ và an lành. Mong sao cho họ không gặp điều nguy hại nào, không gặp một khó khăn nào. Mong sao cho họ không bao giờ bị đau đớn. Mong sao lúc nào họ cũng được thành công.


“Thành công?” Có người sẽ hỏi: “Làm sao ta có thể cầu mong cho kẻ thù ghét mình thành công được? Nếu như họ muốn giết hại mình thì sao?” Khi chúng ta mong cầu cho người thù ghét mình được thành công, ta không có ý nói về một thứ thành công của thế gian, hoặc thành công trong những việc làm bất thiện hay thiếu đạo đức. Chúng ta có ý nói đến sự thành công thuộc về lĩnh vực tâm linh. Rõ ràng là kẻ thù ghét ta không hề thành công về tâm linh, bằng không họ đã không làm những điều gì có thể gây hại cho ta!


Khi chúng ta nguyện cho kẻ thù ghét mình “Mong cho họ được thành công,” là ta muốn nói rằng “Mong sao cho người thù ghét tôi được thoát khỏi những sân hận, tham lam và ganh ghét. Mong sao cho họ được an vui, dễ chịu và hạnh phúc.” Tại sao một người lại có những hành động tàn nhẫn hoặc không dễ thương? Có lẽ vì người ấy đã lớn lên trong những hoàn cảnh khó khăn hoặc thiếu may mắn. Có lẽ do những nguyên nhân sâu xa nào đó trong cuộc đời người ấy, mà ta không biết đến, đã khiến họ hành xử khó thương như vậy. Đức Phật khuyên ta nên nghĩ đến họ giống như là những người đang bị cơn bệnh khốn đốn hành hạ. Chúng ta có bao giờ bực tức hay giận hờn một người mắc bệnh không? Hay là ta có lòng thương và muốn giúp đỡ người ấy? Có lẽ kẻ thù ghét ta cần nhiều tình thương của ta hơn là những người thân, vì khổ đau của họ lớn hơn gấp bội phần. Vì vậy, họ là những người cần tâm từ của ta nhiều nhất. Chúng ta nên giữ họ trong trái tim mình, như những người thân thương nhất của ta.


Mong sao cho những ai đã làm hại ta sẽ được giải thoát khỏi những ham muốn, sân hận, ganh tỵ và sợ hãi. Hãy để cho những tư tưởng của tâm từ ôm ấp họ và phủ kín họ. Hãy để cho mỗi tế bào, mỗi giọt máu, mỗi nguyên tử, mỗi nguyên tố của thân và tâm họ được thấm nhuần trong tâm từ. Hãy cầu cho họ buông thư cơ thể của mình. Hãy cầu cho họ buông thư tâm mình. Hãy để cho thân và tâm họ được ngập tràn những ý nghĩ thương yêu. Hãy cầu cho sự an vui và tĩnh lặng của tâm từ thâm nhập toàn thân của họ!


Thực tập niệm tâm từ có thể thay đổi được những đường lối suy nghĩ tiêu cực của mình, và củng cố lại những tư tưởng tích cực. Khi ta thực tập niệm tâm từ, tâm ta sẽ được ngập tràn hạnh phúc và an vui. Ta sẽ được an nghỉ. Tâm ta được định. Và khi tâm ta trở nên tĩnh lặng và an vui, mọi sự ghét bỏ, sân hận, và thù hằn sẽ phai mờ đi mất. Nhưng tâm từ không phải chỉ giới hạn trong tư tưởng. Chúng cần phải được biểu lộ ra thành lời nói và hành động của mình. Ta không thể phát triển tâm từ bằng cách cô lập mình với thế giới chung quanh.


Bạn có thể bắt đầu bằng cách nghĩ những tư tưởng tốt lành về tất cả mọi người bạn tiếp xúc mỗi ngày. Nếu có chính niệm, bạn có thể thực hành điều này trong mỗi giây phút bạn tiếp xúc với kẻ khác. Khi bạn gặp một người nào, bạn ý thức rằng, cũng như bạn, người ấy muốn có hạnh phúc và không thích bị khổ đau. Chúng ta ai cũng mong ước điều ấy. Mọi chúng sinh đều muốn điều ấy. Cho đến một con côn trùng nhỏ bé nhất cũng muốn trốn tránh đớn đau. Ý thức được điểm tương đồng này, ta sẽ thấy rằng tất cả mọi sự sống đều rất gần gũi với nhau. Người đàn bà đứng sau quầy hàng trả tiền, người đàn ông bạn qua mặt trên xa lộ, cặp tình nhân trẻ nắm tay nhau băng qua đường, cụ già ngồi trong chiếc ghế công viên cho bồ câu ăn... Mỗi khi bạn gặp một người nào, loài nào, bất cứ một sinh vật nào, hãy ghi nhớ một điều ấy. Hãy mong ước cho họ được hạnh phúc, an vui, và được gặp mọi điều tốt lành. Đó là một sự thực tập có thể thay đổi cuộc đời bạn, và cả những cuộc đời khác chung quanh bạn.


Lúc đầu, có thể bạn sẽ cảm thấy có một sự chống cự lại sự thực tập này. Sự thực tập dường như hơi gượng ép và giả tạo. Có lẽ bạn không thể nào cảm nhận được những loại tư tưởng ấy. Có lẽ bạn cảm thấy mình có thể dễ dàng phóng tâm từ đến một số người này, và lại cảm thấy rất khó khăn đối với một số người khác. Ví dụ, những đứa bé thơ bao giờ cũng dễ khơi dậy lòng thương yêu trong ta, trong khi những người khác lại khó khăn hơn. Hãy quán sát thói quen ấy trong tâm ta. Hãy học nhận diện những tình cảm tiêu cực của mình và chuyển hóa chúng. Với chính niệm, từ từ từng chút một ta có thể làm thay đổi được những phản ứng của mình.


Phóng gửi tư tưởng từ bi đến một người nào, có thật sự thay đổi được người ấy không? Thực tập niệm tâm từ có thể thay đổi được thế giới này không? Khi bạn phóng tâm từ đến những người ở xa hoặc những người mình không quen biết, lẽ dĩ nhiên bạn sẽ không thể nào biết được ảnh hưởng của nó. Nhưng bạn có thể nhận thấy được ảnh hưởng của việc niệm tâm từ trên sự an vui của mình. Điều quan trọng là sự chân thành trong lời mong cầu hạnh phúc của ta cho kẻ khác. Sự thật là ảnh hưởng ấy xảy ra tức thì. Nhưng chỉ có một cách duy nhất để biết được điều này là tự chính mình hãy thử lấy.


Thực tập niệm tâm từ không có nghĩa là ta sẽ hoàn toàn làm ngơ trước những hành động bất thiện của kẻ khác. Nó chỉ đơn giản có nghĩa là ta sẽ đáp ứng lại những hành động ấy bằng một đường lối thích hợp.


Có một vị hoàng tử tên là Abharaja Kumara, một hôm tìm đến gặp Phật và hỏi là có bao giờ đức Phật đối xử khắt khe với một người khác hay không. Lúc ấy, vị hoàng tử đang bế đứa con nhỏ của mình ngồi trong lòng. Đức Phật hỏi: “Này hoàng tử, giả sử như đứa con này của hoàng tử lấy một miếng gỗ nhỏ bỏ vào miệng và ngậm lại, hoàng tử sẽ làm gì?”


Vị hoàng tử đáp: “Nếu nó bỏ một miếng gỗ vào miệng nó, tôi sẽ giữ lấy nó thật chặt và dùng những ngón tay móc vào miệng nó để lấy ra. Dầu nó có khóc la và vùng vẫy mấy đi nữa, tôi cũng sẽ móc cho bằng được miếng gỗ ấy ra khỏi miệng, cho dù nó có bị chảy máu.”


“Tại sao hoàng tử lại làm như vậy?”


“Bởi vì tôi rất thương con của tôi. Tôi muốn cứu lấy mạng sống của nó.”


Đức Phật nói: “Cũng vậy đó, hoàng tử! Đôi khi ta cũng phải khắt khe đối với đệ tử của mình, không phải vì ghét bỏ, mà vì tình thương của ta đối với họ.”


Như vậy là tình thương, chứ không phải lòng sân hận, đã thúc đẩy hành động của ngài. Đức Phật đã cung cấp cho ta năm phương cách để giúp ta đối xử tốt lành với kẻ khác. Đó là năm giới quý báu. Có người cho rằng giới luật làm cản ngăn và giới hạn sự tự do. Nhưng thật ra, chính giới luật đã giải thoát chúng ta. Giới luật giúp ta tránh được những khổ đau mà ta thường gây ra cho chính mình và người khác khi hành xử thiếu chính niệm. Giới luật giúp ta bảo vệ người khác khỏi bị hại, và khi ta bảo vệ người khác là ta cũng đang bảo vệ chính ta! Năm giới quý báu ngăn ngừa chúng ta không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối hoặc nói lời cay độc, và không sử dụng những chất gây say khiến ta hành xử thiếu chính niệm.


Phát triển chính niệm qua thiền tập cũng có thể giúp ta đối xử với người khác bằng tâm từ. Trên tọa cụ, chúng ta theo dõi tâm mình khi có những sự thương ghét khởi lên. Chúng ta học cách thư giãn tâm mình khi các tư tưởng ấy khởi lên. Chúng ta học nhìn những thương ghét chỉ là những trạng thái tạm thời, và rồi buông bỏ chúng. Thiền tập giúp ta nhìn cuộc đời dưới một ánh sáng mới và cho ta một lối thoát. Càng thực tập sâu sắc bao nhiêu, ta sẽ càng trở nên khôn khéo bấy nhiêu!

Đối trị phiền giận


Khi chúng ta giận ai, ta thường trở nên cố chấp và chỉ nhìn thấy được một khía cạnh nhỏ hẹp nào đó của người ấy. Thường thì chỉ trong chừng một vài giây cũng đã đủ để cho ta nói vài lời cay độc, một cái nhìn ghê tởm, một hành động thiếu suy nghĩ... Trong tâm ta, những khía cạnh tốt đẹp khác của người ấy đều bị tiêu tán hết. Tất cả còn lại chỉ là cái phần của người ấy mà đã khơi dậy cơn giận của ta. Khi ta làm điều này là ta đã chấp giữ và cô lập một phần rất nhỏ nhoi, luôn thay đổi, của một con người toàn vẹn, và rồi xem đó là thật, là cố định. Chúng ta không nhìn thấy hết mọi yếu tố và năng lực đã cấu thành con người ấy. Chúng ta chỉ tập trung vào một khía cạnh duy nhất của người đó - cái phần mà đã làm chúng ta nổi giận!

Trong nhiều năm qua, tôi có nhận được nhiều lá thư gửi ra từ trong tù, từ những phạm nhân muốn tìm học Phật pháp. Có nhiều người đã phạm những tội rất nặng, như là giết người. Dù vậy, bây giờ họ đã có một cái nhìn khác biệt và muốn thay đổi đời mình. Tôi có nhận được một lá thư chất chứa nhiều tuệ giác và đã làm tôi xúc cảm rất sâu đậm. Trong lá thư, người ấy kể lại những phạm nhân khác thường hay la hét và chế giễu như thế nào mỗi khi thấy người lính canh xuất hiện. Anh ta cố gắng giải thích cho những tù nhân khác rằng người lính ấy cũng là một con người! Nhưng họ đã bị sự căm thù làm mờ mắt. Tất cả những gì họ thấy chỉ là bộ đồ lính của anh ta, chứ không thấy được một con người phía dưới lớp quần áo ấy!


Khi chúng ta nổi giận đối với một người nào, ta có thể tự hỏi mình như sau: “Có phải tôi đang giận những sợi tóc trên đầu người đó không? Tôi giận da của người ấy? Hay răng của người ấy? Bộ óc của anh ta? Trái tim của anh? Tính hài hước của anh? Sự dịu dàng của anh? Tính rộng rãi của anh? Nụ cười của anh?...” Và khi chúng ta chịu bỏ thì giờ ra để xem xét hết tất cả những yếu tố và tiến trình cấu thành người ấy, cơn giận của ta tự nhiên sẽ nhẹ xuống.


Bằng sự thực tập chính niệm, chúng ta học cách nhìn lại mình và người khác được rõ ràng hơn. Sự hiểu biết ấy sẽ giúp chúng ta đối xử với kẻ khác bằng một tình thương. Trong mỗi chúng ta là một cốt lõi của sự tốt lành. Trong nhiều trường hợp, như trường hợp của Aṅgulimla, chúng ta không thể nào nhìn thấy được chân tính của họ. Hiểu được ý niệm về vô ngã sẽ giúp con tim ta được nhẹ nhàng hơn, và giúp ta dễ tha thứ hơn cho những hành động khó thương của người khác. Chúng ta sẽ biết đối xử với chính mình và kẻ khác bằng tâm từ.


Nhưng nếu người khác muốn làm hại ta thì sao? Nếu người khác lăng mạ, sỉ nhục ta thì sao? Có thể bạn sẽ muốn trả đũa lại - và đó cũng chỉ là một phản ứng bình thường thôi. Nhưng rồi nó sẽ dẫn đến đâu? Kệ số 5 kinh Pháp Cú dạy rằng: “Hận thù không thể tiêu diệt được hận thù.” Một phản ứng sân hận chỉ đưa đến thêm nhiều sân hận. Và nếu bạn đem từ bi đáp lại cho hận thù, sự sân hận của người kia sẽ không thể nào tăng trưởng. Dần dần nó sẽ phai mờ đi. Cũng bài kệ trên trong kinh Pháp Cú viết tiếp: “Chỉ có tình thương mới diệt được hận thù.”


Một người luôn để tâm thù nghịch đức Phật là Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) có bày mưu để giết ngài. Ông ta xúi giục vua Ajtasattu (A-xà-thế) cho một con voi uống rượu say và thả nó chạy đến nơi mà ông biết đức Phật đang có mặt. Mọi người trên đường thấy con voi say hung hăng như điên cuồng đều hoảng sợ bỏ chạy. Gặp đức Phật đang đi trên đường, họ báo cho ngài hay và bảo ngài nên tránh đi. Nhưng đức Phật vẫn tiếp tục đi tới. Thấy vậy, thầy nanda, thị giả của Phật, nghĩ rằng mình phải ngăn chặn con voi điên ấy lại. Khi thầy nanda bước ra chặn phía trước đức Phật để bảo vệ ngài, đức Phật bảo nanda hãy tránh sang một bên. Sức mạnh của thầy nanda không thể nào ngăn chận được con voi say ấy!


Khi con voi say tiến đến gần đức Phật, nó nhấc cao đầu lên, hai tai mở to như hai cánh quạt, vòi nó đưa lên cao một cách điên cuồng. Đức Phật chỉ đứng yên ngay trước mặt nó và phóng rải tâm từ của ngài đến con thú ấy - và con voi say đứng sựng lại. Đức Phật dịu dàng đưa bàn tay của ngài lên, lòng bàn tay hướng về phía con thú dữ, ban phóng tình thương của ngài đến cho nó. Con voi từ từ qùy xuống, khuất phục ngoan ngoãn như một con cừu. Chỉ bằng năng lực của tâm từ, đức Phật đã có thể khuất phục được một con thú dữ điên cuồng!


Phản ứng sân hận đối lại với sân hận là một phản ứng có điều kiện. Nó là kết quả của một sự huấn luyện hơn là một bản chất tự nhiên của ta. Nếu khi còn thơ, chúng ta được huấn luyện thực tập kiên nhẫn, dịu dàng và từ tốn, thì tâm từ sẽ trở thành một phần của đời mình. Nó trở thành một thói quen. Bằng không, sân hận trở thành thói quen. Nhưng dù vậy, dầu đã trưởng thành, chúng ta vẫn có thể thay đổi được cái thói quen phản ứng của mình. Chúng ta vẫn có thể tập cho mình phản ứng theo một cách khác.


Có một câu chuyện khác về cuộc đời đức Phật có thể dạy cho chúng ta cách đáp lại những lời nặng nề và sự sỉ nhục của kẻ khác. Có một người thù nghịch với đức Phật, mua chuộc một cô gái điếm tên là Cinca đến để bêu xấu và làm nhục Phật. Cinca bó những thanh gỗ nhỏ lại và độn vào trong bụng, phía dưới áo, để trông giống như một người đang mang bụng chửa. Trong khi đức Phật đang giảng Pháp cho một thính chúng vài trăm người, cô bước ra trước đức Phật và nói: “Này ông lừa đảo kia. Ông làm bộ như mình là một người thánh thiện để giảng đạo cho hàng trăm người này. Nhưng hãy nhìn xem ông đã làm gì với tôi! Tôi mang cái bụng này là do ông đó.” Đức Phật vẫn điềm tĩnh, không chút tức giận, không thù ghét. Với một giọng đầy từ bi và thương yêu, đức Phật nói với Cinca: “Này cô kia, ở đây chỉ có cô và tôi là biết được việc gì đã xảy ra.” Cinca bị bất ngờ khi nghe câu trả lời của đức Phật. Vì quá lúng túng nên khi bước ra cô bị vấp té. Sợi dây bó những thanh gỗ bị đứt tung và chúng rơi xuống đất. Bụng cô nhỏ lại, và mọi người đều thấy được cái mưu chước gian dối của cô. Vài người trong đám đông muốn đánh phạt cô, nhưng đức Phật ngăn lại: “Đừng làm như vậy! Đó không phải là cách ta đối xử với cô ta. Ta nên đem giáo lý để chỉ dạy cho cô ta. Và đó mới là điều thích hợp.” Sau khi nghe đức Phật giảng dạy, tâm tính của cô Cinca hoàn toàn thay đổi. Cô trở nên hiền lành, dễ thương và lòng đầy tâm từ.


Khi có một người nào muốn làm cho bạn tức giận hoặc làm gì để hại bạn, hãy giữ những tư tưởng tốt lành của mình đối với người ấy. Đức Phật dạy: Một người trong tâm tràn ngập những tư tưởng từ bi cũng giống như mặt đất. Người ta có cố gắng làm tiêu hoại đất bằng cách dùng cuốc để đào xới lên, nhưng đó chỉ là những việc làm vô ích. Cho dù họ có đào xới trọn đời mình, hoặc nhiều đời đi chăng nữa, mặt đất này vẫn không suy suyễn. Quả đất này vẫn nguyên vẹn, vẫn tròn đầy. Cũng giống như đất, đối với một người có tâm từ sự tức giận sẽ không thể nào chạm tới được.


Trong một câu chuyện khác về cuộc đời của đức Phật, có một người tên là Akkosina, có nghĩa là “không còn sân hận”. Nhưng thật ra anh ta lại hoàn toàn ngược lại: anh rất nóng tính. Khi anh ta nghe nói rằng đức Phật không bao giờ nổi giận với bất cứ ai, anh quyết định tìm gặp. Khi thấy đức Phật, anh ta đến trước mặt ngài và bắt đầu chửi rủa thậm tệ, anh dùng đủ mọi từ ngữ xấu xa để sỉ nhục đức Phật. Sau một hồi, anh ta im lặng vì thấm mệt. Khi ấy, đức Phật hỏi anh có người thân hay bạn bè gì không. Anh trả lời: “Có chứ.”. Ngài lại hỏi: “Khi anh đến thăm những người ấy, anh có thường mang quà tặng họ không?” Anh đáp: “Lẽ dĩ nhiên, lúc nào ta cũng mang theo quà.” Đức Phật hỏi: “Nhưng nếu họ không nhận quà của anh thì anh làm gì?” “À, thì ta mang về nhà cho mình và gia đình mình hưởng thụ.”


Đức Phật nói: “Cũng giống như vậy, hôm nay anh đến đây và mang cho tôi những món quà, nhưng tôi không nhận. Anh hãy mang chúng về nhà cho gia đình của anh.”


Với sự kiên nhẫn, khôn khéo và từ bi, đức Phật kêu gọi chúng ta hãy thay đổi lối suy nghĩ của mình về những “món quà” tức giận của kẻ khác.


Nếu chúng ta đáp lại những lời lẽ sỉ nhục, giận dữ bằng chính niệm và tâm từ, ta sẽ có thể nhìn được vấn đề một cách trọn vẹn và rõ rệt hơn. Có thể người kia không hề ý thức được những gì mình nói. Có thể những lời ấy không hề có ác ý gì đối với ta. Chúng có thể hết sức thật thà và vô tình. Có lẽ vì tâm trạng của ta lúc nghe những lời ấy không được tốt đẹp lắm. Có lẽ ta không nghe rõ được tất cả hoặc là hiểu lầm ý của người kia. Cẩn thận xem xét lại những gì họ nói cũng là một điều rất cần thiết. Nếu chúng ta vội nổi giận, ta sẽ không thể nào thấy được cái thông điệp phía sau những lời ấy. Có thể người ấy muốn nêu lên một điều gì đó, mà ta cũng cần lắng nghe.


Chúng ta, ai cũng đều có gặp những hạng người chuyên “chọc tức” mình. Thiếu chính niệm và tâm từ, chúng ta sẽ tự động phản ứng bằng sân hận hoặc ghét bỏ. Với chính niệm, chúng ta có thể thấy được rõ những phản ứng của tâm mình đối với một số lời nói và hành động. Cũng giống như lúc đang ngồi trên tọa cụ, ta có thể theo dõi sự khởi lên của những ham muốn và ghét bỏ. Chính niệm cũng giống như một tấm lưới an toàn, bảo vệ ta khỏi những hành động bất thiện. Chính niệm giúp cho ta có thì giờ, và thì giờ sẽ giúp cho ta có sự chọn lựa. Chúng ta không cần để cho những cảm thụ của mình lôi cuốn đi. Ta có thể đáp ứng bằng tuệ giác thay vì là si mê.

Niệm tâm từ


Niệm tâm từ không phải là những gì chúng ta làm khi ngồi yên một chỗ trên tọa cụ: suy nghĩ, suy nghĩ và suy nghĩ... Chúng ta cần phải để cho năng lực của tâm từ biểu lộ ra trong mỗi sự tiếp xúc của mình với kẻ khác. Tâm từ là một nguyên lý nền tảng của mọi tư tưởng, lời nói và hành động tốt lành. Với tâm từ, ta sẽ nhận thấy rõ được những nhu cầu của kẻ khác và sẵn sàng để giúp họ. Với tâm từ, ta cảm nhận được một niềm vui chân thật trước sự thành công của kẻ khác. Chúng ta cần có tâm từ để sống và làm việc hài hòa với những người chung quanh. Tâm từ sẽ bảo vệ chúng ta khỏi những khổ đau do lòng sân hận và ganh tỵ gây nên. Khi chúng ta nuôi dưỡng được tâm từ, tâm bi, tâm hỷ và tâm xả, không những ta sẽ làm cho cuộc sống của những người chung quanh được dễ chịu hơn, mà chính cuộc đời ta cũng sẽ trở nên an vui và hạnh phúc hơn. Năng lực của tâm từ, cũng giống như ánh sáng mặt trời tỏa chiếu, tác dụng của nó là vô biên và vô tận.

Mong sao cho tất cả những ai đang bị giam cầm, dầu hợp pháp hay không hợp pháp, đang ở trong sự kiềm chế của cảnh sát, trên khắp thế giới, sẽ được đối xử hạnh phúc và an vui. Mong sao cho họ thoát khỏi mọi tham lam, sân hận, thù hằn, ganh tỵ và sợ hãi. Hãy cho thân và tâm họ được tràn ngập những tư tưởng từ bi. Hãy để cho sự bình an và tĩnh lặng được thấm nhuần toàn thể thân và tâm của họ.

Mong sao cho tất cả những ai đang nằm trong các bệnh viện, đang chịu đựng những khổ đau vì bệnh tật sẽ được gặp nhiều an vui và hạnh phúc. Mong sao cho họ thoát khỏi mọi đau đớn, sầu khổ, thất vọng, lo âu và sợ hãi. Cầu cho những tư tưởng từ bi này ôm ấp họ, trùm phủ họ. Cầu cho thân và tâm họ được tràn ngập những tư tưởng từ bi.

Mong sao cho tất cả những bà mẹ đang sanh nở được gặp nhiều an vui và hạnh phúc. Cầu cho mỗi giọt máu, mỗi tế bào, mỗi nguyên tử, mỗi nguyên tố trong toàn thể thân và tâm của họ được tràn ngập những tư tưởng từ bi.

Mong sao cho tất cả những đứa trẻ bị lạm dụng và ngược đãi bởi người lớn được gặp nhiều an vui và hạnh phúc. Mong sao cho các em luôn được tràn đầy những tư tưởng từ, bi, hỷ và xả. Mong sao cho các em lúc nào cũng được nhẹ nhàng. Mong sao cho các em được thư thái. Mong sao cho trái tim các em được dịu êm. Mong sao cho những lời em nói được dễ thương. Mong sao cho các em được thoát khỏi mọi sự sợ hãi, căng thẳng, lo lắng và bất an.

Mong sao cho tất cả những nhà lãnh đạo đều rộng lượng, tử tế và thương yêu. Mong sao cho họ cảm thông và hiểu được những kẻ bị trị, những người thấp cổ bé miệng, nghèo khó, bị áp bức và kỳ thị. Mong sao cho trái tim của họ yếu mềm trước nỗi khổ của dân chúng. Cầu cho những tư tưởng từ bi này ôm ấp họ, trùm phủ họ. Cầu cho mỗi giọt máu, mỗi tế bào, mỗi nguyên tử, mỗi nguyên tố trong toàn thể thân và tâm của họ được tràn ngập những tư tưởng từ bi. Hãy để cho sự bình an và tĩnh lặng được thấm nhuần toàn thể thân và tâm của họ.

Mong sao cho tất cả những kẻ bị trị, những người thấp cổ bé miệng, nghèo khó, bị áp bức và kỳ thị, được gặp nhiều an vui và hạnh phúc. Mong sao cho họ thoát khỏi mọi đau đớn, sầu khổ, thất vọng, lo âu và sợ hãi. Mong sao cho mọi người ở mười phương thế giới được an lành, hạnh phúc và an vui. Mong sao cho họ có được kiên nhẫn, can đảm, hiểu biết và sự cương quyết để vượt qua mọi khó khăn, thử thách và những thất bại trong cuộc đời. Cầu cho những tư tưởng từ bi này ôm ấp họ, trùm phủ họ. Cầu cho thân và tâm họ được tràn ngập những tư tưởng từ bi.

Mong sao cho mọi chúng sinh ở mọi nơi, trong bất cứ hình dạng nào, với hai chân, bốn chân, nhiều chân, hoặc không chân, đang sinh ra hoặc sắp được sinh ra, trong kiếp này hoặc kiếp sau, đều có được một tâm an vui. Mong sao sẽ không có loài nào lường gạt hoặc khinh miệt loài nào. Mong sao sẽ không có loài nào sát hại loài nào. Đối với tất cả mọi chúng sinh, mong sao cho tôi có được một con tim vô biên, trên, dưới, và khắp chung quanh, không bị ngăn ngại bởi thù hận hoặc ganh ghét. Mong sao cho mọi chúng sinh đều được thoát khỏi khổ đau và có được một hạnh phúc hoàn toàn.

Tâm từ vượt ra mọi biên giới của tôn giáo, văn hóa, địa lý, ngôn ngữ và quốc gia. Nó là một quy luật chung và cổ xưa, buộc chặt tất cả chúng ta lại với nhau - không phân biệt ta có một hình dạng nào. Tâm từ cần được thực tập một cách vô điều kiện. Cái đau của kẻ thù ghét tôi cũng là cái đau của tôi. Cái giận của họ cũng là cái giận của tôi. Tâm từ của họ là tâm từ của tôi. Nếu họ vui, tôi cũng vui. Nếu họ an ổn, tôi cũng thấy an ổn. Nếu họ khỏe mạnh, tôi cũng khỏe mạnh. Cũng như chúng ta chia sẻ với nhau những khổ đau không phân biệt, ta cũng nên chia sẻ tâm từ với tất cả mọi người, ở mọi nơi. Không có một quốc gia nào có thể tồn tại mà không cần nương tựa vào sự giúp đỡ của những quốc gia khác, và cũng không có một cá nhân nào là cô lập. Muốn sinh tồn, chúng ta cần phải có những loài khác, nhất là những loài rất khác biệt với mình. Sự thật đơn giản là như vậy. Chính vì những sự khác biệt ấy mà sự thực tập tâm từ là một điều hoàn toàn cần thiết. Nó là sợi dây buộc chặt tất cả chúng ta lại với nhau!

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]