Hư hư lục
Phần 11
Nguồn: Thích Nữ Như Thủy
Người Vợ Góa
Trang Tử là một nhà hiền triết của Trung Hoa. Hôm nọ, đi chơi núi, ông gặp một thiếu phụ mặc tang phục ngồi quạt cho ngôi mộ mới đắp, còn ướt đất. Hỏi duyên cớ vì sao thì cô nàng đáp là người chồng cô mới mất. Trước khi chết, anh chồng có ra điều kiện là nếu nàng muốn tái giá, hãy đợi cho mộ chồng khô đã. Chồng nàng chết chưa được bao lâu, thì thiếu phụ có người đến dạm hỏi. Người vợ sợ chờ lâu mất dịp may nên nàng phải hàng ngày ra mộ quạt cho chóng khô.
Trang Tử về nhà, kể lại sự việc cho bà vợ ông nghe. Bà vợ cất tiếng thóa mạ thiếu phụ quạt mồ. Trang Tử cười, khen người thiếu phụ là thành thật và cho là bà vợ mình chưa chắc đã có đủ kiên nhẫn đợi chờ như nàng ta. Bà Trang Tử nghe nói, giận dữ và thề thốt đủ thứ chuyện.
Ðể thử lòng vợ, Trang Tử giả bộ chết và ngầm báo với một số học sinh thân tín thử lòng vợ mình.
Thoạt đầu thấy chồng chết, bà Trang khóc kể thảm thiết, vật vã đòi chết theo. Ðến khi thấy cậu học trò đến, vừa trẻ tuổi, vừa đẹp trai lại nịnh đầm rất mực, bà liền nín khóc.
Chàng trai giả vờ đau bụng, kêu la dữ dội, đòi phải có óc người hòa thuốc uống mới khỏi. Bà Trang liền cầm vồ định đập đầu người quá cố để lấy thuốc. Trang Tử liền nhỏm dậy, ngâm ê a:
Lạ thay cho gái quạt mồ
Giận thay cho gái lấy vồ đập xăng.
Em thân mến!
Câu chuyện trên đây, thực hư ra sao chúng ta chưa thể quyết đoán được. Nhưng có lẽ... chuyện chỉ có thực trong thời sơ khai khi con người chưa đủ khôn ngoan để che giấu những tham vọng của mình dưới những danh từ kêu rổn rảng như ngày nay, lúc mà con người chỉ biết tham lợi, tham tài, tham sắc... nhưng còn ít háo danh nên hai bà vợ trong chuyện đều bày tỏ lòng mình một cách thật thà, công khai, chưa biết cách che giấu theo kiểu "vừa ăn cướp vừa la làng" như hậu duệ của họ: bọn chúng ta ngày nay vậy.
Ðiều khá thú vị của câu chuyện là thái độ bà Trang Tử, khi nghe kể chuyện người góa phụ quạt mồ, bà giận dữ chê trách. Thái độ của bà hoàn toàn chân thật: bà còn chồng, còn sự bám víu, núp bóng vào đấng phu quân mà bà hết lòng yêu mến… nên bà chưa ngờ cũng như chưa lường trước cái giây phút bơ vơ, cô quả, hụt hẫng, ở một mình trên cõi đời với cái thây ma lạnh lẽo. Ðến lúc chồng chết, bà gào khóc thảm thiết, vẫn là những giọt lệ chân thành rất mực. Nhưng, than ôi! Khóc người chết chỉ là khóc cái lồng tre lạnh lẽo vô tình mà cánh chim đã để lại sau khi tung cánh. Chim bay không trở lại, người khóc trơ trọi với cái xác vô hồn… những giọt lệ xót thương phải dành cho người ở lại. Trong lúc bơ vơ, hoảng hốt vì phải đối mặt với cái vô thường, cái khoảng không hụt hẫng của thần chết cũng là lúc bà cần một sự nương tựa bám víu hơn bao giờ hết. Anh học trò chính là cái phao cấp cứu đó. Ðến lúc này, bà Trang mới thấu hiểu rõ hành động, tâm trạng của người góa phụ quạt mồ… Và bà đã cầm vồ định đập xăng lấy óc người chồng quá cố cho người chồng tương lai xài… hệt như người ta đập bức tường cũ lấy gạch xây bức tường mới vậy.
Em thân mến!
Mỗi khi chúng ta bực tức, giận hờn, muốn cất tiếng thóa mạ hay chỉ trích một hành động xấu của bè bạn, chúng ta đều có một cảm nhận thật thích thú: ta đứng trên người đó một bực hẳn hòi, sao mà họ đê tiện xấu xa, có thể hành động như thế, trong khi ta chưa hề, không bao giờ có thể tưởng tượng được. Càng kể xấu họ bao nhiêu, ta càng thấy nhân cách mình sáng ngời rực rỡ bấy nhiêu. Ta giống bà Trang Tử ở chỗ này rồi nhé!
Nhưng cuộc đời vô thường, mai kia mốt nọ ta lại lâm vào một hoàn cảnh y hệt như người mà ta kết tội, phỉ nhổ… thì… như các thiền sư đã nói: "Như nhau dọc mũi ngang mày." Nếu chưa khám phá ra mình là ai, vẫn còn đèo queo theo nhiều thức lo sợ: sợ già, sợ bệnh, sợ chết, sợ xấu, sợ bơ vơ, sợ trơ trọi có một mình… và nhất là sợ phải đối mặt với cái hư vô, cái khoảng không vĩnh viễn của chính mình… Còn tất cả những mối lo sợ ấy, chúng ta còn cần phải bám víu, nương tựa, núp bóng… thì ngay lúc ấy, chúng ta lại giống bà Trang lần thứ hai.
Lục Tổ có khuyên chúng ta như thế này:
Nhược chân tu đạo nhân
Bất kiến thế gian quá.
Dịch:
Nếu người thật tu đạo
Không thấy lỗi thế gian.
Không thấy không phải là không nom thấy, trông thấy… Có mắt thìa phải thấy chớ! Nhưng không kết án, hằn học, nói hoài nói mãi… Kìa! Nhưng, thấy mà không nói, không bàn thì tức không chịu được. Chúng ta chỉ thấy mà không nói, không bàn, gạt qua một bên… khi đó là lỗi của chính mình. Khi bà Trang đặt mình vào hoàn cảnh của người góa phụ, bà sẽ chỉ thở dài chớ không thóa mạ. Cũng thế, khi chúng ta thấu rõ sự vô thường, nhạy bén, lắt léo của tâm thức mình, thấu đáo sự bất lực, vô trật tự, mất tự chủ của chính mình đối với cái "hư ảo phù tâm"… thì ta có thể thông cảm được những giọt lệ, nụ cười, tiếng nói, niềm vui, nỗi buồn cũng như sự cay độc, mai mỉa, chua chát, tỵ hiềm của người chung quanh.
Ðó cũng chính là bước đầu tiên của người học đạo vào cửa thiền vậy.
Mẹ Thầy Tăng
Thầy Tăng Tử là một hiền nhân, học trò của đức Khổng Tử. Một hôm, thầy vào rừng kiếm củi, bà mẹ ở nhà dệt cửi. Có người đến nhà bảo:
- Tăng Tử giết người rồi.
Bà mẹ điềm nhiên dệt cửi vì bà rất rõ con mình.
Lát sau, lại có người đến báo tin dữ. Bà mẹ vẫn ngồi dệt cửi, lòng không lay động. Ðến lúc nhận được tin lần thứ ba, bà quăng thoi, hớt hải đi tìm con… và khám phá ra kẻ sát nhân chỉ trùng tên với con mình.
Em thân mến!
Ðây có thể là một bằng chứng của sự kiện "lòng tin chưa đủ" vậy. Bà mẹ của thầy Tăng đã có lý khi quăng thoi đi tìm con, vì Tăng Tử không phải là bà. Còn chúng ta, nếu còn hướng ngoại đi tìm cầu sự giác ngộ bên ngoài mình, các thiền sư cùng Phật tổ cũng sắp chúng ta vào hạng niềm tin chưa đủ vậy. Trong nhà Phật, danh từ ngoại đạo không phải dành để chỉ cho hạng người không thờ Phật, không thực hành theo các nghi thức Phật giáo mà chính là chỉ cho hạng "ngoài tâm cầu Phật" hạng người đi tìm sự giác ngộ bên ngoài mình. Cứ theo các định nghĩa này thì bọn chúng ta thành ngoại đạo hết trơn hết trọi rồi còn gì!
Thị Kính
Thị Kính là một thiếu nữ con nhà khuê các, công dung ngôn hạnh đều đầy đủ, được cha mẹ gả cho Thiện Sĩ, một chàng trai phong nhã, thuộc hàng hộ đối môn đăng.
Nhân một việc hiểu lầm, Thị Kính bị chồng từ hôn và gởi trả về nhà cha mẹ. Chán chê cho cái phận nữ nhi trong thời phong kiến, Thị Kính bèn giả dạng tu mi, xuất gia tại một ngôi chùa quê, quyết đoạn tuyệt với cái thế gian đa sự.
Nào ngờ, dung mạo dễ coi của chú tiểu giả trai này lọt vào mắt xanh của nàng Thị Mầu. Bên vô tình bên hữu ý… nhưng rốt cuộc, Thị Mầu cũng đổ cho chú tiểu tội dụ dỗ mình và bắt nuôi đứa bé không cha.
Mọi việc chỉ rõ ràng khi chú tiểu lìa đời. Ðó là đại ý câu chuyện của nàng Thị Kính, một thiếu nữ Cao Ly mà người ta cho rằng hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm.
Em thân mến!
Câu chuyện của nàng Thị Kính đã được các văn nhân, thi sĩ cùng các nhà viết tuồng, kịch chèo… khai thác khá nhiều nên tôi không cần kể lể dài dòng. Tôi chỉ muốn bổ túc thêm những gì mà người ta chưa đề cập đến (theo kiểu điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa ấy mà).
Chúng ta đã hiện diện trên cõi đời này thì phải thuộc vào một trong hai phái thật rõ ràng nam hay nữ.
Sau khi phân loại về giới tính, chúng ta còn phải trải qua một loạt phân loại nữa: đẹp hay xấu, giàu hay nghèo, khôn hay ngu, giỏi hay dở, may hay rủi v.v…
Lẽ dĩ nhiên là ai cũng ao ước được như bà Thị Kính: đẹp đẽ, giàu sang, may mắn… kiếm được một tấm chồng ưng ý… thì đùng một cái "bừng con mắt dậy thấy mình tay không." Sự mất mát quá to lớn khiến bà chịu không nổi và không thể nào nguôi ngoai được. Như một con chim bị đạn, bà né luôn những cành cây cong. Bà đổi giới tính từ nữ ra nam, đổi nếp sống giàu sang thành cơ cực, đổi sự đa đoan của thế tục bằng nếp sống của nhà tu… thì lại gặp ả Thị Mầu. Lần này thì vô phương thoái thác và trốn tránh, bà đành ẩn nhẫn nuôi đứa trẻ bơ vơ… không giận hờn hay oán trách gì hết. Ðến lúc ấy, thế nhân mới thỏa thuận và tôn bà là Bồ Tát, là Phật Bà Quan Âm… là hóa thân chẳng hạn…
Em thân mến!
Ngày hôm qua tôi về thăm thành phố trên một chiếc xe ca. Suốt ba giờ ngồi bó rọ trên xe, tôi và người chung quanh đã bị hành hạ không ít vì một chú bé gần ba tuổi. Chú bé này không chấp nhận nổi sự bình lặng ù lì của một chiếc xe đang chạy giữa cơn mưa với các hành khách ngồi ngủ gà ngủ gật, nên sau khi ăn quà và nghịch chán chê với cái lưng ghế, chú ta nhất định đòi xuống xe cho bằng được. Chú ta hét, gào khóc vật mình vật mẩy, hành thân hoại thể chú, làm điêu đứng bà mẹ và điếc tai người chung quanh chỉ vì một ý định không tài nào thực hiện được.
Em thân mến!
Chúng ta có giống chú bé con trên không nhỉ? Chúng ta ước ao hạnh phúc nhưng không chấp nhận nổi cái hạnh phúc bình thường, tẻ nhạt đều đều của một nếp sống quân bình: ăn, uống, ngủ, nghĩ, đi làm, bệnh, già rồi chết. Chúng ta luôn luôn đòi hỏi, vòi vĩnh cái bất khả, hệt như thằng cu con trên chuyến xe vậy. Ta phải là người đẹp nhất, khỏe nhất, sang nhất, được chìu chuộng nhất… ta phải trẻ mãi không già, đẹp hoài không xấu, sống nhăn… không bao giờ chết. Chúng ta không chịu nổi sự biến dịch vô thường nhưng cũng không chịu nổi cái vĩnh hằng, bất biến. Không được thì buồn, mà được thì cũng buồn cũng chán. Buông cái này chụp cái kia, phải thay đổi sở thích hoài hoài là trò chơi của con trẻ, gặp sự bất như ý thì khóc la gấu ó và làm phiền người chung quanh bằng các lời cằn nhằn cửi nhửi của mình… Ðó là hành động của chú bé con trên chuyến xe ca, của nàng Thị Kính khi bị từ hôn và của toàn thể nhân loại đang tu hành trong thế gian này vậy.
Khi chú tiểu Kỉnh Tâm bằng lòng ra tam quan ở, bằng lòng nuôi đứa trẻ, cho nó gọi mình bằng cha, ẵm nó vào xóm làng nhận tất cả những lời mắng nhiếc mỉa mai, để xin sữa cho nó bú… thì chú tiểu đã có thái độ của một người lớn đi xe. Không phải chuyện khi không mà chúng ta hiện diện trên cõi đời này. Phải chen lấn, xếp hàng, giành giựt, trả tiến, năn nỉ… mới chiếm được một ghế. Tưởng là vui lắm ai dè buồn hiu. Sau một hồi khóc lóc vật vã và khóc kể đòi xuống không được đành phải chấp nhận đi đến đích cuối cùng là bến đỗ.
Khóc la, phản đối, làm ầm ĩ lên, hành hạ mình và người chung quanh là hành động của đứa bé con, của hàng phàm phu tục tử, chấp nhận thực tại, không làm khổ mình và người bằng những đòi hỏi viễn vông bất khả, tự tại và tự do khi đến và đi, lên và xuống là thái độ của một hành khách người lớn, đã tự lập, không còn nương tựa, bám víu vào ai… Ðó cũng chính là thái độ của một vị Bồ Tát, một con người giác ngộ… Vẫn ăn ngủ hít thở trên đời như bao nhiêu người khác, vẫn sinh già bệnh chết hệt thường nhân. Có khác chăng là Bồ Tát chấp nhận thế giới hiện thực với một nụ cười thay cho lời than thở, gây gỗ… và nhất là không làm phiền người khác bằng những ước vọng điên cuồng, ích kỷ, bất khả thực hiện của cá nhân mình… Vì các ngài không còn mong ước. "Vô sở cầu hạnh" là một trong những lối để vào cửa thiền thất là thế!
Không Chịu Nói Dối
Thiền sư Ðạo Giai (1043-1118) thuộc đời Tống, là đệ tử của thiền sư Nghĩa Thanh núi Ðều Tử. Thời học đạo, sư trông coi công việc của nhà trù. Thiền sư Ðều Tử hỏi sư:
- Công việc trong nhà trù không phải là chuyện dễ.
Sư thưa:
- Chẳng dám.
- Ông thổi cơm hay nấu cháo?
- Thưa, nhơn công đãi gạo nhúm lửa, trị nhật nấu cháo thổi cơm…
- Còn ông làm gì?
- Thưa, nhờ ơn hòa thượng từ bi, con được rảnh rang.
Ðến lúc xuất sư, sư được thỉnh trụ trì ở Thiên Ninh, đạo hạnh cao vút, tiếng đồn đến tai vua. Tống Huy Tông sắc ban cho sư cà sa màu tía và hiệu là thiền sư Ðịnh Chiếu. Sư tạ ơn, dâng thơ từ chối, rằng: "Cúi mong thánh thượng từ ân chú tâm làm lành, nêu cao đức tốt… thần đã lỡ phát nguyện chẳng thọ danh lợi nên chẳng dám nhận quà. Chỉ nguyện trọn đời hành đạo để đền đáp thiên ân."
Nhà vua cho sứ đến khuyên sư nhiều lần nhưng sư vẫn một mực từ chối. Vua nổi cáu, ra lệnh giao sư cho quan Hữu Ty tra khảo.
Quan Hữu Ty vời sư đến bảo:
- Hòa thượng thân gầy ốm quá, có bệnh gì không?
Sư bảo:
- Thường ngày cũng có bệnh nhưng hiện nay thì không?
- Theo phép nước, người bệnh không phải chịu hình phạt. Hòa thượng mắc bệnh gì?
- Thưa, tôi hiện giờ thật tình không có bệnh.
Quan Hữu Ty đành buồn rầu ra lệnh phạt. Sư điềm nhiên thọ nhận. Sau đó, sư bị lệnh đi đày, mặc áo tù đến Tri Châu. Một năm sau mới được tha.
Sau khi được phóng thích, sư cất am nơi hồ Phù Dung. Sống kham khổ nhưng lúc nào cũng có hằng trăm tăng chúng quanh vây.
Sư không phó trai cũng không giao thiệp với công danh quyền quý. Ðời sống của chúng tăng chỉ trông cậy vào số hoa màu tự trồng tỉa lấy. Sư ra lệnh chia đều lương thực ra thành 360 phần, dùng cho mỗi ngày trong một năm. Có khách đến bất thường chỉ được thêm nước chứ không thêm gạo. Tăng chúng cùng sư ăn cháo hay nước cháo là việc thường, vậy mà học phong của sư cao vút môn đồ ăn đứt mọi nơi.
Sư còn để lại cho chúng ta một bài kệ tiếp khách như thế này:
Sơn đồng thoát lật phạn
Ðã thái đạm hoàng tê
Khiết tất tòng quân khiết
Bất khiết nhật đông tê.
Tạm dịch:
Ruộng núi cơm hạt dẻ
Dưa lạt với rau đồng
Có ăn thì ngồi xuống
Không ăn rảo tây đông
(Dĩa dưa muối tộ rau đồng
Bát cơm hạt dẻ mời ông qua ngày
Có ăn thì ngồi xuống đây
Không ăn xin thỉnh sư thầy đi cho).
Năm 76 tuổi, ngày 14 tháng 5 (1118), sư đòi bút mực viết một bài kệ:
Ngã niên thất thập lục
Thế duyên kim dĩ túc
Sanh bất ái thiên đường
Tử, bất, phạ địa ngục
Tán thủ hoàng thân tam giới ngoại
Ðằng đằng nhận vận hà câu thúc.
Nghĩa:
Tuổi ta 76
Duyên đời thôi đã đủ
Sống chẳng ưa thiên đàng
Chết đâu ngán địa ngục
Thõng tay đi ngang ngoài ba cõi
Mặc tình vươn bổng buộc ràng chi.
Viết xong sư quăng bút thị tịch.
Em thân mến!
Cả một cuộc đời siêu thoát đầy hào khí của thiền sư Ðạo Giai chỉ còn lưu lại trong sử sách qua dăm ba câu chuyện nhỏ, nhỏ nhưng vô cùng quý giá cho hàng hậu duệ láu nháu cỡ chúng ta.
Ðiều khá thú vị trong câu chuyện trên là câu trả lời của ngài với hòa thượng khi được hỏi về công việc bề bộn của trù phòng:
- Nhân công nhóm lửa, đãi gạo, trị nhật thổi cơm nấu cháo, riêng phần con thì nhờ hòa thượng từ bi cho phép được rảnh rang vô sự.
Ấy chớ! Chúng ta chớ hiểu lầm rằng ngài ngài ngồi bắt chân chữ ngũ chỉ tay năm ngón, nhìn thiên hạ làm đầu tắt mặt tối nhé! Trong nhà thiền, nhất là hệ thiền đốn ngộ của Trung Hoa, một thiền tăng từ lúc mới tập tễnh vào chùa cho đến lúc làm hòa thượng đường đầu, không có lúc nào mà không bị vây bủa bởi công việc, giây phút nghỉ ngơi thật sự của họ là khi đã chui vào hòm. Nếu hành giả tự đồng hóa mình với xác thân tứ đại này thì tha hồ than thở, rên rỉ, kể lể… thương thân trách phận… (như bọn chúng ta thường làm mỗi ngày vậy). Nhưng nếu nhờ ơn thầy bạn chỉ dạy, nhận ra được người vô sự, chủ nhân ông vẫn thanh nhàn, ung dung trong khi xác thân bị vướng vít, vây bủa bởi những điều… đa sự thì chúng ta mới có thể đáp như ngài Ðạo Giai, một câu cũng tương tự như thế.
"Nhờ ơn thầy chỉ dạy, con vẫn được rảnh rang!"
Muốn thốt ra được câu này không phải là chuyện dễ. Khó là vì chúng ta có thể nói hệt như ngài (hay là hay hơn nữa không biết chừng), nhưng làm chi chưa nổi. Thiền sư đã đạt đến việc hành giải tương ứng nên khi đối thoại với quan Hữu Ty, được quan mách nhỏ cho là nếu cáo bệnh sẽ được miễn hành phạt, thì ngài chỉ đáp:
- "Bình thật cũng có bệnh nhưng hôm nay thì không…!" và điềm nhiên nhận hình phạt. Thà nhận hình phạt và bị lưu đày hơn là nhận những món quà chức tước của Khóa lợi giàu danh.
Nơi đây chúng ta không dám lạm bàn về thái độ xuất xứ hay ẩn tàng của các bậc tiền bối, chúng ta chỉ biết ngạc nhiên và khâm phục trước sự thành thật của ngài. Nói láo một câu, không hại ai cả, tránh được một trận đòn, khỏi một năm lưu đày mà cũng không chịu nói… Có thể các ngài thiếu thông minh và khôn ngoan, không biết quyền xảo phương tiện bằng chúng ta, nhưng có lẽ cũng là điều giải thích tại sao các ngài đạt đạo, tự tại trước sinh tử, chê khen, đói no, ấm lạnh… trong khi chúng ta còn bị buộc ràng.
"Khôn ai dễ bán, dại này khó mua" là thế.
Thiền Sư Duy Chánh
Thiền sư Duy Chánh, một cao tăng Trung Hoa vào cuối đời Tống , được quan Tương Thị Lang mời đến thuyết pháp trong một buổi tiệc có đông đủ quan khách. Thí chủ cố nài, sư phải nhận chịu, hẹn hôm sau sẽ đi. Ngài mai, quan Thị Lang sai người đến rước, sư lấy một bài kệ trao cho. Kệ rằng:
Tạo nhật tằng tương kim nhật kỳ
Xuất môn ỷ trượng hựu tư duy
Vi tăng chỉ hợp cư nham cốc
Quốc độ điên trung thậm bất nghi.
Nghĩa:
Hôm qua lỡ hẹn ngày nay
Chống gậy ra cửa lòng đầy băn khoăn
Núi rừng là chỗ chúng tăng
La cà phố thị rõ ràng chớ nên.
Em thân mến!
Mời mà chẳng thèm đi, khác hẳn với không thỉnh mà đến đấy nhé!
Ni Liễu Nhiên
Liễu Nhiên là một thiền sư ni, nối pháp ngài Ðại Ngu, đồng thời với ngài Lâm Tế Nghĩa Huyền. Sư ni trụ ở Mạt Sơn, thời nhân kính trọng, không dám gọi tên, chỉ gọi là Mạt Sơn Hòa thượng.
Hòa thượng Quán Khê nhân đi du phương đến Mạt Sơn tự bảo: "Nếu tương đương thì ở, chẳng tương đương thì xô ngã giường thiền."
Sư vừa đến tăng đường, sư ni đã sai thị giả đến hỏi:
- Thượng tọa đi du phương đến hay vì Phật pháp mà đến?
Nhàn đáp:
- Vì Phật pháp đến.
Sư ni liền lên tòa. Nhàn đến thăm bà hỏi:
- Hôm nay thượng tọa vừa rời đâu đến đây?
- Rời cửa đường.
- Sao chẳng đậy lại?
Sư Nhàn không đáp được, lễ bái hỏi:
- Thế nào là Mạt Sơn?
- Chẳng bày đảnh.
- Thế nào là chủ Mạt Sơn?
- Chẳng phải tướng nam nữ.
Nhàn quát to:
- Sao chẳng biến đi?
- Chẳng phải thần, chẳng phải quỷ, biến cái gì?
Nhàn kính phục xin ở lại làm tri viên ba năm.
Em thân mến!
Tiểu sử các thiền sư ni còn ghi lại trong thiền sử thật là hiếm hoi và sơ sài. Ni Liễu Nhiên là một trong các vị ấy. Trong Tăng Chi Bộ Kinh, khi công chúa Sumanà hỏi đức Phật về sự sai khác giữa hai hạng người bố thí và không bố thí, đức Phật đáp rằng có sự sai khác rõ rệt giữa hai hạng người trên khi họ mang thân trời, thân người, là kẻ xuất gia hay tại gia. Nhưng hoàn toàn không có sự khác biệt khi cả hai đều đắc A La Hán quả.
Cũng thế, với nhãn quan của hạng phàm phu tục tử, chúng ta thấy có sự cách biệt sai khác rõ rệt giữa tăng tục, nam nữ, sang hèn, đẹp xấu, thiện ác… nhưng nếu nhìn bằng huệ nhãn, sự cách biệt trên chỉ có tính cách giả định, qui ước. Trong xã hội trọng nam khinh nữ thời xưa, có được thái độ cầu pháp như hòa thượng Quán Khê Nhàn không phải là chuyện dễ dàng. Phong thái tự tại cùng cách nghị luận của ni Liễu Nhiên đáng cho chúng ta học hỏi thì hạnh khiêm cung của hòa thượng Nhàn cũng đáng cho chúng ta đê đầu bái phục. Các nhân cách phi thường ấy đều phát xuất từ tâm vô phân biệt mà ra vậy.
Ðức Sơn Tuyên Giám
Sư Tuyên Giám xuất gia và thọ giới năm 20 tuổi. Sư tinh thông luật tạng và rất nhiều kinh điển nhưng sở trường nhất là kinh Kim Cang. Vì sư thường giảng bộ kinh ruột này nên thời nhân gọi sư là Chu Kim Cang.
Nghe thiền tông ở phương Nam thịnh hành, sư bất bình bảo:
"Người xuất gia muôn kiếp học oai nghi, vạn kiếp học tế hạnh của Phật còn chưa được thành Phật nữa là… Vậy mà bọn ma quỷ phương Nam dám tuyên bố rằng: "Trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật. Ta nguyện rằng đến tận hang ổ của chúng, diệt sạch bọn quái ấy để đền ơn Phật." Sư bèn lên đường, không quên mang theo bộ sớ giảng về kinh Kim Cang khá nổi tiếng là Thanh Long sớ sao.
Ðến miền Nam, sư gặp một bà lão bán bánh, bèn hỏi mua ít cái để ăn điểm tâm. Bà nhìn gánh hành lý cồng kềnh của sư hỏi:
- Quảy cái gì mà nhiều quá vậy?
Sư đáp:
- Thanh Long sớ sao!
- Chắc thầy là một giảng sư?
- Ðúng như vậy!
- Thầy thường giảng kinh gì?
- Kinh Kim Cang.
- Già có một câu hỏi, nếu thầy đáp mà già hiểu được, thì xin cúng dường bánh thầy xơi, bằng không, xin mời thầy đi nơi khác.
- Bà cứ hỏi.
- Trong kinh Kim Cang có câu: "Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc," xin hỏi nhà thầy muốn điểm cái tâm nào?
Nhà sư đành lặng thinh trước câu hỏi không có ghi trong sách vở này, nhịn đói, hỏi thăm đường đến chỗ của thiền sư Sùng Tín và xin cầu học với ngài.
Về sau, sư đại ngộ và nối pháp ngài Sùng Tín, thường được các thiền sư gọi là Ðức Sơn Tuyên Giám.
Trước khi từ giã thầy đi du phương, sư mang bộ Thanh Long sớ sao ra châm lửa đốt sạch.
Em thân mến!
Ca dao Việt Nam có câu:
"Ở nhà nhất mẹ nhì con
Ra đường lắm kẻ còn dòn hơn ta."
Sư Tuyên Giám lúc về phương Nam có ý định dẹp tan bọn cuồng thiền đã chủ trương trái ngược với những gì ông hiểu về Phật, về pháp. Nhưng mới gặp một bà lão vô danh, đã xếp gươm cởi giáp quy hàng.
Ðiều khác biệt rõ rệt nhất giữa nhà sư này và chúng ta cũng chính là điều căn bản để tạo thành nhân cách của vị thiền sư lừng danh này, chính là điểm: "Biết sai liền bỏ." Trong kinh đức Phật có kể một thí dụ như thế này:
"Có anh chàng nọ đi vào rừng hái củi, được một gánh đầy, liền quảy về.
Trên đường về, anh gặp một rừng chiên đàn, đã định bỏ củi ra để gánh chiên đàn, nhưng suy đi nghĩ lại, anh tự nhủ:
- Mình đã bỏ ra cả ngày trời mới chặt được gánh củi này, lại quảy nó trên vai hơn 10 cây số, nỡ lòng nào mà "có mới nới cũ" cho đành.
Và anh bỏ trầm hương, gánh củi về làng. Ðến nơi, so giá cả mới hay giá trầm hương mắc gấp trăm gấp nghìn lần gánh củi chà của anh…"
Chúng ta có thể bắt chước hoặc giống ngài Ðức Sơn ở đoạn đầu, khi quảy một gánh kinh sách lên đường "dẹp loạn," hàng phục ma quân báo ân Phật tổ… nhưng dám đốt cả gánh kinh, dẹp hết các xí đồ to lớn cởi giáp qui hàng, xin làm đệ tử người mình vừa hết lời thóa mạ thì… có lẽ chỉ có một mình Ðức Sơn Tuyên Giám mà thôi. Thiền sư Sùng Tín quả không lầm khi chọn ngài làm người nối pháp vậy!
Thiền Sư Tiếp Khách
Thiền sư Ðức Sơn thượng đường bảo:
- Hôm này không ai được thưa hỏi hết, ai thưa hỏi sẽ ăn 30 hèo.
Một vị tăng bước ra lễ bái, liền bị ăn gậy. Vị tăng thưa:
- Con chưa thốt tiếng nào, vì sao hòa thượng đánh con?
- Ông là người xứ nào?
- Con người Tân La (Triều Tiên).
- Ông khi chưa xuống thuyền đã đáng ăn 30 gậy rồi.
Em thân mến!
Ðây là một đoạn tiếp khách rất ư là mất lịch sự, thất nhân tâm, thất lễ nghi… mà các thiền sư thường dùng… khác hẳn với lối tiếp đãi ngọt ngào của chúng ta ngày nay. Vậy mà điều lạ lùng là lối xử sự của các ngài lại chuyển mê khai ngộ cho thiền khách, còn cách đối xử rất ư từ ái của chúng ta chỉ làm cho người ta vừa đeo cồng lại mang gông mà thôi.
Thiền sư Pimo, người Nhật bản, cũng có một lối tiếp khách quý tương tự. Khi thấy có thiền khách nào đến tham vấn, sư liền cặp cổ, kẹp chĩa ba vào đương sự, hùng hổ hỏi:
- Ma quỷ nào xúi mi bỏ nhà đi làm thầy chùa trọc đầu, hử?
Em thân mến!
"Mới hôm nào ngủ vùi trong nệm ấm
Gót son hồng chưa dấy bụi phiêu linh."
Cái gì đã khiến chúng ta bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ quê hương, cha mẹ, quyến thuộc cùng những tiện nghi của đời sống thế tục để dấn thân trên đường tìm đạo? Phải tự mình tìm cho ra câu trả lời chứ đừng lập lại đáp số của người khác, là điều mà các thiền sư đòi hỏi nơi chúng ta.
Thuở nhỏ chúng ta ham ăn, ham chơi thường bị đòn, lớn lên ham tài, ham sắc liền bị chửi… Vậy mà khi chúng ta ham tu liền được khen tụng, ca ngợi ầm ĩ… Ðối tượng của lòng ưa thích, ham muốn tuy có thay đổi, nhưng con người, động cơ ưa thích, ham muốn vẫn chỉ là con người năm xưa. Nhà thiền không bằng lòng để chúng ta buông cái này, bắt cái kia, loi choi thay đổi đối tượng… mà bắt buộc đương nhân phải quay lại, nhìn thẳng vào mình. Kẻo mà "bụt nhà không thiên," cứ "đi cầu Thích Ca ngoài đường." Của báu nhà mình không đếm xỉa lại đi rong ruổi ăn mày khắp hang cùng ngõ hẻm… nên vừa bước chân rời bỏ quê hương, đượm xuống thuyền để "tha phương cầu thực"… đã đáng ăn 30 gậy rồi. Có phải thế không nào?
Huệ Nam Thiền Sư
Thiền sư Huệ Nam (1002-1069), xuất gia năm 11 tuổi, 19 tuổi thọ giới cụ túc. Sư bản tính thâm trầm, không ưa ồn náo, oai nghi rất đĩnh đạc, mực thước, nên ở trong hội chúng nào cũng đều được tôn làm người mô phạm, quý vị hòa thượng đương đầu tiếp dẫn hậu sinh.
Sư nghe danh thiền sư Từ Minh, bèn khăn gói tìm đến định cầu pháp nhưng đến nơi, thấy Từ Minh oai nghi không tề chỉnh, lời nói thường lừa đảo môn đệ, nên thối chí trở về.
Về sau, thiền sư Từ Minh tình cờ được bổ nhiệm về ngôi chùa của sư ở, sư thầm vui trong lòng, hết tâm học hỏi.
Mỗi khi sư vào thất thưa thỉnh, thường bị Từ Minh nạt nộ, mắng chửi thậm tệ. Nhiều lần như thế xảy ra, sư rất hổ thẹn. Một hôm Từ Minh mắng sư trước mặt đông người, sư đỏ mắt nhìn đám đông nói:
- Chính vì chưa hiểu nên mới thưa hỏi cầu giải nghĩa, mắng chửi đâu phải là qui củ thí pháp, sao hòa thượng lại thiếu lòng từ bi với kẻ hậu sinh?
Từ Minh cười hỏi lại:
- Ðó là lời mắng chửi sao?
Sư hoạt nhiên đại ngộ. Năm ấy sư được 35 tuổi.
Em thân mến!
Oai nghi đĩnh đạc, nhiệt tâm cầu đạo, ở nơi đâu đều là mô phạm, gương mẫu cho hội chúng... Ðó là những đặc điểm của ngài Huệ Nam, mà chúng ta có thể cố gắng bắt chước, mô phỏng được.
Trong Trường Bộ Kinh, khi nghe một thanh niên Bà La Môn dùng hết lời tán thán oai nghi, giới hạnh của mình, đức đạo sư đã bảo với hàng môn đệ:
- Chỉ có kẻ phàm phu mới tán thán giới đức của Như Lai, còn người trí thì tán thán trí đức của Ngài. Cũng vậy, khi ta khen là một ông thầy giáo đẹp trai, ăn nói dịu dàng, cử chỉ tế nhị phong nhã thì những lời khen ấy chưa diễn tả được hết phong thái của một nhà giáo, một tài tử cinéma, một nghệ sĩ sân khấu thượng hạng có thể vượt xa ông thầy về các ưu điểm trên. Ðiểm đáng tán thán nơi ông thầy giáo chính là khả năng biết chữ của ông cùng khả năng khai hóa, giúp người khác cũng biết chữ hệt như mình.
Trí đức của Như Lai là điều kiện ắt có và đủ để tạo thành một đấng giác ngộ. Một nhân vật có thể đẹp trai, ăn nói dịu dàng, oai nghi tế hạnh được như Phật... nhưng nếu không có trí tuệ thì chỉ được gọi là đấng phàm phu. Nếu đương sự có trí tuệ mà không tiếp dẫn hậu lai, giúp chúng sinh khác được giác ngộ như mình, đương sự chỉ là một đấng độc giác. Tự mình giác ngộ, giúp tha nhân giác ngộ... Ðó mới là một vị Phật.
Trong câu chuyện trên, ngài Hoàng Long Huệ Nam có thể đã thành tựu giới đức như Phật, nhưng phần trí đức thì chưa khai thông. Vì vậy mà khi nghe mắng chửi ngài đã thẹn đỏ mặt, khó chịu trước đám cử tọa đoanh vây.
Lối khai ngộ của ngài Từ Minh cũng thật lạ lùng, dùng ngay những điều mà Huệ Nam tối kỵ, không ưa. Vậy mà nếu không có những lời nói trái tai, xỉa xói, thấu tận ruột gan đó... có lẽ không thể nào có được thiền sư Huệ Nam, người nối pháp Từ Minh và là vị khai tổ cho thiền phái Hoàng Long sau này.
Thủ thuật của ngài Từ Minh đối với Huệ Nam cũng chính là phương tiện khéo léo mà ngài Ca Diếp đã khai ngộ cho tôn giả A Nan.
Theo các kinh điển còn ghi lại thì tôn giả A Nan là một người em họ của đức đạo sư. Tôn giả nổi tiếng là rất mực đẹp trai, ăn nói dịu dàng, oai nghi cốt cách rất được lòng thầy bạn và Phật tử gần xa. Có một trí nhớ tốt, lại ham học, siêng năng hành thiền, có thể trùng tuyên lại những lời dạy như một cái máy thâu băng, được hầu cận Phật suốt mấy chục năm dài, thân cận các bậc cao đức như ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên... mà tôn giả vẫn chưa đặng thánh quả.
Ngày đức Thế Tôn nhập niết bàn tôn giả đã khóc ròng vì bi lụy... Phải nhờ sự giúp đỡ của ngài Ca Diếp tôn giả mới sạch hết lậu hoặc.
Số là, sau ngày Phật nhập diệt độ khoảng ba tháng, ngày Ca Diếp có triệu tập một cuộc đại hội gồm 500 đại biểu tại hang núi Kỳ Xà Quật (gần Vương Xá) để trùng tuyên lại những lời dạy của đức đạo sư.
Toàn thể thính chúng đều đồng ý đề cử tôn giả A Nan làm vị trùng tuyên kinh nhưng ngài Ca Diếp không đồng ý với một lý do duy nhất là tôn giả chưa đắc A La Hán quả, trong khi toàn thể đại hội đều đã sạch lậu hoặc. Vì thế, khi nghe tin đại hội khai mạc, tôn giả A Nan vội vã tìm đến, nhưng bị sư huynh Ca Diếp ngăn lại, không cho vào dự một cách rất phủ phàng. Chưa hết, ngài Ca Diếp còn hài tội tôn giả, gồm 5 điều cũ rích, đã xảy ra từ thời Phật còn hiện diện, như:
1. Không chịu thỉnh Phật trụ thế.
2. Ráng xin cho nữ giới gia nhập tăng đoàn.
3. Vô ý đạp lên y của Phật.
4. Không chịu thỉnh vấn Phật cho rõ ràng về những điều luật không cần thiết, có thể bỏ bớt.
5. Ðể nước mắt của nữ nhân làm ô uế thân mình.
Lẽ dĩ nhiên là tôn giả A Nan nhận tội và xin sám hối. (Sám hối xong vẫn bị nhốt ngoài hang). Ðêm hôm ấy, tôn giả ở trong một tâm trạng bối rối tột độ. Vị thầy, người cha cũng là người anh yêu kính đã khuất bóng, cách đối xử lạnh lùng của người trưởng huynh, sự lạnh nhạt, bỏ rơi của tăng đoàn... là những điều mà lần đầu tiên trong đời tôn giả gặp phải. Tôn giả đi tới đi lui trước hang núi... mãi đến lúc mệt mỏi, kiệt quệ, cả thân lẫn tâm, ngài mới đến một tảng đá, vừa nghiêng mình định đặt lưng xuống nằm nghỉ thì hoát nhiên đại ngộ. Bao nhiêu lậu hoặc đều sạch bong, tôn giả đắc A La Hán quả vào lúc ấy, trong một tư thế mà kinh luận thường gọi là "Ly tứ oai nghi."
Em thân mến!
Trên đường tu tập, hành giả cũng có chung một nguyện ước là làm sao được sạch lậu hoặc, giải quyết cho xong "đại sự," sớm chừng nào tốt chừng nấy. Chúng ta còn thầm hy vọng rằng con đường tu hành của mình sẽ được suông sẻ, xuôi chèo mát mái, nghĩa là ước mong sao gặp thuận cảnh nhiều chừng nào tốt chừng nấy.
Nhưng, thuận và nghịch là những điều mà phàm nhân phân định căn cứ vào cái móc đo "ngã kiến, ngã chấp" của mình. Trong hai câu chuyện trên của ngài Hoàng Long Huệ Nam và tôn giả A Nan, nghịch cảnh đã đóng một vai trò quyết định tối hậu... Vì vậy, điều quan trọng trên bước đường học đạo không phải là tìm thuận tránh nghịch, mà chỉ là tùy thuận theo hoàn cảnh, như một thiền giả đã nói:
"Tùy thuận chúng duyên vô quái ngại..."
hay
Quán ác ngôn thị công đức
Thử tác thành ngô thiện tri thức
Bất nhân oán báng khởi oan thân
Hà biểu vô sanh từ nhân lực
Nghĩa là:
Xét lời ác là công đức
Người nói lời ấy là thầy ta
Chớ vì báng bổ sinh thân, oán
Sao tỏ vô sanh, thành nhẫn lực?
(Chứng Ðạo Ca)
Bài Học Sau Cùng
Ngày xửa, ngày xưa, có một ông vua. Như bao nhiêu vì vua khác không chuyện cổ tích, đức vua của chúng ta làm chủ một giang sơn gấm vóc, có một đám đông đình thần giỏi giang và hằng hà sa số thần dân gương mẫu. Ðiều đáng nói là đức vua rất sáng suốt, nhìn xa thấy rộng, đáng làm gương cho hết thảy các ông vua khác trong sách vở. Người ta có thể minh chứng điều đó bằng một sắt luật của đức vua khi mới leo lên ngôi cửu ngũ: cho sưu tầm hết tất cả sách vở có trong trời đất, tập trung về hoàng cung cho đức vua tham học.
Hàng trăm quan lớn, hàng nghìn quan nhỏ cùng hàng vạn phu khuân vác đã làm việc cật lực suốt 10 năm dài mới tải hết được số sách của nhân loại đem về kinh đô. Ðứng trước một trăm căn phòng chứa đầy nhóc các thủ bản viết tay, đức vua gãi đầu, ra lệnh cho quan tể tướng phải cấp tốc thiết lập một ban quản thủ thư viện, kiêm nhiệm việc phân loại, tóm tắt các văn kiện rồi hãy đem đệ trình cho mắt rồng ngự lâm.
Ban quản thủ thư viện lại làm việc ráo riếc bất kể ngày đêm để đạt yêu cầu của đức hoàng thượng họ... Và sau 10 năm dài không ngơi nghỉ, tốn hết 7 tỷ 368 triệu 456,321 kg bạch lạp, họ mới tóm tắt thâu gọn cái thư viện đồ sộ từ 100 gian phòng xuống còn một giang duy nhất, rồi hân hoan đệ trình lên đức vua của họ.
Ðứng trước những tủ sách gọn gàng, ngăn nắp, trình bày vô cùng mỹ thuật ấy, đức vua rất ư là cảm động. Sau khi vò tời vò lui... làm rối núi chòm râu đã lấm tấm bạc, đức vua lại truyền lệnh "phải tóm tắt nữa, thu gọn nữa... làm sao để trẫm có thể đọc hết tất cả tinh hoa của nhân loại, thâu thái hết những ý kiến khôn ngoan... chỉ trong khoảng 10 cuốn sách mà thôi... Các khanh đã làm việc thật hoàn hảo, nhưng trẫm không có thì giờ... các khanh hiểu chứ?" Dĩ nhiên là ban quản thủ thư viện gật đầu lia lịa và lại đốt nến bắt tay vào công việc mới.
Mười năm dài trôi qua, toàn thể sách vở được cô đọng lại trong mười quyển dày cộm, đóng bìa da, gáy mạ vàng, đầy chi chít những chữ.
Lần này, đức vua không tiếc lời khen ngợi đám đình thần mẫn cán, bốc vàng bạc ban thưởng cho họ từng nắm lớn, rồi dõng dạc ra lệnh:
- Hãy tóm tắt thêm nữa… Hãy làm cách nào để chúng chỉ còn vỏn vẹn có một quyển thôi, cho trẫm gối đầu giường mỗi khi rỗi rảnh. Các khanh hiểu ý trẫm chứ?
Ðám đình thần lại tranh nhau tung hô và gật đầu lia lịa.
Lại 10 năm dài trôi qua. Quyển sách được hoàn thành thể theo lời yêu cầu của người cần đọc. Quan tể tướng long trọng đặt nó lên một cái mâm bằng vàng, dâng lên đức vua của họ, bây giờ đang hấp hối trên long sàng.
Ðức vua nhìn quyển sách, rơi lệ, thều thào nói:
- Muộn mất rồi, các khanh hãy tóm tắt đại ý của quyển sách, trong chỉ một câu thôi, để trẫm nghe đọc được lần cuối.
Một cuộc đại hội được khẩn cấp triệu tập. Ban quản thủ thư viện lại làm việc ròng rã suốt ba ngày đêm…
Sau cùng, quan tể tướng vội vã đến quỳ mọp bên long sàng, dâng lên một mãnh giấy đỏ, có viết mấy dòng chữ vàng bằng kim nhũ óng ánh. Ðức vua gật đầu, ra dấu cho quan tể tướng đọc lớn lên. Vị trung thần lão thành này cố nén nỗi thương tâm, quẹt nước mắt, hít mũi, hắng giọng, lớn tiếng đọc bằng một giọng rõ ràng và trang trọng.
- Sinh… a… già… a… bệnh… a… và chết.
Người bệnh lắng tai nghe xong, gục gật đầu rối khép mắt, trút hơi thở sau cùng.
Những người chung quanh đồng rống lên khóc, quan tể tướng vật vã đập đầu vào long sàng, các đình thần đấm ngực bứt cúc áo… Ðám ngự lâm quân hối hả dìu các vị lão thần, ngăn cản các vị trung niên đang nhổ râu sừn sựt.
Trong khung cảnh hỗn loạn đó, tờ giấy đỏ có viết kim nhũ vàng lặng lẽ chao mình theo một cơn gió, bay vèo qua cửa sổ và âm thầm chui vào một cái hốc chứa đầy nước trong máng xối…
Toàn thể công lao của ban quản thủ thư viện đều trôi theo những giọt kim nhũ vàng óng ánh, chầm chậm nhỏ từng giọt xuống bức tường phủ đầy rêu xanh.
Em thân mến!
Con kiến bé có bao giờ lận đận
Lối đi về trên cổ lục chiêm bao?
Chó Ðiên
Xưa, có một anh chàng nọ đi ngang một thôn xóm, gặp con chó cứ theo sủa mãi. Bực mình anh la lên:
- Chó điên! Chó điên! Ôi làng nước ơi!
Nghe tiếng la, làng xóm đổ lại, đập chết con chó.
Em thân mến!
Muốn giết một con chó, cứ gọi nó là chó điên. Muốn hại một con người, ta cứ cho hắn một cái tên, chụp một cái mũ nào đó mà xã hội thường phê phán và ghét bỏ… thì đã có hàng khối người đổ xô lại trừng trị hắn cho ta rảnh tay mà… đi thẳng vậy.
Mê Tín
Xưa, có một anh học trò. Trước ngày ra trường thi, anh mang vàng hương đến một ngôi đền, nhờ thánh mách nước cho được trúng tủ khoa thi này.
Qua sự trung gian của một bà đồng, anh biết được đề thi và cứ thế mà làm sẵn, chuẩn bị trước cho thật chu đáo.
Ngày dự tuyển, anh chàng vào trường đọc qua loa đầu đề rồi cắm cúi viết bài tủ mà mình đã soạn sẵn ở nhà. Mãi đến lúc thi xong, trở về nhà trọ, nghe bạn bè bình luận về đề thi, anh mới vỡ lẽ ra rằng mình đã trật tủ, đã làm bài thi theo đầu đề mà anh tưởng tượng ra, chẳng dính dáng gì đến đề tài của ban giám khảo qui định cả.
Em thân mến!
Anh học trò trên đây đã hành động thật là lẩm cẩm và buồn cười. Ai đời, khi vào trường thi, không chịu đọc cho kỹ đề bài, cứ cắm cổ mà viết theo những gì mà anh ta đã dự tưởng, qua sự mách nước của bà đồng.
Nhưng, anh ta không cô độc mà lại có khá nhiều đồng minh đấy, em ạ!
Khi gặp mặt một người bạn mới chẳng hạn, chúng ta nào có chịu tiếp giao ngay với con người hiện thực của họ, như họ hiện diện trước mặt ta… Mà lập tức, ta lôi ngay các thành kiến, những lời khuyên nhủ, phê bình, mách nước, nhận xét của người xung quanh ta đã nói lén trước, để thành lập một hồ sơ lý lịch cho người bạn mới quen này. Hành động đó, nhà thiền gọi là "quý lỗ tai mà khinh con mắt" đó em ạ!
Cái Bướu
Ngày xưa, có một ông vua. Như bao nhiêu ông vua khác trong truyện cổ tích, ngài trị vì một giang san gấm vóc, có hằng hà sa số thần dân gương mẫu yêu kính và thờ phụng ngài như thần thánh. Ðức vua có một hoàng hậu, hơn chục bà cung phi và hàng trăm thế nữ doanh vây… Nghĩa là ngài không thiếu thốn bất kỳ một thứ phụ tùng cần thiết nào cả. Vậy mà mắt rồng vẫn ủ dột, miệng rồng vẫn u sầu. Không ai biết được duyên cớ nỗi buồn của nhà vua ngoại trừ bác thợ cạo của ngài, nhưng dĩ nhiên là bác đã thề độc rằng sẽ giữ kín điều bí mật đó.
Ðức vua ngày một võ vàng, sầu muộn. Người ta đoán rằng có lẽ ngài thất tình, thiếu tiền, ưu thời mẫn thế.
Nỗi buồn của nhà vua biến thành một vấn đề thời sự hấp dẫn và nóng bỏng, là nỗi cưu mang nặng nề trong hoàng cung, triều thần và toàn thể nhân dân trong nước.
Một hôm bác thợ cạo của đức vua thình lình lâm trọng bệnh. Nói nào ngay, bác ta không nặng đến nỗi không thể cạo râu cắt tóc cho nhà vua, nhưng quan ngự y không cho phép bác bước vào hoàng cung sợ lây bệnh cho hoàng tộc và thánh thể.
Sau nhiều đêm đắn đo, đứa vua cho vời một bác phó cạo mới đến cắt tóc cho mình. Trước khi hành nghề, bác phó cạo được lệnh phải giữ bí mật hệt như bác thợ trước. Dĩ nhiên là bác ta vâng dạ luôn mồm và gật đầu lia lịa.
Cắt tóc và cạo râu cho đức vua xong, bác thợ mới liền lâm bệnh y hệt như bác thợ cũ: các bác sĩ theo dõi hai bác thợ và ghi nhận họ có triệu chứng bệnh trạng hệt đức vua: mặt mũi buồn rười rượi, bỏ ăn, biếng ngủ, cứ nhìn lên trời và thở dài thườn thượt.
Sau cùng, chịu hết nỗi, bác thợ mới bỏ nhà đi vào rừng. Bác đi, đi mãi, cho đến lúc nghĩ rằng đã xa hẳn tầm tai nghe mắt thấy của loài người, bác nhảy múa như điên và gào lên bằng thích những điều đã thề phải giữ kín với đức vua. Xong, bác ra về, lòng đầy phỉ lạc, bác lành bệnh hẳn.
Ít lâu sau, cái trống cổ trong hoàng cung bị đứt dây, rơi xuống và vỡ nát. Chàng thợ trống của hoàng gia phải tức tốc vào rừng tìm gỗ về làm chiếc trống mới. Tình cờ anh chàng đi theo lối mòn và đến chỗ mà bác thợ cạo đã trút bầu tâm sự bí mật.
Chiếc trống mới đã hoàn thành. Ngày khai mạc, đức vua đình thần, hoàng gia cùng thần dân lớn bé đều tụ họp để nghe tiếng trống đầu tiên, họ đồng thanh gởi lên ước nguyện duy nhất: "Thánh thượng được an ổn và vui vẻ."
Quan thượng thư Bộ lễ trang trọng cầm dùi, giáng vào mặt trống, chiếc trống liền gào lên:
- Tùng! Tùng! Tùng! Ðức vua có cái bướu ở trên đầu… tùng!
Toàn thể đình thần đều biến sắc. Bàng dân thiên hạ làm ra vẻ nghiêm trang như chẳng nghe thấy gì, chỉ có bọn trẻ con là cười bằng thích, chúng vừa cười, vừa gào lên theo tiếng trống.
- Hi! Hi! Hí Ðức vua có cái bướu ở trên đầu… Hi! Hi! Hi!
Trong tình thế trầm trọng đó, đức vua bỗng bật cười… Nghe tiếng cười của ngài, mọi người đều hoan hô và reo ầm ĩ.
So với ân đức của đức vua đã làm cho đất nước, một cái bướu nào có nghĩa gì đâu! Mọi người đều vui sướng khi thấy nhà vua của họ hoan hỉ, vui tươi thoải mái trở lại. Chuyện bí mật đã được tiết lộ, hai chàng thợ cạo liền hết chứng bệnh u uất cũ, hội đồng y khoa họp lại và đồng kết luận: "Bệnh do tâm tạo," chiếc trống của hoàng cung thì cứ vui vẻ reo tùng, tùng, tùng!
Ai cũng quên hẳn cái bướu đi!
Em thân mến!
Một khuyết điểm ngoài ý muốn của chúng ta là một điều rất bình thường. "Nhân vô thập toàn" mà lỵ! Chân thành nhận lấy nó, không tìm cách che giấu thì người chung quanh sẽ thông cảm và quên nó đi, ta cũng được thoải mái vì không sợ bị tiết lộ điều bi thống. Ðó là những gì mà câu chuyện cổ trên của dân tộc Thái Lan muốn nhắn nhủ chúng ta.
Cũng thế, ráng giấu nhẹm những tính xấu như tham sân tật đố… gắng trưng bày các đức tính như từ bi hỷ xả… là một việc khó bề thực hiện và dễ đưa hành giả đến chỗ mệt mỏi, u uẩn, không thoải mái.
Mình ra sao thì nhận mình như vậy: "Khi tâm có tham biết là có tham, tâm hết tham biết là hết tham…" là một trong những phép quán tâm của Phật giáo, thường được nhắc nhở trong các bộ Nikaya. Các thiền sư dòng thiền đốn ngộ cũng thế. Ngay đến hòa thượng đường đầu, khi vấp phải một sai lầm, được đồ đệ nhắc nhở, các ngài chỉ nói một cách bình thản: "Lão tăng tội lỗi!"
Và, thế là xong chuyện.
Tiếng Chim Ðầu Núi
Vương An Thạch và Tô Ðông Pha là hai người bạn cùng làm quan đồng triều vào thời Tống (Trung Hoa).
Một hôm, Tô Ðông Pha đọc thơ của Vương An Thạch, gặp hai câu:
Minh Nguyệt đầu sơn khiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa tâm
Nghĩa làg sáng kêu đầu núi
Ch:
Trănó vàng nằm giữa đóa hoa.
Ông cho là Vương làm thơ sai, bèn sửa lại từ cuối cho câu thơ được đúng nghĩa hơn:
Minh Nguyệt đầu Sơn chiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa âm.
Nghĩa là:
Trăng sáng soi đầu núi
Chó vàng nằm giữa bóng hoa.
Vương thấy thơ mình bị sửa làm thinh không nói.
Mãi về sau, khi có dịp đi ngang vùng Giang Nam Tô Ðông Pha mới khám phá ra rằng tại một địa vực, có loài chim tên là Minh Nguyệt và loài sâu tên là Hoàng Khuyển. Khi ấy ông mới vỡ lẽ ra rằng Vương An Thạch đã làm hai câu thơ trên khi đi qua vùng đất này.
Chim Minh Nguyệt kêu ở đầu núi
Sâu Hoàng Khuyển nằm giữa lòng hoa.
Và, Tô Ðông Pha đã sửa thơ bạn vì sự dốt nát của chính mình.
Em thân mến!
Không có kiến thức, dốt nát hơn người nhưng lúc nào cũng sẵn sàng chỉ trích, sửa sai cho người… hơn và cao hơn mình là một điều rất thường xảy ra trong đời sống thường nhật của tôi và em.
Nhưng dám nhận sự sai lầm của mình như thi hào Tô Ðông Pha, im lặng bình thản trước sự phê phán vội vã như Vương An Thạch… phải nói là những nhân cách khá hiếm hoi trong cộng đồng nhân loại. Có lẽ vì vậy mà câu chuyện này được truyền tụng mãi cho đến bây giờ chăng? Và có lẽ, cũng chính nhờ những cách xử sự cao quý ấy mà chúng ta còn giữ được niềm tin yêu với cuộc đời và con người… trong kiếp sống rất mực phù du và quá ư rộn ràng này vậy.
Trái Cấm
Trong Túc Sanh truyện có ghi lại lời đáp của đức đạo sư khi tôn giả A Nan phỏn - Tại sao cũng đồng thời là phàm phu như bao nhiêu chúng sanh khác mà trong các tiền kiếp đức Phật đều tỏ ra thông minh, đề cao cảnh giác trước trăm nghìn cạm bẫy, còn chúng sanh thì không?
g vấn ngài rằng:
Ðức đạo sư đã thuật lại câu chuyện về cội cây giữa ngã ba đường:
- Giữa ngã ba đường có rất nhiều khách bộ hành qua lại, là giao điểm của các đường thương khách, lại xuất hiện một cội cây to, cành lá xum xuê, chi chít trái chín tỏa mùi hương ngào ngạt… Ngày tháng dần qua, trái cây rụng la liệt nhưng chẳng có ai thèm nhặt thì phải biết đó là một loại cây cực độc.
Cũng vậy, đối với các loại ngũ dục thế gian như tiền tài, sắc đẹp, danh tiếng, lợi dưỡng… ở vừa tầm tay của thiên hạ… mà vẫn còn thì coi chừng! Ðó phải là những thứ cực độc, phải tránh xa kẻo mà chết không kịp ngáp!
Em thân mến!
Câu chuyện trên, thực hư ra sao, chúng ta chưa thể biện biệt được. Có điều lời khuyên của đức đạo sư, thật là đáng cho chúng ta suy gẫm.
Cõi đời mà chúng ta đang sống đây thuộc về dục giới, thế giới của những ước muốn, hoài mong không bao giờ thỏa nguyện.
Bất kể màu da, chủng tộc, tiếng nói… nhân vật nào trên hành tinh này cũng ưa thích đắm say ngũ dục: tài, sắc, danh, ăn và ngủ. Ngũ dục đôi khi được xem là những đối tượng của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân… gây vừa lòng, thích ý cho đương nhân.
Trên đường đời, khi gặp phải một đối tượng vừa bụng, chúng ta thường nghĩ rằng:
- Chèn ơi! Người (hay vật) đâu gặp gỡ làm chi.
Trăm năm biết có duyên gì hay không?
Ta cứ tưởng bở rằng đó là một món quà hậu hỹ mà trần gian đã dành riêng cho mình, một nhân vật đặc biệt quan trọng và dễ thương hết chỗ nói. Vì thế ngay lập tức, ta "nhào vô" vớ lấy "trái cấm," không hề băn khoăn vì sao trái ấy sực nức mùi hương, nom rỏ dãi, ở giữa ngã ba đường cái, trong tầm mắt của bàng dân thiên hạ mà chẳng có ai thèm đoái hoài?
Người trí và kẻ ngu khác nhau là ở chỗ đó vậy.
Phụ chú: Phải coi chừng các món quà cũng như các thành quả mỹ mãn mà chúng ta vớ được một cách dễ dàng, không tốn kém một mồ hôi, nước mắt nào hết… nhé!
Gánh Nặng Trên Vai
Thầy kể chuyện:
Có anh chàng nọ, vác một bao lúa nặng trĩu đi qua không biết bao nhiêu dặm đường.
Dọc đường, có người gởi anh một ít đồ vật, anh đều không từ chối bất kể nặng nhẹ.
Sau cùng, gặp một thiện hữu bảo anh nên vất bao lúa đi vì nó không còn cần thiết nữa. Anh làm theo và cảm thấy khỏe khoắn không biết bao nhiêu khi gánh nặng không còn nữa.
Kể xong, thầy hỏi:
- Vác, khiêng, quảy… đều mệt nhọc. Buông, quăng, bỏ… thiệt là khỏe. Vậy mà tại sao mấy đứa con không chịu buông?
Em thân mến!
Ðây là một câu hỏi đơn giản nhưng thuộc loại khó trả lời… vì các gánh nặng của chúng ta đang cưu mang hoàn toàn không có hình tướng, trọng lượng… không thể sờ mó hay chỉ trỏ cho ai xem… vậy mà nó nặng ơi là nặng!
Ai bắt chúng ta cưu mang những niềm vui nỗi sầu? Ai khiến chúng ta cứ nhớ hoài nhớ mãi những kỷ niệm đau thương, các lời nhục mạ có phụ đề theo hình ảnh… từ ngày này qua ngày khác, nhất định "sống để dạ chết mang theo" chứ không chịu vất bỏ giữa đường.
Bỏ thì khỏe… nhưng buồn… vì thấy sao mà tay chân mình lóng ngóng, chả biết đặt vào đâu. Buồn vì thấy người ta CÓ, còn mình KHÔNG, người ta ÐƯỢC, mình lại MẤT. Có lẽ vì vậy mà, dù đã mệt le lưỡi về chuyện của mình, chúng ta vẫn sẵn sàng kê vai gánh phụ không biết bao nhiêu là bao bị của người. Và, đó cũng là lý do tại sao hai chữ "buông xả" của nhà thiền mãi mãi là một ẩn ngữ đối với thế nhân vậy.
Vầng Trăng Năm Ngón
Thuở xưa, có một cậu học trò bé tí. Ðến trường nghe cô giáo kể chuyện ngụ ngôn về "con chó sói và con cừu non," cậu tin chắc chắn rằng con sư tử và cừu đều biết nói, hai con thú ấy đã đứng bên một dòng suối trong khu rừng nào đó, đối đáp với nhau, cô giáo thông thái của chú đã nghe và thấy được rồi kể lại cho học trò.
Lớn lên một chút, chú biết phân biệt, phán đoán ràng rẽ rằng:
- Ðó là một câu chuyện láo toét, hoàn toàn bịa đặt, không hề xảy ra trên hành tinh này. Sói mà gặp cừu là vồ ngay, cừu thấy sói là bổ nhào mà chạy chứ làm gì có việc đứng nói chuyện dang ca với nhau.
Mãi đến lúc thành nhân, phải tương giao với xã hội… chú mới thấm thía, gật gù nhớ đến câu chuyện năm xưa:
- Phải rồi! Cái lý của kẻ mạnh bao giờ cũng thắng.
Vấn đề có hay không, thật hay hư của câu chuyện "sói và cừu" không cần thiết… vì chú đã hiểu rõ ý nghĩa của người đặt ra câu chuyện ấy.
Em thân mến!
Chúng ta có phải là cậu học trò trong câu chuyện trên chăng?
Thuở mới vào chùa, chúng ta tin chắc chắn rằng: "Bất cứ điều gì đã ghi trong kinh đều có thật, đã từng xảy ra trong thế giới hiện thực của lịch sử."
Lớn lên một tí, chúng ta hoang mang, mất niềm tin khi thấy rằng: "Những điều trong kinh nói sao mà huyền hoặc, mê tín, phi khoa học và lịch sử hết sức."
Và cho đến bây giờ, hiểu rõ được ý chí của kinh, thấu đáo rõ những gì mà tiền nhân muốn trao lại cho chúng ta… thì vấn đề đó có không, hư thực sẽ không còn là một mối bận tâm nữa!
Vì thế mà kinh Viên Giác có câu: "Hết thảy kinh điển giống như ngón tay chỉ mặt trăng…" nghĩa là nên nương vào ngón tay để thấy vầng trăng trên trời, chứ đừng cho rằng "mặt trăng có năm ngón", đó em!
Hết