Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương III: Lục diệu môn thiền

26/06/201318:52(Xem: 6271)
Chương III: Lục diệu môn thiền

Lục Diệu Môn và Ý Nghĩa Thiền Chỉ Quán

Chương III: Lục diệu môn thiền

Tỳ Kheo Thích Đức Trí

Nguồn: Tỳ Kheo Thích Đức Trí

1. Thế nào là Lục Diệu Môn?

Lục Diệu Môn Thiền tức là sáu trạng thái thiền quán, một là Sổ Tức Môn, hai là Tùy Tức Môn, ba là Chỉ Môn, bốn là Quán Môn, năm là Hoàn Môn, sáu là Tịnh Môn.

Diệu là ý nghĩa của niết bàn diệu pháp, là sáu cánh cửa để thiền quán thực chứng niết bàn, nên gọi là Lục Diệu Môn. Phương pháp này gồm những nét căn bản của sự tu tập bao gồm cả tam thừa giáo, nghĩa là con đường tu cả ba thừa –Thanh văn thừa, Duyên Giác Thừa và Bồ Tát Thừa. Đây là phương pháp thiền truyền thống, Trí Giả Đại Sư vận dụng có căn cứ kinh điển rõ ràng. Đặc biệt có kinh “Phật Thuyết Đại An Ban Thủ Ý”, có nội dung căn bản như Lục Diệu Môn. Nhưng kinh này trình bày sáu trạng thái tu tập gọi là Lục Sự: - Sổ, Tùy, Chỉ, Quán, Hoàn, Tịnh. Kinh này còn nhấn mạnh đây là con đường nhập vào chánh đạo. “Thủ ý lục sự vi hữu nội ngoại, Sổ, Tùy, Chỉ, thị vi ngoại; Quán, Hoàn, Tịnh thị vi nội, tùy đạo giả; Hà dĩ cố? Niệm tức tướng tùy chỉ quán hoàn tịnh, dục tập ý cận đạo cố. Li thị lục sự tiện tùy thế gian giả.” Có nghĩa là: Sáu phép thủ ý cũng có trong và ngoài; Sổ, Tùy, Chỉ là thuộc bên ngoài; Quán, Hoàn, Tịnh là thuộc bên trong; đều thuận với đạo lý; vì sao vậy? Vì phép quán niệm hơi thở gồm cả tùy, chỉ quán, hoàn, tịnh giúp tâm ý tập trung, tức là dễ thấy đạo. Nếu xa rời sáu phép này là thuận theo thế gian vậy.

Kinh Đại An Ban Thủ Ý do An Thế Cao dịch, đây là bản kinh thuyết minh về thiền, xuất hiện ở Trung Hoa rất sớm. Trong kinh này có đề cập đến tác dụng của 37 phẩm trợ đạo, xem đó là thiện pháp, là thiện hạnh, căn bản của sự tu học và giác ngộ.

Bên cạnh đó, Trí Giả còn vận dụng các kinh điển đại thừa khác để triển khai Lục Diệu Môn Thiền có thứ tự từng bước tu tập. Sự vận dụng khéo léo này giúp cho người tu tập từng bước để nhập thiền. Như ở trong kinh có dạy: “Như thứ đệ tùy hành ý, bất nhập tà vi chánh cố. Danh vi sở bổn” - Nghĩa là như thứ tự mà nhập thiền không bị sai lạc gọi là chánh, cũng gọi là căn bản của thiền.

Chúng ta thấy Lục Diệu Môn là pháp tu được tiếp thừa từ Đức Phật chỉ dạy có căn cứ kinh điển. Bên cạnh đó, nó còn lấy kinh luận đại thừa để phát triển thành pháp tu đặc thù mà được mọi người ưa chuộng. Tiếp xúc với thiền chỉ quán thì mới thấy rõ cơ sở vận dụng kinh giáo và tiêu chí giải thoát của tông này.

2. Nội dung của Lục Diệu Môn

Lục Diệu Môn là thuộc bất định chỉ quán, y pháp tu hành sẽ thoát khỏi luân hồi sanh tử trong ba cõi và chứng đắc Phật trí. Pháp môn này khởi điểm tu tập từ quán hơi thở, hơi thở là gắn liền sự sống với con người. Kinh Tứ Thập Nhị Chương có chép rằng một tỳ kheo trả lời: “mạng người chỉ sống trong hơi thở, Đức Phật khen rằng “Ông là người hiểu đạo”. Đúng vậy, dù trong bất cứ điều kiện nào nếu chấm dứt hơi thở là kết thúc mạng sống. Lục Diệu Môn lấy hơi thở làm phương tiện để điều tâm. Ở đây tôi dịch và giảng rõ nội dung của Lục Diệu Môn với sáu bước tu tập cụ thể như sau:

1. Sổ Tức: là đếm hơi thở, khi thở ra gọi là hô, hít vào gọi là hấp, một lần thở ra một lần hít vào gọi là nhất tức. Cứ một lần thở ra đếm một, từ một đến mười gọi là mười tức. Khi ngồi quán sổ tức phải đếm từ một đến mười không thêm không bớt, nếu bị nhầm lẫn thì phải đếm lại từ đầu, từ một đến mười lập đi lập lại như vậy.

Nếu đếm hơi thở không rõ ràng thì sẽ không được định tâm. Không nên đếm khi hít vào nếu làm như vậy dễ bị ngưng khí ở yết hầu, hơi thở nặng nề và làm thân mình bất an. Tâm và hơi thở là hoạt động của sự sống, có tâm tức có hơi thở, không có tâm tức không có hơi thở. Nếu tâm thô động thì hơi thở ngắn, nếu tâm vi tế thì hơi thở sâu và nhẹ. Đếm hơi thở lâu ngày thuần thục, tâm theo hơi thở, hơi thở theo tâm, rõ ràng minh bạch, từ một đến mười không cần công phu vì tâm đã tự chủ. Lúc này tự biết rằng đếm hơi thở là còn thô và khởi tâm tu tùy môn.

2. Tùy Tức: là theo dõi hơi thở, giai đoạn này bỏ qua giai đoạn đếm hơi thở. Tâm theo dõi hơi thở ra vào, tâm và hơi thở theo nhau như bóng với hình, không tách rời nhau. Chú ý hơi thở vào bắt đầu từ mũi miệng yết hầu, ngực và xuống tới đan điền. Chú ý hơi thở ra từ đan điền lên ngực qua yết hầu, qua miệng và thở ra tại mũi. Thực tập lâu ngày tâm an định vi tế. Biết rằng hơi thở ra vào có năng lượng, ngày thường không tỉnh giác nên không thấy rõ tướng trạng các hơi thở. Khi tâm có phần an định từ việc hô hấp mà biết rõ hơi thở dài ngắn, thô tháo và nhỏ nhiệm, ấm và lạnh.

Thực tập lâu ngày có cảm giác các hơi thở ra vào từ các lỗ chân lông của cơ thể, như nước thấm qua cát, như gió vô ngại. Lúc này thân cảm thấy nhẹ nhàng nhu nhuyến không cần theo dõi hơi thở mà phải tu Chỉ.

3. Chỉ: Chỉ tức là tâm ngưng nghỉ an định, không bị tán động trước hoàn cảnh. Trước tu đếm hơi thở và theo dõi hơi thở, các tâm niệm thô tháo được lắng dần, nhưng vi tế vọng niệm vẫn còn hoạt động. Tu Chỉ thì tâm an nhàn vắng lặng. Bình thường tâm chúng ta buông lung theo ngoại cảnh không ngừng nghỉ, nay nhờ tu Chỉ buộc tâm niệm vào một chổ không còn loạn tưởng. Nên chỉ tâm ở chót mũi, hai mắt thường chú ý xuống chóp mũi khiến tâm không bị loạn, hoặc chỉ tâm ở giữa rốn và đan điền, hoặc chỉ tâm ở hơi thở ra vào. Như người giữ cửa, tuy thân không di động nhưng biết rõ mọi người ra vào, như vậy gọi là tu Chỉ.

Thực tập lâu ngày tâm trở nên an định. Đối với người mới học thiền phải thực tập đếm hơi thở và theo dõi hơi thở độ vài tháng, sau đó tu Chỉ tâm trở nên an định và có thể ngồi được vài giờ, thân tâm bất động cảm giác nhẹ nhàng, sinh tâm nhàm chán các món dục lạc thế gian. Đây là giai đoạn điều phục vọng tâm và tiếp tục tu Quán.

4. Quán: Đang khi chánh niệm, thiền quán hơi thở vi tế ra vào, như gió trong không trung không có chỗ dừng. Thực hiện bốn pháp quán niệm:

• Quán thân này không sạch, thân này có do cha mẹ sanh ra, tất cả các bộ phận trong cơ thể từ máu huyết tủy não đều giả hợp mà có. Thân này không có gì là tốt đẹp và bền chắc, quán sát như vậy để lìa tham ái.

• Quán thọ thị khổ, do sáu căn duyên với sáu trần sinh ra nhận biết và các cảm thọ, như khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc. Tất cả hiện hữu không thực, tâm bám víu thì một khi điều kiện tâm lý và vật lý thay đổi đều sanh ra trạng thái khổ não.

• Quán tâm vô thường, tâm này thay đổi trong từng đơn vị nhỏ thời gian, niệm niệm sanh diệt tương tục không có ngừng nghỉ. Từ xưa cho tới nay, chúng ta nhận lầm tâm này là thực, theo tâm tạo nghiệp, chịu quả báo khổ đau.

• Quán pháp vô ngã, các pháp thế gian muôn ngàn sai biệt nhưng không ngoài Tứ Đại Chủng mà lập. Bốn đại này có mặt trong tất cả sắc pháp nên gọi là đại, bốn đại này năng tạo ra tất cả sắc pháp nên gọi là chủng, nên gọi cho đủ nghĩa là tứ đại chủng. Đó là địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại. Địa đại là tánh cứng của đất có khả năng nâng đỡ vạn vật. Thủy đại là tánh ướt của nước, năng thâu nhiếp vạn vật. Phong đại là tánh của gió năng sanh trưởng vạn vật. Hỏa đại là tánh của lửa, năng nung nóng vạn vật.

Con người cũng vậy, nhờ tinh cha huyết mẹ mà được sanh ra, tiếp thụ dinh dưỡng vật chất, duy trì hơi thở mà thành mạng sống, do vậy bốn đại này có mặt ở trong ta. Khi một người được sanh ra là chuyển bốn đại bên ngoài thành bốn đại bên trong mà thôi. Sự thực bốn đại bên ngoài và bốn đại bên trong không sai biệt. Sống chết không ngoài bốn đại thay đổi, hữu tình và vô tình chẳng có gì sai biệt. Thực hiện bốn pháp quán trên sẽ trừ bốn món điên đảo:

1. Thế gian vô thường chấp là thường,

2. Nhân sanh là khổ chấp là lạc,

3. Tứ đại, ngũ uẩn vô ngã chấp là thực ngã.

4. Nhân sanh có đủ món bất tịnh chấp là tịnh.

Đó là bốn món điên đảo, nếu đoạn trừ sẽ thoát khỏi khổ đau. Tu Quán so với Chỉ là rất cao sâu, nhưng tu Hoàn càng sâu hơn nữa.

5. Hoàn: Đang lúc tu, quán hơi thở vào không từ đâu đến, hơi thở ra không trụ ở đâu, chỉ thấy nhân duyên hòa hợp là có, nhân duyên ly tán là không. Nhân vì có tâm quán mới có cảnh để quán. Tâm cảnh đối lập không thể trở về cội nguồn chân như. Tâm quán này do đâu mà sanh, nếu từ tâm sanh thì tâm và quán phân làm hai, sự thực không phải như thế. Nếu tâm quán do cảnh sanh thì thuộc sắc trần vật chất, sắc trần vô tri làm sao mà sanh tâm quán sát. Vậy quán này là do tâm cảnh cùng sanh, tâm với cảnh thì sinh ra sự thấy biết. Cảnh thì vô tri, nói thế thì hữu tình vô tình lẫn lộn, như vậy là sai trái.

Sự thấy biết do quán sát từ tâm sanh, nếu từ tâm sanh thì cũng theo tâm mà diệt, như vậy là huyễn hóa không thực. Tâm sanh diệt không phải tâm chân như, tâm sanh diệt không phải tướng chơn thật, tâm tánh vốn bất sanh nên không diệt, nói vậy thì không có tâm quán, tâm quán không có thì làm sao có cảnh để quán. Tâm cảnh đều không, cùng với Hoàn tương ưng.

Tâm huệ khai phát, đoạn được phiền não, đạt bổn Hoàn nguyên nhưng vẫn còn Hoàn tướng, trụ ở đây lâu sẽ sanh chướng ngại, tiếp theo là xả Hoàn tu Tịnh.

6. Tịnh: Trong quá trình tu Lục Diệu Môn phải thông qua các bước phương tiện khéo léo tu tập mới mau tiến bộ. Như suốt ngày tâm ý cuồng loạn, vọng tưởng phân tán nên dùng phương pháp đếm hơi thở để điều phục thân tâm, hoặc lúc bị buồn ngủ thì theo dõi hơi thở để đối trị. Nếu thấy hơi thở thô động nên phải sử dụng tu Chỉ, để tâm an trú vào một đối tượng. Nếu tâm có tham sân si phiền não khởi dùng tâm Quán phá trừ vô minh.

Các môn đó để nhiếp phục vọng tưởng đoạn trừ các phiền não thô động nhưng chưa đạt được sự chân tịnh. Muốn đắc chân tịnh nên biết rõ các pháp trong ngoài đều không thực, rốt ráo không có tự tánh. Đối tất cả pháp không sanh tâm phân biệt thì các phiền não vi tế không sanh khởi. Không những xa rời sự thấy biết mà cũng không còn tướng năng quán và sở quán, tâm tịnh và cảnh tịnh. Tâm lượng như hư không, không chấp có và chấp không. Tu tập như vậy tâm huệ khai phát, siêu thoát tam giới, liễu thoát sanh tử, chuyển phàm thành thánh gọi là đắc Tịnh.

Như trên là nói Lục Diệu Môn từ gần đến xa, từ cạn đến sâu cho đến đạt cảnh giới bất sanh bất diệt. Sổ và Tùy là phương tiện tu tập đầu tiên của Chỉ và Quán. Chỉ và Quán là giai đoạn giữa của sự tu tập, Hoàn và Tịnh là chặng kết thúc. Chỉ là như ngôi nhà kín, Quán là như ngọn đèn dầu, có Quán mà không Chỉ như đèn trong gió, chẳng những không chiếu rõ sự vật mà còn bị gió lớn thổi tắt.

Cũng vậy, khi nhập vào cảnh định, không còn bị ngọn gió vọng niệm thổi thì ánh ngọn đèn trí tuệ tỏ rạng, phá tan bóng tối vô minh. Chỉ môn năng hàng phục ba món phiền não tham sân si mà chưa thể đốn tận gốc rễ của nó, giống như lấy đá đè lên cỏ, nếu dời đá thì cỏ mọc trở lại. Quán môn năng phá trừ phiền não trong tâm chúng sanh, giống như dao bén trừ tận gốc rễ cỏ cây. Nếu tâm chạy nhảy như khỉ, ý nhảy như ngựa thì bị vọng tưởng quấy nhiễu, nếu không dùng Chỉ môn thì không buộc được tâm ý.

Nếu hôn trầm mê mờ thì bị trói buộc bởi tâm u tối, phải nhờ tu Quán. Buông Chỉ là khởi Quán, Chỉ như làm lắng nước đục, Quán tợ mặt trời chiếu vào lòng nước. Chỉ năng trừ vọng tưởng, Quán năng hiễn lộ chơn như. Chỉ là thiền định, khiến tâm không lay động, Quán là trí tuệ năng đạt tánh không của các pháp.

Lại nữa, đừng làm các điều ác là Chỉ, làm các điều lành là Quán. Cho nên hai môn Chỉ và Quán có thể bao quát tất cả các pháp môn. Không luận là niệm Phật, tham thiền, lễ Phật tụng kinh, từ bi hỷ xã, tự lợi lợi tha đều không xa rời hai môn này. Chỉ và Quán là hai cánh của con chim, như bánh của chiếc xe. Chim có hai cánh có thể bay cao lên không trung, xe có bánh có thể đi xa ngàn dặm. Cho nên hai pháp Chỉ Quán hợp lại là song mỹ, nếu tách rời nhau thì không thể nhập vào chánh quán. Nếu thiên về định tức là ngu định, nếu thiên về huệ tức là cuồng huệ, nên cần có Chỉ Quán song tu. Định huệ quân bình mới thoát khỏi bể khổ đạt đến cứu cánh Niết Bàn.

3. Mười ý của Lục Diệu Môn

Lục Diệu Môn là một quá trình tu tập, nếu không rõ ràng từng giai đoạn của tâm thức và các tướng thiền định phát sanh thì sẽ bị chướng ngại. Không ít người tu thiền trải qua thời gian dài mà không biết mình ở trong trạng thái nào, từ đó bị dao động không còn tu học tinh tấn nữa. Trí Giả Đại Sư triển khai Lục Diệu Môn thành mười môn, nay lược dịch nội dung căn bản của mười môn là:

1. Đệ nhất lịch biệt đối chư thiền Lục Diệu Môn: - Lục Diệu Môn thâu nhiếp tất cả thiền.

 Sổ là diệu môn, sổ tức nhiếp mười hai loại thiền , chứng Niết Bàn.

 Tùy là diệu môn, tùy tức nhiếp mười sáu đặc thắng , chứng Niết Bàn.

 Chỉ là diệu môn, chỉ tức nhiếp ngũ luân thiền chứng Niết Bàn

 Quán là diệu môn, quán tức nhiếp quán luyện huân tu chư thiền Niết Bàn.

 Hoàn là diệu môn, hoàn tức nhiếp không tam muội và trung đạo chánh quán.

 Tịnh là diệu môn, tịnh tức nhiếp Cửu Đại Thiền chứng đại Niết bàn.

2. Thứ đệ chứng tướng Lục Diệu Môn: - Dùng phương tiện thiện xảo tu tập thứ tự mà chứng Niết Bàn.

 Tu sổ chứng sổ, xả sổ tu tùy, xả tùy tu chỉ, xả chỉ tu quán, xả quán tu hoàn, xả hoàn tu tịnh, so sánh quán, hoàn, tịnh.

3. Tùy tiện nghi Lục Diệu Môn: – Dùng phương tiện khéo léo tu Lục Diệu Môn.

 Mới bắt đầu tu tập dùng các bước thích hợp để tu.

 Tu tập trong trường hợp nhập định bị chướng ngại.

 Phương pháp tu khi tâm có thô tế vọng niệm.

 Phương pháp giúp tu học Lục Diệu Môn tiến bộ.

1. Đối trị Lục Diệu Môn: – Dùng Lục Diệu Môn để loại bỏ tâm ô nhiễm.

 Đối trị chướng ngại quả báo xấu.

 Đối trị chướng ngại các phiền não.

 Đối trị chướng ngại do nghiệp chướng.

5. Tương nhiếp Lục Diệu Môn:

 Lục Diệu Môn tự thể tương nhiếp.

 Lục Diệu Môn sanh các tướng thiền tương nhiếp lẫn nhau.

6. Thông biệt Lục Diệu Môn: - Pháp tu chung của Ngũ Thừa nhưng kết quả Sai khác.

 Nói chung các tướng thông biệt của Lục Diệu Môn.

 Luận về các tướng thông biệt của Lục Diệu Môn.

 Tướng thông biệt của sổ tức môn.

 Khởi các ma chướng của hàng Phàm phu trong khi dụng sổ tức.

 Ngoại đạo sổ tức khởi hí luận.

 Thanh văn sổ tức thông đạt Tứ Đế.

 Duyên Giác sổ tức thông đạt Nhân Duyên.

 Bồ Tát sổ tức kiến Phật tánh đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn .

7. Thí chuyển Lục Diệu Môn:

 Bồ Tát từ Không xuất Giả quán thành tựu các công đức.

 Nói rõ trọn vẹn quán sổ tức thành tựu vô lượng công đức.

 Quán tức tánh không, rõ tướng thiện ác nhân quả nhất thiết thế gian.

 Quán tức tánh không, phân biệt thế gian và xuất thế gian.

 Quán tức tánh không, liễu rõ phân biệt Tứ Đế.

 Quán tức tánh không, thông đạt Thập Nhị Nhân Duyên.

 Quán tức tánh không, đầy đủ Lục Độ Ba La Mật.

 Ngoài ra năm môn khác cũng thành tựu vô tận công đức.

8. Quán Tâm Lục Diệu Môn: - Tâm tức Lục Diệu Môn:

 Tâm tức Sổ Môn.

 Tâm tức Tùy Môn.

 Tâm tức Chỉ Môn

 Tâm tức Quán Môn.

 Tâm tức Hoàn Môn.

 Tâm tức Tịnh Môn.

9. Viên quán lục Diệu Môn:

 Viên quán Sổ Tức Môn.

 Viên quán Tùy, Chỉ, Quán, Hoàn, Tịnh.

 Tu viên Quán Lục Diệu Môn là thành Phật.

10. Chứng tướng Lục Diệu Môn:

 Thứ đệ chứng tướng.

 Bất định chứng tướng.

 Sổ Tức môn chứng thiền bất định.

 Tùy, Chỉ, Quán, Hoàn, Tịnh chứng thiền bất định.

 Chứng ngộ phần thứ bảy (trong mười môn)

 Chứng tướng thí chuyển Sổ Tức Môn.

 Chứng tướng thí chuyển năm môn: Tùy, Chỉ, Quán, Hoàn, Tịnh.

 Viên chứng phần thứ tám, thứ chín (tương tự viên chứng Lục Diệu Môn).

 Quả vị tu chứng trong Lục Diệu Môn.

 Có sự sai biệt trong phần chứng Lục Diệu Môn.

 Sơ chứng Lục Diệu Môn (Tâm trụ nhứt niệm chứng đầy đủ Lục Diệu Môn).

 Trung chứng Lục Diệu Môn (Tâm trụ nhứt niệm chứng Đẳng Giác Bồ Tát).

 Chứng rốt ráo Lục Diệu Môn (Tâm trụ nhứt Niệm chứng Diệu Giác Bồ Tát).

Trên cơ sở thực tế của Lục Diệu Môn thiền lấy Sổ Tức làm chủ, từ quán hơi thở mà nhập thiền để tâm thanh tịnh, tùy theo từng giai đoạn tu tập mà xuất hiện sai biệt về cảnh thiền nhưng sau cùng giác ngộ triệt để.

Cũng thế, Lục Diệu Môn và các giai đoạn tu tập đều là phương tiện thiết thực tịnh hóa tâm thức, làm phương tiện lẫn nhau để đạt đến kết quả viên mãn của thiền quán. Người tu phải có tâm chánh niệm và tỉnh giác, xả bỏ và tiến sâu trên con đường thiền quán, và đạt được kết quả giác ngộ.



4. Bất Định Chỉ Quán

Giáo lý thiền của Trí Giả Đại Sư có ba loại Chỉ Quán: Tiệm Thứ Chỉ Quán, Bất Định Chỉ Quán và Viên Đốn Chỉ Quán. Thực hành đúng các phương pháp chỉ quán này sẽ thành tựu giác ngộ. Tiệm Thứ chỉ quán là pháp môn quán sát từ cạn đến sâu, vì thật tướng là không thể nghĩ bàn, vận dụng tu tập từ từ mới đạt được. Bất Định chỉ quán là sự quán sát không có phân biệt thứ tự trước sau, hoặc là sâu cạn, chỉ do khả năng quán chiếu mà thể nghiệm mọi trạng thái thiền cảnh, không hạn định. Viên Đốn chỉ quán là cảnh giới của sự chứng ngộ, tâm đối cảnh đều tương ứng với đạo lý, tự tại vô ngại. Lục Diệu Môn thuộc bất định chỉ quán, một pháp môn tu học thông dụng mà kết quả lại không thể nghĩ bàn.

Ba loại Chỉ Quán là tri thức của thiền quán mà mọi người tu học dù bất cứ pháp môn nào cùng cần phải biết. Đối với người bắt đầu học đạo thì Tiệm Thứ chỉ quán là ngõ vào tuyệt mỹ và có khả năng tiến tu đạo nghiệp một cách tự tin. Bất Định chỉ quán là giáo lý giúp ta nhận biết rằng tùy căn cơ mà tiếp nhận Phật pháp. Nó là một pháp môn tu học mang giá trị bao dung và thực tiển. Viên Đốn chỉ quán là cảnh giới của sự thành tựu thiền quán, vượt qua các giai đoạn của sự tu học. Do vậy trong quá trình tu nếu chưa chứng ngộ thì y theo Tiệm Thứ chỉ quán mà công phu. Đang ở trong giai đoạn thực tiển tu học, trắc nghiệm trình độ tâm linh thì cần vận dụng Bất Định chỉ quán, thông qua thực hành Lục Diệu Môn để đạt chứng ngộ tuyệt đối.

Từ Lục Diệu Môn thông qua tu sổ tức quán mà phát sanh sáu tướng thiền cảnh, trước sau bất định, ở ngay các giai đoạn sau tùy, chỉ, quán, hoàn, tịnh mỗi giai đoạn tu tập đều tương nhiếp lẫn nhau. Như Lục Diệu Môn có nói: “Thử tắc lược thuyết ư sổ tức trung hổ phát lục môn thiền tướng, tiền hậu bất định, vị tất tất như kim thuyết. Trừ tùy chỉ quán hoàn tịnh, nhất nhất hổ phát chư thiền tướng, diệc như thị” , có nghĩa là - nay lược nói ở trong môn sổ tức, cùng phát sáu môn thiền, trước sau không xác định, nay nói rõ hết ở tùy môn, chỉ môn, quán môn, hoàn môn, tịnh môn, mỗi mỗi đều phát sanh các tướng thiền tương nhiếp như thế.

Pháp Hoa huyền nghĩa có dạy: - “Phật dĩ nhất âm diễn thuyết pháp, chúng sanh tùy loại các đắc giải dã” , có nghĩa là: Phật dùng một âm thanh mà nói pháp, nhưng chúng sanh tùy theo căn tánh mỗi loài mà đều có sự thấy biết và sự lợi lạc khác nhau. Trí Giả Đại Sư y thử lý mà trình bày ý nghĩa bất định chỉ quán.

Chỉ là thể, Quán là dụng, từ Chỉ Quán mà đắc tất cả Phật pháp. Do vậy Chỉ là phương tiện của Quán, Quán cũng là phương tiện của Chỉ. Lục Diệu Môn là pháp thiền rất cơ bản, Chỉ Quán thành tựu là đắc định tuệ, đoạn trừ được tâm ô nhiễm và giải thoát tự tại.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]