Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển thứ nhất

24/06/201318:44(Xem: 10737)
Quyển thứ nhất

Phật Nói Kinh Tôn Giả Hộ Quốc Hỏi Về Đại Thừa

Quyển thứ nhất


Việt dịch: Thích Nguyên Xuân

Nguồn: Hán dịch: Tây Thiên - Tam Tạng Thi Hộ Chứng nghĩa: Tỳ Kheo Thích Đổng Minh. Tu sĩ Bảo Quang

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Phật ở trong núi Thứu Phong thuộc thành Vương Xá, cùng đông đủ đại chúng Bí sô một ngàn hai trăm năm mươi vị; lại có chúng đại Bồ-tát gồm năm ngàn vị, đều đắc đại nhẫn nhục, biện tài vô ngại, hàng phục ma oán, chế phục các ngoại đạo, phát tâm đại đạo, được tam ma địa, thông thạo tổng trì, đủ bốn trí vô ngại, thông đạt bốn nhiếp và ba la mật đa sâu xa tối thượng... cho đến tất cả Phật pháp, có vô lượng vô biên các thiện công đức; tên các vị ấy là: Bồ-tát Phổ Hiền, Bồ-tát Phổ Nhãn, Bồ-tát Phổ Quán, Bồ-tát Phổ Quang, Bồ-tát Phổ Chiếu, Bồ-tát Thượng Ý, Bồ-tát Tăng Ý, Bồ-tát Vô Biên Ý, Bồ-tát Quảng Ý, Bồ-tát Vô Tận Ý, Bồ-tát Trì Địa, Bồ-tát Thế Thượng, Bồ-tát Thắng Ý, Bồ-tát Tối Thượng Ý, Bồ-tát Tổng Trì Tự Tại Vương, Đại Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi,.v.v... Lại có chúng của đại Bồ-tát Hiền Hộ gồm mười sáu vị, lại có đại Phạm Thiên Vương chủ Thế giới Ta bà, vua trời Đế Thích và bốn đại Thiên Vương Hộ Thế, lại có Thiên Tử Tô Thi Di, Thiên tử An Ý và các Thiên Vương, Long Vương, Khẩn Na La Vương, Hy Đà Lý Phược Vương, Dược Xoa Vương, Nga Lỗ Noa Vương... mỗi vị cùng với biết bao trăm ngàn quyến thuộc đều đến phó hội.

Bấy giờ, đức Thế Tôn với bốn chúng quay quanh, ngồi kiết già trên tòa Sư tử cao hơn núi Tu Di, hào quang rực rỡ giống như vầng nhựt nguyệt, chiếu khắp thế gian, oai nghi đầy đủ phạm hạnh thanh tịnh, giống như trời Đế thích oai nghi tối thắng trong chúng Chư thiên, cũng như Luân Vương đầy đủ bảy báu, lìa các sợ hãi; như sư tử chúa, khéo giảng nói nghĩa không của các pháp; như ngọn lửa lớn phá các tối tăm; như ngọc báu ma ni chiếu khắp tất cả cũng như vậy, hào quang đức Phật chiếu khắp tất cả ba ngàn đại thiên thế giới; trong hào quang ấy, phát ra âm thanh vi diệu, bảo với các chúng sanh: " Nay ta đã đạt được tất cả các pháp ba la mật tối thượng nên sẽ nói nghĩa chân thật, đầu giữa sau đều thiện, văn nghĩa thù thắng thuận bạch viên mãn, phạm hạnh thanh tịnh thuần nhất không xen tạp.

Khi ấy, đại Bồ-tát Hỷ Vương ngồi an ổn trong đại chúng chiêm ngưỡng Thế Tôn ở trên tòa sư tử phóng đại quang minh như một ngàn mặt trời chiếu sáng tất cả, tâm vui mừng cung kính tin tưởng sâu xa, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay hướng về Phật, dùng kệ khen rằng:

Thân Phật sáng rỡ như núi vàng
Lợi ích thời gian rất hy hữu
Tăng Bồ-tát Thanh văn, Duyên giác
Trời rồng tám bộ đều vây quanh
Như núi Tu Di chư Thiên ngụ
Mọc từ biển lớn cao vời vợi
Thương xót chúng sanh thị hiện thân
Phóng trăm ngàn ánhh sáng rực rỡ
Hành hạnh Phạm thiên tức Phạm thiên
Là vua trong chúng Phạm thiên ấy
Hành thiền giải thoát, tam ma địa
Hào quang vượt hẳn hàng Bồ-tát
Cũng như Đế thích chúa cõi trời
Oai đức dung nghi các tướng đẹp
Hào quang Mâu-ni chiếu thời gian
Công đức khó sánh tướng trang nghiêm
Tự tại bốn châu như Thiên Vương
Hay khéo điều phục các hữu tình
Dẫn dắt chúng sanh thoát vòng khổ
Đức Phật từ bi cũng như vậy.
Có hào quang như ngọc ma ni
Ánh sáng nhựt nguyệt, các ánh sáng
Trăm ngàn ánh sáng thái dương ấy
Không bằng Phật nhật thường chiếu sáng
Như trăng nửa đêm tỏa ánh sáng
Chiếu khắp thế gian đều thanh tịnh
Mặt Phật trang nghiêm như trăng tròn
Sáng làm mờ tất cả ánh sáng
Như ngọn lửa lớn trên núi cao
Phá tan đêm tối soi các hướng
Ánh sáng trí tuệ bậc đại tiên
Phá hết vô minh lìa các cõi
Như tiếng sư tử giữa đồng vắng
Các loài thú nghe đều kinh sợ
Phật thuyết pháp nghĩa không, vô ngã
Các ma nghe cũng lại như vậy
Ngọc báu ma ni tỏa ánh sáng
Các ma ni khác bị lu mờ
Thân Phật sáng rỡ như vàng ròng
Che tất cả ánh sáng thế gian
Tất cả thánh hiền trong thế gian
Không ai cao cả bằng đức Phật
Đủ phước tinh tấn trí phương tiện
Tất cả công đức không thể lường
Chiêm ngưỡng đại sư biển công đức
Oai quang chiếu khắp các quần sinh
Hết lòng kính mến mộ tôn nhan
Vì thế con nay xin đảnh lễ
Tâm qui kính khen Phật của con
Công đức thế gian không sánh bằng
Đem hết hồi hướng trong pháp giới
Tất cả Thế gian* thành Phật đạo.

Khi ấy, đại Bồ-tát Hỷ Vương khen ngợi Phật rồi, chắp tay hướng về Phật, chiêm ngưỡng dung nhan mắt không tạm rời, tâm quán pháp giới, nghĩa ấy sâu xa khó biết khó thấy, xa lìa ngôn ngữ phân biệt, dứt các hý luận, vi diệu khó hiểu, không thể nghĩ bàn. Ngài quán tưởng tất cả pháp giới như vậy, chỉ có trí quán của đức Như Lai mới tóm thâu và chứng biết như thật; cảnh giới của Phật không có gì sánh bằng. Quán sát như vậy Ngài thấy cảnh giới phương tiện chẳng thể nghĩ bàn của đức Như Lai, đều gom về một tướng trong tánh của pháp giới. Ví như hư không không có trụ xứ tức là cảnh giới chúng sanh cũng như tự tánh... tất cả các pháp cũng lại như vậy, đều không chướng ngại, giải thoát, rốt ráo vắng lặng. Các đức Thế Tôn dùng phương tiện thiện xảo hiện thân ở trước mặt chúng sanh khắp các cõi Phật, các thân Như Lai trải qua vô số kiếp nhưng không thể nắm bắt được. Lúc ấy, quán công đức của Phật rồi, đại Bồ-tát Hỷ Vương đứng yên lặng.

Bấy giờ, có tôn giả tên là Hộ Quốc an cư ba tháng ở thành lớn Xá Vệ. An cư xong, vị ấy đắp y mang bát cùng với các Bí-sô, các vị mới xuất gia và người mới phát tâm rời nước Xá Vệ đến núi Thứu Phong thuộc thành Vương Xá. Sau khi đến, tôn giả Hộ Quốc liền đến chỗ Phật đảnh lễ sát chân Phật nhiễu quanh bên phải ba vòng, đứng qua một bên chắp tay cung kính đọc kệ khen ngợi Phật:

Kính lạy Phật quang minh tối thượng
Lạy ý vô ngại như hư không
Lạy đấng đoạn trừ các trói buộc
Lạy bậc vượt ngoài biển ba cõi
Chân sắc tướng vô biên của Phật
Hóa hiện khắp trong vô số cõi
Bồ-tát nghe rồi hoan hỷ đến
Cung kính cúng dường công đức Phật
Làm việc cúng dường tối thượng xong
Nghe pháp Mâu ni lìa trần cấu
Tất cả hoan hỷ về bổn xứ
Khen ngợi chánh pháp Thế Tôn nói
Trải qua vô lượng vô số kiếp
Lợi lạc tất cả các hữu tình
Thân tâm chưa từng thấy mệt mỏi
Vì cầu vô thượng Bồ đề Phật
Thường hành bố thí trì giới hạnh
Môn nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định
Phương tiện trí tuệ đạt Niết Bàn
Vì thế con lạy đại giác tôn
Thành tựu sáu thông bốn thần túc
Các căn mười lực môn giải thoát
Dùng hạnh này đến với chúng sanh
Con nay lạy Phật trí vô đẳng
Hay biết tất cả tâm thế gian
Việc làm tạo tác và thành nghiệp
Của thân của miệng và lời nói
Vô thượng Thế Tôn thấy tất cả
Tội lỗi tham si không thể đoạn
Chúng sanh vì thế đọa ba cõi
Nhờ Phật thành tựu nghiệp Thiện thệ
Mới biết thiện ác của thế gian
Việc của chư Phật ở quá khứ
Và bậc thầy trời người hiện tại
Cho đến vị lai biển công đức
Tất cả các pháp thảy đều biết
Cõi nước thanh tịnh chúng vây quanh
Bồ-tát Duyên giác cùng Thanh văn
Cho đến số lượng thọ mạng Phật
Đức Phật của con thảy đều biết
Có bao nhiêu pháp sanh và diệt
Với việc cúng dường làm Phật sự
Có thọ trì pháp của pháp tạng
Đức Phật của con đều biết hết
Phật có mười lực trí vô ngại
Hiện tại thường ở trong ba đời
Như vậy tất cả pháp phương tiện
Con lạy biển trí của Thế Tôn
Đại giác Thế Tôn không ai bằng
Tướng đẹp trang nghiêm đại kiết tường
Như sao trên không trong đêm tối
Con lạy Mâu ni đấng tối thượng
Dung mạo trang nghiêm không người sánh
Chiếu sáng chư Thiên và thế gian
Đế Thích Phạm Vương, trời Cứu Cánh
Họ ở trước Phật đều mờ nhạt
Trong sạch bất động, như núi vàng
Búi tóc xanh biếc xoay bên phải
Đảnh Phật cao vợi như núi báu
Hào quang chiếu xa các phước sanh
Vô số ánh sáng chiếu khắp nơi
Tướng lông trắng hiện giữa chặn mày
Mắt như sen xanh thường tươi vui
Vận lòng từ quán chiếu thế gian
Vầng trăng trong sáng ở không trung
Mặt Phật sáng tròn cũng như vậy
Hữu tình nhìn mãi không biết chán
Con lạy Như Lai tướng viên mãn
Đi như ngỗng chúa như nai chúa
Cũng như trâu chúa bước an ổn
Chấn động đại địa không tạm dừng
Con lạy Như Lai sức kiên cố
Ngón tay thon dài có màng mỏng
Móng tay trong sạch màu đồng đỏ
Đứng thẳng duỗi tay dài quá gối
Con lạy thân vàng đấng Đại giác
Phật bước trên đất hiện tướng lành
Hiển bày đầy đủ dấu thiên bức
Chân phóng hào quang chiếu quần sanh
Nhờ ánh hào quang họ sanh thiên
Đại thánh vua pháp ban bảy tài (thánh tài)
Là bậc thí chủ tâm bình đẳng
Điều phục thế gian nương pháp hành
Con lạy Pháp vương vô thượng giác
Niệm pháp từ bi tâm làm kiếm
Trì giới phương tiện, cung trí tuệ
Đoạn trừ phiền não các chúng giặc
Luân hồi sanh diệt không có tăng
Viên mãn tự lợi lại lợi tha
Làm cho chúng sanh cùng giải thoát
Rốt ráo an vui khỏi trần lao
Được vào tông vắng lặng Thiện Thệ
Không sanh không diệt hết các khổ
Cũng không sanh, lão, ái, biệt ly
Đó là vô vi tối thượng thừa
Vì thương chúng sanh Phật giảng nói
Con khen ngợi Mâu ni tối thượng
Gom hết tất cả pháp chư Phật
Như vậy có được bao công đức
Nguyện cho chúng sanh chứng Bồ đề

Khi ấy, tôn giả Hộ Quốc đọc kệ khen ngợi Phật rồi, để bày vai hữu quỳ gối sát đất, chấp tay hướng về Phật, đảnh lễ cung kính bạch Phật:

Bạch đức Thế Tôn Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng giác! Con có điều thưa hỏi, cúi xin Thế Tôn từ bi cho phép.

Thế Tôn bảo tôn giả Hộ Quốc:

- Theo điều ông hỏi tôi sẽ giảng giải đầy đủ khiến ông được vui vẻ. Nghe lời ấy rồi, thân tâm vui thích, Tôn giả Hộ Quốc thưa:

- Bạch Thế Tôn! Những pháp nào là bốn pháp làm cho Bồ-tát thực hành đầy đủ, có thể đạt được tất cả công đức tối thượng, đạt trí vô ngại, biện tài quyết định hiểu rõ tánh tướng, nhập vào nhất thiết trí, giáo hóa chúng sanh, đoạn trừ vô minh vọng tưởng phiền não quyết định thật sự vào nhất thiết trí, nói lời chân thật làm cho hữu tình nương vào lời nói để thực hành lìa các sự ngu tối mà nghĩ đến phương tiện của Phật, ưa thích nghe tất cả nghĩa thanh tịnh sâu xa, thọ trì các pháp, mau chóng chứng đắc chánh trí vô thượng.

Lúc ấy, ở trước Phật, tôn giả Hộ Quốc nói kệ:

Bồ-tát thực hành hạnh quyết định
Hạnh ấy ắt có pháp chơn thật
Pháp chơn thật từ biển Trí sanh
Như Lai tối thượng vì con nói
Thân Phật sáng rỡ tướng vàng ròng
Khối phước lớn vô biên tối thượng
Cứu độ chúng sanh trong sáu nẻo
Nói hạnh trong sạch của Bồ-tát
Sao được trí Đại giác vô tận
Cam lồ tổng trì sanh giác ngộ
Sao được biển trí tuệ thanh tịnh
Tuệ ấy đoạn nghi cho chúng sanh
Khổ luân hồi trong vô số kiếp
Chúng sanh mê đắm không nhàm chán
Thấy họ si mê bị khổ não
Vì họ nói cách tu thập thiện
Cõi nước thanh tịnh chúng hội đông
Cõi báu vô biên sống rất lâu
Thường vì chúng giảng lời vi diệu
Xin nói Bồ đề hạnh thanh tịnh
Hàng phục ma tà sanh chánh kiến
Sông ái khô cạn chứng giải thoát
Pháp nhãn thanh tịnh chiếu ngu tối
Làm cho hữu tình hành thượng hạnh
Giàu sang đẹp đẽ biện tài giỏi
Nói lời hòa nhã nghe hoan hỷ
Như Cam lồ thấm nhuần thế gian
Xin nói pháp thậm thâm vi diệu
Phạm âm vi diệu trừ các ác
Âm thanh hòa nhã như Tần già
Chúng cần nghe pháp đã nhóm họp
Xin nói Cam lồ cứu quần sanh
Người có căn Bồ đề tối thượng
Hay tánh Thanh văn hoặc Duyên giác
Tùy cơ xin Phật phương tiện nói
Gặp đúng lúc Thầy ban chánh pháp
Nay con thích nghe thừa tối thượng
Chỉ Phật biết rõ tánh giác con
Không thích mong cầu pháp tiểu thừa
Xin nói pháp Như Lai bậc nhất.

Khi tôn giả Hộ Quốc nói kệ xong, Phật bảo:

- Lành thay, lành thay! Ông có thể hỏi Như Lai nghĩa tối thượng, làm cho nhiều người được lợi ích an lạc, nhiếp thọ các đại Bồ-tát ở đời vị lai. Vậy ông hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ, ta sẽ nói cho ông.

Tôn giả Hộ Quốc bạch Phật:

- Hay thay, hay thay! Nay con lắng nghe. Xin Ngài nói cho!

Khi ấy, Thế Tôn bảo giả Hộ Quốc:

- Có bốn pháp hoàn toàn thanh tịnh thì gọi đó là đại Bồ-tát. Bốn pháp đó là gì?

Một- Là trong, hai- Là ngoài, ba- Là tâm, bốn- Là ý.

Bốn pháp như thế xứng với lý chân thật. Thấy các chúng sanh tâm họ bình đẳng như hư không, không có sự phân biệt, theo lời nói mà làm, đó là bốn pháp đạt được thanh tịnh của đạo Bồ-tát.

Bấy giờ, đức Thế Tôn nói kệ:

Trong ngoài tâm, ý thường thanh tịnh
Tâm chánh đạo bất thối Bồ đề
Thực hành điều thiện không vô ích
Được trí vô biên của Bồ-tát
Quán sát chúng sanh khổ, vô ngã
Sanh, già, bệnh, chết đến bức bách
Như vậy trong biển lớn ba cõi
Rộng dùng thuyền pháp cứu các loài
Thấy các chúng sanh tâm bình đẳng
Quán thế gian kia như con một
Nguyện cho tất cả đều giải thoát
Đều hướng Bồ đề tâm bất thối
Thường nói nghĩa không nương hạnh không
Cũng không nhân, ngã, không chúng sanh
Ví như mộng huyễn đều không thật
Làm cho người ngu sanh trí tuệ
Như Đại giác trí đã giảng nói
Nương trí thi hành làm các việc
Điều phục tội lỗi tâm vắng lặng
Là Phật tử cầu chứng Bồ đề.

Thế Tôn nói kệ rồi, bảo tôn giả Hộ Quốc:

- Lại có bốn pháp làm cho tâm các Bồ-tát an ổn. Bốn pháp đó là gì?

1. Là đối với pháp môn tổng trì mong muốn tu học.

2. Thường gần bạn lành, oai nghi không khiếm khuyết.

3. Cần chứng vô-sanh-pháp-nhẫn sâu xa.

4. Là chuyên cần tu hành giữ giới thanh tịnh.

Bốn pháp như thế làm cho tâm Bồ-tát an ổn tiến tu không lùi. Phật lại nói kệ:

Nếu người ái kính pháp tổng trì
Danh tiếng đồn xa người qui tụ
Trì pháp môn nhiệm mầu vô thượng
Tất cả Như Lai đồng nói đến
Trí tuệ thêm sáng không quên mất
Như vậy chóng được trí vô ngại
Thông đạt tất cả pháp tối thượng
Thành tựu môn giải thoát vô vi
Chứng Bồ đề đều nhờ bạn lành
Phát triển bảy giác hay tu đoạn
Tăng trưởng tám chánh làm việc Phật
Xa lìa bạn ác như sợ lửa
Nghe pháp sâu xa chứng vô sanh
Hiểu rõ các pháp rốt ráo không
Không ngã, không nhơn, không chúng sanh
Như vậy mong lìa tất cả kiến
Luật nghi là gốc sanh các thiện
Kiên trì giữ gìn lìa hủy phạm
Hành được thanh tịnh tâm vắng lặng
Phật thương chúng sanh nên giảng nói.

Thế Tôn nói kệ rồi bảo tôn giả Hộ Quốc:

- Lại có bốn pháp làm cho các Bồ-tát ở trong luân hồi tâm vui thích. Bốn pháp đó là gì?

1- Là khiến cho các Bồ-tát vui thích gặp Phật.

2- Là khiến cho các Bồ-tát vui thích nói pháp.

3- Là khiến cho các Bồ-tát vui thích xả bỏ tất cả sở hữu.

4- Là khiến cho các Bồ-tát thọ nhận pháp vô tướng sâu xa.

Bốn pháp như vậy làm cho các Bồ-tát ở trong luân hồi sanh vui thích sâu xa. Phật lại nói kệ:

Bồ-tát được thấy Lưỡng túc tôn
Trong tất cả đời hành chánh hạnh
Hay khéo điều phục các thế gian
Hào quang chiếu khắp trừ ngu tối
Như vậy cúng dường Nhơn trung tôn
Ưa thích sâu xa thường tôn trọng
Cứu độ tất cả các chúng sanh
Khiến nhập đạo Bồ đề vô thượng
Nếu nghe các Phật giảng nói pháp
Thân tâm vắng lặng sanh vui thích
Như vậy tâm kiên cố không lùi
Hành theo mau chứng Bồ đề Phật
Hay bỏ tất cả tâm không tiếc
Thấy người đến xin tâm vui vẻ
Nước, thành, vợ con và thân mạng
Ban cho chúng sanh tạo nhân Phật
Nếu nghe pháp thậm thâm vô tướng
Tánh lìa phân biệt xưa nay không
Không ngã, không nhơn, không chúng sanh
Như vậy, ưa thích những việc ấy.

Khi ấy, Thế Tôn nói kệ rồi, bảo tôn giả Hộ Quốc:

- Lại có bốn pháp Bồ-tát không được ưa thích. Bốn pháp đó là gì?

1. Là không được ưa thích người tại gia.

2. Là đã xuất gia rồi không được ưa thích lợi dưỡng.

3. Là không được ưa thích sanh trong giòng họ cao quý.

4. Là không được ưa thích hàng tiểu thừa.

Bốn pháp như vậy các Bồ-tát không được ưa thích. Lại nói tụng;

Tại gia tội lỗi nhiều vô biên
Xa lìa khiến tâm không vướng mắc
Thường vui sơn dã tịch các căn
Dũng mãnh siêng tu đức đại trí
Độc hành thanh tịnh như kiếm bén
Chặt đứt ngu si các cấu nhiễm
Đối với mọi thứ lợi dưỡng lớn
Thường ưa xa lìa không đắm trước
Xả bỏ cao quý dòng tộc sang
Quán như huyễn hóa như bóng nắng...
Vì khắp quần sanh hành bố thí
Trì giới, nhẫn nhục... và các hạnh
Không tiếc thân mạng và quyến thuộc
Chí cầu chánh giác đến bờ kia
Không đắm trước vào pháp tiểu thừa
Đối pháp thượng thừa tâm hằng vững
Cho đến thân thể bị cắt xẻo
Tâm kia không hoại, như kim cang.

Khi ấy, Thế Tôn nói kệ rồi bảo tôn giả Hộ Quốc:

- Lại có bốn pháp đối với các Bồ-tát có sự tổn hại. Bốn pháp đó là gì?

1- Là phá giới, phạm luật.

2- Là không ở nơi sơn dã để hướng đến thanh tịnh.

3- Là không nương giáo lý bốn thừa, tìm cầu tà vạy.

4- Là tuy thích đa văn nhưng hoàn toàn chẳng được gì.

Bốn pháp như thế đối với các Bồ-tát có sự tổn hại. Lại nói tụng:

Giới tướng thanh tịnh như ma-ni
Hay dắt chúng sanh đến bờ giác
Bồ-tát phá giới luật nghi này
Đắm chìm không thành Vô thượng giác
Ở chốn sơn dã nơi vắng lặng
Phân biệt nhơn, ngã tự nhiên trừ
Quyến thuộc nam, nữ và thân ta
Quán như cỏ cây không yêu thích
Giáo lý bốn thừa không hư dối
Nhất tâm thanh tịnh phụng hành theo
Chắc chắn đầy đủ các công đức
Thành tựu trí Phật đại trượng phu
Quán các hữu tình trong luân hồi
Thường ở sanh tử khổ, sầu bi
Luôn dùng thuyền pháp tối thượng diệu
Đưa hữu tình kia khỏi biển khổ
Nếu không cứu độ chúng sanh ấy
Mê đắm, trầm luân không lúc dừng
Vì thế tiểu thừa chẳng rốt ráo
Nên vì chúng sanh phát Bồ đề.

Khi ấy, Thế Tôn nói kệ rồi bảo tôn giả Hộ Quốc:

- Lại có bốn pháp đối với các Bồ-tát nên hiểu rõ để tu tập. Bốn pháp đó là gì?

1- Là phát sanh tâm bình đẳng của chư Phật để cầu Thiện Thệ.

2- Là phụng sự pháp sư tôn trọng cúng dường ngọa cụ... mà không chấp trước.

3- Là không ham lợi dưỡng cũng không mong cầu.

4- Là đối với pháp nhẫn sâu xa thành tựu đầy đủ.

Bốn pháp như thế Bồ-tát nên hiểu rõ tu tập. Lại nói kệ:

Có bậc Thiện Thệ đại trượng phu
Thiên thượng nhơn gian không ai bằng
Bình đẳng dẫn đường các quần sanh
Tu tập hành thập thiện như vậy
Tôn trọng cung phụng vị pháp sư
Nương thầy giáo thọ mà tu học
Hết lòng cúng dường cầu trí Phật
Vô biên chư Phật từ đây sanh
Thường ở núi sâu không sợ hãi
Đối với lợi dưỡng không ham thích
Khéo hay thành tựu trí vô ngại
Thông đạt pháp sâu lìa các trần
Nghe công đức Phật càng hoan hỷ
Hành pháp như vậy tu kiên cố
Chứng vô sanh nhẫn tịch tịnh kia
Rộng độ vô lượng khổ chúng sanh.

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ rồi, bảo tôn giả Hộ Quốc:

- Lại có bốn pháp để hành pháp thanh tịnh đối với các Bồ-tát. Bốn pháp đó là gì?

1- Là thân tâm quyết định chí cầu Bồ đề để hành pháp thanh tịnh.

2- Là lìa các hư vọng, ưa ở núi sâu để hành pháp thanh tịnh.

3- Là xả bỏ tất cả không cầu quả báo để hành pháp thanh tịnh.

4- Là thường theo pháp sư, ngày đêm cầu pháp để hành pháp thanh tịnh.

Bốn pháp như thế, các Bồ-tát theo đó hành pháp thanh tịnh. Lại nói kệ:

Tâm bẩn tham, sân, si đều dứt
Biếng nhác hư vọng cũng lại không
Tất cả tội lỗi khiến không sanh
Quyết định cầu chứng đạo Bồ đề
Chán lìa nhà cửa đoạn gốc lo
Xả bỏ trần tục cầu xuất gia
Chẳng nên gặp gỡ bằng hữu xấu
Sống ở núi sâu hướng giải thoát
Ở trong núi kia tu tịnh hạnh
Thân mạng tài vật không đắm trước
Tự tại vô úy như sư tử
Thấy loài hữu tình sanh hoan hỷ
Như chim nhóm họp rồi ly tán
Quán thế gian này chẳng bền chắc
Như vậy cầu đạo đại Bồ đề
Thân tâm thanh tịnh như hư không
Xả bỏ tất cả không kinh sợ
Đối với lợi dưỡng không đắm trước
Như nai kinh sợ không đứng vững
Thế gian luôn ở nguy hiểm lớn
Khó phát thân tâm cầu giải thóat
Thấy đây hư vọng không chơn thật
Vì thế ta hành hạnh tịch tịnh
Dùng lời hòa nhã dạy quần sanh
Oán thân bình đẳng không phân biệt
Không trước, không trụ cũng như gió
Là cầu Bồ-tát hạnh tối thượng
Vô tướng, giải thoát, không, vô nguyện
Hiểu rõ hữu vi như huyễn hóa
Thường hành thanh tịnh tâm quảng đại
Uống vị Cam lồ thường hoan hỷ
Chí cầu đạo pháp nương thầy học
Người ấy năm uẩn thường thanh tịnh
Các khổ bức bách không mệt mỏi
Như thế chứng nhập môn tổng trì
Hiểu rõ việc tu Bồ-tát hạnh
Thành tựu sở cầu khiến người vui
Nếu đối Bồ đề không mong cầu
Kẻ ấy thiếu trí trăm đời mất.

Lúc ấy, Thế Tôn nói kệ rồi, bảo tôn giả Hộ Quốc:

- Lại có bốn pháp đối với các Bồ-tát là pháp nạn. Bốn pháp đó là gì?

1- Là tâm không tôn trọng, nhiều hành động khinh mạn.

2- Là tâm không hiếu hạnh, biếng nhác chống đối.

3- Là tâm ham lợi dưỡng, ít tri túc.

4- Là tâm ưa hư vọng, cầu tài lợi.

Bốn pháp như thế là pháp nạn của Bồ-tát. Lại nói kệ:

Phật pháp bổn sư và cha mẹ
Không tin kính trọng, nhiều khinh mạn
Không hành hiếu kính, tâm biếng nhác
Thường bị ngu si làm tán loạn
Tâm tham chỉ nghiêng về lợi dưỡng
Lại hành hư vọng vì tà lợi
Khen đức nghiệp mình chê người khác
Ta giữ gìn giới và tu hành
Đôi bên tranh đấu không lòng thương
Che dấu lỗi mình nhìn lỗi người
Lại làm nghề nông và kinh doanh
Sa môn như vậy không công đức
Thời mạt pháp lòng người tán loạn
Đấu tranh hại nhau tâm tật đố
Sa môn ngầm diệt pháp Như Lai
Các thiện Bí sô đều xa lìa
Bồ đề diệu đạo mãi không gặp
Năm nẻo luân hồi không cùng tận.

Khi ấy Thế Tôn nói kệ rồi, bảo tôn giả Hộ Quốc:

- Lại có bốn pháp các Bồ-tát cần phải xa lìa. Bốn pháp đó là gì?

1- Là biếng nhác.

2- Là bất tín.

3- Là tật đố.

4- Là ghét người khác.

Bốn pháp như thế cần phải xa lìa. Lại nói kệ:

Biếng nhác không tin tâm mê muội
Tâm ôm tật đố thường sân nhuế
Thấy có sa môn hành nhẫn nhục
Liền đuổi họ ra khỏi già lam
Với người sang hèn ở thế gian
Đều không phân biệt việc thiện ác
Chuyên môn chỉ theo việc phải trái
Như vậy tội lỗi đều do sân
Xa lìa Phật pháp các công đức
Rơi vào nẻo ác hầm lửa lớn
Hạnh ác thú đã hành như vậy
Không nương giáo pháp chuốc khổ kia
Vì thế thường hành đạo Bồ đề
Không cho chìm đắm, sanh nẻo ác
Đại kim tiên lợi ích hữu tình
Trải nhiều ức kiếp mới xuất thế
Nay mới được gặp bậc Mâu-ni
Chóng bỏ các lỗi cầu giải thoát.

Khi ấy, Thế Tôn nói kệ này rồi, bảo tôn giả Hộ Quốc:

- Lại có bốn pháp đối với các Bồ-tát không nên hành. Bốn pháp đó là gì?

1- Là không nên theo bạn ác.

2- Là không nên theo người có kiến chấp.

3- Là không nên theo người bỏ tất cả thiện pháp.

4- Là không nên theo người mê đắm tài lợi.

Bốn pháp Bố-đặc-già-la như thế không nên theo. Lại nói kệ:

Nếu người xa lìa các bạn ác
Thường được bạn lành đến thân cận
Như đêm, trăng tròn hiện không trung
Trừ tối, sáng rỡ đạo Bồ đề
Phàm có hiểu biết thường không dứt
Với thân mạng mình luôn nuôi dưỡng
Như vậy độc khí có thể lìa
Người ấy thành đại trí tuệ Phật
Nếu bỏ pháp vi diệu tối thượng
Không thích vắng lặng vị Cam lồ
Như vậy gọi là đồ bất tịnh
Xa lìa cầu chứng đại Bồ đề
Tham cầu tài lợi và y bát
Cùng người tại gia làm kinh doanh
Như vậy xa lìa hố lửa này
Có thể thành tựu đạo tối thượng
Thường ưa hàng phục các ma oán
Thường chuyển pháp luân độ các loài
Như vậy rộng làm lợi ích lớn
Thường gặp bạn lành được Bồ đề
Thân sơ khen chê thường bình đẳng
Lợi dưỡng tật đố cũng như vậy
Như thế trí các Phật vô thượng
Người ấy không lâu ắt thành tựu.

Lúc ấy, Thế Tôn nói kệ rồi, bảo tôn giả Hộ Quốc:

- lại có bốn pháp đối với các Bồ-tát là pháp khổ báo. Bốn pháp đó là gì?

1- Là khinh mạn giáo pháp.

2- Là chấp trước ngã nhơn.

3- Là tâm không tin hiểu.

4- Là đối với cảnh bất tịnh ghi nhớ trọn vẹn.

Bốn pháp như thế là pháp khổ báo của Bồ-tát. Lại nói kệ:

Nếu có thọ trì pháp vi diệu
Mới có thể nhận thế gian cúng
Kẻ khinh mạn không có trí lớn
Sẽ nhận vô biên các khổ ác
Với Phật bổn sư và cha mẹ
Thường ôm nhơn ngã không cung kính
Phước lớn như vậy tâm không cầu
Sẽ đọa chỗ bất tịnh vô tri
Tam bảo tối cao ruộng phước lành
Mà không tin hiểu và qui kính
Dùng hư dối mê hoặc thế gian
Như thế sẽ mắc tội khổ ác
Người nữ tức là cửa ngã ác
Trôi dạt sanh tử không cùng tận
Người ngu vô trí tạo nghiệp ấy
Mãi đắm địa ngục và súc sanh
Nếu người tôn trọng hướng về Phật
Hay diệt các khổ được vô úy
Lại đóng tất cả cửa ác thú
Dẫn lối chúng sanh đắc Phật đạo.

Hết quyển I

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]