Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 8: Bối Cảnh Xã Hội Từ 1932 Ðến 1945 Và Phong Trào Phục Hưng Phật Giáo

25/12/201006:42(Xem: 7564)
Chương 8: Bối Cảnh Xã Hội Từ 1932 Ðến 1945 Và Phong Trào Phục Hưng Phật Giáo

NHƯ ÁNG MÂY BAY

Cuộc đời của Đại Lão Hòa Thượng
THÍCH ĐÔN HẬU
Đệ tử Tâm Đức phụng sọan
Thất chúng môn đồ ấn hành 2010 USA

QUYỂN BA :
SỰ NGHIỆP HOẰNG HÓA (1932- 1992)

Chương 8: Bối Cảnh Xã Hội Từ 1932 Ðến 1945
Và Phong Trào Phục Hưng Phật Giáo

1905-1925: Khi Nhật Bản chiến thắng Nga trong trận thủy chiến tại Thái Bình Dương, người Á Châu cảm thấy họ không thua gì người Tây Phương. Một trong những người Á Châu ấy là cụ Phan Bội Châu, kêu gọi thanh niên Việt hãy nỗ lực học hỏi canh tân theo gương Nhật Bản, mời hoàng thân Cường Ðể lãnh đạo phong trào. Cụ lén qua Nhật, đứng ra thành lập Việt Nam Duy Tân Hội. Cụ thường xuyên đi đó đi đây để vận động và phát triển phong trào, đồng thời để tránh tai mắt của các gián điệp Pháp, nhưng cuối cùng cụ bị bắt tại Thượng Hải, bị quản thúc tại Huế cho đến ngày cụ qua đời năm 1940.

1905-1926: Phan Chu Trinh theo Phan Bội Châu sang Nhật Bản năm 1905, lúc đầu cũng muốn dựa Nhật Bản, thành lập một chính thể quân chủ lập hiến, nhưng sau bỏ ý định ấy, trở về Việt Nam tranh đấu đòi chính quyền Pháp thực hiện lý tưởng tự do, dân chủ, công bằng, bác ái mà nước Pháp thường công bố. Năm 1908 chính phủ bảo hộ Pháp bắt ông cầm tù. Sau ba năm ông được thả nhưng phải sống biệt xứ ở Paris.

Vào cuối thập niên 1920 ông được phép trở về Việt Nam và ông qua đời năm 1926.

1908-1918: Dân chúng biểu tình chống Pháp tại Việt Nam vì chính sách thuế khóa. Lính Việt Nam trong quân đội Pháp đứng lên làm phản. Chiến tranh du kích chống Pháp ở thôn quê. Quân Pháp phải mất nhiều công sức đàn áp, dẹp loạn.

Tháng 2- tháng 4 1918: Các nhà cách mạng Việt Nam cùng vua Duy Tân bí mật dự bàn kế hoạch chống Pháp. Kế hoạch bị bại lộ. Nhiều nhà cách mạng bị xử tử. Vua Duy Tân bị đày ra nước ngoài.

1919: Tại Hội Nghị Hòa Bình Paris sau khi Ðệ Nhất Thế Chiến kết thúc, các nhà ái quốc Việt Nam sống tại Pháp đưa chương trình tám điểm đòi hỏi độc lập cho Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc muốn gặp Tổng Thống Woodrow Wilson, người chủ trương tự trị cho mọi dân tộc qua tuyên ngôn 14 điểm, nhưng không được ông Wilson tiếp kiến.

1920-1925: Nguyễn Ái Quốc gia nhập đảng Cọng Sản Pháp, cho rằng chỉ có Liên Bang Soviet mới có lập trường chống thuộc địa, giúp Việt Nam thoát khỏi ách đô hộ Pháp. Ông đến Mạc Tư Khoa rồi đến Quảng Ðông liên kết với các tổ chức cọng sản khác. Năm 1925 ông thành lập Thanh Niên Cách Mạng Ðồng Chí Hội, một tổ chức thanh niên Mác Xít đầu tiên tại Ðông Dương.

1925: Bảo Ðại được 12 tuổi, lên làm vua. Suốt ba chục năm ông là con bài không mấy hiệu nghiệm của Pháp.

1925-1926: Học sinh biểu tình chống Pháp khi Phan Bội Châu bị bắt đưa ra tòa và khi Phan Chu Trinh qua đời.

1919-1930: René Bazin một quan chức Pháp tuyển mộ công nhân đồn điền cao su bị một đảng viên Quốc Dân Ðảng ám sát, nhiều đảng viên VNQD Ðảng bị bắt bỏ tù. Năm 1930 Quốc Dân Ðảng vận động lính Việt Nam trong quân đội Pháp đứng lên làm phản tại Yên Bái. Quân Pháp đàn áp nặng nề, giết hại nhiều lính Việt và đảng viên VNQD Ðảng.

1930: Nguyễn Ái Quốc thành lập đảng Cọng Sản Việt Nam, bị cảnh sát Hongkong tầm nã, lẩn trốn nhiều nơi cho đến năm 1941 xuất hiện tại Việt Nam.

1931-1936: Khủng hoảng kinh tế khắp nơi, khiến cho nhân dân bị ảnh hưởng nặng nề. Giá gạo và cao su xuống thấp, nạn thất nghiệp và đói kém xảy ra tạo tình trạng bất an. Năm 1936 chính phủ bình dân Pháp đưa ra những cải cách cho Việt Nam, nhưng không mấy hữu hiệu và chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

1931: Vua Bảo Ðại trở về nước sau thời gian du học tại Pháp. Lúc đầu người Pháp hình như cho ông đóng vai trò quan trọng trong việc trị nước an dân, nhưng thực ra ông chẳng có quyền hành gì. Ông dùng thì giờ vào những vui thú cá nhân trong khi các nhà yêu nước Việt Nam muốn thay đổi tình hình nhưng không mang lại kết quả nào đáng kể.

1933: Ngô Ðình Diệm sau khi tốt nghiệp trường Hậu Bổ năm 1920, được sự đỡ đầu của Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài, nhậm chức Tri Huyện Hương Trà 1921, Tri Phủ Hải Lăng năm 1926, rồi chức Quản Ðạo Ninh Thuận, Tuần Vũ Bình Thuận, năm 1933 thăng chức Thượng Thư Bộ Lại, một vị quan trẻ tuổi nhất triều Nguyễn (32 tuổi). Năm 1934 Ngô Ðình Diệm từ chức, bị thất thế trước phe cánh của Phạm Quỳnh.

1938: Ðức tấn công Tiệp Khắc.

Tháng 8, 1939: Ðức tấn công Ba Lan. Anh khai chiến với Ðức. Ðệ Nhị Thế Chiến bắt đầu.

Ngày 22 tháng 9, 1940: Chính phủ Vichy của Pháp hợp tác với quân đội Ðức, ký thỏa ước cho phép Nhật Bản đóng quân và sử dụng những tiện nghi cần thiết tại Bắc Việt. Mặc dầu được những đặc quyền như vậy, quân Nhật vẫn từ Trung Quốc tiếm chiếm Việt Nam, Ðông Dương. Ðến cuối năm 1941 khi chiến tranh ở Thái Bình Dương lên đến cao độ, Nhật Bản xem Việt Nam như là nước thuộc địa của Thiên Hoàng.

Ngày 10 tháng 5, 1941: Vào đầu năm 1941 Nguyễn Ái Quốc trở về Việt Nam, gặp những nhóm cọng sản và các đảng phái chính trị, thành lập Việt Nam Ðộc Lập Ðồng Minh Hội, viết tắt là Việt Minh, liên kết mọi thành phần kháng Nhật, chống Pháp. Nguyễn Ái quốc đổi tên thành Hồ Chí Minh.

1942-1943: Hồ Chí Minh sang Tàu cốt vận động Tưởng Giới Thạch giúp đỡ chống Nhật. Thay vì giúp đỡ, Tưởng Giới Thạch bắt Hồ Chí Minh cầm tù 13 tháng. Cuối cùng ông thuyết phục được Tưởng Giới Thạch là ông sẽ giúp đỡ Trung Quốc đánh Nhật, thực hiện mục tiêu cứu nước của Trung Quốc. Ông được phép trở về Việt Nam.

1943-1944: Trong thời gian này, nhờ được sự yểm trợ của Trung Quốc và Hoa Kỳ, Hồ Chí Minh và đồng chí của ông giúp cứu phi công Mỹ bị bắn rơi, giúp phá hoại hệ thống giao thông và sự chuyển vận của quân đội Nhật, đồng thời thực hiện mục tiêu do cọng sản quốc tế giao phó.

Ngày 22 tháng 12, 1944: Với sự yểm trợ của Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp thiết lập đạo quân du kích 34 người, bắt đầu đánh các đồn bóp Pháp ở Bắc Việt, mở đầu cho cuộc kháng chiến chống Pháp.

Ðầu năm 1944: Ngô Ðình Diệm nhờ Hiến Binh Nhật Bản can thiệp, vào trú tại Lãnh Sự Nhật ở Huế. Ðược vài ngày, người Nhật đưa Ngô Ðình Diệm vào Ðà Nẵng, rồi vào Sài Gòn, trú tại trụ sở Hiến Binh của Nhật, sau một thời gian về nhà Ngô Ðình Luyện tại Ngã Sáu Chợ Lớn.

Ngày 9 tháng 3, 1945: Nhận thấy sẽ bị thất trận trong vùng Thái Bình Dương, quân Nhật làm đảo chánh tại Việt Nam và khắp Ðông Dương, đưa Bảo Ðại lên làm Quốc Trưởng, nhưng không giao phó quyền hành tương xứng.

Ngày 16-29 tháng 8, 1945: Sau khi Nhật Bản đầu hàng Ðồng Minh, Hồ Chí Minh thành lập Ủy Ban Giải Phóng Quốc Gia để xây dưng một Chính Phủ Lâm Thời. Ngày 18 tháng 8 quân đội Nhật chuyển giao quyền hành cho Việt Minh. Ngày 23 tháng 8 Bảo Ðại tuyên bố thoái vị. Ngày 29 tháng 8 Việt Minh và Quốc Hội Nhân Dân thành lập Chính Phủ Lâm Thời mời Bảo Ðại làm Cố Vấn Tối Cao.

Ngày 2 tháng 9, 1945: Tại Hà Nội, Hồ Chí minh tuyên bố độc lập. Sĩ quan Hoa Kỳ trong tổ chức OSS (Office of Strategic Services, tiền thân của CIA) đứng bên cạnh trong khi Hồ Chí Minh đọc lời Mở Ðầu của Bản Hiến Pháp cho nước Việt Nam Dân Chủ Cọng Hòa dựa theo lời Mở Ðầu của Hiến Pháp Hoa Kỳ.

PHONG TRÀO PHỤC HƯNG PHẬT GIÁO.

Khi thế kỷ thứ 19 sắp sửa cáo chung, tại Tích Lan, một nước Phật Giáo có truyền thống lâu đời nhất, bị ngoại bang đô hộ nhiều thế kỷ bắt đầu chuyển mình. Từ khi đạo quân Bồ Ðà Nha đến xâm chiếm Tích Lan năm 1501, mang theo các giáo sĩ Thiên Chúa, chính quyền Bồ Ðào Nha ra lệnh không cho phép dân Sinhalese thờ cúng đạo cổ truyền trong tư gia hay nơi công cọng. Ngoài phương thức khủng bố, Bồ Ðào Nha còn dùng thủ thuật ma giáo để biến Tích Lan thành nước Chúa. Các nhà truyền giáo Bồ Ðào Nha muốn dụ dân theo đạo Chúa, mặc y phục bản xứ màu vàng, khoác da cọp trên vai, lấy tro trầm hương bôi lên trán, xưng mình thuộc giai cấp Bà La Môn của thế giới phương Tây đến Tích Lan hướng dẫn dân chúng theo chính đạo. Họ ngụy tạo hồ sơ bằng cổ ngữ Tích Lan để chứng minh họ là Bà La Môn. Họ làm áp lực với vua Tích Lan cuối cùng, bắt cháu đích tôn của vua tên là Dharmapala (Hộ Pháp) phải theo đạo nếu muốn Dharmapala nối ngôi.

Hòa Lan thay thế Bồ Ðào Nha, thiết lập Giáo Hội Cải Cách (Giáo Hội Tin Lành), cấm những người không rửa tội làm chủ tài sản đất đai. Giáo Hội Cải Cách giữ độc quyền làm lễ cưới, ghi sổ sinh, sổ tử.

Trong nỗ lực bành trướng, các nhà truyền giáo Tin Lành đã hạ nhục Phật Giáo, gọi Phật Giáo là tà giáo. Chính trong khung cảnh này, một nhà sư Phật Giáo Tích Lan, đại đức Migettuwatte Gunananda thách thức tranh luận công khai với các nhà truyền giáo Cơ Ðốc tại Panadura năm 1873, kết quả không những làm chấn động dư luận trong nước mà còn lan đến các nước Âu Mỹ, khiến bà Hélène Blavatsky người Nga, chủ tịch Hội Thông Thiên Học Thế Giới tại New York cùng cựu đại tá Steele Olcott người Hoa Kỳ đến Tích Lan ngày 21 tháng 5 năm 1880, thành lập Hội Thông Thiên Học tại Tích Lan và sau đó qui y Tam Bảo, mở đầu cho phong trào phục hưng Phật Giáo tại Tích lan và rồi lan dần khắp thế giới.

Cũng vào thời điểm này vào năm 1887, trên một ngọn đồi nhìn xuống thành phố Santa Cruz, California, Hoa Kỳ, một thanh niên người Mỹ gốc Thụy Ðiển tên là Philango Dasa, cho xuất bản tờ The Buddhist Ray (Tia Sáng Phật Giáo) đã viết về Ðại Hội Tôn Giáo Hoàn Cầu được tổ chức tại Chicago năm 1883 với lời lẽ hài hước, nhí nhảnh đầy tự tín: “Ðại Hội Tôn Giáo Hoàn Cầu thành công rực rỡ không phải cho tín đồ Cơ Ðốc như Hồng Y giáo xứ Boston tuyên bố mà cho những đại diện Phật Giáo, nhất là pháp hữu Dharmapala, người đã vui vẻ bắt tay hàng trăm phụ nữ Cơ Ðốc, đã ký tên lưu niệm trên quạt hay trong sổ kỷ niệm... hành động ấy sẽ khiến cho ngân sách giáo xứ trong mùa Giáng Sinh bị sút giảm và khiến cho những thiếu nữ Cơ Ðốc không còn e lệ với một nhân tình Phật tử.”

Sau lễ bế mạc Ðại Hội Tôn Giáo Hoàn Cầu, Charles T. Strauss, 30 tuổi, cha mẹ theo đạo Do Thái, thọ tam qui ngũ giới do Dharmapala hướng dẫn. Charles Strauss là người Phật tử Hoa Kỳ đầu tiên thọ giới Ưu Bà Tắc trên đất Mỹ. Trước đó 3 năm bà Hélène Blavatsky và cựu đại tá Steel Olcott đã thọ tam qui ngũ giới với một nhà sư tại ngôi chùa ở thành phố Galle, Tích Lan.

Dharmapala, thế danh là David Hewavitharne, sinh ngày 17 tháng 9, 1864 trong một gia đình giàu có tại Tích Lan. Cha mẹ theo Phật Giáo, thường dẫn Dharmapala đi lễ chùa, mặc dầu cho con theo học trường Cơ Ðốc St. Thomas gần Colombo. Sau khi bà Hélène Blavatsky và cựu đại tá Steele Olcott đến Tích Lan, thành lập Hội Thông Thiên Học, qui y Tam Bảo, ông cùng hai vị sư người Tích Lan năm 1884 gia nhập Hội Thông Thiên Học tại Tích Lan và rồi theo bà Blavatsky đến Ấn Ðộ học hỏi và làm việc cho Hội Thông Thiên Học tại Ấn Ðộ. Năm 1886, ông Olcott trở về Colombo vận động tài chánh cho nền giáo dục Phật Giáo Tích Lan, cần một người thông dịch viên cùng đi vận động, lúc đó Dharmapala đang làm việc cho Bộ Giáo Dục, tình nguyện tham gia. Họ đi từ làng này đến làng khác khuyến khích dân chúng ủng hộ hệ thống giáo dục Phật Giáo vì lúc bấy giờ trong nước chỉ có nền giáo dục quốc gia và Cơ Ðốc mà thôi.

Dharmapala xin phép phụ thân sống đời độc thân, dành trọn thì giờ để phụng sự đạo pháp. Từ năm 1885 đến năm 1889 Dharmapala dấn thân vào công tác phục hưng Phật Giáo. Ông cùng Olcott cho xuất bản tuần báo Sandarana bằng tiếng Sinhalese và sau đó cho xuất bản tở The Buddhist bằng tiếng Anh, trở thành cơ quan ngôn luận của tổ chức Thanh Niên Phật Tử Colombo từ đó cho đến bây giờ.

Ðại tá Olcott và Dharmapala năm 1889 viếng thăm Nhật Bản, vận động chấn hưng Phật Giáo. Tháng Giêng năm 1891, Dharmapala cùng với nhà sư Nhật Bản Kozen đến Ấn Ðộ chiêm bái thánh tích. Tại Bồ Ðề Ðạo Tràng, họ thấy thánh tích nơi Phật thành đạo nằm dưới quyền điều hành của người ngoại đạo chỉ quan tâm đến khía cạnh thương mãi. Dharmapala quyết vận động phục hồi thánh địa Phật Giáo trở về với Phật Giáo. Ông chuyển trụ sở Hội Maha Bodhi từ Colombo đến Calcutta năm 1892. Ðược sự trợ giúp tài chánh của bà Foster xứ Hawaii ông cho xây dựng một trụ sở lớn của Hội Maha Bodhi tại Calcutta, đến nay vẫn còn, là trung tâm hoạt động của Hội. Ông cho xuất bản nguyệt san Maha Bodhi Journal còn tồn tại cho đến ngày nay. Lời mở đầu tờ báo là lời của Phật truyền dạy cho 60 đệ tử đầu tiên trong sự nghiệp hoằng hóa: “Này các Tỳ Kheo, hãy vì lợi ích của quảng đại quần chúng, sự an vui của Trời và Người mà rao truyền Chánh Pháp, khai triển Nếp Sống đạo hạnh, thuần khiết, hoàn hảo.”

Dharmapala trong nỗ lực vận động phục hưng Phật Giáo đã viếng thăm Anh Quốc nhiều lần. Trong chuyến thăm thứ nhất, ông gặp thi sĩ Sir Edwin Arnold, tác giả tập thơ The Light of Asia (Ánh Sáng Á Châu, nói về sự tích Phật Thích Ca bằng thơ), đã cùng thi sĩ gặp Bộ Trưởng đặc trách Ấn Ðộ Lord Kimberly để trình bày về Bồ Ðề Ðạo Tràng. Kết quả: ngày Lễ Phật Ðản được công nhận lễ công cọng tại Calcutta năm 1896, và tại thành phố New York năm 1897.

Tháng Giêng năm 1933 Dharmapala thọ đại giới, được ban pháp hiệu là Sri Devamitta Dhammapala. Ông làm Tỳ Kheo không được bao lâu, tình trạng sức khỏe ngày càng sa sút, ông qua đời tháng Tư năm ấy, hưởng thọ 69 tuổi, với 49 năm năm phục vụ đạo pháp, vận động phục hưng Phật Giáo. Nỗ lực vận động của ông không những có ảnh hưởng đến các nước Á Châu, mà Âu Mỹ cũng nhờ nỗ lực ấy mà quan tâm đến Phật Giáo.

TRUNG QUỐC HƯỞNG ỨNG LỜI KÊU GỌI PHỤC HƯNG PHẬT GIÁO.

Trung Quốc tuy không bị các nước Tây Phương cai trị, ngoại trừ Ma Cao, Hong Kong, nhưng bị áp lực của các quốc gia Tây Phương khá nặng nề. Các phái đoàn truyền giáo tại Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng áp dụng phương thức mền dẻo hơn so với Tích Lan hay các nước tại Trung Mỹ, Nam Mỹ sau khi Kha Luân Bố (Columbus) “khám phá” tân thế giới. Giáo sĩ Dòng Tên, theo dấu chân của thánh Francis Xaxier nhận thấy muốn truyền đạo một cách có hiệu quả, phải học triết lý, phong tục, tập quán của các nước họ đến truyền đạo, tuy nhiên họ vẫn rất chủ quan và thiên kiến. Năm 1549 thánh Xaxier đến Nhật, gặp một số tăng sĩ Phật Giáo Nhật Bản, đặc biệt là thiền sư Nanjio, thấy vị viện chủ và các thầy đang ngồi thiền. Thánh Xaxier hỏi có vẻ biếm nhẻ:

– Các vị ấy ngồi nghĩ chuyện gì?

Thiền sư Najio nói:

– Trong số chúng tôi có người ngồi tính nhẩm tháng vừa qua đã nhận được bao nhiêu tiền hỷ cúng của thập phương thiện tín. Có vị ngồi nghĩ xem ở đâu bán áo quần, vật thực rẻ. Có vị ngồi nghĩ đến nơi nào tiêu khiển, giải trí tốt... Nói tóm lại họ ngồi nghĩ vào những chuyện không đâu vào dâu

Giáo sĩ Dòng Tên đã nhận định về các thiền sư và pháp môn thiền quán của Phật Giáo: “Thiền sư cho vạn vật đều không. Không có kiếp sau, không có thưởng phạt và tệ hơn nữa không có đấng Tạo Hóa. Họ còn đặt ra những câu thoại đầu rắc rối, làm bấn loạn tâm trí...”

Nước Trung Hoa với hàng nghìn năm văn hiến may mắn thoát khỏi tai biến do Hồng Tú Toàn, một tín đồ Tin Lành gây nên, muốn biến Trung Quốc thành nước Chúa. Ngày 11 tháng 1, 1851 Hồng Tú Toàn tự xưng vua của Thái Bình Thiên Quốc, chiếm Trường Sa năm 1852, lấy Nam Kinh năm 1853. Suốt 13 năm quân đội của Hồng Tú Toàn đi đến đâu phá hủy chùa chiền, thiêu đốt kinh tượng Phật Giáo đến đó. May mà Hồng Tú Toàn không thành công, nếu không Trung Quốc đã trở thành nước Chúa vào cuối thế kỷ 19 và Phật Giáo sẽ bị tai kiếp nặng nề.

Cuộc Cách Mạng Tân Hợi 1911 lật đổ triều đình Mãn Thanh, thiết lập chế độ Cọng Hòa từ năm 1911 đến 1949 dưới quyền lãnh đạo của hai vị Tổng Thống Tôn Dật Tiên và Tưởng Giới Thạch, đều là tín đồ Cơ Ðốc. Thuế ruộng đất chùa tăng lên gấp bội, chùa chiền bị sung công làm đồn lính, trạm cảnh sát, trường học. Tá điền được khuyến khích không trả lúa canh tác ruộng đất chùa cho chùa. Trên lãnh vực tư tưởng, Phật Giáo bị tấn công nặng nề. Hồ Thích muốn nhổ tận gốc ảnh hưởng văn hóa Ấn Ðộ (văn hóa Phật Giáo). Ông cho rằng Phật Giáo đã làm chệch hướng tiến tuần tự của nền văn hóa Trung Hoa duy lý, nhân bản, khoa học, có đủ bản lãnh để đương đầu với thế giới Tây Phương hiện đại. Tuy vậy trước khi ông qua đời ông lại dùng lời lẽ của một thiền sư để căn dặn hàng hậu bối: “Trước kia một hòa thường Thiền tông từng nói: Bồ Ðề Ðạt Ma sang phương Ðông chỉ muốn tìm một người không chịu để cho người ta mê hoặc mà truyền thụ tâm pháp. Trong thiên ngôn vạn ngữ của tôi, tôi cũng chỉ dạy người ta phương pháp làm người không để cho người ta mê hoặc...” (Hồ Thích: Trung Hoa Triết Học Sử, bản dịch Huỳnh Minh Ðức, Ðại Nam xuất bản 1969, tr. 9).

Phật Giáo Trung Hoa dưới thời Mãn Thanh và Cọng Hòa đã được một số quan sát viên nhận định:

“Mức độ đạo đức của chư tăng rất thấp... Họ thi hành nhiệm vụ tôn giáo rất máy móc, trong phạm vi hãn hẹp và cuộc đời của họ thay vì diệt trừ bản ngã, trở thành cuộc sống vị ngã, lười biếng... Họ ít liên hệ với Phật tử và nếu có liên hệ chăng là để làm ăn buôn bán... Nếp sống bê tha, sa đọa...” (H. Hackman: Buddhism as a Religion).

“Phật Giáo dần dần trở thành hình thức. Tăng già Phật Giáo, không khác gì Ðạo sĩ Lão Giáo, lười biếng, kém học, ký sinh trùng. Tôn giáo cũng như chùa chiền của họ ở trong tình trạng suy sụp.” (A.H. Smith: Forty Years a Missionary in China, New York, 1912).

“Tăng già kém học và sa đọa. Chùa chiền không được bảo trì đúng mức và tràn ngập không khí thương mãi.” (Chan, Wing-tsit: Religious Trends in China, New York, 1953)

“Ðạo đức suy đồi, đời sống tâm linh suy đốn.” (Ch’en Kenneth K.S.: Buddhism in China, A Historical Survey, Princeton, 1964).

Phật Giáo Trung Hoa giờ đây phải đương đầu với bao nhiêu nghịch cảnh, với đức tin của nhân dân Trung Hoa, với khoa học vạn năng, với hào quang kỹ thuật Tây Phương, với chế độ chính trị, với hàng trí thức không mấy thiện cảm. Một cuộc gặp gỡ, một đương đầu thiếu chuẩn bị. Thái Hư Ðại Sư (1889-1947) nhà lãnh đạo Phật Giáo danh tiếng, người chủ xướng canh tân Phật Giáo Trung Quốc có thể trả lời một cách hùng hồn là những phát minh khoa học hiện đại, thể chế dân chủ hiện đại... Phật Giáo đã có từ lâu. Thuyết nguyên tử, thuyết tương đối, tâm lý học, tâm lý trị liệu, thể chế dân chủ trong tổ chúc Tăng Già dựa vào thuyết Lục Hòa v.v... Phật Giáo đã có từ ngàn xưa. Những người không đồng ý với ngài hỏi lại: Nếu Phật Giáo đã khám phá những nguyên tử ấy từ xưa, đã có những thể chế dân chủ ấy từ xưa, vậy Phật Giáo đã làm gì với những khám phá ấy, với những thể chế ấy? Phật Giáo đã làm gì để có thể xây dựng một xã hội theo quan điểm và đường hướng của Phật Giáo?

Thái Hư đại sư kêu gọi toàn thể chư tăng, tín đồ Phật Giáo đoàn kết thành một khối. Trong Hải Triều Âm năm 1935 ngài viết: “Không nhẫn tâm đứng nhìn tự viện Phật Giáo bị phá hủy... tôi phát động phong trào bảo vệ Phật Giáo, xiển dương giáo nghĩa, chỉnh đốn Tăng già, giáo dục tăng ni, Phật tử. Chương trình cải cách Phật Giáo là làm sống lại đạo lực của hàng tăng sĩ, đem tài sản của chùa chiền làm lợi ích cho dân, tạo cơ hội và khuyến khích chúng tăng tu học.”

Thái Hư đại sư chủ trương cách mạng giáo chế, cách mạng giáo học, cách mạng giáo sản trong nỗ lực chấn hưng Phật Giáo Trung Hoa, để đáp ứng nhu cầu văn hóa thời đại, làm sáng tỏ gia tài Phật Giáo.

VIỆT NAM HƯỞNG ỨNG LỜI KÊU GỌI PHỤC HƯNG PHẬT GIÁO.

Phật Giáo Việt Nam từ thế kỷ 16, đạo lý Cư Trần Lạc Ðạo của Trần Nhân Tông chỉ còn vang bóng một thời trước cảnh phân hóa thời Trịnh Nguyễn. Tại Ðàng Ngoài, tình trạng phân hóa nội bộ nặng nề. Năm 1741 nạn đói hoành hành, khắp nơi khởi loạn. Tại Ðàng Trong dưới thời các Chúa Nguyễn đầu tiên, tình trạng ổn định, nhưng giữa thế kỷ 18 khi Trương Phúc Loan chuyên quyền, lòng dân ly tán, họ Trịnh nhân cơ hội này đánh chiếm Phú Xuân, anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ dấy binh, lãnh đạo quân Tây Sơn chiếm Qui Nhơn rồi Quảng Nam. Chúa Nguyễn Phúc Thuần cùng cháu là Nguyễn Phúc Ánh xuống thuyền chạy vào Gia Ðịnh. Năm 1778 sau khi Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ lấy xong đất Gia Ðịnh, Nguyễn Nhạc sửa lại thành Ðồ Bàn, kinh thành cũ của Chiêm Thành, tự xưng đế. Năm 1789 Nguyễn Phúc Ánh xưng vương chống lại quân Tây Sơn. Năm 1786 Nguyễn Huệ đánh chiếm Phú Xuân. Năm 1788 Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ được tin quân Thanh đem quân đến Thăng Long giúp họ Trịnh và vua Lê Chiêu Thống, lập đàn ở núi Bàn Sơn lên ngôi hoàng đế thống lãnh binh mã ra Bắc, tiêu diệt quân Thanh trong trận đánh lịch sử Ðống Ða ngày 25-1-1789.

Ðông Ðịnh Vương Nguyễn Lữ cai quản vùng Gia Ðịnh, bị quân Nguyễn Ánh tấn công phải chạy về Qui Nhơn, rồi mất tại đó năm 1787. Trung ương hoàng đế Nguyễn Nhạc đóng đô ở Ðồ Bàn bị quân Nguyễn Ánh tiếp tục tấn công, qua đời năm 1793. Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ đóng đô ở Phú Xuân, định dời đô ra Nghệ An nhưng qua đời năm 1792, nhường ngôi lại cho con là Quang Toản, mới được 10 tuổi, việc triều chính do Bùi Ðắc Tuyên quyết đoán, nội bộ phân hóa, sát hại lẫn nhau. Năm 1799 quân Nguyễn Ánh chiếm Qui Nhơn đổi thành Bình Ðịnh. Năm 1801 chiếm Phú Xuân. Năm 1802 chiếm Thăng Long. Triều đình Tây Sơn sụp đổ. Nguyễn Ánh lên làm vua, hiệu Gia Long (ghép chữ Gia Ðịnh, Thăng Long), thống nhất đất nước.

Trong cảnh quốc gia phân tán, chiến tranh ly loạn, cũng nhằm vào lúc Tây Phương sau cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ, bành trướng thị trường. Các phái bộ truyền giáo sử dụng hay bị sử dụng chính sách thực dân thuộc địa để truyền rao Lời Chúa. Năm 1535 thuyền trưởng Bồ Ðào Nha đến Hội An thiết lập trạm buôn, mở đầu thế lực Tây Phương bành trướng tại Việt Nam. Dòng Tên nước Ý xây dựng nhà thờ Công Giáo đầu tiên tại Ðà Nẵng năm 1615...

Dưới thời nhà Trần, Phật Giáo có trên 30,000 Tăng Ni giờ đây trong thời Trịnh Nguyễn Phân Tranh, vắng bóng Tăng Già. Tại Ðàng Ngoài chỉ có một nhà sư Việt Nam nổi tiếng, đó là ngài Chân Nguyên, người tỉnh Hải Dương có công phục hồi Phật Giáo Trúc Lâm, ngoài ra hầu hết các thiền sư đều là người Trung Hoa. Tại Ðàng Trong cũng vậy, hầu hết các bậc cao tăng đều là người Trung Hoa, bỏ Trung Quốc vào buổi giao thời Minh-Thanh đến Việt Nam hoằng hóa, chỉ có ngài Liễu Quán, người Phú Yên là vị thiền sư nổi tiếng của Việt Nam.

Dưới thời Tây Sơn vua Quang Trung nhận thấy chùa chiền nhiều mà tăng ni hầu hết thiếu học vấn, đạo hạnh nên cho phá hủy chùa chiền ở làng, xóm, đem vật liệu xây dựng chùa lớn tại quận lỵ hoặc biến chùa chiền làm cơ sở hành chính, quân sự hay giáo dục. Dưới thời nhà Nguyễn, tuy các vua triều Nguyễn có lòng mộ đạo cho xây dựng, tu bổ chùa tháp, nhưng tinh thần chỉ đạo dựa vào Nho Giáo. Vua quan, dân chúng chú ý đến Phật Giáo qua hình thức cúng lễ, cầu đảo. Tăng Ni đến với Phật Giáo vì cuộc thế nhiễu nhương hơn vì ý nguyện xuất trần, hoằng truyền chánh pháp. Nhiều ngôi chùa bị bỏ hoang, nhất là những ngôi chùa xa thị thành. Vào thời kỳ chống Pháp khi thực dân Pháp bắt đầu đặt nền đô hộ, Tăng Ni Phật Tử trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào các phong trào chống Pháp, các phong trào Cần Vương, Cách Mạng, Ngôi Nhà Phật Giáo bị bỏ bê...

Hưởng ứng lời kêu gọi chấn hưng Phật Giáo của Dharmapala và Thái Hư đại sư, Phật Giáo Việt Nam chuyển mình sau một giấc ngủ dài, trong đó “phần đông tăng đồ chỉ nghĩ đến danh vọng, chức tước... xin bằng Tăng Cang, Trú Trì, Sắc Tứ v.v... một phương diện khác thì chỉ biết cúng cấp, cầu đảo, phù chú... để làm kế sinh nhai... còn một hạng nữa chỉ giữ mình cho được thanh nhàn, ăn chơi tiêu khiển bảo là giải thoát”.. (Thích Mật Thể: Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, Nhà Xuất Bản Phú Lâu Na, 1993, tr. 188).

Tình trạng suy sập của Phật Giáo Việt Nam đến nỗi ngôi quốc tự Linh Mụ nổi danh của chốn thần kinh cũng phải chịu cảnh hoang tàn không người săn sóc, như được ghi trong bài Linh Mụ Hoài Cổ của Tương An Quận Vương con Vua Minh Mệnh:

Linh Mụ rày xem cỏ lướt mây

Xe loan qua lại dấu còn đây

Ðại Hùng điện trước ngàn rêu lấp

Di Lặc chùa sau tiếng dế vây

Thảm lấp Phú Câu sông một dải

Sầu giăng Long Thọ núi liền dây

Cảnh trời sương khói thêm buồn bã

Còn thiếu quyên kêu xó gốc cây.

(Quách Tấn: Bước Lãng Du. Trẻ, TPHCH 1996, tr. 198)

Giống như những người đồng đạo tại Tích Lan, Miến Ðiện, Lào, Cao Mên, Phật Giáo Việt Nam phải đương đầu với thực dân thuộc địa về cả hai mặt quân sự cũng như văn hóa. Tại Việt Nam những phái bộ truyền giáo sớm nhất hoặc là Y Pha Nho, Bồ Ðào Nha hay Pháp và Giáo Hội Thiên Chúa La Mã là thành phần tích cực trong tiền tuyến văn hóa. Một sử gia Pháp, ông Charles Mayhon nói về vai trò quan trọng của phái bộ Thiên Chúa trong chiến tranh thuộc địa: “Lịch sử của Hội Truyền Giáo liên hệ chặt chẽ với lịch sử bành trướng ảnh hưởng của Pháp tại Ðông Dương. Người sáng giá nhất trong Hội Truyền Bá là Giám Mục Adrian Pigneau de Behaine.” (Benz, Ernst: Buddhism or Communism, Which Holds the Future of Asia tr. 31).

Phan Bội Châu xem Adrian Pigneau de Behaine là nhà lãnh đạo tiền phong trong khát vọng thuộc địa (Benz nt. Tr. 44). Cao Huy Thuần viết: “Hoạt động của Giáo Hội Thiên Chúa là một phần của chiến lược thực dân. Trong chủ nghĩa thực dân (Colonialism), chữ C hoa đại diện cho 3 chữ c nhỏ, đó là Cơ Ðốc Giáo (Christianization), Thương Mãi (Commerce) và Văn Minh (Civilization.”(Cao Huy Thuan: Catholicism and French Colonialism in Vietnam tr. 111).

Vào thế kỷ thứ 19 hầu hết những nước Phật Giáo tại Ðông Nam Á nói riêng, Á Châu nói chung đều bị Âu Châu cai trị và Cơ Ðốc Giáo đe dọa truyền thống văn hóa của họ. Thực dân thuộc địa đến những quốc gia này một tay cầm Thánh Kinh, một tay cầm súng, bành trướng thế lực với danh nghĩa rao truyền văn minh nhân loại, mà họ gọi là mission civilisatrice. Các dân tộc Ðông Nam Á hướng đến Phật Giáo làm bình phong chống lại chủ nghĩa đế quốc Tây Phương.

Phật tử Việt Nam thấy nhiệm vụ cứu nước và cứu đạo đi đôi với nhau. Phong trào chấn hưng Phật Giáo bắt đầu từ trong Nam qua việc thành lập Hội Lục Hòa Liên Hiệp năm 1923 tại chùa Long Hoa, Trà Vinh, tổ chức Thích Học Ðường và Phật Học Thư Xã tại chùa Linh Sơn, Sài Gòn năm 1928, thành lập Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học năm 1931 tại Sài Gòn, Phật Học Tùng Thư của Ðoàn Trung Còn năm 1932, Hội Lưỡng Xuyên Phật Học tại Trà Vinh năm 1934, Hội Tịnh Ðộ Cư Sĩ tại chùa Tân Hưng Long, Chợ Lớn năm 1936, Hội Phật Học Kiêm Tế tại chùa Tam Bảo, Rạch Giá năm 1937 với hoạt động tích cực của Hòa Thượng Khánh Hòa, Huệ Quang, Pháp Hải, Khánh Anh, Thiện Chiếu, Bích Liên, Liên Tôn... Ngoài ra còn có các Hội Phật Học khác không có Chi Hội ở các Tỉnh, không có báo chí, không Phật Học Viện, như:

– Hội Phật Giáo Liên Hữu do vị Trú Trì chùa Bình An, tỉnh Long Xuyên sáng lập năm 1932.

– Hội Phật Giáo Tương Tế do vị Trú Trì chùa Thiên Phước tên là Lê Phước Chí ở Sóc Trăng sáng lập khoảng năm 1934.

– Hội Thiên Thai Thiền Giáo Tông Liên Hữu do thiền sư Huệ Ðăng sáng lập năm 1934, trụ sở đặt tại chùa Thiên Thai, Bà Rịa.

Tại Trung Kỳ Hội An Nam Phật Học ra đời năm 1932 với sự hướng dẫn của Hòa Thượng Giác Tiên và hoạt động tích cực của những cư sĩ như: Cụ Ưng Bàng, Nguyễn Khắc Hòe, Nguyễn Khoa Tân, Viễn Ðệ, Nguyễn Khoa Toàn, Ưng Bình, Bửu Bác, Trần Ðăng Khoa, Lê Thanh Cảnh, Lê Quang Thiết, Trương Xướng, Tôn Thất Quyên, Nguyễn Xuân Tiêu, Hoàng Xuân Ba, Lê Bá Ý, Tôn Thất Tùng, Lê Ðình Thám...

Sơn Môn Huế và Hội An Nam Phật Học rất chú trọng về việc đào tạo nhân tài và chỉnh lý Tăng giới. Trường Phật Học đầu tiên được mở tại chùa Trúc Lâm với chương trình học 15 năm, 5 năm Tiểu Học, 5 năm Trung Học, 5 năm Ðại Học. Năm 1935 Trường Phật Học được dời qua chùa Tây Thiên, với chương trình học 12 năm, 4 năm Tiểu Học, 4 năm Trung Học, 4 năm Ðại Học. Khi Phật Học Viện do Hội An Nam Phật Học tổ chức tại Báo Quốc năm 1944, với chương trình 6 năm, 2 năm Tiểu Học, 2 năm Trung Học, 2 năm Ðại Học. Cuối năm 1944 Phật Học Ðường Báo Quốc được dời về Tùng Lâm Kim Sơn ở làng Lưu Biểu. Tình trạng kinh tế sau ngày Nhật đảo chánh Pháp trở nên tồi tệ, Hội An Nam Phật Học không đủ sức duy trì Phật Học Viện phải dời vào Nam với sự yểm trợ của Tăng sinh Thiện Hoa, đầu tiên dời về Vĩnh Tràng ở Mỹ Tho, sau chuyển đến chùa Phật Quang ở Trà Ôn, tỉnh Trà Vinh. Khi Cách Mạng Tháng Tám bùng nổ, trước cao trào đấu tranh dành độc lập, nhiều Tăng sinh đã tham gia kháng chiến chống Pháp. Phật Học Ðường này bị tan rã.

Trong công tác chỉnh lý tình trạng Tăng sĩ, Hội An Nam Phật Học chủ trương cư sĩ có bổn phận tham gia bằng cách không công nhận người phá giới là tăng sĩ, hủy bỏ điệp qui y do các thầy không trì trai giữ giới cấp phát. Công bố những tăng sĩ phạm giới nếu có đầy đủ bằng chứng. Bảo vệ những tăng sĩ nghiêm trì giới hạnh. Không tham dự những công việc không phù hợp với Phật Pháp. Tham gia công tác hoằng dương chánh pháp và chỉnh đốn tăng già.

Tại Bắc Kỳ, Hội Phật Giáo Bắc Kỳ được thành lập năm 1934 với sự hướng dẫn của Hòa Thượng Thanh Hanh (Tổ Vĩnh Nghiêm) và hoạt động tích cực của thiền sư Trí Hải, Tâm Ứng, Tâm Bảo, Tố Liên, Giải Ngạn, Tuệ Chiếu... các cư sĩ như cụ Nguyễn Hữu Kha, Nguyễn Năng Quốc, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Cung Ðình Bính, Trần Văn Giáo, Văn Quang Thùy, Nguyễn Can Mộng, Nguyễn Ðỗ Mục, Nguyễn Văn Tố, Dương Bá Trạc, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Vĩnh...

Giống như Hội An Nam Phật Học, trọng tâm công tác chấn hưng của Hội Phật Giáo Bắc Kỳ là đào tạo nhân tài. Trường Phật Học tại Quán Sứ, Bồ Ðề, Bằng Sở với chương trình học Phật 10 năm, 4 năm Tiểu Học, 3 năm Trung Học, 3 năm Ðại

Học. Ngoài ra ông Ðồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật muốn đưa đạo Phật vào đời sống hàng ngày của nhân gian chủ trương Nhân Gian Phật Giáo với sự yểm trợ đắc lực của Nguyễn Hữu Kha Thiều Chửu.

Hội Phật Giáo Bắc Kỳ đã lôi cuốn nhiều học giả tân cũng như cựu để tâm nghiên cứu Phật Học. Ông Trần Văn Giáp cho xuất bản cuốn Le Bouddhisme en Annam des Origines au 13e siècle là công trình đầu tiên về Phật sử Việt Nam. Lệ Thần Trần Trọng Kim, một sử gia nổi tiếng dịch kinh Bát Nhã từ chữ Nho ra chữ Việt, tác giả của những tập tham luận như Phật Giáo Thuở Xưa và Phật Giáo Ngày Nay.

Trong khi Hội Phật Giáo Bắc Kỳ nỗ lực vận động canh tân Phật Giáo với diễn đàn Ðuốc Tuệ ra đời năm 1935, thì chư Tăng trong Sơn Môn cũng không kém phần hoạt động. Sơn Môn Linh Quang với tạp chí Tiếng Chuông Sớm do Tăng Cương Ðỗ Văn Hỷ, chùa Linh Quang (Bà Ðá), thiền sư Thanh Tường, Trú Trì chùa Trầm ở Hà Ðông, thiền sư Ðặng Văn Lợi tăng trưởng chùa Trấn Quốc, Hà Nội, thiền sư Bảo Giám, trú trì chùa Ðông Lâm, Bắc Ninh... ông Mai Ðăng Ðệ, Trần Ðình Rư, Nguyễn Khắc Hiếu, Nguyễn Tiến Lãng... chủ trương. Cơ quan Tiếng Chuông Sớm cuối năm 1935 thành lập Bắc Kỳ Phật Giáo Cổ Sơn Môn, chủ trương duy trì truyền thống thiền môn khác với chủ trương canh tân của Hội Phật Giáo Bắc Kỳ. Tổ Vĩnh Nghiêm không để cho sự chia rẽ trở nên trầm trọng, cố gắng hòa giải đôi bên nên dần dần hai bên hoan hỷ cộng tác.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]