Phần 1
Chuyện Tình Không Đoạn Kết
Ngày xửa, ngày xưa, có một cô công chúa Út con gái yêu của hoàng đế La Mã - một ông hoàng giàu sang độc tài và rất hung bạo.
Lúc lớn lên, nàng công chúa lại đem lòng thầm yêu trộm nhớ một chàng trai trẻ tuổi trong đội Ngự lâm quân của cha mình. Nhà có ngạch vách có tai, câu chuyện tình thơ mộng này chẳng bao lâu lại lọt vào tai ông hoàng. Sau một hồi xoắn râu giận dữ, ông hoàng ra lệnh đưa chàng trai tốt phước (nhưng đang tái sanh mặt mũi) ra trước đấu trường.
Chàng trẻ tuổi được dẫn đến trước hai gian phòng và được quyền mở một trong hai cánh cửa.
Nếu chàng vô tội, thần linh sẽ giúp chàng mở cánh cửa hạnh phúc: một giai nhân đang chờ chàng cùng với số của hồi môn đồ sộ.
Nếu chàng có tội, cánh cửa sẽ mở lối cho một ả sư tử đói bụng, đang chờ chàng bằng hai hàm răng bén nhọn.
Trong giây phút định mệnh chàng ngự lâm bối rối nhìn quanh... và nơi khán đài danh dự, chàng bỗng bắt gặp ngón tay điềm chỉ của công chúa. Lòng đang hy vọng chàng liền mở một trong hai cánh cửa.
Nhiều thế hệ đã trôi qua, các ông hoàng bà chúa đã biến mất... Nhưng người ta vẫn chưa đồng ý với nhau về đoạn kết của câu chuyện.
Thằng Cu Trắng
Thuở xưa, có một thiếu nữ gia đen kết hôn với một người gia trắng, cuộc hôn nhân dị chủng này gây sự bất bình cho cả hai dân tộc da đen lẫn gia trắng. Người vợ bị gia đình cô từ bỏ, trong khi xã hội da trắng cũng không chấp nhận cô, tất cả đều khinh rẽ và đối xử với cô rất đen bạc.
Đứa con đầu lòng của người thiếu phụ đáng thương này chào đời như một ân sủng của Thượng đế. Chú bé trắng trẻo khôi ngô khiến ai trông thấy cũng phải nựng nịu. Chúng ta gọi nó là thằng cu Trắng cho tiện. Cu Trắng được nhận vào lớp học dành riêng cho dân da trắng lúc nó lên 5 tuổi. Sự thông minh đĩnh ngộ của thằng bé khiến mọi người phớt lờ đi nguồn gốc da đen của nó.
Cu Trắng đi học được ít lâu thì người mẹ hạ sanh thêm một đứa em. Lần này Thượng đế không thiên vị nữa, một thằng cu đen thủi đen thui chào đời. Chúng ta gọi nó là thằng cu Đen cho tiện.
Cu Trắng đem lại cho bố mẹ nó bao nhiêu niềm vui thì cu Đen đem đến cho họ bấy nhiêu khổ sầu. Cu Đen biết thân mình chỉ lẩn quẩn ở bên mẹ, không dám và không được đi chơi với bố cùng anh.
Lên 5 tuổi, cu Đen cũng được bố mẹ chạy chọt cho vào học chung trường với cu Trắng. Nó bị bạn bè da trắng trêu chọc, hành hạ dữ dội. Cu Trắng cũng khổ sở vì sự hiện diện của thằng em không ít. Cuối cùng cả hai anh em đều bị chủng tộc da trắng đuổi ra khỏi trường.
Túng thế, bố mẹ của chúng phải sắp xếp như thế này: Cu Trắng được gởi đến một trường học nội trú của dân da trắng, thật xa để không ai biết đến nguồn gốc da màu của mẹ và em nó. Còn cu Đen thì được gởi về quê ngoại theo học tại một trường nô lệ dành riêng cho dân da màu. Ông bố tiếp tục đi làm, bà mẹ thui thủi một mình ở nhà mà lòng nhớ con khôn tả. Sự hợp chủng kỳ diệu của hai dòng máu bất chấp sự kỳ thị của loài người đã khiến cu Trắng thành một đứa bé thông minh vượt bực. Điều này là nguồn an ủi cho bà mẹ và nàng thiếu phụ đáng thương này đặt hết hy vọng vào đứa con đầu lòng. Riêng thằng cu Đen, màu da đen đúa đã xác định hẳn số phần hẩm hiu của nó.
Ở trường học dành riêng cho dân da trắng, cu Trắng được thầy cô yêu mến, bạn bè kính nể, không một ai có mảy may ngờ vực về nguồn gốc da màu của nó. Riêng thằng cu Trắng lúc nào cũng nơm nớp lo sợ mọi người biết được sự thật về mẹ và em mình, sẽ tống cổ nó ra khỏi trường. Vì thế cu Trắng rất lấy làm khổ sở khi phải tiếp xúc với mẹ và em. Những ngày nghỉ học, cu Trắng thường la cà ở nhà bạn bè để cho bà mẹ ở nhà mỏi mòn trông đợi, và bà đã chết trong nỗi buồn thương đó, bố chúng cũng không sống được bao lâu. Sau khi bố mẹ qua đời, cu Trắng liền cắt đứt liên lạc với em.
Về sau, cu Trắng trở thành một chàng trai học thức, đẹp trai... Nó vào lính làm đến đại úy, rồi giải ngũ về làm biện lý tại một thành phố lớn, sống một cuộc đời giàu sang danh vọng như bao nhiêu người Âu khác, có khác chăng là lòng lúc nào cũng hồi hộp lo sợ người ta khám phá ra dòng máu lai đen của mình, dù cu Trắng đã khôn khéo thay tên đổi họ.
Riêng thằng cu Đen, thì không được may mắn như anh, màu da của nó đã xác định sẵn địa vị của cu Đen trong xã hội. Biết anh không thích mình nên cu Đen chỉ làm bạn với sách vở và những người bạn cùng màu da. Hai anh em đều khôi ngô, thông minh như nhau. Có khác chăng là hai màu da và cu Đen sống hoàn toàn thoải mái không có nỗi lo sợ bị lộ tung tích ám ảnh suốt ngày đêm như cu Trắng.
Sau mười mấy năm trời cách biệt, một hôm cu Đen tình cờ đến gần anh. Được cu Trắng chấp thuận cu Đen đến thăm anh. Vì cuộc gặp gỡ này một tai nạn xảy ra, mọi người đều biết chàng cu Trắng là dân da màu. Tất cả những gì cu Trắng đã dày công gây dựng như danh vọng, tình yêu, sự nghiệp đều nhất loạt sụp đổ.
Em thân mến!
Câu chuyện trên đây được rút ra từ quyển sách "Hãy để ngày ấy lụi tàn" của một văn sĩ người Anh. Ở đây tôi không cốt ý kể cho em nghe về một chuyện tình bi thảm của thế gian giới, tôi chỉ muốn hỏi em về tâm trạng của anh chàng cu Trắng trong mỗi con người chúng ta – tôi và em – Có phải dù chúng ta có cố gắng gìn giữ tập luyện tu hành để tạo cho mình một dáng dấp đàng hoàng thuần hậu, thánh thiện đến đâu đi nữa.... thì trong tận cùng thân tâm em và tôi đều phải đau khổ và ghi nhận rằng cái lý lịch đen, tức phần ác xấu, bất thiện vẫn còn ngũ ngầm ở đó. Và y hệt như anh chàng cu Trắng, nếu màu da bên ngoài của chàng ta được xã hội ưu đãi, mến chuộng bao nhiêu thì dòng máu lai đen nằm trong thân thể tạo thành một nỗi mặc cảm dày vò, bứt rứt, bấy nhiêu. Có bao giờ em thấy điều đó không? Sau những đức tính từ bi hỷ xả, tế nhị dịu dàng, đắc nhân tâm... những điều kiện ắc có và đủ để tạo thành con người hợp thời trang, lịch sự nhất mực đó, có phải em đã từng xót xa ghi nhận rằng những mầm móng tham sân, ganh ghét, độc ác, ích kỷ vẫn còn nằm sờ sờ ra đó... Có lạ chăng là mọi người chưa nhận thấy... Và vì thế, người chung quanh càng thương mến, ái mộ bao nhiêu thì em càng thấy mình lố bịch, giả dối bấy nhiêu.
Trong câu chuyện khi nào cu Đen gặp gỡ hay liên lạc với cu Trắng thì cái thế giới hư danh, ảo vọng của chàng cu Trắng liền bị đe dọa sẽ sụp đổ. Chúng ta cũng thế sau biết bao là công khó tập luyện để có một phong thái tu hành rất mực thì chỉ cần một cơn giận, một nụ cười mỉa mai, một cái nhìn ganh tị đến viếng thăm... là tất cả cái bề ngoài sơn son thếp vàng đó liền sụp đổ tan tành.
Bi kịch của câu chuyện ở chỗ chàng cu Trắng chối bỏ dòng máu lai đen của chàng, cố gắng khỏa lấp để mạo nhận mình là da trắng 100% nên lúc nào chàng ta cũng phải nơm nớp lo sợ bị lộ tung tích.
Tại sao chàng trai lại cam chịu sống một cuộc đời đầy sợ hãi, giả dối và bấp bênh như thế? Chính cái thế giới phù hoa, những đặc quyền ưu tiên dành cho dân da trắng đã khiến chàng thèm thuồng và ao ước được hưởng như họ.
Trở lại của chúng ta ngay từ thơ bé, chúng mình đã được ba mẹ và thầy cô giảng dạy rằng... phải cố gắng làm sao để trở thành một đứa bé ngoan ngoãn, tử tế, dễ thương. Lúc dần dần lớn lên, xã hội lại cho ta một cái khuôn: thế nào là một người lịch sự, đắc nhân tâm, được mọi người yêu mến. Và khi em bước chân vào chùa, người xung quanh liền khen em là đại trượng phu, là sa môn, là thầy của mọi người v.v...
Hơn lúc nào hết đây là lúc em chối bỏ cái bản ngã thật sự của mình để cố gắng rập khuôn theo một hình bóng, một nhân dáng nào mà người chung quanh em chờ đợi và ca tụng. Đó là lúc mà chàng cu Trắng đang cố gắng chứng tỏ mình là dân da trắng 100%.
Em thân mến!
Nếu em đã thành công nghĩa là em đã trở thành một bậc chân tu thánh thiện, trắng bạch như vỏ ốc, không ai có thể tìm ra một chút xíu tỳ vết nào... và nhất là em rất bằng lòng về con người của em, và những đức tính mà em đã dày công tập luyện, cùng những quyền lợi phụ tùng mà thế nhân đã cung kính dành cho cái vỏ khả kính ấy, thì câu chuyện này xin ngừng lại nơi đây.
Nhưng nếu em thoáng thấy đã có một cái gì trục trặc, bất ổn, giả dối... trong con người đầy mâu thuẫn của mình, thì đâu hãy thử một lần, lấy hết can đảm nhìn kỹ mình, nó ra sao thì nhận như thế đó. Hãy thử đừng nỗ lực, cố gắng biến cải bản ngã khác mà em cho là tốt đẹp hơn. Chàng cu Trắng mà dám nhìn nhận mình là dân da màu thì ... hơi đau thật đấy, có nghĩa là chàng sẽ mất tất cả những uy danh và quyền lợi mà xã hội đã dành cho thế cấp da trắng... Cũng thế khi em chịu nhận mình là một tôn giả chúng sanh đầy đủ tham sân si... như trăm ngàn chúng sanh tầm thường khác thì em sẽ đánh mất hết lòng ái mộ, tôn kính của người chung quanh đã dành cho em. Nhưng bù lại chàng cu Trắng được sống hồn nhiên, thoải mái... không còn phập phòng lo sợ bị lộ tẩy... em sẽ thấy có một khung trời kỳ diệu mở ra trước mặt. Đau đớn biết bao khi ta phải chứng kiến ngày lâm chung của cái huyễn ngã mà ta đã khổ công che đậy, tập luyện... nhưng bù lại ta sẽ không còn sợ hãi lo ngại... nghĩa là "vô hữu khủng bố, bô quái ngại" (không còn sợ hãi, lo ngại... cái quái gì hết).
Chấp nhận mình có những tánh xấu không có nghĩa là em sống si mê, buông mình theo vô minh dục vọng, mà chấp nhận có nghĩa là bình thản quán sát, theo dõi để thấu đáu toàn thể cái cơ cấu được mệnh danh là TA, là "bản ngã" của ta. Đây cũng chính là chỗ mà ngài Huyền Giác quả quyết khẳng định: "Vô minh thật tánh tức Phật tánh" đó em!
Cành Trâm Mơ Ước
Thuở xưa, có một cô gái miền quê tên gọi là Bông. Một hôm, đến ngày chợ phiên Bông được mẹ sai đi bán mật.
Trên đường đi đến chợ, Bông vừa đi vừa nghĩ ngợi lan man...
"Khi sáng, mẹ có hứa rằng... nếu bán được giá hời, mẹ sẽ cho riêng Bông một quan tiền để tùy ý sử dụng. Bông sẽ mua cái gì nhỉ? À Bông sẽ mua nửa chục con gà, những chú gà lông nõn như tơ, vừa bằng cái chén Tống ấy mà... Đàn gà gặp tay Bông biết nuôi thì phải biết... con nào con nấy mau lớn như thổi... Chúng sanh con đẻ cháu nhiều vô kể, chỉ hiềm một nỗi là chúng hay bơi xới cả ngày... cho nên một hôm, Bông bực mình bán quách đi cả, để mua hai chú lợn con ủn ỉn về nuôi cho tiện. Phiên chợ cuối năm Bông lùa lợn đi bán. Dạo cận Tết lợn bát rất được giá... Bông mua một chiếc áo dài màu hoa cà, một chiếc quần sa teng trắng, một đôi hài cườm như lũ con gái ở xóm lò lu thường mang. Vẫn còn nhiều tiền, mình mua cái gì nhĩ? Một chiếc lược cài hay khăn voan choàng đầu? Một chiếc dù hay một thỏi son?... À, phải rồi! Một chiếc trâm cài tóc. Tết đến Bông sẽ mặc quần áo mới, đi hài cườm, chiếc trâm có nhận hạt thủy tinh lấp la lấp lánh trên mái tóc nhung đen. Một chàng trai trẻ tuổi đến ngỏ chuyện làm quen với Bông... Bông e thẹn nép mình dưới một khóm lá... để đỡ ngượn. Bông đưa tay cài lại chiếc trâm, nghiên đầu, xõa tóc che bớt đôi má đỏ bừng vì thẹn... thì... xoảng! Bông ngơ ngác thấy mình đang đứng giữa đường làng, hũ mật đổ nhào xuống đất vỡ làm ba bốn mãnh... Áo lượt, quần là, cành trâm cùng chàng trẻ tuổi đều tan biến đâu mất... Cô thiếu nữ hay mơ mộng này không biết làm gì hơn là ôm mặt khóc òa...
PC: Cái này gọi là: "Bừng con mắt dậy thấy mình tay không!"
Chiếc Cùm Bằng Ngọc
Thuở xưa, có một nàng công chúa bị quân địch bắt về giam giữ tại một hang núi nọ. Quân giặc trói nàng bằng một chiếc cùm bằng sắt, nạn nhân liền phản đối ấm ĩ, lúc nào cũng tìm cách thoát thân.
Cuối cùng bọn giặc nhốt nàng vào một chiếc lầu sơn son thếp vàng thật đẹp, đổi chiếc cùm bằng sắt bằng chiếc cùm vàng nạm ngọc... Nạn nhân liền đổi giận làm vui, nghĩ rằng từ nay mình được sở hữu cả một gia tài khổng lồ nên đành cam chịu cảnh tù tội, không bao giờ nghĩ cách thoát thân nũa.
Em thân mến!
Những chiếc cùm dù có làm bằng phẩm lượng khác nhau đi nữa, chúng cũng có cùng mục đích là trói buộc, tước đoạt sự tự do của chúng ta. Cởi bỏ một chiếc cùm bằng sắt, bằng gỗ... tuy là khó thật nhưng so với chiếc cùm bằng vàng bạc, kim cương... thì mới là thiên nan vạn nan. Những người bị trói bằng chiếc cùm quý có thể tự tử chết nếu được giải thoát. Em có thấy điều ấy không?
Có lẽ vì thế mà kinh Kim Cang có câu:
"Pháp thượng ưng xả hà huống phi pháp", nghĩa là "Cùm vàng cũng phải cởi nữa là cùm bằng kẽm gai chăng?"
Cách Xử Thế Của Người Xưa
Xưa, có một chú học trò được dịp lên phố chơi. Nhằm ngày chợ phiên một cuộc mất cắp xảy ra tại quán trọ. Chú học trò liền bị quan huyện bắt nhốt vì người ta nghi ngờ chú là thủ phạm.
Sau khi trải qua những thủ tục tra hỏi phiền phức, quan huyện tìm ra thủ phạm chính, chú học trò được trắng án ra về.
Khi về làng gặp lại vị thầy dạy học, chú nhỏ tức tưởi kể lại tự sự, bộc lộ nỗi hàm oan của mình.
Ông thầy im lặng nghe xong câu chuyện, nghiêm nghị ra lệng đánh đệ tử 10 roi phạt. Đương sự rất ngạc nhiên nhưng không dám cãi lời thầy, riu ríu leo lên bộ phản nằm chờ trận đòn mà lòng hoang mang vô kể.
Các bạn chú thấy thế ngạc nhiên thưa:
- Thưa thầy, trò này vô tội sao lại bị đòn?
Ông thầy từ tốn giải thích:
- Đành rằng nó vô tội. Nhưng tại sao giữa phố chợ đông đảo, chỉ có mình nó bị tình nghi là kẻ cắp? Ta đánh đây là phạt cái tội nó đã có bộ vó của thằng ăn cắp để cho người ta nghi ngờ. Nếu nó không chỉnh đốn tư cách lại ta e rằng nó sẽ bị hàm oan nhiều lần nữa!
Em thân mến!
Đây là một trong những cách xử thế tuyệt diệu của người xưa. Cổ nhân đào luyện thế hệ đàn em phải sống sao cho "cúi không thẹn đất, ngẩng không thẹn trời." Đành rằng chú bé trên đây không hề gian tham, nhưng vị thầy không bằng lòng khi thấy học trò mình chưa đủ tư cách chính nhân quân tử khiến người ta mất lòng tin nơi mình. Trong khi đức Phật cũng đã từng dặn dò chúng ta rằng: "Không phải nhờ ở lời khen của thế nhân mà con được đạo giải thoát, cũng không phải vì lời chê của thế nhân mà con bị rơi vào địa ngục, mà chính những ý nghĩ, lời nói và hành động của con sẽ quyến định cảnh giới thiện hay ác tương xứng."
Thông thường chúng ta rất dễ nhẫn nhịn những lời khen (mà mình hoàn toàn không xứng đáng) và ngược lại chúng ta không tài nào kham nhẫn nổi những lời vui oan trách mắng vô căn cứ... Đã bao lần em tức tưởi thuật lại nỗi hàm oan của mình cùng bè bạn... Và có lẽ chưa lần nào em bị đánh đòn như chú bé trong câu chuyện trên đây. Có lẽ vì thế mà chúng ta kém xa người xưa chăng?
Có hôm nào lỡ bị một nỗi hàm oan, em hãy thử một lần tự tìm xem mình đã có những tác phong, cử chỉ, cung cách như thế nào để cho người ta phải nghĩ về mình xấu tệ như thế đó. Nếu tìm thấy nguyên do nằm nơi mình, thì em đã bắt đầu nắm được chìa khóa giải thoát rồi đó. Giải thoát cái gì em biết không? Giải thoát em khỏi niềm sầu, nỗi khỗ, những tư tưởng bi quan, hắc ám vì thấy trên cõi đời này sao mà không có ai chịu hiểu mình hết trơn hết trọi...
Của Quý
Nước Tống có người nhặt được viên ngọc quý. Anh mang đến biếu quan Tư Thành là Tử Hản. Tử Hản không nhận, người được ngọc cố nài:
- Bẩm thượng quan, đây là viên ngọc rất quý và hiếm có, ai cũng công nhận điều ấy, xin ngài nhận cho tôi được vui.
Tử Hản đáp:
- Chú cho ngọc là quý, còn ta, ta cho tánh không tham là của quý. Chú mang ngọc cho ta nếu ta nhận thì cả hai đều mất cái mà mình cho là quý nhất, chi bằng của quý ai thì người ấy giữ.
Người được ngọc thưa:
- Chúng tôi là thường dân mà được ngọc thì dù biết là của quý, nhưng nếu cố giữ thì sẽ thành họa. Vì thế mới mạo muội đến dân lên Ngài.
Tử Hản bèn gọi thợ ngọc đến bán dùm viên ngọc. Xong ông trao tiền cho người được ngọc mang về.
PC: Tổ Bát Nhã Ba La được nhà vua dâng cúng một hạt bảo châu vô giá. Vua có ba vị hoàng tử. Tổ cầm ngọc hỏi các vị hoàng tử rằng:
- Trên thế gian này còn cái gì quý hơn viên ngọc này không?
Hay vị hoàng tử lớn đều đồng ý nhau rằng viên ngọc là quý nhất. Duy có vị hoàng tử út thưa:
- Bạch thầy còn có một thứ quý hơn nữa đó là trí tuệ!
- Làm sao chứng minh được điều đó?
- Thưa, viên ngọc này chỉ là một vật vô tri, nó không thể tự xác định là quý hay tiện. Phải nhờ trí huệ của loài người nhận định, nó mới trở thành một viên bảo châu vô giá, bằng không, nó chẳng hơn một hòn sỏi.
Tổ khen nhận. Về sau vị hoàng tử thông minh này xuất gia. Đó chính là Tổ Bồ Đề Đạt Ma.
Em thân mến!
Với thế nhân "của quý" là ngũ dục, tức là tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, ngủ kỹ. Kẻ sĩ biết đạo thì cho "của quý" là những đức tánh như không tham, không sân... Riêng tăng đồ nhà Phật thì quý nhất là trí huệ. Chính nhờ có trí huệ soi thấu bản chất của vạn hữu mà chúng ta mới biết được tánh chất vô thường, huyễn ảo của ngũ dục. Cũng nhờ trí huệ mà chúng ta hiểu ra rằng thiện ác, tốt xấu, thị phi... chỉ là những phân chia giả định của loài người. Và cũng chính trí huệ là cái bền vững còn lại giữa thế gian vô thường sinh diệt này. Có lẽ vì thế mà trong kinh điển nhà Phật thường nhắc đi nhắc lại rằng: "Duy tuệ thị nghiệp" nghĩa là: "Chỉ có trí tuệ là sự nghiệp" chăng?
Ngày Mai Ăn Khỏi Trả Tiền
Xưa, có một ông già bán kẹo, đề trên thùng xe như thế này: "Ngày mai ăn khỏi trả tiền". Trẻ con xem thấy thích lắm, rủ nhau mua kẹo và định bụng rằng: "Ngày mai mình sẽ ăn kẹo đã thèm. Vì ông bán kẹo đã nói vậy mà."
Nhưng ngày mai, ngày mai... ngày mai rồi ngày mai. Ông bán kẹo vẫn bắt bọn trẻ phải đưa tiền mới trao kẹo cho. Vì ngày mai là một ngày không bao giờ có.
Em thân mến!
"Ngày mai ăn khỏi trả tiền" chỉ là một lối nói gạt trẻ con, vì ngày mai sẽ không bao giờ đến, thật chăng là chính cái khoảng khắc ngắn ngủi hiện tại này đây.
Nếu ta bảo rằng: "Ngày mai ta sẽ học hành đàng hoàng, sẽ giúp đỡ người này kẻ nọ, sẽ bắt đầu tu hành cẩn thận, sẽ thực thi những cải cách vĩ đại v.v... và v.v... thì coi chừng đó có thể là lời hứa hẹn suông để ta được phép duy trì tình trạng bê bối hiện tại... cho khỏi áy náy, cắn rứt lương tâm mà thôi.
Ngày mai rồi sẽ y hệt như ngày hôm nay mà thôi. Vậy thì, những gì có thể làm được bây giờ, chúng ta hãy một, hai, ba bắt tay làm liền chứ đừng hẹn vào ngày mai, là một ngày chỉ có trong ảo tưởng mà thôi.
Cây Đèn Đã Tắt
Xưa, có một chú bé bị mù cả hai mắt. Mỗi khi đi đâu chú đều phải cầm gậy dò đường. Ngày và đêm chú đều sống trong bóng tối như nhau.
Một hôm chú bé đến thăm bạn. Lúc ra về trời đã tối. Người bạn đốt một chiếc đèn lồng trao cho chú, chú bé cười nói:
- Tối hay sáng đối với tôi đều như nhau, anh trao đèn cho tôi làm gì?
- Đành rằng anh không cần đèn nhưng người khác phải nhờ cây đèn này mới không đâm bổ vào anh chứ.
Chú bé mù cầm cây đèn ra về, đi được một quãng chú bị người khác đụng phải, chú bé tức giận quát:
- Bộ đui sao mà không thấy cây đèn của người ta?
Người kia cười to:
- Đèn của anh tắt rồi anh đui ơi!
Em thân mến!
Giá trị của cây đèn là do ánh sáng, thiếu ánh sáng thì cây đèn chỉ là một vật vô dụng mà thôi. Một pháp môn hay nhất là chỗ nó giúp hành giả thấu rõ thực tướng của mình và muôn pháp, tiêu sạch phiền não, đem lại an lạc cho mình và người chung quanh.
Nếu chúng ta cứ cho rằng mình đã dự vào hàng ngũ xuất gia, thuộc vào hàng tông môn chính phái, thầy tổ là bậc chân tu lỗi lạc, bạn bè mình là hạng anh tài xuất chúng... chúng ta đã được học những pháp môn tối thượng thừa, cao siêu hi hữu... và chúng ta cho thế là đủ, sanh tật khen mình chê người, phiền não mỗi ngày một tăng trưởng thì... coi chừng chúng ta sẽ giống cậu bé mù trên đây, cầm một cây đèn lồng thật tốt, thật đẹp... nhưng... tắt queo cho mà coi!
Phật Ở Đâu
Thuở xưa có anh chàng đọc kinh, nghe nói về Phật thích lắm, nhất định đi tìm cho gặp Ngài mới nghe. Anh chàng khăn gói quả mướp ra đi. Sau khi trải qua không biết cơ man nào là núi sông, hầm hố, gian nguy hiểm trở... chàng vẫn chưa được gặp Phật giống như hình dáng trong kinh đã diễn tả: "Thân Phật sắc vàng, cao một trượng sáu, đầy đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp hào quang sáng chói."
Hôm nọ tại một triền non, chàng trai tình cờ gặp một cụ già râu tóc bạc phơ cốt cách siêu phàm. Mừng quá chàng khẩn khoản:
- Thưa cụ, cụ có biết Phật đang ngụ ở đâu không? Xin chỉ dùm con với.
Ông lão mỉm cười:
- Ồ, chỗ nào mà không có Phật? Trên quảng đường vừa qua chả lẽ con không gặp được Ngài.
- Thưa cụ trên đường đi con đã từng gặp vô số người, nhưng đều là hạng phàm phu tục tử cả... con chưa từng thấy người nào có được vài tướng tốt như trong kinh đã mô tả về Phật cả.
Ông cụ cười ha hả:
- Chú mày ngốc nghếch thật! Chú không biết rằng cái thân đầy đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp đó, dân Ấn đã đốt thành tro và chia nhau xây tháp thờ cúng cả rồi ư?
- Thưa thế thì Phật chết rồi sao?
- Hiện giờ đức Phật đang phân thân ở khắp mọi nơi. Ngài cũng mang thân tồi và xấu như chúng sanh vậy. Con còn có muốn gặp Ngài nữa không?
- Thưa dù với bất cứ hình dạng nào, nếu đích thực là Ngài thì con vẫn vô cùng khác ngưỡng.
- Vậy thì để ta mách nước cho con nhé... Con hãy quay về... Trên đường về, nếu gặp một người nào mang guốc trái ở chân phải, guốc phải ở chân trái thì chính người đó là một hóa thân của Phật. Hãy thừa sự và cúng dường vị Phật ấy như trong kinh đã dạy...
Chàng trai hối hả quay về, suốt quãng đường dài chàng không gặp đức Phật nào mang hình dáng như cụ già diễn tả. Chán nãn chàng quay về nhà. Trời đã khuya, bà mẹ còn chong đèn ngồi đợi con. Nghe tiếng gọi cửa bà mừng quá, tụt xuống phản quờ quạng tìm đôi guốc rồi chống gậy tất tả ra mở cửa. Chàng trai thấy mẹ tiều tụy, nước mắt chảy dài trên đôi má nhăn nheo, mang lộn chiếc guốc trái qua chân mặt, guốc mặt sang chân trái. Chàng ôm chầm lấy mẹ nghẹn ngào:
- Ôi! Đức Phật yêu quý của con.
Em thân mến!
Trong kinh Phật có dạy: "Gặp thời không có Phật thì hai vị Phật đáng tôn thờ là cha và mẹ của mình, phải cung kính và thờ phụng hai vị này như tôn thờ đức Phật Thích Ca và Di Lặc vậy." Đó là lời dạy cho hàng Phật tử tại gia.
Riêng chúng ta hàng xuất gia đã lìa bỏ cha mẹ của xác thân này và để thừa sự cúng dường tất cả chúng sanh là những cha cùng mẹ trong vô lượng kiếp của mình.
Ngày xưa, trong hàng môn đồ của Đại sư Trí Khải - một danh tăng đời Đường – có một vị sư nhớ nhung cha mẹ, bèn bày tỏ cùng Ngài. Đại sư dạy:
- Là người xuất gia ông chớ nên vì cha mẹ một đời mà xao nhãng bổn phận đối với cha mẹ nhiều đời, là tất cả chúng sanh đó vậy.
Câu chuyện anh chàng đi tìm Phật trên đây do người Trung Hoa đặt ra để nhắc nhở về chữ hiếu và bổn phận làm con. Nhưng qua câu chuyện này, em có thấy rõ chỗ oái oăm của nó là chúng ta bôn ba đi tìm Phật khắp nơi, trong khi Ngài ở kề cận bên mình mà chẳng hay. Vì thế mà có lẽ khi tăng Huệ Hải hỏi Mã Tổ về Phật, Mã Tổ đáp:
- "Hệt kẻ cỡi trâu đi tìm trâu" Em có thấy như thế không?
Bồ Tát Và Chúng Sanh
Trời vừa dứt mưa, một bà cụ khoác áo tơi đi ra phố. Gặp một chú bé đang nghịch nước bẩn bên vệ đường, bà cau mặt quát:
- Thằng Cu! Mày có lên ngay không. Khiếp!
Thằng bé phản đối:
- Cháu xí cái vũng này từ hồi mới mưa lận. Bà kiếm cái khác đi, thiếu gì!
Em thân mến!
Bồ Tát là những vị sách vở định nghĩa là "Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh." (Trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh). Riêng chúng ta có thể hiểu một cách giản dị như thế này: "Nếu chúng ta tin rằng mình và tất cả chúng sanh đều có khả năng giác ngộ thì ta đã có mầm Bồ Tát trong lòng rồi. Trên đường tu chừng nào thành Phật hãy hay, còn hiện tại chúng ta hãy tùy thuận giúp đỡ người chung quanh bằng tất cả khả năng hạn hẹp của mình... Vì tin tưởng nơi Phật tánh của mình và người nên Bồ Tát không bao giờ mệt mỏi trên bước đường tự lợi, lợi tha...
Nhưng... tâm Bồ Tát thì khó phát nhưng rất dễ thối thất... Em có biết tại sao không? Em đừng tưởng là khi hành Bồ Tát hạnh đi đến đâu thiên hạ cũng rải hoa và trải chiếu bông đón tiếp mình hết đâu... mà coi chừng vỡ mộng đấy nhé! Như trường hợp của bà cụ trên đây chẳng hạn. Nếu các tôn giả chúng sanh đang ưa thích điều gì mà mình cản trở thì coi chừng họ có thể nghi là mình muốn đoạt cái sở thích ấy, trong trường hợp đó, nếu ta chưa đủ tài thuyết phục họ thì phải chạy cho thật lẹ kẻo... u đầu, nếu em có giúp đỡ ai điều gì thì... chớ nên hí hửng chờ người tuyên dương công trạng của mình vì có hàng khối kẻ bàng quan đang bĩu môi phẩm bình rằng:
"Đồ ngu! Chuyên môn làm mọi thiên hạ."
Hoặc là:
"Cái số cực..." "Cái nghiệp nặng". Chà coi bộ em muốn thối tâm rồi phải không? Nếu mình là Bồ Tát thứ thiệt thì khỏi nói, đàng này thật kẹt cho hàng Bồ Tát sơ tâm như bọn mình, có lẽ vì thế mà trong các kinh, đức Phật đã không tiếc lời ca ngợi hạnh Bồ Tát, và Ngài cũng đã từng nhắc nhở với chúng ta rằng:
" Muốn giảng kinh Pháp Hoa, tức là đi gieo rắc niềm tin rằng "Tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật", Pháp sư phải ngồi tòa Như Lai, mặc áo Như Lai, tòa Như Lai là tâm từ bi, áo Như Lai là giáp nhu hòa nhẫn nhục đó em ơi!
Phật Của Ngoại
Bé đi chùa về chào ngoại, ngoại hỏi:
- Con đi chùa có gì hay kể cho ngoại nghe với!
- Ngoại à! Thầy dạy con niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà, ngoại nhớ niệm nghe.
Bà ngoại ngần ngừ hồi lâu đáp:
- Xưa nay ngoại niệm Đức Quán Thế Âm, bữa nay đổi niệm Đức Di Đà... Sao ngoại sợ ông Phật kia giận ngoại quá...!
PC: Điều này phải hỏi lại Đức Quán Thế Âm mới rõ thực hư.
Bà Chủ Hiền Thục
Kasi là một nữ chủ được nhiều người ca tụng là hiền thục, nàng không bao giờ nói lớn tiếng hay cau mặt với bọn gia nhân trong nhà.
Những lời đồn đãi về Kasi khiến cho Asy, một cô tớ gái đâm ra nghi ngờ, Asy nghĩ bụng: "Có thật là tiểu thơ của mình hiền thục hay không chứ? Hay là nhờ mình chu toàn bổn phận nên tiểu thơ không có dịp lộ vẻ bất bình, điều này phải trắc nghiệm lại mới được." Và Asy liền tìm cách thử nữ chủ.
Một hôm Asy cố tình thức dậy muộn, cô bé thấy nữ chủ cau mày khi cô dâng bữa điểm tâm. Sáng hôm sau, Asy lại dậy muộn, nữ chủ của cô vừa cau mày, vừa quát mắng ầm ĩ.
Sáng hôm sau nữa, Asy lại dậy muộn, còn đang nằm nán trên giường thì cô bé đã thấy nữ chủ chưa kịp chải tóc, nghiến răng, trợn mắt, vào tận giường lôi cô dậy. Sáng ngày thứ tư, Asy lại dậy trễ, lần này cuộc trắc nghiệm lại thành công mỹ mãn: nữ chủ đã vớ lấy cây cài cửa... và cô bé Asy ôm chiếc đầu chảy máu, chạy thẳng ra khỏi nhà la khóc ầm ĩ:
- Ối làng nước ơi! Xem đây. Xem đây! Hãy xem nữ chủ rất hiền thục đánh tôi đây này...
Em thân mến!
Trong Trung Bộ Kinh, đức Phật đã kể lại câu chuyện trên cho các thầy tỳ kheo nghe, và Ngài kết luận:
- Này các tỳ kheo! Như Lai không gọi một vị tỳ kheo nào là dễ nói, dễ dạy, tu hành đắc lực khi vị ấy còn nhận được đầy đủ tứ sự cúng dường (quần áo, thực phẩm, thuốc men, mền mùng). Nếu nữ chủ Kasi phải thử thách qua bốn lần mới chứng tỏ được mức độ hiền thục của cô ta, thì một thầy tỳ kheo đệ tử của Như Lai, phải được thử thách khi chịu đựng sự thiếu thốn của những nhu cầu cần thiết, mà vẫn không sờn lòng nản chí thì Như Lai và các bạn đồng phạm hạnh của vị ấy mới có thể kết luận rằng: "Đây là một vị tỳ kheo phạm hạnh thanh tịnh dễ dạy, dễ nói... đã xuất gia vì sự giải thoát cho mình, cho người chứ không phải vì cơm ăn áo mặc."
Em thân mến!
Bọn chúng ta trong cảnh sống hiện tại đầy đủ hơn người xưa rất nhiều, chúng ta chưa đến nỗi thiếu thốn vì cơm ăn, áo mặc, thuốc men, mền mùng... nhưng không vì thế mà cuộc sống của chúng ta hạnh phúc hơn, tâm tư được thoải mái hơn các vị tỳ kheo thời trước. Nếu em không tỉnh giác kịp thời thì, một cơn bệnh dai dẳng, một lời nói trái tai, một chuyện bất như ý, vẫn có đầy đủ mãnh lực biến chúng ta từ một tu sĩ dễ dạy, dễ nói, dễ thương... thành một nhân vật không giống ai hết, có giống chăng là giống nữ chủ Kasi thôi. Có phải thế không nào?...
Sống Mắt Khuynh Thành
Xưa có một cô gái mù, nghèo nàn, xấu xí tên gọi là Mai. Đến tuổi dậy thì Mai không ngớt than khóc cầu trời khấn Phật, ước ao sao cho được sáng mắt để làm lụng nuôi thân.
Tiếng than thở của cô làm động lòng một cô tiên nhỏ trên thượng giới. Cô tiên nghĩ thầm: "Thật là bất công khi để cho một mình cô gái này chịu đến mấy tai họa, mình mà không ra tay giúp thì còn ai trồng khoai đất này."
Một hôm thừa dịp các bà tiên lớn ngủ say, nàng tiên bé bỏng liền ăn cắp chiếc đũa thần vội vã bay xuống trần và gõ lên đầu cô gái xấu số... xong cô tiên cũng vội vã bay về thượng giới lòng vui khôn tả xiết.
Việc đầu tiên của Mai khi sáng mắt là hối hả chạy ra bờ suối để soi mặt. Thấy khuôn mặt xấu xí của mình lung linh qua ánh nước, Mai lại khóc nức nở, vật vã than trách:
- Cô tiên nào ác thì thôi! Cho tui sáng mắt làm chi để thấy cái bản mặt xấu xí thế này. Hu hu, thà chết quách cho rồi còn sướng hơn. Cô tiên bé bỏng điếng hồn, cô không hờn giỗi khi nghe những lời vong ân bội nghĩa của Mai. Cô chỉ sợ nàng Mai nhảy xuống suối tự vận thì các nàng tiên lớn sẽ khám phá ra hành động nhanh nhẩu đoản của cô. Cô tiên ngẫm nghĩ:
- Cô ta than khóc cũng phải. Nếu gương mặt mình mà xấu như cô ấy thì có lẽ mình cũng sẽ than khóc suốt ngày. Thôi, thì làm ơn cho trót... trước sau gì người lớn cũng biết chuyện này thôi kia mà.
Và nàng tiên thơ ngây lại vung đũa thần lên. Mai liền biến thành một thiếu nữ khá mặn mà sống bằng nghề gánh nước mướn.
Như một nghệ sĩ lưu tâm đến tác phẩm nghệ thuật của mình, nàng tiên bé bỏng cũng vén mây theo dõi đời sống của Mai bằng tất cả tấm lòng từ ái. Cô xót xa không ít khi thấy Mai nhịn ăn nhịn uống, không dám mua gạo mà lại để dành tiền mua dưa chuột, cà chua... đắp mặt cho nó mịn màng... xót xa cả ruột, cô tiên lại vung chiếc đũa thần lần nữa... Mai liền có một làn da đẹp như hoa đào.
Lần này Mai vẫn nhịn ăn để mua quần áo, giày dép và đồ trang sức... Cô tiên lại cảm thấy chạnh lòng, cô liền đánh cắp chiếc đũa thần lần nữa... nàng Mai liền biến thành một tiểu thơ cành vàng lá ngọc, lược giắt trâm cài, quần là áo lượt, nhiều không biết cơ man nào mà kể, không phải làm lụng mà vẫn có ăn. Mai dành hết thì giờ cho việc trang điểm trau chuốt... suốt ngày cô ngồi trước gương để tô lục chuốt hồng, chuyện mới lạ hơn là Mai nảy ra ý định kén chồng... lần này khỏi cần sự trợ giúp của đũa thần nữa, cái nhan sắc yêu kiều, tuổi trẻ cùng một gia tài kếch sù đã giúp Mai kén chọn được một người bạn trăm năm ưng ý: một thanh niên đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi. Cô tiên an lòng, mỉm một nụ cười hiền hậu rồi chấp cánh bay về thượng giới.
Đến cổng nhà trời, cô gặp bà tiên trưởng nhìn cô một cách nghiêm khắc, cô tiên không hề nao núng, việc làm của cô tuy có sai nguyên tắc thật, nhưng mọi việc há chẳng tốt đẹp, xuôi chèo mát mái đó sao? Một thiếu nữ tàn tật xấu xí nghèo nàn nay đã trở thành một mệnh phụ phu nhân yêu kiều, sang giàu tột bực... mà chẳng tốn hao công của gì của trần gian hết... Nếu bà tiên già cho phép, cô tiên bé bỏng sẽ chẳng hề ngại lao ngọc mang đũa thần xuống hạ giới, giúp cho thế nhân người nào cũng cầu được ước thấy cả... cõi hồng trần sẽ hóa ra miền tiên cảnh cho mà xem...
Như đọc được luồng tư tưởng của cô bé ngây thơ bà tiên già lạnh lùng lột đôi kính trắng trao cho cô bé. Qua cặp kính cô sẽ nhìn thấy tương lai của nàng Mai. Không đợi bà tiên ra lệnh cô tiên bé nhỏ vội vã mang kính vào... Người đàn bà vô hạnh lại có nhan sắc khuynh thành đã gây không biết bao nhiêu là điều rắc rối cho trần thế... Mai thay chồng như thay áo, con cái vất vơ... Cô tiên nhỏ bỗng òa lên khóc, những giọt lệ tiên lóng lánh như hạt trân châu lăn tròn trên đôi mà bầu bĩnh. Nàng Mai đang xui chồng, người chồng thứ mười bảy này là một tướng lãnh quân phiệt, mở cuộc xâm lăng trừng phạt nước láng giềng vì nghe đâu ông vua nước này bảo rằng bà hoàng hậu của ông là một giai nhân vừa đẹp người vừa tốt nết hơn hẳn nàng Mai gấp bội. Hai nước đang chuẩn bị chiến tranh, lệnh tổng động viên ban hành, các trường học đều đóng cửa... Cô tiên nhỏ không còn thấy gì nữa, lệ trào tuôn như suối làm nhoè cặp kính. Bà tiên già lại lạnh lùng vung chiếc đũa thần lên và ra lệnh cho cô tiên lau sạch nước mắt. Nàng Mai trở lại nguyên hình như cũ. Một cô gái mù xấu xí đang ngồi than thở trong chòi tranh dột nát. Tất cả giống hệt như thuở ban đầu có khác chăng là những điều vừa xảy ra kỳ diệu quá... khiến cô gái không thể nào chấp nhận được sự thực phũ phàng... cô hóa điên từ đó. Sau khi sự vụ của nàng Mai xảy ra, Thượng đế bèn ban sắc lệnh cấm chỉ chư tiên giao tiếp với người trần. Ý của đấng tối cao muốn rằng mọi việc phải diễn tiến bình thường. Phép lạ mà đem trình diễn ở cõi hồng trần thì chỉ đem lại những hậu quả bất bình thường mà thôi. Vì thế mà ngày hôm nay chúng ta không có được chiêm ngưỡng dung nhan một nàng tiên nào hết. Chư tiên mà có giáng trần thì cũng vứt hết đũa ngọc và cánh đi, cũng đổ mồ hôi sôi nước mắt hệt như chúng ta - những con người phàm phu tục tử vậy.
Và trên đường đời, nếu gặp phải một cô gái xấu nết nào có sắc đẹp khuynh thành, người ta lại ngờ rằng đó là tác phẩm hư hỏng của một cô tiên bé nhỏ nào đó. Nhưng may mắn là những người đẹp thường chóng già hoặc chết sớm, nên cõi hồng trần này sau những ngày gió mưa giông bão, mây giăng đen nghịt... vẫn còn có khối ngày trời xanh nắng ấm, gió mát trăng thanh... nữa là!
Tái Ông Thất Mã
Thuở xưa, có ông lão họ Tái bị mất một con ngựa quý. Mọi người đến chia buồn, han hỏi và tiếc dùm cho ông. Ông lão điềm nhiên nói:
- Không sao! Mất của là điều rủi ro thật nhưng biết đâu trong cái rủi có cái may!
Ít lâu sau con ngựa trở về nhà và còn dắt theo một con ngựa khác - bạn của nó - đẹp và quý hơn nhiều.
Bà con lại tụ họp, tấm tắc:
- Ông cụ thật có phước, tưởng đâu mất con ngựa quý, ai dè lại được thêm con nữa.
Ông lão họ Tái vẫn thản nhiên:
- Biết đâu trong các may lại có cái rủi. Và cái rủi đó đã đến, cậu con ông lão rất thích cỡi ngựa mới, dong ruổi cả ngày trên lưng ngựa nên bị té gãy một chân. Thân bằng quyến thuộc đều đến chia buồn về tai nạn đáng tiếc vừa xảy ra. Ông cụ vẫn mỉm cười:
- Biết đâu trong cái rủi lại có cái may!
Chiến tranh bùng nổ, các thanh niên đều phải ra chiến trường, cậu con trai nhờ tàn tật nên được ở nhà hủ hỉ với cha già.
Tái ông thất mã là thế đó!
Người Mù Sờ Voi
Thuở xưa có một đám người mù từ thuở sơ sinh, nghe nói đến con voi nhưng chưa từng thấy nó ra sao cả. Một hôm nghe đồn có một con voi đi qua làng, đám người mù liền nhờ người dẫn đường đến xem voi. Anh nải dễ dãi cho phép họ được rờ rẫm con voi tùy thích. Lúc trở về đám người mù kháo nhau rằng:
- Bác ạ! Lạ quá nếu không phải chính tay tôi sờ thì tôi không thể nào tin được, con voi hệt như cái cột nhà... kinh thật! (Anh chàng này sờ nhằm chân con voi).
- Bác bảo sao? Con voi còn lâu mới giống cây cột nhà..." Anh mà sờ nhằm chiếc đuôi quả quyết:
- Nó giống cây chổi chứ lại...
Anh sờ tai voi cãi:
- Tôi thấy nó giống cây quạt mo.
Anh sờ nhằm bụng bảo:
- Tôi cho rằng nó giống cái chum tương.
- Hừm, mắt với mũi các anh ra sao đấy. Tôi thì thấy nó như cái ống điếu, anh chụp nhằm cái vòi hét.
Anh chàng sau cùng sờ nhằm cái ngà cười khẩy:
- Thật là đồ ngu, vừa đui vừa ngốc... con voi chẳng khác chi cái sừng trâu mà lại khéo tưởng tượng.
Tức thì cả bọn nhao nhao lên:
- Sao? Mày dám bảo ông đui à... hử thằng kia...
- Vừa đui vừa ngốc mới ăn nói ấm ớ như thế!
- Này... ngu này... ngu này...
Đoàn người mù bèn lăn xả vào nhau đánh, thụi, cào cấu... Ai cũng cho là mình đúng còn người kia đều là sai cả, nên kết quả là anh chàng nào cũng bị nện một trận đích đáng.
Em thân mến!
Chúng ta đã từng nghe kể câu chuyện người mù sờ voi này từ thuở còn bé... Nhưng em có nhận thấy rằng mình cũng giống hệt như anh chàng mù kia không?
Cái tâm hư vọng sinh diệt liên miên của chúng ta cũng giống như con voi nọ mà chúng ta là những anh chàng mù khốn khó. Vì không quan sát được hành tung cùng hình tướng của tâm thức nên chúng ta hay khoát lên cho bản ngã mình những nhân dáng riêng, tùy theo các hình tướng của vọng niệm mà chúng ta bắt gặp được. Chẳng hạn như vừa thấy loáng thoáng các vọng niệm có vẻ từ bi, hỷ xả... chúng ta liền hãnh diện nhủ thầm: "Ta đây là một nhân vật từ bi hỷ xả cùng mình chứ không phải như anh kia chị nọ." Gặp một người bạn đang nóng giận ta liền hạ một từ ngữ: "Thật là một anh chàng cọc cằn, đê tiện." Những ý tưởng tự tôn và tự ty đều được thành hình từ đó.
Thấu đáo rõ toàn thể tầm vóc của con voi để phá vỡ những kiến thức thiên lệch của mình là chữa được tật... cãi lộn của bọn người mù. Thấu rõ được toàn thể quá trình sinh diệt, đường lối về của các vọng niệm... là chuyện cần thiết và cấp bách của người tu Phật. Muốn thấu đáo cho rõ ràng chúng ta phải bình tĩnh quan sát không thiên vị, lo sợ hốt hoảng hay muộn phiền trước những vóc dáng đặc tính nào của vọng tâm hết.
"Tham, sân, phẩn, hận, phú, não, tật, xan" là những món phụ tùng mà cái bản ngã nào của nhân loại cũng có... Giống như một chú voi thì phải có đầy đủ cả đầu đuôi, bụng, lưng, ngà, tai vậy. Một con voi thiếu một bộ phận sẽ là một con voi dị dạng có tật.
Nếu chúng ta còn ngạc nhiên khi bắt gặp một tánh xấu của mình, khó chịu khi thấy hành vi của người khác... là chúng ta chưa hiểu rõ tường tận về chú voi của mình. Các chú voi đều giống nhau ở hình vóc đại cương kia mà. Chính chỗ này một thiền sư đã bảo "như nhau dọc mũi ngang mày." Thấy rõ tướng của con voi, theo dõi những biến chuyển đa dạng của vọng tâm, quả là một kỳ công lý thú, nhưng chuyển một con voi ngang tàng bướng bỉnh thành một con voi ngoan ngoãn tốt nết là một chuyện đòi hỏi khá nhiều thời gian và nhân lực. Cũng như biến đổi một cái tâm hỗn tạp, rắc rối đa sự thành một cái tâm Phật không phải là chuyện dễ... không dễ nhưng không phải là bất khả. Vì các kinh điển thường nhắn nhủ chúng ta rằng: "Phiền não tức bồ đề, tâm chúng sanh tức là tâm Phật vậy."
Chuyện Âm Phủ
Tại âm phủ một hồn ma đang quỳ đối chất với Diêm chúa, giữa hai vị công an của diêm phủ là Ngưu Đầu và Mã Diện.
Diêm chúa ngồi trên chính bệ dõng dạc ra lệnh:
- Phán quan đâu đọc hồ sơ của tên này xem.
Phán quan liền cất giọng đọc rõ ràng và chậm rãi:
- "Trần Văn Trụi, 82 tuổi, du thủ du thực, vô gia cư lẫn nghề nghiệp, trúng gió chết tại chợ Bến Thành..."
Hồn ma lễ phép đưa một tay lên xin góp ý:
- Muôn tâu Diêm chúa cho con được phép cải chính.
- Hử
- Thưa, con đúng tên là Trần Văn Trụi thật nhưng mới 28 tuổi chứ không phải 82 đâu ạ!
- Sao! Phán quan đâu hắn nói thế có đúng không?
Phán quan giật mình, kéo áo lau kiếng, xem lại sổ bộ, ấp úng:
- Dạ... Dạ...
- Đúng hay sai chứ dạ cái gì?
- Bẩm... đúng ạ!
- Chèn đéc ơi! Mấy người làm ăn kiểu này thì chết tôi rồi. Ngưu Đầu đâu?
- Dạ, có con đây ạ!
- Mau lên giữ xác nó để người ta đem chôn bây giờ.
Tại làm sao mà ra cớ sự này hử?
Ngưu Đầu vội vã ra đi. Phán quan gãi đầu ấp úng:
- Dạ, dạ... tại mới mua chiếc kính nhìn chưa quen mắt nên ngu thần đọc nhầm 82 thành 28 ạ... Xin thánh thượng bớt giận... thần sẽ đi thay kính lập tức...
- Nó sống đến bao nhiêu tuổi?
- Muôn tâu... 82 ạ!
- Vậy thì còn chờ đợi gì mà không dắt nó đi nhập xác?
Hồn ma liền xen vào:
- Tâu Diêm chúa! Những tưởng nhân gian mới làm ăn bê bối... dè đâu đây cũng vậy. Con đang đi ăn phở với người yêu ở chợ Bến Thành thì thấy hai cha nội này đến thộp cổ dắt đi... có lẽ bây giờ người yêu của con đã uống thuốc chuột chết theo con rồi cũng không biết chừng.
Diêm vương hạ giọng:
- Thôi "Thiên tải nhất thì" mới có một vụ lầm lẫn, mũi dại lái chịu đòn. Ngươi cho ta xin lỗi vậy, về dương gian đi, vui vẻ nhé!
- Muôn tâu, xin ngài hãy bồi thường thiệt hại cho con.
- Mi muốn gì? Giấy tiền vàng bạc nơi đây đâu thể đem lên dương gian xài được...
- Thưa... con chỉ muốn xin rằng luôn tiện ngài cho con liếc sơ qua cái phiếu lý lịch số 3, tức là cung tình duyên gia đạo của con ấy, liệu con có lấy được người mình yêu và nàng có thành thật yêu con không ạ!
- A thằng nhãi... ! Biết trước vị lai để làm gì... chẳng sướng ích chi đâu con ạ!
- Muôn tâu... Nếu ngài không bằng lòng khi về dương gian con nhất định sẽ làm ầm lên về cái chuyện này, con sẽ...
- Tặc, thằng ranh! Đừng có dở trò hăm dọa ta không ngán mi đâu... Mà thôi! Phán quan đâu?
- Dạ có thần đây.
- Đọc phiếu số 3 cho nó nghe đi...!
- Vâng ạ.
Phán quan liền lau kính hắng giọng đọc:
- "Trần Văn Trụi, sinh ngày... tại Cao Lãnh, con nhà giàu, đẹp trai, học giỏi. Đương sự có số công danh, khoa cử, thi đâu đậu đó. Năm 27 tuổi tốt nghiệp kỹ sư công chánh hạng bình được bổ nhiệm về Sài gòn.
Năm 28, y cưới vợ là hoa khôi ở cầu Bông.
Năm 29 tuổi làm Trưởng ty công chánh ở Tây Ninh.
Năm 30 tuổi bị gọi nhập ngũ gắn lon trung úy.
Năm 31 tuổi có con trai đầu lòng.
Năm 32 tuổi có con gái.
Năm 33 tuổi bị giật mìn chết phanh thây ở cầu Ông Phủ.
Nếu còn âm đức y sẽ thoát chết chỉ gẫy một chân và mù một mắt, vinh thăng đại úy rồi giải ngũ.
Năm 40 tuổi... hai đứa con lớn của y bị chết đuối ở Vũng Tàu.
Năm 45 tuổi bị tê liệt, sốt nằm nhà thương hai năm.
Năm 50 tuổi nhà cháy, vợ hóa điên.
Năm 82 tuổi y mất trí nhớ, du thủ du thực, đi xin ăn lẩn quẩn ở các chợ Cầu Muối, Bến Thành rồi trúng gió chết...
Phán quan đọc xong, hồn ma tháo mồ hôi hột, đứng chết sững. Diêm vương thúc:
- Sao? Đủ chưa... xong rồi đó, đi đi cha nội...
Hồn ma vẫn còn chần chờ. Phán quan hối:
- Lè lẹ lên, ở đó mà dang ca hoài, cái xác mi mà sình lên thì chỉ còn nước đem chôn.
Trần Văn Trụi đáp một cách xuôi vị:
- Bẩm, hay là để cho thiên hạ chôn quách đi cho rồi.
Em thân mến!
Biết rõ vị lai không phải là một chuyện dễ chịu cho lắm. Hèn chi Phật và chư tổ thường căn dặn chúng ta rằng: "Trong khi tu nếu chưa sạch phiền não mà rủi ro có được thần thông, biết được quá khứ vị lai thì phải buông bỏ cho lè lẹ kẻo phải lâm vào cảnh ngộ như chàng Trần Văn Trụi trên đây.
Người Mang Châu
Xưa, tại một làng ven biên giới có xảy ra tại nạn binh đao. Dân chúng phải bồng bế nhau đi lánh nạn. Trong đoàn người di tản đó, có một thanh niên, con nhà giàu, của cải vô số. Anh mặc vào người đến ba bộ đồ, mang theo một túi da cùng bốn bao vải lớn chứa đầy ngọc ngà châu báu, ai thấy anh cũng bật cười. Một vài người tốt bụng khuyên:
- Con đường mình đi tỵ nạn rất hoang vắng, trộm cướp nhiều như rươi. Anh mà mang hành lý cồng kềnh như thế này, tôi e lành ít dữ nhiều đa!
Anh chàng biện hộ:
- Đây là tài sản của riêng tôi, chưa chắc ai có được, người đâu của đó, thà chết chứ tôi không bỏ lại được.
- Nào ai có bắt chú vứt bỏ đâu... Có điều mang đi ngờ ngờ thế này thì e rước họa vào thân đấy!
Giặc tan, mọi người lục tục kéo về tất cả đều đủ mặt, duy có anh chàng nhà giàu nọ thì không có ngày về. Anh đã bị cướp giết dọc đường.
Em thân mến!
Cõi đời mà chúng ta đang sống đây thuộc về dục giới, nghĩa là chúng sanh xem ngũ dục là của báu. Đó là những món sắc, thinh, hương, vị, xúc làm đẹp ý vừa lòng thiên hạ. Chúng sanh thường chém giết nhau để tranh dành ngũ dục. Hàng tu sĩ chúng ta cũng giống như đoàn người di tản nọ. Thật là hiểm nguy cho kẻ nào trong bọn chúng mình còn đèo queo theo trong mình một ít tiền của, tài năng, danh tiếng hoặc sắc đẹp mà lại cố tình biểu diễn cho người khác thấy. Một tôn giả chúng sinh nào mà đã trông thấy "của báu" của chúng ta rồi thì sinh mạng của khổ chủ quả là như chỉ mành treo chuông... Hành giả khó mà vượt bể sinh tử được.
Đức Phật đã không phải là không có thâm ý khi bảo tăng đồ nhà Phật phải sống bần hàn, vô sản và cạo quách đi mái tóc, ăn mặc xuềnh xoàng để "nếu còn một tí ti sắc đẹp nào cũng tèm lem hết." Và thật là khó coi khi có vị tu sĩ nào cứ lo tô lục chuốt hồng bề ngoài, suốt ngày xăm soi, ve vuốt cái nhan diện của mình. Nó cũng chướng mắt hệt như ta bắt gặp các hình ảnh cồng kềnh của anh chàng nhà giàu trên đường chạy giặc trên. Riêng đối với các nhà hành giả nào không có lấy một tí ti tài sắc, xin quí vị cũng chớ lấy làm bi quan, mặc cảm, hờn duyên tủi phận... mà nên vui mừng vì con đường trở về rất là an toàn. Đã lên đường đi thì thế nào cũng có ngày đáo bỉ ngạn 100% đấy, thưa chư hiền hữu.
Ba Câu Hỏi Của Đức Vua
Thuở xưa có một vị vua thuộc vào hành minh quân, thương dân như con đẻ. Nhưng dù là minh quân, Ngài vẫn không sao tránh được một ít lỗi lầm đáng tiếc.
Lúc tuổi đã cao, nhà vua nghĩ rằng giá mà thời niên thiếu Ngài được các bậc hiền tài chỉ dẫn cho ba điều thắc mắc sau đây thì có lẽ Ngài tránh được rất nhiều khuyết điểm. Đó là những nghi vấn sau:
1. Thời gian nào quan trọng nhất của một công việc?
2. Nhân vật nào cần chú ý nhất đối với ta?
3. Công việc nào là tối quan trọng và khẩn thiết nhất?
Đức vua cho nêu ba câu hỏi trên trước hoàng thành, truyền rao khắp các thị trấn, làng mạc và hứa sẽ trọng thưởng cho người nào có lời giải đáp khôn ngoan nhất.
Bố cáo vừa được niêm yết thì các bậc hiền tài tuấn kiệt, thạc học minh triết lũ lượt kéo nhau về kinh thành. Mỗi người đưa ra một ý kiến. Triều đình phải thành lập một ban giám khảo, các quan thị lang làm việc tận lực, suốt hai tháng liền mới đúc kết các khuynh hướng thiên sai vạn biệt thành một vài trường phái nhất trí và dâng lên đức vua - vị chánh chủ khảo tối cao của cả nước.
Đáp lại câu hỏi đầu tiên có người bảo rằng: Muốn biết thời gian nào quan trọng nhất của một công việc, người ta phải thiết lập chương trình kế hoạch, thời dụng biểu hẳn hoi. Xong ta sẽ thực hành diễn tiến công việc theo từng thời điểm đã qui định sẵn đó... Nhưng ý kiến ấy liền bị nhà vua bác bỏ vì không ai có thể tiên đoán những điều sẽ xảy ra mà lập một khuôn mẫu sẵn, công việc đòi hỏi phải linh động mới được. Có trường phái lại cho rằng: Một người không thể khôn ngoan hơn tập thể. Đức vua nên thành lập một nội các gồm nhiều đại biểu để soạn thảo kế hoạch trước khi thi hành và làm theo quyết định chung. Một trường phái khác lại đề nghị đức vua cần thành lập một hội đồng tiên tri để xủ quẻ trước khi thực thi một công việc...
Như thế đại để mọi người đều đồng ý với nhau rằng: Thời gian quan trọng nhất của công việc là thời gian chuẩn bị nghĩ suy về công việc ấy.
Về câu hỏi thứ hai, người ta càng bất đồng ý kiến với nhau: Thượng đế, đức vua, quan tể tướng, các giáo sĩ, bốc sư... được đề nghị là những nhân vật quan trọng nhất.
Câu hỏi thứ ba cũng được giải đáp trong một tình trạng tương tự - công việc nào phải được xem là quan trọng nhất? Thưa đó là việc nước, việc nhà, việc ăn, việc mặc, học hành, giao tế, tâm linh, hành chánh, kinh tế, quân sự hay là tôn giáo? Các đề mục đều được các khối óc khôn ngoan tinh tế nhất đề cập đến...
Và vị chánh chủ khảo - tức là đức vua ấy không chấp nhận câu giải đáp nào cả...
Nhiều năm trôi qua... ba câu hỏi rơi dần vào quên lãng... cho đến một hôm, nhà vua nghe đồn rằng ở trên một đỉnh núi phủ đầy mây nọ có vị đạo sĩ được coi là bậc giác ngộ, nhưng vị chân tu này không bao giờ chịu hạ sơn để giao tiếp với các nhà quyền quý. Tiếng đồn về đạo sĩ khiến nhà vua để ý và một hôm ngài quyết định cải dạng thường dân đến tham vấn vị ẩn tu.
Đến nơi nhà vua gặp đạo sĩ đang cuốc đất. Vua vái chào và nêu lên ba câu hỏi. Đạo sĩ chỉ mỉm cười đưa tay vỗ nhẹ nhà vua rồi tiếp tục công chuyện. Đã được báo trước về tánh khí lạ lùng của đạo sĩ, đức vua không nản lòng, ngồi xuống một tảng đá chờ đợi. Hồi lâu, buồn tay, đức vua mời đạo sĩ nghỉ tay trao cuốc cho vua làm giúp. Nhiều giờ trôi qua đức vua vẫn xới đất, còn đạo sĩ thì nhổ cỏ quanh quẩn bên am tranh. Khi đôi tay vương giả bắt đầu chai phồng đức vua ngừng cuốc, nghỉ một giây lâu và nói với đạo sĩ:
- Tôi từ xa lặn lội đến đây cầu thầy chỉ giáo cho ba điều nghi vấn. Nếu thầy biết xin vui lòng chỉ dẫn cho, bằng không cũng xin cho biết để tôi trở về kẻo tối. Đạo sĩ mỉm cười định nói câu gì đó thì chợt cả hai người cùng nghe tiếng chân chạy dồn dập. Nhà tu bảo đức vua:
- Bác xem có ai đến kìa!
Nhà vua quay lại thì thấy một người vừa ngã quỵ xuống đất, toàn thân nhuộm máu. Hai người già không ai bảo ai, đều hối hả đến bên người bị nạn. Nạn nhân chỉ còn thoi thóp thở. Vua phụ lực với đạo sĩ băng bó các vết thương. Hai người im lặng làm việc cho đến lúc ngừng tay thì mặt trời đã lặn ở đỉnh núi bên kia.
Đưa nạn nhân vào thảo am, đặt người bệnh trên chiếc chõng tre độc nhất của căn lều, họ chia nhau mấy củ khoai rừng luộc và vì quá mệt đức vua ngã mình xuống nền đất thiếp đi.
Sáng hôm sau khi nhà vua giật mình thức giấc thì nắng đã nhuộm hồng chiếc thảo am và chim rừng kêu rộn rã. Đức vua phải bàng hoàng hồi lâu mới rõ mình đang ở đâu và làm gì... Đạo sĩ đã đi làm vườn sau khi đặt một rổ khoai luộc bên cạnh ông khách.
Trên chõng tre nạn nhân đã hồi tỉnh và đang nhìn đức vua bằng cặp mắt long lanh. Đức vua đến bên người bệnh, đặt một bàn tay lên vầng trán nóng như lửa của anh ta và cất tiếng thăm hỏi bệnh tình. Nạn nhân bỗng òa lên khóc:
- Xin bệ hạ tha tội cho ngu thần...
Vô cùng ngạc nhiên đức vua bảo:
- Khanh là ai mà lại biết trẫm?
- Bệ hạ không biết thần đâu. Hạ thần chính là em trai của võ tướng Trần Đoàn, người bị bệ hạ giết oan trong mùa thu năm Tân Dậu. Thần đã thề trước linh cửu của anh là sẽ giết bệ hạ để báo thú. Biết bệ hạ lên núi này thần mai phục sẵn. Không ngờ đợi đến tối mà bệ hạ vẫn chưa xuống núi, thần liền đi tìm... và bị chợt chân té xuống triền núi. Nếu không nhờ bệ hạ ra tay cứu chữa thì có lẽ thần đã mất mạng. Từ đây oan cừu xin giải hết... Thần cúi mong bệ hạ tha tội chết cho hạ thần.
- Câu chuyện đáng tiếc năm xưa đã làm ta hối tiếc khôn nguôi, nhưng việc đã dĩ lỡ rồi, trẫm không biết tính sao. Bây giờ chẳng những trẫm tha lỗi cho khanh, mà trẫm còn phục hồi chức tước và chu cấp cho gia đình Trần Đoàn nữa. Khanh hãy yên tâm mà tịnh dưỡng đi.
Đức vua ra hiệu gọi vệ sĩ đến, cho khiêng nạn nhân xuống núi và vời ngự y tới để chăm sóc vết thương. Sắp xếp đâu đó xong xuôi, vua đi tìm đạo sĩ. Nhà tu đang lúi húi trồng rau trên vạtn đất mới cuốc hôm qua. Đức vua ngỏ ý cáo từ và lập lại ba câu hỏi::
- Xin đạo sĩ giải đáp cho...
Nhà tu mỉm cười:
- Bần đạo đã trả lời cho bệ hạ rồi đó. Đức vua ngạc nhiên:
- Hồi nào đâu?
- Ngay lúc bệ hạ vừa nêu câu hỏi.
- ???
- Này nhé "thời gian nào là thời gian quan trọng nhất" đó là lúc bệ hạ cuốc đất giúp cho bần đạo, nếu thiếu khoảng thời gian này thì bệ hạ đã bị chết về tay anh chàng kia rồi nhé. "Nhân vật quan trọng nhất" chích là bần đạo đây, quan trọng đến nỗi bệ hạ phải trèo non lội suối đi tìm có phải không? Và câu hỏi thứ ba "Công việc nào là cần thiết nhất?" Thưa đó là cuốc đất, việc mà hai chúng ta đã làm ngày qua...
Rồi sau đó, khi chàng thanh niên xuất hiện, anh ta biến thành nhân vật quan trọng nhất, công việc cần thiết nhất là cấp cứu cho anh ta và thời gian cứu chữa là thời gian quan trọng nhất. Có phải thế không nào?
Nhà vua cúi đầu ngẫm nghĩ giây lâu, cất tiếng:
- Thưa đạo sĩ, trẫm đã hiểu. Thời gian quan trọng nhất là thời gian hiện tại. Nhân vật cần thiết nhất là người mà ta cần gặp gỡ trong hiện tại và công việc khẩn thiết nhất cũng là công việc trong hiện tại. Quá khứ là những điều đã qua rồi vĩnh viễn, vị lai chỉ là những ảo tưởng mơ hồ... chỉ có khoảng khắc ngắn ngủi trong hiện tại là giúp đỡ người chung quanh ngay trước mắt ta trong cái giây phút ngắn ngủi quý báu đó. Thưa có phải thế không ạ?
Đạo sĩ mỉm cười và nụ cười đó thay lời tống biệt đưa nhà vua xuống núi, nơi mà triều đình và thần dân đang đón chờ ngài.
Em thân mến!
Hiện tại là cái khoảnh khắc ngắn ngủi mà chúng ta luôn luôn bỏ quên vì mãi lo hoài bão về tương lai, tiếc thương cho quá khứ, không ngờ nó lại là thời gian quan trọng nhất. Chư Tổ thiền tông cũng dạy chúng ta rằng:
"Việc qua rồi chẳng nhớ
Việc chưa đến đừng lo
Việc hiện tại chớ đem lòng vọng tưởng."
Lời dạy này cũng đồng nghĩa với câu giải đáp của đạo sĩ trên. Nếu chỉ sống với giây phút hiện tiền, thì dù ta đang gánh nước, bữa củi, uống trà, mặc áo, ăn cơm... tất cả những chuyện tầm thường nhất, không hành vi nào mà không phải là đạo.
Những điều thú vị của câu chuyện trên là lời giải đáp cho câu hỏi thứ ba "Công việc nào là cần thiết nhất." Thưa đó là giúp đỡ những người chung quanh ta, cũng ngay trong hiện tại.
Trong cuộc sống hàng ngày mãi lo ngong ngóng đến tương lai, chúng ta thường bỏ quên hiện tại. Có lẽ vì mãi nghĩ đến những chúng sanh mà mình sẽ độ sau này (khi đã thành Phật hay Bồ tát chính hiệu), nên em không thấy được rá rau của người bạn tri nhật đang hối hả lặt cho kịp giờ cơm, quên luôn nền nhà đầy rác đang cần quét, chiếc ly uống nước đầy cáu bẩn v.v...
Tương lai đã che khuất em không thấy được những người bạn đồng tu của mình đang nhễ nhại mồ hôi, đầu tắt mặt tối vì công việc... và điều này khi nói ra e làm em bất bình, nhưng tôi xin chân thành xin lỗi em trước, cũng như tôi đã sám hối và ân hận mãi vì đã có một thời tôi và em, những người mãi miết lo nghĩ đến tương lai đã biến chuyện tu hành của mình thành một gánh nặng cho bè bạn. Và chúng ta đã đặt tên cho những hành động lạ lùng đó bằng các danh từ thật kêu như "hạ thủ công phu," "giải quyết sinh tử," "miên mật tu hành." Hỡi ơi, nếu trong hiện tại chúng ta nhẫn tâm lợi dụng sức lao động của bạn bè mình, để làm bàn đạp tiến thân, tiến đến quả vị Phật tổ là những quả vị không còn dấu vết của bản ngã (và những phụ tùng của nó là tham, sân, si). Chúng ta thản nhiên nhắm mắt làm ngơ trước những công việc cần thiết cấp bách cho mình và cho người chung quanh để chỉ lo thực hiện cho kỳ được những hoài vọng do cái bản ngã đa sự của chính mình, với một lời hứa hẹn trấn an lương tâm là: "Chừng nào mình hoát nhiên đại ngộ hay thành Phật chẳng hạn, tôi sẽ độ cho quý vị hết trơn hết trọi." Và chúng ta sẽ nhắn nhủ thầm rằng: "Còn bây giờ quý vị nên làm công quả cho tui, chuyện tu hành khó khăn lắm, cần phải có những căn cơ siêu việt mới có thể đảm đương được (như tui đây chẳng hạn)... chừng nào cuộc thí nghiệm của tôi thành công, công lao của quý vị sẽ được đền bù gấp trăm, gấp nghìn lần."
Em thân mến!
Trong kinh Kim Cang, Ngài Tu Bồ Đề có hỏi Phật rằng:
- Những người thiện nam hay thiện nữ khi đã phát tâm vô thượng bồ đề rồi thì làm sao hàng phục được tâm mình?
Ngài đã đại diện cho chúng ta nêu lên cái nguyện vọng, nỗi băn khoăn nghìn đời là "làm thế nào để con được thành Phật?" Câu trả lời của đấng đạo sư đã khiến ta bối rối hết sức:
- Con nên độ cho hết thảy chúng sinh vào vô dư niết bàn mà không thấy có một chúng sinh nào được diệt độ.
Câu đáp trở thành khó hiểu khi chúng ta ngỡ rằng "thành Phật tức là thành một đấng gì đó" cao hơn hết thảy chúng sinh, một "khối" gì đó... chẳng hạn. Còn nếu chúng ta chỉ hiểu một cách giản dị rằng: Phật chính là sự giác ngộ. Thành Phật tức là thành một chúng sinh giác ngộ - nhưng giác ngộ cái gì mới được chứ. Thưa, giác ngộ rằng "bản ngã" không thật bền, không có...
Nỗi bận tâm duy nhất và tha thiết nhất của chúng ta là cái bản ngã của chính mình. Từ lâu chúng ta mê mải tìm cầu ngũ dục cho nó hưởng thọ... Không ngờ cái dư vị của ngũ dục quá đắng cay khiến chúng ta đâm hoảng... Và thay vì say mê tham đắm ngũ dục, chúng ta lại xoay qua mê tu tham đắm niết bàn giải thoát. Đối tượng có thay đổi, nhưng lòng tham lam tính toán vẫn còn đó... Ngày xưa chúng ta bon chen, thủ lợi, giành giựt ngũ dục ra sao thì bây giờ ta cũng tính toán để tóm cho bằng được Niết bàn hay quả vị Phật hệt như vậy.
Thế nên, nếu Đức Phật đưa ra một đường lối, một phương pháp để đạt... Niết bàn thì chúng ta sẽ chịu lắm. Ta sẽ sẵn sàng hy sinh tất cả... để giật cho được cái Niết bàn lè lẹ kẻo thiên hạ phỏng tay trên hết. Vì thế câu trả lời của Đức Từ phụ đã làm chúng ta chưng hửng và thất vọng biết bao! Hỏi làm cách nào để được giải thoát. Ngài lại bảo: "Hãy lo độ sanh đi, tức khắc tâm con được an, tâm an tức được giải thoát."
Bàn về huyền nghĩa của kinh Kim Cang chúng ta có đến hằng khối kinh luận sớ và sao, giảng giải... Thế nên nơi đây tôi không dám bàn thêm. Tôi chỉ xin kể cho em nghe về chuyện thiền sư Triệu Châu, một Tổ sư Trung Hoa cũng có một câu đáp "lãng quẻ" tương tự.
Có một bà lão đến hỏi sư. "Già này mang thân đàn bà ô uế, bị đủ thứ ràng buộc... làm sao để thoát thân nữ?"
Sư đáp:
- Bà hãy phát tâm nguyện như thế này: Nguyện cho tất cả chúng sinh đều được thân tướng trang nghiêm của đại trượng phu, còn riêng thân tiện tỳ này thì vĩnh kiếp trầm luân nơi địa ngục.
Lão tử cũng có câu tương tự:
- Những ai muốn đứng trước thiên hạ thì hãy đặt mình đứng sau thiên hạ.
Và cũng có lẽ vì thế mà Đại thừa Phật giáo đã không tiếc lời ca ngợi hạnh nguyện Bồ tát chăng? Xin mở một ngoặc đơn (chúng sanh: là người tìm đủ mọi cách để thỏa mãn tham vọng của riêng mình. Bồ tát: là người giác ngộ được chút đỉnh, nên dù vẫn thiết tha cầu Phật đạo mà vẫn không bỏ việc lợi sanh, nhưng Bồ tát không có phụng sự cho dục vọng của chúng sanh đâu nghen!) Em nghĩ sao? Ư nhữ ý vân hà? Nếu những lời lẽ trên đây có làm em khó chịu thì tôi xin cáo lỗi và xác định lại: Đây chỉ là lời lải nhải, độc thoại tự nhủ của một người hơn là ngỏ cùng độc giả vậy.
Mối Dây Thân Ái
Visakha là một nữ đệ tử tục gia của Phật. Một hôm bà đến thăm Phật tại tịnh xá Kỳ viên với nước mắt ràn rụa. Đức Phật hỏi:
- Này Visakha! Sao hôn nay con có vẻ buồn thảm thế?
- Bạch Thế Tôn, con mới vừa mất đi một cháu trai dễ thương, không ai trông thấy cháu mà không mến yêu cho được.
- Này Visakha! Nếu như toàn thể cư dân thành Xá Vệ này là thân quyến của con... thì con cảm thấy thế nào?
- Bạch Thế Tôn, ước mong sao được như thế, con vẫn thầm mong rằng bất cứ người nào cũng đều là thân bằng quyến thuộc của mình.
- Nhưng này Visakha! Ở thành Xá Vệ này mỗi ngày có khoảng bao nhiêu người chết?
- Bạch Thế Tôn có lẽ khoảng hàng chục người...
- Nếu vậy thì... có ngày nào con được ráo nước mắt đâu?
- Bạch Thế Tôn! Thật là vừa đủ cho con với ngần ấy cô cháu, con dì, chú bác nội ngoại... để mà sầu lo buồn khóc...
- Này Visakha! Những ai có 100 người thân, kẻ ấy có 100 mối sầu, những ai có 50 người thân, kẻ ấy có 50 nỗi lo buồn.. những ai không chấp thủ rằng đây là ta, đây là người thân của ta, kẻ ấy không có sự khổ. Ta xác nhận rằng đó là người không sầu, không tham đắm, không có ưu não. Và đức Thế Tôn liền đọc kệ:
"Sầu than với đau khổ
Sai biệt có ở đời
Do thân ái chúng có
Không thân ái chúng không
Do vậy người an lạc
Được không sầu không than
Chớ làm thân làm ái
Với một ai ở đời."
Người Yêu Muôn Thuở
Ba Tư Nặc là đức vua trị vì vương quốc Kosala, một quốc gia hùng cường ở Ấn Độ, trong thời Phật còn tại thế.
Đức vua có một vị hoàng phi xinh đẹp tên là Mạt Lợi, mỹ nhân này là một cô công chúa của giòng họ Thích Ca, được vua Ba Tư Nặc đặc biệt sủng ái.
Một hôm nhà vua hỏi nàng Mạc Lợi:
- Trên đời này, ái khanh yêu ai nhất?
- Muôn tâu... dĩ nhiên là thiếp quý bệ hạ nhất.
- Trẫm cùng đoán là khanh sẽ trả lời như vậy.
Mạt Lợi mỉm cười:
- Muôn tâu, nếu thánh thượng cho phép thần thiếp sẽ nói khác đi một tí, nhưng xác thật hơn.
- Ái khanh cứ nói.
- Muôn tâu, người mà thần thiếp yêu quý nhất chính là thần thiếp.
- Sao? Mình lại yêu mình? Trẫm không hiểu ái khanh muốn nói gì?
- Tâu bệ hạ, vì có ái trọng tự ngã của mình nên thần thiếp mới yêu thương bệ hạ... Vì bệ hạ là người đã đem lại hạnh phúc cho cái tự ngã này.
- Trẫm đồng ý điều đó, nhưng vẫn chưa hiểu rõ ý của ái khanh.
- Muôn tâu, thần thiếp xin mạn phép nêu ra một câu hỏi: "Trên đời này bệ hạ yêu quý ai nhất?"
- Ái khanh chứ còn ai nữa?
- Nhưng giả sử như thần thiếp lại đi yêu thương chìu chuộng, ve vuốt một người đàn ông khác thì bệ hạ sẽ tính sao... Muôn tâu, thần thiếp chỉ giả dụ vậy thôi.
- À... à... trẫm sẽ, trẫm sẽ...
- Nghĩa là bệ hạ sẽ nỗi trận lôi đình và chém đầu thần thiếp ngay lập tức?
- Ái khanh hỏi rắc rối thật!
- Muôn tâu, có đúng thế không ạ?
- À... à...
- Đúng... phải không bệ hạ?
- Ờ... ờ... có lẽ đúng như vậy.
- Thế thì... bệ hạ đã hiểu rõ câu đáp của thần thiếp rồi chứ?
Nhà vua im lặng giây lâu rồi lặng lẽ gật đầu:
- Có lẽ, khanh nói đúng, mình chỉ yêu thương có mình mà thôi.
Hôm sau, đức vua xa giá đến Kỳ Viên thăm Phật và trình bày tự sự câu chuyện đối đáp giữa vua và hoàng phi Mạt Lợi. Đức Phật đã xác nhận ý kiến của hoàng phi Mạt Lợi bằng một bài kệ trong kinh Phật Tự thuyết:
Tâm ta đi cùng khắp
Tất cả mọi phương trời
Cũng không tìm thấy được
Ai thân hơn tự ngã.
Và đức Thế Tôn cũng nhắn nhủ luôn đức vua Ba Tự Nặc cùng số thính chúng đang hiện diện.
Tự ngã đối mọi người
Quá thân ái như vậy
Vậy ai yêu tự ngã
Chớ hại tự ngã người