Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm 12: Đề-bà-đạt-đa

14/11/201017:45(Xem: 9144)
Phẩm 12: Đề-bà-đạt-đa

 

 

ĐẠO PHẬT NGÀY NAY
MỘT DIỄN DỊCH MỚI VỀ BA BỘ KINH PHÁP HOA

Tác Giả: Nikkyò Niwano - Anh dịch: Kòjirò Miyasaka - Bản Dịch Anh ngữ: Buddhism For Today: A modern Interpretation Of The Threefold Lotus Sutra, Kose Publishing Co. Tokyo - Việt dịch Cư Sĩ Trần Tuấn Mẫn, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam TP. HCM ấn hành 1997

Phẩm 12
ĐỀ-BÀ-ĐẠT-ĐA

Cho đến đây, chúng ta đã đọc thấy đức Phật đã trực tiếp thọ ký cho nhiều đệ tử rằng họ sẽ đạt đến Phật vị. Tất cả những người này, tuy vậy, đều là nam giới và là những đệ tử trực tiếp của đức Phật, những vị đã có những ước nguyện sắt đá và tuyệt đối hiến mình cho giới luật tu hành. Tuy nhiên nếu chỉ những người như thế đạt được toàn giác thì cái nguyên lý rằng hết thảy chúng sanh đều có Phật tính sẽ không được xác chứng hoàn toàn.

Tuy vậy, trong phẩm này, sự lớn lao và toàn hảo của giáo lý đức Phật được biểu lộ rõ ràng qua giáo lý về sự đạt được Phật vị của những kẻ xấu và của phụ nữ.

Đề-bà-đạt-đa là một người em họ của đức Phật, nhưng như được ghi chép trong những câu chuyện về cuộc đời của đức Phật, ông ta là một người xấu xa và dữ dằn nhất. Ông ghen tỡ về việc đức Phật được nhiều người kính ngưỡng và tôn vinh là Phật. Do tham vọng chiếm chỗ của đức Phật, ông thường mưu toan hại đức Phật bằng sự phỉ báng và nhục mạ Ngài. Ông ta cũng đã vài lần cố giết đức Phật. Một lần ông lăn một tảng đá xuống con đường mà đức Phật đang đi qua; một lần khác ông cố gắng làm cho một con voi say để nó chạy cuồng và tấn công đức Phật; một lần khác ông đầu độc đứcThích-ca-mâu-ni; một lần khác ông bắn tên vào đức Phật.

Ngay cả Đề-bà-đạt-đa, người đứng đầu danh sách những kẻ thù hằn đức Phật, cũng được đức Phật thọ ký rằng sẽ được thành Phật. Sự tha thứ và lòng quảng đại của đức Phật đối với Đề-bà-đạt-đa phải được công nhận là hết sức đặc biệt.

Một nét đặc biệt khác trong phẩm này là Long nữ, chỉ tám tuổi, đã được thọ ký sẽ thành Phật. Con người trong thời hiện đại, đặc biệt là ở giai đoạn sau chiến tranh có thể sẽ nghĩ rằng phụ nữ được bàn đến cùng với những người xấu trong phẩm này thì như thế là bất công đối với phụ nữ. Nhưng công chúng ở Ấn Độ vào thời đức Phật xem phụ nữ là hiện thân của tội lỗi. Người phụ nữ bị xem là một trở ngại cho việc thực hành giới luật của nam giới và người ta nghĩ rằng họ không bao giờ có thể thoát khỏi khổ đau.

Xã hội thời cổ Ấn Độ đã bị phân cấp mạnh mẽ, được chia thành bốn đẳng cấp chính theo kiểu cha truyền con nối; đẳng cấp cao nhất là Bà-la-môn hay đẳng cấp tu sĩ, có nhiệm vụ về giáo dục, tôn giáo và đạo đức; thứ hai là Sát-đế-lợi hay đẳng cấp chiến sĩ gồm vua và các chiến sĩ; thứ ba là Phệ-xá, đẳng cấp của nông dân, thợ thủ công và thương nhân; thứ tư là Thủ-đà-la, đẳng cấp của những người làm việc chân tay. Vì sự phân biệt chặt chẽ dựa trên dòng dõi được duy trì bằng hệ thống đẳng cấp, cho nên dù một người có thể xuất sắc đến bao nhiêu cũng không bao giờ được nêu lên đẳng cấp trên. Nếu người ấy được sinh ra là một Thủ-đà-la thì người ấy phải chịu số phận của một Thủ-đà-la suốt đời.

Mặt khác, một người sinh ra từ một gia đình Bà-la-môn thì có thể đạt được vị trí cao hơn, điều khiển nhiều người dù cho người ấy là một kẻ khờ dại. Một người sinh ra từ đẳng cấp Sát-đế-lợi thì có thể đạt được quyền lực lớn lao dù người ấy là một kẻ hèn nhát. Do vì giàu có, những người thuộc đẳng cấp Phệ-xá kết hợp với các Bà-la-môn và thân cận với những người Sát-đế-lợi. Những người Phệ-xá cũng sử dụng một mức độ quyền lực đối với những người Thủ-đà-la và bắt họ làm việc như trâu ngựa.

Thành phần của đẳng cấp Thủ-đà-la gồm đại đa số trong dân chúng, nhưng họ hiếm khi được đối xử như những con người. Ba đẳng cấp cao hơn kia cai quản xã hội Ấn Độ cổ. Hiển nhiên, những đẳng cấp thấp thì bị đàn áp khắc nghiệt bởi những đẳng cấp nhiều quyền lực hơn. Trong một xã hội như thế, lời tuyên bố của đức Phật rằng tất cả mọi người đều bình đẳng thì mang tính cách mạng hơn ta có thể tưởng tượng ở thời nay.

Tuy thế, đức Phật Thích-ca-mâu-ni kiên trì chịu đựng mọi ngược đãi mà giảng kinh Pháp Hoa như là giáo lý về sự bình đẳng của con người bằng sự can đảm lớn lao và tinh thần bất khuất. Ngài luôn giảng về những khó khăn trong việc thọ trì và thuyết giảng kinh Pháp Hoa do bởi hoàn cảnh xã hội của thời Ngài ở Ấn Độ.

Về việc đức Phật thọ ký cho các phụ nữ rằng họ sẽ thành Phật, chúng ta phải nghĩ đến điều này theo tình trạng xã hội và thái độ chung của thời đức Phật. Đức Phật đã tuyên bố: “Phụ nữ cũng có thể thành Phật; về bản chất, không có sự phân biệt giới tính; mọi chúng sanh đều bình đẳng” vào lúc phụ nữ được xem là vốn mang tội từ bản chất. Đây quả thực là một lời tuyên bố lịch sử.

Từ cuộc Cách mạng Pháp, ý niệm về sự bình đẳng của con người đã bắt rễ trong tâm trí con người và kết quả là lý tưởng dân chủ đã được hồi sinh ở phương Tây. Tuy nhiên, hơn hai ngàn năm trước thời ấy, đức Phật Thích-ca-mâu-ni đã thuyết giảng về sự bình đẳng của con người, mặc dù ý nghĩa của bình đẳng do Ngài giảng còn sâu xa hơn nhiều so với ý nghĩa bình đẳng trong thời hiện đại. Tuy vậy, người thuộc các thế kỷ sau khi đức Phật nhập diệt đã không chấp nhận giáo lý của đức Phật và đã không truyền bá giáo lý này. Chắc chắn chúng ta phải mắc lỗi đối với những người thời xưa vì đã trễ nãi trong việc thực hiện lý tưởng của đức Phật về bình đẳng của con người.

Bây giờ chúng ta hãy tiếp tục theo kinh văn của phẩm này.

Đầu tiên, đức Phật nói với chư Bồ-tát, chư Thiên và bốn chúng, và nói về mối liên hệ giữa Ngài trong một đời trước với một nhà ẩn dật nào đó: “Suốt nhiều kiếp trong một đời trước, Ta là một vị vua cuả một nước và nguyện cầu tìm trí tuệ tối thượng. Muốn thành tựu sáu Ba-la-mật (sáu sự toàn hảo), ta đã bố thí không tiếc một thứ gì - bảy báu, xứ sở, thành trì, vợ con, không tiếc cả thân thể và sinh mạng ta. Chỉ vì Pháp, Ta đã bỏ ngai vàng của quốc độ, trao việc nước cho thái tử để đi khắp nơi tìm kiếm chân lý và tuyên bố: "Nếu có ai giảng cho ta về Đại thừa, ta sẽ hiến cả cuộc đời và sẽ làm nô lệ cho người ấy."

“Bấy giờ có một ẩn sĩ tên là A-tư (Asita) đến và bảo, "Ta có một Đại thừa tên là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Nếu ông không cãi lời ta, ta sẽ giảng Đại thừa này cho ông." Nghe vị ẩn sĩ nói như thế, ta vô cùng hoan hỷ, liền theo ông ta, cung cấp mọi thứ ông cần, hái trái cây, xách nước, lượm củi, sửa soạn thức ăn, lấy thân mình làm chỗ ngồi, chỗ nằm cho ông mà không bao giờ cảm thấy mệt mỏi về thân và tâm. Ta phục vụ như thế suốt một ngàn năm và chỉ vì Pháp, ta kiên trì hầu hạ ông khiến ông không thiếu thứ gì.”

Sau khi kể câu chuyện này cho tất cả các Tỳ-kheo, đức Phật tỏ lộ rằng bấy giờ vị vua chính là Ngài, ẩn sĩ A-tư là Đề-bà-đạt-đa ngày nay. Đức Phật tuyên bố khắp tứ chúng rằng Đề-bà-đạt-đa, sau khi vô lượng kiếp trôi qua sẽ thành một vị Phật.

NGƯỜI ÁC SẼ THÀNH PHẬT:

Nếu chúng ta hời hợt mà hiểu lời tuyên bố của đức Phật rằng ngay cả Đề-bà-đạt-đa người đã cố giết Ngài cũng sẽ thành Phật, thì đấy là một sai lầm lớn. Chúng ta chớ quên rằng sự đạt Phật vị của Đề-bà-đạt-đa tùy thuộc sự việc ông phải thoát khỏi ảo tưởng và thực hành tu tập giới luật. Chắc chắn kẻ xấu ác nào cũng có Phật tánh. Nếu một người như thế tiếp cận với Phật pháp và xua tan đám mây đen của ảo tưởng đang che phủ tâm mình, bản tánh chân thật của mình, Phật tánh của mình; thì người ấy sẽ khởi sự sáng tỏ ra. Giáo lý của đức Phật đã nêu rõ điều này, là một cứu độ lớn lao cho con người trong thời mạt pháp này.

Trong phần giảng này của đức Phật, ngoài lời dạy rằng cả những người ác cũng có thể thành Phật, còn gồm hai lời dạy khác nữa. Một là nếu một người chịu đựng mọi ngược đãi và đối nghịch và vẫn tiếp tục tu hành thì những khó khăn của người ấy sẽ trở thành một nguyên nhân gián tiếp của sự việc thành Phật của người ấy. Đức Phật dạy: “Sự việc Ta đạt Chánh Đẳng Giác và Ta phổ độ chúng sanh, thảy đều nhờ tình bằng hữu tốt đẹp của Đề-bà-đạt-đa.”

Đây là một lời tuyên bố quan trọng nhất. Khi chúng ta bị người khác khinh miệt, lăng nhục, ngăn ngại, chúng ta có thể trở nên giận dỗi, buồn phiền và bắt đầu nghi ngờ Pháp. Chúng ta hãy cứ chịu đựng những khó khăn như vậy và hướng chúng đến một sức mạnh tích cực vì giáo lý của kinh Pháp Hoa là Pháp tối thượng trên đời này. Nhiều vị Thầy, nhiều bậc Đạo sư xưa kia, kể cả đức Phật Thích-ca-mâu-ni và ngài Nichiren đã nêu gương mình để chứng tỏ rằng con người có thể biến đổi những bất lợi thành thuận lợi.

ĐỪNG LẤY HẬN THÙ ĐÁP LẠI HẬN THÙ:

Một giáo lý khác là chúng ta đừng lấy hận thù đáp lại hận thù. Đức Phật Thích-ca-mâu-ni không những không ghét hận Đề-bà-đạt-đa, người đã gây quá nhiều tổn hại cho Ngài, mà lại còn cảm ơn ông ta về “tình bằng hữu tốt đẹp” của ông ta. Nhiều người có thể nghĩ rằng thái độ như thế sẽ không thể hiện được trong thế giới ngày nay, nơi mà chúng ta phải khổ nhọc đấu tranh để sinh tồn. Nhưng ý tưởng của đức Phật được xác chứng bằng sự việc mới xảy ra sau đây:

Tại phiên họp khoáng đại của Hội nghị Hiệp ước Hòa bình Nhật Bản được tổ chức tại San Francisco năm 1951, Bộ trưởng Tài chánh Tích Lan đồng thời là Trưởng phái đoàn Tích Lan đến dự Hội nghị, đã đọc một bài diễn văn tuyên bố rằng Tích Lan từ chối không đòi những bồi thường của Nhật Bản và nêu dẫn lời dạy sau đây của đức Phật trong kinh Pháp Cú: “Hận thù không bao giờ được lắng dịu bằng hận thù trên đời này; chỉ bằng tình thương, hận thù mới được lắng dịu. Đây là một luật cổ xưa.” Bài diễn văn của ông được kể lại là đã gây một loạt vỗ tay rầm rộ.

Kỹ xảo về ngoại giao bao gồm cả việc đe dọa một quốc gia đối phương, đánh lừa, mặc cả với quốc gia ấy, bí mật lôi kéo một số công dân của quốc gia ấy về phe mình và phản bội những người bạn của mình vào giờ phút chót. Sự việc gây ấn tượng biết bao khi tại Hội nghị Hòa bình gồm những nhà ngoại giao kỳ cựu tham dự, giáo lý của đức Phật được vị đại biểu của Tích Lan nêu lên như là chính sách ngoại giao của nước ông ! Hơn nữa, sự việc các đại biểu khác tán thành bài diễn văn của vị đại biểu Tích Lan bằng loạt vỗ tay rầm rộ chứng tỏ rõ ràng rằng chỉ có một con đường cứu vớt nhân loại.
Từ sự kiện này, chúng ta có thể cảm nhận niềm hy vọng lớn lao cho tương lai của nhânloại.

Thật vậy, nếu chúng ta lấy hận thù để đáp lại đối phương của chúng ta thì họ cũng sẽ cảm thấy đắng cay hơn đối với chúng ta. Như thế, hận thù sẽ sinh ra nhiều hận thù hơn và sẽ tiếp tục mãi hoài trong một vòng lẩn quẩn. Trong kinh Pháp Cú, đức Phật dạy rằng hận thù của con người sẽ mãi mãi chấm dứt khi nó bị con người từ bỏ, và trong kinh Pháp Hoa, Ngài dạy một thái độ tích cực của con người, trong đó Ngài bước một bước xa hơn để biến hận thù thành sự biết ơn.

Vài người có thể nghĩ rằng một người bình thường thật khó làm được điều ấy. Do đó, đức Phật Thích-ca-mâu-ni dạy như sau: “Trong đời vị lai nếu có thiện nam hay thiện nữ nào nghe phẩm Đề-bà-đạt-đa của kinh Diệu Pháp Liên Hoa với tâm thanh tịnh và lòng tin kính mà không nghi ngờ, người ấy sẽ sinh vào nơi của chư Phật trong khắp vũ trụ. Người ấy sinh vào chỗ nào cũng luôn được nghe kinh này; nếu người ấy sinh vào cõi người hay chư Thiên, người ấy sẽ hưởng được hạnh phúc thắng diệu. Nếu người ấy sinh vào nơi có đức Phật hiện diện thì người ấy sẽ từ một hoa sen mà hóa sinhra.”

Bấy giờ một vị Bồ-tát theo hầu đức Như Lai Đa Bảo tên là Trí Tích bạch đức Phật Đa Bảo: “Xin hãy trở về quốc độ của chúng ta.” Nhưng đức Phật Thích-ca-mâu-ni nói với ngài Trí Tích: “Thiện nam tử ! Hãy chờ một lát ! Đây là Bồ-tát Văn-thù. Ông hãy gặp gỡ, bàn luận với Văn-thù về Diệu Pháp đã, rồi hãy trở về quốc độ của ông.” Liền đó, ngài Văn-thù từ dưới biển nhảy lên cùng với chư Bồ-tát tùy tùng. Đáp lại câu hỏi của Bồ-tát Trí Tích, ngài Văn-thù bảo rằng ngài đã giáo hóa nhiều vị trong cung điện dưới biển của Long vương (vua rồng). Sau đó Bồ-tát Trí Tích ca ngợi ngài Văn-thù về những kết quả của việc ngài giáo hóa dưới biển.

Ngài Văn-thù đáp: “Đấy chẳng phải vì tôi tài đức gì mà là vì ở dưới biển, tôi luôn chỉ giảng kinh Diệu Pháp Liên Hoa mà thôi. Số Bồ-tát được tôi giáo hóa là vô số, không kể được. Nay tôi có một chuyện rất thú vị để kể cho ông nghe.” Rồi ngài Văn-thù kể với ngài Trí Tích rằng ngài đã giảng kinh Pháp Hoa cho người con gái lên tám của Long vương và khiến nàng đạt ngộ. Ngài ca ngợi sự vĩ đại của Long nữ.

Bồ-tát Trí Tích nói: “Tôi đã thấy được đức Như Lai Thích-ca-mâu-ni, trong suốt vô lượng kiếp đã nỗ lực thực hành khổ hạnh, tích tập công đức, chất chứa đức hạnh, liên tục, không ngừng nghỉ tìm Đạo Bồ-đề như thế nào. Tôi đã quán sát thấy rằng trong tam thiên đại thiên thế giới không có một chỗ nào nhỏ như hạt cải mà Ngài không đặt thân Ngài, mạng Ngài để làm Bồ-tát nhằm vì chúng sanh; và chỉ sau đó Ngài mới đạt Giác ngộ. Thật không thể tin được rằng người con gái này chỉ trong một lát lại đạt Toàn Giác.”

Ngài Trí Tích chưa dứt lời thì Long nữ bỗng hiện ra trước mặt các vị và sau đảnh lễ đức Phật, nàng bước lui đứng một bên, dùng kệ ca ngợi đức Phật, rồi nói: “Tôi tin chắc rằng tôi đạt Bồ-đề. Chỉ có đức Phật mới xác chứng được điều này. Tôi sẽ khai thị giáo lý Đại thừa, giải thoát chúng sanh khỏi khổ đau.”

Hội chúng không hiểu được lời tuyên bố của Long nữ. Ngài Xá-lợi-phất nói với Long nữ: “Nàng khẳng định rằng chỉ trong khoảnh khắc nàng đạt được Đạo tối thượng. Điều này thật khó tin.” Ngài bèn nêu ra nhiều lý do khiến một nữ nhân không thể thành Phật được.

Người con gái của Long vương có một viên ngọc quý, nàng dâng lên đức Phật và đức Phật nhận ngay. Sự việc đức Phật nhận ngay viên ngọc của nàng chứng tỏ rằng Ngài đã công nhận nàng đã đạt Chánh Giác. Bấy giờ Long nữ nói với Bồ-tát Trí Tích và ngài Xá-lợi-phất: “Tôi đã dâng viên ngọc của tôi và đức Thế Tôn đã nhận nó - hành động này có nhanh không ?” Hai vị ấy đáp: “Nhanh lắm.”

Nàng bảo: “Bằng sức thần thông, chư vị sẽ thấy tôi thành Phật còn nhanh hơn thế nữa !” Bấy giờ toàn thể đại chúng thấy Long nữ bỗng biến thành một nam nhân, đầy đủ hạnh Bồ-tát, tức thời đến thế giới Vô Cấu ở phương Nam, tại đấy, nàng phổ giảng Diệu Pháp cho toàn thể chúng sanh trong vũ trụ.

NỮ NHÂN SẼ THÀNH PHẬT:

Bấy giờ chư Bồ-tát, Thanh văn, chư Thiên, Rồng, Người và không phải người trong thế giới Ta-bà, từ xa thảy đều trông thấy Long nữ trở thành một vị Phật và phổ giảng kinh Pháp Hoa cho chư Thiên, Người và các chúng sanh khác thì ai nấy đều hết sức vui mừng và kính lễ. Chúng hội vô cùng lớn lao ấy chứng kiến nàng là một nữ nhân giảng Pháp và thành Phật thì đều tỉnh ngộ và đạt đến trạng thái bất thối chuyển (bất thối địa) về công hạnh. Thảy đều được thọ ký sẽ thành Đạo viên mãn. Ba ngàn chúng sanh phát tâm Bồ-đề và đều được thọ ký. Bồ-tát Trí Tích và ngài Xá-lợi-phất và toàn thể hội chúng thầm lặng tin tưởng thâm sâu vào sự lớn lao của năng lực Phật pháp. Phẩm Đề-bà-đạt-đa chấm dứt ở đây.

Phụ nữ ngày nay có thể cảm thấy không vừa ý về việc Long nữ bỗng biến thành nam giới rồi mới thành một vị Phật. Biểu tượng như thế đã được sử dụng chỉ do vì quan niệm phụ nữ của Ấn Độ cổ thời. Sự việc bỗng nhiên biến hóa từ một phụ nữ thành một nam nhân chỉ có nghĩa là sự vượt khỏi điều khác biệt giữa nam và nữ. Đức Phật Thích-ca đã khẳng định rằng thú vật, chim muông, sâu bọ, thảo mộc cũng như con người đều có Phật tánh. Làm sao Ngài lại có thể phân biệt nam giới hay nữ giới chứ ? Không thể như thế được. Dưới mắt đức Phật, hết thảy mọi chúng sanh đều bình đẳng. Chúng ta chớ bao giờ hiểu nhầm điều này.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]