Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm 28: Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát

14/11/201018:04(Xem: 9296)
Phẩm 28: Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát

 

 

ĐẠO PHẬT NGÀY NAY
MỘT DIỄN DỊCH MỚI VỀ BA BỘ KINH PHÁP HOA

Tác Giả: Nikkyò Niwano - Anh dịch: Kòjirò Miyasaka - Bản Dịch Anh ngữ: Buddhism For Today: A modern Interpretation Of The Threefold Lotus Sutra, Kose Publishing Co. Tokyo - Việt dịch Cư Sĩ Trần Tuấn Mẫn, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam TP. HCM ấn hành 1997

Phẩm 28
PHỔ HIỀN BỒ-TÁT KHUYẾN PHÁT

Bồ-tát Văn-thù đại diện cho trí tuệ của đức Phật, trong khi Bồ-tát Phổ Hiền tiêu biểu cho đức hạnh của đức Phật. Hai vị Bồ-tát này được xem như một đôi trí tuệ mà ngài Văn-thù đại diện, tượng trưng sự thể nghiệm chân lý và đức hạnh mà ngài Phổ Hiền là tiêu biểu, tượng trưng sự thực hành chân lý.

Chúng ta đã nghiên cứu sự thể nghiệm chân lý trong Tích môn. Trong hội chúng được đức Phật giảng pháp môn này, Bồ-tát Văn-thù là người đại diện cho các đệ tử của đức Phật. Chúng ta đã nghiên cứu cái thực thể của chân lý trong “Một phẩm và Hai nửa” - nửa sau của phẩm 15, toàn phẩm 16 và nửa đầu của phẩm 17. Trong hội chúng này, Bồ-tát Di-lặc đại diện cho các đệ tử của đức Phật. Chúng ta được giảng về sự thực hành chân lý qua thí dụ về những tu tập của nhiều Bồ-tát trong nửa sau của phẩm 17 và các phẩm sau đó được nêu định như là phần kết luận của Bổn môn. Cuối cùng, Bồ-tát Phổ Hiền xuất hiện trong phẩm cuối cùng của kinh Pháp Hoa. Sự việc ngài xuất hiện ở chỗ đặc biệt này có một ý nghĩa thâm sâu.

BỐN SỰ THỰC HÀNH (BỐN HẠNH) CỦA BỒ-TÁT PHỔ HIỀN:

Như được nêu tỏ trong phẩm này và trong kinh Quán Phổ Hiền Bồ-tát, được gọi là kinh kết của kinh Pháp Hoa, Bồ-tát Phổ Hiền toàn hảo về bốn hạnh:
1.Ngài tự mình thực hành giáo lý của kinh Pháp Hoa. 2.
2.Ngài hộ trì giáo lý khỏi mọi sự ngược đãi.
3.Ngài xác chứng các công đức của những ai thực hành giáo lý kinh và xác chứng các trừng phạt mà những ai phỉ báng giáo lý kinh hay ngược đãi những người tin theo kinh phải gánh chịu. 4.
4.Ngài xác nhận rằng ngay cả những người cưỡng ép giáo lý kinh cũng có thể thoát khỏi các tội lỗi nếu họ sám hối chân thành.

Bồ-tát Phổ Hiền khích lệ những ai sau khi nghe kinh Pháp Hoa và khởi đầu một cuộc sống mới như sau: “Ta nguyện thực hành bốn hạnh này, xem đấy là kết quả của việc thực hành kinh Pháp Hoa. Các vị hãy tinh cần trong tu tập, chớ lo lắng gì”.

Khích lệ của ngài có thể được liên hệ với lời mở đầu mà vị hiệu trưởng gửi đến các sinh viên tốt nghiệp. Giờ đây họ rời trường, mang theo chân lý mà họ đã học ở đó. Khi họ vào đời, họ thường bối rối không biết làm sao để sử dụng thật tốt những gì họ đã học ở trường. Đôi khi họ có những kinh nghiệm không may vì thủ đắc cái chân lý họ đã học mà bị người khác phủ nhận hoặc thậm chí bị ngược đãi vì chân lý ấy. “Hễ khi nào các bạn gặp khó khăn, các bạn có thể viếng trường cũ của các bạn. Chúng tôi sẽ cố gắng chứng tỏ rằng chân lý không sai. Hơn nữa, chúng tôi sẽ nói cho các bạn biết các bạn cần áp dụng chân lý vào từng vấn đề thực tiễn. Nếu các bạn thất bại về việc gì, chúng tôi sẽ chỉ cho các bạn cách thức để vượt qua thất bại ấy”. Bằng cách như thế, bài diễn văn khai mạc của vị hiệu trưởng bảo đảm cho sinh viên tốt nghiệp rằng những sinh hoạt của họ sẽ được bảo trợ dù cho họ đã rời trường. Không có lời giã từ để khích lệ nào gây xúc động hơn thế.

Giờ đây chúng ta hãy đi vào nội dung phẩm 28.

Bấy giờ Bồ-tát Phổ Hiền, với sức thần thông tự tại, oai đức, thanh thế cùng với chư đại Bồ-tát, vô lượng, vô biên, vô số, từ phía Đông đến; các quốc độ mà chư vị đi qua đều rung động, hoa sen báu mưa xuống, vô lượng trăm ngàn vạn ức loại nhạc được tấu lên. Lại còn có vô số chư Thiên, Long, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân và Phi nhân... nhiễu quanh, tất cả đều thể hiện uy lực thần thông. Bồ-tát và chư vị đến núi Kỳ-xà-quật trong cõi Ta-bà.

Phi nhân như Trời (Thiên), Rồng (Long), Dạ-xoa thường được nêu ra như là hội chúng nghe đức Phật thuyết giảng từ khi họ xuất hiện lần đầu tiên ở phần mở đầu kinh Vô Lượng Nghĩa. Tuy nhiên, sự miêu tả ở phẩm này khác với những miêu tả ở các phẩm trước. Sự khác biệt nằm trong biểu ngữ “tất cả đều thể hiện uy lực thần thông”. Điều này có nghĩa là do nghe đức Phật thuyết giảng kinh Pháp Hoa nên họ đạt được uy lực thần thông và thể hiện được uy lực ấy.

Sau khi đảnh lễ đức Phật, Bồ-tát Phổ Hiền nhiễu quanh Phật bảy lần về phía phải rồi bạch: “Bạch Thế Tôn ! Con ở quốc độ của đức Phật Bảo Oai Đức Thượng Vương, từ xa nghe kinh Pháp Hoa được giảng tại cõi Ta-bà này nên cùng với hội chúng này gồm vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức Bồ-tát đến nghe và thọ nhận kinh. Bạch Thế Tôn! Xin ngài giảng kinh ấy cho chúng con và cho chúng con biết sau khi đức Như Lai nhập diệt, các thiện nam tử và thiện nữ nhân có thể thủ đắc kinh Pháp Hoa như thế nào”.

Đức Phật nói với Bồ-tát Phổ Hiền: “Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào thành tựu bốn điều tiên quyết (tứ pháp) thì sau khi Như Lai nhập diệt người ấy sẽ thủ đắc kinh Pháp Hoa này: thứ nhất, đặt mình dưới sự hộ trì của chư Phật; thứ hai, vun trồng thiện căn; thứ ba, nhập chánh định; thứ tư, phát tâm cứu độ hết thảy chúng sanh. Thiện nam tử, thiện nữ nhân nào thành tựu bốn điều tiên quyết ấy chắc chắn sẽ thủ đắc kinh này sau khi Như Lai diệt độ”.

BỐN ĐIỀU TIÊN QUYẾT (BỐN PHÁP):

Cụm từ “Người ấy sẽ thủ đắc kinh Pháp Hoa này” không chỉ có nghĩa là bắt gặp giáo lý mà có nghĩa là người bắt gặp giáo lý, hiểu giáo lý đủ để áp dụng giáo lý. Hiểu kinh đủ nghĩa là thủ đắc những công đức thực sự của kinh. Ở đây đức Phât dạy chúng ta bốn điều tiên quyết cần thiết để thủ đắc kinh Pháp Hoa sau khi Ngài nhập diệt. Chúng ta phải hiểu rõ những điều này vì chúng là những điểm thiết yếu của niềm tin.

Điều tiên quyết thứ nhất là đặt mình dưới sự hộ trì của chư Phật. Điều này có nghĩa là có một niềm tin tuyệt đối không lay chuyển rằng mình được chư Phật hộ trì. Nói một cách khác, đấy là sự thiết lập niềm tin của một người. Tuy một người có thể hiểu thông suốt kinh Pháp Hoa từ quan điểm học thuyết, người ấy cũng không thể áp dụng kinh vào cuộc sống thực tiễn nếu người ấy không thiết lập niềm tin trong tâm mình.

Điều tiên quyết thứ hai là vun trồng thiện căn. Điều này có nghĩa là không ngừng làm việc thiện trong đời sống hàng ngày. Từ “thiện căn” (thiện đức) chỉ cái tâm tốt lành căn bản cho sự đạt ngộ của người ta. Vun trồng một cái tâm tốt lành như thế không chỉ gieo các mầm thiện mà còn nuôi dưỡng chúng bằng cách tưới nước, bón phân chochúng.

Thiện tâm của người ta được bồi dưỡng như thế nào ? Sự quan tâm trước tiên là làm các việc thiện. Con người làm các việc thiện là do bởi cái tâm thiện của mình, và đồng thời làm việc thiện lại bồi dưỡng cho cái tâm thiện. Hai thứ này, làm việc thiện và tâm thiện của con người, tạo thành một cái vòng hiện hữu, tăng cường lẫn nhau để thăng tiến. Giống như con gà và cái trứng, ta không thể bảo bên nào có trước hoặc tạo ra bên kia. Cả hai không rời nhau, phụ thuộc lẫn nhau.

Thật vậy, khi ta làm một điều gì thiện dù chỉ vì hình thức, ta cảm thấy một cách nào đó, vui vẻ và hăng hái. Thiện tâm của ta đang lớn lên bên trong ta. Ý định không nhất thiết phải đi trước hành động. Bằng cớ điều này sẽ được thể hiện khi ta nhìn mình trong một tấm gương mà cố mỉm cười. Nếu ta lặp lại như thế, ta sẽ cảm thấy rạng rỡ trong tâm. Trái lại, khi ta cố sức nén nước mắt trước một tấm gương, ta bắt đầu thấy buồn bã hơn. Quay trở lại vấn đề, hàng ngày làm việc thiện là trồng những gốc rễ của đức hạnh trong tâm - là thực sự bắt đầu hiểu giáo lý kinh Pháp Hoa.

Điều tiên quyết thứ ba là nhập vào trạng thái chánh định. Điều này có nghĩa là nhập vào nhóm những người đã làm thiện. Trong Phật giáo, những nhóm người được chia làm ba loại: những người có chánh định, tà định và bất định định. Nhóm thứ nhất là nhóm chánh định, gồm những người đã quyết tâm hành thiện, ví dụ tập thể những người tin một tôn giáo chân chánh. Nhóm thứ hai là nhóm tà định, gồm những người quyết tâm làm ác, chẳng hạn, một băng móc túi hay lưu manh. Nhóm thứ ba là nhóm bất định định, gồm những người dao động giữa thiện và ác. Phần lớn những đám người bình thường thuộc nhóm thứ ba này, trong đó họ có xu hướng thiện nhưng rất thiếu ổn định đến nỗi họ có thể chuyển sang ác bất cứ lúc nào.

Chúng ta là hàng tín giả phải gia nhập vào nhóm có chánh định. Không cần phải nói, nếu chúng ta thuộc nhóm những người có cùng một niềm tin thì như thế sẽ dễ dàng và tốt hơn là chúng ta cầu tìm Pháp một cách riêng lẻ. Khi chúng ta ở trong nhóm những người có chánh định, chúng ta có thể khích lệ nhau tránh sự thối thất khỏi trạng thái tâm thức mà chúng ta đã nỗ lực đạt được. Dù cho chúng ta không nói đến sự khích lệ hay sự không thối thất thì về mặt tâm linh, chúng ta cũng được nối kết với nhau trong một mối liên hệ chặt chẽ do cùng thảo luận và cùng nghe Pháp, và chúng ta có thể thể hiện năng lực của niềm tin mạnh hơn rất nhiều so với khi chúng ta phải đơn độc. Điều tiên quyết thứ ba để nhập vào cấp độ chánh định dạy chúng ta như thế.

Điều tiên quyết thứ tư là mong mỏi được cứu độ tất cả chúng sanh. Về điểm này, tưởng không cần giải thích gì ở đây. Thủ đắc thực sự Phật tính không có nghĩa là thể chứng cho riêng mình hay giải thoát cho riêng mình khỏi khổ đau. Tinh thần nền tảng của Phật giáo Đại thừa là ở chỗ giải thoát người khác cũng như giải thoát chính mình và ở chỗ thiết lập một cảnh giới lý tưởng trên cõi đời này. Nếu chúng ta hành động trái với tính thần nền tảng này thì tuy chúng ta tinh cần cầu tìm Pháp và tu tập, nỗ lực như thế cũng sẽ chẳng có kết quả gì và nó cũng sẽ không đưa chúng ta đến sự thể hiện những công đức chân thật của Pháp.

Bốn điều tiên quyết trên có thể được nêu tỏ lại như sau:

1.Luôn luôn tự bảo rằng chúng ta sống là do đức Phật.
2 Luôn luôn nỗ lực làm thiện.
3.Luôn luôn thuộc nhóm những tín giả chân chánh.
4.Luôn luôn phục vụ những người khác.

Bốn điều tiên quyết này phải được xem là giáo lý thiêng liêng nhất của đức Phật. Bốn điều này cũng phải được xem là đỉnh cao của Phật pháp, nêu tỏ một cách chân thật rằng dù đức Phật trước đây đã thuyết giảng nhiều giáo lý khó khăn, những gì tinh yếu cho tất cả chúng sanh là chuyên tâm vào bốn điều tiên quyết này trong khi tu tập giáo lý. Khi những người còn ngại ngùng trong nỗ lực tìm hiểu thấu đáo giáo lý thâm sâu và khó hiểu của kinh Pháp Hoa, nghe sự giải thích đơn giản về bốn điều tiên quyết ấy, chắc chắn họ sẽ cảm thấy được khích lệ.

Khi Bồ-tát Phổ Hiền trình bày việc tu tập kinh Pháp Hoa, ngài lo lắng không biết nên làm sao để dẫn dắt chúng sanh trong thời mạt pháp, ngài được đức Phật nói rõ bốn điều tiên quyết này, hẳn ngài phải rất xúc động bởi sự chỉ dạy của đứcPhật.

Thế rồi, Bồ-tát Phổ Hiền bạch Phật: “Bạch Thế Tôn ! Năm trăm năm sau trong đời ác trược, ai thọ trì kinh này sẽ được con thủ hộ, khiến người ấy tiêu trừ các tai hoạn, tâm được an ổn và khiến kẻ xấu không tìm được cơ hội gây hại. Dù Ma (Mara), con trai của Ma, con gái của Ma, dân của Ma, chư hầu của Ma, Dạ-xoa (Yaksha), La-sát (Ràkshasa), Cưu-bàn-trà (Kumbhànda), Tỳ-xá-xà (Pisàcaka), Kiết-giá (Krityas), Phú-đơn-na (Pùtana), Vi-đà-na (Vetana), và các loại gây hoạn cho người, đều không tìm được cơ hội gây hại. Hễ khi nào người ấy đi, đứng, đọc, tụng kinh này, con liền cỡi voi trắng chúa sáu ngà cùng với đại chúng Bồ-tát đến chỗ ấy và hiện thân để cúng dường, hộ trì, an ủi tâm người ấy và như thế cũng để cúng dường kinh Pháp Hoa.

Một biểu ngữ khác “Con liền cỡi voi trắng chúa sáu ngà” trỏ ý rằng Bồ-tát Phổ Hiền khác với Bồ-tát Văn-thù, ngài Văn-thù thường cỡi sư tử. Sư tử tượng trưng sự thể nghiệm chân lý. Sư tử vốn được gọi là vua của loài thú, quản trị những con thú khác và khiến chúng kính sợ. Do đó, nó có thể tự do cất tiếng rống trên thảo nguyên. Cũng như sư tử, chân lý quản trị mọi thứ trong vũ trụ và chính chân lý lại không bị một thứ gì kiểm sát cả. Có thể nói chân lý là vua của vũ trụ và chân lý xuất hiện một cách tự tại trong tất cả mọi hiện tượng.

Mặt khác, voi đại diện cho đại năng lực thi hành. Hễ khi nào con vật này với thân hình đồ sộ tiến lên trước thì không gì có thể ngăn chận nó được.

Nếu có một cái cây trên đường nó đi, nó sẽ húc ngã cây ấy. Khi nó gặp một tảng đá giữa lối đi, nó sẽ đẩy đá lăn sang một bên. Khi nó đi qua một con sông hay bãi lầy, nó vững bước dẫm đáy. Do đó voi tượng trưng cho sự thực hành rốt ráo.

Sáu ngà của con voi chúa màu trắng mà Bồ-tát Phổ Hiền cỡi tượng trưng cho giáo lý sáu Ba-la-mât (sáu sự toàn hảo). Giáo lý này dạy ta sự thực hành có lợi cho chính mình và cả cho những người khác. Bồ-tát Phổ Hiền cỡi voi trắng chúa như là một sứ giả của đức Phật và hóa hiện ra cho hết thảy chúng sanh, là hình tượng của một vĩ nhân đã gỡ bỏ mọi chướng ngại và kiên quyết thực hành Pháp.

Bồ-tát Phổ Hiền bạch tiếp: “Hễ khi nào người ấy ngồi, tư duy về kinh này, khi ấy con lại cỡi voi trắng chúa mà hiện thân trước người ấy. Nếu người ấy quên chỉ một câu, hay một kệ của kinh Pháp Hoa, con sẽ dạy cho người ấy câu ấy, kệ ấy, đọc, tụng cùng người ấy, khiến người ấy được thông suốt.”

Biểu ngữ “Hễ khi nào người ấy ngồi, tư duy về kinh này” trỏ việc thực hành Thiền định, một trong Sáu Ba-la-mật. Hễ có ai hành Thiền, Bồ-tát Phổ Hiền cỡi voi trắng và hiện thân trước tín giả. Điều này có nghĩa là Bồ-tát hiện ra trong tâm của tín giả mỗi khi người ấy tưởng niệm Bồ-tát.

Câu “Nếu người ấy quên chỉ một câu hay một kệ của kinh Pháp Hoa, con sẽ dạy cho người ấy câu ấy, kệ ấy” cần phải được hiểu nghĩa là nếu một người không thể nắm bắt được ý nghĩa thực sự của giáo lý dù đã lắm tư duy Thiền quán, trước hết người ấy cần phải nghĩ đến việc thực hành giáo lý. Thế nào rồi người ấy cũng nắm bắt được ý nghĩa thực sự của giáo lý. Vì kinh Pháp Hoa là giáo lý của việc thực hành Phật Pháp, nếu ta quên thực hành giáo lý mà cứ cố trèo lên ngọn núi của học thuyết thâm sâu của kinh thì chắc chắn ta sẽ lạc đường. Thế thì nếu ta ngồi yên lặng mà tư duy về kinh Pháp Hoa vốn rốt ráo là giáo lý về sự thực hành tự độ và độ tha thì tức khắc ta sẽ tìm thấy con đường đúng đắn để lên đỉnh núi. Lời của ngài Phổ Hiền được nêu dẫn trước đây được diễn tiếp một cách tự nhiên: “Bấy giờ có ai thọ trì, đọc tụng kinh Pháp Hoa khi thấy được con thì sẽ rất hoan hỷ và lại càng tinh tấn. Do nhìn thấy được con, người ấy sẽ đạt định và đà-la-ni (dhàrani - tổng trì) gọi là đà-la-ni Triền, đà-la-ni Trăm ngàn vạn ức Triền, đà-la-ni Pháp âm Phương tiện, những loại đà-la-ni như vậy sẽ được người ấy thủ đắc.

“Bạch Thế Tôn ! Nếu đời sau, năm trăm năm cuối của đời ác trược, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, người cầu tìm, người thọ trì, độc tụng, người sao chép muốn tu tập kinh Pháp Hoa này thì họ phải nhất tâm tinh tấn trong ba lần bảy ngày. Sau khi ba lần bảy ngày đã mãn, con sẽ cỡi voi trắng sáu ngà cùng với vô lượng Bồ-tát vây quanh hiện thân ra trước mặt những người ấy với hình tướng mà tất cả chúng sanh đều vui mừng nhìn thấy, và sẽ thuyết pháp, khai mở, giáo hóa, gây lợi lạc và làm cho họ hoan hỷ.”

TẠO THÓI QUEN TỐT VỀ MẶT TÂM LINH.

Chúng ta không cần phải hiểu theo nghĩa đen về ba lần bảy ngày, nhưng chúng ta nên thỉnh thoảng dấu mình vào một kỷ luật tôn giáo trong một khoảng thời gian nhất định. Trên thế giới rộn rịp ngày nay, các tín đồ tại gia cảm thấy khó có thể giam mình trong một ngôi chùa trên núi để tu đạo trong một thời gian dài. Nhưng dù chỉ trong một ngày - ví dụ ngày chủ nhật - hay trong ba ngày liên tiếp khi chúng ta có thời giờ rỗi rãnh, chúng ta nên quên mọi việc đời mà tích cực nỗ lực học tập giáo lý hay Thiền định, hoặc tụng và chép kinh. Tại sao như thế là cần thiết ? Vì cứ lặp lại như thế, các hành tác sẽ thành một thói quen, do đó chúng ta sẽ tạo nên những thói quen tốt về mặt tâm linh. Sự tư duy thâm sâu và suy nghĩ nghiêm túc sẽ trở thành một thói quen của tâm thức.

Hãy giả dụ rằng ta nghe ai đó báo cáo, “Sinh viên băng qua các đường phố trong một cuộc biểu tình, mang cờ và áp-phích”. Một số người sẽ cảm thấy bực dọc ngay - “Ối, sinh viên lại biểu tình nữa!” - dù rằng họ không biết lý do của cuộc biểu tình. Mặt khác, những người khác lại vui vẻ: “Ồ, tốt ! Một số rắc rối đang âm ỉ đây.” Một nhà giáo sẽ lo lắng về giáo dục lớp trẻ khi ông nghe có biểu tình. Một người mua bán cổ phiếu sẽ nghĩ ngay đến ảnh hưởng có thể gây nên do cuộc biểu tình đối với giá cả cổ phần. Tất cả những thái độ như thế đều do bởi thói quen tâm thức của người ta.

Khi ta cố queân việc đời trong một thời gian nhất định và tập trung tâm thức vào một đối tượng đơn lẻ thì sự thực hành như thế trở thành một thói quen của tâm thức. Giả sử có người suốt trong ba tuần cứ mãi suy nghĩ: “Những người khác cũng như chính ta thảy đều được đức Phật khiến cho sống”. Sức mạnh và sự kiên trì của thói quen như thế có mức độ khác nhau, tùy theo ta thực hành thói quen ấy tinh cần như thế nào, ta duy trì nó triệt để ra sao, ta kiên trì với nó trong bao lâu. Nếu ta liên tục nghĩ đến một cái gì trong một giờ và rồi xao lãng sự chú tâm thì sự suy nghĩ của ta sẽ không bao giờ trở thành một thói quen. Nếu ta cố liên tục suy nghĩ thâm sâu đến chỉ một thứ gì thôi trong một ngày thì xu hướng tâm thức như thế có thể tiếp tục trong khoảng một tuần. Từ quan điểm tạo những thói quen tôn giáo, ta thấy việc những tín đồ ở các nước Thiên chúa giáo có thói quen đi nhà thờ vào các ngày chủ nhật quả thật là rất tốt.

Sự nỗ lực chuyên tâm vào một đối tượng trong ba tuần lễ khiến ta tạo ra được những thói quen tốt về tâm linh (mặc dù một người siêu đẳng có thể thọ nhận sự mặc khải lớn lao từ Thượng đế hay từ đức Phật, đấy là một trường hợp ngoại lệ). Những ai quá bận rộn nếu phải dành riêng một thời gian đặc biệt thì nên cố gắng chuyên chú vào giáo lý sâu xa của đức Phật trong một giờ thường xuyên hàng ngày càng tốt. Sự lặp đi lặp lại việc ấy cũng tạo thành một thói quen tâm thức.

Tâm thanh tịnh và sự phấn kích tôn giáo mà chúng ta cảm nhận được sau khi tận lực trong tu hành có thể được so sánh với cảm giác nhìn thấy Bồ-tát Phổ Hiền cỡi voi trắng.

Bồ-tát bạch tiếp: “Con lại còn cho họ Đà-la-ni; và khi họ được Đà-la-ni này thì không có ai, không có phi nhơn nào có thể phá hoại họ được, cũng không có nữ nhân nào quyến rũ họ được. Tự thân con vẫn luôn che chở họ. Xin Thế Tôn cho phép con đọc bài chú Đà-la-ni này.”

Các từ “không có ai, không có phi nhơn nào” ngầm trỏ tiền bạc hay các thứ vật chất. Nếu những thứ này được kiếm ra và được sử dụng cho mục đích chánh đáng thì chúng không bao giờ trở thành một trở ngại cho niềm tin, nhưng nếu quá ham muốn chúng thì tâm sẽ bị lệch lạc. Biểu ngữ “không có nữ nhân nào quyến rũ họ” phản ánh lập trường của phái nam, nhưng sự biểu thị ngược lại sẽ áp dụng cho lập trường của phái nữ. Biểu thức này chỉ đơn giản trỏ đến giới tính đối lập. Tình yêu vợ chồng giữa người chồng và người vợ dĩ nhiên là một yếu tố quan trọng trong việc tạo lập gia đình và xã hội. Tuy nhiên, người ta có xu hướng trở thành bị ràng buộc vào tình yêu như thế và trở thành ích kỷ trong tình yêu. Họ có thể không biết đến cái tình yêu rộng lớn hơn mà họ nên có đối với tất cả chúng sanh. Một số người khác thì đắm mình trong tình yêu nhục dục đối với nhiều người và thực hiện những hành động gian dối. Nếu họ luôn nghĩ đến hạnh của Bồ-tát Phổ Hiền thì tâm họ, vốn có thể bị lòng ham muốn giới tính khác với giới tính họ dẫn đi sai lạc, có thể quay về con đường chân chánh, tràn đầy tình thương người cao cả và tinh ròng.

Thế rồi, trước sự hiện diện của đức Phật, Bồ-tát Phổ Hiền đọc bài chú sau đây: “A-đàn-địa đàn-đà-bà-địa đàn-đà-bà-đế đàn-đà-cưu-xá-lệ đàn-đà-tu-đà-lệ tu-đà-lệ tu-đà-la-bà-đế phật-đà-ba-chiên-nễ đà-la-ni a-bà-đa-ni tu-a-bà-đa-ni tăng-già-bà-lý-xoa-ni tăng-già-niết-già-đà-ni đạt-ma-tu-ba-lý-sát-đế tát-bà-tát-đỏa-lâu-đà-kiêu-xá-lược-a-nâu-già-đế tân-a-tỳ-kiết-lỡ-địa-đế.”
(Adande dandapati dandàvartani dandakusale dandasudhàri sudhàri sudhàrapati budhapa'syane dhàrani àvartani samvartani samghaparìkshite samghanirghàtani dharmaparìkshte sarvasattva-rutakau'sayànugate simhavikrìdite [anuvarte vartàni vartàli svàhà]).

“Bạch Thế Tôn ! Nếu có vị Bồ-tát nào nghe đà-la-ni này, vị ấy sẽ biết đến sức thần thông của Phổ Hiền. Nếu trong khi kinh Pháp Hoa tiến hành qua cõi Diêm-phù-đề mà có những ai thọ trì kinh thì những người ấy nên nghĩ rằng:

"Đây toàn là uy lực của Phổ Hiền". Nếu những ai thọ trì, đọc tụng, nhớ nghĩ đúng đắn kinh này, hiểu ý nghĩa kinh và thực hành như kinh dạy thì nên biết rằng những người ấy đang thực hành hạnh Phổ Hiền và vốn vun trồng thâm sâu căn lành trong vô lượng vô biên cõi Phật và sẽ được chư Như Lai xoa đầu. Nếu những người ấy chỉ chép kinh thì khi mạng chung, họ sẽ được sinh lên cõi trời Đao-lỡ (Tràyastrimsa); lúc ấy họ sẽ được tám vạn bốn ngàn thiên nữ tấu đủ loại âm nhạc mà đến nghênh đón và họ sẽ đội mũ bảy báu, hưởng lạc thú giữa đám thiên nữ; huống chi những ai thọ trì, đọc tụng, niệm nghĩ kinh đúng đắn, hiểu ý nghĩa kinh và thực hành theo kinh dạy thì lạc thú sẽ lớn hơn biết bao ! Nếu những ai thọ trì, đọc tụng, niệm nghĩ kinh đúng đắn, hiểu ý nghĩa kinh thì khi mạng chung sẽ được một ngàn đức Phật đón nhận, khiến cho không sợ hãi, không rơi vào đường xấu mà thẳng tiến lên chỗ của Bồ-tát Di-lặc trên cõi trời Đâu-suất, tại đấy Bồ-tát Di-lặc có ba mươi hai tướng tốt, có hội chúng đại Bồ-tát vây quanh và có trăm ngàn vạn ức quyến thuộc của Thiên nữ; những người ấy sẽ được sinh ra trong đám đông này.”

Cú ngữ “sẽ được chư Như Lai xoa đầu” có nghĩa là hàng tín giả được đức Phật khen ngợi và tín nhiệm. Nhóm từ này ngầm trỏ niềm vui lớn lao nhất của họ, một cuộc sống đầy phấn kích tôn giáo. Cú ngữ kế tiếp, “Nếu những người ấy chỉ chép kinh thì khi mạng chung, họ sẽ được sinh lên cõi trời Đao-lỡ” có nghĩa là họ sẽ không đạt đến cấp độ tâm thức của sự phấn kích tôn giáo nhưng khổ đau được gỡ bỏ khỏi tâm họ, họ sẽ sống đời hạnh phúc an bình.
Cú ngữ “tiến thẳng lên chỗ của Bồ-tát Di-lặc” có nghĩa là hàng tín giả sẽ có được cái tâm từ bi như Bồ-tát Di-lặc và sẽ hàng ngày tinh cần thực hành hạnh Bồ-tát. Ba vị Bồ-tát đại diện ba điểm quan trọng trong giáo lý kinh Pháp Hoa đã được nêu (xem trang 431) là: Bồ-tát Văn-thù (trí tuệ của đức Phật), Bồ-tát Di-lặc (từ bi của Ngài) và Bồ-tát Phổ Hiền (Đạo hạnh của Ngài). Bồ-tát Di-lặc, tiêu biểu cho lòng từ bi của đức Phật, được xem là vị kế tục đức Thích-ca-mâu-ni Như Lai. Bằng tiếng Nhật Ngài được gọi là Fusho no Bosatsu “vị Bồ-tát sẽ kế vị (đức Phật). Người ta tin rằng ngài Di-lặc đang sống trên trời Đâu-suất, chờ thời sẽ xuống cõi Ta-bà này và thành đức Phật kế tiếp do kết quả tu tập của ngài. Trong một ý nghĩa, người ta có thể bảo ngài là vị Bồ-tát cao nhất. Vì lý do này, ngài có được ba mươi hai tướng của đức Phật. Nhóm từ “tiến thẳng lên chỗ của Bồ-tát Di-lặc cũng có nghĩa là nếu ai tiếp tục hạnh từ bi trong cõi Ta-ba, người ấy sẽ cảm thấy đáng sống và niềm vui lớn lao trong cuộc sống.

Ngài Phổ Hiền bạch tiếp: “Những công đức, lợi lạc của họ là như thế đấy. Do đó, người trí nên nhứt tâm sao chép kinh hay khiến người khác sao chép, thọ trì, đọc tụng, niệm nghĩ đúng đắn kinh và thực hành theo như kinh dạy. Bạch Thế Tôn ! Nay con xin lấy sức thần thông mà thủ hộ kinh này để sau khi Như Lai diệt độ, kinh được quảng bá không ngừng trong cõi Diêm-phù-đề.”

CHỨNG ĐẮC CAO NHẤT VỀ SỰ PHẤN KÍCH TÔN GIÁO.

Bấy giờ đức Phật Thích-ca-mâu-ni khen ngợi Bồ-tát: “Hay lắm, hay lắm, Phổ Hiền, Ông có thể hộ trợ kinh này, mang lại hạnh phúc, an lạc cho chúng sanh ở nhiều nơi. Ông đã thành tựu các công đức không thể nghĩ bàn, thành tựu lòng đại từ bi thâm sâu. Từ quá khứ xa xôi, Ông đã mong cầu Chứng ngộ Toàn hảo và đã có thể phát nguyện thần thông này để thủ hộ kinh này. Nay Ta, bằng sức Thần thông sẽ hộ trì những ai thọ trì danh hiệu của Bồ-tát Phổ Hiền. Phổ Hiền ! Nếu những ai thọ trì, đọc tụng, nhớ niệm đúng đắn, thực hành và sao chép kinh Pháp Hoa này thì Ông nên biết rằng những người ấy đang đảnh lễ đức Phật Thích-ca-mâu-ni; Ông nên biết rằng đức Phật ngợi khen họ - "Hay lắm !"; Ông nên biết rằng họ đang được đức Phật Thích-ca-mâu-ni xoa đầu; Ông nên biết rằng họ được che phủ bằng đức Phật Thích-ca-mâu-ni.”.

Cú ngữ “Họ được che phủ bằng áo của đức Phật Thích-ca-mâu-ni” trỏ trạng thái tâm thức khi ta được giữ chặt trong vòng tay của đức Phật; đây là chứng đắc cao nhất về sự phấn kích tôn giáo và an tịnh của tâm. Không trở ngại nào có thể phá hỏng niềm tin hay sự tu tập của người đã chứng đắc được cấp độ này.

Đức Phật dạy tiếp: “Những người như thế sẽ không còn ham muốn lạc thú thế tục, cũng không thích kinh thư và thủ bút của ngoại đạo, không thích thân cận với những người như sau và những kẻ ác khác, hoặc đồ tể, hoặc chăn nuôi heo, dê, gà, chó, hoặc người đi săn, hoặc kẻ hiếu sắc. Những người như thế sẽ có tâm ý chân chánh, có mục đích đúng đắn và có phước đức.”

Ta phải cẩn thận chú ý đến cú ngữ “Những người như thế không còn ham muốn lạc thú thế tục.” Điều này không có nghĩa rằng sống đời hạnh phúc, lạc thú là xấu, mà có nghĩa rằng bị trói buộc vào hạnh phúc, lạc thú rồi khao khát hạnh phúc, lạc thú là xấu. Nghiên cứu kinh văn ngoại đạo cũng không phải là xấu mà thực ra là giúp ích cho ta mở rộng cái nhìn tâm linh và giúp ta có thể phân biệt rõ hơn giữa chân lý và phi chân lý. Nhưng ta không nên bị ràng buộc vào kinh điển ngoại đạo vì nếu thế thì ta sẽ không còn nhìn thấy chân lý.

Từ “thủ bút” nghĩa là “thi ca” trong văn bản tiếng Phạn, nhưng ở đây từ này có thể được hiểu là văn chương thế tục nói chung. Đây không có nghĩa rằng văn chương là xấu đối với người ta, mà có nghĩa rằng văn chương là không tốt đối với ta khi ta bị mê đắm trong văn chương đồi trụy và rẻ tiền khiến tâm trí ta bị che mờ, không thấy được chânlý.

Ta phải đặc biệt cẩn thận để đừng bị hiểu nhầm cú ngữ sau đây: “không thích thân cận với những người như sau và những kẻ khác, hoặc đồ tể, hoặc chăn nuôi heo, dê, gà, chó, hoặc người đi săn, hoặc kẻ hiếu sắc”. Đây không có nghĩa là ta không nên giao thiệp với những người như thế, mà có nghĩa là ta chớ để bị ảnh hưởng bởi cái khung cảnh do họ tạo ra. Nếu ta, vốn là người muốn quảng bá Phật pháp trên khắp thế giới, lại loại trừ những người dấn thân vào những nghề nghiệp như thế thì ta sẽ vi phạm thô bạo đến ý định thực sự của đức Phật là cứu độ hết thảy chúng sanh. Và nếu thế thì ta không thể đạt được hạnh phúc tâm linh được miêu tả ở cú ngữ: “Những người như thế sẽ có tâm ý chân chánh, có mục đích đúng đắn và có phước đức.”

Ta còn đọc thấy câu sau đây: “Những người như thế sẽ không bị ba độc não hại, cũng không bị tật đố, ngã mạn, tăng thượng mạn não hại.” Ba độc là tham (ham muốn), sân (nóng giận), si (si muội) bị xem là ba thứ độc căn gốc đưa người bình thường đến sự suy thoái. “Ngã mạn” nghĩa là ích kỷ, tự cao.

“Tà mạn” nghĩa là sự kiêu căng sai lầm, nghĩ rằng mình đúng dù mình sai trái. “Tăng thượng mạn” nghĩa là tà mạn và tự phụ do cái ảo tưởng rằng mình thông hiểu những gì mà người ta khó hiểu được. Tật đố phát sinh do người ta có cảm giác mình thấp kém trong khi ngã mạn, tà mạn, tăng thượng mạn phát sinh từ cảm giác tự tôn sai lầm. Những thứ tự kiêu, tự cao này sinh ra do người ta nhìn các sự vật từ một quan điểm lệch lạc và quy ngã. Những ai đã thực sự hiểu Phật pháp và đã có thể đạt được cái nhìn đúng đắn về các sự vật sẽ không bao giờ nhượng bộ lối suy nghĩ lệch lạc như thế.

Đức Phật cũng tuyên bố: “Những người như thế sẽ bằng lòng với những ham muốn ít ỏi của mình và có thể tu hạnh của Phổ Hiền”. Cụm từ “những ham muốn ít ỏi” (thiểu dục) nghĩa là ít ham muốn các thứ trong đời. Ở đây “ham muốn” không chỉ gồm ham muốn tiền bạc và các vật chất mà còn mong được địa vị, danh vọng. Nó cũng trỏ sự mong muốn được những người khác thương yêu và phục vụ. Một người đã đạt đến cấp độ tâm thức về niềm tin thâm sâu thì có rất ít các ham muốn và thờ ơ với các ham muốn. Ta phải cẩn thận lưu ý rằng dù một người như thế thờ ơ với những ham muốn thế tục, người ấy cũng rất khát khao chân lý, tức là người ấy có sự ham muốn lớn lao đối với chân lý. Thờ ơ với chân lý là biếng nhác trong đời sống. Bằng lòng với những ham muốn ít ỏi (tri túc, thiểu dục) nghĩa là thỏa mãn với sự thu đạt vật chất ít ỏi, tức là không cảm thấy buồn bực với số phận của mình và không lo lắng gì đến việc đời. Tuy nhiên, đây không có nghĩa là không quan tâm đến sự tự cải tiến mà cố gắng tối đa trong công việc chứ không chán nản. Một người như thế chắc chắn sẽ được người chung quanh biết tới. Nhưng dù cho anh ta không được như thế, anh ta cũng sẽ cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc vì theo một quan điểm tâm linh, anh ta sống như một ông vua.

Đức Phật dạy tiếp: “Phổ Hiền ! Sau khi Như Lai diệt độ, vào năm trăm năm sau, nếu có người nhìn thấy một người thọ trì, đọc tụng kinh Pháp Hoa, người ấy phải nghĩ rằng: "Người này chẳng bao lâu sẽ đến Đạo trường, phá chúng Ma, đạt được Tối thượng Bồ-đề, chuyển bánh xe Pháp, đánh trống Pháp, thổi loa Pháp, rải mưa Pháp, sẽ ngồi Pháp tòa sư tử giữa đại chúng Trời và Người."“

Chúng ta có thể hiểu đoạn trên là đoạn miêu tả sự chứng Chánh đẳng giác của đức Phật Thích-ca-mâu-ni dưới cội Bồ-đề và sự nghiệp truyền bá Chánh pháp của Ngài. Chúng ta cũng có thể xem đây là lời bảo đảm của đức Phật rằng hễ ai thọ trì, đọc tụng kinh Pháp Hoa thì dứt khoát sẽ đạt Vô thượng Bồ-đề.

Thế rồi đức Phật tuyên bố: “Phổ Hiền ! Trong tương lai, những ai thọ trì, đọc tụng kinh này sẽ không còn tham trước vào y phục, chỗ nằm, thức ăn uống và các thứ tư sanh; những gì họ muốn không bao giờ là không được và ngay trong đời hiện tại, họ sẽ được phước báo.”

Từ “các thứ tư sanh” nghĩa là những thứ cần thiết cho đời sống. Cú ngữ “những gì họ muốn không bao giờ là không đượ c” trỏ ý ước mong được hạnh phúc viên mãn của họ chắc chắn sẽ được thành tựu. Do đó “trong đời hiện tại, họ sẽ được phước báo”. Không tham trước vào cuộc sống vật chất trỏ cho một cái tâm vô vị kỷ. Ý muốn tất cả những người khác được hạnh phúc viên mãn phát xuất từ lòng từ bi và từ cái tâm vô vị kỷ của mình. Người nào có cái tâm quảng đại như thế chắc chắn sẽ được quả báo trong đời hiện tại vì cuộc sống của chính vị ấy sẽ tràn đầy niềm vui, sự an tâm và hyvọng.

TỘI LỖI CỦA VIỆC KHINH THƯỜNG VÀ PHỈ BÁNG HÀNG TÍN GIẢ.

Đức Phật dạy tiếp: "Nếu có kẻ nào khinh thường và phủ báng họ rằng: “Ông chỉ là kẻ khùng, theo đuổi con đường này một cách vô ích, rốt chẳng được gì cả." Quả báo của tội lỗi như thế là sẽ bị mù đời này đời khác. Nếu có ai cúng dường, tán thán họ thì ngay đời này, người ấy sẽ được phước báo rõ ràng.”

Cú ngữ “Quả báo của tội lỗi như thế là sẽ bị mù đời này đời khác” là một biểu thị có tính cách Ẩn dụ về sự sâu nặng của tội lỗi. Tại sao trong kinh Pháp Hoa, sự khinh thường, phỉ báng hàng tín giả lại là tội lỗi lớn như vậy ? Đấy là vì ngôn ngữ và hành tác của một người như thế gây trở ngại cho việc chuyển bánh xe Pháp. Hãy giả thử một người cứ luôn trộm cắp, lừa đảo. Hẳn nhiên là những hành động như thế là vi phạm năm giới của Phật giáo và việc làm điều xấu thì gây phiền phức cho những người khác. Tuy nhiên, vì những hành động xấu ấy thế nào cũng mang lại quả báo, một người như thế hiển nhiên sẽ bị lên án và sẽ bị phạt vì những hành động xấu của anh ta. Những người khác thấy thế sẽ nghĩ rằng: “Sớm muộn gì những hành động xấu cũng sẽ bị phát hiện. Ta chớ bao giờ làm những điều như thế.”

Những hành động xấu như thế có một ảnh hưởng trong một phạm vi tương đối hẹp. Mặt khác, dù ngôn ngữ và hành tác gây trở ngại cho việc quảng bá Chánh pháp thì không bị pháp luật xử phạt, chúng cũng gây một ảnh hưởng lớn đến hoàn cảnh sống của con người. Nếu Chánh pháp được quảng bá khắp nơi thì vô số người sẽ đạt được công đức của Chánh pháp và nhờ Chánh pháp mà từ bỏ cuộc sống xấu ác. Khi một người ngăn cản những người khác truyền bá Chánh pháp, người ấy phạm một trọng tội. Tội của anh ta không biểu lộ ra, nhưng ảnh hưởng của nó thì quá lớn lao đến nỗi các Phật tử gọi đấy là “cắt đứt mầm Pháp”, một hình thái tu từ diễn tả rất hay về tính trầm trọng của sự phỉ báng Chánh pháp.

Quả báo khủng khiếp của sự phỉ báng Chánh pháp được miêu tả một cách tượng hình như sau: “Lại nữa, nếu có ai trông thấy những người thọ trì kinh này rồi vạch những sai trái, tội lỗi của họ dù thật, dù không thật thì người ấy ngay trong đời này sẽ bị phong hủi. Nếu người ấy mỉa mai họ thì đời này đời khác, răng của người ấy sẽ bị thưa và thiếu, môi xấu, mũi tẹt, tay chân cong queo, mắt lé, thân thể hôi thối vì ghẻ mụt máu mủ, bụng ỏng, hơi thở ngắn và mang đủ mọi trọng bệnh”.

Sau đó đức Phật dạy: “Do đó, Phổ Hiền, nếu có ai trông thấy những người thọ trì kinh này thì nên đứng dậy nghênh đón từ xa như tôn kính đức Phật vậy.” Bằng lời dạy này, đức Phật kết thúc việc giảng kinh Pháp Hoa diễn ra ở hai nơi và ba hội chúng. Ngài bảo rằng toàn thân của đức Như Lai ở trong giáo lý của kinh Pháp Hoa, những ai tin và thực hành giáo lý này cần phải được tôn kính như tôn kính đức Phật. Chúng ta nên thọ nhận lời dạy này của đức Phật với lòng biết ơn.

Phẩm 28 kết thúc bằng đoạn sau đây: “Trong khi đức Phật giảng phẩm "Phổ Hiền Khuyến Phát" này, vô lượng, vô biên Bồ-tát được trăm ngàn vạn ức đà-la-ni Triền và số Bồ-tát nhiều như bụi của Tam thiên đại thiên thế giới đều thành tựu con đường Phổ Hiền.”

“Khi đức Phật giảng kinh này, ngài Phổ Hiền cùng các Bồ-tát khác, ngài Xá-lợi-phất và các Thanh văn khác, Trời, Rồng, Người và Không phải người và mọi vị khác trong đại chúng hội đều rất vui mừng, thọ trì lời Phật dạy, lễ bái mà đi.”

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]