Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 7: Hành Trì Của Thiền Giả

03/01/201104:05(Xem: 9501)
Chương 7: Hành Trì Của Thiền Giả

SỐNG HẠNH PHÚC - CHẾT BÌNH AN

The Joy of Living - Dying in Peace
Ðạt Lai Lạt Ma thứ 14
Dịch: Chân Huyền

CHƯƠNG 7
HÀNH TRÌ CỦA THIỀN GIẢ

Một phương pháp tốt nhất để kiểm soát tâm là tập trung tư tưởng. Khi ta chú tâm vào một chuyện gì, ta có thể loại bỏ được những lớp thô phù của vọng tâm rối ren. Dù bạn thiền tập theo phương cách nào, sự thành công của bạn tùy vào sự chú tâm quán tưởng. Khi bạn có thể chú tâm vào một điểm thì bạn cũng có thể chú tâm vào bất cứ đối tượng nào. Khi phối hợp cái thấy về không với tâm an bình, bạn có thể loại bỏ được những cảmthọ bất an. Muốn có được cái thấy đặc biệt ấy, bạn cần phải nuôi dưỡng sự tập trung tâm ý.

Ðể luyện cho tâm có thể tập trung vào một điểm, bạn cần có một số điều kiện cần và đủ. Về vật chất, bạn phải có một chỗ riêng biệt. Gặp gỡnhiều người không tốt, và không nên dính vào cái vòng ngồi lê đôi mách bất tận. Nên ở một nơi ít phải liên hệ tới ai, tiếng động là một thứ làmphiền tới sự nhất tâm, nên bạn hãy chọn một nơi yên lặng, không ồn ào náo nhiệt. Ðiều quan trọng nhất là làm sao cho tâm bạn không bị rối ren.Nếu tâm bạn không bị kẹt vào những ý niệm, nếu thân bạn không động đậy thì bạn không bị chia trí. Khi bạn lo ra thì giống như tâm bạn bị kẹp giữa hai hàm răng của những cảm thọ bất an. Ðể khỏi nghĩ lan man từ chuyện này qua chuyện khác, bạn cần quán tưởng về những bất lợi của sự vướng mắc và tham đắm.

Tại sao một thực thể vô thường lại bị ràng buộc vào một thực thể khác? Nếu hai người cùng sắp bị hành quyết, thì liệu họ có vướng mắc vàonhau chăng? Tương tự như vậy, nếu hai người cùng bị bệnh sắp chết mà còn ràng buộc vào nhau, hoặc tranh đua với nhau thì thật là kỳ cục. Vậy thì một con người vô thường lại bị vướng mắc vào một người khác thực vô nghĩa. Bạn bè và bà con đều vô thường cả, họ thay đổi từng phút giây, khi bạn bị ràng buộc với họ, bạn sẽ mất cơ hội tìm được sự giải thoát vĩnh cửu. Vì tánh chất bất định của tâm tư, chúng sanh có thể nay là bằng hữu, mai là thù nghịch với bạn. Vì bạn bị vướng mắc nên bạn cũng khiến cho người khác phát khởi tâm ràng buộc.

Khi bạn ham muốn nhiều và không gặp những liên hệ như ý thì bạn sẽ không vui và không được vững chãi, an nhiên. Cho dù bạn gặp được nhiều niềm vui thì nó cũng không cho bạn hạnh phúc. Bạn sẽ ngày càng tham lam,vướng mắc nhiều hơn và làm hại chính bạn. Khi có những tham đắm trong lòng, dù cho gặp hoàn cảnh tốt đẹp hay không, bạn cũng không có hạnh phúc. Bạn cần phải chấm dứt những hệ lụy này ngay từ trong tâm bạn.

1.- CÁI VÒNG DANH LỢI CONG CONG

Có một ngạn ngữ nói rằng nếu bạn nằm trên núi vàng thì vàng sẽ làm xây xát thân bạn, nằm trên vũng bùn thì thân bạn sẽ lấm bùn. Liên kết với những kẻ thiếu chín chắn, bạn cũng sẽ hành động không chín chắn và thiếu lành mạnh như họ. Khi tự khen mình, khi hạ giá trị người khác và khi vướng vào những câu chuyện làm vui lòng chúng sanh trong cõi luân hồi, bạn sẽ bị lôi kéo vào những cõi sau kém cõi hơn. Giống như loài onghút mật mà không bị vướng vào màu sắc của bông hoa, bạn chỉ nên nhận những thứ gì cần cho sự tu tập tâm linh mà không bị dính mắc vào những chuyện trần tục.

Những chúng sanh có tâm mê muội hoặc tham đắm vật dục và danh vọng cónỗi khổ lớn gấp ngàn lần cái khổ khi bị vướng mắc. Chúng ta nên khôn ngoan, đùng bị ràng buộc vào những danh lợi vì nó sẽ làm cho ta khởi tâmsợ hãi. Và sớm muộn gì ta cũng sẽ phải từ bỏ những thứ mà ta tham đắm. Ngạn ngữ cũng nói: "Cái gì hợp rồi cũng tan, cái gì cao rồi cũng rớt xuống thấp". Dù cho bạn thu thập được nhiều của cải, nhiều tiếng tốt, bạn nổi danh khắp nơi, thì bạn cũng không thể mang nó theo khi chết. Khicòn có người phê bình, chê bai bạn, cớ sao bạn lại lấy làm tự mãn lúc được khen ngợi? Nếu còn có người khen tặng bạn, cớ sao bạn lại giận dữ nhiều như vậy lúc bị kẻ khác chê trách? Chúng sanh vì nghiệp dĩ và tùy tình trạng tâm thức, họ bất nhất, thất thường đến nỗi Bụt cũng không thểlàm hài lòng họ được.

Bụt Thích Ca với bao nhiêu tướng tốt và đức tính tuyệt hảo đã hấp dẫnvô số người tới với Bụt, mà cũng vẫn có những người nói xấu ngài. Như vậy, khi họ nói xấu về những người bình thường nhiều vọng tưởng phiền não như chúng ta, thì có gì lạ đâu? Vậy nên chúng ta không cần phải làm hài lòng chúng sanh thế tục. Khi một người nào không có bạn, thiên hạ sẽchê cười, cho là vì người đó không tốt. Nếu có nhiều bạn bè, thiên hạ cũng vẫn cười chê, nói đó là kẻ ưa nịnh. Người ta nói thế nào cũng được.Bạn hành xử cách nào thì cũng khó mà sống thoải mái với những kẻ thiếu truởng thành.

2.- TA DẠI TA TÌM NƠI VẮNG VẺ

Trừ khi họ đạt được điều họ muốn, những con người thế tục ấu trỉ thường khồ sở. Ngay Bụt cũng nói khó mà tin tưởng hay làm bạn với họ. Vìchúng ta sẽ gặp rất nhiều vấn đề trong cuộc sống thế tục, nên Bụt khuyên ta chọn một chỗ vắng vẽ, xa những thành thị ồn ào tất bật, cư trúnơi xa xôi hẻo lánh sẽ có nhiều điều lợi lạc. Trong rừng sâu hay trên núi cao chỉ có thú hoang và hoa cỏ tươi đẹp. Không giống loài người, thúvật không có tâm nghi ngờ, mong cầu chi cả. Bạn không sợ bị những hoàn cảnh chung quanh xâm phạm, bạn dễ dàng làm bạn với chúng.

Sống trong hang động hay một ngôi chùa trống hoặc duới gốc cây thật là vui. Nếu bạn có thể sống như thế, không trở lại đời sống cũ, nếu bạn có thể ở trong hang, không gặp người khác, thì bạn sẽ không còn những cảm thọ tiêu cực như tâm tham đắm chẳng hạn, chỗ bạn ở không có chủ nhân, chỉ là thiên nhiên rộng mở, thì bạn sẽ vui vẻ. Nếu bạn biết hưởng được cảnh đó thì hay biết mấy.

Trong những nơi như vậy, bạn không cần có gì nhiều. Những vị tăng đang trì giới thường chỉ có một bình bát và mấy tấm vải rách để làm y áo. Không có của cải nên bạn chẳng cần dấu diếm đồ đạc. Những người giàucó thường phải cẩn trọng vì họ sợ người khác nhìn thấy tiền bạc của họ.Họ sợ đồ đạc của họ bốc mùi, bị hư hỏng vào mùa mưa hay bị chuột bọ cắnnát. Họ luôn luôn phải lo bảo trì và cất kỹ chúng.

Khi người Tây Tạng chúng tôi mới bị lưu đày, mỗi người chỉ có vài cáibao nhỏ đựng đồ cá nhân, thật là tiện lợi. Khi tôi còn ở Lhasa (thủ đô nước Tây Tạng), tôi có nhiều đồ đạc được truyền lại từ các Ðạt Lai Ðạt Ma đời trước. Phải làm nhiều chuyện để giữ gìn chúng, chẳng hạn như phảiphơi phong quần áo v.v... Các thầy trong giới đường của tu viện thường yêu cầu tăng sĩ không nên có nhiều đồ tùy thân để họ có thể sống đơn giản. Nghĩa là bạn sống làm sao mà của cải chỉ là cái gì dưới bàn chân khi bạn đứng lên: bạn không có gì để mang - không cần giữ.

Những vị thầy thời Kadampa hay nói rằng dù các tu sĩ đã xuất gia, họ thường tự giam mình vào căn nhà thứ hai. Nghĩa là sau khi thọ giới tăng hay ni, nếu bạn thu thập đồ tùy thân thì bạn vẫn bị vướng vào chuyện phải bảo trì chúng. Những ai không làm chủ thứ gì trong hang trống thì không có gì phải dấu diếm, không có gì để sợ hãi. Truyện kể những người trong làng nghe nói cướp sắp tới, họ chạy đi, mang theo những thứ gì họ có thể mang và dấu đi những thứ có thể dấu. Có một người không làm gì cả, đứng nhìn mọi người chạy tới chạy lui, khi người khác hỏi sao ông không lo, ông ta trả lời: "Tôi không có gì nên không cần lo âu".

Ðể vượt thoát được những tham đắm, bạn nên quán tưởng khi chết, bạn phải xa rời bạn bè, thân nhân, của cải và cả thân thể của chính mình. Khi sanh, chúng ta cũng ra đời một mình, khi chết, ta cũng chết một mình. Sanh và tử là hai thời điểm quan trọng nhất đời ta, không ai có thể giúp hay chia xẻ nỗi khổ đó với ta được. Du khách tới ngủ một đêm nơi quán trọ rồi đi, cũng thế, ta là du khách ghé chơi một cuộc sống luân hồi.

Khi sanh ra, thời gian đầu tiên đó là lúc ta ghé quán trọ để ngủ đêm. Ðời ta giống như thời gian ta ngừng lại trong quán, vì ta không sống hoài được. Sớm muộn gì ta cũng sẽ chết và thân ta sẽ được phu nhà đòn mang đi trong khi gia đình và bạn bè than khóc. Nếu lúc đó bạn mới ân hận đã làm nhiều chuyện bất thiện, không làm được nhiều chuyện tốt - thì đã quá trễ mất rồi. Vậy nên trước thời điểm đó, bạn nênvô rừng mà tu. Nhiều câu chuyện cho biết những người đạt đạo thường ẩn cư nơi vắng vẻ thanh tịnh. Ít có người ở nơi thành thị đạt được giải thoát.

Thiền định tại những nơi cô lập như thế có những lợi ích gì? Bạn sẽ không có những người gọi là bạn ở gần bên. Khi bạn có nhiều người thân quen ở bên cạnh, dù bân muốn được yên tịnh tu tập, họ cũng để bạn yên. Sống gần nhiều người, trong đó thế nào cũng có nhữngngười bạn không ưa, chỉ nhìn thấy họ là bạn khó chịu. Nếu sống cô lập, bạn sẽ không có vấn đề với bạn hay kẻ thù. Khi bạn sống biệt lập nơi xa xôi, coi như mình đãchết thì lúc lìa đời, chẳng ai phải than khóc chi, chim chóc và thú vậtquanh bạn sẽ chẳng than khóc, cũng không làm hại bạn. Trong hoàn cảnh ấy bạn có thể thực tập những tính thiện như quán tưởng các đức tánh của Bụt, quán về tánh Không hay niệm chú, không có ai làm bạn bị xao lãng.

Khi tham đắm hay sân hận khởi lên trong tâm ta, nếu ta thực hiện đượcnhững gì mình ham muốn thì sẽ được hài lòng, vui sướng hoặc vơi bớt khổđau trong chốc lát. Nhưng nếu ta bỏ được tham đắm và sân hận thì ta được hạnh phúc lâu dài. Người cư trú trong chống rừng cây êm ả đó không còn bị rắc rối, cũng chẳng cần tranh luận với ai. Môi sinh chốn ấy sẽ đem lại an tịnh; mùi gỗ thơm hay ánh sáng mặt trời đều làm cho tâm ta bình yên. Trong góc rừng an ổn đó bạn có thể thiền quán thanh tịnh trongmột chỗ ở xinh xắn làm bằng đá. Bạn có thể hồi hướng công đức cho tất cả chúng sanh. Khi nào chán chỗ đó, bạn có thể không ngần ngại, di chuyển ngay sang khu rừng khác.

Ðược ở một nơi như vậy thật là hay, bạn không cần nương tựa vào ai, bạn tự do hoàn toàn và độc lập, không bị ràng buộc với điều gì hết. Bạn sẽ không có cơ hội phân biệt đây là bạn, đây là thầy, kia là thù địch. Bạn sẽ hài lòng với cuộc sống, có cái gì là vui với cái đó. Ông trời cũng không sống được như vậy. Ðể có một cuộc sống có giá trị nơi vắng vẻ, bạn cần xả bỏ hết những ý niệm tiêu cực và luôn luôn thiền quán, hành trì chánh niệm.

Tóm lại, bạn nên sống một mình trong một chỗ cô lập nơi rừng sâu thì bạn sẽ ít bị khó khăn, bạn sẽ được an lạc và ít bị phiền nhiễu. Bạn phảixả bỏ những ý định giúp đỡ bạn bè hoặc làm hại kẻ thù. Bạn chỉ nghĩ tớichuyện đạt được Phật tánh để độ hết thảy chúng sanh, bạn phải chú tâm vào mục tiêu duy nhất đó để có thể nhập đại định và chuyển hóa tâm thức bằng cách nuôi lớn sự hiểu biết.

3.- MẤT MẠNG VÌ HAM MUỐN

Trong thế giới này và các thế giới khác, ham muốn làm cho ta dễ bị chia trí. Khi bạn ham muốn một vật gì, hoặc ham có tiếng tâm danh vọng, lòng ham muốn đó có thể làm cho bạn mất mạng. Nó làm cho bạn bị gò bó trong đời này và đọa vào địa ngục những kiếp sau. Một trong những ham muốn mạnh nhất là ham mê sắc dục. Khi hôn nhau, ta chỉ đụng vào bộ xươngcó da và thịt che phủ, có gì khác nữa đâu? Hình thức đẹp đẽ của người ta yêu không tự nó hiện hữu, cũng không phải có đó từ vô thủy. Khi nhìn bộ xương thì ta sợ hãi, dù nó không di chuyên được nữa; vậy tại sao ta không sợ bộ xương đó khi nó còn sống và biết đi lại? Thay vì ràng buộc vào một thứ xấu xí như bộ xương, sao ta không chú tâm vào sự an lạc vĩnhcửu của Niết bàn?

Không nhận thấy những gì bẩn thỉu trong thân người khác là chuyện không đáng ngạc nhiên, nhưng nếu nghĩ thân mình không dơ bẩn thì thật kỳlạ. Tại sao ta yêu thích thân mình với bao nhiêu chất dơ tiết ra bên ngoài đó? Sao ta yêu thân ta hơn yêu bông hoa sen tươi đẹp đang hé cánh trong ánh sáng, khi mặt trời ló ra khỏi đám mây? Chúng ta thích vuốt ve thân thể một con người, là nơi sản xuất ra phân? Ta không thích con sâu,con bọ sống trong đám phân, sao lại ham muốn cái thân bất tịnh của người yêu?

Không những chúng ta không thấy rõ được thân bất tịnh của mình mà ta còn bị vướng mắc vào thân bất tịnh của kẻ khác. Ngay cả những thứ hấp dẫn và tương đối sạch như rau tươi, thuốc thang, ngay khi ta bỏ chúng vào miệng là chúng thành ra dơ bẩn rồi. Khi ta nhổ nó ra, ta làm dơ mặt đất. Có nhiều dấu hiệu có thể giúp cho ta hiểu vì sao thân ta bất tịnh. Nếu bạn vẫn không thể hiểu như vậy, thì bạn nên tới một nhà xác để coi. Khi bạn sợ không muốn sờ vào da người chết, sao bạn lại ưng mó vào thân thể người kia?

Thực tánh của thân thể là khi ta để nó tự nhiên thì tóc và móng chân móng tay sẽ mọc dài khủng khiếp. Vì vậy ta phải rán vuốt chải tóc tai - ynhư đánh bóng khí giới của ta vậy. Ðể tự nhiên, chúng ta không đẹp mà xấu xí. Vì xấu xí nên ta rán thay đổi, bôi trét phấn son lên cơ thể ta. Ta tạo ra bề ngoài hấp dẫn đối với những người vô minh. Bị những cảm thọmê muội hướng dẫn, chúng ta hành xử như những người điên.

Một số người quá nhiều tham vọng phải làm việc cực nhọc tới độ khi vềtới nhà là họ kiệt sức, chỉ còn lên giường đi ngủ. Ðó là vì họ bị ràng buộc vào tiền tài, là thù lao của công việc họ làm. Có người sau khi lậpgia đình lại phải đi ra ngoại quốc làm việc để kiếm sống. Xa người mìnhyêu mến là một nhân duyên lớn để khổ đau. Họ chỉ có thể gọi điện thoại hay viết thư. Thoạt đầu họ rán biện hộ cho việc đi xa, nhưng sau một thời gian dài, họ cảm thấy như họ đã bán mình cho công việc. Bạn có thể hài lòng với công việc, nhưng xa vợ con lâu ngày khiến cho bạn không thểvui. Nếu được tự do, bạn có thể ưa thích cuộc sống an hòa trong gia đình. Bạn vốn là người cởi mở tử tế nhưng xa gia đinh lâu, bạn có thể không còn là người tốt đối với lối xóm kế bên.

Thỉnh thoảng có những người đau khổ vì không có con. Họ đi bác sĩ để khám hay tới gặp các đạo sư để mong sanh đẻ được. Họ cầu nguyện và dùng thuốc chỉ để sanh được con. Một số người khác thì ngược lại. Họ đau khổ vì sắp có con, họ nghĩ tới chuyện phá thai. Những người thích có con thìcoi như tìm được kho tàng. Nhưng khi trẻ ra đời rồi lớn lên, trở nên một đứa con vô kỷ luật, không biết nghe lời, thì nó trở thành nguồn gốc của phiền não. Trẻ lớn lên là bạn phải nghĩ tới chuyện học hành của nó một cách nghiêm túc. Bạn sẽ thấy mình không thể gởi con tới trường tốt như bạn muốn, hoặc không biết chọn trường nào. Rồi sau khi cố gắng cho con vô trường, bạn thấy rằng con bạn học không giỏi. Hoặc là học xong nhưng không kiếm được việc làm tốt.

Ngay cả khi có công việc tốtrồi, bạn lại bận tâm lo tìm vợ tìm chồng và lo làm đám cưới cho nó. Ðờisống của chúng ta tiếp diễn như vậy, chúng ta chăm sóc cho các con quá nhiều. Sau khi nuôi và dạy chúng, khi ta già yếu phải chống gậy, mắt mờ chân chậm thì ta sẽ cần nương tựa vào chúng. Nếu chúng từ chối giúp đỡ, ta chỉ còn nước than thở và nói rằng "chẳng thà không có con". Vậy nên Bụt Thích Ca đã nói: "Lập gia đình cũng giống như ta bị một chứng bệnh".

Vì có quan niệm đó nên các tăng ni thọ giới xuất gia, rời khỏi cuộc sống gia đình. Xuất gia không phải là chuyện đi buôn, chuyên lừa gạt người khác hay bắt đầu một dự án. Mục tiêu duy nhất là tu luyện tâm linh, nếu bạn làm như vậy và không lo âu về thực phẩm, áo quần, của cải,chỉ chuyên tu và thực hành thiền định, thì cuộc đời xuất gia thật là huyền diệu. Bạn có thể dậy sớm vì bạn không bị phụ thuộc vào ai. Khi buồn ngủ thì đi ngủ. Phiến diện thì bạn không bị vướng bận vào những chuyện vô nghĩa tầm thường. Trên bình diện sâu xa hơn, bạn sẽ được dâng hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải thoát. Không bao lâu sau khi tu tập nghiêm chỉnh, bạn đã có thể sống rất an vui. Có ngạn ngữ đã dạy: "Nếu bạn tu tập đàng hoàng, thì dù sống trong gia đình, bạn cũng sẽ tới Niết bàn được. Nhưng nếu bạn sống như loài sóc trong rừng sâu nhiều năm dài mà không tu tập thì bạn cũng chẳng đi tới đâu".

Ham muốn tiền tài, của cải là nguyên nhân gây khổ não, khi không có tiền chúng ta không làm gì được. Ta phải tìm được việc làm để được trả lương cao, nhưng muốn có lương cao ta phải đi học. Do đó, người ta tới trường học, và một số người còn làm cả bằng cấp giả. Chuyện buôn bán nhỏnào cũng cần vốn liếng. Nhiều dân tỵ nạn Tậy Tạng bán áo thung trên hè phố Ấn Ðộ thật là cực khổ, nhưng có nhiều người làm ăn cực như thế là đểcó thể theo đuổi con đường tu tập tâm linh.

Tương tự như vậy, người ta cầu nguyện và tham dự các nghi lễ tôn giáo, nhưng không có nhiều người tới nhờ các ông thầy để xin họ "cầu nguyện dùm cho chúng tôiđược giác ngộ và lên cõi Niết bàn". Họ thường xin các thầy "cầu nguyện cho chúng tôi được buôn may bán đắt". Khi bạn kiếm được chút tiền rồi thì bạn sẽ phải bận tâm bảo vệ nó, phải biết gởi vào nhà băng nào. Thời này có rất nhiều ngân hàng, bạn sẽ tìm nhà băng cho bạn mức lời cao nhất. Trong khi đó bạn có thể bị mất hay bị ăn cắp mất số tiền bất cứ lúc nào.

Có nhiều cách dùng tiền. Tôi nghĩ tới một người Tây Tạng đặc biệt đã xin tôi thọ lễ Ðiểm đạo và ông ta sẽ xin bảo trợ cho buổi lễ. Sau khi nghe tôi nói về nhu cầu giáo dục trẻ em và sự cần thiết bảo trợ cho trẻ được học hành, ông đổi ý xin được bảo trợ giáo dục chớ không bảo trợ lễ điểm đạo nữa. Ðây là một tấm gương tốt. Mất công sức làm ra tiền, nhưng người đó biết cách dùng tiền sao cho có phúc lợi. Nơi nào tôi cũng nghe nói tới chuyện người ta cúng tuần cho người mới chết rồi ăn uống linh đình. Thật là ngu dại, sao bạn lại ăn mừng khi có tang? Khi chúng ta thugóp được tiền bạc và khá giả hơn về tài chánh, ta nên tiêu xài nó một cách tích cực vào việc giáo dục, y tế v.v... chứ đừng tiêu phung phí. Ðời người là cơ may rất lớn và khó gặp, nhưng nếu ta dùng đời ta để theođuổi dục lạc như loài vật thì thật đáng mắc cở. Làm người, ta có nhân duyên để đạt đạo lớn. Thật là vô phúc nếu ta chỉ dùng nó để nuôi sống cái thân này.

Khi gãi ngứa, ta cảm thấy dễ chịu nhưng thay vì gãi cho thích, ta đừng ngứa thì hơn. Không ai muốn ngứa để gãi cho vui. Tương tự như vậy, khi bạn có ham muốn mà đạt được thì bạn hài lòng trong chốc lát. Nhưng tốt hơn ta không nên ham muốn hay vướng mắc chi hết.

4.- NHẤT TÂM QUÁN TƯỞNG

Khi bạn chú tâm vào một đối tượng, bạn có thể gặp khó khăn vì bị chiatrí, nghĩ sang những chuyện khác. Có hai nguyên nhân khiến cho tâm bạn không chú ý vào đối tượng được. Ðó là sự kích thích hoặc buông thả quá đáng. Bị kích thích là một cản trở lớn khiến ta không chú tâm vào đối tượng được. Ta bị chia trí vì nghĩ tới một đối tượng khác bên ngoài hay nghĩ tới những ý niệm trong tâm. Ta phải biết làm cho những vọng tưởng đó dừng lại. Một trong những yếu tố chính khiến ta bị chia trí là tâm tabị căng thẳng. Khi tâm trí bị kích thích quá thì nó rất lanh lẹ, đối diện với vấn đề, tâm ta vì quá nhậm lẹ nên ta bị khích động mạnh. Trườnghợp đó ta nên thu tâm vào trong. Ðể tránh bị khích động ta nên quán tưởng tới những hậu quả tiêu cực của sự bất an, quán về tính cách vô thường và thực chất của luân hồi. Quán những thứ đó thì hơi nản chí, nhưng nó giúp ta tỉnh táo và biết thu tâm về nhà (có chánh niệm).

Mặt khác nếu ta quá nản chí và xuống tinh thần, ta sẽ trở nên kém cỏi, mất khả năng phân tách và suy xét. Ta không còn trí sáng suốt biết phân biệt. Ðó là sự trì trệ, buông lung. Ðiều này không làm dừng sự vướng mắc của tâm đối với vật, mà nó làm cho tâm ta không còn sáng suốt.Khi không sáng suốt, thi dù vẫn chú tâm vào đối tượng, ta cũng không cảm nhận được nó rõ ràng. Trường hợp này bạn nên ránlàm cho tâm mạnh lênbằng cách quán tưởng những tính cách tích cực của tâm chánh niệm, quán về Phật tánh sẵn có trong tâm bạn và sự may mắn khi đưuợc làm một con người tự do. Nghĩ như vậy, tâm trí bạn sẽ trở nên tươi mát, sáng sủa.

Ðối tượng của thiền quán có thể là bất cứ vật gì, chẳng hạn một tảng đá hay một bông hoa. Nếu bạn chọn bông hoa, trước hết bạn phải ngắm nó thật kỹ. Nhìn vào màu sắc và hình tướng của bông hoa để tạo hình ảnh nó trong tâm. Dù hoa có trong tầm nhìn hay không, bạn cứ thiền quán nó bằnghình ảnh đã có trong tâm thức. Trong muôn ngàn đối tượng để thiền quán,nếu bạn chọn hình ảnh một vị Phật thì rất ích lợi. Bạn sẽ được hưởng nhiều phần lợi lạc Bạn nên hình dung đức Phật trước mắt mình, ngang tầm trán khi bạn đảnh lễ xấp xuống đất. Bạn quán tưởng hình Bụt rất sáng láng và trầm tỉnh, để đỡ bị kích thích quá. Nhìn vào hình tượng sáng láng đó cũng làm cho tâm bạn không bị buông lung. Ðây là cách thiền quántheo kinh điển đã dạy.

Nếu bạn đã thọ giới theo một nghi thức Mật tông và bạn quán tưởng theo phương pháp này thì bạn hình dung thân bạn như thân của một vị thầnlinh rồi thiền quán trên đó. Khi bạn tới trình độ Du già Mật tông cao cấp thì không những quan thân nói chung mà bạn còn chú tâm vào từng điểmtrên thân mình. Một phép khác là bạn quán tưởng vào bản chất tâm, vào sự sáng láng cùng hào quang của nó. Trước tiên bạn không nghĩ tưởng tới những kinh nghiệm trong quá khứ, cũng không được lan man sang chuyện tương lai. Khi bạn có thể ngừng các vọng tưởng, ý niệm thì tâm bạn sẽ được tự do để nhận biết bản chất thanh tịnh sáng láng của tâm. Khi bạn làm được như vậy rồi, bạn nên để tâm an trú trong đó. Tâm sẽ quán tâm, một tâm là chủ thể, một tâm là đối tượng. Ðó là cách dùng tâm làm đối tượng quán sát.

5.- NGƯỜI VỚI TA TUY HAI MÀ MỘT

Có một phương pháp khác để nuôi dưỡng tâm chánh niệm là đánh đổi sự an lạc của bạn lấy những khổ đau của chúng sanh. Bạn tập nhìn mình và chúng sanh có cùng một bản chất. Phép quán này rất mãnh liệt, nó phát khởi được là nhờ có lý trí trợ lực, nhưng cũng là do ánh sáng của những thực chứng trong sự hành trì hằng ngày.

Khởi đầu, bạn quán tưởng về sự bình đẳng của bạn với tất cả chúng sanh, bạn sẽ hiểu là chúng sanh giống hệt bạn, không muốn khổ đau, chỉ mong có hạnh phúc. Họ không những có ước vọng mà cũng có quyền được hạnhphúc, thoát khỏi khổ đau. Rồi giữ tâm không phân biệt, không tham sân si, bạn nuôi dưỡng tâm ý muốn độ tất cả chúng sanh. Họ cũng như bạn, có khả năng tìm được hạnh phúc, vượt thoát được khổ đau, họ không khác gì bạn trong phương diện này. Bạn sẽ dễ dàng hiểu được chuyện này khi dùng trí quan sát. Ngay cả những loài sâu bọ nhỏ xíu chúng cũng giống như bạn. Một con sâu đang bò về phía bạn và bạn để ngón tay chạm vào nó, nó sẽ quay đầu ngay và thu mình lại để tự vệ. Dù đó là con sâu cái kiến rấtyếu đưối, chúng cũng rán tránh khổ tìm vui. Nhìn những loài vật tội nghiệp đó, tôi không thể không buồn.

Ngay cả thưỡng đế hay các bậc thần thánh cũng giống chúng ta trong sựtìm cầu hạnh phúc, tránh né khổ đau. Chúng ta thường cho rằng những bấthạnh là do quỷ quái gây ra, nhưng thay vì buộc tội chúng, ta hãy quán tưởng rằng chúng cũng như ta, chỉ mong có hạnh phúc chứ không muốn bị khổ đau. Nếu bạn có thể thấy được chúng sanh đều cùng một bản thể, bạn sẽ thấy không cần nhờ các thầy làm lễ trừ tà ma nữa. Bạn sẽ không bị tốntiền bạc và năng lực.

Một lần tôi được mời đi trừ ma quỷ đang lộng hành ở một địa điểm gần nơi tôi cư trú tại Dharamasala. Tôi phải đồng ý, làm như tôi biết phép trừ tà vậy, vì không có cách nào khác. Tôi tới đó và quán từ bi, chú tâmhết sức vào sự bình đẳng; mọi chúng sanh đều có bản chất giống nhau, đều sợ khổ, mong hạnh phúc. Tôi đặc biệt nghĩ tưởng tới những gì bị gọi là ma quỷ tại nơi đó; quán rằng chúng cũng có cùng bản thể với mình. Kếtquả dân chúng cho biết tà ma đã rời đi, không còn quấy nhiễu họ nữa. Cóthể đó chỉ là sự trùng hợp vô tình, hoặc tôi đã đạt được chút kết quả do quán từ bi. Trong đa số trường hợp như vậy, quán từ bi thực sụ có thểgiúp cho những loài chúng sanh đó.

So sánh những hồn ma bóng quế ấy với các nạn nhân bị chúng quấy nhiễu thì chúng khổ đau hơn nhiều.Dù sao, đó cũng là dịp cho chúng ta thực tập và phát triển tâm từ bi. Vì tất cả chúng sanh đều có bản chất như chúng ta, nên ta phải rán bảo vệ chúng. Thân thể ta có nhiều phần: chân, tay v.v... dù chúng là những phần khác nhau nhưng vì chúng thuộc cùng một cơ thể, nên ta muốn bảo vệ tất cả thân mình. Trong dòng sinh diệt có hằng hà sa số chúng sanh. Vì mọi loài đều giống như ta, muốn được hạnh phúc và xa lánh khổ đau, nên ta cố gắng giúp cho chúng sanh đỡ khổ. Bạn có thể hỏi: chân và tay tôi là những thứ khác nhau nhưng ít nhất chúng cùng là thân tôi, khi chúng bị đau tôi cảm được, còn người khác đau, tôi đâu có cảm nhận thấy? Họ khổ đau không làm cho tôi đau, vì sao tôi lại phải bảo vệ hay giúp đỡ đểhọ khỏi khổ.

Tất nhiên nỗi khổ của người khác không trực tiếp làm cho bạn đau. Nhưng nếu nghĩ họ là những chúng sanh như bạn, bạn nên giúp đỡ họ. Vô số chúng sanh đã tử tế với bạn, vậy nên sự khổ đau của họcũng giống như bạn vậy. Khi bạn nhìn họ là người ân cần, dễ thương và tử tế với bạn, bạn sẽ thấy mình phải rán giúp cho họ bớt khổ, làm như bạn đang lâm vào cảnh ấy vậy. Bạn và họ đều mong có hạnh phúc, thì sao bạn lại phân biệt mình với người? Sao bạn chỉ lo cho sư an lạc của bạn? Khi bạn và họ đều không thích bị đau khổ, thì sao bạn lại phân biệt mìnhvới người, chỉ lo bảo vệ mình mà thôi?

6.- CÁ NHÂN HAY CHÚNG SANH QUAN TRỌNG

Bây giờ nếu bạn so sánh mình với chúng sanh coi bên nào quan trọng hơn, bạn sẽ thấy bạn chỉ là một cá nhân trong khi chúng sanh thì vô lượng. Hơn nữa khi bạn nói về mình và chúng sanh, bạn làm như hai bên không có liên hệ gì. Thực ra hành động của họ ảnh hưởng tới bạn và bạn làm gì cũng có hậu quả trên tâm họ. Hạnh phúc và khổ đau bạn trải qua thì họ cũng đã nếm mùi. Hai bên liên hệ với nhau, nhưng nếu kể về số lượng thì sự vui và khổ của chúng sanh lớn lao hơn cá nhân nhiều.

Tấtnhiên ta phải để sang bên cạnh an lành của cá nhân (thiểu số) và quan tâm tới đa số chúng sanh. Người khôn ngoan phải biết hy sinh một ngón tay để cho chín ngón kia được an toàn. Thật là điên rồ nếu chúng ta hy sinh chín ngón tay để cứu lấy một. Tương tự như vậy, nếu có mười người bị xử tội, thì người khôn ngoan phải biết hy sinh một người để cứu chín người kia.

Bạn có thể nói, nếu những khổ đau của người khác không trực tiếp làm hại bạn, bạn không cần phải giúp họ. Nhưng trong thời gian gần, nó khôngảnh hưởng tới bạn thì cũng sẽ có hậu quả gián tiếp về sau. Thông thườngnếu người khác sung sướng thì bạn có hạnh phúc. Biết lo mình trong niềman lạc của chúng sanh thì đương nhiên bạn sẽ có hạnh phúc. Nếu bạn không kể gì tới an vui của kẻ khác, nếu bạn giết người, cướp của hay đoạt người phối ngẩu của họ thì bạn làm khổ họ rất nhiều. Ngay trên bìnhdiện pháp luật, nếu bạn giết người thì sẽ bị trừng phạt. Nếu cứu người chết đuối thì bạn sẽ được ca ngợi và tưởng thưởng. Ðây là chuyện hiển nhiên trong đời sống hằng ngày, không phải chuyện tâm linh.

Bạn có thể nghĩ mình không cần để ý tới nỗi khổ của người khác vì họ không phải là bạn, bạn không thể thực nghiệm dùm họ được. Trong khi đó vì tin ở chuyện tái sanh, bạn lại tin rằng trong các kiếp sau, có thể mình sẽ phải kinh qua nhiều đau khổ, nên bạn cố gắng để có thể tránh những nỗi khổ đó. Nghĩ như vậy là sai, vì bạn đã tin rằng bạn trong hiệntại và trong tương lai là một. Có sự tiếp nối giữa hai kiếp, nhưng đó là hai sanh mệnh riêng biệt. Ðời sống kiếp trước và kiếp sau giống như những thành tố của một xâu chuỗi. Vì không có tự tánh riêng biệt nên ta và người kia chỉ là những tên gọi khác nhau để tạm phân biệt các phần tửtrong tập hợp xâu chuỗi đó.

Một đội quân hay một xâu chuỗi cũng vậy, tự nó không hiện hữu riêng biệt. Khi chân tay liên hợp với nhau, ta có một thứ gọi là thân thể. Khixâu nhiều hạt vào nhau ta có một xâu chuỗi. Nhiều binh lính tập hợp thành một đội quân. Con người đang đau khổ kia cũng chỉ là một biểu hiện, tự nó không có bản chất riêng. Nếu ta quan tâm tới nỗi khổ của ta trong kiếp tới, thì ta cũng nên để ý tới sự đau khổ của kẻ khác trong thời này. Sự thật tối hậu là không có cái gì hiện hữu với tự tánh riêng biệt, không ai là chủ nhân đích thực của sự đau khổ. Khổ chỉ là cái khổ và ta cần giải trừ nó đi.

Bạn có thể hỏi tại sao bạn cần nuôi dưỡng liên tục lòng tư bi, giúp chúng sanh bớt khổ? Như vậy bạn có thể bị khổ hơn chăng? Câu trả lời là khi quan tâm tới khổ đau của người khác, bạn cũng thấy được lý do vì saobạn muốn giúp họ. Bạn phát khởi lòng từ bi một cách tự nguyện, nên bạn sẽ không bị những khổ đau cửa người khác vận vào mình. Thông thường ta bị khổ vì ta không cam lòng nhận nó, nó tràn ngập tâm ta và làm ta tuyệtvọng. Ngược lại khi bạn tự nguyện chịu khổ để tu tập thì quyết tâm của bạn khiến chuyện đó không còn gây phiền não nữa. Thay vì chịu thua nhữngkhó khăn, bạn lại thấy mình can đảm hơn. Bạn biết rõ lý do vì sao bạn gặp phiền não, nên nó không làm cho bạn nản chí mà ngược lại, nó sẽ làm cho bạn sung sướng.

Khi nuôi dưỡng lòng từ bi bạn nên quán tưởng tới những khổ lụy của chúng sanh, nghĩ tưởng tới sự tử tế lân mẫn của họ, và những lý do khiếnbạn muốn giúp họ thoát khổ. Bạn sẽ không bị nản chí mà chỉ hơi khó chịukhi trực diện với những khổ đau của họ mà thôi. Vậy nên có sự khác biệtrõ ràng giữa hai sự khổ, vì cuộc đời luân hồi của bạn với những khó khăn mà bạn tự nguyện đối đầu để mang lại lợi lạc cho chúng sanh. Khi tựnguyện như vậy, bạn có thể giải trừ được vô số niềm đau khổ nỗi khổ thìđó là điều nên làm.

Người có lòng từ bi sẽ thấy mình nên bỏ công tập hứng chịu những nỗi khổ của chúng sanh vào lòng mình. Nếu bạn có thói quen luyện tâm bạn được như thế, bạn sẽ được sung sướng vì bạn giúp được chúng sanh bớt khổ. Bạn sẽ thấy mình hạnh phúc như con thiên nga bơi trong hồ sen. Hạnh nguyện này giúp cho bạn vui lòng tái sanh ngay cả trong địa ngục để giúp chúng sanh bớt khổ não. Khi họ được giải thoát hết, niềm vui sẽ rộng lớn như đại dương, phải thế không?

Khi giúp cho chúng sanh hoàn thành được ý nguyện của họ ta cũng chẳngcó gì đáng tự hào. Bạn không cần phải kiêu hãnh về chuyện đó. Vì mục tiêu của bạn là giúp chúng sanh đạt được sở nguyện của họ, bạn đừng mongcầu được đền bù gì hết. Khi bạn cẩn trọng để tránh những phiền não nhỏ như không nói lời thô lỗ, bạn cũng cần phát triển cái tâm muốn bảo vệ mọi loài. Ðó là tâm từ bi bạn nên hướng tới. Khi bạn đã quen thuộc với sự tu tập như vậy, bạn sẽ coi người khác như chính mình.

Nếu bạn chưa làm thì nên thực hành ngay phương pháp phát triển tâm tỉnh thức bằng cách để tâm tới nhu yếu của người khác nhiều hơn mình. Nếu bạn đang tu tập như vậy thì nên cố gắng thêm. Bạn nên nhìn mình như một cái bị đầy lầm lỗi, mà người khác thì có tính thiện nhiều như nước biển. Hãy coi ngã chấp của mình là một lầm lỗi và người khác là nơi phátxuất ra nhiều tính thiện. Và bạn nên tu tập để đặt mình vào địa vị người khác. Xả bỏ ngã chấp và thìền quán để chấp nhận được chúng sanh.

7.- LÒNG TỪ BI VÔ LƯỢNG

Từ nguyên thủy, không có cái Ta riêng biệt và độc lập. Nếu bạn vẫn quen coi cái thân mạng mình là do cha mẹ tạo ra, thì sao không nhìn người khác giống như thế? (Họ cũng do cha mẹ họ tạo thành). Vậy thì khi làm việc cho người khác và vì họ mà bạn chịu cực là chuyện không có gì để tự mãn. Khi bạn nuôi mình, bạn không mong được đáp ứng gì cả. Vậy trong khi lo cho mình khỏi bị phiền nhiễu (dù nhỏ như nghe những lời nóikhông từ ái chẳng hạn), bạn nên phát triển tâm từ bi, lo giúp tất cả chúng sanh. Dù đó là những thực tập khó khăn, đừng để nó làm bạn dừng lại. Chớ nghĩ rằng bạn không thể tu như vậy vì khó khăn quá. Ðừng nản chí mà thối lui.

Tâm đại từ rất lợi lạc và hữu hiệu. Ngay lúc này nó có thể ở ngoài tầm với của bạn, nhưng nếu bạn tập quen rồi thì bạn có thể phát triển nó được. Tỷ dụ như có một người rất ác cảm với bạn, mỗi khi nghe thấy tên họ là bạn sợ rồi. Nhưng thực ra khi gần gũi với người đó, bạn sẽ từ từ thành ra thân thiết. Nếu bạn muốn chăm sóc mình và người khác thì bạn nên kín đáo thực tập hoán chuyển mình với họ (đặt mình vào con người kia). Ðó là sự tu tập tối cao nhằm đạt tới Phật tánh. Quả vậy, muốn đạt tới chân như bạn phải biết hoán đổi con người mình thành những con người khác. Phép hoán chuyển này không dễ tập, nhấtlà những người hẹp hòi, ít thông mình thì khó mà hiểu và muốn thực tập pháp này.

Bạn có thể nghĩ nếu bỏ cái thân này, của cải này thì bạn không còn gìvui hết. "Cho cái này đi thì mình lấy gì mà dùng?". Ðó là tiếng nói củangã chấp. Buông xả là một thực tập tâm linh, tập tính thiện. Tương tự như vậy, khi bạn làm hại chúng sanh như giết hại súc vật để lấy da hay thịt, cướp của người khác, hiếp đáp, chửi bới hay lừa lọc người, dù làm hại về thân mạng hay tinh thần... bạn cũng sẽ bị đọa đày, khổ đau cùng cực trong địa ngục. Mặt khác, bạn sẽ tạo được nhiều phước báu khi giúp đở mọi người, cứu mạng họ hoặc chịu khổ thay họ; bạn đạt được những thiện căn. Bạn sẽ được sanh ra làm người tự do, may mắn và mai hậu sẽ đạt được giải thoát.

Nếu bạn tự kiêu và muốn trèo lên đứng trên mọi người thì bạn sẽ có nhiều kẻ thù trong cuộc đời. Người ta sẽ nói xấu bạn và đố kỵ bạn. Trongkiếp tới bạn sẽ thành ra người khùng điên hoặc ngu ngốc. Nhưng nếu bạn khiêm tốn tìm một vị thế thấp thôi, người ta sẽ kính trọng bạn. Nhiều khi hầu như sự tranh dành lại đưa tới thành công, đó là cách xử thế của cách chánh trị gia. Họ hứa hẹn này nọ khi vận động tranh cử. Sự dối trá và thiếu thận trọng đó đang làm ô nhiễm không khí chánh trị toàn cầu. Nếu bạn giữ được khiêm cung và coi mọi người đều đáng kính trọng hơn mình, bạn sẽ được sung sướng trong kiếp này và an lạc ở kiếp sau.

Vì ích kỷ, bạn có thể buộc kẻ khác làm việc cho bạn. Tỷ dụ, người ta dùng ngựa và loài vật khác để chở đồ cho họ mà chẳng quan tâm tới chúng.Họ nghĩ tới chúng như những phương tiện để họ xử dụng mà thôi. Lưng những con vật đó thường bị đau đớn. Kết quả của sự hành hạ thú vật là họsẽ bị tái sanh làm kiếp trâu ngựa. Khi bạn hiến trọn thân, khẩu, ý cho chúng sanh, thì tương lai bạn sẽ được sanh ra trong gia đình giàu sang và được mọi người thương mến.

Tóm lại, tất cả những an lạc trên thế gian này đều là hậu quả của ý hướng muốn làm lợi cho chúng sanh hay đang làm việc giúp ích chúng sanh.Tất cả những phiền não, bất an mà chúng ta gặp phải, đó là kết quả của những mong cầu hạnh phúc cho riêng mình, đó là kết quả của lòng vị kỷ. Trong cuộc đời luân hồi này, tất cả những tính thiện ta được hưởng trên con đường tiến tới Phật tánh, đều là kết quả của tâm từ bi, quan tâm tớisự an vui của kẻ khác. Không cần phải nói gì thêm. Cứ coi sự khác biệt giữa những con người kém cỏi như chúng ta so với đức Thích Ca Mâu Ni. Trong bao đời, ta chỉ quan tâm tới chính ta và những gì ta ưa thích mà thôi. Hãy coi những vết tích của ta. Chư Bụt trái lại, đã trải qua bao đời quên mình, chỉ hết lòng mang an vui tới cho chúng sanh. Thật là kháchẳn với chúng ta.

Bình thường chúng ta bận rộn nhiều với những khổ, vui của chính mình nên quên hẳn chúng sanh. Nay chúng ta có thể thay đổi, chỉ quan tâm tới sự an nguy chủa chúng sanh mà hãy quên mình đi. Nếu chúng ta không thay đổi an lạc của mình lấy cái khổ của chúng sanh, thì không những ta khôngthành Phật được mà ngay đời này ta cũng không có hạnh phúc. Mang những ýniệm sai lầm về ngã, chúng ta đau khổ, sợ hãi và độc ác. Như vậy để làmgì? Nếu ta không xả được những ngã chấp và vọng tưởng về tự tánh độc lập của ngã, ta không thể thoát khổ. Nếu không bỏ lửa đi thì ta sẽ bị phỏng.

Vậy nên muốn tránh bị hại và giúp chúng sanh hết khổ đau, bạn nên hiến mình cho chúng sanh, coi họ cũng đáng cưng chiều như chính mình. Bạn nên nghĩ mình là một phần tử trong chúng sanh. Bạn phải làm sao cho tâm thức bạn chấp nhận điều mới mẻ này. Vì bạn hiến mình cho họ, bổn phận duy nhất của bạn là phải giúp cho họ đạt ước nguyện. Bạn không thể dùng mắt, thân mạng hay lời nói của mình để lo cho riêng mình nữa. Bạn phải coi chúng sanh quan trọng hơn chính bạn. Bạn phải lấy những thứ gì tốt của bạn đem tặng chúng sanh.

Bình thường người kém bạn hay ganh tỵ, kẻ bằng bạn thì tranh đua, ai khá hơn thì lấn lướt bạn. Bạn cũng như vậy, thường lấn người kém mình, tranh cãi với người ngang vai vế và ghen ghét kẻ hơn mình. Bạn hãy hình dung ra ba loại người kém mình, bằng mình và hơn mình đó. Sau khi phát triển chút ít tâm tỉnh thức, bạn tưởng tượng chính bạn đang ở vào địa vịcủa ba loại người kể trên. Hãy hình dung và cảm nhận sự ganh tỵ, tranh đua và ghen ghét của ba biểu hiện đó đối với chính con người cũ của mình. Bạn sẽ thấy mình dễ đứng vào chỗ của người khác, sau khi bạn đã kinh nghiệm và hiểu được những cảm thọ tiêu cực nói trên.

Chính bạn vì quá vị kỷ, nhiều khi cũng đã lấn lướt người kém mình, ganh đua với người bằng sức và ghen tỵ với người hơn mình. Ðứng về phía chúng sanh thấp kém hơn bạn để cảm nhận được sự ghen ghét, hoặc đứng về phía chúng sanh ngang sức với bạn để thấy được tánh ganh đua, hay về phía những người hơn mình để hiểu được tánh dành lấn, coi chính bạn như một con người khác chỉ biết chấp ngã... bạn có thể quán chiếu về những tính cách tiêu cực ấy. Sau đó, bạn tha hồ quán về lòng ganh tỵ, tính cạnh tranh và kiêu hãnh.

Trước hết vế tánh ganh tỵ, bạn hãy đặt mình vào chỗ những người thấp kém hhon bạn. Bạn sẽ thấy sao cái Ngã của "Hắn" (tức là bạn khi trước) lại được kính nể mà "Ta" (tức người kia) lại không? Hắn có nhiều của cải, hay được khen ngợi, mà Ta thì vô danh tiểu tốt, lại bị chế nhạo. Con người "Hắn" luôn luôn được sung sướng trong khi bạn chỉ thấy vất vả quần quật và đầy khổ não, khó khăn. "Hắn" nổi danh khắp nơi trong khi "Ta" bị coi là thấp hèn, chẳng có giá trị!

Những vấn đề của chúng sanh không phải do bẩm sinh hay tự nhiên mà có. Chúng hiện khởi ra là do ảnh hưởng của những cảm thọ phiền não. Không phải vì bản chất chúng sanh xấu xa. Nếu ta có đức tính nào thì nêndùng nó để giúp đở chúng sanh. Ta phải rán chịu đựng được những khó khăn khi gặp phải. Vì sự bất cẩn đối với cái Ta vị kỷ mà chúng sanh bị ném vào vòng sanh tử luân hồi. Ngã chấp khiến chúng sanh không những thiếu lòng từ bi mà chỉ biết huênh hoang tự đắc về chính mình. Vì vậy bạn tạo ra sự cạnh tranh.

Về tính ganh đua và lấn áp người khác, bạn cũng quán tưởng bằng các tập trung tâm ý vào nó, đặt mình vào vị thế người kia, cạnh tranh hay lấn lướt đối tượng (tức là bạn khi chưa thực tập), như trường hợp quán về tính ganh tỵ vậy.

Trong vô số niên kỷ, thái độ chấp ngã đã mang lại khó khăn cho cuộc đời ta trong vòng luân hồi. Mỗi chúng ta đều mong đạt được những ước vọng, nhưng không biết cách làm. Trải qua bao năm tháng khổ cực, chúng sanh vẫn không hiểu gì ngoài chuyện làm cho mình đau khổ. Từ trước tới nay, bạn chỉ biết chiều chuộng cái ngã. Dù bạn cố gắng hết sức để cải thiện cái Tôi hiện hữu, bạn vẫn không có được hạnh phúc. Tiếp tục cưng chiều con người mình sẽ không thay đổi tình trạng này. Vậy, bạn nên thayđổi, bắt đầu giúp cho chúng sanh được an vui và thoát được khổ đau.

Bạn phải huấn luyện tâm thức mình, chỉ quan tâm tới phúc lợi của kẻ khác. Làm như vậy là biết theo giáo pháp của Bụt, là vị thầy đức độ và đáng tin cậy. Dần dà, những lợi lạc của tính vị tha sẽ hiển lộ ra. Nếu bạn thực tập từ lâu dời, biết đổi sự an vui của mình lấy đau khổ của kẻ khác thì ngày nay bạn đã đạt được nhiều tính thiện của Bụt rồi.

Bạn có thói quen nghĩ cái "Tôi" là kết quả của sự phối hợp giữa cái trứng của mẹ và tinh trùng của cha mình, thì nay hãy cố gắng tập thói quen thân thương với những chúng sanh khác. Khi bạn hiểu thấu được nhữngsai lầm về ngã chấp, bạn hãy rán bỏ xả quan niệm đó đi và tự nghuyện góp phần vào hạnh phúc chung của mọi loài. Quyết tâm tu tập giúp chúng sanh, bạn sẽ đem của cải và đồ đạc mình có được hay ăn cắp được ra dùng để tạo phúc lợi cho mọi người.

Tới đây, bạn hãy quán về con người cũ của mình thêm lần nữa. Hồi đó, bạn nghĩ là người khác sung sướng trong khi bạn khổ sở, họ chỉ biết chămsóc cái thân họ, không quan tâm tới ai khác. Làm sao bạn không ghen tứcvới con người đó được? Từ nay nếu bạn muốn không nghĩ tới hạnh phúc cá nhân nữa mà gánh chịu dùm người khác những khổ đau của họ, thì dù đêm hay ngày, đứng hay đi, thức hay ngủ, bạn cũng phải có ý thức về các suy tưởng của mình.

Dùng chánh niệm để biết được những lầm lẫn u mê của mình. Khi thấy kẻ khác hành sử bất thiện, hãy chấp nhận như lỗi của chính bạn, dù phạm vào một lỗi nhẹ, bạn cũng nên công khai nhận trách nhiệm. Bạn khen ngợi người khác để che lấp cái hay của mình. Hãy coi mình là người phục vụ tha nhân. Ðừng điều khiển gia đình để đạt vài cái danh lợi phù du. Từ trước tới nay chỉ vì lo cho mình, bạn luôn luôn làm hại chúng sanh. Nay hãy cầu nguyện để những bất lợi đó chỉ giáng lên bạn, để người khác được an vui ít nhiều. Ðừng để tâm trí bạn bị xao độngvà dung tục, thiếu thanh tịnh. Làm sao để bạn được an lạc và bình thản.

Bạn nên nghĩ tới cách hành sử này. Cái chấp ngã của bạn có thể không muốn nghe lời, nhưng nếu bạn bắt buộc nó thay đổi ngay, thì nó cũng phảichịu thôi. Nên nhớ từ thuở nào đó, ngã chấp chỉ mang lại cho bạn khổ đau. Nay rán kiểm soát và huỷ nó đi. Khi bạn si mê và bối rối, không biết phát triển những căn duyên của hạnh phúc, không biết diệt trừ gốc rễ của đau khổ, đó là vì chấp ngã đã nắm đầu và hủy diệt bạn.

Những ngày đó nay đã lùi vào dĩ vãng, ngày nay bạn thấy rõ sự vị kỷ mang tới tệ hại và khó khăn biết bao nhiêu. Khi thấy mình vẫn nghiêng vềchuyện theo đuổi phúc lợi riêng cho mình, bạn rán đẩy bỏ những ý hướng đó qua một bên. Nay bạn phải gán những cái lợi của mình cho người khác, bạn phải can đảm. Hãy giúp họ bằng cách tặng họ khả năng, thì giờ và công sức của bạn. Nếu không cẩn trọng, bạn giúp người mà lại tính tới lợi riêng thì bạn có thể bị làm hại hoặc tiêu diệt. Nếu bạn để cái ý vị kỷ đó nắm quyền thì nó sẽ đưa bạn vào địa ngục.

Biết thế, bạn phải ngừng, không nghĩ tới làm lợi riêng cho mình nữa. Muốn tự bảo vệ, bạn hãy quán về sự an vui của tất cả chúng sanh. Hãy bảo vệ và chăm sóc họ. Bạn càng biết bảo vệ và chăm sóc cái thân thì nó càng không có hy vọng. Nó sẽ không chấp nhận và sống được khi gặp những vấn đề nhỏ nhặt. Bạn trở nên bất lực, rơi vào tình trạng đó bạn càng nhiều vướng mắc. Dù cho bạn làm chủ tất cả châu báu thế gian, bạn cũng vẫn không hài lòng.

Cuối cùng thì thân mạng mà bạn đang chăm sóc và nghĩ tới này sẽ phải chết, nó sẽ bị hủy hoại. Tâm sẽ rời thân khi chỉ còn là một xác chết. Thân bạn bất động và ngay khi tâm thức đã thoát ra khỏi nó thì cái thân bắt đầu tan rã, hư thối. Thân thể chỉ là suối nguồn của sợ hãi, sao bạn lại cưng chiều nó. Nhìn vào nó một cách vô tư, thân người cũng giống nhưmột khúc cây vậy. Dù bạn có nuôi nó bằng thực phẩm nó không hề biết ơn bạn. Khi bạn bị kên kên xâu xé, nó cũng không khó chịu. Nó không nhận rađược điều lợi hại xảy ra cho nó, thì tại sao bạn lại vướng mắc vào cái thân này? Thân bạn cũng không biết lúc nào được khen, khi nào bị chê trách, sao bạn lại quan trọng hóa những chuyện này?

Nếu bạn bị vướng mắc với cái thân của mình giống như bạn thương một người bạn lâu năm - như tất cả chúng sanh cảm nhận đối với cái thân họ -thì bạn nên thương thân tất cả mọi loài, không nên chỉ thương thân mình. Mặc dù cái thân có nhiều khuyết điểm, cấu tạo bởi nhiều chất dơ dáy, bạn vẫn có thể dùng nó như một dụng cụ để đạt tới ước nguyện phục vụ. Cho tới nay, bạn hành sử thật tầm phào như đứa bé vậy. Bây giờ bạn phải thay đổi để theo chân các hiền nhân. Theo chân Bụt và chư Bồ tát, bạn phải chấp hành những việc cần làm. Nếu không, bạn làm sao diệt được Khổ?

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567