Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 7: Dưới Chân Thầy Tổ Những Năm Tháng Tại Phật Học Viện Thập Tháp & Tây Thiên

25/12/201006:41(Xem: 7583)
Chương 7: Dưới Chân Thầy Tổ Những Năm Tháng Tại Phật Học Viện Thập Tháp & Tây Thiên

NHƯ ÁNG MÂY BAY

Cuộc đời của Đại Lão Hòa Thượng
THÍCH ĐÔN HẬU
Đệ tử Tâm Đức phụng sọan
Thất chúng môn đồ ấn hành 2010 USA

QUYỂN HAI:
HÒA THƯỢNG ÐÔN HẬU (1905-1992)
VÀ PHONG TRÀO PHỤC HƯNG PHẬT GIÁO


Chương 7: Dưới Chân Thầy Tổ
Những Năm Tháng Tại Phật Học Viện Thập Tháp & Tây Thiên

Chùa Thập Tháp (Sắc Tứ Thập Tháp Di Ðà Tự) tọa lạc trên đồi Long Bích, cách trung tâm thành phố Qui Nhơn khoảng 25km, qua khỏi thị trấn Ðập Ðá, gần Cầu Chùa, thuộc thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh.

Chùa do thiền sư Nguyên Thiều sáng lập năm 1665. Thiền sư thế danh Tạ Hoán Bích, người huyện Trịnh Hương, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Ðông, Trung Quốc, sinh năm Mậu Tý 1648, lớn lên theo thuyền buôn của người Trung Hoa vào phủ Quy Ninh (Bình Ðịnh). Tại đây ngài lập chùa Thập Tháp Di Ðà vào năm thứ 3 đời Lê Huyền Tông (1665). Căn cứ vào bia tháp thì ngài hoằng hóa tại Việt Nam 54 năm.

Chùa Thập Tháp nằm sát phía bắc thành Ðồ Bàn, sau gọi là thành Hoàng Ðế vì vua Nguyễn Nhạc đóng đô ở đây, trên một ngọn đồi, chu vi gần 1km, xưa gọi là núi Long Bích Cương. Trước mặt là ngọn Thiên Bút Sơn hay còn gọi là núi Mò O, ngọn núi che chắn mặt chính của chùa. Sau lưng được bao bọc bởi chi lưu sông Côn. Phía bắc là sông Quai Vạc, xưa gọi là sông Bàn Khê. Ðối diện với chùa là hồ sen rộng 500m vuông, bờ xây bằng đá ong. Vào năm 1680 chùa được xây dựng qui mô.

Chùa xây theo kiểu chữ “Khẩu”, chia thành bốn khu vực: Chánh Ðiện, Phương Trượng, Tây Ðường, Ðông Ðường. Các khu vực nối liền với nhau bằng một khoảng sân bên trong, gọi là sân Thiên Ðỉnh (Giếng Trời).

Chánh Ðiện là khu bề thế nhất, gồm 5 gian bằng gỗ, có 4 hàng cột cái, 4 hàng cột quân, 8 cột con và 16 cột hiên. Trong Chánh Ðiện bài trí Khám Thờ. Khám chính cao 5m, bên trên chạm “Lưỡng Long Triều Nguyệt”, thờ Tam Thế Phật, bằng đồng thếp vàng, hai bên trang trí lọng, trướng, thờ Thập Bát La Hán. Ngoài ra còn ba khám thờ khác đơn giản hơn. Chánh Ðiện lợp bằng ngói âm dương, mái thẳng.

Phương Trượng được xây cất theo kiểu kiến trúc Nam Trung Quốc, được cải tạo nâng cấp năm 1973, lợp bằng ngói âm dương. Khu Tây Ðường và Ðông Ðường kiến trúc giống Phương Trượng, mái lợp ngói âm dương.

Trong chùa còn nhiều hiện vật quí: Hai câu đối do chúa Nguyễn Phúc Chu ban năm Tân Tỵ, tấm hoành phi đề Thập Tháp Di Ðà Tự, Minh Mạng Nguyên Niên, sơn son thếp vàng. Bức hoành phi ghi nội dung bài kệ tổ 31 phái Lâm Tế, do Hòa Thượng Minh Lý cung tạo năm Bính Tý 1874. Bức hoàng phi đề: Thượng Tứ Hảo Nghĩa, Tự Ðức 33.

Sau khi khai sơn chùa Thập Tháp Di Ðà, tổ đi khắp nơi truyền đạo, sáng lập các chùa Hà Trung, Quốc Ân và tháp Phổ Ðồng tại Thừa Thiên, Huế.

Chùa Thập Tháp Di Ðà trải qua 15 đời truyền thừa, đến thời Quốc Sư Phước Huệ (1869-1945), chùa mở Phật Học Viên đào tạo tăng tài. Trong khuôn viên của chùa có rất nhiều tháp. Tổ Nguyên Thiều khi lập chùa thấy có 10 tháp xưa của người

Chàm nên đặt tên Thập Tháp, về sau thêm vào hai chữ Di Ðà. Năm 1876, niên hiệu Tự Ðức 29, chùa được ban tên Sắc Tứ thành Sắc Tứ Thập Tháp Di Ðà Tự.

Quốc sư Phước Huệ (1869-1945) thế danh là Nguyễn Tấn Giao, sinh năm Kỷ Tỵ (1869) tại làng Phú Thành, Phủ An Nhơn nay là ấp Phú Thành, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh. Thân phụ là cụ Nguyễn Chánh Niệm, tự Hòa Bình, thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Lành. Ông bà là những Phật tử thuần thành.

Năm 12 tuổi ngài được cha mẹ cho xuất gia tại chùa Thập Tháp, thọ giới với Hòa Thượng Chí Tịnh (Minh Lý) được ban pháp hiệu là Phước Huệ. Sau một thời gian tu học tại chùa, ngài được bổn sư cho tới chùa Tịnh Lâm ở huyện Phù Cát, Bình Ðịnh, theo học với Hòa Thượng Từ Mẫn chùa Châu Long. Năm 19 tuổi ngài trở về giữ chức Thủ Khố của tổ đình Thập Tháp. Năm 20 tuổi, ngài vào chùa Từ Quang ở Ðá Trắng huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên theo học với Hòa Thượng Luật Truyền (Pháp Chuyên). Ngài thọ đại giới năm 1889 và đắc pháp với Hòa Thượng Luật Truyền.

Khi bổn sư viên tịch, ngài trở về tổ đình Thập Tháp thọ tang rồi ở lại tham học với sư huynh Tăng Cang Vạn Thành vừa mới được suy cử làm trú trì tổ đình Thập Tháp.

Sau mười năm chuyên tâm tu học, bác thông Tam Tạng Giáo Ðiển lại thông suốt cả Bách Gia Chư Tử, có khả năng giáo hóa nhuần nhuyễn, đạo vị vào bậc nhất thời bấy giờ, ngài được người đương thời tặng danh hiệu Phật Pháp Thiên Lý Câu có nghĩa là con ngựa tinh thông Phật Pháp chạy được ngàn dặm.

Năm 1894 ngài được cử làm trú trì chùa Phổ Quang ở huyện Tuy Phước, nay ở xã Phướng Thuận. Ðây là ngôi cổ tự do thiền sư Minh Giác Kỳ Phương (đệ tử của tổ Nguyên Thiều) khai sơn từ đời chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691). Năm Tân Sửu (1901) ngài được triều đình ban cho chức vị Tăng Cang

Quốc sư Thích Phước Huệ (Thích Ðồng Bổn: Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam Thế Kỷ XX,tr. 155)

chùa Thập Tháp. Năm 1908 ngài được mời ra hoàng cung tại Huế thuyết pháp, đồng thời mở khóa giảng kinh tại chùa Trúc Lâm. Các vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Ðịnh đều mời ngài vào cung thuyết pháp, được triều đình, sơn môn đồ chúng tôn xưng Quốc Sư.

Năm 1920 ngài mở các lớp dạy nội điển tại chùa Thập Tháp và Long Khánh. Năm 1929 khi Hòa Thượng Giác Tiên mở Phật Học Ðường tại chùa Trúc Lâm, Huế vào chùa Thập Tháp mời ngài ra làm chủ giảng. Từ đó hàng năm ngài ra Trúc Lâm giảng dạy cho Tăng sinh.

Năm 1937 khi tăng cang Vạn Thành viên tịch, sơn môn đồng lòng cung thỉnh ngài về kế vị tổ đình Thập Tháp. Từ đó ngài ở hẳn Bình Ðịnh không ra Huế giảng dạy nữa, một phần vì tuổi cao sức yếu, phần khác phải chu toàn nhiệm vụ làm viện chủ, đồng thời làm Ðốc Giáo cho Trường Trung Ðẳng Phật Học tại chùa Long Khánh, lo trùng tu tổ đình Thập Tháp và khai sơn chùa Phước Long tại thị trấn Phú Phong thuộc xã Bình Phú, huyện Bình Khê nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Ðịnh.

Quốc sư Phước Huệ là cây đại thụ của Phật Giáo Trung và Nam Kỳ. Sau nhiều năm cống hiến tài năng, sức lực và tâm huyết cho công cuộc xây dựng lâu đài Phật Giáo, tháng Giêng năm Ất Dậu (1945) ngài viên tịch tại tổ đình Thập Tháp, hưởng thọ 76 tuổi đời, 56 tuổi hạ. Hòa Thượng Trí Hải, trú trì chùa Bích Liên, Bình Ðịnh đề 4 câu thơ khắc vào tháp, tán dương công hạnh của ngài:

Nguy nhiên nhất cao tháp Cao thay một ngọn tháp

Ðộc tọa Ðồ Bàn Ðông Ðộc chiếm đông Ðồ Bàn

Ngoại thị hữu vi tướng Ngoài bày tướng hữu vi

Trung tàng vô tướng ông Trong ẩn tính vô tướng.

Năm 1970 để tưởng niệm công đức Quốc Sư, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Bình Ðịnh đã chọn pháp hiệu của ngài để đặt tên cho một Phật Học Viện mới thành lập tại tổ đình Thập Tháp: Phật Học Viện Phước Huệ.

Hòa Thượng Ðôn Hậu ghi lại nếp sống tại Phật Học Viện Thập Tháp lúc ngài cùng quí thầy ở Huế vào theo học năm 1927:

“Ở Thập Tháp chùa chỉ lo phần gạo còn tiền ăn học thì học tăng phải tự túc. Ban đầu mỗi học tăng phải nộp mỗi tháng một đồng rưỡi. Sau chùa thấy số tiền ấy quá lớn, nhiều người không đủ sức để nộp, nên chùa cho bớt xuống chỉ còn 9 hào một tháng.

“Sau khi học được một năm, đến năm Mậu Thìn, 1928 thì thầy Chánh Huy và thầy Chánh Thống trở về Huế. Ðổi lại thì có hai thầy là thầy Mật Hiển và thầy Mật Nguyên từ Huế vào.

Anh em thấy thời gian học của mình còn khá lâu dài mà số tiền 9 hào một tháng vẫn còn quá lớn, nên anh em muốn thực hiện phương thức “phước huệ song tu” nghĩa là vừa học vừa lao động. Do đó anh em ngoài giờ học, theo sự phân công, mỗi người phải nhận công tác để có thể giảm tiền học phí. Công việc được phân phối như sau: Thầy Vĩnh Thừa sau khi anh em thọ trai xong, lo rửa dọn chén bát. Thầy Mật Khế lo đi chợ. Thầy Mật Hiển và thầy Mật Nguyện lo nấu ăn. Còn tôi thì phụ trách đi kiếm củi.

“Như vậy số tiền nộp hàng tháng chỉ còn lại 6 hào. Xem ra anh em nhọc công một chút nhưng lại nhẹ được gánh nặng tiền đóng hàng tháng.”

Sống chung với nhau, làm việc chung với nhau, có những cái vui, cái buồn; có những kỷ niệm khó quên. Hòa Thượng Ðôn Hậu trong Trên Những Chặng Ðường ghi lại câu chuyện khá lý thú:

“Một hôm thầy Mật Khế đi chợ mua thức ăn hơi ít. Thầy sợ anh em ăn thiếu, nên thầy ra vườn chùa kiếm thêm măng. Không may măng trong chùa đã ăn hết sạch. Thầy bèn “nhanh trí” nhảy qua vườn bên cạnh chùa “kiếm” măng. Nghe có tiếng sột soạt ngoài vườn, người trong nhà chạy ra vườn xem. Thoáng thấy bóng người thầy liền bỏ chạy, đồng thời nhanh tay quăng mụt măng sang bụi tre bên vườn chùa một cách nhẹ nhàng. Khi người nhà ra đến nơi thì chỉ thấy thầy cúi xuống cầm mụt măng từ bụi tre chùa đi ra tỉnh bơ...!

“Ðến khi anh em ngồi dùng cơm, thầy kể chuyện lại cho anh em nghe, tất cả đều ôm bụng cười muốn tắt thở! Hú hồn, may không thôi thì mất mặt cả đám. Ai lại thầy chùa mà đi... ăn trộm măng!”

Chúng tăng hỏi Hòa Thượng đến kỳ Bố Tát thầy Mật Khế có bày tỏ sám hối không và có xin lỗi với chủ nhà bên cạnh không. Hòa Thượng cho biết đó là hành động bất ổn duy nhất, khó quên trong cuộc đời tu hành của quí thầy. Trong kỳ Bố Tát liền sau đó, quí thầy đã thổ lộ sám hối và qua nhà kế cận nhìn nhận hành động không mấy tốt đẹp của mình. Chủ nhà bên cạnh không những hoan hỷ bỏ qua mà còn nói nếu khi nào cần, quí thầy có thể qua chùa “kiếm” măng.

Hòa Thượng cũng cho biết trong thời gian tu học tại Thập Tháp, những vị có công chăm lo giúp đỡ chư tăng từ Huế vào tu học là Hòa Thượng Giác Tiên chùa Trúc Lâm, Hòa Tượng Tịnh Khiết chùa Tường Vân và bà Trương Xướng ở gần chùa Trúc Lâm. Hòa Thượng ghi trong Hồi Ký Trên Những Chặng Ðường về đời sống của quí thầy tại Thập Tháp:

“Tuy đời sống vật chất có phần cơ cực, thiếu thốn, nhưng nếp sống tinh thần thì rất dồi dào, phong phú. Ðược như thế phần lớn đều do anh em chúng tôi sống với nhau trong tinh thần Lục Hòa, thân mật, vui vẻ, xem nhau như anh em ruột thịt. Thêm vào đó chúng tôi được sống dưới sự chăm nom dạy bảo của một vị Hòa Thượng chan hòa đức độ, một vị Quốc Sư uyên thâm Phật Pháp, phước trí kiêm toàn, trong khung cảnh trang nghiêm, thanh tịnh của một ngôi chùa lịch sử, cổ kính.

“Trong học chúng lúc bấy giờ những tăng sinh xuất sắc đều từ Huế, đặc biệt là thầy Mật Khế. Tất cả anh em chúng tôi ai ai cũng lo chuyên cần tu học, luôn luôn giữ gìn giới hạnh, nên được Hòa Thượng thương mến.

“Tác phong đứng đắn, học hành chăm chỉ không những đem lại sự hăng say, tận tụy trong việc tu học mà còn làm tăng thêm tín tâm của bổn đạo, tín đồ của chùa lúc bấy giờ.

“Một điều đáng ghi thêm ở đây nữa là trong lớp học tại Phật Học Viện Thập Tháp hồi đó còn có cả thầy Trí Ðộ, lúc bấy giờ còn là cư sĩ, nhưng sự tu học của thầy rất tinh tấn. Trong các thời công phu sáng chiều, thầy không bỏ sót một thời nào. Thật là một tấm gương sáng cho ta nể vì.”

Hòa Thượng Thích Trí Ðộ (1894-1979) hiệu Hồng Chân, thế danh là Lê Kim Ba, sinh ngày 15 tháng 12 năm 1894 tại thôn Phổ Trạch, xã Kỳ Sơn, huyện Tây Phước, tỉnh Bình Ðịnh.

Sinh ra trong một gia đình Nho học nên ngài bắt đầu học chữ Nho lúc còn nhỏ tuổi. Tuy học chữ Nho nhưng cha mẹ cũng đồng thời cho học chữ Việt đến cấp sư phạm. Sau khi tốt nghiệp sư phạm, ngài chuyên tâm học Phật Pháp, đến Phật Học Viện Thập Tháp theo học Phật Pháp với Quốc Sư Phước Huệ, cùng khóa học với quí Hòa Thượng Mật Khế, Ðôn Hậu, Mật Hiển, Mật Nguyện... suốt bốn năm, từ năm 1927 đến 1931. Năm 1931 ngài vào Sài Gòn cùng với một số cao tăng sáng lập và xuất bản tạp chí Từ Bi Âm. Năm 1935 ngài được Hội An Nam Phật Học mời làm Giám Ðốc Phật Học Viện Báo Quốc, nơi đào tạo quí Hòa Thượng Trí Tịnh, Trí Quang, Thiện Siêu, Thiện Minh, Thiện Hoa, Thiện Hòa, Huyền Quang... Năm 1940 trở vào Bình Ðịnh, được Hòa Thượng Liên Tôn khuyến hóa, ngài xuất gia làm đệ tử hòa thượng Trí Hải, chùa Bích Liên, làng Hòa Xá, quận An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh, đắc pháp với Quốc Sư Phước Huệ được ban pháp hiệu là Hồng Chân. Năm 1941 ngài thọ cụ túc giới do hòa thượng Ðắc Quang chùa Quốc Ân, Huế làm Ðường Ðầu Hòa Thượng.

28bHòa Thượng Thích Trí Ðộ (1894-1979) (Thích Hải Ấn & Hà Xuân Liêm: Lịch Sử Phật Giáo Xứ Huế, tr. 577)

Khi Phật Học Viện Báo Quốc dời từ Kim Sơn Huế vào Trà Vinh năm 1945, trước cao trào đấu tranh dành độc lập, ngài tham gia phong trào Phật Giáo Cứu Quốc. Năm 1946 Hội Phật Giáo Bắc Kỳ mời ngài ra chùa Quán Sứ mở Phật Học Viện đào tạo Tăng tài, hoằng truyền chánh pháp. Năm 1950 ngài được bầu vào Ủy Ban Liên Việt tại Thanh Hóa và năm 1953 được chỉ định làm Ủy Viên của Ủy Ban Bảo Vệ Hòa Bình. Năm 1954, sau Hiệp Ðịnh Genève ngài trở về Quán Sứ, tích cực vận động thành lập tổ chức Phật Giáo Thống Nhất, được bầu làm Chủ Tịch của tổ chức Phật Giáo Thống Nhất năm 1958 cho đến ngày ngài viên tịch năm 1979.

Sau khi Hội Phật Giáo Thống Nhất được thành lập, ngài đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo Tăng Ni. Ngài xin Nhà Nước mở những lớp huấn luyện dài hạn, ngắn hạn, cùng quí Hòa Thượng, Thượng Tọa khác trực tiếp hướng dẫn chư tăng ni Phật tử.

Năm 1950 ngài đi Ấn Ðộ dự lễ kỷ niệm Lễ Phật Thành Ðạo 2,500 năm. Năm 1961 ngài tham dự Ðại Hội VI của Hội Phật Giáo Thân Hữu Thế Giới (WFB) tại Cao Mên. Năm 1964 ngài đi Trung Quốc dự lễ kỷ niệm ngài Huyền Trang. Năm 1979 ngài đi Mông Cổ dự đại hội bảo vệ hòa bình Á Châu. Từ năm 1955 đến 1979 ngài được bầu làm Ủy Viên Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. Ngài là dân biểu quốc hội khóa 2, 3, 4, 5, được giữ chức Ủy Viên Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội ở những khóa trên. Khi viên tịch năm 1979 được Nhà Nước truy tặng Huân Chương Ðộc Lập hạng 2, Huân Chương Kháng Chiến hạng 3.

Ngoài thầy Trí Ðộ lúc bấy giờ là một cư sĩ tham dự khóa học Phật Pháp tại Chùa Sắc Tứ Thập Tháp Di Ðà, còn có một nữ cư sĩ, bà Cao Xuân Xang, sau này xuất gia hiệu Diệu Không cũng đến đây học hỏi.

Sau 4 năm học tập, vào năm Canh Ngọ, 1930 bốn thầy là thầy Vĩnh Thừa, thầy Mật Khế, thầy Mật Hiển, thầy Mật Nguyện xin trở về Huế chỉ có thầy Ðôn Hậu, xin ở lại học thêm hai năm nữa cho đến gần cuối năm Nhâm Thân, 1932 mới thôi học, trở về Huế Ðô.

Về Huế thầy Ðôn Hậu vẫn tiếp tục nghiên tầm kinh điển cho đến khi Hội An Nam Phật Học thành lập Phật Học Viện tại chùa Tây Thiên. Ngày 16 tháng 10, 1935, nhân ngày Lễ Vía Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát, Phật Học Viện được khai giảng gồm ba cấp: Tiểu Học, Trung Học và Ðại Học. Hội cung thỉnh Quốc Sư Phước Huệ làm Giáo Thọ cho chương trình Ðại Học.

Phần đông quí thầy đã tham dự các khóa học Phật tại Phật Học Viện Thập Tháp như thầy Chánh Thống, thầy Ðôn Hậu, thầy Mật Hiển, thầy Mật Nguyện giờ đây khi trường Ðại Học Phật Giáo Tây Thiên khai giảng, đều đến tham dự, cọng thêm những thầy khác như thầy Trí Thủ và thầy Thiện Trì. Cấp Trung Học có nhiều thầy theo học, như thầy Thiện Hòa, thầy Thiện Hoa, thầy Hành Trụ từ trong Nam ra, thầy Trí Quảng tức là thầy trú trì chùa Từ Ân, anh ruột của thầy Trọng Ân, nhà thơ Trúc Ðiệp, thầy Chánh Pháp, thầy Như Ý ở Huế...

Trường Phật Học Tây Thiên, đơn sơ nhưng rất là ấm cúng. Ðược sự chăm sóc tận tình của Hòa Thượng Giác Nguyên, trong một khung cảnh tĩnh mịch, cách xa thị thành, thật là nơi lý tưởng.

Sáng ngày Khai Giảng, khi vào chùa làm lễ, quí Hòa Thượng Giáo Thọ, Chứng Minh đứng giữa, bên phải là các Tăng sinh cấp Ðại và Trung Học, bên trái các Tăng Sinh cấp Tiểu Học. Sau thời tụng niệm và phát hoằng thệ nguyện, Quốc Sư Phước Huệ có vài lời với Tăng Sinh. Ngài nói:

“Ngày xưa đức Bổn Sư bỏ ngai vàng, lâu đài, điện ngọc, phụ vương, thê tử xuất gia tầm đạo và sau 6 năm khổ hạnh, dưới gốc cây Bồ Ðề, vượt qua những thử thách của ma vương, thành tựu đại nguyện. Chúng ta ngày nay có nguyện theo dấu chân ngài, kế thừa đạo pháp? Mọi thử thách đang chờ đợi chúng ta và thử thách căm go nhất là kiểm soát cuộc đời của chúng ta,

kiểm soát thân khẩu ý. Muốn được vậy chúng ta không thể lơ là trong việc chấp trì giới luật, siêng năng tu tập. Ðời sống tâm linh bắt đầu từ sự tuân hành kỷ luật, biết vâng lời, biết phụng sự. Dẹp bỏ tư kỷ, dẹp bỏ ham muốn thường tình. Nếp sống Lục Hòa mà Phật Tổ đã truyền dạy, chúng ta cố gắng tuân hành. Sống hòa đồng với anh em, với tất cả mọi người. Hợp tác, thân tình, phụng sự.”

Lễ Khai Mạc xong Tăng Sinh ra ngoài tháp phía bên trái trước chùa hay đứng chụm năm chụm ba dưới cây thị xòa nhánh bao phủ cả sân chùa để thảo luận những điểm Quốc Sư nêu ra trong huấn từ, hoặc trao đổi cho nhau những câu chuyện cá nhân đầy ý vị cho đến khi có tiếng chuông báo hiệu giờ quá đường, giờ cúng ngọ và thọ trai.

29

Xuân Kinh Ðại Phật Học Tràng (Văn Phòng Viện Tăng Thống: Tiểu Sử Ðức Ðệ Tam Tăng Thống, tr. 14)

Một năm trôi qua. Số lượng tăng sinh không thay đổi, rất là khiêm nhượng, chỉ vỏn vẹn trên dưới ba chục vị, những bậc lương đống cho Phật Giáo Việt Nam sắp bước qua một giai đoạn mới đầy chông gai thử thách.

Sau buổi lễ kỷ niệm năm thứ nhất của Viện Phật Học Huế, Quốc Sư Chủ Giảng, Ban Giáo Thọ, Chứng Minh cùng Tăng Sinh chụp ảnh lưu niệm.

Bức ảnh có phần ghi chú bằng chữ Nho.

Hàng đầu: Phật Lịch Nhị Thiên Ngũ Bách Lục Thập Niên, Bính Tý Cửu Nguyệt Thập Cửu Nhật (Phật Lịch 2560 năm Bính Tý ngày 19 tháng 9). Hàng thứ hai: Xuân Kinh Ðại Phật Học Tràng Ðệ Nhất Chu Niên Nhiếp Ảnh Kỷ Niệm (Viện Ðại Học Phật Giáo Huế - Ảnh kỷ niệm đệ nhất chu niên)

Ngồi ở hàng ghế đầu là Ban Giáo Thọ và Chứng Minh: Từ trái sang phải: Hòa Thượng Giác Bổn, Hòa Thượng Giác Hạnh, Quốc sư Phước Huệ, Hòa Thượng Giác Tiên. Ðứng hàng trước, từ phải sang trái: Tăng sinh Ðôn Hậu, Tăng sinh Mật Hiển và toàn thể Tăng Sinh Phật Học Viện Tây Thiên, Huế.

Bốn năm trôi qua. Vào đầu mùa hạ năm Mậu Dần, 1938, trường Ðại Học Tây Thiên tổ chức khóa thi tốt nghiệp. Thầy Ðôn Hậu được ra trường với hạng Ưu, thành quả của trên 11 năm chuyên cần tu học. Trong Trên Những Chặng Ðường Hòa Thượng ghi cảm tưởng của mình: “Tôi hết sức vui mừng. Ngày nay hồi tưởng lại, tôi không làm sao quên được công lao dạy dỗ của quí Ôn, quí Thầy, cùng sự tận tâm giúp đỡ của nhiều vị thiện tri thức, những đàn na tín thí đã giúp đỡ tôi có điều kiện theo đuổi chương trình tu học trong những năm qua.”

Hành trang đã chuẩn bị, Hòa Thượng Ðôn Hậu bắt đầu lộ trình hoằng hóa đầy thử thách nhưng cũng đầy hoa, đầy lá.

23

Cổng chùa Thập Tháp Di Ðà (Võ Văn Tường: Việt Nam Danh Lam Cổ Tự, 60.2 tr. 152)

25

Chánh Ðiện Chùa Thập Tháp Di Ðà (Võ Văn Tường: Việt Nam Danh Lam Cổ Tự, 60.3 tr. 152)

24

Chùa Thập Tháp Di Ðà (Võ Văn Tường: Việt Nam Danh Lam Cổ Tự, 61.1, tr. 151

26

Tượng Thập Bát La Hán (Võ Văn Tường: Việt Nam Danh Lam Cổ Tự, 60. 6a, 6b. tr. 151)


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]