Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

05 Ngày thứ ba. Buổi thứ nhất.

11/01/201112:27(Xem: 8900)
05 Ngày thứ ba. Buổi thứ nhất.

TRỊ TÂM SÂN HẬN
Năng Lực Nhẫn Nhục Theo Quan Điểm Của Phật Tử.
Nguyên bản: "Healing Anger" by His Holiness Dalai Lama
Dịch giả: Thích Hằng Đạt


Ngày thứ ba. Buổi thứ nhất.

Phần trên, ngài Tịch Thiên đã bàn qua cách đối phó những sự tổn hại gây cho thân mình. Từ đây, Ngài giải thích cách thức tránh nổi lửa sân khi gặp kẻ phá hoại vật sở hữu của mình.

64. Khi kẻ khác hủy báng hay hủy phá Pháp Bảo như các thánh tượng, kinh điển, v.v..., nếu tôi thù hằn họ thì là việc sai trái, vì Tam Bảo không thể bị tổn hoại.

Trong bài kệ trên, ngài Tịch Thiên nói rằng người Phật tử cố biện minh cho việc tức giận kẻ hủy hoại tượng Phật, hủy báng Tam Bảo, v.v... vì đó là những thánh vật rất quý báu, và vì muốn hộ trì Phật pháp. Ngài Tịch Thiên bảo rằng không đúng cho lắm. Thực ra, chúng ta phản ứng tiêu cực như thế chỉ vì bất bình. Tuy nhiên, những thánh vật đó không thể nào bị tổn hoại.

65. Phảitránh thù hận những kẻ hãm hại thầy Tổ, bạn bè, thân quyến của mình. Ngược lại, như đã bàn, phải xem những việc đó phát sanh từ nhân duyên.

Trong bài kệ này, ngài Tịch Thiên bảo rằng thù hận những kẻ hãm hại thầy tổ, bạn bè, thân quyến của mình cũng không đúng. Trong những trường hợp đó, vì tạo nghiệpxấu trong quá khứ, nên nay họ mới bị hãm hại. Lại nữa, đôi khi có nhiều nhânduyên liên hệ. Sự hãm hại của kẻ khác có thể liên hệ với thái độ của bạn bè chúng ta. Thế nên, chúng ta phải xem xét những nhân duyên đó và chớ thù hận.

66. Tại sao chỉ thù hằn loài hữu tình, trong khi loài vô tình cũng góp phần gây tổn hại?Tôi phải kiên nhẫn chấp nhận tất cả sự tổn hại.

Trong bài kệ này, ngài Tịch Thiên nói rằng bàn về các nhân duyên liên hệ đến sự tổn hại (như đã bàn), có những đối tượng hữu tình và vô tình. Tuy nhiên, tại sao chúng ta đặc biệt tính toán, chọn lựa, và giữ tâm hiềm thù với những đối tượng hữu tình?

67. Có người do ngu si mà làm hại, có người do ngu si mà nổi sân, vậy thì ai có lỗi, ai không lỗi?

Nơi đây,ngài Tịch Thiên đưa ra sự cân xứng giữa hai bên. Kẻ hãm hại chúng ta hay bạn bè của chúng ta, vì hắn ngu muội về hậu quả xấu. Nếu bất bình nổi giận kẻ đó, thì chúng ta cũng là kẻ ngu. Hai hành động đó đối xứng với nhau, thì ai đúng ai sai? Kẻ ác lẫn người sân đều ngu muội.

68. Vì xưa kia gây nghiệp xấu, nên nay mới bị hãm hại. Mọi việc đều liên hệ đến hành vicủa tôi, thì tại sao tôi thù hận kẻ đó?

Trong bài kệ này, ngài Tịch Thiên đáp lại sự phản ứng thông thường; để biện hộ sự thùhận, chúng ta nói rằng đó là hai trường hợp khác biệt: 'Ngay lúc đầu, tôi chỉlo việc của mình, chứ nào chọc tức họ đâu, nhưng lại bị hại. Do đó, trong trườnghợp đặc biệt này, tức giận họ là điều đáng làm'.

Ngài Tịch Thiên bảo rằng về việc này, chúng ta chưa suy nghĩ chính chắn. Nếu xem xét cẩnthận, sẽ thấy rằng chính mình phải chịu trách nhiệm vì đó là quả báo xấu của mình. Do đó, không thể nói: 'Tôi hoàn toàn vô tội trong trường hợp này'.

69. Đã nhận ra, tôi phải cố gắng vươn mình tạo công đức để chắc chắn trang trải tình thương đến mọi người.

Trong bài kệ trên, ngài Tịch Thiên kết luận rằng sau khi hiểu những lời giải thích trước kia, chúng ta phải phát nguyện: 'Kể từ nay, tôi nguyện nhắc mình và người sống hòa hợp và trải rộng lòng từ bi'.

70. Ví dụ, khi lửa từ nhà này cháy lan sang nhà khác, điều hay nhất là phải vứt bỏ rơm và những vật dễ cháy.

71. Cũngvậy, khi lửa sân cháy tràn sang những gì mà tôi đắm chấp, thì tôi phải lập tức dập tắt nó, vì e rằng công đức sẽ ra tro.

Trong hai bài kệ trên, ngài Tịch Thiên nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc đương đầu với tâm chấp trước vì nó chính là cội gốc của sân hận. Ngài đưa ra một ví dụ rằng nếuthấy lửa cháy nhà, thì tức khắc phải dập tắt những cọng rơm đang cháy để đảm bảo rằng ngọn lửa này không cháy lan sang những căn nhà khác. Cũng vậy, khi lửa sân nổi lên, nó sẽ cháy lan tràn nhờ nhiên liệu chấp trước. Thế nên, phải cố gắng tẩy trừ tâm chấp trước. Nói chung, trong kinh điển Đại Thừa trình bày lý tưởng Bồ Tát hay 'Cách sống'; trong quyển Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận, ngài TịchThiên nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đối phó với sân hận, cũng như làm sao để tự thủ hộ và tẩy trừ nó. Tuy nhiên, Ngài nhấn mạnh rằng có những trường hợpngoại lệ mà chấp trước có thể hỗ trợ Bồ Tát làm việc lợi tha. Tuy vậy, tham trước vẫn là cội gốc của sân hận.

Khác vớichấp trước, khi sân hận nổi lên nó rất tai hại, thô lỗ, và có đặc tánh gây bấn loan. Ngược lại, chấp trước nhẹ nhàng hơn. Nhưng, chấp trước cũng là cội gốc của sân hận. Để tẩy trừ hoàn toàn sân hận, chúng ta cũng phải đối đầu với chấp trước.

Tuy đôi khi chấp trước hỗ trợ Bồ Tát làm việc lợi tha, nhưng đó không phải là bản chất của nó, mà nhờ Bồ Tát dùng phương tiện thiện xảo xử dụng nó; nghĩa là nên nhớ rằng trên căn bản, chấp trước vốn là cội gốc của vòng luân hồi.

Lại nữa,nhiều sự gây gỗ trong gia đình do chấp trước gây ra. Có nhiều loại chấp trước khác nhau tùy theo đối tượng. Điển hình, do chấp trước vào hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị, xúc chạm v.v... nên vấp phải bao vấn đề. Có lẽ tâm chấp trướcvào ái dục mạnh mẽ nhất. Kinh điển thuyết rằng nó có liên hệ đến sự chấp trước của năm căn. Do đó, nó mạnh mẽ hơn hết và có khả năng gây bao vấn đề rắc rối.

Tuy nhiên, tôi không biết việc đắm chấp vào tiền bạc thuộc về loại nào, vì không thể bảo rằng đắm chấp vào hình tướng đẹp đẽ hay âm thanh diệu dàng của tiền bạc. Với tiền bạc, chúng ta có thể có được rất nhiều đối tượng dục lạc, nên mới đắm chấp vào nó mạnh mẽ.

Bàn về nam tính và nữ tính, tôi nhận thấy hai nhân tính này chủ yếu liên hệ với nhau quaái dục. Đôi khi, con người kết duyên với nhau qua ái dục với động cơ tìm sự thỏamãn tạm thời. Tuy nhiên, tôi thiết nghĩ mối quan hệ đó không vững vàng đáng tin cậy vì họ không dựa vào tình người mà chỉ dựa vào thú vui xác thịt. Ngược lại, có loại quan hệ tình dục không dựa vào nhục thể, mà chủ yếu nhấn mạnh về việc tôn trọng và hiểu rõ phẩm giá lẫn nhau như thấy rằng họ tử tế, hiền hậu, nhã nhặn.Ngoài việc cần thời gian tìm hiểu để thông cảm lẫn nhau, bất cứ mối quan hệ tình dục nào dựa vào điều này sẽ được dài lâu, đáng tin cậy, và chân chánh; ở đây, hai bên có ý thức trách nhiệm qua việc cam kết với nhau. Ngược lại, trong trường hợp trước chưa đủ những yếu tố đó, vì chỉ muốn thỏa mãn tạm thời.

Như đã bàn luận, trong nội tâm của mọi người đều có nhiều điều mâu thuẫn. Đôi khi, vì vọng niệm trước và sau giằng co với nhau suốt ngày, khiến chúng ta phải cố gắng hết sức hòa giải chúng, nên lắm lúc sanh bịnh nhức đầu. Do đó, vì giữa hai người, giữa cha mẹ con cái, giữa anh chị em, đều có sự khác biệt, nên hẳn nhiên có sự xung đột và bất đồng. Để giải quyết những vấn đề đó phải có niềm tự tín về khả năng hòa hợp.

72. Bị chặt tay rồi được tha bổng, vậy thì tử tội có phải may mắn lắm không? Cũng vậy, phải chịu đau khổ của kiếp người có phải may mắn hơn là bị đọa địa ngục chăng?

73. Khổ đau nhỏ nhặt trong hiện tại không thể chịu đựng nổi, huống gì khổ đau cùng cực ởđịa ngục chỉ vì lửa sân tạo ra?

Trong hai bài kệ trên, ngài Tịch Thiên giải thích rằng muốn tự bảo vệ và tránh quả báo xấu trong tương lai, chớ nên thù hận kẻ hại mình; nghĩa là khi gặp khó khăn hay bịhại mà vẫn nhẫn nhục chịu đựng thì sẽ tránh hậu quả xấu về sau. Nhờ biết cách giải quyết và gạt bỏ những việc nhỏ nhặt, chúng ta sẽ có kinh nghiệm đương đầu với những việc trọng đại mai sau. Ngài đưa ra ví dụ rằng để được phóng thíchtránh khỏi tội chết, tử tội phải bị chặt tay, thì hắn có mừng lắm không? Nghĩalà hy sinh chịu khổ đau nhỏ nhặt (bị chặt tay) để tránh nổi khổ cùng cực (bị xử tử). Ngài lại nói rằng khi bị hại mà vẫn hành hạnh nhẫn nhục thì sẽ được hai lợi ích: Thứ nhất, tránh gây quả báo xấu về sau. Thứ hai, giảm bớt ghiệp xấu xưa kia.

Kiên nhẫn chấp nhận những thử thách nhỏ nhặt cũng giúp có cơ hội hành trì những pháp môn khác. Có thể phát nguyện hồi hướng 'Nhờ chịu khổ đau, nguyện cho con tịnh hóa nghiệp xấu xưa kia'. Chúng ta cũng dùng dịp đó để hành hạnh 'tong-len', tức là hạnh 'Thủ và Xả'. Vì thế, khi chịu đựng khổ đau, phải suy nghĩ: 'Nguyện khổ đau này thay thế tất cả khổ đau của chúng sanh để họ được an lạc'. Nghĩa là phảidùng cơ hội chịu đựng khổ đau để phát nguyện thay thế chúng sanh chịu khổ.

Đặc biệt, lời giáo huấn này rất hữu ích khi gặp bịnh hoạn. Dĩ nhiên, trước hết việc quan trọng là phải dùng mọi cách phòng ngừa nỗi khổ vì bịnh hoạn như kiên cử ăn uống đúng cách. Kế đến, khi bị bịnh, chớ xem thường thuốc thang trị liệu cần thiết. Ngoài ra, cũng có sự khác biệt lớn lao trong cách đối phó bịnh tật; nhờ có thái độ thích ứng, chúng ta tự cứu mình tránh khỏi những nỗi khổ tinh thần như than van, hối tiếc, tràn ngập bao nỗi lo âu sầu muộn, v.v... Dù chưa giảm được nỗikhổ của xác thân, nhưng hãy suy nghĩ: 'Nhờ kinh nghiệm này, nguyện cho tôi cứu giúp những ai phải bị chịu khổ như thế'.

Đó là cơhội tu đạo, tức là hành hạnh 'tong-len (Thủ và Xả)'. Chắc chắn pháp môn này giúp chúng ta tránh bớt nỗi khổ tinh thần, dù bịnh tình chưa hẳn được bình phục. Lại nữa, thay vì buồn rầu than vãn, hãy vui mừng và xem cơn bịnh như một đặc ân, giúp cuộc sống được tươi đẹp hơn.

Đôi khi,do hiểu lầm thuyết nhân quả, chúng ta quen đổ lỗi mọi việc cho nghiệp, rồi xuôi tay, lẫn tránh trách nhiệm. Thật sự, có thể nói dễ dàng: 'Tôi bất lực không biết phải làm gì vì đây là quả báo của nghiệp xấu xa xưa'. Đó là sự hiểu sai lầm hoàn toàn về nghiệp, vì dù phải chịu khổ đau do quả báo xấu, nhưng không có nghĩa rằng hết cách chọn lựa hay hết hy vọng chuyển nghiệp. Cũng vậy, trong mọi khía cạnh của cuộc sống, chớ nghĩ tiêu cực rằng tất cả đều là định nghiệp, mà không hành động tích cực để chuyển nghiệp. Nếu có chánh kiến về nghiệp, nên hiểu rằng nghiệp nghĩa là 'hành vi', tức là tiến trình thay đổi tích cực.

Nghiệp (hay hành vi) bao gồm hành động do một tác nhân tạo tác trong quá khứ (trong trường hợp này là chính mình). Nói rộng hơn, hành động hiện tại định đoạt tương laitrong tầm tay; nghĩa là hiểu nghiệp với cách nhìn tích cực. Điều này chứng tỏ rằng tác nhân đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định hướng đi của nghiệp. Ví dụ đơn giản, muốn nuôi sống thân thể, phải tự tìm thức ăn, rồi nấu nướng đểdùng. Việc này chứng minh rằng nhờ tích cực làm mới đạt đến mục đích đơn giản như thế.

74. Để thỏa mãn dục vọng, tôi tạo nghiệp xấu, rồi bị hành phạt khổ sở trong địa ngục. Tuy nhiên, những hành vi đó không thể làm mãn nguyện mình và người.

75. Thựcsự tôi phải vui mừng vì sự tổn hại kia nào bằng một phần của việc làm đầy ý nghĩa lớn lao: Chịu khổ thay cho chúng sanh để họ không bị tổn hại.

Trong những bài kệ này, ngài Tịch Thiên giải thích rằng những nỗi gian truân gặp phải trên bước đường hành hạnh lợi tha và nhẫn nhục, nào sánh bằng những nỗi khổ ở các cõi thấp hèn. Nhờ hành trì và hành hạnh lợi tha, chắc chắn sẽ giải quyết được những nỗi khổ trong hiện tại.

Thiền quán.

Hãy thiền quán về lòng từ bi bằng cách quán tưởng một chúng sanh đang bị bịnh tật hành hạ hay gặp hoàn cảnh bất hạnh. Kế đến, cố gắng gieo duyên với họ bằng cách nghĩrằng giống như mình, họ cũng cảm nghiệm buồn vui. Kế tiếp, hãy rãi tâm từ bi thông cảm hoàn cảnh khổ đau bất hạnh của họ.

Như lúc trước, chúng ta hãy dùng ba phút đầu để hành thiền quán chiếu như nghĩ về khổ, cảnh trạng bất hạnh của khổ, v.v... Kế tiếp, cố gắng nhất tâm phát nguyện: 'Nguyện cho chúng sanh thoát khổ', và 'Tôi sẽ cứu độ họ hết khổ'.

Nói chung, có hai loại thiền quán chủ yếu. Loại thứ nhất, quý vị chọn ra đề mục thiền quán. Ví dụ, trong trường hợp thiền quán về lý vô thường hay tánh Không, không thể suy nghĩ về bản chất của chúng, mà phải nhất tâm quán chiếu chúng như đề mụcthiền quán. Loại thiền quán khác là phát khởi tâm niệm hướng vào một cảnh giớiđặc biệt. Ví dụ, để thiền quán về tâm từ bi, không thể dùng tâm đó làm đề mục thiền quán, mà phải hướng tâm sống với tâm đó.

Tôi thiết nghĩ theo định nghĩa, phải hiểu rằng khi phát triển tâm từ bi, quý vị đang cốgắng chia xẻ nỗi khổ của chúng sanh; nghĩa là tự nguyện chấp nhận gánh thêm khổ đau. Trong khoảnh khắc, có thể cảm thấy bực bội đôi chút, nhưng ẩn tàng sự tỉnh giác rằng vì mục đích cao thượng và vì lòng từ bi, mình tự nguyện chịu khổ thay người. Điều này trái ngược với tâm tư lo lắng cho mình vì bị cơn bịnh hành hạ, thiêu đốt làm tê liệt các căn. Vì vậy, nên nhớ rằng càng tự nguyện thay người chịu khổ nhiều chừng nào, thì càng tăng cường ý chí và sự tỉnh giác bấy nhiêu.

Có nhiềungười hiểu lầm về ngài Lãng Nhật Đường Ba (Langgri Tangpa), vị đại hành giả thiền quán về lòng từ bi, với biệt hiệu là 'Lạt Ma rơi lệ'. Ngài thường rơi lệ vì tâm niệm đạt đến cảnh giới 'Sugata' rốt ráo hoan hỷ về mình và người; nghĩa là 'đến bờ kia' hay 'vượt xa', và là cảnh giới hoàn toàn hoan hỷ, an lạc. Tóm lại, Ngài không phải khóc vì muốn khổ đau, mà muốn mình cùng người đi đến cảnh giới hạnh phúc an lạc.

Hỏi: XinNgài giải thích về mối liên hệ giữa sự sợ hãi và thù hận, cùng sự sợ hãi và nhẫn nhục.

Đáp: Có nhiều loại sợ hãi. Loại thứ nhất, dựa vào lý do chính đáng mà sợ hãi. Loại thứhai, do tâm tưởng tượng nên sanh ra sợ hãi. Tôi thiết nghĩ loại thứ hai đến từ quả báo xấu sâu xa, và là cảnh giới đau khổ. Tôi thiết nghi, lo sợ vọng niệm xấuxa của mình là loại sợ hãi chính đáng. Vọng niệm xấu xa phóng đại sự thù nghịch, khiến mình sợ kẻ khác. Vì thế, đôi khi thù hận dẫn đến sợ hãi.

Đối với mối liên hệ giữa sợ hãi và nhẫn nhục, tôi không biết.

Hỏi: Phải chăng thà tránh giận người, còn hơn học cách đối phó sân hận?

Đáp: Điều này rất đúng. Thật ra, vào lúc đầu, hành giả phải chọn nơi cô tịch hoang vắng. Tuy nhiên, đây chỉ là cách giải quyết tạm thời chứ không lâu dài. Trong khi sống đơn độc, phải hành trì và phát triển nội lực mạnh mẽ, để khi trở lại xã hội,chúng ta được trang bị hoàn hảo. Muốn thành A La Hán như tê giác, phải thường sống đơn độc tránh va chạm với xã hội để nhất tâm hành thiền.

Hỏi: Bằng chứng nào cho thấy chúng ta có Phật tánh? Làm sao biết rằng mọi người và mình đều có Phật tánh?

Đáp: Trước hết, theo đạo Phật, chân tâm rốt ráo vô thể tánh, nghĩa là tánh Không. Do đó,nên nhận ra tâm thức chỉ là ảo huyễn, vọng động không thật, nên có thể được loại trừ. Nhờ tư duy, quán chiếu, và trực nghiệm mới tỏ ngộ rằng chân tâm vốnlà tánh Không; do nằm trong chân tánh, cuối cùng sẽ tẩy trừ được vọng tâm.

Tóm lại,chân tâm vốn thanh tịnh sáng suốt, và thức tánh lại nằm trong đó. Nói rộng ra, dù chưa hoàn toàn sống với chân tâm, nhưng nhờ quán chiếu thâm sâu mà tỏ ngộ điều đó, rồi dựa vào kinh điển để biện biệt những cảnh giới tâm thức khác nhau. Những điều này được giải thích trong phạm trù của bốn cảnh giới tâm thức vi tế, và được gọi là 'Tịnh Quang', hay chân tâm. Nếu lý luận suông mà không dựa vào kinh điển thì khó lòng hiểu rõ những điều đó.

Điểm trọng yếu là cá nhân phải thực sự liễu ngộ. Trong luận điển Mật Tích có những lời lẽ ẩn dụ về 'tám mươi tâm sở biểu trưng cho các tâm niệm vi tế', và cách chúng liên hệ đến bốn cảnh giới Tịnh Quang. Tuy nhiên, tôi thấy rằng nếu chỉ dùng lý luận lô-gích thì khó lòng đi đến kết luận mỹ mãn. Ngoài ra, trong quyển Vô Thượng Bổn Tích, ngoài việc giải thích về chân tâm, ngài Di Lặc còn dạy rằng sở dĩ chúng sanh đều muốn thoát khổ được vui, vì họ có khả năng đó.

Hỏi: Ngài nghĩ gì về các vị giảng sư Phật giáo tuy thuyết và viết rất hay, nhưng thực hành?

Đáp: Vì biết sẽ xảy ra điều này, nên đức Phật quy định khắc khe về phẩm hạnh thiết yếu của một vị thầy đức độ. Ngày nay, có lẽ đây là vấn đề nghiêm trọng. Vì Phật phápkhông phải là một môn sử học hay văn học, nên những lời thuyết giảng về giáo lý chỉ có ý nghĩa và lợi ích khi vị giảng sư đã từng thực hành những điều đó. Vì vậy, những ai muốn thuyết pháp phải tự chuẩn bị và nhận rõ trọng trách. Vì sựhệ trọng này, khi miêu tả phẩm hạnh thiết yếu cho một cá nhân trở thành vị thầy, ngài Tông Khách Ba trích dẫn lời dạy chi tiết của ngài Di Lặc về phẩm hạnh căn bản của một vị thầy trong quyển 'Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận Tạng (Ornament of Scriptures)', như phải tự khắc chế, được t? tại, có lòng từ bi, v.v... Ngài Tông Khách Ba kết luận rằng trước hết phải hiểu biết về phẩm hạnh thiết yếu của một vị thầy nếu muốn tầm sư học đạo. Cũng vậy, muốn thâu nhận đệ tử, vị thầy phải hiểu rõ trọng trách và tự xét mình có đầy đủ những phẩm hạnh đó chăng, để bổ túc những gì thiếu sót. Bàn sâu hơn, nếu tu hành không vì mục đích giải thoát mà vì tiền tài, thì điều đó thật sai lầm, vì kiếm tiền bằng cách khác hay hơn. Hành động như thế thật sự làm bằng chứng cho lời tố giác của Cộng Sản rằng tôn giáo vốn là công cụ bóc lột. Điều này thật đáng buồn.

Dự biết sự lạm dụng như thế, đức Phật dứt khoát dạy rằng chớ sinh sống bằng năm nghề nghiệp bất chánh, như lường gạt hay tâng bốc thí chủ để được lợi lạc tối đa.

Người đệtử cũng có trách nhiệm rằng chớ mù quáng nhận ai làm thầy. Có thể tu học Phật pháp với các vị thiện tri thức mà không nhất thiết phải tôn thờ họ như vị thầy bổn sư. Xem xét cho đến khi nào hiểu rõ, tin tưởng chắc thật về họ: 'Bây giờ, Ngài có thể làm thầy bổn sư của con', rồi theo họ tu học. Ngoài ra, quý vị cũng có thể tu học qua kinh sách vì ngày càng có nhiều hơn.

Phải có chánh kiến để tránh hiểu lầm những lời nhấn mạnh về hoàn cảnh đặc biệt của ngài Tịch Thiên trong quyển luận Nhập Bồ Tát Hạnh. Nói chung, vì vị thầy đóng vai trò quan trọng trong việc mang lại niềm hứng khởi, ban phước lành, truyền giáo pháp, v.v..., nên phải nhấn mạnh rất nhiều về việc duy trì niềm tin và mối liên hệ chân chánh với vị thầy. Kinh dạy: 'Nguyện cho con sáng suốt phát tâm tônkính vị đạo sư, để thấy mọi hành vi của Ngài đều thanh tịnh'.

Hơn ba mươi năm về trước, tôi đã từng bảo rằng phải cẩn thận suy xét liều thuốc độc này,vì dễ dàng bị lạm dụng nếu cho rằng mọi hành vi cử chỉ của vị đạo sư là thanh tịnh, giác ngộ. Đối với một số người Tây Tạng, lời này có lẽ hơi thái quá. Tuynhiên, qua dòng thời gian, tôi tin chắc rằng lời nhắc nhở này hoàn toàn có lý, vì rất nguy hiểm nếu hiểu sai lời Phật dạy. Điển hình, bàn về tầm quan trọng của mối liên hệ thầy trò, trong tạng luật, đức Phật dạy rằng dù phải tùy thuận tôn kính vị đạo sư, nhưng chớ chấp nhận những lời dạy phi pháp.

Cũng vậy, trong tạng kinh, đức Phật dạy rằng phải y theo bất cứ lời dạy nào đúng chánh pháp, còn ngược lại chớ tin theo.

Trong pháp Vô Thượng Du Già Mật Tích của Phật giáo Mật Thừa, mối liên hệ thầy trò vô cùng quan trọng. Điển hình, trong Vô Thượng Du Già Mật Tích, có pháp Đạo Sư Du Già, tức là hành hạnh Du Già hướng đến vị đạo sư. Tuy nhiên, trong đó dạy rằng nếu vị thầy dạy bất cứ điều gì phi pháp thì chớ y theo. Phải giải thích lý do tại sao không thể làm theo lời dạy đó cho vị đạo sư nghe. Nơi đây, phải hiểu rằng chúng ta không được dạy: 'Vâng! Bất cứ lời gì Ngài dạy, con sẽ làm theo', mà đượcnhắc rằng phải dùng trí huệ để suy xét sự việc và sẵn sang bác bỏ những lời dạy phi pháp.

Tuy nhiên, lịch sử Phật giáo có ghi nhận những tấm gương tôn thờ đạo sư như ngài Tilopa,Naropa, Marpa, Milarepa; những câu chuyện đó có thể dường như thái quá đôi chút.Bề ngoài, các ngài có thể giả dạng như những kẻ xin ăn hạ tiện, hoặc có những hành vi kỳ lạ mà đôi khi khiến cho người khác mất tin tưởng, nhưng lúc cần đểhỗ trợ người khác có niềm tin kiên cố vào Phật pháp, các ngài có những nhân duyên quân bình hóa: Cảnh giới chứng ngộ cao siêu. Nói chung, các ngài có thể hiển hiện rất nhiều thần thông nhiều hơn những gì mà người khác thường tự hào có được.Ngược lại, các ông thầy đời nay có những hành vi bất chính vượt trội hơn hết, nhưng lại thiếu các yếu tố quân bình; nghĩa là khả năng hiển hiện thần thông, để rồi dẫn đến bao vấn đề rắc rối.

Do đó, là người đệ tử, đầu tiên quý vị phải quán sát và tìm hiểu vị thầy tường tận. Chớ chấp nhận ai đó làm thầy trừ phi tin tưởng chắc thật về đạo hạnh của vị đó. Thứ hai, nếu về sau xảy ra những điều không hay, quý vị cũng có quyền từ bỏ họ. Điểm trọng yếu là người đệ tử phải chắc chắn rằng không làm vị đạo sư bị hủ hóa.

Hỏi: Vớiniềm tôn kính tột bậc, tôi ngồi đây suy nghĩ về việc thật ngạo mạn khi bảo rằng không có đấng sáng tạo. Tuy nhiên, tôi biết đạo Phật có dạy về sự khiêm tốn. Tại sao Ngài nghĩ rằng dùng lý luận lô gích có thể hiểu rõ tất cả việc trọng đại? Phải chăng đơn giản đây là một hình thức tín ngưỡng? Cuối cùng, về vấn đề có hay không có một đấng sang tạo, trực giác và cảm giác đóng vai trò gì?

Đáp: Về việc không có đấng sáng tạo, kinh điển nhà Phật nói rõ điều này. Ví dụ, hãy bàn qua bài kinh 'Yểu Cán (Cây Lúa Non)', tức bài kinh nói về lý duyên khởi. Trong đó, đức Phật dạy rằng vì gieo nhân nên có quả. Về sau, trong các quyển luận của những vị học giả như ngài Nguyệt Xứng (Chandrakirti) và Tịch Thiên (Shantideva) cũng bàn về lý đó. Cũng như ngài Nguyệt Xứng, ngài Tịch Thiên trong chương chín của quyển luận Nhập Bồ Tát Hạnh, và ngài Pháp Xứng trong chương hai của quyển Lượng Thích Luận đều thẳng thắn xác định lập trường rõ ràng trong mọi vấn đề về đấng sáng tạo. Trong một bài kệ đặc biệt, ngài Pháp Xưng bàn luận rằng Phật đã trở thành một đấng hoàn thiện. Câu 'trở thành' được dùng nơi đây để chỉ rõ rằng Ngài không tin có một đấng toàn năng tuyệt đối. Trải qua quá trình tu tập lâu dài cộng với nhiều nhân duyên hội tụ, Phật Thích Ca Mâu Ni trở thành mộtđấng toàn giác viên mãn. Do đó, mới có sự chọn lựa danh từ 'trở thành'. Đó làlập trường của đạo Phật.

Như tôi thường nói, có lẽ năm tỷ người (trên thế giới) với căn tánh khác nhau cần có năm tỷ tôn giáo. Dĩ nhiên, đối với một số người, nếu quan niệm về đấng sáng tạo có lợi lạc và phù hợp hơn, thì tốt nhất nên y theo tín ngưỡng đó. Điểm chủ yếu: Mỗicá nhân nên chọn lựa tôn giáo thích hợp với căn tánh, khí chất, và niềm tin của mình.

Về câu hỏi thứ hai, trực giác hay cảm giác về đấng sáng tạo đến từ đâu? Có thể có vài điểm giải thích theo luận lý xã hội học; phong tục tập quán cũng chiếm một vai tròquan trọng. Điển hình, đối với người Tây Tạng, bản năng trực giác về đời hậu thế hay tái sanh vốn là điều tự nhiên, mà không cần tranh luận.

Nếu dùngtriết lý tôn giáo khác nhau để tranh luận, thì tôi thiết nghĩ điều đó thật sailầm. Hãy sống với triết lý tôn giáo đó. Điều rất rõ ràng: Đạo Phật là việc của người Phật tử; đạo Cơ Đốc là việc của người Cơ Đốc. Không ai tranh luận quyền chọn lựa thức ăn khác nhau trong nhà hàng.

Hỏi: Nếutất cả hành vi đều do nhiều nhân duyên thúc đẩy, thì làm sao chọn ra con đường tu hành thành Phật? Phải tự chọn lựa hay đó chỉ là bước kế tiếp không thể tránh khỏi?

Đáp: Quátrình giải thoát thành Phật không thể đơn giản xảy ra như kết quả của chu trình tiến hóa theo dòng thời gian. Nếu không tự tỉnh thức phát tâm tinh tấn tiến bước trên đường đạo đi đến cảnh giới giác ngộ viên mãn, thì cá nhân không có khả năng tự nhiên tiến hóa thành bậc giác ngộ.

Kinh điển có liệt kê mười sáu loại tánh Không khác nhau. Tánh Không của cõi Ta Bà được gọi là 'tánh Không của đời vô thủy không cùng tận'; nghĩa là trừ khi biết tỉnh thức phát tâm tinh tấn tu hành, chúng ta vẫn mãi mãi làm phàm phu.

Năm đặc tánh của hành giả Bồ Tát mà ngài Lặc bàn luận trong chương thứ hai của quyển luậnHiện Quán Trang Nghiêm 'Ornament of Clear Realization' có nhiều điểm lý thú; Ngài dạy rằng có thể khẳng định vài điều về khuynh hướng tự nhiên; có người hướngvề đạo tự giải thoát; có người hướng về lý tưởng Bồ Tát dẫn đến mục đích của Phật giáo Đại Thừa, tức quả vị Phật cứu cánh. Tuy nhiên, theo quan điểm cứu cánh, tất cả chúng sanh đều bình đẳng vì ai ai cũng có Phật tánh. Do đó, phải phân biệt giữa tiềm năng sẵn có và khả năng sống với điều đó.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]